Reading is to the mind what exercise is to the body.

Richard Steele, Tatler, 1710

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 131 / 17
Cập nhật: 2020-06-24 21:50:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
rong một ngôi nhà nhỏ ở bờ biển phía Nam nước Mỹ đã diễn ra cuộc gặp giữa Thoại và một quan chức CIA cao cấp tên là Đơrếch qua Kenđơ làm môi giới. CIA thấy đã đến lúc sử dụng ở “nồng độ cao” những tổ chức chống cộng ở Mỹ. Trong thời gian này Kenđơ đã đạo diễn cho CIA tiến hành các cuộc đàm phán kín với những tên cầm đầu các nhóm phản động lưu vong.
- Ông Thoại ạ, đã đến lúc phong trào chống cộng của chúng ta đi vào chi tiết - Đơrếch nói, tay vê vê điếu xì gà Cuba trên tay - Ông Kenđơ đã hợp tác với ông lâu nay. Hôm nay tôi gặp ông để chính thức làm việc. Sự xuất hiện của tôi như một sự bảo lãnh cho chương trình của chúng ta.
- Rất cám ơn ông - Thoại nói - Tôi đang làm việc với ông Kenđơ. Chúng tôi đã đưa các ông tham khảo kế hoạch của chúng tôi. Nghĩa vụ của chúng ta là xóa bỏ hết các căn cứ quân sự của Nga Xô ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ tổ chức lực lượng, đào tạo thêm kỹ thuật. Và đưa lực lượng về tập kết ở Thái Lan. Riêng việc này chúng tôi cần sự giúp đỡ của các ông trong việc đàm luận với chính phủ Thái Lan.
- Điều này tôi xin đảm bảo - Đơrếch nói.
- Vấn đề thứ hai, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng lực lượng của mình ở biên giới Nam - Việt Nam, chúng tôi xây dựng hệ thống gọi là “Xí nghiệp tự do”. Từ đó xây dựng cơ sở cho dân chúng, tuyên truyền rộng rãi, từng bước phát triển phong trào chống cộng.
- Chiến lược này giống chiến lược du kích của cộng sản. Tôi thấy phù hợp - Đơrếch gật gật đầu.
- Bước thứ ba - Thoại ngừng nói, rút thuốc quẹt lửa. Sau khi thả một làn khói đặc che lấp gương mặt, hắn tiếp - Chúng tôi sẽ xây dựng một khu tự trị Tây Nguyên, dùng lực lượng Fulro làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến ở đó. Sau đó xây dựng đường dây về Sài Gòn. Như vậy tôi đã tóm tắt chiến lược của chúng tôi.
- Ông thấy có những khó khăn gì? - Đơrếch hỏi.
- Trước hết, chúng tôi còn chưa tập hợp được các lực lượng chống cộng khác nhau ở Mỹ. Vấn đề này chúng tôi cần sự giúp đỡ của chính phủ các ông.
- Ô kê.
- Khó khăn thứ hai là vấn đề tài chính. Sự quyên góp gặp nhiều khó khăn. Trong lúc đó chúng tôi không thể tiến hành quá nhiều và quá trắng trợn các hoạt động tống tiền.
- Việc này tôi có thể đảm bảo ngay bây giờ với ông.
- Còn vấn đề cuối cùng... - Thoại ngập ngừng.
- Ông cứ trình bày - Đơrếch khuyến khích.
- Chúng tôi muốn chính phủ Mỹ ủng hộ để chúng tôi trở thành một thành viên Việt Nam ở Liên hợp quốc. Như vậy sẽ tạo được sự tôn trọng đối với Cộng sản.
- Đây là một vấn đề mà chính phủ Mỹ đã tính đến, nhưng chưa thể thực hiện được. Chỉ khi các ông xây dựng được căn cứ của mình như khu tự trị Tây Nguyên. Có chính quyền và có dân. Lúc đó việc ủng hộ các ông mới có kết quả. Còn hiện nay thì chưa được. Chắc ông hiểu chúng tôi điều này. Từ hôm nay, tôi thường xuyên làm việc với ông về kế hoạch cụ thể. Đầu tháng tới ông sẽ cùng tôi đi Thái Lan. Chúng ta sẽ đi thăm các căn cứ của Khơme đỏ. Ông sẽ thực sát địa hình và cùng tôi làm việc với chính phủ Thái. Đồng thời gặp gỡ một số cơ sở Việt kiều ở Băng Cốc. Ông Kenđơ là phụ tá chiến lược của tôi, một chuyên gia lật đổ, sẽ là người thường xuyên trực tiếp làm việc với các tổ chức kháng chiến của các ông. Ông nên nhớ rằng, chúng tôi, cụ thể là tôi, luôn luôn đứng sau ông. Ô kê?
- Ô kê - Thoại sung sướng.
- Bây giờ chúng ta chia tay nhau. Tôi sẽ chuẩn bị vé đi Băng Cốc cho ông.
o O o
Một buổi tối Biền gọi điện ngỏ ý muốn thăm tôi. Tôi đồng ý và mời hắn dùng cơm tối với tôi. Hắn đến và ôm một bó hoa lớn tặng tôi. Khi ngồi vào bàn ăn, Biền nói:
- Tôi không ngờ lại được Phụng mời cơm.
- Dù thế nào thì anh cũng là một trong rất ít người tôi quen biết hơn cả. Tôi có gọi điện cho ông Thoại để mời cơm ông. Nhưng ông ấy đi Canada chưa về.
- Ai nói với Phụng là ông ấy đi Canada?
- Bà Hạnh, vợ ông ấy.
- Hự... hự... - Biền cười méo mó.
Qua cử chỉ đó, tôi biết Thoại nói dối tôi. Nhưng tôi tránh hỏi lại Biền.
- Món ăn thật tuyệt vời - Biền kêu lên.
- Đây là những món ăn quá thông thường của người Việt Nam chúng ta mà thôi. Những món ăn này đã nuôi sống anh và tôi đấy. Vì lâu ngày anh không ăn, bây giờ lại ngỡ món ăn của Chúa - Tôi nói và cười vang.
- Sâu sắc thật - Biền gật gù - Phụng luôn sắc sảo.
Ăn xong chúng tôi dùng cà phê. Tôi mở một băng nhạc nhẹ. Đó là băng nhạc ngày nào tôi cũng nghe một lần. Những bản nhạc nổi tiếng thế giới: Mỹ, Thụy Điển, Liên Xô, Ý, v.v... Mỗi lần nghe những giai điệu đó, tôi lại nhớ về những đường phố nhỏ và mơ mộng của Hà Nội, những cánh đồng ngoại ô bên kia bờ sông Hồng, những cánh rừng Trường Sơn mùa lá đổ, và những lúc ấy tôi muốn òa khóc vì nhớ mẹ, nhớ Hùng, nhớ bè bạn, quê hương. Có lẽ trong cuộc đời con người nỗi đau khổ lớn nhất là khi ta vẫn sống, vẫn cảm nhận được mọi điều, nhưng không sao nhìn được mặt người thân, không sao nghe được tiếng nói của người thân, người ta phải sống như âm dương cách trở.
- Chúng ta nhảy một chút chứ? - Biền nói trong hơi men.
Tôi đứng dậy. Tôi trôi vào dòng âm thanh kỳ diệu.
- Khi nào ông Thoại về, tôi sẽ tổ chức một bữa cơm như hôm nay. Ông ấy đã mời tôi dùng cơm nhiều lần, thế mà...
- Phụng đừng bận tâm điều ấy.
- Đây là phong tục của người Việt Nam mình, chứ không phải vì miếng ăn.
- Ít nhất hai tuần nữa ông ấy mới về. Ông ấy đi Băng Cốc chứ không đi Canada.
- Thế thì tôi phải mách bà Hạnh - Tôi giả bộ tức giận kêu lên - Đi chơi với bồ và nói dối vợ.
- Không đâu. Ông ấy đi có việc với một người Mỹ nữa. Tôi đưa ông ấy ra sân bay mà.
- Chắc ông ấy mở công ty ở đó? - Tôi hỏi.
- Hà... hà... Nhà báo ngây thơ lắm - Biền cười và nói - Tôi cũng không biết ông ấy sẽ làm gì ở Băng Cốc, nhưng chuyến đi này là việc của tổ chức.
- Đàn ông sướng thật. Có việc lớn mà làm. Phụ nữ chúng tôi sinh ra thật buồn. Tôi ngo ngoe một vài bài báo thì đã bị người ta đến khủng bố.
- Ai khủng bố Phụng?
- Sau khi tôi ở nhà ông Thoại về tháng trước. Một nhóm người che mặt đã tra hỏi và dọa tôi. Lúc đó họ có thể giết tôi như giết gia đình cô Thủy.
- Khi tôi còn sống thì không đứa nào làm gì Phụng được - Biền nói với vẻ tức giận.
Có tiếng điện thoại réo. Tôi xin lỗi Biền đến bàn điện thoại nhấc ống nghe.
- Hê lô, vâng... Phụng đây... Vâng, vâng, sáng mai? Chín giờ sáng. Ô kê, bai, bai.
Khi tôi quay lại phía Biền, hắn hỏi:
- Ai gọi cho Phụng đấy?
- Một nhà báo có cỡ, Kenđơ!
- Hắn là một thằng kệch cỡm - Biền tức giận.
- Sao anh lại nhận xét ông ta như thế?
- Tôi rất khó chịu với hắn. Hắn luôn tỏ vẻ khinh thường tôi. Tôi mà điên lên tôi thịt hắn liền.
- Đàn ông các anh lắm chuyện thật. Nhưng Kenđơ rất quý trọng ông Thoại. Điều này thì anh biết chứ?
- Không hề có sự quý trọng. Công việc mà thôi. Nếu chúng ta không có lợi cho họ thì họ vứt chúng ta vào thùng chứa rác.
- Anh hơi thiển cận và ác ý đấy!
- Nếu Phụng ở trong cuộc thì Phụng hiểu hơn.
- Tôi đang ở trong cuộc chứ còn gì nữa - Tôi cố ý nói như cãi - Tôi sống, làm việc với người Mỹ hàng ngày.
- Tôi nói thế nghĩa là trong “tổ chức”.
- À, tổ chức của các anh ấy à? Thế thì chịu thật.
- Buổi sáng tiễn ông Thoại ra sân bay, tôi gặp Kenđơ tiễn một người Mỹ khác. Thấy tôi, Kenđơ rất khó chịu. Hắn nói thầm với ông Thoại điều gì đó và mắt thì cứ liếc sang tôi. Lúc đó tôi rất muốn rút súng...
Đến lúc đó, cả người Biền như đẫm rượu. Hắn nhìn tôi đôi mắt lờ đờ dại nghệch, rồi nói như van vỉ:
- Nhiều lúc tôi buồn muốn chết.
- Anh mà cũng biết buồn cơ à?
- Sao Phụng lại nghĩ thế. Tôi buồn quá, vô vọng. Được gặp Phụng là tôi nhẹ bớt.
- Tôi quan trọng thế cơ à? Dù sao cũng cám ơn suy nghĩ của anh.
- Không, thật mà, Phụng, nhiều lúc tôi nhớ em. Tôi muốn tìm em.
Biền nói nồng nặc mùi rượu. Hắn bước gần đến bên tôi. Cầm lấy tay tôi. Tôi để kệ hắn. Bàn tay của hắn thô nháp và cứng như thép. Bỗng hắn vòng tay ôm ghì lấy tôi. Tôi cố quẫy nhưng không thoát khỏi vòng tay ấy.
- Anh làm thế, tôi sẽ không bao giờ gặp anh nữa đâu, hãy buông tôi ra đi.
- Hãy... hãy để... cho tôi... ôm Phụng như thế. Sao Phụng cứ sống một mình như vậy mãi? Phụng đẹp lắm, thông minh lắm. Hay Phụng có chuyện gì buồn?
- Chẳng có gì cả đâu. Anh buông tôi ra đi. Anh say quá rồi.
- Tôi không say đâu. Thùng chứa rượu, say làm sao được.
- Anh đừng làm như thế, anh có nghe thấy tôi nói không nhỉ? Anh đừng để tôi phải nghĩ xấu về anh. Nào, anh ngồi xuống ghế đi, tôi pha nước cam tươi cho anh uống nhé!
Hắn im lặng buông tôi ra. Tôi pha cho hắn một cốc nước cam. Hắn ngửa cổ nốc một hơi cạn.
- Anh nghĩ thế nào nếu tôi nói chuyện này với ông Thoại?
- Tôi tin Phụng sẽ không nói. Mà tôi cũng đếch sợ.
- Anh không sợ thủ lĩnh của anh à?
- Sợ gì, sau này trở về giải phóng đất nước khỏi ách xâm lược của cộng sản, tôi sẽ tính chuyện với hắn.
Tôi đến và ngồi xuống cạnh hắn. Tôi đưa bàn tay áp lên trán hắn và nói rất nhỏ:
- Tôi luôn nghĩ rằng, ông Thoại là ân nhân của anh. Anh chẳng nói với tôi là anh suốt đời phụng sự ông ấy là gì.
- Tôi nói câu đó lâu rồi. Bây giờ mọi chuyện đã khác. Hắn chiếm đoạt của chúng tôi quá nhiều. Hắn tỏ vẻ lịch sự, nhưng đầy xảo quyệt và độc ác.
- Ông Thoại không thể là một người độc ác. Tôi tin điều đó. Anh say quá rồi phải không?
- Tôi không say. Cô đừng nghĩ là thằng này say. Chính hắn ra lệnh cho tôi tổ chức các vụ tống tiền và sát hại gia đình cô Thủy.
- Anh im mồm đi. Ông Thoại mà nghe thấy, ông ấy sẽ giết anh.
Tôi làm bộ giận dữ đứng dậy. Tôi lấy khăn ướt lau mặt cho hắn. Cũng nên làm hắn xúc động và tin mình. Điều đó rất có lợi.
Khoảng một giờ sáng thì Biền tỉnh rượu, hắn lầm lũi lái xe về.
Sau khi Biền về rồi, tôi viết báo cáo cho HN75: “Thoại cùng một sĩ quan cao cấp của Kenđơ đi Băng Cốc. Có thể là chuẩn bị cho việc mở rộng hoạt động của các tổ chức ‘kháng chiến”. Thoại là người tổ chức, chỉ đạo các nhóm khủng bố những người thân cộng và những nhóm chống lại lợi ích tổ chức của Thoại. Việc thảm sát gia đình bác sĩ Trần Ninh Dần là do Thoại chỉ đạo”.
Viết xong báo cáo, tôi vào buồng tắm. Tôi cảm thấy mùi rượu nồng nặc và mùi xì gà của Biền đã bám kín người tôi. Tôi mở vòi nước và tắm. Tôi nhìn cơ thể tôi trong gương. Một nỗi buồn tràn ngập lòng tôi. Nhớ lại lần qua suối, Hùng đã bế tôi. Tôi sung sướng nằm trên cánh tay anh như một đứa trẻ nằm trên võng. Khi sang đến bờ suối bên kia, anh đặt tôi nằm trên một thảm lá khô mềm mại. Anh ngồi nhìn tôi rất lâu. Hoàng hôn trong rừng yên tĩnh và kỳ diệu làm sao. Những tia nắng cuối cùng dệt vòng qua những kẽ lá.
- Anh muốn có một đứa con.
- Em cũng thế - Tôi nói và kéo anh nằm xuống bên tôi. Anh vòng tay ôm lấy tôi.
- Nhưng không phải bây giờ - Tôi khẽ khàng nói với anh. Anh im lặng. Hình như tôi nghe thấy tiếng thở dài của anh.
- Em buồn ngủ lắm. Anh ôm cho em ngủ đi. - Tôi nũng nịu. Và tôi chìm vào giấc ngủ chiều êm đềm.
Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn - Nguyễn Quang Thiều Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn