Books are lighthouses erected in the great sea of time.

E.P. Whipple

 
 
 
 
 
Tác giả: Hector Malot
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: Sans Famille
Dịch giả: Hà Mai Anh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Trần Nhựt Quang
Số chương: 43
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5321 / 61
Cập nhật: 2015-08-06 20:45:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25: Lụt Mỏ
áng hôm sau, chúng tôi lại gặp nhau trong mỏ.
Ông An-Thiện hỏi Giáo-sư:
- Thế nào? Giáo-sư đã gặp học trò, vừa ý chứ?
- Vừa ý lắm. Nó có tai. Tôi mong nó sẽ có mắt.
An-Thiện nói thêm:
- Trong khi chờ đợi, tôi mong nó có cánh tay.
Rồi ông An-Thiện đưa tôi vào một góc giúp ông bẩy tảng than ra, vì những người đẩy xe vẫn có bổn phận giúp người cuốc than.
Xong tôi đẩy than ra lò Thánh An-Phong. Đến chuyến thứ ba, tôi chợt nghe thấy về phía cửa lò có tiếng ầm ầm dữ dội, mà tôi chưa từng nghe thấy ở hầm bao giờ. Có phải là đất sụt hay hầm đổ chăng? Tôi lắng nghe. Tiếng động đó lan ra mọi phía. Thế là nghĩa gì? Tôi khiếp quá định leo lên thang, nhưng người ta thường cười tôi nhát, sợ xấu hổ, tôi không chạy. Có lẽ là tiếng mìn nổ, tiếng goòng rơi xuống lò hay là tiếng đất người ta đổ xuống để lấp những chỗ trũng chứ gì.
Chợt một đoàn chuột chạy qua chân tôi như một đạo kỵ quân thất trận rút lui. Rồi tôi nghe như có tiếng nước vỗ vào vách hầm. Chỗ tôi đứng vẫn khô ráo nên không hiểu tiếng đó là tiếng gì. Sau tôi cho đèn sát xuống đất để nhìn. Quả nhiên có nước. Nước chảy từ phía cửa lò ngược lại đường hầm. Những tiếng ầm ầm liên tiếp là tiếng thác nước ở trên cao đổ xuống mỏ. Bỏ xe trên đường sắt, tôi chạy về công trường.
- Chú Thiện ơi! Nước vào mỏ.
- Nói bậy.
- Sông Đinh-Giang có lỗ rò. Chúng ta chạy đi thôi!
- Để ta làm việc.
- Chú hãy nghe con.
Giọng nói tôi run run làm cho ông An-Thiện phải dừng tay cuốc để nghe. Tiếng ào ào mỗi lúc một to, một dữ. Không còn nghi ngờ gì nữa. Nước chảy vào hầm thật.
Ông kêu lên:
- Ta rút đi cho nhanh! “Nước vào mỏ rồi”!
“Nước vào mỏ rồi”! Mọi người kêu inh ỏi.
Ông An-Thiện vội vớ lấy đèn. Đó là cử chỉ thứ nhất của người thợ mỏ khi gặp biến. Ông hoảng hốt bước trượt chân luôn.
Chúng tôi đi được vài bước thì gặp Giáo-sư ở đâu đến hỏi chúng tôi:
- Tiếng gì ầm ầm thế?
An-Thiện đáp:
- Nước vào mỏ rồi!
Tôi nói theo:
- Đinh-Giang có lỗ rò.
- Chỉ nói bậy.
Giáo-sư bảo tôi:
- Con chạy đi!
Mực nước lên rất nhanh, lúc đi nước chấm đầu gối chúng tôi, vì thế chúng tôi bước rất chậm.
Giáo-sư cùng chạy với chúng tôi. Cả ba khi đi qua các công trường đều kêu to:
- Chạy đi! Nước vào mỏ rồi!
Nước dâng lên cuồn cuộn. May sao chúng tôi đã gần đến chân thang. Nếu còn ở xa thì không bao giờ bước tới kịp.
Giáo-sư đến chân thang trước bảo chúng tôi:
- Lên trước đi! Tôi nhiều tuổi hơn và thư tâm hơn.
Không phải là lúc trình bày lễ phép; An-Thiện lên luôn, tôi theo sau rồi đến Giáo-sư. Một lát sau có mấy người thợ nữa cũng leo lên. Chưa bao giờ chúng tôi vượt 40 mét đường từ tầng hai lên tầng nhất một cách mau lẹ như thế. Nhưng khi lên đến bậc chót, một luồng nước giội vào đầu chúng tôi và làm ngụp cả đèn. Đó là một cái thác!
An-Thiện bảo tôi:
- Bám cho chặt!
Ba chúng tôi đều bám riết vào bậc thang để đứng ghì lại. Mấy người lên sau chúng tôi đều bị nước lôi đi cả. Nếu chúng tôi còn cách 10 bậc nữa thì cũng bị cuốn đi như họ vì lúc đó nước đổ xuống như vỡ đê. Chúng tôi lên được tầng nhất rồi, nhưng chưa phải là thoát thân vì còn 50 mét nữa mới ra đến cửa hang, mà tầng này cũng có nước, lối đi tối mò vì tắt lửa cả.
Giáo-sư giọng nói bình tĩnh:
- Chúng ta chết đến nơi rồi! Minh ơi, con cầu nguyện đi!
Ngay lúc đó có bảy, tám ngọn đèn tiến đến phía chúng tôi. Lúc đó, nước lên đến quá đầu gối, không phải cúi mình, bàn tay chúng tôi sờ thấy nước. Không phải là một đám nước yên lặng. Đó là một luồng nước cuồn cuộn chảy, gặp bất cứ cái gì cũng lôi đi và làm quay những khúc gỗ trên mặt nước như những chiếc lông.
Những người xách đèn đến chỗ tôi định tìm cầu thang gần đó để lên, nhưng nước chảy mạnh như thế lại có nhiều củi gỗ lao theo thì tiến làm sao được.
Những người thợ đó nhắc lại đúng câu Giáo-sư vừa bảo chúng tôi:
- Chúng ta chết đến nơi rồi!
Rồi họ lại chỗ chúng tôi.
Giáo-sư kêu to:
- Lại cả chỗ này, phải đấy. Ta tìm hầm cũ để lánh nạn.
Hầm cũ là một phần của mỏ đã bỏ hoang từ lâu mà chẳng ai để chân đến bao giờ. Duy có Giáo-sư thường kỳ cục tìm đến để thu lượm tài liệu, mới biết mà thôi.
Giáo-sư nói:
- Đi lộn cả lại. Cho tôi cái đèn để tôi dẫn đường.
Thời thường, khi Giáo-sư nói gì thì người ta bưng miệng cười hay so vai và quay mặt đi. Những người khỏe nhất vẫn tự phụ về sức lực của mình, năm phút trước đây họ còn nhạo báng Giáo-sư, bây giờ cũng cúi đầu nghe theo cả. Tự nhiên, mọi chiếc đèn đều giơ ra cho Giáo-sư. Ông cầm một chiếc, còn một tay dắt tôi. Ông dẫn đầu. Chúng tôi quay lại, theo chiều nước chảy, nên đi được nhanh.
Tôi không biết phải đi đến chỗ nào, nhưng lòng tôi có chút hy vọng. Đi được một lúc, không biết là mất mấy phút hay mấy giây vì lúc đó cũng chẳng ai để ý đến thời gian. Giáo-sư đứng lại.
Giáo-sư nói lớn:
- Chúng ta không đủ thì giờ đến hầm cũ. Nước lên nhanh quá!
Thực vậy, nước đuổi chúng tôi dữ quá, từ đầu gối lên đến thắt lưng đã lên đến ngực rồi.
Giáo-sư nói tiếp:
- Chúng ta đành lên hốc đá kia vậy.
- Rồi đi đâu?
- Hốc đá không có lối đi đâu nữa.
Lên hốc đá chẳng khác chi chui vào đáy túi. Nhưng chúng tôi không còn thì giờ để chờ đợi, lựa chọn: lập tức phải lên hốc đá để được sống thêm vài phút với cái hy vọng may ra thoát nạn, nếu cứ đi thì chỉ trong vài giây nữa nhất định bị nước chôn vùi. Do Giáo-sư dẫn đầu, chúng tôi leo lên hốc. Hai người trong bọn chúng tôi không nghe, cứ đi thẳng. Những người đó không bao giờ chúng tôi trông thấy lần thứ hai nữa.
Được dừng bước, chúng tôi nghe thấy những tiếng lục ục bên tai mà từ trước mải đi không để ý đến: tiếng đất sụt, tiếng sóng cuộn, tiếng nước đổ, tiếng vách gẫy, những tiếng nổ do không khí bị đè ép mà tung ra. Đó là những tiếng động hãi hùng phát ra trong toàn mỏ làm cho chúng tôi táng đảm kinh hồn.
- Đại-Hồng-Thủy!
- Ngày tận thế!
- Hỡi Thượng-Đế! Cứu vớt chúng con!
Từ lúc lên hốc đá rồi, Giáo-sư không nói gì nữa, vì linh hồn Giáo-sư còn cao hơn những lời phàn nàn vô ích.
Giáo-sư bảo:
- Các bạn ơi! Không nên để cho thân thể quá mệt nhọc. Nếu chúng ta cứ ghì chân, bám tay mãi thế này, chúng ta không khỏi kiệt lực. Chúng ta phải khoét sâu chỗ đứng cho vững. Những diệp thạch này cũng dễ đào.
Lời khuyên rất hay nhưng khó thực hành, vì không ai mang cuốc. Ai cũng có đèn, ngoài ra trong tay không còn khí cụ nào khả dĩ đào bới được.
Giáo-sư nói tiếp:
- Chúng ta lấy móc đèn treo mà đào!
Thế rồi mọi người đều dùng móc đèn của mình khoét sâu chỗ đất để chân. Chân hốc nghiêng và trơn, việc đào rất khó. Nhưng ai nấy đều hiểu rằng nếu chỗ đứng không vững, lỡ sẩy chân thì mất mạng nên hăng hái làm việc. Chỉ trong mươi phút, chúng tôi đã có một chỗ đứng vững vàng.
Làm xong, mọi người đều thấy nhẹ mình. Lúc đó mới nhận mặt nhau. Chúng tôi có tất cả 7 người: Giáo-sư, ông An-Thiện và tôi, ba người thợ cuốc là Ba-Điền, Tư-Cổn, Bảy-Nhu và người đẩy xe là Cao-Dĩ. Còn những người thợ khác đều mất tích cả.
Trong mỏ vẫn nghe thấy tiếng động ầm ầm. Không có danh từ gì để gọi đúng những tiếng động hãi hùng đó, tiếng đại bác hợp với tiếng sấm cũng không to bằng.
Thất đảm, chúng tôi đứng nhìn nhau, như để tìm trong mắt người bạn những lời giải thích mà mình không biết.
Một người nói:
- Đó là một trận Đại-Hồng-Thủy.
- Là ngày tận thế.
- Nạn động đất.
- Thần Mỏ ra oai.
- Nước tích ở các hầm cũ đổ xuống.
- Một lỗ rò ở đáy sông.
Giả thuyết cuối cùng này là của tôi. Tôi bảo thủ ý kiến của tôi. Giáo-sư không nói gì. Ông nhìn từng người một, so vai lên như người đang ở ngoài trời, dưới bóng cây dâu vừa bàn cãi vừa ăn một củ hành.
Khi đã nghe ý kiến của từng người, Giáo-sư phát biểu sau cùng:
- Chắc chắn là một nạn lụt.
- Sinh ra bởi động đất.
- Do Thần Mỏ báo thù.
- Từ các hầm cũ đổ xuống.
- Bởi lỗ rò của sông Đinh-Giang.
Mọi người nhái lại ý kiến trước của mình.
Giáo-sư nhắc lại:
- Đó là thủy tai.
Nhiều tiếng cất lên để hỏi:
- Rồi sau thế nào? Nước ở đâu đến?
- Tôi không biết, nhưng bảo là do Thần Mỏ thì xuẩn quá, cho là tự các hầm cũ thì chỉ tầng thứ ba bị lụt thôi, nhưng đây lụt cả tầng nhì tầng nhất. Các bạn phải biết, nước chỉ chảy xuống, không bao giờ chảy ngược lên cao.
- Lỗ rò?
- Không bao giờ lại có một lỗ rò tự nhiên như thế.
- Động đất?
- Tôi không biết.
- Không biết thì nói làm gì!
- Tôi biết đó là nạn lụt, đó cũng là một điều đáng kể rồi nước lụt từ trên chảy xuống đây.
- Cái đó ai chả biết, nước đã chảy theo chân ta là gì!
Từ lúc mọi người được yên vị ở một chỗ khô ráo và nước không lên nữa, hình như họ không cần đến Giáo-sư nữa.
- Ông đừng lên mặt thông thái nữa, ông chẳng biết gì hơn chúng tôi.
Trí quá cảm trước nguy hiểm đã cho ông một uy quyền, nhưng bây giờ uy quyền đã mất rồi. Ông im lặng không nói gì.
Chúng tôi lúc đó đều nói thật to để át tiếng động của mỏ, nhưng vô ích, chẳng nghe rõ câu gì ra câu gì.
Giáo-sư bảo tôi:
- Con thử nói đi!
- Ông bảo nói gì bây giờ?
- Nói gì cũng được, cần nói lên thôi.
Tôi nói vài câu.
- Được. Nói nhỏ hơn một chút. Ừ, như thế vừa rồi.
Ba-Điền nói:
- Giáo-sư ơi! Điên rồi sao?
- Sợ quá hóa rồ rồi à?
- Ông tin rằng ông chết à?
- Tôi tin rằng nước sẽ không bao giờ lên tới đây, tôi tin rằng nếu ta có chết, ta cũng không đến nỗi chết đuối.
- Thế nghĩa là gì? Giáo-sư?
- Nhìn ngọn đèn của anh xem.
- Nó đang cháy.
- Nó cháy như thường không?
- Không. Ngọn to hơn và ngắn hơn.
- Vậy có khí nổ không?
Giáo-sư đáp:
- Không. Cứ yên tâm. Khí nổ không có, cũng như nước không tài nào dâng lên được nữa.
- Đừng giở trò phù thủy.
- Ta không giở trò phù thủy. Nhưng các anh nên biết rằng chúng ta hiện đang bị úp trong cái chuông đầy không khí. Chính bầu không khí bị ép đó ngăn nước không lên được. Cái hốc kín mít này khác nào như cái chuông của thợ lặn. Nước đã dồn tất không khí ở hầm vào cái hốc này, bây giờ nó ấn xuống không cho nước lên nữa.
Nghe Giáo-sư cắt nghĩa, bảo chúng tôi đang ở một thứ chuông thợ lặn, đầy không khí, nước không vào được, mọi người đều lẩm bẩm không tin.
- Chỉ nói khoác! Nước chả mạnh bằng mấy không khí ấy?
- Mạnh khi nào ở ngoài thôi. Khi anh úp cái cốc không vào chậu nước đầy: hỏi rằng nước có ngập lên tới đáy cốc không? Có một chỗ trống. Vậy thì chỗ trống đó là không khí đấy. Ở hốc này cũng thế. Chúng ta đang ở đáy cốc đấy. Nước không bao giờ lên chỗ chúng ta được.
Ông An-Thiện nói:
- Tôi hiểu rồi. Giáo-sư nói phải đấy. Tôi nhận thấy các bạn thường chế diễu Giáo-sư là nhầm. Giáo-sư đã biết nhiều điều mà chúng ta mù tịt.
Cao-Dĩ nói:
- Thế thì chúng ta được cứu sống.
- Cứu sống? Tôi không tin thế. Nhưng nhất định rằng chúng ta không bị chết đuối. Cái đã cứu ta là hốc kín, khí trời không ra được. Nhưng ngán thay! Cái đã cứu ta đồng thời nó cũng hại ta. Không khí không ra được vì bị hãm, chúng ta cũng thế, bị giam và không ra được.
- Ra được khi nước rút…
- Rút hay không? Tôi không biết. Muốn biết điều đó cần phải rõ nước từ đâu đến mới được. Ngồi ở đây thì nói đúng sao được?
- Ông vừa nói là nạn lụt?
- Phải, chính là nạn lụt. Nhưng nước đó tự đâu mà ra? Do nước sông Đinh-Giang tràn qua bờ chảy vào cửa lò? Hay bởi mưa bão? Hay nước nguồn chảy xuống chăng? Hay là nạn động đất? Phải là người ở ngoài nhìn thấy mới nói được. Chúng ta ở đây thì rõ làm sao được?
- Có khi cả thành phố và nước cuốn rồi!
- Rất có thể……
Một lúc im lặng và hãi hùng.
Tiếng nước chảy đã hết, thỉnh thoảng còn nghe thấy tiếng nổ ình ình làm rung cả đất.
Giáo-sư nói:
- Mỏ ngập đầy rồi, nước không chảy vào nữa.
Ba-Điền thất vọng kêu:
- Không biết thằng Phi nhà tôi thế nào?
Phi là con trai Ba-Điền cũng làm thợ cuốc như cha nhưng ở tầng thứ ba. Từ nãy đến giờ mải chiến đấu với cái chết cho bản thân không có thì giờ nghĩ đến con, nay thấy Giáo-sư nói “mỏ ngập đầy rồi”, Ba-Điền mới nhớ ra, Ba-Điền gào lên:
- Phi ơi! Phi! Phi ơi!
Không tiếng đáp lại. Tiếng gọi của người cha không ra khỏi hốc đá.
Giáo-sư nói:
- Biết đâu nó chẳng tìm được mỏm đất như ta. Một trăm rưỡi người chết chìm dưới nước là điều quá ghê gớm! Thượng-Đế không muốn thế đâu!
Giáo-sư nói câu đó bằng một giọng không được vững chắc. Sáng nay ít nhất cũng có 150 người thợ xuống hầm. Có được bao nhiêu người lên thoát hoặc tìm được chỗ lánh nạn như chúng tôi? Bạn bè, bà con chúng tôi chết hết rồi chăng? Nghĩ đến điều đó, chẳng ai dám nói một câu nào.
Nhưng tình trạng chúng tôi lúc bấy giờ không để cho lòng chúng tôi thương xót người khác.
Sau một lúc im lặng, Bảy-Nhu cất tiếng:
- Về phần chúng ta, chúng ta phải làm thế nào bây giờ?
- Anh muốn làm gì?
Giáo-sư nói:
- Chỉ còn cách chờ đợi thôi.
- Chờ đợi cái gì?
- Phải chờ đợi. Mặt đất cách ta tới 4, 50 mét, anh có thể khoét bằng móc treo đèn không?
- Thế thì chết đói mất.
- Điều nguy hiểm không ở chỗ đó.
- Thế Giáo-sư bảo nguy hiểm nhất ở chỗ nào? Giáo-sư làm chúng tôi lo quá!
- Cái đói, ta có thể chống lại được. Tôi đã được đọc chuyện những người thợ mỏ như chúng ta bị lụt, họ có thể nấp trong mỏ trong 24 ngày không ăn uống gì mà vẫn còn sống. Chuyện đó xảy ra đã lâu rồi. Những cái gì đã có ngày trước thì ngày nay cũng có thể có được. Như vậy, ta không sợ chết đói.
- Ông đã bảo rằng nước không tài nào lên được nữa, thế thì còn sợ gì?
- Các bạn có thấy nặng đầu ù tai không? Có dễ thở không? Tôi không.
- Tôi, nhức đầu.
- Tôi, chóng mặt.
- Tôi, thái dương nhoi nhói.
- Tôi như dại.
- Đó là điều nguy hiểm nhất đấy. Chúng ta có thể sống trong bầu không khí này bao lâu nữa? Tôi không biết vì không phải là nhà khoa học. Chúng ta có 40 mét đất dầy ở trên đầu, và ba mươi nhăm hay 40 mét nước sâu ở dưới chân chúng ta: thế nghĩa là bầu không khí này bị một áp lực nặng gấp 4 hay 5 lần áp lực thường. Chúng ta sống thế nào được trong cái khối không khí nén ép này? Đó là điều mà chúng ta phải lo ngại và có lẽ đồng thời chúng ta cũng rút được một vài kinh nghiệm, một bài học quá đắt.
Tôi không có một quan niệm gì về không khí ép. Vì thế, nghe Giáo-sư nói, tôi hết hồn. Những bạn tôi cũng tỏ ra kinh hãi và họ cũng không biết gì hơn tôi. Cái không biết sinh ra lo lắng.
Tuy biết chúng tôi ở trong một tình thế tuyệt vọng, Giáo-sư vẫn cố gắng tổ chức mọi cách để bảo vệ lấy vận mệnh chúng tôi chỉ còn như treo đầu sợi tóc.
Giáo-sư bảo chúng tôi:
- Bây giờ ta phải chọn chỗ ngồi cho khỏi lăn xuống vực sâu.
- Đã có những lỗ để đứng rồi.
- Liệu anh có thể đứng mãi như thế này không?
- Ông tưởng rằng chúng ta phải ở đây lâu?
- Nào ai biết được.
- Người ta sẽ đến cứu ta.
- Chắc chắn có. Nhưng muốn cứu được chúng ta, người ta cũng phải đợi đến lúc có thể làm được mới làm. Từ lúc người ta tìm cách cứu đến lúc người ta bắt tay vào việc cũng phải mất bao nhiêu thì giờ. Chỉ có người ở trên đất mới biết khoảng thời gian đó. Còn chúng ta ở dưới này chỉ có cách xếp đặt làm sao cho bớt khổ trong khi chờ đợi. Vì, nếu không may, ai trợt chân thì có phải thiệt đời không.
- Chúng ta buộc vào nhau.
- Dây đâu?
- Nắm lấy tay nhau cũng được.
- Nắm được mãi à? Theo ý tôi, tốt hơn hết là phải đào những bậc như bậc thềm. Chúng ta có bảy người, hai bậc cũng đủ: bốn người ngồi bậc trên, ba người ngồi bậc dưới.
- Đào bằng gì bây giờ?
- Cuốc đâu?
- Chỗ đất cát dùng móc đèn, chỗ rắn dùng dao.
- Đào đến đời nào cho xong!
- Anh Ba-Điền ơi! Đừng nói thế! Trong tình cảnh này người ta không tiếc gì, cốt sao cho sống. Nếu một người trong chúng ta lỡ ngủ quên đi, có phải người đó tự gieo mình xuống nước không?
Lòng can đảm và trí cương nghị đã cho Giáo-sư một uy quyền mỗi lúc một mạnh khiến chúng tôi phải khuất phục. Tự nhiên, chúng tôi thấy cái sức mạnh tinh thần của Giáo-sư đang chiến đấu với tai họa, tựa vào sức đó, chúng tôi mới vững lòng chờ đợi cứu cấp. Chúng tôi bảo nhau làm việc. Phải làm cho được hai bậc đó nếu không hoàn hảo thì cũng phải đủ ngồi để khỏi lăn xuống vực sâu ở dưới chân chúng tôi. Bốn ngọn đèn vẫn cháy, đủ ánh sáng cho chúng tôi làm.
Giáo-sư bảo:
- Nên tìm chỗ dễ đào thì hơn.
An-Thiện bảo các bạn:
- Các anh em! Hãy nghe tôi. Tôi có một ý kiến. Chúng ta ở đây người nào cũng rối trí cả, duy có Giáo-sư là người rất trấn tĩnh và sáng suốt, lại có lòng nhân nữa. Giáo-sư trước kia cũng là thợ cuốc như chúng ta, nhưng lịch duyệt hơn chúng ta nhiều. Tôi đề nghị bầu Giáo-sư là người đồn trưởng chỉ huy chúng ta làm việc. Các bạn nghĩ sao?
Cao-Dĩ, một kẻ dốt nát và cục súc chỉ quen việc đẩy goòng liền cãi:
- Giáo-sư! Sao lại bầu Giáo-sư mà không bầu tôi? Nếu cần một người đẩy xe chỉ huy thì tôi đây cũng là người đẩy xe như Giáo-sư chứ có kém gì đâu?
- Anh ngu lắm. Có phải người ta cần phu đẩy xe đâu! Chúng ta cần một “người” mà trong bọn chúng ta đây, chỉ có Giáo-sư là “người” hơn cả.
- Hôm qua, ông không nói thế.
- Hôm qua tôi cũng ngu như anh. Tôi cũng nhạo báng Giáo-sư như các bạn khác, không biết Giáo-sư giỏi hơn chúng ta. Nay tôi mới rõ, tôi đề nghị bầu Giáo-sư là vì thế. Vậy thưa Giáo-sư, Giáo-sư sai tôi làm gì bây giờ? Cánh tay tôi khỏe lắm, Giáo-sư đã rõ. Còn các bạn, thế nào?
- Xin vâng lời Giáo-sư.
- Sẽ vâng lời mãi mãi.
Giáo-sư nói:
- Các bạn muốn cho tôi làm đồn trưởng. Tôi xin vâng. Nhưng có một điều kiện là tôi bảo gì thì phải làm. Chúng ta còn phải ở đây lâu, nhiều ngày. Tôi không biết rồi sau ra sao. Chúng ta ở đây chẳng khác chi những người sống sót trên một cái bè giữa biển khơi. Có phần đau khổ hơn vì ngồi trên bè ít ra người ta cũng được thoáng khí và trông thấy trời. Người ta thở được và nhìn được. Dù xảy ra đến thế nào, đã bầu tôi làm trưởng đồn, các bạn phải triệt để nghe tôi.
Mọi người đồng thanh đáp:
- Chúng tôi xin nghe lời.
- Những điều các bạn tin là phải thì nghe đã đành. Nhưng có những điều mà các bạn không tin là phải thì sao?
- Chúng tôi rất tin cậy ở Giáo-sư.
- Giáo-sư ơi! Mọi người đều biết Giáo-sư là người bụng dạ tốt.
- Là người can đảm.
- Là người biết nhiều.
- Xin Giáo-sư đừng nghĩ đến những lời diễu cợt xưa.
Tôi còn nhỏ dại chưa hiểu việc đời mấy, nên rất lấy làm lạ rằng sao những kẻ trước đây vài giờ không ngớt lời nhạo báng Giáo-sư, bây giờ lại ca tụng Giáo-sư nhiều thế và sao những cơ hội đã làm cho người thay đổi ý kiến và cảm tình chóng thế?
Giáo-sư nói:
- Các bạn đã “thề” như thế?
Chúng tôi đều đáp:
- Xin “thề”!
Thế rồi chúng tôi bắt đầu làm việc. Ai cũng có dao trong túi cả, toàn dao tốt, cán bền, lưỡi sắc.
Giáo-sư nói:
- Ba người đục bậc, ba người khỏe. Còn những người yếu như Lê-Minh, Cao-Dĩ, Ba-Điền và tôi, chúng tôi san bằng mặt đất.
Bảy-Nhu, một người to lớn, sức lực, ngắt lời:
- Không. Giáo-sư không phải mó tay, vì Giáo-sư không khỏe lắm vả lại Giáo-sư là “Kỹ sư” rồi. Những Kỹ sư không phải làm việc lao lực.
Mọi người đều đồng ý với Bảy-Nhu và nói rằng Giáo-sư bây giờ là “Kỹ sư” thì được miễn lao dịch. Ai nấy đều cảm thấy sự chỉ huy của Giáo-sư rất cần thiết và nhiệt thành đến nỗi, nếu có thể được thì cũng đặt Giáo-sư vào một cái ổ bông để tránh mọi tai nạn cho Giáo-sư không quản ngại gì, vì Giáo-sư bây giờ là người Hoa tiêu trong chiếc thuyền ngộ nạn của chúng tôi.
Nếu chúng tôi có dụng cụ thì việc làm rất dễ. Nhưng làm bằng dao thì khó và lâu. Chúng tôi phải đào thành hai bậc trong sườn đá diệp thạch. Những bậc này phải rộng để có thể chứa được một hàng bốn người, một hàng ba người.
Chúng tôi phân công. Mỗi bậc do ba người phụ trách, hai người dũi đá, một người gạt những mảnh con vứt đi, “Kỹ sư” tay xách đèn đi từ “công trường” nọ đến “công trường” kia. Trong khi đào, người ta tìm được mấy thanh gỗ bị vùi dưới cát. Những thanh gỗ đó rất có ích, dùng để đóng vỉa cho đá khỏi lở. Suốt ba tiếng đồng hồ làm việc không nghỉ, chúng tôi đào xong hai bậc và có thể tạm ngồi được.
“Kỹ sư” ra lệnh:
- Bây giờ các bạn hãy nghỉ tay. Rồi sau có thì giờ ta hãy làm rộng thêm để có thể nằm được. Ta không nên làm thái quá. Hãy dành sức cho lúc cần đến.
Rồi người ta chia nhau ngồi. Giáo-sư, An-Thiện, Cao-Dĩ và tôi ngồi bậc dưới. Ba người thợ cuốc ngồi bậc cao.
Mọi người yên vị xong; Giáo-sư nói:
- Ta phải dành đèn. Tắt cả đi, chỉ để một ngọn đèn thôi.
Mọi người sắp sửa thi hành thì Giáo-sư vội ra hiệu ngừng lại và bảo:
- Xin các bạn một phút. Một luồng gió có thể làm tắt đèn của ta: điều này không chắc lắm. Nhưng ta vẫn cứ phải đề phòng cái “không thể có”. Có ai mang diêm không?
Mặc dầu có lệnh cấm bật lửa trong hầm, nhưng hầu hết các thợ đều có diêm trong túi cả. Vì thế, lúc đó không có Kỹ sư của Công ty ở đây kiểm soát xem ai trái lệnh, nên Giáo-sư vừa hỏi “Có ai mang diêm?” thì bốn tiếng trả lời: “tôi có”.
Giáo-sư nói:
- Tôi cũng có nhưng diêm bị ướt cả.
Đó cũng là trường hợp chung cho tất cả mọi người, vì ai cũng bỏ diêm trong túi quần và ai cũng lội nước đến ngực, đến vai.
Cao-Dĩ là người hiểu chậm và cũng nói chậm, trả lời sau rốt.
- Tôi cũng có diêm.
- Ướt?
- Không rõ vì tôi để trên mũ.
- Vậy đưa mũ tôi xem.
Đáng lẽ phải trao cho Giáo-sư cái mũ bằng da rái cá to như cái khăn của người Thổ-Nhĩ-Kỳ đội ngày phiên chợ, Cao-Dĩ đưa ra một bao diêm. Nhờ cái vị trí đóng trên cao trong khi chúng tôi lội nước nên những que diêm không bị dìm.
Giáo-sư ra lệnh:
- Bây giờ tắt đèn đi.
Thế rồi chỉ còn một ngọn lửa nhỏ le lói trong hang, khi tỏ khi mờ.
Vô Gia Đình Vô Gia Đình - Hector Malot Vô Gia Đình