Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không nằm ở chỗ thiếu sức mạnh, thiếu kiến thức, mà là ở chỗ thiếu ý chí.

Vince Lambardi

 
 
 
 
 
Tác giả: Charles Dickens
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Đình Chi
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 59 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
hị gái tôi, bà Joe Gargery, hơn tôi đến ngoài hai mươi tuổi, và cũng
đã tạo được tiếng tăm kha khá với chính bản thân cũng như xóm giềng vì chị
đã nuôi bộ tôi khôn lớn “bằng tay”. Hồi ấy, vì phải tự tìm hiểu xem cách nói
đó có nghĩa là gì, và biết quá rõ bà chị có bàn tay vừa cứng rắn vừa nặng nề;
lại thêm thói quen thường xuyên giáng nó xuống ông chồng cũng như tôi, tôi
đã đoán chắc cả Joe Gargery lẫn tôi đều được nuôi lớn bằng tay.
Chị tôi chẳng phải là một phụ nữ ưa nhìn gì cho cam; và tôi có một ấn
tượng chung chung rằng hẳn chị đã dùng đến tay để buộc Joe Gargery cưới
chị. Joe là một người đàn ông điển trai, với những lọn tóc lượn sóng màu
vàng nâu rủ xuống hai bên khuôn mặt nhẵn nhụi, cùng đôi mắt màu xanh
nhạt đến mức dường như hòa lẫn với tròng trắng. Anh rể tôi là một người
hiền lành, tốt bụng, vui tính, dễ dãi và ngô nghê - giống như Hercules cả
trong sức mạnh lẫn sự yếu đuối.
Chị tôi, bà Joe, với mái tóc và đôi mắt đen, có nước da luôn ửng đỏ lên
tới mức đôi lúc tôi tự hỏi liệu có phải chị tắm rửa bằng một cái bào hạt nhục
đậu khấu thay vì xà phòng hay không. Chị tôi cao, gầy giơ xương, và gần như
luôn mặc một cái tạp dề tồi tàn, được buộc ra đằng sau lưng chị bằng hai nút
thắt vòng, đằng trước là một mảnh yếm tạp dề hình vuông bất khả công phá
gài đầy đinh ghim và kim khâu. Chị tôi luôn coi cái tạp dề như một minh
chứng mạnh mẽ về giá trị của mình, đồng thời cũng là lời chê trách nặng nề
giáng xuống Joe, thế nên chị cứ mặc nó suốt. Cho dù tôi thực sự chẳng thấy
có lý do nào bà chị tôi lại phải mặc nó vào người, hay tại sao chị cứ đeo riết
nó hằng ngày mà chẳng bao giờ chịu cởi ra.
Lò rèn của anh Joe nằm kề bên ngôi nhà của chúng tôi, một căn nhà cất
bằng gỗ như nhiều căn nhà khác ở quê chúng tôi - vào thời ấy thì hầu hết nhà
cửa đều thế cả. Khi tôi từ nghĩa địa nhà thờ chạy về nhà, lò rèn đã đóng cửa,
còn Joe đang ngồi một mình trong bếp. Joe và tôi là hai kẻ phải chịu chung
cảnh ngộ, và vì đã cùng chia sẻ nhiều tâm sự, anh Joe lập tức chia sẻ một bí
mật với tôi ngay khi tôi vừa nhấc then cửa hé nhìn anh đang ngồi ở cạnh lò
sưởi, đối diện cửa vào.
“Bà Joe đã ra ngoài cả tá lần rồi, đi tìm cậu đấy, Pip. Và bà chị cậu bây
giờ cũng đang ở ngoài, vậy là mười ba lần rồi.”
“Thật thế ạ?”
“Ừ, Pip,” anh Joe nói, “tệ hơn nữa là chị cậu mang theo cả Cây Cù
nữa.”
Nghe được tin tức đáng lo ngại này, tôi cứ xoắn mãi cái khuy duy nhất
trên áo khoác của mình trong khi cực kỳ ngán ngẩm nhìn chằm chặp vào
ngọn lửa. Cây Cù là một cây can được chuốt sáp một đầu, đã trở nên nhẵn
bóng nhờ những lần va chạm với tấm thân “được cù” của tôi.
“Chị cậu uống say bí tỉ,” Joe nói, “rồi đứng dậy, rồi vớ lấy Cây Cù, rồi
nổi cơn tam bành xông ra ngoài. Chị cậu đã làm vậy đấy,” Joe nói trong khi
chậm rãi dùng que cời lửa ra giữa những thanh chắn thấp và nhìn chăm chú
vào ngọn lửa, “chị cậu nổi cơn tam bành xông ra ngoài, Pip.”
“Chị đi lâu chưa, Joe?” Tôi luôn cư xử với anh rể như với một cậu bé
con tuy lớn xác hơn nhưng cũng chỉ bằng vai phải lứa với tôi.
“À,” Joe nói, ngước mắt nhìn lên cái đồng hồ quả lắc treo tường, “lần
cuối cùng, chị cậu nổi cơn tam bành được năm phút rồi, Pip. Chị cậu đang về
kìa! Nấp vào sau cửa đi, anh bạn, và lấy cái khăn cuộn chăng ra giữa cậu và
chị cậu.”
Tôi làm theo lời khuyên. Chị tôi, bà Joe, đùng đùng hất cánh cửa mở
tung ra, và khi nhận thấy có vật cản đằng sau, chị lập tức đoán ra nguyên cớ
rồi lôi Cây Cù ra điều tra cho tường tận hơn. Bà chị tôi kết thúc bằng việc
lẳng tôi về phía Joe - tôi vẫn thường xuyên bị đem ra dùng làm đạn pháo giữa
hai vợ chồng anh chị - còn anh rể tôi, người luôn vui vẻ được giữ lấy tôi
trong bất cứ điều kiện nào, liền đẩy tôi vào chỗ lò sưởi rồi lặng lẽ đưa cái
chân to tướng chắn cho tôi trong đó.
“Mày đã biến đi đâu hả, thằng khỉ con?” chị Joe giậm chân quát. “Hãy
nói ngay cho tao biết xem mày đã làm gì để khiến tao phải bồn chồn hết ra lại
vào như ngồi trên lửa, nếu không tao sẽ lôi cổ mày ra khỏi xó xỉnh đấy ngay,
cho dù mày có là năm mươi thằng Pip, còn ông anh rể mày có là năm trăm
Gargery đi chăng nữa.”
“Em chỉ ra chỗ nghĩa địa nhà thờ thôi,” tôi trả lời từ chỗ đang đứng,
vừa khóc vừa dụi mắt.
“Nghĩa địa nhà thờ ư!” bà chị tôi nhắc lại. “Nếu không nhờ có tao thì
mày đã ra đó từ lâu rồi, và ở luôn ngoài đó. Ai đã nuôi lớn mày bằng tay hả?”
“Chị ạ,” tôi nói.
“Và tao muốn biết tại sao tao lại làm thế hả?” chị tôi la lên.
Tôi lí nhí, “Em không biết ạ.”
“Em không biết!” chị tôi nói. “Em sẽ không bao giờ làm thế nữa! Tao
biết mấy câu đó lắm. Tao có thể nói chắc tao chưa bao giờ được cởi cái tạp dề
này ra từ khi mày chào đời. Dù không phải làm mẹ cho mày thì nguyên
chuyện phải làm vợ một anh thợ rèn (mà hắn ta lại là một anh chàng Gargery
nữa chứ) cũng đủ khốn khổ lắm rồi.”
Dòng suy nghĩ của tôi lãng xa dần khỏi câu hỏi đó trong lúc tôi rầu rĩ
nhìn ngọn lửa. Vì gã tù đào tẩu đang ẩn náu ngoài đầm lầy với cái chân bị
xiềng, gã đồng bọn trẻ tuổi bí ẩn, rồi cái giũa, đồ ăn, cũng như lời hứa kinh
khủng buộc tôi phải ăn cắp những thứ đó, tất cả đang hiện lên trước mắt tôi từ
những hòn than đỏ rực như trừng phạt.
“Hừ!” chị Joe thốt lên, để Cây Cù vào lại chỗ cũ. “Nghĩa địa nhà thờ ư!
Các người mà nói tới cái chỗ ấy thì cũng hợp lý đấy, cả hai người.” Nhưng
nói gì thì nói, trong chúng tôi có một người chẳng hề nhắc gì đến nơi đó.
“Các người sẽ đẩy tôi ra nghĩa địa một ngày nào đó thôi, và để rồi xem, các
người sẽ là một đôi quýýý hóa ááá thế nào khi không có tôi!”
Trong lúc chị tôi quay sang pha trà, Joe cúi xuống nhìn tôi dưới chân
anh, như thể anh rể tôi đang thầm cân nhắc về cả tôi và anh, rồi tính toán xem
kỳ thực chúng tôi sẽ tạo thành một cặp thế nào trong hoàn cảnh đáng phiền
muộn vừa được tiên đoán. Sau đó, anh ngồi mân mê mấy lọn tóc quăn màu
vàng nâu và ria mép bên phải của mình, đôi mắt xanh dõi theo bà Joe, như
ông anh rể tôi vẫn thế vào những lúc bão tố nổi lên.
Chị gái tôi luôn cắt bánh mì và phết bơ cho chúng tôi theo một cách
chặt chẽ, bất di bất dịch. Trước tiên, chị dùng bàn tay trái ép chặt ổ bánh mì
vào ngực áo tạp dề - ổ bánh nhận được từ đó khi thì một cái đinh ghim, khi
thì một cây kim khâu, mấy món này sau đó sẽ chui vào miệng chúng tôi. Tiếp
theo, chị tôi dùng dao lấy một ít bơ (không nhiều cho lắm) và phết đều lên ổ
bánh tỉ mẩn như một ông dược sư chế thuốc, chẳng khác gì đang quét vữa -
dùng cả hai bên lưỡi dao một cách cực kỳ thành thạo, trát, miết lớp bơ rải ra
khắp mặt bánh. Kế nữa, chị tôi đưa dao quệt một đường thật khéo bên rìa lớp
vữa, rồi cứa ra một khúc thật dày từ ổ bánh mì: lát bánh này, trước khi rời
hẳn ổ bánh, được chị tôi chặt thành hai nửa, Joe một nửa, nửa còn lại phần
tôi.
Lúc này, cho dù đang rất đói, tôi cũng không dám ăn miếng bánh của
mình. Tôi cảm thấy mình nhất thiết phải có gì đó để dành cho kẻ mới quen
đáng sợ kia, cũng như gã đàn ông trẻ còn đáng sợ hơn, đồng bọn của ông ta.
Tôi biết phong cách quán xuyến nhà cửa của bà Joe thuộc loại chặt chẽ nhất,
và biết rằng các cuộc tìm kiếm để ăn cắp của tôi rất có thể sẽ chẳng tìm được
gì trong tủ. Vậy là tôi quyết định thả miếng bánh mì phết bơ của mình xuống
theo ống quần.
Nỗ lực cần thiết để đạt được dự định này quả là kinh khủng với tôi. Cứ
như thể tôi phải quyết định gieo mình xuống từ nóc một ngôi nhà cao ngất,
hay nhảy xuống đáy nước sâu thăm thẳm. Và anh Joe vô tâm càng làm cho
việc này thêm phần khó khăn. Vì mối thâm tình của hai kẻ khổ sở chung cảnh
ngộ tôi đã nói tới lúc trước, cũng như tính tình tốt bụng thích gần gũi tôi của
anh, hai chúng tôi thường có thói quen so sánh tiến trình thưởng thức phần
bánh mì của mỗi người với nhau vào buổi tối, bằng cách thỉnh thoảng lại im
lặng giơ chúng lên cho người kia chiêm ngưỡng - một nguồn cảm hứng thúc
giục chúng tôi tới nỗ lực mới. Tối nay, Joe đã vài lần mời chào tôi gia nhập
cuộc tranh đua thân tình này bằng cách trưng ra miếng bánh bé đi nhanh
chóng của anh; nhưng mỗi lần như thế anh lại bắt gặp tôi với cốc trà màu
vàng trên một đầu gối, trên đầu gối kia là chỗ bánh mì phết bơ vẫn chưa được
động đến. Cuối cùng, tôi tuyệt vọng nghĩ mình dứt khoát phải làm điều đã dự
định, và tốt nhất nên thực hiện nó theo cách ít bất thường và hợp cảnh nhất.
Tôi bèn tận dụng một khoảnh khắc Joe vừa nhìn tôi xong để thả miếng bánh
mì xuống chân.
Joe rõ ràng rất băn khoăn vì tôi đột nhiên không buồn ăn như thế, trầm
ngâm cắn thêm một miếng bánh mì, dường như không chút hào hứng. Anh rể
tôi đảo mẩu bánh trong miệng lâu hơn thường lệ khá nhiều, trầm tư với nó
một hồi, rồi cuối cùng nuốt chửng như viên thuốc. Anh chuẩn bị cắn thêm
miếng nữa, và vừa nghiêng đầu sang một bên để làm một miếng ra trò thì ánh
mắt anh rơi đúng vào tôi, vậy là anh thấy miếng bánh mì bơ của tôi đã biến
mất.
Vẻ bỡ ngỡ pha lẫn kinh hoàng khi Joe sững lại đúng lúc sắp cắn bánh
và nhìn tôi chằm chặp quá lộ liễu không qua nổi mắt chị tôi.
“Lại gì nữa thế này?” bà chị tôi nhanh nhạy hỏi ngay trong lúc đặt cốc
xuống.
“Ý anh là, cậu biết đấy!” Joe lẩm bẩm, lắc đầu nhìn về phía tôi quở
trách một cách rất nghiêm khắc. “Pip, anh bạn nhỏ! Cậu sẽ làm mình gặp rắc
rối to đấy. Nó sẽ mắc kẹt lại đâu đó. Cậu không thể ăn hết cả một lúc thế
được, Pip.”
“Lại gì nữa thế này?” chị tôi nhắc lại, đã gay gắt hơn lần trước.
“Nếu cậu có thể khạc được ít nhiều ra, Pip, anh khuyên cậu nên làm
thế,” Joe nói, phát hoảng thực sự. “Lịch sự là một chuyện, nhưng sức khỏe
của cậu vẫn là sức khỏe chứ.”
Đến lúc này bà chị tôi đã bực lắm rồi, vậy là chị xông tới Joe, túm lấy
hai bên ria mép ông anh rể tôi và dộng đầu anh một hồi vào bức tường đằng
sau, trong khi tôi ngồi co ro trong góc, chứng kiến trong cảm giác tội lỗi.
“Nào, bây giờ có lẽ anh sẽ chịu nói xem có chuyện gì chứ,” bà chị tôi
vừa thở hổn hển vừa lên giọng, “đồ lợn lớn xác mắt trố trật kia.”
Joe bất lực nhìn bà vợ, bất lực cắn một miếng bánh, rồi lại nhìn tôi.
“Cậu biết đấy, Pip,” Joe nói, với miếng bánh vừa cắn phồng lên trong
má, giọng đầy thân mật, cứ như thể chỉ có hai chúng tôi với nhau, “cậu và
anh vẫn luôn là bạn, và anh sẽ là người cuối cùng nói không hay về cậu, bất
cứ lúc nào. Nhưng” - anh dịch ghế ra và nhìn xuống sàn nhà giữa chúng tôi,
rồi lại nhìn tôi - “nuốt chửng phần bánh như thế thật khôn bình thường!”
“Nó đã nuốt chửng phần bánh của nó hả?” chị tôi hét lên.
“Cậu biết đấy, anh bạn,” Joe nói, nhìn tôi chứ không phải chị Joe,
miếng bánh mới cắn vẫn phồng trong má, “hồi bằng tuổi cậu anh cũng từng
nuốt chửng thức ăn - thường xuyên là đằng khác - và khi còn là một cậu nhóc
anh cũng từng thấy nhiều đứa hay nuốt chửng; nhưng đến như cậu thì đúng là
anh chưa từng thấy đấy, Pip, và thật may cậu vẫn chưa chết nghẹn vì nuốt
chửng.”
Chị tôi bổ nhào tới chỗ tôi, túm tóc kéo tôi lên, chẳng nói gì thêm ngoài
mấy lời nghe muốn dựng tóc gáy, “Mày lại đây uống thuốc mau.”
Vào thời ấy, có một tay lang băm nào đó đã làm sống lại món nước hắc
ín như một thứ thuốc hiệu nghiệm, và chị Joe luôn trữ sẵn món này trong tủ
đựng thức ăn; chị tôi có niềm tin vào công hiệu của thứ chất lỏng này vì mùi
vị ghê người của nó. Kể cả vào những lúc khỏe mạnh nhất tôi cũng phải uống
rất nhiều món cam lộ ấy như thần dược phục sức, đến độ tôi nhớ đi đâu tôi
cũng sặc mùi như một hàng rào mới quét hắc ín. Vào buổi tối đang nói tới ở
đây, mức độ khẩn cấp của tình hình đòi hỏi phải dùng đến một pint* thứ hỗn
hợp chất lỏng này, tất cả được đổ tuồn tuột xuống cổ họng để giúp tôi dễ chịu
hơn, trong khi chị Joe kẹp chặt đầu tôi dưới cánh tay, chẳng khác gì một
chiếc ủng bị giữ trong giá đỡ ủng. Joe may mắn chỉ uống nửa pint; nhưng ông
anh rể tôi phải uống (khiến anh rất bất an trong lúc ngồi trầm ngâm trước
ngọn lửa uể oải nhai trệu trạo) “vì anh cũng muốn ốm rồi”. Cứ từ tôi mà suy
ra, tôi dám chắc sau đó Joe ốm thật, cho dù trước khi uống anh vẫn chưa hề
hấn gì.
1 pint Anh = 0,58 lít.
Lương tâm quả là một thứ kinh khủng khi nó kết tội người đàn ông hay
cậu bé; nhưng trong trường hợp một cậu bé, khi gánh nặng bí mật đó kết hợp
cùng một gánh nặng bí mật khác nằm dưới ống quần cậu ta, kết quả (như tôi
có thể làm chứng) đúng là một sự trừng phạt ghê gớm. Ý thức tội lỗi về việc
tôi sắp ăn cắp của bà Joe - tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ăn cắp của Joe, vì
chưa bao giờ coi thứ gì trong nhà là của nả của anh - cộng thêm lúc nào cũng
phải dùng một bàn tay giữ lấy chỗ bánh mì phết bơ khi tôi ngồi hay được sai
chạy vào bếp làm việc gì đó lặt vặt đã làm tôi chỉ thiếu nước phát điên. Rồi
sau đó, khi làn gió từ đầm lầy thổi tới làm ngọn lửa cháy bùng lên, tôi tưởng
như nghe thấy tiếng nói bên ngoài, giọng của người đàn ông chân đeo xiềng
đã bắt tôi phải thề giữ bí mật, nói rằng ông ta không thể và sẽ không chết vì
đói cho tới tận ngày mai, nhưng cần được ăn ngay lúc này. Những lúc khác
thì tôi nghĩ sẽ thế nào đây nếu gã trẻ tuổi đã phải kìm mình khó khăn đến thế
để khỏi động tay vào tôi nhỡ ra lại nóng ruột mà hành động bột phát, hay nhỡ
ra lại nhầm thời gian mà nghĩ hắn được quyền lấy tim gan tôi vào tối nay chứ
không phải ngày mai! Nếu tóc người có khi nào dựng đứng lên được vì khiếp
đảm thì hẳn lúc này tóc tôi cũng đã dựng đứng lên rồi. Nhưng có lẽ chẳng
bao giờ có chuyện tóc người lại dựng đứng lên được thật cả?
Hôm ấy là tối trước lễ Giáng sinh, và tôi phải ngồi quấy bột bánh
pudding cho ngày mai bằng một cây khuấy bự chảng từ bảy giờ đến tám giờ,
theo như cái đồng hồ treo tường. Tôi bắt tay vào việc với miếng bánh mì vẫn
nằm trên chân (và điều đó lại làm tôi nghĩ tới người đàn ông với cái thứ trĩu
nặng trên chân ông ta), và nhận ra công việc đang làm có xu hướng đẩy chỗ
bánh mì phết bơ tụt xuống lòi ra cổ chân tôi, không làm sao khác được. Tôi
hân hoan lỉnh đi, cất phần lương tâm đó vào phòng ngủ trên gác xép của
mình.
“Nghe kìa!” tôi nói, sau khi đã quấy bột xong và đang ngồi sưởi một cữ
cuối cùng bên góc lò sưởi trước khi bị đuổi đi ngủ, “tiếng súng ầm ĩ ngoài kia
là sao vậy, Joe?”
“À!” Joe lên tiếng. “Lại có một tên tù nữa xổng.”
“Thế nghĩa là sao, Joe?” tôi hỏi.
Chị Joe, luôn giành lấy trách nhiệm đưa ra mọi lời giải thích, cáu gắt
nói, “Vượt ngục. Đào tẩu.” Chị tôi nhiệt tình cung cấp định nghĩa chẳng kém
gì cung cấp món nước hắc ín.
Trong khi bà Joe ngồi cắm cúi khâu vá, tôi chúm môi lại nói không
thành tiếng với Joe, “Tên tù là gì?” Joe cũng mấp máy môi gửi lại một câu trả
lời rất chu đáo, trong đó tôi chỉ luận ra nổi độc một chữ “Pip”.
“Có một tên tù bỏ trốn tối qua,” Joe nói thành tiếng, “sau phát súng báo
hiệu hoàng hôn. Và họ bắn súng để cảnh báo về hắn. Và bây giờ có vẻ họ
đang bắn súng để cảnh báo về một tên khác.”
“Ai đang bắn thế ạ?” tôi hỏi.
“Thằng nhóc con chết tiệt,” chị tôi chen vào, ngẩng lên khỏi công việc
khâu vá cau mày nhìn tôi, “hỏi lắm quá đấy. Đừng hỏi câu nào cả thì mày sẽ
không phải nghe lời nói dối nào.”
Chị tôi đúng là chẳng mấy lịch sự với chính bản thân, tôi thầm nghĩ,
khi ám chỉ chị sẽ nói dối tôi nếu tôi đưa ra câu hỏi. Chị tôi chẳng bao giờ lịch
sự trừ phi có người lạ.
Đến lúc này, Joe càng làm tôi tò mò hơn khi khổ sở cố sức há miệng ra
thật lớn, rồi tạo hình cho nó thành một từ mà với tôi có vẻ giống “hờn”*. Vậy
là đương nhiên tôi chỉ về phía chị Joe, rồi há miệng nói không thành tiếng
“chị ấy?” Nhưng Joe chẳng hề nghe thấy, và lại một lần nữa há miệng thật
rộng, để tạo thành một từ rất rõ ràng. Nhung tôi chịu chẳng hiểu nó là gì.
Nguyên văn: sulk - hờn dỗi. Joe muốn nói “Hulk” nhưng Pip nghe ra là “sulk”, tưởng nói chị.
“Chị Joe,” tôi lên tiếng, viện đến phương sách cuối cùng, “em muốn
biết - nếu chị không phiền - mấy tiếng súng đó từ đâu tới vậy ạ?”
“Chúa ban phước cho thằng bé!” chị tôi thốt lên, như thể chẳng hề có ý
đó mà ngược lại mới đúng. “Từ mấy cái tàu nhốt tù!”
“Ồ!” tôi thốt lên, nhìn Joe. “Tàu nhốt tù!”
Joe khẽ ho đầy trách cứ, như thể để nói, “À, anh đã bảo cậu vậy rồi
mà.”
“Thế tàu nhốt tù là gì ạ?” tôi hỏi.
“Thằng nhóc này là thế đấy!” chị tôi kêu lên, giơ cây kim đã xâu chỉ
hướng về phía tôi, rồi lắc đầu nhìn tôi. “trả lời nó một câu là nó sẽ hỏi liền cả
tá câu nữa. Tàu nhốt tù là những cái tàu-nhà tù, ở ngay bên kia đồng bùn.”
Người ở vùng chúng tôi luôn gọi đầm lầy như thế.
“Không biết ai bị nhốt vào tàu-nhà tù, và tại sao họ lại bị nhốt vào đó
nhỉ?” tôi hỏi chung chung, đồng thời thầm lo sợ.
Như thế là quá nhiều với bà Joe, chị tôi lập tức đứng phắt dậy. “Tao nói
cho mày biết nhé, nhóc con,” chị nói, “tao không nuôi nấng mày bằng tay để
mày quấy rầy người khác. Nếu thế người ta sẽ trách cứ tao chứ chẳng khen
ngợi gì. Thiên hạ bị tống lên tàu nhốt tù vì chúng giết người, vì chúng trộm
cướp, lừa đảo, và làm đủ thứ chuyện xấu xa; và bọn chúng luôn bắt đầu bằng
hỏi này hỏi nọ. Bây giờ, cuốn xéo lên giường ngay!”
Tôi chẳng bao giờ được dành cho một cây nến để soi đường đến
giường, và khi leo lên gác xép trong bóng tối, đầu vẫn còn ong ong - vì cái đê
khâu của bà Joe đã nện xuống nó như gõ trống để đệm cho những lời cuối
cùng của chị - tôi không khỏi sợ sệt với ý nghĩ mấy cái tàu nhốt tù thật vừa
khéo dành cho mình. Rõ ràng sớm muộn gì tôi cũng bị tống tới đó. Tôi đã bắt
đầu bằng việc cứ hỏi này hỏi nọ, và tôi sắp sửa ăn cắp của bà Joe.
Kể từ hồi đó, cách đây cũng đã lâu rồi, tôi vẫn nghĩ chẳng có mấy
người biết bí mật gì ẩn chứa trong một cậu bé đang kinh hoàng. Cho dù nỗi
kinh hoàng ấy có vô lý đến đâu chăng nữa, nó vẫn là nỗi kinh hoàng. Tôi
đang sợ chết khiếp gã đàn ông trẻ muốn móc tim gan mình; tôi đang sợ chết
khiếp người đàn ông đeo xiềng đã vặn hỏi tôi; tôi đang sợ chết khiếp chính
mình, với lời hứa đáng sợ tôi đã hứa; tôi chẳng có chút hy vọng giải thoát nào
thông qua bà chị đầy quyền uy, người luôn đánh đuổi tôi; tôi sợ phải nghĩ tới
những gì mình có thể đã làm theo yêu cầu, trong nỗi kinh hoàng bí mật của
tôi.
Nếu tối hôm ấy tôi có ngủ thì cũng chỉ để hình dung ra mình đang trôi
trên sông theo một dòng nước chảy xiết về phía mấy con tàu nhốt tù; một tên
cướp biển gớm ghiếc đang chĩa loa gọi về phía tôi, khi tôi trôi ngang qua giá
bêu xác, nói rằng tốt hơn tôi nên lên bờ và bị treo cổ lên đó ngay lập tức
không trì hoãn. Tôi sợ phải ngủ, dù là tôi đã díu mắt vào, vì tôi biết đến rạng
sáng mai tôi nhất định phải lấy cắp thức ăn trong tủ. Không thể làm chuyện
đó trong đêm, vì thời ấy vẫn chưa có diêm quẹt để dễ dàng đánh lửa; để có
lửa tôi cần phải dùng đá lửa quẹt vào thép và gây ra tiếng động như chính tên
cướp biển đang khua xích kêu loảng xoảng.
Ngay khi màn đêm bao phủ bên ngoài ô cửa sổ bé xíu của tôi như một
tấm nhung đen khổng lồ bắt đầu hửng xám, tôi thức dậy đi xuống dưới nhà;
mỗi tấm ván trên đường đi, và từng tiếng răng rắc trên mỗi tấm ván đều gọi
lớn theo tôi, ”Bắt lấy kẻ cắp!” và “Bà Joe, dậy đi!” Trong chạn, do mùa này
nên có nhiều đồ ăn hơn hẳn bình thường, tôi phát hoảng khi thấy một con thỏ
rừng bị treo ngược lên trên bốn chân, tôi nghĩ mình đã nhìn thấy nó nháy mắt
khi tôi đang ngoái lại nửa chừng. Tôi chẳng có thời gian để xem xét hay lựa
chọn, chẳng có thời gian để làm bất cứ cái gì, vì tôi không thể bỏ lỡ dù chỉ
một khoảnh khắc. Tôi lấy cắp một ít bánh mì, ít rìa cứng của bánh pho mát,
chừng nửa lọ thịt băm (và buộc túm tất cả vào cái khăn tay của tôi cùng với
lát bánh mì tối qua), ít rượu brandy từ một cái chai bằng đá (tôi chắt rượu
sang một cái chai thủy tinh vẫn bí mật dùng để pha món nước cam thảo Tây
Ban Nha, một thứ đồ uống thật dễ nghiện, trên phòng mình; rồi pha loãng
rượu trong chai đá bằng thứ nước đựng trong một cái lọ trong tủ thức ăn),
một khúc xương với rất ít thịt bám trên đó, và một cái bánh nhân thịt lợn tròn
trịa chắc nịch thật đẹp. Thiếu chút nữa tôi đã rút lui không cầm theo nó,
nhưng rồi lại tò mò trèo lên một cái giá để nhìn xem thứ gì đang được cất
riêng cẩn thận đến thế trong cái âu sành có nắp đậy để tận trong góc thì phát
hiện ra đó là cái bánh, và lấy luôn mang theo với hy vọng nó không sớm bị
động đến, và sẽ không bị phát hiện là đã mất trong một thời gian.
Trong bếp có một cánh cửa mở thông với lò rèn; tôi mở khóa tháo chốt
cánh cửa ấy, rồi lấy một cái giũa từ đống đồ nghề của Joe. Sau đó, tôi cài
chốt lại như đã thấy lúc đầu, rồi mở cánh cửa tôi đã vào khi chạy về nhà tối
hôm trước, khép nó lại sau lưng, rồi chạy về phía đầm lầy mù sương.
Great Expectations (Tiếng Việt) Great Expectations (Tiếng Việt) - Charles Dickens Great Expectations (Tiếng Việt)