Nguyên tác: “The Money Changers”
Số lần đọc/download: 266 / 9
Cập nhật: 2020-06-28 13:34:23 +0700
Chương 2
P
hó tổng giám đốc Roscoe Heyward là người trong tốp rời khỏi phòng họp đầu tiên. Tin vừa được thông báo khiến ông thấy cần phải nhằm ngay lập tức hai mục tiêu. Trước tiên, cần chuẩn bị để nắm quyền một cách vững chãi khi Ben Rosselli qua đời. Hai là vận động cách sao để lên được chức Tổng giám đốc. Khả năng này của ông ta ngang với khả năng của Alex Vandervoort. Nếu Vandervoort chinh phục được đa số quan chức trong nhà băng, thì ông ta sẽ thắng phiếu Heyward trong cuộc bầu cử của Hội đồng Quản trị.
Vốn thành thạo các mưu kế trong hệ thống thang bậc quyền hành của nhà băng, Roscoe Heyward đã phác qua kế hoạch vận động ngay từ lúc ngồi trong phòng họp. Ra khỏi đó ông ta lập tức đi về phía khu vực các phòng giấy của mình bao gồm rất nhiều phòng, tường lát gỗ, bày những ghế bành êm ái và các cửa sổ đều trông ra phong cảnh toàn thành phố.
Vừa ngồi xuống ghế, Roscoe Heyward liền gọi một trong hai nữ thư ký riêng, bà Callaghan và ra các mệnh lệnh. Trước tiên là bắt liên hệ bằng điện thoại với các thành viên của Hội đồng quản trị nhà băng, Heyward muốn gặp riêng từng người để bàn bạc. Mệnh lệnh thứ hai là cửa phòng giấy cũng như đường dây điện thoại của ông ta cấm không được để ai quấy rầy. Điều này trái với truyền thống xưa nay của Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ. Ngài cố sáng lập viên đã buộc mọi người làm việc tại đây, kể cả Tổng giám đốc phải để cửa ngỏ cho bất cứ ai. Các đời con cháu Ngài tiếp tục làm Tổng giám đốc đều tuân theo tác phong đó. Heyward dự định sau này sẽ phải huỷ bỏ cái nguyên tắc đó. Nhưng trước mắt, ông ta cần phải thực hiện ngay để khỏi bị ai quấy rầy. Buổi họp sáng nay, Tổng giám đốc Ben Rosselli chỉ triệu tập có hai thành viên trong Hội đồng quản trị mà cả hai đều không trực tiếp làm giám đốc điều hành hộ phận nào trong nhà băng. Tất nhiên hai người đó là bạn lâu năm của Ben Rosselli. Như thế có nghĩa mười lăm thành viên khác trong Hội đồng quản trị, vẫn chưa biết tin về cái chết sắp đến của Tổng giám đốc.
Roscoe Heyward tính sẽ đích thân báo tin đó cho họ. Ông ta nhằm hai mục đích. Một là cái tin ghê gớm bất ngờ kia, sẽ lập tức tạo nên một sợi dây đồng cảm giữa người báo tin và người nghe. Hai là rất có thể một số thành viên hội đồng quản trị tự ái. Vì không được Tổng giám đốc mời dự cuộc gặp gỡ báo tin hôm nay, nhất là tại cuộc họp một số quan chức và nhân viên dưới quyền họ lại được mời. Roscoe Heyward tính sẽ khai thác nỗi bực tức đó.
Chuông điện thoại reo. Heyward nhấc máy, bắt đầu nói. Rồi ông gác máy, lại nhấc lên nói chuyện với một người khác. Vài thành viên Hội đồng quản trị lúc này vắng mặt trong thành phố, nhưng bà Dora Callaghan là nữ thư ký lâu năm, giàu kinh nghiệm, biết cách bắt liên lạc được với họ. Sau khi nói chuyện điện thoại mất chừng nửa giờ, Roscoe Heyward trịnh trọng nói với Huân tước Harold Austin:
- Dĩ nhiên chúng tôi trong nhà băng đều rất sầu não. Điều đó tưởng như không thể lại là sự thật được.
- Lạy Chúa tôi? - Giọng Huân tước Harold Austin vẫn còn mang nỗi choáng váng vừa rồi. Dòng họ Huân tước đến lập nghiệp tại thành phố này đến nay là sang thế hệ thứ ba. Trước đây khá lâu ông được bầu làm Nghị sĩ và tuy chỉ làm một khoá ông vẫn được mang cái tên hiệu là Huân tước và rất lấy đó làm vinh dự. Ông là chủ hãng quảng cáo lớn nhất của bang, được coi là thành viên hàng đầu của Hội đồng quản trị nhà băng này, và có uy tín với các thành viên khác của Hội đồng. Ông nói tiếp trong máy:
- Vậy mà ông ta có đủ gan để đích thân báo tin cho các ông.
Câu nói của Huân tước Austin thốt ra đúng với mong ước của Phó tổng giám đốc Roscoe Heyward. Ông này nói:
- Tôi đồng ý với Huân tước, Tổng giám đốc của chúng ta quả là dũng cảm. Nhưng thú thật, tôi thấy dùng cách báo tin dữ kiểu đó là không đúng. Bởi lẽ ra những người cần được ông ta báo tin đầu tiên phải là các thành viện của Hội đồng. Làm như thế kia là rất bất tiện. Cho nên tôi nghĩ phải sửa chữa cách làm đó của ông ấy, bằng cách trực tiếp thông báo với từng thành viên trong Hội đồng quản trị. Khuôn mặt diều hâu của Roscoe Heyward căng thẳng suy nghĩ, và sau cặp mắt kính mặt ông ta cau lại lạnh lùng.
Huân tước Harold Austin nói:
- Tôi thấy cách làm của ông rất đúng, Roscoe. Xin cảm ơn ông đã nghĩ đến chúng tôi.
- Trong hoàn cảnh rối ren như thế này lòng dạ còn đang rối bời, tôi chưa biết phải làm như thế nào mới là đúng. Vì thế câu tán thành của ông làm tôi rất yên tâm. Dù sao tôi thấy cũng phải đặt ra một vấn đề: phải có ai đó thâu tóm quyền điều hành nhà băng. Ông tán thành không, ông Harold?
Roscoe Heyward dùng cách xưng hô thân mật, bởi dòng họ nhà ông rất danh giá và ông tự hào là con cháu trực hệ của một người thời cách mạng, đã đặt bút ký vào bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ. Ông ta nói tiếp:
- Tôi thấy có bổn phận thông báo cho tất cả các thành viên của Hội đồng quản trị còn vì một nguyên nhân nữa. Cái tin khủng khiếp về bệnh trạng Ben Rosselli sẽ nhanh chóng lan ra khắp nơi và gây tiếng vang rất lớn.
- Đúng thế.- Harold Austin nói - Giới báo chí sẽ biết tin và ngày mai thôi, họ sẽ đặt ra cho chúng ta không biết bao nhiêu câu hỏi.
- Ông nói rất chí lý. Và tôi e báo chí làm rùm beng sẽ ảnh hưởng tai hại đến trị giá các cổ phiếu của ta.
- Đúng thế.
Roscoe Heyward cố vắt óc xem lúc này vị Huân tước Harold Austin kia đang nghĩ gì. Hãng quảng cáo mà Harold Austin là đại diện, sở hữu rất nhiều cổ phiếu của Ngân hàng Thương Mại số Một Hoa Kỳ, Heyward bèn ném hòn đá thăm dò:
- Nếu Hội đồng quản trị quyết định ngay những biện pháp khẩn thiết và kiên quyết, thì mới trấn an được các cổ đông và khách hàng, cũng như dân chúng nói chung. Thiếu những biện pháp đó thì tình hình sẽ rất nguy hiếm.
- Nhưng bạn bè gần gũi của Ben Rosselli thì làm sao có thể an tâm được mà làm chuyện đó?- Harold Austin bác lại. - Xin ông tin cho rằng tôi cũng đau xót không kém bất cứ ai. Vừa rồi tôi nói chỉ là vì tôi lo cho số phận của nhà băng chúng ta. Cụ thể ông nghĩ sao, Roscoe?
- Tôi nghĩ phải làm cách nào để công việc điều hành ngân hàng không bị đứt quãng. Cụ thể là ghế tổng giám đốc không được để trống, dù chỉ một ngày. Tất cả chúng ta đều yêu quý và kính trọng Ben Rosselli, nhưng phải thừa nhận ông ấy đâu phải là chủ cái nhà băng này. Đúng hơn là đã từ nhiều năm rồi, chủ nhà băng không phải riêng mình Rosselli, mà là một tập thể. Nếu nhà băng này là sở hữu riêng của một người, thì nó đã không phát triển được để trở thành một trong hai mươi ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ. Khốn nỗi người bên ngoài vẫn tưởng như nhà băng là sở hữu của riêng Ben Rosselli. Vì vậy tôi nghĩ rằng hung tín vừa rồi chính lại có mặt tốt, tạo điều kiện cho những người lãnh đạo nhà băng đập tan điều huyền thoại kia.
Roscoe Heyward cảm thấy người ở đầu dây kia đang cân nhắc thận trọng trước khi phát biểu. Heyward như hình dung thấy dáng dấp của Harold Austin: một tay điển trai, ăn chơi đang hết thời, bộ âu phục may cắt hết sức công phu, mái tóc hoa râm bồng cao. Nhưng ông ta không khờ dại, thậm chí Harold Austin còn nổi tiếng là nhà kinh doanh cứng rắn và thâm hiểm. Cuối cùng vị Huân tước nói:
- Tôi thấy ý kiến ông về chuyện tìm người thay chức Tổng giám đốc là hợp lý. Tôi cũng tán thành là ta cần cử ra một người làm quyền tổng giám đốc thế chân cho Ben Rosselli, và chúng ta phải công bố tên người đó ngay bây giờ, chứ không phải đợi đến khi Ben Rosselli nhắm mắt. Roscoe Heyward chăm chú lắng nghe. Harold Austin nói tiếp:
- Thật ra vấn đề này tôi đã nghĩ đến từ lâu. Tôi cho rằng người thích hợp nhất thế chân Ben Rosselli là ông đấy, Roscoe. Ông có năng lực, giàu kinh nhiệm và có đủ uy tín cần thiết. Tóm lại tôi sẵn sàng ủng hộ ông. Tôi hy vọng sẽ thuyết phục được các thành viên khác trong Hội đồng dồn phiếu cho ông ông thấy được chứ, Roscoe?
- Tất nhiên là tôi rất biết ơn ông, Harold!
- À nhân tiện tôi muốn ông giúp lại nói vài việc nhỏ.
- Tôi nghĩ như thế là hợp lý.
- Tốt lắm. Vậy là chứng ta hiểu biết lẫn nhau. Lúc gác máy, Roscoe Heyward rất vui về cuộc đàm thoại vừa rồi. Harold Austin vốn nổi tiếng là người giữ lời hứa. Các cuộc đàm thoại trước đó cũng làm Heyward hài lòng. Lát sau, trong khi nói chuyện với Philip Johannsen, Tổng giám đốc công ty cao su miền Trung, một thành viên khác của Hội đồng quản trị nhà băng, lại một hy vọng nữa mở ra trước mắt Heyward. Johannsen thú thật với Heyward là không ưa Vandervoort vì thấy một số quan điểm của ông này nhiều khi vượt ra khỏi nguyên tắc. Rồi Heyward nói:
- Vandervoort là người không chính thống. Tất nhiên chúng ta phải tính đến những khó khăn về đời tư của ông ta. Tôi không biết có được phép nói ông ta như thế không?
- Cụ thể là khó khăn nào?
- Tôi thấy nói ra đâm nhỏ nhen, vì đụng đến quan hệ nam nữ của Vandervoort.
- Xét một giám đốc nhà băng là phải xét mọi khía cạnh. Vả lại đây là câu chuyện riêng giữa ông và tôi, Roscoe. Cho nên ta cứ nói thật ra với nhau. Ông nói tiếp đi.
- Thôi được. Vandervoort đang gặp bế tắc trong quan hệ vợ chồng. Ông ta dan díu với một phụ nữ khác, cô này lại là người quan điểm chính trị khuynh tả, tên tuổi luôn xuất hiện trên báo chí và chuyện đó rất bất lợi cho hoạt động của nhà băng chúng ta. Đôi khi chính tôi cũng thắc mắc, không biết quan điểm chính trị của cô ta liệu có ảnh hưởng đến Vandervoort không. Nhưng như tôi đã nói, chuyện này nói ra nghe nhỏ nhen quá.
- Nhưng ông nói ra với tôi là rất đúng,- Johannsen nói.- Đấy là những thứ các thành viên Hội đồng quản trị cần biết. Vậy ra cô ta có quan điểm chính trị khuynh tả? Tên cô ta là gì?
- Margot Bracken.
- À, cái tên ấy tôi có đọc thấy và thú thật là tôi không ưa cái giọng của cô ta trên báo chí.
Lát sau, Roscoe Heyward "cứng rắn” mỉm cười gác máy. Một trong những cuộc đàm thoại tiếp sau không làm cho ông ta hài lòng lắm. Đấy là khi Roscoe Heyward nói chuyện với Leonard Kingswood, chủ tịch hội đồng điều hành công ty thép Northam đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị nhà băng này. Kingswood này xuất thân từ thợ giác luyện dưới chân lò cao, nói năng ấp a ấp úng. Khi Roscoe Heyward nói với ông ta rằng, lẽ ra các thành viên trong Hội đồng quản trị phải được báo cái tin kia đầu tiên thì Kingswood đáp:
- Nói vớ vẩn! Nếu ở địa vị Ben Rosselli, tôi cũng làm như thế. Trước tiên là những người thân cận nhất, sau đấy mới đến các thành viên Hội đồng và cuối cùng là người khác.
Còn chuyện khả năng sụt giá các cổ phiếu của nhà băng, thì Kingswood không băn khoăn gì hết. Ông ta nói:
- Dĩ nhiên khi tin kia lan ra, cổ phiếu có thể sụt vài điểm, bởi những người có cổ phiếu đều nhát gan. Nhưng rồi giá sẽ lại lên, chỉ sau một tuần lễ thôi, bởi giá trị thực của nó đâu có thay đổi. Nhà băng rất vững chãi và chúng ta đều biết rõ là như thế.
Lát sau, Kingswood còn gay gắt cắt ngang lời Roscoe Heyward và nói bằng giọng như sau:
- Ông bạn Roscoe ơi, cái trò vận động ma mãnh của ông lộ liễu quá đấy. Tôi nói rõ quan điểm của tôi cho ông nghe để ông khỏi phí thời giờ. Ông lãnh đạo khu vực tài khoản thì tuyệt giỏi rồi, tôi không thấy có ai hơn được ông. Nếu lúc nào đó ông muốn làm việc cho công ty thép Northam, thì tôi xin mở rộng cửa, dang hai tay đón ông, trả ông lương rất cao và tạo điều kiện để ông mua được nhiều cổ phiếu ở đây. Tôi sẽ thay đổi nhân sự, để mời ông đảm trách hoàn toàn khâu tài chính của công ty. Tôi hứa như thế và sẽ giữ đúng lời...Không, ông đừng cảm ơn, tôi chỉ nói ra những điều bụng tôi nghĩ. Mặc dù tài ba của ông lớn đến đâu, tôi cũng thẳng thắn nói với ông rằng, ông không có cái chất của một tổng giám đốc nhà băng và hôm này họp Hội đồng, tôi sẽ trình bày quan điểm của tôi và cố thuyết phục để mọi người tán thành. Tôi nói thêm là tôi đã dự kiến sẽ đề cử ai thế chân Ben Rosselli rồi. Đó là Alex Vandervoort.
- Cảm ơn ông đã nói thật, Kingswood.- Heyward bình thản đáp.
- Tốt lắm. Còn nếu như lúc nào đó ông quan tâm đến đề xuất của tôi mời ông về đây, thì ông cứ gọi điện thẳng cho tôi, bất kỳ tôi đang ở đâu, bất kể vào giờ giấc nào, đừng do dự gì hết.
Roscoe Heyward hoàn toàn không có ý nghĩ đến làm cho công ty thép Northam. Được tăng lương thì cũng tốt, nhưng câu nói vừa rồi của Kingswood làm ông tự ái.. Roscoe Heyward đang sắp làm tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại số một Hoa Kỳ kia mà. Ông ta tin chắc là như thế.
Chuông điện thoại lại reo. Heyward nhấc máy. Nữ thư ký Dora Callaghan báo tin đã bắt liên lạc được với một thành viên khác của hội đồng: Floyd Leberre. Roscoe Heyward nói ngay bằng giọng trầm và trịnh trọng:
- Chào ông Leberre. Tôi rất đau đớn báo ông biết một tin vô cùng đau buồn...