Think of all the beauty still left around you and be happy.

Anne Frank, Diary of a Young Girl, 1952

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 131 / 17
Cập nhật: 2020-06-24 21:50:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ết Nguyên đán 1979 đã đến. Trong những ngày cuối cùng của năm cũ, tôi thường không ngủ được. Tôi nhớ lại những cái Tết trong kỷ niệm của tôi. Cả những cái Tết ở Trường Sơn.
Đêm giao thừa, những người Việt tị nạn tổ chức đón xuân ở một khách sạn lớn của “Sài Gòn nhỏ bé”. Sau khi hô hào chửi cộng sản, chúng hát những bài hát rên rỉ nhớ về quê hương. Tôi cảm thấy chán ngấy. Tôi ra hành lang đứng một mình.
- Chào chị!
Tôi vụt quay lại. Một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi đứng sau tôi.
- Chào anh!
- Tôi nhìn chị rất quen, hình như đã gặp chị ở đâu rồi.
- Tôi không nghĩ thế - Tôi khẽ nhún vai - Có lẽ anh nhầm ai đấy.
- Có thể - Người đàn ông nói và cười. Nụ cười của anh bỗng làm tôi tin cậy.
- Anh sống ở đây?
- Tôi mới đến đây, trước kia tôi ở Moryland. Chị sang đây năm 1975 à?
- Vâng, thế còn anh?
- Tôi sang năm 1972. Tôi làm cho hàng không Úc. Sau đó là sự kiện tháng tư năm bảy lăm và tôi ở lại luôn. Nhớ nhà quá. Nhớ hoa mai quá. “Mùa xuân - Hoa mai vàng”.
Nghe đến đó, trái tim tôi thắt lại. “Mùa xuân - Hoa mai vàng” - đó là mật hiệu bắt liên lạc của tổ chức quy định cho tôi.
- Nhớ, tôi cũng nhớ lắm... - Giọng tôi như lạc đi.
- Chị chờ tôi một chút nhé - Người đàn ông nói và lại cười, rồi quay lại phía quầy để đồ uống.
Tôi cố trấn tĩnh lại, nhưng trái tim vẫn run lên vì sung sướng. “Nhưng phải kiểm tra kỹ”, tôi thầm nhủ. Một lát sau, người đàn ông mang đến hai ly rượu vang:
- Xin nâng cốc chúc mừng mùa xuân. “Mùa xuân - Hoa mai vàng” - Anh nói và nhắc lại “mật hiệu”.
- “Mùa xuân - Hoa đào thắm”. Tôi quê Bắc mà.
- Vâng, vâng. “Đào mai - Mùa xuân”. Ta đi ra ngoài dạo một chút.
Chúng tôi rời hội trường theo một con đường nhỏ chạy ra một vườn hoa. Tôi hít một hơi dài không khí mát lạnh đẫm sương đêm và nói trong hạnh phúc:
- Tôi mừng quá. Tôi chờ đợi lâu quá rồi.
- Mọi việc đều được sắp xếp kỹ lưỡng cả. - Anh nói và nhìn tôi cười. Tôi cảm thấy ấm áp lạ thường. - Tôi quên mất giới thiệu tên với chị, tôi là Dũng.
- Còn tôi là Phụng.
- Và còn là nhà báo Hải Âu nữa chứ!
Cả hai chúng tôi cùng cười.
- Công việc của Phụng thế nào?
- Bước đầu khá thuận tiện. Tôi có tin tức gì từ trong nước không? Tôi phải làm gì? Và...
- Phụng cứ bình tĩnh. Công việc khá nặng nề đấy. Tôi sẽ truyền đạt sau. Nhưng trước hết, tôi báo tin để Phụng vui, bà cụ ở Hà Nội vẫn khỏe. Cụ tin con gái lắm.
Ánh sáng từ một ngọn đèn trong lùm cây hắt lên mặt tôi đầy nước mắt.
- Ta đi vào hội trường đi.
Tôi không nói gì, lặng lẽ đi bên Dũng. Anh đến bên quầy lấy một ly rượu vang đỏ mời tôi. Quanh chúng tôi, từng toán người vừa uống rượu vừa nói chuyện.
Trước khi chia tay tôi, Dũng lấy tấm card đưa cho tôi và nói:
- Tôi làm ở sân bay Cali. Phụng gọi điện cho tôi nhé!
Tôi không nói gì chỉ khẽ gật đầu và bắt tay anh.
Về nhà, tôi lên giường đắp chăn trùm kín người như ngủ. Tôi dùng đèn chuyên dụng soi card của Dũng và lấy ra tấm vi ảnh nhỏ, rồi dùng đèn chuyên dụng như một chiếc máy phóng đọc mã:
“Điện số 001A
Tìm hiểu tổ chức bí mật của Thoại. Mối quan hệ giữa tổ chức này và CIA. Sử dụng E6 để viết báo cáo. Chuyển và nhận qua K70. Dũng. Sân bay California. Xem xong hủy ngay. Thay mặt trung tâm chúc BB11 thành công.
HN75”
Đọc xong mã, tôi nuốt vi ảnh vào bụng. Đêm ấy tôi nằm thức trắng, phần vì hạnh phúc đã bắt được liên lạc, phần được tin mẹ khỏe, và phần vì lo cho công việc sắp tới. Tôi cảm thấy yên tâm vì có đồng đội bên cạnh. Dũng sẽ là nguồn động viên cho tôi. Tôi muốn ngồi dậy gọi điện cho Dũng, nếu không vì nguyên tắc. Tôi cố nhớ lại gương mặt anh. Và cũng vì nguyên tắc mà tôi không hỏi anh bao nhiêu chuyện về đất nước. Tôi điểm lại những nhân vật mà tôi phải xây dựng một mối quan hệ thật tốt để phục vụ cho công việc của mình. Kenđơ, Thoại, Giôn, Giêm (bạn Giôn) và những người Việt tị nạn khác.
o O o
Đại úy Biền gặp tôi ở khu nghỉ bờ biển Orange, tất nhiên cuộc gặp gỡ này không phải tình cờ. Khi tôi đang nói chuyện với Giôn về một ca sĩ nhạc Rock vừa mới xuất hiện ở Mỹ thì Biền đến bên tôi:
- Xin lỗi ông, tôi có thể mời cô gái này nhảy được chứ? - Biền nói với Giôn bằng thứ tiếng Anh bồi và bàn tay gân guốc của hắn làm một cử chỉ thô lỗ.
- Xin mời! - Giôn nói và nhìn tôi.
- Xin lỗi cô và xin mời - Hắn nói và cầm lấy tay tôi.
Đó là một gã đàn ông da ngăm đen, mái tóc cứng để dài như muốn cắm ngập vào hai vai, hắn đứng thấp hơn tôi một chút.
- Cô thích Orange chứ? - Hắn hỏi.
- Cũng vừa phải - Tôi lạnh nhạt đáp.
- Vì tôi hay thấy cô đến nghỉ ở đây.
- Hóa ra là tôi bị theo dõi.
- Những người xinh đẹp thường bị theo dõi - Nói xong hắn cười hơ hớ.
- Tôi có đọc những bài báo của cô viết về chúng ta - Những người Việt tị nạn. Tôi rất thú những nhận xét sắc sảo của cô về cuộc sống của họ ở đây. Nhưng có một vấn đề không đúng.
- Có thể - Tôi nói - Nhưng tôi chưa biết đó là vấn đề gì?
- Về sứ mệnh lịch sử của chúng ta với Tổ quốc bị cộng sản xâm lăng.
- Tôi có cơ sở để nói rằng điều tôi viết ra là đúng. Ông có thấy chúng ta đã hoàn toàn mất hết những điều kiện có thể - đó là đất đai và con người.
- Nhưng chúng ta sẽ lấy lại...
- Không thể, kể cả người Mỹ.
- Cô không tin ư?
- Tôi vốn thường tin vào thực tế. Cho đến nay, những người Việt lưu vong chúng ta chưa chứng tỏ được gì về khả năng của mình. Chúng ta không có tổ chức, không có người cầm đầu, và dân chúng - những người Việt ở Mỹ không hồ hởi gì lắm...
- Chúng ta có tổ chức chứ, và cả thủ lĩnh nữa - Biền nói như cãi.
- Theo người Mỹ thì đó là những tổ chức hình thức, không có hứa hẹn gì cả.
- Sao lại không. Nếu cô muốn, tôi chứng minh.
- Tôi không đòi hỏi. Tôi là đàn bà, nhưng đừng nghĩ rằng tôi không muốn trả thù, tôi muốn trở về quê hương tôi. Nhưng cánh đàn ông các anh hầu như an phận, có ai đó muốn làm anh hùng thì cũng chỉ dám vênh váo trong cái “Sài Gòn nhỏ bé” này mà thôi. Đến như ông Thoại, một người có uy tín và thế lực bây giờ cũng sống yên vị, mở một quán rượu và sống như một ẩn sĩ...
- Ha, ha, ha... - Biền ngừng nhảy và cười.
- Sao ông lại cười?
- Lần này thì cô quá chủ quan, hoặc cô không hiểu gì về chúng tôi cả...
- Tôi tin nhận xét của tôi là đúng.
- Tử vi của ông Thoại đúng hơn nhiều. Bây giờ mới là thời điểm để ông Thoại chứng minh tài làm chính trị của mình. Cô có gặp ông Thoại rồi chứ?
- Có. Tôi đã từng đến nhà ông ta uống rượu. Ông ta giỏi như một đầu bếp Trung Hoa.
- Đúng rồi, đó là một con người thích chứng tỏ mọi khả năng của mình. Tôi xin hỏi cô một câu, nếu ông Thoại thành công thì cô nghĩ sao?
- Tôi xin phụng sự ông ấy như tôi đã phụng sự cho chế độ ông Thiệu một thời.
- Tuyệt vời. Tôi đã phụng sự ông ấy. Vì tôi tin ông ấy sẽ thành công.
- Chúc mừng ông!
Nghe tôi nói, gương mặt Biền đỏ lên rần rật. Qua câu chuyện, tôi khẳng định đây là một tên tay chân của Thoại. Và sự gặp gỡ này không phải là tình cờ. Những weekend trước đây tôi đã thấy gương mặt hắn lảng vảng những nơi tôi đến. Liệu hắn có phải cũng là người của Kenđơ không? Nhưng dù sao quen được hắn lại là điều may mắn. Hắn là tên “phổi bò” dễ bị kích động. Qua hắn, tôi có thể đi sâu vào Thoại và hiểu biết nhiều hơn về tổ chức của chúng.
Bản nhạc kết thúc. Tôi quay lại bàn thì không thấy Giôn đâu cả. Anh đã về và để lại một mẩu giấy. “Tôi xin lỗi Phụng, tôi đi có việc. Tôi sẽ quay lại đón Phụng. Chúc câu chuyện của hai người vui vẻ - Giôn”.
- Hắn đi rồi hả? - Biền châm thuốc hút và hỏi - Hắn là gì của cô đấy?
- Anh tò mò như mật vụ ấy. Anh ta một thời là chiến hữu của các anh đấy.
- Hắn có vẻ khó chịu với tôi.
- Không đâu, anh ấy rất lịch sự và tốt.
- Tôi đưa cô về nhé? - Biền hỏi.
- Tôi phải đợi anh ấy. Anh ấy hẹn quay lại mà.
- Thế thì ta uống thêm một chút gì nhé.
Hơn một tiếng đồng hồ sau, Giôn mới quay lại.
- Cô Phụng có kể với tôi đôi điều về anh. Rất hân hạnh gặp lại một chiến hữu cũ.
Biền nói và chìa tay ra trước Giôn. Giôn bắt tay hờ hẫng và nói gọn lỏn:
- Hân hạnh.
- Chủ nhật tới tôi sẽ đến thăm cô Phụng - Biền nhe răng cười và nói - Cô nên hiểu chúng tôi hơn nữa.
Khi lên xe, tôi nói:
- Tôi xin lỗi Giôn. Anh ta hỏi nhiều chuyện quá.
- Đó là một thằng bịp bợm - Giôn nói bực tức.
- Làm sao anh lại nhận xét như thế?
- Tôi gặp hắn lần đầu nhưng tôi biết. Phụng hãy cẩn thận đấy.
- Lúc nãy anh đi đâu lâu vậy?
- Tôi đến khu nghỉ của Giêm.
- Trời ơi! Thế mà không cho tôi đi với. Anh ích kỷ quá.
- Lúc khác tôi đưa Phụng đi. Giêm cũng muốn nói chuyện với Phụng.
- Tôi biết gì mà nói chuyện với anh ấy nhỉ. Một nghị sĩ Bang cơ mà - Tôi đùa.
- Nhưng trước hết anh ta là một con người. Anh ta yếu đuối và đa cảm lắm.
- Thế thì làm nghị sĩ thế nào được.
- Phẩm chất cao nhất của anh là lòng nhân hậu. Chiến tranh Việt Nam làm cho anh ta hiểu con người hơn. Giêm luôn nguyền rủa tội ác.
Về đến nhà tôi chưa kịp thay đồ thì chuông điện thoại reo vang. Tôi vừa cầm ống nghe thì bên kia đã hỏi, giọng Kenđơ:
- Phụng biết chuyện gì chưa?
- Tôi vừa đi nghỉ về. Có chuyện gì vậy?
- Một vụ “thảm sát” mới ở phố W - thuộc “Sài Gòn nhỏ bé”. Chúng ta đến đó nhé, với tư cách phóng viên. Tôi sẽ đến đón ngay bây giờ.
- Tôi chờ anh dưới đường.
- Ô kê!
Chưa hút hết điếu thuốc, Kenđơ đã đánh xe đến. Kenđơ mở cửa cho tôi lên rồi rú ga lao đi.
- Cụ thể như thế nào Kenđơ? - Tôi hỏi.
- Một gia đình người Việt bị giết chết hết, chỉ sót lại một cô cháu họ ở cùng. Những kẻ ám sát mang danh “Những người kháng chiến” trừng trị những người ủng hộ cộng sản.
- Theo anh đó có phải là sự thật không?
- Không. Theo tôi đó là một vụ tống tiền không thành.
- Cảnh sát Mỹ đã làm gì rồi?
- Họ làm những công việc của cảnh sát. Nhưng rất khó có thể điều tra ra.
- Vì sao?
- Vì đó là “vương quốc” của người Việt. Hơn nữa, những người biết chuyện này không dám khai báo. Họ sợ bị trả thù.
- Chẳng nhẽ người Việt lại dã man đến mức độ thế ư?
- Cô sẽ tự tìm hiểu lấy.
Khi chúng tôi đến ngôi nhà của nạn nhân thì chỉ còn lại rất ít người ở đó. Tôi gặp Biền ở cửa. Hắn nhe răng cười và nói:
- Nhà báo đến muộn quá. Tất cả đã được đưa đi.
- Tôi làm báo viết. Anh có biết gì về vụ này không?
- Tôi nghe sơ sơ - Biền nhún vai - Họ là cộng sản nằm vùng.
- Anh tin như thế chứ?
- Tôi nghe vậy. Mà cô tìm hiểu chi cho mệt. Chúa gọi họ đi vì họ có tội.
Tôi không hỏi gì thêm và đi vào nhà. Ở phòng khách có một cô gái còn trẻ đang ngồi khóc, đầu tóc rũ rượi.
- Em là người trong gia đình này ư? - Tôi ôm lấy vai cô gái.
- Dạ - Cô gái nấc lên.
- Khi bọn giết người đến, em ở đâu?
- Em đi Orange chơi với bạn.
- Bây giờ em sẽ sống thế nào?
- Em không có biết. Em sợ... họ sẽ giết em. Em biết họ.
- Sao em biết?
- Họ đã đến đây nhiều lần. Sau những lần ấy, bác em sợ lắm.
- Em có nhớ mặt một tên nào không?
- Có! - Cô khẽ nói đủ cho tôi nghe và nhìn ra ngoài - Có một đứa vừa đi ra ngoài đó. Hắn thấp và đen, tóc để trùm vai.
- À! - Tôi khẽ thốt lên và quay lại phía Kenđơ gọi - Kenđơ! Tôi muốn nói chuyện với anh.
- Có gì vậy Phụng?
- Cô gái này là nạn nhân còn sót lại. Cô ấy đang rất sợ và rất nguy hiểm cho cô ta khi ở đây một mình. Tôi muốn đưa cô ấy về nhà.
- Ta sẽ nói chuyện này sau - Kenđơ ngập ngừng - chuyện không đơn giản đâu cô Phụng ạ.
Tôi không nói gì chỉ nhìn thẳng vào mắt Kenđơ. Hắn lúng túng lấy thuốc ra hút.
- Cứ để cô ta ở nhà một người bạn hay bà con của cô. Ta sẽ nói chuyện sau. Tôi là người Mỹ. Họ không muốn tôi can thiệp vào chuyện nội bộ của họ.
- Hừ! - Tôi cười khẩy và quay lại phía cô gái - Có gì em gọi điện cho chị nhé. Chị cũng sống một mình. Đây là điện thoại và địa chỉ của chị. Em tên là gì nhỉ?
- Chị ơi, em sợ quá - Cô ôm lấy tôi và khóc - Em là Thủy.
Trên đường về, tôi hỏi một câu ngớ ngẩn để thăm dò Kenđơ:
- Tại sao anh lại không để cho tôi đưa cô ta về nhà? Lúc khó khăn phải đùm bọc lẫn nhau. Chúng tôi đều là phụ nữ...
- Đó là phong tục tốt của người Việt Nam. Nhưng với công việc của cô bây giờ và ở nơi này, cô không chống lại họ được. Tôi chưa biết họ là ai. Nhưng tôi tin họ có thế lực lớn trong cộng đồng người Việt ở đây.
- Tôi có quen một tên khả nghi. Hắn có mặt ở nhà nạn nhân. Hắn là tay chân của Thoại.
- Có lẽ cô nhầm - Kenđơ kêu lên.
- Tôi đã nhảy với hắn mà. Và hình như hắn định... tán tỉnh tôi - Tôi định nói “theo dõi” nhưng vội đổi ngay.
- Tôi chịu cô. Cô đúng là một nhà báo có tài. Nhưng thực lòng tôi khuyên cô hãy bình tĩnh và cẩn thận vì chúng có thể động đến cô đấy.
- Anh không bảo vệ được tôi ư? Thế thì hèn quá.
- Nếu tôi được ở với cô hai bốn trên hai bốn...
- Lý do đó cần được “nghiên cứu”.
- Cám ơn nhà báo Hải Âu - Kenđơ nói và cười.
Về đến nhà, tôi ngồi im lặng hút thuốc. Như thế là có mối liên hệ giữa vụ “thảm sát” kia với Biền và với Thoại. Còn Kenđơ, hắn biết mọi chuyện nhưng cố tình như không tham dự. Việc tôi yêu cầu đưa cô gái của gia đình nạn nhân về ở với mình là để thăm dò phản ứng của Kenđơ. Điều bí mật nhỏ đã được hé mở.
Buổi tối, tôi viết báo cáo gửi cho K70. Tôi đánh giá tổ chức của Thoại và mối quan hệ của Thoại với CIA thông qua Kenđơ.
Một tuần sau khi gửi báo cáo đi, tôi nhận được điện chỉ thị. Bức điện viết: “Tránh mọi sự va chạm không cần thiết. Tìm mọi cách để trở thành người của Thoại. HN75”.
o O o
“Vụ thảm sát phố W - Sài Gòn nhỏ bé - Một vết thương của cộng đồng người Việt do chính họ tự gây nên. Nỗi đau đớn không chỉ dừng lại ở cái chết của những nạn nhân kia, mà hơn thế, nó là nỗi nhục nhã của những người Việt Nam, những người đã tự hào về tính cộng đồng truyền thống của dân tộc họ với “lá lành đùm lá rách”, “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau...”.
Đó là một đoạn trong bài viết của tôi in trên báo ngày của Bang. Ngay tối hôm đó, Thoại gọi điện cho tôi.
- Quả thật tôi cảm thấy xấu hổ về chúng ta khi đọc bài viết của cô. Cô đã nói đúng...
- Đó là điều mà mọi người lúc bình tâm nhất đều hiểu được - Tôi nói - Nhưng khi đồng tiền và tham vọng vô lương tâm đang rơi trước mắt họ, thì họ lao tới không cần biết dưới chân mình là đồng loại mình đang bị chà đạp...
- Tôi hiểu. Tôi hiểu. Tối nay cô có bận bịu gì không?
- Tôi cũng chỉ đọc sách thôi.
- Tôi muốn mời cô đến nhà tôi. Chúng ta uống rượu và trò chuyện.
- Tôi nhận lời. Thế lúc nào tôi có thể đến được? Ngay bây giờ à? Ai đón tôi? Ông Biền? Có, tôi có biết ông ấy. Hẹn gặp ông.
Chỉ nửa tiếng sau, Biền đánh xe hơi đến đón tôi. Hắn lái xe như điên. Mồm ngậm xì gà, thái độ lạnh lẽo bất ngờ. Tôi gợi chuyện:
- Ông có đọc bài báo của tôi không?
- Có. Cô là người am hiểu người Việt.
- Thì tôi có là người Mỹ đâu. Ông cho tôi hỏi một câu.
- Ô kê - Biền nhún vai.
- Ông nghĩ thế nào về bài báo của tôi? Cụ thể là ông có đánh giá gì về vụ thảm sát này?
Nghe tôi hỏi, hắn im lặng một lát mới trả lời. Điếu thuốc vẫn nguyên trong mồm hắn, lập lòe đỏ.
- Có lẽ ông Thoại sẽ nói chuyện với cô về vấn đề này tại nhà ông tối nay.
- Tôi muốn hỏi ông cơ!
- Theo tôi - Hắn ngập ngừng - Những người bị giết là cộng sản nằm vùng. Chúng chống lại lợi ích của cộng đồng người Việt tại Mỹ.
- Ông có gì chứng minh điều đó không?
- Tôi không rõ lắm. Nhưng nếu biết, tôi cũng không nói với cô được, nhà báo ạ. Đó là nguyên tắc của tổ chức.
Tôi mỉm cười im lặng. Hắn đã giấu đầu hở đuôi. Hắn nói “không rõ” nhưng lại sợ “nguyên tắc của tổ chức”. Tổ chức nào đây? Chắc chắn là tổ chức của Thoại mà hắn là một tay chân ngu đần. Hắn chỉ là một con vật biết bóp cò.
Thoại đón tôi niềm nở và lịch sự. Chúng tôi ngồi uống ở ngoài vườn.
- Bà nhà đi đâu, ông Thoại?
- Phu nhân tôi cùng các con đi thăm một người bà con. Cô Phụng có nhận được tin tức gì của gia đình không?
- Tôi không hề nhận được một mẩu tin gì, kể cả những bè bạn của tôi ở Sài Gòn - Tôi nói và thở dài - Đó là điều làm tôi hết sức buồn phiền.
- Tôi hạnh phúc hơn cô là cả gia đình tôi và gia đình bên vợ đều sang đây tất cả. Tôi có đọc bài báo của cô. Đó là bài viết của một nhà báo có tri thức cao. Cô vẫn giữ được sự “nổi tiếng” của mình từ ngày ở Sài Gòn.
- Xin cám ơn ông. Nhưng ông quá khen tôi đấy.
- Nhưng... - Thoại tỏ vẻ áy náy. Nhìn nhanh vào mắt hắn, tôi đoán được điều hắn đang cố tình ngập ngừng.
- Có gì ông cứ nói.
- Có một số người, đúng hơn là khá nhiều người không đồng tình với bài báo của cô.
- Lý do?
- Họ cho cô đã ủng hộ một ai đó. Bài báo đọc kỹ sẽ thấy sự kích động những kẻ ủng hộ cộng sản.
- Ông có nghĩ như thế không?
- Không. Không. Tôi không nghĩ thế. Tôi nghĩ ngược lại. Chính vì thế tôi mời cô đến đây. Tôi cho rằng trên tư tưởng bài báo của cô, chúng ta mới có thể tập hợp được những người yêu Tổ quốc một cách tốt nhất.
Câu chuyện cứ vòng vo, loanh quanh như thế một lúc lâu, bỗng đột ngột Thoại hỏi tôi. Hắn như bị kích động, người hơi chồm về phía trước. Trong cặp mắt đã bắt đầu mờ đục bỗng lóe lên tia sáng dễ sợ.
- Cô Phụng, tôi muốn mời cô hợp tác. Có thể chưa phải ngay bây giờ... Nhưng tôi tin ở chúng ta. Cả cô nữa, phải biết tin, chúng ta sẽ thắng.
Lúc này tôi lại vào vai con thỏ nhút nhát, giọng có vẻ hơi run rẩy nữa:
- Gì cơ, ông Thoại? Hợp tác gì, có tổ chức à?
Thoại dường như chẳng hề có ý giấu giếm, nói rất nhiều với tôi về ý đồ của hắn. Giọng hắn đã trở lại âm điệu đều đều, nhã nhặn thường ngày. Duy chỉ có ánh mắt cứ chiếu thẳng vào mắt tôi, lục lọi, kiểm soát.
Tôi về đến nhà cũng khá khuya. Tôi loay hoay mở khóa. Khi tôi vừa bước vào thì một bàn tay cứng như kìm bịt chặt miệng tôi. Tôi không phản ứng gì. Tôi liếc mắt sang và nhìn thấy một gã đeo mặt nạ kín mặt.
- Nếu kêu, tôi sẽ bắn. Nhớ là im lặng - Hắn nói và từ từ bỏ bàn tay khỏi miệng tôi.
- Ông cần gì? Ông là ai?
Tôi hỏi và cũng không ngoái lại nhìn hắn.
- Chúng tôi muốn nói chuyện với cô. Ở trong phòng khách của cô.
Tôi bước vào phòng khách và thấy hai tên khác mặt cũng che kín đã ngồi sẵn ở đó.
- Chào cô Phụng - Một gã béo mập lên tiếng.
- Tôi phản đối việc xâm nhập bất hợp pháp của các ông vào nhà tôi.
- Chúng tôi xin lỗi cô - Gã béo nói - Nhưng việc phải thế.
- Các ông cần gì ở tôi? Tiền hay là tôi?
Tôi nói và ngồi xuống bật lửa hút thuốc.
Gã béo cười khùng khục:
- Chúng tôi không bao giờ cướp tiền của phụ nữ đẹp. Chúng tôi muốn hỏi cô một vài việc.
- Các ông cứ tự nhiên.
- Câu hỏi thứ nhất: Tại sao cô chống lại lợi ích của cộng đồng chúng ta?
- Tôi không hiểu các ông nói gì cả. Tôi đang đấu tranh cho những người Việt Nam đấy chứ!
- Cô ủng hộ bọn cộng sản bằng chính những bài báo kín đáo của cô.
- Nếu tôi theo cộng sản thì tôi đã ở lại với họ từ năm 1975 rồi - Tôi nói để thăm dò.
- Đấy là một trong những hình thức. Cô đã hứa giúp đỡ con bé trong gia đình cộng sản vừa bị trừng trị.
- Nghĩa là các ông đã giết họ? Thật khủng khiếp.
- Cô không nên biết những chuyện đó. Nhưng chúng tôi khuyên cô đừng nên viết những bài báo như thế. Không có lợi cho tính mạng của cô đâu.
- Nghĩa là các ông sẽ giết tôi như đã giết những người Việt Nam khác.
- Tùy cô hiểu. Câu hỏi thứ hai: Cô đã làm gì cho ông Thoại?
- Tôi chẳng làm gì cho ông ta cả. Chúng tôi chỉ là những người quen biết nhau mà thôi.
- Không đúng. Cô đang ủng hộ ông Thoại.
- Theo tôi biết, hầu hết những người Việt ở đây đều ủng hộ ông ta.
- Cô tin như thế chứ?
- Cái này các ông hiểu hơn tôi.
- Thôi được. Chúng tôi thay mặt những người kháng chiến cảnh cáo những hành động của cô vừa qua. Cô nhớ lấy. Cuộc sống của cô là do cô quyết định. Chào cô.
Chúng tôi đứng dậy để đi ra cửa. Một tên quay lại phía tôi nói:
- Cô không được nói chuyện này với ai hết. Chúng tôi nghe được cả đấy.
Bọn khủng bố đi khỏi. Tôi ngồi im lặng suy nghĩ về sự việc vừa xảy ra. Tôi tin rằng không chỉ vì một vài bài báo mà chúng phải đe dọa tôi. Trong những bài báo tôi cố tình “gây sự chú ý” đối với chúng. Từ đó sẽ dễ dàng nhập cuộc hơn. Tôi phải làm một cái gì đó, kể cả việc kích cho chúng phải bực tức. Mọi chuyện đã diễn ra như dự định. Thoại gặp tôi, rồi đến bọn khủng bố. Có lẽ bọn này của Thoại. Vì qua cách chúng thăm dò tôi về Thoại, tôi hiểu được điều đó.
Sáng hôm sau tôi gọi điện cho Thoại nói về việc xảy ra trong đêm.
- Cô có làm sao không Phụng? - Hắn tỏ vẻ lo lắng - Cô có cần cho người đến bảo vệ cô không?
- Không cần đâu ông Thoại ạ - Tôi cười - Chắc là họ chưa hiểu tôi, thế thôi.
Thoại phá lên cười trong máy.
Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn - Nguyễn Quang Thiều Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn