Nếu bạn cứ chằm chằm nhìn vào mặt xấu của một ai đó sẽ làm anh ta càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích anh ta vươn tới những điều hay mà anh ta có thể, chắc chắn anh ta sẽ làm được.

Johann Goethe

 
 
 
 
 
Tác giả: Yury Bondarev
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Горячий Снег
Dịch giả: Nguyễn Hải Hà
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 811 / 8
Cập nhật: 2017-05-19 13:24:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
ới xế chiều. Cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục dai dẳng và nóng bỏng, căn cứ vào báo cáo của các quân đoàn và sư đoàn, có thể thấy rất rõ là mũi đột kích chủ yếu của xe tăng Đức hướng vào nơi tiếp giáp giữa tập đoàn quân của Bét-xô-nốp với đơn vị bên cạnh phía bên phái-đơn vị đã không chịu đựng được đợt công kíc-hướng vào cánh phải của sư đoàn Đê-ép, cho đến lúc xế chiều tình hình trở nên nguy ngập. Khoảng giữa trưa, sau những đợt tiến công liên tục, quân Đức đã chiếm được bờ phía Nam của ngôi làng và tại đây, xe tăng của chúng mưu toan cường tập qua sông ở hai chỗ nhằm mục đích tiến sang bờ phía Bắc sông Mư-scô-va, thọc hai mũi vào tung thâm, chia cắt và bao vây các đơn vị của ta đang phòng ngự trên bờ sông này.
Bét-xô-nốp ngồi bên máy điện thoại trong hầm ngầm được sưởi nóng, nơi đặt đài quan sát của tập đoàn quân, ông xem bản đồ trải rộng trên mặt bàn và nghe qua điện thoại báo cáo thường lệ của tướng I-a-xen-cô, vừa lúc ấy ủy viên Hội đồng quân sự Ve-xnin rõ ràng đang xúc động sải bước dài qua ngưỡng cửa bước vào hầm; mặt ông ửng đỏ, không nhìn rõ mắt vì mắt kính của ông phản chiếu ánh nắng chiều hôm rực hồng ngoài ô cửa sổ của hầm ngầm. Ve-xnin vội vã tháo găng tay, vẻ trầm ngâm bặm môi, bước lại gần chiếc lò sưởi bằng sắt.
“Kỳ lạ thật, trong con người anh ấy có cái gì thật trẻ thơ…-Bét-xô-nốp nghĩ và hầu như biết rõ Ve-xnin sắp nói gì, ông tạm ngắt báo cáo của I-a-xen-cô qua điện thoại.-Anh ấy tới đài quan sát làm gì nhỉ?”.
-Tôi nghe đồng chí, Vi-ta-li I-xa-ê-vich.
-Xe tăng địch đã thọc sâu sang bờ phía Bắc, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích! Chúng đã chiếm được một vài con đường trong khu làng ở bờ phía Bắc. Từ đài quan sát của Đê-ép có thể nhìn thấy rõ điều đó. Cuộc chiến đấu đã bắt đầu trên phía đó,-Ve-xnin đứng gần lò sưởi, nói.-Cụ thể là ở về phía Tây Nam chúng ta khoảng mười ki-lô-mét. Đê-ép đã quyết định phản công, đã đưa trung đoàn xe tăng độc lập của Khô-khơ-lốp vào trận. Nhưng cho đến lúc này vẫn chưa có kết quả tích cực…
-Hễ các quaâ đoàn xe tăng và cơ giới tới khu vực tập kết tôi sẽ chờ nghe thông báo của anh ngay, Xê-men I-va-nô-vích.-Bét-xô-nốp đặt ống nghe lên máy, tì tay lên ống nghe, nói thêm:-Đại diện diện Đại bản doanh to ra lo lắng về tình hình ở chỗ ta. Ngoài quân đoàn xe tăng ta còn được thêm một quân đoàn cơ giới. Lấy trong lực lượng dự trữ của Đại bản doanh.
-Lo lắng là phải,-Ve-xnin nói.-Tình hình rất là… Chúng o ép với sức mạnh điên cuồng.
Ve-xnin lau tay, động đậy đôi vai hơi gù, chân nọ đập vào chân kia; chắc lúc ngồi trong xe ông không được sưởi ấm và mãi đến giờ ông mới được sưởi sau khi đứng ngoài giá rét hai tiếng đồng hồ tại đài quan sát của sư đoàn Đê-ép.
-Thế nghĩa là địch đã đột nhập được sang bờ phía Bắc?-Bét-xô-nốp nhắc lại.-Ra thê-ế!
Tiếng người nói chuyện rì rầm, tiếng máy điện thoại vo vo ở nửa hầm bên cạnh-mọi việc hình như vẫn như trước đây, còn trong một nửa hầm bên này của đài quan sát mọi người chợt im lặng. Chuẩn úy thông tin có hàng ria mép rậm thận trọng quay máy điện thoại, cho máy ngừng sau cuộc trò chuyện giữa tư lệnh với tham mưu trưởng tập đoàn quân. Người phụ trách vô tuyến điện phát lên không trung những tín hiệu của quân đoàn ở cánh trái, bỗng hạ thấp giọng; thiếu tá Bô-gi-scô lơ đãng dùng giẻ lau kẹp đạn khẩu TT ngồi thu lu trong một góc trên tấm phản, đưa mắt thăm dò nhìn Ve-xnin, Bét-xô-nốp, anh cọ kẹp đạn nhẵn thín vào báng súng ngắn cho đến khi kẹp đạn sáng bóng lên rồi mới nhét khẩu TT vào bao. Cài bao súng một cách hăng hái, bằng toàn bọ vẻ mặt của mình, anh muốn chứng tỏ cho Bét-xô-nốp thấy rằng anh sẵn sàng chấp hành mệnh lệnh.Nhưng Bét-xô-nốp không chú ý tới Bô-gi-scô, ông ngồi sau bàn, đặt bàn tay nhỏ nhắn lên bản đồ, ngón tay gõ nhè nhẹ.
-Tình hình rõ lắm rồi,-sau cùng ông thốt lên, đôi mắt mệt mỏi không rời khuôn mặt ửng đỏ của Ve-xnin. Sau đó ông hỏi:-Vi-ta-li I-xa-ê-vich, anh muốn nói rằng Đê-ép không tin tưởng lắm vào cuộc phản công có kết quả của Khô-khơ-lốp phải không? Tôi chắc anh đã nói chuyện về việc này với Đê-ép?
-Quả thật thế, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích,-Ve-xnin hơi mỉm miệng cười, đáp, ông thổi phù phù vào lòng bàn tay, các ngón tay động đậy trước đôi môi dẩu ra; niềm vui của ông có lẽ là gượng gạo nhưng có thể thấy rõ một điều khác: đại tá Đê-ép tin cậy và cởi mở với Ve-xnin hơn là với Bét-xô-nốp, hình như Đê-ép sợ không dám bày tỏ nỗi lo lắng của mình trước vị tư lệnh mới và chỉ bộc lộ với Ve-xnin.
-Lúc anh ở đài quan sát, Vi-ta-li I-xa-ê-vich-Bét-xô-nốp nói bằng giọng rỉnít,-bộ tham mưu phương diện quân cho biết rằng không quân của Đức đã tăng cường các phi vụ ở chỗ đám quân Đức bị bao vây, ném đồ tiếp tế cho chúng. Có thể là chúng đang tích cực chuẩn bị đánh phá vây, đón gặp đạo quân của Man-sten. Anh nghĩ thế nào về chuyện đó, Vi-ta-li I-xa-ê-vich?
-Chắc mọi việc sẽ tùy thuộc vào tình hình ở đây diễn biến như thế nào,-Ve-xnin nói.-Từ tuyến đầu phòng ngự của ta tới Xta-lin-grát là bốn mươi ki-lô-mét. Nếu đánh phá vây thì chỉ phải vượt có một chặng đường.
-Ấy là đối với những đơn vị cơ động,-Bét-xô-nốp uốn nắn.-Nếu như chúng đánh phá vây. Trong trường hợp ấy thì đúng thế.
-Xin phép được vào, thưa đồng chí tư lệnh.
Tấm vải bạt ngăn lối vào nửa hầm bên kia được vén lên, để lọt ra ánh sáng đèn thắp bằng ắc qui và từ dải ánh sáng rực rỡ đó phó trưởng phòng tác chiến Gla-đi-lin, một thiếu tá nghiêm chỉnh, tuổi trạc bốn mươi, bước vào; vầng trán cao, trắng nõn của ông đẫm mồ hôi. Đáng lẽ nói thẳng tuột ra theo lẽ thường tình của con người nỗi lo lắng của mình: “Xe tăng địch đã ở trong làng rồi, thưa đồng chí tư lệnh!” thì Gla-đi-lin lại nói với một giọng dè dặt đặc biệt của một cán bộ tham mưu có kinh nghiệm hiểu rất rõ mình đang báo cáo điều gì và báo cáo với ai:
-Thưa đồng chí tư lệnh… theo những báo cáo miệng vừa nhận được của trung đoàn 97 và trung đoàn 336 thì xe tăng Đức đã cường tập qua sông nửa giờ trước đây, đột nhập vào…
-Tôi biết rồi thiếu tá ạ,-Bét-xô-nốp ngắt lời, lúc này ông hơi bực mình vì sự thông báo chậm trễ của phòng tác chiến cũng như vì cái giọng nhợt nhạt của viên thiếu tá, sự bình tĩnh giả tạo, gượng gạo của ông ta, cái hình thức giữ mình này, làm như ông, tư lệnh quân đoàn, đã buộc mọi người hễ thấy mặt ông ở đây là phải thận trọng và thiếu tự nhiên. Lần nào ông cũng bực bội khi cảm thấy cái hình thức giữ mình đó của các sĩ quan tham mưu thận trọng và đã được rèn luyện kỹ cũng như khi ông cảm thấy sự cô lập của ông mà người khác không nhận thấy, sự cô lập do uy quyền của ông đối với mọi người, do vị trí đặc biệt của ông khiến mọi người phải phục tùng gây ra. Ngón tay gõ nhịp trên bản đồ, ông quay người về phía ô cửa sổ nhỏ trong hầm ngầm: những đám cháy bùng lên khắp chân trời phía Tây Nam như một bức tường thàn bất động bị nung đỏ, tiếng súng bắn ầm ầm của trận đánh đang nhích lại gần làm cho cái bàn rung lên dưới tay ông, cây bút chì vót ngọn nảy lên trên tấm bản đồ.
“Thế là… chúng đã đột nhập được sang bờ sông phía Bắc,-Bét-xô-nốp nghĩ và khum bàn tay che chiếc bút chì.-Nghĩa là chúng đã sang được sông”.
Ve-xnin thọc đôi bàn tay đã được sưởi ấm vào túi áo choàng ngắn và nhô đôi vai hẹp lên, khẽ đu đưa ra phía trước và phía sau, trầm ngâm nhìn phó trưởng phòng tác chiến, nhìn Bét-xô-nốp, như thể ông đang nhớ lại chuyện gì đó. Thiếu tá Gla-đi-lin bị cắt lời nửa chừng đứng im trước bàn, vẻ chờ đợi và Bét-xô-nốp rời mắt khỏi ô cửa sổ.
-Nói tiếp đi, thiếu tá. Việc xe tăng địch đã đột nhập sang bờ phía Bắc thì hình như đã rõ rồi. Anh còn có thể nói thêm điều gì nữa. Tôi muốn nghe điều chủ yếu, vậy mà chưa được nghe, thiếu tá ạ.
-Một giờ trước đây trung đoàn xe tăng độc lập của Khô-khơ-lốp đã vào cuộc, thưa đồng chí tư lệnh, xe tăng ta đã bắt đầu chiến đấu nhưng kẻ thù vẫn không bị chặn lại, vẫn thọc sâu vào trận địa phòng ngự của ta,-thiếu tá Gla-đi-lin lên tiếng, những giọt mồ hôi long lanh rõ rệt trên vầng trán cao tái nhợt của ông.
-Thọc sâu, thọc sâu… những từ ngữ mỹ miều gớm!-Bét-xô-nốp không hài lòng nói.-Tôi muốn hỏi: bao nhiêu xe tăng? Một đại đội, một tiểu đoàn? Hay là hai chiếc xe tăng? Bao nhiêu nào?
-Có một giả đinh cho rằng, thưa đồng chí tư lệnh.-Gla-đi-lin đáp,-quân Đức đã đưa vào trận lúc chiều cả một sư đoàn xe tăng nguyên vẹn. Theo tôi có tới hai tiểu đoàn đã đột nhập, căn cứ vào…
-Hãy xác định ngay cho chính xác cái giả định của anh!-Bét-xô-nốp xê dịch bút chì trên tấm bản đồ, lại ngắt lời tuy nhận xét của Gla-đi-lin về việc quân Đức đưa vào trận một sư đoàn xe tăng nguyên vẹn phù hợp với giả định riêng của chính ông.-Tôi yêu cầu trước là chớ vội vã báo cáo khi chưa xác định chính xác mọi việc. Chúng ta thường rất hay nghe theo những ấn tượng đầu tiên. Anh đi đi, thiếu tá.
Thiếu tá lặng lẽ bước ra, đôi chân thẳng đơ; thậm chí cái gáy phủ tóc hoa râm, tấm lưng ông cũng biểu hiện sự phục tùng vô điều kiện; ông kéo tấm vải bạt, sửa lại mép tấm bạt, sau khi đã đưa cặp mắt mờ đục, sợ sệt nhìn Bét-xô-nốp. Và Bét-xô-nốp nghĩ rằng Gla-đi-lin phó trưởng phòng tác chiến này là một tiểu đoàn không còn trẻ trung gì nữa, mãi vẫn không được thăng chức cho phù hợp với chức vụ tham mưu của mình, rằng ông ta không phải là người ngốc nghếch, nhạy cảm nhưng sự nhu nhược và rụt rè của thiếu tá gây ra một cái gì giống như sự không hài lòng.
Bét-xô-nốp im lặng, mò mẫm vươn người về phía chiếc gậy tựa ở đầu bàn, dựa trên gậy, đứng lên. Tức thì Bô-gi-scô nhảy bật dậy-một giây trước tưởng như anh ta ngồi một cách hiền lành ngắm móng tay của mình-anh nhấc chiếc áo choàng ngắn của Bét-xô-nốp khỏi cái đinh ở gần cửa ra vào hầm ngầm. Giữa lúc mọi người im lặng, Ve-xnin xỏ găng tay, nói đùa:
-Tôi đã sẵn sàng chiến đấu từ lâu, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích.
Rồi ông nhìn Bét-xô-nốp đang vừa hắng giọng vừa xỏ tay vào ống áo choàng do người sĩ quan tùy tùng đưa.
Những tiếng nổ làm cho nền đất của hầm ngầm rung chuyển mạnh, chiếc bút chì đỏ lăn trên tấm bản đồ vì cái bàn nảy lên.
-Tới đài quan sát của Đê-ép,-Và Bét-xô-nốp khẽ gật đầu ra hiệu cho Ve-xnin:-Anh đi cùng xe với tôi chứ, Vi-ta-li I-xa-ê-vich?
-Có lẽ thế… Đi cùng xe tiện hơn.
-Xin cho phép gọi Tít-cốp cùng đi, thưa đồng chí tư lệnh.-Bô-gi-scô nhấc khẩu súng máy tự động ở ghế dài lên.
-Đừng mang theo bảo vệ. Cứ để họ ở đây. Họ cũng chả có việc gì làm ở đó.
Bét-xô-nốp đi về phía cửa ra vào hầm ngầm.
Họ đã nhanh chóng vượt qua chặng đường mười ki-lô-mét tới đài quan sát của Đê-ép.
Lúc họ bước ra khỏi xe, đi xuyên ngang con đường nhỏ ở trong làng chạy dọc bờ sông và bắt đầu theo hào giao thông trèo lên điểm cao dựng đứng, nơi đặt đài quan sát của sư đoàn, Bét-xô-nốp không nhìn thấy hết mọi chi tiết trên khắp chiến trường ở bờ sông bên kia, nhưng những gì mắt ông đã chứng kiến ở bên phải ngôi làng trên bờ sông bên này cũng đủ giải thích cho ông thấy rõ tất cả tính chất nghiêm trọng của tình hình ở đây. Ở phía Tây khoảng trời hoàng hôn giá lạnh hẹp như một cái khe bừng cháy rực rỡ, nóng bỏng, khu làng ở bờ sông phía Bắc cháy rừng rực, bốc khói dưới ánh chiều rực rỡ đó, những đám cháy do dạn cháy gây nên phần phật như những lò lửa riêng rẽ trên đường làng; tuyết đỏ lỏe độc hại, những tiếng nổ liên tiếp bùng lên đỏ chói giữa các ngôi nhà; những chiếc xe tăng khổng lồ nhìn thấy rõ gầm lên ở mé dưới, tiếng súng chống tăng rộ lên vang động khắp rìa làng.
Bốn chiếc xe tăng T-34 của ta vừa bị bắn cháy, chìm lút trong làn khói màu hồng ở phía bên phải, ngay trên bờ sông, thoạt đầu Bét-xô-nốp chưa nhìn thấy rõ xe tăng Đức tiến công từ đâu. Nhưng sau đó ông đã nhận ra. Xe tăng địch lần lượt bò từ dưới bờ sông lên, khạc lửa, phơi vỏ thép ra trước ánh sáng chói chang lúc chiều tà, đi vòng qua những chiếc T-34 đang bốc cháy rồi mất hút giữa những ngôi nhà trong làng.
-Đồng chí trung tướng, đồng chí hãy nhìn kìa.-Bô-gi-scô đi ở phía trước kêu lên, anh cảm thấy say sưa và bị kích động bởi cảnh hỗn loạn đã bắt đầu ở khắp nơi, bởi nỗi hiểm nguy hiển nhiên.-Đồng chí có nhìn thấy “Ca-chiu-sa” không, đồng chí trung tướng? Ở đằng sau các ngôi nhà ấy.-Và anh chỉ tay xuống đường làng chạy ngoằn ngoèo dọc bờ sông phía Bắc, ở phía bên phải điểm cao.
Bét-xô-nốp im lặng, còn Ve-xnin hỏi:
-Anh trông thấy gì ở đó thế hả Bô-gi-scô?
Họ đã lên tới lưng chừng con đường dốc dẫn lên điểm cao, ở đây, từ trên cao nhìn xuống thấy toàn bộ ngôi làng trải ra trước mắt, các khẩu pháo chống tăng của các khẩu đội bắn tới tấp vào các ngã tư đường, những dải hào giao thông tóe lửa đạn, những chiếc xe tăng T-34 của ta đứng sau các góc nhà, nã súng máy về phía bờ sông, tiểu đoàn “Ca-chiu-sa” vừa được đưa vào trận bố trí ở một bãi trống trong làng. Lúc ấy hai giàn “Ca-chiu-sa” ở hai bên rìa lăn bánh, đi về phía ngã tư đường ở đằng sau bộ binh và một loạt đạn nổ chói tai, rít lên đứt quãng, nhả lên trời đám khói tròn màu da cam. Không rõ họ bắn vào ai. Chỉ thấy ngọn lửa bốc lên cuồn cuộn trên các mái nhà giữa các đường làng.
Sau đó xe tăng địch bắn trả, đạn nổ tung dựng lên một cột lửa ngay cạnh một giàn “Ca-chiu-sa”… Ngọn lửa lóe sáng. Giàn “Ca-chiu-sa” thứ hai lùi lại, quay đầu phóng nhanh trên bãi trống. Những tiếng nổ nối tiếp nhau như cơn lốc cuồn cuộn trên đường cái đuổi theo nó, còn giàn “Ca-chiu-sa” thứ nhất nằm đờ ra bất động, đơn độc trên ngã tư. Anh em pháo thủ rời khỏi nó, chạy dọc ra các hàng rào.
-Chả lẽ chúng đã bắn trúng!-Bô-gi-scô thốt lên, vẻ thắc mắc buồn bực.-Chà, tổ sư chúng mày!…
-Đi đi, Bô-gi-scô,-Bét-xô-nốp giục giã phía sau anh,-Đừng dừng lại thế.
-Rõ, thưa trung tướng!
Và Bô-gi-scô rảo bước trong hào giao thông, tay giữ dây đeo súng tiểu liên nhưng cứ trông cái hình dáng nhẹ nhõm và chăm chú của anh cũng có thể thấy là anh hãy còn muốn ngóng nhìn về phía những chiếc xe tăng địch và về phía giàn “Ca-chiu-sa” bị bắn cháy ở gần các chiến hào bộ binh.
o0o
“Hóa ra Đê-ép đúng,-Giữa lúc ấy Bét-xô-nốp nghĩ, ông khổ sở, nghẹt thở vì phải leo dốc dựng đứng,-Khô-khơ-lốp có hai mươi mốt xe tăng-một trung đoàn xe tăng độc lập.. Vị tất trung đoàn đó có thể chịu đựng được cuộc đột kích, thay đổi được thế trận. Chỉ cốt sao kìm được chân chúng trong một hai giờ! Đằng nào thì cũng không thể dễ chịu hơn chừng nào các quân đoàn xe tăng và cơ giới chưa tới. Dù thế nào cũng phải cầm cự hết mức. Phải có lực lượng dự trữ. Để phản công. Phải giữ lực lượng dự trữ như giữ con ngươi trong mắt mình. Không được phân tán lực lượng. Chỉ cốt sao đừng xé lẻ lực lượng ra thành các phân đội để lấp chỗ trống! Còn Khô-khơ-lốp thì phải phản công, cho dẫu anh ta chỉ còn lạ có một xe tăng”…
-Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích!
Ve-xnin đi trước, sải bước nhanh trên đôi chân dài như chân sếu trong hào giao thông hẹp và khi ông dừng lại, Bét-xô-nốp suýt nữa vấp phải ông. Khuôn mặt trẻ trung đầy lo âu của Ve-xnin tỏ vẻ muốn nói điều gì đó, tựa hồ như ông hết bắn khoăn và Bét-xô-nốp với kính ngắm lọc lõi của mình hầu như đã đánh giá đúng tâm trạng của ông: phải rồi, có lẽ ủy viên Hội đồng quân sự đã ý thức đầy đủ được nguy cơ thật sự đang treo lơ lửng trên đầu sư đoàn Đê-ép ở khu làng phía Bắc bờ sông. Rồi Ve-xnin nói:
-Chà, tôi muốn được là một người lạc quan quá! Nhưng ai mà biết được rồi tình hình sẽ như thế nào! Nếu như chúng bất ngờ đột nhập được vào tung thâm của ta và liên hệ được với đám quân địch bị bao vây ở Xta-lin-grát thì như thế có nghĩa là triệt tiêu kết quả cuộc phản công tháng Mười Một của ta và thế là đi đời nhà ma niềm hy vọng vào bước ngoặt của chiến tranh sau đó mà chúng ta đã nói với nhau! Lại bắt đầu tất cả từ đầu chăng? Tôi không thể hình dung được… và cũng không muốn! Anh giải thích tất cả những chuyện đó như thế nào?
-Cho đến lúc này tôi cũng không lấy gì làm lạc quan lắm-tôi không muốn là một nhà tiên Tri-bi-xốp. Ma-ri-na-sten có ưu thế rõ rệt về xe tăng và không quân,-Bét-xô-nốp đáp.-Tuy vậy tôi nghĩ rằng Xta-lin-grát có tầm quan trọng hàng đầu đối với bọn Đức chỉ vì tình hình của chúng ở Cáp-ca-dơ không ổn. Chúng sợ bị chia cắt vì thế chiến dịch này có tính chất quyết định đối với chúng.
-Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích, tôi đang nói về quân ta cơ mà!-Ve-xnin sôi nổi.-Anh tha lỗ cho, chẳng hiểu vì sao giờ đây tôi không nghĩ tới Cáp-ca-dơ! À mà ngoài trung đoàn của Khô-khơ-lốp ta có nên rút dẫu chỉ một lữ đoàn trong quân đoàn cơ giới của ta để tung vào phản công không nhỉ? Anh thấy thế nào? Bởi vì việc này rất quan trọng!
-Tôi không tin chắc, tôi không thể phân tán xe tăng ra được. Quân Đức sẽ bị sa lầy ở đây nhưng anh thử nói xem, rồi chúng ta sẽ lấy gì để tiếp tục đánh chúng?-Bét-xô-nốp phản đối một cách chắc nịch tuy ông hiểu rõ động cơ thúc đẩy Ve-xnin đưa ra đề nghị này.
Ông cũng hiểu rằng không phải là các chỉ huy sư đoàn cũng như các chỉ huy quân đoàn mà chỉ có ông, tư lệnh tập đoàn quân và Ve-xnin, do cương vị của mình sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm như nhau trong trường hợp chiến dịch này bị thất bại một cách cay đắng, không lệ thuộc vào cái gì và vào ai cả. Hoàn cảnh đó đã gắn bó số phận của họ vào với nhau một cách kỳ lạ, khiến Bét-xô-nốp hơi dịu giọng đi nhưng đồng thời lại gây cho ông mối hoài nghi: trong tình hình tuyệt vọng không lối thoát liệu vị ủy viên Hội đồng quân sự trẻ tuổi này có thể ở lại cùng gánh chịu tránh nhiệm như nhau với ông hay không? Bét-xô-nốp nói:
-Anh có chú ý quá mức tới những vấn đề tác chiến hay không hở Vi-ta-li I-xa-ê-vich?
-Tôi không hiểu anh định nói gì,-Ve-xnin làu bàu nói và sửa gọng kính trên tinh mũi.-Tại sao lại quá mức?
-Tôi cho rằng anh phải băn khoăn nhiều hơn tới những vấn đề về tinh thần quân đội chẳng hạn.
-Quan hệ của chúng ta kỳ lạ thật, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích,-Ve-xnin lấy làm tiếc, nói khẽ.-Anh không để cho tôi gần bên anh đến một mi-li-mét. Vì sao? Để làm gì? Tôi hiểu rằng có thể dùng đầu đập vỡ bức tường thủy tinh dẫu mình bị thương, còn như bức tường bằng bông… giữa chúng ta có một bức tường bằng bông, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích ạ, đúng thế đấy! Thoạt đầu chúng mình xưng hô “cậu cậu mình mình” sau đó chuyển sang “anh anh tôi tôi”. Không hiểu sao anh đã chuyển sang xưng hô như thế mà không chú ý tới.
-Tôi không đồng ý hẳn. Nhưng có lẽ như thế tiện hơn, Vi-ta-li I-xa-ê-vich ạ. Cho cả anh và tôi… Đừng dùng đầu đập vỡ bức tường. Nhất là khi mỗi chúng ta chỉ có một cái đầu. Nằm xuống, chính ủy:…-Bét-xô-nốp khom người xuống, giật mạnh ống tay áo của Ve-xnin.
Những khẩu súng cối sáu nòng của bọn Đức bắn vào đâu đó bên phải, đằng sau điểm cao, tiếng đạn gào rú như súc vật bị bóp cổ, đuôi đạn tên lửa lóe lên ở chân trời, xuyên ngang ráng chiều đầy khói lửa. Đạn nổ trên chóp điểm cao, những cột lửa nóng bỏng xoáy cuồn cuộn. Điểm cao rung lên, chao đảo nặng nề. Mảnh đạn rít vù vù trong gió.
Bét-xô-nốp và Ve-xnin bổ nhào trên nền hào giao thông và nằm như vậy mấy giây, được đất che chở và đồng thời không được che chở trước số phận và sự may rủi. Ai biết được tên trắc thủ Đức có thể xê dịch mấy độ trên kính ngắm?… Bét-xô-nốp cảm thấy nằm như thế bất tiện vì cẳng chân đau của ông bị đè và đồng thời ông kinh tởm bản thân mình, cái thể xác của mình đang chịu đau đớn và sợ cơn đau có thể nhói lên lần nữa, ông trở mình trên mặt đất trước mắt người khác. Ve-xnin tháo kính ra, nhìn ông bằng cặp mắt cận thị với vẻ ngạc nhiên dò hỏi, như có ý nói: “Tướng quân cũng sợ chết cơ à? Hóa ra mọi người đều yếu đuối như nhau trước cái chết”. Nhăn nhó vì bị đau ở cẳng chân, vì sự sỉ nhục mà ông cảm thấy mỗi khi ông “phải hôn mặt đất”, Bét-xô-nốp chặc lưỡi nghiến răng lại như muốn trả lời cái nhìn đó của Ve-xnin: “Không đâu, chính ủy thân mến ơi, tôi không sợ chết đâu, có những sợ chỉ li ti buộc chặt tôi vào cuộc sống, anh bạn thân mến ạ. Tôi chỉ sợ những đau khổ vô nghĩa mà tôi đã nếm quá đủ sau khi bị một mảnh đạn làm vỡ xương cẳng chân”. Nhưng đồng thời ông cũng biết rằng mình sẽ không nói điều gì tương tự như thế với ủy viên Hội đồng quân sự cả: sự cởi mở đó chắc cũng vô nghĩa như việc bị thương hay cái chết trong hào giao thông lúc này.
-Bây giờ chúng không bắn từ phía Nam mà từ phía Tây tới, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích ạ,-Ve-xnin lên tiếng và thở vào mắt kính rồi dùng găng tay lau kính.-Dẫu sao chúng cũng đang đánh thọc sườn ta.
-Từ phía Tây, từ phía Tây à,-Bét-xô-nốp hỏi. Những cục đất lăn từ chiếc mũ lông của ông xuống.-Đứng dậy! Ta đi nào,-ông tự nhủ và lúc lắc đầu.
Khói đạn của địch phủ một lớp sương màu vàng lên các triền dốc của điểm cao, tiếng gọi lo lắng của Bô-gi-scô từ phía trước vọng lại:
-Đồng chí tư lệnh! Đồng chí ủy viên Hội đồng quân sự! Không ai việc gì chứ?
Thiếu tá Bô-gi-scô chạy ngược hào giao thông lại chỗ họ.
-Còn sống, còn sống cả,-Bét-xô-nốp cau có đáp, không bằng lòng với chính bản thân mình, ông cầm lấy gậy, vươn người lên và không chờ Ve-xnin, quả quyết đi khập khiễng về phía Bô-gi-scô đang chạy lại.-Đừng la hét to thế, thiếu tá. Không cần phải làm như vậy.
-May quá, tôi cứ tưởng các đồng chí đã bị vùi kín, thưa đồng chí tư lệnh,-Bét-xô-nốp thở phào nhẹ nhõm nói.-Chúng bắn dày đặc khiếp! Và như thể bắn từ phía hậu phương vậy!…
Đại tá Đê-ép đã có mặt tại đài quan sát đặt ở ngay trên chóp điểm cao, ông đứng với một tốp sĩ quan gần ống ngắm lập thể, quan sát chiến trường ở bên kia sông nằm dưới ánh chiều tà hồng đang tắt lụi, vụn nát và sặc sỡ vì những chớp lòe muôn màu sắc của lửa đạn nổ tung tóe. Bét-xô-nốp vừa bước xuống hầm sâu của đài quan sát, các sĩ quan đứng nghiêm trước mặt ông, còn các chiến sĩ thông tin ngồi sau máy điện thoại ngẩng đầu lên, Đê-ép được người ở sau lưng báo trước: “Tư lệnh tới”-vội vã rời khỏi ống kính ngắm, hít một hơi thở thật sâu, ưỡn ngực làm căng chiếc thắt lưng da đeo chéo ngoài áo choàng ngắn để chuẩn bị báo cáo.
Ngọn gió nghiệt ngã gào rú trên điểm cao xé rách và cuốn tiếng súng đi khắp nơi. Mọi khuôn mặt đỏ ửng vì ráng chiều và bị gió quất đều lộ vẻ lo lắng chờ đợi, đồng thời đều cảm thấy lờ mờ về tội đã gây ra tình hình phức tạp trong dải phòng ngự của sư đoàn. Bét-xô-nốp lướt nhìn các khuôn mặt rồi nhìn thẳng vào Đê-ép.
-Thưa đồng chí tư lệnh!-Đê-ép bắt đầu báo cáo bằng giọng nam trung tươi trẻ (cái cổ chắc nịch như đúc bằng đồng của anh nhô ra từ cổ lông của chiếc áo choàng ngắn và Bét-xô-nốp thầm nhận xét rằng vị đại tá cao lớn, tóc hung hung đỏ với cái cổ và đôi vai chắc nịch, trẻ trung, như lực sĩ, chưa hề bị thương bao giờ có lẽ suốt đời chưa ốm lần nào).-Một giờ trước đây quân Đức đã đè bẹp các đơn vị của ta đưa sang bố trí ở phía trước, bên kia sông, đột kích qua tuyến hầm hào thứ nhất, dùng lực lượng tới hai tiểu đoàn xe tăng cường tập qua sông chếch về hướng Đông và Tây điểm cao, lọt được vào rìa làng ở bờ phía Bắc… Một lữ đoàn pháo chống tăng chống lại chúng. Trung đoàn xe tăng cũng đã được tung ra…-Đê-ép đột nhiên lúng túng.-Tình hình trên phía cánh trái của sư đoàn là nghiêm trọng, thưa đồng chí tư lệnh.
-Tôi biết, đại tá ạ,-Bét-xô-nốp nói.-Chỉ có điều đồng chí hãy nói nốt đi. Tình hình nguy ngập là do địch đánh lấn tới hay chúng vây bọc từ hậu phương ta? Có lẽ đúng như thế chăng? Chúng đã chọc thủng sườn của các anh? Hình như ở Học viện quân sự người ta dùng chữ như thế phải không nhỉ?
-Tôi chưa tốt nghiệp Học viện, thưa đồng chí tư lệnh.
-Đồng chí chưa tốt nghiệp à? Tiếc thật. Ấy thế nhưng dẫu sao…-Bét-xô-nốp bất ngờ liên tưởng tới cuộc trò chuyện dường như đã xa lắc xa lơ tại Đại bản doanh về những năm tháng học tập của mình tại Học viện quân sự, những câu hỏi về tướng Vla-xốp và ông cắm gậy xuống đất, bước về phía kính ngắm lập thể.-Vả chăng điều ấy giờ đây cũng không quan trọng lắm, đại tá ạ.-Và ông quay người lại phía các sĩ quan từ các ngách hầm lặng lẽ dồn tới.-Dẫu sao… quyết định đã được chấp nhận rồi, Đê-ép ạ. Trung đoàn xe tăng của Khô-khơ-lốp phải phản công để đánh bật xe tăng địch khỏi vị trí bàn đạp. Đưa toàn bộ trung đoàn tên lửa mặt đất tới đây. Và đồng chí hãy truyền đạt mệnh lệnh của tôi tới chỉ huy các trung đoàn bộ binh.-Bét-xô-nốp lại nhìn Đê-ép như thể ông dùng cái nhìn nặng trĩu đó để dằn từng lời một.-Các trung đoàn phải chiến đấu trong bất kỳ tình huống nào. Chiến đấu đến quả đạn cuối cùng. Đến viên đạn cuối cùng. Điều chủ yếu là kìm chân bọn Đức và tiêu diệt xe tăng. Bằng mọi phương tiện! Không được lùi một bước nếu không có lệnh của tôi! Tôi không cho phép rút lui! Tôi yêu cầu anh hãy luôn luôn nhớ lấy điều ấy! Rõ chưa, đại tá Đê-ép?
Ông không muốn trấn an, bào chữa, lừa dối bản thân mình-ông tới điểm cao này với mệnh lệnh đã được chuẩn bị, nghiền gẫm kỹ, hoàn toàn tin tưởng rằng mệnh lệnh nhẫn tâm có ý thức đó là giải pháp duy nhất có thể được trong tình hình hiện nay, ông đã hình dung trước tổn thất của các trung đoàn mặc dầu rằng có thể là một giờ sau ông sẽ liều đưa ra một mệnh lệnh khác: đưa thê đội hai của quyết định hoặc lực lượng dự trữ của tập đoàn quân vào chiến đấu. Nhưng cả Bét-xô-nốp cũng như không có một người nào khác có thể thấy trước được tình hình biến động sẽ diễn ra như thế nào sau một, hai giờ nữa, nghĩa là tình hình chung của toàn bộ tập đoàn quân, lúc không còn có thể sửa chữa cái gì được nữa.
Giống như một người làm ăn thua lỗ bị mất hết những đồng tiền cuối cùng, biết rằng không còn gì dự trữ nữa, khi đưa lực lượng dự trữ vào trận, bao giờ Bét-xô-nốp cũng cảm thấy sự bấp bênh nào đó của tương lai, khoảng trống không gì lấp được sau lưng ông. Lúc ấy ông tưởng như tất cả đều bấp bênh, tay không. Chính vì thế ông hết sức keo kiệt giữ lực lượng dự trữ của mình đến hết mức, giữ cho tới lúc tình thế trở nên liều lĩnh không thể chịu đựng được, giống như một sợi dây đàn căng quá, sắp đứt đến nơi và không làm sao sửa lại được. Trước đây ông đã thành công. Trước đây ông đã gặp may. Và Bét-xô-nốp nói tiếp:
-Đó là toàn bộ mệnh lệnh cho tới lúc này, đại tá ạ. Tôi sẽ ở lại đài quan sát của anh cho tới lúc cuộc chiến đấu kết thúc. Phải bám trụ tới người cuối cùng trên các tuyến đã chiếm lĩnh. Đối với tất cả mọi người, không trừ một ai chỉ có thể có một nguyên nhân khách quan khiến phải rời bỏ vị trí: đó là cái chết…
Ông thốt những lời đó lên bằng giọng nói quen thuộc mà Ve-xnin đã nghe thấy trong lần gặp người lính xe tăng trên đường hành quân, cái giọng thẳng thừng và thậm chí nhỏ nhẹ dường như phát ra làn sóng chết người của những mệnh lệnh và khi nghe giọng nói đó của ông, Ve-xnin muốn ngoảnh mặt đi, không dám nhìn vào khuôn mặt đanh cứng, ốm yếu với chiếc miệng nhòn nhọn của ông.
“Thì ra anh ấy là người như thế! Nghĩa là mìng không nhầm. Chính do thế mà trước khi anh ấy tới tập đoàn quân đã loang đi tin đồn về sự tàn nhẫn của anh ấy”,-Ve-xnin nghĩ, đưa mắt nhìn Đê-ép đang lặng lẽ đưa tay lên chào sau khi nghe mệnh lệnh của Bét-xô-nốp. Và để bào chữa cho Bét-xô-nốp ông lại nghĩ: “Không, có thể là anh ấy không cần phải đi sâu vào chi tiết. Đúng thế, anh ấy muốn tuyên bố rằng anh ấy sẽ thẳng tay với tất cả mọi người, kể cả đối với chính bản thân mình…”.
Và lúc ấy như thể vô tình, gián tiếp làm dịu nhẹ cái mệnh lệnh vừa phát ra một cách lạnh lùng đanh thép, Bét-xô-nốp khẽ mỉm cười với Đê-ép.
-Đi đi, đồng chí đại tá. Anh hãy hoàn thành nhiệm vụ của mình đi nếu như anh đã hiểu rõ tất cả.
-Tôi đã hiểu rõ cả, thưa đồng chí ủy viên Hội đồng quân sự,-Đê-ép đáp bằng giọng nam trung, đưa đầu bao tay chạm vài thái dương màu hơi hung hung dưới chiếc mũ lông nhàu nát đội lệch.
Tiếp đó các sĩ quan khác cũng giải tán, tản về các vị trí của mình. Căn hầm vắng teo.
-Có lẽ cần phải làm sao tế nhị hơn, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích ạ…-Ve-xnin nói giọng trách móc khi chỉ còn lại hai người với nhau.
-Tôi thấy không cần phải tìm một hình thức khác để diễn đạt vì nội dung cũng chỉ là một mà thôi. Tôi không thể làm khác được, Vi-ta-li I-xa-ê-vich ạ! Tôi cho rằng kết cục của chiến dịch này không chỉ lệ thuộc vào chúng ta, như anh đã nói rất đúng, mà còn lệ thuộc vào một cái gì lớn lao hơn nhiều, cho nên không thể nói đến chuyện ngọt ngào được!
Bét-xô-nốp đứng bên cạnh kính ngắm và Ve-xnin lại trông thấy khuôn mặt lạnh lùng, xa lạ, khó gần của ông.
Thiếu tá Bô-gi-scô đứng cách ông hai bước, theo dõi vị tư lệnh với vẻ mặt ngoan ngoãn sẵn sàng chấp hành ngay bất kỳ mệnh lệnh nào, dựa theo cử chỉ nhỏ nhặt của Bét-xô-nốp, theo cái gật đầu của ông hoặc chỉ một lời nói của ông. Từ lúc hành quân anh đã cảm nhận thấy sự kiên quyết cứng rắn của thủ trưởng và đã biết cách xử sự thích hợp. Chính vì thế Ve-xnin thấy khó chịu vì ông đã biết Bô-gi-scô từ lâu, cũng có lòng quý mến anh thấy anh nổi bật lên trong đám sĩ quan tùy tùng bởi tính tình cởi mở, thoải mái.
Trong lúc ấy Bét-xô-nốp rụt đầu trong cổ áo choàng nhìn hồi lâu về phía chiến trường ở bên dưới, phía trước điểm cao. Tất cả khoảng không ở bên kia, những khúc sông ngoằn ngoèo, mặt băng trên sông bị bom đạn cày xới thành những vết đen lỗ chỗ, dải bờ sông cao, từ đó các khẩu đội của ta liên tiếp nhả đạn, những triền dốc thoai thoải của điểm cao bên kia cái khe rộng ở bên trái ngôi làng, nơi những làn đạn xe tăng bùng lóe lên trong làn khói kéo dài khắp mặt trận,-tất cả chìm ngập trong ánh hoàng hôn đỏ như máu, tất cả xáo trộn, chuyển dịch, đan kết vào nhưu thành những ngọn lửa lớn nhỏ, sắt thép, dầu mỡ, xăng cháy trên mặt đất, những lưỡi lửa tang tóc, tạt xiên kéo dài như những dải áo và tưởng chừng như do những đám cháy và do ánh hoàng hôn tuyết cũng bùng cháy lên.
Cảnh hỗn loạn đó, cảnh trái phá bay ngang dọc đó ở gần bờ sông và không xa, ngay phía trước điểm cao, nơi đặt đài quan sát của sư đoàn-toàn bộ quang cảnh trận đánh nhìn thấy trong tầm mắt và khó phân biệt vì chìm trong khói ở phía Bắc khu làng, nơi xe tăng Đức đã đột nhập tới và mới đây các khẩu “Ca-chiu-sa” đã nã vào tất cả những cái đó đối với Ve-xnin tưởng như đã quá rõ ràng, không còn nghi hoặc gì nữa đến mức ông thấy thật khó hiểu vì sao lúc này Bét-xô-nốp im lặng, còn khuôn mặt gầy gò, nhuộm đỏ ánh hoàng hôn của ông lại tỏ vẻ kinh tởm lạ lùng. Và Ve-xnin cũng chả nói gì, ông xúc động không phải vì nỗi hiểm nguy đang vây quanh mình, không phải vì sợ nguy hiểm mà vì ông tưởng chừng như cả Bét-xô-nốp cũng như Bô-gi-scô đều chưa cảm thấy và chưa trông thấy những gì ông đã trông thấy và cảm thấy trong giây phút đó.
Ve-xnin nhìn thấy xe tăng địch ở bên kia sông phía trước điểm cao đang tiến theo hình vòng cung tới bờ sông, vượt qua sông ở phía bên trái, bò trong đám khói mờ mịt, ngày càng thọc sâu vào dải phòng ngự của sư đoàn, ông thấy pháo chống tăng ở bờ sông phía Bắc nã súng vào đám xe tăng đó và một vài khẩu pháo ở bờ phía Nam bị địch vòng qua bỏ lại sau lưng cũng quay hẳn nòng pháo lại, bắn vào chúng từ phía sau. Xe tăng địch vẫn cứ tiến, những cái bóng xám đỏ vẫn cứ bò từ đám sương mù sang sáng ra, vượt sông sang bờ phía Bắc qua chiếc cầu đã bị phá hủy một nửa ở phía bên trái điểm cao. Tiếp đó ngọn lửa lan ra, đỏ lòe ở trên cầu-một chiếc xe tăng Đức bốc cháy giữa cầu nhưng lập tức chiếc xe tăng khác bò tiếp lên cầu, đang đà chạy nó dùng đầu húc vào chiếc xe bị cháy khiến chiếc xe này rơi ùm từ trên cầu xuống mặt băng trên sông, chìm trong hố băng to, nhô chiếc tháp đen ngòm, còn những chiếc xe tăng khác vẫn cứ tiếp tục đi trên chiếc cầu đã được giải tỏa.
Lúc ấy Ve-xnin quay nửa người lại và ông lại trông thấy một bên má cạo nhẵn thín, loáng ánh hoàng hôn của Bét-xô-nốp vẫn đứng gần kính ngắm, ông nói với vẻ bồn chồn không che giấu:
-Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích, anh hãy nhìn lên cầu mà xem! Tôi không hiểu sao công binh lại không kịp phá cầu nhỉ? Hay là bọn Đức đã bắc lại?
Bét-xô-nốp đưa đôi mắt nặng như chì, có sức áp đảo, lướt nhìn về phía cầu, từ khi ông đến đài quan sát này, cái nhìn đó tựa hồ như đè nén và đẩy mọi người xa ông; giọng ông vang lên mệt mỏi:
-Tôi cũng vậy, tôi đứng và nghĩ: tại sao họ vẫn chưa phá hủy chiếc cầu? Có thể làm việc đó được không? Yêu cầu chủ nhiệm pháo binh lại gặp tôi!
-Chủ nhiệm pháo binh lại gặp trung tướng,-mọi người truyền đạt mệnh lệnh trong hầm.
Chủ nhiệm pháo binh của sư đoàn, một đại tá vóc người tầm thước với khuôn mặt trí thức, phương phi, bước lại gần Bét-xô-nốp, hai tay duỗi thẳng bên sườn, thận trọng nhìn Ve-xnin mà ông ta quen biết từ hồi thành lập đơn vị, và đáp lại cái nhìn dò hỏi đó, Ve-xnin vội nói, tránh giải thích chi tiết:
-Vị thần chiến tranh ạ, lúc này mọi hy vọng đều đặt vào anh đấy! Anh hãy cho bắn vào chiếc cầu! Hãy đốt cháy, tiêu diệt chiếc cầu này! Anh có trông thấy những gì đang xảy ra ở đó không?
Rất tiếc là chúng ta vẫn còn chưa giũ bỏ được thói quen chiến đấu dựa vào may rủi như hồi bốn mốt!-Bét-xô-nốp hướng về phía chủ nhiệm pháo binh nói cũng bằng một giọng mệt mỏi như vậy.-Dẫu sao cũng có thể dùng pháo binh phá hủy lối qua sông trước đi nếu như công binh không làm kịp chứ? Anh nghĩ thế nào, đại tá? Hay đó là chuyện ngoài sức tưởng tượng?
-Thưa đồng chí trung tướng,-chủ nhiệm pháo binh nói, cố gắng tỏ ra là một người am hiểu công việc của mình khi trả lời Bét-xô-nốp,-chiếc cầu này luôn luôn nằm dưới tầm hỏa lực của chúng tôi nhưng bọn Đức đã khôi phục lại. Xin đồng chí hãy nhìn ra chỗ qua sông. Đại bác 152 mi-li-mét của ta bắn liên tục. Tôi hy vọng rằng…
Nhưng Bét-xô-nốp ngắt lời ông:
-Nếu như xe tăng địch qua cầu được thì như thế có nghĩa là, đại tá ạ, chiếc cầu còn hoàn toàn nguyên vẹn. Tôi tin vào những gì mắt tôi nhìn thấy.-Ông dùng cái gậy trỏ về phía chiếc cầu đã chìm trong khói.-Luật tán xạ à? Xác suất trúng đích ít à? Thế tại sao luật tán xạ của bọn Đức…
Ông không nói hết câu, tiếng đạn súng cối sáu nòng của địch nổ chói tai át tất cả mọi tiếng nói trên điểm cao. Đuôi đạn dài như sao chổi thiêu đốt, che khuất khoảng trời hoàng hôn ở phía Tây. Điểm cao như bị nứt ra vì động đất, ngọn lửa nóng bỏng vun vút quay tròn như đu quay trên triền dốc. Đúng lúc ấy có người ép mạnh ông vào vách hầm đang rung lên để che chở cho ông: đó là thiếu tá Bô-gi-scô. Anh nói với cái giọng có phần nghiêm khắc, kiên quyết:
-Đồng chí trung tướng, nằm xuống!…
Lập tức Bét-xô-nốp nhận thấy sự chăm chú bất chợt của mọi người ở trong hầm, những cặp mắt nhìn chằm chặp vào ông như có ý hỏi: “Đồng chí có nằm xuống hay không? Nếu đồng chí nằm chúng tôi cũng sẽ nằm. Có mặt cấp trên mà vội vã hôn đất quá có thể sẽ bị hiểu lầm”.
Còn chủ nhiệm pháo binh không rời khỏi bờ công sự nửa bước, nhìn chằm chằm về phía chiếc cầu, thậm chí ông cũng không khom lưng và cúi đầu; sau đó ông đi trong hào giao thông về phía những chiếc máy điện thoại của mình với cái vẻ dường như hoàn toàn dửng dưng trước những tiếng nổ rung chuyển trên điểm cao.
-Đại tá!-Ve-xnin kêu lên trách móc.-Sao anh lại đi dưới bom đạn như một chú bé mới đến trường thế hả!-Và ông khom người xuống diềm thành công sự.
o0o
Trong giây phút đó Bét-xô-nốp bực bội với mình và càng bực bội hơn với các sĩ quan đang chờ đợi, với vi chủ nhiệm pháo binh khi nghĩ rằng họ không muốn vội vã ẩn nấp trước mặt ông, ông khẽ gạt Bô-gi-scô ra, cau mặt, ì ạch ngồi xuống đáy hầm, mệt mỏi nheo mắt lại, ra lệnh:
-Không được đứng! Mọi người vào hầm trú ẩn!
Ông không rõ mọi người có nghe rõ mệnh lệnh của ông giữa tiếng nổ ầm ầm trêm điểm cao hay không, nhưng mọi người đều đã nằm xuống. Bét-xô-nốp hé mi mắt nhìn vào một điểm trước mặt-vào chiếc ủng của Bô-gi-scô là người nằm ép xuống cạnh chân ông và một ý nghĩ kỳ quặc, khó chịu cứ ám ảnh ông: “Vì sao đôi khi vào những lúc như thế này chúng ta lại cứ sợ biểu lộ tình cảm một cách thành thực nhỉ? Tại sao nhiều lúc chúng ta muốn tỏ vẻ can trường một cách ngu ngốc, giả dối, chúng ta muốn lòe đời? Tại sao chúng ta giấu giếm tất cả những gì bình thường, có chất người? Họ nghĩ gì về mình nhỉ? Một cái máy đầy quyền uy không có tim và thần kinh chăng? Hạnh phúc quân nhân của mỗi người đều lệ thuộc vào ý kiến của mình và thậm chí cả đến nỗi hiểm nguy trước cái chết cũng không thể làm cho chúng ta bình đẳng hay sao? Họ có nghĩ về mình như vậy hay không?
Nhưng khi ngồi trong chiến hào, nêu lên những câu hỏi đó cho chính bản thân mình ông đồng thời cũng hiểu rõ rằng không bao giờ ông cho phép ai lăng xăng quá mức ở đài quan sát và chắc ông sẽ không tha thứ cho việc bổ nhào quá vội vã xuống đất lúc địch bắn phá cũng như chắc ông sẽ không tha thứ, bỏ qua cho sự chậm chạp không được phép trong chiến đấu,-dù họ biết hay không biết điều đó ông cũng không thể làm một người khác thế.
Chiếc ủng của Bô-gi-scô dính đầy đất, động đậy trên đáy hầm ngay trước mắt ông mỗi khi có tiếng nổ lại cố duỗi ra cho thoải mái hơn, Bét-xô-nốp lại nghĩ tới cái cầu chưa bị phá hủy, ông không thể nén được nỗi buồn bực gần như tức giận, khẽ nói:
-Gọi đại tá Đê-ép tới gặp tôi.
Tiếng nói đó của ông buộc Bô-gi-scô phải chồm dậy-chiếc ủng lấm đất sét biến khỏi mắt ông trong chốc lát. Sau đó Bô-gi-scô quay lại, ngồi trên đáy hầm, vội vã báo cáo: “Mọi việc đều ổn cả, thưa đồng chí tư lệnh”, vừa lúc đó đại tá Đê-ép lom khom chạy từ ngách hào giao thông tới gần Bét-xô-nốp, ngồi thụp xuống mặt đất-chiếc mũ lông nhàu nát bám đầy đất, cái cổ đỏ gân guốc nhô khỏi cổ áo choàng ngắn, đôi lông mày màu hung nhúc nhích. Đê-ép không hấp tấp nói: “Tôi đã có mặt theo lệnh của đồng chí, thưa đồng chí trung tướng”. Vì nói như thế là không tiện trong tư thế ngồi trên mặt đất và Bét-xô-nốp đã đứng trước ông:
-Tôi nảy ra ý nghĩ như thế này, đại tá-môi ông hơi chành ra để cho những người ngồi bên cạnh không nghe tiếng-chẳng hiểu sao luật tán xạ lại không ngăn cản bọn Đức bắn khá chính xác vào điểm cao. Anh có nghĩ rằng nếu như bọn Đức ngồi trên đài quan sát này còn xe tăng của ta đi ở phía dưới đó thì liệu chúng có tìm được cách gì đó để phá hủy cầu hay không? Anh không nghĩ tới chuyện đó à?
-Tôi cũng thoáng nghĩ tới, thưa đồng chí tư lệnh. Nhưng vấn đề là ở chỗ…
Đạn địch rít lên nổ thành những vòng tròn quay tít trên khắp điểm cao, tiếng gang nổ chát chúa xoáy vào đầu, đất vụn rơi từ phía trên ập xuống hầm, sỏi đá rơi rào rào trên vai Bét-xô-nốp, những tia nước bẩn chảy trên cổ áo bằng lông cừu của Đê-ép, trên ngực ông và ông cau có giũ những cục tuyết sẫm màu khỏi chiếc áo choàng ngắn.
-Đồng chí cứ nói tiếp đi.
-Thưa đồng chí tư lệnh,-sau cùng Đê-ép nói,-vấn đề là ở chỗ, bọn Đức đã chở công binh đi theo xe tăng. Và lối qua sông được bọn này khôi phục ngay mỗi khi pháo binh ta bắn hỏng cầu.-Ông dừng lại một lát.-Chỉ còn lại một cách, thưa đồng chí tư lệnh: đưa hai giàn “Ca-chiu-sa” tới bắn thẳng, cố nhiên nếu như không bị xe tăng đột kích của địch phá hủy trên đường vào làng.
-Thế nếu như các giàn “Ca-chiu-sa” giờ đây không thể tiếp cận được chiếc cầu thì sao?-Ve-xnin hỏi, ông lau cẩn thận đôi mắt kính bị những vết bùn nóng bỏng đặc quánh rơi xuống hầm bắn vào.-Lúc ấy thì sao?
-Đúng, đúng là chúng ta có thể mất chúng, thưa đồng chí ủy viên Hội đồng quân sự. Chúng ta liều mất mấy giàn “Ca-chiu-sa”.
-Anh hãy liều đi,-Bét-xô-nốp nổi xung lên, cao giọng.-Tôi cho anh một phút để suy nghĩ về sự liều lĩnh đó! Anh được tự do.
Tuy nhiên, một phút đối với Đê-ép cũng là quá nhiều. Ông bò từ chỗ Bét-xô-nốp tới chiếc máy điện thoại gần nhất và lập tức từ chỗ đó vang lên giọng nam trung trầm lắng:
-Hãy ghi nhớ kỹ lấy, hỡi vị thần chiến tranh! Xin lỗi, một cái dằm đâm vào tay bao giờ cũng khó chịu đấy! Anh hãy gọi hai giàn “Ca-chiu-sa” tới bắn thẳng vào chiếc cầu. Chúng ta sẽ liều! Địch sẽ nhìn rõ pháo của ta khi ta đi ngay trước mũi xe tăng chúng! Anh hiểu ý tôi chứ? Phải làm thế nào để sao hai mươi phút không còn ai nhắc nhở gì tới chiếc cầu đó nữa! Để sau hai mươi phút không còn vết tích gì của chiếc cầu đó nữa! Rõ chưa? Tôi không muốn nghe nói tới nó nữa,-Đê-ép say sưa và hung dữ nói rõ hơn và Bét-xô-nốp ngoảnh mặt đi tránh không nhìn cái cổ trẻ trung gân guốc phồng lên vì la hét, cái gáy đỏ lưng của Đê-ép, ông cảm thấy khó chịu vì tuy cho phép mình xẵng giọng nhưng ông lại không thể nào chịu đựng được sự xẵng giọng ở người khác, ông nghĩ bụng: “Chả lẽ Đê-ép bắt chước mình?”.
-Giọng của đồng chí Đê-ép ghê thật, át hàng trăm máy hát và tiếng đạn pháo như chơi,-Ve-xnin ngạc nhiên nói đùa và ông đưa mắt quan sát vách hầm phía Bắc đang rỉ ra những tia đất.
Bét-xô-nốp thấy vẻ mặt ông có vẻ chăm chú, y như thể Ve-xnin đã nắm bắt được hoặc muốn nắm bắt điều mà Bét-xô-nốp không nghe thấy trong tiếng rít và tiếng ầm ầm xói trên nóc hầm của những quả đạn tên lửa do súng cối sáu nòng của địch phóng từ bên kia sông sang.
-Khô-khơ-lốp!-Ve-xnin kêu to, đôi mắt cận thị của ông chỉ về phía vách hầm phía Bắc.-Xe tăng T.34 của ta đang ầm ầm kéo vào làng. Nghe tiếng tôi biết! Chà chà, thằng địch lúc này rồi gay đây!…
“Đúng, hai mươi mốt chiếc xe tăng”-Bét-xô-nốp nghĩ, ông hình dung cuộc phản công của trung đoàn giữa các đường làng và không đáp. Việc trung đoàn xe tăng của Khô-khơ-lốp ra trận cố nhiên không thể làm thay đổi tình hình một cách cơ bản, không thể loại trừ, thủ tiêu mối nguy cơ thật sự đang lơ lửng trên đầu sư đoàn đang bị bao vây, nỗi hiểm nguy trên cánh phải của tập đoàn quân. Và ông cũng không muốn tự lừa dối để trấn an tinh thần: cuộc phản công của Khô-khơ-lốp chỉ đủ sức kìm chân xe tăng Đức đã đột kích được sang bờ phía Bắc trong một thời gian nào đó, buộc chúng sa lầy trong những cuộc chiến đấu trên đường làng-chứ không làm hơn được. Nhưng như thế cũng dễ chịu lắm rồi. Và nhiều điều phụ thuộc vào việc đó. Như trong một ván bài với một vài dữ kiện, Bét-xô-nốp luôn luôn bị giày vò vì điều ông chưa nắm được rõ: có đúng là bọn Đức vào buổi chiều đã tung ra cả một sư đoàn xe tăng nguyên vẹn lấy từ lực lượng dự trữ hay không và nếu như chúng đã đưa ra thật thì trong tay chúng còn cái gì nữa, và còn phải chờ đợi ngón đòn gì của chúng nữa, chúng định dùng cái gì làm chủ bài? “Lúc này chúng đang quyết định điều gì ở chỗ Man-sten?”-Bét-xô-nốp nghĩ, ông nhìn Bô-gi-scô đang nạy đất khỏi thân ủng và ông tiếc rẻ nhớ tới đội trinh sát của sư đoàn không trở về, ông dướn cặp mi nặng trĩu lên nhìn vào khuôn mặt trầm ngâm của Ve-xnin đang rất chăm chú và tựa hồ như tin tưởng lắng nghe những âm thanh mới của trận đánh ở trong làng, nơi trung đoàn Khô-khơ-lốp mưu toan chặn đứng, kìm chân xe tăng địch đang tiến sang bờ phía Bắc.
“Đợt pháo kích này sẽ kéo dài bao lâu? Năm phút chăng? Hay mười phút? Chúng nó bắn không tiếc đạn…”.
-Mời đồng chí tư lệnh tới nghe điện thoại!-Có tiếng nói vang lên trong hầm, Bô-gi-scô lập tức nhắc lại ngay:
-Có điện gọi đồng chí, thưa đồng chí tư lệnh!…
“I-a-xen-cô!-Bét-xô-nốp đoán ra và lo lắng nhúc nhích người.-Mãi không có liên lạc. Tình hình ở chỗ đồng chí ấy thế nào? I-a-xen-cô sẽ nói gì lúc này?”.
Cố gắng để không đè lên cẳng chân bị thương tê dại, ông đứng dậy, lúc ấy thiếu tá Bô-gi-scô hết sức ân cần đỡ lấy khuỷu tay ông, vẻ mặt như có ý yêu cầu: “Đồng chí trung tướng, tôi chỉ xin đồng chí đừng đứng thẳng người lên” và Bét-xô-nốp nhếch mép cười, nói:
-Tôi xin báo trước cho anh biết, Bô-gi-scô, anh đừng chăm nom tôi quá quắt như chăm nom một phu nhân già vậy và cũng đừng coi tôi như một ông lão lụ khụ.
-Đâu phải thế ạ, thưa đồng chí tư lệnh!-Bô-gi-scô đáp, giọng phấn khởi và rõ ràng là viên sĩ quan tùy tùng nói dối: căn cứ vào cách đi đứng của Bét-xô-nốp và những nếp nhăn mệt nhọc, vào cái giọng rin rít, vào vẻ mặt ốm yếu khô khan anh chàng thiếu tá hai mươi bảy tuổi cố nhiên đã coi ông như một ông lão-và cũng không thể nào làm khác được, không phải có sự cách biệt về tuổi tác ngăn cách họ.
Trước khi bước lại gần căn hầm ngầm thông tin, Bét-xô-nốp dừng lại và nhìn một lần nữa qua bờ công sự, hy vọng nắm bắt được những thay đổi trên chiến trường. Những đám cháy phần phật trên thảo nguyên hòa quyện với hoàng hôn rừng rực còn chưa tắt lụi ở chân trời. Và ở tít xa về phía đó, trong ánh hoàng hôn, từng tốp máy bay tiêm kích sáng lóa của ta và của địch đang nhào xuống, vút lên như một bầy muỗi, quyện chặt vào nhau. Trận không chiến vẫn diễn ra trong những dải khói đen bắt chéo nhau, từ mặt đất nhìn lên thấy thật khó hiểu. Còn ở phía dưới thấp hơn, máy bay cường kích của ta vẫn lao đi từng cặp một, tưởng chừng như chúng nhào vào nơi tận cùng của thế giới.
Gần hơn, phía trước mặt điểm cao và trên các triền dốc của cái khe, xe tăng địch đi thành hình vòng cung rộng vẫn cứ từ từ siết lấy bờ sông ngày càng chặt hơn. Hoàn toàn không thể nhìn rõ chiếc cầu ở phía tay trái, bị chùm lút trong tiếng nổ dày đặc, trong khói lửa mịt mù sôi sục. Hàng chục chiếc xe tăng cụm lại phía trước chiếc cầu đã bị bắn cháy rụi. Hai giàn “Ca-chiu-sa” của ta cháy rừng rực ở rìa làng, có lẽ đó là các giàn căn cứ đã được gọi tới.. Xe tăng địch tản ra rồi lại bò tới chỗ qua sông dưới hỏa lực trực tiếp của các tiểu đoàn chống tăng bắn từ bờ Bắc sang, còn từ bờ phía Nam, ngay trên bờ sông cao, một khẩu pháo bắn tới tấp, quay ngược hẳn nòng lại và khói đạn địch bắn trả trùm kín lên nó. Khẩu pháo đó biến mất, chìm lút trong bóng tối rồi lại xuất hiện, những phát súng lóe lên từ đó…
Bét-xô-nốp nghĩ chắc lúc rạng sáng ông đã có mặt ở chính cái khẩu đội nơi giờ đây có một khẩu súng đơn độc đang bắn đó và ông muốn nhớ lại cái họ quen thuộc của người chỉ huy khẩu đội.
Nhưng ông không nhớ ra được và cũng không cố nhớ. Một ý nghĩ khác đã gạt bỏ mọi ý nghĩ trong đầu ông: cảm thấy thắng lợi, bọn Đức vội vã dấn sâu và mở rộng cuộc đột kích trước khi trời tối. Và ông còn nghĩ rằng có lẽ tình hình trận đánh đã tới lúc nguy kịch nhất, đã lên tới cực điểm, lúc sợ dây đã căng hết mức chỉ chực đứt tung ra.
Tuyết Bỏng Tuyết Bỏng - Yury Bondarev Tuyết Bỏng