Some books are to be tasted, others to be swallowed, and some few to be chewed and digested.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 64
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1514 / 41
Cập nhật: 2016-06-20 21:01:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 26: Lại Chuyện Can Ngăn Của Ngôn Quan Phan Thiên Tước
rong hàng quan lại của thời Lê Thái Tông, hình như phải chịu khổ tâm nhiều hơn cả vẫn là các Ngôn quan. Họ không nói tức là đã không làm hết chức phận, mà nói, nhất là nói lỗi của quan trên, rồi đặc biệt là lỗi của vua, thì có khi, chính họ cũng khó bề giữ yên thân mình. Lời nói thẳng thắn và đúng đắn của họ, cũng phải gian nan lắm mới được triều đình nghe theo. Xin kể thêm một mẩu chuyện về Ngôn quan Phan Thiên Tước để rõ điều này. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 16, tờ 20) chép rằng:
“Lê Thụ, ngay trong khi đang có quốc tang (tang vua Lê Thái Tổ, tức Lê Lợi - ND) đã lấy vợ lẽ và bắt binh lính về làm việc riêng cho mình như xây nhà và sai vặt. Thụ cất nhà đồ sộ, lại còn giao lưu với người nước ngoài để buôn bán. Bấy giờ, quan giữ việc can ngăn là Phan Thiên Tước đàn hặc các lỗi nói trên của Lê Thụ.
Khi ấy, phần nhiều các quan đại thần đều bắt binh lính làm việc riêng và xây cất nhà cửa cho mình. Vua sai Thiên Tước đi xem xét khắp nơi để xác minh hư thật. Khi Thiên Tước trở về, vua vặn hỏi:
- Các đại thần cũng làm như thế, sao khanh không nói mà chỉ đàn hặc một mình Lê Thụ mà thôi?
Thiên Tước thưa:
- Lê Thụ là đại thần, lại từng nhận lãnh thác mệnh của tiên đế, lẽ ra phải giữ mình cho ngay thẳng để bá quan lấy đó làm gương. Nay xem những việc Lê Thụ đã làm, thấy rõ Lê Thụ coi thường phép nước đã quá lắm, cho nên, thần không dám nín tiếng im hơi. Còn như nay thần vâng mệnh đi xem xét khắp các nhà đại thần thì thần đã làm, đâu dám lơ là chức trách?
Thiên Tước dâng sớ kể rõ những ai làm nhà mới, chẳng hạn như quan Tham tri Đông Đạo là Lê Định cho đến các quan giữ chức Quản lãnh, tổng cộng hơn 20 người. Tất cả đều được Nhà vua bỏ qua, chỉ giao Lê Thụ cho Pháp ti xét hỏi. Nhưng, bọn Lê Vấn và Lê Ngân đều tìm cách bào chữa, bao che cho Lê Thụ. Sau, Nhà vua cũng tha tội cho Thụ, chỉ bắt Thụ phải bỏ người vợ lẽ và phải truy nộp 15 lạng vàng, 100 lạng bạc là số tiền do buôn bán riêng mà có.”
Lời bàn: Phép nước xưa cho việc quan lại tổ chức hát xướng vui chơi hoặc giả là cưới thêm vợ lẽ trong lúc có quốc tang là có tội. Phép nước như thế là đúng hay sai, có lẽ xin được miễn bàn, chỉ biết rằng, phép nước bao giờ cũng là phép nước, người có trách nhiệm làm gương thực hiện trước hết phải là quan.
Cổ kim cho hay, người cố tình làm sai phép nước thường rất ít ai chỉ cố tình làm trái một lần, và một khi đại thần đã cố tình làm sai phép nước thì quan lại lớn nhỏ thế nào cũng có kẻ bắt chước mà hùa theo. Hai mươi người cùng mắc tội giống như Lê Thụ, rồi Lê Vấn và Lê Ngân lại bào chữa cho Lê Thụ, chuyện ấy có gì là lạ đâu.
Vua chỉ cho xét án mỗi mình Lê Thụ, Vua lại chỉ bắt Lê Thụ bỏ người vợ lẽ mới cưới và nộp phạt ít tiền rồi tha tội cho, thế thì phép nước bị gạt bỏ trước hết bởi chính bàn tay của Vua vậy. Cội nguồn của những sự kiện bi thảm thời Lê Thái Tông bắt đầu từ đây chăng? Khi trong thiên hạ có người được ngồi ngoài hoặc ngồi trên phép nước, thì loạn li là điều sẽ không sao mà tránh được.
Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 5