Số lần đọc/download: 1745 / 23
Cập nhật: 2016-12-10 10:33:18 +0700
Giới Thiệu
T
akeyama Michio sinh năm 1903 và hai mươi ba năm sau tốt nghiệp đại học Hoàng gia Tokyo, chuyên về văn chương Đức. Sau một thời gian dạy học ở Tokyo, ông rời Nhật Bản qua châu Âu du học.
Tên tuổi Takeyama nổi bật trong giới nhà văn Nhật Bản, sau đệ nhị thế chiến, nhờ những bài phê bình văn học đầy những nhận đinh xác đáng và lý luận đanh thép. Ông trở lại trường cũ năm 1949 và làm giáo sư tại đây ba năm. Ngoài ra, ông dồn hết cố gắng vào công việc dịch thuật những tác phẩm văn học Đức sang tiếng mẹ đẻ.
Cuốn Cây Đàn Miến Điện (Biruma no Tategoto), xuất bản năm 1946, đã đem lại cho ông giải thưởng văn chương do cơ quan báo chí Mainichi trao tặng.
Đây là một câu chuyện cảm động ghi những sinh hoạt của một đại đội binh sĩ Nhật Bản trong rừng nhiệt đới Miến Điện khi họ khám phá thấy rằng những thử thách trong chiến tranh còn cam go, gian khổ nhiều hơn là đương đầu với quân thù. Khí hậu không hợp, đất đai xa lạ, dân chúng khác biệt,tập quán đặc thù, cuộc vật lộn tục để chế ngự lòng nhớ quê hương và những cảm xúc do chiến tranh tạo nên đã biến một người bạn thân thiết thành một người xa lạ - tất cả đã kết hợp lại thành một cầu chuyện hấp dẫn, sinh động.
Cây Đàn Miến Điện là một câu chuyện về đệ nhị thế chiến; tuy nhiên, chủ đề của nó là chủ đề muôn thuở. Nhờ thế, với tình tiết hấp dẫn, lối kể hiện thực và lời văn đơn giản, kể từ khi ra đời, tác phẩm này đã lôi cuốn, thỏa mãn không biết bao nhiêu độc giả mà nói, ở trong cũng như ở ngoài nước. Ấy là chưa kể sự kiện nó đã được đưa lên màn ảnh và sân khấu.
Như tác giả quan niệm: chính vì thế hệ trẻ của dân tộc Phù Tang mà ông viết truyện này. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi xuất bản, tập truyện đã trở nên phổ thông ngay cả trong đám người lớn và đã được dịch sang tiếng Anh - đó là bản dịch của Howard Hibbett, xuất bản ở Hoa Kỳ năm 1966.
Bề mặt, Cây Đàn Miến Điện, hấp dẫn, ly kỳ, kể chuyện những người thanh niên thường dân biến thành lính tráng, dấn thân vào một cuộc chiến mà họ không hiểu rõ hoàn toàn, rồi phải trải qua bao nhiêu gian truân, bi đát, não nề.
Trong tập truyện chẳng thiếu yếu tố phiêu lưu, bi đát và hài hước - cả ba kết lại tạo thành một truyện chiến tranh đặc sắc. Song lẽ, như tác giả đã nói, ông hy vọng độc giả sẽ không bắt gặp một truyện chiến tranh phiêu lưu nào khác nữa ở Miến Điện. Nếu truyện này đạt được mục đích, ít nhất nó cũng khiến độc giả suy ngẫm; như vậy tác giả lấy làm sung sướng lắm rồi.
Các chiến sĩ Nhật Bản của chúng ta từ hải ngoại trở về quê hương là một hình ảnh đáng thương. Trông họ gầy gò, ốm yếu và mệt mỏi. Một số trong đám họ là những phế binh, mặt mũi nhợt nhạt, nằm trên băng ca.
Tuy nhiên, trong đám lính hồi hương ấy lại có một đại đội gồm những người vui tươi, hớn hở. Lúc nào cũng ca hát ngay cả những bài có nhiều đoạn khó hát, và họ hát rất hay. Khi tàu cập bến ở Yokosuka và họ đi lên bờ, những người ra đón họ lấy làm ngạc nhiên: Ai nấy cũng hỏi có phải họ đã nhận được khẩu phần phụ trội hay không, vì lẽ sao mà họ có vẻ vui tươi đến thế.
Những người này đã không có khẩu phần phụ trội, nhưng đã thực hiện cách ca hát tập thể trong suốt chiến dịch Miến Điện. Đại úy đại đội trưởng của họ, một nhạc sĩ trẻ tuổi vừa mới tốt nghiệp trường âm nhạc, đã đem hết nhiệt tình dạy chiến sĩ của mình ca hát ra làm sao. Chính sự ca hát đã giữ vững tinh thần họ qua những chán nản hoặc khó khăn, và đã thắt chặt họ lại với nhau trong tình bạn, trong kỷ luật, qua những năm chiến tranh dài đằng đẵng. Không có ca hát, họ sẽ chẳng bao giờ trở về quê hương tổ quốc với tinh thần cao như thế.
Một trong những chiến binh này đã kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây.