Số lần đọc/download: 7775 / 206
Cập nhật: 2016-04-22 16:41:21 +0700
Chương 1 -
T
ôi là người đến đầu tiên trong đám khách được bà chị tôi mời tới ăn bữa cơm cuối năm. Theo chị nói, Tết này chị không ăn Tết, chỉ làm một mâm cơm cúng tối Ba mươi, ngày mồng Một đóng cửa không tiếp khách, ngày mồng Hai xoa mạt chược, ngày mồng Ba ngủ, từ ngày Bốn trở ra mọi sự lại như năm cũ. Cũng chẳng có năm cũ và năm mới, ngày hôm qua và ngày mai, ngày ngày đều giống nhau, người người thì tàn tạ, tiền bạc hiếm hoi dần, tin vui thưa vắng dần, nhưng vẫn cứ phải sống, chẳng có ai chết, họ nội họ ngoại suốt năm năm nay không có một ai chết. Người bảy mươi sắp sang tuổi bảy mốt, người tám mươi sắp sang tuổi tám mốt, như vẫn còn muốn sống thêm cả chục năm nữa, lạ thật, quái quỷ thật, trêu chọc nhau thật.
Tôi nói:
- Nhưng sang ngày mai chị vẫn cứ phải thêm một tuổi, ví như năm nay chị sáu mươi, qua đêm nay tuổi chỉ sẽ là sáu mươi mốt.
Chị Hoàng vội xua tay:
- Không khiến nịnh, nỡm ạ. Năm nay tao sáu tư, sang năm đã là sáu nhăm.
- Đấy nhé, vẫn cứ là "sang năm".
- Ừ, ừ, có ai bảo ngày hôm nay không là ngày cuối cùng của một năm đâu. Nhưng ngày mai là ngày gì? Là ngày đầu tiên của một năm mới à? Với các anh thì phải, nhưng với tôi vẫn là một năm cũ, mãi mãi là một năm cũ, mỗi năm mỗi cũ đi!
Mỗi năm mỗi cũ đi, có lẽ đúng, với chị là đúng. Người chị mập hơn, các thớ thịt trên mặt như lỏng ra, chảy dần xuống. Tóc chưa bạc nhưng thưa nhiều, nhìn rõ cả da đầu. Cũng là cũ rồi, mỗi năm mỗi cũ, tôi thầm nhắc lại rồi bật cười:
- Bữa cơm tất niên gì mà lạ, không có người mới ra, chỉ có những người cũ đi.
- Mày thì sao?
- Cũng đang cũ dần đi.
- Năm mươi ngoài chỉ có cũ đi chứ mới ra thế nào được.
Tôi trách:
- Một lũ người ọp ẹp, cũ kỹ ngồi cạnh nhau, ngắm nhìn nhau để đón hy vọng một năm mới! Cái trò chơi độc ác này chắc là phát minh của riêng chị.
Chị Hoàng nhìn chăm chú những ngón tay mới sơn móng đỏ chót, cười nhạc không nói gì. Bà chủ đã tiều tụy tang thương, mà cái nơi để trú nấp, để vào ra cũng tả tơi, lở lói, tan nát, là phòng chờ của nhà ga, là quán trọ của tỉnh lẻ, chứ không thể là nơi của một gia đình. Từ hai năm nay chỉ có hai vợ chồng già sống với nhau tại số nhà này, còn con trai, con dâu và các cháu nội đã lần lượt ra nước ngoài bằng nhiều đường bí mật khác nhau, phiêu bạt tại nhiều nơi nhưng đều bình an cả. Người ở lại sống để chờ đợi đến lượt mình cũng sẽ ra đi, tất nhiên là phải đi thật đàng hoàng, có giấy xuất cảnh và nhập cảnh, có tiễn và có đón. Nhưng là bao giờ? Là tháng sau? Là năm tới? Cái đó còn tùy ở sự may rủi, ở mệnh trời. Lại mệnh trời! Bà con trong này mười người có đến chín tin ở mệnh trời. Ông đồng bà cốt nở như sâu. Trong các khoản tiền chi hàng tháng có một khoản chi cho việc xem tướng số, "mua hy vọng" người ta bảo thế, không có hy vọng thì sống làm sao? Ông anh tôi là một trường hợp ngoại lệ. Ông là một viên chức gương mẫu, là cái đinh, cái vít của một guồng máy hành chính tinh xảo, là giáo sư trường Quốc gia Hành chánh thời chế độ cũ. Tóm lại, là người chỉ tin ở những gì trong phạm vi hiểu biết và tính toán của chính mình, trong tầm tay với của chính mình. Thậm chí đến sự buồn, vui, mừng, giận cũng có thể tự kiềm chế được. Một gương mặt bất động, một dáng đi lặng lẽ, tiếp chuyện ai thì nghe và nhìn, chỉ nói khi rất cần, tiếp nhận chứ không ban phát, thi hành chứ không bàn luận, cần sự chuẩn xác chứ không cần sự bay bướm, là người rất hiền và rất lành như nhận xét của cả họ, là "type" viên chức hoàn hảo nhất, theo nhận xét của riêng tôi.
- Anh đi đâu nhỉ? - tôi hỏi - Chiều Ba mươi vẫn có người mời xoa à?
- Đi làm đẹp, hớt tóc, cạo râu, đón xuân mới.
Tôi cười ngờ vực:
- Ồ, ông già còn lạc quan nhỉ?
- Cũng buồn rồi, nóng ruột lắm rồi, có bữa chị để ý thấy mặt anh đỏ bừng, hai bàn tay nắm chặt lại nện khe khẽ lên tay ghế. Muốn điên lắm đấy.
- Còn chị?
Chị Hoàng nhìn tôi, mắt nhìn như dại đi:
- Chị hả? Chị đã trải qua các thời kỳ. Bây giờ thì trống rỗng, hoàn toàn trống rỗng. Có thể, chị nói là có thể lát nữa, trước đông đủ mọi người chị sẽ nói rõ cái ý định sắp tới của chị.
Tôi vẫn cười cợt:
- Chị có thể cho em biết trước được không?
Chị vẫn nhìn tôi chằm chặp:
- Không, không thể cho biết trước được. Tối nay đối với anh chị sẽ là một tối không bình thường.
Chuyện gì thế nhỉ? Chuyện gì có vẻ nghiêm trọng đến thế nhỉ? Nhưng phải đợi lát nữa. Những ai sẽ có mặt tại nhà này trong lát nữa?
o O o
Người khách đến sau tôi là anh Quý, xuất thân luật sư, sau làm viên chức của Bộ ngoại giao các chính quyền của chế độ cũ. Một nhà ngoại giao cũng có tên tuổi, nghe người ta bảo thế, bạn thân của cả hai anh chị tôi từ vài chục năm nay và hiện giờ là khách xoa mạt chược những ngày chẵn của gia đình. Thoạt làm quen tôi không ưa anh lắm. Anh cười đùa như một kẻ vô tâm, tránh né mọi sự bình phẩm và hoàn toàn không có ý kiến gì về thời cuộc. Mỗi lần gặp tôi chỉ trò chuyện với anh qua loa, vì cái ông già lễ phép và lãnh đạm chẳng có gì buộc tôi phải chú ý. Nhưng có một bận nghe anh đọc và bình một đoạn thơ trong "Ly Tao" của Khuất Nguyên, tôi mới nhận ra mình đã hiểu lầm người. Cái ruột trong rất khác với cái vỏ ngoài. Anh cũng có một nỗi niềm, một chí hướng, một nhớ tiếc nào đó. Bữa ấy tôi hết lời tán tụng cái giọng đọc thơ của anh vì không tiện đả động tới cái khác. Nhưng chính anh lại gợi: "Cậu chỉ khen cái giọng thôi à?". Tôi nóng mặt: "à, có cả cái khác nữa chứ, cái bên trong, cái tâm tư của anh!". Anh cười ha hả: "Tôi nhìn vào cậu để đọc đoạn thơ này, cậu phải thế nào tôi mới đọc được hay đến thế chứ?" Bà chị tôi nói dằn dỗi: "Còn tôi chỉ là cái túi thịt trong con mắt các người, có phải không?". Anh vẫn cười: "Thế bà còn muốn gì hơn nào". Họ vẫn ăn nói với nhau chớt nhả, suồng sả như vậy, nhưng chẳng ai giận ai cả, bè bạn với nhau những mấy chục năm mà. Rồi anh khoe cũng có làm nhiều thơ lắm, làm cho mình chứ không dám đọc cho ai nghe. "Cái tâm mình thì thật mà chữ nghĩa sao nó cũ kỹ, khuôn sáo thế. Thì ra, cái sáo của nghề ngoại giao đã thấm nhiễm vào tôi quá lâu rồi", anh tự thú nhận như vậy.
Vừa bước vào nhà, anh Quý đã hỏi:
- Bộ bàn ăn bán rồi, hả?
Chị tôi trả lời thản nhiên:
- Bán rồi, một bộ bàn ăn, một tủ sách, kèm thêm cái quạt trần, một ngàn đồng. Đắt hay rẻ?
- Bán cho ai đấy?
- Cô Hảo! "Em đưa chị một ngàn chị tiêu tạm, còn bao nhiêu chị cho em xin", cán bộ miền Bắc ăn nói đến thế là khéo.
Anh Quý cười nhẹ:
- Mình đã dùng nhiều rồi, nay lại đến lượt người khác. Lọt chị xuống em, mất đi đâu. Một ngàn tiêu được mấy ngày?
- Một tuần!
- A, hai ông bà già tiêu một ngàn một tuần, cũng đã là dè sẻn lắm.
Chị Hoàng phì cười:
- Nỡm ạ, hai ông bà già nhưng còn cả một đống đầy tớ. Dẫu ngày mai có xách bị đi ăn xin thì hôm nay vẫn phải có đầy tớ. Nói thế thôi, mệnh tôi có Song Lộc thì hết tiền sao được. Hôm nay hết ngày mai lập tức lại có.
Anh Quý nheo mắt hỏi ỡm ờ:
- Tức là vẫn hy vọng sẽ còn có thay đổi?
- Cái gì thay đổi?
- Cái tình hình chính trị ấy, nếu thay đổi lập tức chị em bà lại có rất nhiều tiền.
- Còn anh?
- Tôi, hả? Tôi đứng ngoài mọi thay đổi. Thời ngụy tôi là anh thân Cộng, không đủ để tin, thời Cộng sản tôi là một viên chức được ưu đãi của chính quyền ngụy cũng rất đáng ngờ. Chẳng phe nào chịu nhận mình là người của họ cả.
Chị Hoàng vung tay hét to:
- Vứt mẹ nó chuyện chính trị đi! Từ năm năm nay cái nhà này không bàn chuyện chính trị. Thiếu gì chuyện để nói cứ phải nói chuyện chính trị.
Rồi chị kể lể:
- Mấy bữa trước, cậu công an phường này chạy sồng sộc vào hỏi tôi: "Chiều nào ở đây cũng tụ tập đánh bài à?". Tôi trả lời: "Không phải mọi chiều mà chỉ có chiều ngày chẵn thôi!". Lại hỏi: "Có đánh ăn tiền không". "Có chứ, đánh suông thì chán chết, nhưng ít ít thôi, thua được cũng chỉ chục bạc trở lại, còn tiền đâu mà đánh nhiều". Nó vẫn nói lằng nhằng: "Tại sao các ông các bà cứ phải giải trí bằng cờ bạc nhỉ?". Tôi nổi xung lên: "Nếu không cho giải trí bằng đánh bạc thì bọn tôi biết làm gì cho qua ngày? Hay là biểu tình chống chính phủ? Bọn này mà ngồi không thì chỉ có nghĩ cách chống lại các cậu thôi. Cho chúng tôi đánh bạc còn tốt hơn để chúng tôi làm chính trị".
Người khác không dám nói chứ bà chị tôi có thể nói trắng như thế thật. Ăn nói rất sỗ, rất thô mà nghe được, ấy là cái tài riêng, cái duyên lạ của chị từ ngày còn trẻ. Anh Quý làm ra vẻ sửng sốt:
- Ăn nói bố láo thế mà họ không còng tay nhốt khám kể cũng hi hữu thật!
- Cậu này nó biết đùa, cũng là người có học nên nó chỉ bảo: "Bà phải giữ lời nhá, nếu làm khác đi là tôi sẽ bắt cả đám". Mình nói ngay: "Cậu đưa giấy bút đây, tôi viết hẳn tờ cam đoan cho cậu yên tâm".
Rồi chị cười ngặt nghẽo, hồn nhiêu như đứa trẻ. Cái mà người ta có thể làm ngơ được, "chịu được" là do chị biết nhân nhượng đúng lúc chăng? Nhân câu chuyện buồn cười về cờ bạc, chị kể tiếp một chuyện buồn cười khác cũng về cờ bạc:
- Thứ bảy tuần trước, bọn này lên xoa tại nhà cô Hảo, bài của mình các phu lên đẹp quá, chị hạ xuống là ù, còn ông Chương thì sỉu sường cống (1). Anh chàng ngồi ngẩn ra một lúc rồi gạ: "Ván này coi như hòa". Mình nhìn vào tận mặt hỏi: "Năm năm nay cậu chỉ nằm với nghĩ mà vẫn chưa phá được cái ngu à?". Nó hỏi lại: "Chỉ bảo phá cái gì ngu?". Tôi mới hét lên: "Khi tôi đã thắng cả trăm phần, cậu sắp thua cả trăm phần, mà cậu dám mở mồm: hòa, hòa, ván này hòa, là phải rất ngu mới dám nói thế. Tôi không đến nỗi ngu như cậu để gật đầu cho cậu hòa, cho cậu hòa hợp dân tộc, cho cậu tham gia chính phủ ba thành phần, cậu đã hiểu chưa?". Làm chính trị mà ngu như chó, trên một bộ răng, dưới một bộ giái, còn cái cứt khô gì mà buộc người ta phải hạ mã cầu hòa.
Anh Quý vừa cười, vừa hét to:
- Vứt mẹ nó chuyện chính trị đi! Từ năm năm nay tôi không có dự bàn các việc chính trị.
Chị Hoàng nghiêng người, đấm khẽ lên vai ông bạn:
- Nỡm ạ! Tôi chỉ thích bàn chuyện chính trị với riêng thằng Chương thôi. Phải làm cho nó thật nhục nhã, thật chán chường rồi mới hóa nó sang kiếp khác được.
Anh Quý rút tẩu thuốc, cái cách anh nhồi thuốc, mồi lửa, gõ tàn và ngậm lệch cần tẩu khi nghe người khác nói chuyện vừa đẹp mắt, vừa lợi hại, anh có thể né tránh rất tự nhiên, rất lịch sự nhiều câu trả lời bằng cái tẩu ngoại giao của anh.
- Bà còn cay cú cái chuyện năm nọ lắm nhỉ? Cái chuyện quyền lực ấy mà?
- À, à, chính trị của thiên hạ thì tôi mặc xác, tôi chỉ quan tâm có cái quyền lực thôi.
Anh Quý cười xòa:
- Với số rất ít chính trị là quyền lực, với số rất đông chính trị là thái độ. Không bị hút vào đầu này ắt bị hút vào đầu kia, làm sao có thể đứng giữa?
Chị Hoàng trỏ tay vào mình, hỏi:
- Như tôi hiện nay thì bị hút vào đầu nào?
Anh Quý mồi lửa vào tẩu một lúc lâu rồi mới thủng thẳng trả lời:
- Mất hy vọng vào quyền lực thì còn lại cái thái độ. Vẫn cứ là chính trị. Cả mấy năm nay bà vẫn làm chính trị, bằng thái độ chứ không bằng âm mưu giành quyền lực.
Chị Hoàng nhìn cả hai chúng tôi, cái nhìn lại như hơi dại đi một chút:
- Có lý, có lý lắm. Nhưng lát nữa tôi sẽ bảo thẳng với mọi người, có thể nói đủ mọi chuyện trừ chuyện chính trị. Tống cổ nhà chính trị ra khỏi số nhà này.
Anh Quý nói nghiêm trang:
- Lát nữa tôi sợ rằng mỗi chúng ta đều phải bày tỏ cái thái độ chính trị hiện nay của mình. ở đâu có hai người, ở đó có một nhà chính trị, Chúa đã bảo thế. Này, bữa ăn tất niên tối nay có những ai đấy?
Cái túi thịt trên mặt chị Hoàng đột nhiên lỏng ra, cái nhìn xa xôi, trống rỗng. Chị ngồi ngây ngô một lúc lâu rồi nói nhỏ, giọng khàn ướt:
- Không một ai có thể sống nổi với cái tâm trạng bị dồn đuổi, bị thua mãi. Tôi đã quyết định đứng hẳn lại, đứng nguyên một chỗ, đứng không xê dịch.
Quyết định gì? Chỗ đứng nào? Khi nãy chị đã nói với tôi một lần, bây giờ nhắc lại nữa, mà nghiêm trang quá, bí hiểm quá. Chính khách bàn vuông, nói cho rõ hơn, chính khách quanh bàn mạt chược, lại có được một dự tính cho nghiêm trang, cho bí hiểm kể cũng buồn cười. Nhưng ông bạn thân của bà chị tôi lại có vẻ không muốn cười, dầu rằng anh rất nhạy bén cái khía cạnh hài hước của thế sự. Anh nín lặng một cách căng thẳng, khẽ ngọ nguậy thân người trong lòng cái ghế bành nệm lót đã rách tả tơi. Rồi anh thở dài rất khẽ, hừm hè trong cổ họng rất khẽ. Bà chị tôi chợt ngồi thẳng lên, hai gò má thoáng ửng đỏ, mắt long lanh như người nhập đồng, giơ một ngón tay chỉ vào tận mặt chúng tôi, thách thức:
- Lần này tôi có thể nói quả quyết: chắc chắn là tôi thắng! Tôi không cần một ai ủng hộ vẫn cứ thắng!
o O o
Có tiếng người gọi lanh lảnh bên ngoài cổng sắt: "Bơ ơi! Bơ mở cửa cho em!". Cánh cửa vừa rít lên, tiếng người đã ồn ào: "Dạ, có hai vợ chồng em đến thôi để chị khỏi bận. Dạ, chẳng có gì, một chai rượu, sâm-banh của Pháp hẳn hoi, Bơ nhá!". Chị Hảo bước vào phòng khách, mặc áo dài màu xanh nhạt, thêu bông trắng rất to. Ông chồng theo sau mắt kính lấp lánh, tay cầm một chai rượu bọc trong giấy báo. Một cặp vợ chồng rất là "Tết". Chị Hảo chào chúng tôi, rồi nhìn ngược nhìn xuôi, kêu tướng lên: "Tết nhất nhà bà Bò hay nhỉ. Chẳng có hoa lá gì cả. Ôi giời! Mời bà vào thay quần áo giúp cho. Bà bêu xấu chúng tôi đấy à?". Lúc này tôi mới để ý bộ quần áo đang mặc của chị Hoàng. Tiếp khách chiều Ba mươi bằng quần áo ngủ, mà lại vá, hai ống quần hai màu khác nhau, một bên hoa xanh, một bên hoa đỏ nhạt, như quần áo hề. Thật ra, cái kho quần áo vô tận của chị cũng rỗng rồi. Phần thì cho chị em con cháu ở ngoài Bắc vào, mỗi người chọn xin một bộ, phần bị lấy cắp, quần áo ngâm trong chậu giặt mà còn mất, xem ra cái giống trộm tinh khôn ấy phải là trộm ở trong nhà. Người bị mất không kêu mà cũng chẳng muốn may sắm lại, có một bà bói bài Tây đã bảo chị: "Bà phải mất hết, chỉ còn hai bàn tay trắng mới ra khỏi nhà được". Việc gì chẳng có tiền định, kể cả cái chuyện bị mất cắp. Chị Hoàng lệnh khệnh đứng lên, người cao mập nhưng bàn chân lại nhỏ xíu, đi lập bập như đứa trẻ, một tay vung vẩy, miệng thì la: "Hương đâu! Hoa đâu! Mời các cô lên giúp tôi một chút đây!". Hai cô bé chạy lên, mỗi người xốc một bên nách, dìu bà lão rất hay làm nũng vào buồng trong. Đến cửa buồng chị còn đứng lại, hỏi anh Quý:
- Sang Pháp có thuê được bonne (2) thay quần áo giúp không, toi?
- Nếu bà có thật nhiều tiền thì vẫn thuê được, thuê giờ, thuê ngày, tùy.
- Mình ở lại Việt Nam thôi, nằm ở đây là sướng nhất.
Chị nói thật đấy. Sang Pháp ở với con dâu đầm, chị không thể bắt nó chui đầu vào bếp làm những món ăn Việt Nam với hàng trăm thứ chi tiết rắc rối, lại cũng không thể buộc nó phải ngồi chồm hổm cạnh chị cả ngày để lựa lúc mẹ chồng cần thì đưa một viên thuốc trợ tim, một điếu thuốc lá, một tách nước, một cái tăm hoặc tán chuyện gẫu để mẹ khỏi buồn. Và chắc chắn vợ chồng nó không thể bỏ cả ăn cả làm để ngồi trực trước tay lái đưa mẹ đi xoa mạt chược. Cả thế giới không thể tìm đâu ra một mẫu người ăn bám hoàn toàn như tôi, chị vẫn nói bô bô như thế. Thời nay vua chúa còn tự làm cơm đãi khách và đưa con đi học thì tôi hết muốn sống rồi. Vừa lười, vừa ngu mà vẫn ham được cầm quyền, cái sự vô lý ấy đã tới mức khùng dại. Mà bà chị tôi lại biết tất cả, tự nói về mình như nhận xét của mọi người, nên nói chuyện với chị luôn luôn là sự thích thú. Mỗi ngày chị lại giới thiệu với tôi thêm một thói xấu của chị, bình phẩm về cái thói xấu đó, xem nó như cái duyên riêng của mình, bỏ nó đi, giống như mọi người thì chẳng còn ai muốn yêu chị nữa. Một mẫu người lạ lùng nhất tôi chưa từng được gặp. Còn cô em ruột của chị, chị Hảo, lại là một mẫu người khác, tầm thường hơn, với những cái xấu cái tốt giống như nhiều người. Năm 75, tôi gặp anh chị Hảo lần đầu ở Hà Nội, vì được gặp lại bố và mẹ già tại Sài Gòn vừa được giải phóng sau ba chục năm xa cách tôi mới được biết ngay ở Hà Nội cũng có nhiều người thân. Năm ấy, chị Hảo mặc quần lụa thâm ống hẹp gấu nhỏ, áo cánh, bàn tay đen đủi, gầy guộc, mười năm theo chồng đi kháng chiến, hai chục năm nuôi con trông cháu, làm chủ một gia đình quá đông đảo, phải dè sẻn từng thìa mỡ, từng tấc vải, chị là một trong những bà mẹ phi thường của Tổ quốc Việt Nam. Anh chị vào sống tại Sài Gòn ngay cuối năm 75 để cho có chị có em, như chị nói, và cũng để hưởng thêm chút ít phú quý còn lại như chị thầm mong. Buổi đầu hai chị em gặp nhau, nghe kể lại cứ ngỡ là chuyện bịa. Bà chị giương mắt nhìn cô em một lúc rồi kêu lên: "Cô Hảo hả? Vợ cán bộ cao cấp gì mà ăn mặc như con vú già!". Cô em ôm lấy chị, òa khóc: "May nhờ có cách mạng chúng em lại được gặp anh chị". Bà chị nói khinh khỉnh: "Tôi chẳng mong gặp lại cô chú một tí nào. Gặp lại cô là cái vận tôi ăn mày rồi". Chị nói thật, cô em từ Việt Bắc về Hà Nội, chị chạy tuốt vào Nam, nay cô em cũng theo chân vào Nam, thì chị chạy đâu bây giờ? Ngay ngày hôm ấy chị Hoàng bắt em phải làm đầu lại, may sắm quần áo lại, rồi sửa cách ăn nói, cách đi đứng cho nó phù hợp. Giữa năm 76, tôi có công việc phải vào thành phố Hồ Chí Minh, đến thăm anh chị Hảo tại nhà riêng ở đường Hồng Thập Tự. Tôi bấm chuông, một ông già ra mở cổng: "Thưa, ông cần hỏi ai ạ?" - "Tôi là em bà Hảo, bà có nhà không cụ?" - "Xin mời ông vào chơi phòng khách, tôi xin lên báo!". Vừa lúc ấy có tiếng gọi lanh lảnh từ trên cao: "Việt! Việt! Em vào hôm nào đấy? Chờ chị một chút nhá!". Tôi ngẩng mặt lên, bà chị tôi trong bộ đồ ngủ màu đỏ chói, đang vẫy tay cười hỏi với tôi. Phòng khách rất sang, có cả thảm lót và bình hoa tươi trên bàn. Thời này phòng khách có thảm trải, có hoa cắm là hiếm lắm, rất hiếm. Ngồi trong cái ghế bành thật sâu, thật êm, hớp một ngụm nước trà thật thơm, thật nóng, chà chà, cái mùi vị phú quý quả là hết sức quyến rũ. Chờ năm phút, mười phút, ngồi đã tê đít mới nghe tiếng dép lẹp xẹp từ thang lầu bước xuống, và bà chị tôi xuất hiện ở khuôn cửa yểu điệu, rực rỡ, khác lạ như một bà quý phái Sài Gòn chính hiệu. Chị mặc cái quần đen thẳng nếp ống rộng, áo cộc cắt theo lối Tàu bằng gấm xanh, điểm chút hoa trắng, tóc uốn thật cao, môi má đánh thật đỏ, cả móng tay cũng sơn đỏ. Và mập ra rất nhiều, tươi lên rất nhiều, duyên dáng cũng thêm nhiều. Trẻ hẳn ra, như người mới bốn chục tuổi. "Chị sắp đi đâu mà ăn mặc sang trọng thế?". Chị ngạc nhiên: "Để tiếp cậu chứ còn đi đâu?". Từ lúc ấy chỉ có chị nói, nói ào ào, bao nhiêu cái vui, cái sướng, cái khéo léo, cái khôn ngoan, cả cái cách mạng, cái kháng chiến nữa chưa có dịp nào để nói, nay gặp được thằng em biết nghe và cũng biết tán tụng đúng lúc nên chị nói bằng hết, nói thật thỏa thuê. Tôi nghiêng đầu ngồi nghe, mắt nhìn chăm chú những tấm hoa trắng điểm trên áo, cái bàn tay vẫn còn gầy, còn đen nhưng móng lại sơn đỏ.
- Chị bảo thật cậu: chớ có đưa gia đình vào đây mà khổ. Tiêu pha tốn kém gấp năm, gấp mười ngoài kia, cậu ạ. Ngoài kia có đi đâu chị vẫn đi bộ, đây đó chỉ một đoạn đường có là mấy, trong này một bước là xe, một cuốc xe là bốn năm đồng, một ngày chị tiêu cả chục bạc. Rồi khách khứa, rồi họ hàng, mỗi bữa cơm mời có tiết kiệm cũng phải cả mươi tờ đỏ. Cậu tính, anh là cán bộ cao cấp, mình ăn ở lùi xùi quá sao tiện. Trưa nay em ở lại ăn cơm với anh chị nhá, anh lên Thành ủy có chút việc chỉ lát nữa là về, tài xết đánh xe tận nhà đón, các ông lãnh đạo ở đây quý anh lắm, có được một ông làm luật cách mạng như anh là hiếm chứ. Thì anh hưu rồi, nhưng nào có được nghỉ, họp cả chủ nhật, cả tối, như năm còn đi làm, cái gì Trung ương Mặt trận hả cậu? Đấy, anh làm ở đấy, rồi cả Hội Trí thức, rồi Hội Luật gia ngoài Hà Nội, năm ngoái đi Thụy Sĩ họp, năm nay không khéo được đi Pháp. Có đi Pháp chị mới cho đi, hồi trước anh sống ở Pháp mãi, cả chục năm, về nước mới lấy chị, cái ngày anh ngồi ở huyện Kim Động chị mới có mười bảy tuổi, buồn cười chết được cậu ạ, bà lớn trẻ con, dân đến chúc Tết sợ quá đến muốn vãi đái... Hay là em ở hẳn đây với anh chị, chị mới mướn được một chị đầu bếp đến là khéo, mời khách sang ăn cơm nhà mình nấu nướng nhộm nhoạm họ cũng cười. Sướng được ngày nào cứ sướng, tội gì. à, chị mặc cái áo này có lòe loẹt lắm không? Nhã nhất đấy, hàng gấm mặc mùa này vừa nhã vừa sang. Vừa vặn quá, cậu nhỉ, mập hơn ngoài kia nhiều, phải không cậu? Lên được sáu cân, ai cũng bảo chị trẻ ra như người bốn mươi, nói chết cười, họ cứ trêu ông thì già quá, bà thì trẻ quá.
Dầu là thế tôi vẫn rất mến chị, chị khoe khoang cái đầy đủ, cái giàu sang hết sức thành thật, tự nhiên và muốn chia sẻ với mọi người cái vui, cái sướng của gia đình chị. Giữa những người đang sầu não vì lại một cái Tết nữa đã đến, thì chị mặc quần áo thật đẹp, hớn hở đón xuân sang và lấy làm lạ tại sao người khác lại không vui như chị, không tràn đầy hy vọng như chị. Chị khoe với cả nhà năm tới anh Hảo có những hai Thiên Mã, chị thì có Song Lộc. Anh nhất định là đi Pháp rồi, còn chị vẫn chưa rõ tiền của sẽ ùa vào nhà bằng cách nào đây.
Anh Quý ngậm lệch tẩu một bên miệng, mắt nheo lại như cười:
- Bà vào đây học được cách tiêu tiền mà lại không học lấy cách làm tiền à? Nguy tai!
- Vợ chồng chúng tôi là cán bộ, chỉ biết tháng tháng lĩnh lương của nhà nước thôi.
- Chỉ với tiền lương của nhà nước mà mua được phấn sáp, sửa được móng tay, lại chiều chiều ngồi xoa mạt chược, thế thì hơn đứt chế độ ngụy rồi.
Ông chồng phải vồng vàng gỡ bí cho vợ:
- Toàn của đi xin cả, chứ với số lương hưu ăn còn chẳng đủ nói gì may sắm.
Bà vợ lườm nhẹ chồng:
- Một tháng tiêu cả ngàn bạc, ông xin của ai được nhiều thế?
Anh Hảo vẫn nói toang toang:
- Xin của chị bà, của em tôi, của những người ở nước ngoài. Không xin thì đào đâu ra?
Chị Hảo có vẻ ngượng nhưng chị không thể ngồi nguyên một chỗ mà không nói, nên lại quay sang hỏi chuyện tôi:
- Chị Đại có biếu vợ chồng cậu bánh Tết không?
- Ngon không, chị?
- Con Thảo mang xuống cho hai cặp, bóc một chiếc cả nhà ăn thử, ôi giời, toàn gạo là gạo, có soi kính lúp cũng tìm ra nhân, mà gói chắc tay quá, cứ như cơm nắm. Chị nói thật, cái thứ bánh ấy có cho đầy tớ nó cũng không thèm ăn.
Tôi vẫn cười:
- Vậy hả? Cái thứ bánh ấy là của nhà em gói đấy!
- Sao lại nhà cậu?
- Gói chung mà, gói bánh bằng tiền lương làm sao được thật ngon?
- Ít tiền thì gói ít vẫn cứ ngon.
- Nhà em đang cần đủ chứ chưa cần phải ngon.
Anh Hảo đã nổi cáu thật sự. Anh đập khe khẽ lên tay ghế:
- Cái bà này có cái tính rởm đến là hay khoe. Lúc nghèo thì khoe để người ta khỏi khinh mình. Lúc đủ cũng khoe để người ta phải thèm mình. Năm mới vào, đến chơi nhà cô em, người ta đang rầu rĩ như có đám, con trai lớn đi cải tạo, con trai nhỏ ngồi tù, con dâu thất nghiệp dắt một bầy cháu đến ăn vạ nhà bà nội, mà vẫn ngồi khoe được. Nào thằng cả nhà tôi đang đi tham quan Liên Xô, con dâu thứ đang nghiên cứu ở Đông Đức, thằng út thì vừa đi bộ đội về nay sắp ấy vợ. Lại thêm ông chồng cũng sang lắm, cũng to lắm, mỗi năm được đi chơi một nước, rồi những gì nữa, bà nhỉ? Ngồi nghe ngượng chín cả mặt mà người nói vẫn không biết ngượng.
Chị Hảo trả lời ông chồng hết sức ngạc nhiên:
- Việc gì mà tôi ngượng. Tôi bỏ nhà cao cửa rộng, theo chồng đi kháng chiến, nằm hầm rúc bụi cả mấy chục năm thì chồng con tôi mới thành ông kia bà nọ, tôi mới được sung sướng thì tôi phải khoe cái sung sướng của tôi. Họ theo Mỹ, đầy đủ chán rồi, rởm mãi rồi, nay họ có phải khổ cũng là sự công bằng. Tôi có ngửa tay xin ai cái sung sướng ấy, cái vinh dự ấy mà tôi phải ngượng!
Ô, chị nói phải quá, đúng quá, giận chị thế nào được, trách chị thế nào được. Các nhà tri thức quá tinh tế, quá nhạy cảm thường hay quên lý sự của các bà vợ, cái lý sự dung tục và trần gian nhưng chính nó lại đang điều hành các mối quan hệ đến từng giờ.
o O o
Anh Đại đến có một mình. Anh lệnh khệnh chống can bước vào, mặc âu phục đen, thắt nơ, tóc bạc, lông mày bạc, như một ông già quý tộc của cái thời đã xa xưa lắm. Anh lại gần bà chủ nhà vừa từ phòng trang điểm bước ra, cầm tay chị, nghiêng đầu hôn nhẹ một cái, rồi mới dựng can vào một cái ghế, nặng nề ngồi xuống. Vẫn là một ông già rất galant, hào hoa phong nhã nhất họ.
Chị Hoàng hất hàm hỏi:
- Tôi đến một mình à? Mụ vợ đâu?
Anh đáp lại lúng túng:
- À, à, kêu đau lưng cả tuần nay. Bà ấy dạo này yếu tợn, yếu hơn tôi nhiều.
Chị Hoàng cười tủm tỉm:
- Mụ ấy đã thề là không muốn giáp mặt với tôi mà. Người ta sợ dân Ba mươi tháng Tư là phải. Bọn nouveaux convertis (3) là bọn cuồng tín nhất.
Anh Quý hỏi:
- Bà lại mở cửa rước "hắn" vào rồi à?
- Hắn nào? Rước ai?
- Nhà chính trị ấy!
Chị Hoàng phì cười:
- Nỡm ạ! Lần này thì tống khứ hắn, không nhắc tới nó nữa. Lúc nãy anh Đại phải trả mấy đồng bạc xe? Chở một thành hai, chắc họ phải đòi đến chục bạc.
- Mình đi bộ, đã đi đâu mình chỉ thích cuốc bộ, không tốn tiền mà khỏe người.
Chị Hảo vỗ tay, kêu một cách yểu điệu:
- Lạy cụ, cụ đã tám mươi mà còn đi bộ được thì bọn con phục quá!
Anh Đại giương cặp mắt đã hơi đục trắng, ra vẻ ngơ ngác:
- Ai bảo với cô tôi đã tám chục? Tôi còn nhớ cái năm được nghe Cụ Nguyễn ái Quốc diễn thuyết tại tòa thị sảnh tỉnh Tours là năm min-nớp-xăng-vanh (1920), tôi mới mười chín tuổi, đang học thi tú tài ở trường trung học Descartes. Năm nay là bao nhiêu?
Anh Hảo đáp:
- Thưa bác, một ngàn chín trăm tám mươi.
Anh Đại vẫn tính toán rất thật thà:
- Tức là năm nay mình mới có bảy mươi chín. Mình kém Cụ Hồ mười một tuổi mà. Sao các cô lại nói vu cho tôi là đã tám mươi?
Cả nhà cười lăn ra. Chị Hoàng hét lên:
- Ông tuổi Sửu, sang ngày mai chẳng tám mươi còn bao nhiêu? Rút tuổi để lấy vợ bé, hả?
Anh Đại đưa tay xoa đầu, nói bẽn lẽn:
- à, chẳng là mình sợ chết quá. Mình đang còn rất khỏe, lại vô bệnh tật mà bảo chỉ vì quá nhiều tuổi nên phải chết thì thật vô lý. Người ta có thể sống được chẵn trăm kia mà!
Rồi anh đột ngột quay sang hỏi tôi:
- Năm Cụ Hồ dự hội nghị ở Tours thì cậu Việt ở đâu?
Chị Hoàng cười giàn giụa cả nước mắt:
- Thằng Việt ở đâu ư? Nó ở trong bụng mẹ nó chứ còn ở đâu?
Anh Đại nhìn tôi ngờ vực:
- Năm ấy cậu chưa đẻ, hả? Nhưng có quen Hoàng Đình Dong chứ, cùng tù Sơn La với tôi một năm mà. Bây giờ hắn làm gì, bộ trưởng hả?
Mấy năm trở lại đây anh Đại có già nhiều. Ăn vẫn khỏe, ngủ vẫn say, đi lại bình thường, nhưng đầu óc không còn minh mẫn như lần tôi mới gặp cách đây đã năm năm. Đôi lúc anh hỏi tôi người này với người nọ, thực ra họ đã chết từ lâu rồi, hoặc bình phẩm có tính cách thời sự một việc đã xảy ra từ những năm đầu thế kỷ. Dầu là vậy, anh vẫn là người nói chuyện rất có duyên, cư xử với mọi người nhã nhặn và tinh tế, biết tìm những lời lẽ thông minh nhất để an ủi mọi nỗi bất hạnh ở đời. Có lần tôi cùng với anh Đại tới thăm một ông anh khác tên là Đặng Tư Tề. Tôi tò mò hỏi: "Thưa anh, tại sao các cụ ngày xưa lại đặt tên anh là Tư Tề?". Anh Tề bảo: "Đó là một câu rút trong Luận ngữ Kiến hiền tư tề - Kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh, nghĩa là: Thấy người hiền nghĩ sao cho bằng người ta. Thấy người xấu tự xét lấy mình". à, thì ra thời xưa đặt cái tên người không cốt đẹp, mà cốt cái dụng ý sâu xa. Nhân vậy tôi mới hỏi anh Đại: "Vậy cái tên Đại thì có nghĩa gì? Là mong làm ông to ư?". Anh Đại nháy mắt với anh Tề, rồi cười: "Tưởng là thế mà hóa ra không phải thế. ý nghĩa của nó cao sâu lắm cậu ơi! Đại là to, là to lắm chứ gì? Nhưng chỉ nên như vậy thôi, không nên quá tham. Tham một chút là hỏng. Năm 1925, anh Đại tốt nghiệp kỹ sư hóa tại trường Đại học Wiesbaden bên Đức, hy vọng được đem cái tài học của mình phụng sự cho nền công nghệ của nước nhà. Nhưng ở nước nhà người Pháp lại chỉ quan tâm có sự củng cố bộ máy chính trị, cần người làm luật với người làm thuốc, chứ chưa cần người làm hóa học và văn chương. Có bằng nước ngoài không dễ tìm việc, nhưng chắc chắn là được làm rể các cụ lớn. Các cụ lớn rất thích những chàng rể tân học để bày biện trong nhà, cái của hiếm ấy chẳng những sang mà còn hợp thời đáo để. Bằng thì treo trong khung kính, người mỗi ngày một phì nộn, mỗi năm đẻ thêm một đứa con, ăn ở như người Âu Tây, nói năng như người ái quốc, muốn làm cách mạng lắm chỉ hiềm dân trí còn quá kém cỏi nên đành phải chờ. Trong khi chờ không khỏi vẫn phải sống trong cái không khí trưởng giả cũ. Thành thử vẫn có cái để ăn, lại vẫn có cái để nhớ, để tiếc, thân trong vòng nô lệ, chí vẫn bay lượn ngoài cõi tự do. Dân chúng thì mất tất cả, nhưng các nhà trí thức - con rể các cụ lớn hình lại được tất cả! Ông anh tôi không đến nỗi bị động như thế, anh ngấm ngầm ủng hộ tiền bạc cho các tổ chức cách mạng trong nước, không phân biệt xu hướng chính trị của họ. Rồi anh bị bắt, đi tù Sơn La một năm, nằm cùng khám với những người cộng sản, sau bị đưa đi an trí tại Mã Đảo với những người bất mãn chế độ cai trị của Pháp vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có ông hộ pháp Phạm Công Tắc, giáo chủ đạo Cao Đài Tây Ninh. Năm 1947, Pháp đưa anh Đại về quản thúc tại Sài Gòn, ở nhà ổ chuột, mở lớp dạy tiếng Pháp và tiếng Anh nuôi vợ con. Ông hộ pháp đạo Cao Đài mời anh ra hoạt động chính trị vì người Pháp đã thức thời, muốn có một nước Việt Nam độc lập trong khối Liên hiệp Pháp. Anh từ chối, viết thư trả lời vị "giáo chủ yêu nước" bằng một câu của cụ Khổng: Đức bạc nhi vị tôn, trí tiểu nhi vi đại, lực tiểu nhi nhiệm trọng, tiển bất cập hĩ. (Đức mỏng mà ngôi cao, trí nhỏ mà to lớn, sức yếu và gánh nặng thì ít khi thành công vậy). Nhưng với bạn bè thì anh nói thật: "Cụ Tắc có lòng yêu muốn thêm cho tôi một chấm trên vai, nhưng tên tôi đã là Đại, thêm một chấm không ra Đại Đại mà lại ra khuyển. Tôi muốn làm thằng Đại chứ không ham thành chó săn nên buộc lòng phải từ chối". Anh Đại thường tự nhận có tật bông lơn từ nhỏ, những lời anh nói vui chớ nên để ý. Ví như có một công tử nọ tuổi còn trẻ mà đỗ cao muốn cầu thân với gia đình, khi nói chuyện với "ông bố vợ có thể" đã phạm sai lầm là nói chữ nhiều quá. Ông già hủ lậu ngồi nghe kiên nhẫn cả giờ, rồi mới hỏi lại: "Các cụ xưa bảo có ba cách học để thành tài: sinh nhi tri tức là đẻ ra đã biết; miễn nhi tri, ráng học để mà biết; khốn nhi tri, chịu gian nan, khốn khó để biết, vậy cậu thuộc loại nào?". Anh chàng ngồi ngẩn ra không sao trả lời nổi, bảo rằng mình thuộc loại sinh ra để biết thì khoác lác quá, còn ráng sức học để biết lại tầm thường quá. Anh Đại liền trả lời thay: "Tôi thuộc loại thứ ba cậu ạ, tôi phải vật lộn với chữ nghĩa mới nhét nổi chúng và đầu, bẩm sinh tôi vốn ngu, học mãi mới sáng ra chút ít". Vì một câu nói đùa mà mất toi một chàng rể, cô cháu tôi cứ hận mãi, cái thằng công tử bột ấy có khoe khoang một tí nhưng có thể tha thứ được, nó hiền lành lại là con nuông một tỉ phú.
Anh Đại nghiêng người hỏi nhỏ cô em họ:
- Bữa cơm tối nay có những ai?
Chị Hoàng nói toang toang:
- Có mấy anh em trong nhà thôi. Cái nhà này cả năm là quán trọ, riêng tối nay chỉ mời mấy người mà tôi rất quý!
Anh Đại làm ra vẻ ngớ ngẩn:
- Tôi vẫn được cô xem là rất quý ư?
Chị Hoàng nhướng cặp lông mày vừa kẻ vẽ thật đen, thật đậm:
- Toi không dám tin à?
- Mình ngờ rằng cô đang cần một anh hề. Mình làm anh hề già cho bà em xem chừng không thạo lắm.
Chị Hoàng giơ một bàn tay có hơi thoa một chút phấn, một bàn tay thật đẹp, khẽ véo má ông anh đã già mà còn lẳng:
- Thì vẫn phò tá nữ hoàng tại các bàn tiệc suốt hai chục năm nay mà còn chửa thạo việc ư?
Anh Đại khẽ nháy mắt, một tay xoa má, miệng tủm tỉm rất hóm:
- Hôm qua mình còn trẻ, hôm nay đã quá già. Người già ngồi bàn tiệc chỉ nhằm có miếng ăn chứ ít nghĩ tới các làm vui vì người khác.
Chị Hoàng ngửa cổ, kêu ảo não:
- Trời ơi, Mình ước gì cái giây phút dịu dàng này ngừng lại mãi. Mọi người đều yêu tôi, tôi cũng yêu quý tất cả mọi người. Chú Hảo, mở sâm-banh đi, không uống lúc này còn lúc nào?
Anh Hảo giơ cao hai tay:
- Chúng ta chỉ có một chai rượu, phải đợi cái phút đầu tiên của một năm mới.
Chị Hoàng giương to mắt, hỏi lại:
- Chú vừa nói cái gì?
- Chúng ta chỉ có một chai rượu, không thể mở vào lúc này được.
Chị Hoàng nín lặng, miệng đã hơi méo đi:
- Ai mà tin được sẽ có ngày những người ngồi đây chỉ có một chai rượu mừng năm mới.
Anh Đại pha trò:
- Cái giây phút dịu dàng đã qua rồi. Lại muốn ghét rất nhiều người rồi.
Không một ai hưởng ứng câu nói đùa của anh Đại. Lẽ ra anh không nên nói câu ấy, quả nhiên anh đã già, nếu anh trẻ hơn, anh sẽ không nói đùa vào lúc này. Con người ta vì nghĩa khí có thể từ bỏ một gia sản, một ước vọng, một lai lịch, để trở thành kẻ vô danh giữa đám đông. Nhưng có một lúc nào đó, không nhiều, thi thoảng thôi, thiếu một chai rượu vốn thích nhất, lại vào cái lúc cần có một chai rượu nhất, cái lúc đấy là cái lúc nên nín lặng, không nên đùa đã đành mà cũng không nên nói, thậm chí cũng không nên nhìn vào mắt nhau nữa, cho nó qua đi, cho nó nhanh chóng qua đi, thông thường nó đã qua đi cũng dễ dàng và tự nhiên lắm. Cái đó gọi là "giây phút nổ bùng". Nhiều quyết định nghiêm trọng và ghê gớm thường lóe lên từ cái giây phút nổ bùng.
Chị Hoàng hỏi tôi:
- Việt hút thuốc gì?
- Thuốc em hút nặng lắm, khét lắm!
- Em châm cho chị xin một hơi.
- Chị không được hút thuốc kia mà.
- Không sao, một vài hơi thôi, cái loại thuốc của cậu chị hút sao được cả điếu.
Tôi châm một điếu Vàm Cỏ, chị hút một hơi, nhăn mặt, che miệng ho sặc sụa nhưng vẫn hút tiếp một hơi nữa, rồi trả lại tôi:
- Rót cho chị một ly nước vối.
Nhà này dẫu đã sống ở miền Nam trên hai chục năm nhưng không ăn cá biển (trừ cá thu), không nấu canh chua cá lóc, không ăn rau diếp cá, không bỏ bột ngọt hay nước cốt dừa vào các món ăn, vẫn gọi quả roi là quả roi chứ không gọi mận, dọc mùng là dọc mùng chứ không bạc hà, cá quả chứ không cá lóc, đỗ lạc chứ không đậu phộng. Và mời khách uống chỉ có hai thứ: hoặc là rượu hoặc là nước vối đã phơi ủ hết sức công phu. Chị nhấp một ngụm nước vối pha đặc, nói với anh Đại:
- Tối cuối năm mời anh đến chơi với em không phải để ăn một bữa cơm ngon. Thực đơn tối nay rất là xoàng, không phải vì muốn làm ra vẻ xoàng, mà vì hết tiền rồi. Lại chỉ có một chai rượu của chú Hảo, chú ấy chỉ muốn mở khi đã sang một năm mới. Bọn ta không thể chờ đến lúc giao thừa để ăn cơm, đói quá chịu sao nổi, mà phải ăn từ vài giờ trước, ăn chay với một chai sâm-banh đặt trên bàn nhưng không một ai có quyền mở. Nói tóm lại, không có ăn ngon, không có cả uống nữa, nếu anh cần một bữa cuối năm như thời xưa, xin mời anh tới nhà khác hoặc về nhà. Nhà anh vẫn ăn ngon hơn nhà em, em biết. Anh chị vẫn làm cách mạng lại vẫn còn có miếng ăn ngon, còn nhà này đã phản cách mạng lại không có gì để ăn cả, thua thiệt đủ đường, tùy anh chọn.
Anh Đại khổ sở thật sự, anh không thể hiểu vì lẽ gì cô em anh vốn quý chiều lại nói năng với anh bỗ bã đến thế. Người ta chỉ nên nói tới miếng ăn một cách vui đùa, chứ không nên nói về nó một cách nghiêm trang. Ngày nào cũng phải ăn, nhưng không nên nhắc tới nó nhiều, nhất là trong cái hoàn cảnh ai ai cũng thiếu thốn.
- Không, không, cô cho gọi chúng tôi đến là chúng tôi đã hết sức vui mừng rồi. Uống một ly nước vối, ngắm nhìn cô, rồi nghe cô nói chuyện là bữa ăn thịnh soạn nhất theo ý tôi.
Chị Hoàng cười nhẹ:
- Cám ơn ông anh. Anh luôn luôn là một thằng đàn ông rất galant. Nếu anh trẻ lại khoảng hai chục tuổi thì tôi có thể yêu anh được, tôi nói thật đấy. Tối nay tôi mời anh tới đây cốt để chứng kiến một chuyện quan trọng.
Anh Đại càng khó hiểu:
- Việc nhà hay việc nước?
Chị Hoàng nói bỡn cợt:
- Việc của gia đình nhưng cũng là việc của "quốc gia".
Anh Đại lần lượt nhìn chúng tôi với cái ý cũng bỡn cợt:
- Có đảo chính à? Phe "quốc gia" mạnh lên từ bao giờ thế?
Chị Hoàng cười nhợt nhạt:
- Làm gì có phe "quốc gia" hả anh? Mấy thằng trốn ra ngoại quốc, mấy thằng đi tù về, mưu độ thân còn chẳng xong nói gì những chuyện cao xa.
Anh Hảo:
- Dẫu họ có mưu lược hơn thế cũng chẳng thể đảo ngược được tình hình. Quần chúng đã đi với cách mạng thì họ còn biết dựa vào ai.
Chị Hoàng nói khinh khỉnh như một chiến sĩ rất từng trải ở chính trường:
- Quần chúng chẳng là cái quái gì cả. Chỉ là vai phụ của một vở diễn, theo quan niệm tư sản của chúng tôi. Cũng có lúc dân chúng nổi lên như một vai chính, nhưng không lâu, chỉ là giây phút đối với toàn bộ vở kịch. Một màn kịch chỉ có đám đông thì buồn lắm, lộn xộn bỏ mẹ, xem sao nổi. Cái đáng chú ý nhất vẫn là cái số phận lâm ly hay hào hùng của mấy vai chính.
Anh Hảo cười nhăn nhó vì cách lý lẽ bát nháo của bà chị:
- Theo ý bà, mấy vai chính của Sài Gòn năm 75 thì thế nào?
Chị Hoàng cười rất to:
- Hiển nhiên là tầm thường quá, đã diễn cương lại còn diễn dở thì thối bằng cứt. Tôi là người được thuê tiền để vỗ tay mà còn phải đánh bài chuồn. May mà họ đã hạ màn sớm.
Anh Quý lặng lẽ nhồi thuốc vào tẩu, dáng điệu chăm chú, thận trọng, nhưng chưa mồi lửa, tần ngần một lúc mới nghiêng mặt hỏi chị Hoàng:
- Ví như có cơ hội mới, liệu "họ" có làm nên trò trống gì hơn không?
- Đã có một cơ hội để họ làm tổng thống, nhưng lời tuyên cáo nhậm chức của ngài tổng thống là kêu gọi quốc dân đầu hàng. Đã có một cơ hội để họ nắm lấy quân đội, nhưng mệnh lệnh đầu tiên cho quân đội là hãy nộp vũ khí cho đối phương. Tại sao lại là mấy thằng khùng ấy nhỉ, chứ không phải là tôi? Nếu là tôi...
Anh Quý duỗi chân, ngửa cổ vào lưng ghế, nói sóng sượt:
- Tuyệt vọng hoàn toàn à?
Chị Hoàng trỏ thẳng tay vào mặt tôi, một bên mép nhếch lên độc ác:
- Từ nay đào kép chính là mấy ông này, vở diễn chính cũng là của mấy ông này. Bọn ta hãy yên lặng đón xem.