I divide all readers into two classes; those who read to remember and those who read to forget.

William Lyon Phelps

 
 
 
 
 
Tác giả: Đạo Hiếu
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: ISach Master
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1422 / 14
Cập nhật: 2015-11-30 16:17:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8: Truyền Thuyết Về Đảo Chim
hoạt tiên Kim Ngọc dự đoán những kiểu quần áo thời trang nhất cho Lọ Lem. Cô và chị của cô là bà Kim Anh bàn với nhau, tranh luận với nhau về điều đó rất nhiều. Kim ngọc nói:
-Lọ Lem có nét rất “đầm” mặc robe tuyệt lắm, mặc đồ jeans cũng rất hay.
Ý kiến của bà Kim Anh hơi khác hơn:
-Chính môđen “Việt kiều” hợp với Lọ Lem hơn. Quần lão, sơ mi rộng bỏ vô thùng, thắt lưng to bản, tóc ngắn lên, mái xệ. Hết chê.
Nhưng rốt cuộc mọi dự đoán đều chỉ đúng có một phần bởi vì Lọ Lem mặc kiểu gì cũng đẹp. Áo xẩm, quần xoa, quần lãnh đen, vải bố, kaki, lụa, bà ba, áo dài raglan, sát nách, hở cổ, môđen quằn quại, môđen lão, Việt kiều, hay thậm chí đồ bảo hộ lao động của thợ dệt, thợ đóng tàu… một khi đã khoác lên người Lọ Lem đều trở thành những bộ cánh đẹp nhất. Thế là không ai tranh cãi về cách ăn mặc của Lọ Lem nữa. Ngày kia có người đem đến một cái áo tứ thân, khăn mỏ quạ ép Lọ Lem mặc. Cô mặc xong soi gương thấy giống hệt Thúy Kiều. Lọ Lem kêu ầm lên:
-Thôi, đừng có bắt ép nữa, em muốn mặc gì thì mặc.
Từ đó Lọ Lem ăn mặc thoải mái theo ý thích riêng của mình.
Ngày kia Kim Ngọc dẫn một người đàn ông ăn mặc sang trọng đến cửa hàng bán quần áo của mình. Ông ta đi một chiếc CD 90 mầu đen còn Kim Ngọc thì ngồi phía sau mang kính mát gọng trắng. Cô mặc đồ jeans tóc buông lơi, tươi trẻ và nhanh nhẹn. Người đàn ông lấy kính đen ra bỏ vào túi xách rồi cúi chào Lọ Lem, lúc ấy cô đang mặc cái áo xẩm cánh tay. Kim Ngọc nói:
-Ðây là anh Hùng, bạn của em. Còn đây là chị Lọ Lem.
Lọ Lem chào người đàn ông. Hùng nói:
-Hân hạnh được làm quen với cô. Tôi có nghe Kim Ngọc nói nhiều về cô.
-Cám ơn anh. Lọ Lem nói.
Kim Ngọc bảo Hùng:
-Cứ tán tỉnh tự nhiên. Ðời mà. Phải vui một tí mới sống nổi.
Một người khách dừng xe ở lề đường và bước vào cửa hàng, thêm hai người nữa cũng vừa đến. Lọ Lem phải quay lại với khách hàng của mình vì thế Hùng đi ra phía sau với Kim Ngọc. Hai người ngồi vào ghế mây hút thuốc lá. Lát sau người giúp việc đem lên hai ly cà phê sữa đá, họ uống với nhau và nói chuyện rất vui vẻ. Họ trao đổi về thời trang và về các kiểu xe gắn máy. Người đàn ông có ý định sẽ bán chiếc CD 90 đang xài để đổi lấy một chiếc Kawasaki 500 phân khối. Ông nói:
-Chiếc đó đi rất đằm, nhưng Kim Ngọc biết chiếc xe nào xịn nhất thế giới hiện nay không?
-Dĩ nhiên là các loại Honda.
-Lầm. Chiếc xe được bầu là “chiếc xe của năm 87″ lại là một cái mô-tô hiệu Yamaha 1250 phân khối triển lãm tại cái hội chợ gì đó bên Ðức. Ðẹp ác liệt.
Kim Ngọc búng tàn thuốc, nhếch môi cười:
-Sao anh không mua chiếc đó mà đi?
-Bộ em tưởng dễ mua loại đó lắm hả. Muốn mua, có tiền chưa đủ. Phải com-măng trước. Thủ tục rườm rà.
Lọ Lem bận bán hàng nên chỉ nghe loáng thoáng câu chuyện. Khi những người khách đi rồi thì cô lấy báo ra đọc. Kim Ngọc gọi:
-Uống cà phê.
Lọ Lem lắc đầu. Lại gọi:
-Chị Lọ Lem này. Lại ngồi đây chơi.
Lọ Lem đành đứng dậy đến ngồi ở cái ghế mây thứ ba cạnh Kim Ngọc. Người đàn ông tên Hùng nhấn nút máy cát-xét. Giọng khàn khàn quen thuộc của Bảo Yến vang lên. Kim Ngọc nói:
-Em thích băng này lắm. Nhất là trời mưa mà nằm nghe rất mê.
Hùng gật gật đầu. Kim Ngọc đặt bàn tay lên vai Lọ Lem, nhìn ra ngoài đường:
-Chút xíu nữa thằng em đến.
-Sao Ngọc bảo hôm nay cậu ấy không đến?
-Em mới dặn lại. Nó đến để coi chừng. Anh Hùng có nhã ý muốn mời hai chị em mình đi ăn trưa.
Lọ Lem nói:
-Tôi ngại đến các nhà hàng lắm. Ăn uống không thoải mái.
-Tại chị chưa quen thôi. Quen rồi thấy nhà hàng như nhà mình. Em ăn cơm ở nhà hàng thấy ngon hơn ở nhà. Ăn cũng phải có không khí.
Hùng thảy mẩu thuốc vô cái gạt tàn, anh ta hơi nghiêng đầu nhìn Lọ Lem:
-Mình lại đằng Hải Âu đi, ở đó chị sẽ thấy dễ chịu.
Cậu em Kim Ngọc tới.
-Các anh chị đi đi, để em coi hàng cho.
-Nhưng em có thuộc giá chưa? Lọ Lem hỏi.
-Vô tư.
Ngọc dắt chiếc Cub ra sân, đạp máy nổ.
-Chị đi xe này. Em ngồi sau xe anh Hùng.
Lọ Lem không còn cách nào khác. Cô ngồi lên xe đi theo người đàn ông. Cô muốn đi chậm nhưng vì chiếc CD 90 đi nhanh quá nên cô phải đuổi theo. Kim Ngọc ngó lui, cười nghiêng ngả giữa phố. Rồi la lên:
-Chị đẹp quá chị Lọ Lem ơi.
Lọ Lem cũng la lên:
-Ðẹp vừa vừa thôi.
-Không. Ðẹp rực rỡ.
Thực ra thì Lọ Lem có thể đi chậm lại để bắt người đàn ông phải giảm tốc độ nhưng những lời khen tặng của Ngọc làm cô thấy vui và sẵn lòng đuổi theo sát nút nếu không cô sẽ bị lạc mất vì cô chưa hề biết cái nhà hàng Hải Âu nó ở chỗ nào. Xe vòng qua đường biển, chạy theo mỏm núi trọc và đến một rừng dừa đầy gió biển rì rào. Họ dừng lại. Gió biển đã làm cho tóc Lọ Lem tung lên và cô cứ để mặc như thế không thèm chải lại. Ngọc đã ngồi vào bàn ăn và gọi:
-Lại đây. Nhìn cái gì vậy?
Lọ Lem đang nhìn biển. Sóng rất lớn bủa ì ầm lên bờ đá. Tiếng động ấy làm dậy lên trong cô một cảm giác mạnh mẽ dữ dội. Lúc ấy cô gần như quên hết những người bạn của mình. Một ham muốn được đùa nghịch với sóng lôi cuốn cô mãnh liệt. Biển ở gần bờ thì đục ngầu và đầy bọt trắng nhưng ngoài khơi nước xanh ngắt dâng lên rồi lại hạ xuống như núi như đồi chập chùng. Hơi thở của nó mạnh mẽ ấm áp và nồng thắm. Ðã lâu lắm cô không bơi ra ngoài khơi xa để leo lên những đỉnh sóng láng mượt, ngời lên như đá cẩm thạch, để thấy biển cũng nghịch ngợm. Cô thảng thốt thấy mình đã xa rời biển quá lâu và dường như đã có một cái gì đó trong cô vừa biến mất đi, vừa đổi thay một cách thầm lặng.
-Lại đây! Kim Ngọc lại gọi.
Lọ Lem trao xe cho người giữ rồi buồn bã đi về phía hai người bạn. Cô chọn một cái ghế gần gốc cây bàng và nhìn lên đỉnh ngọn đồi phía sau nhà hàng. Ngọn đồi trọc và đơn độc. Người phục vụ đem bia và côca lon đến. Người đàn ông đưa bản thực đơn cho Lọ Lem nhưng cô mỉm cười nói:
-Anh gọi đi. Tôi không ăn đồ biển đâu.
Cô nói như thế vì cô nghĩ đến những người bạn nhỏ của mình dưới biển. Cô thấy khát và uống một ngụm coca mát lạnh tê tê đầu lưỡi. Ngọc và Hùng gọi món ăn gì Lọ Lem không để ý chỉ thấy lát sau nhà hàng đem một dĩa thịt nai. Hùng hỏi:
-Chị dùng món này được chứ?
Lọ Lem gật đầu dù cô không thích món thịt lắm tuy vậy cô rất thích ớt Ðà Lạt và cô cứ ăn hoài. Kim Ngọc khều người bạn trai của mình, nói đùa:
-Chị ấy có căn tu. Chỉ thích ăn chay.
Nhưng Hùng lại có vẻ rất quan tâm đến Lọ Lem, anh hỏi:
-Chị bị dị ứng hả?
-Không. Nhưng trời sinh ra thế, không dám ăn đồ biển.
09Nói vừa dứt lời đã thấy một người đàn ông ý chừng là đầu bếp của nhà hàng khệ nệ bưng một cái lồng sắt đến ngay bàn ăn của ba người. Ông ta mở nắp lồng lôi ra một con rắn hổ đất, dài gần hai thước. Bị chọc giận, con rắn phình mang thổi phì phì. Người đàn ông cầm đuôi con rắn, bỏ nó xuống đất, ngay dưới chân Lọ Lem. Kim Ngọc sợ quá rụt chân lên còn Hùng thì cười có vẻ rất thú vị về trò chơi này. Người đầu bếp cầm cái đuôi rắn mà lái nó bò qua bò lại trước mặt thực khách, đầu rắn ngẩng cao lên mổ vào khoảng không. Trò chơi kéo dài chừng vài phút. Hắn muốn khoe khoang tài nghệ của mình nên cứ tiếp tục bắt con rắn múa may. Bỗng nhiên nó vuột ra khỏi tay hắn, phóng tới ngay chân Hùng. Anh ta hoảng hốt ngã người ra, chiếc ghế dựa đổ nhào khiến anh lăn xuống đất. Con rắn hổ trườn tới sát mặt Hùng. Anh ta hét lên. Mọi người trong quán nhốn nháo, phụ nữ chạy tán loạn, kêu rú, bọn đàn ông nhảy choi choi tìm vũ khí để tự vệ, có người xách cái ghế đẩu, người thì cầm chai bia, một ông khách đứng tuổi ném nguyên một dĩa bít tết khoai vào đầu con rắn nhưng không trúng, cái dĩa lớn vỡ tan tành trên nền gạch bông. Mặt Hùng lúc ấy tái xanh, khiếp đảm.
Lúc ấy người đầu bếp đã tìm được con dao phay, ông ta nhảy đến rất nhanh, chém xuống một nhát, nhưng con rắn tránh né rất linh hoạt.
Giữa lúc hỗn loạn ấy bỗng nghe một tiếng huýt sáo nhỏ nhưng sắc, không biết từ đâu phát ra. Con rắn lập tức rụt đầu khoanh tròn lại nằm im thin thít. Mọi người đều ngạc nhiên không biết chuyện gì đã xảy ra, kể cả người đầu bếp cũng không hiểu vì sao con rắn độc lại có vẻ sợ hãi như thế. Anh ta bước nhanh tới tóm lấy con rắn. Lọ Lem cũng bước tới đỡ Hùng dậy, phủi bụi trên áo anh. Hùng chỉ mặt người đầu bếp:
-Anh làm ăn vậy đó hả? Tính thả rắn độc giết tôi à?
-Xin lỗi ông. Lâu nay trước khi mần thịt tôi đều làm như vậy. Chẳng may nó vuột khỏi tay, xin ông tha lỗi cho.
Kim Ngọc:
-Bây giờ sao, anh Hùng?
Hùng tươi tỉnh lại ngay, anh cười nhìn hai cô gái và nói:
-Không có gì. Cứ tiếp tục.
Người đầu bếp tay trái bóp chặt gáy con rắn, tay phải cầm khúc đuôi, anh ta rụt rè hỏi Hùng:
-Thưa ông, có dùng món này nữa không?
-Ðương nhiên là dùng.
Người đầu bếp cầm con rắn tiến tới bên cái bàn gỗ thấp đặt giữa sân, trên bàn có sẵn một cái thớt lớn và một con dao phay bén ngọt. Anh ta đè đầu con rắn xuống cái thớt, cứa một nhát dao. Ðầu con rắn đứt lìa nhưng máu nó chưa phọt ra. Anh ta dốc ngược con rắn lên, dùng tay phải vuốt mình con rắn, máu nhỏ giọt xuống cái ly thủy tinh, sau đó chảy thành dòng dâng lên hơn nửa ly. Khi giọt máu cuối cùng đã nhểu xuống, anh ta đè con rắn ra cứa thêm một nhát dao nơi ngực của nó, lẹ làng moi ra một trái tim nóng hổi. Anh ta bỏ trái tim ấy vào trong máu rắn có pha chút rượu rồi đem đến đặt trước mặt Hùng.
Trái tim rắn vẫn đập thình thịch trong ly máu. Hùng dùng đũa gắp nó ra, bỏ trong một cái chung nhỏ. Trái tim vẫn đập, anh lấy máu trong ly lớn rót đầy vào chung rồi trịnh trọng đặt chung rượu máu rắn có trái tim đang đập ấy trước mặt Lọ Lem:
-Ðây là vinh dự tôi muốn dành cho chị.
Nhưng Lọ Lem không nói một tiếng, mặt cô tái mét, những ngón tay của cô run lên. Ðiều đó làm Hùng vô cùng bối rối. Anh nói:
-Xin lỗi. Tôi không biết rằng cô sợ rắn đến như thế.
Lọ Lem ngã người lên ghế, nhắm mắt lại. Cô nói:
-Ngọc ạ, chị thấy trong người khó chịu quá, chị về trước.
Hùng đứng bật dậy:
-Tôi xin phép đưa chị về, chị đi một mình nguy hiểm lắm.
Lọ Lem nói:
-Không sao. Tôi đi được. Xin lỗi đã làm cho các bạn mất vui.
Rồi cô ra xe, đạp máy vọt nhanh tới. Nước mắt cô ràn rụa nhưng cô cứ phóng xe như điên, chạy một mạch về đến cửa hàng. Cậu em của Ngọc đang đánh cờ cá ngựa với mấy đứa bé hàng xóm, chúng cười nói rôm rả nên không chú ý gì đến Lọ Lem. Nó chỉ hỏi:
-Chị Ngọc và anh Hùng đâu rồi?
-Lát về.
Rồi cô dựng xe nhà sau, vớ lấy cái xách tay. Cô bảo cậu em:
-Sáng mai chủ nhật nghỉ, bây giờ chị đi về nhà nhé. Sáng thứ hai chị mới lên.
Lọ Lem đi thẳng ra đường và cứ như thế cô đi bộ ra cồn cát. Xế chiều cô mới đến bìa rừng, nắng gần như đã tắt hết nhưng trời vẫn còn sáng lắm. Cô theo lối mòn quen thuộc đi sâu vào trong rừng. Một lát cô đã có thể nghe tiếng sóng biển vỗ rì rào phía cuối của khu rừng bạch đàn nơi biển có rất nhiều ghềnh đá vỏ ốc, rắn và chim hải âu.
10Trời tối hẳn. Lọ Lem nhìn thấy đóm lửa màu da cam nơi căn lều của mình. Ðó là ngôi nhà sàn cha cô đã dựng nên cách đây mười năm. Cô đã sống suốt quãng đời thơ ấu ở đó và khi cha chết đi cô đã sống những tháng ngày đơn độc lẻ loi giữa đàn rắn độc hiền lành của mình. Cô không huýt sáo gọi chúng như mọi khi mà đi thẳng vào ngôi nhà sàn. Cô dừng lại chỗ cầu thang giây lát để nghe ngóng động tĩnh bên trên rồi bước rất nhẹ lên. Cửa sổ hãy còn mở, ánh đèn từ bên trong hắt xuống vạt cỏ phía dưới một vệt sáng mờ mờ. Cô nghe tiếng chân bước nhanh trên sàn ván và cánh cửa lớn sịch mở, một cái bóng hiện ra nơi bao lơn và đứng im nơi ấy. Lọ Lem bước đến gần, Vua Mèo nói:
-Tôi đợi em suốt cả tuần nay.
Lọ Lem nắm cổ tay Vua Mèo:
-Vào nhà.
Khi đã ngồi dưới ánh đèn cô kéo ống tay áo của Vua Mèo lên xem xét cánh tay ông. Những vết thương đã lành miệng, những dấu máu đen đã cứng lại, khô se và sắp bong ra. Cô nhìn cách ăn mặc của Vua Mèo và biết ông đang khỏe mạnh, đang rất ổn định tâm trí. Vua Mèo hỏi:
-Em đã ăn gì chưa?
-Chưa. Em đang đói ghê lắm.
Vua Mèo mang ra một rổ bắp nấu. Ðó là phần ông để dành đợi cô mỗi chiều thứ bảy. Ông lột sẵn bao và xếp trong cái rổ mây do chính tay ông đan. Trong lúc Lọ Lem ăn bắp ông đi lấy một gói hạt dẻ đem đến cho cô và lấy cái xách tay của cô để lên bàn. Ông hỏi:
-Em có nhớ lấy mấy hộp pétri không?
Lọ Lem vừa nhai vừa gật đầu, cô kéo cái xách vải hình ống của mình lại gần, mở khóa kéo lục một hồi mới lấy ra được ba cái hộp tròn và dẹp bằng thủy tinh trong suốt. Vua Mèo tiếp lấy một cách cẩn trọng, xếp ngay ngắn trước mặt mình rồi lấy riêng ra một hộp. Ông dùng tay phải xoay nắp hộp, thấy nó rất sít sao ông có vẻ rất vui. Lọ Lem nói:
-Loại này nhập từ nước ngoài chỉ trong phòng thí nghiệm của chị Kim Anh mới có. Người ta dùng nó để cấy vi khuẩn.
-Kệ họ. Thôi được rồi, để sáng mai tôi sẽ lấy nọc cho em xem.
Vua Mèo ngồi một bên bàn, không nhìn Lọ Lem, ông dùng con dao nhỏ lặng lẽ bóc vỏ hạt dẻ rồi đựng hạt trong một cái chén nhỏ bằng sứ. Lọ Lem nói:
-Ðể em tự bóc lấy.
-Tôi thích làm công việc này.
Lọ Lem ném cùi bắp qua cửa sổ, cô hỏi:
-Tuần này sức khỏe của ông thế nào?
-Ổn định. Nhất là về ban đêm. Khi làm việc tôi thấy đầu óc rất thanh thản.
-Thế ông có nhớ em không?
-Tôi rất thường nhớ em. Ở trên đó em bận lắm hả?
-Em bận suốt ngày ở cửa hàng. Buổi tối dọn hàng xong mới rảnh. Có khi phải đi chơi ở đâu đó một chút như đi xem ca nhạc. Ông có thích xem ca nhạc không?
-Không. Tôi chỉ thích sự yên tĩnh nên sống ở đây rất hợp. Những lúc nửa đêm và sáng sớm rất tuyệt.
-Nửa đêm có gì mà tuyệt?
-Nửa đêm ra ngoài ban-công nhìn rừng, nhìn trời thường có cảm giác như chỉ có mỗi mình mình còn thức trên cõi đời này.
-Nếu em như thế em sẽ thấy rất cô đơn. Ông không thấy cô đơn sao?
Vua Mèo cười, đẩy chén hạt dẻ đã bóc về phía Lọ Lem. Ông nói:
-Cô đơn là mái nhà của con người. Hắn bôn ba khắp nơi, hắn sống, yêu, nói cười, thù ghét, đau khổ, hạnh phúc nhưng sau đó bao giờ con người cũng quay lại cái nỗi cô đơn ấy cũng giống như người ta trở về mái nhà của mình.
-Như vậy sự cô đơn làm ông thích thú?
-Không. Nhưng nó giúp chúng ta hiểu cuộc sống.
Lọ Lem có vẻ ngẫm nghĩ, cô gom vỏ hạt dẻ và cùi bắp lại ném ra ngoài vườn rồi lấy khăn lau bàn. Cô nói:
-Chị tu sĩ đến tìm em ba lần hỏi thăm chỗ ở của ông. Ông có tiếp chị ấy không?
-Tiếp cũng được, nhưng để làm gì?
-Chị ấy có vẻ rất tha thiết. Em nghĩ rằng chị ấy yêu ông lắm. Ông hãy kể cho em nghe về chị ấy đi.
-Tôi không nhớ gì cả.
-Thực ra thì những người đàn bà từng sống với ông đã kể chuyện của họ cho em nghe hết rồi. Bà Kim Anh, bà Bạch Liên, cả Phù Dung nữa. Chỉ có chị tu sĩ ấy là em chưa biết gì cả, tên của chị em cũng chưa biết nhưng em cảm thấy giữa hai người có một điều gì đó rất đặc biệt.
Vua Mèo nhìn ra ngoài rừng, dường như ông muốn được yên tĩnh. Ông bước lại bên chiếc võng gai cột ở góc nhà sàn gần chỗ Lọ Lem đang ngồi và nằm xuống. Lọ Lem lặng lẽ ngồi ăn hạt dẻ một mình trong quầng sáng mờ mịt của ngọn đèn dầu. Tự nhiên Vua Mèo nói:
-Em muốn biết những câu chuyện ấy để làm gì?
-Vì em là bạn ông. Nhưng ông có yêu những người đàn bà ấy không?
-Em đừng nhắc đến những ngày đã qua của cuộc đời tôi nữa. Có thể đó chỉ là cách lấp đầy những khoảng trống trong đời một người.
Vua Mèo bật ngồi dậy, cái võng đong đưa. Lọ Lem cảm thấy ông đang bị kích động, cô đến bên ông và nói:
-Thôi, ông đừng nói nữa. Ông hãy nằm xuống và ngủ đi.
Cô đẩy Vua Mèo nằm xuống, bấy giờ cô mới nhận ra quần áo của ông rách nhiều chỗ, hai bên vai, trước ngực. Nút đứt gần hết, ống quần thì tả tơi. Cô quạt cho ông một lúc và nói:
-Ngủ đi.
-Tôi chưa buồn ngủ. Cám ơn em. Bây giờ thì tôi thấy lòng thanh thản. Ngày mai tôi với em sẽ lấy nọc rắn. Em sẽ thấy cái hộp pétri này tiện lợi rất nhiều.
-Sáng sớm em sẽ đi tắm một lát, khi mặt trời lên thì em về. Ông có thường hay ra ngoài ghềnh đá không?
-Thường lắm. Tôi hay ở đó vào những buổi trưa. Dạo này không hiểu sao chim về rất nhiều. Chúng bay kín cả bầu trời. Trước đây em có từng thấy chim nhiều như thế không?
Lọ Lem cười, đưa cây quạt giấy cho ông, cô nói:
-Ðó là điều bí mật. Ông ở đây lâu rồi sẽ biết. Ông có nhìn thấy hòn đảo nhỏ ngoài khơi không?
-Dường như đó là một cái sân chim.
-Nhưng ông đừng mạo hiểm bơi ra đó nhé. Ở đó có một luồng nước ngầm rất mạnh chảy quanh đảo đến nỗi thuyền bè, ca nô máy cũng không vượt qua được để vào đảo. Người ta bảo rằng ngày xưa có một đoàn người săn chim cố tìm cách vào đảo nhưng đã bị luồng nước nhận chìm mất xác, vì thế cho đến giờ hòn đảo vẫn giữ được vẻ hoang dã đáng yêu của nó. Chim đẻ tràn trên mặt đất, chúng làm tổ trong cát, trong bụi cỏ, lùm gai, chúng nở ra vô số.
-Em đã lên đảo đó rồi à?
-Chưa. Nhưng đó là truyền thuyết.
-Những truyền thuyết thường không đáng tin cậy.
-Ngày trước ba em cũng nói như thế và ông đã quyết định một mình đến đảo chim. Ông không biết ba em là một người bướng bỉnh như thế nào đâu. Ông đẵn tre về đóng một cái bè nhỏ một mình ra biển. Lúc đó em lên mười tuổi. Câu chuyện về luồng nước quanh đảo chim vẫn ám ảnh em như một nỗi khủng khiếp. Em khóc và níu ông lại. Nhưng ông đã cười, vuốt tóc em, vỗ về em. Ông nói: Có gì đâu mà con phải sợ. Vượt cả một đại dương mênh mông người ta còn làm được huống chi là đi đến một hòn đảo nhỏ. Con ở nhà đi, ba sẽ mang những chú chim non tuyệt đẹp về cho con. Và rất nhiều trứng. Trước đó ba em thường nói là ông có ý định dời nhà về đảo chim, lập nghiệp ở đó. Thế là ông ra đi và không bao giờ trở về nữa.
Ðã gần mười năm rồi.
Vua Mèo nằm nghe một cách chăm chú. Khi Lọ Lem dứt lời, sự im lặng bao trùm gian phòng. Vua Mèo thở dài, nói lầm bầm:
-Tại sao thế? Chẳng lẽ điều bí ẩn ấy không bao giờ được khám phá sao?
o O o
Trong lúc Lọ Lem bơi ra biển thì Vua Mèo ngồi câu cá trên ghềnh đá. Mọi khi ông thường câu vào buổi trưa, nướng cá ăn tại chỗ rồi đi loanh quanh chơi đến xế chiều mới về nhà. Tuy nhiên thỉnh thoảng ông cũng hay đi câu sớm vì lúc đó chim thường về.
ra-ly-son-ngamnbsphai-au-2Chúng giỡn với sóng, kêu ríu rít, chúng đậu dày đặc trên những mô đá cao. Ban đầu chúng còn sợ ông nhưng dần dà chúng quen với ông và đậu xuống ngay chỗ ông ngồi, có con dám đậu cả trên vai ông nữa. Khi ông nằm ngửa ra trên tảng đá lớn chúng thường đi quanh ông. Những con chim to lớn như con vịt trời ấy dường như cũng biết cách tỏ tình. Chúng vây lấy ông như đàn trẻ nhỏ, chúng nói với ông bằng thứ ngôn ngữ riêng của chúng, ông cười với chúng và lấy cá nhỏ cho chúng ăn. Chúng nghịch phá ông bằng cách rỉa vành tai ông, có con cắn vào mũi ông đau điếng. Ông tóm lấy nó, vuốt ve nó, hôn lên cái cổ trắng ngần mịn màng của nó rồi tung nó lên trời. Có khi ông la hét như đứa trẻ con làm chúng sợ hãi bay toáng lên, nhưng chỉ một lúc sau chúng lại đậu xuống tiếp tục trò nghịch ngợm của mình.
Khi nắng tràn ngập mặt biển thì Lọ Lem đã bơi vào bờ. Nắng làm cho biển trong vắt, ngời lên sắc xanh lộng lẫy như ngọc bích. Sóng lao xao, mơn man vỗ lách tách vào chân ghềnh đá bám đầy hà. Lọ Lem lướt đi như một con cá lớn. Từ xa ông đã nhìn thấy rất rõ dòng tóc đen mượt. Vầng trán bướng bỉnh quen thuộc của cô gái sáng lên trong nắng mai và nước biển mặn đem lại cho da thịt cô vẻ tươi mát trẻ trung lạ lùng.
Lọ Lem vừa nhảy qua những tảng đá vừa la đuổi bầy chim làm chúng cứ bay lên đậu xuống, nhưng chúng cũng không chịu thua, chúng bay vòng trên đầu cô, cánh chúng vẫy gió mát mặt. Cô lau mình bằng chiếc khăn tắm lớn màu vàng rực. Dường như bầy chim rất thích mầu ấy. Chúng kêu lên quang quắc. Lọ Lem cầm hai chéo khăn đưa lên khỏi đầu. Gió biển thổi nó bay phần phật rực lên giữa một vùng mây nước và đá xanh xám lẫn lộn. Lúc này tóc cô đã khô rồi, gió biển thổi nó bay tung lên bồng bềnh theo chiếc khăn vàng rực kia. Lọ Lem cầm chiếc khăn đuổi chim, la lối om sòm. Vua Mèo gọi:
-Ði về! Ðừng có điên nữa.
Nhưng cô tiếp tục chạy nhảy qua các mô đá. Thoắt cái, cô đã đứng trước mặt ông, quỳ gối xuống bên giỏ cá mở nắp ra xem. Vua Mèo nói:
-Còn một nhúm gạo, hôm nay sẽ nấu một nồi cháo cá. Cô đi thay đồ đi.
Lọ Lem chui vào hang đá. Ðàn chim đậu xuống và thôi không kêu nữa.
Họ về đến nhà lúc gần tám giờ sáng. Vua Mèo đi thẳng ra vườn rắn của mình. Trong vòng ba tháng ở đây ông đã xây dựng một giang sơn riêng cho các loài rắn độc. Ông cho chúng sống một cách hoang dã, chúng lớn lên, trưởng thành và đến mùa giao phối chúng hội nhau giữa thiên nhiên, rồi sinh sôi nảy nở khá đông. Những chú rắn con được nuôi trong vườn rắn y hệt như môi trường thiên nhiên, chúng ăn mồi thiên nhiên do mẹ chúng bắt đem về hoặc do chính chúng đi tìm. Vua Mèo chỉ đào một cái ao nhỏ trồng cỏ chung quanh và thả bông súng, ở đó ông nuôi ếch nhái, cóc, đó là nguồn cung cấp thức ăn cho đàn rắn của ông.
Một tuần đôi lần ông đến những khe suối những đầm nước ven chân núi để bắt thêm cóc nhái, ếch và chuột về cho lũ rắn. Ông trở nên một người bạn quen thuộc với chúng, tuy vậy mỗi khi đi vào vườn rắn ông cũng phải mang đôi ủng cao cổ (đôi ủng này của Lọ Lem mua cho ông).
15Trong vườn rắn có một cái chòi nhỏ dựng bằng cây rừng thô sơ, mái lợp lá trung quân. Ðó là chuồng nhốt rắn độc lấy nọc. Những con rắn hổ đất, mái gầm, hổ chúa đang nằm im trong chuồng thấy người bước vào vội ngóc đầu lên thè lưỡi và phun hơi phì phì. Ðó là tiếng rít qua kẽ răng của những mụ phù thủy độc ác, tiếng hú của gió thổi qua hẻm núi đầy phân dơi. Vua Mèo đi quanh một lượt thăm lũ rắn rồi lại ngồi nơi cái bàn gỗ kê trong một khoảng trống đầy ánh sáng.
Lọ Lem đeo cái túi vải bước vào, ngồi đối diện ông. Cô lấy khẩu trang đeo cho mình và đưa cho Vua Mèo một cái. Cô và Vua Mèo mang găng tay và khoác thêm chiếc blouse trắng bên ngoài. Lọ Lem bày hộp pétri ra bàn, một cuộn băng keo trong và một cái kéo nhỏ. Vua Mèo bắt tay ngay vào việc. Ông bắt một con rắn ra khỏi chuồng gỗ và tay phải ông nắn gáy con vật, tay trái giữ đàng đuôi. Ông bảo Lọ Lem:
-Trước đây không có hộp pétri mình lấy nọc bằng một cái ly rất bất tiện, nhất là khi bảo quản, vì trong nọc độc có rất nhiều protéin, và enzyme của nó rất dễ bị môi trường bên ngoài phân hóa. Ðây là lần đầu tiên chúng ta dùng hộp pétri, cô hãy làm đúng như tôi dặn.
Lọ Lem cầm hộp pétri, đứng dậy.
-Tôi sẽ bóp cho miệng con rắn há ra, cô đưa hộp pétri vào giữa miệng nó nhưng đừng cho thành hộp chạm vào hai cái răng nọc. Tôi sẽ ấn hai cái răng mọc ấy vào đáy hộp con rắn sẽ phun nọc ra cho mà xem.
Lọ lem làm theo lời dặn và mọi việc diễn ra y hệt như thế. Khi cô lấy hộp pétri ra khỏi miệng con rắn thì thấy dưới đáy hộp có mấy giọt nọc như những giọt nước đen tuyền.
Vua Mèo lại bắt con rắn khác, cứ như thế cho đến khi nọc rắn dâng lên được gần nửa hộp thì ông bảo Lọ Lem đậy nắp hộp lại, dùng băng keo trong dán kín đường tiếp giáp giữa nắp và hộp.
Hai người tháo bỏ găng tay, khẩu trang, cất các thứ vào túi vải và trở vào nhà.
Vua Mèo đặt một cái bàn và hai cái ghế tất cả đều làm bằng những đoạn thân cây cưa cụt. Nồi cháo cá đang sôi trên bếp lửa nhưng hai người không nhìn nó mà nhìn ngắm khu rừng bạch đàn của mình. Lọ Lem hỏi:
-Có phải cây bạch đàn cũng giống cây phong không?
-Vỏ cây thì giống nhưng lá thì không giống. Lá phong rất đẹp. Mùa thu nó ngả vàng rồi chuyển sang đỏ trước khi rụng. Có nhà văn đã viết: “không có sinh vật nào trên trái đất lại biết sửa soạn cho mình một cái chết rực rỡ đến như thế”. Giá mà chúng ta được chết như cái lá phong kia thì hay quá.
-Ông đừng đầu độc em bằng những tư tưởng ảm đạm của ông.
-Biết làm thế nào. Bởi vì cái chết luôn luôn ở bên cạnh chúng ta ngay cả khi mình đang vui.
-Nhưng chết hay sống đều có số mạng cả. Ông có tin vào số mạng không?
-Tôi không tin lắm nhưng tôi có đọc kinh Dịch của Khổng Tử. Ðó là sách tượng số bói toán đồng thời cắt nghĩa sự biến hóa của tạo vật.
-Bói toán như thế nào?
-Sách ấy huyền ảo lắm, tôi đọc cũng không hiểu hết. Ðại khái có hai cách bói. Cách bói mai rùa gọi là bốc, cách dùng cỏ gọi là phệ. Về sau vua Phục Hi mới sáng tạo ra các quẻ, dùng cái vạch liền để biểu thị lẽ dương, cái vạch đứt để biểu thị lẽ âm. Sự kết hợp giữa các vạch liền và vạch đứt theo nhiều kiểu khác nhau tạo thành tám quẻ gọi là bái quái có tên là Kiền, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn và Ðoài. Về sau vua Hạ Vũ mới nghiên cứu tới ngũ hành tức là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
-Năm trước em có nhờ người lấy cho một lá số tử vi, người đó nói em tuổi Quý Tỵ thuộc mạng Thủy. Thủy đó có thuộc ngũ hành của vua Hạ Vũ không?
-Thủy của tuổi Quí Tỵ gọi là Trường Lưu Thủy có nghĩa là “nước chảy dài”, nước ở những con sông lớn chảy mãi không dứt. Mạng của em rất kỵ với mạng Ốc Thượng Thổ của tôi.
-Vì sao?
-Vì nước của em là nước chảy xiết mà. Ðá cũng phải mòn huống chi là đất, nhất là đất trên mái nhà.
-Ông nói sai rồi. Dòng sông của em có chảy trên mái nhà đâu.
-Nhưng nước mưa thì chảy trên mái nhà. Nước mưa cũng có thể gọi là Trường Lưu Thủy được, nhất là những cơn mưa dầm, nó sẽ cuốn hòn đất của tôi theo máng xối trôi ra ngoài sông, bị lôi tuột đi một cách tàn nhẫn, bị sóng đánh vỡ tan thành từng mảnh vụn, từng hạt bụi.
-Thế ông có sợ em không?
-Không sợ.
-Vì sao không sợ?
-Nếu em là người làm cho tôi phải tan thành tro bụi thì tôi sẽ không sợ.
-Vậy thì trên đời này ông sợ cái gì?
-Một cuộc sống lẩn quẩn, tẻ nhạt.
-Có phải vì thế mà ông đã bỏ những người đàn bà ấy để ra đi không?
-Ðôi khi tôi cũng muốn bỏ tôi để ra đi.
-Ði đâu vậy?
-Ði theo cái nguồn nước bí ẩn của em chảy quanh đảo chim. Hôm nay trời nắng tốt, đứng trên bờ biển có thể nhìn thấy hòn đảo ấy.
-Lát nữa mình đi ngắm hòn đảo, anh nhé?
Họ dọn cháo cá ra, ăn xong chẳng cần dọn dẹp gì cả, họ đi ra biển.
Dọc ghềnh đá có nhiều vỏ ốc nhưng không ai nhặt. Biển phẳng lặng, hiền lành. Trời đất dịu dàng, thanh thản. Hòn đảo xa hiện ra như một vệt đen mờ. Bầy chim đã biến đi đâu mất. Họ ngồi trên cát nhìn những con sóng nhỏ nối tiếp nhau chạy vào bờ. Lọ Lem nói:
-Ông biết vì sao biển có sóng không?
-Vì sao?
-Ngày xưa ba em thường hỏi em như thế nhưng em không trả lời được. Ông bảo rằng ở trong lòng biển có một trái tim rất lớn, nó đập hàng triệu năm nay và nhịp đập của nó tạo ra những con sóng và thủy triều. Ông có tin như vậy không?
-Hay đấy. Có khi cái luồng nước chảy quanh đảo sẽ đưa ta đến với trái tim ấy.
Lọ Lem ngồi lặng thinh. Vua Mèo nằm ngửa ra trên cát, bên cạnh cô gái. Cái chỗ rách ở đầu gối để ló một mảng da đen sạm, Lọ Lem hốt cát đắp lên đó, vun thành một đống cao nhọn hoắt. Vua Mèo nói:
-Bầu trời và mặt biển này đã có trước chúng ta hàng tỉ năm. Lấy đời sống của em và tôi so với cái con số khủng khiếp ấy chỉ là một cái chớp mắt.
Lọ Lem quay nhìn ông rất nhanh và nhìn ra biển. Trong thâm tâm cô vẫn sợ ông trở lại tình trạng mê sảng, tâm trí bất ổn. Nhưng ông vẫn trầm tĩnh, lặng lẽ.
Lọ Lem nắm tay ông, kéo ông dậy.
-Thôi về. Buổi trưa ông phải nghỉ một chút sau đó em và ông đi ra ngoài xóm cá mua một ít gạo và đường.
Vua Mèo Vua Mèo - Đạo Hiếu Vua Mèo