Số lần đọc/download: 1566 / 17
Cập nhật: 2016-01-27 21:40:37 +0700
Chương 1
V
i cho biết mặt sơn hà, cho sơn hà biết ai là mặt chơi! Người ta sống ở đời nên lịch lãm đó đây để kiến văn càng ngày càng thêm rộng rãi, chứ nếu lại cứ ru rú một chỗ thì tư tưởng và tâm hồn mình có lẽ rồi như các đồ vật trong một gian phòng bỏ không và quanh năm cửa đóng kín mít kia vậy.
- Nghĩa là nó sẽ mốc thếch mất cả chứ gì?
- Đúng thế.
- Nhưng theo ý tôi, sự du lịch vị tất đã còn ích lợi cho ta như anh Ngọc vừa nói…
- Tại sao?
- Anh không thấy cả thế gian bây giờ đương chạy vùn vụt đến chỗ âu hóa đó ư? Nói âu hóa có lẽ chưa đúng. Phải nói là máy móc hóa mới phải…
- Rồi sao nữa?
- Lại còn sao! Nếu một ngày kia, sự đi lại từ Á đông sang Mỹ châu sẽ nhanh chóng và tiện lợi hơn từ một xóm nhà quê lên chợ tỉnh bây giờ, và đi đến đâu, người ta cũng chỉ thấy nhan nhản những đường rải nhựa, những nhà chọc trời, những ống khói nhà máy, những đường xe lửa, điện thoại, vô tuyến truyền thanh, nhà chiếu bóng v.v… Lúc ấy thì trái đất ta ở này sẽ bị thu nhỏ lại và cảnh sắc sẽ tầm thường tẻ ngắt biết chừng nào? Người ta không cần phải ra khỏi cửa, chỉ việc nhắm mắt mà tưởng tượng cũng đủ biết hết cả những cái gì có trên mặt đất. Người ta còn học được gì ở sự đi chơi phiếm?
- Ừ, anh nói cũng có lý…
- Có lý đứt đi chứ lại cũng gì nữa
Khôi đập tàn thuốc lá, kéo một hơi, thở khói rồi tiếp theo.
- Không những thế, không những sự du lịch sẽ không còn ích lợi gì mà ngay cái thú bềnh bồng cũng không còn nữa, cái thú cầu sương diếm cỏ, cái thú xê dịch nó rất cần cho thằng người hiếu động. Là bởi, lúc ấy, người ta vì cứ đi khắp địa cầu, đến khi trở về nhà, người ta cũng sẽ chẳng giữ được một kỷ niệm êm đềm nào hoặc chẳng có gì mà kể lại cho chúng bạn nghe.
Ngọc có vẻ tần ngần.
- Ví dụ sẽ đúng như nhời anh nói thì người ta sẽ lấy gì thay vào cái thú đi chơi xa?
- Người ta sẽ đi chơi gần vậy, nghĩa là sẽ chui vào các tiệm hút, cô đầu, tiệm nhảy! Nếu người nào không dễ trác tang mình đến bậc ấy thì vào các rạp xi nê khảo cứu cái thuật bôi nhọ các kiệt tác văn chương của mấy ông dàn cảnh nô lệ của sự tầm thường thảm hại của công chúng hoặc là về nhà đóng cửa ngồi mà ngáp dài.
- Cái viễn tượng ấy thực không phải là một viễn tưởng có thể khiến ta nao nức được.
- Tất nhiên!
- Phiền thật!...
- Bởi thế cho nên chúng ta ngày nay còn đi được, còn chơi được, ta hãy đi cho nhiều, chơi cho thỏa vào…
- Hay nếu không tự mình đi được thì nên nghe các bạn mình, hơn nữa, mình nên bắt buộc các bạn mình phải kể chuyện ngoài xa cho mình nghe chứ gì?
Khôi vô tình, không biết đấy là một cái bẫy.
Chàng gật đầu:
- Phải!
Ngọc cười ha hả đoạn nói tiếp:
- Thế thì anh, một người đi nhiều, thấy lắm anh còn đợi gì không thuật các điều kiến văn lại cho tôi, bạn than của anh nghe?
Khôi lườm bạn
- À, ra họ dụng tâm cho mình vào bẫy!
- Cái bẫy ấy có mắc cũng chả nên oán. Là vì đấy là một dịp cho anh vợi bớt các điều mà bao nhiêu cuộc phiếm du đã dung cho anh để có chỗ mà thu thập cái mới chứ…
- Ừ, đã đành rành thế; nhưng ở đời này, dù đến ái tình cũng còn có thể phải mua mới có thì câu chuyện ngoài nghìn dặm xa tất cũng phải đánh đổi bằng cái gì ví dụ như một bữa rượu chẳng hạn…
- Gớm, tay róc thật. Nhưng mà thôi, gì chứ rượu thì được!
Ngọc quay vào nhà trong gọi đầy tớ:
- Thằng Tư đâu?
Thằng bé ở chạy lên:
- Cậu bảo gì con?
- Đây, mày cầm đồng bạc này ra hiệu mua cho tao nửa đĩa thịt bò xào, một con chim bồ câu rán và một chai rượu ông lão nhỏ…
Khôi nói thêm:
- Nhớ mua cho tôi hai xu lạc rang nhé.
- Vâng.
Khôi vừa nói vừa cởi bỏ áo ngoài vắt lên lưng ghế tỏ ra ý định ngồi lâu và trong khi ngồi, chàng cần được hưởng mọi sự sướng tiện.
- Tính tôi lúc nào làm việc gì là phải hoàn toàn thuộc về việc ấy.
Ngọc đùa bạn.
- Phải, tôi đã biết tính ông!
Khôi điềm tĩnh nói tiếp:
- Và tôi cho như thế chính là cái thuật sống rất thú vị vậy.
- Cái thuật sống ấy nhiều khi nguy hiểm cho kẻ khác rất nhiều, phải không anh?
Khôi cười:
- Cái thằng cha này xem ý bủn xỉn lắm thì phải!
Ngọc toan cãi thì thằng Từ đã đem các thức nhắm về.
Chủ nhân đứng dậy sửa soạn và một lát sau đôi bạn đã cùng nhau chén chú chén anh.
Ngọc hỏi Khôi:
- Trong cái đời bềnh bồng vô định của anh, anh chắc đã gặp nhiều sự lạ lắm?
- Cứ kể thì cũng lắm cái lạ thật, nhưng phong cảnh phần nhiều lạ hơn là người, vì thằng người dù là ở đâu chẳng qua cũng vẫn chỉ là thằng người.
- Ấy lại là một câu chuyện khác. Tôi nói lạ đây chính là ở những phong tục và cái cách sống riêng biệt của từng dân. Còn như cái bản chất thằng người đã đành là giống nhau.
- À, nếu vậy thì mắt tôi quả đã trông thấy lắm cái lạ, tai tôi quả đã nghe được lắm việc kỳ nó xảy ra ở những nơi rừng xanh núi tía, xa chúng ta không biết là bao nhiêu.
- Đấy, chính những chuyện ấy mà tôi vẫn chờ đợi ở anh vậy. Tôi them những cái lạ mà tôi, một kẻ ít đi nhất trong bọn nghệ sĩ chúng ta, vẫn thèm thuồng ao ước.
- Thế thì có khó gì! Anh cứ chịu tốn ít tiền mua rượu rồi toi sẽ kể cho mà nghe.
- Được rồi!
- Vô số là chuyện hay! Nào chuyện ma rừng, nào chuyện thần hổ, chuyện bùa phép, chuyện phi thống v.v…
- Thế thì ngay ngày hôm nay, anh kể cho tôi nghe một chuyện gì đó…
- Chuyện Hồng thầu vậy nhé?
- Hồng thầu?
- Phải, Hồng là đỏ, thầu là đầu. Hồng thầu tức là đỏ đầu, tên một thứ Mán suốt đời bịt đầu bằng vải tây đỏ…
- Thứ Mán ấy chỉ có cái tục bịt đầu bằng khan đỏ là đặc biệt thôi ư?
- Không. Phong tục họ ngộ lắm! Chính tôi đã suýt chết về tay họ. Nhưng, nếu anh muốn tôi kể cho anh nghe thì điều cần nhất là anh không được hỏi vặt…
- Điều ấy, tôi xin vâng.
- Tốt lắm!
Khôi cầm cốc uống một hớp rượu và gắp một món ăn rồi mới cất tiếng nói một cách ung dung.