Good friends, good books and a sleepy conscience: this is the ideal life.

Mark Twain

 
 
 
 
 
Tác giả: Khaled Hosseini
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 107
Cập nhật: 2021-02-23 22:41:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
áu
THÁNG HAI NĂM 1974
GHI CHÚ CỦA BIÊN TẬP VIÊN
Parallaxe số 84 (MÙA ĐÔNG NĂM 1974), TRANG 5
Các độc giả thân mến:
Cách đây năm năm, khi chúng tôi mở chuyên đề hằng quý với các bài phỏng vấn những nhà thơ chưa được nhiều người biết đến, chúng tôi không ngờ họ lại được yêu thích nhường ấy. Nhiều độc giả đã yêu cầu thêm nhiều bài phỏng vấn như thế nữa, và quả vậy, những lá thư nhiệt tình của các bạn đã mở đường cho chuyên đề này trở thành một truyền thống thường niên trên tờ Parallaxe. Những hồ sơ ấy cũng trở thành món yêu thích nhất của các cây bút ở tòa soạn chúng tôi. Các chuyên đề đã dẫn tới sự khám phá, hay tái khám phá, một số nhà thơ giá trị, và sự nhìn nhận quá muộn về tác phẩm của họ.
Tuy nhiên, đáng buồn thay, chuyên đề kỳ này của chúng tôi lại phủ một bóng đen u ám. Gương mặt nghệ sĩ quý này là Nila Wahdati, một nhà thơ Afghanistan được Étienne Boustouler phỏng vấn vào mùa đông năm ngoái tại thị trấn Courbevoie, gần Paris. Phu nhân Wahdati, chúng tôi chắc bà sẽ đồng ý với cách gọi này thôi, đã đem lại cho ông Boustouler một trong những bài phỏng vấn cởi mở và thẳng thắn nhất mà chúng tôi từng đăng tải. Chúng tôi vô cùng đau buồn khi hay tin bà đã mất sớm, không lâu sau khi thực hiện phỏng vấn. Cộng đồng thi nhân sẽ nhớ đến bà. Bà còn sống mãi trong lòng con gái mình.
Thật kỳ dị, cái thời điểm ấy. Cửa thang máy mở ra đúng lúc - đúng lúc - điện thoại bắt đầu đổ chuông. Pari có thể nghe thấy tiếng chuông vì nó phát ra từ trong căn hộ của Julien, vốn nằm ở đầu hành lang hẹp, tù mù, nên thành ra gần thang máy nhất. Linh cảm mách bảo cô là ai đang gọi. Nhìn nét mặt Julien thì xem ra anh cũng biết.
Julien, đã bước vào trong thang máy, nói vọng ra, “Kệ nó.”
Đằng sau anh là một người phụ nữ mặt đỏ au nom khó gần sống ở tầng trên. Bà ta trừng trừng nhìn Pari, vẻ nôn nóng. Julien gọi bà ta là La chèvre*, vì bà ta có nhúm lông cằm trông giống như râu dê vậy.
Con dê cái (tiếng Pháp).
Anh nói, “Đi thôi, Pari. Mình muộn rồi đấy.”
Anh đã đặt bàn lúc bảy giờ tại một nhà hàng mới mở ở quận 16, vốn nổi tiếng với món poulet braisé, sole cardinale* và gan bê ngâm giấm rượu sherry. Họ sẽ gặp Christian và Aurelie, bạn cũ ở trường đại học của Julien - từ thuở sinh viên, không phải từ khi anh giảng dạy. Họ phải gặp mặt để uống rượu khai vị lúc sáu rưỡi, mà giờ đã sáu giờ mười lăm rồi. Họ còn phải đi bộ tới ga tàu điện ngầm, đến Muette, rồi đi bộ qua sáu dãy nhà nữa mới tới được nhà hàng.
Gà om, cá bơn xốt kem tôm (tiếng Pháp).
Điện thoại cứ reo.
Bà dê húng hắng ho.
Julien gọi, lần này giọng cứng rắn hơn, “Pari?”
“Chắc là Maman đấy,” Pari nói.
“Ừ, anh biết chứ.”
Một cách vô lý, Pari nghĩ Maman - với tài năng không bao giờ thui chột là làm loạn mọi chuyện - lại nhè đúng lúc này để gọi điện, đẩy cô vào thế phải đưa ra đúng lựa chọn này: bước vào thang máy với Julien hay nghe điện.
“Nhỡ có chuyện quan trọng,” cô nói.
Julien thở dài.
Khi cửa thang máy đóng lại sau lưng, anh dựa vào tường hành lang. Anh thọc tay vào túi áo măng tô, khoắng một lúc như nhân vật trong một bộ phim cảnh sát của đạo diễn Melville.
“Em chỉ mất một phút thôi,” Pari nói.
Julien buông ánh nhìn nghi hoặc.
Căn hộ của Julien khá nhỏ. Bước nhanh sáu bước là cô đã băng qua sảnh, qua bếp, và ngồi trên mép giường, với lấy điện thoại trên chiếc bàn đầu giường duy nhất mà họ có chỗ kê. Quang cảnh, tuy nhiên, lại khá bắt mắt. Trời đang mưa, nhưng vào những hôm quang đãng, cô có thể trông ra cửa sổ hướng Đông, thấy phần lớn quận 19 và 20.
“Oui, allo*?” cô nói vào ống nghe.
Vâng, a lô (tiếng Pháp).
Một giọng đàn ông vang lên. “Bonsoir*. Có phải Mademoiselle* Pari Wahdati không ạ?”
Xin chào (tiếng Pháp).
Cô - danh xưng của người phụ nữ trẻ, chưa chồng (tiếng Pháp).
“Ai gọi đấy ạ?”
“Cô là con gái Madame Nila Wahdati ạ?”
“Vâng.”
“Tôi là bác sĩ Delaunay. Tôi gọi vì chuyện mẹ cô.”
Pari nhắm mắt lại. Một thoáng tội lỗi nhói lên trong lòng cô trước khi bị cơn sợ hãi quen thuộc chiếm lĩnh. Trước đây cô từng nhận được những cuộc gọi như thế này, nhiều tới mức không thể nhớ nổi, từ thuở cô còn thiếu nữ, đúng vậy, và thậm chí trước đó - một lần hồi lớp năm, cô đang làm dở bài kiểm tra môn địa lý thì thầy giáo phải xen ngang, dẫn cô ra hành lang, và thì thào giải thích chuyện gì đã xảy ra. Những cuộc gọi này quá quen thuộc với Pari, nhưng không vì thế mà cô đâm ra thờ ơ. Cứ mỗi cuộc gọi, cô lại nghĩ, Lần này, đúng là lần này rồi, và lần nào cô cũng gác máy rồi cuống cuồng chạy tới chỗ Maman. Theo lối nói của kinh tế học, Julien bảo Pari rằng nếu cô cắt nguồn cung chú ý, có lẽ nhu cầu ấy cũng chấm dứt.
“Bà ấy bị tai nạn,” bác sĩ Delaunay nói.
Pari đứng bên cửa sổ nghe bác sĩ giải thích. Cô hết xoắn rồi gỡ dây điện thoại quanh ngón tay trong khi ông thuật lại chuyện mẹ cô vào viện, cái trán rách, những mũi khâu, tiêm phòng uốn ván, rửa ôxy già, điều trị kháng sinh cục bộ, băng bó. Tâm trí Pari vụt trở về hồi mười tuổi, khi một ngày cô đi học về thì thấy hai tư franc và một mẩu ghi chú viết tay trên bàn bếp. Mẹ đến Alsace với Marc. Con nhớ chú ấy mà. Hai hôm nữa mẹ về. Ở nhà ngoan nhé. (Đừng thức khuya đấy!) Je t’aime*. Maman. Pari đã đứng run rẩy trong bếp, mắt rưng rưng, tự nhủ rằng hai hôm không đáng sợ đến thế đâu, không lâu đến thế đâu.
Mẹ yêu con (tiếng Pháp).
Bác sĩ hỏi cô một câu.
“Sao cơ?”
“Tôi hỏi là cô có đến đón mẹ cô về nhà không, mademoiselle? Vết thương không nghiêm trọng lắm, cô biết đấy, nhưng có lẽ tốt nhất là bà ấy không nên về nhà một mình. Hay chúng tôi gọi taxi cho bà ấy cũng được.”
“Không. Không cần đâu ạ. Nửa tiếng nữa tôi đến.”
Cô ngồi xuống giường. Julien sẽ bực mình, có khi còn xấu hổ nữa trước Christian và Aurelie, những người mà có vẻ anh rất tôn trọng ý kiến. Cô cũng không muốn đến Courbevoie đối mặt với mẹ mình. Việc cô muốn làm hơn là nằm xuống, lắng nghe gió hắt những hạt mưa vào cửa kính cho đến khi ngủ thiếp đi.
Cô châm một điếu thuốc lá, và khi Julien vào phòng cất tiếng hỏi sau lưng cô, “Em không đi chứ gì?” cô không đáp lại.
TRÍCH TỪ “TIẾNG HÓT AFGHANISTAN”,
BÀI PHỎNG VẤN NILA WAHDATI
DO ÉTIENNE BOUSTOULER THỰC HIỆN
Parallaxe số 84 (MÙA ĐÔNG NĂM 1974), TR. 33
EB: Tôi nghe nói thực ra bà mang nửa dòng máu Afghanistan, nửa dòng máu Pháp?
NW: Vâng, mẹ tôi là người Pháp. Bà là người Paris.
EB: Nhưng mẹ bà lại gặp cha bà ở Kabul. Bà được sinh ra tại đó.
NW: Vâng. Cha mẹ tôi gặp nhau năm 1927. Tại một buổi tiệc tối trọng thể ở Cung điện Hoàng gia. Mẹ tôi tháp tùng cha mình - tức ông ngoại tôi, ông tôi được cử tới Kabul để cố vấn cho vua Amanullah về vấn đề cải tổ. Anh có nghe nói nhiều đến ông ấy không, vua Amanullah ấy?
Chúng tôi đang ngồi trong phòng khách căn hộ nhỏ bé của Nila Wahdati trên tầng ba mươi của một khu chung cư tại thị trấn Courbevoie, ngay ở Tây Bắc Paris. Căn phòng nhỏ, ánh sáng tù mù, được trang trí sơ sài: một chiếc sofa bọc da màu nghệ tây, một bàn cà phê, hai giá sách cao nghệu. Bà ngồi quay lưng ra cửa sổ đã được mở sẵn để bay khói thuốc lá mà bà vẫn hút thường xuyên.
Nila Wahdati nói rằng bà bốn mươi bốn tuổi. Bà là một phụ nữ đặc biệt thu hút, có lẽ đã qua thời xuân sắc nhưng nét đẹp chưa phai mờ bao nhiêu. Gò má cao quý phái, làn da đẹp, bờ eo mảnh mai. Bà có một đôi mắt thông minh, lả lơi, và ánh nhìn thấu suốt khiến ai bị chiếu tướng cũng cảm thấy bị soi xét, đánh giá, mê hoặc và trêu đùa cùng lúc. Tôi ngờ rằng đôi mắt ấy vẫn là thứ công cụ quyến rũ đáng gờm. Bà để mặt mộc, chỉ thoa mỗi son môi, viền môi có một vết lem nhỏ. Bà quàng tấm khăn vuông rủ xuống lông mày, áo tím nhạt với quần jean, không giày, không tất. Dù mới mười một giờ trưa, bà đã rót chai rượu Chardonnay chưa được ướp lạnh. Bà ân cần mời tôi một ly nhưng tôi từ chối.
NW: Ông ấy là vị vua tốt nhất họ từng có.
Tôi thấy thú vị với cách lựa chọn đại từ nhân xưng này.
EB: “Họ”? Bà không coi mình là người Afghanistan sao?
NW: Hãy nói là tôi đã ly hôn với nửa bản thân rắc rối hơn rồi.
EB: Tôi tò mò là sao lại như vậy đấy.
NW: Nếu ông ấy thành công, ý tôi là vua Amanullah ấy, có lẽ tôi đã trả lời câu hỏi của anh khác đi rồi.
Tôi yêu cầu bà giải thích.
NW: Anh biết không, một sáng ông ấy thức dậy, nhà vua ấy, và công bố kế hoạch cải tổ đất nước - một cách đầy miễn cưỡng, nếu cần - thành một quốc gia mới mẻ và được khai sáng. Có trời chứng giám! Ông ấy nói. Không còn phải đeo mạng che mặt nữa, ví dụ thế. Tưởng tượng mà xem, Monsieur* Boustouler, một phụ nữ ở Afghanistan bị bắt vì mặc burqa*. Khi phu nhân của ông ấy, hoàng hậu Soraya, xuất hiện trước công chúng với khuôn mặt để trần? Oh là là. Lá phổi của các giáo sĩ phập phồng với những nhịp thở gấp, đủ để thổi bay hàng ngàn chiếc khinh khí cầu Hindenburg. Và không còn chế độ đa thê nữa, ông ấy nói! Chuyện này, anh hiểu không, ở một đất nước nơi các vị vua có hàng đàn thê thiếp và không thèm để mắt đến phần lớn lũ trẻ mà họ đã nông nổi sinh ra. Từ giờ trở đi, ông ấy tuyên bố, không người đàn ông nào có thể cưỡng ép một phụ nữ kết hôn. Và không còn tục lệ của hồi môn nữa, hỡi những phụ nữ dũng cảm của Afghanistan, cũng chẳng còn tảo hôn. Và quan trọng hơn: Tất cả sẽ được đi học.
EB: Ông ấy thật là người nhìn xa trông rộng.
NW: Hoặc là một kẻ ngốc. Bản thân tôi luôn thấy ranh giới đó mong manh đến nguy hiểm.
EB: Vậy chuyện gì xảy ra với ông ấy?
NW: Câu trả lời đáng buồn như dự đoán, thưa Monsieur Boustouler. Cuộc chiến Hồi giáo, tất nhiên. Họ tuyên bố một cuộc chiến Hồi giáo với ông ấy, các giáo sĩ, các tộc trưởng. Hãy hình dung cả nghìn nắm đấm hướng thẳng lên trời. Nhà vua đã dịch chuyển trái đất, anh thấy đấy, nhưng ông ấy lại bị bao quanh bởi một đại dương những kẻ cuồng tín, mà anh biết rõ chuyện gì xảy ra khi lòng đại dương chấn động rồi đấy. Một cơn sóng thần của phe nổi loạn râu rậm ập xuống nhà vua tội nghiệp và cuốn trôi ông ấy đi trong cơn vẫy vùng bất lực, hất tung ông ấy ra ngoài khơi Ấn Độ, rồi đến Italia, và cuối cùng là Thụy Sĩ, nơi ông ấy bò ra khỏi đống bùn nhơ và chết như một ông lão tha hương với giấc mộng vỡ tan tành.
EB: Thế còn đất nước vừa đi qua cảnh đó thì sao? Theo tôi thấy thì nó không hợp với bà lắm.
NW: Nói ngược lại thì cũng đúng như nhau.
EB: Thế nên năm 1955 bà chuyển tới Pháp.
NW: Tôi chuyển tới Pháp vì muốn cứu con gái mình khỏi một cuộc đời nào đó.
EB: Cuộc đời nào đó là như thế nào?
NW: Tôi không muốn con bé, trái với nguyện vọng và bản chất của nó, biến thành kiểu phụ nữ u buồn, chịu thương chịu khó, cả đời gò lưng âm thầm hầu hạ người khác, mãi mãi sống trong nỗi sợ hãi nhỡ mình thể hiện, nói, hoặc làm điều gì sai. Những phụ nữ được ngưỡng mộ bởi một số người phương Tây - tại nước Pháp này chẳng hạn - biến thành những nữ anh hùng vì sống kham khổ, được đám người không thể sống nổi trong cảnh đó dù chỉ một ngày ngưỡng mộ từ xa. Những người phụ nữ thấy khao khát của mình bị dập tắt và giấc mơ bị từ bỏ, chưa hết - đây mới là phần tệ nhất này, Monsieur Boustouler - nếu anh gặp họ, họ mỉm cười và vờ như mình không có nỗi âu lo nào cả. Như thể họ đang sống một cuộc sống đáng ghen tị vậy. Nhưng nhìn kỹ, anh sẽ thấy sự bất lực, nỗi tuyệt vọng, và nó đã lật tẩy hết cái vẻ hạnh phúc mà họ tỏ ra như thế nào. Thật đáng thương, Monsieur Boustouler ạ. Tôi không muốn chuyện đó xảy ra với con gái mình.
EB: Có lẽ cô ấy hiểu hết những điều này?
Bà châm một điếu thuốc nữa.
NW: Ừm, con cái có bao giờ được như chúng ta mong đợi đâu, Monsieur Boustouler.
Ông, Ngài (tiếng Pháp trong nguyên bản).
Một loại áo dài của phụ nữ Afghanistan, có phần vải để trùm lên đầu, chỉ để hở đôi mắt.
Trong phòng cấp cứu, Pari được một y tá cáu bẳn hướng dẫn đợi bên bàn đăng ký, gần một cái giá có bánh xe chất đầy bảng kẹp hồ sơ và biểu đồ. Pari ngạc nhiên khi thấy có những người tình nguyện dành những năm tháng tuổi trẻ để khổ luyện thành thứ nghề đưa họ vào một nơi như thế này. Cô không tài nào hiểu nổi. Cô ghê sợ bệnh viện. Cô ghét nhìn thấy mọi người trong tình trạng thảm hại nhất, mùi bệnh tật, những băng ca kẽo kẹt, hành lang treo những bức tranh buồn tẻ, tiếng loa không ngớt trên đầu.
Bác sĩ Delaunay hóa ra trẻ hơn Pari nghĩ. Anh có chiếc mũi thanh mảnh, khuôn miệng hẹp, những lọn tóc xoăn tít. Anh dẫn cô ra khỏi phòng cấp cứu, qua những đôi cửa xoay, vào hành lang chính.
“Khi mẹ cô đến đây,” anh nói bằng giọng bí mật, “bà ấy khá say… Cô xem ra không ngạc nhiên lắm.”
“Không đâu.”
“Mấy y tá hộ lý cũng vậy. Người ta nói bà ấy khám chịu ở đây mấy lần. Tôi là người mới, nên tất nhiên là chưa bao giờ có vinh dự ấy.”
“Tình hình tệ đến đâu ạ?”
“Bà ấy khá cáu kỉnh,” anh đáp. “Và, tôi nên nói là, hơi cường điệu hóa một tí.”
Họ cùng toét miệng cười trong thoáng chốc.
“Mẹ tôi sẽ ổn chứ?”
“Vâng, chóng thôi,” bác sĩ Delaunay nói. “Nhưng tôi phải khuyến cáo, và nhấn mạnh một chút rằng bà ấy phải hãm chuyện uống rượu lại. Lần này bà ấy may mắn đấy, nhưng ai dám nói lần sau…”
Pari gật đầu. “Mẹ tôi ở đâu?”
Anh dẫn cô trở lại phòng cấp cứu rồi đến một chỗ gần đó. “Giường số ba. Tôi sẽ quay lại ngay để chỉ dẫn cho cô những điều cần lưu ý khi xuất viện nhé.”
Pari cảm ơn anh rồi tiến về phía giường bệnh của mẹ.
“Salut*, Maman.”
Cách chào thân mật trong tiếng Pháp.
Maman mỉm cười vẻ mỏi mệt. Tóc bà bù xù, tất đi không cùng đôi. Trán bà được băng lại, và thứ chất lỏng không màu nhỏ giọt qua ống dẫn nối với tay trái bà. Bà mặc ngược bộ đồ bệnh nhân và không thắt dây chỉn chu. Bộ đồ hơi hở ra phía trước, làm Pari thấy thấp thoáng một đường dọc dày thẫm của vết sẹo do mổ đẻ trước đây của mẹ cô. Mấy năm trước cô có lần hỏi mẹ rằng sao bà không phải chịu một vết sẹo ngang thông thường và Maman giải thích các bác sĩ đã đưa ra một lý do kỹ thuật nào đó mà khi ấy bà chẳng còn nhớ nữa. Quan trọng là, bà nói, họ đã cứu mình.
“Mẹ làm hỏng buổi tối của con rồi,” Maman thều thào.
“Tai nạn thôi mà. Con đến để đưa mẹ về nhà.”
“Mẹ có thể ngủ cả một tuần mất.”
Mắt bà lờ đờ khép lại, nhưng bà vẫn tiếp tục nói với giọng uể oải, chậm chạp. “Mẹ chỉ đang ngồi xem ti vi thôi. Mẹ thấy đói. Mẹ bèn vào bếp lấy ít bánh mì và mứt cam. Mẹ trượt chân. Mẹ không rõ trượt như thế nào hay trượt phải cái gì, nhưng lúc ngã đầu mẹ đập vào tay nắm cửa lò nướng. Có lẽ mẹ bị ngất một hai phút. Ngồi xuống đi Pari. Bóng con che hết ánh sáng rồi.”
Pari ngồi xuống. “Bác sĩ bảo là mẹ đã uống rượu.”
Maman hé một mắt. Tần suất bà ghé thăm bác sĩ trở nên quá nhiều chỉ vì bởi bà ghét họ. “Cậu chàng đấy hả? Cậu ta nói thế à? Le petit salaud*. Cậu ta thì biết cái gì? Miệng còn hôi sữa kia kìa.”
Thằng nhóc láo toét (tiếng Pháp).
“Lúc nào mẹ cũng đùa. Cứ hễ con khơi chuyện ấy ra.”
“Mẹ mệt rồi, Pari à. Con trách mẹ lúc khác đi. Cái cột nhục hình chả đi đâu đâu.”
Giờ thì bà chìm vào giấc ngủ thật. Ngáy khò khò, một cách thiếu duyên dáng, như bà vẫn làm chỉ sau khi say túy lúy.
Pari ngồi trên chiếc ghế cạnh giường đợi bác sĩ Delaunay, hình dung Julien bên bàn ăn mờ tỏ, thực đơn trong tay, giải thích cơn khủng hoảng với Christian và Aurelie qua những ly rượu Bordeaux chân thon dài. Anh đã đề nghị đưa cô đến bệnh viện, nhưng với vẻ chiếu lệ. Chỉ là hình thức mà thôi. Dù gì đến đây cũng chẳng phải ý hay. Khi nãy, bác sĩ Delaunay mà nghĩ mình đã trông thấy một màn kịch quá cường điệu thì nếu họ cùng đến đây… Tuy nhiên, kể cả anh không đi cùng cô, Pari mong anh cũng không đi ăn tối mà thiếu cô. Cô vẫn hơi sốc trước cách xử sự của anh. Anh có thể giải thích chuyện đó với Christian và Aurelie. Họ có thể chọn một đêm khác, đổi lịch đặt chỗ. Nhưng Julien lại đi. Đó không chỉ là vô tâm thôi đâu. Có gì đó ác ý trong cách hành xử của anh, cố tình, dứt khoát. Việc anh có khả năng đó Pari đã biết một thời gian rồi. Gần đây cô băn khoăn liệu có phải anh cũng có sở thích làm như vậy không.
Chính trong một căn phòng cấp cứu chẳng khác gì căn phòng này, Maman đã gặp Julien lần đầu tiên. Chuyện xảy ra cách đây mười năm, vào năm 1963, hồi Pari mười bốn tuổi. Anh đưa một đồng nghiệp mắc chứng đau nửa đầu đến khám. Còn Maman đưa Pari, khi ấy là bệnh nhân, bị bong gân mắt cá chân nghiêm trọng trong giờ thể dục ở trường, vào viện. Pari đang nằm trên băng ca thì Julien đẩy ghế vào phòng và bắt chuyện với Maman. Pari không nhớ lúc ấy họ nói những gì. Nhưng cô nhớ rõ Julien đã nói, “Paris - giống tên thành phố ạ?” Và Maman đáp lại một câu quen thuộc, “Không, không có s đâu. Nó có nghĩa là ‘nàng tiên’ trong tiếng Farsi.”
Cuối tuần đó, họ đã cùng anh ăn tối trong một đêm mưa ở một quán nhỏ bên kia đại lộ Saint-Germain. Lúc ở căn hộ, Maman cứ lưỡng lự mãi không biết nên mặc gì, cuối cùng chọn một chiếc váy xanh dương nhạt ôm sát eo, găng tay buổi tối, và giày cao gót mũi nhọn. Và kể cả sau đó, trong thang máy, bà vẫn hỏi Pari, “Trông không quá gợi cảm đấy chứ? Con nghĩ sao?”
Trước bữa ăn họ hút thuốc, cả ba người bọn họ, Maman và Julien uống bia trong những chiếc cốc vại đá lạnh. Họ uống hết một chầu, Julien gọi thêm chầu hai, và cả chầu ba nữa. Julien, vận sơ mi trắng, cà vạt, và áo khoác ca rô buổi tối, có phong cách lịch sự điềm đạm của một người đàn ông được nuôi dạy tử tế. Anh mỉm cười thoải mái và cười lớn đầy tự nhiên. Anh có một nhúm tóc bạc ở hai bên thái dương, điều mà Pari đã không nhận ra dưới ánh đèn lờ mờ của phòng cấp cứu, và cô ước chừng anh bằng tuổi Maman. Anh rất hiểu biết về những vấn đề thời sự và có lúc nói về việc De Gaulle phản đối việc Anh gia nhập Thị trường Chung*, suýt nữa biến nó trở thành một câu chuyện thú vị trước sự ngạc nhiên của Pari. Chỉ khi Maman hỏi anh mới tiết lộ rằng mình dạy Kinh tế học ở Đại học Sorbonne.
Tổng thống Pháp Charles de Gaulle trong thời gian tại vị (1959-1969) từng hai lần phản đối việc Anh gia nhập Thị trường Chung châu Âu.
“Giáo sư? Hào nhoáng quá.”
“Ồ, không hề,” anh nói. “Lúc nào chị thử dự thính nhé. Sẽ giúp chị xóa bỏ cái định kiến ấy nhanh thôi.”
“Có lẽ tôi sẽ thử.”
Pari thấy Maman đã ngà ngà say.
“Có lẽ hôm nào tôi sẽ thử lẻn vào. Xem anh hành nghề ra sao.”
“Hành nghề? Chị hãy nhớ lại là tôi dạy lý thuyết kinh tế nhé, Nila. Nếu chị có đến, chị chỉ thấy sinh viên nghĩ tôi là đồ hâm dở thôi.”
“Ừm, tôi không tin đâu.”
Pari cũng vậy. Cô đoán có cả đống sinh viên muốn ngủ với Julien. Trong suốt bữa ăn, cô cẩn thận không để bị bắt gặp mình đang nhìn anh. Anh có khuôn mặt điển hình trong một bộ phim Noir*, một khuôn mặt được quay chỉ với hai màu đen trắng, in những cái bóng song song của tấm mành ngang, một làn khói thuốc cuộn tròn bên cạnh. Một lọn tóc hình dấu ngoặc đơn rủ xuống lông mày anh, chưa bao giờ duyên dáng đến thế - có lẽ là quá ư duyên dáng. Nếu như, thực sự, nó có vô tình buông rủ, Pari thấy anh cũng chẳng buồn vuốt lại.
Thuật ngữ điện ảnh trong tiếng Pháp, chỉ thể loại phim hình sự đen trắng của Hollywood ra đời từ thập niên bốn mươi.
Anh hỏi Maman về hiệu sách nhỏ mà bà sở hữu và quản lý. Nó nằm bên kia sông Seine, đi qua cầu Arcole.
“Chị có sách viết về nhạc jazz không?”
“Bah oui*,” Maman đáp.
Đương nhiên (tiếng Pháp).
Bên ngoài mưa to hơn, và quán ăn càng lúc càng huyên náo. Người phục vụ mang bánh phô mai và giăm bông xiên đến xong, Maman và Julien lại chuyện trò mải miết về Bud Powell, Sonny Stitt, Dizzy Gillespie, và nghệ sĩ nhạc jazz Julien yêu thích nhất, Charlie Parker. Maman kể với Julien rằng bà thích phong cách West Coast của Chet Baker và Miles Davis hơn, hỏi anh đã nghe bản Kind of Blue chưa? Pari ngạc nhiên khi thấy Maman lại thích nhạc jazz nhiều đến thế và bà biết rõ nhiều nhạc sĩ khác nhau tới vậy. Cô ngỡ ngàng, không phải lần đầu tiên, bởi niềm ngưỡng mộ trẻ thơ dành cho Maman lẫn cảm giác bất an rằng cô không thực sự hiểu hết về mẹ mình. Điều không ngạc nhiên là sức quyến rũ tự nhiên và trọn vẹn của Maman với Julien. Maman rất thoải mái. Bà chưa bao giờ gặp khó khăn trong việc thu hút đàn ông. Bà hớp hồn đàn ông.
Pari nhìn Maman lẩm nhẩm tinh nghịch, khúc khích cười trước những câu chuyện tếu táo của Julien, nghiêng nghiêng đầu, lơ đãng xoắn lọn tóc. Cô lại ngỡ ngàng khi thấy Maman trẻ và đẹp đến vậy - Maman, người chỉ hơn cô hai mươi tuổi. Mái tóc đen dài, vòm ngực đầy, đôi mắt thu hút, khuôn mặt sáng bừng với những đường nét quý tộc cổ điển khiến ta choáng ngợp. Pari lại càng ngỡ ngàng khi thấy mình ít giống Maman đến thế, với cặp mắt nhạt màu nghiêm nghị, chiếc mũi dài, nụ cười với răng cửa thưa, và bầu ngực nhỏ xíu. Nếu cô có chút nhan sắc nào, thì lại nghiêng về vẻ giản dị trần tục hơn. Ở bên mẹ Pari luôn nhớ rằng ngoại hình của cô được dệt nên từ một tấm vải xoàng xĩnh. Đôi khi, chính Maman là người nhắc cô điều đó, dù luôn ẩn giấu trong vô vàn lời khen kiểu con ngựa thành Troy*.
Kế sách quân đội Hy Lạp sử dụng để chiến thắng trong cuộc chiến thành Troy. Quân đội Hy Lạp làm một con ngựa gỗ khổng lồ, bên trong chứa đầy lính để ngụy trang thành quà tặng quân Troy. Nhân lúc kẻ địch bất cẩn, binh lính Hy Lạp đã tràn ra, đánh chiếm thành Troy.
Bà sẽ nói, Con thật may mắn, Pari à. Con không phải làm việc cật lực để được đàn ông nhìn nhận nghiêm túc. Họ sẽ chú ý đến con. Xinh đẹp quá sẽ hủy hoại mọi thứ. Bà sẽ cười. Ồ, nghe mẹ này. Mẹ không có ý nói là mẹ rút kinh nghiệm từ bản thân đâu. Tất nhiên là không. Chỉ là quan sát thôi.
Ý mẹ là con không xinh đẹp.
Ý mẹ là con không muốn như vậy đâu. Với cả, con xinh mà, như thế là quá đủ rồi. Je t’assure, ma cherie*. Thậm chí còn tốt hơn.
Mẹ đảm bảo đấy, con yêu (tiếng Pháp).
Cô cũng không giống cha lắm, Pari tin thế. Ông là một người đàn ông cao lớn với khuôn mặt khó đăm đăm, vầng trán cao, cằm hẹp, môi mỏng. Pari có giữ vài bức ảnh của ông trong phòng riêng từ thuở cô còn thơ bé trong căn nhà ở Kabul. Ông đổ bệnh vào năm 1955 - thời điểm mà Maman và cô chuyển đến Paris - và mất không lâu sau đó. Đôi khi Pari thấy mình nhìn chằm chằm vào một bức ảnh cũ của cha, cụ thể là bức đen trắng chụp hai người bọn họ, cô và cha, đứng trước một chiếc ô tô cũ của Mỹ. Ông dựa vào thanh chắn bùn, ôm cô trong vòng tay, cả hai đều mỉm cười. Cô nhớ có lần ngồi bên ông trong khi ông vẽ những chú hươu cao cổ và khỉ đuôi dài cho cô lên cạnh tủ quần áo. Ông để cô tô màu một chú khỉ, nắm tay cô, kiên nhẫn hướng dẫn cô vẽ những nét màu.
Nhìn thấy khuôn mặt cha trong ảnh khơi lên trong lòng Pari một cảm giác xưa cũ, một cảm giác mà cô đã có từ lâu. Rằng cuộc đời cô thiếu vắng một thứ gì đó, hay ai đó, hết sức căn bản với sự tồn tại của chính cô. Đôi khi nó thật mơ hồ, như một tin nhắn được gửi qua những nhánh đường âm u bóng râm và khoảng cách mênh mông, một tín hiệu yếu ớt trên mặt radio, xa xôi, lạo xạo. Có những lúc nó lại trở nên quá rõ ràng, sự thiếu vắng ấy, gần gũi sâu sắc đến độ khiến lòng cô khắc khoải. Như lần ở Provence hai năm trước, khi Pari thấy một cây sồi khổng lồ bên ngoài một căn nhà nông trại. Lần khác ở vườn Tuileries khi cô nhìn một bà mẹ trẻ kéo con trai trong chiếc xe kéo màu đỏ nhỏ xinh. Pari không hiểu. Cô từng đọc một câu chuyện về một người đàn ông trung niên Thổ Nhĩ Kỳ bỗng nhiên rơi vào trầm cảm nặng nề khi người anh sinh đôi mà ông chưa từng biết có tồn tại trên đời bị lên cơn đau tim chí tử trong lúc du ngoạn bằng ca nô ở rừng mưa Amazon. Đó là diễn giải gần với những gì cô cảm thấy nhất mà cô từng nghe được.
Cô đã có lần kể cho Maman nghe chuyện đó.
Ừm, có gì bí ẩn đâu, mon amour*, Maman nói. Con nhớ cha con. Ông ấy đã đi xa khỏi cuộc đời con. Con cảm thấy thế thì cũng tự nhiên thôi mà. Tất nhiên là vậy. Lại đây. Thơm Maman một cái nào.
Con yêu (tiếng Pháp).
Câu trả lời của mẹ cô hợp lý một cách hoàn hảo nhưng cũng không thỏa đáng. Pari tin chắc cô sẽ cảm thấy trọn vẹn hơn nếu cha cô còn sống, nếu ông vẫn ở bên cô. Nhưng cô cũng nhớ mình đã có cảm giác ấy ngay cả khi còn nhỏ, sống với cha mẹ trong ngôi nhà lớn ở Kabul.
Một lát sau khi dùng xong bữa, Maman xin phép vào nhà vệ sinh, để lại Pari một mình với Julien trong ít phút. Họ nói chuyện về bộ phim Pari xem tuần trước, bộ phim có Jeanne Moreau đóng vai con bạc, rồi về trường học và âm nhạc nữa. Khi cô nói, anh chống khuỷu tay lên bàn và hơi ngả về phía cô, thích thú lắng nghe, vừa mỉm cười vừa nhíu mày, không hề rời mắt khỏi cô. Diễn đấy, Pari tự nhủ, anh ấy chỉ giả vờ thôi. Một màn diễn bóng bẩy, một hành động mà anh đem ra thể hiện với phụ nữ, một việc mà anh chọn làm do tình thế thôi thúc, để đùa giỡn với cô trong giây lát và lấy cô mua vui cho chính mình. Ấy thế mà, dưới ánh nhìn chăm chú của anh, cô không thể ngăn mạch mình đập nhanh và bụng thắt lại. Cô thấy mình nói với giọng tinh tế đầy giả tạo, cái tông giọng lố bịch chẳng giống chút nào với lối nói bình thường của cô. Cô biết mình đang làm gì mà không thể ngừng lại được.
Anh kể với cô rằng anh đã từng kết hôn, một cuộc hôn nhân ngắn ngủi.
“Thật ạ?”
“Mấy năm trước. Năm anh ba mươi tuổi. Hồi ấy anh sống ở Lyon.”
Anh đã lấy một người phụ nữ hơn tuổi. Cuộc hôn nhân kéo dài không lâu vì cô ta có tính chiếm hữu quá cao. Julien không tiết lộ điều này lúc Maman còn ngồi ở bàn ăn. “Đấy là mối quan hệ thể xác, thực sự thế,” anh nói. “C’était complètement sexuelle*. Cô ta muốn sở hữu anh.” Anh vừa nhìn cô vừa nói, miệng thấp thoáng nụ cười nổi loạn, cẩn trọng xem xét phản ứng của cô. Pari châm một điếu thuốc, ra vẻ điềm thản, tựa diễn viên Bardot, kiểu như mấy chuyện này đàn ông nói suốt với cô rồi. Nhưng trong lòng cô cảm thấy run rẩy. Cô biết một hành động phản bội nho nhỏ vừa diễn ra bên bàn ăn. Một điều gì đó tuồng như sai trái, không hoàn toàn vô hại nhưng rõ ràng là đầy kích động. Khi Maman quay lại, tóc bới kiểu khác, son môi giặm thêm, khoảnh khắc vụng trộm vỡ tan, và Pari thoáng ghét Maman vì đã xen vào, cái cảm giác mà ngay sau đó bị nỗi hối hận lấn át.
Hoàn toàn chỉ là chuyện tình dục (tiếng Pháp).
Cô gặp lại anh khoảng một tuần sau đó. Buổi sáng hôm ấy, cô mang một bát cà phê đến phòng Maman. Cô thấy anh ngồi bên giường Maman, lên dây đồng hồ đeo tay. Cô không biết anh đã qua đêm ở đây. Cô phát hiện ra anh từ hành lang, qua khe cửa hẹp. Cô đứng đó, chân chôn xuống đất, chiếc bát trong tay, miệng có cảm giác như vừa nuốt phải một cục bùn khô, và cô nhìn anh, làn da lưng không tì vết, chút mỡ bụng, khoảng tối giữa hai chân bị che khuất một phần bởi lớp ga giường nhàu nhĩ. Anh đeo đồng hồ vào, vươn người lấy điếu thuốc trên chiếc tủ đầu giường, châm lửa, rồi thản nhiên lia ánh mắt về phía cô như thể đã biết cô ở đó ngay từ đầu. Anh trao cho cô một nụ cười mím môi. Rồi có tiếng Maman vọng ra từ phòng tắm, và Pari bèn quay bước. Thật kỳ diệu là bát cà phê đã không làm cô bị bỏng.
Maman và Julien cặp với nhau khoảng sáu tháng. Họ thường xuyên đi xem phim, tới bảo tàng, những phòng tranh nhỏ trưng bày tác phẩm của những họa sĩ vô danh chật vật xoay xở với những cái tên ngoại quốc. Một dịp cuối tuần, họ lái xe đến bãi biển ở Arcachon, gần Bordeaux, rồi quay về với khuôn mặt rám nắng và một thùng rượu vang đỏ. Julien đưa bà tới những sự kiện của trường anh, còn Maman mời anh tới những buổi đọc sách của tác giả tại hiệu sách. Ban đầu Pari cũng đi cùng - Julien bảo Maman làm thế, và việc này có vẻ làm bà vui lòng - nhưng chẳng mấy chốc cô bắt đầu tìm cớ ở nhà. Cô không đi, không thể đi. Như vậy thật quá sức chịu đựng. Cô mệt quá, cô nói vậy, nếu không thì cũng là cảm thấy khó ở. Cô sẽ tới nhà Collette bạn cô để học nhóm, cô nói. Bạn cô từ hồi lớp hai, Collette là một cô gái gầy guộc, yếu ớt với mái tóc mềm rũ và cái mũi trông như mỏ quạ. Cô thích làm người khác choáng, và hay nói những điều khiếm nhã, gây sốc.
“Tớ cá là anh ta thất vọng đấy,” Collette nói. “Vì cậu không đi cùng hai người bọn họ.”
“Ừm, nếu có thì anh ấy cũng chẳng thừa nhận đâu.”
“Còn lâu anh ta mới thừa nhận. Mẹ cậu sẽ nghĩ gì chứ?”
“Nghĩ gì?” Pari hỏi, dù cô thừa biết. Cô biết, nhưng cô muốn nghe điều đó được nói ra.
“Nghĩ gì á?” Giọng Collette nghe láu lỉnh, đầy hào hứng. “Rằng anh ta ở bên mẹ cậu để tiếp cận cậu. Rằng đó chính là điều anh ta muốn.”
“Ghê quá,” Pari nói, lòng rộn lên.
“Hoặc có lẽ anh ta muốn cả hai. Có lẽ anh ta thích đông người trên giường cho vui. Trong trường hợp này, nhờ cậu nói tốt cho tớ vài câu.”
“Cậu tởm quá, Collette.”
Đôi khi vào những lúc Maman và Julien đi hẹn hò, Pari mình trần đứng trong hành lang, ngắm mình qua chiếc gương dài. Cô thấy những khuyết điểm trên cơ thể mình. Quá cao, cô nghĩ, dáng quá xấu, quá là… tốt gỗ. Cô chẳng được thừa hưởng chút đường cong mê hoặc nào của mẹ. Đôi khi cô đi như vậy, trên người không mảnh vải, vào phòng mẹ và nằm xuống chiếc giường mà cô biết Maman và Julien vẫn ân ái với nhau. Pari trần trụi nằm đó với đôi mắt nhắm nghiền, tim đập rộn, chìm vào lơ đãng, thứ gì đó như cảm giác râm ran lan khắp ngực cô, bụng cô, và còn xuống thấp hơn nữa.
Tất nhiên rồi cũng kết thúc. Họ kết thúc, Maman và Julien. Pari nhẹ nhõm nhưng không ngạc nhiên. Cuối cùng thì đàn ông vẫn mất Maman. Họ mãi mãi không với tới nổi sự lý tưởng mà Maman kỳ vọng ở họ. Cái gì bắt đầu bằng nồng nàn và đam mê thì luôn kết thúc bằng những câu buộc tội cộc lốc và những lời lẽ căm hờn, với sự thịnh nộ và những cơn nức nở cùng đám bát đĩa bay vèo vèo và sự sụp đổ. Kịch tính đỉnh điểm. Maman không thể bắt đầu hoặc kết thúc một mối quan hệ mà không gây ồn ào thái quá.
Tiếp đến là một giai đoạn có thể đoán trước được khi Maman bỗng nhiên thấy muốn ở một mình. Bà sẽ nằm trên giường, mặc chiếc áo khoác mùa đông cũ kỹ bên ngoài bộ đồ ngủ, một sự hiện diện mỏi mệt, buồn thảm, u ám trong căn hộ. Pari biết phải để bà yên. Những nỗ lực an ủi hay bầu bạn của cô không được chào đón. Tình trạng đó kéo dài hàng tuần, cái tâm trạng ủ rũ đó. Với Julien thì còn lê thê hơn nhiều.
“Ah, merde!*” giờ Maman thốt lên.
Ôi, chết tiệt! (tiếng Pháp).
Bà ngồi dậy, vẫn mặc bộ đồ bệnh nhân. Bác sĩ Delaunay đã đưa cho Pari giấy xuất viện, một y tá đang tháo ống truyền khỏi tay Maman.
“Chuyện gì vậy ạ?”
“Mẹ vừa nhớ ra. Hai ngày nữa mẹ có cuộc phỏng vấn.”
“Phỏng vấn ạ?”
“Một bài chuyên đề cho một tạp chí thơ.”
“Tuyệt quá, Maman ơi.”
“Họ sẽ đăng kèm một tấm ảnh với bài báo.” Bà chỉ vào những vết khâu trên trán.
“Con chắc là mẹ sẽ tìm ra cách giấu nó đi thật khéo thôi,” Pari nói.
Maman thở dài, quay đi. Khi cô y tá rút mũi kim ra, Maman nhăn mặt và mắng cô với lời lẽ quá đáng khó nghe.
TRÍCH TỪ “TIẾNG HÓT AFGHANISTAN”,
BÀI PHỎNG VẤN NILA WAHDATI
DO ÉTIENNE BOUSTOULER THỰC HIỆN
Parallaxe số 84 (MÙA ĐÔNG NĂM 1974), TR. 36
Tôi nhìn quanh căn hộ lần nữa và bị thu hút bởi một bức ảnh lồng khung trên giá sách. Đó là ảnh một cô bé ngồi xổm giữa đống cây bụi, mải mê hái thứ gì đó, hình như là một loại dâu. Cô bé mặc áo màu vàng tươi, cài khuy tới tận cổ, tương phản với màu trời xám sẫm ảm đạm trên đầu. Phía sau là một căn nhà nông trại bằng đá với những cánh cửa chớp đóng kín và những tấm ván lợp tả tơi. Tôi hỏi bà về bức ảnh.
NW: Con gái tôi đấy, Pari. Giống tên thành phố nhưng không có chữ s. Có nghĩa là “nàng tiên”. Bức ảnh này chúng tôi chụp trong chuyến đi tới Normandy, hai mẹ con tôi. Hình như là hồi năm 1957. Chắc con bé tám tuổi.
EB: Cô ấy sống ở Paris ạ?
NW: Nó học Toán ở Đại học Sorbonne.
EB: Hẳn là bà tự hào lắm.
Bà mỉm cười nhún vai.
EB: Tôi hơi ngạc nhiên bởi lựa chọn nghề nghiệp của cô ấy, trong khi bà lại cống hiến hết mình cho nghệ thuật như vậy.
NW: Tôi không biết con bé có được khả năng ấy từ đâu. Tất cả đám công thức và lý thuyết khó hiểu đó. Có lẽ với nó thì chẳng có gì khó hiểu cả. Tôi thì hầu như chả biết nhân.
EB: Có lẽ đó là cách nổi loạn của cô ấy. Bà có kinh nghiệm về chuyện nổi loạn mà, tôi nghĩ thế.
NW: Phải, nhưng tôi nổi loạn đúng cách. Tôi uống rượu, hút thuốc, yêu đương. Ai lại đi nổi loạn bằng toán học cơ chứ?
Bà cười.
NW: Vả chăng, nếu có thì con bé sẽ là một kẻ nổi loạn vô cớ điển hình. Tôi cho nó mọi sự tự do có thể tưởng tượng được. Nó có mọi thứ, con gái tôi ấy. Nó không thiếu gì cả. Nó đang sống chung với người khác. Anh ta hơi lớn tuổi so với nó. Hấp dẫn tới mức không cần thiết, uyên bác, thú vị. Chăm chút vẻ ngoài điên cuồng, tất nhiên. Cái tôi to bằng cả đất nước Ba Lan.
EB: Bà không ủng hộ chuyện này.
NW: Tôi ủng hộ hay không thì có liên quan gì. Đây là nước Pháp, Monsieur Boustouler ạ, không phải Afghanistan. Không có chuyện cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy đâu.
EB: Con gái bà cũng không có mối liên hệ nào với Afghanistan?
NW: Chúng tôi rời đi năm con bé sáu tuổi. Nó chỉ nhớ được chút ít về quãng thời gian ở đó.
EB: Nhưng bà thì không, hẳn nhiên rồi.
Tôi đề nghị bà kể cho tôi nghe về quãng đời trước đó.
Bà xin phép rời khỏi phòng trong giây lát. Khi quay lại, bà đưa cho tôi một bức ảnh đen trắng nhàu nát, cũ mèm. Một người đàn ông dáng vẻ uy nghiêm, cao lớn, đeo kính, với mái tóc bóng mượt được rẽ ngôi chỉn chu. Ông ngồi đọc sách sau bàn. Ông vận một bộ com lê với ve áo thẳng thớm, áo gi lê hai hàng cúc, sơ mi trắng và nơ bướm.
NW: Cha tôi đấy. 1929. Năm tôi sinh ra.
EB: Cụ nom có vẻ khá xuất chúng.
NW: Ông ấy thuộc giai cấp quý tộc Pashtun ở Kabul. Học vấn cao, phong thái đĩnh đạc, quảng giao nhưng không giao thiệp tùy tiện. Lại còn là một người kể chuyện tài tình nữa. Ít nhất là ở nơi công cộng.
EB: Thế còn những lúc riêng tư thì sao?
NW: Có dám đoán không, Monsieur Boustouler?
Tôi cầm bức ảnh lên nhìn lại lần nữa.
EB: Xa cách, tôi cho là vậy. Nghiêm khắc. Khó đoán. Bảo thủ.
NW: Tôi nhất định phải mời anh uống một ly với tôi. Tôi ghét - không, tôi ghê sợ - chuyện uống một mình.
Bà rót cho tôi một ly Chardonnay. Vì lịch sự, tôi nhấp một ngụm.
NW: Tay ông lạnh lắm, cha tôi ấy. Bất kể thời tiết ra sao. Tay ông lúc nào cũng lạnh. Và lúc nào ông cũng vận com lê, cũng bất kể thời tiết ra sao. Được may đo hoàn hảo, đường li thẳng tắp. Mũ phớt nữa. Cùng với giày tây họa tiết đục lỗ, tất nhiên, hai tông màu. Ngoài ra - điều này mãi sau này tôi mới hiểu thấu - theo một lối giả Âu tự biên tự diễn quả có hơi lố bịch - được bổ sung trọn vẹn, dĩ nhiên rồi, với trò bowling trên cỏ và mã cầu mỗi tuần cùng người vợ Pháp đáng khao khát, tất cả đều được nhà vua cấp tiến trẻ tuổi ủng hộ hết mình.
Bà gảy gảy móng tay và không nói gì một lúc. Tôi lật băng trong máy ghi âm.
NW: Cha tôi ngủ riêng, mẹ con tôi ngủ chung. Phần lớn thời gian, ông ra ngoài ăn trưa với các bộ trưởng và các vị cố vấn cho nhà vua. Nếu không thì cũng đi cưỡi ngựa, chơi mã cầu, hoặc săn bắn. Ông mê săn bắn lắm.
EB: Như vậy là bà không thường thấy mặt cha mình. Cụ là một hình mẫu người cha vắng mặt.
NW: Không hẳn. Cứ hai ngày một lần, ông lại dành vài phút bên tôi. Ông vào phòng tôi và ngồi xuống giường, đó là dấu hiệu để tôi trèo vào lòng ông. Ông giữ tôi nhún nhảy trên đầu gối ông một lúc, không ai trong chúng tôi nói gì, và cuối cùng ông lên tiếng, “Ừm, thế giờ chúng ta làm gì hở Nila?” Đôi khi ông để tôi lấy chiếc khăn tay khỏi túi ngực ông và gấp lại. Tất nhiên tôi chỉ vo tròn rồi nhét nó lại vào túi ông thôi, và ông sẽ giả vờ ngạc nhiên, hành động mà tôi thấy hài hước vô cùng. Và chúng tôi cứ làm thế đến khi ông mệt, cũng chóng lắm. Rồi ông vuốt tóc tôi bằng đôi tay lạnh ngắt và bảo, “Papa phải đi rồi, nai con. Đi đi.”
Bà cầm bức ảnh quay trở lại căn phòng kia rồi quay lại, lấy một bao thuốc mới từ ngăn kéo và châm một điếu.
NW: Đó là biệt danh cha đặt cho tôi. Tôi thích lắm. Tôi từng nhảy tưng tưng quanh vườn - nhà chúng tôi có một khu vườn rộng mênh mông - miệng hò reo, “Tôi là nai con của Papa! Tôi là nai con của Papa!” Mãi đến sau này tôi mới nhận ra cái biệt danh đó gở đến mức nào.
EB: Sao cơ?
Bà mỉm cười.
NW: Cha tôi bắn nai, Monsieur Boustouler ạ.
Họ có thể đi bộ qua vài khối nhà về căn hộ của Maman, nhưng mưa rơi khá nặng hạt. Trong taxi, Maman ngồi cuộn tròn nơi ghế sau, gói mình trong áo mưa của Pari, lặng thinh dõi mắt ra ngoài cửa sổ. Khoảnh khắc này Pari thấy bà thật già nua, già hơn nhiều so với tuổi bốn bốn. Già nua, mong manh, và gầy guộc.
Đã một thời gian rồi Pari không đến căn hộ của Maman. Khi xoay chìa mở cửa vào nhà, cô thấy quầy bếp bừa bãi với những ly rượu bẩn, những gói khoai tây chiên và mì sống mở toang hoác, những chiếc đĩa với đám thức ăn vón cục không rõ là món gì. Một túi giấy nhồi đầy những chai rượu rỗng nằm trên bàn, chênh vênh chực đổ đến nơi. Pari thấy báo rơi vãi dưới sàn nhà, một tờ thấm đầy máu dây ra trước đó trong ngày, và, trên tờ báo, trơ trọi một chiếc tất len hồng. Pari sợ hãi khi thấy không gian sống của Maman lại trong tình trạng thế này. Cùng với đó là cảm giác áy náy. Điều đó, nếu biết Maman, có thể là kết quả được mong đợi. Và rồi cô ghét mình vì đã có suy nghĩ ấy. Đó là điều mà Julien sẽ nghĩ. Bà ấy muốn em cảm thấy tồi tệ. Anh đã nói thế với cô vài lần hồi năm ngoái. Bà ấy muốn em cảm thấy tồi tệ. Khi anh lần đầu nói ra điều đó, Pari cảm thấy nhẹ nhõm, thấy được thấu hiểu. Cô biết ơn anh vì đã nói ra những gì mà cô không thể, hoặc sẽ không thốt ra. Cô nghĩ mình đã tìm thấy một đồng minh. Nhưng, dạo này thì cô băn khoăn. Cô nhận thấy trong những lời lẽ của anh một tia tàn nhẫn. Một sự ác ý khó chịu.
Sàn phòng ngủ vương vãi nào quần áo, đĩa hát, sách, thêm nhiều tờ báo nữa. Trên bậu cửa sổ là nửa cốc nước ngả vàng do đám đầu mẩu thuốc lá lềnh bềnh bên trong. Cô gạt đống sách và tạp chí cũ khỏi giường và đỡ Maman nằm xuống dưới lớp chăn.
Maman ngước nhìn cô, mu bàn tay gác lên chỗ lông mày bị băng bó. Tư thế này khiến bà nom như một nữ diễn viên sắp ngất trong một bộ phim câm.
“Mọi chuyện sẽ ổn phải không Maman?”
“Mẹ không nghĩ vậy,” bà đáp. Lời nói không mang vẻ cầu xin sự chú ý. Maman nói bằng giọng thờ ơ, buồn chán. Nghe mệt mỏi, thành thật, và dứt khoát.
“Mẹ làm con sợ đấy, Maman.”
“Giờ con đi à?”
“Vâng.”
“…”
“Mẹ có muốn con ở lại không?”
“Có.”
“Thế thì con sẽ ở lại.”
“Tắt đèn đi.”
“Maman à?”
“Ơi.”
“Mẹ có uống thuốc không? Mẹ dừng rồi à? Con thấy mẹ dừng rồi thì phải, con lo quá.”
“Đừng lải nhải thế với mẹ nữa. Tắt đèn đi.”
Pari làm theo. Cô ngồi trên mép giường nhìn mẹ chìm vào giấc ngủ. Rồi cô vào bếp bắt tay vào núi việc dọn dẹp. Cô tìm thấy một đôi găng tay và rửa bát trước. Cô rửa những chiếc cốc bốc mùi sữa để chua lâu ngày, những chiếc bát đóng vảy ngũ cốc, những chiếc đĩa đựng thức ăn lấm tấm những mảng mốc xanh mềm. Cô nhớ lại lần đầu tiên rửa bát ở căn hộ của Julien vào buổi sáng sau khi họ trải qua đêm đầu tiên bên nhau. Julien đã làm trứng ốp lết. Cô đã thích công việc nhà đơn giản đó đến thế nào, rửa bát trong bồn nhà anh, trong khi anh chơi một bản nhạc của Jane Birkin trên máy quay đĩa than.
Cô đã nối lại quan hệ với anh vào năm ngoái, năm 1973, sau gần một thập kỷ. Cô tình cờ gặp anh tại một cuộc diễu hành trên phố bên ngoài Đại sứ quán Canada, một cuộc biểu tình của sinh viên nhằm chống lại việc săn hải cẩu. Pari không muốn đi, và cũng phải làm cho xong bài tập hàm phân hình nữa, nhưng Collette cứ lôi cô đi bằng được. Hồi ấy họ sống cùng nhau, một sự sắp xếp ngày càng cho thấy là mang lại sự khó chịu cho cả hai. Collette hút cỏ. Cô đeo băng đô và mặc những chiếc áo trùm mông thùng thình màu hồng đậm thêu hình chim và hoa cúc. Cô dẫn về nhà những gã trai tóc dài nhếch nhác xực đồ ăn của Pari và chơi ghita dở tệ. Collette ở ngoài đường suốt, hò hét, lên án sự tàn nhẫn với động vật, phân biệt chủng tộc, chế độ nô lệ, việc Pháp thử hạt nhân ở Thái Bình Dương. Luôn có những cuộc gọi khẩn trong căn hộ, những người Pari không quen biết lượn lờ ra vào. Và khi chỉ có hai người với nhau, Pari cảm thấy một bầu căng thẳng mới phát sinh giữa họ, vẻ ngông nghênh bên phía Collette, thái độ phản đối cô âm thầm.
“Họ nói dối,” Collette nói vẻ kích động. “Họ nói phương pháp của họ là nhân đạo. Nhân đạo! Cậu có thấy họ dùng cái gì để phang lên đầu chúng không? Mấy cái hakapik* đó. Có những lúc con vật tội nghiệp còn chưa chết, mà lũ khốn cứ móc lưỡi cuốc vào nó và lôi nó ra thuyền. Chúng bị lột da sống, Pari ạ. Sống nguyên!” Cái cách Collette nói từ cuối cùng, cái cách cô nàng nhấn mạnh, khiến Pari muốn thốt lên lời xin lỗi. Vì cái gì, cô không chắc lắm, nhưng cô biết rằng, những ngày đó, ở bên Collette và sự chỉ trích cùng bao cơn giận dữ của cô nàng, cô thấy hơi thở mình như bị rút cạn.
Từ gốc Na Uy, chỉ loại gậy tương tự cuốc chim dùng để săn hải cẩu.
Chỉ khoảng ba mươi người có mặt. Có tin đồn diễn viên Brigitte Bardot sẽ xuất hiện, nhưng té ra tin đồn cũng chỉ là tin đồn. Collette khá thất vọng trước việc này. Cô đã cãi nhau ỏm tỏi với một anh chàng đeo kính gầy nhẳng, nhợt nhạt tên Eric, theo Pari biết là người chịu trách nhiệm tổ chức buổi diễu hành này. Khổ thân Eric. Pari thấy thương cho anh ta. Vẫn giận sôi, Collette dẫn đầu. Pari lê bước theo sau, đi cạnh một cô gái ngực phẳng hò hét những câu khẩu hiệu với vẻ hào hứng sôi nổi. Pari dán mắt vào vỉa hè và cố hết sức để không ai chú ý đến mình.
Đến một góc phố, một người đàn ông vỗ vai cô.
“Trông em có vẻ muốn được giải cứu lắm rồi đấy.”
Anh mặc áo khoác vải tuýt bên ngoài áo len, quần jean, và quàng khăn len. Tóc anh dài hơn, và anh cũng già đi ít nhiều, nhưng thanh lịch, theo cái cách mà một số phụ nữ ở tuổi anh có thể thấy bất công, thậm chí tức tối. Vẫn dáng người thư sinh, cân đối, mấy vết chân chim, thêm ít tóc bạc ở hai bên thái dương, khuôn mặt phảng phất vẻ mệt mỏi.
“Vâng,” cô đáp.
Họ thơm lên má nhau, và khi anh mời cô uống cà phê, cô đã đồng ý.
“Bạn em trông giận dữ quá. Đằng đằng sát khí.”
Pari liếc lại đằng sau, thấy Collette đứng cạnh Eric, vẫn hò hét và vung cao nắm đấm, nhưng lại ngỡ ngàng nhìn chằm chằm vào hai người bọn họ. Pari nén cười - thứ có thể gây nên những thương tổn không thể chữa lành. Cô nhún vai xin lỗi rồi lom khom chuồn đi.
Họ tới một quán cà phê nhỏ và chọn một bàn bên cửa sổ. Anh gọi cà phê và bánh trứng sữa mille-feuille* cho mỗi người. Pari nhìn anh nói chuyện với người bồi bàn bằng giọng uy quyền nhưng thân thiện mà cô còn nhớ rất rõ và khiến lòng cô chộn rộn mỗi khi anh đến đón Maman thuở nào. Cô bỗng cảm thấy ngượng ngùng, về những móng tay cắn nham nhở, khuôn mặt không đánh phấn, những lọn tóc xoăn rũ rượi - cô ước gì đã sấy khô tóc sau khi tắm xong, nhưng khi đó cô đã muộn rồi, còn Collette thì cứ đi đi lại lại như một con vật trong vườn thú.
Ngàn lớp, bánh ngàn lớp là một loại bánh nổi tiếng của Pháp.
“Anh không nghĩ em lại là típ biểu tình đâu nhé,” Julien nói, châm thuốc lá cho cô.
“Đâu có. Là do cảm thấy áy náy, chứ em muốn kết tội ai đâu.”
“Áy náy? Với việc săn hải cẩu á?”
“Với Collette.”
“À. Ra vậy. Em biết đấy, có lẽ anh hơi sợ cô ấy.”
“Ai mà chả thế.”
Họ cười. Anh vươn tay qua bàn chạm vào khăn quàng cổ của cô. Rồi buông tay ra. “Nói em đã lớn thật rồi thì nghe sáo quá, nên anh chẳng nói đâu. Nhưng trông em đẹp mê hồn, Pari ạ.”
Cô bấu vào ve áo mưa. “Gì cơ, trong bộ đồ thám tử này á?” Collette từng nói với cô rằng đó là một thói quen ngớ ngẩn, cái trò hề phản kháng đầy tự ti mà Pari thường làm để cô che giấu sự căng thẳng khi ở bên người đàn ông cô thích. Nhất là khi họ khen cô. Không phải lần đầu tiên, mà cũng còn lâu mới là lần cuối cùng, cô ghen tị với phong thái thoải mái tự nhiên của Maman.
“Rồi anh sẽ nói là em thật xứng đáng với cái tên của mình,” cô nói.
“Ah, non*. Thôi nào. Quá hiển nhiên. Có hẳn một nghệ thuật khen ngợi phụ nữ, em biết mà.”
Ôi không (tiếng Pháp).
“Không. Nhưng em chắc là anh biết.”
Người phục vụ mang bánh và cà phê tới. Pari nhìn chằm chằm vào tay người phục vụ khi anh ta sắp tách và đĩa lên bàn, lòng bàn tay cô đẫm mồ hôi. Mới chỉ có bốn người tình đi qua cuộc đời cô - một con số khiêm tốn, cô biết, nhất là khi so với Maman ở độ tuổi cô, thậm chí cả Collette. Cô quá cẩn trọng, quá nhạy cảm, quá thỏa hiệp và dễ thích nghi, nhìn chung là ổn định và đỡ gây mệt mỏi hơn Maman lẫn Collette. Nhưng đó không phải là những phẩm chất thu hút nhiều đàn ông. Và cô không yêu bất cứ ai trong bọn họ - dù cô nói dối là có - nhưng khi nằm dưới họ, cô cứ nghĩ tới Julien, tới anh và khuôn mặt đẹp của anh, một khuôn mặt dường như tỏa rạng với ánh sáng tự thân của nó.
Anh nói chuyện về công việc của mình trong khi dùng bữa. Anh kể là đã bỏ nghề dạy học một thời gian. Rồi anh đảm trách vấn đề nợ bền vững cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế một vài năm. Ưu điểm của nghề này là được đi nhiều nơi, anh nói.
“Đi đâu?”
“Jordan, Iraq. Rồi anh dành hai năm viết một cuốn sách về các khu vực kinh tế không chính quy.”
“Sách của anh có được xuất bản không?”
“Tin đồn là vậy.” Anh mỉm cười. “Giờ anh làm cho một công ty tư vấn tư nhân tại Paris này.”
“Em cũng muốn được đi nhiều nơi,” Pari nói. “Collette suốt ngày nhai nhải rằng chúng em nên tới Afghanistan.”
“Anh nghĩ mình biết tại sao cô ấy lại muốn đi.”
“Ừm, em nghĩ nhiều đến chuyện đó rồi. Ý em là trở về. Em không quan tâm đến nhựa cần sa, nhưng em rất muốn thăm thú đất nước đó, xem nơi em đã sinh ra. Có lẽ còn tìm lại ngôi nhà xưa mà cha mẹ và em từng sống nữa.”
“Anh không nhận ra là em lại bị thôi thúc như vậy đấy.”
“Em tò mò mà. Ý em là, em nhớ được ít quá.”
“Hình như có lần em từng nói về người đầu bếp gia đình rồi.”
Pari cảm thấy lòng xốn xang khi anh lại nhớ một chuyện mà cô đã kể cho anh bao nhiêu năm trước. Ắt hẳn trong khoảng thời gian ấy, anh có nghĩ tới cô. Ắt hẳn cô có hiện diện trong tâm trí anh.
“Vâng. Tên bác ấy là Nabi. Bác ấy cũng làm tài xế nữa. Bác ấy lái xe của cha em, một chiếc xe ô tô Mỹ to oành, màu xanh dương với mui xe vàng cát. Em nhớ là có một cái đầu đại bàng trên nắp ca pô.”
Lát sau, anh hỏi cô đáp, về chuyện học hành và sự chuyên tâm của cô vào các biến phức. Anh lắng nghe theo cách mà Maman chưa bao giờ làm - Maman, người dường như chán ngấy cái chủ đề này và không hiểu nổi tại sao Pari lại đam mê nó đến thế. Maman thậm chí còn chẳng buồn giả vờ quan tâm. Bà vô tư bông đùa, mà bề ngoài như thể chế nhạo sự thiếu hiểu biết của chính mình. Oh là là, bà nói, toét miệng cười, đầu tôi! Đầu tôi! Quay như chong chóng! Thế này đi, Pari. Mẹ sẽ rót trà cho chúng ta, rồi con đáp trở lại xuống hành tinh, d’accord?* Bà sẽ cười khúc khích, Pari cũng cười theo để chiều lòng bà, nhưng cô cảm thấy những lời nói đùa đó thấp thoáng vẻ khó chịu, một kiểu trách khéo, một lời ám chỉ rằng kiến thức của cô được xem là quá bí ẩn và cái nghiệp cô đeo đuổi thật là phù phiếm. Phù phiếm. Nghe mới hay làm sao, Pari nghĩ, khi phát ra từ miệng một nhà thơ, dù cô chẳng bao giờ nói vậy với mẹ mình.
Được không con? (tiếng Pháp).
Julien hỏi cô thấy gì ở toán học và cô đáp nó đem lại cho cô cảm giác dễ chịu.
“Với anh thì có lẽ ‘nản’ là tính từ thích hợp hơn,” anh nói.
“Cũng có nản mà.”
Cô nói, cảm giác dễ chịu có thể tìm thấy trong sự bất biến của các chân lý toán học, trong sự vô hữu của các yếu tố tùy tiện hay mơ hồ. Trong nhận thức rằng đáp án dù khó nắm bắt, nhưng có thể được tìm ra. Chúng ở đó, chờ đợi những nét phấn nguệch ngoạc.
“Nói cách khác thì chẳng giống cuộc sống chút nào,” anh nói. “Với cuộc đời, đó là những câu hỏi không có đáp án hoặc những đáp án lộn xộn.”
“Em rõ ràng đến thế sao?” Cô cười đoạn lấy khăn ăn che mặt. “Nghe cứ như kẻ ngốc vậy.”
“Không hề,” anh nói. Anh kéo cái khăn ăn ra. “Không hề.”
“Cứ như sinh viên của anh ấy. Chắc là em nhắc anh nhớ đến sinh viên của mình rồi.”
Anh hỏi thêm nhiều câu nữa, mà qua đó Pari thấy rằng anh có hiểu biết về lý thuyết giải tích số, và ít nhất cũng tình cờ, biết đến các nhà toán học Carl Gauss và Bernhard Riemann. Họ hàn huyên đến khi trời tối. Họ uống cà phê, rồi đến bia, bia lại dẫn tới rượu. Và rồi, khi không thể trì hoãn thêm được nữa, Julien hơi ngả người về phía trước, nói với giọng nhuốm vẻ lịch sự và nghĩa vụ, “Nói anh nghe, Nila thế nào rồi?”
Pari phồng má lên, chầm chậm đẩy hơi ra ngoài.
Julien gật đầu ra chiều đã hiểu.
“Bà ấy có thể mất hiệu sách,” Pari nói.
“Anh rất tiếc khi biết chuyện này.”
“Việc kinh doanh thất bát nhiều năm nay rồi. Mẹ em có thể phải đóng cửa hiệu sách. Bà ấy không chịu thừa nhận, nhưng đó sẽ là một cú đau đấy. Nó sẽ làm bà ấy chấn động mạnh.”
“Bà ấy có viết lách không?”
“Nhiều năm nay không động đến bút rồi.”
Anh nhanh chóng chuyển đề tài. Pari cảm thấy nhẹ nhõm. Cô không muốn nói về Maman và chuyện bà nghiện rượu cũng như cuộc vật lộn để khiến bà duy trì việc uống thuốc. Pari nhớ tất cả những ánh nhìn ngượng ngập, tất cả những dịp chỉ có hai người với nhau, cô và Julien, lúc Maman thay đồ ở phòng kế bên, Julien nhìn Pari còn cô thì cố nặn ra điều gì để nói. Maman chắc hẳn đã cảm nhận thấy điều đó. Có thể nào đó là lý do bà chia tay Julien? Nếu vậy, linh cảm mách bảo cô bà làm thế phần nhiều với tư cách một người tình ghen tuông hơn là một bà mẹ bảo vệ con gái.
Mấy tuần sau, Julien bảo Pari dọn đến ở chung. Anh sống ở một căn hộ nhỏ ở Tả Ngạn thuộc quận 7. Pari đồng ý. Dạo ấy, thái độ bẳn gắt khó chịu của Collette khiến bầu không khí giữa hai người trở nên không chịu đựng nổi.
Pari nhớ Chủ nhật đầu tiên ở bên Julien tại nhà anh. Họ ngả ngốn trên sofa, người dựa vào nhau. Pari thư thái mơ màng, còn Julien thì uống trà, đôi chân dài gác lên bàn cà phê. Anh đang đọc một bài ý kiến người đọc ở trang cuối tờ báo. Máy quay đĩa văng vẳng tiếng nhạc của Jacques Brel. Thi thoảng, Pari khẽ nhích đầu trên ngực anh, và Julien ngả ra sau, hôn nhẹ lên mí mắt, lên tai, lên mũi cô.
“Chúng ta phải nói chuyện này với Maman thôi.”
Cô cảm thấy người anh cứng lại. Anh gập báo, bỏ kính ra đặt lên tay ghế.
“Bà ấy cần phải biết.”
“Chắc vậy.”
“Anh ‘chắc vậy’?”
“Không, tất nhiên. Em nói đúng. Em nên gọi cho bà ấy. Nhưng phải cẩn thận. Đừng mong được cho phép hay chúc phúc, em sẽ chẳng có gì đâu. Chỉ báo cho bà ấy thôi. Và đảm bảo để bà ấy biết rằng đây không phải một cuộc thương lượng.”
“Anh nói thì dễ lắm.”
“Ừm, có lẽ. Nhưng hãy nhớ rằng Nila thù dai lắm. Anh xin lỗi phải nói điều này, nhưng đó là lý do bọn anh chia tay. Bà ấy thù dai kinh khủng. Thế nên anh biết. Chuyện này sẽ không dễ dàng cho em đâu.”
Pari thở dài nhắm mắt lại. Nghĩ đến việc đó khiến bụng dạ cô thắt lại.
Julien xoa lưng cô. “Đừng ỉu xìu thế.”
Hôm sau Pari gọi điện cho mẹ. Maman đã biết rồi.
“Ai kể cho mẹ ạ?”
“Collette.”
Rõ là thế rồi, Pari nghĩ. “Con đã định kể với mẹ.”
“Mẹ biết là con đã định kể. Con đang định kể. Sao mà giấu được một chuyện như thế chứ.”
“Mẹ có giận không ạ?”
“Điều đó có quan trọng không?”
Pari đang đứng bên cửa sổ. Cô lơ đãng lướt ngón tay quanh đường viền xanh dương trên chiếc gạt tàn cũ sứt sẹo của Julien. Cô nhắm mắt lại. “Không, Maman. Không ạ.”
“Ừm, ước gì mẹ có thể nói chuyện đó không làm mẹ đau lòng.”
“Con không cố ý ạ.”
“Mẹ nghĩ chuyện đó mà tranh cãi thì còn khướt đấy.”
“Tại sao con lại muốn làm mẹ đau lòng chứ, Maman?”
Maman bật cười. Một âm thanh trống rỗng, gai người.
“Đôi khi mẹ nhìn con và không thấy mình trong con. Tất nhiên là không thấy. Mẹ cho rằng xét cho cùng chuyện này cũng chẳng có gì bất ngờ. Mẹ không biết con là loại người nào, Pari ạ. Mẹ không biết con là ai, con có khả năng gì, từ trong máu con. Với mẹ, con thật xa lạ.”
“Con không hiểu ý mẹ,” Pari nói.
Nhưng mẹ cô đã dập máy.
TRÍCH TỪ “TIẾNG HÓT AFGHANISTAN”,
BÀI PHỎNG VẤN NILA WAHDATI
DO ÉTIENNE BOUSTOULER THỰC HIỆN
Parallaxe số 84 (MÙA ĐÔNG NĂM 1974), TR. 38
EB: Bà học tiếng Pháp ở đây à?
NW: Mẹ tôi dạy tôi ở Kabul khi tôi còn nhỏ. Bà chỉ nói tiếng Pháp với tôi. Ngày nào chúng tôi cũng học. Mọi chuyện thật khó khăn với tôi khi bà rời Kabul.
EB: Đến Pháp?
NW: Phải. Cha mẹ tôi ly hôn năm 1939, khi tôi mười tuổi. Tôi là con một. Để tôi đi với mẹ rõ ràng là không thể. Thế nên tôi ở lại, còn bà đến Paris sống cùng em gái, dì Agnes. Cha tôi cố gắng xoa dịu nỗi mất mát cho tôi bằng cách thuê một gia sư riêng, cùng với những bài học cưỡi ngựa và nghệ thuật. Nhưng không gì có thể thay thế một người mẹ.
EB: Chuyện gì xảy đến với cụ?
NW: Ồ, bà mất. Khi Đức Quốc xã đến Paris. Chúng không giết bà. Chúng giết dì Agnes. Mẹ tôi ư, bà mất vì bệnh viêm phổi. Mãi đến khi quân Đồng minh giải phóng Paris, cha mới cho tôi biết, nhưng khi ấy thì tôi đã biết rồi. Tôi cứ thế mà biết thôi.
EB: Chuyện ấy hẳn phải rất khó khăn.
NW: Thật khủng khiếp. Tôi yêu mẹ tôi. Tôi đã định đến Pháp sống cùng mẹ sau chiến tranh.
EB: Tôi tạm đoán điều này có nghĩa cha con bà không hòa thuận lắm.
NW: Giữa chúng tôi là bầu không khí căng thẳng. Chúng tôi cãi nhau. Khá nhiều, điều này với ông là bất thường. Ông không quen bị cãi lại, nhất là phụ nữ. Chúng tôi cãi nhau về việc tôi mặc gì, đi đâu, nói gì, nói ra sao, nói với ai. Tôi đã trở nên gan góc và thích phiêu lưu, còn cha tôi thậm chí còn hà khắc và khô khan hơn trước. Chúng tôi đã trở thành hai kẻ đối nghịch về bản chất.
Bà cười nhạt, đoạn thắt nút chiếc khăn vuông ở sau gáy.
NW: Và rồi tôi bắt đầu yêu. Thường là tuyệt vọng, và nhầm người, đúng nỗi sợ hãi của cha tôi. Một lần là với con trai người quản gia, lần khác là với một nhân viên công vụ cấp thấp quản lý mấy việc kinh doanh cho cha tôi. Mù quáng, mê muội, tất cả bọn họ đã bị vận đen ám ngay từ đầu. Tôi sắp xếp những cuộc hẹn hò bí mật và chuồn khỏi nhà, và tất nhiên, ai đó sẽ báo với cha tôi là đã phát hiện thấy tôi trên phố. Họ sẽ nói với ông rằng tôi đang nhảy nhót - lúc nào họ cũng nhai đi nhai lại câu đó - tôi đang “nhảy nhót”. Không thì cũng là tôi đang “múa may”. Cha tôi sẻ cử một đội tìm kiếm đưa tôi về. Ông sẽ nhốt tôi lại. Hàng ngày trời. Ông sẽ nói từ phía bên kia cánh cửa, Con làm ta hổ thẹn. Tại sao con lại làm ta hổ thẹn đến thế? Ta biết làm gì với con đây? Và đôi khi ông trả lời câu hỏi đó với cái thắt lưng, hoặc nắm đấm. Ông đuổi tôi chạy khắp phòng. Có lẽ ông nghĩ có thể quy phục tôi bằng cách hăm dọa. Hồi ấy tôi viết rất nhiều, những bài thơ dài, gây sốc, thấm đẫm niềm đam mê tuổi trẻ. Hơi sến và kịch nữa, tôi e là thế. Những con chim bị nhốt trong lồng và những người tình bị xiềng xích, kiểu vậy. Tôi không lấy gì làm tự hào về chúng.
Tôi cảm thấy sự khiêm nhường giả tạo không phải là phong cách của bà và do vậy có thể cho rằng đó chỉ là đánh giá thành thực của bà về những tác phẩm thời kỳ đầu. Nếu vậy, thì điều này quá sức hà khắc. Thơ bà trong giai đoạn này thực sự rất ấn tượng, kể cả qua chuyển ngữ, nhất là khi bà sáng tác ở lứa tuổi trẻ như vậy. Chúng có sức lay động, giàu hình ảnh, cảm xúc, thấu suốt, và vô cùng duyên dáng. Chúng miêu tả thật đẹp sự cô đơn và nỗi buồn không thể kìm nén. Chúng ghi lại nỗi thất vọng, những thăng trầm của tình yêu tuổi trẻ với tất cả vẻ rực rỡ, những hứa hẹn và cạm bẫy. Thường xuất hiện một cảm giác sợ hãi vô biên về việc bị giam cầm, một chân trời bị rút ngắn lại, và luôn thường trực cảm giác đấu tranh chống lại sự chuyên chế của hoàn cảnh - thường trong hình bóng một người đàn ông hiểm ác không bao giờ được gọi tên. Một sự ám chỉ không tối nghĩa lắm đến cha bà, người ta sẽ nhận ra vậy. Tôi nói hết với bà suy nghĩ của mình.
EB: Và bà tạo ra nét phá cách trong những bài thơ đó từ nhịp điệu, vần luật, âm tiết, những thứ tôi hiểu là một phần quan trọng với thơ Farsi cổ điển. Bà tận dụng những hình ảnh dạt dào. Bà đưa những chi tiết ngẫu hứng và đời thường lên tầm cao. Phong cách này theo tôi thấy là khá đột phá. Liệu có công bằng không khi nói nếu bà sinh ra ở một quốc gia giàu có hơn - Iran chẳng hạn - thì giờ đây gần như chắc chắn bà sẽ được biết đến với vai trò người tiên phong trong lĩnh vực văn học?
Bà mỉm cười gượng gạo.
NW: Tôi hình dung thế.
EB: Tuy vậy, tôi vẫn khá sững sờ bởi những lời bà nói trước đó. Rằng bà không tự hào về những bài thơ đó. Bà có hài lòng với tác phẩm nào của mình không?
NW: Một câu hỏi hóc búa. Tôi nghĩ mình sẽ trả lời bằng một câu khẳng định, giá như tôi có thể tách chúng khỏi quá trình sáng tạo tự thân.
EB: Ý bà là tách rời mục đích với phương tiện.
NW: Tôi coi quá trình sáng tạo là hành vi ăn cắp cần thiết. Đào sâu bên dưới một tác phẩm đẹp đẽ, Monsieur Boustouler ạ, ta sẽ thấy đủ mọi hình thức ô danh. Sáng tạo có nghĩa là phá hoại cuộc sống của người khác, biến họ thành những kẻ tham gia miễn cưỡng, bất đắc dĩ. Ta đánh cắp khát vọng của họ, đam mê của họ, ăn trộm tì vết của họ, nỗi đau của họ. Ta lấy những gì không thuộc về mình. Ta làm thế một cách chủ tâm.
EB: Và bà rất giỏi việc đó.
NW: Tôi làm thế không phải vì quan điểm cao sang quý phái về nghệ thuật, mà bởi tôi chẳng còn lựa chọn nào khác. Sự cưỡng bách quá ư mạnh mẽ. Nếu không đầu hàng thì tôi phát điên mất. Anh hỏi tôi có tự hào không. Tôi thấy thật khó khoe khoang một thứ có được nhờ những gì mà tôi biết là những phương tiện đáng bị đặt câu hỏi về mặt đạo đức. Tôi dành quyết định tán dương hay không đó cho những người khác.
Bà uống cạn ly rượu rồi dốc nốt chỗ rượu trong chai vào ly.
NW: Điều tôi có thể nói với anh, tuy vậy, là không ai tán dương tôi ở Kabul hết. Không ai ở Kabul xem tôi là nhà tiên phong của bất cứ thứ gì, mà là một nhân vật có thẩm mỹ tệ hại, trụy lạc và vô đạo đức. Nhất là cha tôi. Ông nói thơ của tôi là những ngôn từ lan man của một ả điếm. Ông dùng chính xác từ đó. Ông nói tôi đã bôi tro trát trấu vào mặt gia đình đến mức không thể cứu vãn. Ông nói tôi đã phản bội ông. Ông cứ căn vặn tại sao tôi lại thấy khó làm người khác tôn trọng mình đến thế.
EB: Bà phản ứng thế nào?
NW: Tôi bảo là tôi không quan tâm đến quan điểm về tôn trọng của ông. Tôi bảo là tôi không có khao khát tròng dây vào cổ mình.
EB: Tôi cho rằng điều đó chỉ làm cụ thêm phật ý.
NW: Hẳn nhiên.
Tôi ngập ngừng nói tiếp.
EB: Nhưng tôi hiểu rõ nỗi tức giận của cụ.
Bà nhướng mày.
EB: Cụ là người gia trưởng, phải vậy không? Còn bà lại là sự thách thức trực tiếp với tất cả những gì cụ biết, tất cả những gì cụ trân quý. Tranh cãi, theo một cách nào đó, qua cả cuộc đời lẫn tác phẩm của bà, vì những ranh giới mới cho phụ nữ, vì phụ nữ phải có tiếng nói trong vị thế của riêng mình, để chạm đến lòng vị kỷ chính đáng. Bà thách thức sự độc quyền mà những người đàn ông như cụ đã nắm giữ bao đời nay. Bà nói những gì có thể nói. Bà đã tiến hành một cuộc cách mạng một-phụ-nữ nho nhỏ, có thể nói như vậy.
NW: Và bấy lâu nay, tôi cứ tưởng mình viết về tình dục.
EB: Nhưng đó là một phần không thể thiếu, phải vậy không?
Tôi lật giở những ghi chép của mình và nhắc đến mấy bài thơ tình ái công khai đó - “Gai”, “Nếu không vì chờ đợi”, “Chiếc gối”. Tôi cũng thú nhận với bà đó không phải những bài tôi thích nhất. Tôi nhận xét rằng chúng thiếu sắc thái và sự đa nghĩa. Đọc lên cứ như thể chúng được sáng tác với mục đích duy nhất là gây sốc và khiến người ta chướng tai gai mắt. Chúng tạo cho tôi cảm giác khiêu khích, rằng đó là những lời buộc tội giận dữ về vai trò giới tính của người Afghanistan.
NW: Ừm, tôi có tức giận. Tôi tức giận vì cái quan điểm tôi phải được bảo vệ khỏi tình dục. Rằng tôi phải được bảo vệ khỏi cơ thể của chính tôi. Vì tôi là phụ nữ. Mà phụ nữ, anh không biết sao, thì chưa đạt độ chín về cảm xúc, phẩm hạnh, hay trí tuệ. Họ thiếu kiểm soát, anh thấy đấy, họ dễ bị sự cám dỗ thể xác đánh gục. Họ là những sinh vật cực kỳ hứng tình, cần phải kiềm chế lại để không nhảy lên giường với bất cứ người Hồi giáo nào.
EB: Nhưng - thứ lỗi cho tôi nói điều này - không phải bà làm đúng như vậy sao?
NW: Chỉ là để phản đối chính cái quan niệm đó thôi.
Bà cười sảng khoái, tràn đầy vẻ hóm hỉnh và thông minh tinh quái. Bà mời tôi ăn trưa. Bà nói con gái bà gần đây đã bổ sung đồ ăn trong tủ lạnh rồi đi làm một món hóa ra là sandwich jambon fumé* hảo hạng. Bà chỉ làm một chiếc. Cho mình, bà khui một chai rượu mới và châm một điếu thuốc khác. Bà ngồi xuống.
Thịt lợn muối xông khói.
NW: Anh có đồng ý là, vì cuộc nói chuyện này, chúng ta vẫn nên giữ thái độ thân thiện với nhau không, Monsieur Boustouler?
Tôi đáp có.
NW: Thế thì làm giúp tôi hai việc. Ăn sandwich đi và đừng nhìn vào ly của tôi nữa.
Chẳng cần phải nói, câu này đã chặn trước bất kỳ ý định hỏi xin rượu nào của tôi.
EB: Chuyện gì xảy ra sau đó?
NW: Năm 1948, tôi ngã bệnh, khi chưa tròn 19 tuổi. Bệnh nặng lắm, tôi chỉ nói đến thế thôi. Cha tôi đưa tôi tới Delhi để chữa trị. Ông ở lại với tôi suốt sáu tuần trong khi bác sĩ chăm sóc tôi. Người ta bảo rằng tôi đã suýt chết. Có lẽ tôi nên chết thì hơn. Chết có thể là một bước chuyển biến sự nghiệp với một nhà thơ trẻ. Khi trở về, tôi ốm yếu và thu mình. Tôi chẳng buồn viết lách. Tôi chẳng thiết ăn uống, nói chuyện, hay giải khuây mấy. Tôi trở nên thù nghịch với khách đến thăm. Tôi chỉ muốn kéo rèm lại ngủ suốt ngày này qua ngày khác. Thời gian đó tôi chủ yếu làm vậy. Cuối cùng, tôi cũng ra khỏi giường và dần trở lại nhịp sống thường ngày, hay ý tôi là những yếu tố cần thiết mà một người cần tuân thủ để duy trì hoạt động và tỏ ra đúng mực bề ngoài. Nhưng tôi lại cảm thấy mất mát. Như thể tôi đã bỏ lại thứ gì đó quan trọng với bản thân tại Ấn Độ rồi.
EB: Cha bà có lo lắng không?
NW: Ngược lại hoàn toàn. Ông được tiếp thêm sức mạnh. Ông cho rằng trận đương đầu của tôi với tử thần đã khiến tôi thôi non nớt và bướng bỉnh. Ông không hiểu rằng tôi cảm thấy lạc lối. Tôi đọc được, Monsieur Boustouler ạ, rằng nếu tuyết lở chôn vùi ta và ta nằm dưới toàn bộ lớp tuyết đó, thì ta không thể biết đường nào lên, đường nào xuống. Ta muốn đào một lối thoát nhưng lại đào nhầm hướng, và thế là ta tự đào mồ chôn mình. Đó là cảm giác của tôi, mất phương hướng, hoang mang, vô định. Cả thất vọng khôn cùng nữa. Và, trong tình trạng đó, ta trở nên mong manh. Đó có thể là lý do tại sao tôi gật đầu đồng ý vào năm sau đó, 1949, khi Suleiman Wahdati xin hỏi cưới tôi.
EB: Khi đó bà hai mươi tuổi.
NW: Ông ấy thì không.
Bà mời tôi ăn thêm sandwich nhưng tôi từ chối, và một tách cà phê, món này thì tôi nhận. Trong khi đun nước, bà hỏi tôi đã lập gia đình chưa. Tôi đáp chưa và rằng tôi không chắc mình sẽ có ngày làm vậy. Bà ngoái nhìn tôi qua vai, ánh mắt nán lại, miệng mỉm cười.
NW: À. Thường thì tôi đoán trúng mà.
EB: Ngạc nhiên thật!
NW: Có lẽ do chấn động não.
Bà chỉ vào chiếc khăn.
NW: Đây không phải một tuyên ngôn thời trang. Mấy ngày trước tôi bị trượt chân ngã, trán rách toác. Tuy vậy, lẽ ra tôi vẫn nên biết, về anh, ý tôi là thế. Theo kinh nghiệm của tôi, những người đàn ông hiểu rõ phụ nữ như anh có vẻ hiếm khi muốn dính líu đến họ.
Bà đưa tôi tách cà phê, châm thuốc, rồi ngồi xuống.
NW: Tôi có một thuyết về hôn nhân, Monsieur Boustouler ạ. Đó là ta gần như luôn biết một mối quan hệ có đi đến đâu không trong vòng hai tuần. Thật ngạc nhiên là bao nhiêu người lại trói buộc nhau hàng năm trời, thậm chí hàng chục năm, trong tình trạng tự dối mình và ảo vọng kéo dài mà cả hai đều cảm thấy, trong khi thực ra họ đã có câu trả lời trong hai tuần đầu tiên. Chồng tôi là người tử tế. Nhưng ông ấy quá cứng nhắc, xa cách và tẻ nhạt. Mà ông ấy còn yêu người tài xế nữa.
EB: A. Đây hẳn là một cú sốc.
NW: Ừm, nó đã tô đậm một cốt truyện kinh điển.
Bà mỉm cười, phảng phất vẻ u buồn.
NW: Tôi chủ yếu cảm thấy tiếc cho ông ấy. Ông ấy đã chọn một thời điểm và một nơi không thể tệ hơn để sinh ra với bản chất như vậy. Ông ấy qua đời vì đột quỵ năm con gái chúng tôi sáu tuổi. Vào thời điểm đó, tôi có thể ở lại Kabul. Tôi có nhà và tài sản của chồng tôi. Còn có một người làm vườn và anh tài xế nhắc đến lúc trước. Đó sẽ là một cuộc sống thoải mái. Nhưng tôi lại gói ghém đồ đạc và chuyển đi, Pari và tôi, tới Pháp.
EB: Việc này, như bà nói trước đó, là vì lợi ích của cô ấy.
NW: Mọi thứ tôi làm, Monsieur Boustouler ạ, tôi đều làm vì con gái tôi. Thế mà nó không hiểu, hay cảm kích trọn vẹn những gì tôi đã làm cho nó. Nó vô tâm kinh khủng, con gái tôi ấy. Nếu nó biết đến cuộc sống mà nó sẽ phải trải qua, nếu không nhờ có tôi…
EB: Có phải cô con gái là nỗi thất vọng của bà?
NW: Monsieur Boustouler ạ, tôi đã bắt đầu tin rằng nó là sự trừng phạt dành cho mình.
Một ngày năm 1975, Pari trở về căn hộ mới của mình thì thấy một gói nhỏ trên giường. Đó là một năm sau khi cô đón mẹ về từ phòng cấp cứu và chín tháng kể từ ngày cô chia tay Julien. Pari hiện đang sống với một sinh viên điều dưỡng tên là Zahia, một cô gái trẻ người Algeria có mái tóc quăn nâu và đôi mắt xanh lục. Cô là một cô gái giỏi giang, tính tình vui vẻ, sống động, và họ đã sống chung rất hòa thuận, dù giờ Zahia đã đính hôn với bạn trai Sami và sắp chuyển đến sống cùng cậu ta vào cuối kỳ học.
Có một tờ giấy gập gọn bên gói đồ. Thứ này gửi cho chị. Tối nay em ngủ lại nhà Sami. Hẹn gặp chị ngày mai nhé. Je t’embrasse*. Zahia.
Hôn chị (tiếng Pháp).
Pari xé lớp giấy gói. Bên trong là một tờ tạp chí, kèm theo là một tờ giấy nhắn khác, được viết bằng nét chữ quen quen, gần như duyên dáng đầy nữ tính. Cái này được gửi cho Nila rồi đến chỗ cặp đôi sống ở căn hộ cũ của Collette và giờ được chuyển tiếp tới anh. Em nên cập nhật địa chỉ chuyển tiếp của em đi. Đọc cái này không hay đâu. Không ai trong chúng ta thực sự ổn thỏa cả, anh e là thế. Julien.
Pari quẳng tờ tạp chí xuống giường rồi đi làm xa lát rau chân vịt và ít couscous*. Cô thay sang bộ pyjama rồi vừa ăn vừa xem ti vi, một chiếc ti vi đen trắng đi thuê. Lơ đãng, cô theo dõi hình ảnh người tị nạn miền Nam Việt Nam được đưa bằng máy bay đến đảo Guam. Cô nghĩ đến Collette, người từng xuống đường phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Collette, người đã mang vòng hoa thược dược và cúc trắng đến lễ tưởng niệm Maman, người đã ôm hôn Pari, người đã ngọt ngào ngâm một bài thơ của Maman trên bục phát biểu.
Một món ăn vùng Bắc Phi (bột mì nấu với rau hoặc thịt hầm).
Julien không tham dự buổi lễ. Anh gọi điện nói, giọng yếu ớt, rằng anh không thích lễ tưởng niệm, anh thấy nó u ám.
Ai mà chẳng thế? Pari nói.
Anh nghĩ mình nên tránh đi thì hơn.
Tùy anh, Pari đáp lại vào ống nói, thầm nghĩ, Nhưng làm thế cũng không giúp anh thanh thản được đâu, việc anh không đến ấy. Có đến cũng chẳng giúp em thanh thản hơn. Về việc chúng ta đã liều lĩnh ra sao. Vô tâm thế nào. Trời ơi. Pari đã hẹn hò với anh trong khi biết rằng cuộc tình của cô với Julien là đòn trí mạng với Maman. Cô đã hẹn hò với anh trong khi biết rằng suốt phần đời còn lại, nó sẽ ập đến với cô bất cứ giây khắc nào, cảm giác tội lỗi, ăn năn khôn cùng ấy, khiến cô bất ngờ, và rằng cô sẽ đau đớn đến tận xương tủy. Cô sẽ phải đánh vật với nó, bây giờ và cả trong tất cả những ngày sắp tới. Nó là chiếc vòi rỉ nước nơi góc khuất trong tâm trí cô.
Ăn tối xong cô đi tắm rồi xem lại ghi chú cho bài kiểm tra sắp tới. Cô xem ti vi thêm một lúc, rửa rồi lau khô bát đĩa, quét sàn bếp. Nhưng chẳng ích gì. Cô chẳng thể đánh lạc hướng bản thân. Tờ tạp chí nằm trên giường, tiếng gọi của nó như một âm thanh u u tần số thấp.
Sau rốt, cô tròng áo mưa bên ngoài bộ pyjama rồi đi bộ dọc đại lộ Chapelle, cách căn hộ cô ở vài khu nhà về phía Nam. Không khí lạnh buốt, mưa đập ràn rạt xuống vỉa hè và những ô kính cửa hàng, nhưng lúc này căn hộ chẳng thể kiềm chế cơn bồn chồn của cô. Cô cần bầu không khí ẩm lạnh, một không gian thoáng đãng.
Hồi nhỏ, Pari nhớ, cô thường đặt hết câu hỏi này đến câu hỏi khác. Con có anh em họ ở Kabul không, Maman? Con có cô dì chú bác không? Cả ông bà nữa, con có grand-père và grand-maman* không? Sao họ chẳng bao giờ đến thăm? Con có thể viết thư cho họ không? Đi mà, chúng ta có thể tới thăm họ không?
Ông và bà (tiếng Pháp).
Phần lớn những câu hỏi của cô đều xoay quanh cha cô. Cha thích nhất màu gì hả Maman? Nói cho con biết đi, Maman, cha bơi có giỏi không? Cha có biết nhiều chuyện cười không? Cô nhớ có lần ông từng đuổi bắt cô qua một căn phòng. Lăn tròn cô trên thảm, cù vào gót chân và bụng cô. Cô nhớ mùi xà phòng oải hương, vầng trán cao sáng bóng, những ngón tay dài của ông. Cả những chiếc khuy măng sét ngọc hình bầu dục, cả nếp gấp quần. Cô có thể thấy những hạt bụi li ti mà họ cùng nhau đá lên khỏi thảm.
Những gì Pari hằng muốn từ mẹ cô là chất keo gắn kết những mẩu ký ức rời rạc, lỏng lẻo của cô, biến chúng thành một câu chuyện mạch lạc. Nhưng Maman chẳng bao giờ nói nhiều. Bà luôn giấu những chi tiết về cuộc đời cô và cuộc đời họ cùng trải qua ở Kabul. Bà giữ Pari tránh xa khỏi cái quá khứ chung đó, và cuối cùng, Pari cũng ngừng hỏi.
Và giờ hóa ra là Maman kể cho người viết bài báo này, ông Étienne Boustouler này, nhiều hơn những gì bà kể với con gái mình, về bản thân và cuộc đời bà.
Hoặc đã từng kể.
Pari đã đọc bài báo ba lần lúc ở căn hộ. Cô không biết phải nghĩ gì, phải tin gì. Có quá nhiều điều có vẻ không đúng. Vài chỗ nghe như một nhại phẩm. Một vở kịch cường điệu, những cái đẹp bị xiềng xích, sự lãng mạn bị nguyền rủa, và sự đàn áp ở khắp mọi nơi, tất cả được kể bằng thứ văn phong sống động, ấn tượng đến lặng người.
Pari đi về phía Tây, đến phố Pigalle, chân bước thoăn thoắt, tay nhét vào túi áo mưa. Trời tối rất nhanh, cơn mưa ồ ạt hắt vào mặt cô càng lúc càng nặng và đều hạt hơn, chảy thành dòng trên cửa kính, làm mờ ánh đèn đường. Pari không hề nhớ là đã từng gặp người đàn ông đó, ông ngoại của cô, cha của Maman, chỉ thấy ông qua một bức ảnh đọc sách bên bàn làm việc, nhưng cô không chắc đó là nhân vật phản diện ria xoắn mà Maman đã khắc họa. Pari nghĩ mình nhìn thấu câu chuyện này. Cô có ý kiến của riêng mình. Trong phiên bản của cô, ông là một người lo lắng chính đáng về sự an ổn của cô con gái u sầu và có xu hướng tự hủy hoại bản thân, một người không thể ngừng xáo trộn cuộc sống của chính mình. Ông là người phải chịu đựng nỗi hổ thẹn và công kích liên tiếp vào lòng tự trọng nhưng vẫn ở bên con gái mình, đưa con tới Ấn Độ khi con đau ốm, ở bên con suốt sáu tuần. Và, về vấn đề này, có điều gì thực sự không ổn với Maman chứ? Họ đã làm gì với bà ở Ấn Độ? Pari băn khoăn, nghĩ về vết sẹo dọc nơi xương chậu của bà - Pari đã hỏi, và Zahia bảo với cô rằng mổ đẻ thường là mổ ngang.
Và cả những điều Maman đã nói với phóng viên về chồng mình, cha của Pari. Đó có phải là sự phỉ báng? Có thật là ông yêu bác Nabi tài xế? Và, nếu có, tại sao lại hé lộ một chuyện như vậy sau ngần ấy thời gian nếu không phải để gây hoang mang, hạ nhục, và có lẽ là khoét một vết thương? Và, nếu vậy, thì cho ai?
Về phần mình, Pari không ngạc nhiên về thái độ lạnh nhạt mà Maman đã dành cho cô - không phải sau chuyện Julien - cũng chẳng ngạc nhiên trước câu chuyện đã được chọn lọc, thanh tẩy về việc làm mẹ của chính bà.
Những lời nói dối?
Và còn…
Maman là một cây bút tài năng. Pari đã đọc từng lời thơ Maman viết bằng tiếng Pháp và cả từng bài thơ bà dịch từ tiếng Farsi. Sức mạnh và vẻ đẹp trong văn phong của bà là không thể phủ nhận. Nhưng nếu câu chuyện cuộc đời mà Maman đã kể trong bài phỏng vấn là một lời nói dối, thì những hình ảnh trong tác phẩm của bà đến từ đâu? Đâu là suối nguồn cho những ngôn từ vừa chân thực, đáng yêu, lại vừa bạo tàn và sầu u đó? Có phải bà chỉ là kẻ lừa gạt tài tình? Một nhà ảo thuật, với cây bút là đũa thần, có khả năng làm khán giả xúc động bằng cách tạo ra những cảm xúc mà bản thân bà chưa bao giờ biết tới? Thậm chí có thể như vậy không?
Pari không biết - cô không biết. Và việc này, có lẽ, là mục đích thực sự của Maman, nhằm thay đổi suy nghĩ của Pari. Cố tình làm cô chông chênh, chao đảo, biến cô thành kẻ xa lạ với chính bản thân mình, đè gánh nặng nghi ngờ lên tâm trí cô, lên tất cả những điều Pari nghĩ là cô biết về cuộc đời mình, khiến cô cảm thấy lạc lối như đang xuyên qua sa mạc trong đêm, bị bao trùm bởi bóng tối và những điều không hay biết, một sự thật khó nắm bắt, như một tia sáng nhỏ bé đơn độc xa xa cứ lập lòe chớp tắt, cứ mãi dịch chuyển, nhòa mờ.
Có lẽ, Pari nghĩ, đây là sự trừng phạt của Maman. Không chỉ cho Julien mà còn cho nỗi thất vọng mang tên Pari. Pari, người được cho là sẽ đặt dấu chấm hết cho chuyện nghiện rượu, đàn ông, những năm tháng phí hoài lao đi tìm kiếm hạnh phúc trong vô vọng. Tất cả những ngõ cụt được theo đuổi rồi bỏ ngang. Mỗi đòn thất vọng lại khiến Maman thêm tổn thương, chệch hướng, và hạnh phúc càng thêm viển vông. Con là gì hả Maman? Pari nghĩ. Con được mong đợi sẽ trở thành gì, lớn lên trong tử cung mẹ - cứ cho là con được hình thành trong chính tử cung mẹ? Một hạt giống hy vọng? Một tấm vé được mua để đưa mẹ ra khỏi bóng tối? Một miếng vá cho vết thương hở mà mẹ mang trong tim? Nếu vậy, thì con không đủ rồi. Một chút cũng không. Con không phải là niềm an ủi cho trái tim mẹ, chỉ là một ngõ cụt khác, một gánh nặng khác mà thôi, và chắc hẳn mẹ đã sớm thấy từ đầu. Chắc hẳn mẹ đã nhận ra. Nhưng mẹ có thể làm gì đây? Mẹ không thể đến hiệu cầm đồ mà bán con được.
Có lẽ bài phỏng vấn này là tiếng cười cuối cùng của Maman.
Pari bước đến dưới mái hiên một nhà hàng để trú mưa, cách bệnh viện nơi Zahia trải qua một phần quá trình đào tạo vài khu nhà về phía Tây. Cô châm thuốc. Cô nên gọi cho Collette, cô nghĩ. Họ chỉ nói chuyện một đôi lần từ lễ tưởng niệm. Hồi nhỏ, họ thường nhai kẹo cao su nhồm nhoàm cho đến khi hàm nhức mỏi, rồi ngồi trước gương trang điểm của Maman và chải tóc cho nhau, kẹp tóc điệu đà. Pari chợt thấy một bà già bên đường, đội chiếc mũ ni lông che mưa, lê bước trên vỉa hè nhờ một chú chó sục nhỏ lông nâu kéo phía trước. Không phải lần đầu tiên, một làn hơi mỏng bật ra từ màn sương ký ức chung của Pari và chầm chậm hình thành nên một chú chó. Không phải món đồ chơi nhỏ như của người phụ nữ kia, mà là một sinh vật to xác, lông lá, bẩn thỉu, với chiếc đuôi và đôi tai xơ xác bị cắt cụt. Pari không chắc liệu hình ảnh này, trên thực tế, là ký ức hay bóng ma hay chẳng phải cả hai. Có lần cô hỏi Maman rằng họ có từng nuôi một chú chó hồi còn ở Kabul hay không và Maman đáp, Con biết là mẹ không thích chó rồi mà. Chúng không có lòng tự trọng gì hết. Con đá chúng thế mà chúng vẫn yêu con. Thật đáng thất vọng.
Một câu khác mà Maman đã nói:
Mẹ không thấy bóng hình mình trong con. Mẹ không biết con là ai.
Pari quăng điếu thuốc đi. Cô quyết định sẽ gọi cho Collette. Hẹn gặp uống trà đâu đó. Xem xem cô ấy thế nào. Cô ấy đang hẹn hò ai. Đi ngắm đồ như họ thường làm trước đây.
Xem cô bạn cũ còn muốn đến Afghanistan nữa hay không.
Pari có gặp Collette. Họ gặp nhau ở một quán bar nổi tiếng được thiết kế theo phong cách Maroc, những tấm rèm tím và gối da cam ở khắp mọi nơi, một nghệ sĩ đàn oud trên sân khấu nhỏ. Collette không đến một mình. Cô dẫn theo một chàng trai trẻ. Tên anh là Eric Lacombe. Anh dạy kịch nghệ lớp bảy, tám tại một ngôi trường ở quận 18. Anh bảo là đã từng gặp Pari rồi, cách đây mấy năm, tại một cuộc biểu tình phản đối việc săn hải cẩu. Ban đầu Pari không nhớ nổi, nhưng rồi cô nhớ ra anh chính là người mà Collette đã nổi cáu vì số người tham gia biểu tình lèo tèo, người mà cô ấy đã túm lấy ngực. Họ ngồi bệt, trên những tấm nệm lông màu vỏ xoài, và gọi đồ uống. Lúc đầu, Pari có ấn tượng rằng Collette và Eric là một cặp, nhưng thấy Collette cứ khen Eric suốt, Pari sớm hiểu ra Collette dẫn anh tới đây là vì cô. Sự lúng túng thường xâm chiếm cô trong những tình huống như thế này được phản chiếu - và cả được giảm bớt - trong vẻ bồn chồn thấy rõ của chính Eric. Pari thấy buồn cười, thậm chí quý mến trước cái cách anh cứ liên tục đỏ mặt và lắc đầu khi xin lỗi hay xấu hổ. Cô lén nhìn anh qua những chiếc bánh mì phủ xốt ô liu đen. Anh không thể gọi là đẹp trai. Tóc anh dài và mềm rũ, buộc chun sau gáy. Anh có đôi bàn tay nhỏ và nước da tai tái. Mũi anh quá hẹp, trán thì lại nhô ra quá, cằm gần như biến mất, nhưng bù lại anh có nụ cười tươi với ánh mắt lấp lánh và thói quen kết mỗi câu nói bằng một nụ cười mong đợi tựa dấu chấm hỏi hạnh phúc. Và dẫu khuôn mặt anh không hút hồn Pari bằng Julien, nhưng lại thân thiện hơn nhiều, khuôn mặt mà chẳng bao lâu nữa Pari sẽ nhận ra là đại diện bề ngoài cho phẩm chất ân cần, kiên nhẫn thầm lặng, tử tế bền bỉ tồn tại bên trong Eric.
Họ kết hôn trong một ngày lạnh giá vào mùa xuân năm 1977, vài tháng sau khi Jimmy Carter tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Trái ý cha mẹ, Eric khăng khăng tổ chức một đám cưới dân sự nhỏ, không có khách khứa tham dự mà chỉ có hai người bọn họ cùng Collette làm nhân chứng. Anh nói đám cưới chính thống là quá xa xỉ, bọn họ không kham nổi. Cha anh, một ông chủ ngân hàng giàu có, đã đề nghị chi trả. Eric, xét cho cùng, là con một của họ. Ông bảo cho anh, rồi cho vay. Nhưng Eric từ chối hết. Và dù anh chưa bao giờ nói ra, nhưng Pari biết anh làm vậy là để giúp cô đỡ bối rối trước một buổi lễ mà cô chỉ có một mình, không có người thân nào ngồi hai bên hàng ghế, không có ai trao cô cho chú rể, không có ai thay cô rơi giọt lệ hạnh phúc.
Khi cô nói với anh về kế hoạch đến Afghanistan, anh thấu hiểu theo cách mà Pari tin rằng Julien sẽ chẳng bao giờ có được. Và theo cách mà cô chưa bao giờ cởi mở thú nhận với chính bản thân mình.
“Em nghĩ là mình được nhận nuôi,” anh nói.
“Anh có đi cùng em không?”
Họ quyết định mùa hè sẽ lên đường, khi Eric được nghỉ hè còn Pari cũng có thể tạm nghỉ ngắn ngày khỏi lớp học tiến sĩ. Eric đăng ký học tiếng Farsi cho cả hai vợ chồng, với một gia sư mà anh tìm được qua mẹ một học sinh. Pari thường thấy anh nằm trên sofa đeo tai nghe, máy nghe băng để trên ngực, nhắm mắt tập trung khi lẩm bẩm những tiếng Cảm ơn, Xin chào, Anh khỏe không? với ngữ điệu nặng trịch của tiếng Farsi.
Vài tuần trước mùa hè, ngay khi Eric đang nghiên cứu giá vé máy bay và chỗ ở, Pari phát hiện ra mình có thai.
“Chúng ta vẫn đi được mà,” Eric nói. “Chúng ta vẫn nên đi.”
Chính Pari là người phản đối. “Như thế là vô trách nhiệm,” cô nói. Họ đang sống trong một studio với hệ thống sưởi lởm khởm, đường ống nước rò rỉ, không điều hòa nhiệt độ, và đủ loại đồ đạc lượm lặt.
“Chẳng phải chỗ cho con,” cô nói.
Eric bèn dạy thêm piano, môn mà anh từng có thời gian đam mê theo đuổi trước khi đến với kịch nghệ, và khi Isabelle chào đời - Isabelle đáng yêu, trắng trẻo, với đôi mắt màu đường caramel - họ chuyển tới một căn hộ nhỏ hai phòng ngủ cách không xa Vườn Luxembourg, nhờ cha Eric hỗ trợ tài chính, mà lần này họ nhận với điều kiện coi nó là một khoản vay.
Pari nghỉ ba tháng. Cô dành thời gian bên Isabelle. Cô cảm thấy nhẹ nhõm khi ở bên Isabelle. Cô cảm thấy xung quanh mình bừng sáng bất cứ khi nào Isabelle hướng mắt về phía mình. Buổi tối khi Eric đi dạy về, việc đầu tiên anh làm là vứt áo khoác và cặp táp ngay cửa rồi nhào xuống sofa, dang rộng tay, vẫy vẫy ngón tay. “Đưa con cho anh nào, Pari. Đưa con cho anh.” Khi anh tung Isabelle trên ngực mình, Pari kể anh nghe những mẩu chuyện trong ngày - Isabelle uống bao nhiêu sữa, ngủ bao nhiêu giấc, họ cùng nhau xem chương trình gì trên ti vi, chơi trò chơi sôi nổi nào, những tiếng động mới mà con bé tạo ra. Eric nghe mãi những chuyện ấy mà chẳng bao giờ thấy mệt.
Họ hoãn chuyến đi tới Afghanistan lại. Sự thực là, Pari không còn cảm thấy nỗi thôi thúc nhức nhối phải tìm kiếm câu trả lời và gốc gác nữa. Nhờ có Eric và sự đồng hành vững chãi, dễ chịu của anh. Nhờ có Isabelle mà mặt đất dưới chân Pari đã vững lại - dù vẫn còn lỗ chỗ những khoảng trống và điểm mù, tất cả những câu hỏi chưa được giải đáp, tất cả những điều Maman không thừa nhận. Chúng vẫn ở đó. Chỉ là Pari không khao khát tìm kiếm câu trả lời như trước nữa.
Và cái cảm giác xưa cũ vẫn luôn đeo bám cô trước kia - rằng có một thứ gì đó hay ai đó quan trọng thiếu vắng trong cuộc đời cô - đã phai nhạt. Thi thoảng nó vẫn trỗi dậy, đôi khi với sức mạnh mà cô không ngờ tới, nhưng thưa nhạt hơn trước. Pari chưa bao giờ cảm thấy mãn nguyện như vậy, chưa bao giờ cảm thấy an nhiên hạnh phúc đến thế.
Năm 1981, khi Isabelle lên ba, Pari, lúc ấy mang bầu Alain được vài tháng, phải tới Munich dự hội nghị. Cô sẽ thuyết trình một nghiên cứu mà cô là đồng tác giả về việc sử dụng các dạng thức mô đun bên ngoài lý thuyết số, cụ thể trong hình học tô pô và vật lý lý thuyết. Bài thuyết trình được đón nhận tích cực, sau đó Pari và mấy học giả khác tới một quán bar náo nhiệt uống bia, ăn bánh quy xoắn và xúc xích trắng. Cô quay về phòng khách sạn trước nửa đêm và lăn ra ngủ mà không buồn thay quần áo hay rửa mặt. Điện thoại đánh thức cô dậy lúc hai rưỡi sáng. Eric, gọi từ Paris.
“Là Isabelle,” anh nói. Con bé bị sốt. Lợi tự dưng sưng lên và đỏ tấy. Chạm vào rất nhẹ thôi cũng chảy máu đầm đìa. “Anh hầu như không nhìn thấy răng con bé. Pari ơi. Anh không biết phải làm gì cả. Anh đọc được đâu đó rằng đó có thể là…”
Cô muốn anh ngừng lại. Cô muốn bảo anh im đi, rằng nghe những lời đó cô không chịu nổi đâu, nhưng đã quá muộn. Cô nghe thấy cụm từ ung thư bạch cầu ở trẻ em hoặc ung thư hạch, mà thế thì có gì khác nhau chứ? Pari ngồi trên mép giường, ngồi đó như đá, đầu ong ong, da đẫm mồ hôi. Cô giận Eric vì đã gieo một thứ kinh khủng như vậy vào đầu cô giữa đêm hôm khuya khoắt khi cô ở cách nhà bảy trăm cây số và hoàn toàn bất lực. Cô giận bản thân vì sự ngốc nghếch của chính mình. Cô đã mở lòng, một cách tự nguyện, với cuộc đời lo lắng và đau đớn. Thật điên rồ. Hoàn toàn mất trí. Một niềm tin vô căn cứ và ngờ nghệch khôn cùng, bất chấp mọi trở ngại to lớn, rằng một thế giới mà ta không kiểm soát sẽ không lấy của ta thứ mà ta không chịu đựng nổi nếu mất đi. Niềm tin rằng thế giới đó sẽ không hủy hoại ta. Mình không nỡ lòng. Cô thực sự đã thều thào những lời đó. Mình không nỡ lòng. Vào khoảnh khắc ấy, cô không thể nghĩ đến một việc nào mạo hiểm, phi lý hơn việc chọn trở thành cha mẹ.
Và một phần trong cô - xin trời giúp con với, cô nghĩ, xin trời tha thứ cho con - một phần trong cô giận Isabelle vì đã làm thế với cô, vì đã khiến cô phải chịu đựng thế này.
“Eric. Eric! Écoute moi*. Em sẽ gọi lại cho anh sau. Giờ em phải cúp máy đã.”
Nghe em nói này (tiếng Pháp).
Cô dốc túi ra giường, tìm thấy một cuốn sổ nhỏ màu đỏ đun dùng để lưu số điện thoại. Cô gọi đến Lyon. Collette hiện sống cùng chồng, Didier, ở Lyon, nơi cô mở một đại lý du lịch nhỏ. Didier đang học ngành y. Chính Didier là người nhấc máy.
“Em thừa biết là anh học ngành tâm thần mà Pari?” anh nói.
“Em biết. Em biết. Em chỉ nghĩ là…”
Anh hỏi vài câu. Isabelle có sút cân không? Ra mồ hôi trộm về đêm, những vết bầm tím bất thường, mệt mỏi, sốt không dứt cơn?
Cuối cùng, anh bảo sáng mai Eric nên đưa con bé đến bác sĩ. Nhưng, nếu anh nhớ không nhầm từ chương trình đào tạo tổng quát ở trường y thì có vẻ như con bé bị viêm nướu cấp.
Pari siết chặt ống nghe, cổ tay cô đau buốt. “Xin anh,” cô kiên nhẫn nói, “Didier.”
“À, xin lỗi. Ý anh là, có vẻ như đó là biểu hiện đầu tiên của chứng lở miệng.”
“Lở miệng.”
Rồi anh nói thêm những lời tươi sáng nhất là Pari từng nghe trong đời. “Anh nghĩ con bé sẽ ổn thôi.”
Pari chỉ gặp Didier hai lần, một lần trước và một lần sau đám cưới Collette. Nhưng vào chính giây khắc đó, cô thực lòng yêu mến anh. Cô nói vậy với anh, sụt sùi trong điện thoại. Cô bảo rằng cô yêu quý anh - vài lần liền - còn anh cười và chúc cô ngủ ngon. Cô gọi cho Eric, sáng mai anh sẽ đưa Isabelle tới chỗ bác sĩ Perrin. Sau đó, tai lùng bùng, Pari nằm trên giường, nhìn ánh đèn đường tràn vào qua lớp mành gỗ xanh nhạt. Cô nghĩ về hồi nằm viện điều trị viêm phổi, năm tám tuổi, Maman đã không chịu về nhà, cứ nhất quyết ngủ trên ghế cạnh giường cô, và cô cảm thấy một sự gắn bó muộn màng, mới mẻ, không ngờ với mẹ mình. Cô nhớ bà rất nhiều lần suốt mấy năm qua. Vào đám cưới của cô, tất nhiên. Khi Isabelle chào đời. Và vô số khoảnh khắc bất kỳ khác. Nhưng chưa bao giờ quay quắt đến thế như vào cái đêm kinh khủng và lạ lùng ấy trong căn phòng khách sạn tại Munich.
Hôm sau trở về Paris, cô bảo với Eric rằng họ không nên sinh thêm con nữa sau khi Alain ra đời. Chỉ làm tăng nguy cơ đau lòng mà thôi.
Năm 1985, khi Isabelle bảy tuổi, Alain bốn tuổi, còn Thierry bé nhỏ lên hai, Pari nhận lời giảng dạy tại một trường đại học danh tiếng ở Paris. Cô trở thành đề tài, trong một thời gian, cho thói bon chen hẹp hòi vốn thấy ở giới học thuật - chẳng có gì ngạc nhiên, bởi ở tuổi ba sáu, cô là giáo sư trẻ nhất khoa và là một trong hai người phụ nữ duy nhất. Cô vượt qua chuyện đó theo cách mà cô hình dung Maman sẽ không bao giờ có thể hoặc sẽ làm. Cô không nịnh bợ hay giả lả. Cô tránh tranh cãi hay than phiền. Cô luôn giữ thái độ hoài nghi. Nhưng đến khi Bức tường Berlin sụp đổ, bức tường trong công việc của cô cũng vậy, và cô dần chiếm được cảm tình của hầu hết các đồng nghiệp bằng lối cư xử tinh tế và sự hòa đồng thân thiện. Cô kết bạn trong khoa - và cả ngoài khoa nữa - tham gia những sự kiện của trường, chiến dịch gây quỹ, những buổi cocktail giá rẻ và tiệc tối được tổ chức theo dịp. Eric cùng cô tới những buổi tiệc đó. Như một trò đùa riêng tư chẳng có điểm dừng, anh nhất quyết đeo đúng cái cà vạt len và khoác chiếc áo nhung kẻ đáp vải ở khuỷu tay ấy. Anh lượn quanh căn phòng đông đúc, nếm món khai vị, nhấp rượu, nom ngơ ngác một cách vui vẻ, và thi thoảng Pari phải nhảy bổ vào kéo anh khỏi một nhóm các nhà toán học trước khi anh phát biểu ý kiến về các đa tạp ba chiều và phép xấp xỉ Diophantine.
Không thể tránh khỏi, rồi sẽ có người ở bữa tiệc hỏi quan điểm của Pari về tình hình ở Afghanistan. Một tối nọ, một vị khách giáo sư ngà ngà say tên Chatelard đã hỏi Pari rằng cô nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra với Afghanistan khi quân Xô viết rời đi. “Người dân của cô liệu có được bình yên không, Madame Professeur*?”
Bà giáo sư (tiếng Pháp).
“Tôi không biết,” cô đáp. “Thực tế mà nói thì tôi chỉ là người Afghanistan ở cái tên thôi.”
“Non mais, quand-même*,” ông nói. “Nhưng cô vẫn phải có chút hiểu biết gì hơn chứ?”
Không đâu, dẫu sao đi nữa (tiếng Pháp).
Cô mỉm cười, cố tránh xa cảm giác thiếu sót vẫn thường len vào với những câu hỏi này. “Chỉ là những gì tôi đọc trên tờ Le Monde thôi. Như ông vậy.”
“Nhưng cô lớn lên ở đó mà, non*?”
Không phải thế à (tiếng Pháp).
“Tôi rời đi khi còn rất nhỏ. Ông có thấy chồng tôi đâu không? Anh ấy mặc áo có đáp vải ở khuỷu tay?”
Những gì cô nói là sự thực. Cô có theo dõi tin tức, đọc báo về cuộc chiến, về việc phương Tây trang bị vũ khí cho lực lượng Mujahideen, nhưng Afghanistan đã lu mờ trong tâm trí cô. Cô có nhiều việc phải bận rộn lo toan ở nhà, giờ là một căn nhà bốn phòng ngủ xinh xắn ở Guyancourt, cách trung tâm Paris khoảng hai mươi cây số. Họ sống trên một ngọn đồi nhỏ gần một công viên có lối đi bộ và hồ nước. Giờ đây ngoài giảng dạy, Eric còn viết kịch. Một trong những vở kịch của anh, một vở hài kịch chính trị vui vẻ, sắp được công chiếu vào mùa thu ở một nhà hát nhỏ gần tòa thị chính Paris, và anh mới được giao viết một vở nữa.
Isabelle đã trở thành một thiếu nữ trầm lặng nhưng thông minh và sâu sắc. Con bé viết nhật ký và đọc một cuốn tiểu thuyết mỗi tuần. Nó thích Sinéad O’Connor. Nó có những ngón tay dài duyên dáng để học cello. Mấy tuần nữa, nó sẽ biểu diễn bản Chanson Triste của Tchaikovsky trong một buổi độc tấu. Ban đầu nó không chịu học cello, và Pari đã phải học cùng nó vài buổi để cho thấy tinh thần đoàn kết. Việc này hóa ra vừa không cần thiết lại vừa bất tiện. Không cần thiết là vì Isabelle đã nhanh chóng tự nguyện gắn bó với nhạc cụ này, còn bất tiện là bởi cello làm tay Pari đau nhức. Một năm qua, Pari thức dậy mỗi sáng với bàn tay tê cứng và cổ tay không thả lỏng nổi trong nửa tiếng, có khi là cả tiếng đồng hồ. Eric đã thôi ép cô đi khám, giờ lại kiên quyết bắt cô đi. “Em mới bốn ba tuổi thôi, Pari à,” anh nói. “Thế này không bình thường chút nào.” Pari bèn đặt lịch hẹn.
Alain, đứa con giữa, thì láu lỉnh đáng yêu. Thằng bé mê mẩn võ thuật. Nó bị sinh non và vẫn khá còi so với một chú nhóc mười một tuổi, nhưng những khiếm khuyết về tầm vóc lại được nó bù đắp gấp bội bằng nỗi khát khao và lòng dũng cảm. Đối thủ luôn bị đánh lừa bởi vóc dáng yếu ớt và đôi chân gầy guộc của nó. Họ đánh giá thấp nó. Đêm đêm Pari và Eric thường nằm trên giường, kinh ngạc trước ý chí to lớn và năng lượng mạnh mẽ của thằng bé. Cả Isabelle lẫn Alain đều không khiến Pari phải bận tâm.
Chính Thierry là đứa khiến cô lo lắng. Thierry, ở một mức độ nguyên sơ tăm tối nào đó, cảm thấy nó không được mong đợi, không nằm trong dự tính, không được chào đón. Thierry có xu hướng chìm vào những khoảng im lặng đầy tổn thương và nhíu mắt tư lự, gắt gỏng và nghịch ngợm linh tinh bất cứ khi nào Pari bảo nó làm gì. Nó thách thức cô, Pari cảm thấy, chỉ vì muốn thách thức mà thôi. Có những ngày, một đám mây tụ lại trên đầu nó. Pari biết. Cô gần như có thể thấy được. Nó tụ lại và phồng ra cho đến khi cuối cùng cũng nứt toạc, trào xuống một cơn mưa thịnh nộ với bầu má run run, chân giậm thình thịch, cơn thịnh nộ khiến Pari sợ hãi và làm Eric chỉ còn biết chớp mắt cười đau khổ. Pari biết từ trong bản năng rằng Thierry là dành cho cô, như cơn đau trong xương khớp cô, một nỗi lo cả đời.
Cô thường tự hỏi Maman sẽ trở thành người bà như thế nào. Nhất là với Thierry. Trực giác mách bảo Pari rằng Maman sẽ chứng tỏ là mình hữu ích với thằng bé. Bà có thể thấy hình ảnh bản thân trong thằng bé - dù không liên quan về mặt sinh học, tất nhiên, Pari đã chắc chắn về chuyện này một thời gian rồi. Lũ trẻ biết đến Maman. Isabelle đặc biệt rất tò mò. Nó đã đọc nhiều bài thơ của bà.
“Ước gì con được gặp bà,” con bé nói.
“Bà có vẻ rất lộng lẫy,” con bé nói. “Con nghĩ hai bà cháu có thể làm bạn tốt. Mẹ có nghĩ vậy không? Hai bà cháu sẽ đọc những cuốn sách giống nhau. Con sẽ chơi cello cho bà nghe.”
“Ừm, bà sẽ thích lắm đấy,” Pari nói. “Mẹ chắc chắn vậy.”
Pari không kể cho lũ trẻ nghe về vụ tự tử. Có thể một ngày nào đó chúng sẽ biết, có lẽ vậy. Nhưng chúng sẽ không nghe được chuyện đó từ cô. Cô sẽ không gieo hạt giống đó vào tâm trí lũ trẻ, rằng một người làm cha làm mẹ lại có thể bỏ rơi con mình, nói với chúng là Con không đủ. Với Pari, lũ trẻ và Eric luôn luôn đủ. Sẽ luôn như vậy.
Mùa hè năm 1994, Pari và Eric đưa các con tới đảo Majorca ở Tây Ban Nha. Chính Collette là người tổ chức kỳ nghỉ này cho họ, thông qua đại lý du lịch làm ăn phát đạt của cô. Collette và Didier gặp họ tại Majorca, và tất cả cùng nhau nghỉ trong một ngôi nhà thuê trước biển trong hai tuần. Collette và Didier không có con, không phải do khiếm khuyết sinh học gì mà bởi họ không muốn. Với Pari, thời điểm này thật phù hợp. Bệnh thấp khớp của cô giai đoạn này được kiểm soát tốt. Cô uống một liều methotrexate mỗi tuần, loại thuốc mà cô đáp ứng khá tốt. May mắn là gần đây cô không phải dùng thêm bất cứ liều steroid nào và cũng không phải chịu đựng chứng mất ngủ đi kèm nữa.
“Chưa nói đến chuyện tăng cân,” cô bảo Collette. “Có biết tớ phải chui vừa đồ bơi ở Tây Ban Nha không?” Cô cười. “À, phù phiếm thật.”
Họ dành mấy ngày khám phá đảo, lái xe đến bờ biển Tây Bắc bên dãy Serra de Tramuntana, dừng lại để dạo bước bên những vườn ô liu và vào rừng thông. Họ ăn porcella* và món cá ngon tuyệt gọi là lubina, món thịt hầm cà và bí ngòi mang tên tumbet. Thierry không chịu ăn món nào trong số đó, vậy nên đến nhà hàng nào Pari cũng phải bảo đầu bếp làm cho nó mì spaghetti với độc xốt cà chua, không thịt, không phô mai. Chiều lòng Isabelle - con bé mới phát hiện ra opera - một đêm họ đi xem vở nhạc kịch Tosca của Giacomo Puccini. Để sống sót qua màn đàn gảy tai trâu, Collette và Pari lén lút chuyền nhau chiếc bình bạc đựng loại vodka rẻ tiền. Đến giữa hồi thứ hai, họ đã ngà ngà say, và không thể nhịn cười khúc khích như mấy cô nữ sinh trước vai diễn Scarpia.
Lợn sữa (tiếng Catalan).
Một hôm, Pari, Collette, Isabelle và Thierry gói ghém đồ ăn trưa ra biển; Didier, Alain và Eric từ sáng đã lên đường đi bộ đường dài dọc theo vịnh Sóller. Trên đường ra biển, họ ghé qua một cửa hàng để mua cho Isabelle bộ đồ bơi con bé để ý. Bước vào cửa hàng, Pari liếc hình phản chiếu của mình qua lớp kính. Thường thì, dạo gần đây, khi đứng trước gương, trong cô lại tự động nảy sinh tâm lý chuẩn bị tinh thần đón chào một bản thân già nua. Việc này có tác dụng như một tấm đệm đỡ, giúp cô bớt sốc. Nhưng qua lớp kính này, cô đã bị ngỡ ngàng, mong manh trước thực tại chẳng hề bị bóp méo bởi sự tự dối mình. Cô thấy một phụ nữ trung tuổi vận tấm áo mềm rủ trầm buồn và chiếc váy đi biển không giấu nổi nếp gấp da đầu gối chùng nhão. Nắng soi rọi những sợi bạc trên mái tóc cô. Và bất chấp lớp chì kẻ mắt, lớp son tô điểm đôi môi, giờ đây cô có khuôn mặt mà một người qua đường sẽ chỉ nhìn rồi lướt mắt đi ngay, như một tấm biển chỉ đường hay biển số hòm thư. Một khoảnh khắc ngắn ngủi, chỉ vừa đủ cho một nhịp mạch đập nhưng lại đủ dài để phần ảo tưởng trong cô bắt kịp với thực tại là cái người phụ nữ ấy nhìn ngược lại cô từ cửa kính. Một cảm giác hơi đau lòng. Tuổi già là thế này đây, cô nghĩ khi theo Isabelle vào cửa hàng, những khoảnh khắc tàn nhẫn ngẫu nhiên ập đến khi ta ít mong chờ nhất.
Lát sau, khi trở về căn nhà thuê bên bãi biển, họ thấy cánh đàn ông đã về rồi.
“Papa già rồi,” Alain nói.
Đằng sau quầy bar, Eric đang pha một bình cocktail sangria, đảo mắt và nhún vai vẻ nhã nhặn.
“Con còn tưởng là phải cõng Papa về chứ.”
“Cho cha một năm. Năm sau chúng ta sẽ quay lại, và cha sẽ đuổi con quanh đảo, mon pote*.”
Anh bạn (tiếng Pháp).
Họ không bao giờ quay lại Majorca nữa. Một tuần sau khi trở về Paris, Eric bị đau tim. Chuyện xảy ra khi anh đang ở chỗ làm, nói chuyện với người phụ trách ánh sáng. Anh qua khỏi, nhưng phải chịu đựng thêm hai cơn đau tim nữa trong ba năm sau đó, trong đó cơn đau cuối cùng đã đưa anh đi vĩnh viễn. Và ở tuổi bốn tám, Pari thấy mình giống Maman, một bà góa.
Một ngày đầu xuân năm 2010, Pari nhận được một cú điện thoại đường dài. Cuộc gọi không phải là không được mong đợi. Thực sự Pari đã chuẩn bị đón nhận nó suốt cả buổi sáng. Trước cú điện thoại, Pari đã đảm bảo rằng chỉ có mình bà ở nhà. Tức là bảo Isabelle rời nhà sớm hơn thường lệ. Isabelle và chồng cô, Albert, sống ở phía Bắc Saint-Denis, chỉ cách căn hộ một phòng ngủ của Pari vài dãy nhà. Cứ hai ngày một lần, Isabelle lại tới thăm Pari vào buổi sáng, sau khi đưa con đi học. Cô mang cho Pari bánh mì dài, ít hoa quả tươi. Pari chưa phải ngồi xe lăn, một tình huống mà bà đã chuẩn bị sẵn tinh thần. Dù bệnh tật khiến bà phải về hưu sớm từ năm ngoái, nhưng bà vẫn hoàn toàn có thể tự mình đi chợ, hay đi lại hằng ngày. Chính đôi bàn tay - xấu xí, cong vẹo - là thứ khiến bà thất vọng, đôi bàn tay vào những ngày trái gió trở trời lại có cảm giác như những mẩu thủy tinh đang lách cách quanh khớp xương. Pari xỏ găng tay bất cứ khi nào ra ngoài để giữ ấm, nhưng chủ yếu là bởi bà xấu hổ vì đôi bàn tay, những đốt ngón tay sưng u, những ngón tay xấu xí mà bác sĩ gọi là biến dạng cổ thiên nga, ngón út bên trái cong gập kinh niên.
À, phù phiếm thật, bà nói với Collette.
Sáng hôm đó, Isabelle mua cho bà ít quả sung, mấy bánh xà phòng, kem đánh răng, và một hộp nhựa đầy ắp xúp hạt dẻ. Albert đang tính đề xuất đưa món này vào thực đơn với chủ cửa hàng nơi anh là bếp trưởng. Khi mở túi đồ ra, Isabelle kể cho Pari nghe về một hợp đồng mà cô mới giành được. Giờ cô viết nhạc cho các chương trình truyền hình, những chương trình quảng cáo, và hy vọng một ngày gần đây sẽ viết nhạc phim. Cô nói sẽ bắt tay vào viết nhạc cho một bộ phim truyền hình đang được quay ở Madrid.
“Con sẽ đến đó chứ?” Pari hỏi. “Đến Madrid ấy?”
“Non. Ngân sách quá ít. Họ không thể chi trả cho phí đi lại của con.”
“Tiếc quá. Đáng lẽ con đã được ở cùng Alain rồi.”
“Ồ, mẹ tưởng tượng được không, Maman? Khổ thân Alain. Nó hầu như không có chỗ để duỗi chân ra kìa.”
Alain là tư vấn viên tài chính. Anh sống trong một căn hộ nhỏ ở Madrid, cùng vợ, Anna, và bốn đứa con. Anh thường xuyên gửi ảnh và những clip về lũ trẻ qua e-mail cho Pari.
Pari hỏi liệu Isabelle có nhận được tin của Thierry không, nhưng Isabelle đáp không. Thierry đang ở châu Phi, miền Đông Cộng hòa Chad, nơi cậu làm việc ở một khu trại với những người tị nạn đến từ Darfur. Pari biết vì thi thoảng Thierry có liên lạc với Isabelle. Cô là người duy nhất cậu nói chuyện. Đó là cách Pari biết sơ sơ về cuộc đời con trai mình - chẳng hạn như, cậu từng ở Việt Nam một thời gian. Hay cậu từng cưới một cô gái Việt Nam, chóng vánh thôi, khi cậu hai mươi tuổi.
Isabelle đặt ấm nước lên đun và lấy hai chiếc tách từ tủ bếp ra.
“Sáng hôm nay không được đâu, Isabelle. Thực ra thì, mẹ cần yêu cầu con rời đi.”
Isabelle nhìn bà vẻ tổn thương, và Pari liền trách mình vì đã không nói dễ nghe hơn. Isabelle vốn rất nhạy cảm.
“Ý mẹ là, mẹ đang đợi điện thoại và cần chút riêng tư.”
“Điện thoại? Ai gọi ạ?”
“Mẹ sẽ cho con biết sau,” Pari đáp.
Isabelle khoanh tay cười tươi. “Mẹ có người yêu rồi ạ?”
“Người yêu? Con có mắt không đấy? Dạo này con có buồn nhìn mẹ không?”
“Mẹ có gì không ổn đâu.”
“Con cần phải đi. Mẹ sẽ giải thích sau, mẹ hứa đấy.”
“D’accord, d’accord*.” Isabelle đeo túi lên vai, túm lấy áo khoác và chìa khóa. “Nhưng con phải cho mẹ biết là con tò mò chính đáng đấy.”
Được rồi (tiếng Pháp).
Người đàn ông gọi đến lúc chín rưỡi tên là Markos Varvaris. Ông đã liên lạc với Pari qua tài khoản Facebook với mẩu tin nhắn viết bằng tiếng Anh này: Chị là con gái của nhà thơ Nila Wahdati phải không? Nếu phải, tôi rất muốn được nói chuyện với chị về một số chuyện mà chị hẳn sẽ quan tâm. Pari đã tìm kiếm tên ông trên mạng và biết rằng ông là bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận ở Kabul. Giờ, trên điện thoại, ông chào bà bằng tiếng Farsi, và tiếp tục nói bằng tiếng Farsi cho đến khi Pari phải ngắt lời ông.
“Monsieur Varvaris, tôi xin lỗi, nhưng ta có thể nói bằng tiếng Anh được không?”
“À, tất nhiên. Tôi xin lỗi. Tôi cứ tưởng là… Nhưng tất nhiên, cũng dễ hiểu mà, chị rời đi khi còn rất nhỏ, phải không?”
“Vâng, đúng vậy.”
“Tôi tự học tiếng Farsi ở đây. Phải nói là dù ít dù nhiều cũng xài được. Tôi sống ở đây từ năm 2002, không lâu sau khi Taliban rời đi. Những ngày khá tươi sáng. Vâng, tất cả đều sẵn sàng cho việc tái xây dựng, dân chủ, và những thứ tương tự. Giờ đó là một câu chuyện khác. Tất nhiên chúng tôi đang chuẩn bị cho bầu cử tổng thống, nhưng đó là một câu chuyện khác. Tôi e là vậy.”
Pari kiên nhẫn lắng nghe trong khi Markos Varvaris lạc đề dông dài về những thách thức hậu cần - hay cuộc bầu cử ở Afghanistan, trong đó ông nói Karzai sẽ chiến thắng, và rồi về những trận cướp phá loạn lạc của Taliban ở phía Bắc, về sự xâm chiếm ngày càng tăng của những tín đồ Hồi giáo cực đoan trên mục tin tức, một hai thông tin bên lề về sự bùng nổ dân số ở Kabul, sau rốt là về giá nhà, trước khi quay về chủ đề chính, “Tôi đã sống trong ngôi nhà này được vài năm rồi. Tôi biết chị cũng từng sống trong chính ngôi nhà này.”
“Sao cơ?”
“Đây là nhà của cha mẹ chị. Dù sao đó cũng là những gì tôi được biết.”
“Xin hỏi, ai cho anh biết vậy?”
“Người chủ nhà. Tên ông ấy là Nabi. Từng là chủ nhà thì đúng hơn. Ông ấy qua đời rồi, thật đáng buồn, cũng mới đây thôi. Chị có nhớ ông ấy không?”
Cái tên gợi lên trong tâm trí Pari một gương mặt trẻ tuổi điển trai, râu quai nón, và mớ tóc dày sẫm màu chải ngược ra sau.
“Vâng. Chủ yếu là cái tên thôi. Ông ấy là đầu bếp nhà chúng tôi. Kiêm luôn cả tài xế nữa.”
“Vâng, ông ấy làm cả hai. Ông ấy từng sống ở đây, trong ngôi nhà này, từ năm 1947. Sáu mươi ba năm. Hơi khó tin phải không? Nhưng, như tôi nói rồi đấy, ông ấy qua đời rồi. Tháng trước. Tôi rất quý ông ấy. Ai cũng vậy.”
“Tôi hiểu.”
“Nabi để lại cho tôi một lời nhắn,” Markos Varvaris nói. “Tôi chỉ được đọc sau khi ông ấy qua đời. Khi ông ấy mất, một đồng nghiệp người Afghanistan đã dịch nó sang tiếng Anh. Lời nhắn này, nó còn hơn cả một lời nhắn. Một lá thư thì chính xác hơn, và rất đáng chú ý. Nabi nói vài chuyện trong đó. Tôi tìm chị vì có một số chuyện nhắc đến chị, và cũng bởi trong thư ông ấy đã trực tiếp đề nghị tôi tìm chị và trao cho chị lá thư này. Mất chút thời gian tìm kiếm, nhưng cuối cùng chúng tôi đã tìm ra chị. Nhờ có mạng Internet.” Ông thoáng cười.
Pari phần nào muốn gác máy. Theo trực giác, bà không nghi ngờ bất cứ sự tiết lộ nào mà ông cụ này - người từ quá khứ xa xôi của bà - nguệch ngoạc trên giấy, nơi bên kia bán cầu. Từ lâu bà đã biết rằng Maman nói dối về tuổi thơ của bà. Nhưng dẫu cho mặt đất cuộc đời bà có nứt ra bởi một lời nói dối, thì những gì bà đã gieo trồng trên chính mặt đất ấy kể từ đó đến nay vẫn hiện diện chân thực, vững chãi, không gì lay chuyển nổi như một cây sồi khổng lồ. Eric, các con bà, các cháu bà, sự nghiệp của bà, Collette. Vậy thì có ích gì chứ? Sau ngần ấy năm thì còn có ích gì đây? Có lẽ nên gác máy thì hơn.
Nhưng bà không làm vậy. Mạch đập yếu ớt, lòng bàn tay rịn mồ hôi, bà nói, “Ông ấy nói gì… trong tờ ghi chú đó, trong lá thư đó?”
“Ừm, thứ nhất ông ấy khẳng định mình là bác của chị.”
“Bác tôi?”
“Bác bên đằng mẹ kế, nói đúng ra là vậy. Còn nữa. Ông ấy cũng nói nhiều chuyện khác nữa.”
“Monsieur Varvaris, anh có ở đây không? Tờ ghi chú, lá thư, hay bản dịch đó? Anh có giữ nó bên mình không?”
“Tôi có.”
“Phiền anh đọc cho tôi được không? Anh có thể đọc không?”
“Ý chị là bây giờ ư?”
“Nếu anh có thời gian. Tôi có thể gọi lại cho anh, để anh đỡ tốn phí.”
“Không, không cần đâu. Nhưng chị chắc chứ?”
“Oui,” bà nói vào điện thoại. “Tôi chắc, Monsieur Varvaris.”
Ông đọc cho bà nghe. Ông đọc toàn bộ. Mất một lúc. Khi ông đọc xong, bà cảm ơn ông và nói sẽ sớm liên lạc lại.
Kết thúc cuộc gọi, bà bật máy pha cà phê lên pha một tách rồi đến bên cửa sổ. Từ đây, phong cảnh quen thuộc lại hiện lên trước mắt bà - con đường lát sỏi nhỏ hẹp bên dưới, hiệu thuốc đầu phố, quán falafel* nơi góc phố, quán bia ngoài trời của nhà Basque.
Món ăn truyền thống của người Ả Rập, làm từ thịt gà và đậu răng ngựa chiên giòn.
Tay Pari run rẩy. Một điều bất ngờ đang xảy đến với bà. Một điều thực sự khác thường. Trong tâm trí bà nó chẳng khác gì cảnh một cây rìu bổ xuống đất và bỗng nhiên một lớp dầu đen đặc sủi lên bề mặt. Đó là những gì đang xảy đến với bà, ký ức bị đập mạnh, trỗi dậy từ nơi sâu thẳm. Bà đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ về hướng quán bia, nhưng thứ bà nhìn thấy không phải người bồi bàn gầy nhom bên dưới mái hiên, eo thắt tạp dề đen, giũ giũ khăn trên bàn, mà là một chiếc xe kéo nhỏ xíu màu đỏ với bánh xe cọt kẹt xóc nẩy bên dưới bầu trời trải đầy mây, cuộn trên những mỏm núi và trôi về phía những con mương khô cạn, lên xuống những ngọn đồi màu hoàng thổ phủ bóng sừng sững rồi tan đi. Bà thấy đám cây ăn quả đứng lộn xộn trong vườn, gió xào xạc qua tán lá, những giàn nho nối những ngôi nhà mái bằng. Bà thấy mớ dây phơi quần áo và các bà các cô ngồi xổm bên suối, sợi dây thừng kẽo kẹt của chiếc xích đu bên dưới cái cây khổng lồ, một chú chó to đùng, co rúm lại trước những trò nghịch ác của mấy thằng bé trong làng, một người đàn ông mũi khoằm đang đào mương, chiếc áo đẫm mồ hôi dính chặt vào lưng, và một người phụ nữ đeo mạng che mặt lom khom bên bếp nấu nướng.
Nhưng còn một thứ khác bên rìa tất cả những hình ảnh đó, bên rìa tầm nhìn của bà - và đó là thứ thu hút bà nhất - một cái bóng thoắt ẩn thoắt hiện. Một dáng hình. Vừa mềm mại vừa rắn chắc. Sự mềm mại của bàn tay nắm tay bà. Sự rắn chắc của đôi đầu gối bà từng áp mặt vào. Bà lục tìm khuôn mặt ấy, nhưng nó cứ lẩn tránh bà, trôi lướt qua bà mỗi lần bà hướng về nó. Pari cảm thấy một lỗ hổng mở ra trong bà. Nó hiện hữu trong đời bà, cả cuộc đời bà, một sự thiếu vắng lớn lao. Không hiểu sao, bà vẫn luôn biết.
“Anh trai,” bà thốt lên, không nhận thức được mình đang nói ra. Không nhận thức được mình đang giàn giụa nước mắt.
Một đoạn bài hát tiếng Farsi chợt líu ríu trên môi bà.
Tôi biết một nàng tiên nhỏ buồn bã
Một đêm bị gió cuốn bay.
Còn có một đoạn nữa, có lẽ là đoạn trước, bà chắc chắn thế, nhưng nó cũng lảng tránh bà.
Pari ngồi xuống. Bà phải làm vậy. Bà không nghĩ mình có thể đứng được vào lúc này. Bà đợi cà phê pha xong và tính khi xong xuôi bà sẽ đi lấy một cái tách, có thể thêm một điếu thuốc lá nữa, và rồi bà sẽ vào phòng khách gọi cho Collette ở Lyon, hỏi xem người bạn già có thể sắp xếp cho bà đi Kabul một chuyến không.
Nhưng lúc này Pari chỉ ngồi. Bà nhắm mắt lại, trong khi máy pha cà phê bắt đầu reo ùng ục, và bà thấy đằng sau mí mắt mình là những ngọn đồi mềm mại và bầu trời cao xanh, mặt trời lặn sau cối xay gió, và trùng trùng điệp điệp là những dãy núi mù sương cứ mờ dần, mờ dần nơi chân trời.
Và Rồi Núi Vọng Và Rồi Núi Vọng - Khaled Hosseini Và Rồi Núi Vọng