Nếu bạn đã cố gắng hết sức mình thì bạn sẽ vẫn thanh thản ngay cả khi gặp thất bại.

Robert S. Hillyer

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 131 / 17
Cập nhật: 2020-06-24 21:50:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
gày 30 tháng tư năm 1977 là một ngày tôi vô cùng mệt mỏi và buồn bã. Sau khi đi dự cuộc biểu tình để tưởng nhớ ngày “Quốc hận” trở về, tôi nằm vật xuống giường. Tôi không khóc thành tiếng. Nhưng nước mắt cứ trào ra, chảy qua hai khóe mắt, ướt đẫm tóc mai và cổ tôi. Tôi lấy một điếu thuốc và châm lửa hút. Tôi bắt đầu hút thuốc sau sáu tháng di tản sang Mỹ. Dù bây giờ, và ở Mỹ, con gái hút thuốc cũng không là điều lạ. Nhưng tôi vẫn cảm thấy mình đã nhiễm một thói hư.
Buổi sáng hôm đó, những kẻ “chống cộng” gào thét nguyền rủa những người cách mạng. Chúng thề sẽ trở về để giải phóng quê hương. Tôi nhìn và nghe chúng mà thấy giận vô cùng và cũng thật buồn cười. Gần cuối cuộc biểu tình, tôi bỏ về. Tôi thấy nhớ mẹ tôi vô cùng. Tôi nhớ Hùng. Chắc anh đang buồn lắm. Tổ quốc đã thống nhất được hai năm rồi. Nhưng vì nhiệm vụ mà tôi phải sống xa Tổ quốc những ngày hạnh phúc có một không hai này.
Tôi nhớ rõ đêm ngày 22 tháng tư năm 1975. Đêm đó, cũng như bao đêm trước, tôi đang hạnh phúc âm thầm. Nhiều lúc tôi phải vào nhà tắm. Tôi tắt đèn và xả nước. Trong phòng tắm kín đáo ấy, tôi được nhảy lên và gọi thầm những người thân của mình đầy hạnh phúc. Những ngày đó, tôi biết tôi sắp được gặp mẹ tôi, được gặp Hùng, được gặp bạn bè và những đường phố Hà Nội cổ kính và mơ mộng.
Vào lúc tám giờ tối có người đến tìm tôi. Đó là họa sĩ Vân. Anh là nhóm trưởng nhóm điệp báo của tôi. Anh mang bí số HS16.
- Cấp trên quyết định đồng chí “di tản” sang Mỹ. Đồng chí mang bí số BB11. Sẽ có người đến tìm đồng chí. Chiến tranh sắp chấm dứt. Nhưng...
- Tôi hiểu - Tôi nói - Tôi nhận lệnh.
- Đồng chí có yêu cầu gì không?
- Không - Tôi đáp - Nhưng... tôi...
- Đồng chí cứ nói.
- Tôi muốn gửi cho mẹ tôi một bức thư.
- Được. Nhưng thật nhanh. Tôi phải đi ngay.
Tôi vội vã vơ lấy một tấm danh thiếp của tôi và viết đúng hai dòng chữ vào mặt sau: “Mẹ ơi, con mãi mãi là con gái của mẹ. Con sẽ về với mẹ”.
Họa sĩ Vân nhét tấm card vào túi áo và vội vã đi. Đây là lần thứ ba tôi gặp anh. Chỉ những trường hợp gấp lắm anh mới gặp tôi trực tiếp như thế.
Anh đi rồi, tôi quay vào phòng khách. Tôi pha một ly cà phê ngồi uống. Tôi biết nhiệm vụ của tôi là vì hạnh phúc của nhân dân. Nhưng tôi rất buồn. Tôi chưa trở về với mẹ được. Tôi chưa gặp Hùng được. Mẹ tôi, người yêu tôi và bè bạn tôi sẽ đau khổ vì tôi và nguyền rủa tôi - một kẻ bỏ Tổ quốc ra đi.
Uống xong ly cà phê, tôi thanh thản hơn. Nhưng tôi thấy nhiệm vụ trước mắt hết sức khó khăn và phức tạp. Sang Mỹ, tôi sẽ phải sống như thế nào? Khi nơi đó không phải là Tổ quốc tôi. Tôi sẽ không được sống với nhân dân đích thực của tôi. Tôi sẽ hoạt động như thế nào và liên lạc với ai? Hơn nữa, những kinh nghiệm hoạt động tình báo tôi chưa được kinh qua nhiều.
Tôi là một cô gái Hà Nội. Khi học đến năm thứ ba khoa tiếng Anh trường Đại học Ngoại ngữ thì tôi xung phong nhập ngũ. Vào đến chiến trường, tôi làm điện báo. Sau đó hai năm, tôi nhận nhiệm vụ mới ở Ban An ninh Miền. Đầu năm bảy mươi, tổ chức đã bố trí cho tôi một kế hoạch vào hoạt động ở nội thành Sài Gòn. Tôi trở thành kẻ “chiêu hồi”. Bọn cảnh sát đặc biệt đã tra hỏi tôi cặn kẽ hơn một tháng trời. Sau đó chuyển giao cho CIA.
- Tại sao cô lại rời bỏ hàng ngũ cộng sản? - Một sĩ quan CIA tên là Kenđơ đã hỏi tôi.
- Tôi chán chiến tranh - Tôi nói dối và phải nói dối đủ điều những năm tháng sau này - Ông biết đấy, tôi còn rất trẻ. Và tôi đẹp.
- Ồ! - Kenđơ khẽ kêu lên - Lần đầu tiên tôi gặp một nữ cộng sản như cô. Mà cô đẹp thật. Dù tôi hay bất cứ một người lính nào gặp cô ở mặt trận đều run lên và vứt súng đi.
- Thế bây giờ ông có thể vứt súng đi vì tôi không?
- Tuyệt vời, tuyệt vời - Kenđơ lại kêu lên - Cô làm tôi thực sự lúng túng.
- Nghĩa là ông lúng túng câu trả lời của tôi?
- Không phải thế. Cô rất thông minh và nói tiếng Anh rất giỏi. Tôi không khen những gì mà tôi không có cảm tình đặc biệt. Phải thú thực rằng, các giáo sư Anh ngữ Bắc Việt rất tài.
- Ông chưa trả lời câu hỏi của tôi - Tôi nói và nhìn thẳng vào mắt Kenđơ.
- Tất nhiên là chỉ khi vứt súng đi rồi tôi mới ngồi nói chuyện với cô như vậy. Tôi muốn cô hợp tác với chúng tôi.
- Hợp tác với các ông ư? Nghĩa là lại tham gia vào cuộc chiến từ phía bên này?
- Không, chúng tôi không đưa cô trở lại mặt trận.
- Nhưng tôi không có thói quen làm đồ trang sức cho đàn ông...
- Cô đừng nói thế - Kenđơ xua tay - Cô có thể làm những gì cô muốn. Thông dịch, thư ký, phóng viên.... Tôi thấy cô có khả năng làm phóng viên lắm. Cô có đủ phẩm chất và điều kiện của một phóng viên. Cô thông minh, bình tĩnh, ứng khẩu tài tình và biết đón bắt tư duy của người khác. Cô thạo Anh ngữ và rất đẹp.
Sau đó tôi trở thành người giúp việc như một phóng viên phụ cho một tờ báo lớn của Mỹ. Tôi tranh thủ học thêm tiếng Anh và mở rộng hiểu biết và quan hệ với các phóng viên khác ở Sài Gòn. Những ngày tháng ấy, tôi chưa thực hiện một nhiệm vụ chính thức nào của tổ chức. Tổ chức ra lệnh cho tôi “nằm im” tạo vỏ bọc và tránh “bẫy” của CIA. Hai năm sau, khi thấy tôi đã xóa tan mọi nghi ngờ của CIA, tổ chức mới giao nhiệm vụ đầu tiên cho tôi. Trong suốt thời gian ấy, tôi đã làm tròn vai diễn của mình. Tôi viết báo “chống cộng”. Tôi bàn luận với Kenđơ và các nhân viên CIA trá hình khác của Mỹ về thế sự. Tôi “giúp” chúng trong việc đánh giá và đối sách với tầng lớp trí thức Sài Gòn.
Ngày 27 tháng tư năm 1975, Kenđơ đã tổ chức cho tôi di tản.
- Cô phải rời khỏi đây. Đó là điều hết sức cấp bách. Chúng tôi phải bảo vệ tính mạng và tương lai của cô.
- Cám ơn ông, dù ông không khuyên thì tôi cũng phải đi. Trong suy nghĩ của cộng sản, tôi là kẻ phản bội.
Ngồi trong máy bay trực thăng bay ra hạm đội Mỹ ở ngoài khơi, tôi khóc nức nở như một đứa trẻ.
- Đừng buồn Phụng. Tôi cũng đau buồn như chính Tổ quốc tôi bị lâm nạn. Nhưng cô yên tâm. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc trở lại không lâu - Kenđơ ôm lấy vai tôi, hắn đang an ủi tôi - Đây cũng là dịp mà tôi có thể mời cô đến thăm nhà tôi. Tôi sẽ đảm bảo mọi yêu cầu của cô ở Mỹ.
Không như những người di tản khác, tôi được Kenđơ làm cho mọi thủ tục và ổn định nơi ăn ở. Năm tháng đầu tôi sống ở nhà Kenđơ với bà mẹ của hắn. Thỉnh thoảng hắn mới về nhà. Tôi sống với bà mẹ Mỹ đã sáu mươi tuổi. Đó là một bà mẹ phúc hậu. Bà không hề biết con trai bà là một nhân viên CIA. Bà đinh ninh Kenđơ là một phóng viên.
- Chiến tranh thật đáng nguyền rủa. Tôi không hiểu biết nhiều về Việt Nam, nhưng tôi phản đối chính phủ Mỹ, vì tôi thấy bao nhiêu chàng trai Mỹ bị chết, thương tật và điên dại từ cuộc chiến này.
Chiều chiều, tôi và bà đi dạo trên con đường sạch sẽ, yên tĩnh và đầy cây lá chạy quanh khu nhà bà ở. Tôi nói chuyện với bà về văn hóa và con người Việt Nam. Đôi lúc bà dừng lại nhìn tôi xúc động rồi ôm lấy tôi rất lâu. Những lúc đó, tôi cố kìm khỏi òa khóc vì nhớ mẹ và quê hương.
Buổi tối, tôi ngồi đọc báo hoặc nghe đài Mỹ. Tôi muốn nhận được thông tin về tình hình Tổ quốc những tháng năm sau chiến tranh. Dù rằng những thông tin đó hầu hết sai lệch và bị xuyên tạc. Nhiều lúc tức giận, tôi thốt lên nguyền rủa những kẻ xuyên tạc. Ngay sau đó, tôi giật mình. Những sơ suất nhỏ như thế dễ dàng làm hỏng công việc của tôi. Rất may thời gian đó tôi ở nhà một bà mẹ Mỹ hiền lành. Và đó cũng là bài học cho tôi tự rèn luyện.
Có một buổi chiều cuối thu, tôi đã gục đầu vào một gốc cây bên đường và khóc rất lâu. Tôi nhớ Hùng. Tôi đã gặp anh trong một buổi chiều như thế ở rừng Trường Sơn. Chúng tôi đóng quân ở gần nhau. Cây lá và sương khói rừng Trường Sơn đã chở chúng tôi vào mơ mộng. Tôi đã yêu anh say đắm. Tôi đã hôn anh rất lâu như sợ buông anh ra là tôi không thể tìm lại anh được nữa.
Vào một đêm trước khi đơn vị anh chuyển vào phía trong. Anh đến tìm tôi. Khi tôi đưa anh về thì tôi khóc. Anh ôm chặt tôi. Chúng tôi cứ đứng im lặng rất lâu. Tôi cảm thấy lúc đó thanh bình đến thế. Hình như cả trước đó, chiến tranh cũng chưa bao giờ tràn qua những cánh rừng Trường Sơn.
- Bao giờ em được gặp lại anh? - Tôi ngước lên hỏi anh.
- Anh không biết nữa - Hùng buồn rầu nói - Nhưng chúng mình sẽ gặp nhau. Anh muốn cưới em.
- Em sợ...
- Em không tin anh à?
- Không phải em nói thế - Tôi nói và lắc đầu - Em sợ... lúc đó em già và xấu đi. Anh không yêu em nữa.
Anh im lặng. Lắc đầu và nhìn tôi.
- Bao nhiêu chị bị sốt rét làm rụng tóc và tái sạm cả da.
- Dù thế nào anh vẫn yêu em - Anh nhìn vào khoảng rừng trước mặt nói thì thầm - Anh sẽ làm hết mọi việc cho em...
- Ứ, em không thích ai hầu hạ mình. Em sẽ làm mọi việc. Em chẳng sợ gì cả. Chỉ sợ không được ôm anh mãi như thế này.
- Anh yêu em. Hôn anh đi. Anh phải đi rồi.
Tôi kéo đầu anh xuống và hôn anh đến nghẹt thở. Và suốt từ ngày đó đến giờ, tôi chưa hề nhận được tin tức của anh. Đêm tôi thường mơ thấy anh. Anh đi dưới những cành cây rừng trơ trụi. Áo quần anh tơi tả và đỏ rực. Tôi gọi anh. Anh quay lại nhìn tôi nhoẻn cười, rồi lẳng lặng bỏ đi. Tỉnh dậy lúc nào tôi cũng khóc.
Trong thời gian ở nhà mẹ Kenđơ, hàng tuần Kenđơ gọi điện cho mẹ hắn và tôi đôi lần. Một lần tôi yêu cầu hắn cho tôi đến sống cùng những người Việt Nam di tản. Như thế tôi đỡ buồn hơn.
Hai hôm sau buổi nói chuyện đó, Kenđơ về gặp tôi. Tôi và hắn ngồi uống trà trong vườn và nói chuyện về tình hình Sài Gòn sau giải phóng và về công việc của tôi.
- Năm tháng nay rồi, tôi không hề biết tin về Sài Gòn - Tôi hỏi Kenđơ - Anh nói cho tôi tình hình cụ thể thế nào?
- Cũng không nên ngạc nhiên khi cộng sản quản lý tình hình thành phố khá tốt - Kenđơ thở dài - Họ hòa nhập vào dân chúng ở đó khá nhanh và êm dịu...
- Thế còn “tắm máu” những người của ông Thiệu?
- Đấy là tuyên truyền của ông Thiệu, không phải của Nhà Trắng. Đáng buồn là ông Thiệu và bộ máy của ông ta chưa bao giờ hiểu cộng sản hơn người Mỹ cả.
- Thế sao người Mỹ lại để ông Thiệu và chúng tôi đến nông nỗi này?
- Người Mỹ tính nhầm nước cờ.
- Người Mỹ đã nghĩ tới sự quay lại Việt Nam của mình chưa?
- Chưa, chưa. Chưa bao giờ chính phủ Mỹ lại lúng túng như bây giờ.
- Tôi muốn có một việc làm, Kenđơ - Tôi đổi câu chuyện.
- Với cô, một việc làm ở Mỹ không khó gì. Tôi muốn đưa cô về đây cho yên tĩnh. Tôi đã báo cáo với “chủ bút” tờ báo của chúng ta. Chúng tôi sẽ đưa cô trở lại với cộng đồng của cô. Cô như một phóng viên thường trú ở đó. Vấn đề người Việt di tản là vấn đề lớn trong nhiều chính sách của chính phủ Mỹ. Lúc nào cô thích bắt tay vào việc là tùy cô.
- Tôi muốn đi ngay ngày mai.
- Cô nên ở lại nhà tôi ít ngày nữa, mẹ tôi rất yêu cô. Cô đi, mẹ tôi sẽ rất buồn.
- Anh lấy vợ đi. Đừng nên để bà cụ sống như thế.
- Đấy là một lời khuyên đúng. Nhưng... các cô gái Mỹ bây giờ có lẽ chỉ làm mẹ tôi thêm buồn phiền mà thôi.
Hắn nói và đưa mắt thăm dò tôi. Tôi đứng dậy đi lại gần một khóm hoa tuy líp. Tôi chợt nhớ đến những vườn hoa Nghi Tàm. Nhớ những ngày giáp Tết, tôi bỏ cả ngày cùng lũ bạn học đi mua hoa.
Kenđơ thuê cho tôi một căn phòng nhỏ trong một khu phố khá yên tĩnh. Phải mất một thời gian dài tôi mới làm quen được nhịp độ sống ở đây. Tôi lao vào công việc. Ban ngày tôi tham gia vào các hoạt động của những người di tản. Đêm tôi thức khuya viết bài và đọc hàng đống báo và tạp chí Mỹ. Khi tắt đèn đi ngủ thì tôi lại thao thức nhớ quê hương. Tôi chờ đợi một tiếng gõ cửa. Tôi chờ đợi tiếng chuông điện thoại. Và sau tiếng gõ cửa và tiếng chuông điện thoại, đồng đội tôi hiện ra. Tôi thầm nhẩm mật hiệu đã quy định với tổ chức. Nhiều lúc đi đường, ở tiệm ăn hay một nơi nào đó, nghe thấy tiếng người Việt nói, tôi giật mình tưởng họ vừa nói câu “mật hiệu” với tôi. Tôi chờ đợi ngày này qua ngày khác. Khi đêm xuống tôi lại mong đến ngày mai.
Kenđơ thường gọi điện cho tôi vào buổi chiều. Đôi lúc hắn mời tôi đi ăn, đi xem hoặc đến nhà người bạn nào đó của hắn.
- Này, Kenđơ - Một lần tôi nói với hắn trên điện thoại - Có người theo dõi tôi đấy. Tôi sợ...
- Ha, ha, ha - Kenđơ cười vang trong máy - Nếu kẻ đó là đàn ông thì là một lão si tình, nếu là phụ nữ thì cô ta ghen với sắc đẹp của cô đấy...
- Tôi nói với anh nghiêm túc đấy - Tôi dằn giọng.
- Cụ thể như thế nào? - Giọng Kenđơ có vẻ quan tâm.
- Hắn ở ngay dưới phòng tôi. Hàng ngày đi đâu về tôi cũng thấy hắn ngồi trước cửa và nhìn tôi. Đôi mắt hắn lạ lắm. Hãy vứt các trò lố bịch ấy đi - Tôi giả vờ giận dữ gào lên.
- Để tôi đến xem sao - Kenđơ có vẻ lo lắng - Chiều nay ba giờ cô đến chỗ tôi. Sau bữa chiều, tôi đưa cô về và tôi cho cô biết kẻ đó là ai.
o O o
Trong một ngôi nhà nhỏ ở vùng biển Orange, có một con người đang sống với vợ con có vẻ lặng lẽ. Hắn vốn là một sĩ quan cao cấp của chính quyền Sài Gòn. Nhưng thực chất hắn là kẻ cầm đầu một tổ chức bí mật của người Việt Nam ở đó. Hắn tên là Thoại.
Vào một ngày nghỉ cuối tuần, Kenđơ mời tôi đi biển. Buổi chiều hắn lái xe đưa tôi đến nhà Thoại. Thực ra ngôi nhà đó là một quán rượu mang phong vị phương Đông. “Đấy là một con người lạ lùng” - Kenđơ nói với tôi về Thoại khi xe chúng tôi chạy trên đường.
- Ô! Kenđơ - Thoại kêu lên khi Kenđơ bước ra khỏi xe - Lâu quá ông không đến.
- Tôi không định đi, nhưng thứ rượu pha của ông đã mời gọi tôi - Kenđơ đùa và quay lại phía tôi - Đây là cô Phụng. Còn đây là ông Thoại, tôi đã nói chuyện rất nhiều lần với cô.
- Ồ, rất hân hạnh - Thoại nói bằng tiếng Anh và tiến lại trước tôi. Thoại đưa tay ra bắt tay tôi.
- Rất hân hạnh được gặp ông - Tôi nói.
- Ồ, cô nói tiếng Việt. Cô là người Việt?
- Tôi đến vì ông là đồng hương chứ không phải vì thứ rượu pha của ông.
- Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi. Mời cô vào nhà. Mời ông Kenđơ.
- Tôi xin giới thiệu với ông Thoại - Kenđơ nói khi chúng tôi đã ngồi xuống ghế - Đây là cô Phụng, một người bạn của tôi từ hồi ở Sài Gòn. Và đặc biệt hơn, Phụng chính là nhà báo Hải Âu.
- Ô, thế thì tôi biết. Tôi biết. Tôi có đọc những bài viết của cô ở Sài Gòn. Bây giờ gặp nhau ở đây, thật không ngờ. Mừng quá! Nào, xin nâng cốc chúc mừng cuộc hội ngộ này!
- Tôi không nghĩ một tướng lĩnh cao cấp như ông bây giờ lại sống yên tĩnh như thế này và bàn tay quen cầm súng của ông lại pha được thứ rượu ngon như thế.
- Cô Phụng quá khen. Tôi vốn là người bình thường nhưng rất phức tạp - Thoại nói và hơi ngả người ra sau ghế - Tôi mất Tổ quốc, tôi mất tất cả. Tôi chỉ còn lại lòng lương thiện.
- Nhưng không yên tĩnh - Tôi nhìn Thoại nói chen vào.
- Đúng thế. Tôi luôn cảm thấy cô đơn - Thoại buồn rầu.
- Thế nào, ở đây ông cảm thấy dễ chịu chứ? - Kenđơ hỏi.
- Thiên nhiên cứu vớt tôi một phần lớn.
- Vừa rồi tôi có đọc một bài báo nói về ông - Kenđơ nhìn Thoại thoáng thăm dò - Họ nói ông xứng đáng là người đứng đầu cộng đồng người Việt ở Mỹ.
- Về khả năng tôi không biết. Nhưng sự mong muốn thì đã nguội tắt. Hơn nữa, thái độ của chính phủ Mỹ chưa rõ ràng một điểm nào cả.
- Họ vẫn là bạn của ông... của các ông.
- Họ coi chúng tôi như trẻ con. Mà... tôi không muốn bị cộng sản và người Mỹ đẩy quanh. Người Mỹ cố kiểm soát chúng tôi. Nhưng họ không bao giờ hiểu rằng không thể lấy mặt nạ của người phương Tây đeo vào mặt người phương Đông. Thực tế, tôi không tôn trọng cái gọi là “đồng đội”. Tôi cần một người bạn hơn một “đồng đội”.
- Có người nói, ông là một người lính giỏi, nhưng là một nhà chính trị tồi. - Kenđơ nhìn Thoại.
- Chúng tôi không được làm chính trị một cách tự do. Chúng tôi bị áp đặt. Nhưng ông phải biết rằng, sự thất bại năm 1975 thuộc về người Mỹ. Những người Việt Nam tị nạn đang nguyền rủa chính phủ Mỹ. Tôi không nguyền rủa các ông, nhưng tôi thấy đau vì các ông đã chơi đểu chúng tôi.
- Cho tôi xin một cốc nữa nào - Kenđơ gượng cười và nói.
Thoại im lặng rót rượu cho Kenđơ.
- Tôi xin lỗi cô Phụng. Tôi chưa hỏi thăm gì về đời sống của cô. Có lẽ... cô cũng có một vài suy nghĩ giống như tôi vừa rồi.
- Tôi khác đấy - Tôi nói - Trách nhiệm trước tiên thuộc về ông, về tôi và những người Việt Nam khác có dính líu đến cuộc chiến này. Ông thúc đẩy bằng mệnh lệnh, còn tôi thúc đẩy bằng sự im lặng. Chúng ta thường nói “Im lặng là đồng ý”.
- Có lẽ ta sẽ nói chuyện với nhau về điều này sau. Tôi muốn mời cô Phụng và ông Kenđơ dùng bữa tối với tôi.
Chúng tôi rời nhà Thoại đến một quán ăn của một người Việt gần bãi biển. Trong suốt bữa ăn, cả ba chúng tôi nói chuyện về các món ăn cổ truyền Việt Nam. Lúc đó, tôi khao khát được bay về Tổ quốc. Được đạp xe trên những đường phố Hà Nội, hạnh phúc sà vào một quán bún ốc nào đó. Những lát khế, chuối xanh và mùi mắm tôm chanh thơm dâng lên lạ lùng.
Khi chia tay, Thoại đưa cho tôi tấm card của hắn và mong muốn mời tôi thường xuyên đến chơi. Trên đoạn đường từ bãi biển về nhà tôi, Kenđơ hỏi:
- Phụng, cô thấy Thoại thế nào?
- Lần đầu gặp thật khó cho tôi trả lời câu hỏi của ông.
- Nhưng cảm giác?
- Một người có ý thức với ham muốn của mình.
- Cô thấy ông ta có thể làm thủ lĩnh người Việt ở đây được không?
- Để làm gì cơ chứ? Những người Việt sống ở đây thật khốn nạn và đau đớn. Chẳng lẽ lại cần một kẻ đại diện cho sự khốn nạn và đau đớn ư?
- Cô có nghĩ rằng, những người Việt tị nạn phải quay lại Tổ quốc của họ không?
- Phải quay lại. Vì đó là Tổ quốc của họ. Nhưng Chúa chỉ cho họ dịp may có một lần. Và họ đã tự đánh mất.
- Thoại là một người yêu nước.
- “Tình yêu Tổ quốc” hơi thừa thãi nên ai cũng sắm cho mình một tình yêu kiểu như thế.
- Cô không tin Thoại?
- Tôi chưa hiểu ông ta.
- Ông ta giàu lắm. Không phải do bán rượu trong hai năm nay đâu. Ông ta có nhiều tiền ở các nhà băng trên thế giới.
- Điều đó mọi người đều biết. Chính điều đó ông ta đã làm khổ dân tộc mình.
- Này, cái anh chàng Giôn ở dưới nhà cô thế nào rồi?
- Anh ta là một người đáng trọng.
- Tôi không hiểu cô.
- Đấy là điều bất hạnh nhất của ông.
- Có thể - Kenđơ nhún vai.
Khoảng mười giờ đêm tôi về đến nhà. Kenđơ ngỏ ý muốn đưa tôi lên phòng.
- Cám ơn Kenđơ. Cám ơn một weekend (1)tuyệt vời. Bây giờ Giôn không đáng sợ nữa rồi.
- Goodnight. (2)
- Goodnight, see you tomorrow. (3)
-----
(1) Weekend: ngày nghỉ cuối tuần.
(2) Goodnight: Chúc ngủ ngon.
(3) Goodnight, see you tomorrow: Chúc ngủ ngon, mai sẽ gặp nhau.
Tôi khoác túi đi lên nhà. Khi tôi đang tìm chìa khóa cửa thì Giôn xuất hiện sau tôi:
- Chào Phụng. Cô đi nghỉ vui vẻ chứ?
- Ôi, Giôn! Cám ơn, tuyệt vời. Anh chưa đi ngủ à?
Hỏi xong tôi biết mình vô duyên. Anh thường cảm thấy hoảng sợ khi đêm đến. Những ngày đầu ở đây, khi đi đâu về tôi đều thấy Giôn ngồi trước cửa nhìn tôi. Cái nhìn lạ thường cứ quấn lấy tôi. Đầu tiên tôi thấy khó chịu, nhưng sau thì sợ. Tôi sợ vì thấy trong đôi mắt của anh có điều gì đó không bình thường. Tôi gọi điện cho Kenđơ với mục đích nhờ hắn ta tìm hiểu lai lịch của Giôn và cũng cố lộ vẻ “ngây thơ” của tôi cho hắn. Sau đó tôi được biết Giôn là cựu binh ở Việt Nam về. Anh từng tham chiến ở Đà Nẵng. Cũng như bao cựu binh Mỹ khác, anh bị những cơn ác mộng của chiến tranh Việt Nam hành hạ. Anh sống như người bị bệnh tâm thần. Đêm đêm anh hoảng hốt, giật mình tỉnh giấc và rú lên man dại.
- Đưa tôi mở giùm nào - Giôn nói khi thấy tôi loay hoay với ổ khóa.
- Được rồi, cám ơn anh - Tôi cười - Mời anh vào nhà. Ta uống với nhau chút gì nhé!
- Phụng đi nghỉ đi, đường xa chắc mệt.
- Không sao đâu. Tôi muốn nói chuyện với anh.
Chúng tôi ngồi trong phòng khách nhỏ.
- Cho tôi bia lạnh - Giôn nói khẽ.
Tôi mang bia cho anh. Chúng tôi ngồi im lặng rất lâu và uống bia.
- Phụng có nhận được tin tức của gia đình không?
- Tôi có một người anh. Nhưng thư từ bây giờ cũng khó khăn lắm.
- Thế mẹ Phụng?
- Mẹ tôi mất rồi - Tôi nói dối và thấy hoảng hốt với ý nghĩ ấy - Nếu tôi còn mẹ, dù có phải đi tù, tôi cũng ở lại Việt Nam. Chiến tranh...
- Tôi kinh sợ khi nhắc đến hai từ đó - Giôn nói vất vả - Nếu không có cuộc chiến tranh Việt Nam, có lẽ không bao giờ tôi nghĩ nước Mỹ có sai lầm. Trước đó tôi kiêu hãnh vì nước Mỹ.
Anh ngừng nói. Lặng lẽ uống. Một lát sau, anh hỏi tôi:
- Phụng nghĩ thế nào về cộng sản?
- Một câu hỏi khó - Tôi nhìn anh - Tôi không căm thù họ, không có gì để căm thù. Tôi bỏ chạy khỏi họ vì tôi sợ chết. Họ...
- Họ đã làm đúng. Tại sao chúng tôi lại sang Việt Nam để giết chóc nhỉ? Phụng đã đến Hawaii chưa?
- Chưa.
- Có lẽ tôi đi Hawaii.
- Anh đi nghỉ à?
- Không, chuyển đến đó.
- Sao thế?
- Ở đó có một hòn đảo nhỏ trong quần đảo Hawaii, hòn đảo nhỏ ấy của riêng một gia đình người Mỹ. Tôi muốn đến đó xin làm thuê và viết văn. Tôi muốn quên nước Mỹ. Còn Phụng, Phụng nên trở về Việt Nam đi.
- Tôi không đủ can đảm, tôi sợ...
- Tôi cho đó không phải là vì sự can đảm. Có thể Phụng chưa thật yêu mảnh đất ấy.
- Có lẽ... Có lẽ đúng Giôn ạ.
Tôi nói mà muốn òa khóc. Hầu hết những điều tôi nói với Giôn và những người khác ở đây là nói dối. Chỉ riêng điều ấy tôi đã phải chịu đựng một cách ghê gớm hơn mười năm hoạt động.
- Đừng đi Hawaii Giôn ạ. Tôi muốn anh ở lại đây. Anh đi tôi rất buồn.
- Phụng đi weekend ở đâu?
- Tôi đến bờ biển Orange.
- Ngày xưa tuần nào tôi cũng đến đó. Bây giờ thì thỉnh thoảng.
- Anh có biết tiệm rượu của ông Thoại không?
- Có chứ. Những người Mỹ hay uống như tôi đều biết. Nhưng hắn... - Giôn ngập ngừng.
- Hắn làm sao? - Tôi hỏi.
- Hắn là một tên đứng đầu một tổ chức bí mật của người Việt lưu vong. Hình như bọn ấy định giở một trò chính trị mới đấy.
- Anh cũng quan tâm đến chính trị cơ à?
- Tôi có một người bạn làm nghị sĩ Bang. Tôi là ân nhân của anh ta. Trong thời gian chiến tranh, một lần du kích cộng sản ném vào đội hình của tôi một trái u-ét (US). Tôi đã lấy mũ sắt chụp lấy quả lựu đạn đó và đè người lên. Tôi cứu được Giêm, bạn tôi. Và Chúa cứu tôi. Không ai nghĩ tôi có thể sống được. Chúng tôi trở thành bạn thân của nhau từ ngày đó.
- Anh có nghĩ họ sẽ làm được gì không? - Tôi hỏi và thở dài - Tôi sợ chiến tranh lắm rồi.
- Họ chẳng làm được gì đâu. Trước kia họ có cả một nửa đất Việt Nam, có cả một bộ máy được trang bị và được người Mỹ đổ vào gần hai trăm tỷ đô la mà họ cũng chẳng làm được gì, huống hồ bây giờ...
- Chẳng lẽ họ không biết điều đó?
- Những kẻ cầm đầu thì biết, nhưng những kẻ bị kích động thì ngu đần.
- Uống đi Giôn, thôi đừng nói chuyện ấy nữa - Tôi chủ động cắt đứt chủ đề. “Không được quá tham” - Tôi tự nhủ.
- Anh có một người bạn tuyệt vời. Thế là có lý do để vui đấy - Tôi thăm dò Giôn.
- Nếu không phiền, tôi sẽ mời Phụng đến thăm anh ta. Anh ta sẽ rất thú vị khi nói chuyện với Phụng.
- Cám ơn anh.
Chợt có tiếng ai đó cào cào vào cánh cửa.
- Túc đấy, nó biết tôi ở đây mà.
- Bạn anh à? - Tôi hỏi.
Anh mỉm cười gật đầu và đứng dậy mở cửa.
Xuất hiện sau Giôn là một con chó giống Đức to cao như một con bê.
- Ôi - Tôi kêu lên thích thú.
- Túc đấy. Chào Phụng đi Túc - Giôn nói và xoa đầu con chó. Con Túc ngửa mặt lên kêu khẽ. Rồi nó theo Giôn lại ghế ngồi sát bên Giôn.
- Nó uống bia không? - Tôi hỏi.
Giôn gật gật đầu. Tôi lấy một lon bia đưa cho Giôn. Giôn bật nắp bia và đổ cho con chó. Nó ngửa cổ đón dòng bia lạnh chảy xuống.
- Nó giúp tôi đỡ buồn rất nhiều. Đêm nào tôi vật vã, nó lấy chân xoa ngực cho tôi. Nó không hiểu được chiến tranh, nhưng nó hiểu được sự đau đớn, vật vã của tôi.
Con chó khẽ kêu lên ư ử như bày tỏ sự đồng ý của nó với những lời nhận xét của chủ nó.
- Tôi hỏi anh một câu, tha lỗi cho câu hỏi của tôi nhé!
Giôn nhìn tôi chăm chú.
- Sao anh chưa lấy vợ? Sự dịu dàng của phụ nữ sẽ giúp anh dịu đi những đau đớn.
- Tôi hiểu tôi. Tôi không muốn họ phải gánh chịu nỗi đau của tôi. Tôi có yêu, nhưng tôi không dám kết hôn. Tôi sợ cho tôi, cho cô ta và sợ hơn cả cho đứa bé của chúng tôi khi nó ra đời. Thần kinh tôi luôn luôn đau đớn và bệnh tật.
- Rồi mọi chuyện sẽ dần dần qua đi - Tôi an ủi Giôn.
Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau đến rất khuya.
Trước khi về, Giôn nhìn tôi chân thành.
- Có thể đêm nay tôi sẽ ngủ ngon được một chút. Cám ơn Phụng rất nhiều.
Giôn về rồi tôi không sao ngủ được. Tôi nghĩ về anh.
Tôi nhớ mẹ tôi vô cùng. Tôi không có một kỷ vật gì của mẹ tôi, dù là một sợi tóc rụng của người. Qua một thời gian khá dài ở đây, tôi tìm hiểu được tình hình của số Việt kiều phản động lưu vong. Chúng đang tổ chức các “Hội” bí mật có liên quan đến công cuộc xây dựng “Tổ quốc”. Càng nghĩ tôi càng sốt ruột. Tôi vẫn chưa nhận được tin tức gì của tổ chức. Tôi hoang mang và rất buồn. Và điều buồn nhất là tôi chưa có một nhiệm vụ cụ thể nào.
Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn - Nguyễn Quang Thiều Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn