There is no way to happiness - happiness is the way.

There is no way to happiness - happiness is the way.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: Hector Malot
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: Sans Famille
Dịch giả: Hà Mai Anh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Trần Nhựt Quang
Số chương: 43
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5321 / 61
Cập nhật: 2015-08-06 20:45:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 26: Trong Hốc Đá
rong mỏ im lặng, tuyệt nhiên không có một tiếng động nào tới chỗ chúng tôi. Dưới chân chúng tôi, nước đứng yên không một gợn sóng, không một tiếng rì rào. Mỏ đầy nước, đúng như lời Giáo-sư đã nói. Nước sau khi chiếm hết các hầm từ nền lên đến mái, đã giam chúng tôi vào trong xó này, kín hơn là một nhà lao vây tường đá. Cái tĩnh mịch của cõi chết này làm cho chúng tôi ghê sợ, hãi hùng hơn là những tiếng động, tiếng nổ lúc ban đầu. Chúng tôi ở trong mỏ rồi, bị chôn sống rồi! Ba, bốn mươi mét đất dầy đè nặng lên trái tim chúng tôi.
Công việc làm quên đi, ngồi rồi sinh lo nghĩ. Chúng tôi thẫn thờ như người mất vía, ai nấy đều lo cho số phận mình.
Chợt tôi thấy có giọt nước nóng rỏ trên tay tôi. Thì ra anh Cao-Dĩ đã khóc thầm.
Ngay lúc đó, có những tiếng thở dài đưa ra ở bậc trên và tiếng lẩm lẩm:
- Phi, con ơi! Phi!
Ba-Điền đang nhớ đến con.
Không khí nặng nề, khó thở. Tôi thấy tức ngực và ù tai.
Hoặc giả Giáo-sư ít lo buồn, hoặc giả Giáo-sư muốn xua đuổi cái lo buồn và làm cho chúng tôi quên đi, Giáo-sư phá tan làn yên lặng.
Giáo-sư nói:
- Bây giờ, nên xem ai có mang thức ăn.
An-Thiện hỏi:
- Giáo-sư tin rằng ta bị giam ở đây còn lâu?
- Không. Nhưng phải đề phòng. Ai có mang theo bánh mì?
Không ai trả lời.
Tôi nói:
- Tôi, tôi có mang một chiếc ở trong túi.
- Túi nào?
- Túi quần.
- Thế thì bánh của con thành cháo rồi. Nhưng cứ lấy ra xem.
Tôi móc tìm chiếc bánh lấy ra. Sáng ngày chiếc bánh vàng và giòn thế, mà bây giờ nhão như bánh đúc. Tôi thất vọng định vứt đi thì Giáo-sư kéo vội tay tôi lại và bảo:
- Hãy giữ lấy để ăn bữa tối, dù nó nát rồi, con cũng sẽ thấy ngon.
Tôi không tin lắm nên cũng chẳng để ý. Mãi về sau này, tôi nhớ lại những lời đó mới biết lúc này Giáo-sư vẫn sáng suốt, nhìn rõ tình cảnh chúng tôi và nếu không phải là phòng xa, từ cái nhỏ nhặt, những thống khổ có thể xảy ra cho chúng tôi thì ít ta Giáo-sư cũng tỏ ra không quá tin là cuộc cấp cứu sẽ dễ dàng.
Giáo-sư hỏi thêm:
- Không còn ai có bánh mì nữa à?
Không một tiếng trả lời.
Giáo-sư than:
- Thế thì buồn lắm!
Tư-Cổn hỏi:
- Giáo-sư đói à?
- Tôi không hỏi bánh cho tôi, mà hỏi cho Lê-Minh và Cao-Dĩ: bánh sẽ dành cho hai kẻ đó.
Bảy-Nhu nói:
- Sao lại không chia đều cho mọi người? Chúng ta bình đẳng trước cái đói.
- Nếu vậy, giá có bánh, thì chúng ta lại bực thêm. Anh đã hứa theo lời tôi. Nhưng bây giờ tôi thấy anh chỉ theo lời sau khi bàn cãi và nhận ra rằng tôi nói là phải.
- Anh ấy sẽ vâng lời.
- Nghĩa là sẽ có một trận khẩu chiến! Tôi không muốn có cuộc khẩu chiến đó. Muốn thế, tôi xin cắt nghĩa cho các bạn nghe tại sao phần bánh phải dành cho Lê-Minh và Cao-Dĩ. Không phải tôi đặt ra lệ đó. Chính là pháp luật. Nếu tôi không nhầm thì Pháp luật đã định rằng: khi nhiều người cùng mắc nạn thì những người già nhất từ 60 tuổi phải coi như là sống đã lâu rồi, câu đó có nghĩa là Lê-Minh và Cao-Dĩ còn ít tuổi được cứu chết trước Ba-Điền và Bảy-Nhu.
- Thế thì Giáo-sư quá 60 tuổi rồi!
- Phải, tôi, tôi không kể đến. Vả chăng tôi không phải là hạng người tham ăn.
Cao-Dĩ nghĩ một lúc rồi hỏi:
- Như vậy, nếu tôi có bánh mì thì tôi sẽ được ăn cả?
- Không. Phải chia cho Lê-Minh nữa!
- Nếu tôi không muốn cho.
- Người ta sẽ cứ lấy: em đã “thề” rồi mà!
Cao-Dĩ yên lặng một lúc lâu rồi bỗng móc ở mũ ra một tấm bánh.
- Đây, bánh của tôi đây.
- Mũ của Cao-Dĩ là cái kho vô tận chăng?
Giáo-sư bảo:
- Đưa mũ đây ta xem.
Cao-Dĩ cố giữ mũ lại, nhưng người ta giật lấy và đưa cho Giáo-sư, Giáo-sư gọi lấy đèn và nhìn những vật nhét ở lườn mũ. Lúc đó, mặc dầu chúng tôi đang ở trong cảnh buồn, nhưng cũng được một phút giải trí.
Giáo-sư lần lượt lấy ra: một cái tẩu, một hộp thuốc lá, một cái chìa khóa, một miếng dồi, một hộp đào khoét thành sáo, mấy cái que đánh chuyền bằng xương cừu; ba trái bồ đào, một củ hành. Không phải là cái mũ, đó là tủ đồ ăn, cái kho thập vật.
- Bánh và dồi sẽ để cho em và Lê-Minh ăn chiều nay.
Cao-Dĩ nói, giọng buồn rầu.
- Nhưng tôi đói lắm. Tôi đói ngay bây giờ.
- Chiều nay, em sẽ đói hơn.
- Chán quá, trong cái kho thập vật của em bé này không có đồng hồ. Chúng ta không biết giờ! Đồng hồ tôi cũng chết rồi!
Chiếc đồng hồ ông An-Thanh cho tôi cũng bị ngấm nước rồi!
Ý tưởng về đồng hồ đã đưa chúng tôi về thực cảnh. Mấy giờ rồi? Chúng tôi ở trong hốc này đã bao lâu rồi? Người ta hỏi nhau, nhưng mỗi người một ý. Người này bảo đúng trưa. Người khác bảo 6 giờ tối. Theo giờ trên thì chúng tôi bị giam độ 5 giờ. Theo giờ dưới thì những 11 giờ, thành ra họ cãi nhau, không biết ai nói đúng.
Một lúc lâu, chuyện vãn, chúng tôi ngồi im, ai nấy đều trầm lự.
Các bạn tôi đang nghĩ gì, tôi không biết. Về phần tôi, tôi thấy buồn quá. Mặc dầu Giáo-sư vẫn quả quyết, tôi không tin rằng mai mốt sẽ thoát nạn. Tôi sợ nước, sợ bóng tối, sợ chết. Sự im lặng làm tôi ghê người. Vòm hang mỗi ngày mỗi đè trĩu trên đầu tôi.
Thế là không bao giờ tôi lại được trông thấy Lệ-Hoa, Yến-Chi, An-Sinh, và Bằng-Mai. Ai sẽ thay tôi làm liên lạc? Tôi cũng không được nhìn thấy bà Mỹ-Lưu, cậu An-Tuyên, bạn Mã-Tư và con Lãnh-Nhi nữa! Không biết rồi đây Lệ-Hoa có hiểu rằng tôi chết vì cô không? Còn bà Bảo-Liên, mẹ nuôi tôi nữa! Bao giờ lại gặp để trả ơn bà? Lòng tôi ngổn ngang những nỗi lo lắng, đau thương.
Tôi nhìn các bạn tôi, người nào cũng ủ rũ như tôi. Tuy nhiên, họ quen đời sống ở mỏ, thiếu ánh sáng, thiếu khí trời, thiếu tự do, đất lúc nào cũng đè trĩu trên vai nên về thể xác họ có phần bớt đau khổ hơn tôi.
Chợt trong khoảng yên lặng, tiếng An-Thiện đưa lên:
- Theo ý tôi, dễ thường người ta chưa bắt đầu vào việc cứu ta?
- Tại sao anh lại nghĩ như thế?
- Tôi không nghe thấy tiếng động gì cả.
- Cả thành phố bị sụt vì động đất rồi!
- Hoặc ở trên ấy người ta tưởng chúng ta chết hết cả rồi nên không nghĩ đến việc cứu cấp nữa.
- Thế nghĩa là người ta bỏ rơi chúng ta?
Giáo-sư nói:
- Sao lại cả tin lời bạn anh thế? Không được buộc tội cho họ. Anh nên biết rằng: một khi xẩy ra một tai nạn, thợ mỏ không bao giờ bỏ nhau. Mười người, một trăm người thà chịu chết còn hơn là bỏ một người mà không cứu. Anh có biết điều đó không?
- Chính thế.
- Nếu chính thế, sao anh lại bảo người ta bỏ anh?
- Vì chúng tôi không nghe thấy gì.
- Chúng ta không nghe thấy gì, thật đấy. Nhưng ở đây liệu ta có thể nghe được không? Ai thính tai? Chứ tôi thì kém. Nếu khi chúng ta có thể nghe được và thấy rằng người ta không làm việc, thì ta có thể nói quyết rằng người ta bỏ chúng ta không? Chúng ta có biết nguyên do cái tai họa đó ở đâu ra không? Nếu là một cuộc động đất thì người ta còn phải cứu những người còn sống sót trong thành phố chứ. Nếu là một trận lụt như tôi đã đoán, thì người ta xem tình trạng các lò đã. Những lò có thể lở hầm. Hầm nhà đèn cũng có thể sụt được. Cần phải có thì giờ mới tổ chức cuộc cấp cứu được. Tôi không nói rằng chúng ta được cứu thoát. Nhưng tôi nói rằng người ta sẽ làm việc để cứu chúng ta.
Giọng nói cương quyết của Giáo-sư khiến những người hoài nghi hay những người nhút nhát cũng phải yên trí.
Tuy nhiên, Bảy-Nhu vẫn chưa chịu, hỏi:
- Nếu người ta tưởng chúng ta chết cả rồi thì sao?
- Người ta vẫn tiến hành. Nếu sợ người ta tưởng chúng ta chết rồi thì chúng ta tìm cách tỏ cho người ta biết là chúng ta vẫn còn sống. Chúng ta nên đập mạnh vào vách đá, vì tiếng động có thể truyền qua đất được. Nếu người ta nghe thấy, người ta sẽ làm gấp và tiếng động của ta sẽ chỉ lối cho họ tìm.
Bảy-Nhu, chân đi đôi bốt to tướng, đá mạnh vào vách cồm cộp như kiểu những người thợ mỏ thường gọi nhau. Tiếng gõ đó và nhất là lòng mong đợi làm cho chúng tôi tỉnh táo đôi chút. Người ta có nghe thấy không? Người ta có trả lời chúng tôi không?
An-Thiện nói:
- Giáo-sư ơi! Nếu người ta nghe biết chúng ta, thì người ta sẽ làm thế nào để cứu chúng ta?
- Chỉ có hai cách. Tôi tin rằng các Kỹ sư trên ấy thế nào cũng phải dùng đến: một mặt đào những hố sâu cho tới chỗ chúng ta, và một mặt múc hết nước trong hầm đi.
- Đào hố ư?
- Múc nước ư?
Giáo-sư không để ý đến những câu hỏi đó và nói tiếp:
- Chúng ta ở cách mặt đất 40 mét, phải không? Mỗi ngày đào được 6 hay 8 mét thì phải 7 hay 8 ngày mới đến chỗ chúng ta.
- Người ta không thể đào mỗi ngày 6 mét được.
- Lúc thường thì không, nhưng cấp cứu người ta có thể gắng làm được.
- Giáo-sư ơi! Sống làm sao được trong 8 ngày? Nhịn ăn 8 ngày?
- Thế còn nước thì tát thế nào?
- Còn nước, ta không biết. Phải biết hiện giờ trong mỏ có bao nhiêu mét khối nước, 200.000m3 hay 300.000m3 thì mới tính được. Tuy nhiên, muốn đến chỗ ta, người ta không cần múc hết nước trong hầm, vì chúng ta ở tầng thứ nhất. Người ta có thể múc nước ở ba lò trong một lúc. Một lò lúc bằng hai cái thùng chở than. Như thế, mỗi lần múc 6 thùng, mỗi thùng đựng được 25 héc-tô-lít hay 2.500 lít nước, vị chi là 150 héc-tô-lít hay 15.000 lít đổ ra ngoài. Như vậy, lợi thì giờ hơn là đào hố. Các bạn nghĩ có phải không?
Mọi người bàn cãi về hai phương pháp giải cứu nói trên. Tôi nghe ra thì nếu người ta dùng cả hai phương tiện đó, không gặp ngăn trở, ít nhất chúng tôi cũng phải nằm dưới mả 8 ngày.
Tám ngày! Giáo-sư có kể chuyện một bọn thợ mỏ bị vùi dưới mỏ 24 ngày không chết. Nhưng đó là một câu chuyện cổ tích. Còn chúng tôi đây mới là câu chuyện thật. Không biết sau 8 ngày chúng tôi có được lên mặt đất không?
Óc tôi cứ bề bộn về ý nghĩ đó không biết mất bao nhiêu thì giờ.
Chợt Cao-Dĩ kêu:
- A! Các ông thử nghe xem!
Cao-Dĩ vốn đần độn như một con vật, nhưng lại có cái năng khiếu của loài vật phát triển hơn chúng tôi: hắn nghe rất tinh.
- Cái gì thế?
- Có tiếng gì ở dưới nước.
- Em làm rơi hòn đá chứ gì?
- Không. Có tiếng lờ mờ.
Chúng tôi lắng nghe. Tôi rất thính tai nhưng chỉ nghe trên đời thôi. Ở dưới đất tôi chẳng nghe thấy gì. Các bạn tôi quen nghe tiếng động trong mỏ, tỏ vẻ sung sướng và mừng rỡ hơn tôi.
Giáo-sư nói:
- Phải, có cái gì động xuống nước.
- Cái gì thế?
- Tôi không biết.
- Nước chảy xuống chăng?
- Không, tiếng động đó không liên tục, nghe ình ịch, cách khoảng rất đều.
- Nghe ình ịch và rất đều à? Các bạn ơi! Chúng ta sống rồi! Đó là những thùng múc nước đấy!
- Thùng múc nước!
Như bị điện giật, chúng tôi cùng nói thế và cùng đứng dậy một loạt.
Chúng tôi không còn ở sâu 40 mét nữa. Không khí không đặc nữa. Tiếng ù trong tai cũng mất. Chúng tôi thở dễ dàng. Trái tim chúng tôi lại nhảy đều trong ngực!
Cao-Dĩ nắm tay tôi và bóp mạnh.
Anh bảo tôi:
- Anh là người tốt.
- Không phải. Chính anh.
- Tôi nói rằng anh là người tốt.
- Nhưng chính anh đã nghe thấy tiếng thùng nước đều tiên.
Anh hết sức đổ cho tôi là người tốt. Anh chếch choáng như người say rượu. Mà thực ra tất cả mọi người trong chúng tôi đều say sưa về hy vọng. Nhưng cái hy vọng đó làm gì đã được thành tựu sớm thế?
Trước khi lại được nhìn thấy tia nắng ấm của mặt trời, trước khi lại được nghe thấy tiếng gió rì rào trong đám lá xanh, chúng tôi còn phải ở trong ngục tối qua những ngày dằng dặc và sầu bi, chịu tất cả những thống khổ, lúc nào cũng nghĩ không biết có còn sống được để trông thấy ánh sáng trên đời và nghe thấy cái âm thanh êm ái kia không?
Bây giờ, để độc giả biết rõ cái tai họa ghê gớm xảy ra ở mỏ Thụy-Khê, tôi xin kể lại nạn đó đã diễn ra như thế nào và những phương tiện các Kỹ sư đã dùng để cứu chúng tôi.
Sáng hôm ấy, thứ hai, khi chúng tôi xuống mỏ, bầu trời u ám và có dấu hiệu báo trước là sắp có cơn dông. Đến bảy giờ, dông tố nổi lên và mưa như trút nước. Những đám mây đen và thấp kéo vào thung lũng ngoắt ngéo của sông Đinh-Giang, rồi bị vướng hãm trong vòng đồi. Mây không lên cao được, có bao nhiêu nước trút hết xuống thung lũng. Không phải mưa rào nữa, là một cái thác, là một Đại-Hồng-Thủy. Chỉ trong mấy phút, nước sông Đinh-Giang và các phụ lưu sông ấy đều lên to. Điều này rất dễ hiểu, vì đất toàn đá và dốc nước không những không ngấm đi đâu được, lại chảy rất nhanh vào sông. Thình lình nước sông đầy lên đến bờ. Mà các suối An-Khê và Thụy-Khê cũng đầy tràn cả.
Bị nước lũ ở sông Đinh-Giang dồn lại, dòng Thụy-Khê không còn chỗ thoát, tràn lan ra khắp vùng mỏ rất nhanh chóng. Những thợ giữ việc rửa quặng nghỉ ngay nên không bị nguy hiểm gì cả.
Không phải lần thứ nhất mà miền Thụy-Khê bị lụt, người ta yên trí như mọi khi các cửa lò đã khơi cao, không sợ nước mưa chảy xuống, nên người ta chỉ để ý đến việc thu gọn những đống gỗ đã xẻ sẵn dùng vào việc ghép đường hầm. Đang lúc Kỹ sư đốc thúc việc này bỗng thấy nước xoáy xuống một cái vực sâu mà nó vừa đào. Vực sâu này ở ngay chỗ mạch than nổi gần mặt đất.
Không phải nghĩ ngợi gì, Kỹ sư hiểu ngay: nước đã phá đất và chảy xuống hầm. Mực nước ở ngoài rút dần đi, khắp mỏ sắp bị ngập, thợ thuyền sắp chết hết.
Kỹ sư chạy đến lò Thánh Duy-Liên ra lệnh cho người ta thả Kỹ sư xuống lò. Khi sắp bước chân vào thùng, Kỹ sư nghe thấy một tiếng động kinh khủng ở dưới hầm mỏ: đó là tiếng thác đổ.
Những thợ chung quanh giữ Kỹ sư lại và nói:
- Kỹ sư đừng xuống nữa!
Nhưng Kỹ sư dứt ra, móc ở túi gi-lê ra một chiếc đồng hồ quả quít đưa cho một người đứng gần đó và bảo:
- Anh cầm lấy và đưa cho con gái tôi nếu tôi không trở lại nữa.
Rồi Kỹ sư ra lệnh cho người kéo trục:
- Thả cho tôi xuống! Mau!
Thùng từ từ xuống, Kỹ sư ngửa lên và bảo thêm người giữ đồng hồ rằng:
- Anh bảo giúp rằng tôi hôn nó.
Thùng xuống đáy lò, Kỹ sư gọi to, năm người thợ mỏ chạy ra, Kỹ sư bảo vào cả thùng. Trong khi thùng kéo những người này lên, Kỹ sư lại cố sức gọi to hơn nhưng vô ích vì tiếng nước chảy và tiếng đất sụt át đi.
Lúc đó, nước đã vào hầm, Kỹ sư trông phía trước mặt thấp thoáng có mấy ngọn đèn, Kỹ sư lội nước đến đầu gối, tới chỗ đó và dắt được ba người ra. Thùng lại thả xuống, Kỹ sư cho ba người ngồi vào rồi lại toan chạy đến chỗ xa xa có ánh sáng. Nhưng những người vừa được Kỹ sư cứu, lôi tuột Kỹ-sư vào thùng và ra hiệu kéo lên. Vừa khéo! Thùng vừa nhắc lên thì nước chiếm đầy hầm.
Cách cứu bằng thùng không được nữa rồi. Phải tìm cách khác! Cách nào? Chung quanh Kỹ-sư, hầu như chẳng còn ai nữa. Một trăm rưỡi người thợ đã xuống hầm vì sáng nay một trăm rưỡi cái đèn đã được phân phát. Thế mà chỉ có 30 cái đèn đem về trả cho nhà đèn thôi. Như vậy còn 120 người bị giữ ở dưới mỏ. Họ còn sống? Hay họ chết? Họ có tìm được chỗ lánh không? Những câu hỏi đó làm loạn óc Kỹ-sư đang lo lắng hãi hùng.
Trong lúc Kỹ-sư đang lo cho số phận một trăm hai mươi mạng người mắc nạn thì đây: đất và đá bắn tung lên, nhà cửa rung chuyển như động đất. Hiện tượng đó, Kỹ-sư đã đoán ngay ra. Đó là khí ghi-du và không khí bị nước dồn ép vào những hốc kín và ở dưới một lớp đất mỏng nên tức hơi nổ tung vỏ đất ra, khác nào như cái thành nồi súp-de bị nổ. Mỏ đầy nước rồi! Cái thảm họa đã bày ra trước mắt.
Tin dữ này đã bay khắp vùng Văn-Xá rất chóng. Tứ phía người ta kéo đến mỏ Thụy-Khê: thợ thuyền, những người tò mò, và nhất là những vợ, những con các nạn nhân. Họ đến tìm và hỏi. Những người có trách nhiệm không biết trả lời thế nào, họ càng bực tức và đau đớn. Người ta dấu sự thực. Đó là lỗi ở Kỹ-sư. Giết chết Kỹ-sư đi! Giết chết nó đi! Họ định tràn vào phá văn phòng Kỹ-sư. Lúc đó Kỹ-sư đang cúi xuống bản đồ, chẳng nghe thấy gì, đang tìm xem những chỗ nào thợ mỏ may ta đã trú ẩn được và phải cứu họ bằng cách gì?
May sao, những Kỹ-sư và thợ thuyền các mỏ gần đấy cũng chạy đến, người ta đã ngăn giữ được đám người toan bạo động và giải thích cho họ nghe. Nhưng giải thích thế nào cho ổn? Một trăm hai mươi con người thiếu mặt! Bây giờ họ ở đâu?
- Cha tôi đâu?
- Chồng tôi đâu?
- Trả con tôi đây!
Tiếng hỏi chen tiếng khóc. Người ta biết trả lời thế nào cho những người con, những người vợ và những người mẹ khốn nạn ấy?
Các Kỹ-sư họp bàn và đã trả lời vắn tắt:
- Để chúng tôi tìm. Chúng tôi liều làm thử.
Thế rồi công cuộc cấp cứu bắt đầu.
Liệu có thể tìm được một người sống sót trong đám 120 người đó chăng?
Phần không chắc thì nhiều mà phần hy vọng thì ít. Nhưng có cần chi? Cứ việc tiến!
Công cuộc cấp cứu tổ chức đúng như lời Giáo-sư phỏng đoán. Những thùng múc nước được đặt ở ba lò và người ta làm ngày làm đêm cho đến giọt nước cuối cùng được trả vào sông Đinh-Giang.
Đồng thời, người ta bắt đầu đào những đường hầm. Đào ngả nào? Từ chỗ nào? Người ta cũng không biết rõ. Đào phỏng chừng và cứ việc đào.
Ý kiến bất đồng xảy ra giữa những Kỹ-sư về việc đào hầm thế nào cho đúng chỗ các nạn nhân sống sót. Nhưng Kỹ-sư mỏ Thụy-Khê quả quyết rằng thợ của Kỹ-sư có thể trốn lên các hầm cũ, chỗ đó nước không tới được và nhất định đào một đường thẳng xuống chỗ đó dù không tìm thấy một người nào.
Con “đường hang chuột” này đào hết sức hẹp lòng để khỏi mất nhiều công và nhiều thì giờ. Vì thế chỉ dùng một người thợ cuốc xuống đào, than vụn cuốc ra lần lượt được kéo lên bằng một cái rổ có dây thòng xuống. Người thợ này mệt, người thợ khác xuống thay ngay.
Cứ luôn tay như thế, ngày cũng như đêm, người ta làm không nghỉ, không ngừng, ở cả hai nơi: múc nước và đào hang.
Thì giờ đã dài cho những người làm việc bên trên thì lại càng dài cho chúng tôi ở dưới đất không biết bao nhiêu. Chúng tôi bị giam cầm và phải bó tay đành chịu chờ người đến cứu vớt mà thôi. Tiếng thùng múc nước xa vẳng bên tai không làm cho chúng tôi mừng cuống như lúc ban đầu nữa. Biết rằng chúng tôi không bị bỏ rơi, người ta đi tìm chúng tôi, chúng tôi hy vọng thực, nhưng nghĩ không biết đến bao giờ nước mới múc hết, nên chúng tôi buồn nản quá.
Cái thống khổ về tinh thần bây giờ lại liên kết cái thống khổ về vật chất. Ngồi gò bó mãi trên cái bậc hẹp, thân thể chúng tôi tê dại và đầu óc chúng tôi thấy nhức nhối, nặng nề.
Trong bọn chúng tôi duy có Cao-Dĩ là người không chịu đựng được hơn cả.
Thỉnh thoảng Cao-Dĩ lại kêu:
- Giáo-sư ơi! Tôi đói lắm! Xin Giáo-sư miếng bánh!
Sau cùng, Giáo-sư phải lấy ở cái mũ da rái cá ra một mẩu bánh và phân phát cho Cao-Dĩ với tôi.
Cao-Dĩ ăn xong lại kêu:
- Còn đói lắm.
- Phải ăn dè sẻn cho được lâu.
Còn những bạn khác nếu được tí bánh thì sung sướng lắm đấy, nhưng họ đã thề và quyết giữ lời thề.
Tư-Cổn nói:
- Nếu tôi không được ăn, thì tôi vẫn được phép uống nước chứ?
- Về khoản này, tha hồ. Nước có rất nhiều, muốn uống bao nhiêu thì uống.
- Múc ở hầm lên.
Ba-Điền muốn lội xuống, nhưng Giáo-sư không cho phép:
- Anh sẽ làm lở vỉa bậc. Lê-Minh người nhẹ và khéo hơn, xuống lấy nước cho chúng ta.
- Bằng cái gì?
- Bằng chiếc giầy ống của ta.
Người ta liền trao cho tôi một chiếc ủng, tôi sửa soạn tụt xuống nước. Giáo-sư nói:
- Khoan đã. Đưa tay cho ta giữ.
Giáo-sư đừng ngại. Con biết bơi.
- Cứ để ta giữ tay cho chắc.
Khi Giáo-sư vừa bước ra, hoặc vì chân bị tê cóng, hoặc vì bước hụt hay vì đất lở, Giáo-sư lộn nhào xuống nước. Chiếc đèn Giáo-sư xách ở tay cũng theo Giáo-sư xuống vực sâu.
Tự nhiên tối mò, mọi người đều kêu lên. May sao lúc đó tôi đã tụt được xuống nước. Ngày tôi theo ông Vỹ-Tiên, tôi tập bơi, lặn rất khá, cử động dưới nước cũng dễ dàng như ở trên cạn. Nhưng ở trong cái vũng tối như mực này thì biết xoay xở làm sao?
Tôi không nghĩ đến nỗi khó khăn này khi tôi tụt xuống, tôi chỉ nghĩ đến cái chết của Giáo-sư mà tự nhiên tôi lội xuống như thiên tính của giống chó Tân-Địa (hay cứu người chết đuối). Tìm Giáo-sư ở chỗ nào? Quờ tay ra phía nào? Lặn thế nào? Tôi đang bối rối bỗng một bàn tay co rúm bám lấy vai tôi và kéo tôi chìm xuống. Tôi đạp mạnh một cái ngoi lên mặt nước, bàn tay kia vẫn bíu cánh tay tôi.
- Giáo-sư nắm chặt lấy tay tôi và ngửa đầu lên. Không sợ!
Không sợ! Nhưng biết bơi vào phía nào? Tôi vụt có một ý nghĩ, tôi kêu:
- Các bạn ơi! Nói lên!
- Lê-Minh ở đâu!
Tôi nhận ra tiếng An-Thiện. Tôi bơi về phía tay trái.
- Thắp đèn lên!
Lập tức, một ngọn lửa bật lên. Tôi chỉ có việc bơi một sải là tới bờ. Một tay tôi bám vào một mẩu than, một tay tôi kéo ông vào. Ông đã uống nước nhiều, nhưng còn tỉnh.
An-Thiện và Cao-Dĩ cúi xuống giơ tay đón chúng tôi. Còn Ba-Điền cầm đèn soi. An-Thiện và Cao-Dĩ mỗi người cầm một tay kéo Giáo-sư mà tôi thì đẩy bên dưới. Khi Giáo-sư đã lên được rồi, tôi mới bắt đầu leo lên. Lúc đó Giáo-sư đã tỉnh hẳn.
Giáo-sư gọi tôi:
- Minh ơi! Lại đây cho ta hôn. Con đã cứu sống ta.
- Chính Giáo-sư đã cứu sống tất cả chúng tôi.
Cao-Dĩ vốn ít tình cảm và chỉ nghĩ đến mình, nói:
- Rút lại chỉ có mình tôi bị thiệt mất chiếc giầy mà không được ngụm nước nào!
- Để tôi xuống tìm giầy anh.
Nhưng mọi người đều nắm tôi lại.
Giáo-sư nói:
- Ta cấm con không được xuống tìm.
- Vậy, cho tôi xin chiếc khác để lấy nước.
Tư-Cổn nói:
- Tôi không khát nữa.
- Nhưng để uống mừng sức khỏe Giáo-sư?
Rồi tôi xuống nước lần thứ hai, rất thong thả và cẩn thận hơn lần trước.
Tuy thoát chết đuối, nhưng Giáo-sư và tôi tới khó chịu vì ướt át từ chân đến đầu. Lúc mới chúng tôi không nghĩ đến đều đó, nhưng bây giờ quần áo ẩm làm chúng tôi thấy lạnh.
Giáo-sư nói:
- Nên nhường cho Lê-Minh một cái áo cánh.
Không ai trả lời cả vì lời kêu gọi kia không chỉ định ai và bắt buộc ai.
- Không ai trả lời?
Cao-Dĩ nói:
- Tôi cũng rét.
- Thế chúng tôi bị ướt, chúng tôi nóng hơn hay sao?
- Còn các bạn khác nữa cũng không bị ngã.
Giáo-sư nói:
- Nếu vậy, phải rút thăm xem ai phải nhường áo. Về phần tôi, tôi không cần đến. Nhưng tôi kêu gọi sự đồng đều.
Vì tất cả bọn chúng tôi cũng đã lội đến thắt lưng, tôi đến cổ, nên việc đổi áo cũng không có lợi gì. Tuy nhiên Giáo-sư bảo thủ ý kiến và sau khi rút thăm, tôi được mặc áo của Tư-Cổn. May sao, Tư-Cổn có đôi chân cao bằng đầu tôi, nên chiếc áo còn khô nguyên.
Được chiếc áo ấm, tôi bắt đầu dễ chịu.
Cái nạn bất kỳ vừa rồi đã làm cho chúng tôi xáo động trong một thời gian. Sau đó im lặng lại hoàn im lặng. Ai cũng lo cái chết. Có lẽ mọi người lo hơn tôi nên cứ tỉnh thức trong cơn âu sầu, còn tôi, tôi ngủ lúc nào không biết.
Chỗ tôi nằm cheo leo, dễ lăn lắm. Thấy thế, Giáo-sư đưa cánh tay ôm lấy đầu tôi, không khít lắm, đủ giữ cho tôi khỏi ngã. Tôi ngả đầu trên đùi Giáo-sư như đứa trẻ gối trong lòng mẹ. Thực là một người có trí sáng suốt và nhân từ. Khi tôi cựa mình, Giáo-sư thay chiều cho cánh tay khỏi tê rồi lại ngồi im. Giáo-sư nói nhỏ:
- Con ơi! Ngủ đi. Không sợ ngã. Đã có ta giữ. Ngủ đi, con!
Rồi tôi lại ngủ, yên trí đã có người bảo vệ cho tôi.
Thì giờ đi chậm nhưng vẫn đi và tiếng thùng múc nước vẫn đều đều.
Vô Gia Đình Vô Gia Đình - Hector Malot Vô Gia Đình