Số lần đọc/download: 0 / 5
Cập nhật: 2021-08-28 15:41:50 +0700
M
ỗi năm có khoảng chừng mười lần tôi nhớ đến Hoạt. Số lần nhớ tăng theo tỷ lệ thuận với số tuổi. Rõ ràng là càng lớn tuổi người ta càng hay nhìn về quá khứ, không phải vì thích nhìn mà dường như vì người ta bắt buộc phải nhìn.
Hoạt học chung lớp vỡ lòng với tôi. Trải qua một niên khóa, anh không có đặc điểm gì khiến tôi lưu ý. Có lẽ chỉ cái tên của anh là có đôi chút đặc biệt. Chúng tôi gọi là Quạt và liền trong óc hiện hình cụ thể ra một cái quạt. Thật tiện lợi và tự nhiên. Hồi đó người ta dùng cái quạt bằng giấy phất lên trên những cái nan tre xòe ra xếp lại gọn gàng. Những kép hát bội đóng vai nịnh thần sử dụng quạt nhiều nhất, hầu như thường xuyên có cái quạt trên tay. Cái quạt biến thành vũ khí tùy thân như thời nay cái súng đánh đai trên vai người lính. Khi cần bắt khán giả lưu ý đến câu nói của mình, tên nịnh thần thường vừa nói vừa duỗi tay mặt xòe cái quạt ra, còn tay trái thì vuốt râu. Mấy cô công chúa cũng hay cầm quạt. Khi đợi người tình lang phùng gân cổ vừa trợn mắt lên hát cho hết đoạn Nam đoạn Bắc của hắn, thì nàng công chúa lợi dụng cây quạt đang cầm tay để quạt cho đỡ nực. Khán giả đâu có lưu ý chê trách một cử chỉ phản nghệ thuật như vậy bởi chính nhiều khi có thấy nàng công chúa quạt mát trên sân khấu, khán giả mới bỗng chợt nhớ đến cây quạt cầm tay của mình và thế là cả rạp hát phấn phới những cánh quạt màu trắng như những cánh bướm hoạt động. Chúng tôi đứa nào cũng có những kinh nghiệm đi coi hát bội như vậy.
Ở nhà vườn người ta dùng mo cau để cắt thành quạt. Đó là thứ quạt bền nhất, khi ngủ quên tha hồ nằm lăn lên trên và khi giận con thì trở cán mà vụt, vụt chết thôi, không sợ rách, không sợ gãy. Những người nghèo không có cây cau mọc trong vườn, không có cái vườn để cây cau mọc thì qua mùa Hè khi gió Nam tạt hơi nóng vào mặt, họ đi lượm những bẹ tre ở các bờ tre làng. Lúc bấy giờ những cây măng đã mọc cao và đốt nào vừa già đủ sức chịu đựng nắng gió thì vội cổi bỏ cái bẹ bấy lâu nay vẫn che chở nó. Các cái bẹ rớt lang thang trên mặt đường đi, được lượm lên, đem về nhà dùng dao vanh cắt thành hình quạt.
Cả một hệ thống quạt như thế dành cho sự liên tưởng của tôi.
Sau này khi lên đến lớp Tư, Hoạt dẫn một đứa em của anh đến xin học. Tên nó là Bác. Chúng tôi sắp sửa liên tưởng đến “cái chén”, - chúng tôi là dân miền Nam nên chuyên môn đọc sai những chữ tận cùng bằng T, C, có G và không G, - thì thầy giáo gật gù bảo Hoạt:
- Ai bày cha mày đặt tên là “Hoạt bát”?
Hoạt lí nhí:
- Dạ thưa thầy con không biết.
Thầy quay lại chúng tôi:
- Đố các trò “Hoạt bát” là gì?
Nhiều đứa rúc rích cười thích thú nhưng không dám giơ tay xin nói. Chắc đứa nào cũng có một lối giảng nghĩa như nhau. Đợi lâu không thấy đứa nào xung phong, thầy chỉ ngay thằng Lăng.
Lăng đứng dậy:
- Dạ thưa thầy là mình quạt cho Bác mình, là trời nóng Bác mình sai mình quạt cho ổng mát…
Cách giải thích thật bất ngờ, và “ông Bác” thì cũng cụ thể dễ tưởng tượng như “cái chén” nên cả lớp cười rộ lên. Thầy cũng cười theo.
- Các trò dốt. “Hoạt bát” là chữ Nho. Nghĩa là ăn nói trôi chảy, ai hỏi đâu trả lời đó.
Hoạt không ăn nói trôi chảy, thông thạo như y nghĩa của cái tên anh. Thầy kêu lên đọc bài thì anh cà kê chỉ một câu đầu, lặp lại mỗi chữ đến năm, bảy lần rồi đứng khựng. Lúc bấy giờ ngón tay cái của anh làm việc tay cái lưỡi. Anh thọc ngón tay vào lỗ bàn chỗ dành gài gô-đê (1) mực và cứ thọc vô rút ra. Thầy hỏi:
- Ai biểu mày nạo lỗ gô-đê?
Anh ngước mặt lên ngớ ngẩn hỏi:
- Dạ? Dạ thầy sai con nạo cái gì?
Trời ơi! Ngu ơi là ngu! Đến giờ chơi chúng tôi bao vây anh để hành hạ tiếp.
- Hồi nãy thầy sai anh nạo cái gì vậy?
- Tao đâu có biết? Ổng nói tao không nghe, tao hỏi lại ổng không nói.
- Chiều nay mà anh không nạo xong thì chết anh.
- Tao biết nạo cái gì?
- Sao không hỏi lại cho rõ?
- Hỏi rồi mà không nói.
- Kệ anh. Chiều nay bị đòn kệ xác anh.
Chiều đó Hoạt trốn học. Thầy sai bốn anh sức vóc lực lưỡng đến nhà bắt. Tìm khắp nhà trên tìm xuống nhà bếp. Mẹ anh nói:
- Uở lạ. Nó có ôm sách vở đội mũ xách ve mực đi học rõ ràng mà. Chớ đi đâu mà không tới trường?
Cha anh chậm rãi nói từng tiếng:
- Thằng nhỏ giấu vở đi chơi ở đâu rồi be. Chắc theo lũ thằng Bạch thằng Trinh đi đánh trổng hay đi bắt chim.
- Ông mới đánh nứt đít hôm kia, chắc bữa nay không dám, - lời mẹ anh.
- Nó sợ ai mà không dám?
Xem chừng cuộc đối thoại dài nhằm không giúp ích gì cho cuộc sưu sách phạm nhân, bốn vệ sĩ đi lần ra sân sau, lục lọi từng bụi chuối, từng đống củi. Vẫn không tung tích. Bốn người thả bộ về chuồng bò. Con Xe con Pháo nghểnh cái mặt dài đuỗng lên ngó, miệng ngồm ngoàm nhai, đuôi quất lia lịa lên sườn lên lưng.
- Thằng này coi vậy mà biến hóa như thần, - một đứa nói.
- Nó dám biến làm con ruồi lắm. Hồi hôm dượng Năm tao đọc truyện Tây Du cho bà Nội tao nghe có đoạn ông Tề Thiên biến làm con muỗi, - một đứa trả lời.
- Biến làm con bò chắc ăn hơn. Biến làm con ruồi con muỗi, lỡ con bò nó quất đuôi trúng một cái chết nhăn răng.
Miệng nói mắt dòm, tay cầm cây củi đập vu vơ lên cây róng chuồng bò, lên đống rơm để dành bỏ cho bò ăn.
Chợt đống rơm vùng dậy. Một bóng đen vụt trồi lên. Anh Hoạt. Rơm dính đầy đầu, rơm ghim đầy áo, anh phóng một sải rồi chạy u một mạch vượt vuông sân, vượt luôn đám đất xanh um những vồng khoai lang, nhảy thoát qua bờ rào, biến mất. Những cọng rơm bị phủi bay còn lượn lững lờ trước khi rơi xuống đất. Anh Khóa, một vệ sĩ giật mình đứng khựng.
- May thằng này không có võ. Nếu không thì nó đã cho tao một đá, bể bong bóng để chạy thoát thân.
- Mày dở quá. Chớ cây củi cầm trên tay làm chi? Phang cho nó một đòn.
Đại để đó là những kỷ niệm Hoạt đã gởi lại trong trí nhớ của tôi.
Sau khi học xong hết lớp Tư thì chúng tôi xa cách nhau. Tôi lên trên trường Phủ, trường Tỉnh học tiếp còn Hoạt thì trở về nhà thừa kế công việc của cha anh để sau này tiến lên thay thế.
Sau đó chừng bốn, năm năm, một hôm không nhớ đang nói chuyện gì bỗng một người bạn nhắc đến Hoạt. Giọng nói đang to chợt nhỏ đi, thì thầm như một tâm sự.
- … nó bị phung.
Không ai được chuẩn bị để nghe tin đó nên ai nấy đều có cảm tưởng mình vừa rùng mình. Chừng như người ta có quyền mắc một trăm thứ bệnh khác, điều đó không khiến ai ngạc nhiên, chứ bệnh phung thì không thể tưởng tượng được.
- Cha nó phải dựng một cái chòi ở giữa đám dưa hấu ngoài soi để giấu nó ngoài đó, - lời người bạn kể. Nhưng lâu ngày rồi cũng bị lộ. Có người đâm đơn xuống Huyện. Nhà nước tới bắt chở đi…
Không ai tìm hỏi xem “Nhà nước” là cơ quan nào và anh bị chở đi đâu. Cái tai họa lớn quá, quá tầm lo lắng của sức người nên ai cũng chỉ nghe rồi chép miệng rồi thôi. Y như khi nghe tin một người đã từ trần. Chắc chắn không ai hỏi xem linh hồn người đó đang đi về hướng nào, Thiên đường hay Địa ngục. Sức người dừng lại ở hơi thở hắt ra, bất lực đầu hàng và tiếp sau đó là phần việc của Phật, của Chúa, của Allah. Coi như là chúng tôi đã trao việc vào tay của Thượng đế rồi vậy.
Năm tháng dần trôi, những người bạn của tôi và tôi đều lớn lên, đứa nào cũng được quây quần bởi một gia đình, như cây keo, cây me, cây sầu đông khi đứng tuổi sức vóc vững vàng thì bao giờ cũng có nhiều cây con đứng xúm xít xung quanh. Có những cây con mơn mởn vượt cao ngang tầm ngực của cây mẹ, - mười tám, hai mươi tuổi rồi đó, - có những cây mảnh mai yếu đuối rụt rè chìa được đôi cành, - chín, mười tuổi, - và có những cây mới nhú từ mặt đất, nhỏ nhoi ngơ ngác. Tôi thấy đứa bạn nào cũng trở nên nghiêm trang và nhiều đứa nghiêm trang một cách thái quá đến độ buồn cười. Đứa nào cũng đột nhiên tăng giá trị, thứ giá trị được dán thêm do những đứa con mang lại. Thằng Phong có đứa con đầu lòng làm tới Đại úy công binh. Nó không cần phải tham nhũng mà nhà đầy xi măng, đầy sắt. Đứa con út của nó khi mặc quần đùi thì để lộ cặp chân to và đen, vạm vỡ như cặp chân voi. Thằng Lào có hai người rể, một tên làm Quận trưởng, một tên làm Thiếu úy Trợ y. Vân vân. Được “Dạ” bởi những sĩ quan và cán bộ Hành chánh như thế, được nể nang bởi những bắp thịt hùng hậu như vậy, được đặt lên trên đầu của lũ cháu nội cháu ngoại, các người bạn may mắn của tôi thật có dư lý lẽ để hãnh diện. Những lúc đó tôi nhớ đến Hoạt. Sao bao nhiêu khổ đau lại chỉ dành cho anh? Bao nhiêu nhức nhối vật chất, giá lạnh tâm hồn lại dành tặng cho riêng một anh? Bây giờ anh ở nơi nào? Còn sống hay đã chết? Tôi có ý nghĩ là anh đã chết rồi, quằn quại nhiều ngày trên giường bệnh, cô đơn hơn bất cứ một người hấp hối nào. Sự xót thương và những ý nghĩ đó in sâu vào óc tôi đến nỗi có lần gặp cha mẹ anh mà tôi không hề dám hỏi tin tức anh. Thậm chí gặp bạn bè mà tôi cũng không dám hỏi nữa. Tôi sợ phải nghe một câu trẻ lời, chẳng hạn: “Nó chết hơn hai mươi năm nay rồi mà mày chưa biết!” Lúc đó tôi sẽ thấy mình là tên vô nghĩa bạc tình và tôi đành tìm một lẽ để bào chữa: Có biết được sự thực hay không cũng vô ích. Nó không giúp đỡ cho anh được chút nào. Còn đối với cha mẹ anh thì chỉ khơi một mối buồn. Tốt hơn hết là để cho quên đi.
Vì quả thật vậy, mỗi lần gặp mẹ anh, tôi có cảm tưởng như bà đang âm thầm nghĩ đến đứa con bất hạnh của bà. Trên vai bà thường có một gánh nặng, lúc thì một gánh bông, lúc thì anh gánh đường và bà lầm lũi bước, mắt nhìn xuống đất. Tôi không lần nào gặp bà đứng nói chuyện với ai để được nhìn một nụ cười làm tươi ánh mắt. Mà dường như thường trực đó là một khuôn mặt đăm chiêu, cằn cỗi, đối thoại âm thầm với mặt đường sỏi đá, xơ xác cỏ khô.
Anh có một người em gái nước da ngâm đen nhưng có sắc đẹp mặn mà. Hai đường chân mày dài và cong che một đôi mắt đen mở rộng. Cái mũi thẳng và đôi mắt sắc sảo. Vài đứa bạn của tôi mê người em gái anh và tôi không hiểu khi ngồi kề cái khuôn mặt xinh xắn đó, cầm hai bàn tay mảnh mai đó, họ có liên tưởng đến khuôn mặt và bàn tay của anh chăng? Riêng tôi thì sau khi xa cách anh chừng năm, bảy năm tôi quên dần những nét trên khuôn mặt anh để dần dần thay vào đó bằng những nét của cô em. Dường như có một sự tranh giành nào đó, một sự thỏa nhượng nào đó, một sự xê dịch lặng lẽ của hai khuôn mặt nhằm thay thế và phản ứng lại sự thay thế. Có khi hai khuôn mặt hiện ra chập chờn và cuối cùng bao giờ tôi cũng nghiêng về cô em của anh hơn, đôi con mắt đen và hai đường chân mày dài thu hút dần tâm hồn của tôi.
Gần đây do một ngẫu nhiên mà tôi được tiếp xúc với một sư huynh quản đốc một viện bài cùi.
- Bệnh cùi, - lời vị sư huynh, - chúng tôi chữa lành được. Có nhiều bằng chứng cụ thể, có những tấm ảnh chúng tôi còn giữ lại để làm tài liệu, tấm ảnh chụp người bệnh khi nhập viện và khi xuất viện.
Tôi dè dặt trong cuộc đối thoại:
- Người ta nói rằng thuốc Sulfon chỉ giữ cho bệnh không tăng thêm chứ chưa thể…
- Không phải vậy. Tôi lấy mấy trường hợp này coi như là cụ thể nhất: có mấy sĩ quan đang chiến đấu thì bị phát giác là mắc bệnh. Thử máu, đúng là có vi trùng. Cho nhập viện để chúng tôi chữa. Sau sáu tháng hay một năm, hay hai năm, tùy bệnh nặng nhẹ, họ lành mạnh trở lại. Thử máu, thấy hết vi trùng, chúng tôi trả họ lại cho đơn vị và hiện họ đang tiếp tục đánh giặc.
- Chắc phải thử máu rất nhiều lần mới có thể kết luận…
- Tôi hiểu sự hoài nghi của ông. Cố nhiên là khoa học có nhiệm vụ và có khả năng đi tới không ngừng và như vậy nghĩa là ở chặng đường nào chúng ta cũng chỉ biết được sự thật tương đối. Thôi, tôi xin đưa những trường hợp khác, những sự thật nó nhảy thẳng vào mắt mình không cần viện dẫn đến kiểm chứng khoa học. Có một nữ bệnh nhân khi nhập viện thì bệnh đã tàn phá cơ thể, lở lói cả lưng và trạng thái suy nhược đến nỗi chị ta đã xin dọn mình để chết. Chúng tôi nhẫn nại chữa. Kết quả là hôm nay chị đã khỏe mạnh và hiện chị gánh đôi thùng nước chạy vù vù. Hôm nào mời ông qua Viện, tôi xin giới thiệu cho ông gặp:
- Nếu được biết sự công hiệu của thuốc chữa như vậy thì chắc những người mới mắc bệnh không đến nỗi vừa trốn tránh vừa tuyệt vọng như chúng ta vẫn nghe nói.
- Vâng, họ trốn tránh vì họ không biết là chúng tôi chữa lành được bệnh. Có người mắc bệnh cứ nằm trốn trên lầu. Tôi tới tìm gặp khuyên nên đến với chúng tôi để chúng tôi lo chạy chữa săn sóc cho thì tôi bị mắng tơi bời. Bệnh nhân nói rằng chúng tôi vu khống để làm hại uy tín của họ, rằng những vết sần sùi trên mặt trên tay chỉ là kết quả của chứng đau gan mà họ đang chữa. Cố nhiên là chúng tôi phải hết sức nhẫn nại trong việc thuyết phục.
- Trong khi đó thì có những bệnh nhân lén bỏ Viện trốn đi…
- Số đó vẫn có. Ngoài những nguyên nhân tâm lý dị biệt còn có nguyên nhân này dễ giải thích: đó là thuốc Sulfon khi mới uống thì nó hành hạ bệnh nhân dữ lắm. Phải trì chí, phải chịu khó… Nhiều người sau khi chữa lành bệnh không muốn dời viện về nhà. Họ ở lại giúp tay chúng tôi, xây dựng gia đình và họ sinh những đứa con khỏe mạnh xinh xắn.
- Những thành công tốt đẹp trong việc chữa bệnh cùi như vậy, đáng lẽ phải được phổ biến rộng rãi cho nhiều người biết, cho những người lỡ mắc bệnh biết mà tin tưởng, cho những người chưa mắc bệnh biết mà an tâm. Cổ nhân ta bảo rằng “Phong, lao, cổ, lại tứ chứng nan y”. Tuy nói là “nan y” nhưng có thể coi như là “tuyệt vọng”.
- Chúng tôi có một nguyệt san để phổ biến những kinh nghiệm và những thành quả chữa bệnh của Viện chúng tôi. Có một buổi phát thanh ở đài Vô tuyến truyền thanh địa phương.
- Tuy vậy nhưng dường như sự phổ biến không được rộng bao nhiêu. Người ta vẫn còn giữ những ngộ nhận về bệnh cùi, nhất là cái số phận bi thảm dành cho những bệnh nhân vào thời Trung cổ mà các cuốn sử Tây phương đã chép lại. Tôi nhớ hình như các bệnh nhân thời đó phải che trại ở trên núi và mỗi lần cần phải di chuyển thì tự họ phải rung chuông đánh kiểng cho những ai vô tình ở gần đó phải chạy lánh đi. Hãy tưởng tượng bao nhiêu nỗi cô đơn, bao nhiêu khổ đau tinh thần họ phải nếm hàng ngày ngoài những khổ đau vật chất.
- Vì vậy cho nên việc tập trung sống vào một nơi, cạnh những người đồng cảnh ngộ và cạnh những người chạy chữa và giúp đỡ họ, việc đó an ủi tinh thần của họ nhiều lắm. Thỉnh thoảng có những cá nhân đồng bào hay đoàn thể tư nhân tới thăm và giúp đỡ bằng tiền bạc hay phẩm vật. Có những đoàn thanh niên du ca tới trình diễn ca nhạc để cho họ giải trí.
- Tôi tưởng người ta có thể làm hơn…
- Có vậy. Ông Raoul Follerau đã nhiều lần kêu gọi lương tâm nhân loại. Chỉ cần tiết giảm chiến tranh là có dư tiền để biến cải cuộc đời những người cùi trên thế giới, những người mắc các chứng bệnh hiểm nghèo khác, những người nghèo nàn. Ông kêu gọi các nước hãy góp số tiền chiến phí một ngày để cứu bệnh, cứu đói và cứu khổ. Một ngày chiến phí tối thiểu là năm trăm triệu đô la. Để tiền mua một hàng không mẫu hạm, người ta có thể nuôi sống 400.000 người trong một năm. Để tiền sắm một chiếc tàu ngầm, người ta có thể mua 50.000 tấn thịt phát cho người đói. Để tiền trang bị cho một sư đoàn thiết giáp, người ta có thể xây 32.000 căn nhà, mỗi căn có 4 phòng.
- Lời kêu gọi đó đã được hưởng ứng?
- Hiện đã có một triệu rưỡi chữ ký của thanh niên 105 nước ủng hộ, mười ba vị quốc trưởng, 29 chính phủ tán thành. Không sớm thì muộn, nhân loại cũng sẽ có ngày chợt tỉnh.
- Công cuộc của Viện ông phải được quảng đại quần chúng biết và góp phần giúp đỡ. Ai cũng có thể mắc bệnh cùi. Tưởng tượng rằng một ngày kia mình lỡ mắc phải bệnh và những người xung quanh mình sẽ đãi ngộ mình với con mắt nào, cho dù là những người thân yêu nhất của mình! Tôi nghĩ rằng ai cũng mềm lòng trước những đồng bào ít may mắn đang gánh chịu những tai họa thay cho mình.
Vị Tu sĩ cười:
- Ông còn ngây thơ. Cũng có người biết trực tiếp lợi dụng chúng tôi. Những phẩm vật, những máy móc do các cơ quan từ thiện quốc tế viện trợ…
Tôi không đủ can đảm nghe hết câu. Cái điệp khúc đó quen thuộc quá như những hành khúc buổi sáng có “Tiến lên nào! Nào vùng lên! Hăng hái xông pha! Anh em ta cùng tiến lên!” Tôi không muốn câu chuyện lại sang mục tham nhũng. Đã có chính phủ, báo chí và đài phát thanh nói tới nhiều rồi. Tôi đang vui vẻ vì loài người có những Raoul Follereau, những Fromm, Wittmann đã khổ công tìm ra DDS… Tôi đang vui vì có những mùa xuân học sinh bỏ lệ ăn liên hoan để lấy tiền giúp đồng bào bệnh nhân ở viện bài cùi. Tôi nghĩ đến vô số những trừng Tiểu học, những trường Trung học trong toàn quốc. Nếu các em đều dẹp bỏ những cuộc ăn uống không cần thiết như vậy! Nếu những người lớn cũng dẹp bỏ những món xài phí vô ích, những cành đào cành mai giá đến mười ngàn đồng, những vé thượng hạng một ngàn năm trăm đồng đi xem Đại nhạc hội có vũ khúc sexy, có trình bày Hoa hậu thời trang.
- Nhân loại rồi sẽ có ngày chợt tỉnh, - vị tu sĩ lẩm nhẩm nói.
Tôi nghĩ đến Hoạt liền ngay lúc đó và những ngày sau đó. Sao anh sinh ra đời chi sớm những ba mươi năm? Có gì đâu để mà vội vàng? Anh đã hưởng được gì ở cuộc đời? Nghe một tiếng chim tu hú vào đầu mùa Hè, ngửi một mùi thơm của hoa mù u trong buổi chiều, nhìn những con chuồn chuồn đảo lộn trên nền trời sau cơn mưa… những niềm vui đó quá nhỏ so với nỗi khổ đè nặng của anh. Giá cứ thong thả, giá cứ đến chậm chậm một chút để kịp cho nhân loại dọn dẹp bớt những khổ não. Giá anh sống lùi lại ba mươi năm, năm mươi năm thì anh sẽ cởi bỏ được dễ dàng niềm đau thân xác, chận đứng và xóa đi những vết tàn phá. Dẫu hết sức lạc quan, tôi cũng không mảy may hy vọng anh sống sót đến ngày hôm nay, cho nên mặc dù tôi có thể nhờ tra cứu sổ bộ xem anh đã sống ở viện bài cùi nào, bệnh chứng của anh tăng giảm như thế nào trong những năm xa xôi của dĩ vãng, tôi cũng thấy tôi nên tự ngăn cản mình đừng quấy rầy những cuốn sổ đã nằm im dưới nhiều lớp bụi. Trong cuộc sống trần gian, giữa những đau đớn vật chất và tinh thần, chắc chắn anh không thể nào nghĩ rằng tôi lại có nhiều hồi ngồi nhớ đến anh. Anh tưởng mọi người đã quên anh rồi, trừ cha mẹ và cô em gái, trừ những người bà con và láng giềng trực tiếp của anh. Anh có ngờ đâu rằng anh vẫn hiện diện đó trong tâm hồn tôi, lúc thì nhường chỗ cho những hình bóng khác, lúc thì độc chiếm trọn vẹn, anh, cái dáng ngây thơ âu sầu của những ngày nhỏ dại chừng như không thay đổi, không hề thay đổi bởi bệnh tật và thời gian.
Chú thích
(1) gô-đê: cái lọ mực có vành miệng lớn (tiếng Pháp: godet)