Americans like fat books and thin women.

Russell Baker

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Nguyen Chi Hai
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2250 / 37
Cập nhật: 2018-02-01 09:48:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
huyện thật bất ngờ là nhóm 4H có đến ba người cùng được bầu vào ban cán sự lớp. Hạ tiếp tục làm bí thư chi đoàn. Hân làm lớp phó lao động, thay Toàn. Còn Hằng? Trung, lớp trưởng năm ngoái, có phần bị anh em mất tin tưởng vì điều hành lớp quá kém. Khi không ai chịu xung phong làm lớp trưởng, bỗng thầy Minh gợi ý:
- Hằng làm lớp trưởng được không? Các em thấy sao?
Cả lớp ồn ào hẳn lên. Thật không ai ngờ, nhưng… cũng có lý lắm. Hằng học giỏi, tự tin, lại xinh đẹp. Cô nói các bạn - nhất là các bạn nam - thường dễ nghe theo. Hằng từ chối nhưng không thoát. Gần như cả lớp cùng nhất trí với gợi ý của Minh.
Lớp phó học tập không ai khác hơn Long. Ba năm liền, chức vụ này luôn thuộc về Long. Đó cũng là chàng trai học giỏi nhất trường, niềm tự hào của cả lớp. Bằng tuổi các bạn, nhưng trông Long có vẻ gì đó “người lớn” hơn. Có lẽ Long là con trai cả, dưới còn có hai đứa em, và một thời gian dài đã là “người đàn ông” lớn nhất trong một gia đình có cuộc sống khá chật vật. Anh học hành rất nghiêm túc và nổi tiếng là người chặt chẽ về giờ giấc.
Những đức tính đó, có lẽ do Long chịu ảnh hưởng từ ba. Ông Phước, ba Long, là một thiếu tá làm việc ở Bộ Tổng tham mưu quân đội chế độ cũ. Mặc dù ngày giải phóng Long chỉ mới tám tuổi, nhưng nề nếp sinh hoạt trong gia đình, anh đã được ba rèn từ nhỏ. Ông Phước ra khỏi nhà là, quân phục ủi hồ cứng pli, giày da bóng lộn. Mọi thứ trong nhà ông ngăn nắp đến mức có thể nhắm mắt đi tìm đúng chỗ của từng món. Tám năm đi học tập cải tạo trở về, dường như ông càng trật tự và ngăn nắp hơn. Một trong những điều ông thường dạy Long là: muốn làm được việc, phải có nghị lực. Mà một trong những phương thức để rèn nghị lực, chính là tạo cho mình một thói quen tự giác tuân thủ những nguyên tắc, kỷ luật… đã đặt ra. Ông Phước cũng dạy Long những nguyên tắc sống mà ông cho là có ích trong mọi chế độ. Đó là hằng ngày phải rèn luyện thân thể. Là sống điều độ. Là luôn khiêm tốn và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Là không dối trá và luôn giữ đúng lời hứa. Là biết tự chủ trong mọi tình huống. Là tự trọng và tôn trọng mọi người… Có lẽ nhờ những nguyên tắc sống ấy mà Long luôn được thầy cô và bạn bè tin cậy, thương mến.
Ngày ba ở trại cải tạo về, Long ngỡ ngàng thấy dường như ông còn khỏe mạnh hơn trước. Ông nặng cân hơn, da thịt đỏ au, rắn chắc. Có lần, từ trại cải tạo, ông đã viết cho Long: “Nghị lực làm con người dễ thích ứng với mọi tình huống, hoàn cảnh, dù xấu nhất. Con nói mẹ đừng lo cho ba, hãy tập trung sức lo cho các con. Ở đây, ba vẫn sống được. Mẹ và các con cứ yên tâm…”. Vâng, với một nghị lực đáng kể, Long đã vượt qua những khó khăn thiếu thốn của gia đình, phấn đấu trở thành một học sinh giỏi toàn diện. Việc anh được tiếp tục bầu làm lớp phó học tập là một điều không có gì đáng ngạc nhiên.
Một bất ngờ khác cũng xảy ra trong giờ sinh hoạt đầu tiên để bầu ban cán sự lớp. Đến lượt bình chọn lớp phó kỉ luật, chức vụ chẳng mấy ai thích nhận, thì Ngôn đứng lên:
- Tôi xin đề nghị bạn Thiện, vừa chuyển về lớp chúng ta. Bạn Thiện làm lớp phó kỷ luật là đúng rồi, vì… ba của bạn là đại tá công an.
Cả lớp cười một cái ào, trong khi mặt Thiện đỏ bừng lên. Tất nhiên động cơ khiến Ngôn giới thiệu Thiện cũng không có gì lạ: nhóm Bốn Mùa quyết tâm kết nạp Thiện vào băng cho bằng được. Thiện mà được làm lớp phó kỉ luật thì thật tiện lợi cho cả nhóm.
Long dè dặt:
- Tôi chỉ hơi ngại bạn Thiện mới về chưa nắm bắt hết tình hình trong lớp chúng ta. Nhưng nếu chúng ta chọn bạn Thiện, chắc chắn không phải vì ba bạn ấy là công an.
Minh ủng hộ Thiện. Có những con người mình vừa gặp là đã cảm thấy có một tính cách chắc chắn, tin cậy được. Thiện là một người như vậy. Chín năm đi dạy và kể cả nhiều năm đi học của mình, Minh thấy có một điểm gần như là xu hướng chung của giới học trò: những tay ngổ nghịch lại thường được chọn làm trật tự, kỷ luật. Trong một số trường hợp, các em này khi được giao nhiệm vụ, lại trở nên đứng đắn hơn, đồng thời, vốn từng là dân quậy phá, em lại dễ nói chuyện phải trái với các bạn “đồng sự” hơn. Nhưng Minh không thích phương pháp ấy. Nó có vẻ may rủi, không phù hợp với tính cẩn thận của anh. Anh vẫn thích chọn vào chức vụ đó những học sinh nghiêm túc và quan trọng nhất, là có uy. Chỉ mới tiếp xúc, Minh đã có một nhận xét khá sơ bộ về Thiện: con cán bộ công an cao cấp, nhưng có lẽ đã được sự giáo dục tốt ở gia đình. Rất lễ phép, chững chạc, có một vẻ gì đó rất… công an.
Thiện thoái thác nhiệm vụ, nhưng khi thấy cả lớp quyết tâm chọn, đành đứng lên nói:
- Tôi không ngờ vừa về đây đã được các bạn tin cậy giao nhiệm vụ. Tôi chỉ có thể làm được việc này với sự giúp đỡ của thầy cô và tất cả các bạn. Mong các bạn sẽ giúp tôi để chúng ta cùng phấn đấu xây dựng một lớp học tiên tiến.
Cả lớp vỗ tay ầm ĩ. Minh nheo mắt nhìn Thiện. Đúng là đầy tương lai làm lãnh đạo!
Cũng trong giờ sinh hoạt đầu tiên ấy, Minh công bố sơ đồ lớp do anh sắp xếp. Lúc đầu, anh để các học sinh tự chọn chỗ ngồi để anh quan sát xu hướng và tiếp tục điều chỉnh bản sơ đồ mà mình đã dự tính. Có những trường hợp ngồi gần nhau là tốt, vừa thuận lợi cho việc duy trì lớp lại vừa có lợi cho bản thân người học sinh, nhưng cũng có những trường hợp nhất thiết phải điều chỉnh. Thí dụ như băng Bốn Mùa. Cả năm chàng cùng kéo nhau xuống ngồi ở dãy bàn chót. Cô Anh đã lưu ý Minh về cái “xóm nhà lá” này.
Chỉ có mình Ngôn được giữ lại ngồi bên Thiện ở bàn cuối dãy giữa. Với vị trí này, Thiện sẽ quan sát được cả lớp. Cho Thiện ngồi bên Ngôn, Minh thầm mong Thiện sẽ cải hóa được cậu trưởng nhóm này, và nhờ vậy, sẽ tác động được đến cả nhóm. Ngôn có vẻ mãn nguyện. Trong lúc đó, Đức, Hiển, Tùng có vẻ bất mãn ra mặt, vì bị xé lẻ lên ngồi ở các bàn phía trên của ba dãy. Thắng thì lọt thỏm vào khu giữa lớp.
Tùng khiếu nại:
- Xin thầy cho em được ngồi ở bàn chót, vì em bị… viễn thị.
Minh bình tĩnh:
- Nếu em có giấy xác nhận của bất kì một bác sĩ chuyên khoa mắt nào thì thầy sẽ giải quyết.
Nhóm 4H cũng bị chia cắt. Hân ngồi bàn đầu của dãy một, bên Đức. Hoa ngồi bàn thứ hai, dãy ba. Còn Hằng, Hạ ngồi ở trung tâm lớp. Long và Hạ ngồi cùng một bàn, ở dãy giữa. Hằng ở một đầu bàn dãy một. Như vậy là Long ngồi giữa hai người. Trừ lớp phó kỉ luật, Minh vẫn thích giữ bộ máy cán sự lớp ở vị trí trái tim của lớp. Anh hoàn toàn không hay biết một điều, mà chính cô Anh cũng không biết: giữa Long và Hạ đã nảy sinh một điều, rất riêng. Cô Anh không biết cũng là lẽ tất nhiên. Bí thư chi đoàn Hạ và lớp phó học tập Long quả tình có thân nhau qua sinh hoạt, học tập hằng ngày, nhưng sự thân tình ấy chưa có biểu hiện gì khác mối quan hệ với các bạn khác trong lớp. Cái điều mới mẻ rất riêng ấy chỉ mới xảy ra trong những ngày hè…
Hôm ấy, một sáng Chủ nhật.
Hạ đi cắt tóc. Cô diện một bộ cánh thật tươi trẻ: áo mô-đen màu đỏ, kiểu rất mới, tay lỡ. Quần jean lông chuột bó sát, mắt đeo kính mát rộng bản. Rất xinh đẹp và cũng khác hẳn cô học trò Thúy Hạ trong những ngày đến lớp. Lúc đi, Hạ được theo xe ba. Về, cô ngoắc một chiếc xích-lô vừa trờ tới. Chỉ đến khi chiếc xe dừng lại thì Hạ và người đạp xích-lô đội nón lụp xụp mới nhận ra nhau. Anh ta chính là Long.
Trong khi Hạ còn đang đứng tròn xoe mắt thì thật bất ngờ, Long đạp xe chạy vụt đi. Hạ bước theo mấy bước, gọi tên Long, nhưng vô ích. Anh rẽ ngay ở ngã tư trước mặt và mất hút, bỏ lại Hạ đứng ngẩn ngơ trên lề đường. Hầu như suốt ngày hôm đó, Hạ cảm thấy ray rứt không nguôi. Đúng, cô đã biết hoàn cảnh gia đình Long có nhiều khó khăn. Trong thời gian ba Long đi học tập cải tạo, ở nhà mẹ của anh đã phải bán lần hồi từng món đồ dùng trong gia đình để nuôi ba đứa con ăn học và thăm nuôi, tiếp tế cho chồng. Long là con trai đầu lòng, chắc chắn anh phải chia sẻ gánh nặng với mẹ. Nhưng Hạ cũng biết ba Long đã về, cách đây hai năm, trước cả lúc Hạ quen Long vào năm lớp mười. Long học giỏi như vậy, Hạ vẫn nghĩ chắc là Long phải để hết thời gian vào việc học. Thật không dè… Hạ âm thầm xót xa, thương bạn, khi nhớ tới hình ảnh sau cùng của Long vào buổi sáng là cái lưng áo anh có một miếng vá lớn.
Bữa cơm trưa, rồi bữa cơm chiều, thấy Hạ ăn uể oải, mặt lo nghĩ, mẹ cô gắt:
- Con nhỏ này hôm nay sao lạ vậy? Có ốm đau gì không?
- Thưa mẹ, không.
- Vậy sao con ăn uống uể oải vậy?
Anh Vũ xen vào:
- Chắc nhỏ Hạ muốn giữ eo đó mẹ. Nghỉ hè, eo hắn bự lên gần bằng eo biển Đài Loan rồi đó.
Hạ nguýt anh:
- Còn lâu. Eo em còn thua xa eo cô bồ anh.
- Ê, chưa gì đã khai rồi. Anh có bồ hồi nào?
- Thì cái cô em thấy anh chở hoài đó. Tám chục kí là ít!
Ba mẹ Hạ cùng bật cười. Hạ cố pha trò chọc anh Vũ để ba mẹ cùng yên tâm về mình, vì cô vẫn thường tạo không khí náo nhiệt trong những bữa ăn gia đình. Thật ra, cuộc gặp gỡ bất ngờ sáng nay với Long vẫn còn gây chấn động trong cô.
Sau bữa cơm, Hạ ngồi ở xa-lông, nghe nhạc. Nhóm Modern Talking, rồi giọng ca của Lobo, đều không xua tan được cơn phiền muộn trong cô. Hạ cứ nghĩ tới Long. Chắc Long đang khó nghĩ lắm. Cô có nên đi tìm Long để nói cho ban biết rằng cô luôn quý bạn, và càng quý hơn bất cứ việc gì bạn phải làm để giúp đỡ gia đình?
Đúng lúc đó, Hạ nghe có tiếng chuông cửa. Rồi người giúp việc cho biết có một người bạn của Hạ đến tìm, tên Long. Hạ vội chạy ra mở cửa. Long đứng bên chiếc xe đạp, vẻ ngượng ngập:
- Mình tới xin lỗi về việc sáng nay gặp Hạ mà lại bất lịch sự, bỏ chạy. Hạ thông cảm cho mình. Lẽ ra không có gì đáng để xấu hổ.
Hạ mở rộng cửa:
- Long vào nhà chơi. Nói thật, Hạ đang định tới thăm Long đó.
Ly nước mát lạnh. Những trái nhãn cũng lạnh và ngọt lịm chân răng. Căn phòng khách với ánh đèn vàng ấm cúng. Chiếc ghế xa-lông êm ái. Hạ thay một cuộn băng Clayderman và vặn nhạc thật nhỏ. Họ ngồi im lặng và cảm thấy thật dễ chịu. Bất chợt Long cảm thấy buồn, khi nhớ lại trước kia nhà mình cũng có đủ cả những thứ tiện nghi này. Honda, tivi, pick-up, tủ lạnh… Tám năm, mẹ Long chỉ còn giữ lại được một chiếc tivi, vì tội nghiệp ba anh em Long không có gì giải trí. Bà bươn chải với nhiều loại việc khác nhau và cuối cùng dừng lại ở một tủ thuốc lá nhỏ trong khu vực gần một bến xe lớn, cho đến ngày ba Long trở về.
Long vẫn biết Hạ, cũng như Hằng, là con một gia đình cán bộ có cỡ. Bà Nga, mẹ của Hạ, nằm trong ban giám hiệu trường Đại học Y dược. Ba Hạ là bác sĩ có chức vụ cao ở một bệnh viện. Cuộc sống của họ, so với những ngày đầu mới về thành phố, ngày càng phong lưu, đầy đủ hơn. Cho đến ngày Hạ quen Long năm mười sáu tuổi, thì hầu như cuộc sống trong gia đình cô không còn phải lo lắng một điều gì. Hạ không thể hiểu tất cả những cái có được ấy đều do vị trí quyền lực của cha mẹ mình. Cô hoàn toàn không thắc mắc vì đâu gia đình mình sống đầy đủ như vậy.
Điều làm Long quý Hạ là cô sống với bạn bè rất tốt, không chút kiêu căng, hợm hĩnh. Họ còn phục nhau ở tài năng: Hạ chỉ kém Long môn Toán, trong khi sắc sảo hơn anh về môn Văn. Cô phụ trách tờ báo tường của lớp, đồng thời còn tập tễnh viết văn, nên được bạn bè trêu là “nhà văn nữ đang lên và sắp xuống”. Năm lớp mười, Hạ từng được chọn đi thi học sinh giỏi Văn toàn thành phố, và đứng thứ nhì. Cô rất nhạy cảm và tinh tế trong việc nhận xét một con người.
Hạ nhận ra ngay là Long đang buồn. Cô lại nghĩ anh buồn vì mặc cảm về hoàn cảnh của mình. Làm sao xóa được mặc cảm ấy cho bạn? Hạ nghĩ, cách tốt nhất là hãy nói thẳng về chuyện ấy một cách bình thường, tự nhiên nhất:
- Long đạp xe như vậy, mệt lắm không?
Long hơi ngập ngừng một chút:
- Cũng hơi mệt. Nhưng… Long ít đạp lắm. Thỉnh thoảng chỉ Chủ nhật… Chiếc xe ấy là của ba Long. Ba mướn xe đạp để kiếm thêm tiền tiêu trong nhà, trong khi chờ tìm được việc khác hợp khả năng hơn. Mấy hôm nay ba bị bệnh nên Long phải đạp…
Hạ nhìn Long bằng ánh mắt thật dịu dàng:
- Có gì đâu mà Long lại mặc cảm với Hạ? Chuyện đó cho thấy Long càng đáng quý thôi. Hạ mà có trách là trách Long một điều…
- Điều gì?
- Chả lẽ Hạ không đáng được Long chở đi chơi bằng xích-lô một chuyến hay sao? Rồi mình ngừng xe lại ăn bò bía ở gần chùa Xá Lợi, cho bà con lé mắt chơi!
Cả hai cùng cười khúc khích.
- Dám đi không? – Long hỏi.
- Sao lại không?
- Vậy chiều mai nhé?
- Ừ, chiều mai,
- Long đợi Hạ ở đầu đường nghe.
- Ừ.
- Mấy giờ?
- Ba giờ đi.
- Rồi!
Long về rồi, Hạ mới thấy ân hận. Có phải mình đã đùa với mặc cảm của bạn mình không? Vậy rõ ràng mình chẳng hề tôn trọng bạn. Có thể trong lúc hào hứng, Long chẳng nghĩ ngợi gì, nhưng rồi sau đó… Hạ thấy không khéo mình lại vô tình làm bạn cảm thấy nặng nề thêm. Đêm ấy, Hạ cứ trằn trọc mãi. Đến gần sáng, cô mới chợp mắt được. Trong giấc ngủ, Hạ thấy mình đi tìm Long, nhưng Long cứ trốn chạy, với đôi mắt buồn buồn nhìn cô. Họ rượt nhau trên những con đường trải đầy sách, cuối cùng thì Hạ cũng bắt được Long, nhưng khi anh quay lại thì đó là Ngôn, với nụ cười nhăn nhở thường lệ. Hạ choàng dậy thở hổn hển, mồ hôi ướt cả áo.
Sáng sớm, mới sáu giờ, Hạ lén ba mẹ đạp xe đến nhà Long. Long ở trong một khu cư xá, căn nhà không lớn nhưng có một khoảnh sân khá thoáng phía trước, với một vài chậu cây kiểng làm cảnh. Đứng ngoài cổng, Hạ nhìn thấy Long đang tập thể dục trong sân. Long ở trần, mặc quần đùi, phô thân hình cân đối, khỏe mạnh. Anh ngạc nhiên khi nhìn thấy Hạ, và đi ra, định mở cổng. Hạ ngăn lại:
- Thôi Long đừng mở cổng. Hạ nói chút thôi. Đi liền.
- Chuyện gì vậy?
- Hạ đến để… xin lỗi Long.
- Sao vậy? - Long kêu lên.
Hạ im lặng. Long thở dài:
- Chiều nay không đi được à?
Đôi mắt Long buồn buồn nhìn Hạ. Hạ cúi mặt:
- Không phải. Mà vì nghĩ mình làm vậy kì cục quá. Không giống ai, mà cũng không hay cho Long. Rủi bạn bè thấy, tụi nó cười chết…
Liếc mắt thấy Long xịu mặt, Hạ nói nhanh:
- Tốt nhất chiều nay mình cứ đi chơi với nhau bình thường được không? Thay vì đi xe của Long, Hạ sẽ mượn xe tới rủ Long đi…
Mặt Long tươi tỉnh trở lại:
- Ừ. Cứ ba giờ nhé?
- Thôi, năm giờ đi, cho trời mát đã. Với lại lúc đó anh Vũ mới về.
Hạ đi về, lòng nhẹ nhàng vì mình đã mang lại niềm vui cho bạn.
Buổi chiều, trời dịu mát sau một cơn mưa nhỏ. Hạ xin phép mẹ đi ăn sinh nhật nhỏ bạn, rồi mượn chiếc Cub 78 của anh Vũ, nói để lấy le với bạn một buổi. Chỉ cần hứa bữa nào sinh nhật anh, Hạ sẽ rủ Hằng tới, là anh cho mượn ngay. Thế là Hạ vù xe tới nhà Long tức khắc.
- Mình đi đâu đây Hạ?
- Tới nhỏ Hằng chơi đi. Lâu quá Hạ không gặp. Rủ nó đi chơi luôn. Hôm nay Hạ có giấy phép tới tám giờ lận đó.
Hạ nhường tay lái cho Long. Đôi bạn nhanh chóng hòa vào dòng xe cộ trên đường phố. Hạ diện giản dị mà đẹp: áo pull vàng và một chiếc jean nhung đen. Long vẫn chơi “môđen học sinh” với chiếc sơ-mi trắng bỏ trong quần xanh đen, tiến bộ hơn nhờ một đôi bata trắng. Hạ ngồi sai tóc thơm ngát mùi dầu gội đầu hương cỏ, Long chợt bắt gặp ở mình một cảm giác gì đó thật lạ lẫm mà cũng hết sức dễ chịu.
Họ có hơi hẫng khi được người nhà của Hằng cho biết cô đi Nha Trang chưa về. Họ càu nhàu:
- Con nhỏ này cứ hè là nó biến mất.
Long băn khoăn:
- Bây giờ mình đi đâu?
Hạ bước lên xe:
- Thôi, tùy Long tổ chức chương trình đó. - Sực nhớ, cô thêm - Mà giao hẹn trước nghe: Hôm nay Hạ bao, chịu không? Hạ đang có nhiều tiền lắm! Lần khác hãy tới phiên Long.
Long phản đối:
- Không được! Ai lại đi chơi lần đầu mà bắt con gái phải trả tiền? Long cũng có tiền đây nè.
- Hổng chịu thì thôi, đi về! - Hạ bướng bỉnh.
Long đành nhượng bộ:
- Thôi được rồi. Lần sau là đến lượt Long.
Hạ tươi tỉnh:
- Vậy phải được không. À… Hôm nay mình có xe ngon, đi đâu xa xa chơi đi Long.
- Văn Thánh nghe? Hay Thanh Đa?
- Văn Thánh đi. Ở đó có bánh xèo, chả giò. Lâu rồi Hạ chưa ăn, thèm quá!
Chiếc cầu gỗ đưa đôi bạn trẻ vào khu tiểu đảo Văn Thánh. Những thân bạch đàn lả lơi chào đón. Gió thổi mát rượi, làm tóc Hạ bay bay lòa xòa trên má. Hạ hé môi ngậm mấy sợi tóc. Long bỗng thấy chân mình bước nhẹ tênh. Đôi bạn vào quán ăn, chọn một chiếc bàn nhìn ra mặt nước. Chiều êm đềm xuống. Miếng bánh xèo béo ngậy và thơm phức. Những cuốn chả giò giòn tan. Long ngồi nhìn Hạ, cảm thấy như mình đang ở trong mơ.
Đôi bạn uống nước ngọt. Hạ hỏi Long uống rượu được không và thắc mắc sao bây giờ mấy ông uống rượu nhiều quá, không biết bao giờ Long sẽ cầm ly rượu đầu tiên. Long nói:
- Điều đó chưa biết, nhưng ba Long sẽ không cấm, khi Long ra đời, làm việc. Trong lúc còn đi học thì thôi.
- Sao ba Long lại không cấm? Long nói ba nghiêm lắm mà!
- Đúng. Nhưng ba Long nói cũng có khi mình cần thiết phải biết uống rượu. Cái gì biết cũng tốt hơn không biết. vấn đề là không bao giờ để nó làm chủ mình hoặc làm hại mình. Tức là đừng để ghiền bất cứ cái gì.
Bữa ăn trôi qua khá nhanh, nhờ cả hai đều có “tâm hồn ăn uống”. Trời đã tối hẳn, nhưng nhờ có ánh trăng, họ vẫn còn nhìn được cảnh vật chung quanh. Ngoài sông, những chiếc pêđalô hình thiên nga vẫn còn lượn lờ. Long nhìn Hạ một lúc lâu, nhìn ánh trăng nhảy múa qua những tàu dừa tỏa xuống lung linh trên tóc Hạ, và chợt nói:
- Mình dạo một vòng trên mặt nước đi Hạ. Mới bảy giờ, còn sớm mà.
Hạ cười:
- Mỗi người đạp một chiếc nghe.
- Cũng được thôi. Để coi ai mỏi chân cho biết.
Đôi bạn ra khỏi khu vực quán. Ở chỗ ngã rẻ đi vào nhà hàng chính, Hạ chợt thấy một người trông rất giống ông Quang, ba của Hằng, đang đi bên cạnh một cô gái trẻ, đẹp, mặc áo đầm màu hồng phấn. Trời đã tối hẳn, dù có ánh trăng, nhưng chỗ đó có nhiều bóng cây, và người đàn ông quay mặt sang nói chuyện với cô gái, nên Hạ không thể xác định được. Cô xua ngay ý nghĩ đó là ông Quang, bởi giờ này ba của Hằng phải đang ở nhà dùng cơm với mẹ Hằng chứ. Vả lại, Hạ cũng đã biết mẹ Hằng. Bà còn trẻ và rất đẹp, lại sành ăn mặc, trang điểm. Mấy lần Hạ đến nhà Hằng chơi, Hạ đều thấy gia đình của bạn rất êm ấm, hạnh phúc…
Con thiên nga từ từ rời bến, chở theo đôi bạn trẻ. Tiếng nước róc rách lướt. Lần đầu tiên Hạ ngồi bên cạnh một bạn trai, trong khung cảnh rất riêng tư. Cả hai cùng im lặng một lúc lâu, và rồi Hạ chủ động cất tiếng:
- Thôi, bây giờ Hạ phân công Long đạp, Hạ nghỉ. Một lát nữa Hạ nghỉ, Long đạp. Được không?
Long nhẹ nhàng nói:
- Với Long, Hạ muốn gì cũng được hết.
Hạ sợ ánh mắt Long quá. Ánh mắt ấy đang gần lại, gần lại. Một cánh tay Long quàng qua vai Hạ. Hạ chỉ còn thấy có khuôn mặt Long và một chút trăng thấp thoáng phía sau. Hơi thở của Long ấm áp phả vào mặt Hạ. Dường như Hạ nghe cả tiếng tim mình đang đập rộn ràng trong lồng ngực. Chưa bao giờ Hạ gần ai như vậy. Chưa bao giờ…
Long cũng chưa bao giờ được trải qua cảm giác ấy. Cuộc sống dường như không còn gì khác hơn một Hạ đang gần như thế. Hai gương mặt gần như sắp chạm nhau. Hương tóc Hạ thơm ngát. Long hôn đại vào má Hạ một cái. Như bị điện giật, Hạ hốt hoảng ngồi thẳng dậy, vuốt lại mái tóc. Long vội vã rút tay về. Hạ nói, giọng nghe khác hẳn:
- Đừng, Long…
- Long… xin lỗi Hạ. - Long lúng túng.
Hạ đã lấy lại bình tĩnh:
- Không có gì đâu… Nhưng… Hạ nghĩ mình nên giữ thật đẹp tình bạn này. Long ráng giữ với Hạ nhé?
Long lẳng lặng gật đầu. Bỗng dưng Hạ thấy Long mới dễ thương làm sao. Thật nhanh, cô chồm tới mi nhẹ lên má Long:
- Vậy là huề nhé. Chuyện cũ bỏ qua nghe.
Đôi bạn bắt tay nhau. Hạ nói:
- Thôi mình về đi. Khuya rồi.
Họ ra về khi trăng đã lên quá những tàn cây.
Vĩnh Biệt Mùa Hè Vĩnh Biệt Mùa Hè - Nguyễn Đông Thức Vĩnh Biệt Mùa Hè