If we are peaceful, if we are happy, we can smile, and everyone in our family, our entire society, will benefit from our peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Khaled Hosseini
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 107
Cập nhật: 2021-02-23 22:41:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
hín
MÙA ĐÔNG NĂM 2010
Hồi tôi còn bé, cha và tôi có một nghi thức hằng đêm. Sau khi tôi nói hai mốt lần từ Bismillah* và ông đã bế tôi vào giường, ông sẽ ngồi bên cạnh tôi và kéo những giấc mơ xấu khỏi đầu tôi bằng ngón cái và ngón trỏ. Ngón tay ông sẽ nhảy từ trán xuống thái dương tôi, kiên nhẫn tìm kiếm sau tai, sau gáy, và ông sẽ tạo ra một tiếng bốp - như tiếng mở nút chai - với mỗi cơn ác mộng ông xóa bỏ khỏi đầu tôi. Ông cất các giấc mơ, từng giấc một, vào một bao tải vô hình trong lòng và buộc dây thật chặt. Rồi ông gột sạch không khí, tìm kiếm những giấc mơ hạnh phúc thay thế những giấc mơ mà ông đã cách ly. Tôi nhìn ông khẽ nghênh đầu nhíu mày, mắt đảo từ bên này sang bên kia, như thể đang căng tai nghe tiếng nhạc từ xa vọng lại. Tôi nín thở, đợi chờ khoảnh khắc khuôn mặt cha tôi dãn ra thành nụ cười, khi ông reo lên, A, đây rồi, khi ông khum tay, để giấc mơ đậu xuống lòng bàn tay như một cánh hoa rời cành chầm chậm xoay vòng. Rồi nhẹ nhàng, hết sức nhẹ nhàng - cha nói tất cả những điều tốt đẹp trong đời đều mong manh và dễ mất - cha giơ tay lên mặt tôi, xoa lòng bàn tay lên lông mày và để hạnh phúc thấm vào đầu tôi.
Nhân danh Allah.
Đêm nay con sẽ mơ gì hả Baba? tôi hỏi.
À, đêm nay. Ừm, đêm nay là đêm đặc biệt, ông luôn nói thế trước khi bắt đầu kể chuyện. Ông sẽ sáng tác ra một câu chuyện ngay tại chỗ. Trong một giấc mơ ông kể, tôi trở thành họa sĩ nổi tiếng nhất thế giới. Trong một giấc mơ khác, tôi là nữ hoàng của một hòn đảo bị phù phép, và tôi có một chiếc ngai vàng bay. Ông thậm chí còn cho tôi một giấc mơ về món tráng miệng yêu thích nhất trần đời của tôi, thạch Jell-O. Tôi có quyền năng, bằng cách vẩy cây đũa thần, biến mọi thứ thành Jell-O - xe buýt trường học, tòa nhà Empire State, toàn bộ Thái Bình Dương, nếu tôi thích. Hơn một lần, tôi cứu hành tinh này khỏi sự hủy diệt bằng cách vẩy đũa thần vào một ngôi sao băng. Cha tôi, người không bao giờ nói nhiều về cha mình, bảo rằng ông được thừa kế khả năng kể chuyện từ cụ thân sinh. Ông kể hồi ông còn nhỏ, thi thoảng cha ông sẽ bảo ông ngồi xuống - nếu cha ông đang vui, mà điều này thì hiếm khi - và kể những câu chuyện đầy ắp jinn, các nàng tiên, và div.
Có những đêm, tôi đổi vai cho Baba. Ông nhắm mắt lại còn tôi trượt lòng bàn tay xuống khuôn mặt ông, bắt đầu từ lông mày, qua gò má ram ráp chân râu, mớ ria mép xù xì.
Thế giấc mơ đêm nay của cha là gì? ông thì thầm hỏi, nắm tay tôi. Và nở nụ cười thật tươi. Vì ông biết thừa tôi định kể cho ông giấc mơ nào. Lần nào cũng vậy. Giấc mơ ông và em gái nằm dưới một cây táo nở hoa, thiêm thiếp vào giấc ngủ chiều. Mặt trời tỏa hơi ấm lên má họ, nắng trải lên cỏ, lá và tán hoa trên đầu.
Tôi là con một, và thường là đứa trẻ cô đơn. Sau khi sinh tôi, cha mẹ tôi, những người gặp nhau ở Pakistan khi cả hai đều ở tuổi tứ tuần, đã quyết định không thử vận may lần thứ hai. Tôi nhớ mình đã nhìn lũ trẻ hàng xóm, các bạn ở trường, những đứa có em trai hay em gái với ánh mắt ghen tị như thế nào. Tôi đã ngơ ngác ra sao trước cách chúng đối xử với nhau, không đếm xỉa tới sự may mắn của mình. Chúng cư xử như chó hoang vậy. Cấu véo, đánh đấm, phản bội nhau bằng bất cứ cách nào chúng nghĩ ra. Lại còn cười cợt về chuyện đó nữa. Chúng không nói chuyện với nhau. Tôi không hiểu nổi. Tôi ấy, tôi đã dành phần lớn những năm đầu đời của mình để khao khát có một đứa em. Cái tôi thực sự ao ước là một đứa em sinh đôi, đứa khóc bên tôi trong cũi, ngủ bên tôi, uống cùng một bầu sữa mẹ với tôi. Một đứa để yêu thương không ngừng và trọn vẹn, một đứa mà tôi luôn có thể nhận ra chính mình trên khuôn mặt nó.
Và thế là em gái của Baba, Pari, trở thành bạn đồng hành bí mật của tôi, chỉ mình tôi nhìn thấy. Cô là em gái của tôi, người mà tôi luôn ao ước được cha mẹ ban cho. Tôi thấy cô trong chiếc gương buồng tắm khi chúng tôi đánh răng bên nhau mỗi sáng. Chúng tôi thay đồ cùng nhau. Cô theo tôi tới trường và ngồi bên tôi trong lớp - nhìn thẳng lên bảng, lúc nào tôi cũng thấy màu đen mái tóc cô và sắc trắng của khuôn mặt nhìn nghiêng qua khóe mắt. Tôi dẫn cô tới sân chơi cùng tôi vào giờ giải lao, cảm thấy sự hiện diện của cô đằng sau mình khi tôi chơi cầu trượt hay chuyền từ thanh xà này sang thanh xà khác. Sau giờ học, khi tôi ngồi bên bàn bếp vẽ vời, cô kiên nhẫn ngồi gần đó nguệch ngoạc hay đứng nhìn ra ngoài cửa sổ cho đến khi tôi xong và chúng tôi chạy ra ngoài nhảy dây, hai cái bóng đôi nhảy lên nhảy xuống trên nền xi măng.
Không ai biết về những trò chơi của tôi với Pari. Kể cả cha tôi. Cô là bí mật của tôi.
Lúc không có ai bên cạnh, chúng tôi ăn nho và trò chuyện liên hồi - về đồ chơi, loại ngũ cốc nào ngon nhất, bộ phim hoạt hình chúng tôi thích, những đứa bạn học mà chúng tôi ghét, thầy cô nào khó tính. Chúng tôi có cùng màu sắc thích nhất (vàng), vị kem thích nhất (anh đào đen), chương trình ti vi thích nhất (Alf), và cả hai lớn lên đều muốn làm họa sĩ. Tất nhiên là tôi tưởng tượng chúng tôi giống hệt nhau bởi, rốt cuộc, chúng tôi sinh đôi mà. Đôi khi tôi gần như nhìn thấy cô - thực sự nhìn thấy ấy, ý tôi là - ngay rìa tầm nhìn của tôi. Tôi cố vẽ cô, và mỗi lần như thế, tôi lại cho cô đôi mắt màu lục nhạt hơi không đều nhau giống tôi, mái tóc xoăn sẫm màu, cùng độ dài, cặp mày sắc gần như chạm nhau. Nếu ai đó hỏi, tôi bảo họ là tôi vẽ chính mình.
Câu chuyện cha tôi mất em gái như thế nào quen thuộc với tôi như những gì mẹ kể tôi nghe về Nhà tiên tri, những câu chuyện sau này tôi sẽ học lại khi ghi danh vào trường Chúa nhật tại một thánh đường ở Hayward. Ấy thế mà, dù quen thuộc đến mấy, đêm nào tôi cũng đòi nghe lại chuyện về Pari, không thể nào cưỡng lại nổi. Có lẽ chỉ vì chúng tôi cùng tên. Có lẽ đó là lý do tại sao tôi cảm thấy có mối liên hệ giữa chúng tôi, lờ mờ, bọc trong sự bí ẩn, tuy nhiên lại rất chân thực. Nhưng còn nhiều hơn thế. Tôi cảm thấy xúc động vì cô, như thể tôi cũng được định hình bởi những gì đã xảy ra với cô. Chúng tôi được gắn kết với nhau, tôi cảm thấy thế, bằng một trật tự vô hình nào đó theo cách mà tôi không hiểu thấu, nối kết vượt qua cả cái tên, qua quan hệ gia đình, như thể, cùng nhau, chúng tôi hoàn thiện một mảnh ghép.
Tôi đoan chắc rằng nếu tôi nghe câu chuyện của cô đủ kỹ, tôi sẽ phát hiện ra thứ gì đó về bản thân mình.
Cha có nghĩ ông nội buồn không? Vì đã bán cô đi ấy?
Có những người giấu nỗi buồn kỹ lắm, Pari à. Ông nội giống như vậy đấy. Ta không thể nhìn mà biết được đâu. Ông là người cứng rắn. Nhưng cha nghĩ là có, cha nghĩ trong lòng ông buồn lắm.
Còn cha?
Cha tôi sẽ mỉm cười và nói, Sao cha phải buồn khi đã có con? nhưng, kể cả ở độ tuổi ấy, tôi vẫn nhận ra được. Nó giống như một vết bớt trên khuôn mặt ông vậy.
Trong lúc chúng tôi tâm tình như thế này, tôi lại tưởng tượng ra một chuyện trong đầu. Rằng tôi sẽ để dành hết số tiền tôi có, không lấy một xu nào để mua kẹo hay đề can, và khi nào con lợn đất của tôi đầy - dù nó chẳng phải lợn mà là một nàng tiên cá nằm trên đá - tôi sẽ đập ra lấy hết tiền và lên đường tìm em gái của cha, dẫu cho cô ở đâu, và khi tìm được rồi, tôi sẽ chuộc cô và đưa cô về nhà với Baba. Tôi sẽ làm cha hạnh phúc. Không gì trên đời này khiến tôi khao khát hơn là được làm người xua tan nỗi buồn của ông.
Vậy giấc mơ đêm nay của cha là gì? Baba hỏi.
Cha biết rồi mà.
Một nụ cười khác. Ừ, cha biết.
Baba à?
Hở?
Cô có phải em gái ngoan không ạ?
Cô con rất hoàn hảo.
Ông sẽ thơm lên má tôi và kéo chăn lên cổ tôi. Ra đến cửa, ngay khi tắt đèn, ông ngừng lại.
Cô con rất hoàn hảo, ông nói. Như con vậy.
Tôi luôn đợi đến khi ông đóng cửa rồi mới trượt khỏi giường, lấy thêm một cái gối, đặt kế gối của tôi. Tôi chìm vào giấc ngủ mỗi đêm với cảm giác có trái tim đôi đập trong ngực mình.
Tôi xem đồng hồ khi chuyển hướng sang đường cao tốc từ lối vào đường Old Oakland. Đã mười hai rưỡi. Tôi sẽ mất ít nhất bốn lăm phút để tới sân bay quốc tế San Francisco, nếu không có tai nạn hay công trình làm đường nào trên đường 101.
Với cả, đây là chuyến bay quốc tế, bà sẽ phải làm thủ tục hải quan, có lẽ nhờ thế tôi sẽ có thêm chút thời gian. Tôi lướt xe về bên làn trái và nhấn ga chiếc Lexus tăng tốc gần 80 km/h.
Tôi nhớ đến một phép mầu nho nhỏ trong cuộc trò chuyện với Baba, khoảng tháng trước. Cuộc trao đổi là một cái bong bóng bình thường chóng tan, tựa một túi khí nhỏ xíu chìm sâu dưới đáy đại dương thăm thẳm, u tối, lạnh lẽo. Tôi mang bữa trưa đến muộn cho ông, và từ trên chiếc ghế bành ngả lưng ông quay đầu sang bảo tôi, với giọng chỉ trích nhẹ nhàng nhất, rằng tôi được lập trình sẵn trong gien là chuyên giờ cao su. Giống mẹ con vậy, Chúa ban phước lành cho linh hồn bà ấy.
Nhưng mà, ông nói tiếp, mỉm cười như để an ủi tôi, ai mà chả có khuyết điểm này nọ chứ.
Vậy đây chính là khuyết điểm mà Chúa đã cho con ạ? tôi hỏi, đặt đĩa cơm đậu vào lòng ông. Chuyên đi muộn?
Phải nói thêm là, Người đã lưỡng lự lắm khi làm thế. Baba nắm tay tôi. Chỉ chút xíu, một chút nữa thôi là Người tạo ra con hoàn hảo rồi.
Ừm, nếu cha muốn, con sẽ vui lòng tiết lộ cho cha thêm vài điều.
Con đã giấu tiệt chúng đi phỏng?
Ôi, có cả đống ấy chứ ạ. Sẵn sàng xuất đầu lộ diện. Vì giờ cha đã già yếu rồi.
Cha đúng là đã già yếu rồi.
Giờ cha muốn con thông cảm với cha cơ đấy.
Tôi nghịch radio, chuyển từ chương trình đối thoại sang nhạc đồng quê đến nhạc jazz rồi lại thêm nhiều cuộc đối thoại nữa. Tôi tắt đi. Lòng tôi bồn chồn không yên. Tôi vươn tay lấy điện thoại di động trên ghế phụ. Tôi gọi về nhà, để điện thoại mở trong lòng.
“A lô?”
“Salaam, Baba. Con đây.”
“Pari à?”
“Vâng, Baba. Cha với Hector ở nhà có ổn không?”
“Có. Cậu ta là một chàng trai trẻ tuyệt vời. Cậu ta làm món trứng cho chúng ta. Hai chú cháu ăn với bánh mì. Con đang ở đâu đấy?”
“Con đang lái xe,” tôi đáp.
“Đến quán à? Hôm nay con không có ca làm mà, phải không?”
“Không ạ, con đang trên đường ra sân bay, Baba à. Con đi đón một người.”
“Được rồi. Cha sẽ bảo mẹ con nấu cơm,” ông nói. “Bà ấy có thể mang mấy thứ từ quán về.”
“Vâng, Baba.”
Nhẹ nhõm thay, ông không nhắc thêm đến bà nữa. Nhưng, có những ngày, ông chẳng chịu thôi. Tại sao không ai nói cho cha biết bà ấy ở đâu hả Pari? Bà ấy đang phẫu thuật à? Đừng nói dối cha? Tại sao ai cũng nói dối cha? Bà ấy đi rồi à? Bà ấy ở Afghanistan à? Thế thì cha cũng đến đó! Cha sẽ tới Kabul, con không ngăn được đâu. Chúng tôi cứ lặp đi lặp lại như thế, Baba bứt rứt đi lại; tôi thì nói dối ông, rồi thì lại cố làm ông sao nhãng bằng mấy cuốn ca ta lô sửa chữa nhà cửa hay thứ gì đó trên ti vi. Đôi khi cách đó có hiệu quả, nhưng những lần khác thì chẳng ăn thua gì với ông. Ông lo lắng cho đến khi bật khóc, trong cơn kích động. Ông đập tay vào đầu, lắc ghế tới lui, nức nở, chân run rẩy, và rồi tôi phải cho ông một liều Ativan*. Tôi đợi mắt ông lờ đờ, và đến lúc đó, tôi buông mình xuống ghế, kiệt sức, không thở nổi, gần như bật khóc. Khao khát, tôi nhìn ra ngoài cửa và khoảng không đằng sau nó, những muốn bước qua và cứ thế đi mãi. Và rồi Baba rên rỉ trong giấc ngủ, tôi liền giật mình, lòng đầy day dứt.
Thuốc điều trị rối loạn lo âu.
“Con nói chuyện với Hector được không Baba?”
Tôi nghe thấy tiếng chuyền ống nghe. Trong điện thoại có tiếng khán giả của một trò chơi truyền hình ồ lên than thở, rồi tiếng vỗ tay.
“Đây, cô gái.”
Hector Juarez sống bên kia đường. Chúng tôi là hàng xóm đã nhiều năm và mấy năm qua đã trở thành bạn. Anh ghé qua vài lần một tuần và cùng tôi ăn đồ ăn nhanh, xem những chương trình tạp nham tới tận khuya, chủ yếu là truyền hình thực tế. Chúng tôi nhai pizza nguội ngắt và lắc đầu với vẻ thích thú quái đản trước những trò lố và cơn thịnh nộ trên màn hình. Hector từng là lính thủy đánh bộ, đóng quân tại miền Nam Afghanistan. Mấy năm trước, anh bị thương nặng trong một cuộc tấn công bằng thiết bị nổ tự chế. Tất cả mọi người cùng khu nhà đều có mặt khi cuối cùng anh cũng trở về từ Bộ Cựu chiến binh Mỹ. Cha mẹ anh đã treo biển Chào mừng con về nhà, Hector trước sân, với bóng bay và rất nhiều hoa. Ai nấy đều vỗ tay khi cha mẹ anh đỗ xe trước nhà. Mấy người hàng xóm còn mang theo bánh nướng. Mọi người cảm ơn sự phục vụ của anh. Họ nói, Giờ hãy mạnh mẽ nhé. Chúa phù hộ. Vài ngày sau, cha Hector, Cesar, ghé qua nhà tôi, và ông cùng tôi làm một đoạn dốc dành cho xe lăn đi, giống với cái mà Cesar đã xây bên ngoài nhà ông dẫn tới cửa chính, lá cờ Mỹ rủ phía trên. Tôi nhớ khi hai chú cháu làm con dốc, tôi cảm thấy cần phải xin lỗi Cesar vì những gì đã xảy ra với Hector tại quê hương của cha tôi.
“Chào anh,” tôi nói. “Em cứ nghĩ nên gọi về hỏi thăm.”
“Ở đây ổn cả mà,” Hector đáp. “Bọn anh ăn rồi. Bọn anh đã xem Hãy chọn giá đúng. Giờ thì đang thư giãn với Chiếc nón kỳ diệu. Tiếp đến là Chung sức.”
“Ối. Xin lỗi.”
“Vì sao chứ, mija*?Hai chú cháu đang vui mà. Phải không, Abe?”
Em gái (tiếng Tây Ban Nha, không nhất thiết chỉ em gái ruột mà còn có thể gọi thân mật những cô gái khác).
“Cảm ơn anh đã làm món trứng cho ông ấy,” tôi nói.
Hector hạ thấp giọng xuống một tông. “Thực ra là bánh rán đấy. Mà em đoán xem? Ông ấy thích lắm. Ăn một chồng bốn cái liền.”
“Em thực sự nợ anh.”
“Này, anh thích bức tranh mới lắm, em gái. Bức mà có đứa trẻ đội cái mũ buồn cười ấy? Abe đã cho anh xem. Ông ấy cũng tự hào lắm. Anh như kiểu, chết tiệt! Chú nên tự hào thật ấy chứ.”
Tôi mỉm cười khi chuyển làn cho một chiếc xe áp sát vượt qua. “Có lẽ em biết Giáng sinh tặng quà gì cho anh rồi.”
“Nhắc anh nhớ lại là tại sao chúng ta không thể kết hôn nào?” Hector nói. Tôi nghe tiếng Baba cự lại và tiếng cười của Hector, cách xa ống nghe. “Cháu đùa đấy mà, Abe. Thoải mái chút đi. Cháu què quặt thế này.” Rồi nói với tôi, “Anh nghĩ cha em vừa cho anh thấy bản chất Pashtun của ông ấy.”
Tôi nhắc anh cho Baba uống thuốc buổi trưa rồi cúp máy.
Giống như nhìn bức ảnh của một người dẫn chương trình trên sóng radio, rằng trông họ chẳng hề giống như bạn hình dung trong đầu khi lắng nghe tiếng họ trong ô tô. Vì một lẽ, bà đã già. Hoặc hơi già. Tất nhiên là tôi biết điều này. Tôi đã tính toán và ước chừng bà ngót sáu mươi. Chỉ có điều thật khó dung hòa hình ảnh người phụ nữ gầy gò tóc muối tiêu này với cô bé mà tôi vẫn luôn tưởng tượng, cô bé ba tuổi với mái tóc xoăn đen và cặp mày dài gần như chạm nhau, giống tôi. Bà còn cao hơn tôi hình dung. Tôi biết thế, kể cả khi bà ngồi, trên băng ghế gần quầy bánh sandwich, rụt rè nhìn quanh như bị lạc. Bà có bờ vai hẹp và vóc dáng mảnh mai, khuôn mặt dễ mến, tóc búi chặt và được cố định bằng dải băng đô đan móc. Bà đeo khuyên tai ngọc bích, vận quần bò bạc màu, áo len dài màu cá hồi, và quấn chiếc khăn vàng quanh cổ với vẻ thanh nhã đơn giản kiểu châu Âu. Bà đã bảo tôi trong e-mail trước rằng bà sẽ quàng khăn để tôi chóng nhận ra.
Bà chưa nhìn thấy tôi, còn tôi thì nấn ná một lát giữa các du khách đẩy xe chở hành lý qua nhà ga, những tài xế đón khách giơ tấm biển đề tên khách hàng. Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực, tôi thầm nghĩ, Đây là bà. Đây là bà. Đây thực sự là bà. Rồi chứng tôi chạm mắt nhau, và vẻ nhận ra thoáng hiện trên khuôn mặt bà. Bà vẫy tay.
Chúng tôi gặp nhau ở băng ghế. Bà cười tươi, khiến đầu gối tôi loạng choạng. Bà có nụ cười giống hệt Baba - ngoại trừ khe hở bé bằng hạt gạo giữa hai răng cửa - chiếc bên trái hơi lệch, cách nó làm mặt bà nhăn lại và gần như khiến mắt bà nhắm tịt thế nào, cái dáng chỉ hơi nghiêng nghiêng đầu ra sao. Bà đứng lên, và tôi để ý đến tay bà, khớp tay sưng u, các ngón tay cong gập ở đốt đầu tiên nghiêng hẳn khỏi ngón cái, cổ tay nổi đầy cục to bằng hạt đậu gà. Tôi cảm thấy bụng mình thắt lại, trông đau đớn quá.
Chúng tôi ôm nhau, và bà thơm lên má tôi. Da bà mềm như nỉ. Khi chúng tôi buông nhau ra, bà vẫn giữ tôi, bàn tay khum khum trên vai tôi, và nhìn thẳng vào mặt tôi như đang định giá một bức tranh. Có một làn sương ướt đẫm trong đôi mắt bà. Đôi mắt rạng rỡ vì hạnh phúc.
“Con xin lỗi vì đến muộn ạ.”
“Không sao,” bà nói. “Cuối cùng cũng được ở bên con! Cô mừng lắm.” Giọng Pháp của bà nghe trực tiếp còn nặng hơn cả trên điện thoại.
“Con cũng mừng lắm,” tôi đáp. “Chuyến bay của cô thế nào ạ?”
“Cô phải uống thuốc, nếu không thì không ngủ nổi. Cô sẽ thức suốt ấy. Vì cô quá hạnh phúc và hồi hộp.” Bà nhìn tôi không rời, nở nụ cười rạng rỡ với tôi - như thể sợ rằng phép mầu sẽ tan biến nếu bà quay đi - cho đến khi tiếng loa trên đầu khuyến cáo hành khách thông báo bất cứ trường hợp hành lý vô chủ nào, thì mặt bà mới dãn ra đôi chút.
“Abdullah có biết cô đang đến không?”
“Con đã thưa cha là con sắp đưa một vị khách về nhà,” tôi nói.
Lát sau, khi chúng tôi đã yên vị trong xe, tôi lén nhìn bà. Đây là điều kỳ lạ nhất trần đời. Có gì đó phi thực một cách kỳ quặc về Pari Wahdati, ngồi trong xe tôi, chỉ cách tôi có vài phân. Vừa nãy thôi, tôi còn nhìn thấy bà rõ rành - chiếc khăn vàng quấn quanh cổ, những sợi tóc ngắn mỏng ở đường chân tóc, nốt ruồi màu cà phê bên dưới tai trái - thế mà chỉ lát sau, đường nét của bà đã nhạt nhòa sau làn sương, như thể tôi đang hé mắt nhìn bà qua chiếc kính mờ. Tôi cảm thấy, một cách ngẫu nhiên, như kiểu hoa mắt vậy.
“Con không sao chứ?” bà hỏi, nhìn tôi trong khi thắt dây an toàn.
“Con cứ nghĩ là cô sẽ biến mất.”
“Gì cơ?”
“Chỉ là… hơi khó tin một chút,” tôi nói, cười lo lắng. “Rằng cô thực sự tồn tại. Rằng cô thực sự ở đây.”
Bà gật đầu, mỉm cười. “À, cô cũng vậy. Cô cũng thấy lạ lắm. Con biết đấy, cả đời cô chưa từng gặp ai trùng tên mình cả.”
“Con cũng thế.” Tôi khởi động xe. “À mà cô kể con nghe về các con cô đi.”
Khi tôi lái xe ra khỏi bãi đỗ, bà kể hết cho tôi nghe về họ, dùng tên thân mật như thể tôi đã biết họ cả đời này, như thể các con bà và tôi đã lớn lên cùng nhau, cùng đi những chuyến dã ngoại gia đình, cắm trại và nghỉ hè ở khu nghỉ dưỡng ven biển, nơi chúng tôi làm những chuỗi vòng cổ bằng vỏ sò và vùi nhau dưới cát.
Giá mà được như vậy.
Bà kể rằng con trai mình, Alain - “em họ con”, bà nói thêm, và vợ cậu ấy, Ana, đã có đứa con thứ năm, một bé gái, và họ đã chuyển tới Valencia, mua nhà ở đó. “Finalement*, chúng nó đã rời khỏi cái căn hộ dở tệ ở Madrid!” Con gái đầu lòng của bà, Isabelle, người soạn nhạc cho các chương trình truyền hình, đã được giao viết nhạc cho bộ phim lớn đầu tiên. Còn chồng của Isabelle, Albert, giờ là bếp trưởng một nhà hàng danh tiếng ở Paris.
Cuối cùng (tiếng Pháp).
“Con cũng có một quán ăn nhỉ?” bà hỏi. “Hình như con đã kể cho cô nghe trong e-mail?”
“Ừm, là cha mẹ con ạ. Cha con luôn mơ được làm chủ một quán ăn riêng. Con giúp họ quản lý. Nhưng mấy năm sau con phải bán đi. Sau khi mẹ con mất còn Baba thì… suy nhược.”
“À, cô rất tiếc.”
“Ôi đừng ạ. Con có giỏi việc quán xá đâu.”
“Con không nên nghĩ vậy. Con là nghệ sĩ mà.”
Tôi đã kể cho bà nghe, vô tình thôi, trong lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện và bà hỏi tôi làm gì, tôi đã kể rằng tôi mơ ước một ngày nào đó được học mỹ thuật.
“Thật ra thì, con làm nghề mà như cô gọi là viết văn bản đấy ạ.”
Bà chăm chú lắng nghe khi tôi giải thích rằng tôi làm việc cho một công ty chuyên xử lý dữ liệu cho bảng xếp hạng Fortune 500*. “Con viết mẫu cho họ. Tờ quảng cáo, hóa đơn, danh sách khách hàng, danh sách e-mail, kiểu vậy. Cơ bản chỉ cần biết đánh máy. Mà lương lại khá nữa.”
Danh sách 500 công ty lớn nhất nước Mỹ.
“Ra vậy,” bà nói. Bà cân nhắc, rồi nói thêm, “Con có thấy thú vị không, làm công việc đó ấy?”
Chúng tôi đi qua thành phố Redwood trên đường về hướng Nam. Tôi vươn qua đùi bà và chỉ ra ngoài cửa sổ. “Cô có thấy tòa nhà kia không? Tòa cao cao có biển xanh ấy?”
“Có.”
“Con được sinh ra ở đó đấy.”
“Ah, bon?*” Bà ngoái đầu nhìn theo khi tôi lái xe qua. “Con may mắn thật đấy.”
À, hay nhỉ (tiếng Pháp).
“Là sao ạ?”
“Khi biết nơi mình sinh ra.”
“Có lẽ con chưa bao giờ nghĩ nhiều đến điều đó.”
“Ầy, tất nhiên là không rồi. Nhưng biết được là việc quan trọng đấy, biết gốc gác của mình. Biết nơi con được làm người. Nếu không, con sẽ thấy cuộc đời mình có vẻ không thật. Như một câu đố. Vous comprenez?* Như thể con đã bỏ lỡ phần đầu của câu chuyện và giờ con đang ở giữa, cố hiểu đầu cua tai nheo.”
Con có hiểu không? (tiếng Pháp).
Tôi hình dung đó là những gì Baba cảm thấy dạo này. Cuộc đời ông lỗ chỗ những khoảng trống. Mỗi ngày là một câu chuyện bí ẩn, một câu đố phải tìm cách giải.
Chúng tôi lái xe trong im lặng trong vài cây số.
“Con có thấy công việc của mình thú vị không ư?” tôi nói. “Một hôm con về nhà thì thấy nước chảy trong bồn rửa bát. Có một chiếc cốc vỡ dưới sàn, còn bếp ga thì vẫn bật. Đó là khi con biết rằng mình không thể để ông ấy một mình thêm nữa. Và vì con không đủ tiền thuê một người chăm sóc sống cùng, nên con tìm kiếm một công việc có thể làm tại nhà. ‘Thú vị’ không phải là yếu tố con tính đến.”
“Và trường mỹ thuật có thể đợi.”
“Phải vậy thôi.”
Tôi lo rằng tiếp theo bà sẽ nói Baba thật may mắn vì có một đứa con gái như tôi, nhưng trước sự nhẹ nhõm và biết ơn của tôi, bà chỉ gật đầu, mắt lướt qua những tấm biển trên đường cao tốc. Tuy nhiên những người khác - nhất là người Afghanistan - lúc nào cũng bảo Baba may mắn làm sao, rằng tôi quả là phước lành. Họ nói về tôi với vẻ ngưỡng mộ. Họ biến tôi thành một vị thánh, một cô con gái đã dũng cảm từ bỏ cuộc sống rực rỡ đầy thoải mái và đặc quyền đặc lợi để ở nhà chăm sóc cha. Nhưng, đầu tiên là người mẹ, họ nói, giọng run run, tôi tưởng tượng thế, với vẻ cảm thông lấp lánh. Ngần ấy năm chăm sóc mẹ. Bao nhiêu xáo trộn. Giờ thì đến cha. Con bé không hề xinh, nhưng cũng có người theo đuổi. Một người Mỹ, anh ta ấy, là một tay rất được. Con bé đã có thể lấy anh ta. Nhưng nó không làm thế. Vì họ. Những gì mà nó đã hy sinh. Ôi, mỗi một người cha người mẹ đều nên có một đứa con gái như thế. Họ khen khiếu hài hước của tôi. Họ trầm trồ trước sự dũng cảm và cao thượng của tôi theo cái cách người ta vẫn thường làm với những người vượt qua sự dị dạng hay có lẽ là rối loạn chức năng nói.
Nhưng tôi không nhận ra chính mình trong phiên bản đó của câu chuyện. Chẳng hạn như, có những buổi sáng tôi thấy Baba ngồi trên mép giường, nhìn tôi với đôi mắt kèm nhèm, sốt ruột đợi tôi xỏ tất vào đôi chân khô ráp lốm đốm đồi mồi, gọi tên tôi và làm bộ mặt ngơ ngác. Ông nhăn mũi theo cái kiểu khiến ông giống một con vật gặm nhấm ướt nhẹp sợ hãi, và tôi ghét ông mỗi khi ông trưng vẻ mặt đó. Tôi ghét ông vì ông thành ra như vậy. Tôi ghét ông vì những đường biên giới chật hẹp trong sự tồn tại của tôi, vì là lý do khiến những năm tháng đẹp nhất bị rút cạn khỏi tôi. Có những ngày tôi chỉ muốn thoát khỏi ông, khỏi sự cáu kỉnh và đòi hỏi của ông. Tôi chẳng hề giống một vị thánh.
Đến phố 13 tôi rẽ lối. Đi thêm vài cây số nữa, tôi đã đỗ xe trên lối vào nhà, khu Beaver Creek, và tắt máy.
Pari ngó ra ngoài cửa kính nhìn ngôi nhà một tầng của chúng tôi, cánh cửa ga ra tróc sơn nham nhở, viền cửa sổ màu ô liu, cặp sư tử đá nom rẻ tiền đứng canh hai bên cửa - tôi chưa có can đảm vứt chúng đi vì Baba yêu chúng, tuy nhiên tôi không nghĩ ông sẽ để ý. Chúng tôi sống trong ngôi nhà này từ 1989, năm tôi bảy tuổi, ban đầu là thuê, trước khi Baba mua hẳn từ người chủ vào năm 93. Mẹ tôi qua đời trong ngôi nhà này, vào một buổi sáng đầy nắng trước đêm Giáng sinh, trên chiếc giường bệnh mà tôi đã sắp xếp cho bà trong phòng ngủ của khách, cũng là nơi bà trải qua ba tháng cuối đời. Bà bảo tôi chuyển bà tới căn phòng đó vì muốn ngắm cảnh. Bà nói điều đó làm tinh thần bà khá lên. Bà nằm trên giường, đôi chân sưng tấy xám ngoét, cả ngày nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm con phố cụt, khoảnh sân trước với những cây phong Nhật Bản bao quanh mà bà đã trồng nhiều năm trước, luống hoa hình sao, vạt cỏ bị chia tách bởi hàng sỏi hẹp, chân đồi xa xa ngả sắc vàng xuộm óng ánh lúc ban trưa khi nắng rực rỡ nhất.
“Cô lo quá,” Pari khẽ nói.
“Dễ hiểu mà cô,” tôi đồng tình. “Đã năm tám năm rồi.”
Bà nhìn xuống đôi bàn tay đan trong lòng. “Cô hầu như không nhớ gì về ông ấy cả. Cái cô nhớ, không phải là khuôn mặt hay giọng nói. Chỉ là đời cô luôn có gì đó thiếu vắng. Một điều gì đó đáng quý. Một điều gì đó… A, cô không biết phải nói sao. Vậy thôi.”
Tôi gật đầu. Tôi nghĩ tốt hơn là không nên nói với bà tôi hiểu rõ cảm giác ấy đến thế nào. Tôi suýt nữa đã hỏi liệu bà đã từng có dự cảm về sự tồn tại của tôi.
Bà vân vê đầu tua rua của chiếc khăn. “Con nghĩ có thể nào ông ấy nhớ ra cô không?”
“Cô muốn nghe sự thật ạ?”
Bà dò xét khuôn mặt tôi. “Tất nhiên là có rồi.”
“Nhiều khả năng là không.” Tôi nghĩ đến lời bác sĩ Bashiri nói, bác sĩ lâu năm của cha mẹ tôi. Anh nói Baba cần một chế độ điều dưỡng nghiêm ngặt, ổn định. Giảm thiểu những cú sốc. Hoàn toàn có thể đoán biết được.
Tôi mở cửa. “Cô có ngại ngồi trong xe một tẹo không? Con đưa bạn con về nhà trước, rồi chúng ta sẽ gặp Baba.”
Bà đưa một tay lên che mắt, và tôi không ở lại để xem bà có khóc hay không.
Năm tôi mười một tuổi, tất cả các lớp sáu ở trường tiểu học của tôi tham gia một chuyến cắm trại qua đêm ở Công viên Hải dương Vịnh Monterey. Cả tuần trước ngày thứ Sáu đó, bạn cùng lớp tôi ai ai cũng nói về chuyện đó, trong thư viện hay lúc chơi bóng bốn người vào giờ giải lao, rằng chúng sẽ vui thế nào, khi công viên hải dương đóng cửa, chúng được tự do chạy quanh các khu triển lãm, trong bộ đồ ngủ, giữa lũ cá voi đầu búa, cá đuối dơi, hải long và mực. Giáo viên của chúng tôi, cô Gillespie, bảo rằng các quầy đồ ăn sẽ được bố trí quanh viện hải dương, và học sinh được tùy ý chọn bánh mì bơ lạc với mứt, hay mì nui xốt phô mai. Các con có thể ăn bánh sô cô la tráng miệng hay kem va ni, cô nói. Đêm đó, học sinh sẽ chui vào túi ngủ nghe thầy cô đọc truyện, và chúng sẽ chìm vào giấc ngủ giữa đám cá ngựa, cá sác đin và cá mập báo lướt qua mớ lá tảo bẹ cao đung đưa. Đến thứ Năm, niềm háo hức trong lớp càng trở nên rõ nét hơn. Ngay cả những đứa chuyên gây rối cũng tỏ ra ngoan hết mực vì sợ lỡ nghịch dại thì không được cho đi viện hải dương nữa.
Với tôi, việc này cũng giống như xem một bộ phim sôi nổi mà tắt tiếng đi. Tôi cảm thấy bị tách rời khỏi tất cả những háo hức đó, lạc điệu với tâm trạng tiệc tùng đó - như cảm giác của tôi mỗi tháng Mười hai khi lũ bạn học về nhà để thấy những cây thông, những chiếc tất treo lủng lẳng trên lò sưởi và đám quà xếp theo hình kim tự tháp. Tôi bảo với cô Gillespie rằng tôi sẽ không đi cùng. Khi cô hỏi tại sao, tôi đáp là chuyến cắm trại rơi đúng vào một ngày lễ Hồi giáo. Tôi không chắc cô có tin không nữa.
Cái đêm cắm trại, tôi ở nhà cùng cha mẹ, và xem Murder, She Wrote. Tôi cố tập trung vào chương trình và không nghĩ về chuyến cắm trại, nhưng tâm trí cứ vẩn vơ đâu đâu. Tôi tưởng tượng ra lũ bạn học, cùng thời điểm đó, mặc đồ ngủ, đèn pin trong tay, trán áp vào kính một bể lươn khổng lồ. Tôi cảm thấy có gì đó thắt lại trong ngực mình, và tôi nhúc nhắc mình trên ghế. Baba, ngả lưng trên chiếc ghế bên kia, ném một hột lạc rang vào miệng và khùng khục cười trước lời Angela Lansbury vừa nói. Kế bên ông, tôi bắt gặp mẹ đăm chiêu nhìn tôi, khuôn mặt xầm xì, nhưng khi mắt chúng tôi chạm nhau, vẻ mặt đó liền nhanh chóng biến mất và mẹ mỉm cười - một nụ cười lén lút, dành riêng cho tôi - tôi bèn thu mình và cố nặn ra một nụ cười đáp lại. Đêm đó, tôi nằm mơ mình đang ở biển, đứng ở nơi nước ngập tới thắt lưng, những con sóng màu xanh lục xanh dương, ngọc bích, xa phia, ngọc lục bảo, ngọc lam, nhẹ nhàng vỗ vào hông tôi. Dưới chân tôi là hằng hà sa số cá bơi lượn, như thể đại dương là viện hải dương học của riêng tôi vậy. Chúng lướt qua ngón chân tôi và cù vào bụng chân tôi, hàng nghìn con lao đi vun vút, phản chiếu những màu sắc lấp lóa lên cát trắng.
Chủ nhật đó, Baba dành cho tôi một sự ngạc nhiên. Ông đóng cửa hàng - việc mà ông hầu như chưa bao giờ làm - và lái xe đưa chúng tôi tới viện hải dương ở Monterey. Baba sôi nổi nói khắp dọc đường. Rằng chúng tôi sẽ vui đến thế nào. Rằng ông đang đặc biệt trông chờ được ngắm nhìn tất cả đám cá mập. Rồi trưa chúng tôi nên ăn gì? Trong lúc ông nói, tôi nhớ lại hồi nhỏ, cha đưa tôi tới sở thú ở Công viên Kelly và vườn Nhật Bản ngay bên cạnh để xem cá chép Nhật, và chúng tôi đã đặt tên cho tất thảy lũ cá, tôi đã nắm chặt tay ông và tự nhủ mình sẽ không bao giờ cần ai khác nữa chừng nào còn sống.
Ở viện hải dương, tôi xông xáo đi khắp các khu triển lãm và cố hết sức trả lời câu hỏi của Baba về những loài cá khác nhau mà tôi nhận ra được. Nhưng nơi đó quá sáng và ồn ào, những khu triển lãm thú vị thì đông như nêm. Chẳng giống chút nào với tưởng tượng của tôi về chuyến cắm trại. Đó là cả một sự đấu tranh. Tôi thấy kiệt sức, cố tỏ ra mình đang vui lắm. Tôi cảm thấy cơn đau dạ dày trào lên, và sau khoảng một tiếng đồng hồ lượn lờ, chúng tôi cũng rời đi. Trên đường về nhà, Baba cứ liếc nhìn tôi vẻ u ám như thể định nói gì đó. Tôi cảm thấy ánh mắt ông cứ dán chặt vào mình. Tôi bèn giả vờ ngủ.
Năm sau đó, lên trung học, lũ con gái ở tuổi tôi đều đánh phấn mắt và son bóng. Chúng tới những buổi biểu diễn của Boyz II Men, những cuộc khiêu vũ trường học, và hẹn hò theo nhóm ở công viên Great America, nơi chúng rú lên theo những vòng xoáy của trò tàu lượn trên không. Đám bạn cùng lớp cố sống cố chết tham gia đội bóng rổ hay cổ vũ. Đứa con gái ngồi sau tôi ở lớp tiếng Tây Ban Nha, làn da tái lấm tấm tàn nhang, thì tìm cách góp mặt vào đội tuyển bơi, và một hôm nó tình cờ nhắc đến chuyện đó, trong lúc chúng tôi thu dọn sách vở sau giờ học, rằng tôi cũng nên thử xem. Nó không hiểu. Cha mẹ tôi sẽ xấu hổ lắm nếu tôi mặc đồ bơi ở nơi công cộng. Đó cũng không phải điều tôi muốn. Tôi ý thức rất rõ về cơ thể mình. Tôi mảnh mai ở phần trên hông, nhưng phần dưới lại thô một cách không cân xứng, như thể trọng lực đã dồn hết cân nặng xuống thân dưới của tôi vậy. Nom tôi như bị một đứa trẻ lắp ghép lại trong trò chơi lắp ghép các bộ phận cơ thể, hay còn hơn thế nữa, là ghép sai để mọi người được trận cười no bụng. Mẹ bảo là tôi có “khung xương to”. Bà nói bà ngoại cũng có vóc dáng ấy. Cuối cùng, bà ngừng lại, chắc đã đoán ra, rằng xương to không phải là cách mà một đứa con gái muốn bị miêu tả.
Tôi đã từng xin Baba cho tham gia đội bóng chuyền, nhưng ông chỉ ôm tôi và nhẹ nhàng khum tay trên đầu tôi. Ai sẽ đưa con đi tập chứ? ông lý luận. Ai sẽ đưa con đến các buổi thi đấu? Ôi, cha ước gì nhà mình có cái điều kiện xa xỉ ấy, Pari à, như cha mẹ các bạn con, nhưng chúng ta phải kiếm sống, mẹ con và cha. Cha sẽ không để nhà mình sống dựa vào tiền trợ cấp. Con hiểu mà, con gái rượu. Cha biết là con hiểu.
Thế nhưng dù phải kiếm sống, Baba vẫn tìm ra thời gian đưa tôi tới lớp học tiếng Farsi ở Campbell. Mỗi chiều thứ Ba, sau giờ học chính khóa, tôi lại ngồi ở lớp tiếng Farsi, như một con cá bơi ngược dòng, cố điều khiển cây bút, đi ngược lại bản năng tự nhiên của tay tôi, từ phải qua trái. Tôi năn nỉ Baba cho tôi nghỉ lớp tiếng Farsi, nhưng ông không đồng ý. Ông nói sau này tôi sẽ biết trân trọng món quà mà ông trao cho tôi. Ông nói nếu văn hóa là một ngôi nhà, thì ngôn ngữ là chìa khóa mở cánh cửa chính, tới tất thảy các căn phòng bên trong. Không có nó, ông tiếp, con sẽ rơi vào kết cục mất phương hướng, không có một ngôi nhà thích hợp hay một bản sắc chính thống.
Thế rồi cả những ngày Chủ nhật, khi tôi choàng chiếc khăn bằng vải bông trắng, ông lại chở tôi đến nhà thờ Hồi giáo ở Hayward để học kinh Koran. Căn phòng mà chúng tôi học - gồm một tá đứa con gái Afghanistan khác và tôi - bé xíu, không có điều hòa, và có mùi vải lanh không giặt. Cửa sổ thì hẹp và cao tít, giống cửa sổ trong mấy nhà tù thường thấy trong phim. Cô dạy chúng tôi là vợ một người bán tạp hóa ở Fremont. Tôi thích nhất khi cô kể cho chúng tôi nghe chuyện về cuộc đời Nhà tiên tri, phần này tôi thấy thú vị - ông đã trải qua tuổi thơ ở sa mạc như thế nào, thiên thần Gabriel đã xuất hiện trước mặt ông trong một cái động và lệnh cho ông trích dẫn các đoạn thơ ra sao, tất cả những ai gặp ông đều ấn tượng với khuôn mặt nhân từ và tỏa sáng của ông. Nhưng phần lớn thời gian cô dành để nói về một danh sách dài dằng dặc, cảnh báo chúng tôi những việc mà chúng tôi phải tránh bằng mọi giá như những cô gái Hồi giáo ngoan đạo vì e ngại bị văn hóa phương Tây xâm chiếm: con trai - đầu tiên và trước nhất, hẳn nhiên rồi - nhưng còn có cả nhạc rap, Madonna, Melrose Place*, quần soóc, khiêu vũ, bơi ở nơi công cộng, cổ vũ, đồ uống có cồn, thịt muối, xúc xích Italia, burger không phù hợp tiêu chuẩn halal*, và cả đống những thứ khác. Tôi ngồi trên sàn nhà, vã mồ hôi vì nóng, chân tê dại, ước gì có thể bỏ khăn ra khỏi đầu, nhưng tất nhiên rồi, người ta đâu thể làm thế trong một nhà thờ Hồi giáo. Tôi ngước nhìn cửa sổ, nhưng chỉ thấy một khe trời hẹp. Tôi mong mỏi khoảnh khắc được rời khỏi thánh đường, khi không khí trong lành sẽ ùa vào mặt tôi đầu tiên và tôi luôn cảm thấy ngực mình thả lỏng ra, sự nhẹ nhõm của một nút thắt khó chịu dần được cởi bỏ.
Một bộ phim truyền hình dài tập của Mỹ.
Sản phẩm không chứa những thành phần bị cấm như thịt lợn và việc giết mổ theo quy tắc đạo Hồi (Caruri).
Nhưng cho đến lúc đó, lối thoát duy nhất là nới lỏng dây cương trong tâm trí tôi. Thi thoảng, tôi thấy mình nghĩ đến Jeremy Warwick ở lớp Toán. Jeremy có đôi mắt xanh lam và là một cậu nhóc da trắng tóc xù. Cậu kín đáo và e dè. Cậu chơi ghita trong một ban nhạc ga ra - ở chương trình tài năng thường niên của trường, họ chơi một phiên bản khàn khàn của “House of the Rising Sun”. Trong lớp, tôi ngồi sau Jeremy bốn ghế, bên tay trái cậu. Đôi khi tôi tưởng tượng ra cảnh chúng tôi hôn nhau, tay cậu ôm lấy gáy tôi, khuôn mặt kề sát tôi đến nỗi như che khuất cả thế giới. Cảm giác đó sẽ lan tỏa trong tôi như một sợi lông vũ ấm áp khẽ cù vào bụng, vào tứ chi tôi. Tất nhiên điều đó chẳng bao giờ xảy ra. Chúng tôi có thể chẳng bao giờ nên chuyện, Jeremy và tôi. Nếu có một chút ý niệm mơ hồ nào về sự tồn tại của tôi, cậu cũng chẳng để lộ ra một tí gì. Thế cũng tốt thôi, thật đấy. Như vậy, tôi có thể vờ như lý do duy nhất chúng tôi không thể ở bên nhau là vì cậu không thích tôi.
Tôi dành mùa hè làm việc ở quán ăn của cha mẹ tôi. Khi nhỏ hơn, tôi thích lau bàn, giúp sắp xếp bát đĩa và đồ bạc, gấp khăn giấy, cắm một bông hoa đồng tiền đỏ vào cái lọ tròn nhỏ ở giữa mỗi bàn. Tôi vờ như mình là người không thể thiếu với việc kinh doanh của gia đình, rằng quán ăn sẽ không làm ăn gì được nếu không có tôi quán xuyến sao cho muối và tiêu lúc nào cũng đầy đủ.
Đến khi lên trung học, những ngày ở quán Kabob Nhà Abe trở nên dài lê thê và nóng bức. Phần lớn vẻ lấp lánh của những thứ bên trong quán từng thu hút tôi thuở bé đã phai nhạt. Chiếc máy bán soda kêu rù rì trong góc, những tấm khăn trải bàn bằng vải vinyl, đống cốc nhựa lem nhem, tên những món ăn dân dã trên quyển thực đơn ép nhựa - Kabob Du mục, Cơm Pilaf đèo Khyber, Gà con đường tơ lụa - tấm áp phích lồng khung cẩu thả hình cô gái Afghanistan trên tạp chí Địa lý Quốc gia, cô gái với đôi mắt ám ảnh - như một quy định rằng mỗi một quán ăn Afghanistan phải có đôi mắt ấy nhìn chằm chằm từ tường. Bên cạnh, Baba treo bức tranh sơn dầu những ngọn tháp lớn ở Herat tôi vẽ hồi lớp bảy. Tôi nhớ cái giá của niềm tự hào và vinh quang mà tôi cảm thấy khi ông lần đầu treo nó lên, là khi tôi nhìn khách hàng ăn kabob thịt cừu bên dưới tác phẩm nghệ thuật của tôi.
Vào giờ ăn trưa, trong khi mẹ và tôi thoăn thoắt chạy tới lui từ làn khói cay nồng trong bếp ra các bàn ăn nơi chúng tôi phục vụ cánh nhân viên văn phòng, công nhân và cảnh sát thành phố, thì Baba bận rộn làm ở quầy thu ngân - Baba và chiếc áo trắng dính mỡ, mớ lông ngực xám thò ra khỏi chiếc cúc trên để mở, cánh tay to bản lông lá. Baba tươi cười, vui vẻ vẫy tay với từng người khách vào quán. Chào ngài! Chào bà! Chào mừng tới Kabob Nhà Abe. Tôi là Abe. Ông bà gọi món gì ạ? Tôi cảm thấy rùng mình vì ông không nhận ra mình nói nghe như tay bạn Trung Đông ngớ ngẩn trong một bộ phim hài dở tệ. Rồi, với mỗi suất ăn tôi phục vụ, lại có thêm màn rung chiếc chuông đồng cũ kỹ của Baba. Nó bắt đầu như kiểu chuyện cười, tôi nghĩ thế, chuyện cái chuông mà Baba treo vào tường đằng sau quầy tính tiền ấy. Giờ thì mỗi bàn được phục vụ đều được chào đón bởi tiếng chuông đồng rổn rảng. Khách quen thì đã quen với chuyện đó - họ hầu như không để tâm nghe nó nữa - còn khách mới hầu như chỉ cho đó là nét hấp dẫn độc đáo của quán, dù thi thoảng họ cũng có phàn nàn.
Con không muốn rung chuông nữa, một tối Baba nói. Đó là vào học kỳ mùa xuân năm cuối trung học của tôi. Chúng tôi đang ngồi trong xe bên ngoài quán, sau khi đóng cửa, đợi mẹ chạy vào lấy mấy viên thuốc dạ dày để quên. Baba đeo vẻ mặt nặng trĩu. Ông đã mang tâm trạng u ám cả ngày. Mưa phùn nhè nhẹ rơi xuống trung tâm thương mại. Đã muộn rồi, bãi đỗ xe trống hoác, chỉ còn vài chiếc xe trước quầy KFC mua mang đi và một chiếc bán tải đỗ bên ngoài tiệm giặt khô, hai gã ngồi trong xe, khói thuốc ngoằn ngoèo bay lên từ cửa kính.
Khi không bị bắt buộc thì vui hơn ạ, tôi đáp.
Cha cho là việc nào chả vậy. Ông thở dài não nề.
Tôi nhớ mình đã từng phấn khích thế nào, hồi nhỏ, khi Baba bế tôi trên tay và để tôi rung chuông. Khi ông đặt tôi xuống, khuôn mặt tôi sáng bừng hạnh phúc và tự hào.
Baba bật hệ thống sưởi trên xe lên, khoanh tay lại.
Đường tới Baltimore xa lắm.
Tôi vui vẻ nói, Cha có thể bay tới thăm con lúc nào cũng được mà.
Bay lúc nào cũng được, ông nhắc lại vẻ giễu cợt. Cha làm kabob để kiếm sống đấy, Pari à.
Thế thì con sẽ về thăm.
Baba đảo mắt về phía tôi và nhìn tôi vẻ thiểu não. Sự rầu rĩ của ông tựa bóng tối ngoài kia đang đè vào cửa kính ô tô.
Ngày nào trong suốt một tháng vừa qua tôi cũng kiểm tra hòm thư, tim tôi tràn trề hy vọng mỗi lần xe bưu chính đỗ lại bên vỉa hè. Tôi mang thư vào trong, nhắm mắt lại, nhủ thầm. Đây có thể là nó. Rồi tôi mở mắt và bói ra toàn hóa đơn với phiếu giảm giá và rút thăm trúng thưởng. Thế rồi vào thứ Ba tuần trước, tôi xé một chiếc phong bì và thấy những từ mình mong đợi bấy lâu nay: Chúng tôi hân hạnh thông báo…
Tôi nhảy cẫng lên. Tôi rú rít - một tiếng hét xé họng thực sự khiến mắt tôi rưng rưng. Gần như ngay tức thì, một hình ảnh lướt qua đầu tôi: đêm khai trương ở phòng tranh, tôi mặc gì đó đơn giản, màu đen, thanh lịch, vây xung quanh là các nhà tài trợ và giới phê bình đăm chiêu, mỉm cười trả lời các câu hỏi, trong khi đám đông người hâm mộ quyến luyến trước những bức toan vẽ của tôi còn những người phục vụ đeo găng tay trắng nhẹ nhàng lướt quanh phòng tranh rót rượu, mời những miếng cá hồi cắt vuông nho nhỏ ăn kèm thì là, hoặc mầm măng tây quấn trong bánh ngàn lớp. Tôi tận hưởng cảm giác lâng lâng vui sướng bất ngờ ấy, cái cảm giác khiến ta muốn nhào tới ôm và nhảy với người lạ nữa kìa.
Mẹ con mới là người làm cha lo đấy, Baba nói.
Tối nào con cũng sẽ gọi điện mà. Con hứa đấy. Cha biết là con sẽ làm mà.
Baba gật đầu. Những chiếc lá của cây phong gần lối vào bãi đỗ xe rơi lả tả trong cơn gió thốc đột ngột.
Con đã nghĩ thêm chưa, ông nói, về những gì chúng ta đã bàn ấy?
Ý cha là, trường đại học cộng đồng ạ?
Chỉ một hoặc hai năm thôi. Cho mẹ con thời gian quen với ý tưởng đó. Rồi con có thể nộp đơn lại mà.
Tôi rùng mình với cơn giận bất ngờ trào lên. Baba, những người này đã xem xét điểm và học bạ của con, họ đã xem hồ sơ và suy nghĩ về tác phẩm nghệ thuật của con, đủ để không chỉ nhận con mà còn cho học bổng nữa. Đó là một trong những học viện nghệ thuật tốt nhất nước. Không phải trường mà ta có thể từ chối đâu. Ta làm gì có cơ hội thứ hai như thế trong đời.
Đúng, ông ngồi thẳng lưng lên. Ông khum tay và hà hơi cho ấm. Tất nhiên là cha hiểu. Tất nhiên là cha mừng cho con. Tôi có thể thấy sự đấu tranh trên khuôn mặt ông. Và cả nỗi sợ hãi nữa. Không chỉ là sợ hãi cho tôi và những gì có thể xảy đến với tôi ở nơi cách nhà gần năm nghìn cây số. Mà là sợ chính tôi, sợ mất tôi. Sợ cái quyền lực tôi nắm giữ, mà thông qua sự vắng mặt của tôi, sẽ khiến ông buồn, sẽ bổ vào trái tim mong manh rộng mở của ông, nếu tôi chọn làm vậy, như hành động mà một con chó Doberman làm với một chú mèo con.
Tôi thấy mình nghĩ đến em gái ông. Khi đó, mối liên kết của tôi với Pari - người từng một thời hiện diện rõ nét trong tôi - đã phai nhạt. Tôi hiếm khi nghĩ về cô nữa. Năm tháng trôi đi, tôi đã lớn lên khỏi cô, như cách tôi lớn lên khỏi bộ đồ ngủ yêu thích và đám thú bông mình từng giữ khư khư. Nhưng giờ tôi lại nghĩ đến cô và sợi dây liên kết chúng tôi. Nếu những gì xảy đến với cô giống như một con sóng vỡ tan xa bờ, thì giờ con sóng ấy lại cuộn trào quanh mắt cá chân tôi, rồi rút xa khỏi chân tôi.
Baba hắng giọng và ngước ra ngoài cửa sổ nhìn bầu trời tối đen và mặt trăng bị mây mờ che phủ, mắt long lanh cảm xúc.
Tất cả mọi thứ đều sẽ khiến cha nhớ đến con.
Chính trong giọng nói run run, nhuốm vẻ sợ hãi ấy, tôi biết rằng cha tôi là một người bị tổn thương, rằng tình yêu ông dành cho tôi cũng thật, bao la và vĩnh hằng như bầu trời kia, và rằng nó cũng luôn đè nặng xuống tôi. Đó là kiểu tình yêu mà sớm hay muộn cũng sẽ dồn ta vào một lựa chọn: thoát ra hay ở lại chịu đựng sự mãnh liệt của nó dẫu cho nó có siết chặt ta thành một thứ nhỏ bé hơn cả bản thân mình.
Tôi vươn tay từ chỗ ghế sau mờ tối, chạm vào mặt ông. Ông tựa má vào lòng bàn tay tôi.
Sao mà lâu thế nhỉ? ông lẩm bẩm.
Mẹ đang khóa cửa rồi kìa, tôi nói. Tôi cảm thấy kiệt sức. Tôi nhìn mẹ vội vã chạy ra xe. Mưa phùn đã biến thành mưa nặng hạt.
Một tháng sau, hai tuần trước chuyến bay của tôi về miền Đông để tham quan trường, mẹ tới chỗ bác sĩ Bashiri để bảo rằng những viên thuốc dạ dày chẳng ích gì với cơn đau bụng của bà. Anh cho bà siêu âm. Họ phát hiện một khối u to bằng quả óc chó ở buồng trứng trái của bà.
“Baba?”
Ông đang ngồi trên ghế bành, bất động, chúi về phía trước. Ông vận quần nỉ, phần chân dưới được phủ khăn len kẻ ô. Ông khoác chiếc áo len màu nâu mà tôi mua cho ông hồi năm ngoái bên ngoài áo sơ mi flannel được cài cúc kín tận cổ. Giờ ông cứ đòi mặc sơ mi theo kiểu này, cổ áo cài kín mít, khiến ông trông vừa trẻ con lại vừa yếu ớt, với vẻ khuất phục trước tuổi già. Hôm nay mặt ông nom hơi phù, những sợi tóc bạc chưa chải rủ xuống lông mày. Ông đang xem Ai là triệu phú? với vẻ ủ rũ xen lẫn bối rối. Khi tôi gọi tên ông, ông vẫn nấn ná nhìn màn hình như thể không nghe thấy tôi rồi mới từ từ rời mắt và ngước lên vẻ không vui. Ông có một cái lẹo nhỏ mọc bên dưới mí mắt trái. Ông cần cạo râu.
“Baba à, con tắt tiếng ti vi một lát nhé?”
“Cha đang xem mà,” ông nói.
“Con biết. Nhưng cha có khách đấy.” Hôm qua và cả sáng nay, tôi đã nói với ông là Pari Wahdati sẽ đến thăm. Nhưng tôi không hỏi là ông có nhớ không. Đó là điều mà tôi đã biết từ trước, đừng làm ông khó xử, vì ông sẽ thấy xấu hổ và xù lông nhím, có khi còn cáu nữa.
Tôi giật lấy điều khiển trên tay ghế và tắt tiếng đi, gồng mình chịu trận. Lần đầu ông nổi xung, tôi đã tin rằng đó chỉ là trò giả vờ, một màn diễn của ông mà thôi. Nhẹ nhõm thay, Baba không cự lại mà chỉ thở dài qua mũi.
Tôi khoát tay với Pari, vẫn chần chừ trên lối vào phòng khách. Chầm chậm, bà đi về phía chúng tôi, tôi liền kéo ghế cho bà ngồi gần chỗ Baba. Trông bà hồi hộp và lo lắng vô cùng. Bà ngồi thẳng đơ, tái nhợt, ngả về trước từ trên mép ghế, đầu gối khép sát, tay đan siết lại, còn nụ cười thì mím chặt đến nỗi môi trắng bệch. Bà đăm đăm nhìn Baba, như thể chỉ còn có vài giây phút bên ông và đang cố nhớ lại khuôn mặt ông.
“Baba, đây là người bạn mà con đã nói với Baba đấy ạ.”
Ông nhìn người phụ nữ tóc bạc đối diện. Dạo này ông hay có kiểu nhìn khiến người khác bất an như thế, ngay cả khi ông nhìn thẳng vào họ, thì cái nhìn đó cũng chẳng để lộ điều gì. Trông ông lơ đễnh, kín bưng, như thể định nhìn đi chỗ khác và chỉ tình cờ lướt ánh mắt qua họ mà thôi.
Pari hắng giọng. Kể cả vậy, giọng bà vẫn run run khi cất tiếng. “Chào anh Abdullah. Em là Pari. Rất mừng được gặp anh.”
Ông chậm rãi gật đầu. Tôi gần như thấy được vẻ hoang mang bối rối lăn tăn trên mặt ông như những làn sóng của một cơn co cơ. Ông rời mắt khỏi khuôn mặt tôi sang khuôn mặt Pari. Ông há miệng cười nhệch vẻ căng cứng, theo cái kiểu ông vẫn làm khi nghĩ rằng có ai đó đang chơi khăm mình.
“Nghe giọng cô không phải người ở đây,” cuối cùng ông cũng lên tiếng.
“Cô ấy sống ở Pháp ạ,” tôi đỡ lời. “Mà Baba ơi, cha phải nói tiếng Anh chứ ạ. Cô ấy không hiểu tiếng Farsi đâu.”
Baba gật đầu. “Vậy là cô sống ở London?” ông hỏi Pari.
“Baba!”
“Gì?” Ông quay ngoắt sang tôi. Rồi ông hiểu ra và khẽ bật cười bối rối trước khi chuyển từ tiếng Farsi sang tiếng Anh. “Cô sống ở London à?”
“Thực ra là Paris,” Pari đáp. “Em sống trong một căn hộ nhỏ ở Paris.” Bà không rời mắt khỏi ông.
“Tôi luôn có dự định đưa vợ tôi tới Paris. Sultana - tên bà ấy đấy, cầu trời cho bà ấy được an nghỉ. Lúc nào cô ấy cũng nói, Abdullah à, đưa tôi tới Paris đi. Khi nào mình đưa tôi tới Paris?”
Kỳ thực, mẹ không thích đi du lịch lắm. Với bà, cớ gì phải từ bỏ sự thoải mái và quen thuộc nơi ngôi nhà mình ở để hành xác trên chuyến bay cùng đống hành lý lỉnh kỉnh. Bà không có khái niệm gì về du lịch ẩm thực - khái niệm đồ ăn nước ngoài với bà là món gà xốt cam ở quán Tàu mua mang đi trên phố Taylor. Không hiểu sao Baba, thi thoảng lại nhớ đến bà với sự chính xác lạ lùng - nhớ đến kiểu như là, bà rắc muối vào đồ ăn bằng lòng bàn tay hay thói quen ngắt lời người khác trên điện thoại trong khi bên ngoài bà chưa bao giờ làm thế - còn những lần khác, ông lại có thể nhầm lẫn kinh khủng. Tôi tưởng tượng mẹ đang phai nhạt khỏi tâm trí ông, khuôn mặt bà nhòa mờ vào bóng tối, ký ức về bà nhạt dần theo từng ngày trôi qua, mất từng chút một như cát rơi khỏi nắm tay. Bà đang dần trở thành một bóng hình mờ ảo, một cái vỏ rỗng, mà ông cảm thấy cần phải lấp đầy bằng những chi tiết hư huyễn và những nét tính cách giả, như thể thà nhớ nhầm còn hơn là không nhớ gì cả.
“Ừm, đó là một thành phố đẹp,” Pari nói.
“Chắc là tôi sẽ vẫn đưa nhà tôi tới đó. Nhưng bà ấy đang bị ung thư. Loại ung thư của phụ nữ - người ta gọi là gì nhỉ? - liên quan đến…”
“Buồng trứng,” tôi đáp.
Pari gật đầu, bà liếc nhanh sang tôi rồi quay trở lại nhìn Baba.
“Điều nhà tôi muốn nhất là leo lên tháp Eiffel đấy. Cô đã nhìn thấy nó chưa?” Baba hỏi.
“Tháp Eiffel?” Pari Wahdati bật cười. “Rồi anh. Ngày nào cũng thấy. Thực ra là không tránh được ấy chứ.”
“Cô đã leo lên chưa? Lên đến tận đỉnh ấy?”
“Rồi ạ. Trên đó đẹp lắm. Nhưng em vốn sợ độ cao, nên không thoải mái lắm. Nhưng ở trên đỉnh, trong một ngày nắng đẹp, ta có thể trông xa tới hơn sáu mươi cây số. Tất nhiên là ở Paris không phải ngày nào cũng nắng đẹp đâu.”
Baba ậm ừ. Pari, được khích lệ, tiếp tục nói về ngọn tháp, nó được xây trong bao nhiêu năm, rằng vốn không hề có kế hoạch để nó ở lại Paris sau Hội chợ Thế giới năm 1889, nhưng bà không đọc được ánh mắt Baba như tôi. Nét mặt ông trở nên thờ ơ. Bà không nhận ra đã để mất ông, rằng tâm trí ông đã trôi dạt như những chiếc lá bị gió cuốn bay. Pari nhích lại gần hơn trên ghế. “Anh có biết không, Abdullah,” bà nói, “rằng cứ bảy năm một lần, người ta phải sơn lại tháp?”
“Cô nói tên cô là gì ấy nhỉ?” Baba hỏi.
“Pari.”
“Đó là tên con gái tôi.”
“Vâng, em biết.”
“Cô có cùng tên,” Baba nói. “Hai người cùng tên. Vậy đấy.” Ông húng hắng ho, lơ đãng giật một sợi xơ nhỏ trên tay ghế da.
“Abdullah à, em hỏi anh một câu được không?”
Baba nhún vai.
Pari ngước lên nhìn tôi như thể xin phép. Tôi gật đầu ý bảo bà cứ tiếp đi. Bà ngả về phía trước trên ghế. “Tại sao anh lại quyết định chọn cái tên này cho con gái anh?”
Baba hướng mắt ra ngoài cửa sổ, móng tay vẫn cào sợi xơ trên tay ghế.
“Anh có nhớ không, Abdullah? Tại sao lại là cái tên này?”
Ông lắc đầu. Ông nắm một tay lại, túm chặt hai vạt áo khoác len phía trước cổ. Môi ông hầu như không mấp máy khi khẽ ngâm nga, một giai điệu thì thầm mà ông luôn viện đến khi bất ngờ bị nỗi lo lắng bủa vây và không biết phải trả lời sao, khi mọi thứ nhòa dần thành mơ hồ và ông bối rối bởi dòng suy nghĩ rời rạc, tuyệt vọng chờ đợi màn sương mờ tan đi.
“Abdullah? Đó là gì vậy?” Pari hỏi.
“Không gì cả,” ông lầm bầm.
“Không, bài mà anh đang hát ấy - là gì vậy?”
Ông quay sang tôi, bất lực. Ông không biết.
“Nghe như một khúc ru ấy,” tôi nói. “Baba nhớ không? Cha có nói là hồi bé học được. Cha nói mình học được từ bà nội mà.”
“Ừ.”
“Anh hát cho em nghe được không?” Pari nói gấp gáp, giọng nghẹn lại. “Xin anh, Abdullah, hát cho em nghe đi?”
Ông cúi xuống rồi chậm chạp lắc đầu.
“Đi mà, Baba,” tôi nhẹ nhàng nói. Tôi đặt tay lên bờ vai xương xẩu của ông. “Không sao đâu mà.”
Ngập ngừng, rồi bằng giọng cao run run mà không ngẩng lên, Baba hát đi hát lại hai câu vài lần liền.
Tôi thấy một nàng tiên nhỏ buồn bã.
Dưới bóng cây giấy.
“Cha từng nói còn có đoạn hai nữa,” tôi nói với Pari, “nhưng ông ấy quên rồi.”
Pari Wahdati bỗng bật cười mà nghe như tiếng khóc nghẹn nơi cuống họng, bà bèn che miệng lại. “Ôi, mon Dieu*,” bà thì thầm. Bà bỏ tay ra. Rồi bà hát, bằng tiếng Farsi.
Trời ơi! (tiếng Pháp).
Tôi biết một nàng tiên nhỏ buồn bã.
Một đêm bị gió cuốn bay.
Trán Baba nhăn lại. Trong giây khắc ngắn ngủi, tôi nghĩ mình đã nhìn thấy một tia sáng nhỏ lóe lên trong mắt ông. Nhưng rồi nó nhanh chóng tắt ngấm, và khuôn mặt ông điềm thản trở lại. Ông lắc đầu. “Không. Không, hình như không phải đâu.”
“Ôi, Abdullah…” Pari thốt lên.
Mỉm cười, mắt rưng rưng, Pari cầm hai tay Baba nắm chặt. Bà thơm lên mu bàn tay ông rồi áp lòng bàn tay vào má mình. Baba cười theo, mắt cũng ngấn lệ. Pari ngước nhìn tôi, kìm lại những giọt nước mắt hạnh phúc, có lẽ bà nghĩ mình đã phá được băng, rằng bà đã tìm lại được người anh trai thất lạc nhờ khúc ca kỳ diệu như một vị thần trong truyện cổ tích. Bà nghĩ giờ ông đã nhìn rõ bà. Rồi chốc lát nữa bà sẽ hiểu, rằng ông chỉ đơn thuần phản ứng mà thôi, đáp lại cái nắm tay ấm áp và cử chỉ yêu thương của bà. Đó chỉ là bản năng động vật, không hơn. Điều này tôi hiểu, rõ ràng đến đau đớn.
Mấy tháng trước khi bác sĩ Bashiri cho tôi số điện thoại của dịch vụ chăm sóc cuối đời, mẹ con tôi đến núi Santa Cruz và nghỉ lại một khách sạn vào cuối tuần. Mẹ không thích những chuyến đi dài, nhưng thi thoảng chúng tôi cũng làm những chuyến ngắn, mẹ và tôi, trước khi bà đổ bệnh. Baba ở nhà trông quán, còn tôi lái xe đưa mẹ tới vịnh Bodega, hay Sausalito, hay San Francisco, nơi chúng tôi thường lưu lại một khách sạn gần quảng trường Union. Chúng tôi nằm nghỉ và gọi dịch vụ phòng, xem những bộ phim theo yêu cầu. Lát sau, chúng tôi xuống khu bến cảng - mẹ là người rất dễ sa vào mấy cái bẫy du khách - và mua kem gelato, ngắm lũ sư tử biển nhào lên ngụp xuống nơi cầu tàu. Chúng tôi thả tiền xu vào hộp đàn để mở của những người đánh ghita dạo và ba lô của các nghệ sĩ kịch câm, những người rô bốt mình phun đầy sơn. Chúng tôi luôn ghé thăm Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, và tay khoác tay, tôi chỉ cho bà xem các tác phẩm của Rivera, Kahlo, Matisse, Pollock. Hoặc chúng tôi đi xem phim chiều, việc mà mẹ rất thích, xem hai, ba bộ phim, trở ra khi trời tối, mắt nhòe đi, tai ong ong, tay thơm mùi bỏng ngô.
Mọi chuyện dễ dàng hơn với mẹ - luôn luôn là như vậy - đỡ phức tạp hơn, an tâm hơn. Tôi không phải quá thận trọng. Tôi không phải lúc nào cũng dè chừng lời mình nói vì sợ làm người khác tổn thương. Ở riêng với bà vào những ngày nghỉ cuối tuần giống như cuộn tròn trên một đám mây mềm, trong vài ngày, mọi thứ từng làm tôi phiền lòng đều tan biến, nhẹ tênh, xa hàng nghìn cây số bên dưới.
Khi ấy chúng tôi đang ăn mừng một đợt hóa trị nữa kết thúc, mà hóa ra lại là lần cuối cùng. Khách sạn khá đẹp và cách biệt. Ở đây có spa, phòng tập, phòng chơi game với màn hình ti vi cỡ lớn, và bàn bi-a. Phòng của chúng tôi là một căn nhà nhỏ tách biệt với hiên gỗ, mà từ đó chúng tôi có thể trông ra bể bơi, nhà hàng, toàn bộ hàng cây gỗ đỏ chĩa thẳng lên mây. Có những cây ở rất gần, đến nỗi ta có thể thấy những tông màu mờ mờ trên lông một con sóc khi nó leo vút lên thân cây. Sáng đầu tiên ở đây, mẹ đánh thức tôi dậy, bảo, Nhanh lên, Pari, con phải xem cái này. Có một con nai đang gặm nhấm bụi cây bên ngoài cửa sổ.
Tôi đẩy xe lăn chở mẹ vòng quanh vườn. Mẹ đúng là phiền nhiễu, mẹ nói. Tôi để bà lại bên đài phun nước, còn mình ngồi trên băng ghế gần đó, để nắng sưởi ấm khuôn mặt chúng tôi, và ngắm lũ chim ruồi chuyền thoăn thoắt giữa những khóm hoa cho đến khi bà thiếp ngủ, và tôi đẩy xe lăn đưa bà về phòng.
Vào chiều Chủ nhật, chúng tôi uống trà và ăn bánh sừng bò trên ban công bên ngoài nhà hàng, vốn có trần rộng theo kiểu nhà thờ, với nhiều giá sách, một chiếc bùa ngủ ngon treo trên tường, và sàn lò sưởi bằng đá thật. Ở khoảng hiên bên dưới, một người đàn ông có khuôn mặt của một thầy tu Hồi giáo và một cô gái tóc vàng mềm rũ đang uể oải chơi bóng bàn.
Chúng ta phải làm gì đó với đám lông mày này thôi, mẹ nói. Bà đang mặc một chiếc áo khoác mùa đông bên ngoài áo len và đội chiếc mũ len màu đỏ trầm mà bà đã tự đan cách đây một năm rưỡi khi, như bà nói, mùa lễ hội bắt đầu.
Con sẽ vẽ lại cho mẹ, tôi nói.
Vẽ cho ấn tượng vào đấy.
Elizabeth Taylor trong phim Cleopatra thì có ấn tượng không ạ?
Bà cười yếu ớt. Sao lại không? Bà nhấp một ngụm trà nhỏ. Nụ cười làm hiện rõ tất cả những nếp nhăn mới trên khuôn mặt bà. Khi mẹ gặp Abdullah, mẹ đang bán quần áo bên vệ đường ở Peshawar. Ông ấy nói lông mày của mẹ thật đẹp.
Cặp đôi bóng bàn đã buông vợt xuống. Họ đang dựa vào lan can gỗ, hút chung điếu thuốc, ngước nhìn bầu trời trong veo sáng rõ, vẩn vài gợn mây. Cô gái có đôi tay dài xương xẩu.
Con đọc báo thấy bảo rằng hôm nay có một hội chợ thủ công mỹ nghệ ở Capitola, tôi nói. Nếu mẹ thích, con sẽ đưa mẹ tới đó xem. Chúng ta còn có thể ăn tối ở đó nữa, tùy mẹ.
Pari này?
Dạ.
Mẹ muốn nói với con một chuyện.
Vâng.
Abdullah có một người em trai ở Pakistan, mẹ nói. Cùng cha khác mẹ.
Tôi quay ngoắt sang bà.
Tên cậu ta là Iqbal. Cậu ta có mấy đứa con trai. Giờ sống ở một trại tị nạn gần Peshawar.
Tôi đặt tách xuống, dợm nói, nhưng mẹ đã cắt ngang.
Mẹ đang nói với con đây, phải không? Đó mới là vấn đề. Cha con có lý do. Mẹ chắc là con sẽ tìm ra thôi, hãy kiên nhẫn. Điều quan trọng là, ông ấy có một người em trai cùng cha khác mẹ và từ trước tới nay vẫn gửi tiền giúp đỡ cậu ta.
Bà kể cho tôi nghe, hàng năm nay, Baba đã gửi tiền cho Iqbal như thế nào - ông chú chung nửa dòng máu của tôi, tôi nghĩ mà lòng nhộn nhạo - cứ ba tháng một lần, một nghìn đô la lại được đưa đến dịch vụ Western Union, dùng điện tín chuyển tiền tới một ngân hàng ở Peshawar.
Tại sao giờ mẹ lại nói với con? tôi hỏi.
Vì mẹ nghĩ con nên biết dù cả khi cha con không muốn. Với cả, sắp tới con cũng phải làm tay hòm chìa khóa, rồi đằng nào cũng biết thôi.
Tôi quay đi, nhìn con mèo với cái đuôi dựng đứng, rón rén tới bên cặp đôi bóng bàn. Cô gái đưa tay nựng nó khiến nó giật mình cảnh giác. Thế nhưng sau đó nó đã lại cuộn tròn trên lan can, để yên cho cô vuốt ve tai, rồi xuống lưng. Tâm trí tôi quay cuồng. Tôi có người thân bên ngoài biên giới nước Mỹ.
Mẹ còn phải làm tay hòm chìa khóa lâu lắm nữa, mẹ à, tôi nói. Tôi cố hết sức che giấu cơn run rẩy trong giọng nói.
Khoảng lặng nặng nề. Khi mẹ cất tiếng trở lại, bà nói nhỏ hơn, chậm hơn, như khi tôi còn nhỏ, có lần mẹ đưa tôi đến nhà thờ Hồi giáo dự đám tang, bà khom người xuống trước mặt tôi và kiên nhẫn giải thích rằng tôi phải bỏ giày ra ở lối vào, phải giữ yên lặng trong lúc cầu nguyện và không được ngọ nguậy lung tung, không được kêu ca, và rằng tôi nên đi vệ sinh ngay để lát nữa khỏi phải lục tục ra ngoài.
Không đâu, bà nói. Mà con cũng đừng nghĩ thế. Đã đến lúc rồi, con phải sẵn sàng thôi.
Tôi thở hắt ra; cảm giác nặng nề đè trong cổ họng tôi. Đâu đó, tiếng máy cưa nổi lên, tiếng gầm rít tăng dần tương phản dữ dội với sự yên tĩnh của rừng cây.
Cha con giống như một đứa trẻ vậy. Sợ bị bỏ rơi. Ông ấy sẽ lạc lối nếu không có con, Pari à, và không bao giờ tìm được đường quay lại nữa.
Tôi ép mình nhìn lên hàng cây, nhìn nắng rọi trên đám lá nhẹ như lông vũ, nhìn lớp vỏ xù xì trên thân cây. Tôi đưa lưỡi ra phía dưới răng cửa rồi cắn thật mạnh. Nước mắt tôi ứa ra, vị máu tanh xộc lên trong miệng.
Một người em trai, tôi nói.
Phải.
Con có nhiều câu hỏi lắm.
Tối nay hỏi mẹ đi. Khi mẹ hết mệt. Mẹ sẽ nói cho con mọi thứ mẹ biết.
Tôi gật đầu. Tôi uống cạn chỗ trà còn lại, giờ đã nguội ngắt. Ở bàn bên, một cặp đôi trung tuổi lật giở trang báo. Người phụ nữ, tóc đỏ và có khuôn mặt cởi mở, âm thầm quan sát chúng tôi qua mép tờ báo, mắt nhìn qua lại giữa tôi và người mẹ mặt tái xám của tôi, chiếc mũ của bà, hai bàn tay lốm đốm vết thâm tím, đôi mắt trũng sâu và nụ cười héo hon. Khi tôi chạm mắt bà, bà cười nhẹ như thể có một bí mật giữa chúng tôi, và tôi biết bà cũng đã trải qua việc này rồi.
Thế mẹ tính sao? Hội chợ ấy, mẹ có định đi không?
Ánh mắt mẹ vương vấn nhìn tôi. Mắt mẹ nom quá to so với đầu còn đầu lại quá to so với vai.
Mẹ có thể dùng một cái mũ mới, bà nói.
Tôi bỏ khăn ăn ra, rời ghế, vòng sang bên kia bàn. Tôi mở phanh xe lăn rồi đẩy xe đi.
Pari à? mẹ gọi.
Dạ?
Bà quay hẳn đầu ra sau nhìn tôi. Nắng rọi qua tán lá lấm tấm trên mặt bà. Con có biết Thượng đế đã tạo ra con mạnh mẽ nhường nào không? bà hỏi. Rằng Người đã tạo ra con mạnh mẽ và tử tế nhường nào không?
Trí óc ta vận hành theo những cách thức rất khó nắm bắt. Ví dụ như khoảnh khắc này. Trong số hàng nghìn khoảnh khắc mẹ con tôi chia sẻ cùng nhau suốt bấy nhiêu năm, đây là khoảnh khắc sáng rõ nhất, rung động nhất nơi đáy tâm trí tôi: mẹ ngước nhìn tôi qua vai, khuôn mặt nhìn ngược, tất thảy những tia nắng lấp lánh trên da bà, hỏi tôi rằng tôi có biết Thượng đế trời đã tạo ra tôi tử tế và mạnh mẽ nhường nào không.
Sau khi Baba ngủ thiếp đi trên ghế, Pari nhẹ nhàng kéo khóa áo khoác len của ông và phủ khăn lên chân ông. Bà gài một sợi tóc rũ ra sau tai ông rồi đứng lên nhìn ông ngủ một lúc. Tôi cũng thích nhìn ông ngủ bởi vì khi đó ta nào biết có chuyện gì không ổn. Với đôi mắt nhắm nghiền, không còn sự trống rỗng và ánh mắt đờ đẫn, lơ đãng nữa, trông Baba quen thuộc hơn. Khi ngủ, trông ông lại có vẻ minh mẫn và thật hơn, như thể con người cũ trong ông đang khẽ khàng trở về. Tôi tự hỏi liệu Pari có thể hình dung ra, khi nhìn khuôn mặt ông tựa trên gối, ông đã từng như thế nào, ông từng cười ra sao.
Chúng tôi rời phòng khách vào bếp. Tôi lấy một cái bình trong tủ bếp rồi ra bồn hứng nước.
“Cô muốn cho con xem vài thứ,” Pari nói, giọng háo hức. Bà đang ngồi bên bàn, bận rộn lật giở cuốn album lấy từ trong va li trước đó.
“Con e là cà phê không đạt chuẩn Paris đâu ạ,” tôi nói qua vai, đổ nước từ bình vào máy pha cà phê.
“Cô cam đoan với con là cô không phải người kén chọn cà phê đâu.” Bà cởi chiếc khăn vàng ra và đeo kính đọc sách vào để xem ảnh.
Khi máy pha cà phê bắt đầu kêu ùng ục, tôi ngồi xuống bên bàn bếp cạnh Pari. “Ah oui. Voilà. Đây rồi.” bà nói. Bà xoay quyển album và đẩy về phía tôi. Bà gõ vào bức ảnh. “Nơi đó đây này. Nơi cha con và cô sinh ra. Cả chú Iqbal nữa.”
Khi bà lần đầu gọi cho tôi từ Paris, bà có nhắc đến cái tên Iqbal - như một bằng chứng, có lẽ vậy, để khiến tôi tin rằng bà không nói dối về việc bà là ai. Nhưng tôi đã biết là bà nói thật. Tôi đã biết từ khoảnh khắc tôi nhấc ống nghe lên và bà nói tên cha tôi rồi hỏi liệu có phải người nhà ông đang bắt máy không. Khi tôi đáp, Vâng, ai đấy ạ? bà nói, Tôi là em gái ông ấy. Tim tôi đập loạn. Tôi quờ tay tìm ghế để ngồi xuống, mọi thứ quanh tôi bỗng tĩnh lặng như tờ. Đó là một cú sốc, phải, theo kiểu một vở kịch ba màn hiếm khi xảy ra với người ta trong đời thực. Nhưng ở một mức độ khác - mức độ thách thức sự hợp lý, một mức độ mong manh hơn, có thể nứt vỡ nếu tôi dám gọi tên nó - tôi không ngạc nhiên về cú điện thoại của bà. Như thể tôi đã mong chờ nó, thậm chí suốt cả cuộc đời này, rằng với một sự sắp đặt rối tinh nào đó, hay hoàn cảnh, hay sự tình cờ, hay số phận, hay bất cứ cái tên nào mà ta muốn đặt cho nó, chúng tôi sẽ tìm thấy nhau, bà và tôi.
Tôi mang điện thoại ra sân sau rồi ngồi xuống chiếc ghế bên luống rau, nơi tôi tiếp tục chăm ớt chuông và đám bí đỏ khổng lồ mà mẹ tôi đã trồng. Nắng sưởi ấm cổ tôi khi tôi châm một điếu thuốc với bàn tay run run.
Con biết cô là ai, tôi nói. Con đã biết cả đời này rồi.
Đầu dây bên kia im lặng, nhưng tôi có cảm giác bà đang thầm khóc, rằng bà đã quay đầu khỏi điện thoại để làm thế.
Chúng tôi nói chuyện trong gần một tiếng đồng hồ. Tôi nói mình biết những gì xảy ra với bà, rằng tôi thường bắt cha tôi kể đi kể lại câu chuyện đó trước giờ đi ngủ. Pari bảo bà còn không biết câu chuyện của chính mình và có lẽ sẽ chết mà không hề biết như vậy nếu không có lá thư mà người bác dượng, Nabi, để lại trước khi qua đời ở Kabul, trong đó kể lại chi tiết chuyện xảy ra trong thời thơ ấu của bà giữa muôn vàn chuyện khác. Lá thư được một người tên là Markos Varvaris giữ, một bác sĩ phẫu thuật làm việc ở Kabul, người đã tìm kiếm và tìm thấy Pari ở Pháp. Trong suốt mùa hè qua, bà đã bay tới Kabul, gặp Markos Varvaris, ông đã thu xếp cho bà về thăm Shadbagh một chuyến.
Gần cuối cuộc trò chuyện, tôi cảm thấy bà đã thu hết can đảm trước khi nói, Ừm, cô nghĩ mình sẵn sàng rồi. Giờ cô có thể nói chuyện với ông ấy không?
Đó là lúc tôi phải cho bà biết sự thật.
Tôi kéo quyển album lại gần hơn và xem kỹ bức ảnh mà Pari chỉ. Tôi thấy một dinh thự nằm sau những bức tường trắng bóng rào dây thép gai. Hay, nói đúng hơn, là ý tưởng lệch lạc thê thảm về một dinh thự, cao ba tầng, đủ sắc hồng, xanh lá, vàng, trắng, với những lan can, tháp canh, mái nhọn và kính gương cao chọc trời. Một đài tưởng niệm sự hào nhoáng đã điêu tàn.
“Trời ơi!” tôi thốt lên.
“C’est affreux, non?*” Pari hỏi. “Kinh khủng thật. Người Afghanistan, họ gọi đó là Lâu đài Ma túy. Đây là nhà của một tội phạm chiến tranh nổi tiếng hồi đó.”
Trông kinh quá nhỉ? (tiếng Pháp).
“Vậy đây là tất cả những gì còn lại của Shadbagh ạ?”
“Của ngôi làng cũ, phải. Cái này, và nhiều mẫu đất trồng cây ăn quả nữa - người ta gọi là gì nhỉ - des vergers* ấy.”
Vườn quả (tiếng Pháp).
“Vườn quả ạ.”
“Phải rồi.” Bà di ngón tay trên bức ảnh tòa dinh thự. “Giá mà cô biết ngôi nhà cũ của bọn cô ở chính xác chỗ nào, ý cô là từ Lâu đài Ma túy mà suy ra ấy. Cô sẽ vui lắm nếu biết đúng chỗ đó.”
Bà kể cho tôi nghe về Shadbagh mới - một thị trấn thực thụ, với trường học, phòng khám, khu mua sắm, cả một khách sạn nho nhỏ nữa - được xây cách ngôi làng cũ hơn ba cây số. Ở thị trấn này bà và người phiên dịch đã tìm kiếm người em trai chung nửa dòng máu. Tôi đã biết tất cả chuyện này qua cuộc nói chuyện dài đầu tiên trên điện thoại với Pari, rằng không ai ở đó tỏ ra biết Iqbal cho đến khi Pari tình cờ gặp một ông già, một người bạn thuở nhỏ của Iqbal, người đã phát hiện ra chú và người nhà ở giữa đồng không mông quạnh gần cối xay gió cũ. Iqbal đã kể với người bạn cũ rằng hồi ở Pakistan, chú đã được người anh sống ở Bắc California gửi tiền. Cô hỏi, Pari nói trên điện thoại, cô hỏi, Iqbal có nói cho ông biết tên người anh đó không? và ông già đáp, Có, Abdullah. Và rồi, alors, sau đó, phần còn lại không đến nỗi quá khó. Tìm con và cha con, ý cô là thế.
Cô hỏi bạn của Iqbal có biết Iqbal ở đâu không, Pari nói. Cô hỏi chuyện gì đã xảy ra với cậu ta, nhưng ông già bảo không biết. Nhưng ông ta có vẻ rất lo lắng, và ông ta không nhìn cô khi nói điều đó. Cô nghĩ, Pari ạ, cô lo là đã có chuyện xấu xảy ra với Iqbal rồi.
Bà lật thêm vài trang nữa rồi cho tôi xem ảnh các con bà - Alain, Isabelle và Thierry - và những bức ảnh đời thường của các cháu bà - ở tiệc sinh nhật, tạo dáng trong chiếc quần bơi bên thành bể bơi. Căn hộ của bà ở Paris, những bức tường màu xanh nhạt và rèm cửa màu trắng được kéo xuống tận bậu cửa sổ, những giá sách. Văn phòng bừa bộn của bà ở trường đại học, nơi bà dạy Toán trước khi bệnh thấp khớp buộc bà phải nghỉ hưu.
Tôi tiếp tục lật giở những trang album trong khi bà giải thích vắn tắt cho từng bức ảnh - bà bạn cũ Collette, chồng của Isabelle, Albert, chồng của Pari, Eric, từng là nhà biên kịch và đã qua đời vì đau tim năm 1997. Tôi dừng lại ở bức ảnh chụp hai người, trẻ đến không ngờ, ngồi bên nhau trên tấm đệm màu cam ở một nhà hàng, bà mặc áo sơ mi trắng, ông vận áo phồng, với mái tóc mỏng dài buộc đuôi ngựa.
“Đó là đêm bọn cô gặp nhau,” Pari nói. “Sắp xếp cả đấy.”
“Chú có khuôn mặt dễ mến quá.”
Pari gật đầu. “Ừ. Khi bọn cô kết hôn, cô đã nghĩ, ôi chúng ta sẽ có một thời gian dài bên nhau. Cô tự nhủ, ít nhất là ba mươi năm, có lẽ bốn mươi. Năm mươi, nếu chúng ta may mắn. Tại sao không chứ?” Bà chăm chú nhìn bức ảnh, thẫn thờ trong khoảnh khắc, rồi cười nhẹ. “Nhưng thời gian, nó giống như bùa phép vậy. Ta không bao giờ có được nhiều như ta nghĩ.” Bà đẩy quyển album đi rồi nhấp cà phê. “Còn con? Con chưa từng kết hôn phải không?”
Tôi nhún vai rồi lật một trang khác. “Có một lần suýt soát ạ.”
“Cô xin lỗi, ‘suýt soát’ á?”
“Ý con là suýt thành. Nhưng bọn con không thể nào đi đến giai đoạn trao nhẫn được.”
Điều này không đúng. Đó là một câu chuyện đau đớn và rắc rối. Ngay cả bây giờ, ký ức về nó vẫn là một cơn đau ngâm ngẩm sau xương ức tôi.
Bà cúi đầu xuống. “Cô xin lỗi. Cô thô lỗ quá.”
“Không, không sao đâu ạ. Anh ấy tìm được một người vừa đẹp hơn vừa ít… gánh nặng hơn, chắc vậy. Nói đến đẹp thì, ai đây ạ?”
Tôi chỉ vào một người phụ nữ đẹp nổi bật với mái tóc đen dài và đôi mắt to. Trong ảnh, bà đang cầm điếu thuốc lá vẻ chán nản - khuỷu tay chống vào bên hông, đầu nghiêng nghiêng trễ nải - nhưng ánh nhìn thì xuyên thấu, đầy thách thức.
“Đây là Maman. Mẹ cô, Nila Wahdati. Hoặc là, cô nghĩ bà ấy là mẹ cô. Con hiểu chứ?”
“Bà ấy đẹp thật,” tôi thốt lên.
“Ừ. Bà ấy đã tự tử. Năm 1974.”
“Con rất tiếc.”
“Non, non. Không sao đâu.” Bà lướt mé ngón tay cái trên bức ảnh vẻ lơ đãng. “Maman là người thanh lịch và tài năng. Bà đọc nhiều sách và có những quan điểm rất mạnh mẽ, và bà luôn chia sẻ chúng với mọi người. Nhưng bà cũng có những nỗi buồn sâu sắc lắm. Trong suốt cuộc đời cô, bà ấy đã đưa cho cô một cái xẻng và nói, Hãy lấp đầy những cái lỗ bên trong mẹ đi, Pari.”
Tôi gật đầu. Tôi nghĩ mình có thể hiểu phần nào.
“Nhưng cô không thể. Và sau đó, cô còn không muốn làm thế nữa. Cô đã làm những việc vô tâm. Không màng tới hậu quả.” Bà ngả ra ghế, vai thõng xuống, đôi tay gầy trắng xanh đặt trong lòng. Bà cân nhắc một lát rồi mới nói, “J’aurais dû être plus gentille - lẽ ra cô nên để cư xử có tâm hơn. Đó là việc mà người ta sẽ không bao giờ hối hận. Ta sẽ không bao giờ nói với mình khi về già, Ôi chao, giá ta không đối tốt với người đó. Ta sẽ không bao giờ nghĩ vậy.” Trong khoảnh khắc, khuôn mặt bà tối lại. Nom bà như một nữ sinh bất lực. “Đáng lẽ ra mọi việc không khó khăn đến thế,” bà mệt mỏi nói. “Lẽ ra cô nên cư xử có tâm hơn. Lẽ ra cô nên giống con hơn.”
Bà buông một tiếng thở dài não nề và gập quyển album lại. Ngưng một lát, bà vui vẻ cất tiếng trở lại. “Ah, bon. Giờ cô muốn hỏi con vài điều đây.”
“Tất nhiên rồi cô.”
“Con cho cô xem tranh của con được không?”
Chúng tôi nhìn nhau mỉm cười.
Pari ở lại với Baba và tôi một tháng. Buổi sáng, chúng tôi ăn sáng cùng nhau trong bếp. Cà phê đen và bánh mì cho Pari, sữa chua cho tôi, còn trứng rán với bánh mì cho Baba, món mà ông bắt đầu mê từ năm ngoái. Tôi lo ông sẽ bị tăng cholesterol, việc ăn trứng ấy, và đã hỏi bác sĩ Bashiri trong một buổi khám của Baba. Bác sĩ Bashiri mím môi cười, bảo, Ôi, không phải lo đâu. Và điều đó đã trấn an tôi - ít nhất cho đến một lát sau đó khi tôi giúp Baba cài dây an toàn và tôi chợt nghĩ, có lẽ điều bác sĩ Bashiri muốn nói là, Chúng ta đã vượt qua hết rồi.
Sau bữa sáng, tôi lui về phòng làm việc - còn được biết đến với tên gọi là phòng ngủ của tôi - còn Pari trông Baba trong lúc tôi bận. Theo yêu cầu của bà, tôi liệt kê lịch các chương trình ti vi yêu thích của ông, giờ nào cho ông uống thuốc buổi trưa, món quà vặt nào ông thích và khi nào ông có thể đòi ăn. Chính vì ý bà mà tôi đã viết hết ra.
Cô cứ vào hỏi con là được mà, tôi nói.
Cô không muốn làm phiền con, bà đáp. Với cả cô muốn biết mà. Cô muốn biết về ông ấy.
Tôi không nói là bà sẽ không bao giờ biết ông theo cách mà bà trông chờ. Tuy nhiên, tôi vẫn chia sẻ với bà vài mẹo vặt. Chẳng hạn như, nếu Baba nổi cáu, tôi thường, dù không phải lúc nào cũng hiệu quả, xoa dịu ông - vì một số lý do mà tới giờ tôi vẫn không hiểu - bằng cách nhanh tay đưa cho ông một cuốn ca ta lô mua sắm tại nhà hay tờ rơi quảng cáo đồ nội thất được phát miễn phí. Tôi giữ hàng đống cả hai loại.
Nếu cô muốn ông ấy chợp mắt, cứ chuyển sang kênh thời tiết hay bất cứ cái gì dính dáng đến golf. Đừng bao giờ để ông ấy xem các chương trình nấu ăn.
Sao không?
Không hiểu sao chúng làm ông ấy cáu.
Sau bữa trưa, ba chúng tôi ra ngoài đi dạo. Chúng tôi đi ngắn thôi vì cả hai - Baba thì chóng mệt còn Pari thì bị khớp. Mắt Baba lộ vẻ thận trọng, bước chân không vững, lo lắng men trên vỉa hè giữa Pari và tôi, đội chiếc mũ cũ kiểu mấy chú bé bán báo, khoác áo len, và đi giày mô ca lót lông. Có một trường trung học gần khu nhà với một sân bóng đá không được cắt tỉa tử tế và, ở bên kia là một sân chơi nhỏ mà tôi thường đưa Baba đến. Lúc nào chúng tôi cũng bắt gặp một hai người mẹ trẻ, những chiếc xe đẩy đỗ gần đó, một đứa nhóc chập chững quanh hộp cát, thi thoảng có một cặp đôi tuổi ô mai trốn học, ngồi đung đưa vẻ lười nhác và hút thuốc. Chúng chẳng mấy khi để mắt tới Baba - đám thiếu niên ấy - nếu có thì cũng chỉ với sự thờ ơ lạnh nhạt, hoặc thậm chí nhuốm vẻ khinh khỉnh, như thể cha tôi lẽ ra không nên để tuổi già và sự tàn tạ xảy đến với mình.
Một hôm, khi tôi tạm ngơi tay khỏi công việc và vào bếp để hãm lại cà phê thì thấy hai người bọn họ đang xem phim cùng nhau. Baba ngồi trên ghế, đôi giày mô ca thò ra bên dưới chiếc khăn, đầu chúi về trước, miệng hơi há ra, lông mày nhíu lại vẻ tập trung hoặc bối rối. Pari ngồi cạnh ông, tay đan lại trong lòng, chân bắt tréo nơi mắt cá.
“Người này là ai?” Baba hỏi.
“Latika đấy.”
“Ai cơ?”
“Latika, cô bé ở khu ổ chuột. Cái cô không nhảy lên tàu được ấy.”
“Trông chẳng bé gì cả.”
“Vâng, nhưng nhiều năm trôi qua rồi mà,” Pari nói. “Giờ cô ấy lớn rồi, anh thấy đấy.”
Có một hôm vào tuần trước, ở sân chơi, chúng tôi đang ngồi trên ghế băng công viên, cả ba chúng tôi, thì Pari nói, Abdullah à, anh có nhớ hồi nhỏ mình có một cô em gái không?
Bà vừa dứt lời thì Baba đã kịp nức nở. Pari áp đầu ông vào ngực, luôn miệng nói, Em xin lỗi, em xin lỗi, vẻ sợ hãi, vừa nói vừa lấy tay lau má cho ông, nhưng Baba cứ khóc không nguôi, dữ dội đến nỗi ông bắt đầu ngạt thở.
“Thế anh có biết đây là ai không, Abdullah?”
Baba làu bàu.
“Jamal đấy. Chàng trai trên chương trình trò chơi ấy.”
“Không phải,” Baba nói cộc lốc.
“Anh không nghĩ vậy à?”
“Cậu ta phục vụ trà cơ mà!”
“Vâng, nhưng đó là - người ta gọi là gì nhỉ - chuyện quá khứ rồi. Từ trước ấy. Đó là…”
Hồi tưởng, tôi thì thầm vào tách cà phê.
“Chương trình trò chơi là bây giờ, Abdullah ạ. Còn chuyện cậu ta phục vụ trà, là từ trước đó rồi.”
Baba chớp mắt thờ ơ. Trên màn hình, Jamal và Salim đang ngồi trên nóc một tòa nhà cao tầng ở Mumbai, chân đu đưa.
Pari nhìn ông như chờ đợi giây khắc có gì đó sáng lên trong mắt ông. “Để em hỏi anh câu này nhé, Abdullah,” bà nói. “Nếu một ngày anh giành được một triệu đô, anh sẽ làm gì?”
Baba nhăn mặt, nhúc nhắc trên ghế, rồi duỗi người ra thêm.
“Em biết mình sẽ làm gì đấy,” Pari nói.
Baba nhìn bà với ánh mắt trống rỗng.
“Nếu em giành được một triệu đô, em sẽ mua nhà trên con phố này. Bằng cách đó, chúng ta có thể là hàng xóm của nhau, anh và em, hằng ngày em sẽ đến đây và chúng ta cùng xem ti vi.”
Baba cười toét miệng.
Nhưng chỉ vài phút sau, khi tôi trở về phòng, đeo tai nghe và đánh máy, thì nghe thấy một tiếng vỡ lớn và Baba hét gì đó bằng tiếng Farsi. Tôi giật tai nghe ra rồi lao vào bếp. Tôi thấy Pari lùi vào tường nơi để lò vi sóng, tay nắm lại tự vệ dưới cằm, còn Baba, mắt vằn lên, dùng cây gậy chống thọc mạnh vào vai bà. Những mảnh vỡ của chiếc cốc uống nước lấp lánh dưới chân họ.
“Đưa cô ta ra khỏi đây!” Baba gào lên khi thấy tôi. “Cha muốn người đàn bà này ra khỏi nhà.”
“Baba!”
Gò má Pari trắng bệch. Lệ trào lên mắt bà.
“Bỏ gậy xuống đi, Baba, xin cha! Đừng bước lên nữa. Chân cha sẽ bị chảy máu mất.”
Tôi giằng được cây gậy khỏi tay ông sau khi ông phản kháng một hồi.
“Cha muốn người đàn bà này cút đi! Cô ta là đồ ăn trộm!”
“Ông ấy đang nói gì vậy?” Pari đau đớn hỏi.
“Cô ta ăn trộm thuốc của cha!”
“Đó là của cô mà, Baba,” tôi nói. Tôi đặt tay lên vai ông và dìu ông ra khỏi bếp. Ông run rẩy dưới lòng bàn tay tôi. Khi chúng tôi đi qua Pari, ông suýt chút nữa đã lại lao vào bà, khiến tôi phải ghìm ông lại. “Thôi nào, đủ rồi, Baba. Đấy là thuốc của cô mà, không phải của cha đâu. Cô uống thuốc để chữa tay mà.” Tôi vồ lấy một cuốn ca ta lô mua sắm trên bàn cà phê lúc đi ra ghế.
“Cha không tin người đàn bà kia,” Baba nói, đổ phịch xuống ghế. “Con không biết. Nhưng cha biết. Có phải trộm hay không cha nhìn là biết!” Ông thở hổn hển khi giật quyển ca ta lô khỏi tay tôi và điên cuồng lật giở. Rồi ông đập mạnh nó xuống đùi và ngước lên nhìn tôi, lông mày nhướng cao. “Và là một kẻ nói dối trắng trợn nữa. Con biết cô ta nói gì với cha không, người đàn bà đó? Con biết cô ta nói gì không? Rằng cô ta là em gái cha! Em gái của cha! Cứ đợi tới khi lời này đến tai Sultana mà xem.”
“Được rồi, Baba. Chúng ta sẽ kể với mẹ sau.”
“Đồ điên.”
“Chúng ta sẽ nói với mẹ, rồi cả ba chúng ta sẽ cùng cười người đàn bà điên đó ngay từ ngoài cửa. Giờ thì cha bình tĩnh lại nhé. Mọi thứ ổn rồi. Nào.”
Tôi chuyển sang kênh thời tiết rồi ngồi xuống bên cạnh ông, vỗ vai ông, cho đến khi ông hết run và thở chậm lại. Chưa đầy năm phút sau ông đã thiếp đi.
Trong bếp, Pari ngồi sụp xuống sàn nhà, lưng dựa vào máy rửa bát. Nom bà rất sợ hãi. Bà chấm chấm mắt bằng mẩu khăn giấy.
“Cô rất xin lỗi,” bà nói. “Cô sơ suất quá.”
“Không sao đâu mà cô,” tôi nói, cúi xuống gầm bồn lấy chổi xẻng. Tôi thấy mấy viên thuốc nhỏ màu hồng và cam vương vãi dưới đất giữa những mẩu kính vỡ. Tôi nhặt từng viên một lên và quét kính vỡ khỏi sàn.
“Je suis un imbécile*. Lúc đấy cô muốn nói với ông ấy nhiều lắm. Cô cứ nghĩ có lẽ nếu cô cho ông ấy biết sự thật… Cô không biết mình nghĩ gì nữa.”
Cô ngốc thật (tiếng Pháp).
Tôi đổ những mẩu kính vỡ vào thùng rác. Tôi quỳ xuống, kéo cổ áo của Pari ra, xem chỗ vai bị Baba đánh thế nào. “Sẽ bị tím đấy ạ. Cái này thì con biết rõ.” Tôi ngồi xuống đất cạnh bà.
Bà xòe bàn tay ra, tôi bèn thả mấy viên thuốc vào. “Ông ấy thường như thế à?”
“Có những ngày cha dữ tính như thế đấy ạ.”
“Có lẽ con nên thử mời bác sĩ chuyên môn xem sao?”
Tôi thở dài, gật đầu. Dạo này tôi suy nghĩ rất nhiều về một sáng không thể tránh khỏi khi tôi thức dậy trong ngôi nhà trống còn Baba nằm cuộn tròn trên chiếc giường lạ, dòm lom lom khay đồ ăn sáng được một người lạ mang vào. Baba ngồi thõng xuống sau chiếc bàn trong phòng tập thể, gà gật.
“Con biết,” tôi đáp, “nhưng chưa đến lúc. Con muốn chăm sóc cho cha càng lâu càng tốt.”
Pari mỉm cười, rồi xì mũi. “Cô hiểu mà.”
Tôi không chắc là bà hiểu. Tôi không nói cho bà biết lý do còn lại. Tôi chỉ dám thú nhận với chính mình. Đó là, tôi sợ tự do biết chừng nào dẫu tôi luôn mong mỏi điều đó biết bao. Sợ những gì sẽ xảy đến với tôi, những gì tôi sẽ làm với bản thân, khi Baba đi mất. Cả cuộc đời này, tôi đã sống như một con cá nuôi trong bể kính an toàn vững chắc, sau lớp rào chắn không thể vượt qua dù trong suốt. Tôi được tự do quan sát thế giới lờ mờ bên ngoài, nếu thích mường tượng chính mình ở ngoài đó. Nhưng tôi luôn bị giam giữ, bao bọc, bởi những đường biên tồn tại vững chắc, không thể bẻ gãy mà Baba đã tạo nên cho tôi, ban đầu là chủ tâm khi tôi còn nhỏ, và giờ thì chẳng còn toan tính, vì cha đang dần tàn úa mỗi ngày. Tôi nghĩ mình đã quen với lớp kính và sợ rằng khi nó vỡ, tôi sẽ cô đơn, tôi sẽ tràn ra cái thế giới bất khả tri rộng mở kia và bì bõm xung quanh, bất lực, lạc lối, thở hổn hển.
Sự thật mà tôi hầu như không dám thú nhận đó là, tôi luôn cần gánh nặng của Baba trên lưng.
Còn lý do nào khác để tôi sẵn sàng từ bỏ giấc mơ trường mỹ thuật, hầu như không chút phản kháng khi Baba bảo tôi đừng tới Baltimore? Còn lý do nào khác để tôi rời bỏ Neal, người đàn ông mà tôi đã đính hôn vài năm trước? Anh làm chủ một công ty nhỏ chuyên lắp đặt tấm năng lượng mặt trời. Khuôn mặt anh vuông chữ điền, một khuôn mặt nhiều nếp nhăn mà tôi đã mến ngay từ phút đầu gặp gỡ ở quán Kabob Nhà Abe, khi tôi hỏi anh gọi món gì và anh ngước lên khỏi menu với nụ cười tươi. Anh kiên nhẫn, thân thiện và điềm đạm. Những gì tôi nói với Pari về anh không phải sự thật. Neal không bỏ tôi vì một ai đó xinh đẹp hơn. Tôi đã hủy hoại mọi thứ với anh. Kể cả khi anh hứa sẽ cải sang đạo Hồi, sẽ học tiếng Farsi, thì tôi vẫn tìm ra những lỗi lầm khác, những cái cớ khác. Tôi sợ hãi, rốt cuộc, và lại chạy về với những góc nhỏ quen thuộc trong cuộc sống của tôi ở nhà.
Kế bên tôi, Pari bắt đầu đứng lên. Tôi nhìn bà vuốt phẳng nếp nhăn trên váy, và lại một lần nữa ngỡ ngàng trước điều kỳ diệu là bà đã ở đây, đứng cách tôi chỉ vài phân thôi.
“Con muốn cho cô xem cái này,” tôi nói.
Tôi đứng lên vào phòng ngủ. Một trong những điều kỳ lạ bất ngờ của việc không bao giờ xa nhà là không ai dọn căn phòng cũ của bạn và bán đồ chơi của bạn tại một phiên thanh lý, không ai cho đi đống quần áo mà bạn không mặc vừa nữa. Tôi biết rằng với một phụ nữ ngót ba mươi, tôi giữ lại quá nhiều dấu tích thời thơ ấu, phần lớn được nhét trong chiếc rương lớn dưới chân giường mà hiện giờ tôi đã mở nắp ra. Bên trong là đám búp bê cũ, con ngựa hồng có cái bờm mà tôi có thể chải, truyện tranh, toàn bộ những tấm thiệp Chúc mừng sinh nhật và Valentine mà tôi làm tặng cha mẹ hồi tiểu học với đậu tây, nhũ, và những ngôi sao nhỏ lấp lánh. Lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện, Neal và tôi, khi tôi chấm dứt tất cả, anh đã nói, Anh không thể đợi em, Pari à. Anh không thể đợi em lớn lên được.
Tôi đóng nắp rương lại rồi quay vào phòng khách, Pari ngồi trên đi văng đối diện Baba. Tôi ngồi xuống cạnh bà.
“Đây ạ,” tôi nói, đưa cho bà một chồng bưu thiếp.
Bà với tay lấy chiếc kính đọc sách đang đặt trên cái bàn con rồi tháo sợi dây chun buộc chồng bưu thiếp ra. Nhìn vào tấm đầu tiên, bà nhăn mày lại. Đó là bức ảnh chụp ở Las Vegas, cảnh Cung điện Caesars vào ban đêm, khắp nơi lấp lánh và đèn đuốc sáng trưng. Bà lật mặt sau tấm bưu thiếp rồi đọc to.
21 tháng Bảy, 1992
Pari yêu quý,
Cậu không tin nổi là nơi đây nóng đến thế nào đâu. Hôm nay Baba bị rộp da vì đặt tay lên nắp ca pô chiếc xe thuê đấy! Mẹ đã phải bôi kem đánh răng lên tay cha. Ở Cung điện Caesars có những chiến binh La Mã đeo gươm, đội mũ giáp và khoác áo choàng đỏ. Baba cứ cố rủ mẹ chụp ảnh cùng họ nhưng mẹ không chịu. Nhưng tớ thì có! Về nhà tớ sẽ cho cậu xem. Thế thôi nhé. Tớ nhớ cậu. Ước gì cậu ở đây.
Pari
P.S. Tớ đang ăn món kem ngon nhất quả đất khi viết lá thư này đấy.
Bà chuyển sang tấm bưu thiếp tiếp theo. Lâu đài Hearst. Bà lẩm bẩm đọc lời nhắn. Ông ấy có cả một sở thú riêng! Tuyệt chưa? Kangaroo này, ngựa vằn, linh dương, lạc đà Bactrian này - loại có hai bướu ấy! Tấm khác ở Disneyland, chuột Mickey đội chiếc mũ phù thủy, vẫy cây gậy thần. Mẹ hét tướng lên khi cái treo trên trần nhà rơi xuống! Cậu phải nghe tiếng mẹ hét cơ! Vịnh La Jolla. Big Sur. Cung đường 17 Dặm. Rừng Muir. Hồ Tahoe. Nhớ cậu. Chắc chắn cậu sẽ thích nơi này. Ước gì cậu ở đây.
Ước gì cậu ở đây.
Ước gì cậu ở đây.
Pari bỏ kính ra. “Con viết bưu thiếp cho chính mình à?”
Tôi lắc đầu. “Cho cô đấy.” Tôi bật cười. “Ngại quá ạ.”
Pari đặt những tấm bưu thiếp xuống bàn cà phê rồi xích lại gần tôi. “Kể cô nghe đi.”
Tôi nhìn xuống tay mình và xoay xoay chiếc đồng hồ trên cổ tay. “Con từng giả vờ chúng ta là chị em sinh đôi, con và cô ấy. Không ai có thể nhìn thấy cô trừ con. Con kể cho cô nghe mọi thứ. Tất cả mọi bí mật của con. Với con cô là thực, lúc nào cũng gần gũi lắm ấy. Con cảm thấy bớt cô đơn hơn nhờ cô. Như thể chúng ta là Doppelgänger* vậy. Cô biết từ đó chứ?”
Bản sao kỳ lạ (từ gốc Đức).
Mắt bà lấp lánh nét cười. “Có.”
Tôi từng hình dung chúng tôi là hai chiếc lá, bị gió thổi bay cách nhau hàng cây số nhưng lại liên kết với nhau bởi những rễ sâu xoắn xuýt của cái cây mà từ đó chúng tôi cùng rụng xuống.
“Với cô thì ngược lại,” Pari nói. “Con nói con cảm thấy một sự hiện diện, nhưng cô thì chỉ thấy thiếu vắng mà thôi. Một nỗi đau mơ hồ không rõ nguồn cơn. Cô giống như một bệnh nhân không thể giải thích với bác sĩ là mình đau ở đâu, chỉ là cảm thấy thế thôi.” Bà đặt tay lên tay tôi, và không ai trong chúng tôi nói gì trong khoảnh khắc.
Từ trên ghế, Baba rên rỉ chuyển mình.
“Con rất tiếc,” tôi nói.
“Sao con lại tiếc?”
“Rằng chúng ta tìm thấy nhau quá muộn.”
“Nhưng chúng ta đã tìm thấy nhau, không phải vậy sao?” bà nói, giọng run run xúc động. “Và đây là ông ấy hiện tại. Thế là ổn cả. Cô mừng lắm. Cô đã tìm thấy một phần bản thân đã mất.” Bà siết chặt tay tôi. “Và cô đã tìm thấy con, Pari.”
Lời nói của bà đã chạm đến niềm khao khát thuở nhỏ của tôi. Tôi nhớ những khi cảm thấy cô đơn, tôi thì thầm gọi tên bà - tên chúng tôi - và nín thở, đợi chờ một tiếng vọng đáp lại, chắc chắn một ngày nào đó âm thanh ấy sẽ vang lên. Giờ đây nghe bà gọi tên tôi, trong căn phòng khách này, cảm giác như thể bao năm chia cách chúng tôi đang xếp nếp lại, thời gian co dần chỉ bằng chiều rộng của một bức ảnh, một tấm bưu thiếp, mang dấu ấn thơ ấu lấp lánh nhất đến bên tôi, nắm tay tôi, và gọi tên tôi. Tên chúng tôi. Tôi cảm thấy chao nghiêng, một điều gì đó trở nên sáng rõ. Một thứ gì đó bị xé toạc bấy lâu giờ đã được hàn gắn lại. Và tôi cảm thấy một cơn xao động nhẹ trong lồng ngực mình, tiếng thịch đùng đục của một trái tim khác đập trở lại bên trái tim tôi.
Trên ghế, Baba chống khuỷu tay nhỏm dậy. Ông dụi mắt, nhìn chúng tôi. “Hai cô cháu đang to nhỏ gì thế?”
Ông toét miệng cười.
Một khúc ru khác. Khúc này là về cây cầu ở Avignon. Pari ngân nga giai điệu cho tôi nghe, rồi đọc lời ca:
Sur le pont d’Avignon
L’on y danse, l’on y danse
Sur le pont d’Avignon
L’on y danse tous en rond.*
Trên cây cầu Avignon
Ta cùng nhau khiêu vũ
Trên cây cầu Avignon
Ta khiêu vũ theo vòng tròn. (Tiếng Pháp)
“Maman dạy cô hồi nhỏ đấy,” bà nói, thắt chặt nút chiếc khăn quàng cổ trước cơn gió đông lạnh giá. Hôm nay lạnh cóng nhưng bầu trời xanh trong và nắng rực rỡ. Nó tương phản hoàn toàn với màu xám kim loại của mạn tàu trên sông Rhône và rắc lên đó những giọt sáng lấp lánh. “Trẻ con Pháp đứa nào cũng biết bài này.”
Chúng tôi đang ngồi trên một băng ghế gỗ trong công viên nhìn ra mặt nước. Khi nghe bà dịch lời ca, tôi thấy ngỡ ngàng trước thành phố bên kia sông. Khi phát hiện ra lịch sử của chính mình gần đây, tôi choáng ngợp khi thấy mình ở một nơi giàu lịch sử như vậy, tất cả đều được lưu lại, bảo tồn. Thật kỳ diệu. Tất cả mọi thứ về thành phố này. Tôi ngạc nhiên trước bầu không khí trong lành, trước con gió lồng lộng thổi dọc bờ sông, khiến nước vỗ ì oạp vào đôi bờ lát đá, trước ánh sáng rực rỡ ngập tràn và dường như có thể tỏa rạng từ mọi hướng. Từ băng ghế công viên, tôi có thể nhìn thấy những thành lũy cũ bao quanh trung tâm thị trấn cổ và những con phố hẹp ngoằn ngoèo; tháp Tây của nhà thờ Avignon, trên đỉnh là bức tượng Đức Mẹ mạ vàng óng ánh.
Pari kể cho tôi nghe về lịch sử cây cầu - người chăn cừu trẻ tuổi, hồi thế kỷ 12, tuyên bố rằng các thiên thần đã bảo anh xây một cây cầu bắc qua sông và chứng minh cho giá trị lời tuyên bố của mình bằng cách bê một tảng đá lớn và quăng xuống nước. Bà kể tôi nghe về những người thợ thuyền trên sông Rhône trèo lên cầu để tôn vinh vị thần hộ mệnh của họ, Thánh Nicholas. Cả về tất cả những trận lũ bao thế kỷ qua đã làm xói mòn vòm cầu và khiến nó sập xuống. Bà nói những lời này cũng với tốc độ nhanh đều và sự háo hức rộn ràng như lúc sáng khi bà dẫn tôi tham quan cung điện của Giáo hoàng. Bỏ tai nghe thuyết minh ra để chỉ một bức bích họa, gõ khuỷu tay tôi để hướng tôi chú ý đến một tác phẩm điêu khắc, một tấm kính màu, những gờ cong giao nhau phía trên đầu.
Bên ngoài cung điện của Giáo hoàng, bà nói gần như không ngừng nghỉ, tên của tất cả những vị thánh và giáo hoàng cùng hồng y giáo chủ cứ thế tuôn ra khi chúng tôi thả bộ qua quảng trường nhà thờ giữa đám chim bồ câu và các du khách, những người bán hàng châu Phi trong áo thụng dài sáng màu bán vòng tay và đồng hồ nhái, một nhạc sĩ trẻ đeo kính ngồi trên chiếc thùng gỗ đựng táo, chơi bản “Bohemian Rhapsody” trên cây đàn ghita mộc. Tôi không nhớ là bà từng nói nhiều như vậy trong chuyến đi Mỹ, và tôi cảm giác đây như một chiến thuật trì hoãn vậy, như thể chúng tôi đang xoay quanh điều bà thực sự muốn làm - những gì chúng tôi sẽ làm - và tất cả những lời lẽ ấy như một cây cầu nối vậy.
“Nhưng con sẽ sớm thấy cây cầu thật thôi,” bà nói. “Khi tất cả mọi người đến. Chúng ta sẽ cùng tới cầu Pont du Gard. Con có biết không? Không à? Oh là là. C’est vraiment merveilleux.* Người La Mã đã xây cây cầu đó vào thế kỷ 1 để vận chuyển nước từ Eure tới Nîmes. Năm mươi cây số! Đó là một kiệt tác kỹ thuật đấy, Pari à.”
Ôi. Đẹp lắm đấy (tiếng Pháp).
Tôi đã ở Pháp được bốn ngày, trong đó ở Avignon hai ngày. Pari và tôi đi tàu cao tốc tới đây, rời khỏi một Paris lạnh cóng, u ám tới những vùng trời trong xanh, gió ấm áp, và điệp khúc ve sầu râm ran từ mọi tán cây. Ở ga, vội vàng kéo va li, tôi suýt nữa đã lỡ chuyến, nhảy lên tàu vừa kịp lúc cửa kin kít đóng lại sau lưng. Tôi thầm nhủ phải kể với Baba là chỉ hơn ba giây nữa thôi là tôi sẽ thành ra đặt chân tới Marseille.
Ông ấy thế nào? Pari hỏi lúc trên xe taxi từ sân bay Charles de Gaulle về căn hộ của bà.
Không sống gần con nữa, tôi nói.
Baba giờ sống trong viện dưỡng lão. Lần đầu tới đó xem xét cơ sở vật chất, khi giám đốc, Penny - một người phụ nữ cao gầy với mái tóc xoăn màu đỏ cam - dẫn tôi đi xem một vòng, tôi đã nghĩ, Như thế này cũng không tệ lắm.
Và rồi tôi thốt lên thành lời, Như thế này cũng không tệ lắm.
Viện dưỡng lão sạch sẽ, có cửa sổ trông ra vườn, mà theo lời Penny nói, là nơi tổ chức tiệc trà vào bốn rưỡi thứ Tư hằng tuần. Sảnh thoang thoảng mùi quế và thông. Các nhân viên, mà giờ phần lớn tôi đều biết tên, nom lịch sự, kiên nhẫn và có năng lực. Tôi đã hình dung ra những cụ bà, với khuôn mặt nhăn nheo và cằm lún phún râu, dãi nhớt ròng ròng, lẩm bẩm một mình, dính chặt lấy màn hình ti vi. Nhưng phần lớn những người mà tôi gặp đều không già đến thế. Nhiều người trong số họ thậm chí còn không phải ngồi xe lăn.
Cháu cứ nghĩ nơi đây sẽ tệ hơn cơ, tôi nói.
Vậy sao? Penny nói, bật ra một tiếng cười dễ chịu, đầy chuyên nghiệp.
Nghĩ vậy thật quá đáng. Cháu xin lỗi.
Không hề. Chúng tôi nhận thức rõ về hình ảnh mà mọi người thường nghĩ về những nơi như thế này mà. Tất nhiên, bà nói qua vai với vẻ cẩn trọng đúng mực, đây là nơi hỗ trợ chức năng cho người già. Tuy nhiên, xét đến những gì cô nói về tình trạng cha mình, tôi không chắc nơi này sẽ tốt cho ông ấy đâu. Có lẽ khu chăm sóc người suy giảm trí nhớ sẽ hợp với ông ấy hơn. Chúng ta tới nơi rồi.
Bà dùng thẻ mở cửa. Khu vực khóa kín không có mùi quế hay thông. Lòng tôi thắt lại, và bản năng đầu tiên của tôi là quay lưng bỏ đi. Penny khoác vai tôi siết lại. Bà nhìn tôi với sự dịu dàng khôn tả. Tôi phải gồng mình trong suốt phần còn lại của chuyến đi, bị nhấn chìm bởi con sóng tội lỗi dâng trào.
Buổi sáng trước hôm đi châu Âu, tôi đến thăm Baba. Tôi đi qua sảnh khu vực chăm sóc người già và vẫy tay với Carmen, người Guatemala, chuyên trả lời điện thoại. Tôi đi qua hội trường, nơi những cụ già ngồi kín phòng lắng nghe nhóm tứ tấu đàn dây do các học sinh trung học mặc lễ phục biểu diễn; qua phòng đa chức năng với các máy tính, giá sách và bộ domino, qua tấm bảng với cả đống mẹo vặt và thông báo - Các cụ có biết đậu nành có thể làm giảm cholesterol xấu không? Đừng quên giờ xếp hình và Suy ngẫm thứ Ba này lúc mười một giờ trưa!
Tôi vào khu vực khóa kín. Bên này cánh cửa không có tiệc trà, không có trò bingo. Không ai ở đây bắt đầu buổi sáng bằng bài Thái cực quyền. Tôi tới phòng Baba, nhưng ông không ở đó. Giường ông đã được dọn, màn hình ti vi tối đen, và một cốc nước đầy nửa đặt trên chiếc bàn cạnh giường. Tôi cảm thấy đôi phần nhẹ nhõm. Tôi ghét phải nhìn thấy Baba trên giường bệnh, nằm nghiêng, tay nhét dưới gối, đôi mắt trũng sâu nhìn tôi trống rỗng.
Tôi tìm thấy Baba trong phòng giải trí, ngồi lún trong xe lăn, bên cánh cửa sổ mở trông ra vườn. Ông vận bộ đồ ngủ bằng vải flannel và đội chiếc mũ bán báo. Trong lòng ông là thứ mà Penny gọi là tạp dề vận động. Nó có dây cho ông tết và mấy cái nút cho ông bật tắt. Penny nói nó giúp ngón tay của ông giữ được sự linh hoạt.
Tôi thơm lên má ông rồi kéo ghế ra ngồi. Có người đã cạo râu cho ông, làm ẩm tóc và chải đầu cho ông nữa. Khuôn mặt ông có mùi như xà phòng.
Mai là một ngày trọng đại cha à, tôi nói. Con sẽ bay tới thăm cô Pari ở Pháp. Cha có nhớ là con từng nói sẽ làm vậy không?
Baba chớp mắt. Kể cả trước khi đột quỵ, ông đã bắt đầu thu mình, chìm vào những khoảng lặng kéo dài, vẻ buồn bã. Từ sau khi đột quỵ, khuôn mặt ông trở thành một chiếc mặt nạ, miệng thường xuyên cứng lại, lệch sang một bên thành nụ cười nhẹ lịch sự không bao giờ ánh lên trong mắt ông. Ông không nói một lời kể từ khi đó. Đôi khi, môi ông hé ra, và ông bật ra một tiếng khàn đục - Aaaa! - với giọng cao vút ở cuối để biểu đạt một âm thanh như ngạc nhiên, hoặc như thể những gì tôi nói đã chạm đến một vùng tỉnh táo nhỏ bé trong ông.
Hai cô cháu sẽ gặp nhau ở Paris, sau đó đi tàu xuống Avignon. Đó là một thị trấn gần phía Nam nước Pháp. Là nơi các giáo hoàng sống hồi thế kỷ 14 đó cha. Cô cháu con sẽ đi ngắm cảnh. Nhưng vui ở chỗ là, Pari đã kể cho các con cô nghe về việc con đến thăm và mấy chị em sẽ cùng đoàn tụ.
Baba mỉm cười, giống như khi Hector ghé qua thăm ông tuần trước, giống như khi tôi cho ông xem đơn xin nhập học vào trường Nghệ thuật và Nhân văn ở bang San Francisco.
Cháu gái cha, Isabelle và chồng nó, Albert, có một căn nhà nghỉ dưỡng ở Provence, gần một thị trấn tên Les Baux. Con đã tra trên mạng rồi, Baba à. Đó là một thị trấn đẹp tuyệt vời. Được xây trên những đỉnh đá vôi của dãy Alpilles. Ta có thể tới thăm tàn tích của một lâu đài Trung cổ trên đó và nhìn xuống những đồng bằng và vườn quả bên dưới. Con sẽ chụp thật nhiều ảnh và cho cha xem khi về nhé.
Gần đó, một cụ bà mặc áo choàng tắm thích chí dịch chuyển những mảnh xếp hình. Ở bàn kế bên, một cụ bà khác có mái tóc bạc bồng bềnh đang cố xếp thìa dĩa và dao cắt bơ vào ngăn kéo đựng đồ bạc. Trên màn hình ti vi lớn treo cao trong góc, Ricky và Lucy* đang cãi nhau, cổ tay bị khóa chung bởi một chiếc còng.
Hai nhân vật trong phim hài dài tập I love Lucy.
Baba thốt lên, Aaaa!
Alain, cháu trai của cha, và vợ cậu ấy, Ana sẽ từ Tây Ban Nha về cùng năm đứa con. Con không biết hết tên các cháu, nhưng con chắc rồi sẽ nhớ thôi. Và - đây là điều làm Pari vui lắm này - một đứa cháu trai khác của cha, Thierry - cũng về nữa. Cô đã không gặp nó hàng năm trời rồi. Hai mẹ con còn không nói chuyện với nhau nữa. Nhưng cậu ấy đang được nghỉ phép và sẽ bay về từ châu Phi. Thế là sẽ có một dịp đoàn viên lớn đây.
Tôi đặt một nụ hôn nữa lên má ông khi đứng lên ra về. Tôi lưu luyến áp mặt mình vào mặt cha, nhớ lại ông đã từng đón tôi ở nhà trẻ và lái xe đưa tôi tới quán Denny để đón mẹ đi làm về. Chúng tôi ngồi trong quán, đợi mẹ ra, còn tôi vừa say sưa ăn muỗng kem mà ông chủ lúc nào gặp cũng cho tôi, vừa cho cha xem những bức tranh tôi đã vẽ trong ngày. Cha đã kiên nhẫn nhìn ngắm mỗi bức tranh, chăm chú xem xét, gật gật đầu.
Baba nở nụ cười quen thuộc.
Chao. Con đã gần như quên mất.
Tôi cúi xuống trình diễn nghi thức chia tay quen thuộc, lướt đầu ngón tay từ má ông lên vầng trán và thái dương nhăn nheo, qua lớp tóc bạc mỏng dính và những cái vảy từ da đầu thô ráp, vòng ra sau tai, dứt bỏ những giấc mơ xấu khỏi đầu ông suốt lúc lướt ngón tay. Tôi mở chiếc bao tải vô hình cho ông, quẳng những cơn ác mộng vào đó, rồi buộc chặt miệng bao lại.
Đó.
Baba bật ra một tiếng khàn khàn.
Hãy mơ những giấc mơ hạnh phúc nhé, Baba. Hẹn gặp cha sau hai tuần nữa. Tôi chợt nhận ra rằng chưa khi nào cha con tôi xa nhau lâu đến thế.
Khi bước đi, tôi mơ hồ có cảm giác Baba đang nhìn theo mình. Nhưng khi tôi quay lại nhìn, ông đang cúi xuống nghịch cái nút trên chiếc tạp dề vận động.
Pari đang nói về căn nhà của Isabelle và Albert. Bà đã cho tôi xem ảnh. Đó là căn nhà nông trại xinh xắn làm từ đá, mang phong cách Provence được sửa sang lại, nằm trên đồi Luberon, bên ngoài cửa có cây ăn quả và giàn dây leo, bên trong là gạch lát bằng đất nung và dầm lộ.
“Trong ảnh thì con không thấy đâu, nhưng nó có tầm nhìn rất tuyệt trông ra núi Vaucluse đấy.”
“Cả nhà chúng ta có vừa không ạ? Từng ấy con người trong một căn nhà nông trại.”
“Plus on est de fous, plus on rit,” bà nói. “Tiếng Anh là gì nhỉ? Càng đông càng mừng à?”
“Vui ạ.”
“Ah voilà. C’est ça.*”
À đấy. Là vậy đấy (tiếng Pháp).
“Thế còn các cháu thì sao ạ? Các cháu ở đâu…”
“Pari à?”
Tôi quay sang bà. “Dạ?”
Bà trút sạch một hơi thở dài. “Giờ con đưa cho cô được rồi.”
Tôi gật đầu. Tôi thò tay vào chiếc túi đặt giữa hai chân.
Lẽ ra tôi nên tìm thấy nó từ vài tháng trước khi đưa Baba vào viện dưỡng lão. Nhưng khi gói ghém đồ cho Baba, tôi tìm trong tủ đồ hành lang để lấy cái va li trên cùng, từ một chồng ba cái, và nhét vừa hết chỗ quần áo của Baba. Thế rồi cuối cùng tôi cũng thu hết can đảm để dọn phòng của cha mẹ. Tôi xé bỏ lớp giấy dán tường cũ, sơn lại tường. Tôi rời chiếc giường cỡ đại, bàn trang điểm với cái gương hình bầu dục, dọn tủ quần áo với những bộ com lê của cha, áo và váy của mẹ, được bọc ni lông. Tôi xếp thành đống trong ga ra cho một hoặc hai chuyến đi tới cửa hàng đồ cũ giá rẻ. Tôi chuyển bàn của tôi vào phòng cha mẹ, biến nơi đó thành phòng làm việc và phòng học của mình khi khóa học bắt đầu vào mùa thu. Tôi cũng dọn sạch cả cái rương dưới chân giường. Tôi vứt hết mớ đồ chơi cũ, những chiếc váy thời thơ ấu, những đôi xăng đan và giày tennis không dùng đến nữa vào túi rác. Tôi không thể nhìn thêm một giây nào nữa vào đống thiệp Chúc mừng sinh nhật và thiệp Ngày của Cha, Ngày của Mẹ mà tôi đã làm tặng hai người. Đêm tôi không thể nào ngủ nổi khi biết rằng chúng nằm đó dưới chân tôi. Cảm giác ấy quá đau lòng.
Khi ấy tôi đang dọn tủ đồ hành lang, lúc tôi kéo hai cái va li còn lại ra để chất vào ga ra, tôi nghe thấy trong một cái vang lên tiếng thịch. Tôi mở ra thì thấy một gói nhỏ bên trong được bọc bằng giấy nâu dày. Một chiếc phong bì được dán kèm vào cái gói. Phía trên viết, bằng tiếng Anh, Cho em gái tôi, Pari. Ngay lập tức, tôi nhận ra nét chữ viết tay của Baba từ những ngày còn làm ở quán Kabob Nhà Abe khi tôi cầm mớ phiếu gọi đồ ăn mà ông viết vội ở quầy thu ngân.
Giờ tôi đưa cái gói cho Pari, còn nguyên chưa mở.
Bà nhìn xuống cái gói trong lòng mình, lướt tay qua những chữ viết nguệch ngoạc trên phong bì. Bên kia sông, chuông nhà thờ bắt đầu vang lên. Trên tảng đá nhô ra từ mé nước, một con chim đang rỉa lòng cá chết.
Pari lục túi, mò mẫm tìm đồ bên trong. “J’ai oublié mes lunettes,” bà nói. “Cô quên kính đọc sách ở nhà rồi.”
“Cô có muốn con đọc cho cô nghe không?”
Bà cố giật chiếc phong bì khỏi cái gói, nhưng hôm nay không phải là một ngày tốt trời cho đôi tay bà, và sau một hồi vật lộn, bà đành đưa nó cho tôi. Tôi rứt chiếc phong bì rồi bóc ra. Tôi mở mảnh giấy gập bên trong.
“Cha con viết bằng tiếng Farsi.”
“Nhưng con đọc được đúng không?” Pari hỏi, mày nhíu lại lo lắng. “Con dịch được mà.”
“Vâng,” tôi đáp, cảm thấy một nụ cười hé nở trong lòng, biết ơn - dẫu đã muộn - vì tất cả những buổi chiều thứ Ba Baba chở tôi tới Campbell học tiếng Farsi. Tôi nghĩ đến ông, tả tơi và lạc lối, lảo đảo băng qua sa mạc, con đường sau lưng ông vương vãi những mảnh lấp lánh mà cuộc đời đã tước mất khỏi ông.
Tôi nắm chặt mảnh giấy trước cơn gió mạnh. Tôi đọc cho Pari nghe ba câu viết nguệch ngoạc.
Người ta bảo anh phải lội xuống nước, ở nơi đó anh sẽ chóng chìm. Trước khi làm vậy, anh để lại cái này trên bờ cho em. Anh cầu mong em sẽ tìm thấy nó, em gái, để em biết rằng trong tim anh có gì khi chìm sâu dưới nước.
Có cả ngày tháng nữa. Tháng Tám năm 2007. “Tháng Tám năm 2007,” tôi thốt lên. “Đó là khi cha được chẩn đoán lần đầu.” Cách đây ba năm, trước cả khi tôi nghe được tin của Pari.
Pari gật đầu, lấy cườm tay lau mắt. Một cặp đôi trẻ tuổi lướt qua trên chiếc xe đạp đôi, cô gái ngồi trước - tóc vàng, khuôn mặt hồng hào, vóc dáng mảnh mai - cậu trai ngồi sau, tóc bện và da màu cà phê. Trên bãi cỏ cách đó mấy mét, một cô bé mặc váy da ngắn màu đen đang ngồi nói chuyện qua điện thoại di động, tay nắm sợi dây buộc cổ chú chó sục nhỏ xíu lông màu than củi.
Pari đưa cho tôi cái gói. Tôi xé mở cho bà. Bên trong là một hộp trà bằng thiếc cũ kỹ, trên nắp lờ mờ hình một người đàn ông Ấn Độ râu ria xồm xoàm, vận áo chùng đỏ. Ông ta cầm tách trà bốc khói như mời gọi. Khói từ tách trà đã bạc màu gần hết còn màu đỏ của chiếc áo chùng cũng đã phai sang hồng. Tôi gạt lẫy và mở nắp ra. Tôi thấy bên trong đầy những sợi lông vũ đủ màu sắc, hình dáng. Những chiếc lông ngắn xanh lục sẫm; những chiếc dài sống đen màu gừng; một chiếc màu đào, có lẽ là lông vịt trời, có ánh tím nhẹ; những chiếc màu nâu với các đốm thẫm màu dọc theo mép trong; một chiếc lông công xanh lục với con mắt lớn ở chóp.
Tôi quay sang Pari. “Cô có biết những thứ này có nghĩa gì không?”
Cằm run run, Pari chầm chậm lắc đầu. Bà lấy cái hộp từ tay tôi và nhìn vào trong. “Không,” bà nói. “Chỉ là khi bọn cô lạc mất nhau, Abdullah và cô, ông ấy bị tổn thương nhiều hơn. Cô là kẻ may mắn vì còn quá nhỏ. Je pouvais oublier*. Cô vẫn có được cái xa xỉ là sự lãng quên. Ông ấy thì không.” Bà cầm một chiếc lông lên, cù vào cổ tay, nhìn nó như thể hy vọng nó sẽ sống dậy và bay đi. “Cô không biết chiếc lông này có ý nghĩa gì, hay câu chuyện của nó, nhưng cô biết nó có nghĩa ông ấy đã nghĩ đến cô. Suốt ngần ấy năm. Ông ấy nhớ cô.”
Cô có thể quên (tiếng Pháp).
Tôi choàng tay quanh vai bà khi bà lặng lẽ khóc. Tôi nhìn những tán cây tắm trong ánh mặt trời, con sông chảy qua chúng tôi và lững lờ dưới cây cầu - Pont Saint-Bénezet - cây cầu mà khúc đồng dao có nhắc đến. Đó là một nửa cây cầu, thật vậy, vì chỉ bốn trong số những vòm cầu nguyên thủy của nó còn trụ vững. Nó dừng lại ở giữa dòng. Như thể nó đã vươn tới, cố nối lại với bên kia, và rồi gãy gục.
Đêm đó ở khách sạn, tôi nằm thao thức trên giường và nhìn những đám mây nhẹ trôi qua vầng trăng tròn vành vạnh treo ngoài cửa sổ. Bên dưới, tiếng gót giày khua trên lớp sỏi. Tiếng cười và trò chuyện râm ran. Tiếng xe máy điện lọc xọc đi qua. Nhà hàng bên kia đường vọng sang tiếng lanh canh của ly tách trên khay. Tiếng piano réo rắt uốn khúc qua cửa sổ và thấm vào tai tôi.
Tôi quay sang nhìn Pari ngủ yên ắng bên tôi. Khuôn mặt bà nhợt nhạt dưới ánh đèn. Ở khuôn mặt đó tôi thấy Baba - một Baba trẻ trung, đầy hy vọng, hạnh phúc, ông đã từng như thế - và tôi biết mình sẽ luôn tìm thấy ông bất cứ khi nào nhìn Pari. Bà là ruột thịt của tôi. Và tôi sẽ sớm gặp các con bà, các cháu bà, dòng máu của tôi cũng chảy trong họ. Tôi không cô đơn. Niềm hạnh phúc bất ngờ đã tìm đến tôi. Tôi cảm thấy nó đang thấm dần vào tôi, và mắt tôi rưng rưng vì biết ơn và hy vọng.
Khi nhìn Pari ngủ, tôi nghĩ đến trò chơi trước giờ đi ngủ mà Baba và tôi từng chơi. Gột sạch những giấc mơ xấu, mang đến những giấc mơ hạnh phúc. Tôi nhớ giấc mơ mà tôi thường mang đến cho ông. Cẩn thận không làm Pari thức giấc, tôi vươn ra và nhẹ nhàng áp lòng bàn tay lên lông mày bà. Tôi nhắm mắt lại.
Đó là một buổi chiều ngập nắng. Họ lại là trẻ con một lần nữa, anh trai và em gái, thơ trẻ, mắt trong veo, và tràn trề nhựa sống. Họ đang nằm trên thảm cỏ cao dưới bóng cây táo bừng sắc hoa. Cỏ ấm áp cù vào lưng họ, nắng vờn trên mặt họ, lấp lánh qua những tán hoa rực rỡ trên đầu. Họ nằm đó thiu thiu, khoan khoái, bên nhau, đầu người anh trai tựa trên một cái rễ cây dày nổi trên đất, người em gái gối lên chiếc áo khoác anh trai gập cho. Qua đôi mắt nhắm hờ, cô ngắm một con chim sáo đậu vắt vẻo trên cành cây. Những luồng hơi mát thổi qua tán lá lan xuống phía dưới.
Cô quay mặt sang nhìn anh, anh trai cô, đồng minh của cô trong mọi chuyện, nhưng mặt anh ở gần quá khiến cô không thể nhìn trọn. Chỉ thấy chỗ trũng xuống của lông mày, phần nhô lên của mũi, đường cong của bờ mi. Nhưng cô không bận tâm. Cô hạnh phúc vì được ở gần anh, bên anh - anh trai cô - và rồi khi cơn buồn ngủ xâm chiếm, cô cảm thấy mình được bao bọc trong một làn sóng êm đềm quá đỗi. Cô nhắm mắt lại. Thiếp đi, không âu lo, mọi thứ đều sáng rõ, sống động, cùng một lúc.
Và Rồi Núi Vọng Và Rồi Núi Vọng - Khaled Hosseini Và Rồi Núi Vọng