To choose a good book, look in an inquisitor’s prohibited list.

John Aikin

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 141 / 13
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
hân nằm lơ mơ. Không ngủ được. Ba bảo: đánh xong một trận là mất ngủ. Đúng thế. Người cứ lâng lâng. Tỉnh táo trong mơ màng. Trận đấu như diễu vòng trong trí óc. Hiệp ba, hiệp bốn, Chếch yếu dần và càng lúc càng mất bình tĩnh. Hiệp năm qua, hiệp sáu tới. Chếch giở trò xấu, đánh cùi chỏ, bị cảnh cáo. Khán giả la hét, huýt còi mồm ầm ĩ. Và chính cái khối đông khán giả ấy đã nhẩy tung lên khi trọng tài hai tay cầm hai tay hai võ sĩ, nghe loa công bố võ sĩ thắng cuộc, bỗng nhấc cao tay Nhân lên. Chếch lủi thủi đi về góc đài, bỏ cả phép lịch sự chào người thắng cuộc.
Võ sĩ thắng điểm là Nhân, một thiếu niên Việt Nam mới lớn dậy. Nhân đây! Nhân đang nằm trong cái buồng nhỏ chật chội. Nhân còn non nớt, ngờ nghệch chứ không thì có thể nốc ao được gã võ sĩ Tầu kiêu ngạo kia rồi. Thầy Vĩnh Nguyên và ba đều nói vậy. Nhưng, thế cũng là một dấu son chói lọi ghi ở cây số đầu vào đời. Thật bàng hoàng! Bàng hoàng vì thắng lợi. Vì số tiền thưởng lớn quá. Cộng tất cả giải chính thức và tiền thưởng của các quý vị hâm mộ lên tới hai ngàn năm trăm đồng! Thật là một con số khổng lồ. Phải lập cả một hội đồng để quyết định việc chi tiêu. Kính biếu thầy Vĩnh Nguyên. Mua sắm dụng cụ cho phòng tập của thầy. Mua cho Cường một chiếc xe đạp đua. Sắm một đôi giầy võ sĩ thật bảnh... Và cái máy in...
Nhân mơ màng, hưởng cái cảm giác sung sướng của kẻ lần đầu ra trận chiến thắng.
Buổi sớm mùa thu man mác hơi sương. Trên gác thượng nhà ông Nhự, ông Thân và Cường đang tập thể dục. Nhân nghe thấy tiếng cha dạy Cường thở. Ôi chao! Cha bảo khi thở phải tập trung tư tưởng, cảm xúc đẹp để dốc bể khí ối đọng ra. Khi thanh khí tràn đầy hai lá phổi rồi thì nín sơ lại, rồi thoát hơi ra thật chậm, thật đều...
Sau cùng, những tiếng hô khe khẽ của ông Thân lại đưa dần Nhân vào giấc ngủ. Nhưng mới chỉ thiếp đi chừng hơn một giờ, Nhân đã choàng dậy vì tiếng Cường gọi giật.
Cường đi bơi về, trật cái be rê, tay ôm một xấp báo, ngồi xuống bên mép giường:
— Anh Nhân, anh xem báo hôm nay chưa?
— Có chuyện gì vậy?
— Ông anh tôi đang được báo giới đưa lên tận mây xanh đây này.
Lần lượt mở từng tờ báo, Cường đọc:
— Đêm qua... Một trận đấu vô cùng ngoạn mục đã khai mạc mùa đấm năm nay. Võ sĩ thư sinh Phạm Xuân Nhân đã thắng điểm võ sĩ Leng Kai Chếch. Phạm Xuân Nhân, một hy vọng của làng đấm Bắc Việt: con trai thứ hai của võ sĩ Phạm Xuân Thân. Gà của võ sĩ Vĩnh Nguyên. Em trai của cuarơ Phạm Xuân Dư... Chúng tôi sẽ có bài tường thuật tỉ mỉ về gia đình võ sĩ xuất thân thợ thuyền này... Phạm Xuân Nhân! Ngôi sao mới mọc của làng đấm Việt Nam! Niềm kỳ vọng của Á Vận Hội sắp tới.
Mắt rời khỏi tờ báo, Cường nhìn anh trai, cười:
— Thế nào, mũi anh đã phồng bằng quả cà chua chưa. Thôi, anh xem báo đi, em đi tập xe đây.
Nhân trở dậy. Lòng dạ nôn nao, thoáng chút ngẩn ngơ, bần thần. Tiền thưởng. Tên tuổi. Danh vọng. Những mùi vị chưa hề được nếm trải.
Mặc quần áo, Nhân đi ra phố.
Lạ, sao vẫn thấy ngường ngượng. Ngượng vì cái gì nhỉ? Vì chưa quen với cái vinh quang. Vì có cảm giác từ mình phát ra là ánh hào quang tỏa sáng. Vì có cảm giác hàng trăm cặp mắt đi đường đang đuổi theo bóng hình mình! Chà! Phạm Xuân Nhân là mình đây. Ngôi sao! Niềm hy vọng của môn quyền anh Bắc Việt, của nước Việt là mình đây!
Nhân nhảy lên tầu điện, ra Bờ Hồ. Rồi thả bộ quanh hồ. Đấu trường còn kia. Nơi ghi nhận chiến thắng còn đó. Hồ Gươm sóng sánh mắt cô gái e lệ chào võ sĩ trẻ măng.
Phố Tràng Tiền đông vui tấp nập đây. Một ông già bán sách dong níu tay Nhân: “Xin mời quý hữu mua cuốn “Nghệ thuật sống lâu”. Nhân sinh bách tuế vị ki. Ngày mai sẽ không đến với quí bạn nếu quí bạn không sống lâu”. Nhân bỏ hai đồng mua một cuốn, cầm tay. Kìa, một tấm biển quảng cáo đã ở ngay trước mắt anh: Trường lái xe hơi đông hòa: bạn sẽ biết lái xe trong vòng 30 ngày chẵn. Còn nữa: hãy hút thuốc brasilenas. Hãy mặc áo len cự chung 23 Hàng Ngang. Hãy dùng Xe đạp Mécxiê vô địch thế giới, 100 ki lô mét mất một giờ năm mươi ba phút, hăm mốt giây. Việt Nam hàng Không 36 đại lộ Gia Long. Đi du lịch cũng như đi việc doanh thương nhanh chóng, chắc chắn. Máy bay bốn động cơ. Đường bay Hà Nội - Sài Gòn. Đường bay Hà Nội - Paris. Phở Toản: 43 Hàng Gà. Phở Giảng. Phở Của Thanh Niên. Hãy ăn phở giảng! Hãy mặc đồ may hiệu may Sidô đo: cây kéo vàng!”
Ôi chao! Những vẫy mời hưởng thụ. Miếng ăn ngon. Cái mặc đẹp. Những cuộc viễn du. Những danh hiệu cao quý. Vô địch Bắc Việt. Vô địch Việt Nam! Vô địch Á Vận Hội! Vô địch Thế Vận Hội!
Nhân rẽ vào một hiệu phở. Cũng phải tự tôn trọng thể xác mình chứ. Tự thưởng cho mình cũng xứng đáng lắm chứ. Ông chủ hiệu hình như biết Nhân là võ sĩ, xởi lởi hẳn lên, đập hành đồm độp, cất tiếng gọi người nhà đem bát, đũa ầm ĩ.
Một tốp trai trẻ ngồi ở bàn bên đang nhôn nhao trò chuyện. Một gã lắc đầu:
— Đường, rượu, thịt là ba món ăn giết người vì thiếu vitamin b1, quý bạn ạ.
— Tôi nghe lời dạy của ông thánh găngđi: Phải uống thức ăn và nhai thức uống.
— Tao cho rằng, nhịn đói là một phương pháp chữa bệnh rẻ tiền nhất.
Một đứa trẻ bán báo rẽ vào. Nhân gọi mua một tờ. Tờ báo có đăng hai tấm ảnh. Một ảnh, lúc anh bị Chếch đấm xúc loạng choạng xuýt đổ. Một ảnh lúc anh đang phản công lại Chếch. Ảnh rất nét.
Dòng tít nhỏ cuối cùng của bài tường thuật làm anh giật mình: “Võ sĩ Leng Kai Chếch tuyên bố: trận phục thù sẽ diễn ra trong tháng sau. Võ sĩ Phạm Xuân Nhân nghĩ sao?”.
Nhân đứng dậy: “Ta sẽ đọ găng lại với Chếch”.
Nhưng anh chưa kịp bước ra khỏi hiệu phở thì một gã trai từ tốp trai trẻ đang ba hoa ở bàn bên đã nhảy sang, ôm hai cánh tay anh.
— Cái gì thế này?
Nhân kêu kinh ngạc. Gã trẻ tuổi ngước lên nhìn anh, cái nhìn thật kính mộ và gã cúi đầu xuống thật thấp:
— Võ sĩ Phạm Xuân Nhân! Xin huynh cho các tiểu đệ tỏ lòng bái phục.
Nhân gỡ ra khỏi tay gã trẻ tuổi, mỉm cười bước ra quán. Anh đi xuống nhà Tùng. Vui, phải có bạn. Sẽ kể hết cho Tùng nghe...
o O o
— Cậu Nhân, cậu vào chơi, em Tùng nó bảo nó lên phố mà.
Người mời Nhân vào là ông bố Tùng. Ông đã vào tuổi năm mươi, đầu hói, vẻ người còm cõi. Ông là thợ đốt lò ở nhà máy điện Yên Phụ từ năm 1933, khi mới có nhà máy.
Nhà Tùng lợp lá cọ, thấp tè, tối mù mù. Vách nứa mục, hở hoác những đoạn rộng. Nhà không có đèn điện. Đồ đạc không có gi đáng kể, ngoài bộ phản gỗ thông kê ở góc nhà.
Bố Tùng lom khom từ bếp bước ra. Thấy ông một tay ôm ngực, mặt nhăn nhó, một tay cầm siêu nước, Nhân vội chạy lại:
— Bác để cháu đỡ...
— Để tôi đun...
Bố Tùng không nói hết câu đã rũ người xuống ho. Nhân vội đỡ ngực ông. Cơn ho như xé phổi, chuyển rung cả người Nhân. Ngực ông cộn lên những cơn co rút. Biết ông muốn nôn, Nhân vội đỡ ngang người ông. Nhưng không kip rồi. Ông gục cổ và cúi xuống, thốc tháo. Trời! Nhân rủn cả người. Nước lẫn máu tươi tung tóe trên mặt đất.
Nhân bế ông lên phản. Vừa lúc, mẹ Tùng đặt đôi quang gánh ở cửa, chạy vào hớt hải:
— Giời ơi là giời...
Người đàn bà còn già hơn chồng, mặt nhăn nheo, dáng hom hem. Bà gần như không để ý đến Nhân, vừa đổ gio vào đống máu trên đất, vừa quệt mũi sụt sịt:
— Khổ lắm, cậu ơi... Cái bụi than nhà máy nó đục ruỗng phổi ông ấy rồi...
Nhân ngồi ở mép phản. Nước mắt Nhân ứa ròng ròng. Chưa bao giờ Nhân thấy kiếp người thợ khốn cùng như thế. Tùng cũng chưa bao giờ kể cho Nhân nghe những chuyện khủng khiếp như vậy. Đến tận những năm này rồi mà thợ vẫn bi gọi là cu li. Cu li nhà máy điện, ngày sinh của chủ phải góp mỗi người 10 đồng mua quà biếu chủ. Cu li phải ăn ngủ ngay trong nhà máy, để hễ có việc là ông chủ gọi cho tiện. Cu li đốt lò không có giầy đi, chân bị bỏng than là thường xuyên. Cu li quét nóc lò leo lên nóc lò không có thang. Nóc lò, những ngày hè, nóng đến phát điên. Có người ngã từ trên nóc xuống lòng lò đang cháy rừng rực. Cu li phụ lửa, phải ôm thân lò bỏng rẫy leo lên cời muội. Còn lúc cào than ra, than còn đỏ rực, dưới nước vào, bụi bốc nóng hực, mù mịt, tắc nghẹt cả hơi thở.
Ông bố Tùng nằm ngửa, thỉnh thoảng lại nấc nấc. Bà cụ vào bếp, vẫn sụt sùi than oán. Nhân rút túi len lén để tờ giấy 100 đồng lên đầu phản, rồi né người lách ra ngoài nhà.
o O o
Tàu điện tới ga Cửa Nam. Thấy đèn đường vừa thắp phụt tắt, Nhân liền quay về nhà. Cái ngõ lập lòe ánh đèn dầu. Nhà Nhân mở cửa he hé. Bên trong ông Thân, ông Nhự và thầy giáo Thiệu đang trò chuyện.
— Bác Thiệu ạ - Ông Thân nói - báo hôm nay đăng tin Bảo Đại cùng với đặc sứ Mỹ Giétsớp ra Hà Nội.
— Nó định nghiên cứu thực hiện kế hoạch viện trợ Mácsan đây mà - Thầy Thiệu nói, giọng hiểu biết - cái Mácsan của nó là thâm hiểm lắm.
Ông Nhự gật gù:
— Thằng Mỹ chắc là muốn nhẩy vào giúp thằng Pháp đánh ta, có phải không, bác Thiệu?
— Ờ, cái thằng ấy nó cậy giầu, cậy lắm súng nhiều đạn, chuyên đóng vai sen đầm thế giới mà.
— Sen đầm, sen hồ, sen ao, thì cũng chết - Ông Nhự cười - Tôi đạp xích lô cho một ông khách. Ông này không hiểu là gì mà chuyện cứ vanh vách. Ông bảo: ngoài kia, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hạ lệnh tổng phản công. Thằng Mỹ muốn cứu thằng Tây nên nhẩy xổ vào. Bà con mình phải cảnh giác. Đó, nó vừa vác mặt ra đây là ăn luôn một quả bốc ngay. Tôi nghe nói nhà máy đèn bị nổ liền một lúc tám cái biến thế. Mất điện còn là lâu. Quà mừng chúng nó đấy.
Ông Thân gật gật:
— Quả đấm này là quả điarếch đây.
— Ha ha... - Ông Nhự lại cười. Ông vẫn giấu tung tích hoạt động bí mật của mình.
Cánh cửa mở rộng. Nhân bước vào. Ông Nhự vồn vã:
— Vừa nhắc đến quả điarếch là thấy cậu về.
— Cháu xuống nhà bạn cháu. Chào thầy ạ.
Ông giáo Thiệu bỏ kính trắng, nắm tay Nhân:
— Thầy có lời chúc mừng em. Chúc mừng em, - Ông giáo quay mặt lại với ông Thân - bác Thân, bác thông cảm cho nỗi xúc động của tôi, bác cho phép tôi đề nghị: từ hôm nay tôi được đỡ đầu cháu. Tôi sẽ cho tiền học phí để cháu học thêm. Tôi sẽ...
Ông Thân bị bất ngờ, chưa biết trả lời thế nào thì ông Nhự đã chen vào:
— Hôm qua tôi xem cậu Nhân đấu mà hồi hộp quá. Cả con bé Nguyệt nhà tôi nó cũng xoay đâu được vé vào xem. Hiệp một nó cứ níu lấy tôi, run bần bật. Nó chỉ sợ cậu thua.
— Hiệp một, cháu nó bị xúc động. - Ông Thân giải thích.
Ông Nhự gật đầu:
— Cậu được cái là dạn đòn. Người Việt Nam mình, gì chứ cái dũng cảm thì thế giới đã ai bì được! Như là các chiến sĩ ôm bom ba càng ấy. Vì nghĩa lớn, cái chết cầm chắc trong tay mà cứ xông lên. Trông cậu đánh với Chếch tôi cứ nghĩ thế.
— Nhưng Nhân nó có xông vào chỗ chết đâu!
Ông giáo Thiệu thêm. Ông Nhự lại gật đầu:
— Xông vào cái thắng! Đúng là phải xông vào! Cứ phải chiến thuật như trâu lăn ấy mới được.
Ông Thân reo. Nhân cũng reo. Cái lối đánh xông tới, chịu đựng, cắn răng mà chịu đòn rồi bất ngờ đánh ngã đối phương có nghĩa là quyết đánh quyết thắng, được ông Nhự gọi nôm na là trâu lăn, nghe ngộ ghê.
Mấy người cùng cười.
Vừa lúc ấy, ngoài cửa có tiếng nói léo nhéo của bà Nhự và cô bé Nguyệt. Rồi tiếng bà Nhự la:
— Ới, ông Nhự ơi! ới ba hồn bẩy vía ông Nhự! Có về xem nhà cửa thế nào không? Tối mù mù thế này à?
Ngoài đường, ầm ầm tiếng xe háptrắc chạy. Lại có cả tiếng còi của cảnh sát.
Ông Nhự ngoái ra, càu nhàu:
— Làm cái gì như quạ vỡ tổ thế, hả bà?
— Ối giời ơi! Hồn vía thăng thiên cả lên mây xanh rồi.
— Hồn vía gì! Xe bọc thép nó đi thì kệ nó đi. Dễ bà mới ở nhà quê lên phỏng?
— Ối giời ơi! Tôi ở chợ Đồng Xuân, hết hàng đi xuống Bờ Hồ thì bỗng ùng một cái. Tôi rụng rời cả chân tay. Khói cứ là mù mịt. Thằng Tây culít thổi còi rinh cả lên.
Ông Nhự bật cười:
— Khói ở đâu? Mà bà có việc gì không?
— Việc cái gì! Khói ở cái nhà gì ở Bờ Hồ ấy. Cái nhà người ta bảo Mỹ nó lập, treo toàn ảnh con trai con gái ăn mặc nhố nhăng ấy!
Ông Thân và thầy giáo Thiệu cùng cười. Ông Nhự càng cười to:
— Bà lẩm cẩm ơi! Cái nhà ấy là nhà Thông tin của Mỹ. Trông nó ngứa mắt thì người ta đánh đổ nó đi thôi. Chứ có cái gì mà hồn vía phải lên tận mây xanh.
Bà Nhự nguýt ông chồng một cái sắc lẻm:
— Dễ chỉ có mình ông biết.
Cô bé Nguyệt đang rửa tay ở vòi nước, quay lại:
— Thế thì việc gì bu phải cuống lên?
— Thôi đi cô. Tôi cuống cái gì. Tôi là tôi buồn não ruột cho ai đó, chuyện tầy đình như thế mà cứ bình chân như vại.
Nhân chạy ra ngõ. Cường đang đạp xe vào, thấy anh trai liền nhảy xuống:
— Anh Nhân, thằng Đờ Lanay nó đang lảng vảng ở đầu phố Quốc Tử Giám.
Hai anh em quay mặt ra ngõ. Cả hai cùng suýt kêu to. Tuấn đội cái nón sùm sụp cắm cúi bước vào.
— Anh Tuấn! - Cường gọi.
— Nhân! - Tuấn nắm tay Nhân, giọng cố giữ thật bình thản - chúc mừng cậu đánh thắng Leng Kai Chếch. Ta vào nhà đi!
— Có việc gì gấp thế, anh Tuấn?
— Không... Không. Cho mình ngủ nhờ ở nhà cậu đêm nay. Mình vừa thấy thằng Đờ Lanay.
Sáu cặp mắt trẻ nhìn nhau. Trong mắt mỗi người đều hiện lên một vẻ nghiêm trang dị thường.
Võ Sĩ Lên Đài Võ Sĩ Lên Đài - Ma Văn Kháng Võ Sĩ Lên Đài