Làm tốt thì tốt hơn là nói giỏi.

Benlamin Franklin

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Dược Trần
Upload bìa: Ngô Quang Hoàng
Số chương: 29 - chưa đầy đủ
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7574 / 93
Cập nhật: 2016-08-01 22:05:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
huyến đi Crai-xcơ làm Mi-rô-nốp hồi hộp không những chỉ do tính chất phức tạp và nghiêm túc trong nhiệm vụ của anh; mà còn là do nơi đó anh rất thích. Một thành phố phương Nam ấm áp và vui vẻ. Đã mấy năm rồi An-đrây không đến Crai-xcơ nên anh càng mong sao cho chóng tới thành phố như mong gặp người thân cũ lâu ngày xa cách.
...Gần trưa, sau cửa sổ toa tàu đã thấp thoáng hiện ra mái các nhà máy, các dàn giáo công trường và những tháp nhọn của cần trục. Tàu hỏa đã đến Crai-xcơ.
Tòa nhà màu trắng rộng lớn của khu ga rực lên dưới ánh nắng phương Nam chói chang. Mi-rô-nốp thấy nhiều khu nhà mới xây. Trước đây, khi anh tới Crai-xcơ, nhà ga lớn lộng lẫy này cũng chưa có. Quảng trường nhà ga đã thay đổi: nó được mở rộng hơn và rải nhựa bóng loáng.
Từ quảng trường, đường phố rộng chạy tỏa ra khắp hướng như rẻ quạt với các hàng cây bồ đề, cây dẻ mọc thẳng tắp dọc trên vỉa hè. Xe con, xe lớn xuôi ngược vội vã, hoàn toàn giống như cảnh ở Mát-xcơ-va. Nhưng ở đây thưa thớt hơn.
Chả khó khăn gì, anh đã tìm được tòa nhà của Cục an ninh nhà nước trong thành phố. Mi-rô-nốp đi thẳng đến phòng khách của cục trưởng.
Đối với Ki-rin Pê-tơ-rô-vích Xcơ-vô-re-xki, An-đrây Mi-rô-nốp có những tình cảm phức tạp khác nhau. Đó là lòng biết ơn đối với mọi sự chăm sóc thân tình mà Xcơ-vô-re-xki đã dành cho anh trước đây. Đó là lòng kính trọng đối với những kinh nghiệm phong phú của người cán bộ phản gián. Anh khâm phục công lao và uy tín của ông. Cuối cùng đó là những đức tính trong nếp sống,trong phương pháp làm việc của một con người thuộc thế hệ đi trước mà Mi-rô-nốp nhiều khi có cảm giác như tình cảm cha con.
An-đrây biết Xcơ-vô-re-xki từ nhiều năm trước: chiến tranh đã khiến cho họ có dịp sống với nhau. Trước chiến tranh Ki-rin Pê-tơ-rô-vích làm việc ở Ủy ban nội vụ tỉnh Xmô-len-xcơ, khi tỉnh này bị phát xít Đức chiếm đóng thì ông đã lãnh đạo một trong những binh đoàn du kích chiến đấu ở khu Tây - Nam tỉnh. Chính ở đây, đầu mùa đông năm 1942, cậu học sinh An-đrây Mi-rô-nốp bị mồ côi cả cha lẫn mẹ trong thời kỳ quân Hít-le tràn qua, đã được dẫn đến với đội du kích lớn này.
Ngay từ buổi đầu, Xcơ-vô-re-xki đã dự định, nếu có hoàn cảnh thuận lợi là gửi ngay cậu bé này về "Đất lớn"-- hậu phương Xô-viết, nhưng mãi vẫn không có dịp và khi có dịp thì những dự định cũ không hợp nữa: An-đrây đã trở thành một người gắn bó với đơn vị. Chàng trai lanh lẹn, thông minh và chín chắn trước tuổi đó, với lòng căm thù sâu sắc bọn Hít-le, lúc đầu làm việc ở ban tham mưu, về sau dần dần trở thành một trong những tay quân báo xuất sắc của du kích. So với những người lớn tuổi anh lọt vào dễ dàng hơn các làng mạc, thành phố bị chiếm đóng, vào tận hang ổ của địch, duy trì sợi dây liên lạc với những người hoạt động bí mật, khai thác nhiều tin tức tình báo có giá trị.
Chính trong những năm hoạt động du kích đó, những đức tính cần thiết của một người tình báo, một cán bộ phản gián tài giỏi đã dần dần hình thành trong con người An-đrây Mi-rô-nốp.
Sau khi đuổi bọn phát xít khỏi các vùng Xmô-len-xcơ, O-ri-ôn, Bri-an-xcơ, binh đoàn du kích do Xcơ-vô-re-xki lãnh đạo đã thay đổi nhiệm vụ: người thì chuyển vào bộ đội thường trực, người thì bắt tay vào công cuộc khôi phục trong hoàn cảnh hòa bình.
Theo nguyện vọng và với sự giúp đỡ của Xcơ-vô-re-xki, An-đrây Mi-rô-nốp được cử đi học tại trường quân sự bộ đội biên phòng. Sau những năm phục vụ ở biên giới, ở Trung Á và Viễn Đông, vào đầu những năm năm mươi, Mi-rô-nốp được điều về công tác tại Ủy ban an ninh nhà nước ở Mát-xcơ-va...
Chia tay với Ki-rin Pê-tơ-rô-vích Xcơ-vô-re-xki từ năm 1943,nhưng An-đrây vẫn không mất liên lạc với ông. Hai người ít khi gặp nhau nhưng thỉnh thoảng anh vẫn viết thư cho ông... Mấy năm nay, anh chưa gặp lại Xcơ-vô-re-xki nên giờ đây anh rất vui sướng trước cuộc gặp gỡ này.
Xcơ-vô-re-xki cũng không kém phần vui mừng khi thấy An-đrây.
--Chà, chà, lại gặp cậu ở đây. Nào, xem xem có gì biến đổi không nào?-- Xcơ-vô-re-xki xúc động reo lên. Ông cầm tay An-đrây kéo vào phòng và tò mò ngắm anh. Không,-- đại tá vừa nói vừa ấn vai An-đrây ngồi xuống chiếc đi-văng và tự ông cũng ngồi xuống cạnh anh,-- cậu không thay đổi gì cả: khá lắm!-- Xcơ-vô-re-xki thực lòng ngạc nhiên, nhìn khuôn mặt rám nắng, kiên nghị của An-đrây với đôi vai rộng và thân hình cân đối khỏe mạnh của anh, miệng cứ tấm tắc.-- Cậu hầu như không thay đổi gì cả, vẫn còn trẻ, trẻ lắm. Bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Đã ba mươi chưa?
-- Ồ, Ki-rin Pê-tơ-rô-vích!-- An-đrây mỉm cười.-- Đồng chí quá khen. Trên ba mươi từ lâu rồi đấy...
-- Chà, chà,-- Xcơ-vô-re-xki thở dài.-- Thời gian trôi nhanh thật. Nhanh thật!... Thế, sống ra sao? Vẫn chưa lập lại gia đình chứ?
-- Chưa, Ki-rin Pê-tơ-rô-vích ạ. Như người ta nói là: chỉ sợ tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa thôi. Đồng chí cũng đã biết rồi đấy!-- Mi-rô-nốp nói, vẻ không vui.
Xcơ-vô-re-xki hiểu. Những nằm đầu khi mới về Mát-xcơ-va, Mi-rô-nốp đã làm quen với cô sinh viên Li-u-đa ở ga tàu thủy Him-ki. Li-u-đa có vẻ thích anh. Và, anh cũng vậy, anh thấy có cảm tình với cô gái đó. Chả hiểu vì sao? Từ xưa, An-đrây luôn có vẻ ngại ngùng đối với các cô gái, nhưng sau khi quen biết Li-u-đa độ vài ba tuần thì anh chợt hiểu ra, anh đã yêu Li-u-đa, yêu một cách nghiêm túc. Một tháng sau, mặc dầu bố mẹ Li-u-đa phản đối là con gái họ còn trẻ chưa vội gì lấy chồng cả, nhưng họ vẫn cứ quyết định làm lễ cưới. Nhưng về sau, sự việc lại diễn ra hoàn toàn khác hẳn với những điều mà Mi-rô-nốp đã suy tính. Càng gần gũi vợ bao nhiêu, Mi-rô-nốp càng nhận thấy rõ cô ta là một người quá được nuông chiều từ bé, một người nhẹ dạ và thậm chí rất bướng bỉnh. Cuộc sống chung không được hòa thuận lắm.
Do điều kiện nhà ở còn khó khăn nên sau khi cưới, Mi-rô-nốp và vợ vẫn phải ở nhờ căn phòng -- chung một nhà với gia đình khác. Điều đó làm cho Li-u-đa không hài lòng. Cô ta đòi phải có nhà riêng. Ai chả biết là trong những năm ấy, một gia đình hai vợ chồng son mà đòi ở riêng một nhà thì thực tế hoàn toàn không cho phép. Mi-rô-nốp coi những đòi hỏi của Li-u-đa là lố bịch. Từ đấy, sự bất hòa giữa hai người bắt đầu. Mâu thuẫn càng ngày càng nhiều và trở nên sâu sắc hơn.Li-u-đa không thích chồng đi làm đêm, mãi đến gần sáng mới về nhà. Cô không thích kiểu sống giản dị khiêm tốn của Mi-rô-nốp. Cô rất khó chịu trước lòng căm ghét của anh đối với những ý nghĩ trống rỗng và cuộc sống vô công rồi nghề.
Li-u-đa không thấy xấu hổ khi cô mắng chồng là giả dối với cô. "Tôi, -- cô ta nói,-- tôi cứ nghĩ rằng công tác phản gián của anh phải là một công việc hết sức hấp dẫn, lãng mạn, phải là một cuộc sống sôi nổi và rộng rãi. Còn anh thì sao? Anh chỉ mài mòn đũng quần suốt ngày, suốt đêm như một nhân viên bàn giấy hạng quèn. Không, anh cũng chưa được như một nhân viên bàn giấy nữa -- còn tồi tệ hơn loại ấy. Anh nhân viên bàn giấy còn có lúc rảnh rang nghỉ ngơi chiều tối với vợ. Chứ anh thì làm gì có!" Tất nhiên Mi-rô-nốp không thể nói cho cô ta biết là anh đã "mài mòn đũng quần" như thế nào. Tuy nhiên, anh biết công tác phản gián của anh luôn luôn đòi hỏi cả hai điều -- sự kiên nhẫn và sự " mài mòn" đũng quần.
An-đrây ngày càng hiểu rõ là anh đã sai lầm rất lớn khi cưới Li-u-đa làm vợ và không thể tiếp tục mãi cuộc sống với cô ta được. Anh đau khổ chịu đựng những điều xảy ra. Tất cả những việc đó đã mấy năm nay, nhưng vết thương lòng của anh vẫn chưa hàn gắn được...
Ki-rin Pê-tơ-rô-vích Xcơ-vô-re-xki cũng biết chuyện vợ con của Mi-rô-nốp. Ông hiểu tâm trạng của anh và nghĩ, tốt hơn hết là đừng hỏi gì thêm. Ông đi thẳng vào công việc.
-- Nào An-đrây, báo cáo đi, anh đến đây làm gì? Những nét đại thể thì tôi biết rồi. Xê-men Pha-đê-ê-vích Va-xi-li-ép đã nói với tôi qua điện thoại. Nhân viên của tôi cũng đã báo cáo. Nhưng tôi muốn biết tỷ mỷ hơn.
An-đrây kể lại cặn kẽ việc bắt giữ Xa-môi-lốp-xcai-a, về những khẩu cung của mụ và những tang vật khám thấy trong xắc. Nhưng khi anh vừa nói đến mẩu giấy bí mật và những dòng chữ ghi trên đó thì Xcơ-vô-re-xki bỗng cắt ngang:
-- Khoan! Chờ một lát. Đấy, căn cứ theo lời anh thì rõ ràng là ở Mát-xcơ-va, các anh đã nghĩ nát óc về tờ giấy kia ở đâu ra? Ai viết những câu đó và nó có nghĩa gì? Mẩu giấy này theo tôi nghĩ, có lẽ là do vợ Trê-nhi-a-ép viết. Đúng! Tất cả đều chứng tỏ, mẩu giấy đó là của cô ta.
Mi-rô-nốp sửng sốt hỏi:
-- Xin lỗi, xin lỗi cho tôi hỏi đã, đồng chí Ki-rin Pê-tơ-rô-vích! Vợ nào? Trê-nhi-a-ép là người độc thân cơ mà.
-- Độc thân à? Ai bảo anh vậy. Không phải đâu. Ông ấy đã có vợ. Tuy nhiên... tuy nhiên hiện nay, có thể coi như kẻ độc thân thật...
-- Đồng chí nói gì vậy, Ki-rin Pê-tơ-rô-vích, đồng chí không đùa đấy chứ? Khi thì đã có vợ, lúc thì lại là kẻ độc thân. Thật lạ lùng! Tôi đã đọc kỹ toàn bộ hồ sơ của ông ấy, và biết rõ: ông ấy là người độc thân, chưa bao giờ cưới vợ cả. Hồ sơ mới nhất mà tôi có, làm cách đây hai năm trước khi Trê-nhi-a-ép được cử đến công trường ở Crai-xcơ. Khi đến làm việc ở Crai-xcơ ông ấy không hề có điều gì bổ sung vào hồ sơ của mình cả. Ở Crai-xcơ cũng không có điều gì bổ sung thêm. Ở phòng địa chỉ cũng vậy...
-- Thế mà ông ta,-- Xcơ-vô-re-xki nói xen ngang, -- lại cưới vợ cách đây gần hai năm,trước lúc về Crai-xcơ.
-- Trước khi về Crai-xcơ? Như vậy mọi sự giờ đã rõ hơn. Nhưng sao đồng chí lại nói: ông ta là kẻ độc thân, trong khi theo như lời đồng chí vừa nói, thì ông ta đã có vợ từ hai năm nay? Thế là thế nào?
-- Ồ, người anh em ạ, đây là cả một câu chuyện dài. Tôi vừa được biết từ hôm qua thôi. Vợ Trê-nhi-a-ép đã bỏ chồng. Cô ta bỏ đi. Có thể đã được ba bốn tháng nay rồi. Đây là một việc chả tốt đẹp gì, một sự dối trá. Cô ta bỏ đi vội vã đến nỗi chả kịp mang theo đồ đạc gì. Trê-nhi-a-ép chờ đợi, chờ mãi cho đến lúc không thể chờ được nữa. Ông ta đành chịu đựng một mình. Nhưng còn có những đồ vật để lại, ông ta quyết định phải đoạn tuyệt với nó. Trong lúc đó thì Xa-môi-lốp-xcai-a xuất hiện... Phần còn lại của câu chuyện thì anh đã rõ. Do đó, tôi nghĩ rằng: có phải chính chiếc áo khoác nữ kia là của người vợ Trê-nhi-a-ép không? Kể cả mẩu giấy nữa? Anh nghĩ sao?
An-đrây vẫn chăm chú nghe Xcơ-vô-re-xki, chưa vội trả lời. Giờ đây anh đang nghĩ tới điều khác.
-- Đồng chí Ki-rin Pê-tơ-rô-vích,-- anh hỏi,-- cho tôi hỏi một điều có được không? Làm sao đồng chí biết được câu chuyện: bỏ trốn, lừa dối? Những câu chuyện loại này người ta không thích đưa ra bàn tán. Mà Trê-nhi-a-ép, xét kỹ ra, thì không phải là người ba hoa.
Xcơ-vô-re-xki hơi phân vân, đưa tay xoa xoa chiếc đầu hói bóng, ông bối rối nói:
-- Anh hiểu chứ, ở đây có một chi tiết khác.
-- Chi tiết gì vậy? -- Mi-rô-nốp hỏi, hồi hộp. -- Chi tiết gì nữa?
-- Anh hiểu không, khi Cục công an Crai-xcơ nhận được tin về việc bắt giữ mụ Xa-môi-lốp-xcai-a, và việc mụ ta vu khống Trê-nhi-a-ép thì mấy cậu phụ trách điều tra hình sự đã mời ngay Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích Trê-nhi-a-ép đến hỏi. Sau khi ông ta gặp họ, tôi mới được hay biết. Do đó, chúng tôi biết được những chuyện rắc rối về gia đình của ông ta. Mặt khác, ông ta cũng biết việc Xa-môi-lốp-xcai-a bị bắt và nguồn gốc lần điều tra này. Quả thật là ngốc nghếch vô cùng, nhưng bây giờ cậu nghĩ xem, nên làm gì? Giờ thì phải tính đến các chứng cớ. Trong cuộc nói chuyện ấy có một cán bộ của tôi dự, cậu Lu-ga-nốp. Nhưng cậu ta cũng không biết gì nhiều lắm. Đúng là chuyện "hỏi han" này xảy ra thật bất ngờ.
-- Thế còn mẩu giấy, và những dòng chữ bí mật kia, họ cũng nói với Trê-nhi-a-ép à? -- Mi-rô-nốp hồi hộp hỏi.
-- Không,--_Xcơ-vô-re-xki nói, giọng nói làm cho anh yên tâm, -- về mảnh giấy đó thì cơ quan công an chúng tôi chưa hề biết đến. Chính tôi cũng vừa được Xê-men Pha-đê-ê-vích cho biết mới đây thôi.
An-đrây không muốn để lộ sự bất bình của mình về lối làm ăn hấp tấp, non nớt của cơ quan công an địa phương. Thật là họ không biết cách điều tra nên bắt đầu từ đâu, nhưng họ cũng hiểu là việc điều tra sẽ đụng chạm đến một con người cụ thể tham dự vào sự kiện. Thật tai hại. Nhưng về một mặt nào đó thì Xcơ-vô-re-xki cũng có cái đúng: cái gì phải xảy ra thì nó tất yếu sẽ đến, không thể bỏ qua các chứng cớ được.
Theo ý kiến của Xcơ-vô-re-xki, An-đrây quyết định tiếp tục cuộc điều tra cùng với đại úy Lu-ga-nốp -- cán bộ của Cục an ninh nhà nước tỉnh Crai-xcơ, người đã dự vào cuộc nói chuyện với Trê-nhi-a-ép ở sở công an. Anh hẹn với đại tá là đến chiều hoặc có thể là muộn hơn -- anh sẽ gặp đại tá tại nhà riêng, An-đrây chia tay với ông và đến phòng Lu-ga-nốp.
Phút đầu gặp gỡ, đại úy lu-ga-nốp không gợi cho Mi-rô-nốp một cảm giác gì đặc biệt: vóc người hơi thấp, nhưng mập và khỏe. Khuôn mặt vào khoảng bốn mươi. Anh tiếp An-đrây vẻ chậm chạp, khô khan. Nhưng chỉ một lát sau, An-đrây hiểu, cảm giác ban đầu đã đánh lừa anh. Đại úy không phải là con người khô khan như anh tưởng, trái lại, sau vài phút bỡ ngỡ, anh đã tỏ ra lanh lẹn, mặc dù anh không có ý bắt người cùng nói chuyện phải thay đổi ý nghĩ ban đầu của mình. Nói chung, qua thái độ, giọng nói, Mi-rô-nốp thấy anh ta có một tính cách nghiêm nghị. Đặc biệt, Mi-rô-nốp rất hài lòng khi nghe Lu-ga-nốp, cố nén vẻ bực tức nhưng đầy mỉa mai, kể lại những việc làm của cơ quan công an Crai-xcơ. Họ đã hấp tấp cho gọi Trê-nhi-a-ép đến hỏi. Có một cán bộ công an nào đó, như Lu-ga-nốp cho biết, đã can ngăn và cho rằng gọi như vậy là quá sớm. ( Bản thân Lu-ga-nốp cũng ủng hộ quan điểm này). Nhưng ý kiến đó đã không được xét đến. Làm sao được! Trê-nhi-a-ép -- một nhân vật nổi tiếng ở Crai-xcơ! Ông ta có điều gì bí mật? Một con mụ buôn lậu nào đó đã vu khống, đã đổ tiếng xấu cho ông ta. Tất nhiên là cần phải hỏi. Ông ta sẽ nói hết, sẽ trình bày rõ ràng.
--Nhưng theo ý kiến cá nhân thì anh có nhận xét gì về Trê-nhi-a-ép?
-- Ý kiến gì được, đồng chí thiếu tá? -- Lu-ga-nốp hỏi lại với vẻ hết sức chân thực. -- Tôi cũng chỉ là một người dự buổi nói chuyện lâu không quá một giờ đó. Tôi có thể nói gì về ông ấy? Cảm giác chung nhất là ông ta có vẻ đường hoàng, tự tin. Tôi không muốn kêt luận một cách vội vã về bất cứ ai. Chúng tôi cũng chưa có những tài liệu cần thiết về ông ta, do đó tôi thấy cần phải phân tích thêm đã.
Câu trả lời đó của Lu-ga-nốp đã làm cho An-đrây rất thích. Anh không ưa những con người ba hoa như ông Khôn-xơ * (mà quả là trong đời vẫn hay gặp những người như vậy). Họ thường tự phụ, khoe khoang là " họ biết đánh giá con người ngay từ cái nhìn đầu tiên".
Lu-ga-nốp không biết được gì thêm so với những điều mà Mi-rô-nốp đã có, những điều anh đã nghiên cứu trong tập hồ sơ bìa nâu, nếu như không kể đến một số chi tiết bổ sung thêm về hoàn cảnh gia đình Trê-nhi-a-ép.
Nói chuyện với Lu-ga-nốp, Mi-rô-nốp biết thêm được một số chi tiết để bổ sung cho những điều mà Xcơ-vô-re-xki đã nói. Thế là, Trê-nhi-a-ép -- con người độc thân từ lâu,đã lấy vợ một cách tình cờ, đột ngột chỉ một vài ngày sau khi quen biết một phụ nữ: cô ấy đã trở thành vợ của ông ta. Họ của người phụ nữ đó là Vê-lít-cô, tên là Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na.
Cuộc sống của gia đình Trê-nhi-a-ép có thể nói là đầm ấm, tươi sáng. Bỗng nhiên, khoảng năm tháng trước đây, ông biết rằng, vợ ông đã lừa dối ông. Tiếp đó, cô ta bỏ đi đâu không một ai biết. Chờ mãi không thấy Ôn-ga quay về lấy đồ dùng, quần áo, Trê-nhi-a-ép liền quyết định tống táng đi cho khuất mắt. Do đó, đồ đạc mới rơi vào tay mụ Xa-môi-lốp-xcai-a. Đấy là tóm tắt tất cả những gì Trê-nhi-a-ép đã nói ở sở công an.
Còn những dòng chữ bí mật trên mảnh giấy bị xé dở quả là hoàn toàn bất ngờ đối với Lu-ga-nốp. Anh vân vê mãi mẩu giấy, chăm chú đọc những dòng chữ khó hiểu, cắn môi, suy nghĩ.
-- Hừ, -- anh bật ra một tiếng rồi đưa trả An-đrây mẩu giấy, -- điều này đã thay đổi toàn bộ vấn đề. Chúng ta sẽ làm gì bây giờ?
Bây giờ phải làm gì? Bắt đầu điều tra từ đâu? Tất cả những việc đó Mi-rô-nốp đều đã có ý định: trước hết, cần phải tìm cách xác minh được nét chữ thường ngày của Ôn-ga Vê-lít-cô và so sánh nó với nét chữ trên mẩu giấy này. An-đrây nghĩ, có thể Ki-rin Pê-tơ-rô-vích đã nói đúng: "đó là nét chữ do chính tay cô ta viết". Nếu quả là như vậy thì công việc sẽ dễ dàng hơn. Trước lúc áp dụng những biện pháp khẩn trương nhất để tìm cho ra người phụ nữ bỏ trốn kia thì việc dò lại mặt chữ phải là điều rất cần thiết. Và nếu như việc kiểm tra đó chứng tỏ đúng là nét chữ của cô ta thì công việc sẽ trở nên thuận lợi hơn. Khi tìm thấy người phụ nữ bỏ trốn, thì nhiều vấn đề lúc đó sẽ được xác minh.
-- Xin lỗi đồng chí Lu-ga-nốp, -- Mi-rô-nốp bỗng nói. -- Tên thường gọi của đồng chí là gì?
-- Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích, đồng chí thiếu tá ạ.
-- Còn mình tên là An-đrây I-va-nô-vích. Vậy cậu có thể cho biết thêm là trong lúc nói chuyện Trê-nhi-a-ép có nói rõ chi tiết nào để xác định được là cô vợ của ông ta đi đâu không? Cô ta đã mua những loại quần áo đắt tiền kia ở đâu?
-- Không, đồng chí thiếu tá ạ, quên xin lỗi, không, An-đrây I-va-nô-vích ạ. Chi tiết nào ở đây nhỉ? Ông ta đã được báo cho biết về việc mụ Xa-môi-lốp-xcai-a. Chính ông ta cũng xác minh là ông ta đã đưa những đồ dùng đó cho mụ ấy. Tóm lại, ông ta chỉ kể rất vắn tắt mấy câu về hoàn cảnh lấy vợ và việc cô vợ bỏ trốn, để giải thích lý do ông ta đã nhờ bán quần áo của vợ. Thế rồi chúng tôi chia tay. Chả ai hỏi thêm được điều gì. Còn về phần tôi, như anh biết đấy, tôi không tiện can thiệp vào câu chuyện của mấy cậu công an hình sự. Nói đúng ra, thì việc tôi có mặt lúc nói chuyện cũng không phải là do chủ ý từ trước.
-- Này, cậu nghĩ xem, -- sau một phút suy nghĩ Mi-rô-nốp nói, -- ta có nên mời Trê-nhi-a-ép đến hỏi lần nữa không? Cứ mời ông ta đến sở công an vì ông ta cho rằng cậu là người của cơ quan công an hình sự. Với lý do là để xác minh thêm vài việc có liên quan đến mụ Xa-môi-lốp-xcai-a. Một hay hai lần gọi thì cũng chả có gì khác nhau, chả có gì là xấu cả. Nhưng cậu cứ nghĩ xem: có thể có những chi tiết quan trọng sẽ lộ ra trong cuộc nói chuyện lần này. Còn về mẩu giấy khó hiểu kia, thì đừng đả động đến.
Sau một lát suy nghĩ, Lu-ga-nốp đồng ý. Họ vạch kế hoạch cho cuộc nói chuyện và thống nhất rằng, để cho Trê-nhi-a-ép khỏi lo lắng thì Lu-ga-nốp sẽ giới thiệu Mi-rô-nốp là người giúp việc của anh.
Lu-ga-nốp nhận trách nhiệm tìm cách để lấy được nét chữ của vợ Trê-nhi-a-ép.
Còn An-đrây chịu trách nhiệm nghiên cứu những người công tác gần gũi với Trê-nhi-a-ép và bố trí việc bí mật bảo vệ ông.
-----------------------------------------------------
* Khôn-xơ -- nhân vật nổi tiếng trong các tác phẩm trinh thám của nhà văn Anh A.Cô-nan Đôi-lơ (1859 - 1930).
Sợi Chỉ Mỏng Manh Sợi Chỉ Mỏng Manh - Yakov Naumov, Aleksandr Yakovlev Sợi Chỉ Mỏng Manh