You will know that forgiveness has begun when you recall those who hurt you and feel the power to wish them well.

Lewis B. Smedes

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 64
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1514 / 41
Cập nhật: 2016-06-20 21:01:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 41: Loạn Lê Nghi Dân
ê Nghi Dân là con trưởng của vua Lê Thái Tông, do bà Dương Thị Bí sinh ra vào tháng 6 năm 1439. Đến tháng 3 năm 1440, Lê Nghi Dân được lập làm Hoàng thái tử. Lúc ấy, bà Dương Thị Bí được Nhà vua đặc biệt yêu quý nên sinh ra kiêu căng, bởi vậy, ai cũng ghét bà. Nhà vua thấy bà xử sự như vậy cũng không ưa liền giáng bà làm Minh nghi (hàng thấp của vợ vua). Bà không sửa lỗi lại còn oán vua ra mặt. Vua Lê Thái Tông giận, cho rằng tính khí người mẹ như vậy thì con bà đẻ ra chưa chắc đã là người hiền, bên giáng bà làm thứ nhân, lại còn xuống chiếu cho khắp thiên hạ biết rằng, ngôi Thái tử vẫn chưa định. Con bà là Lê Nghi Dân bi truất làm Lạng Sơn Vương.
Ngày 9 tháng 6 năm Tân Dậu (1441), bà Tuyên Từ Hoàng hậu là Nguyễn Thị Anh sinh hạ Hoàng tử Bang Cơ. Chẳng bao lâu sau, Bang Cơ được lập làm Thái tử. Ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442) vua Lê Thái Tông đột ngột qua đời. Ngày 12 tháng 8 năm đó, Lê Bang Cơ được tôn lên ngôi vua, đó là vua Lê Nhân Tông. Ngôi vị thứ bậc của hoàng tộc đến đó kể như đã định đoạt xong. Nhưng, Lê Nghi Dân vẫn ngầm nuôi ý khác.
Ở ngoài, Lê Nghi Dân đã tập hợp được hơn một trăm thủ hạ thân tín, ở trong, Lê Nghi Dân lại có thêm viên chỉ huy vệ binh là Lê Đắc Ninh cùng với bọn Phạm Đồn, Phạm Ban và Trần Lăng làm nội ứng, cho nên, đêm ngày 3 tháng 10 năm 1459, Lê Nghi Dân quyết định khởi sự thí vua. Đêm ấy, Lê Nghi Dân cùng bộ hạ bắc thang trèo tường và lẻn vào giết chết Nhà vua. Hôm sau, Lê Nghi Dân lại giết bà Tuyên Từ Thái hậu và một số người khác, rồi tự lập làm vua, đổi niên hiệu là Thiên Hưng.
Bây giờ, các bậc đại thần như Đỗ Bí, Lê Ê, Lê Ngang, Lê Thụ... đều căm tức, bí mật bàn chuyện lật đổ Lê Nghi Dân, nhưng chẳng may mưu ấy bị lộ, họ đều bị Lê Nghi Dân giết chết. Bọn gian trá, xu nịnh được dịp tung hoành.
Ngày 6 tháng 6 năm 1460, các bậc đại thần khác là Nguyễn Xí, Lê Lăng, Đinh Liệt, Lê Niệm, Lê Nhân Thuận, Lê Nhân Quý... cùng nhiều tướng lĩnh và quan lại khác đã đồng lòng giết được Lê Nghi Dân và bọn tòng phạm. Loạn Lê Nghi Dân đến đó là dứt. Triều thần đón Hoàng tử Lê Tư Thành (con của vua Lê Thái Tông do bà Ngô Thị Ngọc Dao sinh ra) lên ngôi. Đó là vua Lê Thánh Tông.
Lời bàn: Lời xét đoán của Lê Thái Tông lúc sinh thời đối với bà Dương Thị Bí và con là Lê Nghi Dân, thoạt nghe có vẻ như vừa vu vơ, vừa khe khắt. Nhưng, nếu xét kĩ hành trạng của Lê Nghi Dân sau này thì rõ là Lê Thái Tông cũng có cái đúng của ông. Hậu thế có quyền trách Lê Thái Tông khi ông thoái thác trách nhiệm của mình đối với con là Lê Nghi Dân, đối với vợ là bà Dượng Thị Bí, song, hậu thế cũng chẳng thể vì thế mà tha thứ hành vi của Lê Nghi Dân. Giết vua là mang trọng tội với nước, giết em ruột và giết người nói chung là mang tội ác không thể dung tha, dùng bọn gian xảo và xu nịnh là chà đạp lương tâm của bậc trung nghĩa, sống mà như vậy, độn thổ còn chưa hết nhục, lẽ đâu lại dám cả gan ngồi lên ngai vàng?
Kẻ độc ác và tầm thường, khi sống thì chỉ biết tuân theo sở thích riêng của mình, biết đâu, cái chết luôn rình rập bên chúng, và khi chúng chết rồi, miệng thế muôn đời vẫn lên tiếng nghiêm phê. Sợ thay!
Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 5