Số lần đọc/download: 2098 / 40
Cập nhật: 2016-07-13 10:11:04 +0700
Giới Thiệu
“Đ
ông Dương hấp hối” là cuốn hồi ký của vị Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương - Henri Navarre. Trở về Paris sau khi thất trận ở Điện Biên Phủ, năm 1956, ông đã viết cuốn hồi ký này với mục đích “đơn giản chỉ vì quan tâm đến sự thật”.
Là học sinh trường sĩ quan từ hồi mười chín tuổi, Henri Navarre đã tham gia chiến đấu trên mặt trận Pháp từ tháng 5 năm 1917 đến cuối Đại chiến lần thứ nhất. Ông từng được điều sang Syrie chống lại người Ảrập nổi dậy. Kết thúc một khóa học ở trường Chiến tranh, ông đã tham gia những chiến dịch bình định ở Maroc. Ông bắt đầu phục vụ trong Phòng Nhì năm 1937. Trong thời kỳ Đức chiếm đóng, Navarre tham gia cơ quan tình báo của Kháng chiến. Sau một thời gian chỉ huy một vùng ở Algérie và giữ cương vị tham mưu ở Đức, ông được đưa lên đứng đầu sư đoàn thiết giáp 5 D.B. đóng tại Đức, rồi được đề bạt làm Tham mưu trưởng cho thống chế Juin – Tư lệnh các lực lượng NATO tại Trung Âu. Được lời giới thiệu của thống chế Juin, Thủ tướng René Mayer bổ nhiệm Navarre làm Tổng tư lệnh Quân đội Pháp tại Đông Dương.
Lúc này, về mọi phương diện, ông là một sĩ quan đặc biệt thích hợp để làm tròn nhiệm vụ quân sự của chức Tổng tư lệnh Quân đội Pháp tại Đông Dương.
Vào đầu tháng 5 năm 1953 Navarre đặt chân đến Đông Dương.
Qua một tháng điều tra, nghiên cứu tình hình, ông đã hoàn thành bản kế hoạch tác chiến của mình. Đó chính là “Kế hoạch Navarre”. Trên diễn đàn Quốc hội, ngày 20 tháng 10 năm 1953, Thủ tướng Joseph Laniel hứng khởi tuyên bố: “Kế hoạch Navarre chẳng những được Chính phủ Pháp, mà ngay cả những người bạn Mỹ cũng tán thành. Nó cho phép chúng ta hy vọng đủ mọi điều”.
Tướng bốn sao Henri Navarre nắm vận mệnh Đông Dương trong tay từ ngày 29.5.1953, và chỉ khi đó người ta mới “trông thấy chiến thắng rõ ràng như ánh sáng ở cuối đường hầm” mà “trước đây một năm, không ai tin vào chiến thắng”. Navarre thường được ca ngợi là một vị tướng “có nhãn quan chiến lược”, “đầy tự tin và bất ngờ”, “có cái quyết đoán hạng nhất về quân sự, chính trị”...
Nhưng sự thực như thế nào? Vị Tổng tư lệnh Quân đội Phát tại Đông Dương đã nói gì sau tiếng sấm Điện Biên chấn động địa cầu?
Henri Navarre đã viết đầy đủ trong cuốn hồi ký của mình – “Đông Dương hấp hối”.
Đây là hồi ký của một danh tướng bại trận, được viết theo cách nhìn của cá nhân tác giả, chắc chắn sẽ mang tính chủ quan và không tránh khỏi độ thiếu chính xác.
Nhưng dù nói gì đi nữa và có biện minh như thế nào chăng nữa, thì Điện Biên Phủ vẫn là một dải băng tang trong lịch sử nước Pháp; và Henri Navarre đã phải thừa nhận sự lãnh đạo tài tình và trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng sức mạnh ngàn nam của dân tộc Việt Nam. Đó mới là chân lý cuối cùng!
Nhà xuất bản Công an Nhân dân