Remember that great love and great achievements involve great risk.

Anonymous

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Dược Trần
Upload bìa: Ngô Quang Hoàng
Số chương: 29 - chưa đầy đủ
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7574 / 93
Cập nhật: 2016-08-01 22:05:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ã một giờ trôi qua và có lẽ là hơn nữa, thiếu tá An-đrây Mi-rô-nốp miệng vẫn không rời điếu thuốc lá - hết điếu này anh lại châm ngay điếu khác. Mi-rô-nốp đi đi, lại lại từ góc này sang góc kia trong căn phòng làm việc. Anh đếm mười bốn bước đi, quay lại mười bốn bước, rồi lại đi mười bốn bước nữa. "Đi bao nhiêu bước rồi: năm trăm, một ngàn, năm ngàn hay mười ngàn?" - ý nghĩ đó thoáng đến rồi vụt biến đi vì nó có nghĩa lý gì đâu.
Mi-rô-nốp dừng lại bên cửa sổ, anh mở rộng hai cánh cửa. Không khí mát mẻ mùa thu ùa vào căn phòng. Những làn khói thuốc lá đang luẩn quẩn quanh bàn, xao động và tan dần. Tỳ tay vào khung cửa, Mi-rô-nốp nhìn ra đường. Trước mắt anh là những khung cảnh quen thuộc: bên phải là đường phố hẹp mang tên Đgiéc-gin-xki * ngược về phía trước, đường hơi dốc thoai thoải. Về buổi chiều, đường phố náo nhiệt hẳn lên với những ô tô du lịch, tơ-rô-lây-buýt ** và xe khách loại lớn. Bên trái, trông rõ một phần quảng trường Đgiéc-gin-xki với cửa hàng bách hóa "Thế giới thiếu nhi" đang tấp nập người ra vào. Từ trên tầng năm của tòa nhà Ủy ban an ninh nhà nước, có thể trông rõ dòng người vô tận trên các vỉa hè, đường rẽ...
Mi-rô-nốp trầm ngâm ngắm nhìn cảnh người, xe tấp nập, nhộn nhịp. Nhưng khung cảnh gần gũi và quen thuộc thường ngày ấy hôm nay đối với anh không thể gợi lên được một niềm vui nào như mọi hôm. Anh đang bận tâm suy nghĩ một vấn đề quan trọng.
Mi-rô-nốp thở dài, đóng cửa sổ lại và quay về bàn làm việc. Ngồi xuống chiếc ghế mềm, Mi-rô-nốp lại kéo cặp tài liệu và dở tập " Hồ sơ số..."
Bìa tập hồ sơ màu nâu mỏng dính. Trong đó chỉ có mười đến hai mươi trang. Chính những vấn đề trong cặp hồ sơ ít ỏi đó đã làm cho người thiếu tá an ninh mất ăn mất ngủ suốt ba hôm nay. Anh mở cặp giấy và lại một lần nữa, không hiểu là lần thứ mấy rồi, chăm chú đọc hết trang này sang trang khác. Nhưng tất cả đều vô ích, vì không có gì sáng sủa hơn. Càng đọc bao nhiêu anh càng thấy bế tắc bấy nhiêu (và quả là Mi-rô-nốp hầu như đã gần thuộc lòng) anh không làm sao lần ra đầu mối của cuốn chỉ để theo đó có thể tiến hành cuộc điều tra. Còn nhiều điều chưa rõ ràng, chưa được xác minh.
Phải tập trung chú ý ai trước? Phải nghiên cứu ai trước? Mi-rô-nốp suy nghĩ. Xa-môi-lốp-xcai-a ư? Điều này chẳng cần phải nói vì chính là đã bắt đầu từ mụ ta, tuy nhiên Mi-rô-nốp cũng tin là Xa-môi-lốp-xcai-a chỉ là một con cờ ngẫu nhiên không đáng được các cơ quan an ninh nhà nước chú ý.
Trê-nhi-a-ép chăng? Rất mơ hồ. Quả thật nếu như tin vào lời khai của Xa-môi-lốp-xcai-a (nhưng có nên tin mụ ta không?) thì trường hợp của Trê-nhi-a-ép quả là lạ lùng thật. Tại sao ông ta, một con người sống phong lưu, dư dật lại phải đi bán những quần áo phụ nữ nhập cảng. Nếu quả như vậy thì dù chỉ là một giả thuyết tồi nhất: điều đó có khác gì một kẻ đầu cơ. Bản thân Trê-nhi-a-ép lại là một đảng viên, từng tham gia cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, một trung tá kỹ sư, một người đã được thưởng nhiều huân chương, một nhà xây dựng cỡ lớn. Không thể nào ông ta lại giống một kẻ có thể gây nên những tội lỗi chống Tổ quốc, chống Nhà nước xô-viết.
Vậy thì là ai bây giờ? Tác giả của mẩu thư còn sót lại chăng? Cũng có thể lắm. Nhưng, nên bắt đầu với anh ta như thế nào nếu như chưa biết rõ anh ta, hay đúng hơn là cô ta, là ai? Phải tìm tác giả bức thư đó ở đâu? Tìm như thế nào? Nếu như trong tay Mi-rô-nốp đã có được một mối chỉ nào đấy thì nó cũng rất mỏng manh, rất rời rạc...
Mi-rô-nốp gấp cặp hồ sơ lại và hình dung toàn bộ quá trình sự việc.
Câu chuyện bắt đầu từ hôm người ta bắt giữ Xa-môi-lốp-xcai-a - một mụ buôn lậu khét tiếng, từ lâu cơ quan công an đã quen mặt. Tại một cửa hàng ở Mát-xcơ-va, mụ ta đã bị bắt quả tang trong lúc đang bán một số áo khoác bằng ni-lông của phụ nữ theo giá đầu cơ. Khi khám chiếc túi xách căng phồng của mụ Xa-môi-lốp-xcai-a, công an còn phát hiện một số quần áo phụ nữ sản xuất ở nước ngoài (Mỹ, Tây Đức, Pháp) và một số đồ trang sức phụ nữ, theo như các chuyên viên xác minh cho biết thì đó là các loại đồ trang sức cổ rất quý giá.
Nhân viên công an chẳng khó khăn gì lắm đã xác minh được tất cả những đồ vật mà Xa-môi-lốp-xcai-a bán đều là những loại hàng không có trong màng lưới thương nghiệp Liên-xô. Một điều làm cho người ta phải suy nghĩ là phần lớn những quần áo đó đều hoàn toàn mới, chưa hề mặt lần nào. Lại thêm những đồ trang sức quý giá kia càng làm cho vấn đề trở lên bí ẩn và đáng nghi ngờ.
Hơn nữa, khi khám xét kỹ các đồ vật tịch thu của Xa-môi-lốp-xcai-a người ta còn phát hiện ở trong lần lót của một chiếc áo khoác (cũng cần phải nói thêm là chiếc áo này đã được dùng vài ba lần) có một mẩu giấy bị lộn xuống góc gấu áo, qua lần vải túi bị thủng. Mẩu giấy ấy là phần còn lại của một bức thư hay là một trang nhật ký nào đó. Nó không có đoạn đầu, không có đoạn cuối, cũng không có một câu nào hoàn chỉnh. Chỉ còn sót lại những dòng vô nghĩa với một nét chữ phụ nữ nguệch ngoạc:
...người Nga không biết và sẽ không biết...
...ấy... giữ mình cho cẩn thận. Rằng...
...hoàn thành nhiệm vụ đã...
...trở thành kẻ phản bội...
Xa-môi-lốp-xcai-a có biết mẩu giấy này không? Những đồ vật kia và nhất là cái áo đáng ngờ đó đến tay mụ ta bằng cách nào?
Trong các cuộc hỏi cung ở cơ quan công an, mụ đã khai nhiều điều mâu thuẫn với nhau. Lúc đầu mụ khai rằng những đồ vật (trong đó có chiếc áo đáng ngờ) là do mụ bắt được ở ngoài phố, bắt được một cách bình thường. Mụ đang đi và bỗng thấy một gói gì đấy. Xung quanh chả có ai. Mụ mở ra và thấy trong đó có nhiều quần áo. Làm thế nào với món hàng này nhỉ! Và thế là mụ quyết định đem bán. Chả lẽ như vậy là phạm tội ư? Tuy nhiên khi các nhân viên hỏi cung bảo mụ nói rõ địa điểm và thời gian nhặt được gói đồ, thì họ thấy Xa-môi-lốp-xcai-a lúng túng hơn. Cuối cùng mụ phản cung lại, mụ lại đưa ra một khẩu cung mới: không, quả là mụ không nhặt được gói đồ đó, mà nó do một trong những người quen mụ đưa nhờ bán hộ. Người đó là Trê-nhi-a-ép, Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích Trê-nhi-a-ép.
Trê-nhi-a-ép là ai? Xa-môi-lốp-xcai-a không khẳng định dứt khoát được: ông ta là quân nhân, có lẽ là đại tá. Ông ta sống ở thành phố Crai-xcơ, - ông ta làm gì? Thủ trưởng, một thủ trưởng lớn, có xe riêng. Ngoài ra Xa-môi-lốp-xcai-a không biết gì hơn về Trê-nhi-a-ép nữa.
Cơ quan công an xác minh lời khai của mụ; họ điện hỏi Crai-xcơ xem có ai tên là Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích Trê-nhi-a-ép mang quân hàm đại tá không? Và họ chả phải chờ đợi lâu. Có một người như vậy sống ở đấy: kỹ sư, trung tá dự bị Trê-nhi-a-ép, hiện đang làm việc tại một công trường xây dựng quân sự đặc biệt ở Crai-xcơ.
Khi các nhân viên điều tra đã thu thập đầy đủ các tài liệu như lý lịch tự khai, giấy nhận xét công tác, và các giấy tờ cần thiết, thì đường đời của người trung tá kỹ sư này không có gì đáng nghi ngờ. Trê-nhi-a-ép sinh năm 1915 tại một làng hẻo lánh ở Xi-bê-ri. Sau khi tốt nghiệp trường làng ra tỉnh làm ăn. Vừa làm vừa học đã tốt nghiệp lớp trung cấp kỹ thuật buổi tối, sau đi Mát-xco-va và học tại Học viện xây dựng quân sự. Trong thời gian chiến tranh chiến đấu ở mặt trận. Ban đầu công tác ở một đơn vị công binh, sau đấy chiến đấu trong hàng ngũ du kích. Bị thương rồi khỏi, lại ra mặt trận và một lần nữa về đơn vị công binh. Đã được thưởng nhiều huân chương và bằng khen của Chính phủ. Sống độc thân. Sau chiến tranh đi hết công trường này đến công trường khác. Mới đây vừa giải ngũ về ngành dự bị. Ở Crai-xcơ đã gần hai năm và là một trong những nhà lãnh đạo một công trường lớn xây dựng các công trình đặc biệt. Trong các bản nhận xét về đạo đức và tư cách đều nhấn mạnh: trung tá kỹ sư Trê-nhi-a-ép là một người có đạo đức tốt, trung thành với sự nghiệp của Đảng, rất cố gắng trong công tác và luôn luôn trau dồi trình độ tư tưởng, chính trị của mình, có tinh thần trách nhiệm trong mọi công tác.
Thật ra, đọc những dòng nhận xét khô khan trong các bản lý lịch có đóng dấu thì khó mà hình dung được hình dáng, bộ mặt của một người mà người ta chỉ biết được một phần nào về tư cách, đạo đức, sở thích và khuynh hướng. Nhưng, ở đây cuộc đời của Trê-nhi-a-ép hiện lên khá đẹp đẽ. Không có một dấu vết đáng nghi ngờ nào cả. Khó mà hiểu được một người như vậy mà lại quen với Xa-môi-lốp-xcai-a, và ông ta đã lấy các quần áo phụ nữ ấy ở đâu? Tại sao lại phải bán đi một cách rất khó hiểu: bán ở một thành phố khác qua tay mụ buôn lậu chuyên nghiệp?
Mặt khác, liệu có thể tin rằng, Xa-môi-lốp-xcai-a đang có âm mưu nấp sau lưng một người như trung tá kỹ sư này chăng? Các cơ quan công an đã gửi tất cả tang vật có kèm theo mảnh giấy đáng ngờ đó về Ủy ban an ninh nhà nước.
Chuyện đã xảy ra từ ba hôm trước. Từ hôm ấy đến nay, chiếc cặp bìa nâu với đầy đủ các tài liệu đó nằm trên bàn làm việc của thiếu tá Mi-rô-nốp. Trong chiếc cặp còn có lá thư viết tay của cục trưởng thiếu tướng Va-xi-li-ép gửi Mi-rô-nốp:
"Đồng chí Mi-rô-nốp! Hãy nghiên cứu kỹ các tài liệu trong hồ sơ. Hỏi kỹ kẻ bị bắt và báo cáo cho tôi biết ý kiến riêng của đồng chí".
Quả là quá dễ dàng khi nói: "Báo cáo cho biết ý kiến riêng của đồng chí!" Còn làm thế nào mà báo cáo được nếu như những ý kiến sơ bộ, cho đến nay vẫn chưa có được. Báo cáo cái gì bây giờ? Đã ba ngày qua, Mi-rô-nốp nghiền ngẫm tập hồ sơ nhưng chưa hề thấy có một tý ánh sáng nào. Anh đã trực tiếp hỏi cung Xa-môi-lốp-xcai-a. Nhưng, những lần hỏi cung đó chưa mang lại cho anh điều gì mới mẻ, hấp dẫn. Nhìn toàn bộ vấn đề, thì sự quen biết giữa Xa-môi-lốp-xcai-a với Trê-nhi-a-ép chỉ hoàn toàn ngẫu nhiên. Mụ vẫn chỉ nói đi nói lại mãi về Trê-nhi-a-ép như là đã khai trong những lần trước"đại tá", "một thủ trưởng lớn". Ngoài ra Xa-môi-lốp-xcai-a không cung cấp được điều gì mới hơn.
Qua lời khai của Xa-môi-lốp-xcai-a thì mụ đã đến Crai-xcơ để thăm những người quen. Ở đó, mụ tình cờ gặp Trê-nhi-a-ép mà trước đây mụ có quen biết. Hình như Trê-nhi-a-ép có mời mụ ta về nhà chơi, rồi đề nghị mụ ta bán hộ những đồ trang sức ở Mát-xco-va. Còn những đồ vật đó là của ai và làm sao Trê-nhi-a-ép lại có thì mụ không biết rõ. Trê-nhi-a-ép không nói gì về điều này và Xa-môi-lốp-xcai-a cũng không cần hỏi. Đối với mụ ta, điều đó chả có gì cần thiết.
Trong khi hỏi cung Mi-rô-nốp giả vờ như vô tình hướng câu hỏi vào chiếc áo khoác mà họ đã tìm thấy mảnh giấy bí mật. Chiếc áo đó cũng do Trê-nhi-a-ép đưa cho phải không? Xa-môi-lốp-xcai-a có xem kỹ nó không? Có tìm thấy gì trong túi áo không?
-Trong túi à? Mụ buôn lậu ngạc nhiên hỏi.- Ồ, ngài thủ trưởng, các túi đều rỗng tuếch. Chẳng có gì trong ấy cả! Không có lấy một chút gì đâu. Tôi đã xem kỹ mà...
Đúng: Xa-môi-lốp-xcai-a không lục soát kỹ chiếc áo nên mụ ta không phát hiện ra mảnh giấy bị xé. Điểm này, có thể tin ở mụ ta được, nhưng còn những điểm khác...
Phải bắt đầu điều tra ở Crai-xcơ thôi! Rõ ràng là phải như vậy - Mi-rô-nốp dự kiến. Như thế, tức là phải đi tới đấy. Có thể là sẽ phát hiện bổ sung được điều gì đó tại chỗ. Và, cũng có thể sẽ giúp cho việc điều tra bắt nguồn từ ở đây. Tuy vậy, trước khi đi cũng cần phải báo cáo với Xê-men Pha-đê-ê-vích đã (tức là thiếu tướng Va-xi-li-ép). Phải thảo luận và để đồng chí ấy cho chỉ thị. Đồng chí ấy sẽ quyết định có nên đi Crai-xcơ hay không. Sự sáng suốt của thiếu tướng, những kinh nghiệm lớn trong công tác an ninh của ông, cũng như óc xét đoán ông có thể nhìn nhận rõ từng chi tiết quan trọng và đáng kể ở chính những điểm mà người khác nếu như không phải là một cán bộ lão luyện trong công tác phản gián thì không làm sao thấy được. Nhiều lần ông làm cho An-đrây Mi-rô-nốp ngạc nhiên.
Hồi chuông điện thoại cắt đứt luồng suy nghĩ của anh.
- Đồng chí Mi-rô-nốp đấy phải không? Giọng thiếu tướng vang lên trong máy nói.- Mời đồng chí...
Nếu có một người nào không biết nghề nghiệp của Xê-men Pha-đê-ê-vích, gặp ông ngoài phố, trong nhà hát hay chỗ hội họp công cộng thì không chắc đã nghĩ rằng đấy là một cán bộ an ninh có nhiều kinh nghiệm. Trông thiếu tướng thật hiền từ, bình thường. Khuôn mặt ông mang đặc điểm của người trí thức Nga - hiền lành và thông minh. Ông luôn bận thường phục. Bộ quần áo hơi rộng so với thân hình của ông. Bộ tóc đã điểm bạc nhưng vẫn còn dày và cong cong một cách tự nhiên. Đôi mắt ông dường như sâu thêm sau cặp kính dày. Do vậy, nên đôi khi người ta cảm thấy cái nhìn của ông có vẻ khe khắt, khô khan.
Cuộc đời của thiếu tướng cũng không phẳng lặng lắm. Ngay từ hồi thanh niên, ông đã được Đoàn thanh niên cộng sản cử sang làm công tác an ninh. Ông từng có dịp may mắn thi hành những nhiệm vụ của Đgiéc-gin-xki và đã có lần được gặp riêng Phê-lích Ê-mun-đô-vích. Ông đã làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Men-gin-xki, Tơ-ri-lít-xe và các cán bộ an ninh Bôn-sê-vích lỗi lạc khác. Trong những năm ba mươi, vì có những thay đổi trong cơ quan an ninh nên Xê-men Pha-đê-ê-vích Va-xi-li-ép chuyển khỏi cơ quan trung ương. Ông đi công tác ở một vùng biên giới hẻo lánh và ông đã lăn lộn ở các vùng biên giới gần hai chục năm ròng. Mãi đến những năm năm mươi ông mới lại được cử về Ủy ban an ninh nhà nước. Từ đó Xê-men Pha-đê-ê-vích Va-xi-li-ép trở thành thủ trưởng trực tiếp của thiếu tá Mi-rô-nốp. Đọc xong tập tài liệu, để nó sang một bên, thiếu tướng dựa lưng vào thành ghế, bảo:
- Nào, An-đrây I-va-nô-vích, kể lại nghe nào.
Ông với tay lấy chiếc cặp bìa màu nâu. Thiếu tướng dở từng tờ hồ sơ. Ông đọc lướt và lắng nghe Mi-rô-nốp báo cáo.
Thiếu tá báo cáo rành rọt, vắn tắt như đã lựa từng lời từng ý một. Trong khi anh đang báo cáo lại tình hình vụ án thì thiếu tướng đã kịp đọc lướt các trang giấy trong cặp. Ông gạt nó sang một bên, tay trái chống cằm, ông nhìn thẳng vào mặt Mi-rô-nốp. Kết luận của thiếu tá về mối liên quan giữa tác giả mẩu giấy bí mật với một con người như Trê-nhi-a-ép còn rất mơ hồ. Thiếu tướng bỗng đặt tay phải lên bàn,mấy ngón tay gõ khe khẽ xuống bàn. Nhịp gõ mỗi lúc một nhanh. Mi-rô-nốp hoang mang: mọi cán bộ trong Cục đều đã biết thói quen ấy của thiếu tướng. Nếu thiếu tướng gõ nhịp tay liên hồi như vậy lên mặt bàn tức là ông đang lo ngại hoặc đang bực mình về điều gì đấy.
-- Xin lỗi nhé.-- Thiếu tướng bỗng ngắt lời Mi-rô-nốp.-- Anh đã biết rõ là trung tá kỹ sư Trê-nhi-a-ép làm gì chưa?
-- Hình như là...-- Mi-rô-nốp rụt rè đáp-- Tôi đã đọc và biết được đầy đủ tất cả những điều ghi trong hồ sơ lý lịch. Trê-nhi-a-ép là một trong những người lãnh đạo một công trường lớn ở Crai-xcơ.
-- Ừ, nhưng là công trường nào?
-- Theo chỗ tôi được biết thì đó là một công trường bí mật. Một công trình quốc phòng đặc biệt.
-- Ấy chính thế đấy: công trình quốc phòng đặc biệt -- Thiếu tướng nói và giơ ngón tay trỏ lên. Tôi sẽ không kể cho anh tỷ mỉ, điều đó không cần thiết. Nhưng phải biết rằng, đấy là một công trình quốc phòng loại đặc biệt tối mật. Anh đã biết bọn tình báo nước ngoài đang rất chú ý đến các loại công trình này. Hơn thế, trong tay tôi đã có những tin tức cho hay: cơ quan tình báo của một nước tư bản đã chú ý đến công trường ở Crai-xcơ. Từ chuyện này, ta thấy có thể có một điều gì đây đặc biệt liên quan đến Trê-nhi-a-ép. Anh có cảm thấy thế không nào?
-- Thực lòng mà nói,-- Mi-rô-nốp ngập ngừng,-- tôi chưa hoàn toàn cảm thấy như vậy. Chúng ta đều biết là, những người được đưa vào làm ở các công trường này đều đã qua sự kiểm tra rất tỷ mỉ, kỹ càng. Nên Trê-nhi-a-ép thì...
-- Sao lại dính Trê-nhi-a-ép vào đấy?-- Thiếu tướng hơi cau mày, tay lại gõ gõ xuống bàn -- Chả lẽ lại cứ phải dính dáng đến Trê-nhi-a-ép. Nhưng, dĩ nhiên cũng có thể có một âm mưu gì đấy đã xảy ra quanh ông ta, nấp sau lưng ông ta. Ông ta là cái bình phong, và chả riêng gì mình ông ta đâu. Chúng ta không nên khẳng định một điều gì sớm nhưng cần phải nghĩ tới điều có thể xảy ra sau này. Nhìn chung thì Trê-nhi-a-ép cũng không đến nỗi hấp dẫn với chúng ta lắm, mặc dù chứng cớ cho thấy rằng đây là một chuyện xấu, bán các thứ hàng ngoại qua tay một mụ buôn lậu. Nhưng làm sao mà ông ta có thể có những loại hàng này? Thật không đẹp đẽ gì! Phải rút ra kết luận gì ở đây? Có thể loại trừ trường hợp là một bộ máy tình báo ngoại quốc nào đó đã thu thập được những tin tức về Trê-nhi-a-ép, dò la được những mặt yếu của ông ta và đang định mon men tới gần ông ta chăng? Tôi nhắc lại rằng: tất cả những điều này chỉ là giả định. Cần phải kiểm tra thật kỹ càng! Tại sao lại có giả định như vậy? Điều đó đòi hỏi chúng ta phải phân tích. Hình như mảnh giấy lạ lùng tìm thấy ở lần lót chiếc áo khoác là do phụ nữ viết, phải không?
Mi-rô-nốp lặng lẽ gật đầu.
-- Và mụ Xa-môi-lốp-xcai-a đã nhận chiếc áo đó từ tay Trê-nhi-a-ép. Đúng không? Thế tức là, quanh quẩn bên Trê-nhi-a-ép hiện nay có thể có một phụ nữ nào đó mà chúng ta cần phải hết sức chú ý. Phải tìm cho ra người phụ nữ -- tác giả của mẩu giấy bí mật đó. Hơn nữa, điều này cũng không thể loại trừ: có thể Trê-nhi-a-ép đã bị lọt vào "tầm mắt" của bọn tình báo nước ngoài. Cần phải quan tâm bảo đảm an ninh và điều kiện công tác, sinh hoạt cho ông ta. Để làm việc đó, cần phải nghiên cứu kỹ càng những người chung quanh. Theo dõi cách làm việc, sinh hoạt của ông ta và những người gần gũi. Cuối cùng, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải tìm hiểu nguồn gốc của những món hàng nước ngoài và các đồ trang sức cổ quý giá kia. Tóm lại, đó là nhiệm vụ của anh. Chỉ có thể giải quyết những nhiệm vụ đó ở ngay Crai-xcơ. Anh phải chuẩn bị đi đến đấy. Tôi đã gọi điện báo cho đồng chí Xcơ-vô-re-xki -- đại tá Cục trưởng cục an ninh Crai-xcơ biết là anh sẽ đến. Hình như đồng chí đại tá có quen biết anh phải không?
-- Vâng, thưa đồng chí Xê-men Pha-đê-ê-vích, -- Mi-rô-nốp trả lời.-- Còn hơn cả sự quen biết thông thường nữa ạ.
-- À, à. Tôi nhớ ra rồi. Dạo chiến tranh phải không? Xcơ-vô-re-xki phụ trách mọi vấn đề, đồng chí ấy sẽ giúp anh. Nếu như có điều gì không rõ, cứ gọi điện cho tôi, đừng ngại. Có lẽ như thế là hết rồi đấy. Hỏi gì nữa không?
-- Không, đồng chí Xê-men Pha-đê-ê-vích, tất cả đã rõ.-- An-đrây đứng dậy.-- Bao giờ đồng chí cho tôi lên đường?
-- Tôi giữ anh làm gì?-- Thiếu tướng hỏi lại, thay cho câu trả lời. -- Cố thu xếp đi ngay hôm nay! Thôi chúc anh thành công!
Ngay tối hôm đó Mi-rô-nốp đi Crai-xcơ.
Sợi Chỉ Mỏng Manh Sợi Chỉ Mỏng Manh - Yakov Naumov, Aleksandr Yakovlev Sợi Chỉ Mỏng Manh