Nghị lực và sự kiên nhẫn cần có cho bất kỳ ai, ở bất kỳ vị trí nào.

Theodore F. Merseles

 
 
 
 
 
Tác giả: VnExpress
Thể loại: Tùy Bút
Số chương: 5239
Phí download: 44 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4221 / 45
Cập nhật: 2014-12-04 16:13:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Dù căm ghét nhưng lại muốn được bình yên bên chồng
ôi thấy mình như con rối, đang gồng mình diễn vai một phụ nữ thấp cổ bé họng, cam chịu cuộc sống này. Quả thật là tôi chưa đủ can đảm để rời xa anh, chưa đủ can đảm để dạy cho anh một bài học về cái giá của sự bất cần đời. (Hân)
Từ: Hân
Đã gửi: 21 Tháng Tư 2012 12:11 SA
Kính gửi chuyên mục Tâm sự!
Hai tuần nay tôi không có nổi một giấc ngủ trọn vẹn, đầu óc quay cuồng và mệt mỏi. Tôi viết lá thư này như là một giải pháp để chia sẻ cảm xúc của mình, cũng như mong giải tỏa được mọi ức chế chất chứa cao ngất ở trong lòng.
Tôi và anh lấy nhau đã gần 3 năm, nhưng vì anh là một Việt kiều nên thời gian chúng tôi được ở bên nhau cũng chỉ bằng một nửa. Hai đứa đến với nhau bằng tình yêu, anh hơn tôi 10 tuổi. Ngày còn yêu nhau, tôi thực sự hạnh phúc vì anh là người có trách nhiệm, chững chạc, điềm đạm. Tôi luôn cảm thấy bình yên mỗi khi ở bên anh.
Anh là người cá tính. Khi yêu, cái tôi của anh cũng thể hiện rõ nét, nhưng có lẽ anh đã biết cách kiềm chế nó. Còn khi bước vào cuộc sống hôn nhân, dường như cái tôi to lớn ấy đã và đang thoát khỏi lớp xiềng xích lâu ngày, bùng lên một cách đáng sợ. Chúng tôi sống chung với bố mẹ chồng. Mẹ anh thực sự là một người khó tính.
Thời gian đầu mới về làm dâu, tôi cảm thấy vô cùng ngột ngạt. Nhưng rồi mọi chuyện cũng đã qua, giờ đây tôi tự hào nói rằng tôi đã học được cách để chung sống và chiều lòng bà. Vấn đề là đến giờ tôi vẫn chưa học được cách chung sống và chiều lòng chính người tôi đã lấy làm chồng.
Tôi từng đổ lỗi cho tuổi tác và cách nhìn nhận của hai thế hệ 7x và 8x để ngụy biện cho sự khác biệt giữa chúng tôi. Nhưng đó không phải là nguyên do, cốt lõi của mọi vấn đề là chính ở bản thân anh và cái thói gia trưởng trong con người anh. Anh đã gây cho tôi quá nhiều tổn thương sâu sắc.
Ngày tôi mang thai đứa con đầu lòng, ốm ghén đến tận lúc sinh, không ăn uống được gì, mồm miệng đắng ghét. Có nhiều lúc mệt mỏi, muốn làm nũng chồng một chút thì anh dội ngay cho gáo nước lạnh: cứ như là mỗi mình em có bầu không bằng, rồi anh bỏ đi nơi khác. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác hụt hẫng và đau đớn khi đi tìm sự cảm thông và chia sẻ thì lại bị đối xử như vậy.
Tôi chỉ cần anh ôm tôi vào lòng, nói anh biết tôi mệt, hãy cố lên. Vậy thôi! Có người nói, phụ nữ khi mang thai là lúc dễ bị tổn thương nhất. Tôi đã khóc hết nước mắt vì cái sự khô khan của anh.
Ngày tôi nuôi con nhỏ, một lần tắm cho con xong, quên chưa đổ nước trong chậu, vội đưa con vào mặc quần áo rồi cho bé xuống nhà ăn cháo. Anh đi về, nhìn thấy chậu nước, không nói không rằng, để nguyên như vậy và bắt đầu tỏ thái độ với tôi. Mỗi lần anh không hài lòng hay xảy ra chuyện gì, cách anh chọn là im lặng và thái độ thờ ơ. Khi tôi hỏi thì câu trả lời luôn là em biết rồi còn hỏi.
Anh giận dỗi dai dẳng đến hàng tháng trời chỉ vì chuyện chậu nước. Anh quy cho tội cái tội bừa bãi, cẩu thả. Tôi nói là vội đưa con vào mặc đồ và quên. Lúc ấy, anh lại cho là tôi không biết tiếp thu, động nói là cãi. Anh chấp nhặt với tôi từng câu nói, từng việc vặt vãnh xảy ra hằng ngày. Anh giận vì tôi nói anh bảo thủ, anh giận vì tôi đôi dép của con không ngay ngắn.
Con được 16 ngày thì anh đi. Những tưởng vợ chồng xa nhau thì sẽ cảm thông cho nhau hơn. Nhưng anh vẫn là anh, với cái thói bất cần của mình, mỗi lần bất đồng quan điểm là anh lại chọn cách mặc kệ tất cả. Tôi quên điện thoại trong cốp xe, khi nhìn thấy sáu cuộc gọi nhỡ đã vội vã gọi điện lại, anh không thèm bắt máy, sau đó tôi đã nhắn tin giải thích lý do. Vậy mà đấy cũng là cái nguyên nhân để anh bỏ mặc tôi và con gần 2 tháng, không một lời hỏi han.
Tôi luôn là người chủ động làm lành, cho dù tôi sai hay tôi đúng. Tôi luôn là người không chịu nổi chiến chanh lạnh, xuống nước trước trong khi anh vẫn cứ găng lên. Anh bảo tôi ngang bướng, song biết và sợ cái thói bất cần đời của anh, tôi đã nhẫn nhịn rất nhiều để vợ chồng được êm ấm. Những lần cả hai thẳng thắn nói chuyện với nhau, anh bảo anh biết là anh có cái thói xấu ấy, anh cũng muốn sửa nhưng thật là khó.
Anh cho mình cái quyền quát mắng đập phá đồ đạc khi anh bực. Còn cái anh cần là tôi luôn phải nhẹ nhàng, khéo léo. Là phụ nữ, tưởng rằng có cái đặc quyền hờn dỗi, nhưng với anh tôi chưa một lần dám dùng cái quyền ấy của mình. Chưa bao giờ được chồng vỗ về an ủi, khóc nhiều đến lúc nước mắt cạn khô thì tự mà nín. Anh là vậy, khô khan, ác độc, và tàn nhẫn.
Anh không muốn tôi chơi với bạn nọ, bạn kia, tôi hết sức tránh. Anh không muốn tôi thuê nhân viên bán hàng vì sợ tôi có thời gian rảnh đi chơi, tôi cũng một mình đảm nhận việc trông coi. Sống trong cái xã hội chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo, tôi luôn tự nhủ mình nhẫn nhịn để cho "cơm lành canh ngọt". Tôi đâu có phải là đứa con gái đểnh đoảng hay vô ý, không biết chăm chút cho gia đình.
Đi chợ luôn để ý và nấu những món anh thích, lựa chọn quần áo và chỉn chu đầu tóc cho anh mỗi khi anh ra ngoài hay đi chơi với bạn bè, luôn đối xử phải phép với gia đình anh. Có những việc nhỏ xảy đến không ngờ mà cũng là nguyên nhân của chiến tranh lạnh. Nó khiến tôi kiệt sức vì cứ lẽo đẽo hỏi anh lý do vì sao anh giận.
Nhiều khi biết được lý do rồi, nó nhạt nhẽo và lãng nhách đến độ tôi chán ngán và buông xuôi luôn theo anh. Tôi và con bị sốt virus, ốm, mệt, sốt, phải đi truyền nước, tôi xin phép bố mẹ chồng ngủ lại nhà bà ngoại. Con tôi 2 tuổi vẫn gửi bà ngoại hàng ngày để tôi đi làm. Giờ cả hai mẹ con đều ốm nên xin ngủ lại nhà bà ngoại để bà đỡ đần. Ở nhà mẹ mình, có nằm dài ra một chút thì cũng không sao. Ông bà nội đến thăm hai mẹ con, còn động viên là cứ ở đây vài ba hôm khỏe hẳn rồi về.
Tôi yên chí nhắn tin cho anh là em xin phép ngủ ở nhà bà ngoại. Ngày hôm sau, anh vẫn gọi điện hỏi han. Nhưng đến hôm thứ tư thì không thấy tin tức gì. Tôi về nhà và gọi cho anh thì lại biết là anh tức vì tôi dám ngủ lại nhà bà ngoại. Anh bảo anh không thích, nếu không có bà ngoại thì nhờ ai. Nghe những câu nói của anh, lòng tôi đau như cắt. Chồng tôi đấy ư? Người đàn ông để tôi dựa dẫm vào suốt cuộc đời này đấy ư?
Anh không quan tâm xem tôi và con đã khỏi ốm hay chưa, cái anh quan tâm chỉ là tôi không được ngủ lại nhà bà ngoại. Và anh tức thì anh lại mặc kệ mọi chuyện như thế. Hai tuần rồi, không liên lạc, tôi nhắn tin, gọi điện anh cũng không nghe. Cửa hàng kinh doanh của tôi, đầu mối là do anh gửi về, giờ thì cũng chẳng cần biết, không hàng họ gì nữa. Anh lần nữa cắt đứt mọi liên lạc, mặc kệ chuyện làm ăn, tôi và con trở thành người dưng.
Ức chế, tôi không sao ngủ được, hai hốc mắt thâm quầng, trũng sâu. Cuộc hôn nhân của tôi sao lại rơi vào cảnh địa ngục như thế? Chồng tôi sao lại biến thành kẻ ích kỷ, nhỏ nhen và nhẫn tâm như vậy? Tôi luôn nhìn nhận vấn đề từ hai phía. Không ai là hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai. Chuyện vợ chồng mà cứ phân định trắng đen rạch ròi thì thật khó, ai cũng có cái lý của mình. Chỉ cần nhường nhịn nhau hơn một chút chẳng phải là dễ thở lắm sao.
Lúc vui vẻ, vợ chồng còn phải lựa nhau mà sống, huống hồ khi xích mích. Bỏ qua, thông cảm cho nhau đó là việc đương nhiên, sao chồng tôi lại không hiểu cái lý đơn giản ấy. Là phụ nữ, chúng tôi cũng muốn được dỗi hờn, cũng muốn được nhẹ nhàng, cũng muốn được nâng niu, được thương yêu lắm chứ. Tại sao lại cứ đòi hỏi phụ nữ phải nhẫn nhịn trong khi hạnh phúc phải là do cả hai người cùng vun đắp?
"Gia đình chẳng là cái tổ ấm đâu anh ạ", khi mà có một ông hoàng và một con rối ở cùng với nhau. Tôi thấy mình như con rối, đang gồng mình diễn vai một phụ nữ thấp cổ bé họng, cam chịu cuộc sống này. Quả thật là tôi chưa đủ can đảm để rời xa anh, chưa đủ can đảm để dạy cho anh một bài học về cái giá của sự bất cần đời. Tôi vẫn giữ sĩ diện, bọc cho gia đình của mình một cái áo mà nhìn từ ngoài vào cũng nhiều người ghen tị.
Đêm, mưa, tâm trạng. Lúc này đây quả thực là tôi đang rất buồn, mệt mỏi và chán nản. Nhưng điều lạ là tôi đã không nhỏ một giọt nước mắt nào. Có lẽ, những tổn thương anh gây ra cho tôi là quá lớn hay nỗi thất vọng dâng ngập trong lòng đã làm tôi đông cứng, lẻ loi. Tôi bơ vơ đi giữa cuộc đời này, sáng dậy mắt cay cay vì thiếu ngủ, đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn, suy nghĩ miên man, mông lung. Tại sao, hạnh phúc với tôi lại xa xôi như vậy?
Không biết đến bao giờ, người như anh mới hiểu đuợc giá trị của cuộc sống này và yêu thương trân trọng mỗi giây phút chúng ta đuợc sống bên nhau? Không biết đến bao giờ, người như anh mới giam cầm được cái tôi to tướng của bản thân để nghĩ cho vợ, cho con? Không biết đến bao giờ người như anh mới thực sự đem lại hạnh phúc cho gia đình mình? Không biết tôi có đủ nhẹ nhàng, khéo léo, nghị lực, và tình yêu để đợi anh cho đến ngày đó? Giờ thì cứ tạm chấp nhận bị bỏ rơi như vậy sao?
Con trai tôi gần 2 tuổi, bé chính là niềm an ủi lớn nhất mà tôi có. Thật buồn khi chúng ta vừa yêu vừa căm ghét ai đó cùng một lúc. Tôi giận chồng mình, căm ghét anh, nhưng từ sâu thẳm trái tim, tôi vẫn muốn tìm lại cảm giác bình yên khi ở bên anh như ngày mới quen nhau. Con đường phía trước còn dài, mới đi được một đoạn cực ngắn mà đã kiệt sức rồi. Em mệt mỏi vì anh quá chồng à.
VnExpress - Tâm sự (tổng hợp hơn 5000 bài viết) VnExpress - Tâm sự (tổng hợp hơn 5000 bài viết) - VnExpress VnExpress - Tâm sự (tổng hợp hơn 5000 bài viết)