Ancient lovers believed a kiss would literally unite their souls, because the spirit was said to be carried in one’s breath.

Eve Glicksman

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngọc Linh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Buusan Nguyen
Số chương: 13 - chưa đầy đủ
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5248 / 28
Cập nhật: 2017-12-28 08:30:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ào giúp việc ở phòng mạch bác sĩ Vũ, trên một năm nay, Liễu đã quen với giờ giấc của bác sĩ. Mỗi sáng, nàng chỉ cần đến trước bác sĩ độ mười phút để đủ thời giờ thay "blouse" và sắp sửa lại các dụng cụ làm việc trên bàn.
Phòng mạch của bác sĩ ở ngay trong biệt thự của ông, bên mặt, nếu đứng ngoài cổng nhìn vào và ăn thông qua nhà riêng bằng một cánh cửa hông. Liễu thường sang nhà bác sĩ lấy nước uống hay nhờ chị giúp việc mua thức ăn bằng cánh cửa đó.
Bác sĩ Vũ, tuy ở sát phòng mạch nhưng không hề có thói quen đi trễ.
Sáng nào cũng vậy, sau khi dùng điểm tâm với con và chờ tài xế đưa bé Dung đến trường mẫu giáo gần đó, Vũ mới thay quần áo qua phòng mạch.
Trăm ngày như một, nếu không có bệnh nhân, bác sĩ xem qua những hình chụp phổi hoặc tim của bệnh nhân, hay xem lại sổ toa thuốc đã cho trong ngày vừa qua.
Không bao giờ Vũ đến trễ.
Liễu không rõ những bác sĩ trẻ, mới tốt nghiệp khác, có tận tụy với nghề như Vũ chăng? Chớ từ khi Vũ ở Pháp về, mở phòng mạch là đã có mặt Liễu, nàng chưa từng nhìn thấy bác sĩ cẩu thả trong công việc.
Có lần bà Mộng Ngọc, vợ bác sĩ, đã nói với Liễu:
- Đã làm việc suốt ngày như vậy ban đêm anh ấy còn đọc sách rất khuya.
Liễu biết tánh ý bác sĩ nên nàng làm việc cần mẫn. Vũ không hề phàn nàn người nữ y tá của mình.
Sáng nay, lúc đến phòng mạch chưa kịp vào thì Liễu đã thấy có người ngồi chờ nơi phòng khách. Đó là một thiếu phụ, trạc 25, 26 tuổi, có vẻ đẹp thùy mị, kín đáo. Thiếu phụ không trang điểm nên nét mặt có hơi xanh.
Theo thói quen Liễu bảo khách:
- Cô lấy số ở trên bàn kia để chút nữa vào cho có thứ tự.
Thiếu phụ nhìn cây ghim những miếng số trên bàn, lắc đầu bảo Liễu:
- Thưa cô! Tôi không xem mạch.
Liễu vụt nhìn thấy đứa bé khoảng 6, 7 tuổi nằm ngủ trên bàn thì nói:
- À! Cô muốn xem mạch cho em cũng phải lấy số nữa!
- Dạ không! Tôi... đến tìm ông Vũ... có phải phòng mạch bác sĩ Vũ ở đây không cô?
Liễu chưa kịp đáp, thì thiếu phụ lật một tờ báo cũ, cầm trên tay xem lại rồi nói:
- Bác sĩ... Trần Lê Vũ... Có phải không cô?
Liễu mau mắn gật đầu:
- Dạ phải... Nhưng cô... không đi thăm bệnh cho cháu ư?
Liễu bước đến rờ trán đứa bé. Thiếu phụ lắc đầu đáp:
- Dạ cháu nó ngủ chớ có bệnh hoạn gì đâu?
- Vậy cô muốn gặp bác sĩ có chuyện gì?
Thiếu phụ ngập ngừng nói:
- Dạ... có chút việc riêng...
Rồi hình như vẫn sợ mình lầm địa chỉ, thiếu phụ hỏi lại:
- Mà... Có đúng là Trần... Lê... Vũ không hả cô?
Liễu cười nói:
- Đúng rồ! Cô đừng ngại. Chắc cô "bà con” với bác sĩ phải không? Sao cô không qua nhà?
Thiếu phụ đáp nhanh:
- Dạ tôi... không "bà con"! Và không biết nhà... Có người đọc báo, rồi chỉ cho tôi biết phòng mạch của... anh Vũ ở đây...
Liêu thoáng ngạc nhiên. Nàng chợt nghe tiếng động ở trong phòng thì biết Vũ đã sang, nên bảo thiếu phụ:
- Cô đợi ở đây, tôi vào cho bác sĩ hay đã.
Liễu xô cửa vào phòng thì thấy Vũ ngồi ở bàn viết và đang xem lại các toa thuốc.
Chàng ngẩng lên nhìn Liễu cười, nói:
- Chào cô!
- Dạ, chào bác sĩ!
- Lâu lắm tôi mới đi sớm hơn cô một lần.
Liễu cười nói:
- Dạ thưa bác sĩ, vì có người hỏi bác sĩ ở bên ngoài.
Vũ đáp:
- Cô cứ cho họ vào! Bệnh nhân mới hay cũ?
- Thưa bác sĩ không phải bệnh nhân!
Vũ ngạc nhiên trước câu trả lời đó. Chàng nhìn Liễu hỏi lại:
- Không phải bệnh nhân? Vậy họ muốn gặp tôi để làm gì? Đàn ông hay đàn bà?
- Dạ một cô! Cô ấy muốn gặp ông có chút chuyện riêng.
- Lạ chưa có việc riêng sao không qua nhà, lại đến phòng mạch?
Liễu lắc đầu nói:
- Dạ tôi không hiểu nữa! Xem chừng là người ở tỉnh mới lên. Cô ấy có vẻ bỡ ngỡ lắm.
Bác sĩ Vũ không còn điềm nhiên được nữa. Chàng xếp cuốn sổ biên toa lại rồi bảo Liễu:
- Cô đưa họ vào đi. Không lẽ bà con của tôi mà lại không biết nhà?
Liễu vâng dạ ra mở cửa. Một bệnh nhân ngồi gần cửa tưởng đã đến giờ xem mạch, bước vào, Liễu vội xin lỗi:
- Xin ông cảm phiền bấc sĩ cần tiếp người quen có chút việc riêng.
Rồi Liễu bưđc đến bên thiếu phụ nói:
- Bác sĩ mời cô vào trong.
Đứa bé, con thiếu phụ đã thức. Đó là đứa bé gái, tóc nó xõa dài xuống vai, trông thật dễ thương. Thấy Liễu nói với thiếu phụ như vậy, đứa bé hỏi:
- Má, đến nơi rồi sao?
Thiếu phụ gật đầu không đáp lời con, gương mặt nàng có vẻ xúc động. Liễu đi trước, thiếu phụ dẫn con theo sau.
Cả ba vừa bước vào phòng thì Liễu khép chặt cửa lại. Vũ ngẩng lên nhìn thiếu phụ rồi nhìn đứa trẻ, có vẻ ngỡ ngàng.
Thiếu phụ run giọng kêu nhỏ:
- Anh Vũ... Anh...
Vũ đứng lặng nhìn thiếu phụ. Đôi mắt đen láy của nàng long lanh như có ngấn lệ, đủ gợi cho Vũ nhớ đến những hình ảnh xa xưa... Một dòng sông nhỏ, những con đường khúc khuỷu quanh co, những chiếc cầu khỉ, những vườn dừa xanh êm mát, tất cả những hình ảnh ấy gợi trong tâm tưởng chàng biết bao kỷ niệm.
Chàng mấp máy đôi môi:
- Hiền... Em Hiền...
Thiếu phụ mỉm cười sung sướng khỉ nghe Vũ gọi đúng tên nàng. Nàng nhìn đứa bé, cất tiếng:
- Lệ!... Con... thưa ba... đi... Đó. Người mà con...
Vũ sửng sốt kêu lên:
- Hiền... Em nói sao?
Liễu từ lúc nãy đến giờ vẫn đứng ở cửa và chứng kiến được cảnh ấy. Nàng cũng bàng hoàng như Vũ khi nghe thiếu phụ bảo con nhìn cha. Trời! Sao có chuyện lạ lùng như vậy được! Đứa bé bước lại gần Vũ, khoanh hai tay lại, cất tiếng:
- Thưa ba...
Liễu nhận thấy điểm này, Lệ rất giống bé Dung, con gái của Vũ, từ dáng điệu, đến giọng nói.
Vũ lấp bấp hỏi thiếu phụ:
- Hiền... nói sao? Đứa bé là...
Thiếu phụ cúi đầu đáp nhỏ:
- Con anh đó...
Tưởng chừng như đồ đạc trong nhà quay cuồng, đảo lộn, Vũ sửng sốt! Con chàng đây ư? Trời ơi! Đâu có thể nào như vậy được. Chàng đứng tựa vào bàn viết định tĩnh lại tâm thần. Vũ sực nhớ đến cô nữ у tá vẫn còn ở trong phòng, nên ngẩng lên bảo nàng:
- Cô Liễu!
- Dạ...
- Phiền cô ra ngoài một chút nghen!
Liễu hiểu ý bác sĩ, vội đáp:
- Dạ, bác sĩ yên tâm! Có cần gì, bác sĩ bấm chuông.
Rồi Liễu mở cửa phòng mạch bước ra ngoài, trong lòng hết sức hoang mang. Trên một năm nay làm việc với Vũ, đây là lần đầu tiên, nàng chứng kiến một chuyện lạ lùng. Nàng xem chừng Vũ cũng bối rối nhiều lắm.
Mấy người khách đang chờ phía ngoài hỏi nàng:
- Cô! Bác sĩ đã rảnh chưa?
Liễu lắc đầu:
- Xin quý ông, bà cảm phiền! Bác sĩ đang bận việc riêng.
Có người hỏi:
- Nhưng bác sĩ có хеm bệnh hôm nay không cô?
- Dạ tôi không rõ được, phiền quý ông, bà chờ một chút.
Liễu bước ra hành lang, đi qua đi lại, vẻ âu lo. Nhưng chi một lúc, nàng lại bật cười với chính mình. Sao mình lại chú tâm đến việc riêng của bác sĩ đến như vậy? Chuyện đó đã có bà Mộng Ngọc lo rồi mà!
Trong khi ấy, bên trong phòng mạch, Vũ chăm chú nhìn đứa bé. Chính chàng cũng nhận thây nó có gương mặt giống Ngọc Dung. Rồi trong phút giây chàng đoán hiểu cả mọi chuyện. Thật là rắc rối! Chàng ngồi xuống nắm lấy hai tay đứa bé, ngập ngừng hỏi:
- Hiền! Con... tên gì?
- Dạ, Lệ... Thanh Lệ!
Vũ vội đứng lên hỏi:
- Làm sao Hiền biết tôi ở đây?
Hiền đáp:
- Cậu Giáo đọc quảng cáo trên báo rồi chỉ chỗ cho em. Mẹ con em không có tiền, phải mượn tiền cậu Giáo tìm anh. Vũ ngạc nhiên nhìn Hiền:
- A! Anh Giáo Hoài... Nhưng còn hai bác bây giờ ra sao?
Hiền rơm rớm nước mắt:
- Má... mất rồi... Ba lại từ em!
Vũ thương cảm lắm. Chàng hỏi Hiền:
- Sao bao lâu nay em không tìm anh? Chúng mình có con với nhau, em cũng không cho anh biết!
Hiền cúi nhln xuống đất:
- Em tưởng anh sẽ trở lại. Em cứ chờ đợi anh như lời anh dặn. Cậu Giáo bảo em là anh đì học xa lắm, tận bên Tây lận...
Vũ xúc động ôm lấy đầu. Thật là bất ngờ! Chàng biết tính sao trưđc tình cảnh khó xử nầy. Chàng ngước nhìn Hiền, đôi mắt đen láy của nàng như gợi chàng nhớ lại những kỷ niệm bảy, tám năm về trước. Nhưng trong giờ phút hiện tại, chàng bối rối quá, không còn đầu óc đâu nhớ tới chuyện xưa... Chàng phải giải quyết thế nào đây? Nếu Mộng Ngọc biết chuyện này không hiểu nàng sẽ khổ tâm đến mức nào?
Vũ khẽ hỏi Hiền:
- Em lên Sài Gòn rồi ở đâu?
Hiền ôm sát con vào lòng, nhìn Vũ lộ vẻ ngơ ngác:
- Em có biết ở đâu đâu! Lần đầu tiên em mới đặt chân lên đất Sài Gòn! Nói thiệt, nếu không gặp anh, em chưa biết phải làm sao?
Vũ nghe nàng nói, thương cảm lắm! Dù sao chàng cũng không để Hiền sống bơ vơ được. Chuyện yêu đương trước kia thật rồ dại, nhưng bây giờ, chàng phải can đảm nhận lấy hậu quả đó. Dù chưa biết rồi sẽ đi đến đâu! Chàng không thể bỏ mặc người con gái đã hết mực yêu mình. Đã nhiều năm đi qua, nhưng trong đôi mắt của Hiền, cbàng vẫn còn nhìn thấy sự tin tưởng hoàn toàn đối với chàng.
Thật ra Vũ không ngờ mình đã có con với Hiền. Tuổi trẻ thật rồ dại... Có tiếng động ở phía cửa ăn thông sang nhà chàng. Vũ lo ngại nhủ thầm:
-"Không lẽ cô Liễu đã cho Mộng Ngọc biết?"
Chàng cất tiếng hỏi:
- Ai đó?
Hiền kéo con đứng sát vào mình, nét mặt lo âu. Có tiếng chị giúp việc vọng sang:
- Thưa ông con đem nước cam cho ông!
Vũ đáp nhanh:
- Chị để ở bển, một lát tôi uống.
Hiền khẽ hỏi:
- Ai nói vậy anh, có chuyện gì không?
Vẻ sợ sệt của nàng khiến Vũ xúc động. Chàng lắc đầu:
- Không có gì đâu Hiền, đừng để ý!
Bé Lệ tự nãy giờ vẫn đứng lặng thinh hết nhìn Vũ lại nhìn mẹ. Bỗng Lệ nói với Hiền:
- Mẹ! Ông này... không phải ba con đâu?
Vũ nhìn đứa bé, trong lúc Hiền ngạc nhiên hỏi con:
- Thanh Lệ! Con nói gì lạ vậy! Ba con đó chớ ai?
Bé Lệ phụng phịu:
- Mẹ nói ba thương con lắm mà! Ông này... không phải đâu!
Hiền rầy con:
- Con không được nghĩ quấy! Ba con đó chớ còn ai nữa. Ba con thương con lắm mà. Thương như ông Giáo thương cậu Lịch vậy!
Vũ đưa mắt như bảo Hiền đừng nói nữa. Chàng ngồi xuống ôm bé Lệ vào lòng... Vũ xúc động, bồi hồi trước những lời ngây thơ đó. Bé Lệ cũng là con của chàng như Bé Dung. Tại sao chàng không thương nó?
Hiền thấy Vũ ôm con với vẻ âu yếm thì lòng tràn ngập hạnh phúc. Nàng nhớ lại lời ông Giáo Hoài dặn dò trước khi lên xe:
- Cháu di tìm Vũ là việc dĩ nhiên rồi. Cậu không thể nào cản được... Nhưng bảy, tám năm qua, Vũ không hề gởi cho cậu một bức thư!... Tình cảm của Vũ ngày nay như thế nào, làm sau cậu hiểu được!... Bởi thế mà cậu không được yên tâm khi cháu lên Sài Gòn.
Hiền toan nói vài lời cho ông Giáo bớt lo, nhưng ông đã dặn tiếp:
- Cháu nhớ kỹ và cũng đừng phiền giận cậu. Một khi gặp Vũ rồi, thấy cậu ấy có ý gì khác là về ngay, đừng nấn ná ở Sài Gòn...
Hiển đã bảo ông Giáo:
- Cậu không lo! Anh Vũ không bao giờ quên cháu đâu.
Mà đúng thế, Vũ đã nhận ngay ra nàng và xem chừng cũng thương Thanh Lệ. Bé Lệ được cha ôm vào lòng cũng sung sướng lắm!
Nó bảo Vũ:
- Con hun ba nghen! Con thấy mỗi lần ông Giáo... hun cậu Lịch thì cậu ấy hun ông Giáo trở lại.
Lệ nói xong, hun Vũ luôn mây cái... Vũ sung sướng hun trả lại đứa bé ngây thơ... Lúc bấy giờ, chàng không còn nhớ đến gì nữa hết. Chàng bỗng hỏi Hiền:
- Sao... em đặt tên con là Thanh Lệ?
Hiền đang vui, bỗng sa sầm nét mặt, không đáp.
Thấy nàng tự nhiên đổi sắc, Vũ hỏi tiếp:
- Sao em không nói?
- Dạ!... không phải chính em đặt tên con...
Vũ ngạc nhiên hỏi:
- Vậy chớ ai đặt tên cho Lệ?
- Cậu Giáo!
Rồi nàng tiếp, với giọng trầm buồn:
- Sau ngày anh trở về Sài Gòn độ hơn một tháng, là em biết mình thọ thai... Em lo sợ lắm, nhưng không thể giấu mãi được, em đành thú thật với ba má...
Hiền nghẹn ngào ôm bé Lệ vào lòng. Vũ lặng người đi trước câu chuyện đó! Chàng không ngờ Hiền đã trải qua nhiều cảnh khổ sở buồn lòng...
Hiền nức nở:
- Ba đánh em gần chết và đuổi em ra khỏi nhà...
- Trời ơi! Sao... Bác trai lại làm thế?
- Ba còn dọa đi tìm anh để giết anh ngay, em lo sợ vô cùng... Má khóc hết nước mắt và có xin ba cho em ở lại nhà qua thời kỳ sinh nở, nhưng ba nhứt định không nghe...
Ngừng một phút, Hiền tiếp:
- Sau cùng em đành lánh mặt ở nhà cậu Giáo Hoài... Cậu mợ giáo thương hoàn cảnh của em, nên chẳng nề hà lời đàm tiếu xấu xa... tận tâm giúp đỡ em... má cũng lén lút trông nom chăm sóc, nên em mới sanh con được vuông tròn...
Vũ thấy tội nghiệp Hiền quá! Chàng không cầm lòng được nắm lấy lấy nàng hỏi:
- Thế sao cậu Giáo không gởi thư cho anh hay?
- Lúc ba đánh đuổi em đi thì em chỉ nhớ đến anh. Em muốn lên Sài Gòn tìm anh nhưng không biết đường. Em cũng không dám nói với cậu Giáo. Vài tháng sau, cậu Giáo có gởi thư cho anh nhưng không thấy trả lời. Khi em gần sinh nở, cậu Giáo có lên Sài Gòn tìm anh và nghe nói anh đã đi Tây.
Vũ nín lặng, chàng nhớ lại hết mọi việc... Sau ngày từ giã Hiền về Sài Gòn thì nhiều dịp may đưa đẩy tới, chàng được sang Pháp học Y khoa.
Chàng không hề được thư của Giáo Hoài và chẳng biết gì về việc Hiền có thai! Khổ quá! Tuổi trẻ thường nông nổi, không bao giờ tính trước khi hành động. Chàng tưởng đâu mối tình giữa chàng và cô thôn nữ đã qua rồi. Tình yêu nhạt phai như những tháng hè chấm dứt. Có ngờ đâu hậu quả vẫn còn đến ngày nay… Bây giờ, Vũ đã trở thành bác sĩ đã có vợ con.
Bé Dung đã đầy bốn tuổi và Mộng Ngọc, dù là con gái nhà giàu, vẫn tỏ ra đảm đang và biết lo săn sóc, yêu mến chồng. Hai người đã gặp nhau trên đất Pháp và cưới nhau ở bên ấy, ba năm trước khi Vũ ra trường... Vũ có ngờ đâu trong thời gian đó, đứa con rơi rớt của chàng đã được ba tuổi và sống với Hiền ở một làng quê hẻo lánh, bên bờ sông Cửu Long…
Hiển lau khô nước mắt, tiếp:
- Lúc ấy em khổ quá, vì xa anh, vì tủi cho thân phận mình nên cứ khóc mãi. Cho nên khi sanh con ra, cậu Hoài mới đặt tên là Lệ để ghi nhớ những ngày buồn thảm nhứt đời...
Vũ quá xúc động, kéo Hiền về phía mình. Bé Lệ rời khỏi cha mẹ, đi lục lạo khắp phòng... Hiền gục đầu lên vai Vũ. Vũ quên mất hiện tại và gần như không còn nhớ mình đang ở trong phòng mạch, bên kia cánh cửa hông là nhà riêng của chàng và trong phòng khách còn bao nhiêu bệnh nhân đang đợi...
Chợt có tiếng chuông điện thoại reo vang. Hiền giựt mình ngồi thẳng dậy. Bé Lệ cũng chạy về với mẹ.
Vũ trở lại bàn viết, cầm ống điện thoại lên nghe.
- A lô! Ai đó?
Chàng nghe rõ tiếng ông Thiện, cha vợ của chàng:
- Hai đó hả? Ba đây...
- Dạ?
- Bé Dung mạnh hả con?
- Dạ!
- Thôi! Chào ông "bác sĩ”! Trưa ba qua ăn cơm đó, nói với vợ con.
Có tiếng gác ống máy ở đầu dây bên kia. Vũ để máy điện thoại xuống, quay lại. Chàng thấy Hiền và bé Lệ nhìn mình như dò hỏi thì có cảm tưởng cả hai đều sợ sệt bất cứ trước việc gì và lúc nào cũng cần đến sự chở che, đùm bọc của chàng. Hiền khẽ hỏi:
- Chuyện gì vậy anh? Ai vậy?
Vũ đáp:
- Không có gì đâu! Một người quen của anh.
Vũ chưa muốn nói rõ cho Hiền biết hoàn cảnh hiện tại của mình, chỉ sợ làm khổ nàng thêm. Hiền đã chịu nhiều cay đắng lắm rồi! Chàng phải chờ một thời gian, để giải quyết mọi việc. Nhưng hiện giờ chàng không thể để Hiền và bé Lệ ở đây! Bệnh nhân chờ ở phòng khách có trên một tiếng đồng hổ rồi. Chàng phải đưa Hiền và con tạm lánh một nơi nào đó rồi sau sẽ liệu. Vũ chợt nhớ đến Liễu. Chỉ có Liễu mớí giúp chàng gỡ rối được thôi. Liễu hiện sống với mẹ già ở một căn phố nhỏ và nàng rất có thể đùm bọc Hiền và con chàng trong ít lâu. Nhưng khi nghĩ đến việc phải nói với Liễu chuyện riêng tư của mình, Vũ thở dài...
Hiền chú ý thấy Vũ cứ đi tới đi lui trong phòng, nét mặt rầu rầu, lo ngại hỏi:
- Anh! Có điểu gì làm anh không vui.
Vũ mỉm cười ngó Hiền:
- Không có gì đâu! Em và con lên bất ngờ anh chưa hết bàng hoàng... Bảy, tám năm qua, biết bao biến đổi...
Hiền tưởng thật, ngồi xuống ghế nói:
- Hồi mới đến đây, em sợ quá...
- Em sợ gì?
- Em sợ anh đã quên em rồi! Hoặc giả anh không muốn nhìn em nữa...
Vũ lắc đầu bảo Hiền:
- Có đời nào anh lại thế! Thú thật anh không ngờ trong khoảng thời gian dài đăng đẳng đó, em vẫn còn đợi anh...
Hiền ngẩng đầu nhìn Vũ:
- Thế anh đã tưởng em như thế nào rồi?
Vũ biết mình lỡ lờỉ nên chống chế:
- Không! Anh nói thế để tự trách mình bao lâu nay không săn sóc đến em và con. Anh chỉ lo...
Vũ im bặt. Hiền nhìn chàng âu yếm:
- Anh mắc lo học cho thành tài, em không trách đâu? Nhưng sao học làm bác sĩ lâu quá vậy hả anh? Đến bảy, tám năm trời lận!
Vũ không ngờ Hiền thật thà đến như vậy. Nàng không hiểu một mảy may gì về sự học của chàng! Còn Mộng Ngọc, nàng hiểu biết nhiều và bao giờ cũng rất tế nhị trong việc đối xử với người xung quanh. Chàng không cố ý so sánh giữa Mộng Ngọc và Hiền nhưng cả hai người có một sự cách biệt quá rõ rệt.
Ngày xưa, chàng yêu Hiền, đeo đuổi theo Hiền vì sự ngây thơ trong trắng của nàng. Hiền thuở ấy ví như một cánh hoa đẹp, vừa chớm nở giữa ruộng đồng, còn chàng như một con bướm sặc sỡ màu sắc, từ xa lạc đến... Bướm vờn hoa và hoa đã hiến nhụy trinh nguyên. Bướm bay xa rồi, hoa kết trái, tháng ngày qua, bướm không bao giờ trở lại... Vũ không chủ tâm làm hại đời Hiền, nhưng tuổi trẻ bồng bột và sơ xuất, dễ si mê và cũng dễ lãng quên... Bây giờ đây, Hiền tìm gặp chàng với kết quả tình yêu ngày trước, chàng phải có can đảm để nhận lấy. Vũ đâu có thể lạnh nhạt với nàng khi biết rõ Hiền vì mình mà khổ cả một đời... Hiện tại, chưa biết phải giải quyết thế nào, nhưng nhứt định chàng không thể bỏ Hiền và con bơ vơ. Phải cần sự giúp đỡ của Liễu! Vũ nghĩ thế, Hiền và bé Lệ rời khỏi phòng mạch này sớm chừng nào hay chừng nấy, để tránh sự nghi ngờ của Mộng Ngọc, Vũ khẽ bảo Hiền:
- Em ngồi đây, anh ra ngoài một chút.
Hiền kéo bé Lệ về phía mình nói:
- Dạ! Anh làm việc đi! Mẹ con em ở đây...
Khi Vũ vừa ra cửa ăn thông qua phòng khách, nàng vụt hỏi:
- Anh! Nhà mình đâu? Hay mình ở đây luôn?
Vũ lúng túng đáp:
- Không... Anh có nhà chỗ khác. Rồi anh sẽ đưa em đi...
Hiền nhìn về phía cánh cửa hông ăn thông qua nhà riêng của Vũ hỏi:
- Còn cánh cửa này trổ ra đâu hả anh? Hình như có người ở bên ấy? Có phải bệnh viện đó không?
Vũ đáp:
- Không phải đâu!
Rồi chàng bỏ lửng câu nói đó vì sự Hiền hỏi thêm nữa. Vũ cần gặp Liễu để nói cho nàng rõ tự sự và nhờ nàng giúp mình lúc khó khăn này... Lỡ ra Mộng Ngọc bước sang phòng mạch thì khổ cho chàng! Đứng trước hai người, chàng không biết sẽ phải ăn nói làm sao?
Vũ mở cửa phòng, các bệnh nhân đều chào hỏi chàng. Vũ khép cánh cửa lại, đáp lễ mọi người rồi nói:
- Xin quí ông bà cảm phiền, Tôi có việc nhà thình lình... Mời quí ông, bà buổi chiều trở lại.
Liễu đang ngồi trước hành lang, chợt nghe tiếng Vũ nói với các bệnh nhân, liền quay vào. Đây là lần đầu tiên, từ khi vào làm với Vũ, nàng mới thấy bác sĩ từ chối tiếp khách. Trong số bệnh nhân, có người cần phải tiêm thuốc ngày hôm nay; chính Vũ cũng biết thế, nhưng chàng vẫn mời khách ra về. Điều đó đủ chứng tỏ Vũ đang bận lòng vì một chuyện quan trọng hơn, so với lương tâm nghề nghiệp. Liễu chỉ lặng thinh và mỉm cười xã giao với các bệnh nhân, khi họ ra cửa. Dù mến Vũ, họ cũg không che giấu được vẻ bất mãn.
Đợi khách ra về hết rồi, Vũ mới gọi Liễu:
- Cô Liễu!
- Thưa bác sĩ?
- Tôi... đang gặp chuyện rắc rối quá, mong cô sẵn lòng giúp tôi.
Liễu ngạc nhiên bước đến bên Vũ. Ít khi nàng thấy Bác sĩ âu lo đến thế. Nàng khẽ cất tiếng:
- Thưa bác sĩ! Có việc gì xin bác sĩ cứ nói, tôi xin hết lòng giúp...
Vũ nhìn nàng chậm rãi nói:
- Chuyện riêng của tôi phức tạp lắm, lúc khác tôi sẽ thuật hết cô nghe. Bây giờ tôi xin nói mau cho cô rõ: Đứa bé đang ở trong phòng kia là con ruột của tôi...
Liễu đã đoán mập mờ như vậy, nhưng được nghe chính miệng Vũ thốt ra câu nói đó, nàng kêu lên:
- Con của bác sĩ?
- Phải, mẹ nó là người thiếu phụ mà cô vừa nói chuyện lúc nãy. Đã bảy, tám năm qua tôi mới được gặp con tôi...
Liễu không thể nào hiểu nổi vì sao bác sĩ lại có con với người ta mà còn cưới bà Mộng Ngọc. Bây giờ hai vợ, hai dòng con, Vũ phải giải quyết như thế nào?
Vũ nói tiếp:
- Câu chuyện còn nhiều uẩn khúc, rồi đây cô sẽ biết! Hiện giờ cô cũng thấy rõ Hiền và con tôi không thể ở lại đây được. Tôi muốn tìm một nơi để mẹ con Hiền tạm lánh ít lâu.
Liễu lo ngại nhìn Vũ hỏi:
- Thưa ông! Lỡ ra bà... biết được.
Vũ chận lời nàng:
- Nhứt định hiện giờ không thể nào để cho Mộng Ngọc biết chuyện nầy. Tôi sẽ tìm cách giải quyết sau! Chính tôi sẽ nói rõ đầu đuôi câu chuyện cho vợ tôi nghe, khi cần thiết. Cô liệu có giúp tôi được chăng?
Liễu đã hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của Vũ nên gật đầu:
- Dạ được! Bác sĩ cứ tin ở tôi... Nhà tôi còn rộng, chỉ có một mẹ già! Để "cô" ấy về với chúng tôi cũng được...
Vũ mừng rỡ nói:
- Tôi đã định nói với cô như vậy! Chờ một thời gian, tôi sẽ tìm nơi cho Hiền và con tôi ở... Nhưng hiện giờ, cần nhứt là cô đừng cho Hiền biết tôi có vợ rồi và nhà cửa ở đây nghen! Cô nhớ dặn bác ở nhà giùm.
Liễu lặng thinh nhìn Vũ có vẻ nghỉ ngờ thái độ của chàng. Vũ cũng hiểu được ý nghĩa của cái nhìn đó. Chàng ngồi xuống ghế ôm lấy đầu:
- Khổ quá! Cô Liễu đừng nghi ngờ tôi muốn sống một cảnh hai quê... Tôi không phải là hạng người như vậy! Trong lòng tôi bây giờ thật rối như tơ vò. Sở dĩ tôi buộc lòng phải giấu giếm hai người vì tôi chưa tìm ra phương cách để giải quyết. Hiền đã chịu bao đắng cay, tủi nhục, tôi không muốn nàng phải tuyệt vọng khi biết tôi đã có vợ. Còn Mộng Ngọc sự thật bất ngờ có thể làm nàng điên lên được. Cô hiểu cho tôi chưa cô Liễu?!
- Thưa bác sĩ! Tôi trọng bác sĩ lắm và không hề dám nghĩ sái quấy về bất cứ chuyện gì! Tôi sẽ hết lòng giúp bác sĩ...
Vũ tiếp lời:
- Tôi cám ơn cô lắm! Trong hoàn cảnh nầy, không có cô tôi cũng không biết phải làm sao? Bây giờ, cô hãy đưa Hiền và bé Lệ về nhà, tôi sẽ tìm cách gặp Hiền sau.
Liễu lo ngại nói:
- Nhưng rất có thể cô Hiền nghi ngờ tấm lòng của bác sĩ!
Vũ ngạc nhiên hỏi:
- Nghi ngờ thế nào hả cô?
- Cô ấy sẽ tìm hiểu vì sao bác sĩ không đưa cổ về nhà mà lại đưa đến nhà tôi.
Vũ ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Cũng có thể như vậy! Chắc là tôi phải nói dối Hiển là đưa nàng tạm lánh ở đó để chờ sự chấp thuận của cha mẹ tôi.
Liễu nhìn nét băn khoăn lo lắng của bác sĩ thì thương hại nói:
- Được rồi bác sĩ cứ tin ở tôi.
Vũ đứng lên nhìn Liễu tỏ vẻ biết ơn:
- Cô sẵn lòng giúp tôi như vậy là nhiều lắm! Thật tôi bối rối quá, không biết tính cách nào được. Mong cô nói giùm cho bác hiểu hoàn cảnh của tôi...
- Bác sĩ chớ bận tâm.
- Trăm sự nhờ cô! Bây giờ, tôi phải nói qua cho Hiển biết. Cô chờ tôi một chút.
Vũ xô cửa bước vào phòng rồi khép lại. Hiền và bé Lệ vẫn ngồi yên chỗ cũ. Nhưng nhìn thấy chàng, Hiền chỉ tay về phía cửa hông nói ngay:
- Anh! Hồi nãy có người ở bên kia đi qua.
Vũ sửng sốt hỏi lại:
- Người nào? Họ có nói gì không?
- Một bà đẹp lắm! Bà ấy nhìn em mĩm cười nói "xiu lỗi”... Rồi bà ấy khép cửa lại. Sao vậy hả anh?
Vũ thở ra. Chàng biết chắc là Mộng Ngọc đi tìm mình.
Hiền lặp lại câu hỏi:
- Sao vậy hả anh?
- Em muốn hỏi gì?
- Sao bà ấy lại xin lỗi em? Nhà ai bên đó vậy? Em thấy chưng đồ đạc đẹp lắm...
Vũ đáp:
- Nhà người ta chớ nhà ai! Thôi em đừng hỏi nữa. Bây giờ nghe anh nói đây...
Tự nhiên thấy Vũ có vẻ nghiêm trọng, Hiền đâm lo. Nàng ôm sát con vào lòng. Vũ từ từ cất tiếng:
- Hiền! Em cần thấu hiểu điều này để khỏi buồn.
- Dạ em có buồn gì đâu? Sao anh lại nói vậy?
- Anh nói trước vì biết chắc thế nào em cũng sẽ phải buồn!
Hiền lặng thinh, lo lắng nhìn Vũ:
- Việc gì vậy anh?
- Hiện tại, anh chưa có thể đưa em và con về nhà ba má được. Chuyện yêu đương thầm vụng ngày xưa giữa chúng mình, anh không hề cho gia đình hay biết. Bỗng nhiên gặp lại nhau một cách đột ngột như thế này, anh cần phải giải thích rõ ràng cho ba má hiểu...
Hiền có cảm tưởng như Vũ muốn xa lánh mình! Nàng ôm chặt bé Lệ vào lòng nhìn xuống đất.
Vũ hiểu thế nên vội bảo nàng:
- Anh nói vậy không có nghĩa là anh để em và con sống bơ vơ như từ trước tới nay. Anh muốn em tạm ở một nơi trong thời gian ngắn, để anh thưa chuyện với gia đình...
Hiền tươi ngay nét mặt. Nàng nói:
- Em biết ở tạm đâu bây giờ hả anh?
- Em khỏi phải lo, anh đã sắp đặt cả rồi.
Vũ ngồi xuống ôm bé Lệ nói:
- Con đi với má nghen.
Lệ ngây thơ hỏi:
- Ba không đi sao? Má thường nói nhà ba đẹp lắm. Phải vậy không ba?
Vũ gượng cười đáp:
- Rồi con sẽ biết.
Chàng đứng lên mở cửa cho Liễu vào rồi bảo Hiền:
- Em đến tá túc với cô Liễu ít lâu. Anh đã nói rõ hoàn cảnh của mình cho cô ấy biết.
Hiền nhìn Liễu với đôi mắt trìu mến. Liễu mỉm cười với nàng rồi cúi xuống ẵm bé Lệ:
- Về nhà cô Liễu chơi nha "cưng"!
Bé Lệ cất tiếng dạ, rồi hỏi Vũ:
- Sao không về nhà hả ba?
Vũ lúng tứng không biết trả lời thế nào thì Hiền đã nói:
- Mình về nhà cô Liễu rồi sẽ về nhà ba con.
Liễu bồng bé Lệ ra ngoài, Hiền theo sau, nàng không chút nghi ngờ lòng dạ của Vũ. Đợi Liễu đưa Hiền và bé Lệ ra xe, Vũ mới trở vào phòng mạch ngồi xuống ghế. Từ sáng đến giờ đầu óc chàng căng thẳng quá.
Chàng ngồi yên như vậy không biết bao lâu, nghĩ vẩn vơ đến thời tuổi trẻ. Yêu say mê bồng bột và không cần suy xét hay nghĩ đến hậu quả mai sau... Có tiếng động ở cánh cửa hông. Vũ quay lại, thấy Mộng Ngọc vừa bước sang, trên tav cầm ly nước cam tươi... Vũ đứng lên nhìn vợ không biết nói gì.
Mộng Ngọc tươi cười đến bên chàng:
- Làm sẵn nước cam cho anh từ sớm mà chị Hai không chịu đem qua...
Vũ đón ly nước cam trên tay vợ, nói:
- Chính anh bảo chị ấy để bên nhà rồi quên mất!
Mộng Ngọc cười. Nàng ngồi xuống chiếc ghế đối diện chồng, nhìn quanh quẩn:
- Hôm nay, đông khách không anh?
Vũ đang uống nước cam nên không đáp, chỉ lắc đầu.
Mộng Ngọc nói tiếp:
- Lúc nãy em có qua đây nữa.
Vũ cố giữ vẻ tự nhiên:
- Vậy hả? Sao em không gọi anh?
- Em có biết anh ở đâu mà gọi! Chỉ thấy một cô nào đó đang ngồi chỗ này nè. Em có chào cô ấy nữa...
Vũ thẫn thờ đáp:
- Vậy à!
Mộng Ngọc lại hỏi:
- Ủa! Cô Liễu đi đâu mất rồi anh? Sáng giờ em không thấy cô ấy?
Vũ lúng túng đáp:
- Cổ... chạy đâu đó... mà... À! Cô ấy đi về rồi...
Mộng Ngọc ngạc nhiên hỏi:
- Sao vậy chưa hết giờ mà mình?
- Hình như cô ấy bận việc nhà thì phải.
Chàng chợt nhớ đến lời dặn của ông Thiện trong điện thoại lúc nãy, vội bảo vợ:
- Lúc này ba có điện thoại. Suýt nữa anh quên mất.
Mộng Ngọc hỏi:
- Ba gọi anh chi vậy?
- Ba bảo sẽ ăn cơm với mình trưa nay.
Mộng Ngọc đứng lên ngay:
- Vậy ư? Sao anh không để đến trưa hãy nói luôn thể? Đốt anh đi...
- Anh quên mà.
- Thôi, không nói chuyện với anh nữa! Em về làm cơm đây.
Mộng Ngọc đi nhanh về phía cửa. Vũ nhìn đồng hồ gọi theo:
- Em bảo tài xế đi rước con chưa? Đến giờ rồi đó.
Mộng Ngọc quay lại cười:
- Đợi anh nhắc, chắc con em lội bộ quá! Em đã bảo ảnh đi từ lúc nãy.
Vũ mỉm cười với vợ, nhưng tự nhiên chàng lại nhớ đến Hiền, bé Lệ và hoàn cảnh khó có thể giải quyết của mình.
Chàng khẽ thở dài.
*
Ông Thiện cười ha hả khi thấy bé Dung cầm ống píp của ông tra thuốc vào. Ông bảo Vũ:
- Má nó hồi xưa đâu có khôn như vậy! Ối. Tối ngày nó khóc nhề nhệ.
Vũ cười lấy lệ. Mộng Ngọc đang giúp chị bếp dọn cơm, vụt quay lại nói:
- Ba nói xấu con hoài, anh ấy được thể ngạo con.
Ông Thiện bồng bé Dung lên nói:
- Hai con có thêm một bé trai nữa là đủ cho ba vui với tuổi già. À, này Hai...
Vũ giựt mình đáp:
- Dạ!
- Con nghĩ sao về chuyện đó?
Vũ ngơ ngác hỏi lại:
- Thưa ba! Chuyện gì ạ?
- Kìa chuyện cất cái bệnh viện tư mà hôm trước Ba đã nói với con.
Vũ chợt nhớ ra khẽ đáp:
- Dạ con định vài năm nữa sẽ tính tới. Hiện giờ khách của con cũng chẳng được bao nhiêu.
Ông Thiện lắc đầu:
- Hơi đâu mà con lo. Mình là bác sĩ tốt nghiệp ở Pháp, lại có bệnh viện riêng, tổ chức theo lối Âu Mỹ, tất nhiên bệnh nhân sẽ tin cậy. Ba định mua xong miếng đất ở đường Chasseloup, của hãng D.R.A.Y. cất bệnh viện bài lao ở đó là hợp lắm. Xung quanh có cây cối thật mát mẻ.
Vũ ngập ngừng đáp:
- Dạ... Thưa ba! Con sợ coi sóc không nổi.
Ông Thiện gắt:
- Gì mà không nổi! Một mình ba đây, phải trông coi nào là hãng thầu, trại cưa máy, hãng làm nước sơn, sở trồng cao su vân vân... mà có sơ xuất gì đâu? Con chỉ có mỗi một cái bệnh viện mà than. Nếu con không lo nổi thì mướn thêm bác sĩ.
Vũ lặng thinh. Chàng không muốn nói gì thêm với ông cha vợ giàu óc kinh doanh, ở địa hạt nào, ông Thiện cũng thấy cách thu lợi! Ông nở nào so sánh chuyện thầu đường xá, buôn bán cây, ván, nước sơn với chuyện cứu chữa bệnh nhân?
Mấy tháng nay, ông Thiện khuyên Vũ lập một bệnh viện, nhưng Vũ cứ do dự mãi. Chàng biết cha vợ thực lòng yêu thương mình, nhưng chàng không muốn nhờ vả ông nữa. Kể ra, chàng cũng đã nhờ ông nhiều rồi. Trước kia, chớ bây giờ chàng đã thành tài. Vũ muốn tự mình xây cất bệnh viện với công sức của mình!
Mộng Ngọc đang sắp chén đũa trên bàn, nói chen vào:
- Ba ơi! Ảnh sợ thiếu tiền xây cất đó ba! Chớ anh ấy làm gì lại trông nom một cái bệnh viện không nổi.
Vũ toan ngắt lời vợ thì ông Thiện đã nói:
- Lại cũng lo tiền bạc! Chớ hãng xưởng và đồn điền của ba để chi đó? Hay là "ông" bác sĩ chê tiền của tôi không cất nổi một cái bệnh viện?
Mộng Ngọc nghĩ rằng câu nói đó biểu lộ một tình thương chân thật của cha đối với chồng mình nên cười to lên rồi nhìn Vũ. Nàng có ngờ đâu, Vũ lai cho câu nói đó là lời mỉa mai chua chát. Chàng quay mặt nhìn ra sân để tránh phải cau mày.
Mộng Ngọc tưởng đâu chàng không chú ý đến câu nói của cha, nên cười tiếp lời cha:
- Anh nghe ba nói không? Ba nói mình chê tiền của ba đó.
Vũ quay lại nhìn vợ. Mộng Ngọc chưa hiểu gì hết, nhưng cảm thấy vẻ bất mãn trong đôi mắt của chồng.
Vũ nói với Ông Thiện:
- Thưa ba! Con đâu dám có ý nghĩ đó. Nếu không có tiền của ba thi con cũng chẳng học hành đến đâu.
Giọng nói của chàng rất bình thản nên ông Thiện không nghĩ gì khác. Vả lại, theo ý ông thì Vũ nói đến ân nghĩa của ông là chuyện bình thường. Huống chi Vũ lại là con rể ở trong nhà. Nhưng Mộng Ngọc đã cảm nhận ngay sự chua chát trong câu nói đó và nàng đã tự trách mình đã lỡ lời làm buồn lòng Vũ. Nàng không biết nói sao cho Vũ khỏi nghĩ ngợi buồn phiền, nhưng trước mặt cha, nàng đành nín lặng.
Ông Thiện nói tiếp:
- Nếu vậy thì ba cho tụi nó khởi công xây cất. Lúc này công việc ở hãng thầu cũng nhàn lắm! À, còn họa đồ bệnh viện, con có muốn nhờ ai vẽ không?
Vũ đáp:
- Dạ! Tùy ba liệu! Ba quen việc xây cất chắc hiểu rành hơn con.
Rồi chờ lúc ông Thiện quay sang giỡn với bé Dung, Vũ đứng lên đi về phòng riêng. Chàng để nguyên quần áo nằm xuống giường, quay mặt nhìn lên trần nhà. Ai mới nhìn qua cảnh sống hiện tại của Vũ cũng đều khen ngợi, ước thầm. Chàng có địa vị trong xã hội, có tiền, lại vợ đẹp, con khôn... Chàng hành nghề là có đầy đủ phương tiện hơn các bạn khác. Nhưng có ai hiểu được lòng Vũ! Lúc nào chàng cũng cảm thấy khổ tâm ngấm ngầm. Đây không phải là lần thứ nhứt chàng khó chịu vì câu nói vô tình của vợ, mà đã nhiều lần rồi và chỉ biết nhận chịu một mình. Lỗi ấy hoàn toàn không phải do Mộng Ngọc. Phần lớn là tại hoàn cảnh của chàng và sự phản ứng bộc phát bất thường. Trước kia chàng không thể ngờ được là mình sẽ phải khổ tâm về chuyện nhờ vả cha vợ để sang Pháp du học. Nếu chàng không cưới Mộng Ngọc thì chuyện ấy cũng không quan trọng gì? Đằng này lại khác. Cha chàng và ông Thiện buổi thiếu thời đều làm thư ký cho một Sở Cao Su ở Xuân Lộc... Cùng độc thân, lại ở trên rừng, nên họ dễ thân nhau và xem nhau như ruột thịt. Vài năm sau, vì không chịu nổi khí thiêng độc địa của núi rừng, cha Vũ trở về Sài Gòn để làm việc trong một hãng buôn... Ông gặp mẹ Vũ rồi sinh sống luôn tại Sài Gòn. Nhiều năm trôi qua, khi Vũ lớn lên sắp thi tú tài thì cha chàng gặp lại người bạn thâm giao thuở trước, nhưng ông Thiện nhờ bươn chải làm ăn đã trở nên giàu có lớn. Thấy bạn vẫn sống trong cảnh thanh đạm, ông Thiện ngỏ ý giúp đỡ nhưng cha Vũ một mực chối từ và bảo mình chưa cần đến. Khi Vũ đỗ tú tài toàn phần thì chàng định thôi học để đi làm giúp đỡ cha mẹ. Ông Thiện biết được chuyện đó, liền đến nhà, bảo cha Vũ:
- Anh có một đứa con mà không cho học đến nơi, đến chốn thì uổng lắm! Nếu anh không nệ hà, tôi sẵn sàng giúp cháu sang Pháp để học cho hết Đại học.
Cha Vũ là người khí khái, nhưng nghĩ đến tương lai của con, ông thấy xiêu lòng. Vũ sang Pháp trong năm đó với sự chu cấp tiền bạc của ông Thiện. Trước khi chàng xuống tàu, cha chàng có dặn:
- Ông Thiện do nghĩa thâm giao mà giúp con du học. Cha nhận lời là vì tương lai của con, nhưng trong lòng rất e ngại. Con ráng học đừng để phụ lòng tốt của người và gây sự khổ tâm cho cha.
Vũ đã hứa với ông:
- Cha không phải lo, con sẽ cố gắng hết sức mình để sớm thành tài...
Cha Vũ còn đặn dò thêm:
- Sau này đỗ đạt rồi, con đừng quên ơn người đã tạo nên sự nghiệp cho con!
Vũ sang Pháp được một năm thì ở nhà mẹ và cha chàng lần lượt qua đời song chàng không hề hay biết. Ít lâu sau, ông Thiện cho Mộng Ngọc sang Pháp học thêm ngoại ngữ. Chính Mộng Ngọc đã mang hung tin đến cho chàng. Vũ buồn quá. Chàng định bỏ học trở về nước, nhưng Mộng Ngọc đã bảo:
- Anh đừng về. Hai bác trước khi lâm chung đều có ý khuyên anh cố gắng học thành tài.
Mộng Ngọc đưa chàng bức thư của ông Thiện kể rõ bệnh tình của mẹ và cha chàng, luôn cả việc "ma chay" của hai người, chỉ cách nhau trong vòng sáu, bảy tháng. Ông Thiện cũng có lời khuyên Vũ đừng về nước mà hãy tiếp tục sự học. Vũ đành nghe theo lời khuyên đó. Tình yêu giữa chàng và Mộng Ngọc cũng bắt đầu nẩy nở trong những ngày xa quê hương. Cuối năm đó hai người lặng lẽ thành hôn, sau khi được sự chấp thuận của ông Thiện… Ngay ở bên nhà, ông Thiện cũng bày tiệc tùng đãi quan khách, trong lúc cô dâu và chú rể động phòng ở Pháp.
Có tiếng mở chốt cửa, Vũ ngồi dậy. Mộng Ngọc bước vào, đến bên chàng, khẽ gọi:
- Anh!
Vũ nhìn nàng hỏi:
- Em! Cơm xong rồi ư?
Chàng làm ra vẻ tự nhiên, nhưng không giấu được vẻ buồn phiền. Mộng Ngọc ngồi xuống bên chồng:
- Anh buồn em có phải không?
Vũ lắc đầu:
- Không! Anh có buồn gì đâu. Anh hơi mệt, nên muốn nghỉ một chút. Thôi ra ngoài, để ba trông.
Rồi chàng đứng lên bước ra khỏi phòng. Mộng Ngọc nhìn theo chồng, khổ tâm lắm. Nàng biết Vũ phật ý vì câu nói vô tình lúc nãy, nhưng cũng như bao lần trước chàng không muốn Mộng Ngọc xin lỗi mình.
Mộng Ngọc lo ngại trước thái độ của chồng. Thà là chàng nói ra để vợ chồng thấu hiểu lòng nhau, chớ chàng cứ nín lặng như thế thì một ngày kia sự dồn ép bộc phát bất ngờ, tình cảm giữa vợ chồng thật khó hàn gắn... Mộng Ngọc tự trách mình cứ hay hớ hênh, để chồng hiểu lầm. Nàng dặn lòng từ nầy về sau, phải thận trọng lời nói đối với chồng. Bữa cơm hôm đó vì chuyện cất bệnh viện mà vợ chồng Vũ kém vui... Riêng ông Thiện là không để ý gì hết. Ông cười đùa với Dung luôn, thỉnh thoảng lại bàn với Vũ về những điều đã dự tính.
*
Buổi chiều khi Liễu đến phòng mạch, đã thấy bác sĩ ngồi trước bàn viết, vẻ lo âu rõ rệt. Vũ nghe tiếng chân của Liễu bước vào thì ngẩng lên hỏi:
- Cô Liễu! Thế nào? Có gặp khó khăn gì không?
Liễu lắc đầu mỉm cườỉ:
- Thưa bác sĩ! Có khó khăn gì đâu! Mẹ tôi dễ lắm! Bà hiểu rõ hoàn cảnh cô Hiền nên càng mến cô ấy hơn.
Vũ lo ngại hỏi:
- Cô có dặn... bác...
- Dạ! Bác sĩ khỏi lo! Tôi dặn dò kỷ lắm.
Vũ thở dài nói:
- Hiện giờ, tôi bối rối quá, cô Liễu. Sự thật quá bất ngờ chính tôi không hề nghĩ đến.
Liễu tò mò hỏi:
- Nhưng sao bác sĩ tin chắc cháu bé đó là con của mình?
Vũ đáp:
- Còn gì phải nghi ngờ! Cô không thấy nó giống bé Dung sao?
Liễu gật đầu:
- Dạ! Tôi cũng thấy thế.
Vũ nói thêm:
- Tôi hiểu rõ Hiền lắm. Nàng không phải là hạng người chẳng ra gì! Ngày xưa tôi mới là người đáng trách.
Liễu khẽ hỏi:
- Bác sĩ đã gặp cô ấy trong trường hợp nào? Sao lại có con với nhau mà không biết?
Vũ khổ sở:
- Tôi nói ra, chắc không khỏi cô khinh tôi!
- Dạ không, bác sĩ nói vậy chớ đời nào tôi dám coi thường bác sĩ.
- Không! Cô có quyền khinh rẻ hành động của tôi, dù là hành động không suy nghĩ của thời trẻ...
Ngừng lại một phút, chàng tiếp:
- Năm ấy, sau khi đậu tú tài toàn phần, tôi về quê một người bạn ở Vĩnh Long trong một làng nhỏ ở bên bờ sông Cửu Long. Tôi định vui chơi trong một vài tháng rồi về Sài Gòn tìm việc làm, để giúp cha mẹ. Bạn tôi là anh Hoài, làm giáo học ở đó.
Liễu ngồi xuống ghế, lặng lẽ nhìn Vũ. Đây là lần đầu tiên, nàng được biết tâm tình của vị bác sĩ mà nàng kính mến.
Vũ nói tiếp:
- Chính trong những ngày này, tôi đã gặp Hiền và yêu nàng với tất cả sự bồng bột của tuổi trẻ. Nhưng thật tình lúc ấy, tôi không hề có ý nghĩ sẽ cưới Hiền làm vợ.
Liễu trố mắt nhìn bác sĩ. Thật không ngờ! Người mà nàng kính mến, cảm phục, lại có những hành động tác tệ đến thế. Bác sĩ không có ý nghĩ cưới Hiền làm vợ, sao lại nỡ phá hại đời nàng? Vũ nhìn qua thái độ của Liễu cũng đoán hiểu được những ý nghĩ trong đầu nàng. Chàng thở dài tiếp:
- Cô Liễu! Chính tôi cùng thấy xấu hổ vì hành động của mình ngày trước. Thật tình mà nói, cô có khinh tôi cũng phải thôi.
Liễu lắc đầu nói:
- Bác sĩ nói thế thật quá đáng! Tôi nào dám có ý kiến chi đâu? Được bác sĩ tin cậy, cho biết chuyện riêng tư, như vậy là nhiều lắm rồi.
Một lúc Liễu nói:
- Sau khi bác sĩ về Sài Gòn thì không còn thư từ, liên lạc với cô Hiền nữa sao?
Vũ đáp ngay:
- Qua mấy tháng ở Vĩnh Long tôi về Sài Gòn thì gặp dịp đi Pháp tiếp tục học. Tôi không kịp từ giã ai hết. Và cũng không được thư của Hiền. Lúc sáng, nàng đã kể cho tôi nghe nỗi gian truân của nàng trong những năm tháng đó.
Liễu khẽ nói:
- Cô Hiền thật đáng tội nghiệp. Lúc nãy, mẹ tôi có hỏi qua chuyện ấy và nàng cũng thật tình bày giải.
Hai người yên lặng rất lâu. Liễu đã thấu hiểu hết sự thật về câu chuyện giữa Hiền và Vũ. Hoàn cảnh của Vũ thật không có lối ra! Vợ chàng cũng đáng trọng mà người yêu cũ cũng đáng thương.
Liễu bỗng hỏi:
- Thưa Bác sĩ! Bác sĩ định thế nào bây giờ?
Vũ ngả lưng vào thành ghế, chán nản:
- Tôi chưa biết tính sao? Nói rõ sự thật cho Mộng Ngọc nghe ư? Tôi chẳng biết phản ứng của nàng sẽ như thế nào? Riêng về Hiền, cô nghĩ xem, tôi đâu đành lòng để nàng phải khổ hơn nữa.
Có tiếng động ngoài phòng khách. Liễu biết có bệnh nhân đang chờ, nên đứng lên sửa soạn tiếp khách. Hai người ngưng ngang câu chuyện.
Buổi chiều, khi hết giờ làm việc, Liễu hỏi Vũ:
- Bác sĩ có đến gặp cô Hiền không? Tôi phải nói với cô ấy thế nào?
Vũ suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Thế nào tôi cũng gặp Hiền. Có tôi, nàng yên tâm hơn.
Liễu nhìn về phía cửa hông ăn thông sang nhà Vũ. Tự nhiên nàng có cảm tưởng mình đồng lõa với Vũ và Hiền để phản bội Mộng Ngọc. Thật lòng, nàng có muốn như thế đâu! Nhưng trước hoàn cảnh nan giải của Vũ, nàng cũng thấy tội nghiệp!
Vũ nhìn vẻ lo lắng của Liễu khẽ nói:
- Để Hiền và con tôi ở nhà cô, thiệt vạn bất đắc dĩ. Tôi cũng đã làm phiền bác và cô nhiều lắm! Tôi sẽ kiếm nhà khác cho Hiền, trong vài hôm nữa.
Liễu lắc đầu:
- Bác sĩ không phải bận tâm! Mẹ tôi hiểu hoàn cảnh của bác sĩ và cô Hiền nên không nệ hà gì đâu. Điều mong ước của tôi là bác sĩ sớm giải quyết ổn thỏa, làm sao cho ít khổ cả ba người.
Vũ buồn rầu hỏi Liễu:
- Cô khuyên tôi nên giải quyết như thế nào? Bỏ rơi Hiền hay bỏ nhà này ra đi?
Liễu lắc đầu:
- Tôi chắc bác sĩ không thể giải quyết như vậy được!
Vũ thở dài:
- Cô thử đặt mình vào hoàn cảnh của tôi mới thấy rõ sự khó khăn.
Liễu nói tiếp:
- Tôi biết! Nhưng bác sĩ kéo dài tình trạng này càng bất lợi hơn!
Vũ ôm lấy đầu:
- Tôi biết giải quyết thế nào cho yên xuôi cả hai đàng hả cô?
Chàng chợt nghĩ đến ông Thiện. Nếu cha vợ biết chuyên này, chưa rõ ông sẽ đối xử với chàng ra sao? Ông Thiện đâu ngờ Vũ đã có con trước khi nhận lời ông sang Pháp học và cưới con gái của ông! Và khi sự thật được phanh phui, Vũ có giải thích thế nào đi nữa, chưa chắc ông đã tin?!
Liễu nhìn đồng hồ rồi bảo Vũ:
- Thưa bác sĩ, tôi phải về kẻo mẹ tôi trông.
Vũ đưa nàng ra đến cửa ngoài và dặn:
- Cô nói giùm với Hiền, lát nữa tôi sẽ tới.
Liễu gật đầu vâng dạ rồi ra lấy xe đạp về nhà. Vũ trở vào phòng mạch, mở cánh cửa hông đi qua phòng ăn. Cơm đã dọn xong. Mộng Ngọc và bé Dung đang ngồi sắp hình trên "đi văn".
Bé Dung thấy cha đi vào liền tuột xuống ôm chân chàng, nói ríu rít:
- Ba ơi, ông ngoại cho con kìa.
- Bé Dung chỉ những hộp đồ chơi để gần chỗ Mộng Ngọc ngồi, Vũ cúi xuống ôm con. Mộng Ngọc ngừng tay nhìn chồng âu yếm:
- Mình có mệt không? Hồi trưa mình không ngủ.
Vũ lắc đầu:
- Không đâu. Ba đã về rồi hả?
- Dạ, ba thức dậy là đi ngay.
Vũ quay nhìn về phía bàn ăn, bảo vợ:
- Anh không ăn cơm nhà nghen mình.
Mộng Ngọc ngạc nhiên hỏi:
- Sao vậy anh? Anh cố hẹn ăn cơm với ai hả?
Vũ gật đầu:
- Anh có hẹn với... bạn nên phải đi ngay bây giờ.
Mộng Ngọc thoáng nét buồn. Từ trưa tới giờ nàng chưa có dịp để xin lỗi chồng về câu chuyện "tiền bạc" xây cất bệnh viện. Nàng định ăn cơm xong sẽ giải bày sự thật trong lòng mình cho Vũ hiểu, nào ngờ chàng lại đi ăn cơm khách.
Vũ nhìn vợ khẽ hỏi:
- Có chuyện gì không em? Hình như em không vui?
Mộng Ngọc gượng cười:
- Dạ đâu có! Anh đi hơi đột ngột! Mọi lần, anh đều bảo qua cho em biết trước! Em chỉ lấy làm lạ thôi.
Vũ không muốn vợ để ý nghi ngờ, vội đáp:
- Họ điện thoại mời anh lúc chiều, chưa kịp cho em hay.
Mộng Ngọc tươi cười ngay:
- Em hiểu rồi! Thôi anh rửa mặt rồi đi, kẻo trễ.
Vũ gượng cười ngó vợ rồi sang phòng bên thay đểi y phục. Tự nhiên, chàng cảm thấy khó chịu lắm. Đây là lần đầu tiên, từ khi về ở với nhau, chàng mới nói dối Mộng Ngọc một lần. Không biết rồi đây, chàng sẽ phải nói dối vợ con bao nhiêu lần nữa?
*
Hiền ngồi yên trước thềm nhà, bé Lệ đã ngủ từ chiều. Hồi khuya, đi xe từ Vĩnh Long lên Sài Gòn, Lệ thấm mệt, nên ngủ say. Hiền dùng cơm với bà cụ và cô Liễu xong thì ra ngồi ngoài hiên hóng mát. Trong khi đó Liễu và mẹ bàn bạc câu chuyện cùa Hiền.
Mẹ Liễu bảo nàng:
- Tội nghiệp cô Hiền quá con. Hình như cô ấy cũng chưa biết bác sĩ Vũ đã lấy vợ?
Liễu đáp:
- Cô ấy chưa biết đâu! Con tội cho cô ấy lắm.
Bà cụ nói:
- Bộ bà Mộng Ngọc không đáng tội nghiệp sao? Mẹ chỉ trách ông Vũ.
Liễu thấu hiểu, trong hoàn cảnh nào Vũ không biết Hiền có thai, nên bênh vực chàng:
- Mẹ không nên trách bác sĩ. Ông ấy cũng khổ tâm nhiều lắm và hiện đang ở trong tình cảnh nan giải.
Bà cụ khe khắt hơn:
- Ai bảo ông ấy gây ra chi cảnh ngang trái nầy! Rồi ổng mới tính sao về chuyện cô Hiền?
- Bác sĩ khổ tâm lắm mẹ à! Con có hỏi nhưng ổng cũng chưa biết tính thế nào cho vẹn cả đôi đàng.
Ngừng lại một phút, nàng tiếp:
- Lúc chiều bác sĩ sợ làm phiền mẹ con mình, nên định mướn nhà đưa cô Hiền và bé Lệ đi nơi khác.
Bà cụ lo lắng hỏi:
- Ông ấy định không cho cô Hiền biết sự thật à? Nếu vậy ổng định dối gạt cô Hiền mãi sao?
Liễu lắc dầu:
- Không phải vậy đâu mẹ, con không tin bác sĩ tính như thế.
- Còn gì mà con bênh vực ông ấy! Mẹ đã thấy nhiều rồi! Mấy ông có địa vị, có nhiều tiền thì lại muốn đa mang.
Liễu không biết nói sao cho mẹ hiểu tâm trạng của Vũ. Vũ không phải là hạng người như vậy đâu! Chuyện ngày xưa xảy ra chỉ vì phút bồng bột của tuổi trẻ, nào ngờ lại đưa đến hậu quả không hay nầy. Liễu nhìn ra ngoài, thấy Hiền ngồi một mình trước thềm thì bảo mẹ:
- Con ra với cô Hiền nghe mẹ.
Hiền nghe tiếng chân của Liễu liền quay lại mỉm cười, nụ cười hiền hậu dễ thương. Liễu thấy cảm tình của mình đối với Hiền thắm thiết hơn.
Nàng ngồi xuống bên Hiền:
- Lệ ngủ rồi hả cô?
- Dạ! Đi xe mệt nên cháu ngủ từ chiều.
Rồi nàng hỏi Liễu:
- Anh Vũ chừng nào lại hả cô?
Liễu biết nàng trông Vũ lắm nên đáp:
- Thế nào bác sĩ cũng đến mà! Hồi giờ về, bác sĩ có dặn tôi kỹ lắm.
Hai người cùng yên lặng. Hiền cười nói:
- Cô Liễu biết hiện giờ tôi ao ước được thế nào không?
Liễu lắc đầu nói:
- Tôi làm sao biết được. Nhưng... chắc cô mong được về nhà bác sĩ và được gia đinh nhìn nhận?
Hiền mơ màng nói:
- Điều đó thì đã hẳn! Nhưng tôi còn mong ước một chuyện nữa cô à.
Không đợi Liễu hỏi thêm, nàng nói:
- Tôi muốn được như cô vậy.
- Nghĩa là sao?
- Tôi muốn được giúp anh Vũ trong khi làm việc! Cô nghĩ xem tôi có thể tập tành công việc đó không?
Liễu cười và càng thương Hiền hơn. Nàng quá yêu Vũ, lúc nào cững muốn được gần chàng.
Liễu bảo Hiền:
- Sao lại không? Công việc của tôi nhàn lắm, nào có khó khăn gì. Nhưng chưa chi tôi đã thấy khổ rồi!
Hiền ngạc nhiên:
- Sao vậy cô?
- Thì khi cô giúp ông Vũ được là tôi mất sở.
Hiền vội nắm tay Liễu biểu lộ sự thương yêu chân thật:
- Không đâu! Cô vẫn làm chung với tôi chớ! Tôi đâu bao giờ quên ơn cô!
Liễu nhìn Hiền, thương mến rạt rào... Hiền ngây thơ chân chất, trong lòng nghĩ thế nào nói thế ấy, chớ không biết màu mè! Ước vọng của nàng rất mong manh vì bên Vũ còn Mộng Ngọc! Nàng có muốn giúp đỡ săn sóc cho Vũ cũng không thể được! Liễu lặng thinh cho Hiền sống trọn vẹn với niềm ước vọng đó.
Lâu lắm, nàng mới hỏi:
- Ông bà có biết cô lên trên nầy không?
Hiền lắc đầu:
- Mẹ tôi đã chết lâu rồi. Còn ba tôi thì... không muốn nhìn tôi nữa.
- Vậy cô sống với ai?
- Mẹ con tôi được cậu mợ Giáo Hoài cho đùm đậu từ bao lâu nay. Tôi mở một quán nhỏ ở gần trường học nên cũng đấp đổi qua ngày.
Liễu băn khoăn hỏi:
- Cô ở lại đó mà bác trai không lui tới ư?
- Ba tôi cấm không cho léo hánh về nhà, mặc dù cậu giáo đã nhiều lần đến năn nỉ ông. Ba tôi bảo những đứa con làm nhục nhã gia đình như tôi không đáng sống.
Liễu thở dài trước tình cảnh của nàng. Hiền rơm rớm nước mắt tiếp:
- Tôi khổ quá! Nếu không còn hy vọng có ngày gặp lại anh Vũ cho con nhìn cha, chắc là tôi đã tự tử lâu rồi.
Liễu muốn ao ủi nàng một câu, nhưng không biết nói thế nào.
Hiền cất tiếng:
- Cậu Giáo Hoài đã khuyên tôi rất nhiều, nên tôi mới còn đủ can đảm sống đến ngày giờ nầy.
Liễu để ý đến tên "Giáo Hoài". Nàng không hiểu người đó là ai và có liên quan mật thiết gì với Vũ và Hiền, mà từ chiều đến giờ, hai người đều có nhắc đến. Hiền lại tỏ ra rất tin tưởng và biết ơn người đàn ông đó. Liễu hỏi nàng:
- Ông Giáo Hoài đối với cô như thế nào?
Hiền đáp:
- Cậu ấy bà con xa với mẹ tôi và là bạn của anh Vũ.
Liễu gật đầu:
- Tôi biết rồi! Khi xưa cô và bác sĩ quen nhau, cũng do ông Hoài giới thiệu chớ gì?
Hiền gật đầu nhìn xuống đất. Nàng nhớ đến những ngày tháng xa xưa, khi tim nàng bắt đầu rung động vì một bóng hình xa lạ. Thuở ấy, nàng là một cô gái vừa đến tuổi dậy thì, trong lòng còn mang nhiều mộng đẹp. Nàng gặp Vũ một lần và chú ý đến chàng... Hiền nhớ rõ buổi chiều nàng ngồi câu bên bờ sông trước nhà thì Vũ đi với Hoài qua đó. Hoài ngừng lại hỏi nàng một vài chuyện và Hiền thấy bẽn lẽn khi Vũ chăm chú nhìn mình. Đôi mắt của chàng thu hút mãnh liệt khiến nàng không dám nhìn lâu. Hiền cảm thấy bồi hồi khi Vũ cất tiếng hỏi nàng:
- Chào cô.
Lúc ấy Hiền chưa biết rõ Vũ là ai và ông giáo đã giới thiệu hai người. Hiền biết mang máng là Vũ đang học ở Sài Gòn và đã đỗ đạt. Thế rồi...
Hiền mơ màng nhìn lên nền trời đầy sao. Ở thành phố, nàng thấy sao trên trời không sáng bằng ở thôn quê. Có lẽ tại nhiều ánh điện quá. Và lòng người cũng không hòa hợp với muôn sao! Hiền nhớ đến những đêm trăng, nàng và Vũ ngồi lặng bên nhau trong vườn, mùi hoa bưởi thoảng bay...
Từ nãy giờ, Liễu vẫn yên lặng bên Hiền. Nàng không muốn làm xáo động ý nghĩ của Hiền. Liễu biết chắc nàng đang nghĩ đến mối tình xưa cũ, đến những kỷ niệm êm đẹp của hai người lúc mới yêu nhau. Hiền bỗng giựt mình quay lại nhìn Liễu mỉm cười. Nàng thấy mình quá hớ hênh, để Liễu đoán được tâm trạng của mình.
Có tiếng xe hơi ngừng trước cửa nhà, hai người nhìn ra. Liễu nhận ra chiếc xe của Vũ nên bảo Hiền:
- Bác sĩ đã đến.
Nàng phân vân, không biết có nên đón Vũ vào nhà hay để chàng và Hiền gặp nhau tại đây? Ở ngoài hiên nầy có lẽ tiện hơn.
Liễu khẽ nói:
- Thôi tôi vào trong nghen, cô Hiền!
Hiền nhìn Liễu mỉm cười gật đầu. Nàng thấy lòng mình nao nao hơn bao giờ hết. Liễu nhè nhẹ bước vào trong.
Vũ xuống xe, đi thẳng vào trong sân, hỏi Hiền:
- Con đâu rồi em?
Hiền đáp:
- Dạ! Con đã ngủ rồi anh!
Vũ âu yếm:
- Em ngồi làm gì đó!
Hiền cúi đầu đáp nhỏ:
- Em đợi anh. Cô Liễu nói với em là anh sẽ tới.
Vũ chợt nhớ lúc nãy mình có thấy Liễu ngồi ở đây. Nàng lánh mặt chắc vì muốn để yên cho chàng và Hiền được tự do nói chuyện với nhau. Chàng ngồi xuống bên Hiền, nhưng không biết phải nói gì bây giờ. Hai người đã xa nhau lâu quá rồi. Chàng không hề nghĩ có ngày gặp lại Hiền trong hoàn cảnh ngang trái nầy. Lời chàng muốn nói ra cũng thấy không thật.
Hiền bận nghĩ đến cha mẹ Vũ nên khẽ hỏi:
- Anh đã về nhà chưa? Hay anh ở phòng mạch rồi sang đây?
Vũ giật mình:
- Không! Anh tạt qua nhà rồi chớ.
Hiền muốn hỏi thăm gia đình của Vũ nhưng sợ chàng hiểu lầm mình có ý thúc đẩy chàng, nên lại thôi.
Vũ bỗng nói:
- Anh thấy em ở đây cũng phiền cho bà cụ và cô Liễu, nên định tìm một nơi khác cho em ở tiện hơn.
Hiền ngước mắt nhìn chàng:
- Anh không định... thưa với ba má... sao?
Vũ ấp úng nói:
- Có chớ em, nhưng chưa tiện lúc này. Anh muốn em tạm ở riêng một thời gian.
Hiền không hề có ý nghi ngờ tấm lòng của Vũ, nên cúi đầu nói:
- Dạ. Anh tính thế nào cũng được. Em chỉ mong mỏi một điều là con được gần cha.
Vũ cảm động nắm lấy bàn tay lạnh giá của nàng. Hiền ngả đầu vào ngực Vũ. Sự cô đơn nhiều năm đã khiến nàng tha thiết được hưởng những giây phút êm đềm bên cạnh người yêu. Hương vị yêu đương ngày nào như bừng sống dậy trong lòng Vũ. Chàng cúi xuống hôn lên mái tóc của Hiền.
Đôi Mắt Người Xưa Đôi Mắt Người Xưa - Ngọc Linh Đôi Mắt Người Xưa