We have more possibilities available in each moment than we realize.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Nguyen Chi Hai
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2250 / 37
Cập nhật: 2018-02-01 09:48:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
hững ngày Tết buồn nhất đời Hằng rồi cũng qua. Lần đầu tiên một cái Tết không hề có bày biện, mua sắm. Chị bếp nghỉ từ chiều ba mươi cho đến hết ngày mồng một. Trưa ba mươi, bà Quang từ đâu đột nhiên về thăm nhà, nhưng lúc ấy chỉ còn mỗi chị bếp. Bà có mang về một nhánh mai và ít bánh mứt sắp trên bàn thờ, thắp mấy cây nhang rồi đi. Hằng về thì được chị bếp trao lại lá thư và một xấp tiền mới. Những dòng chữ viết vội vã, rối rắm:
Hằng,
Mẹ về thăm con nhưng không gặp. Lì xì con ít tiền. Mẹ mong năm nay con thi đậu và vẫn vui, khỏe. Mẹ nhớ con lắm. Hãy tha thứ cho mẹ. Mẹ hiện đang ở tại nhà dì Bích, số... Mẹ trông được con đến thăm mẹ lắm. Tha thứ cho mẹ đi con. Cho mẹ gởi lời thăm ba con. Mẹ
Hằng buông lá thư và xấp bạc xuống giường, ôm mặt khóc. Cô nằm bẹp luôn trên giường cho đến khuya, chẳng thiết gì ăn uống. Tiếng pháo nổ đì đùng đây đó chỉ càng làm cô thấy buồn chán. Minh thực hiện lời nói một cách quá lạnh lùng, gần như cắt đứt hẳn với cô, trong lớp có khi nhìn nhau còn tệ hơn người xa lạ. Bạn bè thì tốt thật, nhưng càng cận Tết thì chúng càng tíu tít với những chuyện gia đình. Hằng chỉ còn biết đi lang thang một mình, có khi vừa đi vừa chảy nước mắt.
Gần đến giao thừa thì ông Quang về. Những lúc gần đây, người ông sa sút thấy rõ. Cảnh gia đình tan nát, những cuộc chơi bê tha... chỉ là nguyên nhân phụ. Chính là ông đã dính phải một vài vụ tiêu cực đang bị phát hiện làm rõ. Lỗi lớn là ở sự chủ quan, tin người, nhưng sự tự dễ dãi với bản thân lâu ngày đã kéo ông ngày càng lún sâu vào vũng lầy sai phạm. Một cuộc thanh tra lớn đã diễn ra trong suốt tháng qua ở công ty, và một bản án đang lơ lửng treo trên đầu ông. Có lẽ người ta, theo đúng phong tục, đang chờ cho ngày Tết trôi qua êm ả và vui vẻ. Ông cũng đã thử đi thăm dò, vận động ở một vài nơi, nhưng khả năng thoát nạn hầu như không có. Tất nhiên, ông đã giấu, không cho Hằng biết. Bấy lâu nay, từ ngày vợ ông bỏ đi, ông và Hằng cũng không có lúc nào trò chuyện tâm tình như xưa. Một phần do ông không thích bước chân về nhà, đồng thời chính Hằng cũng muốn tránh ông. Cô có ở nhà thì cũng rúc lên phòng, khóa kín cửa. Mối quan hệ cha con dường như chỉ còn ở chỗ hằng tuần ông Quang giao cho con gái một xấp tiền đủ chi dùng trong nhà và cho riêng cô.
Hằng xuống mở cửa cho ba. Người ông nồng nặc mùi rượu. Pháo nổ rộ khắp nơi, mùi thuốc pháo ngập ngụa trong không khí. Ông Quang đưa đôi mắt mệt mỏi nhìn con. Tội nghiệp con bé. Lúc này nó cũng gầy sút hẳn. Không biết học hành như thế nào. Chẳng ai lo cho nó nữa. Và sắp tới thì... Ông Quang chợt thấy một niềm hối hận dâng lên ngập ứ. Rồi nó sẽ sống với ai? Có chịu đựng nổi không cảnh tuột dốc sắp tới của cái nhà này?
Hằng cũng nhìn ba, thương xót:
- Ba mệt lắm à?
- Ừ, ba hơi mệt.
Hai cha con đi vào nhà. Căn nhà trống trơn, lạnh ngắt.
- Con ở nhà một mình à? Chị bếp đâu rồi?
- Chị bếp nghỉ rồi. Sáng mồng Hai mới đi làm lại.
- Ai mua mai cắm trên bàn thờ vậy?
- Mẹ. Hồi chiều mẹ về, nhưng lúc đó không có con. Mẹ gởi lời thăm ba.
- Cảm ơn.
Ông Quang thấy lảo đảo, buông người ngồi xuống ghế xalông. Một ít bụi tung lên, điều mà trước đây không hề có. Hằng đi rót nước lạnh cho ba uống, rồi làm khăn nóng cho ba lau mặt, những động tác mà trước kia mẹ cô vẫn làm. Bỗng dưng không khí giao thừa làm cả hai thấy thương nhau, và, dù không ai nói ra, cùng thấy nhớ một người đã vắng mặt.
Điện thoại reo. Hằng đi đến nhấc máy. Tiếng Hạ vui vẻ vang lên:
- Alô! Hằng đó hả? Hạ đây!
- Gì đó?
- Năm mới năm me, chức mày vui vẻ, hết gặp chuyện rầu rĩ như năm cũ nghe. Mọi chuyện không hay đều biến hết, chịu chưa?
Hằng thấy thương bạn quá đỗi:
- Chịu! Còn mày thì được thêm được một đống thằng kết môđen nữa!
- Đồ quỷ! Ê, sáng mai ở nhà, tám giờ tao tới xông đất đó nghe chưa?
- Thôi, đàn bà con gái xông đất xui lắm!
Hạ cười khanh khách:
- Đừng lo. Có hai tên Long, Thiện nữa.
- Thấy chưa, tao biết mà, mày đi đâu là cũng có hai cục cưng đi theo.
- Mày ghen hả quỷ? Để tao nhường bớt cho.
- Thôi, cảm ơn. Ráng mà giữ cho hai tên đó đừng đánh nhau nghe em!
- Khỏi lo. Vậy thôi nhé. Mai tụi tao tới, rồi tụi mình kéo nhau qua nhỏ Hân, mụ Hoa, rồi đi Lăng Ông chơi. OK?
- OK!
Hằng gác máy, bồi hồi.
Ông Quang nhìn con:
- Bạn con à?
- Dạ. Tụi nó chúc Tết con và hẹn sáng mai tới đây chơi.
Ông Quang vẫn biết Hằng rất có uy tín với các bạn, và được bạn bè thương quý. Ông chợt nghĩ đến những ngày sắp tới, lúc gia đình này sụp đổ, thậm chí có thể ông sẽ bị vào tù, con gái của ông sẽ chịu những mất mát như thế nào? Làm sao nó có thể một mình đứng vững được ở cái tuổi mười chín khờ khạo này?
Bất chợt, ông buột miệng:
- Con nên đi thăm mẹ con.
Hằng ngạc nhiên nhìn ba. Ông uể oải đứng dậy:
- Đúng vậy. Con nên đi thăm mẹ trong những ngày này. Dù gì đi nữa, con cái bao giờ cũng nên tha thứ cho cha mẹ.
Rồi ông quay lưng, đi về phía cầu thang, lòng ngậm ngùi tự hỏi không biết rồi đây Hằng có tha thứ được cho ông?
*
* *
Sáng mùng Hai, như thông lệ, có khá nhiều học trò đến thăm Minh, kể cả những học trò cũ của mấy năm trước. Anh cũng đã nói rõ trong lớp là sẽ dành trọn buổi sáng này để đón tiếp học sinh, “các em tha hồ quậy và dọn sạch sẽ nhà thầy cũng được”.
Thế nhưng, cả nhóm 4H chỉ có mình Hân đến. Khoảng mười phút, đủ để chúc Tết. Long và Thiện đều không ghé. Minh bồn chồn chờ Hằng, nhưng đến chiều cô vẫn không xuất hiện. Mấy ngày trước Tết, cô có gởi cho Minh một thiệp chúc kèm vỏn vẹn hai dòng thư:
Em chịu không nổi tình trạng này.
Nhưng em sẽ cố gắng. Biết đến bao giờ?
Minh chỉ lặng người trong đôi phút. Anh cũng hết sức khó chịu, nhất là khi hàng ngày vẫn cứ có Hằng trước mắt anh, xinh đẹp và càng quyến rũ hơn nhờ vẻ u buồn khép kín. Những cảm giác tuyệt vời đã hưởng lại cồn cào đòi được lặp lại. Nhưng... Những gì cần làm thì phải làm. Minh vẫn là người có thể tự chiến thắng mình. Mọi thứ đều phải vào kế hoạch, nhất là với chuyện quan trọng sống chết này. Rút lui khỏi Cúc như thế nào để có thể sống với Hằng, là hai mệnh đề chưa chắc đã có sự tương quan, mà việc giải quyết cho được cái thứ nhất đã quá khó. Nhưng bỏ Hằng thì Minh lại tiếc. Khó lòng anh tìm được một người tình tuyệt vời như vậy. Tốt nhất, hãy ráng chờ thời, giữ được ngọn lửa tình yêu mà vẫn không làm ai có thể đặt vấn đề đạo đức của anh. Vài tháng nữa sẽ qua được cái “truông”dự bịnày, và qua cả cái tình huống thầy giáo - học trò luôn bị dòm ngó để ý kia.
Sau hơn một tuần không gặp, Minh đã cảm thấy nhớ Hằng quay quắt. Minh vốn không tin sự xa cách như ngọn gió mà tình yêu như đốm lửa, lửa lớn thì gió chỉ có thể làm cho nó càng bùng lên. Anh vẫn cho rằng sự gần gũi - cùng những âu yếm mặn nồng - mới chính là thức ăn của tình yêu. Không có nó, tình yêu sẽ chết.
Anh quyết định qua Tết sẽ cố gắng sắp xếp mỗi tháng gặp Hằng một lần. Sự im lặng và buồn chán rất nguy hiểm cho tình yêu của Hằng dành cho anh, bởi Hằng đến với anh vì tuyệt vọng và cô đơn. Anh rất hiểu chỉ nhờ một sự may mắn mà anh đã có được tình yêu đó, và bất cứ lúc nào cũng có thể mất nó.
Minh hi vọng mùng hai tết, Hằng sẽ đến. Một cái cớ tuyệt diệu. Và anh sẽ được thỏa phần nào nỗi nhớ nhung. Thế nhưng Hằng đã không đến. Hân thì không nói gì ngoài lời chúc Tết thầy. Chỉ ngồi cắn ít hạt dưa, lì xì cho con Bi, rồi về. Từ sáng, Cúc đã diện đẹp cho con. Và không hiểu cô ấy huấn luyện như thế nào mà khi đứa học trò nào của Minh đến Bi cũng lăng xăng chạy ra cười chào rồi đứng xớ rớ đâu đó. Cái ví đầm nó mang bên mình chưa gì đã căng phồng những đồng tiền mới. Đám học trò không giàu có gì nhưng cũng rất tế nhị. Và Minh không khỏi mắc cỡ trước sự hồn nhiên của con. Anh đã đi vào phòng trong nói nhỏ với Cúc là không nên như vậy, nhưng cô ta vẫn gạt phắt:
- Có bao nhiêu đâu mà anh sĩ diện!
- Chính vì không đáng là bao mà tôi mới thấy khó chịu...
- Khó chịu à? Vậy thì anh tìm nghề khác làm đi! Không thì đóng cửa lại, đừng tiếp đứa nào nữa. Tụi nó tới đây là dọn sạch cái Tết của nhà này rồi!
Minh thở dài, ngao ngán bước ra. Sự thiếu thốn hoặc dư thừa đều làm người ta dễ thay đổi, trong đó cái thay đổi vì thiếu thốn thật đáng xót xa. Cúc đã không còn là Cúc nữa, vậy thì làm sao anh không thay đổi được? Không phải Hằng thì cũng sẽ là một cô nào khác, không hôm nay thì cũng ngày mai.
Trong khi Minh bứt rứt đợi chờ, thì Hằng đã một mình đi tìm mẹ. Bà ở trọ tại nhà một người bạn. Hằng sợ mẹ đi vắng nên đến từ sáng sớm. Bà Bích vừa nhìn thấy Hằng đã hỏi ngay:
- Cháu Hằng đây phải không?
- Dạ.
- Giống hệt chị Hải Đường vậy đó. Mà còn xinh hơn nữa. Sao, giờ mới chịu đi tìm mẹ đó phải không? Mẹ cháu nhớ cháu lắm, cứ khóc hoài. - Rồi bà thở dài sườn sượt. - Tội nghiệp!
Hằng sốt ruột hỏi:
- Thưa dì, mẹ cháu có nhà không?
Bà Bích tiếc rẻ:
- Mười giờ sáng hôm qua, mẹ cháu đi lên nhà bà ngoại cháu ở Đà Lạt rồi. Gần suốt buổi sáng, mẹ cháu cứ đi lên đi xuống, chắc có lẽ mong cháu. Cuối cùng, mẹ cháu đi mà buồn lắm. Sao hôm qua cháu không tới?
Hằng không trả lời câu hỏi của bà Bích:
- Mẹ cháu đi với ai vậy dì?
Bà Bích nhìn sững Hằng:
- Đi một mình chứ với ai? Mẹ cháu nói sẽ ra đi xe du lịch tốc hành...
Rồi bà sốt sắng:
- À, cháu lên Đà Lạt đi. Mẹ cháu sẽ mừng lắm đó. Nếu cháu đi, dì sẽ đưa cháu về nhà lấy ít đồ đạc rồi ra bến xe.
Hằng thở dài:
- Thôi, cháu không đi đâu.
Cô quay về, mệt mỏi. Có một tiếng gọi vô hình nào đó đã thôi thúc cô đến đây, dù cô chẳng biết gặp mẹ, mình sẽ nói gì. Cả đêm qua, gần như cô không ngủ được. Chiếc giường rộng mênh mông, lạnh lẽo, gợi nhớ hơi ấm của Minh quá đỗi. Nhưng, lần đầu tiên, sau suốt một ngày đi chơi với bạn bè, đến nhà các bạn, Hằng chợt thấy nhớ mẹ, chợt thấy không thể tiếp tục với Minh nữa. Bản thân mình đang hư hỏng như thế này, sao mình không thể tha thứ cho mẹ? Cô nôn nao suốt đêm và sáng sớm vội vã thay quần áo đi ngay. Vậy mà bây giờ... Đi đâu nữa đây? Đến nhà Minh? Không, bỗng dưng Hằng thấy chán ngắt. Minh sẽ không bao giờ là của cô. Anh luôn nói yêu cô, và tình yêu của anh thật say đắm. Nhưng anh cũng có quá nhiều ràng buộc, không thể vượt qua. Đến nhà bạn bè? Tụi nó đã hẹn sáng nay đến nhà thầy Tùng. Đông lắm, và sẽ rất vui, nhưng mình sẽ chỉ càng buồn. Đi đâu? Đi đâu bây giờ?
*
* *
Cũng buổi sáng hôm đó, ở nhà thầy Tùng, không khí rất vui. Long, Thiện, Triệu, Hạ, Hoa và nhiều bạn nữa của các lớp 12 trong trường đều có mặt. Một lát sau, lại có Hân tới, sau khi cô đã ghé thăm thầy Minh cho đúng đạo. Chẳng ai trách Hân. Tính tình cô là đúng mực, vẹn tròn.
Đám học trò kéo nhau vô bếp, mỗi người một tay chuẩn bị bữa ăn trưa. Theo sự phân công, Hoa đem tới hai con gà và đồ nghề để làm gỏi, nấu cháo. Thiện và Long chơi luôn một cặp dưa hấu hạng A1. Triệu đốt liền một nồi pháo khai mạc. Một đám thì dụ mấy đứa con thầy Tùng gầy sòng bầu cua. Thầy Tùng chỉ biết ngồi lắc đầu, cười. Bánh, mứt, hột dưa... trong nhà, thầy và cô lôi ra cho bằng hết, rồi sung sướng ngồi nhìn đám học trò cũ thưởng thức rất tự nhiên. Căn nhà nhỏ chợt ồn ào còn hơn một cái chợ.
Sực nhớ, thầy Tùng hỏi:
- Ừ, Hằng đâu?
Hạ nhìn các bạn. Cả bọn đều đã biết sáng nay Hằng đi đâu. Khi nãy, lúc Hân vừa tới, Hạ đã lôi cô ra một góc, thì thầm hỏi có thấy Hằng ở nhà thầy Minh không, và yên tâm khi nghe câu trả lời của Hân. Hôm qua, cả bọn kéo nhau tới quậy ở từng nhà của mỗi đứa, đi Lăng Ông Bà Chiểu xin xăm, rồi kết thúc chương trình tại sòng xì dách kéo dài tới mười một giờ khuya ở nhà Hoa. Hằng đã cho các bạn nhóm 4H biết hôm nay cô sẽ đi thăm mẹ, và có thể đến nhà thầy Tùng vào buổi trưa, hoặc muộn hơn. Cả bọn rất mừng khi biết Hằng đã tha thứ cho mẹ. Rõ ràng từ khi không có mẹ bên cạnh, Hằng đã không tự đứng vững được trong cuộc sống. Không ai có thể thay thế được người mẹ trong việc chăm sóc con cái. Có lỗi gì đi nữa thì cũng không ai có thể thương Hằng hơn bà Quang.
Hạ trả lời thầy:
- Dạ, nhỏ Hằng bận việc, chút nữa nó sẽ tới.
- Vậy à? Hôm nọ, thầy thấy Hằng đi ngoài đường, định gọi nhưng không kịp. Lúc này Hằng gầy đi nhiều, chắc có lẽ tại nó học dữ quá. Không nên, các em ạ. Người biết cách học thì lúc nào cũng khỏe khoắn, lại tiếp thu được nhiều. Thầy đã chỉ các em rồi mà.
Cả bọn chỉ nhìn nhau, im thin thít. Nếu thầy Tùng biết được mấy lúc này Hằng học bết bát như thế nào! Hạ, Hân, rồi Hoa, gần đây thường kéo tới nhà Hằng học bài chung. Cả bọn buồn nhiều khi thấy Hằng học sút hẳn. Cái chính là gần như cô đã mất ý chí muốn học. Nhờ khá thông minh nên Hằng vẫn còn theo kịp bạn bè ở một số môn, thế nhưng những người bạn thân của cô đều biết giờ đây cô không hơn nổi một học sinh trung bình trong lớp, và nếu Hằng không tăng tốc trong học tập thì rồi cả lớp sẽ chứng kiến một sự suy sụp của cô Hằng lớp trưởng trong học kì hai.
Chính vì biết vậy mà Hạ đã quyết định đến sống hẳn với Hằng để giúp bạn. Cô chỉ gặp một điều bất tiện duy nhất: sự không hài lòng của gia đình. Không phải về phía Hằng. Ba má Hạ biết khá rõ về vị trí xã hội của gia đình Hằng. Họ yên tâm khi thấy Hạ chơi thân với Hằng. Nghe Hạ nói ba má Hằng chia tay, giờ đây gần như Hằng ở một mình và rất buồn, không muốn học hành gì nữa, rất cần sự có mặt của bạn bè bên cạnh, ba má Hạ vẫn thấy không có gì đáng lo âu. Điều làm họ không hề dám lơi lỏng với Hạ xuất hiện từ một phía khác. Cha mẹ nào cũng phải lo khi con gái bước vào tuổi mười tám, nhất là khi con gái họ đẹp và gia đình họ có một địa vị cao trong xã hội.
Sự xuất hiện đôi lần của Long, một vài câu nói hớ của Hạ, tất cả không qua được đôi mắt cảnh giác của mẹ Hạ. Bà âm thầm tìm hiểu về gia đình Long và khi đã biết, bà thấy không thể không ngăn chặn từ xa mọi khả năng phát sinh. Việc Hạ xin được đến học với Hằng tạo nên những khả năng ngoài sự kiểm soát của bà. Chính vì vậy mà bà đã không đồng ý cho Hạ đến học ở nhà Hằng:
- Gia đình người ta đang lộn xộn như vậy, con không nên tới làm gì. Vả lại, con phải nhớ con là con gái lớn rồi, đi đứng phải thật cẩn thận, dè chừng.
Hạ phải nói mãi, và nhờ đến cả Hân hứa luôn cùng học, cuối cùng mẹ cô mới đồng ý cho cô đến nhà Hằng mỗi tối, nhưng đến chín giờ là phải về. Với một điều kiện: chỉ là bạn gái học với nhau. Bà nói với Hân, trước mặt Hạ:
- Các con lớn rồi, chuyện bạn trai bạn gái phải để ý giữ gìn, không nên tự nhiên như hồi ở mấy lớp nhỏ. Nhất là các con còn phải học hành bốn, năm năm nữa.
Hân cho rằng những lời dặn dò ấy hoàn toàn là điều bình thường, trong khi Hạ thầm hiểu sự lo âu của mẹ xuất phát từ đâu. Với Thiện, thái độ của bà khác hẳn như đối với Long. Có thể vì bà thấy Hạ không dành cho Thiện một sự đặc biệt nào, nhưng cái chính là bà biết tầm cỡ gốc gác của Thiện. Hiểu ý mẹ, Hạ chỉ thêm buồn. Hạ biết nếu có một điều gì khác giữa Hạ với Long, thì không hi vọng gì họ sẽ vượt qua được những trở ngại. Mà cô thì...
Tình yêu là một con vật bướng bỉnh. Càng bị kiềm chế, đè nén, ngăn cản, nó càng có xu hướng phát triển. Không hiểu sao, Hạ cứ nghĩ về Long, nhất là mỗi buổi tối khi lên giường và buổi sáng khi thức dậy. Với buổi tối, có lẽ mình đã đi ngủ trước Long. Giờ này, chắc Long còn đang cố giải thêm một bài đại số. Với buổi sáng, chắc là Long đã thức dậy và đang tập thể dục. Long đã nói một ngày sẽ đẹp hơn nếu được bắt đầu bằng một bài thể dục. Mình cũng phải tập thể dục đua với Long chứ. Và thế là Hạ choàng dậy, chạy đến mở tung cửa sổ và bắt đầu khoan khoái hít, thở.
Đêm Noel, cái đêm đáng nhớ đã làm thay đổi cả cuộc đời Hằng, thì với Hạ, cũng phần nào làm tăng hương vị của thứ tình bạn đã bắt đầu chớm chuyển sang một nồng độ đậm đà hơn. Thất bại trong việc lôi kéo Hằng cùng đi chơi trong đêm Noel, cuộc vui dự định của nhóm 4H gần như tan rã. Hoa phải lo ở nhà dự lễ với gia đình. Hân thì không thích các đám đông náo nhiệt trên đường phố. Thế là chỉ còn có Hạ. Long rủ, và Hạ nhận lời đi với bạn đến Nhà văn hóa Thanh Niên xem ca nhạc. Họ ngồi bên nhau, nói chuyện rất ít, chỉ thỉnh thoảng mới bắt gặp đang lén nhìn nhau, và vậy là đã đủ vui. Tan xuất, trong dòng người lũ lượt, họ đi bộ qua nhà thờ Đức Bà, tóc Hạ lấp lánh bụi confetti của những tay tinh nghịch ném lên, thỉnh thoảng cô nép mình vào Long, né những cái kèn giấy được những đám bát nháo đội mũ dán bằng vỏ tút thuốc lá và mang mũi giả bằng nhựa thổi thẳng vào mặt. Rồi họ ra đường Đồng Khởi, tìm đến một quán kem. Khi lại ngồi bên nhau, bất giác Long đưa tay lên gỡ một vài mảnh hoa giấy li ti còn vướng trên tóc Hạ. Tay Long run thấy mà thương. Hạ cười và lúc lắc đầu:
- Thôi, mất công Long lắm, kệ nó, để Hạ về, lấy lược chải một cái là xong.
Chỉ có vậy, và đến lúc dứt điểm xong hai ly kem Long mới nói được một lời:
- Sau này, mình vẫn là bạn chứ Hạ.
Hạ tròn mắt:
- Hỏi gì kì vậy?
Mắt Long nhìn Hạ bằng một cái nhìn không sao chịu nổi:
- Long chỉ sợ điều đó sẽ không sao giữ được.
- Nói bậy! Có sợ là sợ Long. Mai mốt học giỏi, làm lớn, rồi quên bạn bè.
Mặt Long buồn hiu:
- Long sẽ không bao giờ được làm lớn đâu. Và rồi Hạ sẽ là người quên Long.
Hạ chợt thò tay nắm lấy tay Long:
- Long đừng nói vậy.
- Mình sẽ mãi mãi là bạn phải không?
- Phải. Móc ngoéo đi cho tin nè!
Hai đứa đưa hai ngón trỏ ra móc vào nhau, rồi cùng cười. Hạ có nụ cười thật xinh, với cánh môi trên hơi cong lên, khoe mấy chiếc răng khểnh và hai lúm đồng tiền. Long thở dài:
- Long sẽ không bao giờ quên cái móc ngoéo này.
Đêm đó, về, Hạ ngồi chơi với cả nhà một lúc, rồi điện thoại cho Hằng. Cô mừng vì thấy Hằng đã về. Không ngờ ngay khi cô vừa buông máy, thì Minh đến...
Từ sau đêm đó, Hạ và Long cùng biết giữa họ đã có một điều gì thật mới mẻ, nhưng cả hai đều không dám nhìn, không dám nghĩ về điều đó. Cả hai cùng cố kềm giữ trái tim non tơ của mình, nhưng những trái tim non tơ cũng chính là những trái tim có nhịp đập mạnh mẽ nhất. Sáng nào Hạ cũng nôn nao đến trường. Chỉ để nhìn thấy mặt Long. Sau mấy lần tình cờ gặp Long trên đường đi, ở một ngã tư gần nhà, Hạ mới hiểu ra chính Long đã đi sớm và đến đợi mình ở chỗ ấy. Và tan trường về, thỉnh thoảng họ cũng đạp xe bên nhau đến ngã tư ấy mới chia tay. Thỉnh thoảng, vì dù sao cũng phải sợ những cái “loa phóng thanh” trong lớp.
Hôm qua, sáng mùng một, nhà Hằng được chọn làm tụ điểm đầu tiên, nhưng Long lại có hẹn riêng với Hạ sẽ đến chúc Tết Hạ trước rồi hai đứa sẽ cùng qua nhà Hằng. Đúng giờ hẹn, Long vừa bấm chuông thì cánh cổng đã lập tức mở ra. Ngay sau cổng là Hạ, đẹp rực rỡ trong chiếc áo dài đỏ tươi có thêu vài bông hoa trắng trước ngực. Làm điệu một chút, cô đeo bông tai và xâu chuỗi bẹt cùng màu trắng, tay lại cầm một nhánh mai vàng, đang đón Long với một nụ cười xinh xắn. Cũng cánh môi cong, chiếc răng khểnh, nhưng trước Long bây giờ là một Hạ người lớn quá, xinh đẹp quá! Long nhìn Hạ trân trối, như muốn thu thật trọn vẹn hình ảnh sống động trước mắt mình vào cuộn phim ký ức. Từ phút giây ấy, Long hiểu cuộc đời mình rồi đây sẽ không còn ý nghĩa gì nếu không được có cô gái mặc áo dài đỏ kia hiện diện bên cạnh.
Lúc đi Lăng Ông, đám con gái mỗi tên đều xin thẻ xăm. Hoa cười ré lên khi ra đến ngoài sân, đứng sau lưng đọc lén lá xăm số 65 của Hân: “Có nghén con gái thì khi đẻ có dục dặc một chút, nhưng đẻ con gái thì mạnh giỏi vuông tròn, đến ngày Dần ngày Tỵ mà đẻ thì bình yên vô sự.” Mặt Hân đỏ như gấc. Cô quay qua đấm thùm thụp lên lưng bạn:
- Đồ quỷ sứ!
Hoa vùng ra, la ầm ĩ:
- Ê, đang có nghén đừng cử động mạnh nghe.
Trong khi đó, Hạ ra đứng ở một góc, bỗng dưng thấy buồn vi lá xăm số 35 của minh: “Bởi vì có chuyện ngăn trở đằng trước, cho nên mình chẳng nên dun dủì mà làm gì, cứ thủ thường định dưỡng cái thâm tâm của mình, rồi sẽ đặng an lành mọi việc.” Một lá xăm rất xấu về mọi mặt. Thấy Hạ buồn hiu, Long an ủi:
- Xin chơi cho vui chứ trúng trật gì mà Hạ buồn.
Hạ lắc đầu nhè nhẹ:
- Hạ cũng biết vậy. Có lẽ là sự ngẫu nhiên thôi, nhưng dường như lá xăm này lại rất đúng với điều Hạ đang lo nghĩ.
Hạ không thể kể cho Long nghe về một chuyện ngẫu nhiên khác. Khi mất tự tin, người ta thường tìm đến những điều mê tín. Cô đã thử chơi trò bói tên MACHISTAPO. Hoàng Lê Thúy Hạ và Nguyễn Bảo Long. Gạch bỏ hết những căp mẫu tự trùng nhau giữa hai tên, cô còn lại tất cả mười mẫu tự. Con số mười tương tự với đúng vị trí cuối cùng là chữ O: Oublier. Tại sao lại không được dù chỉ một số tám Amitié? Một tình bạn cũng không được! Sao lại tàn nhẫn vậy? Oublier. Sẽ đi vào quên lãng. Rồi ai sẽ quên lãng ai? Vì sao?
Hạ ngập ngừng tiếp:
- Mà... Long có tin là tất cả mọi chuyện đều có số mệnh cả không?
- Cũng có phần nào, vì nếu không, sẽ không thể giải thích được nhiều chuyện. Nhưng Long cũng tin là mỗi người, với tất cả cố gắng, đều có thể xoay chuyển được ít nhiều số phận của mình.
- Hạ cũng nghĩ vậy.
Long ơi, Hạ cũng nghĩ vậy, và con người đúng là chỉ sống được với niềm hi vọng có thể vượt qua được hoàn cảnh, nhưng liệu rồi chúng ta sẽ làm được gì không, trước những rào cản sắp tới? Long đừng nhìn Hạ nữa. Hạ đã đọc thấy trong mắt Long nỗi lo âu tương tự. Đừng nhìn Hạ với cái-nhìn-sẽ-mất-nhau như vậy. Chúng ta sẽ xoay chuyển được số phận kia mà, phải không Long?
Vĩnh Biệt Mùa Hè Vĩnh Biệt Mùa Hè - Nguyễn Đông Thức Vĩnh Biệt Mùa Hè