Never lend books, for no one ever returns them; the only books I have in my library are books that other folks have lent me.

Anatole France

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Chu Ân Lai Dữ Nhật Nội Ngoã Hội Nghị
Dịch giả: Dương Danh Dy
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1162 / 50
Cập nhật: 2016-06-22 14:09:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23: Thấy Ánh Sáng Cuối Đường Hầm
iến trình Hội nghị Genève không biết trước được. Bidault đang lún sâu vào khủng hoảng chính trị đưa mắt nhìn, bên bờ hồ Lemon đầy những mầm xanh, ba phần sắc đẹp, hai phần buồn lại thêm một phần mưa gió, nhưng dù sao ông ta vẫn ôm ấp hy vọng vào hội nghị Genève. Trong lần cuối cùng đến Genève với tư cách là Ngoại trưởng Pháp ông ta đã nói với Chu Ân Lai, yêu cầu mọi người đừng vội tan vỡ. Chu Ân Lai với hy vọng tràn đầy liên tục hội kiến nhiều ngoại trưởng phương Tây, kiên nhẫn phân tích triển vọng giải quyết hoà bình vấn đề Đông Dương.
Ngày 17 tháng 6, chính phủ Laniel Pháp đổ, Pierre Mendès-France nhận chức thủ tướng mới của Pháp, hội nghị Genève đã xuất hiện một thay đổi lớn.
Trưa ngày 17 tháng 6, Chu Ân Lai dự hội nghị đại biểu Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam để điều hoà lập trường. Ba bên thảo luận bức điện về phương án chia vùng ngừng bắn ở Đông Dương do Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi ngày 13 tháng 6. Chu Ân Lai chỉ ra, muốn khôi phục hoà bình Đông Dương có thể rút kinh nghiệm “phương thức Triều Tiên” chia giới tuyến Nam, Bắc thực hiện phân trị trước. Ông chỉ ra, phương án của ta nên lấy Việt Nam làm trọng điểm tranh thủ, còn Lào và Campuchia có thể theo tình hình mà nhượng bộ. Tại Campuchia không chia vùng, chỉ mong giải quyết chính trị; tại Lào thì ở hai đầu nam, bắc chia “vùng biên khu”
Chu Ân Lai nói:
- Căn cứ vào thực lực của chính phủ kháng chiến Campuchia, không có khả năng chia vùng tại Campuchia. Chỉ nên tiến hành đàm phán theo phương châm ngừng chiến tại chỗ, hai bên hiệp thương, nước trung lập giám sát, giải quyết chính trị.
Molotov ủng hộ Chu Ân Lai, hy vọng Phạm Văn Đồng tiếp nhận kiến nghị của Chu Ân Lai. 12 giờ trưa, Chu Ân Lai đến nơi ở của đoàn đại biểu Pháp gặp Bidault vừa từ Paris trở lại, thông báo cho ông ta nội dung nói chuyện với Eden hôm trước.
Tiền trình của hội nghị Genève chưa định, bên bờ hồ Lemon một mầu xanh ngắt, ba phần sắc đẹp hai phần buồn lại thêm một phần mưa gió. Bidault đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị của nước Pháp, nhưng vẫn ôm ấp hy vọng vào hội nghị Genève. Ông ta biểu thị với Chu Ân Lai:
- Nguyên nhân khiến tôi trở lại Genève lần này là để yêu cầu mọi người đừng tan vỡ quá sớm. Vào lúc tôi rời khỏi, ấn tượng của tôi là hội nghị đã thu được tiến triển, ngài Molotov đã đề xuất nhân tố khẳng định, đặc biệt là phát biểu của ngài thủ tướng rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Bây giờ chúng ta nên xem xét xem liệu đã có thể thu được kết quả cụ thể hay chưa. Chúng tôi hy vọng ngoại trưởng các nước không nên ra về quá sớm, không nên kết thúc hội nghị vào lúc này.
Lời nói của Bidault là một tín hiệu quan trọng, người Pháp không mong muốn hội nghị Genève đi vào tình cảnh tuyệt vọng.
Bidault nói tiếp, đại biểu quân sự có thể tiếp tục thảo luận vấn đề đình chiến. Đợi đến sau khi bọn họ thảo luận thu được kết quả, sẽ lại đề nghị hội nghị ngoại trưởng thảo luận. Ông ta nói:
- Tôi biểu thị lần nữa, kiến nghị mà các ngài đề xuất hôm qua đáng để bất kỳ chính phủ Pháp nào - cho dù tôi không tham gia chính phủ - phải tiến hành quan tâm chú ý đặc biệt. Kiến nghị của đoàn đại biểu nước CHND Trung Hoa là một kiến nghị có tính xây dựng.
Chu Ân Lai nói:
- Lập trường nhất quán của chúng tôi là làm cho hội nghị Genève có thành quả. Rất tiếc hội đàm vấn đề Triều Tiên đã tan vỡ, ngay hiệp định có tính thoả hiệp ở mức thấp nhất cũng không đạt được. Hôm qua tôi nói với ngài Eden, chúng tôi không muốn nhìn thấy hội nghị vấn đề Đông Dương gặp phải kết quả như vậy. Về hội nghị ngoại trưởng Đông Dương nói chung phải có ngoại trưởng các nước lớn ở Genève mới được. Nếu như theo kế hoạch của Anh, Mỹ (ngoại trưởng các nước) sẽ nhanh chóng phải ra đi, thế thì Xô, Trung sẽ rất khó lưu lại đây. Chúng tôi tán thành ý kiến của đoàn đại biểu Pháp, làm cho hội nghị tiếp tục mới tốt. Thế nhưng rốt cuộc áp dụng phương pháp gì để hội nghị có thể tiếp tục, ngài Bidault hội kiến ngoại trưởng Anh, Mỹ, nghe nói hôm nay lại hội kiến Molotov, không biết đã có biện pháp gì chưa?
Bidault nói:
- Tôi nhắc lại một chút, mục đích tôi trở lại Genève là để các ngoại trưởng không đến nỗi phân tán quá sớm. Căn cứ vào những điều đã bàn với các ngài Eden, Smith, Molotov, chúng tôi nguyện không rời trước tuần lễ sau. Thế thì chúng ta còn thời gian một tuần lễ nữa có thể lợi dụng, các chuyên gia quân sự nên tiếp tục hội đàm, giao mọi kiến nghị mà họ đưa ra cho các ngoại trưởng thảo luận. Nếu công việc của họ không có thành quả, các ngoại trưởng có thể ra về để đại diện của họ tiếp tục làm việc. Thế nhưng đại diện ngoại trưởng các nước phải là đại biểu cao cấp nhất, không nên chỉ là chuyên gia. Tôi cho rằng chí ít phải là đại biểu cấp đại sứ có kinh nghiệm, của Pháp sẽ là ngài Chauvel, hy vọng các đoàn đại biểu khác cũng là đại diện có cùng địa vị như vậy. Nếu công việc của bọn họ có thành tựu, các ngoại trưởng sẽ quay lại Genève để có xác định cuối cùng.
Chu Ân Lai nói: hiện nay xem ra không thể toàn bộ đạt được hiệp nghị, cần có thời gian thương thảo để cụ thể nó. Nếu ngoại trưởng Xô, Anh, Mỹ đều có ý kiến này, đoàn trưởng đoàn đại biểu Pháp cũng có ý kiến như vậy, thế thì theo lập trường vốn luôn tích cực của chúng tôi, chúng tôi tán thành, sẽ không phản đối. Tuy vậy nói chung phải làm cho các ngoại trưởng trước khi rời khỏi dây có thể đạt được một vài cụ thể, cho dù không phải là hiệp nghị cuối cùng thì cũng có lợi.
Bidault nói:
- Tôi hoàn toàn đồng ý cách nhìn của ngài. Theo hội nghị hôm qua thì xem ra hiệp nghị về vấn đề Đông Dương không phải là không thể đạt được. Hôm qua trong cuộc đối thoại giữa ngài và ngài Smith trên hội nghị đã làm cho mọi người đều cảm thấy không nên tự tan đi lúc này. Phát biểu của ngài Smith là rất khách khí. Ý kiến của ngài và của ông ta đều rất quan trọng, là nhân tố thúc đẩy hội nghị tiến lên.
Chu Ân Lai nói:
- Hôm qua tôi cũng nói với ngài Eden là vui lòng bàn bạc với đoàn đại biểu Pháp. Chúng tôi đã liên hệ vấn đề Lào, Campuchia và vấn đề Việt Nam lại để xem xét. Chúng tôi cho rằng phương án của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đề xuất về vấn đề Việt Nam là hợp lý, đó cũng là hoà bình quang vinh mà hai bên tìm kiếm. Đối với vấn đề Lào và Campuchia tôi đã luôn nói, tính chất của chiến tranh là giống nhau, thế nhưng tình hình ba nước không giống nhau, vì thế biện pháp giải quyết cũng cần phải có chỗ không giống nhau, nhưng cần phải liên hệ lại với nhau giải quyết. Chúng tôi vui lòng nhìn thấy Lào, Campuchia trở thành quốc gia dân chủ, quốc gia hoà bình, giống như quốc gia kiểu Đông Nam Á, đồng thời lại là nước thành viên của Liên hiệp Pháp. Nếu như họ vui lòng chung sống hoà bình với nước Pháp, chung sống hoà bình với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chung sống hoà bình với các nước Đông Nam Á, với Ấn Độ với Trung Quốc, thì như vậy đều tốt cho Đông Nam Á.
Thế nhưng chúng tôi không muốn nhìn thấy Lào và Campuchia trở thành căn cứ quân sự của nước Mỹ. Chúng tôi cũng tin là nước Pháp cũng không vui lòng nhìn thấy tình hình nay. Nếu không an ninh của Việt Nam, Trung Quốc sẽ bị đe doạ, Trung Quốc không thể không hỏi han.
Về chính trị, Lào và Campuchia nên dân chủ hoá, phải tôn trọng ý chí của nhân dân, nếu nhân dân vui lòng thừa nhận chính phủ vương quốc của hai nước thí chính phủ này có thể thành chính phủ của hai nước. Thế nhưng họ cũng muốn căn cứ vào nguyên tắc dân chủ tìm cách giải quyết chính trị trên cơ sở dân chủ đối với lực lượng phong trào dân tộc và chính phủ chống đối vì như vậy mới có thể giành được hoà bình thật sự. Chúng tôi biết nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng thừa nhận độc lập, chủ quyền và thống nhất của hai nước.
Về quân sự nên giải quyết từ hai mặt. Một mặt thừa nhận trong hai nước Lào và Campuchia đúng là có bộ đội chống đối của bản quốc, tại Campuchia số lượng có thể ít hơn một chút, vùng hoạt động nhỏ hơn một chút. Tại Lào số lượng và vùng hoạt động lớn hơn một chút. Vì vậy tại Campuchia nên đình chiến tại chỗ, hai bên hiệp thương, giải quyết chính trị; tại Lào vì vùng hoạt động lớn, lực lượng cũng tương đối lớn nên thừa nhận dùng biện pháp tập kết để giải quyết. Mặt khác mọi quân đội nước ngoài đều phải rút khỏi, hai nước nên tiếp nhận nguyên tắc này. Việt Nam có quân tình nguyện đã từng vì quan hệ tác chiến mà tới Lào và Campuchia, có một số đã về nước. Nếu bây giờ vẫn còn thì có thể tuân theo nguyên tắc “mọi quân đội nước ngoài đều phải rút khỏi Lào, Campuchia” mà xử lý. Tôi cho rằng chỉ cần nước Pháp và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, bộ phận chủ yếu của hai bên giao chiến đều đồng ý thì vấn đề sẽ giải quyết được.
Bidault nói:
- Tôi vui lòng biểu thị, cuộc hội đàm như thế này của chúng ta là có chỗ rất tốt. Chúng ta đã có được một số điểm đồng thuận, như thế mới là hội đàm chân chính có hiệu quả đồng thời có thể giúp đạt được hiệp nghị. Căn cứ vào tinh thần như vậy và phát biểu trên hội nghị ngày hôm qua, mọi người lại biểu thị một số thành ý, hoà bình giải quyết là có thể đạt được. Bây giờ chúng ta phải chú ý một diểm, đó là không để cho bất kỳ người nào đến phá hoại hội nghị. Chúng ta phải làm cho hội nghị quân sự đạt được kết quả tốt, đồng thòi làm cho toàn bộ hội nghị tiếp tục tiến triển.
Ngay đêm hôm đó Chu Ân Lai gửi điện cho Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ và Trung ương ĐCS Trung Quốc, nói lên cách nhìn của mình đối với việc Ngoại trưởng Anh, Eden thông tri, nước Anh sẽ tuyên bố chính phủ Trung Quốc đồng ý phái nhân viên ngoại giao thường trú London. Chu Ân Lai cho rằng trong tình hình hiện nay tuyên bố hiệp nghị đó là có ích bởi vì “công nhận lẫn nhau thân phận đại biểu và địa vị của nhân viên ngoại giao đối phương có thể biểu thị quan hệ hai nước đã bắt đầu đi vào bình thường hoá, nhưng trước khi hai bên thông qua đàm phán trao đổi đại sứ thì quan hệ hai nước vẫn chưa hoàn toàn bình thường hoá, vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi giai đoạn đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao, cơ cấu đại biện nên gọi là “phòng đại diện”.
Chu Ân Lai kiến nghị, Tân Hoa Xã cũng trong tối hôm nay (ngày 17 tháng 6) tuyên bố tin này và quảng bá trong toàn quốc.
Ngày 18 tháng 6 Chu Ân Lai đã chuẩn bị xong việc hội kiến với Casey. Casey là nhà ngoại giao lâu đời của Australia giữ chức ngoại trưởng nhiều năm sau chiến tranh. Đối với hội nghị Genève, Casey có “lạc quan thận trọng”. Ông vốn cho rằng hội nghị Genève đối với vấn đề Triều Tiên rất khó có thể đạt được cái gì, nhưng hai mặt trận lớn Đông, Tây nên cố gắng khôi phục hoà bình Đông Dương. Đối với Trung Quốc mới, Casey giữ thái độ tương đối ôn hoà, ông không dự tính công nhận Trung Quốc trong thời gian gần, nhưng cho rằng thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc chỉ là việc sớm muộn.
Casey vô cùng coi trọng cuộc hội kiến với Chu Ân Lai, ngày 17-6-1954 ông gặp Eden trong thời gian cực ngắn. Eden nói với Casey: Ngày hôm trước ông đã gặp Chu Ân Lai, thái độ của Chu Ân Lai là then chốt làm cho hội nghị Genève thoát khỏi cục diện cứng nhắc. Eden còn nói, ông ta đã gọi điện thoại báo cáo với Churchill về thái độ của Chu Ân Lai hy vọng khôi phục hoà bình ở Đông Dương. Ở đầu dây điện thoại bên kia, thủ tướng Anh hy vọng cục diện cứng nhắc vì thế có bước ngoặt.
Casey còn gặp Smith đại diện Mỹ và có cuộc nói chuyện dài. Smith nói với Casey, có thể có lý do nào đó cho rằng, Việt Minh có thể thành lập chính quyền tại miền Bắc Việt Nam (trong đó bao gồm Hà Nội), nhưng nước Pháp muốn khống chế Hải Phòng và giáo dân Thiên chúa Việt Nam. Smith còn nói, nếu tương lai nước Pháp rút khỏi Việt Nam, nước Mỹ sẽ thay thế. Ông ta có lòng tin vào việc sau này nước Mỹ huấn luyện quân đội của chính quyền Bảo Đại cho rằng hoàn toàn có thể đạt được trình độ như người Pháp.
Sau khi đã bàn bạc với đại biểu Anh và Mỹ, trước buổi trưa ngày 18 tháng 6, Casey dẫn tuỳ viên John Roland cùng tới biệt thự Vạn Hoa hội kiến Chu Ân Lai.
Chu Ân Lai đứng trước cửa nhà biệt thự đón Casey, rất lịch sự, rất phong độ.
Ấn tượng đầu tiên của Casey là mình đã được Chu Ân Lai đón tiếp cực kỳ lịch sự. Thủ tướng Trung Quốc ăn nói sinh động thú vị, phiên dịch tiếng Anh trẻ Phố Thọ Xương của ông nói một thứ tiếng Anh chính cống, dịch rất lưu loát khiến người ta khâm phục.
Chủ khách vừa yên vị, Chu Ân Lai ra hiệu tay, lập tức có người xuất hiện, lễ phép rót nước trà. Vừa mở nắp cốc, đã thấy lá chè xanh biếc, hương thơm xộc mũi. Đây là loại chè “Bích Loa xuân”, Đông Sơn, Tô Châu từ trong nước mang ra theo chỉ thị của Chu Ân Lai. Casey luôn miệng khen “chè ngon”, vừa nhấp một hớp đã có người rót thêm nước, uống đến đâu, rót thêm nước đến đó, Casey không biết mình đã uống bao nhiêu nước.
Chu Ân Lai nói:
- Hoan nghênh ngoại trưởng Casey đến thăm, đáng tiếc là ngoại trưởng Casey sắp phải rời Genève, nếu như chúng ta có cơ hội gặp nhau bàn bạc sớm thì tốt bao nhiêu.
Casey giỏi dẫn dắt đầu đề câu chuyện. Ông nói:
- Ngày 27 tháng 5, ngoại trưởng Trung, Anh đạt được nhất trí ý kiến, xác định hai bên sẽ mở Phòng Đại biện tại thủ đô của nhau, thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại biện. Nên chúc mừng việc này! Eden là gentleman nước Anh điển hình là một người lịch sự.
Trước sự đánh giá của Casey, Chu Ân Lai cười rồi nói:
- Trong việc quan hệ Trung, Anh ngoại trưởng Eden rất tích cực, chúng tôi đã cùng nhau giải quyết một việc khó khăn. Bây giờ tôi rất vui lòng nghe ý kiến của ngoại trưởng lão thành, ngài Casey về tiến trình của hội nghị Genève.
Chu Ân Lai không cảm thấy nuối tiếc vì hội nghị Genève về vấn đề Triều Tiên không đạt được hiệp nghị. Ông nhấn mạnh nói, chúng ta không nên vì vấn đề Triều Tiên bị cản trở mà dừng lại trên đường đàm phán, bây giờ chúng ta nên cố gắng giải quyết vấn đề Đông Dương.
Casey nói:
- Vấn đề Triều Tiên gặp phiền phức là có thể tưởng tượng được, bởi vì đó vốn là một vấn đề khó, như nước và dầu khó có thể tan vào nhau. Đối với vấn đề này thì có thể để cho sau này hai bên nam, bắc Triều Tiên thiết lập quan hệ mậu dịch trước thì càng tốt.
Casey nói với Chu Ân Lai:
- Có thể ngài Eden cũng đã nói với ngài, sau này nếu lại họp thảo luận vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc sẽ nhận được lời mời.
Chu Ân Lai nói:
- ông ngờ là sẽ không nhận được lời mời này.
Casey nói:
- Từ góc độ cá nhân tôi thấy, có thể khẳng định phải mời Trung Quốc.
Tiếp đó Chu Ân Lai và Casey thảo luận vấn đề Đông Dương. Chu Ân Lai giới thiệu cách nhìn của chính phủ Trung Quốc đối với vấn đề Lào và Campuchia. Ông nói với Casey, tôi biết nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vui lòng tôn trọng độc lập, chủ quyền và thống nhất của Lào và Campuchia. Từ chính trị mà nói thấy, chính phủ của hai vương quốc này cũng có thể được công nhận.
Casey nói, thái độ chủ động của Trung Quốc đối với Lào và Campuchia được mọi người hoan nghênh, hy vọng thảo luận hơn nữa những vấn đề chi tiết của bước tiếp sau.
Chu Ân Lai nói:
- Các nước đều hy vọng nhìn thấy một nước Lào và Campuchia hoàn chỉnh, độc lập và được hưởng đầy đủ an ninh. Chúng tôi hy vọng hai nước này về các mặt đều độc lập tự chủ như các quốc gia châu Á khác Thế nhưng có một điểm, không thể xây dựng căn cứ quân sự của Mỹ tại Lào và Campuchia.
Casey nói, có khả năng không xây dựng căn cứ quân sự ở đó, hơn nữa hai bên cũng không nên xây dựng căn cứ quân sự ở đó.
Chu Ân Lai truy hỏi:
- Ngài chỉ hai bên là cái gì?
Casey trả lời:
- Australia không tham gia công việc Đông Dương, tôi cũng không được chỉ thị nói đến cái khác, thế nhưng nếu có người kiên trì yêu cầu Trung Quốc không xây dựng căn cứ quân sự hoặc sân bay không quân tại vùng biên giới Trung Việt, tôi sẽ không cảm thấy kỳ quái.
Chu Ân Lai nói:
- Căn cứ mà Trung Quốc xây dựng đều có tính phòng ngự.
Ông lời lẽ nghiêm chỉnh chỉ ra với Casey, chẳng lẽ một quốc gia có chủ quyền bố trí quân đội trên lãnh thổ của mình lại phải chịu sự hạn chế từ bên ngoài sao? Điều này rõ ràng là nói không xong.
Casey khôn khéo nói:
- Điều này cần phải xem người của bọn họ sử dụng như thế nào, khu biệt giữa phòng ngự và tấn công là ở chỗ này.
Đến đây Casey phát hiện được tiếng Anh của Chu Ân Lai tương đối tốt, khi người phiên dịch dịch một câu nói của Chu Ân Lai là: “không xây dựng căn cứ quân sự nước ngoài ở châu Á”, Chu Ân Lai đã bảo người phiên dịch ngừng lại, sửa lại: “phải dịch là, không xây dựng căn cứ quân sự nước ngoài tại Lào và Campuchia”.
Casey hỏi Chu Ân Lai:
- Có phải ngài đã hội kiến ngoại trưởng Lào và Campuchia?
Chu Ân Lai nói:
- Ngoài ở hội trường ra, còn chưa có cơ hội gặp nhau nói chuyện.
Casey nói:
- Tốt nhất là ngài nên gặp họ, giống như hôm nay gặp tôi.
Chu Ân Lai nói:
- Tôi cũng hy vọng có cơ hội cùng hai vị ngoại trưởng đó bàn bạc, có vấn đề gì, có chỗ nào hai bên còn chưa được lý giải, thông qua gặp mặt trao đổi mới nói rõ được. Trên thực tế, tôi đã biểu đạt với Ngoại trưởng Vương Quốc Lào Phui Sananikone, và ngoại trưởng Campuchia Tep Phan, Trung Quốc cùng với Lào và Campuchia đều là láng giềng gần, chúng tôi có tình hữu nghị truyền thống. Trung Quốc không có ý đồ xâm lược và bành trướng ra chấu Á, Trung Quốc mong muốn nhìn thấy các nước châu Á giành được tự do và độc lập, đòng thời có chính phủ dân chủ của mình. Vấn đề Việt Nam cũng bao gồm trong đó, nếu thực hiện ngừng bắn ở Việt Nam, nên hết sức nhanh chóng tiến hành bầu cử.
Casey nói:
- Việt Nam chịu vết thương chiến tranh rất nặng, nên có một thời kỳ thích ứng.
Chu Ân Lai hỏi Casey:
- Nếu như vậy, ngài cảm thấy thời kỳ thích ứng nên dài bao nhiêu?
Casey nói:
- Chẳng ai uỷ quyền cho tôi phát biểu việc này, nhưng cá nhân tôi thấy, chí ít cũng cần thời gian 12 tháng.
Nghe xong, Chu Ân Lai ngừng một lúc mới nói:
- Tôi đồng ý, tiến hành bầu cử phổ thông ở Việt Nam cần một đoạn thời gian thích đáng.
Chu Ân Lai nói:
- Chúng ta nên làm cho hội nghị Genève đạt được thành quả tích cực, chúng ta không mong muốn đánh nhau, nhân dân Trung Quốc khát vọng hoà bình. Xét trong phạm vi thế giới thấy, chỉ cần hai bên Đông, Tây đều không ý đồ bành trướng và xâm lược là có thể thực hiện được chung sống hoà bình. Vì sao chúng ta lại không thể thực hiện được chung sống hoà bình?
Cuộc nói chuyện giữa Chu Ân Lai và Casey kéo dài 45 phút. Tinh lực dồi dào của Chu Ân Lai cũng như cách nhìn nhạy cảm của ông đối với các vấn đề quốc tế đều để lại ấn tượng sâu sắc cho Casey. Vì buổi chiều phải rời Genève nên Casey đứng dậy từ biệt, và nói với Chu Ân Lai:
- Từ nay trở đi, ngài không còn là tên gọi mà tôi nhìn thấy trên báo chí, mà là một nhân vật sống động ngay trước mắt tôi.
Sau khi từ biệt Casey, Chu Ân Lai lên ô tô vào thành phố, tham gia hội nghị có tính hạn chế lần thứ 15 về vấn đề Đông Dương vào 3 giờ chiều.
Không ngờ Smith vắng mặt ngày hôm đó, Robertson đại biểu Mỹ phát biểu đầu tiên, tiến hành công kích phương án ngày 16 tháng 6 của Chu Ân Lai. Cho đến nay, vẫn chưa từ hồ sơ lưu trữ phát hiện được ý kiến của Dulles đối với phát biểu ngày 16 tháng 6 của Smith nhưng xem xét từ chỗ, Smith không tham gia phiên họp ngày 18 tháng 6 có thể thấy, rất có thể bài phát biểu của ông ta đã bị Quốc Vụ viện phê bình. Thứ hai quan điểm của Robertson và Smith có chỗ không giống nhau, người trước có thái độ rất thù địch Trung Quốc mới. Một khi có cơ hội phát biểu tại hội nghị là Robertson nói, đề án của Trung Quốc có lợi cho lực lượng chống đối tại Lào và Campuchia lưu lại, không có sự hạn chế rõ ràng việc này, vì thể nước Mỹ không thể chấp nhận đề án của Trung Quốc.
Trong chốc lát không khí hội trường căng thẳng lên. Tep Phan ngoại trưởng Campuchia yêu cầu phát biểu. Với tư cách là người đương sự trực tiếp, thái độ của ông này trái hẳn với thái độ của Robertson, biểu thị vui lòng nhìn thấy ba nước Đông Dương đồng thời ngừng bắn, nhưng không thiết lập “vùng tập kết” trong biên giới Campuchia. Campuchia vui lòng tiếp nhận đề án của Trung Quốc, thực hiện các điều khoản trong phương án của Trung Quốc không có khó khăn gì.
Những người trong cuộc trực tiếp, vui lòng tiếp nhận đề án của Chu Ân Lai đã khiến không khí hội trường dịu đi.
Sau đó là phát biểu của Chu Ân Lai. Vương Bỉnh Nam nhớ lại nói, Chu Ân Lai rất giận dữ trước bài phát biểu của Robertson, đã chỉ ra, phát biểu của Robertson không giống như phát biểu của Smith hôm qua. Chu Ân Lai phẫn nộ nói với Robertson, chúng ta đã từng gặp mặt, nếu ngài Robertson kiên trì muốn gây chiến, chúng tôi sẽ kiên trì ứng chiến.
Chu Ân Lai chỉ ra thêm, phát biểu và kiến nghị trên hội nghị của đoàn đại biểu Trung Quốc ngày 16 tháng 6 là rất rõ ràng, không cho phép có sự hiểu sai nào. Lào và Campuchia có tình hình hai mặt, một mặt đúng là có quân đội do chính phủ chống đối lãnh dạo. Một mặt do quan hệ tác chiến, hai bên đều đưa vào quân đội nước ngoài, hoặc là từng có đưa vào quân đội nước ngoài, hơn nữa có số đã rút khỏi. Bây giờ muốn đạt được ngừng bắn có hiệu quả thực sự, cần đạt được hiệp nghị mọi lực lượng vũ trang nước ngoài đều rút khỏi Lào và Campuchia.
Điểm then chốt trong phát biểu của Chu Ân Lai là: ngừng bắn tại ba nước Đông Dương phải đồng thời thực hiện, không thể một nước ngừng bắn còn nước khác lại không ngừng bắn. Ông còn chủ trương, tiến hành giám sát quốc tế ngừng bắn ở ba nước.
Phạm Văn Đồng phát biểu ủng hộ ý kiến của Chu Ân Lai, ông cũng biểu đạt ý tứ giống như vậy:
- Trước đây từng có quân đội tình nguyện Việt Nam tác chiến tại Lào và Campuchia, hiện nay một số quân đội đó đã rút khỏi hai nước. Nếu hiện nay vẫn còn, cũng tự nhiên nên rút khỏi. - Ông bổ sung - Ở đó còn có lực lượng chống lại của riêng Lào và Campuchia, điều này không được phép phủ nhận.
Molotov cũng phát biểu ủng hộ kiến nghị của Chu Ân Lai. Trong phát biểu đại biểu Lào cũng nói, kiến nghị của Trung Quốc có thể dùng làm cơ sở để thảo luận thêm. Đại biểu Lào thừa nhận trong biên giới Lào có căn cứ quân sự của Pháp, ông vui lòng thảo luận vấn đề giám sát quốc tế đối với quân đội nước ngoài.
Sau giờ nghỉ giải lao, Robertson, đại biểu Mỹ đề xuất một tuyên bố với hội nghị, nói:
- Phát biểu mà tôi vừa nói không có chỗ nào mâu thuẫn với lập trường của tướng Smith tại hội nghị lần trước.
Tuy vậy ông ta không tiến hành giải thích điều này, tức là nói đề án của Campuchia và của Lào phải rõ ràng hơn so với dề án của Trung Quốc, do đó càng thuận tiện hơn cho thảo luận.
Mặc dù có sự công kích của Robertson cục diện hội trường vẫn phát triển theo hướng hoà dịu. Vào lúc hội nghị kết thúc, Eden kiến nghị, đề án của Trung Quốc, và Lào, Campuchia có thể làm cơ sở để hội nghị lần tới thảo luận. Chủ tịch hội nghị Molotov tuyên bố, không có lý do để từ chối đề nghị của Eden, ngày hôm sau (ngày 19-6-1954) sẽ tiếp tục cử hành hội nghị.
Đúng vào lúc đó tại Paris thủ đô Pháp đã xẩy ra sự thay đổi cục diện một cách kịch tính.
Ngày 17-6-1954, ứng cử viên thủ tướng Pháp, Mendès-France đảng viên đảng Xã hội Cấp tiến tới quốc hội phát biểu diễn thuyết cầm quyền.
Mendès-France (1907-1982) sinh ngày 11 tháng 1 năm 1907 trong một gia đình Do Thái ở Paris. Ngay từ trẻ đã tốt nghiệp tại Học viện Chính trị Paris, vì có hứng thú đặc biệt với luật pháp nên đã vào học Học viện Luật, Đại học Paris và có bằng tiến sĩ luật. Trong thời gian theo học, ông đã gia nhập đảng Xã hội Pháp. Năm 1932 khi 25 tuổi, Mendès-France bắt đầu cuộc sống chính trị, được bầu làm nghị sĩ đảng Xã hội Cấp tiến tỉnh Aire. Năm 1938 giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính. Trước khi bắt đầu chiến tranh thế giới thứ thứ hai, ông phục vụ trong không quân, do bất mãn với chính sách đầu hàng của chính phủ Vichy mà bị bắt. Sau này Mendès-France vượt ngục thành công, dấn thân vào phong trào kháng chiến của Pháp. Năm 1943-1944, ông giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ lâm thời Pháp. Năm 1944-1945 giữ chức Bộ trưởng Kinh tế quốc dân của chính phủ.
Bắt đầu từ năm 1950, Mendès-France phản đối chính sách Đông Dương của chính phủ Pháp, cho rằng nên thông qua đàm phán giải quyết vấn đề Đông Dương. Một năm trước, Mendès-France ra tranh cử thủ tướng nhưng không thành công. Lần này ông tự cho rằng cơ hội của mình đã tới. Chính phủ Laniel đổ, các nghị sĩ quốc hội gửi nhiều hy vọng vào Mendès-France.
Bắt đầu từ ngày 14 tháng 6, Mendès-France liên tục gặp gỡ những người phụ trách quân sự nước Pháp, nghe họ giới thiệu về cuộc chiến tranh Đông Dương. Ông ta còn hội kiến Bidault vừa về Paris. Bidault nói với ông ta:
- Tình hình còn khó khăn hơn so với tưởng tượng của ngài.
Thế nhưng Mendès-France vẫn kiên định cho rằng giành được hoà giải ở hội nghị Genève là hành động then chốt để chấn hưng nước Pháp.
Giờ đây khi ông ta đến gặp các nghị sĩ chính là lúc hội nghị Genève đứng giữa sự thành, bại. Bài diễn thuyết của ông ta được công chúng Pháp quan tâm chú ý rộng rãi. Đó là một bài diễn văn ảnh hưởng đến vận mệnh nước Pháp
“Vào khoảng một năm trước đúng ngày hôm nay cùng mang một sứ mệnh tương tự, được sự uỷ nhiệm của tổng thống nước Cộng hoà, tôi đã đến đây đề xuất một nghị quyết án phục hồi kinh tế và chấn hưng dân tộc. Khi đó tôi nói với các vị, chính sách này là một chỉnh thể bạn không thể tiếp nhận phần này mà từ chối phần kia. 301 người trong các ngài tiếp nhận đề án đó, còn 205 người thì không, tôi cho rằng điều này cho thấy rõ người bỏ phiếu đã đồng ý với cách nhìn của tôi về nhiều mặt, nhưng không thể hoàn toàn nhất trí ủng hộ tôi.
Nếu như tôi không thể được đại đa số phiếu bầu, điều đó ngược lại không phải là vì chính sách kinh tế của tôi quá nghiêm khắc. Chính sách này vì đất nước chúng ta đã chế định ra kế hoạch nhằm đạt đựoc mục tiêu vĩ đại, quyết không che giấu những khó khăn trên con đường đó. Không giành được đại đa số phiếu bầu cũng không phải là vì người bỏ phiếu khó lựa chọn một sự nghiệp rất khó, mà chủ yếu là vì bọn họ trên một vấn đề không biết theo ai, đó là vấn đề Đông Dương.
Tôi muốn nói với những người một năm trước chưa thể ủng hộ tôi, những sự việc phát sinh từ đó đến nay khẳng định đã làm cho cách nhìn của chúng ta thống nhất. Hiện nay chúng ta có thẻ đoàn kết với nhau, tôi thấy đó là nguyện vọng chung đối với hoà bình, và đó cũng là sự đáp ứng lại khát vọng của cả đất nước.
Chúng ta đã bị cuốn sâu vào trong cuộc đàm phán đang tiến hành. Nếu mọi người tín nhiệm, tôi có thể gánh vác trách nhiệm đàm phán, trách nhiệm của tôi là nói với các bạn trong đàm phán nên xác lập nguyên tắc kiểu gì.
Mấy năm nay, tôi cho rằng có thể thông qua thoả hiệp giành được hoà bình, thông qua đàm phán với kẻ địch giành được hoà bình, đã có một loạt sự thực thuyết minh có thể làm đựoc như vậy. Mà hoà bình như thế sẽ có lợi cho việc khôi phục tình trạng tài chính nước ta, có lợi cho việc phục hưng kinh tế nước ta, bởi vì cuộc chiến tranh này đối với nước ta mà nói là một gánh nặng khó mà chịu nổi.
Hiện nay chúng ta đang đối mặt với một hiện thực như thế này, đó là sự xuất hiện một nguy hiểm đáng sợ mới. Nếu như cuộc xung đột Đông Dương không thể giải quyết rất nhanh chóng, sẽ có khả năng lại dẫn tới chiến tranh, dẫn tới một cuộc chiến tranh quốc tế, thậm chí là một cuộc chiến tranh hạt nhân. Đó là vì sao trong khi trong tay chúng ta vẫn còn không ít con chủ bài mà phải có một số nhượng bộ và hy sinh, bởi vì chúng ta hy vọng giành được hoà bình lý tưởng một cách nhanh nhất. Nước Pháp tuyệt đối không tiếp nhận, trong tương lai cũng sẽ không tiếp nhận biện pháp giải quyết nào đó trong tình huống trái với lợi ích căn bản của nó. Nước Pháp sẽ giữ vững sự tồn tại của nó tại Viễn Đông, bất kể là đồng minh hay là kẻ thù của chúng ta đều không thể làm lòng tin của chúng ta có mảy may dao động nào.
Bây giờ chúng ta cùng đại biểu các nước đồng minh và ba nước Đông Dương tiến hành đàm phán ở Genève. Nếu các vị nghị sĩ có mặt tại đây đồng ý, tôi sẽ cùng chính phủ sắp thành lập mang theo lòng tin hoà bình vững chắc tiếp tục tiến hành đàm phán, giải quyết vấn đề. Làm như vậy là để bảo vệ lợi ích của chúng ta và giành được biện pháp giải quyết có thể diện. Vì thế chúng ta sẽ đánh cho tốt những con chủ bài trong tay, tập trung sức mạnh vật chất và tinh thần các mặt của chúng ta, giành được sự ủng hộ của các bạn đồng minh, ngoài ra còn có lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng khí khái của sĩ quan binh lính chúng ta. Những cái đó chính là sức mạnh cơ bản nhất mà nước Pháp dựa vào để sinh tồn. Khi chúng ta hồi tưởng lại màn bi tráng của Điện Biên Phủ, ở đó nhiều tướng sĩ đã trả giá bằng những hy sinh thầm lặng trong chiến dịch nổi tiếng thế giới ấy, chúng ta càng phải nhấn mạnh điểm này và gửi lời chào trang nghiêm tới bọn họ.
Đó là vì sao, bảo đảm an ninh cho đội quân viễn chinh cũng như bảo vệ và duy trì được lực lượng của họ là tuyệt đối tất yếu, trên vấn đề này bất kỳ là chính phủ hay quốc hội đều không được trù trừ, do dự. Đó là vì sao, chỉ cần đạt được mục đích này, chúng ta vui lòng thưởng thức bất kỳ phương thức nào. Đó là vì sao, có một con người như vậy đứng trước các bạn, cách nhìn của anh ta đối với vấn đề Đông Dương là kiên định không thay đổi. Và bây giờ anh ta đang kêu gọi đại đa số người trong các bạn ủng hộ, mặc dù trong đó có nhiều người xưa nay chưa trực tiếp hoặc gián tiếp ủng hộ anh ta. Nhưng chính anh ta cần binh sĩ của chúng ta cho anh ta lòng tin khiến anh ta có thể hoàn toàn độc lập tiến hành đàm phán với kẻ thù.
Tôi đã nghiên cứu tỉ mỉ mà rất nhiều ghi chép của hội nghị (Genève) đồng thời đã trao đổi ý kiến với những quan chức quân sự và ngoại giao xứng đáng với chức vụ nhất, bọn họ khiến tôi tin chắc, giải quyết hoà bình xung đột là có thể.
Chúng ta phải hết sức nhanh chóng ngừng bắn, chính phủ sẽ được thành lập do tôi sẽ giao cho tôi và các trợ thủ có liên quan một thời hạn, tổng cộng là bốn tuần lễ để thực hiện ngừng bắn. Hôm nay là ngày 17 tháng 6, trước khi kết thúc ngày 20 tháng 7 tôi sẽ đến trước các bạn báo cáo kết quả với các bạn. Nếu như trong thời hạn trên không làm cho vấn đề được giải quyết khiến người ta vừa lòng, tôi sẽ căn cứ vào hiến pháp đề xuất từ chức với tổng thống Cộng hoà.
Vào lúc này không cần nói nhiều vì sao, bắt đầu từ ngày mai mọi biện pháp quân sự cần thiết sẽ được sử dụng để hoàn thành nhiệm vụ cấp bách nhất. Nếu tình hình đòi hỏi chúng ta không thể không như thế, chính phủ cũng cần phải làm tốt việc chuẩn bị tiếp tục chiến tranh. Nếu như có vấn đề nào đó đòi hỏi phải do quốc hội quyết định thì tôi sẽ đề xuất với quốc hội”.
Trong bài diễn thuyết hôm đó, Mendès-France người tranh cử thủ tướng đã đưa ra lời hứa, nếu như trúng cử, ông ta nhất định trước ngày 20-7-1954 thông qua một hiệp nghị mà mọi người có thể tiếp nhận, thực hiện hoà bình cho Đông Dương. Nếu không, ông ta sẽ từ chức ngay.
Diễn thuyết có tiếng vang, sau khi thảo luận quốc hội tiến hành bỏ phiếu. Kết quả Mendès-France được 413 phiếu ủng hộ, 47 phiếu phản đối và 143 phiếu trắng. Thủ tướng chính phủ khoá mới đã được sản sinh. Bản thân Mendès-France kiêm luôn ngoại trưởng mới, Chauvel được cử làm đoàn trường đoàn đại biếu Pháp tại hội nghị Genève.
Hội nghị Genève về vấn đề Đông Dương do đó mà đứng trước một bước ngoặt trọng đại.
Chương 24
Đột phá trước vào vấn đề Campuchia, Lào
Căn cứ vào sự hoà giải của Chu Ân Lai và Eden, ngày 19-6-1954 hội nghị Genève thông qua hiệp nghị đình chỉ hành động đối địch tại Campuchia và Lào, đó là một tiến triển quan trọng để giải quyết vấn đề Đông Dương. Chu Ân Lai đã đi một nước cực kỳ khôn khéo, phân hoá Lào và Campuchia ra khỏi mặt trận thân phương Tây truyền thống, đứng vào lập trường trung lập. Ông đã lần lượt tiến hành thành công các cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Campuchia và Lào, cuối cùng làm cho đoàn trưởng các đoàn đại biểu các nước Đông Dương cùng đến Vạn Hoa dự buổi tiệc tối của đoàn đại biểu Trung Quốc.
Chu Ân Lai coi trọng động thái của Paris, sau khi biết được Mendès-France thành lập nội các, ngày 19-6-1954 đã gửi điện cho Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ và Trung ương ĐCS Trung Quốc, báo cáo phán đoán của mình:
Mặc dù Mendès-France chủ trương đình chiến ở Đông Dương, nhưng ông ta không phải là phái tả thực sự, ông ta dùng khẩu hiệu hoà bình để đoàn kết đa số các đảng phái tư sản. Vì thế ông ta phải thoả mãn yêu cầu của các mặt, và có tính dao động. Nước Mỹ sẽ tăng sức ép với ông ta. Nước Anh biểu thị chần chừ, thế nhưng chỗ khác nhau giữa ông ta và Bidault là ông ta có thể thực hiện đình chiến ở Đông Dương, nội các của ông ta có thể tiếp tục được.
Vì thế, nếu có thể cùng Pháp đạt được đình chiến thì có lợi cho toàn bộ tình hình. Trọng tâm sách lược của chúng ta nên đặt vào việc cổ vũ tính tích cực của Pháp, phải làm cho Pháp không hoàn toàn nghe Mỹ, làm cho Anh cũng biểu thị tán đồng đình chiến, chỉ cần điều kiện hợp lý là sẽ nhanh chóng đạt được đình chiến. Mendès-France chủ trương Pháp, Việt trực tiếp đàm phán. Vì vậy tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ khiến đàm phán trực tiếp Pháp Việt chặt chẽ lên là tương đối có lợi. Nếu đoàn đại biểu quân sự có thể đạt được hiệp nghị, hội nghị Genève không thể không phê chuẩn.
Tình hình trước mắt là: nếu ta có thể đề xuất phương án cụ thể, hợp lý trong hội đàm quân sự, thì có thể tranh thủ được Pháp nhanh chóng giải quyết vấn đề, đạt được đình chiến. Như vậy vừa có thể thúc đẩy chính phủ mới của Pháp chống lại sự can thiệp của Mỹ lại vừa có thể kéo dài vấn đề quân đội châu Âu. Điều này có lợi cho cả Đông và Tây(1).
Vào 11giờ 45 ngày hôm đó, Eden mang theo Casey và phiên dịch viên đến Vạn Hoa chào Chu Ân Lai.
Chu Ân Lai nói với Eden, đoàn đại biểu Trung Quốc đã nhận được hai dự thảo phương án về vấn đề Đông Dương do đoàn đại biểu Pháp dự thảo, còn chưa kịp thương lượng với đoàn đại biểu Liên Xô, Việt Nam. Ý kiến cá nhân ông là, hiệp thương trước rồi mới họp, điều này so với việc mọi người phát biểu tại đại hội càng tiện thương lượng vấn đề hơn. Còn về đề án của Pháp sẽ xem xét như vấn đề của mình, nhưng đối với yêu cầu của đối phương thì chưa cụ thể, đề án mới của Campuchia cũng có vấn đề như vậy.
Eden nói:
- Vì chúng ta đã quen biết, tôi xin thẳng thắn nói với ngài, cách nghĩ của nhiều người trong nước tôi là, khi chúng ta đang giải quyết vấn đề ở đây, phía cộng sản đang chuẩn bị giành thắng lợi mới. Nếu như ở Lào, Campuchia sau khi hiệp thương mà bộ đội Việt Nam vẫn tiếp tục tấn công và hội nghị Genève vẫn tiếp tục tiến hành thì ảnh hưởng sẽ tuơng đối không tốt. Người ta sẽ cho rằng họ không thành thực. Sáng nay tôi vừa nhận được một bức điện, nói quân đội Việt Minh đã chiếm một nơi có tên là “Kang” thuộc vùng Bassac bên hữu ngạn sông Mekong, biên giới Campuchia.
Chu Ân Lai trả lời:
- Sở dĩ chúng tôi chủ trương nhanh chóng đạt được hiệp nghị đình chiến nhanh một chút vì đó là điểm chung của chúng ta. Bởi vì còn đang tiến hành chiến tranh nói chung là không tốt. Hiện nay chính phủ mới của Pháp cũng hy vọng nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Eden đồng ý cách nhìn của Chu Ân Lai.
Chu Ân Lai lại nói:
- Hiện nay mặc dù vẫn còn đánh, nhưng nói chung chiến tranh có tiến có thoái, chỉ cần chiến tranh vẫn tiếp tục là không tốt.
Eden nói:
- Tôi chỉ muốn ngài chú ý điểm này: chiến tranh Lào, Campuchia và Việt Nam không giống nhau. Nếu như mấy tiểu đoàn quân Việt Minh ở chỗ chúng ta sau khi đã có được hiệp nghị mà vẫn tiếp tục đánh, người trong nước chúng tôi sẽ nói, đó là sự đối chiếu rõ ràng bao nhiêu, bên này đang thu xếp rút quân, đang muốn bàn bạc cụ thể, thì bên kia lại tấn công.
Ý của Eden là, hy vọng Chu Ân Lai đưa ra lời hứa, khiến thế tấn công của Quân đội nhân dân Việt Nam dừng lại.
Chu Ân Lai nói với ông ta, phía chúng tôi còn chưa biết được tin (Việt Nam) có phát động tấn công ở Lào, Campuchia. Chúng ta có thể nghe ngóng một chút.
Eden nói:
- Nghe ngóng thăm dò một chút là có ích. Ngài Phạm Văn Đồng không nhiệt tình với Lào và Campuchia mà.
Chu Ân Lai giải thích:
- Tình hình không phải như vậy, vấn đề là tại chỗ cũng có khó khăn. Ba nước Đông Dương đều rất tôn trọng lẫn nhau, chúng tôi cũng chỉ sau khi đến Genève mới biết điểm này. Ba nước đều rất coi trọng lợi ích nước mình, chúng tôi cảm thấy so với vấn đề Việt Nam còn khó thương lượng hơn. Thế nhưng bất kể như thế nào, những lời chúng ta nói nhất định được thực hiện. Ở Lào và Campuchia đều không có ĐCS, họ đều là phần tử phong trào dân tộc. Ngài biết đấy, tâm tình dân tộc chủ nghĩa ở Đông Nam Á là rất cao.
Eden tiếp tục bàn cãi:
- Nếu như họ làm tại đây một loại sắp xếp, thế nhưng cái gọi là quân đội của Việt Minh sẽ đánh lớn ở đó, mọi người sẽ cho rằng như thế là nghiêm trọng.
Chu Ân Lai tiếp tục giải thích:
- Vấn đề có hai mặt. Nói chung chiến tranh là có tiến có lùi, quân viễn chinh Pháp cũng không được mở chiến dịch lớn. Ví dụ như hồi đó Điện Biên Phủ vốn không có chiến dịch lớn, nhưng nước Pháp đưa nhiều không quân tới. Một chiến dịch như vậy là không thể tránh khỏi. Ngoài ra, còn có những xung đột nhỏ có tính địa phương. Nếu như không đình chiến, thì điều đó khó tránh được. Tính chất của hai loại tình hình đó là không giống nhau.
Eden nói:
- Theo hiểu biết của tôi thì khó khăn là tại Việt Nam. Nếu như Việt Nam không có dã tâm quá lớn muốn chiếm lĩnh Lào và Campuchia, các nơi khác là không khó.
Lúc này Trương Văn Thiên nói xen vào:
- Chỉ cần đạt được hiệp nghị tại đây (Lào và Campuchia) thì sẽ không có tấn công.
Eden quay lại hỏi Chu Ân Lai:
- Kế hoạch sau này của ngài là gì?
Chu Ân Lai nói:
- Điều này phải xem liệu giữa hội nghị Ngoại trưởng có thu xếp nghỉ ngơi hay không?
Eden nói:
- Nếu như tối hôm nay chúng ta có thể thông qua văn kiện này, tôi nghĩ không ngại thời gian nghỉ họp, để các đại biểu Bộ tư lệnh tiếp tục công tác. Mendès-France muốn tôi khi về nước ghé qua Paris, chúng tôi sẽ cùng ăn cơm, tôi sẽ nói cho ông ta biết mọi khó khăn trong Uỷ ban giám sát, và giải thích cho ông ta vấn đề đó. Đó cũng là những vấn đề chủ yếu mà chúng tôi lưu lại cần giải quyết.
Chu Ân Lai hỏi:
- Về vấn đề giám sát, ngài thấy đề án của tôi hôm qua thế nào?
Eden nói:
- Chúng tôi vẫn chưa đạt được hiệp nghị về vấn đề thành viên của Uỷ ban giám sát. Tôi cho rằng nếu không có Pháp, chúng ta định cũng đạt được hiệp nghị về vấn đề thành viên là không thành vấn đề lớn.
Chu Ân Lai nói:
- Đối với nước Pháp mà nói, chủ yếu vì họ là một trong hai bên giao chiến. Thế nhưng chúng tôi cảm thấy, đại biểu quân sự hai bên đối với vấn đề Việt Nam và Lào, Campuchia có thể nhanh chóng đạt được hiệp nghị, vấn đề giám sát sẽ không thành vấn đề nữa.
Khi kết thúc cuộc hội kiến, Eden lộ ra nét cười, nói:
- Việc khiến tôi phấn khởi nhất lần này là Anh và Trung Quốc cải thiện quan hệ. Chuyện khác tôi không quản(2).
Chiều ngày hôm đó, tại hội nghị hạn chế lần thứ 16 về vấn đề Đông Dương.
Đoàn đại biểu chín nước tham dự hội nghị đã nghe Chauvel đại biểu Pháp đọc đề án, đề án này được hình thành trên cơ sở sửa chữa nhỏ đề án của Chu Ân Lai. Các đại biểu tham dự hội nghị đồng ý hạng mục đình chỉ hành động đối địch tại Lào và Campuchia của hiệp nghị này, toàn văn như sau:
Để thúc đẩy đồng thời nhanh chóng thực hiện đình chỉ hành động đối địch tại Đông Dương, nay kiến nghị:
Đại biểu Bộ tư lệnh hai bên sẽ gặp nhau ngay tại Genève hoặc tại chỗ.
Họ sẽ tiến hành nghiên cứu các vấn đề đình chỉ hành động đối địch trong ranh giới Campuchia và Lào và từ đó bắt đầu vấn đề rút khỏi Campuchia và Lào mọi lực lượng vũ trang nước ngoài và nhân viên quân sự nước ngoài, đồng thời có sự chú ý cần có đối với những ý kiến và kiến nghị mà đoàn đại biểu các nước tham gia hội nghị đề xuất.
Bọn họ sẽ cung cấp sớm nhất cho hội nghị những kết luận và kiến nghị của họ.
Lại qua hiệp thương, hội nghị sẽ tiếp tục tiế hành. Đã yêu cầu xử lý báo cáo tạm thời hoặc báo cáo cuối cùng do đại biẻu Bộ tư lệnh vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia đề xuất với hội nghị ngày 21(3).
Hiệp nghị này không nêu “Việt Nam rút quân” mà chỉ nêu rõ ràng rút khỏi “mọi lực lượng vũ trang nước ngoài và nhân viên quân sự nước ngoài”, điều này đã bao gồm vào đó cả lực lượng quân sự của Pháp tại các nơi đó. Một điều khoản như vậy được đoàn đại biểu Pháp đề xuất càng có sức ràng buộc, vừa chiếu cố thể diện nước Pháp và vừa làm cho mặt trận phương Tây do Mỹ đứng đầu dễ tiếp thu. Thời hạn “21 ngày” đề xuất trong hiệp nghị nhất trí với thời hạn do Mendès-France đề xuất. Hiệp nghị này đã làm cho vấn đề Đông Dương tránh được sự tan vỡ, đặt nền tảng cho việc tiếp tục cố gắng thực hiện hoà bình ở Đông Dương.
Nửa đầu Hội nghị Genève đến đây kết thúc, ngoại trưởng các nước lần lượt rời Genève về nước, tuy vậy đoàn đại biểu các nước có liên quan đến vấn đề Đông Dương đã để lại nhân viên cấp đại sứ hoặc cấp Thứ trưởng ngoại giao giữ nhiệm vụ quyền trưởng đoàn, để tiếp tục hiệp thương những vấn đề cụ thể. Ngoại trưởng các nước sẽ lần lượt trở lại vào trung tuần tháng 7, tiếp tục thảo luận. Phạm Văn Đồng và trưởng đoàn ba nước Đông Dương ở lại, những việc lớn mà họ phải bàn quá nhiều.
Chu Ân Lai chỉ định Lý Khắc Nông làm quyền Trưởng đoàn, quyền Trưởng đoàn Liên Xô do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Kuznetsov phụ trách, đoàn đại biểu Mỹ do Johson phụ trách.
Chu Ân Lai không về nước ngay, ông ở lại Genève mấy ngày chờ tin từ Paris, và tiến hành một loạt cuộc gặp gỡ ngoại giao khẩn trương. Ngoài Casey ra, ông đã trước sau hội kiến các đại sứ Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan, Indonesia tại Thuỵ Sĩ, còn gặp cả quyền Trưởng đoàn đại biểu Canada, Rangning.
______________________
Chú thích:
1 Kim Xung Cập, sđd, t.1, tr. 171.
2 - Lý Liên Khánh, Chu Ân Lai - nhà ngoại giao lớn tập 2, tr. 299-305;
- Niên giám Chu Ân Lai 1949 - 1976, tr. 387-388.
3 Tuyển tập văn kiện Hội nghị Genève, sđd, tr. 255.
Cuộc gặp giữa Chu Ân Lai và ngoại trưởng Campuchia và Lào vô cùng quan trọng 1giờ 30 chiều ngày 20 tháng 6, tại biệt thự Vạn Hoa, Chu Ân Lai đã gặp ngoại trưởng Campuchia Tep Phan được mời (dự hội nghị), cùng đi còn có nguyên Phó thủ tướng Son Sann và Pu Tian Bí thư trưởng đoàn đại biểu.
Chu Ân Lai nói với các vị khách, khi hội nghị họp, chúng ta không có cơ hội gặp gỡ nói chuyện, rất phấn khởi được tiếp đón các vị trước khi rời Genève.
Tép Phan chúc thủ tướng Chu lên đường bình an, hy vọng ông sớm quay lại Genève để cuối cùng giải quyết vấn đề hoà bình Đông Dương.
Khi nói chuyện với khách, Chu Ân Lai đã đề cập tới lịch sử qua lại giữa hai nước Trung Quốc, Campuchia. Đáng tiếc là bị gián đoạn một thời gian, hy vọng quan hệ của chúng ta từ nay trở đi có thể chặt chẽ lên.
Tép Phan nói:
- Chúng tôi cũng hy vọng như vậy. Trước đây chúng tôi bị đế quốc Pháp thống trị, đã từng có một thời kỳ khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của hoàng thân Norodom Sihanouk, chúng tôi đã thoát khỏi sự thống trị của chủ nghía đế quốc, tự mình giành được giải phóng. Hiện nay chúng tôi đã cùng các nước khác thiết lập quan hệ bình thường.
Chu Ân Lai nói:
- Trước đây chúng tôi cũng bị áp bức. Chúng tôi luôn luôn giành sự đồng tình cực lớn cho nhiều dân tộc bị áp bức Đông Nam Á. Hiện nay mọi người chúng ta đều đã đứng dậy. Phương pháp mà chúng ta sử dụng không nhất định giống nhau, nhưng mục tiêu của chúng ta là nhất trí, chúng ta đều yêu cầu tự do.
Tép Phan nói:
- Chúng tôi dùng phương thức không đổ máu giành được tự do. Chúng tôi dùng phương thức đàm phán khiến nước Pháp ký hiệp định chuyển giao chính quyền.
Chu Ân Lai nói:
- Campuchia có điều kiện bên trong và bên ngoài tương dối tốt, vì thế đã đạt được kết quả như vậy. Hiện nay chúng tôi hy vọng chính phủ Campuchia cũng có thể giải quyết rất tốt vấn đề trong nước. Trước đây và hiện nay, Campuchia đều có phong trào giải phóng, mặc dù phương pháp mà phong trào áp dụng có chỗ không giống, nhưng chúng cũng đều là để giành lấy tự do và dân chủ. Đứng trên lập trường của bè bạn, chúng tôi hy vọng chính phủ Campuchia có thể đoàn kết được lực lượng giải phóng này, coi như là một giải quyết chính trị hợp lý.
Tép Phan mở rộng đầu đề câu chuyện:
- Có người muốn chia Campuchia ra vùng tập kết, đó là chia rẽ, chứ không phải là đoàn kết, điều đó không phù hợp với nguyện vọng của chúng tôi.
Chu Ân Lai trả lời:
- Bộ đội chi viện bên ngoài nên rút khỏi, vấn đề bản địa có thể do hai bên giải quyết trực tiếp. Các ngài là chính phủ, nên cùng lực lượng hoạt động tại chỗ, trên cơ sở dân chủ tìm được cách giải quyết mà mọi người hài lòng.
Tép Phan nói:
- Nếu bọn họ muốn thì có thể tham gia bỏ phiếu bầu cử. Điều nguy hiểm hiện nay là có người ở bên ngoài thúc đẩy. Đối với Trung Quốc, người Campuchia rất dễ tiếp cận, nhưng xưa nay chúng tôi làm không tốt với người Việt Nam.
Chu Ân Lai nói:
- Trong, ngoài là hai chuyện. Nói từ bên ngoài thấy, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và các ngài là nước anh em, trước đấy bị chủ nghĩa đế quốc chia rẽ, bây giờ nên tiếp cận lại với nhau, cùng sống hữu hảo, không đe doạ lẫn nhau. Điều này không chỉ có lợi cho hai nước mà cũng có lợi cho toàn bộ hoà bình châu Á. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không đe doạ nước láng giềng. Vì duyên cớ chiến tranh, dẫn đến một số khó khăn, nhưng sau khi khôi phục hoà bình sẽ không có tình hình như thế nữa. Nếu như nói, để bảo đảm trung lập, Campuchia cần xây dựng vũ trang tự vệ không dẫn tới đe doạ người khác, điều này có thể hiểu được. Tôi vui lòng nhìn thấy Campuchia trở thành quốc gia kiểu mới của Đông Nam Á, giống như Ấn Độ, Indonesia và Miến Điện, không xây dựng căn cứ đe doạ nước khác.
Tép Phan biểu thị đồng ý nói:
- Đó cũng là nguyện vọng của chúng tôi, ở Cămpchia không có căn cứ nước ngoài.
Chu Ân Lai nói:
- Tôi nói không chỉ là nước Pháp, quan hệ của Pháp và Campuchia nên cải thiện. Lo lắng của chúng tôi là căn cứ của Mỹ. Nếu có như vậy chúng tôi không thể không hỏi tới.
Tép Phan trả lời:
- Chúng tôi và Mỹ không ký bất kỳ điều ước nào. Chúng tôi tiếp cận vẫn là nước Pháp, chúng tôi đều nói tiếng Pháp.
Chu Ân Lai nói:
- Nước Mỹ đang tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á, muốn kéo Campuchia tham gia. Điều này không có lợi cho Campuchia. Chúng tôi vui lòng tham gia chín nước bảo đảm có thể làm cho mọi người chung sống hoà bình. Chúng tôi không muốn nhìn thấy bất kỳ nước nào trong Đông Dương xây dựng căn cứ quân sự trong nước.
Tép Phan nói:
- Hiện nay suy tính của chúng tôi là, Việt Nam muốn thay thế Pháp thống trị Campuchia. Đó là cách nhìn của toàn thể nhân dân Campuchia.
Chu Ân Lai nói:
- Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không có cách suy nghĩ đó, nếu không sẽ thành đế quốc chủ nghĩa nhỏ, chúng tôi cũng phản đối.
Tép Phan nói:
- Tôi xin phép được trao cho ngài một bức bản đồ, nó thuyết minh một phần đất đai hiện nay của Nam Kỳ (miền nam Việt Nam - Tác giả) trước đây thuộc Campuchia, vào thời kỳ Pháp thống trị bị sáp nhập vào Nam kỳ. Ở đó có hơn 5 vạn người Campuchia, có chùa có sư sãi, mọi tập quán đều là Campuchia. Việt Nam luôn luôn tìm cách mở rộng loại xâm lược đó.
Chu Ân Lai nói:
- Nên tôn trọng dân tộc thiểu số, và trao cho quyền tự trị đầy đủ, Trung Quốc cũng như vậy. Ở Campuchia có người Việt Nam hay không?
Tép Phan trả lời:
- Có, thế nhưng đều là di dân lưu động, không phải là định cư.
Chu Ân Lai hỏi:
- Các ngài có ý định thu hồi mảnh đất đó?
Tép Phan nói:
- Nếu người ta vui lòng làm việc công bằng thì nên trao trả.
Chu Ân Lai nói:
- Thế liệu có xảy ra xung đột không?
Tép Phan nói:
- Hiện nay chính phủ Bảo Đại đã bắt lính trong người Campuchia ở đó.
Chu Ân Lai nói:
- Campuchia và Việt Nam chung sống hoà bình thì mới có lợi cho hoà bình.
Tép Phan nói:
- Chúng tôi hy vọng tôn trọng lẫn nhau, láng giềng chung sống hoà thuận.
Chu Ân Lai chỉ ra:
- Điều này phải dựa vào sự cố gắng của hai đoàn đại biểu tại Genève.
Tép Phan nói:
- Tôi muốn trưng cầu ý kiến ngài thủ tướng một chút về vấn đề tiếp xúc của đoàn đại biểu quân sự hai bên. Trước tiên tôi muốn hỏi, đại biểu hai bên lúc nào có thể tiếp xúc?
Ngày hôm ấy là ngày chủ nhật, vì thế Chu Ân Lai trả lời, hy vọng vào ngày thứ tư (tức ba ngày sau) bắt đầu, thế nhưng hiện nay đoàn đại biểu có thể tiến hành trực tiếp liên hệ.
Tép Phan nói:
- Cho đến bây giờ, hai bên chúng tôi đều chưa có liên hệ, đều là do Pháp làm người trung gian. Liệu ngài có cho rằng từ nay về sau có thể thông qua Trung Quốc để thiết lập quan hệ, hay là tiếp tục để cho người Pháp làm người trung gian?
Chu Ân Lai nói:
- Nếu ngài vui lòng để người Pháp làm người trung gian, chúng tôi đồng ý. Thế nhưng tôi vui lòng trước khi rời Genève giúp các ngài liên hệ, sau này có thể chặt chẽ hơn nữa.
Tép Phan nói:
- Hiện nay chúng tôi đã độc lập rồi, muốn trực tiếp quan hệ, không cần nước Pháp kẹp ở giữa.
Chu Ân Lai nói:
- Liên hệ trực tiếp là biện pháp tốt nhất. 8 giờ tối mai, mời các ngài và đoàn đại biểu Việt Nam xơi bữa cơm thường tại đây có được không?
Thì ra Chu Ân Lai có ý thiết lập quan hệ trực tiếp giữa các bên Đông Dương, đã trù tính trước rồi.
Tép Phan đáp lời nói:
- Tốt lắm, vô cùng cám ơn! Tôi muốn bàn thêm một chút vấn đề tiếp xúc của đoàn đại biểu quân sự. Nước Pháp đã trao quyền chỉ huy quân sự cho chúng tôi, nhưng họ muốn cử một quan sát viên bên cạnh đoàn đại biểu phía tôi, ngài thấy như thế nào?
Chu Ân Lai nói:
- Tôi cho rằng là có liên quan đến cuộc chiến tranh tiến hành trong ba nước, để thực hiện đình chiến, chúng tôi khó phản đối, nhưng chúng tôi cần thương lượng với Liên Xô, có thể ngày mai lại bàn.
Tép Phan nói:
- Hiện nay phần lớn lực lượng chống đối trong nước Campuchia đã đầu hàng. Trước đây họ phản đối chủ nghĩa đế quốc Pháp, hiện nay chủ nghĩa đế quốc đã rút khỏi, bọn họ kêu gào “độc lập” sẽ không có ý nghĩa. Nếu không có sự khuyến khích từ bên ngoài, nhiều người sẽ không chống đối nữa.
Chu Ân Lai nói:
- Ngoài ảnh hưởng của chiến tranh ra, có thể bọn họ có ý kiến của mình, bọn họ sử dụng phương pháp khác, thế nhưng dùng phương pháp thương lượng là có thể đoàn kết được. Trước đây Trung Quốc có nhiều ý kiến, trải qua năm năm phấn đấu, chúng tôi cuối cùng đã đoàn kết được mọi người, giành được thống nhất cả nước. Chúng tôi hy vọng chính phủ Campuchia cũng có thể đoàn kết nhất trí.
Cuộc nói chuyện sắp kết thúc, Tép Phan cám ơn nói:
- Ngài thủ tướng bỏ nhiều thời gian vì tôi, cám ơn ngài đã suy nghĩ vì nước nhỏ chúng tôi. Trung Quốc là một nước lớn, mong muốn từ nay trở đi tiếp tục giúp đỡ nước nhỏ chúng tôi có thể sống hoà bình.
Chu Ân Lai nói:
- Chúng ta không phải là nước lớn nước nhỏ. Chúng ta đều là các quốc gia, phải tôn trọng lẫn nhau.
Khi từ biệt, Tép Phan nói:
- Chúng tôi và Trung Quốc là tiếp cận được, nhiều người có huyết thống Trung Quốc, hôm nay trong bốn người chúng tôi đến đây đã có ba người có huyết thống Trung Quốc. Ông nội tôi còn để lại cho tôi các đồ thờ Trung Quốc như bát hương, đồ thắp nến v.v.
Cuộc nói chuyện giữa Chu Ân Lai và Tép Phan là cuộc nói chuyện dài đầu tiên giữa thủ tướng Trung Quốc với Ngoại trưởng Vương quốc Campuchia vừa độc lập, cũng là cuộc đối thoại bình đẳng đầu tiên trong lịch sử giữa đoàn đại biểu chính phủ hai nước Trung Quốc, Campuchia. Thái độ khiêm tốn và sự nhanh nhạy của Chu Ân Lai khiến Tép Phan vô cùng khâm phục. Trong lịch sử đương đại, quan hệ hữu hảo giữa Trung Quốc và Campuchia từ lần nói chuyện này bắt đầu mở ra màn mới.
Sau đó cuộc gặp gỡ giữa Chu Ân Lai và Ngoại trưởng Lào Sananikone cũng trí tuệ và nhanh nhạy như thế.
12 giờ trưa ngày 21 tháng 6, theo lời mời, Sananikone đến biệt thự Vạn Hoa, cùng đi có hoàng thân Xuphanupheng Công sứ tại Mỹ, đại biểu đoàn đại biểu Lào, (Thao) Lenam Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao Lào. Khi các vị khách tới Vạn Hoa, Chu Ân Lai, Lý Khắc Nông, Trần Gia Khang ra tận cửa đón.
Sau khi các vị khách yên vị, đều dùng tiếng Pháp, vẫn do Đổng Ninh Xuyên làm phiên dịch.
Sananikone nói về quan hệ của ông ta với Trung Quốc:
- Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, tôi đã đến Tư Mao (思茅) và Côn Minh, Vân Nam Trung Quốc. Trên đường từ Lào đến Tư Mao qua một số thôn, trại, thấy dân cư ở đó đều nói tiếng Lào, tập quán sinh hoạt hoàn toàn giống người Lào chúng tôi. Theo ghi chép trong lịch sử Lào, người Lào đến từ cao nguyên Tây Tạng, vì thế tổ tiên chúng tôi ở Trung Quốc.
Chu Ân Lai nói:
- Đúng vậy, các dân tộc phương đông chúng ta có một số quan hệ thân thích. Chúng ta nên hợp tác hữu hảo, tôn trọng độc lập, chủ quyền và thống nhất lẫn nhau. Ở Lào có bao nhiêu người Trung Quốc? Phần lớn ở tại địa phương nào?
Sananikone trả lời:
- Có khoảng 12.000 người. Trong đó phần lớn đã kết hôn với người Lào, chúng tôi đều coi họ như người địa phương. Nói chung bọn họ cư trú tại các thành phố chủ yếu ven bờ sông Mekong như Vientiane, Luang Prabang, Thakhek v.v.
Chu Ân Lai hỏi:
- Họ có tuân thủ pháp luật của các ngài không?
Sananikone trả lời, bọn họ rất có qui củ, phần lớn là thương nhân, không để ý chính trị.
Chu Ân Lai nói:
- Hội nghị Genève đã họp một thời gian tương đối dài, đã đạt được hai hiệp nghị có thể coi là cơ sở cho công tác sau này. Ngài Ngoại trưởng có cách nhìn như thế nào đối với hai hiệp nghị đó?
Sananikone nói:
- Tôi rất hài lòng. Đó là ảnh hưởng của cá nhân ngài thủ tướng, mới có thể có được kết quả như vậy. Chỉ cần mọi người cố gắng có một số thành ý thì hiệp nghị cuối cùng có thể đạt được. Nếu chúng ta mang tất cả các hiệp nghị ra so sánh một chút sẽ thấy điểm đồng nhiều hơn điểm bất đồng một chút.
Chu Ân Lai nói:
- Cho dù điểm đồng nhiều hơn điểm bất đồng, nhưng mọi người cố thêm sức nữa, cuối cùng tính khả năng của hiệp nghị là rất lớn. Bây giờ đạt được thành công không phải là do cố gắng của tôi mà là do cố gắng của ngài và mọi người.
Chu Ân Lai nói:
- ba nước Đông Dương là anh em, có quan hệ chặt chẽ trong lịch sử, ba nước nên tiếp cận, không nên đối lập, mà nên tôn trọng lẫn nhau, hợp tác hữu hảo, điều đó là có lợi cho hoà bình ở Đông Dương. Chúng ta nên hết sức thúc đẩy ba nước tiếp cận. Chúng tôi tôn trọng độc lập của ba nước, chúng tôi không muốn can thiệp, cũng phản đối nước khác can thiệp, như sự can thiệp của Mỹ. Chúng tôi phản đối ba nước thiết lập bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào, bao gồm căn cứ của Mỹ. Nếu như có căn cứ như vậy, chúng tôi không thể không hỏi han. Bởi vì chúng là một loại đe doạ an ninh của chúng tôi
Trên hội nghị chúng tôi đã nghe phát biểu của ngài Ngoại trưởng, trong đó có đề cập tới cần bảo trì lực lượng vũ trang tự vệ, chúng tôi cho rằng có thể hiểu được. Chúng tôi tôn trọng an ninh và độc lập của nước khác.
Sananikone nói:
- Rất phấn khởi nghe được những lời nói như vậy của ngài thủ tướng. Lào là một nước nhỏ, dân số rất ít, so với bất kỳ nước nào khác chúng tôi đều cần hoà bình hơn. Về căn cứ của nước ngoài, chúng tôi đã từng ký với nước Pháp một hiệp định căn cứ quân sự, nước Pháp bảo lưu căn cứ tại Lào, nhưng chỉ có thiểu số quân Pháp. Nếu Việt Minh rút quân, chúng tôi có thể yêu cầu Pháp rút quân, tất nhiên phải yêu cầu nước Pháp bảo lưu một số bộ đội an ninh. Do đất nước chúng tôi rất nhỏ, xung quanh có Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc, vì vậy chúng tôi cần vũ trang tự vệ với giới hạn thấp nhất. Chúng tôi hy vọng ngài thủ tướng trong khi suy nghĩ vấn đề Lào có thể chú ý tới hiệp định giữa Lào và Pháp.
Chúng tôi không trực tiếp nhận viện trợ Mỹ, vì thế khi Trung Quốc đề xuất không cho phép quân đội nước ngoài tiến vào Đông Dương, chúng tôi lập tức đồng ý.
Chu Ân Lai nói:
- Chúng tôi chú ý đến tình hình này. Lào là nước nhỏ, nền độc lập của Lào phải được tôn trọng. Trung Quốc là nước lớn, Trung Quốc vui lòng cùng chung sống hoà bình với các nước khác, xây dựng quan hệ hữu hảo, vì thế chúng tôi đồng ý tham gia chín nước bảo đảm.
Sananikone nói:
- Sau khi Lào khôi phục hoà bình, chúng tôi hy vọng có thể thiết lập quan hệ ngoại giao, kinh tế và văn hoá với Việt Nam. Tại hội nghị chúng tôi đã biểu thị, vấn đề Lào là rất dễ giải quyết. Thế nhưng ngài Phạm Văn Đồng nói vấn đề Lào phải giành được giải quyết chính trị, phải công nhận sự tồn tại của phong trào giải phóng, mới có thể giải quyết vấn đề Lào. Chúng tôi cho rằng, cho dù không chính thức công nhận cũng vẫn có thể giải quyết. Hai bên Việt Minh và Bảo Đại không trải qua công nhận mà đã tiến hành đàm phán. Liệu ngài thủ tướng có thể nói cho tôi, giải quyết chính trị mà ngài Phạm Văn Đồng nói rốt cuộc có những điều kiện nào? Thực ra, sau khi đình chiến, những người trong phong trào giải phóng, có thể tham gia bầu cử, công chức nhân viên của họ cũng có thể tham gia cơ cấu chính phủ. Tháng 8 sang năm chúng tôi tiến hành tổng tuyển cử, nếu như họ tham gia vào, chúng tôi có thể tổ chức một chính phủ hoà giải. Sau bầu cử, nếu quốc hội đồng ý, chúng tôi có thể sửa đổi hiến pháp, thậm chí thành lập nước Cộng hoà.
Chu Ân Lai nói:
- Nếu đoàn đại biểu Lào và đoàn đại biểu Việt Nam trực tiếp gặp nhau, không bị ảnh hưởng bên ngoài, là có sự lợi cho giải quyết vấn đề.
Sananikone biểu thị nguyện vọng vui lòng tiếp xúc trực tiếp với Phạm Văn Đồng.
Chu Ân Lai lập tức biểu thị:
- Điều này rất tốt! Tôi vui lòng trước khi rời Genève, giúp các vị thiết lập tiếp xúc trực tiếp. Hôm qua tôi đã hội đàm với ngài Tép Phan, ông cũng vui lòng liên hệ trực tiếp. Thế thì xin mời các ngài 7 giờ 30 tối hôm nay cùng ngài Phạm Văn Đồng đến đây dự bữa cơm thường. Mọi người gặp nhau một lần, sau đó có thể trực tiếp duy trì liên hệ. Có được không?
Sananikone luôn miệng cám ơn, nhận lời mời.
Chu Ân Lai nói tiếp:
- Sau hội nghị hoà bình, ba nước Đông Dương trên cơ sở tự nguyện có thể tham gia Liên hiệp Pháp, thiết lập quan hệ hữu hảo. Vấn đề nội chính, có thể dùng phương pháp trong nước giải quyết, cần phải tách khỏi quân đội nước ngoài. Trong nước yêu cầu thống nhất, nếu kết quả bầu cử là công nhận Vương quốc thì mọi người đều nên công nhận Vương quốc.
Sananikone nói:
- Vấn đề chính trị của Lào không lớn. Tôi nghĩ, hoàng thân Souphanouvong cũng không muốn lật đổ Vương quốc để mình làm quốc vương, ông chỉ muốn tham gia chính phủ. Ông là em trai thủ tướng đương nhiệm, vấn đề có thể giải quyết.
Chu Ân Lai nói:
- Nên công nhận lực lượng đối phương, dùng phương pháp đoàn kết để giải quyết. Bất kỳ một quốc gia nào đều cần phải thống nhất độc lập và dân chủ. Trước đây chính phủ Pháp thi hành chính sách hai mặt hoà bình và chiến tranh, chính phủ hiện nay yêu cầu hoà bình. Việt Nam và các ngài cũng yêu cầu hoà bình. Những người đương sự đều có yêu cầu như vậy, liệu ai có thể ngăn cản được việc thực hiện hoà bình? Tất nhiên, Nước Mỹ không tán thành Đông Dương hoà bình, họ nghi ngờ mọi hiệp nghị, họ sẵn sàng chuẩn bị phá hoại. Lần trước, trước hiệp nghị được mọi người đồng ý, Smith vẫn biểu thị nói vừa không tán thành vừa không phản đối. Vì thế chúng ta phải đề cao cảnh giác, không để cho người khác phá hoại.
Sananikone nói:
- Để làm việc đó nhanh hơn một chút, ví dụ như đối với vấn đề quân sự, liệu có thể giải quyết trước vấn đề Lào tương đối dễ giải quyết?
Chu Ân Lai trả lời:
- Đại hội quyết định, sau khi hội nghị Ngoại trưởng nghỉ, dùng thời hạn ba tuần lễ để giải quyết một số vấn đề. Có một số người đề xuất bốn hoặc năm tuần lễ, chúng tôi cảm thấy ba tuần lễ là đủ rồi. Như vậy có thể thúc đẩy hội nghị khẩn trương làm việc. Thảo luận có kết quả, các Ngoại trưởng sẽ quay lại, đưa ra quyết định cuối cùng.
Chu Ân Lai nêu với Sananikone ba ý kiến trọng điểm: một là ngừng bắn của Lào có thể sớm hơn so với Việt Nam. Hai là, có thể trên cơ sở điều ước Pháp-Lào bảo lưu căn cứ quân sự và nơi huấn luyện của Pháp, để vấn đề này qua một số thời gian sẽ lại giải quyết. Ba là, hoàng thân Souphanouvong không có ý đồ đối với vương vị Lào, nguyện vọng của ông là hoà bình và độc lập của Lào.
Chu Ân Lai còn cùng Sananikone thảo luận khả năng hoàng thân Souphanouvong hội kiến hoàng thân thủ tướng Lào Souvana Phuma.
Khi cuộc gặp gỡ kết thúc, Chu Ân Lai và Sananikone bắt tay nhau, hai người đều lộ ra vẻ vô cùng nhẹ nhõm
Quả thật Chu Ân Lai có ma lực. Tối hôm đó, Tép Phan đã thông báo nội dung hội đàm giữa Chu Ân Lai với ông ta ngày hôm qua cho đoàn đại biểu Mỹ, trưng cầu có nên dự tiệc hay không? Xem ra vẫn còn do dự, nên phải thăm dò khẩu khí Mỹ trước. Nhưng đến tối, Tép Phan với dáng bộ tự tin đã cùng xuất hiện một lúc với Sananikone tại biệt thự Vạn Hoa, cười nói như không bắt tay nói chuyện với Phạm Văn Đồng, ba phía rõ ràng là sẽ duy trì tiếp xúc chặt chẽ tại Genève.
Do Chu Ân Lai khoản đãi, ba vị Ngoại trưởng các nước Đông Dương nâng cốc nhiều lần. Chu Ân Lai lại cùng họ xem bộ phim mầu Kinh kịch “Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài”. Ba vị Ngoại trưởng các nước Đông Dương cùng ngồi với nhau là một việc lớn trong thời gian hội nghị Genève.
Chu Ân Lai có lòng tin trong việc giành lấy hoà bình cho Campuchia và Lào, ông đã nói nhiều lần với Phạm Văn Đồng, nên dùng thái độ hiện thực đối với Lào và Campuchia, không thể một mực theo đuổi “Liên bang Đông Dương” hoặc “cách mạng hoá Đông Dương”. Làm như vậy sẽ khiến Lào và Campuchia cảm thấy sợ hãi, dẫn đến là ngả vào phía Mỹ, khiến đàm phán tan vỡ. Tư tưởng của ông dần dần ảnh hưởng tới Phạm Văn Đồng.
Chu Ân Lai nói với các trợ thủ của mình càng rõ hơn:
- Dùng chiến tranh để có thể đoàn kết Lào và Campuchia hay là dùng hoà bình có thể đoàn kết? Dùng chiến tranh đoàn kết Đông Nam Á hay là dùng hoà bình đoàn kết họ? Câu trả lời là dùng hoà bình có thể đoàn kết họ, dùng thủ đoạn quân sự chỉ có thể khiến họ ngả vào Mỹ.
Vai Trò Của Chu Ân Lai Tại Genève Năm 1954 Vai Trò Của Chu Ân Lai Tại Genève Năm 1954 - Tiền Giang (钱江/qian Jiang) Vai Trò Của Chu Ân Lai Tại Genève Năm 1954