"We humans have lost the wisdom of genuinely resting and relaxing. We worry too much. We don't allow our bodies to heal, and we don't allow our minds and hearts to heal.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Park Jin Sung
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1818 / 31
Cập nhật: 2017-08-04 14:03:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Nhật Ký Buồn 04
au khi đi học về, tôi thấy Eun Soo đang nằm ngủ còn bố tôi thì đang ngồi ăn mì tôm cạnh đó. Toàn thân tôi như nóng bừng lên khi nhìn thấy Eun Soo đang nằm co quắp ngủ ở một góc phòng nơi có nhiều chai rượu vất chỏng chơ. Tôi chạy lại đánh thức Eun Soo dậy nhưng thay vì trả lời tôi, em chỉ khẽ rên rỉ.
“Bố ơi, hình như Eun Soo bị ốm. Người nó nóng như có lửa đốt ấy”. Thay cho câu trả lời, bố rót rượu vào cái bát inox rồi đưa lên miệng uống sau đó nhìn tôi bằng đôi mắt đỏ ngầu. Xem nào, có thể nói là lúc đó ông ấy đang sống được không nhỉ? Nếu đếm tuổi thì hồi đó ông ấy đã ba mươi mấy rồi còn gì... Nhưng tôi biết từ cái khoảnh khắc tôi được sinh ra trên cõi đời này, tôi đã chẳng có bất kỳ một chút tình cảm gì với ông ấy, thậm chí tôi đã coi ông ấy như một ác ma rồi. Nhưng giống như là ở với ác ma trong địa ngục đã lâu nên tôi đã học được nhiều mánh khóe.
“Bố ơi con sẽ đi mua rượu cho bố, chẳng phải là bố đã hết rượu rồi đấy thôi. Ở chỗ cửa hàng đằng kia có bán...”
Bố ợ to một tiếng như mấy con thú vừa kêu rồi móc trong túi quần ra một tờ 500 won dính đầy mồ hôi lẫn nước tiểu và ném về phía tôi. Tôi vội chạy đi. Lúc đó tôi chỉ nghĩ một điều duy nhất là tôi phải chạy nhanh đi mua viên thuốc cảm cúm mà ngày xưa đã có lần tôi thấy mẹ tôi uống. Trời đã tạnh mưa và ánh nắng của mùa xuân như đang chan hòa khắp cả thế gian. Cái ánh sáng màu xanh non tơ mà tôi đã nhìn thấy trên đường chạy đến hiệu thuốc lúc ấy, không hiểu sao đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in. Cũng như sau đó mỗi khi mùa xuân đến, khi nhìn lên những ngọn núi phủ đầy các loại cây lá màu xanh, lòng tôi lại dâng lên một nỗi buồn khó tả. Tôi nhớ lúc chạy đi mua thuốc, tôi còn nhìn thấy những người cùng làng đang làm mạ ở cánh đồng phía xa xa. Tôi đã mua thuốc cảm cúm cho Eun Soo bằng số tiền đó rồi trở về nhà.
Bố đã trừng mắt lên khi nhìn thấy những viên thuốc cảm cúm trên tay tôi. Bố đã cướp những viên thuốc ấy rồi bắt đầu đánh tôi. Bố ném mạnh cái bát inox đi rồi túm lấy tay tôi và ném tôi xuống sàn nhà. Nếu không phải vì Eun Soo thì chắc có lẽ tôi đã chạy trốn từ lâu rồi. Dù không biết sẽ phải đi đâu, ở đâu nhưng chắc chắn một điều là tôi sẽ chạy trốn khỏi nơi này. Sau mỗi nắm đấm của bố, tôi lại thấy xây xẩm mặt mày cứ như là có pháo hoa đang bay trước mắt tôi vậy. Rồi sau đó tôi đã bị ngất đi nên chẳng còn biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy tôi thấy bác hàng xóm đang cho tôi và Eun Soo ăn canh đậu tương. Bác còn cho Eun Soo uống một liều thuốc tán do một bà lão ở làng bên làm. Tôi nghe tiếng của mấy bác hàng xóm đang xì xào bàn tán gì đó ngoài sân, còn bố tôi hình như vẫn đang say rượu chẳng biết gì hết.
Eun Soo đang nằm đắp chăn ngủ ở phòng trong nơi đã được bác hàng xóm dọn dẹp sạch sẽ. Có tiếng rên rỉ nho nhỏ như tiếng gọi mẹ phát ra từ miệng Eun Soo. Tôi chẳng muốn nghe chút nào. Vì thật ra tôi cũng đang muốn gọi mẹ. Tôi muốn hỏi mẹ tại sao mẹ lại bỏ anh em tôi lại mà ra đi? Rồi mấy đêm nữa lại trôi qua. Khoảng đến ngày thứ tư, lúc tan học về tôi chạy vào xem Eun Soo thế nào thì thấy em đã hạ sốt hẳn. Mấy sợi tóc màu đen bết đầy mồ hôi bám chặt vào trán Eun Soo. Một lúc sau Eun Soo từ từ mở mắt ra và nói:
“Anh ơi, sao nhà mình nhiều khói thế, khói ở đâu ra mà nhiều thế hả anh?”
Rồi sau đó, có một lớp màng màu trắng cứ bám lấy quanh mắt của Eun Soo làm cho đôi mắt ấy mờ dần đi, rồi đến một ngày không còn nhìn thấy gì nữa. Eun Soo đã bị mù.
4.
Tôi đã nhìn thấy cô Mônica từ xa. Trông có vẻ như cô đang giận tôi thì phải. Tôi đã đến trễ hẹn với cô gần ba mươi phút. Vừa dừng xe ở gần cửa ga tàu điện ngầm Government complex Gwacheon, tôi đã thấy cô vội vã chạy lại, trên tay cô đang ôm một gói đồ gì đó rất to. Không biết có phải là do trời đang quá lạnh hay không mà tôi cảm giác có một luồng hơi lạnh giống như người ta vừa mở cửa tủ lạnh, đang tỏa ra từ cái khăn choàng đầu màu đen của cô. Môi của cô trông cũng hơi tai tái nữa.
“Tại quần áo... tại cháu không biết là nên mặc bộ nào. Nếu biết trước hôm nay phải đi đến trại giam thì có lẽ cháu đã mua sẵn một bộ quần áo nữ tu rồi. Tại cháu cứ phân vân không biết là nên mặc cái gì nên mới đến muộn thế đấy. Giá cô có điện thoại di động thì tốt biết mấy... Đến cả mấy ông sư với mấy ông cha dạo này đều có xe ô tô riêng... Chẳng phải có một xe ô tô riêng thì rất tiện lợi đó sao!”
Tôi nói vậy để biện minh cho việc mình đến trễ. Nhưng cô chẳng nói một câu nào. “Mà cháu đã bảo là để cháu đến tận tu viện đón cô rồi, thế mà cô cứ ương ngạnh không đồng ý”.
Tôi thường đùn đẩy trách nhiệm cho người khác như thế mỗi khi tôi thấy mình đã làm sai một việc gì.
“Những người ở đó đã phải đợi cô suốt một tuần rồi đấy. Trong vòng một tuần họ không được gặp mặt bất cứ một người nào. Vì cháu mà họ đã mất đi ba mươi phút vô cùng quý giá trong cuộc đời đấy cháu có biết không. Với cháu thì...!”
Cô đang nói thì tự dưng nghẹn lại, có lẽ do cô đang giận quá. Cô nuốt nước bọt rồi từ từ nói tiếp.
“... Với cháu thì ba mươi phút đó chẳng có giá trị gì thậm chí có thể vất bỏ vào thùng rác cũng được, nhưng với họ thì khác, ba mươi phút đấy cũng có thể là ba mươi phút cuối cùng họ còn được sống trên cõi đời này. Ngày hôm nay trôi đi thì không biết lại có ngày nào như ngày hôm nay nữa cho họ hay không. Ngày hôm nay trong số họ có cả những người chỉ được sống hết ngày hôm nay thôi đấy, cháu có biết không?”
Giọng cô nghẹn ngào chùng xuống nhưng nghe vô cùng dứt khoát. Cái câu: “Ba mươi phút đó với cháu chẳng có giá trị gì thậm chí có thể vất bỏ vào thùng rác cũng được” nghe như đang bị nghẹn lại ở nơi cổ họng. Mà dù là trước kia chính tôi đã nói tôi sống bừa bãi, phung phí thời gian vô ích, nhưng việc cô vịn vào chuyện này rồi nói tôi như thế thì đương nhiên tôi cũng chẳng cảm thấy vui vẻ gì. Thôi, do tôi trễ hẹn với cô nên tốt nhất là tôi chịu nhịn vậy. Dù sao hôm nay cũng là ngày đầu tiên tôi đi theo cô ra ngoài. Nhưng chắc hôm nay cũng chẳng phải là một ngày vui vẻ gì với tôi. Cái câu “vất bỏ vào thùng rác” chính là câu mà tôi đã từng nói, nhưng việc cô dùng câu ấy để nói lại với tôi với một thái độ nghiêm trọng như thế này thì có lẽ đây là lần đầu tiên. Hay do cô già rồi nên cô trở nên khó tính nhỉ. Tôi nghĩ thầm.
Thông tin cô hay đến thăm phạm nhân ở trại giam sau khi cô trở thành nữ tu, tôi cũng đã đọc được trên báo từ trước khi tôi đi Pháp. Đó là ngày anh Hai tôi hiện đang làm công tố viên, nhận được điện thoại của mẹ bảo là bị đau đầu vào sáng sớm, nên anh phải về nhà ngay xem bệnh cho mẹ. “Cô Mônica lên báo này...” - Anh Hai vừa nói vừa mở tờ báo đang cầm trên tay ra cho tôi xem. Đó là một tờ báo tiến bộ chuyên đăng các mục người tốt việc tốt, nếu không phải anh Hai - người hay đọc mấy chuyên mục ấy, chắc chẳng ai trong gia đình tôi biết được việc cô đã lên báo cũng như trở thành người nổi tiếng. Cứ mỗi sáng, vừa ngủ dậy là mẹ lại “chào buổi sáng” bằng cách gọi ầm ĩ cũng như mắng nhiếc chị giúp việc đến um cả nhà lên. Sáng hôm đó cũng vậy, sau khi mắng nhiếc không tiếc lời chị giúp việc xong, mẹ tiến đến bàn ăn và ngồi xuống. “Hình như là cô Mônica đi gặp những người tử tù” - Anh Hai vừa nói dứt lời thì mẹ bảo: “Vĩ đại thật, trở thành nữ tu thì chí ít cũng phải hy sinh như thế chứ. Vĩ đại quá! Mà con đã đặt lịch hẹn cho mẹ ở khoa thần kinh chưa? Chắc mẹ phải đến đó kiểm tra thôi. Không hiểu trong đầu mẹ có cái gì mà đau quá đi mất, đau phát điên lên được, đêm qua mẹ có chợp mắt được tí nào đâu. Cái loại thuốc lần trước con đưa cho mẹ uống ấy hình như chẳng có tác dụng gì. Mà cứ uống mấy viên ấy vào là y rằng sáng hôm sau mẹ không thể trang điểm được. Không thể uống thêm mấy loại thuốc không tốt cho sức khỏe như thế được nữa, không ngủ được nên mẹ thấy mình già đi nhanh quá, da dẻ cũng sạm đi...”. Anh Hai vốn ít nói nên khi nghe mẹ nói xong anh cũng chẳng phản ứng hay nói thêm bất cứ một câu nào. Còn tôi cứ mặc kệ mẹ tôi thích nói gì thì nói, tôi ngồi im ăn ngon lành món bánh mì bí ngô kẹp rau và thịt nướng lẫn xúc xích. Chợt tôi và anh Hai tình cờ cùng nhìn nhau. “Mẹ đừng lo lắng quá như thế mẹ ạ, chẳng phải mẹ đã đi kiểm tra mấy lần rồi mà không có dấu hiệu bất thường nào đấy sao”. Thấy anh Hai không hề cảm thấy mệt mỏi với cái kiểu hơi tí là lo lắng thái quá của mẹ mà ngược lại anh còn nói với mẹ bằng một giọng điệu nhẹ nhàng tràn đầy yêu thương nên tôi cũng góp lời: “Anh ấy nói đúng đấy. Y học hiện đại làm sao đọc được những hệ thống cấu tạo thần kinh tinh tế và phức tạp trong đầu mẹ cơ chứ? Thế nên chẳng còn cách nào khác đâu mẹ ơi, mẹ cố chịu mà sống đi...”. Và tôi còn nhớ bữa sáng hôm đó đã kết thúc bằng những câu la hét om sòm của mẹ. Buổi sáng của gia đình chúng tôi thường bắt đầu như vậy. Khi mẹ nói tôi nên bỏ cách ăn nói lếu láo ấy đi cũng như đừng có đi hát hò làm gì nữa cho xấu mặt gia đình, và: “Tốt nhất là mày nên ra nước ngoài đi du học một thời gian đi”. Tôi đã vui vẻ làm ngay theo ý ấy của mẹ. Vì lúc đó, tôi đã đi hát được hơn một năm cũng cảm thấy vô cùng chán ngán cuộc sống ấy, với lại nếu tôi đi khỏi ngôi nhà này một thời gian biết đâu tôi sẽ tìm được những buổi sáng thực sự bình yên. Và quan trọng hơn là tôi sẽ không phải chịu đựng thêm tính khí thất thường hay những câu nói khó nghe của mẹ.
“Cháu xin lỗi. Cháu sai rồi... Cháu xin lỗi mà...”
So với việc cố biện minh cho lỗi lầm của mình thì việc nói ra những câu ấy làm tôi thấy thoải mái và hạnh phúc hơn. Không biết sao tự dưng tôi lại có suy nghĩ như vậy, hay là do tôi sợ cô sẽ khóc chăng. “Nhưng có thật là cô định dẫn cháu đi gặp những người sắp bị tử hình đó không đấy... không phải chứ ạ? Không phải là cô bảo cháu đến đó rồi hát cho họ nghe bài Quốc ca đấy chứ?”
“Đúng là hôm nay chúng ta sẽ đi gặp những người đó đấy. Nếu cháu hát được bài Quốc ca thì hát cho họ nghe chứ, có lý do gì mà không làm được? Cái giọng hát cháu định vất bỏ vào thùng rác ấy, nếu được dùng đúng chỗ thì cũng tốt chứ sao. Đi đến ngã ba phía đằng kia thì rẽ trái”.
Cô Mônica đã nói vậy. Cô lại nói đến cái từ “thùng rác”. Không hiểu hôm gặp tôi ở bệnh viện cô đã ấn tượng với cái từ đó thế nào mà bây giờ cô cứ thích lấy ra để nói tôi như thế. Tôi thấy bực mình với cái kiểu nói chuyện ấy của cô. Tôi rẽ trái ở ngã ba như cô nói, và thấy một tấm biển có đề dòng chữ “Trại giam Seoul”. Nhưng so với việc phải trả lời những câu hỏi quái gở như: “Nói tóm lại thì việc làm cô tức giận là việc gì vậy?”, hay là: “Tại sao lúc đó cô lại nổi nóng? Hồi còn nhỏ cô có những suy nghĩ như vậy không?”. So với việc phải nằm ở khoa thần kinh bệnh viện nơi cậu tôi dẫn tôi đến, hoặc đến đây hát Quốc ca, nơi nào tốt hơn? Tôi cũng không biết nữa. Thôi đừng suy nghĩ cho phức tạp thêm vấn đề nữa, tôi tự bảo mình. Vì trại giam dù có thế nào thì chắc chắn nó cũng không vô vị nhạt nhẽo như ở bệnh viện.
Sau khi gửi lại chứng minh thư ở cổng bảo vệ, tôi và cô bước vào bên trong trại giam thông qua một cửa sắt. Từng cánh cửa sắt đóng sầm ngay lại sau khi chúng tôi vừa bước qua. Tiếng các vật dụng làm bằng sắt ở hành lang đập vào nhau nghe thật đáng sợ, thậm chí nó mang đến cho ta những cảm giác lạnh lẽo và rùng rợn. Tự dưng tôi cảm thấy có một cái gì đó rất lạ. Đến mãi sau này tôi mới biết, đó là do nhiệt độ ở nơi đây lúc nào cũng thấp hơn so với bên ngoài khoảng hai đến ba độ. Tất nhiên bây giờ đang là mùa đông nên khi vào đây tôi có cảm giác lạnh hơn so với bình thường một chút, nhưng nghe bảo là kể cả vào mùa hè thì nhiệt độ ở đây cũng luôn thấp như vậy. Và họ còn nói rằng nơi này lúc nào cũng lạnh vì vốn dĩ nó luôn chứa đựng sự u ám tăm tối. Chúng tôi lại đi qua một cánh cửa nữa và lúc nào cũng vậy, cánh cửa ấy đóng sầm ngay lại sau khi chúng tôi vừa bước qua. Tôi cảm giác rằng chẳng hề có một chút dấu vết của con người hay của sự sống ở dãy hành lang dài hun hút này. Ở tít tận góc đằng kia có mấy người mặc quần áo tù nhân màu xanh đang kéo một cái xe đẩy. Rồi ở gần đó có một cây thông nhỏ được đặt dưới một cây thánh giá làm bằng thạch cao màu trắng. Trên cành cây ấy có treo mấy cái bóng đèn Noel cũ kỹ phát ra một thứ ánh sáng quê kệch mà tôi thấy nó khá là phù hợp với ánh sáng yếu ớt của mùa đông ở đây. Hóa ra Noel sắp đến rồi! Có vẻ như đây là lần đầu tiên tôi có cái cảm giác ấy. Tôi bỗng nhớ lại quãng thời gian bốn tuần trước khi Noel diễn ra hồi tôi còn ở Paris. Tôi nhớ đến những ánh đèn Noel sáng lấp lánh được trang trí rực rỡ đầy khắp các ngõ phố trên đường Siangchelyje, nhớ những con đường có những đứa trẻ đang bán những bông hoa tươi rói, hay thưởng thức những món ăn kiểu phoakra thơm ngon đầy mê hoặc rồi uống rượu vang đỏ loại thượng hạng tan chảy ngay đầu lưỡi, tôi nhớ đến cả những quán rượu ồn ào với đủ các loại mùi nồng nặc.
Chúng tôi đi qua mấy ngã rẽ nữa rồi sau đó được dẫn đến một căn phòng nhỏ. Căn phòng chỉ rộng chừng hơn sáu mét vuông có treo một cây thánh giá và bức tranh Sự trở về của đứa con tội lỗi của họa sĩ Rembrandt, ngoài ra còn có thêm một cái bàn nhỏ và khoảng năm đến sáu cái ghế. Cô Mônica đặt gói đồ đang cầm xuống và cắm phích nấu nước pha cà phê. Một lúc sau có tiếng gõ cửa. Và sau khi cánh cửa sắt lớn được mở ra rồi tiếp đó là một cánh cửa nhỏ bằng thủy tinh nữa cũng được mở thì tôi thấy có một người mặc quần áo tù nhân màu xanh xuất hiện.
“Vào đây nhanh lên, vào đây... Yoon Soo phải không?”
Khi người tù ấy vừa bước vào theo sự hướng dẫn của người quản giáo thì tôi thấy cô Mônica cũng tiến lại gần và ôm chặt lấy người tù đó.
Tử tù... anh ta là tử tù. Trên áo anh ta ở phía góc trái có gắn một cái thẻ ghi tên màu đỏ. À! không. Không phải thẻ tên. Vì không thấy có ghi tên mà chỉ thấy có ghi một dòng chữ màu đen “Seoul 3987”. Anh ta có vẻ hơi lúng túng trước thái độ quá thân thiện của cô Mônica. Anh ta cao khoảng 1m75, mặt mũi trắng trẻo, mái tóc đen xoăn tít và đằng sau cái gọng kính làm bằng sừng kia là một đôi mắt to đen sắc sảo. Nhưng hình như chính mái tóc đen mềm mượt ở trên một vầng trán trắng và rộng hơn so với người bình thường ấy, lại làm giảm đi phần nào cái sự sắc sảo tinh quái của anh ta. Và trên khuôn mặt ấy cứ như có một bóng tối vô hình nào đó đang phủ xuống, nó làm cho tôi liên tưởng đến khuôn mặt của mấy vị giảng viên trẻ tuổi mà tôi đã từng gặp ở trong trường đại học. Nhất là nó lại giống y chang khuôn mặt của họ khi họ ngồi nghe những lời phát biểu khó hiểu của ngài hiệu trưởng trong cuộc họp hội nghị giáo viên mà bất kỳ ai nghe cũng phải buồn cười: “Trường của chúng ta như thế này mà được à, chết tiệt!” hay như: “Mục tiêu năm nay của trường ta là tạo nên một ngôi trường đại học coi việc học tập làm đầu, chúng ta phải lôi kéo nhân tài. Trường của chúng ta đã được lập ra bởi những mục tiêu to lớn ấy...”. Rồi tự dưng tôi lại nghĩ hay cái thẻ ghi tên màu đỏ gắn trên ngực áo anh ta kia, lại mang một ý nghĩa liên quan đến tội gián điệp quốc gia. Chắc có lẽ do tôi ấn tượng với cái vẻ ngoài trí thức của anh ta, nên tôi mới tưởng tượng ra những điều kì quặc như thế. Nhưng đúng là khuôn mặt anh ta đã làm cho tôi liên tưởng đến Che Guevara - khuôn mặt hay được in trên áo phông mà những người trẻ tuổi vẫn thường mặc khi đi ra đường, và tôi có cảm giác anh ta là Che Guevara của Hàn Quốc. Nói thế nào nhỉ. Cứ như là anh ta đang tồn tại ngoài ranh giới của cái chết, anh ta tồn tại như một kẻ sống theo bản năng mà từ nhỏ đã thề thốt rằng sẽ chết một cách âm thầm trên mảnh đất quê hương hoang tàn. Những điều mà tôi đang tưởng tượng có vẻ như rất phù hợp với anh ta. Nói một cách chính xác hơn thì dù sao khuôn mặt anh ta trông cũng không giống với hình ảnh của một tên tử tù mà tôi vẫn thường tưởng tượng. Phải nói thêm rằng tôi là một người thích khám phá những cái mới lạ - những cái có thể làm thức tỉnh con người tôi hoặc lôi kéo tôi ra khỏi những sự nhạt nhẽo tầm thường. Thế nên tôi bắt đầu có đôi chút tò mò về con người anh ta.
“Ngồi đây, ngồi xuống đây. Ta chính là Sơ Mônica - người đã mấy lần gửi thư đến đây cho con đấy”. Anh ta lúng túng ngồi xuống ghế. Đến lúc này tôi mới để ý thấy chiếc còng số tám trên cổ tay anh ta lúc anh ta đặt hai tay lên bàn. Cái còng tay được nối liền với một cái dây da giống như dây thắt lưng và được buộc chặt ở phần eo. Tên của anh ta, thậm chí là sau này tôi mới biết, nhưng có cái gì đó làm tim tôi tự dưng đập thình thịch.“Ông quản giáo Lee, tôi có mua một ít bánh đến đây. Chúng ta cùng ăn bánh đi... mà ông có thể giúp mở còng tay cho Yoon Soo chỉ một lúc thôi được không?”
Cô Mônica ngập ngừng hỏi. Người trông giữ tù nhân mà cô gọi là ông quản giáo Lee lúc đó chỉ cười như muốn nói rằng đó là việc không thể. Khuôn mặt của tù nhân lúc này thể hiện thái độ như muốn nói: “Tôi là một người sống đứng đắn”. Cô Mônica không hỏi gì thêm nữa mà mở cái túi vừa đem đến và lấy ra mấy cái bánh ngọt. Bánh kem, bánh phết bơ, bánh đậu đen... Cô lấy nước nóng từ cái ấm vừa đun ban nãy ra pha cà phê rồi đặt một cốc cà phê xuống trước mặt anh ta. Cô còn đặt vào đôi tay vẫn đang bị còng chặt của anh một cái bánh. Anh không nói gì mà chỉ nhìn chằm chằm vào cái bánh một lúc lâu như thể đang suy nghĩ xem không biết liệu cái bánh này có ăn được không, hay như thể là đã lâu lắm rồi anh mới được nhìn thấy đồ ăn mà anh đang thực sự ao ước. Và như vừa trải qua một quyết định thật khó khăn, anh từ từ đưa cái bánh lên miệng. Nhưng do hai tay đang bị còng chặt nên khi làm động tác đưa cái bánh lên miệng, anh đã phải co cả eo và gáy lên cùng một lúc. Tôi trông anh lúc ấy chẳng khác gì một con ốc sên. Anh cắn một miếng bánh và nhai một cách từ từ. Đôi mắt vô hồn của anh nhìn chằm chằm xuống mặt bàn như thể bị dính chặt vào đó.
“Ừ, con cứ ăn tự nhiên đi... mà chắc khó nuốt lắm phải không, cà phê đây con uống đi... Nếu con muốn ăn thêm gì thì cứ bảo với ta. Con cứ xem ta như mẹ của con cũng được. Tại ta cũng chẳng có con cái gì mà. Ta đã đi đi lại lại chỗ này gần ba mươi năm nay rồi. Thế nên con cứ coi ta như là một thành viên ở đây cũng được”.
Vừa nhai miếng bánh anh ta vừa cố gượng nở một nụ cười như muốn tỏ vẻ thông cảm với cô khi nghe cô nói là cô không có con cái. Cái khoảnh khắc anh hơi nhếch miệng cố cho ra một nụ cười đó, có lẽ chỉ mỗi mình tôi biết. Nhưng nếu để ý kỹ thì bất cứ ai cũng có thể nhận thấy ẩn sâu trong ánh mắt anh lúc ấy có cả sự nhạo báng. Rõ ràng anh đã dùng nụ cười ấy để che giấu đi một điều gì đó, giống như kiểu tôi thường cố bật cười thật lớn khi muốn xua tan đi những căng thẳng hay mâu thuẫn trong lòng. Tất nhiên, đó hoàn toàn chỉ là cảm nhận của riêng tôi mà thôi, nhưng có một điều, là không hiểu sao ngay từ lúc vừa bước chân vào đây tôi đã thấy ở anh có một cái gì đó hơi na ná với mình. Trực giác của tôi hầu như chưa từng phán đoán sai một lần nào nhưng sao... sao cái sự na ná ấy nó không phải xuất phát từ một người bình thường khác mà lại là từ một tên tử tù cơ chứ. Nói thực thì tự tôi cũng thấy lạ và thấy khó hiểu với bản thân mình khi nghĩ anh có cái gì đó giông giống với tôi. Đêm qua tôi đi ngủ rất muộn và rồi sáng nay lại phải dậy sớm để lái xe đưa cô đi thẳng tới đây nên lúc này tôi cũng cảm thấy bụng hơi đói, tôi muốn ăn một cái gì đó dù chỉ là một mẩu bánh thôi cũng được, thế nhưng khi nhìn thấy anh đang phải chụm hai tay lại giống như một con sóc rồi phải co toàn thân lên trông rất khổ sở thế kia mới ăn được một miếng bánh, miệng tôi chẳng còn cảm giác muốn ăn gì cả. Lúc đó trong đầu tôi chỉ nghĩ đến duy nhất một điều, đó là: Con người kia, không biết anh ta đã làm gì mà phải vào đây nhỉ? Cô Mônica cầm lấy mấy cái bánh đưa cho ông quản giáo Lee và tôi mỗi người một cái và bảo ăn đi, còn cô thì chỉ ngồi uống mỗi cà phê.
“Thế... con sống ở đây thế nào rồi? Đã quen được chút nào chưa?”
Anh ta ngừng nhai miếng bánh đang ăn dở trong miệng lúc nghe cô hỏi. Một sự yên lặng vô hình như bao trùm lấy căn phòng có vài tia nắng yếu ớt của mùa đông chiếu vào, sự yên lặng - hay đó là sự căng thẳng của cả bốn con người đang ngồi lặng lẽ ở trong này cũng nên. Anh ta chầm chậm nhai nốt miếng bánh trong miệng rồi ngập ngừng trả lời:
“Con đã nhận được thư của Sơ rồi. Thực ra là hôm nay con cũng không định ra đây đâu... nhưng vì con nghĩ là nên đến đây để nói với Sơ một điều. Với lại ông quản giáo Lee cũng bảo với con là trong ba mươi năm nay dù trời mưa to hay có bão tuyết, lúc nào Sơ cũng đều đặn đi tàu điện ngầm rồi lại đi xe bus đến đây. Nếu không phải là vì câu nói ấy thì con đã không ra đây. Vì điều đó... nên... con đã ra đây!”
Anh ta ngẩng đầu lên. Khuôn mặt anh lúc này trông bình thản đến lạ thường. Nhưng sao cái sự bình thản ấy nhìn chẳng hề tự nhiên chút nào, nó cứng nhắc giống như kiểu anh đang cố đeo lên đó một cái mặt nạ vậy.
“Được rồi...”
“Xin Sơ đừng đến đây nữa. Và con cũng sẽ không nhận thư của Sơ nữa đâu. Con là kẻ không có tư cách nhận những điều tốt đẹp ấy. Hãy kệ con, cứ để cho con... chết đi...”“Chết đi” - anh ta vừa nghiến răng vừa nói. Lúc anh nói câu ấy tôi quan sát thấy xung quanh cằm anh vừa run run vừa co rúm lại như thể anh đang cố gắng dùng hết sức bình sinh của mình để sít chặt hai hàm răng lại. Đó là một phản ứng ngoài dự tính của tôi. Ánh mắt anh lúc đó nhìn sắc lạnh lạ thường. Và qua ánh mắt đó tôi hình dung đến một sức mạnh tràn trề đang ẩn chứa bên trong cơ thể của anh. Tự dưng trong một tích tắc tôi cảm thấy vô cùng bất an, không biết con người đang ngồi đối diện tôi kia có đột nhiên túm lấy cổ tôi rồi bắt tôi làm con tin cho anh. Tôi nhớ đến việc tên của anh ta đã bị đăng hàng loạt trên các mặt báo. Anh ta là một kẻ giết người và đang trên đường trốn chạy thì rẽ ngang vào một ngôi nhà ven đường rồi bắt hai mẹ con của nhà ấy làm con tin, cũng như làm náo động tất cả xung quanh... Trong đầu tôi đang mờ mờ ảo ảo phác họa ra một khung cảnh hỗn loạn tương tự như thế. Tôi vội liếc mắt sang nhìn cô và ông quản giáo. Rồi sau khi nhìn thấy chiếc còng số 8 chắc chắn vẫn đang còng chặt trên đôi tay anh ta, tôi mới cảm thấy an tâm đôi chút.
“Con à, Yoon Soo à... Ta cũng đã hơn bảy mươi tuổi rồi nên cho ta gọi con như thế được không?”
Cô Mônica chẳng hề tỏ ra lo lắng hay bất an, mà ngược lại cô bắt đầu hỏi chuyện anh ta bằng một thái độ ân cần.
“Trên đời này làm gì có người nào không có tội hả con? Cũng như làm gì có ai dám khẳng định là mình đủ tư cách để điều tra xem người khác đã từng làm gì sai trái hay chưa chứ? Sơ cũng chỉ muốn đến đây để được ở bên con một chút thôi. Thỉnh thoảng gặp nhau, cùng nhau ăn bánh, cùng nhau nói chuyện giống như hôm nay... Thế thôi... Sơ cũng chỉ muốn có vậy thôi, vậy nên...”
“Con...”
Anh ta ngập ngừng ngắt lời cô đang nói. Giọng anh nghẹn ngào chùng xuống giống như thể anh đã khổ tâm suy nghĩ từ lâu lắm và đến tận bây giờ mới dám mở miệng để nói.
“Con chẳng có ý chí và cũng chẳng có hi vọng sống đâu. Nên nếuSơ còn sức thì Sơ hãy đi giúp đỡ những người bất hạnh khác. Con đãgiết người. Vì thế con chết như thế này là đáng lắm rồi... Con đến đây cốt chỉ để nói với Sơ câu ấy!”
Anh ta đột ngột đứng lên như thể anh đã nói xong tất cả những điều cần nói. Lúc anh vừa đứng lên ông quản giáo cũng ngay lập tức đứng bật dậy theo mà chẳng hề tỏ ra ngạc nhiên hay ngỡ ngàng một chút nào. Khi ăn bánh anh phải cuộn tròn người lại giống như một con vật đáng thương được người ta cho ăn bằng cách ném thức ăn xuống đất, nhưng sau cái câu nói và hành động vừa rồi thì rõ ràng tôi cảm nhận được từ anh một điều gì đó rất mãnh liệt - nó giống như là sự uất ức cực độ được phát ra từ một-con-người. Hóa ra những kẻ tử tù cũng có cái gọi là lòng tự trọng - một suy nghĩ hơi ngốc nghếch chợt thoáng qua trong đầu tôi.
“Chờ một chút, Yoon Soo à... chờ Sơ một chút!”
Cô vội vàng gọi anh ta lại. Còn anh, cứ mặc kệ và vẫn đứng quay lưng lại với cô. Cô hơi rơm rớm nước mắt khi nhìn anh. Có vẻ như anh cũng đã nhìn thấy điều đó nên mặt anh tự dưng méo xệch lại. Và tôi nhận thấy rõ ràng trên khuôn mặt đang méo xệch ấy không phải chỉ có sự chau mày hay sự nhăn nhó đơn thuần, mà ở đó có một sự sụp đổ thì đúng hơn. Nói chính xác thì nó giống như cái mặt nạ mà anh ta đã cố tình tạo ra từ nãy đến giờ đã bị ai đó xé toạc. Thế nhưng, một cách nhanh chóng cái biểu hiện đó như bị tan biến tức thì và thay vào đó lại là một cái ánh mắt giễu cợt. Cô luống cuống lôi ra một thứ gì đó từ trong cái bọc to mà cô đã cất công chuẩn bị và mang đến đây từ sớm.
“Sắp đến Giáng sinh rồi... nên ta đem quà đến đây cho con. Dạo này ở đây lạnh lắm phải không? Ta đã mua quần áo mặc lót trongcho con đấy. Phải khó khăn lắm con mới chịu ra đây, chẳng lẽ ta lại để con đi không như thế. Dù chỉ là mấy phút nữa thôi, con không thể ngồi đây với ta được một lát nữa sao? Ta cũng già rồi, ta bảo thực đấy, vì chân ta cũng đang đau buốt lắm đây này...”
Anh ta nhìn chằm chằm vào cái bọc mà cô vừa mở ra. Các cơ trên cằm anh đang giật giật giống như bị ai đó dùng kim châm vào. Anh nhíu hai hàng lông mày lại như tỏ vẻ đang vô cùng bực mình. “Quà Giáng sinh à, tại sao lại đem cái thứ vớ vẩn vô nghĩa ấy đến đây làm gì!?”. Nhìn vẻ mặt anh, tôi dám khẳng định trăm phần trăm rằng trong lòng anh đang muốn nói với cô câu ấy, nhưng chắc tại anh nghĩ người kia là một phụ nữ mà cũng đã già cả rồi, nên anh cố làm ra vẻ thông cảm và ngồi chơi thêm một lát nữa.
“Việc Sơ tặng quà Giáng sinh cho con ấy, con đừng cảm thấy ngại hay khó xử gì. Mà cũng không phải là Sơ định tới đây để bảo con đi nhà thờ, hay nói chuyện liên quan đến tôn giáo với con đâu. Con tin hay không tin vào tôn giáo thì có gì khác nhau nào? Điều quan trọng nhất là con người ta dù chỉ còn được sống trên thế gian này thêm một ngày nữa thôi thì cũng phải cố sống sao cho ra người. Đó mới chính là điều quan trọng đúng không. Ta nói thế này không biết có phải không nữa nhưng... khi con tự căm ghét chính bản thân mình thì Chúa sẽ đến bên con. Chúa sẽ bảo con hãy yêu thương chính bản thân mình, sẽ cho con biết con là người được quý trọng như thế nào, và nếu sau này con cảm nhận được sự ấm áp hay tình yêu đến từ một ai đó, thì con hãy nghĩ đó chính là thiên thần mà Chúa đã gửi đến cho con. Hôm nay là lần đầu tiên ta đến đây gặp con nhưng ta biết con là người có một tấm lòng vô cùng ấm áp. Thế nên dù con có mắc tội gì đi chăng nữa thì ta nghĩ đó cũng không phải là bản chất con người của con!”.
Cô vừa nói dứt câu thì tự nhiên anh ta mỉm cười. Một nụ cười chua chát. Với một kẻ giết người như anh và không chừng ngày mai sẽ bị đem ra pháp trường xử tử, vậy mà bây giờ lại có người bảo anh là một người được quý trọng, một người vô cùng ấm áp, có vẻ như anh đang cười mỉa mai câu nói vô cùng vô lý ấy của cô. Nhưng trong nụ cười mỉa mai ấy hình như tôi thấy có chứa đựng cả những bất an, những đau đớn. Rất lạ là tôi hiểu được cái cảm giác ấy của anh. Tôi nhớ lại những lần sau khi cãi vã ầm ĩ với mọi người trong gia đình, rồi khi nhận điện thoại từ cô, ví thử lúc đó cô cũng nói với tôi những câu tương tự bằng cái giọng nỉ non như vừa nói với anh ta thì chắc tôi sẽ nổi điên lên mất. Cái cảm giác ấy - nói khác đi thì nó giống như là phản ứng từ chối tiếp nhận một dòng máu lạ khi bị người ta truyền trực tiếp vào mạch máu mình. Mà thực ra điều này dù đúng dù sai thì cũng chẳng có gì quan trọng, vì tôi nghĩ kẻ ác thì chỉ nên làm việc ác, kẻ thích nổi loạn thì chỉ nên làm những việc theo hướng nổi loạn, chứ tự dưng kẻ ác mà đi làm việc thiện hay kẻ nổi loạn mà tự dưng sống nghiêm túc thì tôi thấy nó khó hiểu thế nào ấy.
“Sơ đừng như thế với con. Nếu Sơ làm thế thì con sẽ không thể bình thản mà chết được. Vâng, con đến gặp Sơ rồi đi nhà thờ làm lễ và sau đó là sẽ ngoan ngoãn nghe theo lời của tất cả những người quản giáo ở đây. Con sẽ hát Thánh ca cũng như sẽ quỳ gối xuống và cầu nguyện, vâng, con sẽ biến thành một thiên sứ. Nhưng dù con có làm đủ tất cả những điều đó đi chăng nữa thì Sơ có dám chắc là Sơ sẽ cứu con ra khỏi tội chết được không?”
Một câu nói khiến ai có mặt ở đó lúc ấy cũng phải ngỡ ngàng. Anh ta giống như một con thú vừa cố nhe hàm răng trắng muốt ra hăm dọa lại như vừa cố nhổ toẹt vào mặt đối phương một câu cuối cùng trước khi bỏ đi. Và khuôn mặt của cô Mônica trong khoảnh khắc ấy đột nhiên tái lại.
“Vì thế nên con xin Sơ, đừng đến đây tìm con nữa”.
“Được rồi, con nói đúng... Sơ cũng rất muốn cứu con ra khỏi tội chết nhưng chỉ tại là Sơ không có đủ sức tới mức ấy mà thôi. Nhưng dù Sơ không cứu được con thì cũng không có nghĩa là ta không cần gặp nhau nữa đúng không? Sơ nói thế này không biết có phải không nhưng sự thật là tất cả chúng ta đều là những kẻ sẽ bị tử hình. Những người mà không biết là bao giờ sẽ phải chết như chúng ta đây... nói cách khác thì một bà lão chẳng biết bao giờ sẽ chết như Sơ đây, muốn đi gặp một người mà như con nói ấy, cũng chẳng biết bao giờ sẽ phải chết là con, chẳng lẽ lại không được hay sao, con nói đi, tại sao lại không được?”
Cô Mônica đúng là cũng chẳng phải vừa. Câu nói của cô vừa rồi như làm anh ta đứng chết lặng.
“Tại sao, Sơ hỏi là tại sao không được?”
“Vì con không muốn có thêm bất cứ một hy vọng nào nữa. Hi vọng - đó chính là địa ngục đối với con”.
Cô Mônica không nói thêm một lời nào nữa.
“Nếu Sơ cứ tiếp tục đến đây gặp con như thế này thì không chừng con sẽ phát điên mất thôi”.
Cô Mônica như đang định nói thêm một câu gì đấy nhưng lại thôi. Rồi mãi một lúc sau cô mới quay sang nói chuyện tiếp với anh ta bằng một giọng nói khá điềm tĩnh.
“Yoon Soo à, điều gì ám ảnh con bây giờ nhất? Con sợ nhất cái gì?” Anh ta ngước mắt lên nhìn cô. Ngập ngừng mãi một lúc rồi anh
mới trả lời kèm theo ánh mắt chứa đầy sự oán hận.
“Là buổi sáng ạ”.
Anh ta nói như thể đó là lời thú tội không thể chối cãi thêm được nữa trước những tang chứng vật chứng rành rành mà người kiểm soát viên tinh quái đã khôn khéo đưa ra vào đúng phút cuối cùng, để phân định rõ thắng thua trong một phiên xử án. Giọng nói của anh hơi chùng xuống. Sau câu nói đó anh đứng bật dậy cúi đầu chào cô rồi bước đi như muốn nói là anh không muốn nghe thêm bất kỳ một câu hỏi nào nữa. Cô Mônica đang ngồi lặng yên như một bức tượng thạch cao đột nhiên cũng đứng bật dậy theo anh ta.
“Đợi một chút... Được rồi, cho Sơ xin lỗi, con đừng nổi nóng. Nếu con cảm thấy không thích thì con không cần gặp Sơ nữa cũng được, con cứ đi đi. Con đi bây giờ cũng được, nhưng con hãy cầm theo mấy cái bánh này mà ăn... Nó chẳng phải là loại bánh đắt tiền hay thượng hạng gì nhưng dù sao thì bà già này cũng đã nghĩ đến con mà cất công mua mang đến đây, với lại thực ra nó cũng là loại bánh ngon mà, đúng không. Biết là trái với quy định nhưng ông quản giáo Lee, xin ông hãy nhắm mắt làm ngơ cho tôi bỏ mấy cái bánh này - chỉ mấy cái bánh này thôi vào túi áo cho Yoon Soo... ”
Cô Mônica vội cầm lấy mấy cái bánh lên rồi dúi vào túi áo của
Yoon Soo. Khuôn mặt ông quản giáo Lee thoáng chút bối rối. Đến nước này tôi cũng phải công nhận cái tính bướng bỉnh không ai bằng ấy của cô. Giống như việc Đức Chúa ở trên trời xa đến nghìn dặm mà vẫn sử dụng được sức mạnh vô biên của mình để điều khiển được tất cả mọi việc dưới mặt đất, rõ ràng trong tình huống này sự bướng bỉnh của cô đã phát huy được sức mạnh.
“Ừ, mà một mình ở trong phòng giam... với một thanh niên trẻ khỏe như con thì hay đói bụng lắm. Con hãy cầm lấy mấy cái bánh này để lúc nào đói thì lấy ra mà ăn tạm. Quản giáo Lee, xin ông bỏ qua cho”.
Trong một tình huống có thể gọi là hơi “hỗn loạn” như thế này thì nói thật tôi cũng không tài nào phân biệt nổi ai là tội phạm, ai là quản giáo, ai là người nài nỉ cầu xin, và ai là người khước từ mọi ân huệ. Anh ta đã nhìn thẳng vào cô Mônica, lần đầu tiên kể từ lúc gặp và nói chuyện đến giờ tôi đã thấy anh nhìn thẳng vào mặt cô Mônica. Nhưng ánh mắt ấy giống như là một sự bất an thì đúng hơn, bất an vì anh ta vẫn chưa phán đoán được thân thế của người đang đứng trước mặt mình kia là ai. Cô tiến lại gần và nhanh tay bỏ mấy cái bánh vào trong túi áo cho anh ta. Anh tỏ ra lúng túng. Cổ anh hơi ngả về phía sau như muốn nói là nếu có thể thì xin cô đừng đứng sát vào người anh như thế.
“Không sao đâu... Hôm nay gặp con Sơ đã rất vui. Yoon Soo à, ta đã rất vui. Và thực sự ta rất cảm ơn con vì con đã đến!”
Cô vỗ nhẹ vào vai anh. Còn anh thì đang trông rất khổ sở như đang bị người ta tra tấn. Anh vội xoay người và bước đi. Khi anh bước đi tôi thấy một bên chân của anh hơi khập khiễng, hình như chân anh đang bị đau. Cô vẫn đứng trước cửa phòng nhìn theo anh cho tới tận khi anh đi khuất hẳn sau dãy hành lang dài. Khoảnh khắc ấy trông cô thật nhỏ bé và cô độc giống như một con dê lạc mẹ đang đứng trên một vách đá dựng đứng cheo leo bên cạnh bờ biển. Cô Mônica đưa một tay lên sờ trán. Hình như cô có vẻ mệt.
“Không sao... lần đầu thì ai cũng thế. Đó chính là sự khởi đầu của hy vọng đấy. Việc Yoon Soo nói là nó không có tư cách ấy mà. Đấy chính là một sự khởi đầu tốt...”Cô lắp ba lắp bắp nói như thể đang nói chuyện với chính bản thân mình chứ không phải là đang nói chuyện với tôi. Do dáng người cô nhỏ bé hay do cô thương anh ta quá, tôi cũng không biết nhưng tôi thấy cứ như là cô đang lịm dần đi. Và nếu cô không tự trấn an mình bằng những câu nói như thế, cô sẽ không thể tiếp tục đứng như thế này được nữa. Tôi ngước mắt lên nhìn bức tranh của họa sĩ Rembrandt treo trên tường. Bức tranh là câu chuyện kể về người con trai thứ hai đã yêu cầu cha của mình đưa hết số tài sản thừa kế cho anh ta, rồi sau đó anh ta đã ăn chơi tiêu xài hoang phí hết cả số tài sản ấy. Sau khi hết tiền, anh ta phải sống những tháng ngày tủi nhục, phải ăn cơm trong máng lợn và đến khi không còn lối thoát nào nữa thì anh ta buộc phải quay trở về nhà. Chính anh ta lúc đó cũng biết là anh ta không còn tư cách gì để về cầu xin cha mình tha thứ nữa. Nhưng dẫu vậy anh ta cũng vẫn quyết định trở về và thành thật nhận lỗi: “Cha ơi, con đã có tội với trời và với cha”. Bức tranh mô phỏng theo môtip của Kinh Thánh. Bức tranh của Rembrandt nói về sự ăn năn hối lỗi của người con trai đang quỳ gối trước cha và tình yêu bao dung của người cha luôn sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi cho con trai của mình. Người cha trong bức tranh của Rembrandt có hai bàn tay khác nhau. Tôi nhớ lại bài học về môn lịch sử mỹ thuật mà tôi đã từng được học - hai bàn tay đó một bàn tay là của nam giới và một bàn tay là của nữ giới, nó tượng trưng cho việc thần linh có đồng thời cả hai tính cách của cả nam và nữ. Nhưng nếu bức tranh của Rembrandt được treo ở trong căn phòng giam bé tí tẹo này với cái ý nghĩa nêu trên thì đúng là cũng hơi có phần trơ trẽn.
“Jeong Yoon Soo, thằng bé vẫn còn hay gây rắc rối ở trong này phải không ông quản giáo?”Cô quay sang hỏi ông quản giáo Lee.
“Đến chết mất thôi Sơ ạ. Tháng trước trong thời gian vận động ngoài trời, hắn ta bảo là phải giết chết thằng cầm đầu băng đảng xã hội đen, nên hắn cầm cái nắp đậy lò than lên rồi đánh nhau gây náo loại cả trại giam. Cũng vì chuyện ấy mà hắn đã bị biệt giam trong phòng kỷ luật hai tuần và vừa mới được thả đấy. Nếu anh em chúng tôi không kịp thời phát hiện thì không khéo hắn còn bị đưa ra tòa án xét xử lần nữa ấy chứ. Mà có đưa ra xét xử lại thì cũng phỏng có ích gì? Tội tử hình thì dù có bị bổ sung thêm mấy tội nữa thì cũng vẫn là tử hình mà thôi. Sơ biết không, ngay cả lúc ở trong phòng kỷ luật hắn cũng có biết sợ là gì đâu, hắn la hét ầm ĩ làm náo động cả trại giam. Thực sự vì mấy tên tử tù chẳng biết sợ là gì như hắn mà chúng tôi mệt chết mất Sơ ạ... Mà, ở đây dù có thêm một tên tử tù nữa bị chết thì cũng có gì khác đâu. Chết kiểu này hay chết kiểu khác thì sớm hay muộn cũng đều là bị tử hình mà. Chỉ khổ những tù nhân bình thường lúc nào cũng phải dò chừng ý tứ của mấy tên tử tù kia để sống, vì thế nên bọn tử tù lại càng tưởng mình là vua là chúa ở đây đấy. Tháng tám năm ngoái đã có một đợt hành quyết, còn đợt hành quyết của năm nay đến giờ vẫn chưa thấy có thông tin gì, nhưng dường như tất cả tử tù ở đây đều cảm nhận được rằng thời gian hành quyết của họ đang đến rất gần nên họ càng gây ồn ào náo loạn và sống bất cần đời hơn. Vì thông thường thì cuối năm nào cũng có một đợt hành quyết và sau mỗi đợt hành quyết thì ở đây thường trở nên yên tĩnh hơn đôi chút. Nhưng lần này thì khác, vì tên Yoon Soo này mà ở đây lúc nào cũng ồn ào náo loạn”.
Cô Mônica đứng lặng lẽ lắng nghe, một lúc sau cô mới nhẹ nhàng nói:
“Dù thế thì hôm nay chẳng phải là thằng bé cũng đã chịu ra đây gặp tôi rồi đấy thôi. Mà cũng hiếm hoi lắm thằng bé mới chịu trả lời thư đấy”.
Cô nói với ông quản giáo như một luật sư biện hộ vừa cố bổ sung thêm một số tình tiết nhỏ để giúp giảm án cho kẻ phạm tội. Còn ông quản giáo cười cay đắng.
“Vì thế nên thực sự lúc đầu tôi cũng lấy làm lạ. Khoảng tháng trước Đức Cha cũng đã đến đây và đưa cho hắn một cuốn Kinh Thánh, hắn chẳng nói chẳng rằng xé vụn cuốn Kinh Thánh đi rồi vất vào nhà vệ sinh. Mà... hình như hắn cũng đã xé khoảng ba cuốn rồi thì phải”.Tôi khúc khích cười. Nếu cô Mônica không quay sang lườm thì tôi còn định cười lâu thêm chút nữa, với lại thấy cô tỏ vẻ không thích nên thôi tôi đành cố nhịn. Nhưng cứ như là có một cảm giác sung sướng đang âm ỉ trào dâng trong lòng tôi vậy. Số là lúc nãy trên đường đi tới đây, cô đã liên tục dùng cái từ “thùng rác, thùng rác” với tôi, nên giờ khi được nghe kể là anh ta đã xé bỏ mấy cuốn Kinh Thánh - cuốn sách mà lúc nào cô cũng nâng niu trân trọng nhất - thì tôi cảm thấy thật hả hê sung sướng như thể anh ta vừa trả thù hộ tôi vậy. Anh ta đã xé cuốn sách mà cô luôn trân trọng nhất rồi cho vào làm giấy vệ sinh, nói thế thì cuốn Kinh Thánh đó còn không có giá trị bằng cả giấy rác vất đi. Nhưng dường như bầu không khí lúc này không phải là bầu không khí dành cho sự cười nhạo, vì tôi thấy khuôn mặt của cô lẫn ông quản giáo đều đang tỏ ra vô cùng nghiêm trọng.
“À, sáng hôm nay lúc tôi đến chỗ hắn và bảo hắn là hôm nay có Sơ đến, cũng như hỏi ý hắn thế nào có ra gặp Sơ hay không. Hắn ngập ngừng nhìn tôi một lúc và hỏi tôi là Sơ năm nay bao nhiêu tuổi. Tôi trả lời là hình như Sơ cũng hơn bảy mươi tuổi gì đấy... Nghe xong thấy hắn hơi do dự một chút rồi bảo với tôi là hôm nay sẽ thử đến gặp Sơ một lần”.
Một sự vui mừng hiện rõ lên trên khuôn mặt của cô Mônica. “Thế à? Hóa ra nhiều tuổi cũng là một điều tốt đấy chứ. À, thế
ông quản giáo có thấy ai đến đây tìm thằng bé không?”
“Không ạ, chắc hắn là trẻ mồ côi. Mà nghe đâu hình như hắn cũng có một người mẹ đang sống ở đâu đó. Nhưng chính xác thì từ hồi vào đây đến giờ chẳng có ai đến thăm nom hắn cả”.
Cô Mônica rút từ trong túi áo ra một cái phong bì màu trắng. “Ông quản giáo hãy gửi số tiền này vào cho Yoon Soo để thằng bé có tiền mua những đồ sinh hoạt cá nhân. Mà ông quản giáo Lee này, ông đừng nhìn thằng bé theo chiều hướng tiêu cực như thế. Những người quản giáo ở đây là những người chuyên cảm hóa giáo dục tù nhân, chứ có phải là những người mong cho tù nhân nhanh chết đi đâu phải không? Mà cả ông, cả tôi tất cả chúng ta làm gì có ai là không có tội ở trên đời này?”
Ông quản giáo nhận cái phong bì từ tay cô đưa mà không nói thêm bất kỳ một câu nào nữa.
Trên đường trở về, tôi bảo sẽ đưa cô về thẳng tu viện, vậy mà cô từ chối. Tôi cũng chẳng hiểu nổi cô nữa, vì trong tiết trời mùa đông lạnh như cắt da cắt thịt thế này mà cô vẫn cứ cố chấp đòi tự đi về bằng xe bus và tàu điện ngầm. Tự dưng tôi phát hiện ra có lẽ tôi cũng giống với cô ở cái điểm ương bướng và hiếu thắng vô nghĩa kiểu này thì phải.
“Cô này, thế anh ta mắc tội gì đấy?”
Trong thời gian đỗ xe chờ tín hiệu đèn giao thông ở ngã tư, tôi đã hỏi cô như vậy. Nhưng cô im lặng không trả lời câu hỏi của tôi như thể cô đang miên man suy nghĩ gì đó.
“Cái còng tay lúc nãy ta nhìn thấy ấy. Vì ra gặp chúng ta nên anh ta mới phải bị còng như thế đúng không?”
“Không, cả ngày lúc nào cũng bị còng như thế đấy!”
Tim tôi bỗng dưng lại đập thình thịch giống như lúc tôi nhìn thấy dáng vẻ khổ sở của anh ta khi phải cuộn tròn người lại mới ăn được một miếng bánh. Tôi liên tưởng đến việc nàng Xuân Hương [1] ngày xưa phải vừa ngồi vừa đeo một cái gông nặng trĩu trên vai như để làm tăng thêm sự đau đớn nghiệt ngã của số phận, cũng như để làm tăng thêm sự vô vọng của một mối tình ngang trái. Ngày xưa những vật dụng ấy đã trở thành công cụ để làm tăng thêm sự bi thương cho nàng Xuân Hương cũng như để làm tăng kịch tính cho màn xuất hiện cuối cùng của chàng Lý Mộng Long, thế nhưng, bây giờ đang là thế kỷ 21, làm gì lại có những chuyện gây sốc kiểu như thế nữa chứ.
“Lúc ngủ anh ta cũng bị còng như thế?”
“Ừ... Thế nên trên thế gian này có những người chỉ có một ao ước duy nhất là được duỗi thẳng hai cánh tay ra khi đi ngủ. Cũng có người lúc ngủ đã nằm sai tư thế nên khi tỉnh dậy cả hai tay đã bị tê cứng và sưng vù lên. Người nhận án tử hình lúc nào cũng bị còng tay như thế, có những người phải sống như vậy liên tục trong suốt hai, ba năm hoặc cho đến tận lúc chết”.
“Thế người ta ăn cơm kiểu gì?”
“Thì không cầm được đũa nên phải cầm cả bát cơm lên miệng mà ăn thôi. Trong trường hợp có nhiều tử tù ở trong cùng một phòng thì họ sẽ cầm hộ cho bát cơm, còn mình thì chỉ cần cầm thìa xúc ăn là được. Thế mà thằng bé ấy lại phải ở một mình trong phòng kỷ luật những hai tuần, chắc là sau khi ra khỏi đó người nó đã gầy rộc đi như thế. Chắc cháu không biết, phạm nhân nào phải vào phòng kỷ luật thì hai tay đều bị còng chặt ra phía đằng sau, vậy nên khi muốn ăn cơm thì phải cho cả miệng vào bát mà ăn giống như con chó ăn cơm ấy. Bất cứ ai sau khi ở phòng kỷ luật ra, đầu óc hay tinh thần cũng đều có vấn đề hết. Cô còn nghe bảo có vài trường hợp họ không thể tự đứng dậy mà đi vệ sinh được nữa. Những lúc như thế thì cách giải quyết tốt nhất là phải đi ra quần đấy. Trong hai tuần...”
Tự dưng tôi muốn thở dài một cái. Tôi định hỏi thêm cô là bọn họ có nhất thiết phải bị quản chế nghiêm ngặt đến mức ấy hay không nhưng lại thôi. Đã không biết thì thôi chứ khi biết rồi thì đúng là thực tế đôi khi nó khác xa hoàn toàn so với những gì ta tưởng tượng. Tôi cảm giác như có một sự quái gở vô hình nào đó đang xảy đến với mình giống như kiểu tôi vừa bước nhầm chân vào cổng một ngôi nhà mà bản thân tôi không hề muốn sinh sống lâu dài ở đó.
“Thế đúng anh ta là kẻ giết người phải không cô? Lúc nãy chính miệng anh ta đã nói ra điều ấy mà. Nhưng anh ta đã giết ai cô có biết không? Và tại sao anh ta lại giết người?”
“Không biết”.
Câu trả lời của cô quá đơn giản và ngắn gọn làm cho tôi hơi nghi ngờ vào đôi tai của mình.
“Anh ta đã giết mấy người? Anh ta đã từng bị đưa lên báo phải không?” “Cô đã bảo là không biết rồi mà!” Giọng nói của cô lúc ấy dứt khoát đến nỗi làm tôi phải ngỡ ngàng quay sang nhìn. Cô cũng quay sang nhìn tôi chằm chằm như thể câu hỏi của tôi có gì đó lạ lùng lắm.
“Sao cô có thể bảo là không biết được chứ? Ban nãy nghe chuyện thì thấy có vẻ như cô cũng đang là một ủy viên trong Hội đồng tôn giáo của trại giam Seoul này. Với lại cô cũng đã gửi thư cho anh ta mấy lần rồi cơ mà, thế nên chí ít thì cô cũng phải biết đôi chút về con người anh ta rồi chứ?”"Hôm nay là lần đầu tiên cô gặp thằng bé đó. Yoo Jeong à, hôm nay đúng là lần đầu tiên đấy. Tất cả chỉ có vậy. Chỉ là việc người với người gặp nhau mà thôi, khi cháu mới gặp ai đó lần đầu tiên có bao giờ cháu hỏi người ta tường tận tỉ mỉ xem từ trước đến giờ họ đã làm cái gì xấu xa hay phạm pháp đến nỗi phải gặp nhau ở trong trại giam như thế này hay không? Nếu người ta muốn kể chuyện về quá khứ của người ta thì mình hãy nghe, còn không thì mình cũng đừng nên hỏi làm gì. Hôm nay chính xác là lần đầu tiên cô gặp thằng bé đó đấy. Với cô, thằng bé ấy... tất cả chỉ có vậy”.
Giọng nói của cô nghe rất rõ ràng và dứt khoát. Hình như có một cái gì đó đang thúc mạnh vào ngực tôi. Và thêm một lần nữa cái suy nghĩ cô tôi là một nữ tu chân chính lại thoáng hiện lên trong đầu tôi.
“Tín hiệu đèn giao thông đổi rồi kìa. Cho cô xuống cạnh ngã ba gần ga tàu điện ngầm đằng kia. Tối cô sẽ gọi điện”.
Cô chỉ nói vậy rồi chầm chậm bước xuống trước cửa ga tàu điện ngầm.
Hoàng thượng! Xin ngài đừng khóc vì điều đó. Vì trong cuộc sống vốn ngắn ngủi này,
Sẽ có đôi lần những người này hay những người kia, Họ muốn đi tìm cái chết hơn là đi tìm sự sống.
Herodotus - Lịch sử
[1] Xuân Hương (Chun Hyang) và Lý Mộng Long (Lee Mong Ryong) là 2 nhân vật chính trong truyện “Truyện Xuân Hương” ra đời từ khoảng thế kỷ 18. Đây là một tiểu thuyết kinh điển và nổi tiếng của Hàn Quốc, đã được dịch sang tiếng Việt từ năm 1994.
Yêu Người Tử Tù Yêu Người Tử Tù - Park Jin Sung Yêu Người Tử Tù