The art of reading is in great part that of acquiring a better understanding of life from one's encounter with it in a book.

André Maurois

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Strange Case Of Dr. Jekyll And Mr. Hyde
Dịch giả: Phạm Văn
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 316 / 50
Cập nhật: 2019-12-06 08:58:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1 - Câu Chuyện Về Một Cánh Cửa
uật sư Utterson là người có nét mặt thô kệch không bao giờ ánh lên một nụ cười, nói năng phớt lạnh, kiệm lời và lúng túng, khí chất rụt rè, dáng cao thon, khô khan, ảm đạm, nhưng lại có vẻ dễ thương khó tả. Trong những buổi gặp gỡ thân mật, và khi có rượu vang hợp với khẩu vị, mắt ông rạng ngời một tình cảm nồng nàn nhân hậu, một điều quả thật chẳng bao giờ tìm thấy trong lời nói của ông, nhưng tình cảm ấy không chỉ lặng lẽ biểu hiện qua nét mặt sau bữa ăn, mà thường bộc lộ rõ rệt qua hành động trong đời sống hằng ngày của ông. Bản thân ông sống khổ hạnh; khi một mình ông chỉ uống gin để tiết chế sở thích thưởng thức rượu ngon; và tuy thích kịch nghệ nhưng trong hai mươi năm ông chưa một lần nào bước chân vào cửa rạp hát. Tuy nhiên ông sẵn lòng khoan dung đối với người khác; đôi khi băn khoăn gần như tới mức ganh tị trước những thôi thúc mạnh mẽ muốn dính dấp vào các hành vi sai trái của họ. Và trong bất kỳ hoàn cảnh túng quẫn cùng cực nào ông cũng thường có khuynh hướng giúp đỡ hơn là trách cứ.
Ông vẫn hay nói một cách ý nhị: “Tôi có xu hướng xa rời giáo điều chính thống giống như Cain[1]. Tôi để anh em mình đi với ma quỷ theo cách riêng của họ”. Vì cá tính này, ông thường ngẫu nhiên là người quen biết được tin cẩn cuối cùng và có ảnh hưởng tốt cuối cùng trong cuộc đời của những kẻ thất cơ lỡ vận. Và đối với những người như thế, khi họ tìm đến văn phòng ông, ông vẫn cư xử như bình thường, không hề tỏ ra một chút thay đổi nào.
Hẳn nhiên thái độ đáng nể này là chuyện dễ dàng đối với ông Utterson, vì ông tuyệt đối không khoa trương, và thậm chí hình như tình bạn của ông đối với mọi người đều đôn hậu như nhau. Nó là biểu hiện của một người khiêm tốn đón nhận vòng thân hữu do bàn tay của số phận dọn sẵn cho mình, và đó là kiểu của ông luật sư. Bạn bè ông là những người cùng huyết thống, hay những người ông đã biết từ lâu. Lòng quý mến của ông, như cây trường xuân lớn lên theo thời gian, không đòi hỏi đối tượng phải xứng hợp. Vì thế, chẳng có gì để ngờ vực sự gắn bó của ông với ông Richard Enfield, một người bà con xa nổi tiếng khắp thành phố. Thiên hạ thấy khó mà hiểu được hai người này có thể thấy gì ở nhau, hay họ có thể tìm được đề tài chung nào. Những người tình cờ gặp họ trong những lần đi dạo với nhau vào ngày Chủ nhật kể rằng họ chẳng nói năng gì, nom thẫn thờ một cách lạ lùng, và họ sẽ vồn vã thở phào nhẹ nhõm thấy rõ khi có một người bạn xuất hiện. Dù thế, hai người dành mọi nỗ lực để có các cuộc du ngoạn này, xem đó là lúc quý giá nhất trong tuần, và họ không những gác lại mọi dịp vui khác mà thậm chí còn hoãn cả những việc cần làm, để có thể hưởng các buổi đi dạo này mà không bị ai ngăn trở.
Tình cờ, trong một lần dạo chơi, họ đưa chân xuống con phố hẻo lánh tại một khu nhộn nhịp ở Luân Đôn. Con phố nhỏ và được coi là yên tĩnh, nhưng buôn bán sầm uất vào những ngày trong tuần. Dường như tất cả dân cư trong phố đều làm ăn khá giả, tất cả vẫn náo nức hy vọng sẽ còn khá hơn nữa và khoe của cải thừa mứa của mình một cách nhẩn nha cám dỗ, vì thế mặt tiền các cửa tiệm dọc con đường lớn ấy biểu lộ vẻ mời chào, như hàng dãy các cô nhân viên bán hàng đứng tươi cười. Ngay cả vào ngày Chủ nhật, khi con phố che giấu vẻ quyến rũ hào nhoáng của nó và tương đối vắng người qua lại, nó vẫn sáng rực như đốm lửa trong rừng, trái ngược với khu xóm tối bẩn lân cận; các cánh cửa chớp mới sơn của nó, các đồ vật bằng đồng lau chùi bóng loáng, cùng vẻ sạch sẽ vui tươi nói chung, lập tức thu hút và làm vui con mắt người qua kẻ lại.
Bên trái một góc đường, cách hai căn về hướng Đông, dãy phố đứt quãng vì lối vào một ngõ cụt, tại đó có một khối nhà dáng vẻ ghê rợn nhô đầu hồi ra đường. Tòa nhà hai tầng, tầng trệt chỉ có một cửa cái, không cửa sổ, bức tường bạc màu ở tầng trên không có cửa ra vào, tất cả đều cho thấy tình trạng bẩn thỉu thiếu tu bổ từ lâu. Cánh cửa rộp sơn và phai màu, không gắn chuông, cũng chẳng có vòng sắt để gõ cửa. Đám dân lang bạt lừ đừ đi vào ngõ rồi quẹt diêm lên mấy tấm ván; tụi trẻ con bày hàng trên các bậc thềm; đứa học trò thử dao trên gờ tường; và gần như hàng chục năm qua chẳng ai xuất hiện để đuổi đám khách tình cờ này đi hay sửa chữa những chỗ bị bọn họ phá hại.
Ông Enfield và ông luật sư đi trên vỉa hè bên kia con phố hẻo lánh, nhưng khi họ đến ngang lối vào ngõ cụt, ông Enfield giơ gậy lên chỉ.
Ông hỏi: “Ông có bao giờ chú ý tới cánh cửa đó không?” Và khi bạn đồng hành của ông trả lời có, ông nói thêm: “Nó làm tôi nhớ tới một chuyện rất lạ.”
Ông Utterson đáp, giọng có chút biến đổi: “Thật thế à? Chuyện gì vậy?”
Ông Enfield đáp: “Ôi dào, chuyện thế này, tôi từ một chỗ tận cùng thế giới đi về nhà, khoảng ba giờ khuya một đêm đông tối như mực. Đường tôi đi xuyên qua một khu trong thành phố đúng là chẳng thấy gì ngoài mấy ngọn đèn. Phố này sang phố khác, người ta đã đi ngủ hết cả, phố này sang phố khác, đèn đóm đã thắp hết lên như đám rước, mọi nơi đều vắng như nhà thờ - đến khi rốt cuộc tâm trí tôi rơi vào trạng thái của một kẻ cứ chăm chú lắng nghe và bắt đầu thèm thấy bóng dáng một anh cảnh sát. Bất thình lình, tôi thấy hai bóng người: một bóng đàn ông nhỏ bé đi thình thịch sải dài bước về hướng Đông, và bóng kia là một đứa bé gái có lẽ tám hay mười tuổi đang cố chạy thật nhanh xuống một đường ngang. Ồ, thưa ông, tất nhiên hai người đâm vào nhau ở góc phố. Sự việc sau đó thật khủng khiếp, vì gã ấy thản nhiên đạp lên người đứa bé rồi bỏ đi để mặc nó nằm la hét trên mặt đất. Tiếng hét không ra lời, nhưng hình ảnh thật ghê rợn. Gã ấy không giống con người, mà như tên khổng lồ gớm ghiếc nghiến nát mọi thứ trên đường đi của hắn[2]. Tôi lên tiếng gọi, lao vội tới tóm cổ gã đàn ông quyền quý kia, đưa hắn trở lại chỗ bấy giờ đã có một nhóm khá đông người vây quanh đứa bé đang la hét. Hắn hoàn toàn bình thản và không chống cự, nhưng nhìn tôi với vẻ thù địch đến nỗi làm tôi toát mồ hôi như đang chạy. Những người túa ra là gia đình đứa bé gái, và chẳng mấy chốc xuất hiện ông bác sĩ mà trước đó họ đã mang nó đến để khám. Ôi dào, theo lời ông thầy thuốc mổ xẻ thì đứa bé chẳng bị thương tích gì nặng mà chỉ hoảng sợ, và cứ tưởng đâu chuyện đến đó là xong. Nhưng tình huống hóa ra lạ lùng. Tôi ghê tởm gã đàn ông quyền quý ấy ngay khi thấy gã. Gia đình đứa bé lẽ tất nhiên cũng oán ghét gã. Nhưng trường hợp ông bác sĩ mới là cái làm tôi phải chú ý. Ông ta là một ông bào chế thuốc bình thường chẳng có gì đặc biệt, không rõ tuổi và sắc dân nào, giọng Edinburgh nặng và đa cảm như cây kèn túi của xứ Scotland. Ồ, thưa ông, ông ấy cũng giống như cả bọn chúng tôi, mỗi lần ông thầy thuốc mổ xẻ ấy nhìn gã tù nhân của tôi, tôi thấy ông ấy đâm ra nôn nao bừng bừng muốn giết gã. Tôi biết trong đầu ông ấy nghĩ gì, cũng như ông ấy biết trong đầu tôi nghĩ gì. Và giết chóc thì không được, nên chúng tôi làm điều khả dĩ nhất. Chúng tôi bảo gã rằng chúng tôi có thể và sẽ làm rùm beng vụ tai tiếng này lên để tên tuổi gã hôi thối tới mọi hang cùng ngõ hẻm Luân Đôn. Nếu gã có bạn bè hay uy tín gì thì chúng tôi cam đoan là gã sẽ mất hết. Và suốt trong lúc xổ cho hả tức, chúng tôi phải cố hết sức ngăn không cho các bà tới gần gã vì họ hung dữ như yêu quái. Tôi chưa từng thấy một nhóm người nào mặt mày căm ghét như thế, và ở giữa vòng là gã đàn ông xấu xa khinh khỉnh lạnh lùng, tôi thấy gã cũng hoảng sợ, nhưng gã cứ phớt tỉnh đúng y như quỷ Satan, thưa ông. Gã nói: ‘Nếu quý vị định trục lợi nhân tai nạn này thì dĩ nhiên tôi chẳng làm sao được. Không một người quyền quý nào không muốn tránh tai tiếng. Quý vị cứ ra giá.’ Ồ, chúng tôi ép gã trả tới một trăm bảng Anh cho gia đình đứa bé. Gã hiển nhiên muốn đòi bớt, nhưng cả bọn chúng tôi hình như đều có ý định gây rắc rối, nên rốt cuộc gã đành chịu. Việc kế tiếp là lấy tiền. Và ông nghĩ gã đưa chúng tôi đi đâu, nếu không phải là tới chỗ có cánh cửa đó? Rút chìa khóa ra, bước vào, rồi lập tức trở lại mang theo mười đồng vàng và tấm chi phiếu Ngân hàng Coutts cho số tiền còn lại, trả cho người cầm chi phiếu, ký với cái tên mà tôi không muốn kể ra, mặc dù đó là một trong những điểm chính trong câu chuyện của tôi, nhưng ít nhất cái tên đó rất nổi tiếng và thường có trên sách báo. Số tiền lớn, nhưng chữ ký còn lớn hơn nhiều, nếu nó là xác thực. Tôi ngạo mạn vạch ra cho gã đàn ông quyền quý kia rằng toàn bộ sự việc có vẻ đáng ngờ, rằng trong thực tế người ta không bước vào cửa tầng hầm lúc bốn giờ sáng rồi đi ra với tấm chi phiếu gần một trăm bảng Anh của một người khác. Nhưng gã khá thoải mái và cười khẩy. Gã nói: ‘Ông cứ yên tâm. Tôi sẽ ở với ông cho tới khi ngân hàng mở cửa, rồi chính tôi sẽ rút số tiền trên chi phiếu.’ Vì thế cả bọn chúng tôi cùng lên đường, ông bác sĩ, cha đứa bé, ông bạn của chúng tôi và tôi, tất cả ở qua đêm trong văn phòng của tôi. Hôm sau, ăn điểm tâm xong, chúng tôi cùng đi một đoàn tới ngân hàng. Chính tôi đưa tấm chi phiếu ra, nói rằng tôi có đủ lý do để tin nó là giả mạo. Chẳng giả mạo chút nào. Tấm chi phiếu là của thật.”
[2] Nguyên văn: “like some damned Juggernaut”. Juggernaut hay Jagannătha là một vị thần trong Ấn giáo, hàng năm được rước đi trên cỗ xe khổng lồ và nhiều tín đồ lao mình vào dưới bánh xe để mong thoát nghiệp luân hồi.
Ông Utterson thốt lên: “Úi dà.”
Ông Enfield nói: “Tôi thấy ông cũng nghĩ như tôi. Vâng, chuyện ấy thật tệ hại. Vì gã của tôi là một kẻ không ai muốn phải dính dáng tới, một gã thật sự khốn kiếp, còn người ký chi phiếu là một nhân vật rất đứng đắn, lại còn nổi tiếng nữa, và tệ hơn nữa lại là một trong các ông bạn của ông, những người làm điều họ gọi là tốt. Tôi nghĩ là tống tiền. Một người chân thật phải trả một giá cao lút đầu cho những hành vi dại dột thời trẻ của mình. Vì thế tôi gọi chỗ có cánh cửa ấy là Nhà Tống Tiền. Mặc dù ông biết có gọi như thế cũng chẳng giải thích hết được mọi việc,” ông nói thêm, rồi trở nên đăm chiêu suy nghĩ.
Ông tỉnh khỏi trạng thái ấy vì ông Utterson hỏi khá bất chợt: “Ông không biết liệu kẻ rút tiền chi phiếu có sống ở đó hay không à?”
Ông Enfield đáp: “Có thể ở chỗ đó lắm chứ nhỉ? Nhưng tôi tình cờ chú ý đến địa chỉ của gã, gã sống ở một khu nhà nào đó chỗ khác.”
Ông Utterson hỏi: “Và ông không hề hỏi về... về chỗ có cánh cửa à?”
Câu trả lời là: “Không, thưa ông, tôi tế nhị chứ. Tôi cảm thấy rất muốn hỏi, nhưng hỏi như thế có phần nào quá giống như ngày phán xét cuối cùng. Mình bật ra một câu hỏi, tựa như làm nảy một hòn đá. Mình ngồi im trên đỉnh đồi, và hòn đá lăn đi, cuốn theo những hòn đá khác, rồi chẳng mấy chốc một ông già vô can nào đó (người mà ông hoàn toàn không nghĩ tới) bị đá rơi trúng đầu ngay trong vườn sau nhà ông ta, và gia đình ông ta phải thay tên đổi họ. Không, thưa ông, tôi có quy tắc riêng của mình: càng thấy khó khăn lúng túng thì tôi càng ít hỏi.”
Ông luật sư nói: “Quy tắc cũng rất tốt đấy.”
Ông Enfield nói tiếp: “Nhưng tôi đã tự tìm hiểu thêm chỗ đó. Nhà trông chẳng ra nhà. Nó chẳng có cánh cửa nào khác, và không ai ra vào cửa đó, chỉ thỉnh thoảng lắm mới thấy lai vãng cái gã quyền quý mà tôi đã tình cờ gặp. Nhà có ba cửa sổ ở tầng trên nhìn xuống ngõ cụt, bên dưới không có cái nào, các cửa sổ luôn luôn đóng kín nhưng sạch sẽ. Và ống khói lò sưởi thường tỏa khói, vì thế phải có người đang sống ở đó. Nhưng vẫn không chắc lắm, vì các tòa nhà trong ngõ cụt đó nằm chật ních cạnh nhau tới nỗi khó mà phân biệt nhà này hay nhà khác.”
Hai người lại im lặng tản bộ một lát, rồi ông Utterson nói: “Enfield, quy tắc của ông tốt đấy.”
Enfield đáp: “Vâng, tôi nghĩ thế.”
Ông luật sư nói tiếp: “Nhưng dù sao đi nữa, có một điểm tôi muốn hỏi: tên của cái gã đã giẫm lên đứa bé.”
Ông Enfield nói: “Ôi dào, tôi thấy nói ra cũng chẳng hại gì. Gã đó tên là Hyde.”
Ông Utterson nói: “Hừm. Nhìn hắn có vẻ thuộc loại người như thế nào?”
“Tả hắn không dễ. Vẻ bên ngoài của hắn có gì không ổn, có vẻ khó chịu, có vẻ hết sức đáng ghét. Tôi chưa từng thấy người nào khó ưa như thế, nhưng tôi không biết tại sao. Hắn phải dị dạng thế nào đó, hắn làm cho người ta cảm thấy hắn rất dị dạng, mặc dù tôi không thể nói rõ ở điểm nào. Hắn là một kẻ có bề ngoài khác thường, nhưng tôi thật không thể kể ra là khác thường ở chỗ nào. Vâng, thưa ông, tôi không nắm được điểm nào, tôi không tả được hắn. Và không phải là do trí nhớ kém đâu, vì tôi chắc chắn là tôi có thể hình dung ra hắn ngay lúc này.”
Ông Utterson lại im lặng bước đi một lát, và rõ ràng là đang cân nhắc rất kỹ. Cuối cùng ông hỏi: “Ông có chắc là hắn dùng chìa khóa?”
Enfield ngạc nhiên thốt lên: “Ông bạn thân mến...”
Utterson nói: “Vâng, tôi biết. Tôi biết chuyện này có vẻ lạ. Lý do tôi không hỏi tên của người kia là vì tôi đã biết rồi. Ông thấy đấy, Richard, ông đã kể xong câu chuyện của mình rồi đấy. Nếu còn bất kỳ điểm nào không chính xác thì ông nên đính chính lại luôn đi.”
Người kia trả lời với một chút bực bội: “Tôi nghĩ lẽ ra ông nên cảnh cáo tôi trước. Nhưng tôi đã kể chính xác từng chi tiết, như ông nói. Gã đó có chìa khóa, và hơn thế nữa, gã vẫn còn giữ nó. Tôi lại thấy gã dùng chiếc chìa khóa cách nay chưa tới một tuần.”
Ông Utterson thở dài nhưng không nói lời nào, và chẳng mấy chốc người đàn ông trẻ nói tiếp: “Đây là một bài học nữa để đừng bép xép. Tôi xấu hổ vì đã bẻm mép. Mình hãy thỏa thuận là không bao giờ nhắc tới chuyện này nữa.”
Ông luật sư nói: “Richard, tôi hoàn toàn đồng ý từ tận đáy lòng mình.”
Bác Sĩ Jekyll Và Ông Hyde Bác Sĩ Jekyll Và Ông Hyde - Robert Louis Stevenson Bác Sĩ Jekyll Và Ông Hyde