Love at first sight is often cured by a second look.

Love is sweet when it’s new, but sweeter when it’s true.

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 64
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1514 / 41
Cập nhật: 2016-06-20 21:01:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 31: Lê Ngân Bị Bức Tử
ê Ngân người xã Đàm Di, thuộc Lam Sơn (Thanh Hóa), từng theo Lê Lợi đánh đuổi quân Minh ngay từ khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vừa bùng nổ. Bởi có nhiều công lao, năm 1429, khi Lê Lợi định công ban thưởng và khắc biển ghi tên các bậc công thần khai quốc, tên ông được xếp vào hàng thứ tư, tước Á thượng hầu. Năm 1434, ông giữ chức Tư khấu và đến tháng 6 năm 1437, khi Lê Sát bị bãi chức, ông được phong là Đại đô đốc, Phiêu kị thượng tướng quân, Đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ti, Thượng trụ quốc Quốc thượng hầu. Cùng được hưởng ân sủng đặc biệt này còn có con gái của ông là Chiêu nghi Lê Nhật Lệ. Nhật Lệ được sách phong làm Huệ phi của vua Lê Thái Tông.
Nhưng, vui chưa được nửa năm thì tai họa đã giáng. xuống gia đình ông. Tháng 11 năm 1437, ông bị thất sủng và sau đó bị bức tử bởi lời cáo giác tai hại của những kẻ ghen ghét ông. Chuyện này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 49 a - b) ghi lại như sau:
"Có người cáo giác Đại đô đốc Lê Ngân thờ phật Quan Âm trong nhà để cầu cho con gái mình là Huệ phi (tức Lê Nhật Lệ - ND) được Nhà vua thương yêu hơn. Vua bèn ngự ra rửa Đông Thành, sai bọn thái giám là Đỗ Khuyến, dẫn 50 võ sĩ tới lục soát khắp nhà của Lê Ngân. Họ bắt được ở đấy tượng Phật và các thứ vàng bạc, tơ lụa. Hôm sau, (Lê) Ngân vào chầu, cởi mũ để xin tạ tội. Vua sai bắt bọn tôi tớ nhà (Lê) Ngân ra tra hỏi.”
"Lê Ngân lại cởi mũ tâu rằng: Trước kia, thần theo nghĩa binh ở Lam Kinh (tức Lam Sơn - ND), nay đã già yếu, thầy bói nói rằng, nguyên đất thần làm nhà ở bây giờ, xưa có bàn thờ Phật, vì để ô uế, tai họa khó tránh khỏi. Bởi thế, thần lập bàn thờ Phật để thờ cúng (cho tai qua nạn khỏi). Nhưng, bởi người vợ lẽ mà thần đã bỏ là Nguyễn Thị, lại thêm người vợ lẽ khác là Trần Thị, vốn là vợ lẽ của Lê Sát (được triều đình) ban cho thần, cùng với một đứa gia nô của thần, tính khí điêu ngoa, chúng cùng nhau thêu dệt, dựng chuyện báo hại thần đó thôi. Xưa, Tiên đế biết rõ lòng thần, thường vẫn có lòng bao dung, thương mến. Nay, gân sức của thần đã kiệt, xin cho thần được về quê để sống nốt chút tuổi tàn còn lại. Còn như nếu bệ hạ nghe lời kẻ gièm pha mà tra tấn người nhà của thần thì sợ khi bị đánh đau quá, chúng sẽ khai sai sự thật. Đến lúc đó, thân thần cũng không giữ nổi, xin bệ hạ nghĩ lại cho.”
Bất chấp mọi lời van xin, Nhà vua vẫn giao Lê Ngân cho hình quan xét xử. Rốt cuộc, đến tháng 12 năm 1437, Lê Ngân bị buộc phải uống thuốc độc mà tự tử ở nhà, con gái Lê Ngân là Huệ phi cũng bị giáng làm Tu dung (hàng thấp nhất của vợ vua), gia sản của ông bị tịch thu. Mười sáu năm sau (1453), nhân kì đại xá, vua Lê Nhân Tông mới cấp trả cho con ông 100 mẫu ruộng, rồi đến năm 1484, vua Lê Thánh Tông mới truy tặng ông là Thái phó hoằng quốc công.
Lời bàn: Thời ấy, triều đình coi Nho giáo là độc tôn, cho nên Phật giáo và Đạo giáo có phần bị bài xích. Giữa thời buổi ấy mà Lê Ngân lập bàn thờ Phật trong nhà, tức là đã tạo cớ cho kẻ ghen ghét mình lập mưu ám hại vậy. Nhưng, trách Lê Ngân thì được, chớ kết án Lê Ngân, buộc ông phải tự tử, tịch thu gia sản và hắt hủi con ông... thì án ấy quả đáng để cho đời đời cười chê. Lê Thái Tông trong vụ án này, xét đạo làm vua thì nông nổi và bất minh, xét phận làm con rể thì thô bạo và bất nghĩa. Mới hay, lấy quyền làm vua mà khiến cho thiên hạ sợ thì dễ, còn như lấy đức lớn của bậc đế vương để khiến cho thiên hạ phục thì khó vô cùng.
Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 5