Nếu mặt biển mãi mãi bình lặng, chắc chắn những thủy thủ tài ba sẽ chẳng bao giờ có mặt trên đời.

Ngạn ngữ Anh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Trung Thiều
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1322 / 11
Cập nhật: 2016-05-20 01:47:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 21
ấy ngày đầu năm trôi qua. Trong một bữa tiệc ngày Tết, bà Tô nói với mẹ Mẫu Ðơn rằng bà ta nhận thấy Mẫu Ðơn bỗng nhiên trưởng thành và có một vẻ suy tư trong mắt. Nàng không còn hờn giận hoặc lạnh lùng xa cách nữa, và hầu như lúc nào cũng lặng lẽ, lắng nghe chuyện với vẻ mặt nhẫn nhục hoặc dửng dưng. Hai tuần lễ sau đó, Mẫu Ðơn lúc nào cũng có Bạch Huệ ở bên cạnh và đã giúp nàng rất nhiều để hồi phục lại tinh thần. Hai người đi thăm bạn bè, hoặc đi chơi thuyền; viếng thăm Ðền Ngọc Tuyền để xem con cá chép khổng lồ dài gần một thước mà các nhà sư nuôi trong một cái ao; đi dạo thật lâu dọc theo suối Cửu Tuyền hoặc ra ngồi uống trà tại Hồ Bảo, một nơi nổi tiếng vì nước suối. Ngày khác họ đi thăm mộ Nhạc Phi, danh tướng chống lại quân Kim xâm lăng vào cuối triều Bắc Tống.
Vào dịp lễ treo đèn Thượng Nguyên, Mẫu Ðơn tỏ ra bình phục lại nhiều. Buổi tối nàng đi cùng Bạch Huệ và Như Thủy xem trưng bày đèn lồng do mỗi gia đình tự làm trong cuộc thi đua làm kiểu đèn mới lạ. Dọc theo công trường Hồ Bình, những lều quán của những đại gia đình dựng lên - một tục lệ lâu đời có từ thời nhà Tống khi mà Hàng Châu là kinh đô. Những phụ nữ trẻ, có chồng hoặc chưa, đều ra đường, ngồi trong những lều quán hoặc đi dạo, và phê bình cái rừng đèn lồng trưng bầy. Con gái cài những bông hoa vải trên tóc, và trông rất xinh đẹp trong ánh sáng hồng của đèn lồng. Mọi ngăn cấm được tạm bãi bỏ, và cổng thành không đóng vào đêm đó. Công trường đầy những thanh niên nam nữ. Trong khoảng trống của bờ hồ, con nít đang đốt pháo, và pháo bông vọt lên bầu trời rồi rơi tỏa xuống thành những chùm ánh sáng, cháy hết trước khi rơi xuống hồ.
Ðây là đêm cuối cùng trước khi họ lên Ðông Lục. Sau khi đi dạo nhiều vòng, Mẫu Ðơn cùng Bạch Huệ và Như Thủy đi xuống bờ hồ, ngồi trên một tảng đá, và có vẻ thích sự yên tĩnh tại đấy, và ngắm những con thuyền sáng rực rỡ lướt trôi trên mặt hồ. Mẫu Ðơn có vẻ suy tư. Nàng nói:
- Tôi nghĩ tôi muốn đi xa.
Như Thủy hỏi, "Ði đâu? Ði Bắc Kinh?"
- Không.
- Chị muốn đi đâu?
- Tôi không biết. Tôi không thể ở lại đây. Tôi cảm thấy nghẹt thở. Một nơi nào không ai biết tôi, tại đó tôi có thể trở lại với con người của tôi - Thượng Hải - Hương Cảng.
- Nhưng bao lâu? Làm sao chị có thể tự túc được?
- Tại sao phải lo? Tôi chỉ biết rằng tôi phải rời bỏ cái chỗ này lại đằng sau tôi. Tôi có thể làm bất cứ việc gì, như đầy tớ, người làm bếp - bất cứ cái gì.
Như Thủy nói, "Phải, rồi để tất cả chúng tôi lo lắng về chị."
- Tôi không sợ. Tôi cần gì? ồ, coi kìa!
Trên bờ năm hoặc sáu pháo bông vọt lên, để lại những vệt sáng, và nổ thành hàng trăm mảnh vàng và tím. Mặt hồ sáng lên trong một giây. Bạch Huệ trông thấy dáng người nghiêng nghiêng của Mẫu Ðơn nổi bật trên cái nền đen của mặt hồ, đầu thẳng và một nụ cười trên môi. Bạch Huệ cảm thấy Mẫu Ðơn đã trở về với con người cũ, hăng say, bồn chồn với những việc phiêu lưu liều lĩnh như nàng từng biết.
Như Thủy thích trêu chọc Mẫu Ðơn; chàng biết rằng nàng thích thế. Chàng nói một cách quyết liệt, "Không được đâu, chỉ một tuần lễ là chị lại chán ghét ngay."
- Một tuần làm gì?
- Chị vừa nói sẽ làm bất cứ việc gì, làm người phụ bếp và những việc như thế.
- Anh không tin tôi ư? - Mẫu Ðơn hào hứng hỏi lại.
Chàng tiếp tục trêu chọc, "Tôi không tin được. Cái mà chị cần là tìm một người đàn ông để yêu. Có phải không?"
- Ðúng rồi, tìm một người đàn ông, một người tôn thờ tôi như anh tôn thờ Bạch Huệ vậy.
- Nhưng chị đã có một người như thế rồi. Quan Hàn Lâm tôn thờ chị đấy, nhưng chị lại không muốn ông ta.
Mẫu Ðơn im lặng. Như Thủy đã đụng chạm vào vết thương của nàng. Nàng biết đó là một niềm đam mê dở dang, giống như một pháo bông bắn lên trời nhưng không nổ toé hào quang. Người ta có thể coi chuyện tình của nàng với Mạnh Giao là một thất bại; nhưng dù gọi là gì, bây giờ chuyện ấy trở thành sự thành công cho Hải Ðường. Nàng đã có nhiều lúc nghi ngờ day dứt không biết Mạnh Giao nghĩ ra cách thay đổi họ trong lúc nàng còn ở Bắc Kinh hay không. Nàng thở dài nặng nề và nói:
- Anh biết cái điều buồn nhất trong đời là gì không? Không phải là cái chết của người yêu, nhưng là cái chết của tình yêu. Thực là buồn biết bao ngay tình yêu cũng phải thay đổi.
Ðôi dép kim tuyến của Bạch Huệ loé lên như hai vệt ánh sáng khi nàng vung hai chân vào chỗ thuyền cập bờ, tay nàng đặt lên đùi Như Thủy. Ký ức của Mẫu Ðơn chợt quay lại nhiều năm trước, khi nàng và Bạch Huệ, cùng mười sáu mười bảy tuổi, lần đầu gặp Như Thủy, khi thuyền của hai người buộc vào bờ hồ liễu phủ tại Ðoàn Kiều. Và cuộc hôn nhân không thay đổi tình bạn của họ. Khuôn mặt bán nguyệt của Bạch Huệ treo trên bờ nước, hai chân nàng dạng thẳng ra mà không một người đàn bà đàng hoàng nào dám làm như vậy, ngay cả chỗ tranh tối tranh sáng. Nàng có thể tiếp tục làm như vậy, bởi vì Như Thủy không những chấp nhận mà còn yêu thích cung cách của nàng như thế; đây là một bằng chứng của sự hoà hợp hiếm hoi và đáng thèm muốn.
- Anh chị lấy nhau được bao lâu rồi?
Bạch Huệ trả lời, đoán được cái gì trong đầu Mẫu Ðơn, "Bốn năm bảy tháng."
- Và vẫn còn là cô dâu?
- Phải, vẫn còn là cô dâu ngày cưới.
Bạch Huệ khẽ nói dịu dàng trong lúc liếc vội nhìn Như Thủy. Nàng khẽ đập vào đùi Mẫu Ðơn và nói, "Thôi, đi về đi. Chúng tôi muốn mai ra thuyền sớm."
Mẫu Ðơn phản đối một cách ngạc nhiên đau đớn, "Nhưng tại sao?"
- Chúng tôi phải dậy sớm cho kịp chuyến thuyền bảy giờ.
- Nhưng đêm nay là lễ Thượng Nguyên, một năm chỉ có một lần! Tôi chưa muốn về nhà vội. Giờ này còn sớm!
Sự khích động trên mặt Mẫu Ðơn bảo Bạch Huệ rằng nàng thực sự muốn ở lại. Nàng nhớ lại đã lâu rồi, khi hai người ra khỏi rạp hát cùng với Tần Châu vào lúc nửa đêm, và nàng phải đưa Mẫu Ðơn về nhà, trong khi Mẫu Ðơn phản đối. Nàng nhớ lại đêm ấy tất cả bên nhau trò chuyện. Cái bản năng của con cú đêm trở lại với nàng. Nàng cần sự khích động này, buổi lễ Thượng Nguyên khi mà không cần phải giải thích khi trở về nhà trễ, đặc biệt là cha mẹ nàng biết nàng đi chơi cùng Bạch Huệ. Mẫu Ðơn bảo họ:
- Anh chị về trước đi.
Như Thủy đẩy nhẹ vợ, và hai người khoác tay nhau bước đi, sau khi biết chắc rằng Mẫu Ðơn không muốn họ đưa về nhà. Mẫu Ðơn nghĩ nàng cũng muốn về nhà nếu nàng như Bạch Huệ, có Như Thủy đi bên cạnh. Nếu nàng rời bỏ thành phố này, sống một mình, thì đêm nào cũng là đêm Thượng Nguyên không? Ðây là sự tự do hoàn toàn mà nàng khao khát - đây là một trong những lý do khiến nàng quyết định rời bỏ Mạnh Giao. Nàng muốn sự tự do của một goá phụ, một sự độc lập hoàn toàn mà không phải vâng phục ai.
Khi bước ra khỏi vùng ánh sáng của công trường, Như Thủy lên tiếng, "Sự bồn chồn của cô ta thực là kỳ lạ, phải không?" Bạch Huệ cũng nghĩ như vậy, nhưng nàng im lặng nghe. Như Thủy nói tiếp, "Em có nhiệm vụ mới, hay là chúng ta có việc mới phải làm. Chúng ta có thể gia ân cho cha mẹ cô ta nếu chúng ta có thể tìm được một nhà thơ hoặc hoạ sĩ cho cô ta làm chồng. Cô ta cần tình yêu."
- Anh có nghĩ rằng như thế là tại sự đọc sách của chị ấy không?
- Không, tại chính cô ấy, cô ấy sinh ra như vậy. Cái mà cô ấy làm tại bệnh viện thực là cảm động - bí mật viếng thăm người yêu sau lưng người vợ, và ngồi nhìn anh ta ngủ sau khi bị anh ta tàn nhẫn xua đuổi. Dĩ nhiên Tần Châu không thể tha thứ sự phản bội của cô ấy. Bây giờ em đã làm cô ấy tỉnh rồi - đưa cô ấy ra khỏi mơ mộng. Anh đã tưởng cô ấy không bao giờ hết mơ mộng. Bây giờ cô ấy đã thoát rồi, nhưng sự thay đổi quá đột ngột. Anh đánh cuộc là cô ấy sẵn sàng yêu đêm nay - và sẽ là bất cứ người nào tới trước. Anh trông thấy đôi mắt long lanh rực rỡ ấy. Dĩ nhiên đó là cái tâm trạng của hội đèn lồng. Nhưng quá đột ngột.
- Phải. Em cũng nghĩ thế.
Tiếng chép miệng nhẹ nhàng của Như Thủy chấm dứt bằng một tiếng thở dài nặng nề. Bạch Huệ bám vào cánh tay chồng. Hai người im lặng lắng nghe tiếng bước chân của mình trên con đường trải sỏi. Bạch Huệ hỏi:
- Tại sao anh thở dài?
- Vì Mẫu Ðơn. Anh trông thấy mắt cô ấy lóng lánh trong bóng tối khi chúng ta ngồi bên bờ hồ. Anh không hiểu cô ấy. Theo những điều cô ấy nói với chúng ta, thì làm thế nào cô ấy có thể hết yêu một người như Mạnh Giao một cách bất thần như thế. Có phải cô ta không yêu nữa sau khi gặp người võ sĩ, hay là ngã vào người võ sĩ sau khi cô ấy thấy không thể yêu Mạnh Giao? Và căn cứ vào những gì cô ấy kể, còn có vài người nữa...
Bạch Huệ cố bênh vực bạn. "Ðàn ông mê chị ấy. Ðó không phải là lỗi của chị ấy. Chị ấy đẹp quá mà."
- Phải, đẹp và hư. Ðẹp hơn nhiều người, và hư hơn tất cả những người không có can đảm làm như cô ta.
° ° °
Cuộc thi đèn lồng đã bắt đầu vãn. Bây giờ phần lớn các lều quán không còn người và tắt đèn. Những người rảnh rỗi và các thiếu nữ vẫn làm công trường vui nhộn nhờ những tiếng cười vui đùa, nhưng càng lúc càng có nhiều người bỏ ra về. Chiếc đèn lồng khổng lồ hình thể và kích thước như một ngôi chùa bảy từng trên bến thuyền nay chỉ còn sáng một nửa; phần lớn đèn nến đã tắt rồi, và trông như một người đàn bà khổng lồ bị bóp méo, xuất hiện trên đường phố mà không có son phấn. Trên mặt hồ, những chòm ánh sáng lấp lánh chỗ này chỗ kia, những đèn lồng hình bông sen trôi ra xa và tản mát theo những hướng khác nhau. Tại bờ bên kia, những làn sóng bạc phản chiếu ánh sáng từ những biệt thự. Ðêm nay mặt trăng khuất sau những khối mây, không soi rõ những bờ thấp và làn sương bạc xám lơ lửng trong khoảng trống giữa những chỏm núi.
Trên những tháp dọc Bạch Ðê xa vài trăm thước, ánh sáng của nhà hàng Lầu Ngoại Lầu có vẻ như gần với làn nước tối đen, và bên trên là những đèn lồng hắt sáng lên sân hội quán Thi Xã. Mẫu Ðơn nhớ lại cái buổi chiều Mạnh Giao đưa nàng tới hội quán và tay chàng nắm tay nàng trong tâm trạng xúc động của tình yêu. Tất cả những gì đã qua giữa hai người kể từ đó dường như là một giấc mộng lãng mạn và chưa chấm hết, không trả lời được lý lẽ. Tiếng nhạc và tiếng hát rất mơ hồ vẳng lên trong đêm tối. Nàng đoán đang có sinh hoạt tại hội quán. Theo cảm hứng bốc đồng, nàng bước về hướng ấy.
Khi bước vào vùng ánh sáng trước sân hội quán, nàng nghe thấy tiếng nhạc và tiếng ca bay trên ngọn cây. Nàng ngẩng lên. Hai con rồng thắp sáng, từ hai phía đối nghịch, đang châu đầu vào một trái bóng sáng tượng trưng cho viên ngọc, kéo dài suốt cả hiên lầu. Âm thanh của tiếng đàn bà hát hoà lẫn với tiếng đàn réo rắt. Trên những bậc đá dẫn lên hội quán là hàng loạt những mặt trăng giả, ẩn hiện trong đám lá cây.
Không có ai tại cổng. Với sự can đảm của ngày Thượng Nguyên, nàng bước vào hội quán. Một cặp đang bước xuống bậc thềm đụng phải nàng ngay tại lối vào. Nàng hỏi, "Tôi vào được không?" Người đàn ông nhìn hình dáng trẻ trung của nàng, và nghĩ nàng là một trong những ca kỹ, nên đáp, "Dĩ nhiên là được."
Ðàn ông đàn bà ngồi từng đôi một trong những bóng tối của tàng cây trong sân và vườn. Mẫu Ðơn nghẹn ngào một nỗi cô đơn vô cùng. Nàng ngồi xuống một chiếc ghế đá ngay bên dưới sân lầu. Một nỗi mệt mỏi không nguyên cớ tràn ngập hồn, khi nàng nghe thấy những giọng vui tươi của đàn ông đàn bà trên lầu. Tam Nguyệt Kính ở giữa hồ bây giờ trông giống như một hòn đảo thần tiên mơ hồ.
Mẫu Ðơn ngồi một mình một lúc khá lâu. Nàng biết rằng một người con gái trẻ ngồi một mình trong một đêm như thế này thì sẽ lôi cuốn sự chú ý của đàn ông. Một lát sau, một cặp đi qua, rồi quay lại nhìn một lần nữa. Bỏ người con gái một mình, người ấy lại gần nàng và rụt rè hỏi, "Xin lỗi. Cô có phải là Hồng Mẫu Ðơn không? Tôi có thể lầm, nhưng xin tha lỗi cho tôi, tôi có mặt trong buổi tang lễ, và tôi chính là người dẫn cô ra khỏi cái đám đông hôm ấy."
Mẫu Ðơn hơi đỏ mặt khi nàng ngẩng lên nhìn người lạ mặt. Nàng không hề bị xúc phạm, và cũng không phấn khởi, chỉ hững hờ gật đầu để trả lời câu hỏi và lại cúi đầu xuống. Người lạ bỏ đI.
Vài phút sau, ba bốn người bước xuống, lảng vảng quanh nàng như những con chim thăm dò. Rồi họ năn nỉ nàng lên lầu nhập bọn với họ. Họ rất vui vẻ, thiện cảm, và làm cho nàng cảm thấy rằng sự hiện diện của nàng là một vinh dự đặc biệt cho họ.
Hội quán Thi Xã hôm nay đầy những người ăn mặc sang trọng, đàn ông trường bào lụa, và các thiếu nữ đeo ngọc ngà trên tóc. Ðàn ông đàn bà tụ họp quanh những bàn chơi bài bên trong, hoặc rải rác từng nhóm trên cái sân thượng lộ thiên, trong cái ánh sáng nhẹ và tươi vui của những đèn lồng nhiều màu. Những chai rượu màu lục và đỏ trên bàn, và chỗ nào cũng có tiếng nói cười. Dĩ nhiên không có bà vợ nào hiện diện.
Mấy người dẫn nàng lên mời nàng ngồi vào bàn của họ. Mẫu Ðơn rất thích sự thiện cảm và thân mật của họ, và rất thích được bao quanh bởi những người ái mộ mình. Nhiều người khác cũng lần tới nhập bọn. Họ nhắc nhở nhau cái tên "Hồng Mẫu Ðơn". Ðặc biệt những gái bao nhìn nàng chăm chú và tò mò vì sự nổi tiếng của nàng. Rượu được rót mời, và Mẫu Ðơn cũng giả bộ uống, chỉ dể đáp ứng lại sự thân thiện của họ. Tiếng cười đùa tiếp tục. Một vài gái bao trầm tĩnh ngồi sau lưng kép; người khác tựa đầu lên vai đàn ông, tay lả lơi quàng cổ họ. Một vài người là những mỹ nữ được mời từ Tô Châu hoặc Dương Châu, và ngay tại đây người ta chỉ nói cái giọng dịu dàng của đàn bà Tô Châu, cái ngôn ngữ của tình yêu.
Mẫu Ðơn chú ý đến một người đàn ông trẻ rất hấp dẫn khoảng hơn ba mươi tuổi, ngồi ở cuối bàn. Người này có một khuôn mặt đặc biệt, miệng lúc nào cũng tươi cười, và nước da rất trắng và mịn; chàng không có râu - môi trên và cằm mịn đến nỗi trông chàng tưởng như không bao giờ cần phải cạo râu. Mặc dù chàng đeo kiếng dày, nhưng đôi mắt lấp lánh của chàng đem lại một vẻ vui tươi sống động cho khuôn mặt.
Chàng ngồi im lặng một mình, chăm chú nhìn Mẫu Ðơn. Người ngồi cạnh Mẫu Ðơn thì thầm cho nàng biết đó là nhà thơ An Ðắc Niệm nổi tiếng. Mẫu Ðơn mơ màng nhìn An Ðắc Niệm một giây, rồi quay sang người đàn ông bên cạnh nàng. Nhưng nàng vẫn nhìn An Ðắc Niệm qua khoé mắt. Ðây chính là nhà thơ nổi tiếng. Mạnh Giao đã hết lời ca ngợi người đàn ông này, cái ngày chàng dẫn nàng tới hội quán. Mẫu Ðơn nhớ đến bức trướng cao gần hai thước với hai câu thơ xuất chúng của An Ðắc Niệm về sông Tiền Ðường và núi Phượng Sơn.
Một người đứng dậy, nghiêng người về Mẫu Ðơn và gọi nàng bằng cái tên "Hồng Mẫu Ðơn." Ðúng lúc ấy An Ðắc Niệm chớp mắt, đứng vùng dậy, và la to, "Hà!" Mọi người trong phòng quay lại và mỉm cười. Bạn của chàng đã quen cái tính khí tự nhiên của chàng. Ngay lập tức, An Ðắc Niệm đứng ngay bên cạnh nàng. Chàng kéo một chiếc ghế, xen vào giữa Mẫu Ðơn và ngưòi đàn ông từ trước vẫn ngồi cạnh nàng, và ngồi xuống.
Chàng phấn khởi hỏi, "Hà! Thế cô là Hồng Mẫu Ðơn đấy!" Nụ cười của chàng như nụ cười con nít. Mẫu Ðơn đỏ mặt. Người ta không la to vào mặt một người đàn bà, như thể người đàn bà là một con ngựa quý. Nhưng không biết lý do gì, Mẫu Ðơn không cảm thấy xúc phạm. Nàng mỉm cười - người đàn ông này thực là thú vị. Việc thứ hai nàng thấy là chàng cầm ly rượu của nàng và uống hết. Rồi chàng dằn mạnh cái ly xuống bàn, mạnh đến nỗi rượu trong các ly khác toé ra ngoài.
Một người lên tiếng, "Ðắc Niệm, đó là ly rượu của cô ta!" Nhưng chàng không thèm để ý. Mẫu Ðơn chú ý những ngón tay rất trắng và thon của chàng, có vẻ đẹp hơn cả ngón tay một người con gái. Chàng nhắc lại:
- Vậy cô là Hồng Mẫu Ðơn!
Vẫn còn mỉm cười, Mẫu Ðơn liếc vội chàng. Nàng nói, "Tôi xin lỗi đã vào đây." Nàng không biết trả lời người đàn ông đặc biệt này thế nào.
- Ðâu có sao, đây là đêm Thượng Nguyên. Và chúng tôi rất hân hạnh.
Nàng reo lên, "Ôi một nơi tuyệt vời và một đêm như đêm nay!"
- Tôi sung sướng cô thích nơi này. Sự thực là tôi chán chỗ này lắm cho đến khi cô tới đây.
- Vậy hả?
Mắt chàng nhìn nàng bằng một cái nhìn nghiêm trọng, và chàng nói một cách gượng nhẹ, như người ta nâng niu một bông hoa mong manh. Mẫu Ðơn đẹp một cách não nùng khi nàng nhìn cách này - với vẻ trầm tư, mơ màng, nhìn cái này nhưng óc nàng lại nghĩ đến cái khác, trong thế giới riêng của nàng, tách rời khỏi những gì đang xảy ra chung quanh. An Ðắc Niệm trông thấy tay nàng đỡ cằm, và say mê cái nụ cuời bí mật mời gọi của nàng, một nụ cười dường như che giấu rất nhiều. Trí óc chàng tạo ra hình ảnh một bông mẫu đơn hé nở khi những câu thơ dưới đây đến với chàng:
Bông hoa, nửa hé mở, nửa khép lại,
Dừng lại trong một ngập ngừng run rẩy,
Treo một nụ cười trên môi mơ mộng
Ai biết được tình yêu của lòng nàng?
Rồi nhớ lại câu chuyện nàng khóc trước quan tài, trí óc chàng dừng lại trên đôi mắt nâu không đáy có một vẻ bí mật sâu xa, và thỉnh thoảng sáng lên với một tiếng cười ròn rã. Chàng nói:
- Này cô, để tôi đưa cô đi cho biết chỗ này.
Chàng đứng dậy và đẩy ghế của nàng lùi lại. Nàng đứng lên và đi theo chàng.
- Ðắc Niệm, anh đừng làm vậy. Ðể nàng lại đây cho chúng tôi.
- Các anh không đáng nói chuyện với nàng.
- Ðắc Niệm! Ðắc Niệm!
Nhiều người kêu gọi phản đối. Hiển nhiên chàng rất nổi tiếng. Chàng được coi là nhà thơ hay nhất của Hàng Châu, và văn của chàng cũng hay như thơ. Chàng được sinh vào cuộc đời này để yêu và ca ngợi cái đẹp, và chàng dường như nhìn đời như một đứa trẻ trông thấy cuộc đời. Chàng chưa bao giờ nói một lời xấu về người khác; nhờ thế mọi người đều yêu quý chàng. Tuy có danh tiếng, chàng không có sự kiêu căng cá nhân nào.
Mẫu Ðơn đi theo chàng qua nhiều phòng, trong lúc chàng chỉ vào những bức bút thiếp của những nhà thơ đương thời, kể cả của chàng. Trong một phòng, nhiều người đang đứng quanh một cái bàn và xem một bàn cờ tướng. Ði qua sân thượng về phía đông, hai người bước ra ngoài trời, và dừng lại một lúc dể ngắm mặt hồ nằm dưới ánh trăng. Mẫu Ðơn nhớ lại nàng đã đứng ngay tại đây, hai mùa hè trước với Mạnh Giao, nhìn sông Tiền Ðường xa xa giống như một giải lụa trắng trong buổi chiều tà. Chàng hỏi:
- Cô có làm thơ không?
- Không hẳn như vậy, Ðắc Niệm.
Nàng trả lời, và thích dùng tên riêng của đàn ông, ngay cả khi mới gặp nhau. "Tôi chỉ viết khi nào tôi rất khích động, hoặc rất buồn bã."
Hai người đi theo lối đi quanh co xuống khu vườn. Khu vườn thoai thoải trên một sườn đồi trồng nhiều hoa và cây trái, và có từng hàng ghế đá. Làn gió nhẹ khẽ rung cây cối, nhưng không lạnh trong cái thành phố không bao giờ có tuyết này. Chàng hỏi:
- Cô cô đơn phải không?
- Phải.
- Cô có cần phải về nhà sớm không?
- Tôi chỉ sợ cha mẹ. Nhưng đây là đêm Thượng Nguyên... Tại sao ông hỏi?
- Tôi định mời cô đi chơi vòng quanh hồ. Xe ngựa của tôi ngay dưới đây.
- Tôi thích lắm.
Mẫu Ðơn rất vui lòng nhận lời mời và đêm nay có bạn tâm sự. Ðấy đúng là cái nàng đang đi tìm. Thỉnh thoảng nàng có thể làm bạn với đàn ông dễ dàng, nhưng lúc này nàng rất hài lòng, bởi vì nàng biết rằng An Ðắc Niệm là một nhà thơ và hoạ sĩ đã đạt được danh tiếng tại địa phương. Nàng thích cách nàng được đối xử một cách kính trọng. Và chàng khá đẹp trai, hơi cao hơn Mạnh Giao. Một người bạn đàn ông đem lại cho nàng một sự thú vị mà Bạch Huệ không thể cho nàng được. Với một cảm giác phiêu lưu, nàng bước lên chiếc xe ngựa.
Hai người đi về phía Bạch Ðê, đi theo con đường quanh co, và đi tới bờ phía tây.
- Tôi nghe nói chồng cô từ trần vài năm rồi.
- Ðúng vậy.
- Và bây giờ cô không có ai - tôi muốn nói không ai săn sóc cô.
- Chỉ có cha mẹ tôi.
Chiếc xe ngựa đóng kín rẽ hẳn sang tay trái sau khi đi qua Nhạc Vương Miếu lúc rẽ vào bờ Nội Hồ. Khúc rẽ bất ngờ đã xô mạnh hai người lại với nhau. Chàng vội lên tiếng, "Tôi xin lỗi."
Thái độ của An Ðắc Niệm làm nàng ngạc nhiên. Học giả là một loại người; nhà thơ là một loại người khác - tình cảm, không cầu kỳ, và lãng mạn không chữa được. Khi nàng bước lên xe ngựa tại hội quán, nàng đã sửa soạn cho một kỷ niệm bất thường đáng ghi nhớ, một cái gì điên điên và cực độ, một ảo tưởng của đêm nay, bất ngờ cho nàng, và làm nàng quên. Trái lại, chàng lại quá đứng đắn như một nhà giáo.
Nội Hồ bây giờ nằm như một tấm gương bóng loáng về bên trái, ở giữa những rặng liễu trắng với sương giá. Sự im lặng của đêm bị tiếng vó ngựa và tiếng bánh xe đều đều đập vỡ. Không ai nói gì, nhưng nàng có thể cảm thấy sự vụng về rõ ràng về phía chàng. Có phải sự kỳ diệu của đêm đã làm giọng nói của chàng run run và ngập ngừng khi chàng nhút nhát hỏi nàng có hoàn toàn tự do và cô đơn không. Nàng cảm thấy sự khích động riêng bên trong nàng, một sự xung đột của cảm nghĩ mà nàng chưa thể nói lên được. Nàng bỗng nhiên ao ước giá chàng phá vỡ sự băng giá của lòng tự kiềm chế, giá chàng vuốt ve và ôm nàng sát vào người chàng bằng một sự phóng túng man dại để giúp nàng chôn vùi những nỗi sầu buồn đã xảy ra trước đây. Ðồng thời, một cảm giác về một cái gì bấp bênh mau lẹ hiện ra trước mặt, khiến nàng cảm thấy như thể đang ngồi trên bờ đá của một viễn cảnh không biết, tối đen như đêm thâu. Phải chăng đây là tình yêu mà nàng hằng đi tìm kiếm? Tại sao có sự e thẹn và nhút nhát về phía chàng? Hay là như Tần Châu đã làm trong lần đầu gặp gỡ, phải chăng nhà thơ này đặt nàng trên một đài cao với một vòng hào quang trên đầu nàng, và quên rằng nàng là một người đàn bà? Sự lặng lẽ của chàng bây giờ tương phản lại sự hào hứng tuôn tràn trong hội quán.
Giọng của chàng run rẩy khi chàng nói, "Tôi rất mừng tôi mời cô đi. Chỗ ấy không phải là chỗ của cô, bên cạnh những người đàn bà son phấn loè loẹt ấy."
- Tại sao?
- Bởi vì khi tôi trông thấy khuôn mặt cô bên dưới đèn lồng, tôi biết - tôi chắc chắn - nơi ấy không phải là chỗ của cô. Và những người đàn ông tại đó, họ không có quyền nói chuyện với cô như thể cô là một trong những người đàn bà ấy.
- Ông nghĩ tôi là người thế nào?
- Cô là người độc nhất. Cô tuyệt vời, tuyệt vời!
Chàng lại cởi mở và hăng hái, nhưng giọng của chàng có một phẩm chất mơ mộng, giống như chàng đang nói với chính mình.
- Tại sao?
- Tôi không biết. Tôi nghe thấy câu chuyện về việc cô làm trong buổi tang lễ. Tôi rất tiếc hôm ấy tôi ra về trước khi chuyện ấy xảy ra. Ðó là một cái gì vẻ vang, một hành động rất đẹp, cái mà cô làm.
- Và ông không nghĩ rằng tôi làm quấy?
- Không. Cô lớn, lớn hơn tất cả bọn họ. Họ không thể hiểu cô. Cô là một thứ Ðỗ Liên Nương. Cô phải như thế.
Mẫu Ðơn bật ra một tiếng khúc khích bối rối. Thực là thú vị được so sánh với một nhân vật lớn trong thơ văn, của một câu chuyện tình yêu chiến thắng cái chết trong cổ văn, và là một truyện ưa thích nhất của nàng. Nàng nói:
- Nhiều người nghĩ Ðỗ Liên Nương là một người con gái tình cảm ngu ngốc.
- Cô không nên nghĩ thế. Truyện tình ấy được cả đàn ông đàn bà ưa thích, già cũng như trẻ.
Khi hai người quay lại, An Ðắc Niệm đề nghị đưa nàng về Vĩnh Kỳ Môn. Ðấy là nơi nàng nói nàng muốn xuống. Ðứng bên cạnh chiếc xe ngựa, nàng nói:
- Trời ơi, tôi không ngờ đã một giờ rưỡi sáng rồi!
- Xin cô gửi cho tôi một vài bài thơ và văn của cô để tôi xem.
- Tôi rất sung sướng.
- Xin gửi tới hội quán, chứ đừng gửi về nhà tôi. Cứ đề gửi cho An Ðắc Niệm. Tôi rất hy vọng có được vinh dự gặp lại cô.
- Có lẽ. Ngày mai tôi sẽ đi Ðông Lục. Khi nào trở về tôi sẽ báo cho ông biết.
An Ðắc Niệm đứng cạnh chiếc xe ngựa cho tới lúc cái hình dáng trẻ trung biến vào bóng tối.
Tuyệt Tình Ca Tuyệt Tình Ca - Nguyễn Vạn Lý Tuyệt Tình Ca