Nguyên tác: To Kill a Mockingbird
Số lần đọc/download: 19882 / 1676
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:02 +0700
Chương 2
D
ill chia tay chúng tôi vào đầu tháng Chín, để trở về Meridian. Chúng tôi tiễn nó lên chuyến xe buýt năm giờ và tôi đau khổ vì vắng bóng nó cho đến khi nhớ ra còn một tuần nữa là phải đi học. Tôi không bao giờ mong chờ bất cứ điều gì hơn trong đời. Nhiều giờ trong mùa đông tôi ở trong ngôi nhà trên cây, nhìn qua sân trường, theo dõi bọn trẻ bằng ống nhòm phóng đại hai lần mà Jem cho tôi, nghiên cứu những trò chơi của chúng, dõi theo chiếc áo khoác đỏ của Jem qua những nhóm bạn luồn lách chơi trò bịt mắt bắt dê, bí mật chia sẻ những vận rủi và những chiến thắng nho nhỏ của tụi nó. Tôi thèm được nhập bọn với chúng.
Jem hạ cố dẫn tôi đến trường ngày đầu tiên, một công việc do bố mẹ thường làm, nhưng bố Atticus nói Jem sẽ thích chỉ cho tôi biết phòng học của tôi chỗ nào. Tôi nghĩ hẳn anh được một ít tiền trong phi vụ này, vì khi chúng tôi chạy lóc cóc quẹo góc phố ngang ngôi nhà Radley tôi nghe tiếng xủng xoẻng khác thường trong túi của Jem. Khi chúng tôi đi chậm lại tại rìa trường, Jem cẩn thận giải thích rằng trong giờ ở trường tôi không được làm phiền anh ấy, tôi không được lại gần anh ấy để yêu cầu diễn một đoạn trong Tazan and the Ant Men 1, làm anh bẽ mặt qua việc nhắc tới cuộc sống riêng tư của anh ấy, hay lẽo đẽo theo sau anh vào giờ giải lao và buổi trưa. Tôi phải chơi với bọn lớp một của tôi còn anh ấy chơi với bọn lớp năm. Tóm lại, tôi phải để anh yên.
"Ý anh là tụi mình không chơi chung nữa hả?" Tôi hỏi.
"Ở nhà mình vẫn chơi chung," anh nói, "nhưng mày biết đó-trường học thì khác chứ."
Chắc chắn như vậy rồi. Trước khi buổi sáng đầu tiên trôi qua, cô Caroline Fisher, cô giáo của chúng tôi, lôi tôi lên trước lớp và khẻ tay tôi bằng cây thước, rồi bắt tôi đứng ở góc phòng đến tận trưa.
Cô Caroline chưa quá hai mươi mốt tuổi. Cô có mái tóc màu nâu sáng, má hồng, và sơm móng tay màu đỏ thẫm. Cô cũng mang giày cao gót và mặc váy sọc trắng đỏ. Cô trông giống và có mùi một giọt bạc hà. Cô ở trọ bên kia đường cách nhà chúng tôi một căn, trong phòng trên lầu của cô Maudie Atkinson, và khi cô Maudie giới thiệu tôi với cô, Jem bối rối trong nhiều ngày.
Cô Caroline viết tên cô bằng chữ in trên bảng và nói, "Câu này nghĩa là: Tôi là cô Caroline Fisher. Tôi quê ở Bắc Alabama, hạt Winston." Cả lớp lầm bầm đầy lo lắng, liệu cô có chứng tỏ mình mang những nét quái đản đặc trưng của vùng đó không đây. (Khi Alabama ly khai khỏi liên bang ngày 11 tháng Giêng năm 1861, hạt Winston đã ly khai khỏi Alabama, và mọi đứa trẻ ở hạt Maycomb đều biết vụ này.) Bắc Alabama vẫn đầy những tập đoàn kinh doanh rượu, những tay Big Mule2, các công ty thép, các đảng viên Cộng hòa, giáo sư, và những người khác không rõ lai lịch.
Cô Caroline bắt đầu ngày học bằng việc đọc cho chúng tôi nghe một câu chuyện về những chú mèo. Lũ mèo có những cuộc chuyện trò dài với nhau, chúng mặc quần áo nhỏ trông hấp dẫn và sống trong ngôi nhà ấm áp bên dưới một cái bếp lò. Vào lúc bà Mèo gọi điện đến cửa hàng dược phẩm đặt mua món chuột ướp mạch nha sôcôla cả lớp ngó ngoáy giống như một thùng đựng sâu nho. Cô Caroline có vẻ không biết rằng bọn lớp một mặc váy bằng bao bột mì và áo sơ mi bằng vải bông sờn rách này, hầu hết đều chặt cây bông và cho heo ăn từ lúc mới biết đi, đã miễn nhiễm với thứ văn chương tưởng tượng. Cô Caroline kết thúc câu chuyện và hỏi, "Thế nào, chuyện hay không?"
Sau đó cô lên bảng và viết bảng chữ cái bằng những chứ in vuông thật lớn, quay xuống lớp và hỏi, "Có ai biết những chữ này không?"
Mọi đứa đều biết; hầu hết lớp một đều không làm được chuyện này năm ngoái.
Tôi cho rằng cô chọn tôi vì cô biết tên tôi; khi tôi đọc bảng chữ cái, một nét nhăn mơ hồ xuất hiện giữa cặp chân mày cô và sau khi tôi đọc lớn hầu hết cuốn My First Reader và những bảng báo giá thị trường chứng khoán trên tờ The Mobile Register, cô phát hiện ra rằng tôi đã biết chữ và nhìn tôi với vẻ không hài lòng hơn nữa. Cô Caroline bảo tôi nói với bố tôi đừng dạy tôi nữa, nó sẽ gây trở ngại cho việc học của tôi.
"Dạy em?" Tôi nói với vẻ ngạc nhiên, "Bố em chẳng dạy em gì cả, cô Caroline. Bố Atticus không có thời gian dạy em bất cứ thứ gi," tôi nói thêm, khi đó cô Caroline mỉm cười lắc đầu. "Ồ, buổi tối bố em rất mệt và chỉ ngồi ở phòng khách đọc sách báo thôi."
"Nếu ông ấy không dạy em thì ai dạy?" Cô Caroline hỏi có vẻ ân cần. "Ai đó đã dạy em. Em đâu có bẩm sinh là đọc được tờ The Mobile Register."
"Jem nói em đọc được. Anh ấy đọc trong một cuốn sách trong đó em mang họ Bullfinch thay vì Finch 3. Jem nói tên em thật ra là Jean Louise Bullfinch, rằng em bị tráo lúc mới sinh và em thực tình là một...."
Rõ ràng cô Caroline đang nghĩ tôi nói láo. "Đừng để những tưởng tượng chi phối chúng ta, em yêu," cô nói. "Bây giờ hãy về nói với ba em đừng dạy em nữa. Tốt nhất là bắt đầu tập đọc với đầu óc mới mẻ. Em hãy nói với ba từ bây giờ cô sẽ lo việc này và cố cứu vãn thiệt hại này..."
"Thưa cô?"
"Ba em không biết cách dạy. Em có thể ngồi xuống."
Tôi lí nhí rằng tôi rất tiếc và về chỗ ngẫm nghĩ về tội của mình. Tôi không hề chủ tâm học đọc, nhưng bằng cách nào đó tôi đã đắm mình một cách lén lút vào những tờ nhật trình. Trong những giờ đằng đẵng ở nhà thờ-có phải tôi đã học lúc đó? Tôi không nhớ được có lúc nào mình không đọc được những bài thánh ca. Bây giờ tôi buộc phải nghĩ về nó, việc đọc là một điều gì đó tự nhiên đến với tôi, như việc học cách cài chặt đũng quần của bộ áo liền quần mà không cần nhìn quanh, hoặc việc thắt được hai cái nơ từ mớ dây giầy rối nùi. Tôi không thể nhớ khi nào những dòng chữ bên trên ngón tay di chuyển của bố Atticus tách ra thành những từ rời, nhưng tôi đã chăm chú nhìn chúng suốt những buổi tối trong ký ức tôi, trong khi lăng nghe tin tức trong ngày, những dự luật được thông qua thành luật, nhật ký của Lorenzo Dow 4- mọi thứ mà bố Atticus ngẫu nhiên đang đọc khi tôi bò lên đùi ông mỗi tối. Cho đến khi tôi sợ rằng sẽ mất nó, thì tôi chưa bao giờ yêu thích việc đọc. Người ta đâu có yêu việc thở.
Tôi biết mình đã quấy rầy cô Caroline, vì vậy tôi được yên thân và nhìn ra cửa sổ cho đến giờ ra chơi khi Jem tách tôi ra khỏi đám học trò lớp một trong sân trường. Jem hỏi tôi xoay xở ra sao. Tôi kể anh ấy nghe.
"Nếu không phải ở lại, em đã bỏ về. Jem, cái cô đáng ghét đó nói bố Atticus đã dạy em đọc và bố phải ngừng chuyện đó lại..."
"Đừng lo, Scoutt," Jem trấn an tôi. "Thầy tao nói cô Caroline đang giới thiệu một phương pháp dạy mới. Cô học điều đó ở trường đại học. Rồi tất cả các lớp sẽ áp dụng nó ngay thôi. Mày không phải học nhiều từ những cuốn sách theo cách ấy-nó giống như nếu muốn biết về loài bò, mày phải đi vắt sữa một con bò vậy, hiều không?"
"Hiểu, Jem, nhưng em không muốn học về bò, em..."
"Chắc chắn rồi. Mày phải biết về loài bò, chúng là phần quan trọng trong đời sống ở hạt Maycomb."
Phải cố gắng lắm tôi mới ngăn được ham muốn hỏi Jem có phải anh bị mất trí hay không.
"Tao chỉ ráng nói cho mày biết về cách dạy mới mà người ta áp dụng cho lớp một, đồ lì lợm. Đó là Hệ thống thập phân Dewey 5"
Chưa từng nghi ngờ về những tuyên bố chính thức của Jem, nên tôi thấy không có lý do gì để hỏi lúc này. Hệ thống thập phân Dewey, trong chừng mực nào đó, bao gồm việc cô Caroline vung vẩy trước mặt chúng tôi những tấm bảng trên đó viết những chữ như "the"", "cat", "rat", "man" và "you". Có vẻ như cô giáo không chờ đợi ở chúng tôi lời bình luận nào, và lớp học nhận được những phát hiện đầy ấn tượng này trong im lặng. Tôi thấy chán, vì vậy tôi bắt đầu viết thư cho Dill. Cô Caroline bắt gặp tôi viết và bảo tôi phải nói với bố tôi ngừng dạy tôi. "Với lại," cô nói. "Chúng ta không viết trong lớp một, chúng ta chỉ tập đồ mẫu tự rời thôi. Em sẽ không học viết cho đến khi lên lớp ba."
Calpurnia là người chịu trách nhiệm về việc này. Nó giúp tôi khỏi làm bà phát điên vào những ngày mưa, tôi đoán vậy. Bà ấy đặt cho tôi bài tập viết bằng việc vẽ nguệch ngoạc bảng chữ cái ở phía trên một tấm bảng, sau đó chép lại một chương Kinh Thánh bên dưới. Nếu viết lại được theo nét của bà một cách thỏa đáng, tôi sẽ được bà thưởng một miếng sandwich phết bơ và đường. Trong việc dạy dỗ của Calpurnia, không hề có sự đa cảm: tôi hiếm khi làm bà hài lòng và bà hiếm khi thưởng cho tôi.
"Em nào về nhà ăn cơm trưa giơ tay lên?" Cô Caroline nói, cắt ngang cơn bực bội mới mẻ của tôi đối với Calpurnia.
Những đứa bé thị trấn giơ tay lên, và cô nhìn khắp chúng tôi.
"Em nào mang bữa trưa theo để lên bàn."
Những xô mật mía đột nhiên xuất hiện, và trần nhà lấp loáng ánh sáng kim loại. Cô Caroline đi lên đi xuống các dãy bàn nhìn và ấn ngón tay vào các hộp đựng bữa trưa, gật đầu nếu thứ bên trong làm cô hài lòng, hơi nhíu mày trước những thứ khác. Cô dừng lại trước bàn của Walter Cunningham. "Bữa trưa của em đâu?" Cô hỏi.
Khuôn mặt của Walter Cunningham cho mọi đứa trong lớp một biết rằng nó bị giun móc. Việc nó không đi giày cho chúng tôi biết rằng nó bị nhiễm giun ra sao. Người ta bị giun móc khi đi chân không trong chuồng ngựa và bãi đầm mình của heo. Nếu Walter có giầy nó sẽ mang vào ngày đầu tiên đến trường sau đó vứt chúng đi cho đến giữa mùa đông. Nó mặc chiếc áo sơ mi sạch và bộ áo liền quần được sửa vừa vặn.
"Sáng nay em quên mang bữa trưa à?" Cô Caroline hỏi.
Walter nhìn thẳng trước mặt. Tôi thấy một bên cơ hàm trơ xương của nó giật giật.
"Em quên mang bữa trưa hả?" Cô Caroline hỏi. Hàm của nó lại giật.
"Dạ, thưa cô," cuối cùng nó lí nhí.
Cô Caroline đến bàn của cô và mở ví tiền ra. "Đây là đồng hăm lăm xu," cô nói với Walter. "Hôm nay xuống phố ăn đi. Mai trả lại cô 6"
Walter lắc đầu. "Không, cảm ơn cô," nó nói nhừa nhựa.
Giọng cô Caroline bắt đầu mất kiên nhẫn, "Đây Walter, cầm lấy."
Walter lại lắc đầu.
Khi Walter lắc đầu lần thú ba có đứa thì thào, "Lên nói với cô đi, Scout."
Tôi quay quanh và thấy hầu như cả đám dân thị trấn và toàn bộ nhóm đi xe buýt nhìn tôi. Cô Caroline đã nói chuyện với tôi hai lần, và chúng nhìn tôi với sự tự tin ngây thơ rằng sự quen biết dẫn đến thông cảm.
Tôi đứng dậy đàng hoàng nhân danh Walter, "A-thưa cô Caroline?"
"Gì đó, Jean Louise?"
"Cô Caroline, bạn ấy là người nhà Cunningham."
Tôi ngồi xuống.
"Là sao, Jean Louise?"
Tôi cứ nghĩ mình đã làm mọi việc trở nên rõ ràng lắm rồi. Nó đủ rõ ràng với tất cả chúng tôi: Walter Cunningham đang ngồi đó gục đầu xuống. Nó không quên bữa trưa, nó không có bữa trưa gì cả. Hôm nay nó không có và cả ngày mai hay ngày mốt cũng không có luôn. Chắc cả đời nó chưa từng thấy ba đồng hai mươi lăm xu cùng một lúc bao giờ.
Tôi thử lần nữa, "Walter là người của nhà Cunningham, cô Caroline."
"Rất tiếc, cô không hiểu, Jean Louise."
"Phải rồi, thưa cô, cô sẽ biết rõ mọi người dân thị trấn chỉ sau một thời gian ngắn. Người nhà Cunningham không bao giờ nhận bất cứ thứ gì mà họ không thể trả lại-không giờ quyên góp ở nhà thờ và cũng không phiếu bạc lẻ 7. Họ không bao giờ nhận bất cứ thứ gì của bất cứ ai, họ sống với những gì họ có. Họ không có nhiều, nhưng họ xoay xở được với điều đó."
Hiểu biết đặc biệt của tôi về dòng họ Cunningham-tức là một nhanh của họ-có được từ những sự kiện năm ngoái. Cha Walter là một trong những thân chủ của bố Atticus. Một đêm, sau cuộc nói chuyện không vui trong phòng khách của chúng tôi về vụ hạn chế thừa kế của ông, trước khi ra về, ông Cunningham nói: "Ông Finch, tôi không biết chừng nào mới trả thù lao cho ông được."
"Đừng lo lắng chuyện đó, Walter," bố Atticus nói.
Khi tôi hỏi Jem hạn chế thừa kế là gì, và Jem mô tả nó như tình trạng bị kẹt đuôi trong một khe nứt, và tôi hỏi bố Atticus liệu ông Cunningham có trả tiền cho nhà mình không.
"Không trả bằng tiền," bố Atticus nói, "nhưng trước cuối năm họ sẽ trả. Con cứ để ý xem."
Chúng tôi đã để ý. Một sáng Jem và tôi thấy một đống củi ở sân sau. Sau đó một bao hạt hồ đào nằm ở bậc thềm sau nhà. Giáng sinh là có một thùng dây leo và cây ô rô để trang trí. Mùa xuân đó chúng tôi thấy có một bao đầy rau củ cải, bố Atticus nói ông Cunningham đã trả cho bố quá nhiều.
"Sao ổng lại trả cho bố nhu vậy?" Tôi hỏi.
"Vì đó là cách duy nhất ông ấy có thể trả cho bố. Ông ấy không có tiền."
"Nhà mình có nghèo không, bố Atticus?"
Bố Atticus gật đầu. "Mình có nghèo."
Mũi Jem nhăn lại. "Mình có nghèo như nhà Cunningham không?"
"Không hẳn. Nhà Cunningham là dân nông thôn, là nông dân, và vụ sập tiệm chứng khoán giáng vào họ mạnh nhất 8"
Bố Atticus nói những người có tay nghề đều nghèo bởi vì các nông dân nghèo. Vì hạt Maycomb là hạt nông nghiệp, bác sĩ, nha sĩ và luật sư khó kiếm được những đồng năm xu và mười xu. Việc hạn chế thừa kế chỉ là một phần trong những ưu tư cho ông Cunningham. Những cánh đồng không bị hạn chế thừa kế đã được cầm cố gần hết sạch, và số tiền mặt ít ỏi ông kiếm được thì phải trả tiền lãi. Nếu biết giữ mồm giữ miệng, ông Cunningham có thể kiếm được một việc làm ở WPA 9, nhưng đất đai của ông sẽ tàn lụi nếu ông rời bỏ nó, và ông sẵn sàng nhịn ăn để giữ đất và quyền bỏ phiếu theo ý thích. Bố Atticus nói ông Cunningham thuộc loại người ngoan cường ít chịu thay đổi.
Vì người nhà Cunningham không có tiền để trả cho luật sư, nên họ chỉ trả cho chúng tôi bằng những gì họ có. "Con có biết," bố Atticus nói, "bác sĩ Reynolds cũng làm việc theo cách này không? Với một số người, ông tính thù lao một lần đỡ đẻ là một thúng khoai tây. Scout, nếu con chú ý bố sẽ nói cho con biết hạn chế thừa kế là gì. Định nghĩa của Jem đôi khi cũng khá chính xác."
Nếu giải thích được những chuyện này với cô Caroline, hẳn tôi đã tránh được ít nhiều phiền toái cho mình và cảnh ê chề sau đó cho cô Caroline, nhưng giải thích mọi việc rõ ràng như bố Atticus là chuyện nằm ngoài khả năng của tôi, vì vậy tôi nói, "Cô đang làm nó xấu hổ, cô Caroline. Walter không có đồng hai mươi lăm xu nào ở nhà để trả cô đâu, và cô cũng không thể dùng củi."
Cô Caroline đứng bất động, rồi cô nắm lấy cổ áo tôi và lôi tôi lên bàn của cô. "Jean Louise, em như vậy với tôi sáng nay thế là đủ rồi," cô nói. "Trong chuyện nào em cũng khởi đầu hỏng bét cả. Giơ tay ra."
Tôi nghĩ cô sẽ nhổ nước bọt lên đó, đó là lý do duy nhất mà mọi người ở Maycomb chìa tay ra: đó là phương thức đánh dấu hợp đồng miệng có từ lâu đời. Tự hỏi không biết chúng tôi đã thỏa thuận được điều gì, tôi quay xuống lớp tìm câu trả lời, nhưng cả lớp nhìn lại tôi đầy hoang mang. Cô Caroline cầm cây thước lên, phết lẹ làng vào đó sáu cái, rồi bảo tôi đứng vào góc. Một trận cười vỡ òa khi cả lớp rốt cuộc nhận ra rằng cô Caroline đã quất tôi.
Khi cô Caroline dọa cả lớp sẽ bị y như vậy, lớp một lại ôm bụng cười nữa, chúng chỉ nghiêm túc lại khi bóng cô Blount trùm lên chúng. Cô Blount, một người chính gốc Maycomb cho đến lúc đó chưa biêt gì về những bí ẩn của Hệ thống thập phân, xuất hiện ngay cửa lớp, tay chống nạnh và thông báo, "Nếu còn nghe thấy âm thanh nào khác từ phòng này, tôi sẽ thiêu rụi mọi người trong đây. Cô Caroline, lớp sáu không thể tập trung vào kim tự tháp vì tất cả sự ồn ào này!"
Tôi chỉ phải đứng trong góc một lát. Được tiếng chuông hết giờ cứu, cô Caroline nhìn theo cả lớp xếp hàng một để đi ăn trưa. Khi rời khỏi phòng sau tất cả những đứa khác, tôi thấy cô ngồi sụp xuống ghế và vùi đầu vào cánh tay. Nếu cô cư xử tử tế đối với tôi, tôi sẽ cảm thấy tiếc cho cô. Cô cũng thuộc loại khá xinh xắn.
Chú thích
1. Nghĩa là Tazan và những người kiến.
2. Liên minh giữa các chủ đồn điền lớn với giới công nghiệp Alabama, chi phối nền chính trị của bang này, ủng hộ những chính sách bảo thủ.
3. Ở đây Jem nói đùa với em gái dựa trên cuốn sách cậu đang đọc, cuốn Bullfinchs Mythology(Thần thoại của Bulfinch), một tuyển tập các truyện thần thoại Hy Lạp phổ biến thời đó. Cách phát âm hai từ Bullfinch và Bulfinch tương tự nhau. Trong tiếng Anh, Bukk nghĩa là con bò.
4. Lorenzo Dow(1777-1834): Nhà truyền giáo thuộc phái Giám lý từng đi khắp nước Mỹ, có tới Alabama.
5. Phương pháp đánh số phân loại sách trong thư viện do Melvil Dewey lập ra. Jem lẫn lộn ông này với John Dewey, lý thuyết gia về giáo dục tiến bộ.
6. Trong thời khủng hoảng kinh tế này, một ổ bánh mì giá 5 xu, vé xem phim giá 10 xu, một gallon xăng (3,8lit) giá 16 xu.
7. Scrip stamp: phiếu thay tiền giấy có mệnh giá nhỏ, dưới 1 USD, được phát hành khi khẩn cấp. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế, nhiều chính quyền địa phương cấp phát loại phiếu này cho dân thất nghiệp.
8. Vụ sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1929: sự kiện khơi mài cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ.
9. Works Progress Administration-Sở quản lý tiến độ công trình: một trong nhiều cơ quan được thành lập để giải quyết nạn thất nghiệp trong khủng hoảng kinh tế. WPA ra đời năm 1935 để phát triển một chương trình công trình công cộng với kinh phí nhỏ cho vật tư và kinh phí lớn cho lương bổng.