Số lần đọc/download: 3953 / 107
Cập nhật: 2016-06-27 09:58:26 +0700
Chương 1
Đã bao giờ bạn sống trong một thế giới hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài? Một thế giới nằm sâu dưới 701 tầng đất. Ở đó, họ - những con người không có tên mà chỉ biết đến nhau qua các ký hiệu, không nói năng mà chỉ hành động, không rơi lệ nhưng vẫn đầy bi thương, không nói cười nhưng tràn đầy cảm xúc… trong thế giới tưởng chừng câm lặng này cũng có biết bao chuyện xảy ra, có tiếng cười, và có cả những giọt nước mắt của tình người, tình yêu cuộc sống.
o O o
1
Năm 1873 có một người ngồi thuyền đi Tây tầm sư học đạo, người ấy là con út đời thứ bảy của dòng họ Dung - một nhà buôn muối nổi tiếng khắp vùng Giang Nam - tên gọi là Dung Tự Lai, sang đến trời tây, anh đổi tên thành John Lily. Về sau, mọi người nói, cái vị mặn ẩm ướt truyền đời trên người nhà họ Dung bắt đầu bị bàn tay người này làm cho đổi vị, đổi thành hương vị có học tinh khiết trong lành, có cả chí khí của người quân tử yêu nước, cứu nước. Tất nhiên điều ấy không tách khỏi việc đi Tây của anh. Nhưng hồi ấy, mục đích của nhà họ Dung cử anh đi Tây không phải muốn anh làm thay đổi sự nghiệp truyền đời của tổ tông, mà chỉ để kéo dài tuổi thọ của bà cụ cố họ Dung. Thời trẻ, bà cố là cái máy đẻ, trong vòng mấy chục năm đã sản sinh cho dòng họ chín trai bảy gái, ai cũng phương trưởng, sự nghiệp thành đạt, lập những chiến công hiển hách cho sự hưng thịnh của dòng họ, đặt nền móng vững chắc cho địa vị tối thượng của bà cố trong gia tộc. Tuổi thọ của bà cố được kéo dài là bởi con cháu tôn sùng, nhưng sống không nhẹ nhàng, nhất là về đêm có biết bao nhiêu giấc mộng phức tạp bám lấy bà, làm bà kinh hoàng kêu thét lên như một cô bé. Ban ngày bà cố vẫn còn sợ hãi. Ác mộng giày vò bà cố, con cháu và vàng bạc của cải trong nhà trở thành vật bóc gỡ ác mộng cho bà, khói hương nghi ngút thường bị tiếng kêu thất thanh của bà làm cho kinh hoàng run rẩy. Sáng nào cũng vậy, trong khuôn viên nhà họ Dung cũng có một vài vị nhân sĩ trí thức đến giải mộng cho bà cố, lâu dần, trình độ cao thấp của họ cũng hiện rõ.
Trong số những người đến giải mộng, bà cố tin nhất một thanh niên phiêu bạt từ trời Tây đến thị trấn Đồng, ông Tây trẻ này có thể đọc chính xác những gì mà bà đã thấy trong giấc mộng, có lúc anh còn dự báo, thậm chí nói đến chuyện phải trái của những nhân vật trong mộng. Có điều, cái vẻ trẻ trung của anh đã quyết định công việc của anh một cách thật nhẹ nhàng. Nói như các bậc cao niên: cái miệng không lông, làm gì cũng không chắc. Thuật giải mộng của anh coi như đạt yêu cầu, nhưng thuật dịch mộng thì sai sót khá nhiều, hành sự như bùa chú ma quỷ, lúc đúng lúc sai. Cụ thể, mộng trước nửa đêm còn tạm được, những giấc mộng sau nửa đêm, gồm cả mộng trong mộng, anh ta hoàn toàn bó tay. Anh cũng nói, anh không chuyên học cái thuật này của ông nội, mà chỉ mắt thấy tai nghe, cố ý hay vô tình học lỏm một chút vậy thôi, học nghiệp dư, trình độ cũng nghiệp dư. Bà cố mở bức tường giả ra, để lộ một bức tường đầy những bạc nén, khẩn cầu anh mời ông nội của anh đến, câu trả lời là không thể. Bởi ông nội của anh có dư tiền của, từ lâu không còn hứng thú với vàng bạc châu báu; thứ hai, ông nội của anh tuổi đã cao, chuyện vượt ngàn trùng dương có thể làm ông sợ hãi. Nhưng ông Tây trẻ này vẫn có thể chỉ cho bà cố một con đường, đấy là cử người đi học.
Trong trường hợp một người không hạ mình trước một người, dường như đấy là lối thoát duy nhất.
Công việc sau đấy là, chọn một người lí tưởng trong số con cháu đông đúc. Người này phải đạt hai yêu cầu: phải hiếu thuận với bà cố, sẵn sàng vì thế mà nhảy vào lửa; thứ hai, thông minh hiếu học, chỉ trong một thời gian ngắn có thể học được thuật giải mộng và dịch mộng, phải vận dụng thành thạo. Trải qua nhiều lần tuyển chọn, cậu thanh niên Dung Tự Lai hai mươi tuổi có phần trội hơn. Vậy là, Dung Tự Lai cầm thư giới thiệu của ông Tây trẻ viết cho ông nội, vai gánh trọng trách kéo dài tuổi thọ cho bà cố, đi ngày đi đêm, bắt đầu vượt biển, tầm sư học đạo. Một tháng sau, trong một đêm giông tố, chiếc tàu thủy chở Dung Tự Lai vẫn lênh đênh trên Đại Tây dương, bà cố nằm mơ thấy chiếc tàu bị gió bão nuốt xuống đáy biển, đứa cháu chết trong bụng cá, trong giấc mộng bà buồn đau vô hạn, buồn đau tuyệt vọng trong mộng dẫn đến buồn đau tuyệt vọng thật sự, khiến bà cố không còn tỉnh mộng, cứ thế đi gặp Diêm vương. Sau một chặng đường gian nan vất vả, Dung Tự Lai đến được với vị đại sư giải mộng, rất chân thành đệ trình thư giới thiệu. Cùng lúc ấy, vị đại sư giải mộng trao cho anh một bức thư, thư báo hung tin bà cố đã qua đời. So với người, thư đi nhanh, đến trước cũng là việc hợp tình hợp lí.
Vị đại sư tuổi ngoài tám mươi đang ở bước đường cùng của nghề truyền giáo, ánh mắt nhọn như mũi tên đủ để bắn hạ con chim đang bay, nhìn người từ phương xa đến, bằng lòng nhận con người xa lạ này làm học trò. Nhưng Dung Tự Lai lại nghĩ khác, bà cố đã chết, học cũng mất công, cho nên anh chỉ lãnh ý đại sư, nhưng trong bụng lại định ngày để đi nơi khác. Trong thời gian chờ để đi, anh kết giao với một người đồng hương trong trường học của đại sư, người đồng hương này đưa anh lên nghe giảng mấy bài, vậy là anh từ bỏ ý định đi khỏi nơi này, bởi anh phát hiện ở đây có nhiều điều đáng học. Anh ở lại với người đồng hương, ban ngày học hình, học toán và phương trình thức với một người Slave và một người Thổ Nhĩ Kì, buổi tối học dự thính âm nhạc người cháu của một vị người Bahir. Vì say mê học, thời gian qua nhanh, khi anh nhận ra mình phải về thì đã qua bảy mùa xuân thu. Chớm thu năm 1880, Tự Lai lên tàu về nước cùng mấy chục sọt nho mới hái, về đến nhà đã là mùa đông, nho ở trong khoang tàu đã ủ thành rượu.
Nói như người thị trấn Đồng, bảy năm nhưng trong nhà họ Dung không có gì thay đổi, nhà họ Dung vẫn là nhà họ Dung, buôn muối vẫn buôn muối, người hưng vượng vẫn là người hưng vượng, của cải như nước vẫn là của cải như nước. Thay đổi duy nhất là, người con đi Tây học đã về, nay không còn nhỏ, không những có thêm cái tên lạ hoắc: John Lily. Hơn thế, còn có thêm nhiều tật, ví dụ búi tóc trên đầu không còn, cái áo dài trên người nay đã thành ghilê, thích uống thứ rượu đỏ như máu, lúc nói chuyện thỉnh thoảng lại có thêm những tiếng như tiếng chim, vân vân. Kì quặc hơn nữa là, anh không ngửi quen cái mùi mặn của muối, đấy là điều kì quặc nhất. Ra bến tàu hoặc đến cửa hàng, hễ ngửi thấy mùi muối mặn là nôn khan, có lúc còn nôn ra nước vàng. Hậu duệ của nghề buôn muối nhưng lại không ngửi quen mùi muối, đấy là điều kì lạ, kì lạ như người không trông thấy người. Tuy nhiên, Tự Lai biết rõ tại sao - vì những ngày anh phiêu bạt bên trời Tây, mấy bận rơi xuống nước, bị nước biển mặn làm cho sống đi chết lại, dấu ấn đau khổ khắc sâu vào xương cốt, thậm chí sau đấy, anh đi tàu biển không thể không ngậm mấy cánh chè mới có thể miễn cưỡng qua nổi. Nhưng đã nói thì nói cho rõ, có qua nổi hay không là một chuyện, không quen mùi muối mặn làm thế nào để nối nghiệp cha? Không thể làm ông chủ mà miệng cứ luôn luôn phải ngậm lá chè.
Đúng là sự việc thay đổi không thể lường nổi.
Trước khi đi tầm sư học đạo, bà cố đã nói, chờ đến ngày anh học thành nghề trở về, số bạc giấu trong tường sẽ là phần thưởng cho lòng hiếu thảo của anh. Về sau, anh dựa vào số bạc ấy để lập nghiệp. Anh lên thành phố C của tỉnh xây dựng một cái trường học rất mẫu mực, gọi tên là Trường dạy toán Lily.
Đấy là tiền thân của Trường đại học N. rất nổi tiếng.
2
Sự nổi tiếng của Trường đại học N. bắt đầu từ trường dạy toán Lily.
Người đầu tiên đưa lại danh tiếng cho trường là John Lily. Ông làm cái chuyện động trời là chiêu sinh cả những nữ học sinh, đúng là việc kinh động thế gian, lập tức làm cho trường nổi tiếng. Trong mấy năm đầu, có cảm giác trường này giống như một trường Tây, ai đến thành phố này cũng phải đi xem trường, xem cho thoả thích con mắt, giống như đi chơi cô đầu. Theo kể lại, trong xã hội phong kiến, chỉ với cái cớ tuyển nữ sinh, cũng đủ san phẳng nhà trường. Tại sao không? Có nhiều cách nói, cứ như cách nói trong gia phả dòng họ Dung, có thể đáng tin nhất. Gia phả họ Dung kín đáo chỉ ra rằng, những người con gái đầu tiên vào trường học đều là hậu duệ của dòng họ. Như vậy có nghĩa là, tôi giẫm đạp lên bản thân tôi, liệu các người còn nói gì nào? Đấy là điều mà môn hình học gọi là hai vòng tròn chồng lên nhau, không giao cắt, cung tròn tiếp giáp nhau. Đấy là điều diệu kì làm cho trường dạy toán bị chửi rủa nhưng không bị đổ. Giống như đứa trẻ gào khóc, trường dạy toán Lily bị người đời tát cho khóc to hơn.
Người thứ hai đưa lại danh vọng cho nhà trường cũng là người nhà họ Dung: một cô cháu gái của John Lily, kết tinh của người anh cả của J. Lily ở độ tuổi sáu mươi với nàng hầu. Cô gái này có cái đầu hổ vừa tròn vừa to, nhưng chứa đựng trong đầu không phải là bã đậu, mà là những mưu kế thần diệu. Từ nhỏ cô tỏ ra thông minh khác người, nhất là làm các phép tính dài và thuật diễn toán. Mười một tuổi đi học, mười hai tuổi có thể cộng trừ nhân chia trên bàn tính, tính nhanh ai cũng phải phục, chỉ cần nhổ xong một bãi nước bọt cô đã tính nhẩm xong hai con tính nhân chia bốn chữ số. Những đề toán khó đến tay cô đều giải quyết một cách nhanh chóng, khiến người ra đề phải thất vọng, ngờ rằng cô ta chưa hề nghe thấy đề toán ấy. Một ông thầy bói mù chuyên sờ đầu đoán số, đã đoán số cho cô, nói chóp mũi cô cũng có óc, chín chín tám mươi mốt năm mới có một kì nhân như thế này. Năm mười bảy tuổi, cô cùng người anh họ con bà cô du học ở tại Đại học Cambridge, chuyến tàu thuỷ đi vào bến Luân Đôn sương mù dày đặc, ông anh họ vốn lấy thơ phú làm thú tiêu khiển tao nhã, bỗng trào ý thơ, cảm hứng trước lớp sương mù, xuất khẩu thành thơ:
Dựa vào sức mạnh đại dương
Ta đến đây
Ta đến đây
Ta đến đây
Sương mù không che khuất vẻ hoa lệ.
Cô em họ bị tiếng ngâm thơ của ông anh làm tỉnh giấc, cặp mắt ngái ngủ nhìn cái đồng hồ quả quýt vỏ vàng, cô bật lên một câu: “Chúng ta đi mất ba mươi chín ngày và bảy tiếng đồng hồ.”
Sau đấy hai anh em như bước vào một con đường đã định, lần lượt hỏi đáp.
Anh hỏi: “Ba mươi chín ngày bảy tiếng đồng hồ bằng...”
Cô em trả lời: “Chín trăm bốn mươi ba tiếng đồng hồ.”
Anh hỏi: “Chín trăm bốn mươi ba tiếng đồng hồ bằng...”
Cô em: “Năm mươi sáu nghìn năm trăm tám mươi phút.”
Anh hỏi: “Năm mươi sáu ngàn năm trăm tám mươi phút bằng...”
Cô em: “Ba triệu ba trăm chín mươi tư ngàn tám trăm giây.”
Tưởng chừng trò chơi này là một phần trong cuộc sống của hai anh em, ai cũng coi cô là cái bàn tính không cần đụng tay, cũng có lúc họ dùng đến. Trò chơi ấy trong cuộc sống khiến cho tài năng và giá trị của cô nổi trội, theo đó mọi người gọi cô là Cái bàn tính. Bởi cái đầu cô rất lớn, cho nên có người gọi cô là Cái bàn tính đầu to, nhưng sự thật thì, thuật toán của cô còn cao siêu hơn bất cứ một cái bàn tính nào. Tưởng chừng như cô đã thu hết khả năng tính toán làm ăn của nhiều đời trong dòng họ Dung vào đầu óc mình, mang ý nghĩa lượng biến thành chất.
Trong thời gian ở Cambridge, cô vẫn giữ được cái tư chất bẩm sinh lại phát lộ thêm những tư chất mới, ví dụ học ngôn ngữ. Bạn bè phải nghiến răng nghiến lợi để học, còn cô chỉ cần tìm một đứa bạn người nước ngoài đến ở cùng phòng, thử vài lần là có thể giải quyết vấn đề. Chừng như mỗi học kì lại đổi một bạn ở chung, cho đến khi kết thúc học kì, chắc chắn cô đã có thêm một ngoại ngữ, nói không thua kém gì bạn cùng phòng. Rõ ràng, về phương pháp học không có gì đặc biệt, chỉ là phương pháp thông thường mọi người vẫn học. Kì lạ là kết quả. Như vậy, trong mấy năm học cô biết thêm bảy ngôn ngữ nước ngoài, hơn nữa, thứ tiếng nước ngoài nào cô cũng đọc và viết thành thạo. Một hôm, trong sân trường, cô gặp một cô gái tóc màu tro, cô gái này hỏi chuyện gì đó, cô nghe không hiểu, nói với cô gái kia bằng bảy thứ tiếng, nhưng vẫn không hiểu nhau. Thì ra cô gái này vừa từ Miland đến, chỉ biết nói tiếng Ý. Biết vậy, cô mời cô gái kia về ở cùng phòng một học kì. Ngay trong học kì ấy, cô bắt đầu thiết kế cầu toán học Newton.
Cầu toán học Newton là một cảnh quan đẹp của thành phố Cambridge, cầu được ghép bằng bảy nghìn một trăm bảy mươi bảy thanh gỗ lớn bé khác nhau, có mười ngàn hai trăm chín mươi chín chỗ nối, nếu tính mỗi chỗ nối có một cái đinh, vậy ít nhất có mười ngàn hai trăm chín mươỉ chín cái đinh. Nhưng Newton đổ tất cả đinh xuống sông, toàn bộ cây cầu không có một cái đinh nào, đó là sự kì diệu của toán học. Bao nhiêu năm nay, những nhân vật tài giỏi của khoa toán trường Cambridge đều mơ ước tìm lời giải cho bài toán cây cầu, nói một cách khác, làm một cây cầu như cây cầu toán học trên trang giấy. Nhưng chưa một ai làm được. Có rất nhiều người thiết kế ra một cây cầu nhưng phải dùng hàng ngàn cái đinh mới có được hiệu quả như cây cầu kia, chỉ một số ít người giảm được số đinh xuống còn ít nhất dưới một ngàn chiếc đinh. Có một người Băng Đảo nói, anh ta lập được thành tích tốt nhất trong lịch sử là đã giảm số đinh xuống còn năm trăm sáu mươi mốt chiếc. Tiến sĩ toán nổi tiếng Pedro Almo, đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng thẩm định cây cầu toán học Newton đưa ra cam kết, nếu ai có thể giảm được số lượng đinh theo cơ số trên đây, dù chỉ là một cái, sẽ được vinh dự trực tiếp nhận học vị Tiến sĩ toán của Đại học Cambridge. Về sau cô em họ đã nhận học vị tiến sĩ của Đại học Cambridge theo cách đó, vì cô đã thiết kế được cây cầu toán học chỉ dùng ba trăm tám mươi tám cái đinh sắt. Trong lễ phong học vị tiến sĩ, cô đã dùng tiếng Ý để nói lời cảm ơn, nhằm chứng tỏ chỉ trong một thời gian ngắn nhất cô đã nắm vững được thêm một ngôn ngữ.
Đấy là năm thứ năm cô vào Đại học Cambridge, lúc ấy mới hai mươi hai tuổi.
Năm sau, có hai anh em muốn đưa con người lên trời, đến Cambridge gặp cô em, họ có lí tưởng và quyết tâm cao, đưa cô sang Mĩ. Hai năm sau, ở một vùng nông thôn bang Caroline Bắc, con người đã thành công đưa được một cái máy bay lên bầu trời xanh. Trong bụng chiếc máy bay ấy có một tấm biển màu xám, khắc tên những nhân vật chủ yếu và thời gian thiết kế, chế tạo chiếc máy bay này. Trong đó, dòng thứ tư khắc như sau: Người thiết kế cánh máy bay: Dung Bàn tính Lily, người thành phố C, Trung Quốc.
Dung Bàn tính Lily là tên Tây của cô, trong gia phả nhà họ Dung, cô tên là Dung Ấu Anh, là hậu duệ đời thứ tám dòng họ Dung. Còn hai người đưa cô sang Mĩ là người đầu tiên trong lịch sử chế tạo máy bay, anh em Wright.
Máy bay đã đưa tên tuổi của cô lên trời, cô cũng đã đưa tên trường mẹ lên trời. Sau cách mạng Tân Hợi, nhận thấy tổ quốc Trung Hoa có cơ hội chấn hưng, thậm chí cô đã từ bỏ tình yêu đã qua nhiều năm, dứt khoát về nước, nhận chức Chủ nhiệm khoa toán của trường mẹ. Lúc ấy, trường dạy toán Lily đã đổi tên thành trường đại học N. Mùa hè năm 1913, Chủ tịch Hội đồng thẩm định cầu toán học Newton, tiến sĩ Pedro Almo, nhà toán học nổi tiếng, đem theo mô hình cây cầu toán học Newton có ba trăm tám mươi tám cái đinh do Dung Ấu Anh thiết kế, xuất hiện ở Trường đại học N. Điều ấy đã đưa lại cho Đại học N một vinh dự, cũng có thể nói tiến sĩ Pedro Almo là người thứ ba đưa lại tiếng tăm cho Đại học N.
Một ngày tháng Mười năm 1943, quân Nhật đưa ngọn lửa chiến tranh đến khuôn viên Đại học N, mô hình một phần hai trăm năm mươi của cây cầu toán học Newton - báu vật của thế giới - do tiến sĩ Pedro Almo tặng, bị thiêu trong ngọn lửa dã man và ngu xuẩn. Nhưng hai mươi chín năm trước, tức một năm sau ngày tiến sĩ Pedro Almo thăm Đại học N, chủ nhân thiết kế cây cầu đã từ biệt cõi đời, năm ấy mới bốn mươi tuổi.
3
Cô em họ, hoặc Dung Ấu Anh, hoặc Dung bàn tính Lily, hoặc Bàn tính đầu to, chết trên bàn đẻ.
Đã qua bao nhiêu năm, những người tận mắt chứng kiến nàng đẻ, nay cũng không còn, nhưng quá trình sinh nở vô cùng gian khổ giống như một cuộc chiến tranh khủng khiếp, trở thành truyền thuyết cho các thế hệ, truyền thuyết càng ngày càng được tinh luyện và trở nên kinh điển, giống như một câu thành ngữ. Khỏi phải nói, đấy là một lần sinh nở xé tim xé phổi, kêu gào thảm thiết kéo dài suốt hai ngày hai đêm, mùi tanh của máu đặc tràn khắp lối đi của bệnh viện, bay cả ra ngoài phố. Bác sĩ dùng mọi biện pháp tiên tiến của thời bấy giờ và cả những cách ngu xuẩn nhất, nhưng đầu đứa bé đen trũi vẫn lúc ẩn lúc hiện, hành lang trước phòng đẻ những người nhà họ Dung và họ Lâm cha của đứa bé, mỗi lúc một đông, về sau, mỗi lúc một ít đi, chỉ còn lại hai chị hầu gái. Vì những người kiên cường nhất cũng phải sợ hãi sự nguy hiểm sinh sản kéo dài, niềm vui sinh sản bị nỗi sợ hãi của cái chết bao phủ, giữa cái sống và cái chết bị thời gian đau khổ vô tình thay đổi. Cuối cùng thì ông J. Lily cũng xuất hiện nơi hành lang, mà cũng là người cuối cùng rời nơi này, trước khi rời, ông buông một câu:
“Đứa nhỏ này sinh ra không phải là đế vương thì cũng là ma quỷ!”
“Tám chín phần mười không sinh được.” Bác sĩ nói.
“Sinh được.”
“Không sinh được.”
“Anh không hiểu cô ta, cô ta là người không bình thường.”
“Nhưng những người phụ nữ mà tôi hiểu, sinh con ra đều là kì tích.”
“Cô ta vốn là người sáng tạo kì tích.”
Ồng J. Lily nói xong rồi bỏ đi.
Bác sĩ ngăn ông ta lại:
“Đây là bệnh viện, ông phải nghe theo tôi, nếu không sinh được thì thế nào?”
Ông Lily không nói gì. Bác sĩ tiến thêm một bước:
“Người mẹ và đứa bé thì giữ ai?”
Ông Lily nói rất kiên quyết:
“Tất nhiên là giữ người mẹ.”
Nhưng trước một sinh mệnh đang bị đe doạ, lời của ông J. Lily làm sao có thể bảo đảm? Trời sáng, sản phụ lại qua một đêm vật vã giãy giụa, yếu đến mức không còn sức, rơi vào hôn mê. Bác sĩ dùng nước đá làm cho sản phụ tỉnh lại, lại tiêm thuốc kích thích liều cao, chuẩn bị cho cố gắng cuối cùng. Bác sĩ bày tỏ rõ ràng, nếu lần này không được sẽ hi sinh đứa nhỏ để giữ người mẹ. Nhưng kết quả ngược lại ý muốn, bởi sản phụ trong tiếng kêu gào tuyệt vọng cuối cùng, lá gan bị vỡ. Vậy là vào lúc sự sống cửa đứa bé ngàn cân treo sợi tóc, bác sĩ phải mổ để cứu lấy nó.
Đứa bé giành được quyền ra đời bằng việc đánh đổi sinh mệnh của người mẹ, mọi người có thể thấy được sự bí mật ra đời đầy khó khăn của nó. Lúc nó ra đời, tất cả những người có mặt đều kinh ngạc, cái đầu nó còn lớn hơn cả vai. Để so sánh, đầu mẹ nó chỉ có thể rất bé, đầu nhỏ sinh đầu lớn, hơn nữa cái đầu nhỏ năm ấy đã ngoài bốn mươi. Nếu muốn sinh ra một đứa bé có đầu to như vậy, e rằng chỉ có một con đường chết. Có nhiều chuyện ở đời không sao hiểu nổi, một phụ nữ có thể đưa một khối sắt thép nặng hàng mấy tấn lên trời, nhưng lại bó tay trước một khối thịt của chính bản thân.
Đứa bé ra đời, tuy nhà họ Lâm đặt đủ thứ tên cho nó, tên thường gọi, tên khai sinh, tên hiệu, có mấy cái tên kèm chữ Lâm. Nhưng sau đấy mọi người nhận ra, tất cả những cái tên đều vô ích, vì cái đầu to của nó, lại thêm quá trình ra đời đầy khó khăn nguy hiểm, nên tự nó đã có biệt danh: Quỷ đầu to.
Quỷ đầu to!
Quỷ đầu to!
Gọi nó như thế thật sự đã đời.
Quỷ đầu to!
Quỷ đầu to!
Người quen người lạ đều gọi nó như thế.
Trăm người, ngàn người đều gọi nó như thế.
Điều làm mọi người khó tin là, Quỷ đầu to bị mọi người gọi, cuối cùng biến thành quỷ, con quỷ không chuyện ác nào không làm, con quỷ không nơi nào không đến. Nhà họ Lâm ở thành phố này thuộc loại giàu có nhất nhì, tài sản rải kín một con phố dài mười dặm. Nhưng từ ngày có Quỷ đầu to, con phố dài bắt đầu ngắn dần, tài sản cứ hao dần vì phải trả nợ cho quỷ. Nếu không có người đàn bà trăng hoa độc ác mượn dao giết chết Quỷ đầu to, sợ rằng nhà họ Lâm không còn nổi một mảnh đất trú chân. Nghe nói, Quỷ đầu to mười hai tuổi bước ra xã hội, chết năm hai mươi hai tuổi, trong mười năm ít nhất hơn chục lần can án, chơi đến hơn trăm cô gái, số tiền đánh bạc có thể chất cao như núi, rải thành đường. Con người vì nhân loại lập công ngàn thu, được người đời ngợi ca là tài nữ, cuối cùng để lại cho đời một đứa con gây nên biết bao nhiêu tội ác, không sao tưởng tượng nổi.
Quỷ đầu to ra ma ít lâu, nhà họ Lâm vừa được thở phào nhẹ nhõm, lại bị một người đàn bà bí ẩn quấy rối. Người đàn bà này từ một tỉnh khác đến, gặp mặt chủ nhân nhà họ Lâm, không nói năng gì cứ vậy quỳ thụp xuống, ngón tay chỉ vào cái bụng lùm lùm, khóc lóc kêu lên: đây là nòi giống nhà ông! Người nhà họ Lâm nghĩ bụng, số gái Quỷ đầu to chơi khi còn sống phải dùng mấy cái thuyền cũng không chở hết, nhưng cũng chưa thấy chị nào vác cái bụng đến nhà bắt vạ, hơn nữa, chị này lại là người tỉnh khác, càng đáng ngờ, khiến cả nhà tức lắm. Vậy là, ông chủ đá chị ta ra khỏi cửa. Chị này nghĩ rằng sẽ bị trụy thai, vậy lại hay, không ngờ toàn thân chị đau đớn, chỗ cần đau không thấy ra nước, chị ta đấm mạnh vào đấy mấy cái, nhưng vẫn không việc gì, chị ta tức giận ngồi giữa phố khóc lóc kêu gào. Người xem đứng vòng trong vòng ngoài, có người động lòng trắc ẩn, bảo chị ta đến Trường đại học N để xem có may mắn hơn không, ở đấy có người nhà của Quỷ đầu to. Vậy là chị này tỏ ra đau đớn lảo đảo đến Trường đại học N, quỳ trước mặt ông J. Lily. Suốt đời ông Lily đi tìm chân lí, kiên trì giáo dục con người, nhân tình đạo lí truyền thống và hiện tại đều có, đều đầy đủ, ông giữ người đàn bà này lại, chọn ngày và sai con là Dung Tiểu Lai - mọi người quen gọi là Lily con - lặng lẽ đưa về quê cũ là thị trấn Đồng.
Cơ ngơi nhà họ Dung chiếm đến một nửa thị trấn Đồng, tòa ngang dãy dọc, nhưng tường bong sơn tróc tỏ ra là một gia đình trên bước đường suy vi, chứng tỏ đang biến đổi theo thời gian. Với một ý nghĩa nào đó, kể từ ngày ông J. Lily mở trường trên tỉnh, con cháu nhà họ Dung tiếp tục vào trường học hành, cảnh tượng phồn vinh ở quê cũ nhất định phải suy giảm. Những người ra đi không còn ai về để thừa kế sự nghiệp của cha ông là một nguyên nhân, nguyên nhân khác là thời đại không còn, chính phủ thực hiện quản lí thống nhất nghề muối, coi như ngăn chặn con đường làm giàu của dòng họ Dung. Ngăn chặn thì ngăn chặn. Đấy là thái độ của ông J. Lily chủ soái của đa số người họ Dung, là bộ phận người họ Dung tôn sùng khoa học, đi tìm chân lí, không thích tiền bạc tài sản, không say mê với đời sống bá vương, không quan tâm đến sự hưng vong của tổ nghiệp, sự chìm nổi của dòng họ. Gần mười năm, dòng họ Dung suy vong không giảm, nguyên nhân không nói ra, nhưng sự thật lại được phơi bày ngay trước cửa. Đấy là tấm hoành phi có bốn chữ thếp vàng: Bắc phiệt hữu công. Đằng sau đấy là chuyện thế này: khi quân Bắc phiệt đánh đến thành phố C, ông J. Lily thấy đám học sinh trường mình tràn cả ra phố quyên góp cho quân Bắc phiệt, ông rất cảm động, ngay trong đêm về thị trấn Đồng, bán bến tàu và nửa con phố tổ tiên để lại, mua một thuyền vũ khí tặng quân Bắc phiệt. Sau đấy ông được thưởng tấm hoành phi kia. Bởi vậy, một thời gia đình họ Dung có thêm vinh dự là gia đình yêu nước cứu nước. Nhưng chỉ ít lâu sau, vị tướng quân nổi tiếng của quân Bắc phiệt đã từng múa bút viết tấm hoành phi kia, trở thành tên tội phạm, bị Chính phủ Quốc Dân yết thị bêu tên, không khỏi bao trùm lên tấm hoành phi một màu ảm đạm. Về sau, chính phủ làm hoành phi mới, cũng những chữ ấy, cũng thiếp vàng, có điều thay đổi thư pháp, yêu cầu gia đình họ Dung thay đổi, nhưng bị ông J. Lily từ chối. Từ đấy, dòng họ Dung và chính phủ không hợp nhau, buôn bán cầm chắc suy thoái. Suy thoái thì suy thoái, tấm hoành phi vẫn treo kia, thậm chí ông J. Lily còn nói, ông còn sống ngày nào, không ai được hạ tấm hoành phi xuống.
Suy thoái càng thêm suy thoái.
Vậy là, trong đại gia đình họ Dung trước kia, nam nữ đồng đường, già trẻ cùng nhau, chủ tớ đông đủ, nói cười vui vẻ, nay trở nên vắng bóng người, không còn ồn ào, hơn nữa, bóng người và giọng nói hiện có chỉ là của ông chủ, nữ nhiều, tớ đông hơn chủ, âm dương không điều hoà, rõ ràng đã xảy ra hiện tượng bất thường, âm dương không cân bằng, trời và người không hoà hợp. Người ít đi, nhất là những người thích ồn ào, trong khuôn viên tỏ ra trống trải, chim về làm tổ trên cành cây, nhện dăng mùng trước cửa, lối đi rêu phong cỏ mọc, khúc quanh hun hút, chim nhà đã bay đi, hòn giả sơn biến thành núi thật, vườn hoa biến thành bãi hoang, vườn sau biến thành mê cung. Nếu nói khuôn viên nhà họ Dung được bài trí khéo léo, rất khí thế, là một thiên tản văn đẹp, hình tan nhưng ý không tan, vậy thì ngày nay nó như là một bản thảo sơ sài, chỉ trừ một vài chỗ ngòi bút xuất thần như vốn có, phần lớn còn phải chờ được sửa sang, bởi quá rối rắm. Chắc chắn nơi này sẽ là một chỗ lí tưởng để đem giấu một cô gái hoang không tên, không thân phận.
Nhưng để bác trai và bác gái thu nhận, anh Lily con cũng phải động não suy nghĩ. Khi truyền nhân đời thứ bảy của dòng họ Dung qua đời, chỉ còn lại ông J. Lily nhưng lại ở trên tỉnh. Anh cả và chị dâu hiện tại là những chủ nhân rất xứng đáng của dòng họ Dung tại thị trấn Đồng. Nhưng anh cả tuổi đã cao, bị trúng phong, trở nên mất trí, suốt ngày nằm trên giường bệnh, giống như một cái đồ dùng biết nói, mọi quyền uy từ lâu đã chuyển vào tay bà vợ. Nếu nói cái bụng chị kia là nghiệp chướng do Quỷ đầu to gây nên, vậy hai bác của Lily con thực chất cũng là ông bà của cái nghiệp chướng kia. Nhưng nếu nói rõ ra, khác nào cởi áo cho người xem lưng, chỉ thêm xấu hổ. Nghĩ đến chuyện bác dâu sùng đạo Phật, anh Lily con chừng như trong bụng đã định sẵn. Anh đưa cô gái vào nơi bà bác niệm Phật, trong khói hương nghi ngút cùng với tiếng mõ đều đều, Lily con và bác gái một hỏi một trả lời:
“Cô ấy là ai?”
“Một người con gái không tên.”
“Có gì nói nhanh lên, để tôi còn tụng kinh.”
“Cô ấy mang bầu.”
“Tôi không phải là bà đỡ, đến tìm tôi làm gì?”
“Cô ấy rất sùng đạo Phật, từ nhỏ lớn lên nương nhờ cửa Phật, nay không lấy chồng, năm kia có đến núi Phổ Thiệt triều bái Phật kinh, lúc trở về bỗng có mang, bác có tin không?”
“Tin thì sao?”
“Tin thì nhận nuôi cô ấy.”
“Không tin thì sao?”
“Không tin cũng đừng đuổi cô ấy ra đường."
Bà phải một đêm mất ngủ vì tin hay không tin, Đức Phật chưa giúp gì được bà, cho đến trưa khi Lily con giả vờ đuổi cô gái kia đi, bà mới uể oải nói:
“Giữ lại, A Di Đà Phật!”