Số lần đọc/download: 12551 / 445
Cập nhật: 2015-08-31 15:47:19 +0700
Chương 2 Hỏi Cung Lần Đầu
K
. đã được báo bằng điện thoại đến chủ nhật sau người ta sẽ tiến hành một cuộc thẩm vấn nho nhỏ về vụ việc của anh.
Người ta cũng báo cho anh biết trước từ nay trở đi cuộc thẩm vấn sẽ tiếp tục điều đặn, và nếu không phải tuần nào cũng có hỏi cung thì ít ra cũng sẽ khá thường xuyên. Người ta bảo anh là cần phải mau chóng kết thúc vụ án vì lợi ích của tất cả mọi người, nhưng các cuộc hỏi cung vẫn cứ phải hết sức tỉ mỉ, đồng thời phải khá ngắn gọn để tránh mệt mỏi thái quá. Chính vì những lý do ấy nên người ta mới chọn cách hỏi cung rải ra thành nhiều lần nho nhỏ nhưng thường xuyên. Còn như chọn ngày chủ nhật là để khỏi ảnh hưởng đến công việc nghề nghiệp của anh. Người ta dự đoán là anh đồng ý; tuy nhiên, nếu anh thích vào một ngày khác hơn, người ta sẽ cố chiều theo ý anh trong chừng mực có thể, chẳng hạn hỏi cung vào ban đêm, nhưng cách ấy không hay, vì K. sẽ không đủ sức chịu đựng mệt mỏi đến thế, rút cục đành chọn ngày chủ nhật nếu anh không thấy có trở ngại gì. Tất nhiên là anh buộc phải có mặt, chẳng cần nhấn mạnh đến điều đó; người ta cho anh biết số nhà anh phải tới; đó là một tòa nhà xa xôi tại một phố ngoại ô K. chưa đến bao giờ.
Anh đặt máy nghe xuống không trả lời gì khi người ta báo cho biết tin ấy; anh quyết định đi tới đó; chắc chắn cần thiết phải tới; vụ án thắt lại rồi và anh cần phải đương đầu với tình thế; phải làm sao để cuộc hỏi cung lần đầu ấy cũng là lần cuối. Anh đứng đăm chiêu bên máy điện thoại, chợt nghe sau lưng tiếng nói của ông phó giám đốc hình như cũng muốn gọi dây nói, nhưng anh đứng vướng.
“Tin chẳng lành ư?”, ông phó giám đốc hỏi một giọng nhẹ nhàng, không phải để tò mò muốn biết, mà chỉ cốt để cho K. tránh lui máy ra.
“Không, không”, K. nói và đứng né ra nhưng không đi.
Ông phó giám đốc cầm ống nghe và nói với K. trong lúc chờ đợi đường dây, tay vẫn không rời máy:
“Xin hỏi một câu, ông K. ơi! Ông có vui lòng đến để đi chơi thuyên buồm với tôi vào sáng chủ nhật này không? Có đông người lắm và thế nào ông cũng gặp bè bạn. Có cả ngài biện lý Hasterer. Ông đến chứ? Nào, ông đồng ý đi!”.
K. cố gắng chú ý đến những điều ông phó giám đốc nói. Đây hầu như quả là một sự lạ, vì anh và ông phó giám đốc xua nay chưa bao giờ thật thông cảm với nhau, lời mời này có nghĩa là thủ trường của anh muốn hòa giải và chứng tỏ vị trí của anh ở nhà ngân hàng; nó chứng tỏ vị thủ trưởng thứ hai của ngân hàng rất muốn tranh thủ được cảm tình của K. hay ít nhất cũng mong anh giữ thái độ trung lập. Tuy ông phó giám đốc chỉ mời trong lúc chờ nói điện thoại, tay không rời máy nghe, nhưng như thế là ông cũng đã tự hạ mình rồi; K. còn làm cho ông nhục nhã thêm khi trả lời:
“Cám ơn ông vô cùng, nhưng sáng chủ nhật tôi đã có hẹn”.
- Tiếc quá nhỉ! - Ông phó giám đốc nói và quay về phía máy điện thoại vừa bắt được liên lạc.
Cuộc trò chuyện bằng điện thoại khá lâu, nhưng K. vẫn lơ đãng đứng gần máy suốt thời gian ấy. Chỉ đến khi thấy ông phó giám đốc đặt ống nghe xuống, anh mới giật mình và nói như để thanh minh phần nào cho sự có mặt vô tích sự của anh:
- Họ vừa gọi dây nói bảo tôi đến một địa điểm, nhưng lại quên không cho biết là vào giờ nào.
- Vậy ông gọi lại đi. - Ông phó giám đốc bảo.
- Ồ đâu có quan trọng đến mức như vậy! - K. nói, tuy rằng lời khẳng định ấy làm giảm giá trị câu thanh minh lúc nãy vốn đã không đủ sức thuyết phục.
Ông phó giám đốc khi bước đi còn nói với anh nhiều chuyện khác nữa. K. miễn cưỡng trả lời nhưng đầu óc nghĩ đâu đâu. Anh tự nhủ tốt nhất là sẽ có mặt những ngày ấy vào lúc chín giờ vì đó là giờ tòa bắt đầu làm việc.
Hôm chủ nhật, trời u ám. K. rất mệt, vì suốt một nửa đêm hôm trước, anh chè chén với mấy người quen ở tiệm ăn nhân một cuộc vui nho nhỏ, và anh suýt nữa quên giờ. Anh không có thời gian suy nghĩ và liên kết các dự định khác nhau anh vạch ra trong tuần; anh phải mặc quần áo vội vàng và đi đến vùng ngoại ô đã được chỉ định, không kịp ăn sáng. Tuy không có mấy thì giờ nhìn phố xá, nhưng lạ thay, trên đường đi, anh thấy Rabensteiner, Kullisch và Kaminer là ba nhân viên ngân hàng có dính líu đến vụ việc của anh. Hai tay đầu anh nhìn thấy trên xe điện, còn Kaminer thì ngồi ở ngoài hiên một tiệm cà phê và tò mò nhoài người trên hàng lan can trước cửa tiệm đúng vào lúc anh đi ngang qua trước mặt hắn. Cả ba đứa đã đưa mắt nhìn theo anh, ngạc nhiên thấy cấp trên của chúng chạy vội như thế; K. không đi xe điện vì anh muốn tỏ ra mình bất cần; trong việc này anh thấy ớn không muốn bất cứ ai cứu giúp; anh không muốn cầu đến ai để bảo đảm không cho ai biết đến điều bí mật; anh cũng không muốn tự hạ mình trước ban điều tra chút nào bằng thái độ quá nghiêm túc.
Trong khi chờ đợi, anh rảo bước để có thể đến kịp vào lúc chín giờ, mặc dầu anh không được triệu tập vào giờ đích xác.
Anh nghĩ có lẽ nhận ra tòa nhà từ xa qua một dấu hiệu nào đấy anh chưa hề hình dung trong óc hoặc có người nấp ở các cửa ra vào. Nhưng đến đầu phố Saint-Jules, nơi có địa chỉ tòa nhà, anh dừng lại một lát, chỉ thấy hai bên những dãy nhà cao xam xám một kiểu giống nhau, những khối nhà tồi tàn cho người nghèo thuê. Vào buổi sáng chủ nhật ấy, hầu như cửa sổ nào cũng có người, những gã đàn ông mặc áo lót đứng tựa cửa sổ, hoặc thận trọng và âu yếm đỡ các trẻ nhỏ ngồi lên chỗ tì tay. Ở những cửa sổ khác là các chồng khăn trải giường, chăn, mền, trên đó thỉnh thoảng lại thấy nhô lên đầu một phụ nữ tóc bù xù. Người ta gọi nhau ý ới, người ta nói đùa với nhau từ bên này qua bên kia phố; một trong những lời đùa cợt ấy làm cho ai nấy nhìn K. cười ầm lên. Dọc theo hai dãy nhà có các quán hàng hoa quả thịt, rau; khoảng cách đều đặn và hơi íhấp hơn mặt phố một chút: muốn vào quán phải bước xuống mấy bậc, phụ nữ đi đi lại lại ở đấy, một số khác đứng nói chuyện ở bậc lên xuống. Một người bán hàng rong đẩy xe hàng vừa đi vừa rao, suýt gạt ngã K. Cùng lúc ấy, một chiếc máy hát cất lên bài ca chiến thắng, giọng rè rè vì dùng lâu đã mòn tại những khu phố sang trọng hơn.
K. thong thả đi sâu vào trong phố như thể lúc này anh còn thì giờ, hoặc viên dự thẩm đứng ở cửa sổ nào đó nhìn thấy và biết anh đã đến rồi. Lúc ấy hơn chín giờ một chút. Ngôi nhà ở khá xa, mặt trước dài thườn thượt, có cái cửa rộng thênh thang, chắc là được trổ ra để cho xe ba gác chở hàng hóa vào các nhà kho khác nhau vây quanh một cái sân rộng, cửa kho đóng kín, vài kho có đề tên các hãng buôn K. quen biết ở ngân hàng. Trái với thói quen, anh quan sát rất tỉ mỉ những chi tiết ấy và còn dừng lại một lúc ở lối vào sân. Gần anh có một người đàn ông chân đi đất ngồi đọc báo trên một chiếc hòm gỗ. Hai cậu thiếu niên đu đưa ở hai đầu một cái xe đẩy. Trước máy nước, một cô bé mảnh khảnh, mặc áo chẽn, đứng nhìn K. trong lúc nước chảy vào vò. Tại một góc, giữa hai cửa sổ, người ta treo quần áo trên dây; một gã đàn ông đứng phía dưới, điều khiển công việc, chỉ dẫn này nọ.
K. đã tiến vào đến cầu thang thì bỗng dừng lại khi còn có ba cầu thang khác nữa, không kể một lối đi hẹp có lẽ thông sang cái sân thứ hai. Anh bực mình vì người ta đã không nói rõ cho biết vị trí cái phòng nơi anh phải tới; họ đã xử sự với anh một cách cẩu thả lạ lùng, thờ ơ đến bực; anh có ý định sẽ dứt khoát nói toạc điều ấy ra. Nhưng rồi anh cũng leo lên thang gác thứ nhất, thầm nghĩ đến câu nói của gã thanh tra Willem, hắn bảo anh rằng pháp lý bị “lôi cuốn bởi tội phạm”, nếu vậy thì căn phòng phải tìm nhất định ở đầu cái thang gác mà K. đã tình cờ lựa chọn.
Khi lên, anh làm cho những đứa trẻ đương chơi ở chỗ mặt bằng giữa thang phải tránh ra, và chúng hậm hực nhìn anh đi ngang qua giữa hàng lối chúng.
“Nếu còn phải trở lại đây, - Anh nghĩ bụng - mình sẽ cần phải mang kẹo để tranh thủ thiện cảm của chúng hoặc một cái roi để quật”.
Thậm chí anh còn phải chờ một lúc cho quả cầu của chúng lăn xong; hai thằng nhóc trông đã có vẻ ma cà bông túm quần giữ anh lại; nếu anh giằng ra chắc sẽ làm chúng đau, và anh sợ chúng kêu toáng lên.
Lên đến tầng gác thứ nhất anh mới bắt đầu thực sự tìm kiếm.
Vì không thể nào hỏi viên dự thẩm, anh liền bịa ra một bác thợ mộc Lanz - anh chợt nghĩ ra cái tên ấy vì đó là tên của cháu bà Grubach - và anh định đi khắp các phòng hỏi xem bác thợ mộc Lanz có phải là ở đấy không, để kiểm cớ nhìn vào bên trong. Nhưng anh nhận thấy có thế nhìn vào phần lớn các phòng dễ dàng hơn rất nhiều, vì hầu hết các cửa đều bỏ ngỏ để trẻ em ra vào. Qua cửa, nói chung anh nhìn thấy những căn phòng nhỏ, có một cửa sổ, dùng làm nhà bếp và phòng ngủ. Các phụ nữ, một tay ôm đứa con bé nhất, tay kia đảo xoong chảo trên bếp lò. Các cô bé mặc một chiếc tạp dề giản dị có vẻ như làm đủ mọi việc. Trong một số phòng, trên giường còn có người ốm, người ngủ hoặc mặc nguyên áo quần nằm nghỉ. Khi gặp phòng nào đóng cửa, K. gõ và hỏi xem bác thợ mộc Lanz có ở đấy không. Thường thường một người đàn bà ra mở cửa, nghe hỏi, rồi quay vào nói với ai đó ngồi nhỏm dậy trên giường.
- Ông ấy hỏi ở đây có ai là bác thợ mộc Lanz không.
- Bác thợ mộc Lanz à? - Từ trong giường có người hỏi.
- Vâng. - K. nói, tuy rằng viên dự thẩm không có ở đấy và anh không cần biết gì thêm nữa.
Nhiều người tưởng rằng anh rất cần tìm bác thợ mộc Lanz ấy, họ nghĩ ngợi mãi và cuối cùng nói đến một ông thợ mộc, nhưng tên không phải là Lanz, hoặc một cái tên nghe hao hao giống như tên Lanz, hoặc lại đi hỏi hàng xóm, hay cùng đi với K. đến tận cửa phòng nào đó theo ý họ có thể có người tên như thế hoặc có người biết rõ hờn có thể chỉ dẫn cho K. Cuối cùng, bản thân K. hầu như cũng chẳng còn gì để hỏi nữa. Người ta đã dẫn anh đi gần như khắp nơi. Mới đầu anh có vẻ đắc ý về phương pháp của mình, bây giờ thấy nó thật vô tích sự. Lên đến tầng gác thứ năm, anh quyết định thôi không tìm kiếm nữa, từ biệt một người thợ trẻ có nhã ý muốn dẫn anh đi tiếp lên tầng trên, và xuống thang gác. Nhưng tức mình vì không được việc gì nên anh lại trèo lên thang lần nữa và gõ cửa một căn phòng ở tầng gác thứ năm. Vật đầu tiên anh nhìn thấy trong căn phòng hẹp là chiếc đồng hồ to tướng kim đã chỉ mười giờ.
- Có phải đây là nhà bác thợ mộc Lanz không ạ? - Anh hỏi.
- Mời anh vào. - Một thiếu phụ mắt đen lay láy nói, chị đương giặt quần áo trẻ em trong chiếc chậu gỗ, giơ bàn tay đầy bọt xà phòng trỏ chiếc cửa mở của phòng bên cạnh.
K. tưởng chừng đặt chân vào trong một cuộc họp công cộng. Đám đông đủ các hạng người ngồi chật ních căn phòng có hai cửa sổ, quanh phòng là ban công gần sát trần, người đứng chen chúc, ai cũng phải khom khom, đầu và lung đụng vào trần nhà. Chẳng ai buồn để ý có anh bước vào.
Thấy không khí ngột ngạt quá, K. lại bước ra và nói với người thiếu phụ chắc đã hiểu sai ý anh:
- Tôi hỏi chị có ai tên là Lanz làm nghề thợ mộc.
- Có mà! - Chị ta nói - Anh cứ vào.
Có lẽ K. cũng chẳng vào nếu đúng lúc ấy chị không nắm lấy quả đấm cửa và nói:
- Anh vào xong là em phải đóng cửa; không ai có quyền được vào nữa.
- Chí phải. - K. nói - Nhưng phòng đông người quá rồi.
Rồi anh vẫn vào. Giữa hai người đàn ông đương đứng tựa cửa nói chuyện - một người giơ cả hai tay như đang cho tiền, người kia chăm chú nhìn vào mặt - có một bàn tay thò ra bíu lấy K. Đó là bàn tay một thiếu niên má đỏ hồng.
- Chú vào đây, vào đây. - Cậu ta nói.
K. theo cậu dẫn đi; anh thấy có một lối đi hẹp hình như phân chia đám đông ra thành hai phe; có lẽ đúng thế, vì dọc theo hai hàng đầu, bên phải và bên trái, anh chẳng thấy có ai quay mặt về phía anh cả, mà chỉ nhìn thấy lưng những người đương hoa tay nói với một nửa khối cử tọa mà thôi. Phần đông đều mặc đồ đen với những chiếc áo rơ-đanh-gốt lễ phục dài buông thõng quanh thân thể. Chính cách ăn mặc ấy làm cho K. bối rối; nếu không có lẽ anh đã tưởng mình đương ở trong một hội nghị chính trị.
Ở đầu kia của gian phòng, nơi anh đương được dẫn tới có một chiếc bàn nhỏ kê ngang trên cái bục thấp người cũng ngồi chật ních như trong khắp phòng; ngồi sau bàn, gần mép bục, là một người đàn ông béo lùn, hổn hển, đương nói, giữa những tiếng cười ầm ĩ, với một người đứng phía sau lưng, chân bắt chéo, khuỷu tay tì vào lưng ghế tựa. Thỉnh thoảng ông ta lại khua tay lên không khí như phác họa một người nào đó; cậu bé dẫn K. khó khăn lắm mới thực hiện được nhiệm vụ của mình. Đã hai lần cậu phải kiễng chân lên tìm cách báo tin K. đã tới, nhưng người đàn ông thấp béo vẫn không trông thấy. Chỉ đến khi một trong những người ngồi trên bục nói cho biết, người đàn ông béo lùn mới quay lại và cúi xuống nghe cậu thì thầm. Rồi ông rút đồng hồ ra và đưa mắt nhìn K. một cái.
“Lẽ ra ông phải có mặt trước đây một giờ năm phút”, ông ta bảo.
K. muốn trả lời, nhưng anh không có thì giờ, vì ông vừa dứt lời thì tiếng xì xào rộ lên ở nửa phòng bên phải.
“Lẽ ra ông phải có mặt trước đây một giờ năm phút”, ông ta nhắc lại to hơn và nhìn về phía công chúng. Tiếng ồn ào đột ngột tặng lên, đến khi người đàn ông không nói gì nữa, thì nó cung lắng xuống dần dần. Bây giờ còn yên lạng hơn lúc K. mới bước vào. Chỉ những ai đứng trên ban công là còn bàn tán. Nhìn trong bóng tối lờ mờ, qua lớp bụi và khói, họ ăn mặc có vẻ còn tồi tàn hơn những người ngồi ở dưới nhà nhiều. Trong bọn họ có nhiều kẻ mang theo gối, đệm lên đầu để khỏi va vào trần.
K. đã chủ tâm quan sát nhiều mà nói ít thôi, nên chẳng buồn phân trần về việc người ta bảo anh đến muộn, anh chỉ nói:
“Đến muộn hay không thì bây giờ tôi cũng đã đến đây”.
Những lời tán thưởng lại vang lên ở nửa phòng bên phải.
“Rất dễ tranh thủ cảm tình của những người này” - K. nghĩ anh chỉ lo ngại về sự im lặng của nửa bên trái, trước mặt chỗ anh đứng, là nơi chỉ nổi lên những lời tán thưởng lẻ tẻ. Anh tự hỏi không biết nên nói năng thế nào để tranh thủ nhất tề tất cả mọi người, hoặc nếu không thể được, thì ít nhất cũng tranh thủ thiện cảm của những ai từ nãy đến giờ vẫn im lặng.
“Đúng thế, - Người đàn ông béo lùn liền đáp - nhưng bây giờ tôi không bó buộc phải lắng nghe ông nữa”.
Tiếng xì xào lại rộn lên, nhưng lần này nó làm cho mọi người hiểu lầm, vì người đàn ông vừa ra hiệu cho ai nấy im lặng, vừa vẫn tiếp tục nói:
“Song hôm nay thì tôi sẽ lắng nghe ông, trường hợp ngoại lệ chỉ một lần này nữa thôi. Nào bây giờ ông lên đây”.
Có một người nhảy từ trên bục xuống lấy chỗ cho K. đứng. Anh áp sát mép bàn và sau lưng người ta chen ghê quá, anh phải cố chống lại để khỏi làm đô bàn và có lẽ xô ngã cả viên dự thẩm.
Nhưng viên dự thẩm chẳng hề lo lắng mảy may, ông ngồi thoải mái trên chiếc ghế tựa của ông. Sau khi nói mấy lời với người đứng sau lưng, ông cầm một quyển sổ nhỏ là thứ duy nhất có trên bàn. Nó giống như một quyển vở học sinh cũ nát, xộc xệch vì đã giở đi giở lại nhiều lần.
- Xem nào. - Viên dự thẩm giở sổ và nói với K. bằng một giọng ghi nhận - Ông là thợ sơn nhà cửa?
- Không, - K. nói - tôi làm đại diện ở một ngân hàng lớn.
Câu trả lời ấy được phe bên phải cười tán thưởng rất thân ái đến nỗi K. cũng phải cười theo. Mọi người đặt tay lên đầu gối và rung cả người như trong cơn ho rũ rượi; viên dự thẩm giận sôi lên, nhưng xem chừng chẳng làm gì được những người ngồi dưới nhà, nên tìm cách trút giận lên ban công và cau lông mày dọa nạt, cặp lông mày bình thường không ai để ý, nhưng trong lúc giận dữ ấy, trông nó có vẻ dựng đứng lên, đen sì và dễ sợ.
Nửa phòng bên trái vẫn hoàn toàn giữ thái độ bình thản; ai nấy vẫn ngồi thành dãy ngay ngắn, mặt quay lên bục và lặng lẽ nghe tiếng huyên náo ở trên cao cũng như ở bên cạnh; đôi khi họ lại để cho một vài người trong bọn rời khỏi hàng và sang tham gia với phe bên kia. Những người thuộc phe bên trái ấy số lượng ít hơn, có lẽ thực ra cũng chẳng khỏe hơn những người thuộc phe bên phải, nhưng thái độ điềm tĩnh làm cho họ có uy thế hơn. Khi K. nói, anh cảm thấy tin chắc là họ tán thành ý kiến của anh.
- Thưa ngài dự thẩm, - Anh nói - ngài đã hỏi tôi có phải là thợ sơn nhà cửa không; hay nói cho đúng hơn, ngài đã không hỏi gì tôi cả, ngài đã dán vào tôi lời ghi nhận của ngài như một chân lý hiển nhiên; điều đó nói lên khá rõ toàn bộ vụ án đã được tiến hành chống lại tôi theo cách thức như thế nào; rất có thể ngài bắt bẻ tôi rằng đây không phải là một vụ án. Trong trường hợp ấy, ngài trăm phần có lý; các lề lối làm việc của ngài chỉ có thể gọi là trình tự tố tụng nếu tôi chấp nhận nó. Lúc này đây tôi rất muốn chấp nhận; có thể nói là vì thương hại; chỉ với cái giá ấy người ta mới có thể quyết định chú ý phần nào đến chúng mà thôi. Tôi không bảo rằng chúng thể hiện sự phá hoại pháp lý, nhưng giá như tôi cung cấp từ ngữ ấy cho ngài từ trước để khi nghĩ đến, ngài tự tìm ra thì hay hơn.
Đến đấy, K. dừng lại để nhìn khắp phòng. Các lời lẽ của anh rất nghiêm khắc, nghiêm khắc hơn anh dự định nhiều, nhưng đều đúng cả. Chúng đáng được cả phe này lẫn phe kia tán thường, thế nhưng ai nấy đều lặng thinh; rõ ràng họ hết sức tò mò chờ đợi anh nói tiếp; cũng có thể mọi người đương ngấm ngầm chuẩn bị cười phá lên để chấm dứt mọi chuyện. Vì vậy K. rất bực thấy chị phụ nữ trẻ tuổi giặt quần áo lúc ấy bước vào trong phòng, chắc chị ta đã xong công việc nên vào tham dự; tuy đã hết sức đề phòng cẩn thận, anh không thể ngăn được cử tọa hơi đưa mắt nhìn đi chỗ khác. Chỉ có một mình viên dự thẩm làm cho anh vui thích thực sự, vì ông có vẻ bị chạm nọc bởi những lời nhận xét của anh. Bị chất vấn đột ngột lúc ông đứng dậy để quở trách trên ban công, ông vẫn đứng nguyên lắng nghe cho đến bây giờ. Ông lợi dụng lúc anh ngừng lời để len lén ngồi xuống, như không muốn ai để ý động tác đó.
Rồi ông lại cầm quyển sổ lên tay, có lẽ để làm ra vẻ ung dung bình tĩnh.
- Tất cả những thứ đó chẳng dùng làm gì cả. - K. nói - Thưa ngài dự thẩm, bản thân quyển sổ của ngài xác nhận những lời tôi nói.
Hài lòng vì thấy những lời lẽ điềm tĩnh của mình vang lên giữa đám đông cử tọa, anh cả gan túm lấy cuốn vở của ông dự thẩm, dùng đầu ngón tay nhóm một trang ở giữa quyển, làm như sợ dám không sờ, rồi vung lên, khiến cho các tờ treo lung lẳng tứ bề, phô ra những chữ ngoằn nghèo như gà bới, những vết bẩn và những dấu tay vàng vàng.
- Hồ sơ tài liệu của ngài dự thẩm đây. - K. nói và để rơi quyển sổ xuống bàn - Cứ việc nghiên cứu chúng đi, thưa ngài dự thẩm, tôi không sợ những tờ giấy buộc tội ấy đâu, mặc dù chúng ở ngoài tầm của tôi, vì tôi chỉ có thể dùng đầu ngón tay chạm sơ qua một chút.
Viên dự thẩm nhặt quyển sổ vừa rơi xuống bàn, tìm cách vuốt vuốt qua cho đỡ nát rồi lại đặt trước mặt. Đó là dấu hiệu của một sự nhục nhã ghê gớm, ít ra mọi người cũng hiểu như vậy.
Những người ngồi ở dãy đầu nghênh mặt nhìn K. hết sức tò mò, khiến anh phải nán lại một lát để nhìn họ. Đó là những ông già, nhiều người râu bạc trắng; có lẽ tất cả đều tùy thuộc vào các cụ ấy; có lẽ các cụ là những người có thể tác động đến đám cử tọa kia hơn cả, đám cử tọa bỗng trở nên lạnh như tiền từ lúc K. bắt đâu nói, và nỗi nhục nhã của viên dự thẩm cũng không làm cho họ sôi động lại được.
- Điều xảy đến với tôi, - Anh nói tiếp, hơi thấp giọng hơn trước và luôn dò xét những khuôn mặt ở dãy đầu, khiến cho lời nói của anh có vẻ hơi lơ đãng - chỉ là một trường hợp riêng biệt; nó chẳng phải chuyện to tát gì, vì tôi không xem là điều nghiêm trọng, nếu như đây không phải là sự thâu tóm lề lối làm việc nói chung mà người ta tiến hành với những người khác nữa. Chính vì những người ấy mà tôi nói ở đây chứ không phải là vì tôi.
Anh đã cao giọng lên lúc nào không biết. Có một người ngồi đâu đó giang thẳng cánh vỗ tay tán thưởng và kêu lên:
- Hoan hô! Hoan hô đi chứ! Hoan hô, hoan hô đi!
Vài cụ ngồi dãy đầu giơ tay lên vuốt râu; chẳng ai quay lại khi nghe tiếng hoan hô. K. cũng chẳng hề quan tâm đến người ấy, nhưng dù sao vẫn thấy phấn chấn; anh nghĩ chẳng cần thiết phải tất cả mọi người tán thường anh nữa; chỉ cần đa số buộc lòng phải suy nghĩ và thỉnh thoảng anh thuyết phục được một đôi người thế là đủ.
“Tôi không tìm kiếm thành công bằng cách ăn nói hùng hồn anh nói, theo đuổi dòng tư tưởng thầm kín của mình, vả chăng chắc tôi sẽ không đạt được. Ngài dự thẩm nhất định nói giỏi hơn tôi nhiều, đó là do chức phận của ngài. Tôi chỉ muốn đưa ra cho công chúng xét đoán một điều bất thường đã trở thành công khai phổ biến. Các vị hãy nghe đây: tôi bị bắt cách đây khoảng mười ngày - bản thân sự việc làm cho tôi thích thú, nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Người ta đến bắt chộp tôi lúc tờ mờ sáng ở trên giường: có lẽ - cứ theo như lời ngài dự thẩm vừa nói, tôi thấy rất có thể như vậy lắm - có lẽ người ta được lệnh bắt một bác thợ sơn nhà cửa nào đó cũng chẳng có tội tình gì như tôi, nhưng dẫu sao người ta lại chọn tôi để bẳt. Có hai gã thanh tra thô lỗ đến chiếm đóng ngay phòng bên cạnh. Nếu tôi là một tướng cướp nguy hiểm, có lẽ người ta cũng chẳng đề phòng cẩn thẩn hơn. Hơn nữa, mấy gã thanh tra ấy là bọn bất lương, chúng nói điếc tai tôi để mong được thuê tiền, để chiếm đoạt áo quần của tôi; chúng bảo tôi đưa tiền, theo chúng nói, để đi kiếm cái về cho tôi ăn sáng, sai khi đã trơ tráo uống cà phê sữa của tôi ngay trước mặt tôi. Thế chưa hết! Chúng đã dẫn tôi đến gặp viên đội trong một căn phòng thứ ba của căn hộ. Đó là phòng của một người phụ nữ tôi rất quý mến, thế mà tôi phải nhìn căn phòng ấy bị sự hiện diện của viên đội và mấy gã thanh tra làm cho nhơ nhớp, có thể nói nguyên nhân là do tôi, tuy tôi không có lỗi. Thật khó mà có thể giữ được bình tĩnh. Song tôi đã nén được và hỏi viên đội một cách hết sức điềm đạm - nếu có mặt ở đây, tất y cũng phải thừa nhận điều đó - tại sao tôi lại bị bắt? Các vị có biết hắn ta liền trả lời tôi thế nào không - hiện giờ tôi vẫn còn như trông thấy hắn trước mặt tôi, ngồi trên chiếc ghế tựa của người phụ nữa ấy như một biểu tượng của tính kiêu căng ngu độn? Thưa các vị, hắn không trả lời gì tôi cả: vả lại có lẽ thực ra hắn cũng chẳng biết gì hơn; hắn đã bắt tôi, đối với hắn thế là đủ. Tệ hơn nữa! Hắn đã dẫn vào phòng người phụ nữ ấy ba nhân viên hạ cấp ở nhà ngân hàng của tôi, chúng dùng thì giờ vào việc mó máy làm lung tung những tấm ảnh của chị. Sự có mặt của mấy nhân viên này lẽ dĩ nhiên còn có mục đích khác: chúng cũng như bà chủ cho thuê nhà và chị người ở của bà được dùng để loan tin tôi bị bắt, làm hại đến thanh danh của tôi và làm lung lay địa vị của tôi ở nhà ngân hàng. Chúng không đạt được mục đích, dù chỉ là một chút xíu: ngay bà chủ cho thuê nhà của tôi, một người rất giản dị - tôi muốn nhắc tên bà ở đây để tở lòng kính trọng, bà tên là Grubach - ngay bà Grubach cũng là người biết điều nên đã thừa nhận một vụ bắt bớ như thế thì cũng chẳng quan trọng gì hơn cuộc hành hung do những kẻ thiếu giáo dục gây ra ở ngoài phố. Mọi chuyện đó, tôi xin nhắc lại, chỉ đem đến cho tôi những nỗi bực mình thoáng qua, nhưng ai dám bảo không thể có những hậu quả tai hại hơn nữa?”.
Ngừng lại để nhìn viên dự thẩm một cái, K. thấy ông đưa mắt ra hiệu cho một người trong đám đông. Anh liền mỉm cười và nói:
“Ông dự thẩm đang ra ám hiệu cho một người trong số các vị đấy. Vậy là trong các vị có những kẻ người ta điều khiển từ trên đây. Tôi không biết mật hiệu ấy nhàm kêu gọi các vị la ớ hay tán thường, và bằng cách tiết lộ trước điều này, tôi sẵn lòng khước từ không cần biết đến ý nghĩa của nó. Tôi hoàn toàn dửng dưng với ý nghĩa ấy và ngài dự thẩm cứ việc nói to ra lệnh cho các nhân viên ăn tiền thuê của ngài chứ không cần dùng mật hiệu; ông ta cứ việc nói thẳng thừng: bây giờ la ó đi, hoặc: bây giờ hoan hô đi”.
Không biết vì sốt ruột hay sượng sùng mà viên dự thẩm cứ xê ghế đi xích ghế lại. Người đứng sau lưng ông và vừa nãy cùng ông trao đổi, lại cúi xuống để động viên chung chung hay góp ý với ông điều gì không biết. Phía dưới, mọi người bàn tán thì thầm nhưng sôi nổi. Hai phe lúc nãy ý kiến hình như rất khác nhau, bây giờ lại thống nhất; vài người chỉ trỏ K. hoặc viên dự thẩm cho cho nhau xem.
Hơi ng từ trong phòng bốc lên tạo thành một lớp khí rất khó chịu; nó thậm chí khiến cho nhìn những người ở cuối phòng lờ mờ không rõ. Nó đặc biệt làm phiền các khán giả trên ban công, họ muốn biết rõ chuyện phải hỏi những công chúng ngồi dưới, hỏi khe khẽ sau khi lo lắng đưa mắt nhìn về phía viên dự thẩm. Người đương hỏi cũng trả lời thầm với bàn tay khum khum che miệng.
“Tôi sắp xong rồi đây”, K. vừa nói vừa đập nắm tay xuống bàn vì không có chuông.
Đầu viên dự thẩm và đầu gã cố vấn thoắt cái rời xa nhau rà vì giật mình sợ hãi.
“Vụ này không liên quan gì đến tôi cả; vì vậy tôi xét đoán nó một cách bình tĩnh và giả sử cái gọi là tòa án này đối với các vị có phần nào quan trọng đi nữa, thì các vị nghe tôi nói vẫn cứ có lợi. Tôi xin các vị để lát nữa hãy trao đổi về những lời phát biểu của tôi, vì tôi chỉ có ít thời gian và sắp đi ra bây giờ”.
Yên lặng trở lại ngay lập tức vì K. đã trấn áp được cử tọa. Người ta không la hét như lúc đầu nữa, người ta cũng không hoan hô và hình như ai nấy đều bị thuyết phục.
“Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, thưa các vị, - K. nói tiếp, rất khẽ, vì anh sung sướng thấy ai nấy đều say sưa chăm chú lắng nghe, trong cái yên lặng ấy có một thứ tiếng vo vo còn khích động hơn những tiếng hoan hô phấn khởi nhất - phía sau những biểu hiện của tổ chức tư pháp này, tức là phía sau vụ bắt bớ tôi, đây là nói về tôi, phía sau cuộc hỏi cung mà người ta bắt tôi phải chịu đựng hôm nay, có một tổ chức lớn, một tổ chức không những sử dụng những gã thanh tra hám tiền, những đội trưởng cảnh binh và những viên dự thẩm ngu độn, mà còn bao gồm cả các quan tòa cao cấp với một lô một lốc những tay chân cần thiết của họ, các ký lục, sen đầm, phụ tá, có lẽ cả đao phủ nữa, tôi dám hỏi thẳng như thế. Và bây giờ, thưa các vị, ý nghĩa của cái tổ chức lớn ấy là gì? Là bắt những người vô tội, truy tố họ không lý do, và thường là - như trong trường hợp của tôi - không kết quả. Ở giữa cái vô nghĩa của cả một hệ thống như thế, làm sao tính vụ lợi của các viên chức lại không bùng ra?
Thưa các vị, nó không thể nào không bùng ra công khai trắng trợn! Ông quan tòa vĩ đại nhất cũng không sao bóp nghẹt đi được, ngay cả cho ông! Chính vì thế mà gã thanh tra tìm các đánh cắp áo quần trên lung bị cáo, chính vì thế mà các viên đội xông vào nhà người ta, chính vì thế mà những kẻ vô tội không được hỏi cung một cách bình thường mà bị làm nhục trước mặt toàn thể cử tọa. Mấy gã thanh tra chỉ nói với tôi về các kho chứa tài sản của các bị cáo; tôi rất muốn được xem các kho đó, nơi có các đồ đạc người ta phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm ra được, nay bị xếp xó vô dụng trong khi chờ đợi các viên chức tội nặng tầy đình đến đánh cắp!”.
Có tiếng người léo xéo ở cuối phòng khiến K. phải ngừng lại; anh giơ tay khum khum che mắt cố nhìn vì ánh sáng lờ mờ ngày hôm đó làm cho làn hơi bốc lên trong phòng có màu trăng trắng, bưng mắt mọi người, trông gì cũng không rõ. Tiếng kêu phát ra từ chỗ người đàn bàn giặt giũ, ngay từ khi chị ta mới bước vào phòng, anh đã nhận thấy quần áo chị xốc xa xốc xếch. Lần này chị phạm tội ư? Chẳng hiểu thế nào. K. chỉ thấy một gã đàn ông lôi chị vào cái xó gần cửa và ghì chặt chị vào người. Nhưng không phải chị ta kêu mà là gã đàn ông; gã há hốc mồm và nhìn lên trần nhà.
Một nhóm người xung quanh các diễn viên của màn kịch ấy và những kẻ đứng trên ban công có vẻ khoái trá được giải khuây trong không khí nghiêm túc K. đã đem đến cho cử tọa.
Do ấn tượng ban đầu, K. muốn đi ngay đến để khôi phục lại trật tự, cứ tưởng mọi người đều sẵn lòng ủng hộ anh và ít nhất cũng tống cổ đôi trái gái ra khỏi phòng; nhưng ngay từ những hàng ghế đầu anh đã vấp phải những vị ngồi yên không nhúc nhích và không để cho anh đi qua. Họ còn cản trở anh nữa là khác, và có cả một bàn tay - anh không có thời giờ quay đầu lại - nắm lấy cổ áo phía sau lưng của anh; anh thôi không nghĩ đến đôi trai gái nữa, vì cảm thấy người ta đương tìm cách xâm phạm đến tự do của anh và bắt anh thực sự, anh liền từ trên bục nhảy phốc xuống. Lúc này anh đứng giáp mặt với mọi người. Anh đã xét đoán sai mọi người chăng? Anh đã quá hy vọng vào lời lẽ của mình chăng? Phải chăng họ đã khéo che giấu trong lúc anh đương nói và bây giờ chuyển sang hành động thì các mặt nạ rơi xuống? Những bộ mặt quanh anh mới khiếp chưa! Các cặp mắt đen, nhỏ ti hí đưa đi đưa lại trong khoảng tranh tối tranh sáng, má, sệ xuống như má bọn say rượu, râu dài thưa và cứng, và khi họ đưa tay vuốt râu thì chẳng khác nào lấy ngón tay quào quào vào chỗ trổng không, nhưng dưới những chòm râu ấy, anh nhìn thấy các huy hiệu to nhỏ, màu sắc khác nhau óng ánh trên các cổ áo, và đó chính là một phát hiện thực sự của K. Hình như ai cũng đeo những huy hiệu ấy, tất cả đều thuộc cùng một phe, các người ngồi bên phải cũng như những người ngồi bên trái, và quay phắt đầu lại, K. cũng thấy các huy hiệu như vậy trên cổ áo viên dự thẩm, ông ta khoanh tay trước bụng, lặng lẽ nhìn trong phòng.
“Chà chà! - K. thốt lên, giơ cả hai tay lên trời, vì sự phát hiện đột ngột ấy cần phải có khoảng không gian mới phô diễn được - Như tôi thấy, thì tất cả các vị đều là viên chức tư pháp, các vị là bọn người bị mua chuộc tôi vừa nói, các vị tụ họp tại đây để nghe ngóng và dò la, các vị giả vờ chia thành phe phái để đánh lừa tôi; các vị vỗ tay tán thường chính là để thăm dò tôi; các vị muốn biết phải làm thế nào để cám dỗ một người vô tội. Ồ, cần gì phải thế: hoặc các vị thích thú thấy có kẻ hiền lành vô tội mong chờ được các vị bênh vực, hoặc... (“Lui ra không tôi nện bây giờ!”, anh hét bảo một ông lão run rẩy sán lại quá gần anh), hoặc các vị đã thật sự biết được điều gì đó: tôi xin mừng cho cái nghề nghiệp đẹp đẽ của các vị”.
Anh tức tốc vớ lấy cái mũ trên mép bàn và rảo bước đi ra giữa bầu không khí im lặng như tờ, sự im lặng chỉ có thể giải thích là do hoàn toàn sửng sốt. Nhưng viên dự thẩm hình như còn mau lẹ hơn K., vì ông ta đã đợi anh ở ngoài cửa.
“Khoan đã”, ông ta nói với anh.
K. dừng lại, nhưng không nhìn viên dự thẩm, anh chỉ để mắt đến cái cửa, tay đã nắm lấy quả đấm cửa.
“Tôi chỉ muốn lưu ý ông rằng, - Viên dự thẩm nói - hôm nay ông đã tự tước bỏ mất của ông cái lợi thế mà một cuộc hỏi cung thường vẫn dành cho bị cáo, mà hình như ông không biết”.
K. nhìn cửa nói:
“Các người là bọn vô lại! Tôi biếu các người những cuộc hỏi cung của các người đấy”.
Hồi anh mở cửa và chạy bổ xuống thang gác. Anh nghe phía sau lưng nổi lên tiếng ồn ào của cử tọa bàn tán những chuyện vừa xảy ra như lớp học bình phẩm một bài văn.