There's nothing to match curling up with a good book when there's a repair job to be done around the house.

Joe Ryan

 
 
 
 
 
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Phạm Văn Thiều
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1946 / 40
Cập nhật: 2017-05-24 16:45:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
o phóng như bay, tôi về tới Paradise City chỉ ít phút trước sáu giờ chiều. Rất may là Chick vẫn còn đang dọn dẹp bàn làm việc.
- Mẹ kiếp! – anh ta thốt lên khi thấy tôi bước vào phòng làm việc. – Nghe đây Dirk, mình có hẹn với một cô bé, không thể tới chậm được.
- Cậu đúng là chả biết cóc khô gì. Cậu càng bắt họ đợi lâu, họ càng kích thích. Cậu có tin gì cho mình không?
- Cậu xem mình là ai vậy? Một thầy phù thủy chắc? Dù sao mình cũng có cái gì đó cho cậu đây. Nhưng không giúp ích lắm đâu. (Anh ta sốt ruột xem đồng hồ, rồi mở ngăn kéo bàn). Này, cầm lấy. Đây là một tờ báo cáo về Syd Watkins. Cho tới tận bây giờ mình vẫn chưa tìm được đầu mối gì về đám cưới của Mitch Jackson và sự ra đời của thằng bé. Theo sổ đăng ký của quân đội thì hắn độc thân, nhưng quân đội cũng có thể nhầm chứ.
- Thế Johnny Jackson không có đăng ký khai sinh à?
- Mình không biết gì hết. (Anh ta chìa cho tôi một bản báo cáo đánh máy). Cậu cầm lấy đi. Mình chuồn đây.
- Hượm đã nào, Chick. Cậu đã từng là quân cảnh trong trung đoàn của Parnell. Đơn vị của cậu có bao nhiêu phần trăm người nghiện ma túy?
- Lạy Chúa! Cái đầu của cậu đang suy nghĩ gì vậy? Cậu đang được giao nhiệm vụ tìm thằng cháu nội Jackson cơ mà.
- Đừng mất thời gian nữa, Chick. Có bao nhiêu phần trăm người nghiện ma túy trong trung đoàn của Parnell?
- Đó là câu chuyện cũ rích rồi, nhưng thật đáng lo ngại. Ở đó tất cả các trung đoàn đều vấp phải vấn đề này. Nhưng không liên quan đến mình. Có cả một êkíp của phòng chống ma túy lo chuyện đó. Họ là những người chuyên nghiệp mà.
- Thế họ không gửi báo cáo về trung đoàn của cậu à?
- Mình nghĩ là có, nhưng nó được thông báo trực tiếp cho đại tá.
- Trưởng kíp chống ma túy là người như thế nào?
- Đó là đại tá Jefferson Haverford. Ông ấy là bạn lớn của đại tá Parnell.
- Hiện ông ta sống ở đâu?
Chick nhíu mày nhìn tôi.
- Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra trong óc cậu vậy? Đại tá không muốn người ta đào bới chuyện đó đâu. Ông vốn rất kiêu hãnh về trung đoàn của mình và ông hoàn toàn có cơ sở để làm vậy.
- Mình có thể gặp đại tá Haverford ở đâu?
- Ông ấy hiện sống ở đây, cậu có thể tìm theo danh bạ điện thoại. Nhưng phải thận trọng, Dirk ạ. Đại tá sẽ không hài lòng việc cậu đào bới lại chuyện cũ đâu. Mình phải đi đây, kẻo không cô bồ của mình sẽ bóp nát của gia bảo mình mất.
Đoạn, anh ta vụt chạy ra cửa. Tôi châm thuốc, rót một ly vừa nhâm nhi vừa đọc bản báo cáo ngắn về cuộc sống quân ngũ của Syd Watkins.
Bản báo cáo cho biết Syd Watkins nhập ngũ và được biên chế vào một đơn vị cung cấp bom cho máy baỵ Anh ta làm việc trong suốt bốn năm tại một căn cứ không quân ở Việt nam. Sau khi giải ngũ anh ta về Mỹ cùng với các đồng đội khác. Địa chỉ cuối cùng của anh ta mà quân đội nắm được là một ngôi nhà ở phía đông New York. Sau đó anh ta mất tăm. Báo cáo dừng lại ở đó.
Điều duy nhất khiến tôi quan tâm là Watkins và Mitch ở Việt nam cùng một thời gian.
Tôi đặt bản báo cáo vào cặp hồ sơ, rồi tìm điện thoại của đại tá Haverford. Đại tá sống trong một căn hộ thuộc tòa nhà ở phố Đại dương, một khu phố sang trọng ở Paradise City.
Đích thân ông trả lời tôi qua điện thoại.
- Tôi Haverford đây, - Ông nói bằng một giọng nghiêm nghị.
- Thưa đại tá, tôi là Dirk Wallace, nhân viên của đại tá Parnell, - tôi tự giới thiệu.
- À, thế hả. Anh là nhân viên mới, phải không? Đại tá Parnell có nói với tôi về anh. Có chuyện gì vậy, Dirk?
- Cháu đang phải đối phó một vấn đề. Bác dành cho cháu ít phút, được không?
- Sao, một vấn đề à?
- Đây là một vụ mà cháu đang điều trạ Cháu có cảm giác là vụ này có liên quan đến việc buôn bán ma túy trong quân đội. Cháu nghĩ bác có thể giúp cháu lần ra manh mối.
- Thôi được, mười phút nữa cháu hãy đến đây. Tôi được mời ăn tối lúc tám giờ.
Nói đoạn, ông gác máy.
Phố Đại dương chỉ cách văn phòng tôi chừng ba phút xe hơi. Bảy phút sau tôi ấn chuông cửa nhà đại tá Haverford.
Người hầu – một bà da đen – dẫn tôi qua một phòng khách lớn tiện nghi sau khi đi qua một hàng hiên nhìn ra đại lộ có hàng cọ ngăn cách với một bãi cát tuyệt đẹp. Haverford đang ngồi trên một chiếc ghế dài. Nhìn thấy tôi, ông đứng dậy. Hồng hào, hơi nhỏ con và béo tròn, Haverford có gương mặt nhà binh, hàng ria bạc trắng được tỉa cầu kỳ và bộ tóc cắt ngắn.
- Wallace hả? – ông hỏi và chìa tay cho tôi bắt.
- Vâng, - tôi nói.
- Tốt lắm, ngồi xuống đi. Một ly uytski chứ?
- Vâng, cám ơn bác.
Ông đi lấy hai ly ở quầy rượu, đưa đến cho tôi một ly rồi ngồi xuống.
- Nào, có vấn đề gì?
- Cháu nghe nói ở Việt nam bác chuyên lo về vấn đề ma túy, - tôi nói.
- Đúng vậy.
- Người ta yêu cầu hãng cháu tìm đứa con trai của Mitch Jackson. Trong quá trình điều tra, cháu biết Mitch có bán ma túy.
Rồi ông nhún vai.
- Tôi cũng đã nghĩ rằng, rồi một ngày nào đó chuyện này cũng sẽ tới. Anh nói chuyện với ông chủ của anh chưa?
- Chưa. Đại tá đang ở Washington, cháu chưa thể gặp được. Chính vì thế cháu mới tìm bác. Liệu người ta đã có bằng chứng về Jackson bán ma túy chưa ạ?
- Hãy nghe kỹ đây, anh bạn trẻ. Mọi người hiện đều xem Mitch là một anh hùng. Chúng ta không nên làm vấy bẩn danh tiếng của một người đã hy sinh mình để cứu sống mười bảy mạng người.
- Như vậy đúng là anh ta đã bán ma túy?
Đại tá lưỡng lự một lát, rồi gật đầu.
- Đúng. Chúng tôi sắp bắt anh ta như nhiều kẻ bán ma túy khác. Người trợ lý của tôi đã thu thập đủ bằng chứng về Jackson và đã có lệnh bắt. Đúng lúc đó thì xảy ra chuyện anh ta lao vào rừng cứu người và đã hy sinh một cách bi thảm. Tôi rất căm ghét những kẻ bán ma túy. Nhưng Jackson lại là một chiến sĩ dũng cảm. Anh thử nghĩ xem dư luận sẽ thất vọng ghê gớm tới mức nào nếu chúng ta để lộ ra rằng trước khi chết như một người anh hùng, anh ta là một gã nhơ nhuốc, đại tá Parnell không hề biết chuyện này. Chúng tôi đã lờ chuyện này đi. Đấy, chuyện là như vậy, anh bạn trẻ ạ. Tôi khuyên anh cũng nên làm vậy.
- Đây có thể là chuyện cái lá nho, - tôi nói. – Ý cháu muốn nói là một sự che đậy. Nhưng cháu vẫn muốn tiếp tục điều trạ Bác có biết Jackson đã cưới vợ và có con trai không?
- Theo tài liệu lưu trữ chỗ tôi thì trước khi nhập ngũ, Jackson là một tên du thủ du thực. Hắn có một hồ sơ rất xấu. Nhưng khi trong quân ngũ, hắn được nhận xét rất tốt. Không có một thượng cấp nào nghi ngờ những hoạt động của nó. Nếu không có trợ lý của tôi, đại úy Harry Weatherspoon, truy tìm ráo riết những kẻ bán ma túy, thì Jackson chắc đã hốt bạc.
Tôi ngồi im cố không để lộ rõ những điều tôi đã linh cảm thấy.
- Đại úy Harry Weatherspoon? Hiện nay anh ta ra sao ạ?
- Cậu ta đã giải ngũ. Tôi có nghe nói cậu ta mua một nhà máy liên quan đến ếch nhái gì đấy. Tôi lấy làm lạ vì cậu ta đã từng là một nhân viên xuất sắc của cơ quan chống ma túy của quân đội. (Ông xem đồng hồ). Tôi cần phải thay đồ rồi. Trước khi tiếp tục điều tra nên xin ý kiến Parnell. Tôi không hiểu sao việc tìm đứa con của Jackson lại quan trọng như vậy.
Chúng tôi bắt tay nhau rồi tôi ra về.
Lúc đó đã là bảy giờ kém hai mươi. Tôi quyết định trở về nhà. Tôi cần phải suy nghĩ một cách bình tĩnh và không muốn đi ra ngoài nữa.
Tôi mở cửa phòng, tay lăm lăm khẩu 38 lỵ Không có thằng du đãng nào đợi tôi ở đây cả. Tôi khóa trái cửa và nhét súng vào bao. Tôi ngồi xuống ngẫm nghĩ về những điều vừa xảy ra trong ngày. Tôi cảm tưởng công việc đã có tiến triển. Tôi tự nhủ ngày mai sẽ tới gặp Howard và Benbolt – các công chứng viên của Weatherspoon, rồi sẽ quay về Searlẹ Tôi cũng muốn gặp lại Wally Watkins, nói chuyện với Josh – người bưu tá và tất nhiên cả Weatherspoon nữa.
Trong khi uống uytski, tôi thấy trong tôi đang lớn dần một linh cảm không mấy dễ chịu là Parnell sẽ không cho tôi tiếp tục điều tra nữa, nếu tôi kể cho ông tất cả những điều tôi phát hiện cho tới naỵ Tôi mừng là ông đang ở Washington.
***
Sau khi ăn sáng muộn, tôi đi tới văn phòng Howard và Benbolt ở Miamị Họ đều ở tầng năm của một tòa văn phòng rất đẹp ở phố ba mươi sáu tây bắc. Một người đàn bà cao lớn tóc muối tiêu ngồi ở phòng tiếp tân. Bà nhìn tôi với đôi mắt lạnh và không mấy thiện cảm.
- Tôi muốn gặp ông Benbolt, - tôi mỉm cười nói và đưa cho bà ta danh thiếp.
Bà ta xem danh thiếp của tôi và quẳng ngay xuống, cứ như sợ nó làm bẩn ngón tay.
- Ông có hẹn trước không?
Tôi đáp rằng không.
- Ông Benbolt chỉ tiếp những thân chủ có hẹn trước.
Tôi đáp rằng tôi không phải là thân chủ. Tôi chỉ muốn trao đổi một vài lời với ông Benbolt thôi, tất nhiên nếu ông ấy không quá bận.
- Thế thì ông tới không đúng lúc rồi.
Mụ già làm tôi hơi bực mình. Nhưng tôi vẫn cố tươi cười rằng tôi lấy làm tiếc và hỏi lúc nào có thể tới gặp được.
Bà ta nhìn tôi một lúc dường như xem có phải tôi chế nhạo bà ta không, rồi nhấn máy điện thoại nội bộ:
- Có ông Wallace nào đó của hãng thám tử tư Parnell muốn gặp ông, ông Edward ạ.
Một giọng chân thành vang lên trong máy.
- Cho ông ấy vào gặp tôi, cô Lacey.
Bà gái già tắt máy và giơ ngón tay chỉ cho tôi một cái cửa.
- Sau cửa này, đi theo dọc hành lang vào cửa thứ ba bên phải.
Tôi cám ơn, đi vào một hành lang rộng, rồi gõ cửa thứ ba bên phải. Một giọng vang và chân thành mời tôi vào. To lớn và phương phi, Benbolt cho tôi ấn tượng là một người giàu có. Ông trạc ngoại tứ tuần. Chiếc sơ mi Cardin, cúc măng sét bằng vàng, mái tóc đen bóng nhẫy, gò má hồng hào, tất cả đều toát ra một vẻ giàu có và tự tin.
- Mời ông vào, ông Wallacẹ (Ông chìa tay cho tôi. Bắt tay ông tôi có cảm giác bàn tay như được làm bằng một thứ bột nhão).
Tôi đoán rằng bàn tay ông chỉ quen dùng dao và nĩa.
- Mời ông ngồi. Ông Weatherspoon có điện thoại cho tôi nói rằng ông sẽ qua đây.
Ông ta cười để lộ cả hàm răng có phủ một lớp men đắt tiền.
- Ông ta cũng đã nói với tôi rằng tôi có thể giúp ông giải quyết một vấn đề nhỏ gì đó. Chúng tôi đều biết hãng Parnell, một hãng vào loại tốt nhất bây giờ.
- Chắc Weatherspoon cũng đã nói với ông tôi là đại diện của ông già Fred Jackson quá cố trong việc tìm kiếm đứa cháu nội của ông ấy., -tôi nói.
- Đúng như vậy. Chúng tôi cũng đang thử tìm kiếm nó. Tất cả chuyện này có vẻ bí ẩn thế nào ấy, phải không? Ông Weatherspoon có ý định mua lại khu chăn nuôi ếch của Jackson, nhưng tôi không thể làm gì trước khi tìm được người thừa kế của Jackson.
- Ông có chắc Johnny Jackson là người thừa kế của Jackson không?
- Không còn gì phải nghi ngờ. Tôi đã xem bản sao của tờ di chúc.
- Thì ra có một tờ di chúc?
- Đúng như thế. Ông già Jackson đã di chúc để lại toàn bộ tài sản của mình cho con trai là Mitch và trong trường hợp người này chết thì cho người nối dõi anh ta, nhưng với điều kiện phải là con trai, thừa kế.
- Điều này có nghĩa là loại bỏ vợ của Mitch?
- Nếu anh ta có vợ thì đúng là như vậy. Nhưng cho tới nay, không có gì chứng minh là Mitch đã lấy vợ.
- Nhưng trong trường hợp đó Johnny là đứa con ngoài pháp luật. Điều này có cản trở nó được nhận tài sản của ông nó không?
- Không. Khi dùng thuật ngữ “nối dõi” là Jackson đã tính chuyện đó.
- Hiện nay ai là người giữ bản di chúc gốc?
- Ông Willis Pollack, một công chứng viên ở Searle, - Benbolt nói với vẻ kẻ cả. – Tôi đã gọi điện cho ông tạ Ông cho biết rằng Jackson làm di chúc khi Mitch nhập ngũ. Ngoài khu chăn nuôi ếch dường như ông ta chẳng để lại gì. Khu này thực ra chẳng có giá trị mấy và ông Weatherspoon sẵn sàng trả năm ngàn đôla, không hơn một xu.
Tôi nghĩ tốt nhất là không nói với tay công chứng viên lúc nào cũng tươi cười này về cái hố dưới gầm giường của Fred. Tôi gần như chắc chắn là có một khoản tiền lớn đã được giấu dưới đó.
- Thế việc tìm kiếm của ông có tiến triển gì không, ông Wallace?
- Hiện thì chưa. Johnny đã biến mất đã khá lâu rồi. Mọi dấu vết đã lu mờ. Nhưng tôi sẽ cố. Vả lại, tôi mới nhận vụ này được có mấy ngày. Tôi chỉ muốn gặp ông để tin rằng chúng ta không để mất thời gian và tiền bạc khi cùng lần theo một dấu vết.
Cái cớ của tôi khiến ông ta có vẻ hài lòng. Ông gật đầu tỏ ý đồng tình.
- Chúng tôi đã cho đăng thông báo trên các báo. Đúng như ông nói, mọi chuyện đều mới bắt đầu. (Ông ta nhìn chiếc đồng hồ Ômêga bằng vàng). Thôi thế nhé. Ông muốn chúng ta thường xuyên liên lạc với nhau chứ?
Ông ta đứng dậy và chìa tay cho tôi. Tôi bắt tay và nói sẽ liên lạc lại sau. Tôi cũng đề nghị Ông cho tôi biết nếu có phản hồi từ các thông báo và đưa cho ông danh thiếp của tôi.
Ba giờ sau tôi đã có mặt ở nhà ăn khách sạn Jumping Frog. Khi tôi đi qua tiền sảnh thấy Bob Wyatt đứng ở quầy tiếp tân. Ông gật đầu thân thiện chào tôi. Tôi ngồi vào một bàn ở mãi trong góc, chào và mỉm cười với mọi người và ăn món gà Maryland tuyệt vời. Ăn trưa xong tôi hỏi Abraham, người quản lý da đen, địa chỉ của Willis Pollack, công chứng viên ở Searlẹ Sau khi uống xong cà phê, tôi đi tới văn phòng của Willis Pollack được đặt bên trên một cửa hiệu kim khí.
Tôi có cảm giác như mình đang đi vào một trường quay phim dựng lại cảnh từ những năm 1800. Một bà già bé nhỏ tóc trắng như tuyết, mặc bộ đồ đen ngồi sau một chiếc bàn nhỏ với chiếc máy chữ Remington có lẽ thuộc lô xuất xưởng đầu tiên. Căn phòng rộng xếp đầy những chiếc hòm nhỏ đựng hồ sơ không còn dùng nữa. Cạnh cửa sổ là một chiếc bàn rộng hơn của Willis Pollack. Tôi dừng lại ở ngưỡng cửa và đứng nhìn ông.
Willis Pollack đã ngoài tám mươi, vóc người nhỏ thó, bộ ria bạc trắng và đôi mắt nâu còn rất tinh anh. Ông có vẻ như tàn tích của thế kỷ trước.
- A, anh Wallace! – ông nói. – Mời anh vào đây.
Ông già đứng thẳng dậy, nụ cười chân thành làm rạng rỡ khuôn mặt nhăn nheo và tàn tạ bởi thời gian.
- Bà đây là Daisy, bà vợ yêu quý của tôi. – ông giới thiệu. – Trong khi tôi chuyện vãn, bà ấy làm đủ mọi công việc.
- Thôi nào, Willis. (Bà nhìn tôi). Ông nhà tôi lúc nào cũng nói quá lên ấy mà! Tôi cứ tự hỏi dân trong vùng này sẽ ra sao nếu không có ông ấy.
Gần như trong mơ, tôi bước vào căn phòng chiếu sáng lờ mờ, tới bắt tay Pollack, rồi bắt tay bà Daisy.
- Tôi giúp gì được anh đây? – ông hỏi.
- Như bác biết đấy, bác Willis ạ, cháu đang tìm kiếm Johnny Jackson.
Rồi tôi kể cho ông ấy về bức thư của Jackson gửi cho hãng tôi, nói với ông rằng đại tá đã nhận của ông già Jackson một trăm đôla và giao cho tôi điều tra vì Mitch là một người anh hùng.
- Cháu cũng đã tới gặp ông Benbolt và ông ấy cho biết rằng Fred Jackson có soạn một di chúc để ở chỗ bác. Cháu rất muốn biết bản di chúc đã được soạn như thế nào và vào thời gian nào.
Pollack quay người về phía bà vợ.
- Bà cho anh ấy xem bản di chúc đi. – ông nói âu yếm.
Bà già đi tìm tờ giấy trong hòm tài liệu và đưa lại cho tôi. Lời lẽ trong bản di chúc cực kỳ đơn giản.
Tôi, Fred Jackson, ký tên dưới đây, di chúc để lại toàn bộ động sản và bất động sản của tôi cho con trai tôi là Mitch Jackson. Nếu Mitch chết trước tôi thì toàn bộ tài sản được trao cho những người nối dõi nó là con trai, bất kể trong hay ngoài giá thú. Nếu không có con trai, thì toàn bộ tài sản này sẽ thuộc về Quỹ cựu chiến binh để trợ giúp cho những người bị cụt chân cụt tay như tôi.
Bên dưới là chữ ký vụng về khó mà đoán ra nổi. Có cả chữ ký của Willis và Daisy Pollack với tư cách là người làm chứng.
- Bất kể trong hay ngoài giá thú? – tôi nói và nhìn Pollack. – Một câu lạ thật.
Ông già vuốt râu cười.
- Chả có gì là lạ cả. Fred thừa biết con trai ông ta không phải loại người thích hợp với hôn nhân. Ông đã dự liệu trước rằng Mitch có thể có con ngoài giá thú. Fred không quan tâm tới con gái. Rồi Johnny tới. Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên kể từ khi thằng Mitch ra đi, ông già Fred mới cảm thấy hạnh phúc.
- Thế bản di chúc này được lập khi nào?
- Ngay khi Mitch nhập ngũ, Fred yêu cầu tôi cùng với Daisy tới gặp ông ta vì ông muốn lập di chúc. Chúng tôi đi tới đó. (Ông già lắc đầu). Rất lâu trước kia, tôi và Fred đã từng là bạn thân. Nhưng khi Fred mất đôi chân, ông ấy sống cách ly hoàn toàn. Daisy và tôi bị sốc mạnh khi thấy cảnh ông sống khốn khổ như vậy. Ông nói một cách lạnh lùng và chính xác ông muốn soạn một di chúc như thế nào. Tôi hỏi ông có muốn để lại chút gì cho vợ Mitch, nếu nó lấy vợ không. Fred tỏ ra rất khó chịu nói với tôi rằng di chúc là của ông và cần phải viết đúng như ông đã dự liệu. Tôi viết theo lời đọc của Fred, rồi ông ta ký tên. Tôi và Daisy cũng làm như vậy với tư cách là hai người làm chứng. Tôi tin Fred không để lại tiền bạc gì. Ông ta chỉ có đất đai và ngôi nhà chẳng có giá trị bao nhiêu. Vì vậy tôi không nài ông ta viết chi tiết hơn.
- Điều gì khiến bác nghĩ rằng ông ta không có tiền bạc gì?
- Theo cái cách mà ông ta sống, anh Wallace ạ. Nếu không thiếu tiền thì không ai chịu sống khổ hạnh như vậy. Fred không có tài khoản ở ngân hàng và người ta cũng không tìm thấy tiền ở nhà ông ta.
- Thế ai đã tới tìm?
- Bác sĩ Steed và ông Weatherspoon đã tới đó ngay sau khi Fred qua đời. Bác sĩ Steed nói rằng ông ta đã tìm khắp nơi và không thấy có giấy tờ cũng như tiền bạc gì.
- Thế còn ông Weatherspoon? Ông ta tới đó làm gì?
- Ông ta muốn mua khu đất của Fred. Và cũng do ông ấy với bác sĩ Steed là bạn thân mà. Vả lại bác sĩ Steed nghĩ trong khi khám xét ngôi nhà nên có một người làm chứng.
- Họ có thấy lạ là ông Jackson không để lại giấy tờ gì không?
- Có chứ. Tôi cũng lấy làm lạ. Nhưng Steed nói rằng trước khi tự sát, Fred chắc đã đốt hết mọi thư từ và giấy tờ rồi.
- Bác có ngạc nhiên khi biết Fred tự sát không?
- Có chứ. Đó là một cú sốc lớn đối với vợ chồng tôi. Việc Johnny bỏ đi đã giáng cho ông một đòn chí tử. Ở vào tuổi ông, lại mất đôi chân, chắc ông ấy nghĩ rằng chết là cách giải thoát tốt nhất.
- Như vậy bây giờ phải tìm cho được Johnnỵ Cám ơn bác đã dành thời gian cho cháu. Sau này nếu cần được giúp đỡ, cháu xin phép được trở lại quấy rầy bác đôi chút.
- Đừng có ngại gì, anh Wallace ạ.
Nói đoạn, ông bắt tay tôi. Tôi tới bắt tay bà Daisy rồi đi xuống cái cầu thang ọp ẹp và bước ra đường phố oi nồng.
Vụ này bắt đầu là một câu đố ghép hình hóc búa. Nhưng rồi dần dần, các mẩu hình đã bắt đầu ăn khớp với nhau.
Tôi tới nhà bưu điện, một cô gái trẻ mặt đầy mụn trứng cá, mang đôi kính dầy cộm ngồi sau lưới mắt cáo. Đúng lúc tôi đến trước mặt thì cô đang ngáp, chợt nhìn thấy tôi cô nở vội một nụ cười đầy hy vọng.
- Chào anh Wallace! Bưu điện Searle sẵn sàng phục vụ anh.
- Cám ơn. – tôi nói. Ông Josh có đây không?
- Ông ấy đang chọn thư trong kia. (Cô chỉ một cái cửa). Anh đã tìm được Johnny chưa?
- Chưa. Nếu tìm thấy, cô sẽ là người đầu tiên được biết.
Cô gái cười khanh khách.
- Em hiểu. Làm thám tử thích thật đấy.
- Cô nói thật không?
Rồi tôi đi đến cái cửa cô gái đã chỉ. Tôi mở cửa rồi bước vào phòng chia thư.
Đứng trước quầy là một người đàn ông béo tròn và hói đầu, trạc ngoài sáu mươi, đang chia một đống thự Miệng ông ngậm tẩu và chiếc kính tụt tới gần đầu mũi.
- Ông có thể dành cho tôi ít phút được không? – tôi hỏi.
Ông ngước mắt nhìn, gật đầu rồi lại cúi xuống chọn thư.
- Tôi là Dirk Wallacẹ Bill Anderson chắc đã nói với ông về tôi. Tôi đang tìm kiếm Johnny Jackson.
Ông bưu tá gật đầu, mắt vẫn không rời chồng thư.
- Anderson có nói với tôi rằng cứ vào ngày đầu tháng ông lại chuyển một bức thư cho Jackson. Chuyện đó diễn ra từ ngày Mitch chết. Tháng nào cũng như tháng nào trong suốt sáu năm… có đúng vậy không?
Lại gật đầu. Ông bưu tá vẫn không thốt lời nào.
- Những bức thư đó có phải từ Miami tới không? (Lại gật đầu). Và bây giờ không có thư nào tới nữa? (Lại gật đầu). Người ta cũng nói với tôi rằng chính ông đã cho Johnny đi nhờ xe đến nhà ông già Jackson khi nó vừa mới tới Searle.
Lại gật đầu.
Tôi khó khăn lắm mới kìm được không nổi cáu.
- Trong lúc cho thằng bé đi nhờ ông có nói chuyện với nó không? Ông có hỏi nó từ đâu tới không?
Với một vẻ chậm chạp đến bực mình, rốt cuộc ông bưu tá cũng chia thư xong. Ông rít một hơi thuốc, tựa hai cánh tay lên mặt quầy, rồi nhìn tôi cười thân mật.
- Xin lỗi anh, tôi chỉ có thể mỗi lúc làm một việc thôi. Bây giờ soạn xong đống thư rồi, tôi có thể tiếp chuyện với anh. Anh đang nói với tôi về Johnny Jackson phải không?
- Đúng vậy. Khi ông cho Johnny đi nhờ ông có hỏi nó từ đâu đến không?
- Tất nhiên là có chứ. Nhưng thằng bé chỉ nói là nó tới từ một nơi rất xạ Theo gương mặt nhợt nhạt và mệt mỏi của nó, tôi hiểu rằng nó không muốn nói chuyện. Tôi vốn tôn trọng cuộc sống riêng tư của người khác. Và thế là tôi thôi không hỏi gì nữa.
- Khi ông dẫn thằng bé tới nhà có chuyện gì xảy ra không?
- Tôi không đưa nó vào nhà. Tôi cho nó xuống cạnh đường rồi chỉ nhà cho nó. Tôi nghĩ tôi có thể nói với anh điều này nữa. Chuyện này tôi chưa hề kể với ai. Vả lại cũng lâu lắm rồi. Thực lòng tôi rất muốn giúp anh tìm lại Johnnỵ (Ông rít một hơi thuốc và có vẻ lưỡng lự).
- Ông còn muốn nói gì với tôi nữa? – tôi hỏi. – Xin ông hãy nghe tôi. Johnny là người thừa kế của ông già Jackson. Giúp tôi tìm Johnny tức là ông giúp ông già Jackson đấy.
- Anh nói đúng. Cuối cùng, thằng bé xuống xe và cám ơn tôi rất tử tế. Rồi nó lấy trong túi ra một chiếc phong bì. Đã mười năm trôi qua rồi, nhưng tôi còn nhớ vẻ mặt lo lắng của nó khi nó nhìn tôi. Nó bảo rằng nó không có tiền mua tem. Nó nhờ tôi bỏ giúp nó vào thùng thư ở bưu điện. Nó bảo việc này rất quan trọng. Tôi đã làm giúp nó. Tôi nhìn thấy nó lần cuối cùng khi nó lên dốc đi vào nhà.
- Như vậy, ý ông muốn nói trong suốt sáu năm trời, tháng nào ông cũng đưa thư tới cho Jackson, nhưng không bao giờ gặp thằng bé, phải không?
- Đúng vậy. Xe tôi kêu ầm ĩ lắm nên Fred nghe thấy tôi tới. Lần nào ông cũng lết ra chỗ đường ngoặt lấy thư, lầm bầm mấy câu rồi quay về.
- Thế ông có bao giờ hỏi thăm sức khỏe thằng bé không?
- Tôi rất muốn làm điều đó, nhưng ông già chẳng bao giờ nói gì. Ông ta cầm lấy thư rồi quay đi ngaỵ Tôi thường phát thư vào lúc thằng nhỏ đến trường nên không bao giờ gặp nó. Fred thậm chí chẳng nói gì ngay cả lần tôi mang tới cho ông huân Chương của con trai. Tôi hiểu đó là huân Chương vì thấy có hộp và bao gói cẩn thận. Ông giật nó từ tay tôi, ký nhận rồi bỏ đi.
- Thế bức thư mà Johnny đưa cho ông… tôi biết đã mười năm trôi qua, nhưng ông còn nhớ nó gửi cho ai không?
- Ồ, có chứ. Tôi vốn tò mò mà. Hơn nữa, thằng bé như từ trên trời rơi xuống và lại tìm gặp lão già Fred thì ai không tò mò muốn biết.
- Tôi hiểu. (Tôi cố không nén hét lên vì vui sướng). Thế bức thư gửi cho ai?
- Bức thư ấy à? Nó được gửi cho bà Stella Costa, phố Macey ở Secomb, số bảy hay chín gì đó.
Tôi tự hỏi không biết mình đã chạm đúng mỏ vàng hay chưa
- Bà Stella Costa, số bảy hay chín phố Macey ở Secomb.
Ông bưu tá gật đầu.
- Đúng vậy.
- Cám ơn ông Josh, - tôi nói. – Ông đã giúp tôi rất nhiều.
- Tôi quý thằng bé lắm! Nếu Fred có để lại tiền bạc thì tôi sẽ rất mừng nếu thằng bé nhận được nó.
Tôi bắt tay Josh và đi nhanh ra chỗ đỗ xe. Tôi phải nhanh chóng tìm được bà Stella Costa.
***
Paradise City nổi tiếng là thành phố đắt đỏ và xa hoa nhất thế giới. Để giữ được tiếng tăm đó và chiều chuộng những gã tỷ phố sống ở đây, thành phố phải sử dụng cả một đội quân lao động, quét dọn đường phố, phục vụ khách sạn và hộ sĩ. Đội quân khổng lồ đó đóng ở Secomb, cách thành phố hai cây số.
Secomb rất giống West Miamị Đây là một thành phố nhỏ với những ngôi nhà lụp xụp, những khách sạn rẻ tiền, những quán bar và hộp đêm mờ ám.
Phố Macey xuất phát từ đường Seaview, một trung tâm thương mại của thành phố.
Nhà số bảy là một cửa hiệu may nhỏ. Từ ngưỡng cửa, ông chủ người Hoa đã tươi cười mời chào. Tôi đi tiếp. Nhà số chín xem ra có vẻ hứa hẹn hơn. Tôi thấy một cái cửa nhỏ kẹp giữa một hiệu ăn Tàu và một hiệu thuốc. Bên trên cửa có treo tấm bảng “cho thuê phòng”. Tôi bước vào. Ở bên trái có một cánh cửa ghi “văn phòng”. Tôi gõ cửa, mở ra và bước vào một căn phòng nhỏ. Một người da đen ngồi sau chiếc bàn nhỏ đang say sưa đọc báo. Ông ta trạc ngoài bảy mươi, tóc đã bạc trắng.
Ông ta đặt tờ báo thể thao đang đọc dở xuống bàn, nhìn tôi cười nghi vấn và tinh quái.
- Ông nghĩ gì về cuộc đua ngựa ba giờ chiều mai? – ông ta hỏi.
- Tôi không biết. Tôi không chơi cá ngựa.
- Tôi cũng đã ngờ như vậy. (Ông già gật đầu). Thế anh có tìm thuê phòng không?
- Không. Tôi tìm bà Stella Costa.
Ông ta nhướn hàng lông mày rậm.
- Một người trẻ tuổi ăn mặc lịch sự, không chơi cá ngựa như anh mà lại dây dưa với loại người như Costa sao?
Tôi mỉm cười thân thiện.
- Nếu bà ta muốn thì tự bà ta sẽ cho ông biết.
Ông ta có vẻ suy nghĩ về những điều tôi vừa nói, hết nhấc kính lại đeo vào.
- Bà ta đâu có thèm trả lời tôi.
- Tệ quá nhỉ. Thế phòng bà ấy ở đâu?
- Phòng của Stella ấy à?
- Tôi không có nhiều thời gian đâu. Có thể tìm bà ta ở đâu?
- Chắc chắn là bây giờ không có ở đây. Bà ta đã chuyển đi từ nhiều năm rồi.
Tôi lấy một chiếc ghế và ngồi dạng chân ra hai bên.
- Mà tôi chưa biết tên ông.
- Cứ gọi tôi là Washington. Bố mẹ tôi vốn có óc hài hước mà.
- Vậy thì thưa ngài Washington, ngài có thể cho tôi biết bà ấy hiện sống ở đâu không?
Ông già lấy từ túi ra một chiếc khăn mùi soa rồi lau kính.
- Tôi xin nhắc lại câu hỏi đầu tiên của tôi: tại sao một người trẻ tuổi, ăn mặc lịch sự, không chơi cá ngựa như anh lại muốn gặp loại người như Costa?
Tôi đã quá quen thuộc những tình huống như thế này. Tôi lấy ví rút ra tờ hai mươi đô và nhìn ông già. Ông ta đeo ngay kính lên, nhìn tờ giấy bạc, rồi nhìn tôi.
- Tôi biết ngay anh bạn trẻ là người thông minh mà.
- Vậy tôi có thể tìm bà Costa ở đâu? – tôi nhắc lại.
- Một câu hỏi tuyệt vời: tìm ở đâu? Tôi muốn trước hết phải có cái mà anh đang cầm trong tay đã. Thật lòng tôi không biết bà ta ở đâu. Nhưng tôi có thể kể cho anh một số chuyện về cuộc đời bà ấy. Anh có muốn nghe không?
Tôi đặt tờ giấy bạc xuống trước mặt ông già. Ông xem xét một lúc, rồi cầm nhét luôn vào túi áo.
- Bây giờ ta sẽ nói chuyện công việc, - Ông ta mỉm cười nói. – Anh hỏi tôi là bà Costa hiện ở đâu đúng không?
- Đúng, thưa ngài Washington. Ông có thể nói gì về bà ấy?
- Tôi đề nghị anh đừng gọi tôi là ngài Washington nữa. Cứ gọi tôi là Wash như mọi người ở đây vẫn gọi.
- Cũng được thôi. Vậy là bà ta đã sống ở đây và bây giờ đã chuyển nơi khác?
- Đúng thế.
- Bà ta đã sống ở đây bao lâu?
- Khoảng hai mươi năm trước, bà ta tới đây cùng một đứa con trai còn bé tí. Lúc đó bà ta mới mười bảy mười tám tuổi gì đấy. Bà ta thuê của tôi hai căn phòng đẹp nhất và xưng tên là Stella Costa, nhưng tôi có cảm tưởng đó không phải là tên thật.
- Điều gì khiến ông nghĩ như vậy?
- Chủ một ngôi nhà cho thuê buộc phải thận trọng, - Ông ta nhìn tôi cười tinh quái. – Khi bà ta ra ngoài, thằng bé khóc tôi có ghé vào xem có chuyện gì với thằng bé. Tôi có chìa khóa vạn năng mà. Thực ra chẳng có chuyện gì nghiêm trọng cả, nhưng tôi thấy một phong bì trong sọt đựng giấy tờ đề gửi cho bà Stella Jackson. Vì vậy tôi nghĩ rằng bà ta đã xưng một cái tên khác.
- Bà ta tự kiếm sống chứ?
- Tất nhiên rồi! Bà ta đẹp lắm. Rất đẹp. Bà ấy biểu diễn thoát y vũ trong nhiều hộp đêm.
- Thế vào những giờ bà ta làm việc, thằng bé thì sao?
- Bà ta toàn làm việc về đêm, nên thằng bé không có vấn đề gì.
- Chuyện này kéo dài khoảng bao lâu?
- Khoảng năm năm. Tiền nhà trả rất nghiêm chỉnh. Hầu như bà ta ngủ suốt ngày. Chẳng chăm lo gì cho thằng bé, vậy mà nó vẫn sống.
- Thằng bé có đi học không?
- Có chứ. Điều này có thể làm cho anh ngạc nhiên. Nhưng ở Secomb này có một trường tốt lắm. Johnny đi học ở đó. Nó là một đứa bé rất ngoan. Có thể hơi ẻo lả một chút, nhưng tôi rất quý nó. Khốn khổ là chuyện xảy ra với mẹ nó!
- Chuyện gì vậy?
- Vì Costa không kiếm được nhiều tiền, bà ta phải đưa cả đàn ông về nhà. Johnny là mối phiền phức của họ. Bà ta phải cho nó lang thang ngoài phố, đợi cho bạn trai của bà ta đi về mới được về. Thằng bé nói với tôi rằng nếu có dịp nó sẽ bỏ đi. Tôi bỏ ngoài tai, xem như chuyện bực bội của trẻ con. Thế rồi năm nó chín tuổi, nó bỏ đi thật. Một ngày sau hôm nó bỏ đi bà Costa hỏi tôi có thấy nó không. Tôi có cho bà ta một bài thuyết giáo ngắn về phận sự của người mẹ, nhưng bà ta không thèm nghe. Bà ta bảo tôi rằng thoát được nó là may, bà ta đã khổ vì nó lắm rồi. (Ông già vuốt mũi và lắc đầu). Bà ấy không có tình mẫu tử.
- Thế bà ấy đi khỏi đây khi nào?
- Khoảng hai năm sau Johnnỵ Hợp đồng cuối cùng của bà ấy là với Câu lạc bộ Skin.
- Bà ấy có để lại địa chỉ không?
- Trong cái nghề của tôi, người ta không bao giờ lưu tâm đến thư từ vì vậy tôi không hỏi. Cứ trả tiền thuê phòng xong, ai muốn đi đâu thì đi.
- Ông có bao giờ nói chuyện với Johnny về bố của nó không?
- Chỉ có một lần. Tôi chỉ chuyện vãn với nó lúc nó ăn. Nó có nói với tôi rằng bố nó là người lính giỏi và dũng cảm nhất trong quân đội. Hồi đó nó mới bảy tuổi mà. Anh biết chuyện bọn trẻ con rồi đấy. Tôi chẳng bận tâm làm gì, nhưng cảm thấy thương nó. Tôi nghĩ chắc nó là con trai một người lính đã tằng tịu với Stella.
Tôi có cảm giác đã moi hết thông tin từ ông già này. Tôi không biết được thông tin gì nhiều, nhưng vẫn phải tìm Costa.
- Thế Câu lạc bộ Skin ở đâu? – tôi hỏi và đứng dậy.
- Ở phía đông Secomb Road. Trông coi Câu lạc bộ này là một người Mêhicô, tên Edmundo Raiz. Nếu anh có ý định đến đó thì hãy giữ ví cho thật chặt.
- Cám ơn ông.
Câu lạc bộ Skin đặt dưới một tầng hầm, đây là nơi chuyên dành cho những kẻ bê tha, say khướt và khách du lịch.
Giờ này là vắng khách đối với tất cả các hộp đêm. Đồng hồ của tôi chỉ mười tám giờ năm. Tôi dừng chân xem bức ảnh phóng to của các cô gái thoát y vũ. Đó là nhóm ba cô gái da đen. Rồi tôi đi xuống một gian phòng lớn có nhiều bàn ghế, một quầy bar ở một đầu và một sàn diễn có dàn nhạc ở một đầu khác.
Một ngọn đèn đơn độc treo trên quầy bar và một người đàn ông đang đứng đó xem một tờ giấy. Chắc ông ta đang kiểm tra tổng thu nhập của ngày hôm trước. Người đàn ông này tóc đen với nước da sạm nắng và hàng ria mép mảnh. Trông anh ta nhỏ con, nhưng béo tròn với đôi vai lực lưỡng. Anh ta ngẩng lên nhìn tôi khi tôi đi qua phòng tiến tới chỗ anh ta.
- Quầy bar đóng rồi, - anh ta nói cụt ngủn.
- Tôi không cần uống, - tôi nói. – Tôi là Diek Wallace, làm việc chỗ các ông Benbolt và Howard. Tôi cần một số thông tin.
Vẻ mặt anh ta sáng hẳn lên.
- Thế hả? Thông tin gì?
- Chúng tôi muốn tìm bà Stella Costạ Hình như trước kia bà ta có làm việc ở đây.
- Howard và Benbolt à? – anh ta nheo mắt hỏi.
- Thì tôi đã nói rồi.
- Anh tìm bà ta làm gì?
- Bà ấy được nhận một khoản thừa kế nhỏ, - tôi nói dối, - và chúng tôi muốn thanh lý tài sản kế thừa.
- Tài sản thừa kế lớn cỡ chừng nào?
- Cũng nhỏ thôi. Đối với ông đó chỉ là món tiêu vặt, ông Raiz ạ. Nhưng chúng tôi muốn thanh lý tài sản đó. Ông có thể cho tôi biết tìm bà ấy ở đâu không?
Đúng lúc đó, một cô gái trẻ từ một buồng cạnh dàn nhạc ở đầu kia của phòng bước ra. Cô đi ngang qua phòng với những bước dài duyên dáng. Tôi phản ứng như một thanh nam châm đặt trước một mẩu sắt. Khoảng hai mốt hai hai, cao hơn tầm vóc trung bình, cô gái có mái tóc đen mượt và dài. Cô mặc một chiếc quần bò bó sát và một chiếc áo phông vừa khít làm nổi rõ bộ ngực căng phồng. Raiz bực tức nhìn cô gái.
- Xéo ngay, Bêbê, - anh ta nói. – Tôi đang bận.
Cô ta tới gần quầy bar và mỉm cười với tôi. Đôi môi cô gái tô đỏ chót vẻ mùi mẫn và hàm răng trắng đều đặn.
- Grosso buộc phải làm dữ, - cô nói. – Hãy tha thứ cho anh ấy. Anh là ai?
- Dirk Wallace.
Nhìn cô gái tôi tự nhủ rằng qua một đêm trên giường với cô ta chắc phải đi cấp cứu chứ không chơi, nhưng cũng bõ lắm.
- Chào Dirk. – (Cô ưỡn ngực về phía tôi, nhăn mặt với Raiz rồi vòng qua quầy bar chỉ chai Cutty Sark). Hãy phục vụ tôi và Dirk đi và đừng có cau có như thú dữ thế, Eđy.
- Bêbê Mansel đây là hiện thân của sex. Cô ta ngủ với tất cả ở đây, chỉ trừ có voi thôi, - Raiz giải thích, rồi lấy chai uytski rót ra ba lỵ – Đừng có để ý đến cô tạ Trí tuệ của cô ấy chỉ giới hạn trong cặp đùi thôi.
- Đừng có nghe mồm anh tạ (Bêbê cười ré lên). Vì chưa bao giờ sờ được tới đó nên anh ta tức tối đấy mà.
Cô ta nâng cốc và uống cạn một hơi.
- Bây giờ thì xéo đi, - Raiz hạ giọng nói nhưng đầy vẻ hăm dọa. Chúng tôi đang nói chuyện công việc.
- Tôi nghe hết rồi. Anh chàng đẹp trai này muốn biết Stella ở đâu chứ gì. Nói cho anh ấy biết đi, Eđy.
Tất cả diễn ra nhanh tới mức tôi không kịp can thiệp. Với tốc độ của con rắn côbra, Raiz tát cô gái rất mạnh và xô cô ngã dúi vào hàng chai lọ trên giá. Rồi hắn ta tóm lấy thắt lưng cô gái quẳng qua quầy làm văng cả ly rượu của tôi. Cô gái lồm cồm bò dậy, chạy thục mạng tới cái cửa ở cạnh dàn nhạc, rồi biến mất. Tôi há hốc mồm kinh ngạc. Raiz nhìn tôi cười.
- Đừng để ý làm gì. Trong cái nghề của tôi phải biết cách xử sự với lũ con gái. Stella Costa hả? Rất thú vị đấy. Bà ấy đã làm việc khá lâu ở chỗ tôi. Đó là một vũ nữ thoát y tuyệt vời. Con bé Bêbê lúc nãy cũng không đến nỗi tồi, nhưng vẫn còn thiếu một cái gì đấy. Để một cô gái gây được ấn tượng mạnh, cần phải có chút xíu gì nữa cơ.
- Tôi cũng ngờ vậy. Thế có thể tìm bà Stella Costa ở đâu?
- Hượm đã nào. (Raiz nhìn tôi cười khẽ). Howard và Benbolt à? Chắc hai ông này phải lăn trên vàng ấy nhỉ. Tiền thưởng bao nhiêu đây?
- Không có tiền thưởng nào hết, tôi nói trước với ông như vậy. Chúng tôi chỉ muốn thanh lý tài sản thừa kế thôi mà.
- Thế ai để lại cho bà ta số tiền đó?
- Người ta không cho tôi biết. Mà điều đó có ý nghĩa gì. Tôi có thể tìm bà ta ở đâu?
- Tôi không biết. Bà ta đã đi khỏi đây một năm nay rồi. Mà cũng phải thôi, ai cũng chỉ có một thời. (Anh ta uống một hơi và lắc đầu). Dễ chừng bà ta ngoài bốn chục rồi còn gì. Khách hàng của tôi giờ chỉ thích những cô gái trẻ thôi.
- Cô ta cứ thế bỏ đi thôi à?
- Thực ra tôi đã thuyết phục bà ấy. (Anh ta lại cười khẽ).
- Bà ấy có nói đi đâu không?
Anh ta tỏ vẻ khó chịu.
- Tôi cũng không hỏi.
Lại một manh mối nữa tan vỡ, tôi nghĩ.
- Dù sao cũng cám ơn, ông Raiz ạ. Thôi thì bây giờ đành phải đăng thông báo trên báo vậy.
Cái nhìn của Raiz trâng tráo.
- Ai hơi đâu để ý đến một con điếm?
- Bà ta thực sự là vậy sao?
- Anh có cần một bức ảnh không?
- Chúng tôi sẽ cho đăng cùng với thông báo. Sẽ là quảng cáo cho cơ sở của ông đấy. “Stella Costa vũ nữ thoát y và gái điếm đã từng làm việc ở Câu lạc bộ Skin làm ơn liên lạc với…”. (Tôi nhìn Raiz cười). Ông thừa biết tiếp sau như thế nào rồi.
- Đừng có nói đến tên Câu lạc bộ của tôi vào đó, - Raiz nói đầy vẻ bực bội.
- Tại sao lại không. Rất nhiều khách du lịch muốn biết tìm những vũ nữ kiêm gái điếm ở đâu là gì. Chuyện này tốt cho việc kinh doanh của ông lắm đấy, ông Raiz ạ.
Anh ta ngả người ra phía trước nhìn như nuốt sống tôi.
- Nếu anh nhắc đến cơ sở của tôi, tôi sẽ đưa anh ra tòa.
- Đồng ý thôi. Khi đó tôi sẽ đi hỏi cảnh sát, chắc họ sẽ cho tôi nhiều thông tin hơn ông kia.
- Xéo khỏi đây ngay.
- Bình tĩnh nào, ông Raiz. Chắc ông biết bà ta hiện đang ở đâu. Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ không đăng báo và đi hỏi cảnh sát nữa.
Gã lưỡng lự rồi nhún vai.
- Bà ấy chết rồi. Bà ấy say và bị một thằng tập lái xe cán chết.
- Thôi đi ông Raiz, ông có thể bịa hay hơn thế nữa kia. Tôi thừa sức kiểm tra điều ông nói. Hãy động não đi. Nào, Stella ở đâu?
- Hay lắm thằng khốn. Mày muốn thế hả? Tao sẽ cho mày một bài học nhớ đời.
Chắc là hắn có một hệ thống báo động trong quầy. Tôi nghe thấy tiếng chuông ở xạ Rồi chiếc cửa ở cạnh dàn nhạc mở toang và hai thằng nhọ mà tôi gặp hồi nào xuất hiện. Đứa nào cũng lăm lăm con dao trong taỵ Từ lần đầu gặp chúng, tôi bao giờ cũng mang theo súng trong người. Khi chúng tới gần, tôi rút phắt súng ra. Đây là một trong số nhiều điều mà cha tôi bắt tôi học và tôi đã thành thạo.
Nhìn thấy khẩu 38 ly trên tay tôi, chúng đứng sững lại như húc phải bức tường bê tông.
- Chào mấy thằng hôi, - tôi nói. – Tao sẽ bắn nát sọ chúng mày. Cứ thử tiến đến gần đây.
Tôi liếc thấy Raiz chìa tay với lấy chai Cutty Sark. Đúng lúc hắn định nện vào tôi, tôi giáng nòng súng đúng vào giữa bộ mặt nhăn nhó của hắn. Hắn đổ sập xuống bên trong quầy. Tôi cười với hai gã da đen vẫn đứng như trời trồng.
- Xéo ngay! – tôi hét. – Nhanh!
Chúng biến mất ngay lập tức và đóng sập cửa lại.
Thận trọng tôi đi giật lùi ra khỏi phòng, leo lên mấy bậc thang, rồi chuồn ra đường phố đầy người.
Bêbê đã đợi tôi ở ngoài, vẫn với chiếc quần bò và chiếc áo phông bó chặt cứng. Cô ta mỉm cười và khoác lấy tay tôi.
- Đưa em về nhà nhé, cưng. Ta sẽ tha hồ mà chuyện vãn.
Vụ Giết Người Bí Ẩn Vụ Giết Người Bí Ẩn - James Hadley Chase Vụ Giết Người Bí Ẩn