Start where you are. Use what you have. Do what you can.

Arthur Ashe

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 64
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1514 / 41
Cập nhật: 2016-06-20 21:01:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 40: Chuyện Trịnh Khả
rịnh Khả (1403 - 1451), người xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Ninh, nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, sau vì có công, ông được mang quốc tính nhà Lê, sử vì thế vẫn thường chép là Lê Khả. Tổ tiên của Trịnh Khả từng có người làm quan dưới thời Trần, sang thời Hồ, thân sinh của Trịnh Khả là Trịnh Quyện làm Chánh tổng. Sách Đại Việt thông sử (trang 207) chép rằng:
"Ông 16 tuổi, đi cày ruộng chăn trâu, ngồi nghỉ ở cổng chùa trên núi. Có viên tướng nhà Minh từ thành Tây Đô đến, thấy vẻ mặt ông thì ưa, bèn dẫn về nuôi làm nô, ít lâu sau, y xem tướng bảo rằng "Đứa bé này hình rồng mắt hổ, khỏe nhất ba quân, ngày sau tất cầm cờ mao tiết.” Chợt lại bảo ông: "Ngày sau đuổi chúng ta tất là mày? Phải giết ngay đi, nếu không sẽ lo ngại về sau.”
Trịnh Khả trốn được, sau, ông từng có mặt trong hội thề Lũng Nhai, và trở thành một trong những vị tướng của Lam Sơn, từng lập được nhiều công lao lớn. Năm 1428, ông được Lê Lợi (lúc ấy là vua Lê Thái Tổ), phong hàm Kim tử vinh lộc đại phu, Tả lân hổ vệ tướng quân, tước Liệt hầu, có tên trong bảng khắc ghi danh sách 93 vị công thần khai quốc.
Đầu đời Lê Nhân Tông, Trịnh Khả được phong hàm Nhập nội suy trung tán lí dương vũ công thần, kiêm Lỗi Giang trấn phủ quân, Thượng tướng quân, cai quản việc quân các vệ ở Tây Đạo, tước Quận thượng hầu. Lúc này, cùng với Lê Thụ, ông là bậc tể phụ của triều đình, nhưng khác với Lê Thụ, ông là người thẳng thắn, biết tự nhận lỗi của mình. Sinh thời, ông rất ghét bọn tham quan ô lại và bọn xu nịnh Sách Đại Việt thông sử (trang 212 - 213) viết:
“Viên Chủ bạ Nam Đạo là Đàm Thảo Lư ẩn lậu 4 quan tiền thuế, theo luật không đến nỗi xử tử, nhưng y đã từng vu hãm Nguyễn Thiên Tích nên ông ghét lắm, bèn quyết định ghép vào tội chết. Viên Chuyển vận phó sứ huyện Văn Bàn là Trương Tông Ký ăn hối lộ, việc phát giác (án làm xong sắp đem chém), tả hữu xin tha, ông nói: "Ăn trộm của một nhà còn không tha được huống hồ ăn trộm của một huyện sao.” Lại giao xuống tra xét, xử tội (chết). Các quan liêu thời bấy giờ, không ai không run sợ. Ông cứ theo lí làm hết chức trách, trong khoảng vài năm, trong nước yên ổn.”
Lúc Lê Nhân Tông còn nhỏ, ông rất sợ Nhà vua bị tập nhiễm thói hư, nên lúc nào cũng nghiêm cẩn trong việc chăm sóc Vua. Cũng sách trên (trang 212) chép rằng:
“Một hôm ông thoái chầu, thấy có đám đông tụ tập ở trước công đường, trong đó có người mang cái lưới săn, ông vội bảo phải cất ngay đi, không được để Nhà vua trông thấy, sẽ khơi mào ra cái tính ham chơi săn bắn của Vua sau này. Ông phòng xa ngăn trước cẩn thận đến như thế đấy.”
Thế nhưng, bậc đại thần này lại bị kẻ ghen ghét gièm pha, khiến Thái hậu Nguyễn Thị Anh cả tin mà nổi giận, giết ông cùng với con trai ông là Trịnh Bá Quát vào tháng 7 năm 1451. Hai năm sau, ông được minh oan, nhưng mọi sự lúc ấy đã quá muộn rồi.
Lời bàn: Thời chinh chiến, Trịnh Khả là bậc dũng tướng có tài, từng lập nhiều công lao. Có sự thành công của cuộc đại định, ấy cũng bởi có những người trung kiên bất khuất như Trịnh Khả, cho nên, xếp ông vào bậc công thần khai quốc là phải lắm.
Lúc thái bình, Trịnh Khả biết tự sửa lỗi, lại dốc lòng lo phò tá vua còn bé thơ, ấy cũng có thể gọi là bậc lương thần. Tiếc thay, bậc lương đống tài năng và có chí cả ấy không chết khi xông pha trận mạc nguy hiểm mà lại chết vì lời gièm pha của đồng liêu. Đất bằng nổi sóng là đấy chăng?
Ôi! Cứu đại họa xâm lăng cho nước nhà thì chỉ có những bậc anh hùng cái thế mới làm được, những tưởng anh hùng là bất tử, dè đâu, anh hùng lại bị chết chỉ vì câu gièm pha đê tiện của kẻ tiểu nhân thấp hèn, tung ra đúng nơi và đúng lúc. Đáng suy ngẫm lắm thay!
Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 5