When you're young, you want to do everything together, when you're older you want to go everywhere together, and when you've been everywhere and done everything all that matters is that you're together.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 74
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1801 / 52
Cập nhật: 2016-06-19 02:31:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 28: Chân Dung Trần Quốc Tuấn
rong các bộ sử cũ, phần viết về triều Trần, ngoài các hoàng đế ra, nhân vật được nhắc đến nhiều hơn cả có lẽ là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Trước đã có mấy mẩu chuyện nhỏ nói về ông, nay xin theo sách Khâm định Việt sứ thông giám cương mục (chính biên, quyển 8, tờ 32 và 33) mà kể tiếp như sau:
“Lúc Quốc Tuấn mới sinh, có người xem tướng trông thấy, nói rằng:
- Người này mai sau có thể kinh bang tế thế được.
Quốc Tuấn lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, xem rộng các sách, tài kiêm văn võ. Thân phụ Quốc Tuấn là An Sinh Vương vốn có hiềm khích riêng với vua Trần Thái Tông (ý muốn chỉ việc Thái Tông lấy vợ của anh là Thuận Thiên công chúa - ND) đem lòng oán giận, bèn đi tìm khắp những người tài nghệ cao cường để dạy bảo Quốc Tuấn. Khi sắp mất, An Sinh cầm tay Quốc Tuấn trối trăng lại rằng:
- Con không vì cha mà lấy được thiên hạ thì cha dầu chết cũng không nhắm mắt được.
Trong lòng Quốc Tuấn vẫn không cho lời ấy là phải. Khi quân Nguyên sang xâm lấn, Quốc Tuấn một mình nắm giữ binh quyền. Có lần, Quốc Tuấn đem lời trối trăng của cha hỏi hai người gia nô là Yết Kiêu và Dã Tượng. Hai người can ngăn mà nói:
- Nếu thi hành kế ấy, dầu có giàu sang một thời mà tiếng xấu để đến ngàn đời không hết. Đại vương bây giờ chẳng đã là giàu sang rồi đó sao? Chúng tôi tình nguyện làm kẻ nô bộc đến già mà chết (trong thanh thản) chớ không muốn làm sự bất trung bất hiếu để cầu may mà được một chức quan. Chúng tôi mong được như người mổ dê tên là Duyệt (tên một người chuyên nghề mổ dê ở Trung Quốc thời Xuân Thu, giàu lòng trung nghĩa, từng theo phò Chiêu Vương nước Sở nhưng sau không nhận ban thưởng gì chỉ vui trở về với nghề mổ dê - ND).
Quốc Tuấn nghe hai người gia nô nói, vừa cảm động mà ứa nước mắt, vừa không ngớt khen ngợi. Có lần Quốc Tuấn (cũng đem chuyện này) vờ hỏi ý con là Hưng Vũ Vương Quốc Nghiễn:
- Cổ nhân giàu có cả thiên hạ để truyền cho con cháu về sau. Việc này ý con thế nào?
Quốc Nghiễn thưa rằng:
- Việc ấy đối với người khác họ cũng không nên làm, huống chi là người cùng một họ.
Quốc Tuấn rất lấy làm phải. Sau, ông lại đem câu ấy hỏi con thứ là Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng. Quốc Tảng tiến thẳng đến nói rằng:
- Tống Thái Tổ là một người làm ruộng, chỉ nhờ gặp thời vận mà lấy được thiên hạ.
Quốc Tuấn liền tuốt gươm ra kể tội rằng:
- Bọn bề tôi phản loạn đều chính là do nhưng đứa con bất hiếu mà ra.
Nói rồi có ý giết đi. Quốc Nghiễn vội chạy ra van khóc, xin nhận tội thay, mãi sau mới được Quốc Tuấn tha cho. Khi Quốc Tuấn sắp mất, bảo Quốc Nghiễn rằng:
- Khi ta mất, đậy nắp quan tài đâu đó xong xuôi rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng khóc.
Vào khoảng cuối niên hiệu Thiệu Bảo (niên hiệu của vua Trần Nhân Tông, từ năm 1279 đến năm 1285. Từ năm 1285 đến 1293 Trần Nhân Tông lấy niên hiệu là Trùng Hưng, đây chỉ cuộc kháng chiến lần thứ hai - ND), quân Nguyên rầm rộ kéo sang, khí thế rất là hung hãn. Nhân Tông nói rằng:
- Thế giặc mạnh như vậy, có lẽ ta hãy tạm xin hàng.
Quốc Tuấn nói:
- Bệ hạ muốn hàng, trước hãy chém đầu thần đi đã.
Xem những việc trên thì rõ Quốc Tuấn là người hết lòng với nhà Trần, trung nghĩa rõ ràng như thế, cho nên dẹp tan được giặc Nguyên, dựng nên công nghiệp phi thường, tiếng vang đến Trung Quốc. Người Nguyên thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi rõ tên. (Vua Trần) Thánh Tông có làm bài văn bia ở sinh từ, sánh Quốc Tuấn với Thượng Phủ (tức Khương Thượng, một công thần của nhà Chu, Trung Quốc - ND). Vì có công to, ông được gia phong là thượng quốc công, được quyền tự ban thưởng cho người khác, nhưng Quốc Tuấn chưa hề tự ban thưởng cho một ai cả, ông cẩn trọng giữ gìn như thế đấy. Ông lại thường tiến cử người hiền tài cho đất nước, các ông Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão đều là môn khách của Quốc Tuấn cả.”
Lời bàn: Quốc Tuấn nghiêm giữ gia phong, canh cánh nuôi lòng trung nghĩa, lại biết tiến cử người hiền tài, sống một đời mà tiếng thơm để đến muôn đời là ông vậy. Năm 1324, vua Trần Minh Tông có làm bài thơ tặng Trần Bang Cẩn, trong đó có câu: “Phong lưu nhất đoạn hôn miêu tận. Tâm lý nan miêu cảnh cảnh đan”, nghĩa là: Mọi nét phong lưu đều có thể vẽ rõ hết, nhưng không sao có thể vẽ được lòng trung nghĩa.
Vẽ chân dung Trần Quốc Tuấn có lẽ còn khó hơn thế nhiều.
Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 3