Số lần đọc/download: 1570 / 46
Cập nhật: 2016-10-03 13:57:45 +0700
Chương 1 -
(1940~)
(Xa trạm/Chezhan)
NHÂN VẬT
Người trầm mặc: tuổi trung niên
Ông già: ngoài sáu mươi
Cô gái: hai mươi tám tuổi
Thằng lỗ mãng: mười chín tuổi
Người đeo kính: ba mươi tuổi
Bà mẹ: bốn mươi tuổi
Sư phó: bốn mươi lăm tuổi
Mã chủ nhiệm: năm mươi tuổi
(Tuổi tác của nhân vật đều là tuổi vào lúc xuất hiện)
ĐỊA ĐIỂM
Một trạm xe buýt ở ngoại ô thành phố
(Một bảng trạm xe buýt được đặt ngay giữa sân khấu. Bởi vì dạn dày sương gió lâu ngày, vết chữ trên bảng đã không còn rõ ràng nữa. Cạnh trạm xe có một dãy lan can sắt, hành khách đợi xe đứng xếp hàng bên trong lan can. Lan can sắt có hình thập tự, đông tây nam bắc mỗi đầu dài ngắn không đều nhau, mang một ý nghĩa tượng trưng, biểu thị một ngã tư đường, cũng có thể là một điểm giao thoa mà cũng có thể là một điểm trên đường đời của các nhân vật. Các nhân vật có thể lên sân khấu từ bất cứ phía nào.
Người trầm mặc xách bao bước lên sân khấu. Ông đứng lại đợi xe. Ông già tay không bước lên.)
Ông già: Xe vừa qua à?
(Người trầm mặc khẽ gật đầu.)
Ông già: Bác vào thành phố à?
(Người trầm mặc gật đầu.)
Ông già: Trưa thứ bảy mà vào thành phố thì phải đi sớm, còn mà đợi tan sở rồi mới đón xe thì không bắt kịp đâu.
(Người trầm mặc mỉm cười.)
Ông già: (Quay đầu nhìn) Chẳng thấy bóng dáng xe đâu cả. Vào trưa thứ bảy ai cũng muốn vào thành phố, xe lại càng thưa chuyến. Mình chỉ cần trễ một bước, là gặp ngay giờ "cao điểm", thành ngữ mới lạ! Đúng lúc mọi người tan sở là ồn ào đông đúc ngay, phải ra sức mà chen lấn, nhưng mà cỡ ông thì còn sức, còn cỡ như vào tuổi tôi thì vô phương! Cũng may mà tôi kể như sớm được một bước, những người tan sở lượt đầu vẫn còn chưa động ổ! Ngay cả ngủ trưa tôi cũng không dám. (Thở phào nhẹ nhõm, ngáp.) Nếu như chiều này mà không có công chuyện trong thành phố, không thể không đi, không đời nào tôi lại xông pha vào cái "cao điểm" này. (Rút thuốc lá ra.) Ông có hút thuốc không? (Người trầm mặc lắc đầu.) Không hút mà hay. Đã tốn tiền mà còn nám cả cổ họng. Muốn hút thuốc ngon cũng mua không nổi. Vừa nghe có thuốc đến "Đại Tiền Môn", người đứng xếp hàng đã đến tận ngoài lộ, còn quanh co mấy vòng, y như thể con giun dài. Mỗi người chỉ được giới hạn mua hai hộp. Mình vừa xếp hàng đến nơi, anh bán hàng đã đanh mặt bỏ đi. Mình có hỏi, anh ta cũng chẳng thèm đếm xỉa đến mình. Như thế là "phục vụ khách hàng" đó sao? Chỉ được cái giả bộ bề ngoài. Thuốc lá "Đại Tiền Môn" thật ra lèn theo cửa sau ra hết! Cũng y như đáp xe buýt vậy. Mình theo qui củ đứng xếp hàng, thế nào cũng có một anh lẻn ngay vào trước mặt mình, vẫy tay với tài xế, thế là cửa xe mở. Họ là những hành khách "quan hệ tay trong." Hừ, mấy cái chữ nghe dễ giận. Đến lúc mình vừa xông lên, cửa xe đã đóng sập lại rồi. Đó gọi là "phục vụ hành khách" đấy, mình không trừng mắt thì còn biết làm gì? Ai cũng trông thấy nhưng mà chả biết phải làm sao! (Nhìn về bên hông khán đài.) A, có ai đến kìa, bác đứng ngay đầu, tôi xếp hàng sau lưng bác, chứ lát nữa xe đến là loạn cả lên ngay. Ai có sức mạnh là chiếm trước một chỗ ngồi. Điều ấy đã trở thành lề thói rồi.
(Người trầm mặc mỉm cười.)
(Cô gái cầm ví bước vào sân khấu, đứng lại ở một chỗ cách họ hơi xa. Thằng lỗ mãng bước vào, nhảy phắt lên lan can sắt ngồi, móc trong túi áo ra một điếu thuốc có đầu lọc rồi bật lửa lên châm.)
Ông già: (Quay về phía người trầm mặc.) Thấy chưa, tôi đã nói mà, cái lề thói đó.
(Người trầm mặc dùng ngón tay gõ lên lan can sắt biểu thị sự đồng ý.)
Thằng lỗ mãng: Đợi bao lâu rồi?
(Ông già giả bộ không nghe thấy.)
Thằng lỗ mãng: Bao lâu thì mới có một chuyến?
Ông già: (Bực bội) Đi mà hỏi công ty xe buýt á.
Thằng lỗ mãng: Diễu thật, tôi hỏi bác mà.
(Người trầm mặc rút một cuốn sách từ trong túi ra, bắt đầu đọc.)
Ông già: Hỏi tôi? Tôi đâu có phải là quản lý.
Thằng lỗ mãng: Tôi hỏi bác đợi bao lâu rồi?
Ông già: Này cậu, không có cái lối hỏi như thế.
Thằng lỗ mãng: (Tỉnh ngộ.) Thưa cụ.
Ông già: Tôi không phải là cụ của cậu.
Thằng lỗ mãng: (Châm biếm.) Vậy thì thưa ngài...
Ông già: Không cần phải như thế.
(Thằng lỗ mãng cụt hứng, bắt đầu thổi sáo, liếc xéo Ông già, hai chân đong đưa.)
Ông già: Đây là để cho khách đợi xe tựa tay, không phải là chỗ để ngồi.
Thằng lỗ mãng: Ngồi một chút thì đã sao? Đâu có phải là làm bằng rơm đâu.
Ông già: Cậu không thấy là cái lan can này nghiêng rồi sao?
Thằng lỗ mãng: Bộ tôi ngồi làm nó nghiêng à?
Ông già: Nếu ai cũng ngồi lên nó rồi lắc lư, làm sao mà không nghiêng cho được?
Thằng lỗ mãng: Thế cái này của nhà bác à?
Ông già: Chính bởi vì nó là của công mà tôi phải quan tâm!
Thằng lỗ mãng: Bác càu nhàu cái gì vậy? Về nhà mà càu nhàu với bà lão nhà bác!
(Càng lắc lan can mạnh hơn nữa.)
Ông già: (Cố gắng lắm mới nén được cơn giận, quay về phía người trầm mặc.) Ông thấy không...
(Người trầm mặc đang đọc sách, vốn không chú ý đến cuộc đối thoại kia. Người đeo kính bước vào.)
Ông già: (Nói với cô gái.) Đứng vào hàng, chứ lát nữa là loạn cả lên đấy.
(Thằng lỗ mãng nhảy khỏi lan can, lấn tới trước, đứng trước mặt cô gái. Bà mẹ ôm cái túi lớn vội vã bước tới, ra sức.)
Ông già: Ai đứng trước lên trước đấy nhé.
Cô gái: (Nói với Ông già, âm thanh khẽ đến mức không nghe ra.) Không sao, cháu cứ đứng đây.
(Có tiếng xe buýt. Sư phó xách túi đồ nghề lớn bước sải tới, đứng cuối hàng. Tiếng xe buýt đến gần hơn, mọi người đều nhìn về phía xe đang đến. Người trầm mặc cất sách đi. Mọi người đều di động về phía trước.)
Cô gái: (Quay lại nhìn người đeo kính.) Đừng lấn!
Ông già: Đứng vào hàng! Mọi người đứng vào hàng.
(Tiếng xe buýt chạy lướt qua trước mặt mọi người. Thằng lỗ mãng đột nhiên vòng qua Ông già và người trầm mặc, chạy ra ngay đầu hàng.)
Mọi người: (Quay về phía thằng lỗ mãng.) Ê! Ê--Ê--
(Xe buýt không dừng lại.)
Mọi người: Dừng lại! Tại sao xe không dừng lại? Này---
(Thằng lỗ mãng đuổi theo mấy bước, tiếng xe mất hút.)
Thằng lỗ mãng: Mẹ kiếp!.
Ông già: (Giận dữ.) Mình cứ như vầy không cách chi xe dừng lại đâu!
Bà mẹ: Này, mấy người phía trước làm ơn đứng vào hàng đi chứ.
Người đeo kính: (Quay về phía thằng lỗ mãng.) Đứng vào hàng, đứng vào hàng, cậu có nghe gì không?
Thằng lỗ mãng: Việc quái gì đến bác? Tôi ở trước bác mà.
Bà mẹ: Cũng không có mấy người, xếp hàng ngay ngắn lên xe theo thứ tự có phải là hơn không?
Người đeo kính: (Nói với thằng lỗ mãng.) Cậu xếp hàng đằng sau người ta.
Ông già: (Quay về phía người trầm mặc.) Vô giáo dục.
Thằng lỗ mãng: Bộ bác có giáo dục lắm sao?
Bà mẹ: Cậu không xếp hàng còn lý sự gì nữa?
Ông già: (Gằn từng tiếng.) Tôi nói cậu đợi xe không chịu xếp hàng, không có chút giáo dục nào cả!
Thằng lỗ mãng: Bác ngứa chân thì bảo bà lão nhà bác cởi giầy cho, tại sao lại đổ quạu với tôi?
Bà mẹ: Còn trẻ mà học cái thói liến thoắng như vậy không hay ho gì đâu!
Người đeo kính: Mọi người chỉ bảo cậu xếp hàng, tại sao cậu lại không biết điều tí nào vậy?
Thằng lỗ mãng: Ai không xếp hàng? Xe không dừng, la lối với tôi để làm gì?
Người đeo kính: Cậu ở sau người khác!
Thằng lỗ mãng: Trước bác là được rồi.
Ông già: (Giận phát run lên.) Đứng vào hàng.
Thằng lỗ mãng: Tại sao bác cứ gây rối như thế? Bác tưởng tôi sợ bác à?
Ông già: Cậu muốn đánh người ta đấy phải không?
(Người trầm mặc bước tới trước mặt hai người. Thằng lỗ mãng thấy người kia thân thể tráng kiện, không khỏi sợ hãi, lui lại một bước, nhưng vẫn cố không muốn tỏ ra mình yếu, dựa trên lan can.)
Thằng lỗ mãng: Có ngon lành sao không bảo xe dừng lại đi. (Tựa vào lan can lắc mạnh.)
Ông già: Cậu kia, hóa ra những gì cậu học ở trường phí cả sao!
Thằng lỗ mãng: Phí cái gì? Nếu mà bác học cao thì sao không ngồi li-mu-din đi?
Ông già: Đứng xếp hàng đợi xe chẳng có gì là xấu hổ cả, đó là đạo đức công cộng xã hội, thầy giáo trong trường cậu không dạy cậu sao?
Thằng lỗ mãng: Không có dạy bài này.
Ông già: Bố mẹ cậu cũng không dạy cậu à?
Thằng lỗ mãng: Mẹ bác dạy bác, thế tại sao bác cũng không lên xe được?
(Ông già đâm ú ớ, nhìn người trầm mặc. Người trầm mặc lại bắt đầu xem sách trở lại.)
Thằng lỗ mãng: (Đắc ý.) Nếu như bác không chen lên xe được, kể như bác sống bao nhiêu năm qua một cách vô ích.
Người đeo kính: Mọi người đều đang đợi xe, tự giác một chút đi.
Thằng lỗ mãng: Bộ tôi không đang xếp hàng sao? Tôi ở trước bác.
Người đeo kính: Cậu đến sau người ta. (Chỉ cô gái.)
Thằng lỗ mãng: Chị ấy muốn lên trước cũng được. Nhưng mà lúc xe đến, chị phải biết chen lên.
Cô gái: (Quay lưng lại không thèm đếm xỉa thằng lỗ mãng.) Dễ ghét!
Thằng lỗ mãng: (Nói với Ông già.) Nếu mà bác chen lên được cứ việc chen; bác không chen được đừng có trách tôi. Nếu như bác không chen được thì cũng đừng cản mũi người đằng sau. Bác à, nếu bác là người có văn hóa cao độ quang minh chính đại như thế, tại sao bác lại không hiểu được cái nguyên tắc chen lấn lên xe? Tôi chưa đi học được bao nhiêu ngày, nhưng mà tôi lại chen lấn lên xe được.
(Tiếng xe buýt.)
Bà mẹ: Xe đến rồi, mọi người đứng vào hàng.
Thằng lỗ mãng: (Vẫn tựa lan can, nói với cô gái.) Tôi ở sau chị. Lát nữa mà không chen lên được thì đừng có trách là tôi lấn chị.
Cô gái: (Nhíu mày.) Cậu đi trước đi.
(Tiếng xe buýt đến gần hơn. Người trầm mặc đóng sách lại Sư phó nãy giờ vẫn ngồi xổm dưới đất cũng đứng dậy Mọi người đều lấn tới trước dọc theo lan can.)
Người đeo kính: (Nói với cô gái.) Lát nữa cô bám sát bên hông, nắm chặt vào cần cửa xe.
(Cô gái đưa mắt nhìn anh ta, không trả lời. Mọi người di động tới trước về phía xe buýt. Thằng lỗ mãng đứng phía ngoài lan can, theo sau lưng cô gái.)
Ông già: Dừng xe! Dừng xe!
Người đeo kính: Này, dừng xe!
Bà mẹ: Ai nấy đợi cả buổi rồi!
Cô gái: Chuyến vừa rồi cũng không dừng.
Thằng lỗ mãng: Đồ chó đẻ...
Sư phó: Ê!
(Mọi người đuổi theo xe buýt vào một góc của sân khấu. Thằng lỗ mãng đột nhiên sấn tới trước. Người đeo kính nắm nó lại. Thằng lỗ mãng vung tay, người đeo kính nắm lấy tay áo nó. Thằng lỗ mãng quay lại vung tay đánh tới. Tiếng xe xa dần đi.)
Người đeo kính: Mày dám đánh người ta à!
Thằng lỗ mãng: Tôi đánh bác thì đã sao?
(Hai người đánh nhau.)
Ông già: Đánh nhau! Đánh nhau!
Bà mẹ: Giới trẻ hôm nay thật!
Cô gái: (Nói với người đeo kính.) Tại sao anh không tránh nó đi?
Người đeo kính: Đồ lưu manh!
Thằng lỗ mãng: (Nhào đến.) Tôi đánh bác nữa!
(Người trầm mặc và sư phó bước tới can họ ra.)
Sư phó: Cả hai dừng tay! Dừng tay! Ăn no rồi đi đánh nhau à?
Người đeo kính: Đồ lưu manh thối tha!
Thằng lỗ mãng: Đồ chó đẻ.
Bà mẹ: Chướng tai quá, tại sao lại không có một chút tu sỉ thế này.
Thằng lỗ mãng: Ai bảo hắn kéo tay áo ông!
Người đeo kính: Bất quá tôi chỉ níu nó lại thôi. Tại sao mày không đứng vào hàng?
Thằng lỗ mãng: Đừng dựt le trước mặt đàn bà, có ngon lành thì bước ra một bên giải quyết với tớ.
Người đeo kính: Tao mà sợ mày à? Đồ lưu manh thối tha!
(Thằng lỗ mãng nhào tới, bị sư phó nắm lấy cổ tay, không động đậy gì được nữa.)
Sư phó: Đừng gây rối nữa. Ra đứng phía sau đi.
Thằng lỗ mãng: Bác đừng có xía vào!
Sư phó: Đi ra sau! (Nắm chặt cổ tay thằng lỗ mãng kéo nó ra cuối hàng.)
Ông già: Đúng, đừng cho nó làm loạn khiến cho không ai lên xe được cả. (Nói với người trầm mặc.) Cho nó một bài học.
(Người trầm mặc không nghe thấy, lại đang đọc sách trở lại.)
Thằng lỗ mãng: Tôi đang xếp hàng phía trước! Chứ bộ chỉ mấy người mới có quyền vào thành phố, còn tôi không được quyền vào thành phố sao?
Bà mẹ: Đâu có ai bảo là cậu không được vào thành phố đâu.
Ông già: (Nói với bà mẹ.) Ai nấy đều vào thành phố vì có công chuyện, chỉ có nó là làm loạn. Có một bọn "ba tay" chuyên môn gây rối lúc lên xe, phải thận trọng mới được.
(Ngoại trừ người trầm mặc và sư phó, ai cũng đưa tay rờ ví tiền.)
Thằng lỗ mãng: Ông thì ngon lành ở chỗ nào! Rùa già!
(Cô gái và bà mẹ nhìn nhau, mỉm cười. Ông già bất mãn đưa mắt nhìn họ.)
Bà mẹ: (Vội vã đổi đề tài câu chuyện, nói với người đeo kính.) Anh không nên đánh nhau với nó, đánh là anh chỉ có thua thôi.
Người đeo kính: (Anh hùng khí khái.) Gặp phải mấy đứa náo loạn như vầy, mọi người đừng có hòng mà lên xe. Chị cũng vào thành phố à?
Bà mẹ: Nhà tôi và con tôi ở trong thành phố. Thứ bảy mà đón xe buýt thì đúng là nhức đầu, chen lấn lên xe cứ y như là đánh lộn.
Người đeo kính: Thế tại sao chị không xin chuyển vào thành phố?
Bà mẹ: Ai mà không muốn được chuyển vào thành phố, nhưng mà cần phải có tay trong, hừ!
Cô gái: Hai chuyến buýt chạy qua, đều không dừng lại.
Người đeo kính: Xe chật ngay từ bến. Cô cũng vào thành phố có công chuyện à?
(Cô gái gật đầu.)
Người đeo kính: Kỳ thực cô nên lên xe ngay từ bến. Cô ở đâu?
(Cô gái dè dặt nhìn anh ta, không trả lời. Người đeo kính cụt hứng, sửa lại mắt kính.
Người trầm mặc gấp sách lại, quay đầu nhìn về hướng xe buýt đến, có hơi nôn nóng, rồi lại vùi đầu vào sách.)
Ông già: Nóng ruột thật. Tôi phải có mặt ở Cung Văn Hóa vào đúng bảy giờ.
Bà mẹ: Bác có hứng trí thật, vào thành phố xem kịch à?
Ông già: Đâu có phúc phần như thế, kịch thì để cho người thành phố xem, tôi đi đánh cờ.
Bà mẹ: Cái gì?
Ông già: Đi đánh cờ, xe pháo mã, cô hiểu không? Chiếu tướng!
Cô gái: A, đánh cờ tướng, bác à chắc là bác ghiền lắm.
Ông già: Này cô, tôi đánh cờ cả đời rồi!
Người đeo kính: Ai cũng có cái thú của mình, con người mà không có nhiệt tình, đời sống chán chết đi.
Ông già: Anh nói đúng đấy! Sách cờ tướng nào tôi cũng nghiên cứu cả rồi, từ Trương Thiên Sư Bí Truyền Kỳ Pháp Đại Toàn cho đến Tượng Kỳ Tàn Cục Nhất Bách Giải mới xuất bản. Tôi có thể bày ra cho anh không sai một nước nào cả! Anh cũng đánh cờ chứ?
Người đeo kính: Thỉnh thoảng cũng chơi cho vui.
Ông già: Chơi cho vui thì cũng được, nhưng mà cờ tinh vi lắm, là một ngành học vấn chuyên môn đấy!
Người đeo kính: Đúng thế, đánh giỏi không phải là dễ đâu.
Ông già: Anh từng nghe tên Lý Mặc Sinh chưa?
Bà mẹ: (Thấy túi đồ nghề của sư phó dựa lên cái túi lớn của mình, kéo cái túi của mình lại gần.) Sư phó này làm nghề mộc phải không?
Sư phó: Ừm...
Người đeo kính: Lý Mặc Sinh nào?
Bà mẹ: Thứ bảy bác cũng đi làm à?
Sư phó: (Lười không buồn trả lới.) Ừ.
Ông già: Anh đánh cờ mà ngay cả Lý Mặc Sinh cũng không biết?
Người đeo kính: (Khiêm cung.) Không có ấn tượng...
Bà mẹ: Bác có sửa chân ghế không? Nhà chúng tôi...
Sư phó: (Ngắt lời.) Tôi làm đồ gỗ rất tinh vi.
Ông già: Chứ anh không đọc cả báo buổi chiều sao?
Người đeo kính: Gần đây tôi bận bịu với bài vở phức tạp, chuẩn bị thi vào đại học.
Ông già: (Mất hứng.) Vậy thì với nghề đánh cờ anh kể như chưa nhập môn nữa.
Bà mẹ: (Quay về phía cô gái.) Gia đình cô cũng ở trong thành phố à?
Cô gái: Không, em đi có việc.
Bà mẹ: (Thăm dò cô gái.) Đi gặp bạn?
(Cô gái lúng túng, cúi đầu gật.)
Bà mẹ: Anh ta là người đàng hoàng? Làm việc gì vậy?
(Cô gái cúi đầu dùng đầu ngón chân vẽ trên mặt đất..)
Bà mẹ: Đã có tin vui chưa?
Cô gái: Chị ăn nói mới hay chứ! (Từ ví tiền rút ra chiếc quạt lụa.) Cái xe này tại sao vẫn còn chưa đến kìa?
Người đeo kính: Chắc là quản lý mải đấu láo, quên cả giờ giấc.
Bà mẹ: "Phục vụ hành khách" như thế đấy!
Ông già: Lại đâm ra là hành khách phục vụ họ! Nếu như không có người đợi ở trạm xe, làm sao mà họ chứng tỏ là họ quan trọng được? Mình cứ phải nhẫn nại mà đợi thôi.
Bà mẹ: Có thì giờ như vầy tôi đã giặt xong cả một chậu quần áo bẩn rồi.
Cô gái: Thứ bảy chị vội về nhà chỉ để giặt quần áo?
Bà mẹ: Đó chính là đời sống gia đình. Cái ông nhà tôi, chỉ biết ôm sách thôi, cái gì khác cũng không biết hết. Ngay cả cái khăn tay bé tí tẹo giặt cũng chẳng sạch. Cô có tìm đối tượng, chớ có tìm một tay mọt sách. Một người nhậm lẹ, hẳn đã dọn cả gia đình vào thành phố rồi.
Ông già: Nhưng mà đó là do chị tự chọn, không chịu để cho anh ta dọn về miền quê. Mỗi tuần lễ cứ như vầy mà đợi xe, chen lấn, chị chịu nổi sao?
Bà mẹ: Tôi có đứa con, tôi phải lo xa cho Bội Bội chứ. Cái mức độ giáo dục của mấy trường miền quê, bác hẳn biết đấy, có mấy đứa thi đậu được vào đại học? (Hướng về phía thằng lỗ mãng trề môi.) Tôi không muốn con mình biến thành như thế, hỏng bét hết tương lai của nó.
(Có tiếng xe buýt.)
Cô gái: Xe đến rồi!
Người đeo kính: Đến thật rồi, lại còn là một chuyến xe trống!
Bà mẹ: (Nhắc chiếc túi lớn lên.) Đừng lấn, mọi người đều lên được, rồi thì ai cũng có chỗ ngồi.
Thằng lỗ mãng: (Nói với Ông già.) Bác phải đi đứng cẩn thận, đừng có vướng chân văng mất túi tiền, không có tiền mua vé xe, lúc ấy mới khôi hài đấy.
Ông già: Này cậu, đừng có không biết trời cao đất dầy, sớm muộn gì rồi cũng có lúc cậu phải khóc. (Nói với mọi người.) Đừng vội, mọi người xếp hàng lên xe.
(Mọi người tinh thần phấn chấn, chỉnh tề đứng thành hàng. Tiếng xe buýt đến gần. Mã chủ nhiệm áo khoác không cài, hai tay đong đưa, bước tới, đi thẳng về phía trạm xe trước mặt.)
Mọi người: Ê, xếp hàng! Cái gì thế? Có biết qui củ không? Ra xếp hàng phía sau đi!
Mã chủ nhiệm: (Bất mãn.) Tôi nhìn thử xem. Quí vị cứ việc xếp hàng của quí vị.
Người đeo kính: Ông chưa từng thấy xe buýt bao giờ à?
Mã chủ nhiệm: Tôi chưa từng thấy ai như anh. (Trừng mắt nhìn người đeo kính.) Tôi tìm người.
(Tiếng xe buýt chạy qua mặt mọi người, lại cũng không dừng. Mã chủ nhiệm vội vã chạy đến phía trước trạm xe.)
Mã chủ nhiệm: (Không ngớt vẫy tay.) Ê! Ê! Lão Vương! Vương sư phó, tôi là Lão Mã ở sở tiếp liệu đây!
(Đám người tán loạn, cùng đuổi theo xe buýt.)
Người đeo kính: Tại sao không dừng xe?
Cô gái: Mấy chuyến liên tiếp không dừng, mau dừng xe lại!
Bà mẹ: Trong xe chỉ có vài người, tại sao lại không dừng?
Mã chủ nhiệm: (Chỉ tay về phía trước, vừa đuổi theo vừa hét.) Cho tôi lên, mở cửa trước ra! Tôi là Lão Mã thuộc sở tiếp liệu đây! Tôi chỉ có một mình---
Ông già: (Chỉ tay mắng.) Cứ như thế mà chạy sao? Các người có quan tâm đến hành khách hay không?
Sư phó: Chó đẻ!
Thằng lỗ mãng: (Nhặt một viên đá lên ném theo.) Ông ném bỏ mẹ mày!
(Tiếng xe xa dần. Người trầm mặc chăm chú nhìn theo.)
Mã chủ nhiệm: Được rồi! Từ rày trở đi hãng xe buýt chúng mày đừng có hòng mà còn đi tìm thằng Mã này để nhờ vả nữa nhé!
Ông già: Bác là Mã chủ nhiệm của sở tiếp liệu đó à?
Mã chủ nhiệm: (Ra vẻ khinh khỉnh.) Thì sao?
Ông già: Bác biết anh tài xế à?
Mã chủ nhiệm: Đổi người rồi! Đúng là thực dụng chủ nghĩa khốn kiếp.
Ông già: Cho nên họ mới không lãnh hội được thịnh tình của bác.
Mã chủ nhiệm: Thôi đừng đề cập đến chuyện đó nữa, cái giao tình này. Từ rày trở đi người của hãng xe buýt mà đến, thằng Mã này sẽ xử sự một cách thẳng thừng. (Rút ra điếu thuốc.) Ông hút thuốc không?
Ông già: (Liếc nhìn nhãn điếu thuốc kia.) Không, cám ơn, tôi ra khỏi nhà sáng nay quên mang theo cặp kính lão.
Mã chủ nhiệm: "Đại Tiền Môn" đấy.
Ông già: Loại này khó mua lắm nhé.
Mã chủ nhiệm: Đúng thế. Hôm kia người bên hãng xe buýt đến tìm tôi, chính tay tôi cấp cho họ hai mươi hộp. Đâu có dè họ lại khó chơi như thế.
Ông già: Thứ hàng hóa thiếu hụt đó khó làm lắm.
Ông già: "Đại Tiền Môn" đều ra theo cửa sau cả, chả trách gì mà xe kia tới trạm phải dừng lại đều không dừng.
Mã chủ nhiệm: Bác ngụ ý gì vậy?
Ông già: Chẳng ngụ ý gì cả.
Mã chủ nhiệm: Cái không ngụ ý này ngụ ý gì vậy?
Ông già: Chả có ngụ ý gì cả.
Mã chủ nhiệm: Cái chả có ngụ ý gì cả này ngụ ý gì?
Ông già: Chả ngụ ý gì cả tức là chả ngụ ý gì cả.
Mã chủ nhiệm: Chả ngụ ý gì cả tức là chả ngụ ý gì cả không phải là không ngụ ý gì!
Ông già: Vậy thì ông nghĩ nó ngụ ý gì?
Mã chủ nhiệm: Cái ý nghĩa đàng sau của cái chả ngụ ý gì cả tức là chả ngụ ý gì cả của bác rất là rõ ràng! Bác muốn nói là với vai trò chủ nhiệm tôi cầm đầu cái vụ mở cửa sau, phải không?
Ông già: Đó chính là ông nói đấy nhé.
(Người trầm mặc nôn nóng đi qua đi lại.)
Người đeo kính: (Đọc ngữ vựng Anh ngữ từ thẻ ngữ vựng của anh.) Book, pig, desk, pig, dog, desk, book---
Sư phó: Anh đang đọc Anh văn của nước nào vậy?
Người đeo kính: Anh văn là Anh văn, chẳng có nước nào cả. Không, đây là Anh văn theo âm Mỹ quốc. Người Anh và người Mỹ đều nói tiếng Anh, nhưng mà phát âm không giống nhau, cũng tựa như chữ "ngã," bác nói "yêm," họ nói "cha." Hiện giờ thi vào đại học đều phải thi ngoại ngữ. Hồi trước không có học, cho nên phải học từ bắt đầu thôi. Không thể cứ thế mà đợi xe, làm phí hết cả thời giờ ở trạm xe.
Sư phó: Anh học đi, học đi.
{Bà mẹ: (Lẩm bẩm với khán giả.) Bội Bội của tôi đợi tôi về hẹn vào đúng
Cô gái: bảy giờ mười lăm để làm bánh trôi, nó không thích ăn thứ làm với đường cát, đậu đỏ, ngũ nhân. Nó chỉ thích ăn nhân hạt mè thôi... Chúng tôi hẹn gặp lúc bảy giờ mười lăm trước cổng công viên, bên kia đường cái, dưới ngọn đèn thứ ba. Tôi xách theo cái túi màu đỏ tía, anh ấy đứng bên chiếc xe đạp Bồ Câu Bay...}
(Người trầm mặc bước đến trước mặt họ, nhìn họ. Họ không nói chuyện nữa.)
Mã chủ nhiệm: (Nói với Ông già.) Tôi hỏi bác hàng hóa thiếu hụt là gì?
Ông già: Là thứ mà mình không mua được.
Mã chủ nhiệm: Với khách hàng mà nói thì là mua không được, còn đối với bộ thương nghiệp chúng tôi thì đó gọi là tiếp liệu thiếu hụt. Tiếp liệu thiếu hụt tạo ra mâu thuẫn giữa cung và cầu. Bác phải giải quyết cái mâu thuẫn này như thế nào?
Ông già: Tôi đâu phải là chủ nhiệm.
Mã chủ nhiệm: Nhưng mà bác là khách tiêu thụ! Bác bỏ thuốc được không?
Ông già: Thử mấy lần rồi.
Mã chủ nhiệm: Bác không biết là hút thuốc có hại cho sức khỏe sao?
Ông già: Tôi biết.
Mã chủ nhiệm: Biết mà còn vẫn hút? Bác thấy chứ, tuyên truyền rốt cuộc là tuyên truyền. Không phải là mỗi năm đều tuyên truyền kế hoạch sinh đẻ sao? Dân số lại cứ vẫn gia tăng. Người lớn mà còn chưa cai thuốc được, trẻ con lau mũi chưa sạch tiếp tục bắt chước ghiền. Số người hút thuốc mọc còn nhanh hơn thuốc lá. Theo bác thì cái mâu thuẫn cung cầu này giải quyết được sao?
(Người trầm mặc đeo túi lên vai, định nói gì lại thôi.)
Người đeo kính: (Đọc lớn.) Open your books! Open your pigs không đúng. Open your dogs--không đúng, không đúng!
Ông già: Không sản xuất được nhiều hơn sao?
Mã chủ nhiệm: Câu hỏi của bác có lý! Nhưng mà đây là vấn đề của bộ sản xuất, làm sao mà bộ thương nghiệp chúng tôi giải quyết được? Bác trách tôi mở cửa sau, cửa sau của chúng tôi cũng chỉ chiếu cố được những khách hàng có tay trong. Có thể mở cửa lớn ra bán cho công chúng không? Bác nghĩ đi, rốt cuộc thì cũng có người mua được, có người không mua được. Nếu như ai cũng mua được cả có phải là đã chẳng có mâu thuẫn không?
Cô gái: Bép xép mãi, phiền quá!
Bà mẹ: Cô chưa hiểu được đâu, đợi đến khi cô làm mẹ, phiền não càng nhiều nữa.
(Người trầm mặc quay lại, ánh mắt cô gái chạm ánh mắt anh ta, cô gái lập tức nhìn xuống. Người trầm mặc chẳng hề chú ý, bước sải đi, chẳng buồn quay đầu. Tiếng âm nhạc khe khẽ vang lên, âm thanh biểu lộ một sự tìm kiếm đau đớn nhưng bướng bỉnh. Âm nhạc dần dần biến mất. Cô gái nhìn về phía người trầm mặc đi, như thể hoang mang .)
Sư phó: Tôi xin ngắt lời. (Mã chủ nhiệm và Ông già quay lại.) Tôi không nói với hai vị, hai vị cứ tiếp tục tán phét đi.
Mã chủ nhiệm: Bác tưởng tôi lắm chuyện tán phét sao? Tôi đang làm công tác tư tưởng cho khách hàng! (Tiếp tục thuyết phục Ông già.) Bác không hiểu tình trạng của bộ thương nghiệp chúng tôi. Bác có thắc mắc, bác công nhận không? Công việc chủ nhiệm của tôi chắc dễ làm lắm đấy? Bác thử làm xem?
Ông già: Tôi đâu làm được.
Mã chủ nhiệm: Bác cứ thử làm xem!
Ông già: Tôi chịu rồi, chịu rồi!
Mã chủ nhiệm: (Nói với sư phó.) Bác thấy chưa? Bác thấy chưa?
Sư phó: Thấy cái gì? Tôi muốn nói là cái ông thầy giáo đeo kính kia.
Người đeo kính: (Làm câu.) Do you speak English? I speak a litter...
Thằng lỗ mãng: (Bắt chước anh ta, giọng quái đản.) Ai-si-pi-ke-ai-li-tơ-ơ---
Người đeo kính: (Giận dữ.) Are you a pig?
Thằng lỗ mãng: Anh mới đánh rắm mà!
Cô gái: Đừng ồn ào nữa, được không? Tôi chịu hết nổi rồi!
Sư phó: Này thầy, đồng hồ thầy mấy giờ rồi?
Người đeo kính: (Nhìn đồng hồ, giật mình kinh ngạc.) Cái gì? cái gì...
Sư phó: Chết rồi à?
Người đeo kính: Phải chi nó chết còn đỡ... cái gì, đã một năm trôi qua rồi!
Cô gái: Bác giỡn mặt thiên hạ!
Người đeo kính: (Lại nhìn đồng hồ.) Đúng thế, chúng ta đã đợi ở trạm xe này đúng một năm rồi.
(Thằng lỗ mãng cho ngón tay trỏ vào miệng, hết sức huýt một tiếng sáo.)
Ông già: (Đưa mắt nhìn mọi người.) Vớ vẩn!
Người đeo kính: Vớ vẩn cái gì, bác không tin thử nhìn đồng hồ xem.
Sư phó: Đừng nhắng lên, không sao cả!
Bà mẹ: Đồng hồ của tôi tại sao mới hai giờ bốn mươi?
Thằng lỗ mãng: (Lấn tới.) Chết rồi!
Sư phó: La lối cái gì vậy? (Nói với Ông già.) Xem đồng hồ của bác đi.
Ông già: (Rờ rẫm mãi, khó khăn lắm mới moi được đồng hồ từ trong ngực áo ra.) Tại sao lại không đúng?
Thằng lỗ mãng: Bác xem ngược rồi.
Ông già: Một giờ... mười. Chết ngắc rồi.
Thằng lỗ mãng: (Khoái trá.) Thua đồng hồ người ta. Đồng hồ này cũng y chang như bác, cũng già rồi.
Mã chủ nhiệm: (Lắc cổ tay, lắng nghe.) Tại sao đồng hồ tôi cũng chết luôn?
Bà mẹ: Nhìn ngày tháng xem, đồng hồ của ông không phải có cả lịch luôn sao?
Mã chủ nhiệm: Ngày bốn mươi tám tháng mười ba--lạ thật, đồng hồ tôi hiệu Omega nhập cảng mà.
Thằng lỗ mãng: Biết đâu chỉ là đồ nhựa dỏm.
Mã chủ nhiệm: Cút đi!
Người đeo kính: Của tôi là đồng hồ điện tử, không thể sai được. Quí vị nhìn xem, vẫn còn chạy. Tôi mua hồi năm ngoái, chưa từng bao giờ chết cả. Đồng hồ điện tử có sáu công dụng, năm, tháng, ngày, giờ, phút, giây gì đều có cả. Quí vị nhìn xem, không phải là cả một năm đã trôi qua rồi sao!
Sư phó: Anh làm mọi người hoang mang, đồng hồ điện tử thì đã sao? Đồng hồ điện tử cũng có lúc không đúng.
Ông già: Sư phó à, chúng ta không thể không tin khoa học. Điện tử là khoa học, khoa học không lừa dối con người. Hiện giờ có thể nói là thời đại điện tử! Chúng ta đúng là có gì không ổn rồi.
Bà mẹ: Như thế có nghĩa là chúng ta đã đợi xe ở trạm này đúng một năm rồi?
Người đeo kính: Đúng thế, đúng phóc một năm, một năm ba phút một giây, hai giây, ba giây, bốn giây, năm giây, sáu giây... quí vị nhìn xem, vẫn cứ còn chạy.
Thằng lỗ mãng: Hừ, đúng thế, các bạn, đúng mẹ nó một năm!