Trong mỗi khó khăn đều ẩn chứa một cơ hội.

Albert Einstein

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Chu Ân Lai Dữ Nhật Nội Ngoã Hội Nghị
Dịch giả: Dương Danh Dy
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1162 / 50
Cập nhật: 2016-06-22 14:09:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1: Chu Ân Lai Đến Genève
hu Ân Lai đã tới, mang theo phong thái của một Trung Quốc mới. Mặt hồ Leman xanh biếc tựa như một con mắt mở to tròn trên mảnh đất Tây Âu, dồn mọi sự tập trung chú ý vào những gì sắp xảy ra xung quanh nó. “Bàn đàm phán của thế giới” - Genève - liệu ngươi có thể giải quyết được hai vấn đề khó khăn đang được đặt trên mình không?
Thứ bảy, ngày 23-4-1954, thành phố Genève của Thuỵ Sĩ tràn ngập sắc xuân, đâu đâu cũng là một màu xanh mơn mởn. Đây quả là một mảnh đất xinh đẹp tuyệt vời. Hồ Leman nước xanh biếc tựa như một con mắt mở to tròn trên đất Tây Âu, đang dồn mọi sự tập trung chú ý vào những gì sắp xảy ra xung quanh mình.
Mấy ngày hôm nay, sân bay Genève đặc biệt nhộn nhịp, hàng loạt máy bay từ năm châu bốn biển liên tiếp hạ cánh, đưa các vị đại biểu của các nước cùng hơn một nghìn phóng viên báo chí tới thành phố xinh đẹp vốn được mệnh danh là “Bàn đàm phán của thế giới” này. Còn hai ngày nữa, từ ngày 26-4, sẽ diễn ra hội nghị Genève bàn về vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương. Các chính trị gia từ hơn 20 nước và khu vực sẽ hội tụ tại đây, thông qua thương lượng để giải quyết hai cuộc chiến tranh lớn trên thế giới, đem lại hoà bình cho Triều Tiên và Đông Dương (chủ yếu là Việt Nam). Điều quan trọng hơn là Chu Ân Lai sẽ là đại diện cho nước Trung Quốc mới cùng với đại biểu của Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp tham gia toàn bộ quá trình hội nghị. Đây là lần đầu tiên kể từ sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, lãnh đạo của năm nước lớn cùng ngồi vào bàn đàm phán với nhau.
Hai giờ chiều, ông Phùng Huyền, 39 tuổi, Công sứ Trung Quốc tại Thuỵ Sĩ cùng phái đoàn đến sân bay Genève. Cùng ông đến sân bay có Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Genève Ôn Bằng Cửu, các nhân viên lãnh sự quán và cả Bí thư trưởng của đoàn đại biểu Trung Quốc Vương Bỉnh Nam, người đã đến Genève trước đó.
Tại sân bay, Phùng Huyền gặp Cục trưởng Cục hành chính Chính phủ liên bang Thuỵ Sĩ Airfreid Qindeer và Phó Thị trưởng Genève Aibert Dujun.
Đến sân bay đón Chu Ân Lai còn có Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, tướng Nam Il (Nam Nhật), cùng các đại biểu Triều Tiên Bạch Nam Vân, Kỳ Thạch Phúc và cố vấn Trương Xuân Sơn, những người đã đến Genève từ ngày 23-4-1954. Ngoài ra, công sứ một số nước Đông Âu tại Genève như Tiệp Khắc, Hungary cũng ra sân bay nghênh đón.
10 giờ sáng hôm trước, Nam Il bay từ Berlin sang Genève. Hôm ấy, sân bay không đông như hôm nay. Trong chiến tranh Triều Tiên, Nam Il là Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Triều Tiên, sau đó là trưởng đoàn đại biểu Triều - Trung tại cuộc đàm phán ở Bàn Môn Điếm (Panmunjeom). Khi xuống đến sân bay, Nam Il đã đảo mắt nhìn quanh dường như muốn tìm kiếm một quang cảnh quen thuộc, cứ mỗi khi xuất hiện là rất đông phóng viên xúm tới chụp ảnh. Thế nhưng lần này đã không diễn ra quang cảnh như ông mong muốn. Tại sân bay chỉ có vài phóng viên, dường như không có ai nhận ra Nam Il. Ông lên chiếc ô tô nhỏ đã đợi sẵn đi về nơi nghỉ.
Nhưng hôm nay đã khác hẳn. Từ hôm nay, đại biểu của năm cường quốc bắt đầu đến Genève. Nhân viên lễ tân Bộ Ngoại giao Thuỵ Sĩ đông kín sân bay. Công sứ Trung Quốc Phùng Huyền đã quen mọi người và bày tỏ cảm ơn với sự đón tiếp của các quan chức lễ tân Thuỵ Sĩ.
Con người thư sinh Phùng Huyền là một nhà cách mạng nòi. Ông là người Võ Tiến, tỉnh Giang Tô, sinh tháng 5 năm 1915. Năm 16 tuổi đã tham gia đội thiếu niên cộng sản. Thời thanh niên từng lãnh đạo công nhân xe điện ở Cáp Nhĩ Tân bãi công. Năm 1933, khi 18 tuổi, Phùng Huyền đã sang Liên Xô học tại Học viện Lenin, đến năm 1936 được kết nạp vào ĐCS Trung Quốc, cùng năm đó về Tân Cương đảm nhận chức Trưởng ban chính trị tiểu đoàn tân binh ở Urumqi. Năm 1940 đến Diên An, tham gia vào Ban xã hội trung ương ĐCS do Lý Khắc Nông lãnh đạo, phụ trách công tác liên lạc quốc tế. Năm 1946 giữ chức Chủ nhiệm văn phòng đoàn đại biểu ĐCS Trung Quốc thuộc Phòng điều quân Bắc Bình (Bắc Kinh). Sau khi nội chiến bùng nổ dữ dội, ông chuyển công tác đến vùng Đông Bắc, khi nước Trung Quốc mới được thành lập, giữ chức Cục trưởng Cục liên lạc thành phố Thiên Tân thuộc Ban liên lạc quân uỷ trung ương. Tháng 10-1950, Phùng Huyền được điều động sang Bộ Ngoại giao, lúc đó vừa mới được thành lập, trở thành vị công sứ đầu tiên của nước Trung Quốc mới tại Liên bang Thuỵ Sĩ.
Vừa chuyển về Bộ Ngoại giao, Phùng Huyền đã ra nước ngoài nhận nhiệm vụ. Trước khi rời tổ quốc, đích thân Chu Ân Lai gặp gỡ tất cả nhân viên sứ quán, nói với mọi người rằng “Phùng Huyền là đại diện của nước Trung Hoa mới, là đại diện của Chủ tịch Mao Trạch Đông, là lãnh đạo của tất cả các đồng chí, và mỗi người trong các đồng chí đều là sứ giả của nước Trung Hoa mới, mỗi lời nói, hành động của các đồng chí đều phản ánh hình tượng của nhân dân Trung Quốc đang vươn dậy”.
Sứ quán tại Thuỵ Sĩ là một trong những cơ quan ngoại giao ở nước ngoài đầu tiên được thiết lập sau khi nhà nước Trung Hoa mới ra đời, đồng thời là sứ quán đầu tiên của Trung Quốc tại Tây Âu. Khi đó, các nước láng giềng của Thuỵ Sĩ như Pháp, Italia, Bỉ, Anh v.v. vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Sứ quán Trung Quốc tại Thuỵ Sĩ do vậy giữ vai trò “lô cốt đầu cầu” cắm vào Tây Âu, như vậy có thể hiểu vai trò và nhiệm vụ của Phùng Huyền không nhẹ chút nào.
Từ tháng 3-1954, Phùng Huyền dốc hết sức cho công tác chuẩn bị cho hội nghị Genève, chỉ để vài nhân viên lại Bern, còn toàn bộ lực lượng cốt cán đều được đưa tới Genève. Khi đó, Trung Quốc đã mở Tổng lãnh sự quán tại Genève và Ôn Bằng Cửu được cử làm Tổng lãnh sự. Ông đã mất nhiều công sức để chuẩn bị cho chuyến đi của đoàn đại biểu Trung Quốc.
Ba giờ chiều, chiếc máy bay “Il-14” của Liên Xô khởi hành từ Berlin đã hạ cánh xuống sân bay Genève, đoàn đại biểu Trung Quốc đã đến.
Khi máy bay đáp xuống đường băng, cả sân bay bắt đầu trở nên náo nhiệt hẳn lên. Hàng trăm phóng viên chen nhau tiến lên, khiến các phóng viên ảnh đứng ở hàng đầu phải kêu lên “Đừng chen lấn nữa”. Trong số các phóng viên, phần nhiều là nhà báo Mỹ, đa số họ đều chưa từng gặp mặt Chu Ân Lai nên nhiều người hỏi “Ai là Chu Ân Lai?”
Máy bay đã dừng hẳn, người đầu tiên bước ra khỏi khoang máy bay là Chu Ân Lai. Ông bận một bộ complet màu đen rất vừa vặn, tay phải đặt trên lông mày rất tự nhiên, miệng luôn mỉm cười tỏ ý chào những người đến đón. Bộ mặt tươi cười của ông trông rất tự nhiên, thoải mái, trong lòng chắc chắn tràn đầy tự tin. Trên quãng đường ngồi máy bay từ Moskva sang Đức rồi đến Genève, ông đã tranh thủ thời gian ở độ cao hàng chục km (?) để nghỉ ngơi. Máy bay hạ cánh lập tức tỉnh táo lại, lúc này trông ông rất khoẻ mạnh, đầy sinh lực. Khi ra khỏi khoang máy bay, Chu Ân Lai giơ tay vẫy liên tiếp để chào những người đến đón.
Bước sau Chu Ân Lai là Trần Dung dáng vẻ rất chỉnh tề. Bước khỏi khoang máy bay sát ngay sau Chu Ân Lai là Thứ trưởng Ngoại giao, đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô Trương Văn Thiên.
Khi còn trẻ, Trương Văn Thiên đã du học tại Mỹ và Liên Xô, trong một thời gian rất dài đảm nhiệm chức phụ trách tối cao của đảng. Tại hội nghị Tuân Nghĩa trên đường trường chinh của hồng quân, Trương Văn Thiên đã thay đổi lập trường ban đầu, chủ trương để Mao Trạch Đông trở lại lãnh đạo hồng quân. Ông là người có vai trò rất quan trọng trong việc xác định vị trí lãnh tụ của Mao Trạch Đông. Cũng tại hội nghị Tuân Nghĩa, Trương Văn Thiên cũng được lựa chọn làm lãnh đạo chủ chốt của đảng. Nhưng vào cuối thời kỳ kháng chiến, địa vị của Trương Văn Thiên trong đảng bị giảm sút. Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, Trương Văn Thiên chuyển sang hỗ trợ Chu Ân Lai trong công tác ngoại giao. Trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị Genève lần này, ông chủ yếu phụ trách trao đổi và điều chỉnh các ý kiến và lập trường giữa hai bên Trung Quốc và Liên Xô. Riêng trong tháng 4-1954, đã sắp xếp ba lần hội nghị giữa Chu Ân Lai với các nhà lãnh đạo Liên Xô.
Đứng bên cạnh Trương Văn Thiên là Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Trưởng Ban Liên lạc trung ương Vương Gia Tường. Cũng như Trương Văn Thiên, ông Vương cũng là một trong những lãnh đạo cốt cán của thời kỳ hồng quân. Tại hội nghị Tuân Nghĩa, ông đã hết lòng ủng hộ Mao Trạch Đông, sau đó chủ yếu phụ trách công tác tuyên truyền. Sau khi nước Trung Quốc mới thành lập, ông là đại sứ Trung Quốc đầu tiên tại Liên Xô. Về nước năm 1951 được cử giữ chức Trưởng Ban liên lạc trung ương, nhiệm vụ cụ thể là phụ trách công tác trợ giúp cho cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam. Từ năm 1950, La Quý Ba đảm nhiệm chức đại diện Ban liên lạc trung ương ĐCS Trung Quốc và Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc, trong một thời gian dài sống và làm việc cùng Hồ Chí Minh tại căn cứ địa cách mạng ở miền Bắc Việt Nam. Rất nhiều chỉ thị đối với La Quý Ba đều do Vương Gia Tường khởi thảo hoặc ký lệnh.
Phía sau Vương Gia Tường là Lý Khắc Nông, cũng là một Thứ trưởng Ngoại giao. Ông đã từng tham gia cuộc trường chinh, còn là một nhà hoạch định sách lược hậu trường quan trọng của cuộc đàm phán Bàn Môn Điếm. Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường, Lý Khắc Nông là các phó trưởng đoàn của đoàn đại biểu Trung Quốc, là các trợ thủ quan trọng của Chu Ân Lai.
Lần này đến Genève, đoàn đại biểu Trung Quốc gồm có hơn 200 người, trong đó tập trung nhân tài tinh anh của ngành ngoại giao của nước Trung Quốc mới. Khi nhớ lại sự kiện này, Kiều Quán Hoa - một trong những thành viên của phái đoàn và sau này từng có thời kỳ làm Bộ trưởng Ngoại giao, đã hài hước nói rằng với một lực lượng phái đoàn đại diện chính phủ hùng hậu như vậy, nước Trung Quốc mới đã lập một kỷ lục về ngoại giao.
Chu Ân Lai với nụ cười luôn nở trên môi tiến về phía những quan chức đến đón. Ông giơ tay ra bắt tay các quan chức Thuỵ Sĩ đang bước tới. Do Chu Ân Lai bước lẫn vào hàng ngũ những người có mặt nên các phóng viên bắt đầu bối rối. Đầu tiên là một nhà báo Mỹ lên tiếng “Ngài Chu Ân Lai, mời ngài tiến gần đến đây hơn và xin nhìn về phía tôi”.
Rất lịch sự, Chu Ân Lai ngẩng đầu lên tiến về phía các nhà báo, ánh đèn flash loé sang liên tục chớp lấy hình ảnh của Chu Ân Lai.
Bí thư trưởng phái đoàn Trung Quốc Vương Bỉnh Nam và phát ngôn viên báo chí phân phát văn bản bài phát biểu tại sân bay của Chu Ân Lai cho các phóng viên có mặt tại hiện trường.
Hội nghị Genève sắp bắt đầu khai mạc. Hội nghị sẽ thảo luận việc giải quyết hoà bình vấn đề Triều Tiên và lập lại hoà bình cho bán đảo Đông Dương. Hai vấn đề cốt lõi này của châu Á, nếu được giải quyết ổn thoả sẽ có lợi cho việc bảo đảm hoà bình của châu Á, góp phần làm giảm cục diện căng thẳng của thế giới.
Những quốc gia và những người yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới sẽ theo dõi sát sao tiến trình hội nghị Genève, đồng thời hy vọng hội nghị sẽ thành công. Nhân dân Trung Quốc cũng cùng chung ước muốn như vậy đối với hội nghị này.
Đoàn đại biểu Trung Quốc tham gia hội nghị với một tinh thần chân thành. Chúng ta tin tưởng rằng những nỗ lực chung của những người tham gia hội nghị cũng như nguyện vọng chung muốn củng cố hoà bình sẽ tạo cơ hội giải quyết tất cả những vấn đề cấp thiết nói trên.
Chu Ân Lai với sự tháp tùng của Vương Bỉnh Nam, Phùng Huyền bước vào phòng VIP ở sân bay, ông sẽ cùng với hàng người đón tiếp đứng chờ để đón Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Mikhailovich Molotov tại sân bay Genève.
Lúc này, các nhân viên báo chí của đoàn đại biểu Trung Quốc tại sân bay bắt đầu phát bản “sơ yếu lý lịch của Chu Ân Lai” bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh. Bản sơ yếu lý lịch này do Lý Khắc Nông soạn chưa được Chu Ân Lai xem trước nhưng đã được báo cáo với Bộ chính trị Trung ương đảng và đã được thông qua. Sơ yếu lý lịch viết “Chu Ân Lai, sinh năm 1898, nhà hoạt động chính trị, nhà quân sự và ngoại giao kiệt xuất của Trung Quốc, một trong những nhà lãnh đạo và nhà tổ chức xuất sắc của ĐCS Trung Quốc, một trong những chiến hữu thân cận nhất của Mao Trạch Đông…”.
Khoảng 30 phút sau khi Chu Ân Lai xuống sân bay, chiếc máy bay Il-14 chở đoàn đại biểu Liên Xô đã bay vào không phận Genève, và Ngoại trưởng Liên Xô cũng đưa theo một đoàn đại biểu hùng hậu, trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao còn rất trẻ Andrei Gromyko, vốn là một trợ thủ quan trọng của Molotov. Trong đoàn còn có các thành viên quan trọng khác như Thứ trưởng Ngoại giao Vasili Kuznetsov, đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc Pavel Yudin, đại sứ Liên Xô tại Mỹ Chalopin, cùng các đại sứ tại Pháp, Anh, và nhiều quan chức khác của Bộ Ngoại giao.
Tại sân bay, Ngoại trưởng Molotov đã có bài phát biểu ngắn, trong đó đoạn gây chú ý là “Không thể không chỉ rõ một thực tế quan trọng rằng tất cả các nước lớn, các đoàn đại biểu của Pháp, Anh, Mỹ, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Liên Xô lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây cùng tham gia một hội nghị quốc tế”. Ông còn nói “Đoàn đại biểu Liên Xô cho rằng nhanh chóng khôi phục hoà bình ở Đông Dương, bảo đảm quyền lợi dân tộc và tự do cho nhân dân các nước Đông Dương là nhiện vụ quan trọng nhất của hội nghị Genève”.
Rất đông người đứng đón Ngoại trưởng Molotov, và điều này với ông không có gì lạ, luôn miệng mỉm cười và liên tục giơ tay vẫy. Tuy nhiên, khi Molotov ngừng cười và giơ tay chào những người đến đón, ông tiến thẳng tới chỗ Chu Ân Lai, hai người cùng nắm tay bước ra khỏi sân bay. Bỗng nhiên, dường như thấy Chu Ân Lai có vẻ rảo bước nhanh hơn, Molotov đưa tay kéo nhẹ một cái, Chu Ân Lai dường như hiểu ý, hai người cùng dừng một lúc trước ống kính máy quay và chụp hình của các phóng viên, để giới báo chí có cơ hội dễ dàng chụp được nhiều hơn.
Đoàn đại biểu Liên Xô cùng với đoàn Trung Quốc và Triều Tiên cùng rời sân bay. Phía Liên Xô cung cấp cho đoàn Trung Quốc năm chiếc xe ôtô màu đen, cùng những chiếc của đoàn Liên Xô, mười mấy chiếc xe cùng lăn bánh trên đường phố Genève, thu hút sự chú ý của người dân thành phố.
Chu Ân Lai cùng các phó trưởng đoàn Trung Quốc và các trợ thủ quan trọng được xe đưa tới khu biệt thự Le Grand Mont-Fleuri xinh đẹp.
Vai Trò Của Chu Ân Lai Tại Genève Năm 1954 Vai Trò Của Chu Ân Lai Tại Genève Năm 1954 - Tiền Giang (钱江/qian Jiang) Vai Trò Của Chu Ân Lai Tại Genève Năm 1954