Medicine for the soul.

Inscription over the door of the Library at Thebes

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 39
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1801 / 44
Cập nhật: 2016-06-18 07:57:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6: Hồ Quý Ly Với Những Đối Thủ Chính Trị Cuối Cùng
au vụ mượn tay Thượng hoàng Trần Nghệ Tông để bức hại vua Trần Phế Đế và một loạt văn thần võ tướng thân tín khác của nhà vua, Hồ Quý Ly tuy bề ngoài thì vờ như không đả động gì đến, nhưng trong lòng thì vô cùng căm ghét kẻ đã dám bàn mưu trừ khử mình là Trang Định Vương Trần Ngạc. Ngày ngày, Hồ Quý Ly tìm cách cô lập Trang Định Vương, đồng thời dùng mọi thủ đoạn để dồn Trang Định Vương vào thế quẫn bách. Đến năm Tân Mùi (1391), cơ hội rất thuận tiện để Hồ Quý Ly ra tay đã đến. Sách Đại Việt sứ kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 20 - b) chép rằng:
"Tháng 6, Trang Định Vương (Trần) Ngạc trốn ra trang Nam Định. Người ở trong trang ấy lấy thuyền đưa Ngạc ra trại Vạn Ninh (nay là vùng Quảng Ninh - ND). Nhưng, người trong trại ấy là Dương Độ không nhận. Thượng hoàng sai viên tướng coi quân Ninh Vệ là Nguyễn Nhân Liệt đuổi bắt về. Quý Ly ngầm sai Liệt giết (Ngạc) đi. Nhân Liệt đánh chết Ngạc rồi về tâu là Ngạc bạo ngược nên đã bị giết.”
Chẳng bao lâu sau khi Trang Định Vương chết, Thượng hoàng chợt tỉnh ngộ, hỏi ai là người đi bắt Trang Định Vương. Lúc ấy, Nguyễn Nhân Liệt sợ quá mà thắt cổ tự tử. Thế là Trần Ngạc và Nhân Liệt thì mất mạng, triều đình thì mất một thân vương và một võ tướng, Thượng hoàng thì mất một người con, chỉ có Hồ Quý Ly là chẳng mất gì cả, lại còn được thêm uy quyền.
Bấy giờ, các tướng giữ đất Hóa Châu (vùng Bình Trị Thiên cũ) như Phan Mãnh, Chu Bỉnh Khuê... đều buồn chán mà đàm tiếu đủ chuyện, đều bị Hồ Quý Ly bắt giết cả. Trong khi Hồ Quý Ly lộng quyền như thế thì người có trách nhiệm can gián và hặc tội là quan Ngự sử Đỗ Tử Trừng lại không dám nói gì. Hồ Quý Ly bèn làm thơ nhạo báng Đỗ Tử Trừng. Thơ ấy có câu rằng:
Phiên âm
Tá vấn Tử Trừng nọa trung úy,
Thư sinh hà nhẫn phụ bình sinh.
Nghĩa là
Dám hỏi Tử Trừng trung úy nhát,
Thư sinh sao nỡ phụ bình sinh?
Đến đó, chừng như Hồ Quý Ly vẫn chưa thật sự an tâm, bởi vậy vào tháng 4 năm Nhâm Thân (1392) nhân vì trời hạn hán, Hồ Quý Ly xin Thượng hoàng và nhà vua xuống chiếu cầu lời nói thẳng. Có một người tên là Bùi Mộng Hoa cả tin, vội dâng lời của mình. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 21 - b) chép:
“Bùi Mộng Hoa dâng thư, đại ý nói: "Thần nghe trẻ con có câu hát rằng, thâm hiểm thay Thái sư họ Lê. Xem thế cũng đủ biết Quý Ly nhất định có ý dòm ngó ngôi báu.” Thượng hoàng xem xong tờ tâu thì đưa cho Quý Ly. Sau, Quý Ly chuyên chính, Mộng Hoa ẩn lánh không ra nữa.”
Từ đây, chuyện Hồ Quý Ly cướp ngôi chẳng qua chỉ còn là việc chọn thời điểm nào cho thích hợp nữa mà thôi.
Lời bàn: Loạn thần gieo mầm loạn đã đành, nhưng, những người quyết chí chống loạn thần, chừng như cũng đã vô tình gieo thêm mầm loạn. Trang Định Vương bỏ trốn, tưởng thế là được yên, rốt cuộc chẳng thoát lưới bạo tàn. Phan Mãnh và Chu Bỉnh Khuê đàm tiếu khen chê, cứ tưởng mình là bậc trí gia, nào hay đứt đầu vẫn chưa kịp nhận ra mình dại khờ. Bùi Mộng Hoa mượn lời trẻ con để nói ý mình, quả là trẻ con còn hơn cà con trẻ. Nói Hồ Quý Ly có tài (dù là tài xảo quyệt) cũng được, mà nói là triều Trần lúc ấy có quá nhiều kẻ bất tài cũng được.
Nói cho công bằng thì, nếu chẳng có một Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mê muội, sẽ chẳng bao giờ có nổi một Hồ Quý Ly lộng quyền. Mới hay, giặc ngoài vào chưa hẳn đã tàn phá giang sơn bằng kẻ cầm quyền bính trong nước mà kém cỏi cả tài năng lẫn đức hạnh. Nếu cứ trách riêng Hồ Quý Ly, ắt có chỗ chẳng công bằng.
Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 4