Số lần đọc/download: 7775 / 206
Cập nhật: 2016-04-22 16:41:21 +0700
Chương 2 -
T
hoạt nhìn anh Chương tôi không khỏi bật cười. Anh giống như một kép hát đã về già, nhiều xương quá, nhiều trán quá, lại mặc cái quần nhung kẻ màu vàng vừa rộng vừa dài, một cái áo len cũng rộng thùng thình đã cũ, đi đôi dép lê. Chỉ riêng cặp mắt và cái miệng là còn trẻ, khi nói chuyện anh vẫn trẻ như cách đây mấy năm. Cùng đến với anh có Bình, gọi bố tôi là ông cậu, tốt nghiệp kỹ sư hóa học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, vào thành phố Hồ Chí Minh nhận công tác từ cuối năm 75. Chẳng hiểu vì lẽ gì cặp bác cháu này lại rất quý nhau. Họ khác nhau hoàn toàn mà lại nói chuyện với nhau được, tâm sự với nhau được cũng là lạ. Năm nay Bình hăm chín tuổi, sang năm mới tính theo tuổi ta là ba mươi, tam thập nhi lập, tức thị không còn là trẻ con nữa. Hiện nay hắn là trưởng phòng kỹ thuật của một liên hợp xí nghiệp, nghe nói Sở công nghiệp thành phố sắp bổ nhiệm hắn làm phó giám đốc một xí nghiệp hóa chất. Chị Hoàng biết tin đã nói đùa: "Thời nào cái nhà này cũng có người đi xe hơi, mày có xe nhớ đón bác đi chơi Cáp với nhé". Bình mặc quần jean nhung màu tím sẫm, áo sơ mi màu xanh nhạt kẻ chỉ trắng, gót giày đóng hơi cao, dáng dấp thanh tú, mềm mại, là người đẹp nhất giữa cái đống xương thịt hư mục, đổ nát. Anh Hảo nắm chặt lấy tay Bình, nói hể hả:
- Ai dám bảo Việt cộng chúng tôi không có người đẹp nào?
Chị Hoàng vít đầu Bình xuống, hôn nhẹ lên hai má:
- Nếu thằng Việt cộng nào cũng đáng yêu như con thì má tình nguyện ở lại Việt Nam ăn cháo suốt đời.
Trong họ thường đồn rằng chị Hoàng rất thích những chàng trai xinh đẹp bất kể họ là Quốc gia hay Cộng sản. Với thằng Bình thì chẳng riêng một chị Hoàng yêu nó, mà cả họ đều yêu nó. Thằng bé đã đẹp lại ăn ở rất mực đàng hoàng. Bình hỏi bà bác nũng nịu:
- Tết này má Bò có lì xì cho con được vài trăm đi chơi với bạn không?
- Tết với mày chứ không với tao, tao không lì xì cho ai cả. Nói thế thôi, khi nào con được lên chức phó giám đốc má sẽ tặng con một món quà.
Anh Chương cười hi hí:
- Thế thì chẳng bao giờ bà phải mất cho nó một xu quà. Tính nó khó chịu lắm, rất khó chịu, lên thế nào được chức phó giám đốc!
Chị Hoàng trợn tròn mắt:
- Nó ngoan như thế mà lại bảo là rất khó chịu? Việt cộng không biết dùng người rồi.
- Bà vuốt ve nó nên nó có vẻ ngoan. Thử là cấp trên nó xem, sẽ rất khó chịu, tính nó hay xét nét, lại không chịu nhân nhượng.
Chị Hoàng kéo dài giọng đầy ý tứ:
- Nó giống tính ai ở cái nhà này thế nhỉ?
Anh Chương lại cười, nhưng môi cứ mím lại như e sợ bong mất hàm răng giả:
- Giống tôi, tôi nhận là nó rất giống tôi. Cái tính ấy ở đâu cũng gây khó cho người khác.
Trong gia đình vẫn thường nói, từ sau ngày giải phóng, tính nết anh Chương thay đổi khác hẳn. Bây giờ anh đã biết chào hỏi, biết nói chuyện với người này người kia trong gia đình, ăn thế nào cũng được, mặc thế nào cũng xong. Là người bình dân hoàn toàn. Xưa kia tính nết anh chẳng những kiêu kỳ mà còn rất khó chịu. Bố là quan đầu tỉnh, cậu ấm ngồi trong lớp ngủ gục trên bàn, bạn học mách thầy, thầy xua tay: "Lặng im để cậu ngủ!". Sang Pháp ở cả chục năm nửa chơi nửa học, về nước cầm hai bằng tiến sĩ vừa luật vừa văn chương, được giới Phật giáo ủng hộ, làm Viện trưởng Viện Đại học Huế, thay vị linh mục nổi tiếng Cao Văn Luận, rồi làm chính khách chống chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm, bị cậu Cẩn nhốt hầm cả mấy chục ngày, tiếng tăm lan khắp "toàn quốc". Diệm đổ, tướng Khánh lên cầm quyền vời anh ra nhậm chức bộ trưởng Quốc gia Giáo dục, rồi làm thượng nghị sĩ trong nhóm đối lập, đọc diễn văn, đi biểu tình, trả lời phỏng vấn, là một nhân vật nổi tiếng của nền đệ nhị Cộng hòa, được ông Minh lớn để vào mắt xanh mời tham gia nội các chấm dứt chến tranh, tái lập hòa bình, liên minh với Cộng sản. Cuộc đời hoạt động chính trị của anh cho đến trưa ngày Ba mươi tháng Tư năm 75, phải nói là vui vẻ và thuận chiều, muốn gì được nấy. Tiền tiêu có gia đình lo, sinh mệnh chính trị có giới Phật giáo lo, riêng anh chỉ lo có tương lai của đất nước. Tương lai của đất nước chưa biết chắc ra sao, nhưng tương lai của anh nhất định phải ở dinh Độc lập. Chị Hoàng đã phát nguyện: "Thằng Chương phải làm tổng thống một nhiệm kỳ, tôi có chết mới nhắm được mắt!". Làm dân thường mới khó, chứ làm tổng thống có gì là khó. Lính lái máy bay còn làm được thủ tướng huống hồ một nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp lại không làm được ông tổng thống! Lần đầu tôi được gặp anh thì anh đã khác trước nhiều, là người dân thường, lại là thứ dân thường có phấp phỏng lo sợ chút ít, nên anh nhũn nhặn lắm, câu hỏi đã nhũn nhặn mà cái cách nghe tôi trả lời càng nhũn nhặn. Vì anh hiền lành và tuân phục nên sự nói năng của tôi của tôi cũng sổng sểnh, không gìn giữ. Có lần tôi giới thiệu với anh những món ăn ngon tại những khách sạn lớn ở Bắc Kinh, thấy anh gật gù ra dáng tán thưởng, liền nói ngay: "Cái thứ đầu bếp ở Chợ Lớn không sánh được với Bắc Kinh đâu. Bên ấy mới là bếp Tàu chính hiệu!". Anh nói rất tự nhiên: "Đúng là thế, tôi đã ở Đài Loan ít tháng tôi biết, họ nấu ngon lắm, các nhà hàng ở Hồng Kông cũng nấu rất ngon". Chết tôi, tôi đang nói chuyện với một chính khách có tầm cỡ lắm, chứ đâu phải anh dân thường. Lại phải gìn giữ một chút, đắn đo một chút, cái gì biết rõ thì nói, cái gì biết lờ mờ cứ nói thẳng là không được biết. Lại có lần tôi dám cao đàm với anh về Kissinger và chủ thuyết của Kít theo những sách vở tôi được học. Tôi hỏi anh: "Mấy lần Kít đến Sài Gòn anh có được tiếp xúc không?". Anh trả lời nhỏ nhẹ: "Không, nhưng tôi có nói chuyện với ông ấy nhiều lần khi tôi tu nghiệp tại Harvard, năm ấy ông ta còn là giáo sư xếp sòng một dortoir (4) có cả ngàn sinh viên và đã là tác giả cuốn sách nổi tiếng Vũ khí hạt nhân và đường lối đối ngoại". Rồi anh nói cho tôi nghe về các tôn sư của Kít trong ngành ngoại giao, về cái cương và cái nhu trong chính sách ngoại giao của Mỹ thời Kít đang còn là thần tượng. Anh kết luận: "Theo riêng ý tôi Kít đã kiếm được cho Mỹ một người bạn khổng lồ là Trung Quốc, nhưng lại mất toi một sự nghiệp vì cái kết thúc bất ngờ ở Việt Nam". Về phương diện này, nói cho thật, cái biết của anh vẫn hơn tôi nhiều lắm. Nhưng khi tôi nói với anh về cuộc kháng chiến chống Pháp ở quê ngoại tôi, một tỉnh nhỏ thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ, cái đói cái khổ, lúc thua lúc thắng của một đại đội địa phương, những miền đất xa xôi tôi đã đi qua và ở lại một ít ngày, những bà mẹ chiến sĩ, những ông già gánh gạo cả tháng theo bộ đội đi chiến dịch, bộ đội ở đảo Cồn Cỏ năm đầu chống chiến tranh phá hoại, Hà Nội tháng 12 năm 1972, các con tôi đi sơ tán với bà nội, bố mẹ ở lại làm việc giữa tiếng bom nổ ở các góc phố thì anh lạ lùng và kinh ngạc hoàn toàn, như chuyện của một hành tinh khác. Quả nhiên anh không hiểu bao nhiêu về cuộc cách mạng ở Việt Nam, về hai lần kháng chiến ở Việt Nam, nghị lực và hi sinh của dân tộc Việt Nam. Anh ít biết những gì đã xảy ra ngoài cái Sài Gòn anh cũng chỉ biết đại khái, cái biết qua báo chí, qua lời đồn, chứ không phải cái biết qua tiếp xúc. Anh vốn e ngại mọi sự tiếp xúc với dân chúng, vì anh không biết cách hỏi, lại càng không biết cách trả lời. Anh chỉ có thể nói một cách hấp dẫn và thuyết phục với những người cùng làm chính trị như anh, thuộc các phe nhóm khác nhau trong thượng nghị viện. Cái thượng nghị viện ở trong này, nhìn cho kỹ, phảng phất giống như một khoa của trường đại học Harvard, giáo trình do giáo sư - đại sứ Mỹ tại Việt Nam soạn thảo, được giáo sư - tổng thống Mỹ duyệt y. ở đó các sinh viên - nghị sĩ có quyền chửi Mỹ, chửi chính phủ đang cầm quyền, kiến nghị các đạo luật dân chủ, và cứ bốn năm một lần có cái vốn chính trị để ra ứng cử tổng thống hoặc trong một liên danh với tổng thống.
Bình ngắm bà bác một lúc, nói với tôi:
- Bác Hoàng mặc thế nào cũng đẹp, chú Việt nhỉ?
Chị Hoàng múm mím môi, khuỳnh tay ưỡn ngực, nói uốn éo:
- Bác cũng như chủ nghĩa cộng sản của cháu ấy, không bao giờ già, không bao giờ xấu, vĩnh viễn là mùa xuân.
Anh Chương cau mặt:
- Cái bà này bất cứ lúc nào cũng nói chọc được.
Chị Hoàng nói đanh đá:
- Tôi có chọc cộng sản hàng giờ, nhưng mấy cha cộng sản vẫn cứ yêu tôi. Cậu tuyên bố bắt tay với cộng sản, hết sức khâm phục cộng sản nhưng cộng sản vẫn cứ mời cậu đi cải tạo, tại sao thế?
Anh Chương ngả người, co một chân lên ghế, giọng mệt mỏi, chán nản:
- Bà đúng là ngôi sao xấu của tôi thật, tại sao tôi cứ phải sống mãi mãi bên cạnh bà nhỉ?
Anh Đại hỏi:
- Cậu Chương tuổi gì, tuổi Tý phải không?
- Tôi cùng tuổi với lão Thiệu, năm ất Mão là năm xung của tuổi Tý. Hắn mất quyền nhưng không mất của, lại thoát được cả người. Mình thì coi như mất tất cả.
Anh Quý quay cần tẩu trỏ vào chị Hoàng:
- Bà này tuổi Mão, anh Chương tuổi Tý, thảo nào chị em xung khắc nhau. Tý Ngọ Mão Dậu là tứ hành xung.
Chị Hoàng vẫn thích chọc ghẹo ông em như mắc ghiền vậy:
- Cậu Chương đâu có mất tất cả. Ba năm đi cải tạo ngoài Bắc, mất một bộ răng nhưng học được cái thiền. Sang Mỹ ăn thịt bò, uống whisky thì thiền làm sao?
Anh Chương hỏi tôi:
- Hình như Việt đang nghiên cứu thiền phải không?
Tôi cười:
- Muốn biết tí chút thôi, em là người của kẻ chợ, thiền sao được?
Nói đến Phật học, thiền học, tướng số học là anh Chương có thể giảng giải, tranh cãi cả buổi, anh đang say mê môn huyền học cũng như xưa kia anh từng say mê môn chính trị học vậy. Anh ngồi dịch ra mép ghế cho được gần tôi hơn, để có sức thuyết phục nhiều hơn.
- Cậu nói thế là không hiểu gì về thiền rồi. Ai cũng thiền được, người đã xuất gia cũng như người đang hoạt động xã hội. Cái động cái tĩnh bên ngoài chẳng có liên can gì đến thiền. Tôi nói thật, mấy năm đi học ngoài kia nếu không thiền thì tôi đã chết rồi, chết vì nhiều thứ lắm, buồn chán cũng có, tuyệt vọng cũng có, nhớ tiếc những cái đã qua cũng có. Tôi đã thiền, đã tìm được sự thăng bằng, từ đó cảm thụ được một tự do rất mênh mông, một thứ tự do tuyệt đối nếu có thể nói là như thế.
Tôi chưa kịp trả lời, anh Đại đã vội vàng nói xen:
- Xin lỗi, tôi muốn nói một chút về cái kinh nghiệm của tôi mấy năm đi tù ở Mã Đảo. Năm ấy xứ này chưa có học thiền, cũng chẳng biết thiền là cái quái gì, kể cả mấy ông sư tu chùa, có đúng thế không? Mà ở Mã Đảo thì chết dễ lắm, mấy thứ có thể chết như cậu Chương vừa nói đều có cả, nhưng cái dễ chết nhất là bệnh fièvre jaune gọi là gì nhỉ, bệnh sốt vàng da, còn cái bệnh ictère cũng là sốt vàng da, nhưng ác liệt hơn, nằm nấc vài ngày là tử thần đón đi rồi, tàu tốc hành mà, anh em tôi thường nói thế. Nhiều người chết lắm, càng ngồi buồn càng dễ chết. Nhưng tôi vẫn vô bệnh tật, vẫn khỏe như ngày còn ở nhà là do tôi làm việc rất dữ. Gánh nước, bổ củi, giặt quần áo cho bạn tù, lại vào tận các bản làng người dân tộc mua rượu cho ông Truyền, cho cụ Tắc. Cụ Tắc thì giàu lắm, giáo chủ một đạo có đến vài triệu tín đồ, có đến thế không nhỉ, tôi cho là ông ta nói phét, chắc cũng chỉ một, hai triệu là cùng, tôi mua rượu, nói ví dụ là mười đồng một lít, về bán lại cho cụ mười lăm đồng, ăn bớt năm đồng. Tiền của ông pape Cao Đài như nước, ăn bớt dăm ba đồng có thấm tháp gì. Lúc Pháp cho ra tù, anh em cảm ơn tôi, tôi cũng cảm ơn lại, không nhờ hầu hạ anh em thì tôi cũng chết từ lâu, sống một mình, sống cho mình, thì sống sao nổi.
Anh Chương vẫn hướng về tôi, tiếp tục câu chuyện về thiền:
- Một bữa nào đó cậu phải đến tôi một ngày. Tôi đang đọc một cuốn sách rất hay về thiền. Cậu là người viết nên mở rộng cái biết của mình ra nhiều lĩnh vực, thuộc nhiều xu hướng khác nhau để có được sự rộng lượng với những người mãi mãi không thể giống cậu.
Từ ngày được trở về sống tại thành phố Hồ Chí Minh, anh Chương ở hẳn nhà chị Hảo. (Vợ anh và ba con đã qua Mỹ từ giữa tháng Tư năm 75). Sống với một gia đình cán bộ cách mạng cũng tránh được lắm sự phiền phức từ nhiều phía. Phần nữa họ cũng hợp nhau, biết tôn trọng cái tự do và niềm tin riêng của nhau, biết im lặng và né tránh mọi sự tranh cãi. Chỉ duy có một khó chịu nhỏ là chị Hảo lắm nhời quá. Chị hay nói, lại nói rất to, ngồi ở đâu cũng nghe thấy tiếng nói của chị. Cả nhà đang nghe tivi buổi tối, bất chợt một đứa cháu nào đó bật ho một tiếng, lập tức chị phải tra xét tại chỗ là đứa nào đã ho, chắc hẳn bố mẹ lại lôi nó ra tắm nước lạnh phải không, tao đã dặn thời tiết trong này nóng lạnh thất thường, chớ thấy con bức mà lôi ra tắm nước lạnh, cảm chết có ngày, tiền đâu mua thuốc, bố mẹ chúng nó sau mà ngu thế, nuôi con vô tâm thế, xưa kia tao nuôi chúng mày trong rừng, cả năm không nhìn thấy một giọt nắng có đứa nào viêm họng đâu, sưng phổi đâu. Nói cả buổi, cho đến lúc tắt tivi vẫn còn nói.
Tôi nói với anh Chương:
- Bữa nào em lên anh, muốn xin anh một lá số.
- Cũng là một môn học nên biết. Cậu có nhớ ngày sinh, giờ sinh không?
- Ngày sinh thì nhớ nhưng giờ sinh thì chịu.
- Không sao, nhìn mặt, xem tính cách có thể phục được giờ.
Anh Quý nói thêm:
- Lập số thì ai cũng lập được, nhưng xem là chuyện khác, cao thấp khác nhau là ở chỗ đoán giải. Có thể gọi anh Chương là bậc sư về môn này.
Chị Hoàng lại có dịp chọc ghẹo ông em:
- Cậu xem số của mình có đoán biết được tháng nào, năm nào thì gặp lại vợ con không?
Anh Chương trả lời thản nhiên:
- Biết được cái xu hướng, cái có thể thôi, làm sao biết được thật rành mạch.
Chị Hoàng vẫn đay nghiến một cách khó chịu:
- Tháng Ba năm 75, anh nói cái xu hướng, cái có thể ấy khác với tháng Sáu. Năm 76 anh cũng lại giảng giải cho tôi nghe cái xu hướng của đời anh rất khác với sau mấy năm anh ở ngoài kia về. Việc đã đến rồi mới tìm ra cách đoán giải thì xem tử vi làm quái gì.
- Một trò chơi của riêng tôi, tôi có buộc ai phải tin đâu.
Anh Quý vẫn ngậm cái tẩu thuốc đã tắt nói trầm ngâm:
- Một môn học trải mấy ngàn năm vẫn còn quyến rũ ắt phải có cái gì cao sâu lắm, huyền nhiệm lắm. Bảo là trò bịp cả thì cũng độc đoán quá...
Chị Hoàng như đã có chủ định, chị hỏi đột ngột cả mấy người:
- Các ông đều đã biết lá số của tôi, vậy thì năm nay và sang năm đời tôi có gì biến đổi lớn không?
Anh Quý nhả tẩu cầm trong tay, kêu to:
- Năm nay coi như đã kết thúc rồi, có gì phải hỏi!
- Chưa kết thúc, vẫn còn bốn năm tiếng đồng hồ nữa.
- Theo cách tính của tử vi thì năm mới bắt đầu tháng Tý, tức tháng Mười Một ta.
Chị Hoàng vẫn bướng bỉnh:
- Tôi tính theo các cụ, cứ qua giao thừa mới gọi là sang một năm mới.
- Bà con mong ước gì trong vài giờ nữa?
- Trong vài giờ nữa rất có thể xảy đến cái điều tôi mong ước.
Tôi hỏi:
- Cái điều đó hình như chị đã cầm chắc trong tay thì phải?
- Cậu nói đúng, tôi đã cầm chắc trong hai bàn tay cái sự sẽ thay đổi, nhưng tôi chưa muốn nói vào lúc này. Gần đến giao thừa tôi sẽ nói.
Anh Chương:
- Sẽ không có gì xảy ra với chị trong vài giờ nữa đâu. Năm Mùi đối với chị đã là qua rồi. Hãy đợi đến năm Thân.
- Tôi không thích đợi đến năm Thân, năm Mùi đối với tôi vẫn còn vài giờ nữa.
- Chị chờ đợi gì vào lúc năm hết Tết đến?
- Tôi không chờ đợi, cái sự mong muốn ấy tôi đã bỏ sẵn trong túi tôi đây. Nhưng tôi chỉ công bố vào lúc sắp giao thừa.
- Nên công bố vào cái khoảnh khắc năm phút trước giao thừa, trước lúc đốt bánh pháo mừng năm mới.
- Cậu thất vọng rồi, tôi không mua pháo, đắt lắm, quá đắt. Trước lúc mở chai sâm-banh của chú Hảo thì đúng hơn.
- Ồ, thế thì sang nhất, có sâm-banh hả? Đã ba năm nay tôi không được uống sâm-banh vào lúc giao thừa.
- Cậu Chương, tôi hỏi thật, cậu có chờ đợi một cái gì từ phút này cho tới năm phút trước giao thừa?
- Hình như tôi vẫn hy vọng một điều gì thật tốt lành sẽ đến vừa vặn trước lúc giao thừa. Năm Mùi tôi đã sang một đại hạn mới, tốt lắm, tốt hơn nhiều so với mười năm vừa qua.
- Cậu đã được trở về Sài Gòn rồi còn gì?
- Giữa năm Mùi có chuyện dời chỗ ở. Còn bốn năm giờ nữa, đủ sức ra phi trường, lên máy bay, bay tới một vùng trời khác.
- Xưa kia là thế đấy. Còn bây giờ nghe cũng khó tin nhỉ?
- Cứ nên hy vọng đi. Có bao nhiêu chuyện vô lý không sao tưởng tượng nổi đã xảy ra trong năm năm nay!
- Ờ, ờ... cũng có thể, cũng có thể lắm. - Anh Chương cười hí hí rồi quay sang hỏi Bình. - Mày nghe chuyện của các bác có hiểu gì không, con?
Bình liếc nhìn tôi, cười nhẹ:
- Nghe thì vui chứ hiểu làm sao được.
Anh Chương lại hỏi:
- Con có tin ở tử vi không?
Bình vẫn cười:
- Nếu tử vi là một khoa học chính xác thì thế giới sẽ buồn lắm.
- Sao thế?
- Sự sống là bí mật. Cháu ham sống vì trước mắt mình luôn luôn là cái bí mật, là cái chưa được biết, cái không thể hiểu. Nếu như cháu biết chắc vợ cháu sẽ đẹp, lại rất ngoan, cháu sẽ buồn lắm, cái biết trước ấy sẽ giết chết mọi vẻ đẹp của tình yêu. Tất cả đều được biết trước thì mọi sự buồn vui thương nhớ đều vô nghĩa, sẽ không có hy vọng và thất vọng, không có mơ tưởng, không có phiêu lưu, không có đấu tranh, không có tôn giáo, không có cả thiền. Là một sự trống rỗng to tướng. Là cái chết, chứ còn gì nữa? Bác Chương nhìn má cháu kìa! Chưa bao giờ má thấy con "lý luận" như hôm nay nhỉ? Bác Chương thì đã chịu đựng với con nhiều lần rồi. Con không giống với chú Việt, chú Việt thích nhân nhượng để chiều lòng mọi người, còn con lại muốn mọi sự yêu ghét phải luôn luôn minh bạch.