Nên coi những thất bại trong quá khứ là động cơ để hành động, chứ không phải lấy đó làm lý do để bỏ cuộc.

Charles J. Given

 
 
 
 
 
Tác giả: Yury Bondarev
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Горячий Снег
Dịch giả: Nguyễn Hải Hà
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 811 / 8
Cập nhật: 2017-05-19 13:24:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
iểu đoàn chú ý! Xuống tàu! Đưa pháo ra khỏi toa đĩa! Dắt ngựa xuống!
-Cánh mình gặp may đấy các cậu ạ. Cả trung đoàn pháo đi ô tô, còn riêng tiểu đoàn mình đi ngựa.
-Xe tăng nó khó nhận ra ngựa. Cậu đã hiểu rõ ý nghĩa của việc đó chưa?
-Thế nào anh em, dẫn bộ à? Hay là bọn Đức ở ngay bên cạnh?
-Đừng có vội vã, cậu còn kịp sang thế giới bên kia cơ mà. Cậu có biết tuyến đầu như thế nào không? Anh chưa kịp đàn gió ra-bài ca đã chấm dứt rồi.
-Kéo đàn gió để làm gì? Tốt hơn hết là cậu hãy bảo cho mình biết: người ta có phát thuốc lá trước trước trận đánh không? Hay là chuẩn úy lại bóp chặt? Tay ấy chúa là keo kiệt! Thấy nói ta sẽ được chén trên đường hành quân.
-Đâu phải vì chuẩn úy-Đây là nỗi khổ…
-Quân ta đang bao vây bọn Đức ở Xta-lin-grát… Có lẽ bọn mình tới đó… Chà, lẽ ra phải bao vây bọn Đức từ năm bốn mốt cơ. Thì bây giờ bọn mình đã ở tận đẩu tận đâu ấy chứ!
-Chuyền gió lạnh rồi. Chiều tối nay băng giá sẽ còn dữ dội hơn!
-Đến chiều tối bọn mình sẽ quật cho bọn Đức một mẻ! Có lẽ cậu sẽ không cóng lạnh đâu.
-Thế còn cậu thì sao? Cái chính là phải giữ sao cho khỏi bị cóng. Chứ không lúc đến tuyến đầu cái thân anh chì còn là một búp tuyết! Mà anh còn phải đêm giấy về khoe vợ nữa chứ.
-Các cậu này, Xta-lin-grát ở về phía nào nhỉ?
Bốn giờ sau mọi người chuyển các thứ từ trên tàu xuống nhà ga cuối cùng trên thảo nguyên, giáp ngay mặt trận, lúc ấy các trung đội xúm vào lăn các khẩu pháo từ các toa đĩa phủ đầy tuyết qua những xúc gỗ xuống đấy, dẫn lũ ngựa đã chồn cân, níu cẳng ra khỏi toa, chúng phì phì ầm ĩ, mắt lơ láo nghiêng nghiêng, thèm khát lấy môi bập tuyết bên cạnh đường, toàn thể tiểu đoàn khuân vác, chuyển những hòm đạn lên xe tải, đưa pháo, những thiết bị cuối cùng, ba lô, cặp lồng ra khỏi những toa xe cứng lại vì giá lạnh, bị bở lại sau đó họ xếp thành đội hình hành quân,-mọi người rốt rít tít mù lên như ta thường thấy khi thay đổi hoàn cảnh. Bất chấp những gì chờ đợi mỗi người ở phía trước, tất cả mọi người đều cảm thấy niềm vui náo nức trào dâng, đều sẵn lòng cười vang hưởng ứng những lời đùa cợt, những tiếng rủa không chút ác ý. Công việc bốc dỡ làm cho họ ấm lên, họ chen chúc nhau trong hàng quân, nhìn chăm chăm các chỉ huy trung đội tựa hồ như cùng có ý định đoán bước ngoặt mới mẻ chưa rõ số phận mình.
Trong những giây phút đó, trung úy Cu-dơ-nét-xốp bỗng cảm thấy tình đoàn kết gắn bó chung của hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn con người đang chờ đợi trận đánh chưa rõ sắp xảy ra và anh không khỏi xúc động nghĩ rằng giờ đây, chính từ những phút giay hành quân ra tuyết đầu, bản thân anh thấy gắn bó chắc chắn, mãi mãi với tất cả mọi người. Thậm chí anh thấy khuôn mặt luôn luôn nhợt nhạt của Đrô-dơ-đốp-xki, người vừa chỉ huy tiểu đoàn bốc dỡ mọi thứ xuống tàu, còn những gì anh đã trải qua trong và sau cuộc oanh tạc của máy bay địch tưởng như đã lùi lại, bị lãng quên vĩnh viễn. Và cuộc trò chuyện mới đây với Đrô-dơ-đốp-xki cũng đã lùi xa và bị lãng quên. Trái với mọi phỏng đoán, Đrô-dơ-đốp-xki từ chối không chịu nghe báo cáo của Cu-dơ-nét-xốp về sự đầy đủ quân số trong trung đội-đã tìm thấy U-kha-nốp-ngắt lời anh với vẻ sốt ruột rõ rệt của một người đang bận làm một công việc cấp bách: “Đồng chí hãy tới ngay chỗ trung đội dỡ hàng. Và phải làm sao cho thật chu tất! Rõ chưa?”-“Báo cáo, rõ!”-Cu-dơ-nét-xốp đáp và đi về phía toa xe của mình, nơi U-kha-nốp khẩu đội trưởng khổi đội một đứng giữa các chiến sĩ như không có chuyện gì xảy ra vậy. Trước dự cảm về trận đánh sắp xảy ra, tất cả cái quá khứ gắn liền với đoàn tàu dường như mờ đi, mòn đi, bị san bằng, được Cu-dơ-nét-xốp và có lẽ cả Đrô-dơ-đốp-xki và toàn thể tiểu đoàn nhớ lại như một cái gì ngẫu nhiên, nhỏ nhặt, họ bị xâm chiếm bởi một cảm giác phấn khích khi chuyển tới một nơi mới mẻ chưa từng biết, cái nơi được nén chặt cứng trong một tiếng đanh thép: Xta-lin-grát.
Tuy nhiên sau bốn giờ đi trên đồng cỏ đã đóng băng, giữa thảm tuyết hoang vắng chạy dài đến tận chân trời, không có làng xóm, không có những lần dừng chân ngắn ngủi, không được nhà bếp cho ăn như đã hứa, tiếng cười nói dần dần lặng đi. Sự phấn khích đã qua, mọi người cất bước, mình đẫm mồ hôi, mắt cay xè, ứa nước mắt vì những đụn tuyết bất tận sáng léo lên một cách tai ác dưới nắng. Thỉnh thoảng từ đâu đó phía bên trái và đằng sau lưng lại có tiếng ì ầm từ xa vọng lại. Sau đó tiếng ì ầm lặng đi và chẳng hiểu vì sao vẫn chưa tới mặt trận, chắn chắn phải gần lắm rồi chứ, tại sao lại có tiếng ì ầm ở sau lưng,-không thể xác định được hiện nay mặt trận ở đâu và đoàn quân đang đi theo hướng nào. Mọi người vừa đi vừa nghe ngóng, thỉnh thoảng lại đưa tay bốc một nắm tuyết cứng lên nhai, xoa vào môi, nuốt nhưng tuyết không làm cho đã khát.
Sự mệt mỏi làm cho hàng quân lớn kéo dài xuệch xoạc, đứt quãng, bước đi ngày càng chậm hơn, càng dửng dưng hơn, có người đã phải bám vào lá chắn các khẩu pháo, vào xe chở pháo và thành xe tải chở đạn do nhữg con ngựa nhỏ bé giống Mông Cổ kéo, lũ ngựa đầu lúc lắc một cách máy móc, lông lá bù xù, mõm ướt át vì bị sương giá rét buốt bám đầy. Lưng những con ngựa kéo pháo bốc hơi, bóng lên dưới ánh nắng, những người đánh xe lúc lắc một cách đờ đẫn trên yên ngựa. Tiếng bánh xe của các khẩu pháo rít lên, những thanh ngang ở xe ngựa kêu lục cục trầm trầm, thỉnh thoảng ở đâu đó phía sau lưng tiếng động cơ xe ZIS lại rú lên khi từ lòng khe leo lên dốc. Tiếng tuyết lép nhép vì bị nhiều người giẫm nát, tiếng cồm cộp đều đều của những vó ngựa, tiếng sình sịch khó nhọc của những chiếc máy kéo kéo những khẩu pháo nặng nề đặt trên rơ moóc-tất cả hòa thành một âm thanh đơn điệu, buồn ngủ và bao trùm lên tất cả những cái đó-những âm thanh, con đường, các khẩu pháo, những chiếc ô tô và những con người-là một màu trời trắng bệch, lặng ngắt, bị những tia nắng nhọn như mũi kim xuyên qua và đoàn quân trải dài trên thảo nguyên như nửa ngủ nửa thức đi dưới màn trời đó.
Từ lâu Cu-dơ-nét-xốp đã không đi ở phía trước trung đội mình theo như điều lệnh nữa mà đi đằng sau khẩu pháo thứ hai, người anh đẫm mồ hôi, cái áo mặc trong áo bông và áo choàng dính sát vào ngực, những tia nước nóng hổi lăn từ dưới mũi xuống thái dương nóng bỏng và bị gió làm cho khô cứng ngay, kéo căng mặt da. Trung đội im lìm đi thành từng nhóm riêng, từ lâu đã mất sự tề chỉnh phấn chấn lúc ban đầu, khi mọi người bước ra thảo nguyên với những lời bỡn cợt, những tiếng cười vô duyên cớ, bỏ lại nơi dở hàng ở sau lưng. Giờ đây, trước mắt Cu-dơ-nét-xốp là những tấm lưng lắc lư không đều, trên đó những chiếc ba lô nhô lên vẹo vọ, những chiếc dây lưng đeo đầu lựu đạn trễ xuống ngang lưng áo choàng của tất cả mọi người. Một vài người mệt quá đã đặt ba lô lên phía trước các xe tải.
Cu-dơ-nét-xốp mệt mỏi cất bước dửng dưng, chỉ chờ đợi lệnh nghỉ, thỉnh thoảng anh ngoái lại nhìn thấy Tri-bi-xốp ủ rũ đi khập khiễng sau cái xe tải, Nết-trai-ép mới gần đây hãy còn là một anh chàng lính thủy chỉnh tề như thế, giờ lê bước voéi vẻ mặt lầm lũi khó nhận ra, hàng ria mép ẩm bị sương giá bám đầy, chốc chốc anh ta lại thổi phù một cái và liếm liếm ria một cách kỳ quặc.
“Thế thì đến khi nào mới được nghỉ? Khi nào nghỉ?”-Bao giờ mới được nghỉ đây? Họ quên à?-Anh nghe thấy ở sau lưng giọng nói du dương và không có vẻ bực mình của trung úy Đa-vla-chi-an, giọng nói này bao giờ cũng làm cho Cu-dơ-nét-xốp ngạc nhiên vì cái vẻ ngây thơ trong trắng và chẳng hiểu sao nó gợi lên những hồi ức êm đẹp đã lùi vào dĩ vãng, những hồi ức về cái thời nào đó đáng yêu, vô tư lự lúc họ còn ở trường pháo binh, cái thời mà có lẽ Đa-vla-chi-an hãy còn nhớ nhưng Cu-dơ-nét-xốp thì tưởng như nó đã mờ đi và lùi xa rồi.
Anh chật vật quay đầu lại: cái cổ cáo giả bằng chất xen-luy-lô-ít ẩm ướt lạnh giá được phát sau khi ra trường siết chặt lấy cổ anh. Đa-vla-chi-an, trung đội trưởng trung đội hai, với khuôn mặt gầy, đôi mắt to, không đeo cổ áo giả như những người khác, đuổi kịp Cu-dơ-nét-xốp và vừa đi vừa gặm cục tuyết một cách ngon lành ngư gặm cục đường.
-Này, Cu-dơ-nét-xốp!-Đa-vla-chi-an nói bằng giọng học trò trong veo như thủy tinh.-Cậu biết không, với tư cách là bí thư chi đoàn thanh niên của trung đội, mình muốn trao đổi với cậu. Có được không?
-Cái gì thế hử, Gô-ga?-Cu-dơ-nét-xốp hỏi, chỉ xưng hô với anh ta bằng tên không thôi, như hồi học ở trường.
-Cậu đã đọc tài liệu này của bọn Đức chưa?-Vừa mút tuyết Đa-vla-chi-an vừa rút ở túi áo choàng ra tờ truyền đơn vàng khè gấp tư và cau mặt.-Ca-xư-mốp tìm thấy ở trong rãnh bên đường. Ban đêm máy bay địch thả xuống. Đúng là chúng léo nhéo vì hằn học.
-Đưa đây xem, Gô-ga.
Cu-dơ-nét-xốp cầm lấy tờ truyền đơn, mở ra, đưa mắt lướt qua những hàng chữ in to:
“Hỡi lũ thổ phỉ ở Xta-lin-grát!
Chúng bay tạm thời bao vây được một bộ phận quân Đức ở Xta-lin-grát của chúng bay mà không quân của chúng tao đã biến thành đống tro tàn. Đừng có hí hửng! Đừng có hy vọng rằng giờ đây chúng bay sẽ tiến công. Chúng tao sẽ còn tổ chức cho chúng bay một ngày hội vui đáo để trên đường phố của chúng bay, chúng tao sẽ tống cổ bọn bay sang bên kia sông Vôn-ga và xa hơn để làm mồi cho chấy rận. Trước đội quân vinh quang bách chiến bách thắng của chúng tao, chúng bay thật yếu ớt. Hãy lo giữ lấy tấm thân tơi tả của chúng bay, lũ đồ tể Xô-viết!”.
-Đúng là lũ điên rồ chửa rủa,-Đa-vla-chi-an nói khi nhìn thấy Cu-dơ-nét-xốp cười khẩy sau khi đọc xong tờ truyền đơn.-Chắc chúng không nghĩ rằng người ta sẽ để cho chúng sống yên thân ở Xta-lin-grát. Cậu thấy cái trò tuyên truyền này thế nào?
-Đúng, Gô-ga ạ, đây là một tài liệu xấu,-Cu-dơ-nét-xốp đáp, đưa trả tờ truyền đơn.-Nói chung tôi chưa hề đọc những lời chửi bới kiểu như thế này. Năm bốn mốt chúng viết khác: “Chúng bay hãy đầu hàng đi và nhớ mang theo cùi dìa và cặp lồng!”. Đêm nào chúng cũng ném những truyền đơn như thế.
-Cậu biết mình hiểu cái trò tuyên truyền này như thế nào không?-Đa-vla-chi-an nói.-Con chó đã đánh hơi thấy mùi gậy. Có vậy thôi.
Anh vò nát tờ truyền đơn, ném xuống lề đường, cất tiếng cười khe khẽ, tiếng cười gợi cho Cu-dơ-nét-xốp nhơ tới một cái gì đó xa xôi, quen thuộc, rạng rỡ như những ô cửa sổ của trường pháo binh nhìn quan những tán lá cây đoạn lấp lánh vệt nắng.
-Cậu không nhận thấy gì à?-Đa-vla-chi-an lên tiếng, sánh bước bên Cu-dơ-nét-xốp. Thoạt đầu chúng mình đi về phía Tây sau đó lại ngoặt về phía Nam. Chúng ta đi đâu?
-Đi ra mặt trận.
-Thì mình cũng biết là ta đi ra mặt trận nhưng cậu hiểu không, mình đoán ra rồi!-Đa-vla-chi-an phì cười nhưng đôi mắt dài màu mận của anh trở nên chăm chú.-Xta-lin-grát giờ đây ở sau lưng chúng ta. Cậu đã từng trải trong chiến đấu, hãy thử nói xem… Tại sao người ta không thể đi tới đâu? Đó có phải là điều bì mật không? Cậu có biết chút ít chứ hả? Chả lẽ ta không đến Xta-lin-grát à?
-Đằng nào chả là ra mặt trận hở Gô-ga,-Cu-dơ-nét-xốp đáp.-Chỉ có ra mặt trận thôi chứ không đi đâu khác.
-Đa-vla-chi-an giận dỗi hếch chiếc mũi nhọn lên.
-Đó là cái gì, câu cách ngôn hả? Mình phải cười vang lên chắc? Mình biết rồi. Nhưng mặt trận ở đâu mới được chứ? Bọn mình đang đi về chỗ nào đó ở phía Tây Nam. Cậu có muốn xem địa bàn không?
-Mình biết là ta đang đi về phía Tây Nam.
-Này, nếu bọn mình không đi đến Xta-lin-grát thì chán kinh khủng. Ở đó người ta đang đập tan bọn Đức còn chúng ta lại bị đưa đến một nơi khỉ ho cò gáy à.
Trung úy Đa-vla-chi-an hình như muốn nói chuyện nghiêm chỉnh với Cu-dơ-nét-xốp nhưng cuộc trò chuyện đó giờ đây chẳng làm sáng tỏ được gì cả. Cả hai đều chẳng biết gì về hướng hành quân chính xác của sư đoàn, hướng hành quân này hình như đã bị thay đổi trên đường hành quân, chỉ có điều cả hai đã đoán được rằng điểm cuối cùng trong cuộc hành quân này không phải là Xta-lin-grát, thành phố đã nằm phía bên phải sau lưng họ, nơi tiếng đại bác ì ầm từ xa vọng lại.
-Dồn lại đội hình!…-Mệnh lệnh vang lên ở phía trước được nhiều giọng nói trong hành quân miễn cưỡng nhắc lại.-Bước nhanh, bư-ớc!…
-Lúc này chả rõ gì cả,-Cu-dơ-nét-xốp đáp, nhìn hàng quân kéo dài bất tận giữa thảo nguyên.-Chúng ta đang đi tới nơi nào đó. Và lúc nào người ta cũng thúc Gô-ga ạ, có lẽ chúng ta đang đi dọc vòng vây. Theo bản tin hôm qua, ở đó vẫn còn đánh nhau.
-Ờ, thế thì hay quá!… Dồn lại đội hình, các đồng chí!-Đến lượt mình, Đa-vla-chi-an hô vang khẩu lệnh bằng cái giọng học được ở trường sĩ quan rồi quay lại vui vẻ nói-Này cậu biết không, cái món tuyết này gây trở ngại, mắc ngang cuống họng! Mà cậu cũng thử nếm tí xem. Đỡ khát đấy, nếu không thì cứ là ướt như chuột lột!-Và anh khoái trá gặm cục tuyết như ăn cục đường vậy.
-Cậu thích, tuyết cục lắm à? Thôi đi Gô-ga kẻo không lại phải đến trạm xá đấy. Mình thấy giọng cậu đã khản rồi,-Cu-dơ-nét-xốp bất giác mỉm cười.
-Đến trạm xá ấy à? Không bao giờ.-Đa-vla-chi-an kêu lên.-Còn trạm xá nào ở đó mới được chứ! Cho nó đi đời nhà ma đi!
Và chắc là cũng như trước khi dự kiểm tra ở nhà trường, anh nhổ nước bọt một cách mê tín, ba lần qua vai, lấy bộ nghiêm chỉnh, lè cục tuyết xuống đụn tuyết.
-Mình đã biết mùi trạm xá như thế nào rồi. Kinh khủng lắm. Nằm dài cả một mùa hè, giá chết quách cho xong! Nằm như một thằng ngốc, chỉ toàn nghe: “Chị y tá ơi, bô dẹt, chị y tá ơi, bô tròn!”. Đúng là một trò vớ vẩn ngu ngốc… Mình vừa mới ra mặt trận, được đến ngày thứ hai, ở Vô-rô-ne-giơ thì bị ngay cái trò ngu ngốc ấy túm lấy. Một căn bệnh ngốc nghếch hạng nhất. Thế mà cũng gọi là đi chiến đấu! Xấu hổ đến phát điên lên!
Đa-vla-chi-an lại phì cười khinh bỉ nhưng lập tức anh đảo mắt nhìn Cu-dơ-nét-xốp như thể báo trước rằng không cho phép ai chế giễu mình vì anh đâu có lỗi khi mắc phải chứng bệnh đó.
-Bệnh gì thế Gô-ga?
-Mình đã bảo bệnh ngốc ngếch hạng nhất mà lị.
-Căn bệnh tồi tệ, phải không, trung úy?-Giọng nói giễu cợt của Nết-trai-ép vang lên ở bên cạnh,-Làm sao mà đồng chí lại đến nỗng nỗi ấy? Do non nớt à?
Bẻ cổ áo lên, thọc tay vào túi, đờ đẫn bước đằng sau khẩu pháo và khi nghe được câu chuyện, anh ta hơi phấn chấn lên, liếc nhìn Đa-vla-chi-an; đôi môi xám ngắt, bụm lại vì lạnh cố nén nụ cười tủm tỉm.
-Không nên ngượng trung úy ạ. Chả lẽ bệnh nó chộp lấy đồng chí à? Thường thường…
-A, anh là tay chúa tán gái!-Đa-vla-chi-an la lên và chiếc mũi nhọn của anh bất bình hướng về phía Nết-trai-ép.-Anh nói chuyện ngu ngốc vớ vẩn gì đấy, tôi nghe không nổi! Tôi bị bệnh kiết lỵ… nhiễm trùng!
-Thì cũng thế cả thôi,-Nết-trai-ép không tranh cãi, hai bao tay đập đập vào nhau…-Có gì mà nổi giận đùng đùng thế đồng chí trung úy?
-Anh hãy chấm dứt những trò ngu ngốc ấy đi! Ngay tức thì!… Đa-vla-chi-an nổi sung ra lệnh bằng giọng kim và máy mắt lia lịa như con cú ngày.-Bao giờ anh cũng thích nói chuyện bí hiểm!
Ria mép phủ đầy sương giá của Nết-trai-ép rung lên vẻ giễu cợt, làm lộ rõ hàm răng trẻ trung, đều đặn sáng lóa.
-Trung úy ạ, tôi đã nói là tất cả chúng ta đều đi dưới bóng Chúa…
-Đó là anh chứ không phải tôi… anh đi dưới bóng Chúa chứ không phải tôi!…-Đa-vla-chi-an thốt lên bằng giọng bất bình hoàn toàn vô lý.-Nghe anh thật là nhàm tai… có lẽ cả đời anh chỉ có làm chuyện đó, làm như anh là ông vua Thổ Nhĩ Kỳ nào đó lắm vợ, nhiều hầu non! Vì cái trò bỉ ổi của anh chắc là tất cả phụ nữ sẽ khóc!
-Họ khóc vì chuyện khác, trung úy ạ, khóc vào những dịp khác nhau.-Nụ cười lại thấp thoáng dưới hàng ria của Nết-trai-ép.-Nếu cô gái không kéo được anh chàng nào đến phòng đăng ký kết hôn thì cô ta òa lên khác và nổi cơn khùng. Đàn bà là như thế này-một tay họ ôm anh vào lòng, vừa ôm vừa: anh thân yêu, anh yêu quí, tay kia đẩy anh ra: cút, tôi căm thù, đồ rắn độc, để cho tôi yên, sao anh không biết xấu hổ hả… Và cái bẫy và thói quỷ quyệt nham hiểm. Xem ra trung úy còn yếu về thực hành, trung úy hãy học hỏi chừng nào hạ sĩ Nết-trai-ép còn sống. Tôi sé truyền đạt kinh nghiệm.
-Anh có quyền gì… mà nói như vậy về phụ nữ?-Đa-vla-chi-an bất bình thật sự và lúc này trông anh giống con chim sẻ xù lông.-Anh hiểu thực hành là thế nào hở? Những ý nghĩ ấy của anh chỉ nên đem ra chợ thôi!…
Trung úy Đa-vla-chi-an thậm chí đã bắt đầu nói nhịu vì bất bình, má anh đỏ ửng lên. Anh còn chưa học được cách không đỏ mặt khi nghe tiếng văng tục của con nhà lính hoặc nghe nói chuyện tục tĩu trắng trợn về phụ nữ và đấy cũng là một cái gì xa xôi, gắn với nhà trường còn lại trong anh, cái hầu như đã không còn trong Cu-dơ-nét-xốp: anh đã quen với nhiều thứ sau khi được thử lửa ở Rô-xláp vào dạo hè.
-Đồng chí về khẩu đội đi, Nết-trai-ép.-Cu-dơ-nét-xốp xen vào.-Đồng chí không thấy là mình đã xen vào câu chuyện của người khác à?
-Ro-õ, đồng chí trung úy,-Nết-trai-ép kéo dài giọng và sau khi làm một động tác qua quít giống như chào, đi về phía khẩu pháo.
-Gô-ga, cậu là trung úy,dẫu sao rồi cậu cũng phải quen đi.-Cu-dơ-nét-xốp nói, cố nén để không bật cười khi trông thấy Đa-vla-chi-an hùng hổ hếch cái mũi đỏ ửng lên vì lạnh.
-Nhưng tôi không muốn quen! Như thế để làm gì? Hắn ta ám chỉ cái gì? Thế ra chúng ta là lũ súc vật à?
-Chú ý giãn cách! Lại gần các khẩu pháo! Chuẩn bị giữ!…
Đrô-dơ-đốp-xki cưỡi ngựa đi ngược từ đầu hàng quân xuống. Anh ngồi thẳng trên yên ngựa, bộ mặt lầm lầm như đúc liền với chiếc mũ lông đội nghiêm chỉnh, hơi hất ra phía sau, anh chuyển từ nước kiệu sang bước đi thường, dừng con ngựa nòi Mông Cổ chân dài, lông lá xồm xoàm, mõm ươn ướt vì hơi thở cạnh hành quân, trong suốt mấy phút anh đưa đôi mắt soi mói nhìn các trung đội kéo dài ra như một sợi dây xích, dửng dưng đi trong trạng thái nửa ngủ nửa thức và những người lính đi lộn xộn. Ở tất cả mọi người, những chiếc mũ lót đầy sương giá kéo siết vào cổ, các cổ áo đều bẻ cao, những con người đờ đẫn vì mệt mỏi này phục tùng. Và sự thiếu chỉnh tề đó của tiểu đoàn, thái độ dửng dưng, thờ ơ với tất cả đó của mọi người đã khiến cho Đrô-dơ-đốp-xki bực bội; anh đặc biệt bực mình vì những chiếc ba lô của các chiến sĩ để ở phía trước xe tải và một khẩu súng trường của ai đó nhô lên như cái gậy từ giữa đám ba lô buộc lẫn với cặp lồng.
-Chú ý giãn cách!-Đrô-dơ-đốp-xki mềm mại nhổm người trên yên ngựa.-Giữ khoảng cách bình thường! Ba lô của ai để trước xe tải đây? Súng trường của ai đây? Bỏ ra đi!…
Nhưng không ai tiến đến phía trước xe tải cả, không ai chạy, chỉ có những người đang đi gàn anh rảo bước lên, đúng hơn là họ làm ra vẻ hiểu mệnh lệnh. Đrô-dơ-đốp-xki vẫn nhổm cao trên bàn đạp, để cho bộ đội đi ngang qua chỗ mình, sau đó anh kiên quyết quất cái roi vào thân ủng:
-Các chỉ huy trung đội hỏa lực, lại chỗ tôi!
Cu-dơ-nét-xốp và Đa-vla-chi-an cùng tiến lại gần. Hơi nghiêng mình trên yên ngựa, Đrô-dơ-đốp-xki đưa cặp mắt trong suốt, đỏ lựng lên vì gió nhìn hai người như muốn thiêu đốt họ, nói sẵng giọng:
-Không phải vì chưa được nghỉ mà ta có quyền để bộ đội tãi ra như thế! Thậm chí thấy cả súng trường ở phía trước các xe tải! Thế nào, có lẽ mọi người không phục tùng các đồng chí nữa à?
-Đồng chí tiểu đoàn trưởng, tất cả đã mẹt mỏi đến cực độ rồi,-Cu-dơ-nét-xốp nói không to lắm.-Rõ ràng như thế.
-Ngay đến ngựa cũng phải thở phì phì kia kìa!… dva ủng hộ và xoa cái mõm ngựa của tiểu đoàn trưởng bị những búp tuyết nhọn như kim ẩm ướt bám vào, hơi thở của nó phả vào tay áo anh.
Đrô-dơ-đốp-xki giật dây cương, con ngựa cất đầu lên.
-Các chỉ huy trung đội của tôi là những người dễ mủi lòng:-Anh thốt lên cay độc.-“Mọi người đã mệt mỏi”, “ngựa khó mà thở được”. Chúng ta đi đến nhà bạn uống nước chè hay đang đi ra mặt trận đấy? Các anh muốn là những người tốt bụng hả? Người của các vị tốt bụng bao giờ cũng chết như ruồi ở ngoài mặt trận! Chúng ta sẽ chiến đấu như thế nào với những lời lẽ kiểu như: “xin tha lỗi cho”? Vậy thì… sau năm phút nữa nếu như những khẩu súng trường và những chiếc ba lô hãy còn nằm ở phía trước xe tải thì các đồng chí, những người chỉ huy trung đội, các đồng chí sẽ tự mang lấy trên vai của mình! Rõ cả chưa?
-Rõ.
Cảm thấy cái lẽ phải tai ác của Đrô-dơ-đốp-xki, Cu-dơ-nét-xốp đưa tay lên thái dương chào, quay người lại và bước về phía trước xe tải. Đa-vla-chi-an chạy tới chỗ các khẩu pháo của trung đội mình.
-Ba lô của ai đây?-Cu-dơ-nét-xốp hô to, nhấc cái ba lô khỏi thành xe phía trước làm cái cặp lồng kêu loảng xoảng.-Súng trường của ai đây?
Mọi người quay người lại, máy móc xốc lại ba lô trên vai, có người cau có nói:
-Ai để ba lô lại thế? Tri-bi-xốp phải không?
-Tri-bi-xô-ốp.-Nết-trai-ép gào lên đúng giọng hạ sĩ, cổ họng căng ra.-Tới gặp trung úy.
Tri-bi-xốp nhỏ bé, vận chiếc áo choàng không hợp khổ người, vừa rộng, vừa ngắn cũn cỡn, trông giống như cái váy to sù sụ, khập khiễng, lách mình khỏi đám binh lính, đi từ xe tải chở đạn tới chỗ xe chở vũ khí, từ xa bác đã mỉm cười với mọi người ra ý chờ đợi.
-Ba lô của đồng chí đâu? Súng trường nữa-Cu-dơ-nét-xốp hỏi-Anh bỗng cảm thấy lúng túng khi thấy Tri-bi-xốp lăng xăng gần chiếc xe kéo pháo, ánh mắt và cử động của bác tỏ vẻ nhận lỗi.
-Của tôi, đồng chí trung úy, của tôi đấy…-Hơi nước đọng lại trên chiếc mũ lót bằng len đầy sương giá, giọng bác khàn khàn.-Tôi có lỗi, đồng chí trung úy… Tôi bị trầy da chân đến bật máu. Tôi nghĩ mình đeo ít đi thì chân sẽ đỡ đau hơn.
-Đồng chí mệt à?-Cu-dơ-nét-xốp bất ngờ hỏi khẽ và đưa mắt nhìn Đrô-dơ-đốp-xki. Đrô-dơ-đốp-xki vươn thẳng người trên yên ngựa, đi dọc hàng quân và liếc nhìn họ. Cu-dơ-nét-xốp khẽ ra lệnh:-Đừng tụt lại, Tri-bi-xốp. Đồng chí hãy đi sau xe kéo pháo.
-Rõ, xin tuân lệnh…
Tri-bi-xốp khập khiễng, yếu ớt, lảo đảo đi bước một bằng chân đau sau khẩu pháo.
-Còn của ai đây nữa?-Cu-dơ-nét-xốp hỏi, nhấc chiếc ba lô thứ hai lên.
Vừa lúc ấy có tiếng cười vang lên ở phía sau. Cu-dơ-nét-xốp tưởng người ta cười anh vì anh đi làm cái công việc của hạ sĩ hoặc cười Tri-bi-xốp và anh ngoái nhìn lại.
Cùng với Dôi-a, U-kha-nốp đi ở bên trái khẩu pháo, trên lề đường, với dáng đi vòng kiềng, nặng nề như con gấu; anh cười cợt, nói với cô điều gì đó, còn cô, siết chặt mình trong chiếc dây lưng, lơ đãng nghe, khuôn mặt mệt mỏi, đẫm mồ hôi, gật gật với anh. Không thấy cô đeo túi cứu thương ở bên sườn, chắc cô đã đặt nó trên chiếc xe tải nào đó. Hình như họ đã cùng đi với nhau từ lâu ở đằng sau trung đội và bây giờ cả hai đuổi kịp các khẩu pháo. Các chiến sĩ mệt rã rời liếc nhìn họ một cách thiếu thiện ý dường như tìm kiếm cái ý nghĩa bí ẩn, trên người trong niềm vui giả tạo của U-kha-nốp.
-Làm gì mà ngông ngênh như con ngựa thiến thế hả? Bác coi ngựa Ru-bin đứng tuổi nhận xét, tấm thân vuông vức bè bè của bác lắc lư trên yên ngựa, thỉnh thoảng bác lại đưa tay áo xoa xoa cái cằm lạnh cóng.-Đúng là cu cậu muốn khoe khoang trạng thái thần kinh oai hùng của mình trước mặt cô gái: tôi linh hoạt không này! Này ông hàng xóm, bác hướng về Tri-bi-xốp,-ông hãy nhìn xem đám thanh niên trong trung đội mình đang ve vãn các cô gái, học đòi kiểu ái tình ngoài thành phố. Đúng là chúng nó chả nghĩ gì đến chiến đấu cả!
-Gì thế hả?-Tri-bi-xốp đáp, bác cố đi cho kịp chiếc xe kéo pháo và sau khi hắt hơi, lau ngón tay vào tà áo choàng.-Xin bác thứ lỗi cho, tôi không nghe rõ…
-Ngễnh ngãng hay là giả vờ đấy hả đồ tù binh? Tôi nói về những con chó cún!-Ru-bin gào to.-Tôi với ông giá người ta có đẩy một mụ đàn bà vào tận tay chắc chúng mình cũng từ chối… Còn bọn chúng nó thì…
-Gì cơ? À, vâng, vâng,-Tri-bi-xốp ấp úng nói.-Bác nói đúng đấy…
-“Đúng” cái gì? Đàu óc chúng nó đầy những trò vớ vẩn kiểu thành thị-Thế đấy! Tất cả đều lượn lờ xung quanh cái váy mà cười hô hố. Thật là nhẹ dạ!
-Đồng chí đừng nói nhảm nữa. Ru-bin!-Cu-dơ-nét-xốp bực mình nói, anh dừng lại tách khói xe kéo pháo và nhìn về phía chiếc áo choàng ngắn màu trắng của Dôi-a.
Vừa lắc lư bước đi, U-kha-nốp vừa tiếp tục kể chuyện gì đó nhưng lúc này Dôi-a không nghe anh ta nói, không gật đầu với anh ta. Cô ngẩng đầu lên nhìn Đrô-dơ-đốp-xki như có ý chờ đợi, cũng như mọi người, anh ngoái nhìn về phía họ và ngay lúc ấy, như tuân theo mệnh lệnh, cô đi lại phía anh, lãng quên ngay U-kha-nốp. Với vẻ mặt nhẫn nhục, xa lạ, cô bước lại gần Đrô-dơ-đốp-xki và gọi anh bằng một giọng đứt quãng:
-Đồng chí trung úy…-Và khi bước sát bên con ngựa, cô nói thêm khẽ khẽ điều gì đó không ai nghe rõ.
Để trả lời, Đrô-dơ-đốp-xki đúng là vừa bực mình vì chuyện gì đó, không ra chau mày, không ra mỉm cười, anh lén dùng mu màn tay đi găng xoa má cô và nói:
-Dù sao tôi cũng khuyên cô, cô cứu thương ạ, nên ngồi trên xe tải của đại đội quân y. Lúc này cô chả có việc gì để làm ở tiểu đoàn cả.
Và anh thúc ngựa đi nước kiệu, mất hút về phía đằng trước, đầu hàng quân, nơi vang lên mệnh lệnh: “Xuống dốc. Giữ chặt lấy!”. Còn anh em chiến sĩ xúm xít xung quanh những chiếc xe ngựa, xe kéo pháo, bám lấy các khẩu pháo để hãm tốc độ khi xuống dốc.
-Vậy là tôi phải quay về đại đội quân y chứ gì?-Dôi-a buồn bã nói.-Được thôi. Tôi sẽ đi. Tạm biệt các cậu. Đừng buồn nhé.
-Về đại đội quân y làm gì?-U-kha-nốp nói, anh không hề giận dỗi vì cô đã không chú ý đến anh trong chốc lát.-Cô cứ ngồi lên xe kéo pháo. Ông ấy xua cô đi đâu nào? Trung úy, có tìm được chỗ cho cô cứu thương không?
Áo bông của U-kha-nốp phanh ra trên ngực đến tận thắt lưng, mũ lót đã được cất đi, mũ lông không buộc, những cái tai mũ thõng thẹo đè lên gáy, để lộ vầng trán đỏ bừng vì gió, cặp mắt sáng nheo lại, dường như không biết thẹn.
-Có thể có ngoại lệ đối với cô cứu thương,-Cu-dơ-nét-xốp trả lời.-Nếu cô mệt, Dôi-a, cô hãy ngồi lên xe kéo pháo thứ hai.
-Cám ơn các anh-Dôi-a chợt sôi nổi lên ngay.-Tôi chả mệt tí nào. Ai bảo với anh là tôi mệt? Thậm chí tôi còn muốn bỏ cả mũ lông ra đây này: nóng ghê quá! Và muốn uống một tí… Tôi đã nếm thử tuyết, nhưng tuyết có mùi sắt thế nào ấy!
-Cô có muốn làm một ngụm cho khoan khoái không?
U-kha-nốp tháo chiếc bi đông ở thắt lưng, đưa lên tai lắc lắc một cách có dụng ý, nước lọc xọc trong bi đông.
-Có lẽ nào?… Cái gì ở đây thế hả, anh U-kha-nốp?-Dôi-a hỏi, cặp lông mày dài, sắc của cô bị sướng giá bám đầy dướn lên.-Nước đấy ư? Anh vẫn còn cơ à?
-Cô nếm một tí.-U-kha-nốp mở nắp bi đông bằng kim loại.-Nếu như không tỉnh người ra cô cứ giết ngay tôi đi. Bằng khẩu súng trường này này. Cô biết bắn chứ?
-Tôi cũng biết bóp cò qua quít. Anh đừng lo!
Vẻ sôi nổi thiếu tự nhiên của cô sau cuộc trò chuyện chớp nhoáng với Đrô-dơ-đốp-xki, cảm tình lạ lùng và sự tin cậy của cô đối với U-kha-nốp khiến Cu-dơ-nét-xốp cảm thấy khó chịu thế nào ấy và anh nói một cách nghiêm khắc:
-Đồng chí cất cái bi đông đi. Đồng chí đưa cái gì ra thế? Nước hay rượu?
-Chả phải đâu! Thế nếu như tôi muốn thì sao?-Dôi-a lắc lắc mái đầu với vẻ kiên quyết thách thức.-Tại sao trung úy lại giám sát tôi! Sao thế ông anh, ghen à?-Cô vuốt vuốt tay áo choàng của anh.-Hoàn toàn không nên thế, anh Cu-dơ-nét-xốp ạ, tôi yêu cầu anh thật đấy. Tôi đối xử với cả hai anh như nhau.
-Tôi không thể ghen với chồng cô được,-Cu-dơ-nét-xốp nói hơi có vẻ châm biếm, và câu nói đó đối với anh vang lên như những lời tầm thường gượng gạo.
-Với chồng nào?-Cô mở to mắt.-Ai bảo anh là tôi đã có chồng? Chồng nào?
-Chính cô nói chứ ai. Chả lẽ cô không nhớ à? Nhưng mà thôi, Dôi-a, cô tha lỗi cho, đó không phải là việc của tôi mặc dầu rằng chắc tôi sẽ vui sướng nếu như cô có chồng.
-À phải rồi, lúc đó tôi đã nói với Nết-trai-ép… Chuyện vớ vẩn thật!-Cô cười vang.-Tôi muốn được là một cánh chim tự do. Nếu lấy chồng tức là sẽ có con, điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được trong chiến tranh, đó là tội lỗi. Anh hiểu chứ? Tôi muốn các anh biết điều đó, anh Cu-dơ-nét-xốp ạ, cả anh nữa, U-kha-nốp ạ… Chẳng qua là tôi tin các anh, tin cả hai anh! Nhưng nếu anh muốn, anh Cu-dơ-nét-xốp ạ, thì cầu mong tôi sẽ có một người chồng nào đó nghiêm nghị và mạnh mẽ! Được chứ?
-Chúng tôi ghi nhớ.-U-kha-nốp đáp.-Nhưng điều đó chả có nghĩa lý gì.
Thế thì cám ơn các bạn. Dẫu sao các bạn cũng là những người tốt. Có thể cùng chiến đấu với các bạn được.
Và cô nhắm mắt, cảm thấy như mình sắp bước vào cuộc chiến đấu, cô cố gắng tu một ngụm trong bi đông, bị ho, cô cười ha hả, huơ huơ chiếc găng tay trước đôi môi hé mở phà hơi rượu. Cu-dơ-nét-xốp nhận thấy cô có vẻ kinh tởm khi đưa trả chiếc bi đông, nhìn U-kha-nốp qua cặp lông mi ươn ướt-U-kha-nốp bình tĩnh vặn nắp bi đông-nhưng cô nói không phải không pha chút ngạc nhiên vui vẻ:
-Tệ thật… Nhưng dẫu sao cũng hay! Tôi cảm thấy ruột gan như cháy bỏng ngay!
-Cô làm đuợc ngụm nữa không?-U-kha-nốp hỏi một cách đôn hậu.-Thế ra cô mới uống lần đầu à? Đây chính là…
Dôi-a lắc đầu.
-Không, tôi đã có dịp thử rồi…
-Đồng chí hãy cất cái bi đông đi cho khuất mắt tôi!-Cu-dơ-nét-xốp sẵng giọng.-Và hãy đưa Dôi-a về đại đội quân y. Ở đó cô ấy sẽ thấy dễ chịu hơn.
-Hừ, tại sao anh lại muốn chỉ huy tôi hả, trung úy?-Dôi-a hỏi đùa.-Theo ý tôi anh học đòi Đrô-dơ-đốp-xki nhưng không đạt lắm. Phải tay anh ấy, chắc anh ấy sẽ ra lệnh bằng giọng đanh thép: “Về đại đội quân y!” và U-kha-nốp chắc sẽ đáp: “Rõ”.
-Chắc tôi sẽ còn suy nghĩ chứ,-U-kha-nốp nói.
-Chắc anh sẽ chả suy nghĩ gì cả mà chỉ nói: “Rõ”-Có vậy thôi!
-Hãm lại!… Xuống dốc.-Phía trước vang lên khẩu lệnh như có ý đe dọa.-Phanh lại! Tất cả giữ lấy pháo!…
Cu-dơ-nét-xốp nhắc lại khẩu lệnh và đi về phía trước, phía đầu trung đội, ở đó anh em chiến sĩ xúm đông xung quanh khẩu pháo và bánh xe, tì vai vào lá chắn và xe kéo pháo, còn những người coi ngựa thì văng tục, hò hét, kéo căng dây cương, ghìm những con ngựa bóng nhẫy mồ hôi, khuỵu hai chân sau khi xuống cái dốc dựng đứng dân xuống lòng khe sâu.
o0o
Khẩu đội phía trước đã băng qua được cái dốc đóng băng bị xe lăn, người giẫm, lấp lánh như gương, nó đã an toàn đi qua lòng khe và bây giờ các chiến sĩ đông như kiến bám lấy các khẩu pháo và xe kéo pháo, đẩy chúng từ phía sau để đưa pháo lên dốc bên kia, phía bên trên dốc, hàng quân bất tận ngoằn ngoèo tuôn dài, dài mãi trên thảo nguyên. Còn ở tít phía bên dưới, chuẩn úy Gô-lô-va-nốp trung đội trưởng trung đội chỉ huy, đứng ở giữa đường, vẻ chờ đợi, kêu lên bằng giọng căng thẳng và ra hiệu:
-Nào… nào, về phía tôi!…
-Cẩn thận đấy! Khéo kẻo gãy chân ngựa! Tất cả hãm xe lại!-Đrô-dơ-đốp-xki ra lệnh khi anh phi ngựa tới đầu dốc.-Các đồng chí trung đội trưởng! Nếu ta để ngựa chết thì chính chúng ta sẽ phải kéo pháo! Hãm xe lại! Thong thả hơn! Thong thả hơn!…
“Đúng thế, nếu ta làm ngựa gãy chân, ta sẽ phải kéo pháo!”-Cu-dơ-nét-xốp nghĩ trong cơn phấn khích, đột nhiên anh ý thức được rằng bản than anh cũng như tất cả mọi người đều hoàn toàn phục tùng một ý chí nào đó, không ai có quyền chống lại nó và tất cả mọi người hòa hợp lại trong một cái gì đó vô cùng lớn lao không gì ngăn cản nổi, trong dòng thác của cái đó dường như không còn con người riêng biệt cùng với sự bất lực và mệt mỏi của nó. Và say sưa với sự hòa mình đó của mình với mọi người, anh nhắc lại mệnh lệnh:
-Giữ chặt, giữ chặt!… Tất cả mọi người giữ lấy pháo!-Và anh lao tới bánh xe của tất của chiếc xe kéo khẩu pháo thứ nhất, giữa một tốp chiến sĩ, còn anh em phụ trách khẩu pháo vẻ mặt dữ tợn, khản cả tiếng đều xúm vào giữ cái bánh xe của khẩu pháo đang lăn xuống cái dốc dựng đứng.
-Dừng lại, con nỡm!-Những người coi ngựa quát ngựa loạn xạ. Dường như họ mới hoàn hồn, họ la hét, miệng há to khủng khiếp giữa dây tua viền lạnh giá của những chiếc mũ lót.
Bị hãm chặt, bánh xe của cỗ xe kéo cũng như của khẩu pháo không quay được nhưng xích xe không bám được vào mặt đường đã bị giẫm phẳng lì và ủng của các chiến sĩ trượt trên dốc, không tìm được điểm tựa. Còn cái xe chở đầy đạn và khẩu pháo ngày càng đè nặng hơn, ngày càng lao nhanh từ trên cao xuống không kìm lại được. Trục gỗ của cỗ xe đập vào cẳng chân sau chùng lại của những con ngựa võng người xuống, hếch mõm lên trời; những người coi ngựa lại quát tháo ngoái nhìn anh em bằng cặp mắt vừa căm giận vừa khẩn khoản,-và cả một khối người thở ì ạch, bám lủng lẳng vào bánh xe lao xuống dốc mỗi lúc một nhanh hơn.
-Hãm lại!-Cu-dơ-nét-xốp thốt lên, cảm thấy sức nặng của khẩu pháo đè lên vai, anh nhìn thấy cạnh mình khuôn mặt của U-kha-nốp bị dồn máu đỏ gay, anh ta đưa tấm lưng rộng ra đỡ chiếc xe kéo pháo; còn phía bên tay phải là cặp mắt đen của Nết-trai-ép lồi ra vì căng thẳng, cùng hàng ria trắng của anh ta. Và trong đầu óc nóng bỏng của anh bất chợt thoáng hiện ý nghĩ rằng anh đã quen biết họ từ lâu, có lẽ từ những tháng rút lui khủng khiếp ở Xmô-len-xcơ lúc anh còn chưa phải là trung úy, nhưng khi đó người ta cũng kéo pháo như thế này khi rút lui. Tuy nhiên lúc ấy anh không biết họ và anh ngạc nhiên về ý nghĩ này.-Chân, cẩn thận đôi chân…-Cu-dơ-nét-xốp kêu lên khe khẽ.
Khẩu pháo cùng với cỗ xe lăn trên sườn dốc xuống lòng khe, xích sắt rít lên trên tuyết, những con ngựa nhễ nhại mồ hôi trượt dốc, vó ngựa chà nát những mảnh băng nhọn hoắt, tiếng băng vỡ lạo xạo chói tai; những người coi ngựa ngả người ra đằng sau, khó khăn mới giữ được mình trên yên ngựa, kéo căng dây cương nhưng con ngựa bên phải bất chợt khuỵu xuống và khi cố sức đứng dậy nó khó nhọc cất đầu lên, lao xuống dốc, kéo theo những con ngựa đi giữa.
Người coi con ngựa bên trái vẫn ngồi trên yên, bị chao nghiêng về một bên, vẻ mặt khiếp đảm như điên, không đủ sức quát bảo con ngựa bên phải, con này loạng choạng trên mặt đường, lăn kềnh ra, kéo căng và rứt dây thắng ngựa. Cu-dơ-nét-xốp tuyệt vọng cảm thấy khi lăn xuống dốc, khẩu pháo đã đuổi kịp con ngựa bị ngã, anh trông thấy chuẩn úy Gô-lô-va-nốp từ phía dưới lao về phía con ngựa, lúc này Gô-lô-va-nốp nhảy tránh sang một bên rồi lại xông vào nó với ý định túm lấy dây cương.
-Hãm lại!…-Cu-dơ-nét-xốp thét lên.
Cảm thấy vai mìn nhẹ bỗng đi một cách kỳ lạ, anh hiểu ngay ra rằng cỗ xe cùng với khẩu pháo đã xuống tới chân dốc và được hãm lại trong lòng khe. Anh em chiến sĩ mệt mỏi văng tục, ưỡn thẳng lưng; họ rời khỏi khẩu pháo, xoa vai và nhìn cỗ xe ở phía trước.
-Con ngựa có làm sao không?-Cu-dơ-nét-xốp chật vật thốt lên, lảo đảo trên đôi chân cứng đờ như gỗ vì căng thẳng quá mức và chạy lại chỗ mấy con ngựa.
Gô-lô-va-nốp cùng với các chiến sĩ trinh sát, người coi ngựa Xec-gu-nen-cốp gầy gò, tái nhợt, với vẻ mặt sợ hãi của anh chàng mới lớn, với cánh tay dài nghêu, đưa mắt nhìn bất lực rồi bỗng nắm lấy dây cương, còn con ngựa non dường như hiểu anh muốn làm gì, nó rụt đầu, vùng vẫy, nghiêng nghiêng cặp mắt sáng ẩm ướt vằn đỏ vì kích động nhìn với vẻ khẩn cầu. Xec-gu-nen-cốp rụt tay lại rồi lại tuyệt vọng lặng lẽ nhìn, sau đó anh ngồi xổm trước con ngựa. Con ngựa ngọ ngoạy đôi sườn đẫm mồ hôi, vó sau cào trên mặt băng, nó ráng sức cố trỗi dậy một lần nữa nhưng không vươn dậy được và khi thấy đôi cẳng trước của nó co lại một cách không tự nhiên, Cu-dơ-nét-xốp hiểu rằng nó sẽ không thể đứng dậy được.
-Nện cho nó một phát, Xec-gu-nen-cốp! Sao lại đứng đực ra thế. Cậu không biết tính khí kỳ quái của con súc sinh hay vờ vịt này đấy!-Ru-bin, người lính trông coi những con ngựa chạy ở phía sau, khuôn mặt sạm nắng gió, thô lỗ, cáu kỉnh, xỉ vả và quất roi ngựa vào thân ủng của mình.
-Có cậu là đồ súc sinh ấy,-Xec-gu-nen-cốp thét lên bằng giọng kim the thé.-Cậu không trông thấy gì đây à?
-Có cái gì mà trông? Tôi biết con ngựa này: nó chúa là hay đá hậu! Chỉ dùng để giỡn chơi là tốt thôi. Cho nó một roi là nó tỉnh người ra ngay đấy!
-Câm mồm đi, Ru-bin, chán tai lắm!-U-kha-nốp hích vai vào anh ta vẻ đe dọa.-Ăn nói phải suy nghĩ chứ.
-Con ngựa này chắc cũng chả đi được tới mặt trận đâu,-Tri-bi-xốp thở dài thương hại,-Rõ khổ…
-Phải rồi, hình như nó bị đau hai chân trước,-Cu-dơ-nét-xốp nói, đi vòng quanh con ngựa.-Các anh đã làm cái trò gì thế hở các anh coi ngựa? Thế mà cũng đòi cầm dây cương!
-Biết làm sao được hả trung úy?-U-kha-nốp thốt lên.-Thế là hết đời con ngựa cái. Chỉ còn lại ba con kéo pháo. Ngựa dự trữ lại không có.
-Thế nghĩa là chúng ta phải cõng pháo ở trên lưng à?-Nết-trai-ép hỏi, nhấm nhấm ria mép.-Tôi đã mơ ước được làm thế từ lâu, từ dạo bé cơ đấy.
-Kìa, tiểu đoàn trưởng đến…-Tri-bi-xốp sợ sệt nói.-Đồng chí ấy sẽ phân xử.
-Có chuyện gì thế, trung đội một? Tại sao lại trùng trình thế?
Đrô-dơ-đốp-xki cưỡi con ngựa Mông Cổ đi xuống khe, lại gần tốp bộ đội giãn ra trước mặt anh, đưa mắt lướt nhìn con ngựa đang nặng nề trở mình, Xec-gu-nen-cốp vẫn lom khom ngồi xổm trước mặt nó. Khuôn mặt thanh tú của Đrô-dơ-đốp-xki dường như đanh lại một cách bình thản, sự phẫn nộ cố nén chỉ lóe lên trong tròng mắt của anh.
-Tôi… đã bảo trước… các đồng chí, trung đội một!-Anh dằn tứng tiếng và giơ roi ngựa chỉ vào lưng Xec-gu-nen-cốp đang lom khom.-Sao lại cuống quít tít mù lên thế hả? Mắt các anh để đi đâu? Đồng chí cầu kinh đấy à, đồng chí coi ngựa? Con ngựa làm sao?
-Thì đồng chí cũng thấy đấy, trung úy.-Cu-dơ-nét-xốp nói.
Như một người mù, Xec-gu-nen-cốp ngước mắt nhìn Đrô-dơ-đốp-xki, những giọt nước mắt từ dưới những hàng mi lạnh giá chảy trên cặp má trẻ thơ của anh. Anh lặng lẽ lấy lưỡi liếm những hạt nước sáng trong đó và tháo bao tay, trìu mến thận trọng vuốt ve mõm ngựa. Con ngựa không vật vã nữa, không có ý định đứng dậy mà phình bụng nằm im, vươn cổ một cách thảm hại, ra chiều hiểu biết, tì đầu trên lòng đường, thở phì phò vào ngón tay Xec-gu-nen-cốp, đôi môi mềm của nó chạm vào những ngón tay đó. Có một cái gì vô cùng sầu não, hấp hối trong ánh mắt ẩm ướt, nghiêng nghiêng của nó nhìn anh em chiến sĩ. Và mãi tới lúc này, Cu-dơ-nét-xốp mới nhận thấy trên lòng bàn tay Xec-gu-nen-cốp có nắm lúa mạch mà có lẽ anh đã giấu từ lâu ở trong túi. Nhưng con ngựa đói khát không ăn, chỉ rung rung lỗ mũi ẩm ướt, hít hít lòng bàn tay người coi ngựa, yếu ớt dùng môi tợp và làm rơi vãi những hạt lúa ướt trên mặt đường. Có lẽ nó đã đánh hơi được cái hương vị của lúa đã bị lãng quên từ lâu trên những thảo nguyên tuyết trắng này nhưng đồng thời nó cũng đã cảm thấy một cái gì khác không cưỡng lại được phản chiếu trong ánh mắt và tư thế của Xec-gu-nen-cốp.
-Chân nó, trung úy ạ,-Xec-gu-nen-cốp thốt lên giọng yếu ớt, anh vẫn dùng lưỡi liếm những giọt nước mắt bên khóe miệng.-Trông kìa… nó đau đớn y như người vậy… Mà nó lại phải kéo ở bên phải… Nó sợ hãi cái gì ấy… Tôi đã kìm nó lại đấy chứ… con ngựa hãy còn non. Thiếu kinh nghiệm…
-Phải giữ chặt lấy nó, đồ đần độn ạ! Chứ không phải là tơ tưởng tới các cô gái!-Anh chiến sĩ coi ngựa Ru-bin hằn học nói.-Bay giờ còn nỉ non cái gì?… Đồ thò lò mũi!… Ban nãy mọi người ào ào lao xuống dốc còn hắn vẫn chễm chệ trên mình con ngựa bé bỏng… trông mà tởm! Phải bắn cho nó một phát để khỏi đau đơn,-và thế là xong!
Toàn bộ cái dáng người vuông vức, chậm chạp, khoác sù sụ trên mình nào áo bông, áo choàng, quần bông, với chiếc thân ủng giả đeo trên chân phải, khẩu súng trường khoác sau lưng, cái vẻ kiên quyết hằn học của anh chiến sĩ coi ngựa Ru-bin bất chợt làm cho Cu-dơ-nét-xốp khó chịu. Tiếng “bắn cho một phát” vang lên như bản án tử hình đối với người vô tội.
-Có lẽ cũng phải thế thôi,-có người thốt lên.-Tiếc con ngựa thật.
Khi rút quân ở Rô-xláp, Cu-dơ-nét-xốp đã có lần trông thấy anh em chiến sĩ vì thương hại đã nã súng bắn chết những con ngựa bị thương không dùng làm sức kéo được nữa. Nhưng ngay hồi ấy anh cũng thấy việc làm này là trái tự nhiên và tàn bạo một cách không thể bào chữa được.
-Tôi không cho làm thế đâu!-Xec-gu-nen-cốp thét lên bằng giọng kim của mình và bật dậy, bước lại phía Ru-bin.-Anh đề nghị thế nào hở quân đồ tể? Anh đề nghị thế nào? Tôi không để các anh giết ngựa của tôi đâu! Nó có tội gì nào?
-Hãy chấm dứt cái trò lên cơn thần kinh ấy đi! Phải suy nghĩ từ trước chứ. Ngoài anh, không ai có lỗi cả. Anh hãy trấn tĩnh!-Đrô-dơ-đốp-xki buột nói và giơ roi ngựa chỉ vào cái ranh bên đường.-Hãy kéo con ngựa khỏi lòng đường để lấy lối đi. Tiếp tục xuống dốc! Về vị trí!
Cu-dơ-nét-xốp nói:
-Phải tháo khẩu pháo thứ hai khỏi xe kéo và khênh nó xuống dốc. Như thế chắc chắn hơn.
-Tùy các anh, khiêng trên vai cũng được!-Đrô-dơ-đốp-xki đáp, qua chỏm đầu Cu-dơ-nét-xốp, nhìn anh em chiến sĩ đang lúng túng kéo con ngựa sang lề đường và nhăn mặt.-Bắn chết nó ngay đi! Ru-bin…
Con ngựa dường như hiểu được ý nghĩa của mệnh lệnh phát ra. Tiếng hí nhát gừng, rền rĩ của nó xé toang bầu không khí giá lạnh. Như một tiếng kêu đau thương cầu xin sự che chở, tiếng rít rung lên đó xói vào tai Cu-dơ-nét-xốp. Anh hiểu rằng người người ta đang làm khổ con ngựa khi kéo nó lúc hãy còn sống bị gãy chân xuống rãnh và anh chuẩn bị nheo mắt lại khi trông thấy nỗ lực cuối cùng của nó muốn vươn dậy tựa hồ như để chứng minh rằng nó hãy còn sống và không cần phải giết nó. Anh chiến sĩ coi ngựa Ru-bin nhe hàm răng rắn chắc, mặt đỏ bừng giận dữ đứng trước con ngựa, vội vã lên đạn, nòng súng đu đưa không ngắm, chĩa vào đầu con ngựa ẩm ướt, đẫm mồ hôi cố nghóc lên với đôi môi run rẩy vì tiếng hí cầu khẩn cuối cùng.
Phát súng nổ đanh gọn. Ru-bin nguyền rủa, nhìn con ngựa và lắp viên đạn thứ hai vào hộp. Con ngựa không hí nữa mà lặng lẽ quay đầy từ phía này sang phía kia, giờ đây nó không tự vệ, lỗ mũi run run, chỉ thở phì phì.
-Đồ cẩu thả, bắn cũng không nên hồn!-U-kha-nốp đứng gần Xec-gu-nen-cốp đang sững sờ lặng người đi, anh tức điên lên quát và xông lại phía Ru-bin.-Anh mà làm việc ở lò sát sinh thì hay gớm đấy!
Anh giật khẩu súng trường từ tay Ru-bin vằ ngắm cẩn thận, bắn gần như thẳng vào đầu con ngựa đang vục mõm xuống tuyết. Mặt trắng bệch ra ngay, anh đẩy cái vỏ đạn rơi cắm xuống đỉnh đụn tuyết và ném súng trả Ru-bin.
-Này cầm lấy gậy, anh hàng thịt! Làm gì mà nhếch mép cười như một thằng ngốc thế? Ngứa mũi hả?
-Có anh là đồ hàng thịt thì có, tuy anh là dân thành phố, chữ nghĩa nhiều.-Ru-bin giận dỗi làu bàu, tuy vậy anh vẫn cúi tấm thân vuông vức, mập mạp, nhặt khẩu súng lên, lấy tay áo gạt tuyết khỏi súng.
-Liệu cái mồm đấy nhé, tớ là tay lắm chữ nghĩa, hãy nhớ lấy!-U-kha-nốp thốt lên và quay về phía Xec-gu-nen-cốp, vỗ vai anh một cách hơi thô bạo.-Thôi được. Chưa mất hết cả đâu. Ta sẽ kiếm ngựa chiến lợi phẩm ở Xta-lin-grát, chú mình ạ. Mình xin hứa như vậy.
-Bọn Đức gọi ngựa là pác-sê-rôn,-chuẩn úy Gô-lô-va-nốp nhận xét.-Chúng ta sẽ kiếm!
-Không phải pác-sê-rôn mà là péc-sê-rôn,-U-kha-nốp sửa lại.-Đã đến lúc phải biết! Thế nào, cậu chiến đấu mới năm đầu tiên hả?
-Ai mà phân biệt được những tiếng ấy.
-Vẫn phải phân biệt chứ!
-Cho khẩu thứ hai xuống dốc!-Đrô-dơ-đốp-xki ra lệnh rồi cưỡi ngựa rời khỏi khẩu pháo, nói thêm:-Đúng lắm, U-kha-nốp ạ.
-Ấy, đừng khen tôi, đồng chí trung úy-U-kha-nốp đáp với vẻ chế giễu trâng tráo. Ánh mắt hừng hực, như muốn gây sự vẫn chưa nguội tắt. Hãy còn sớm đấy… Đồng chí nhầm rồi. Tôi không phải là kẻ giết ngựa.
Cu-dơ-nét-xốp ra lệnh tháo xe kéo khỏi khẩu pháo thứ hai
Lệnh dừng chân được phát ra sau khi mặt trời lặn, lúc hàng quân tuôn vào một làng đã bị đốt cháy trụi. Tại đây mọi người hình như ngạc nhiên khi thấy những đám tro tàn đầu tiên ở ven đường, những khung lò sưởi đơn độc bị cháy thành than dưới chân những cây liễu nhô lên nhọn hoắt dọc bờ sông băng giá, trên sông hơi nước đỏ quạch độc hại từ các hố băng bốc lên mù mịt như sương. Trên mặt đất và trên chân trời phía Tây ánh lên ráng chiều tháng Chạp đỏ như máu, lạnh buốt như một cơn đau nhói đến nỗi tưởng chừng như khuôn mặt của chiến sĩ, những cỗ pháo bị băng phủ, bờm ngựa, những chiếc xe dừng bên lề đường, tất cả đều bị xiềng cứng lại dưới ánh sáng lạnh ngắt, chói chang như kim loại của nó tỏa trên các đụn tuyết.
-Anh em ơi, cánh ta đi đâu thế nhỉ? Bọn Đức ở đâu?
-Đây là một làng nào đó. Cậu nhìn xem, chả có ngôi nhà nào. Thế nghĩa là thế nào? Đến dự đám cưới ông A. hóa ra lại đến đám ma ông X.!
-Khéo chọn lúc để mà nỉ non chuyện đám ma, rồi cánh mình sẽ còn được tới Xta-lin-grát. Các cấp chỉ huy chắc biết rõ hơn…
-Cuộc chiến đấu ở đó diễn ra từ bao giờ nhỉ?…
-Có lẽ lâu rồi.
-Phải tìm chỗ nào sưởi cho ấm lên một tí chứ hả? Kẻo không cánh ta tê cóng hết trước khi đến mặt trận.
-Thế cậu hãy nói cho mình biết mặt trận ở đâu nào?
Lúc cách làng chừng ba ki-lô-mét, ở một ngã tư đường trên thảo nguyên, hàng quân phải dừng lại ít phút để nhường chỗ cho một đoàn dài gồm nhiều xe tăng T-34 mới tinh sơn trắng đi qua, tiến về phía mặt trời lặn. Một quả đạn của địch bắn dò dẫm nổ tung, lóe sáng như ngôi sao chổi giữa không trung, phía trên các xe tăng, rải một lớp bụi đen lên đám tuyết ven đường. Thoạt đầu không ai nằm xuống cả, vì không rõ quả đạn đó bay lạc đi đâu, họ chỉ nhìn những chiếc xe tăng ngáng đường hàng quân. Nhưng những chiếc T-34 vừa đi qua thì nghe rõ ở đâu đó phía đằng sau vang lên tiếng súng trầm trầm của các khẩu đội pháo ở xa, những quả đạn đại bác tầm xa rít lên rất lâu, xuyên qua không trung rồi nổ tung như bom ở bên phải và bên trái ngã tư đường. Ai cũng nghĩ rằng bọn Đức đã trông thấy ngã tư này và mọi người mệt mỏi nằm xuống ngay lề đường, chẳng ai còn hơi sức chạy xa khỏi đường. Cuộc nã pháo đó kết thúc nhanh chóng. Không ai việc gì, hàng quân lại tiếp tục tuôn đi. Mọi người cất bước, chật vật lê đôi chân qua những cái hố lớn nóng hổi do đạn pháo vừa đào lên, mùi thuốc nổ của Đức từa tựa mùi hành tỏa khắp không trung. Cái mùi vị có thể đem lại chết chóc đó không nhắc nhở mọi người nhớ tới nỗi hiểm nguy mà nhắc nhở tới Xta-lin-grát giờ đây không thể đi đến được, tới những tên Đức vô hình đang bắn từ những hỏa điểm xa xôi, bí mật của chúng.
Và Cu-dơ-nét-xốp lại khi thì rơi vào trạng thái mơ mơ màng màng, khi thì nghe thấy tiếng bước chân mình và sự chuyển động sít liền nhau của hàng quân, anh chỉ nghĩ tới một điều: “Khi nào thì được nghỉ? Khi nào nghỉ?”.
Nhưng sau nhiều giờ hành quân, lúc mọi người vào cái làng bị cháy, mệnh lệnh “nghỉ chân” bấy lâu chờ đợi rốt cuộc bật lên như một lời vẫy gọi, chẳng ai cảm thấy thể xác nhẹ nhõm. Những người coi ngựa chân tay tê cóng tụt xuống từ trên lưng những con ngựa bốc hơi ngùn ngụt, họ vấp chân, loạng choạng bước đi trên đôi chân cứng đờ như gỗ, nhích ra lề đường, rùng mình khi đi tiểu tiện. Còn các pháo thủ mệt bã người nằm lăn ra tuyết, đằng sau các xe tải và gần các khẩu pháo, lưng và sườn áp chặt vào nhau, họ buồn bã đưa mắt nhìn nơi trước đây là một xóm làng: bóng dáng lầm lì của những lò sưởi giờ trông như những mộ chí trên nghĩa địa, những đường viền xa xa đậm nét của hai kho lúa còn nguyên vẹn, hằn trên nền trời giá lạnh rực cháy ở phía Tây như hai dấu ấn đen.
Trên khắp khoảnh đất rực đỏ dưới ánh hoàng hôn đó ngổn ngang những ô tô, máy kéo, súng phóng hỏa tiễn “Ca-chiu-sa”, lựu pháo, xe tải. Tuy nhiên mỗi người đều cảm thấy việc nghỉ chân trên những ngõ ngách của một xóm làng chẳng còn tồn tại, không hơi ấm, không có bếp núc, không có cảm giác được ở gần mặt trận, việc nghỉ chân đó giống như một sự lừa dối, không hợp lý. Gió Tây đem lại những sợi tuyết lạnh giá như kim, tro tàn của các đám cháy bốc lên rầu rĩ.
Cố gượng để khỏi ngã, Cu-dơ-nét-xốp đi lại phía các chiến sĩ coi ngựa của khẩu pháo thứ nhất. Ru-bin mặt càng đỏ lựng hơn đang lầm lì cau có xem lại dây thắng của đôi ngựa sườn nhễ nhại mồ hôi đang bốc hơi ngùn ngụt. Anh chàng Xec-gu-nen-cốp lim dim cặp lông mày trắng xóa tỏ ra vẫn chưa nguôi vì chuyện đã qua, đứng gần con ngựa độc nhất còn lại của mình, chìa nắm lúa mạch trên lòng bàn tay về phía đôi môi của con ngựa mệt mỏi vẻ thèm khát tớp lấy tớp để, tay kia anh vuốt ve, vỗ vỗ cái cổ ấm cúi xuống của nó. Cu-dơ-nét-xốp thấy những người coi ngựa chả ai chú ý đến ai, anh định nói đôi lời hòa giải hai người nhưng anh không nói gì và đi về phía anh em pháo thủ với mong ước được nằm gần họ, tì lưng vào ai đó, lấy cổ áo che cho gió khỏi quất vào mặt, nằm, thở, làm cho ấm người lên.
… -Đứng dậy! Hết giờ nghỉ!-Tiếng hô kéo dài khắp hàng quân.-Chuẩn bị lên đường!
-Chưa kịp nhắy mắt đã hết nghỉ rồi à?-Những giọng nói bực bội trao đổi trong bóng tối.-Người ta lại giục đi.
-Phải có cái gì nhai chứ, thế mà cấm có thấy bóng dáng chuẩn úy với bếp đâu. Có lẽ ông ấy đang chiến đấu ở hậu phương!
“Thế là lại lên đường,-Cu-dơ-nét-xốp nghĩ, trong tiềm thức anh luôn luôn chờ đợi mệnh lệnh này, anh cảm thấy đôi chân mệt mỏi nặng trĩu đến run lên.-Thế mặt trận ở đâu nhỉ? Chuyển quân đi đâu?…”.
Anh không biết mà chỉ đoán được rằng Xta-lin-grát giờ đây đã nằm lại đâu đó phía sau lưng, dường như ở hậu phương, anh không biết rằng toàn bộ tập đoàn quân và do đó, một sư đoàn của nó trong đó có trung đoàn pháo và tiểu đoàn của anh, trung đội của anh, đang cấp tốc hành quân về hướng Tây Nam để chặn các sư đoàn xe tăng của bọn Đức đã bắt đầu tiến công nhằm giải vây xe tăng của bọn Đức đã bắt đầu tiến công nhằm giải vây ở vùng Xta-lin-grát. Anh cũng chưa biết rằng số phận của riêng anh và số phận của tất cả những người đi bên cạnh anh-những người sẽ hy sinh và những người còn được sống,-giờ đây đã thành số phận chung không phụ thuộc vào mong muốn của mỗi người…
-Chuẩn bị lên đường! Các trung đội trưởng tới gặp tiểu đoàn trưởng!
Trong bóng tối dày đặc các chiến sĩ miễn cưỡng, uể oải đứng dậy. Khắp nơi vang lên tiếng ho, tiếng ì ạch, đôi khi cả tiếng văng tục. Anh em pháo thủ tỏ ra không vừa ý, đứng dậy đi về phía các khẩu pháo, cầm lấy những khẩu súng trường và súng các-bin để trên càng pháo, nguyền rủa thậm tệ nhà bếp và chuẩn úy phụ trách. Còn anh em coi ngựa đang nhai, dùng cùi tay hích chúng: “Này lũ ăn bám, lúc nào cũng chỉ biết hốc thôi!”. Ở phía trước, các ống xả khí bắt đầu nổ vang, tiếng động cơ gầm lên. Các trung đội thong thả giãn dài trên đường làng chuẩn bị lên đường.
Trung úy Đrô-dơ-đốp-xki đứng giữa các chiến sĩ trinh sát và thông tin ở giữa đường, gần đống lửa đã tắt, bốc khói trắng ở dưới chân. Khi Cu-dơ-nét-xốp lại gần, Đrô-dơ-đốp-xki soi đèn pin lên tấm bản đồ bọc xen-luy-lô-ít do chuẩn úy Gô-lô-va-nốp cao lớn cầm, anh nói bằng cái giọng không chịu được sự phản đối:
-Đừng nêu những câu hỏi thừa. Điểm cuối cùng của chặng đường hành quân chưa rõ. Ta đi về hướng Tây Nam, trên con đường này này. Đồng chí cùng với trung đội của mình đi ở phía trước tiểu đoàn. Cũng như trước đây, tiểu đoàn ta đi tập hậu hoàn trung đoàn.
-Rõ,-Gô-lô-va-nốp gầm lên giọng trầm và cùng với các chiến sĩ trinh sát và thông tin đi theo con đường phía trước, ngang qua những xe tải lù lù trong bóng tối:
-Trung úy Cu-dơ-nét-xốp đấy à?-Đrô-dơ-đốp-xki nâng đèn pin lên. Chói mắt vì ánh đèn pin sáng lóa, Cu-dơ-nét-xốp nhích ra một tí và nói:
-Có thể không cần bấm đèn không? Không đèn tôi cũng nhìn rõ được. Có gì mới không, đồng chí tiểu đoàn trưởng?
-Trong trung đội mọi việc đều ổn chứ? Không ai tụt lại chứ? Có người ốm không? Sẵn sàng lên đường chưa? Trả lời ngắn gọn thôi.
Đrô-dơ-đốp-xki nêu những câu hỏi một cách máy móc, hình như anh nghĩ về chuyện khác và điều đó khiến cho Cu-dơ-nét-xốp bực mình:
-Anh em chưa kịp nghỉ ngơi. Tôi muốn hỏi: bếp đâu, tiểu đoàn trưởng? Tại sao chuẩn úy tụt lại thế? Mọi người đói cồn cào cả người! Tất cả sẵn sàng lên đường, có gì mà phải hỏi. Không có ai ốm, không ai tụt lại. Cũng chả có ai đào ngũ…
-Báo cáo gì kỳ thế, Cu-dơ-nét-xốp?-Đrô-dơ-đốp-xki buột miệng nói.-Các anh không hài lòng ư? Có lẽ ta sẽ khoanh tay ngồi đây chờ ăn à? Anh là cái gì… trung đội trưởng hay là một anh coi ngựa?
-Cứ như tôi được biết thì tôi là trung đội trưởng.
-Không rõ lắm! Anh để cho bọnukn nó xỏ mũi… Đó là cái cung cách gì thế? Về trung đội ngay!-Đrô-dơ-đốp-xki ra lệnh bằng giọng lạnh như băng,-và anh hãy chuẩn bị cho anh em không phải là nghĩ tới ăn mà nghĩ tới chiến đấu! Anh làm tôi ngạc nhiên đấy trung úy Cu-dơ-nét-xốp ạ! Khi thì người của anh tụt lại, khi thì ngựa gãy chân… Tôi không hiểu chúng ta sẽ cùng chiến đấu với nhau ra sao đây.
-Anh cũng làm tôi ngạc nhiên đấy, tiểu đoàn trưởng ạ! Có thể nói với nhau bằng giọng khác. Tôi sẽ hiểu rõ hơn,-Cu-dơ-nét-xốp khó chịu đáp và bước về phía bóng tối tràn ngập tiếng rú của động cơ, tiếng ngựa hí.
-Trung úy Cu-dơ-nét-xốp!-Đrô-dơ-đốp-xki gọi.-Quay lại!…
-Còn gì nữa?
Ánh đèn pin nhích gần lại ở phía sau lưng, soi rõ sương mù lạnh giá, như cù vào má anh.
-Trung úy Cu-dơ-nét-xốp!…-Luồng ánh sáng hẹp và sắc cứa vào mắt Cu-dơ-nét-xốp; Đrô-dơ-đốp-xki vòng lên phía trước, chặn đường, toàn thân căng thẳng như sợi dây đàn.-Đứng lại, tôi ra lệnh!
-Cất đèn đi, tiểu đoàn trưởng,-Cu-dơ-nét-xốp khẽ thốt lên, cảm thấy điều có thể xảy ra giữa họ lúc này, vào giây phút này, nhưng chính lúc nào mỗi lời nói của Đrô-dơ-đốp-xki, cái giọng tách bạch dằn từng tiếng đanh thép gây nên trong Cu-dơ-nét-xốp sự chống đối ngấm ngầm không cưỡng đuợc tựa hồ như tất cả những gì Đrô-dơ-đốp-xki làm, nói, ra lệnh cho anh đều là mưu toan trực tiếp và có tính toán nhắc nhở tới uy quyền của mình và xúc phạm anh.
“Đúng, anh ta muốn thế”,-Cu-dơ-nét-xốp nghĩ và ảnh cảm thấy ánh đèn pin chĩa sát vào người và trong quầng sáng chói chang màu da cam anh nghe thấy tiếng thì thào của Đrô-dơ-đốp-xki:
-Cu-dơ-nét-xốp… Cậu hãy nhớ rằng mình chỉ huy đại đội này. Mình!… Chỉ có mình thôi! Đây không phải là trường pháo binh! Kiểu bạn bè cánh hẩu đã chấm dứt! Nếu cậu khủng khỉnh thì sẽ không hay ho gì cho cậu đâu! Tôi sẽ không khách khí, không có ý định như thế! Rõ cả chưa? Chạy về trung đội!-Đrô-dơ-đốp-xki nghếch đèn pin vào ngực anh.-Về trung đội, chạy!…
Lóa mắt vì ánh sáng chiếu thẳng vào mặt, anh không trông thấy mắt Đrô-dơ-đốp-xki, chỉ có một cái gì đó cứng đơ và lạnh giá như một mũi nhọn cùn nhụt xói vào ngực anh. Và lúc ấy anh gạt phăng bàn tay cầm đèn pin của Đrô-dơ-đốp-xki, giữ nó lại một lát rồi nói:
-Dẫu sao anh hãy cất đèn pin đi… Còn như dọa nạt… thì nghe buồn cười lắm, đại đội trưởng ạ!
Và anh bước đi trên con đường nhập nhoạng, không phân biệt rõ trong bóng tối hình thù ô tô, xe kéo pháo, bóng dáng những người coi ngựa đứng cạnh những con ngựa: ánh đèn pin đã để lại trong mắt anh những quầng sáng giống như những tia lửa ở những đống lửa đã tắt lập lòe giữa đêm đen. Đến gần trung đội mình, anh vấp phải trung úy Đa-vla-chi-an đang chạy, phả ra mùi bánh mì nhẹ nhõm thơm phức, vội vã hỏi:
-Cậu ở chỗ Đrô-dơ-đốp-xki về đấy à? Có gì ở đằng ấy thế?
-Đi đi, Gô-ga. Người ta quan tâm đến tâm trạng anh em trong trung đội, xem có người ốm không, có người đào ngũ không,-Cu-dơ-nét-xốp nói không phải không có vẻ mỉa mai cay độc.-Theo mình thì chỗ cậu có hả?
-Vớ vẩn và ngớ ngẩn!-Đa-vla-chi-an đáp bằng giọng học trò và vừa gặm lương khô vừa nói thêm vẻ khinh thường: Nhảm nhí quá đấy!
Anh biến vào trong bóng tối, mang theo hương vị bánh mì đầm ấm, dễ chịu.
“Đúng là ngớ ngẩn và lên cơn thần kinh,-Cu-dơ-nét-xốp nghĩ, nhớ lại những lời lẽ hăm dọa của Đrô-dơ-đốp-xki và cảm thấy tính chất trần trụi trái tự nhiên của những lời nói đó.-Anh ta định làm gì? Trả thù mình vì chuyện U-kha-nốp, vì con ngựa bị gãy chân chăng?”
Từ xa truyền lại khắp hàng quân mệnh lệnh quen thuộc, ngày càng to dần lên: “Tiến!”. Và khi lại gần chỗ thắng xe kéo khẩu pháo thứ nhất, nơi thấp thoáng bóng những người coi ngựa nghễu nghện trên mình ngựa, anh nhắc lại khẩu lệnh:
-Toàn trung đội, tiến!…
Tất cả cùng chuyển động một lúc, lắc lư, trục xe cọt kẹt: tuyết dày đặc rít lên dưới bánh xe đông cứng của các khẩu pháo. Tiếng chân bước của nhiều người vang lên lạo xạo.
Khi trung đội đã vươn dài trên đường, có người giúi vào tay Cu-dơ-nét-xốp mẩu lương khô cứng đơ, khô khốc.
-Đói lả rồi hả?-Anh nghe thấy tiếng Đa-vla-chi-an nói.-Cầm lấy này. Ăn vào sẽ tươi lên ngay.
Cu-dơ-nét-xốp gậm miếng bánh khô, cảm thấy ngọt lịm, cơn đói dịu đi, anh cảm động nói:
-Cám ơn Gô-ga. Làm thế nào cậu còn giữ được?
-Ờ, cái cậu này! Cậu nói vớ vẩn. Ta ra mặt trận hả?
-Chắc thế Gô-ga ạ.
-Rồi sẽ biết ngay thôi, thật đấy…
Tuyết Bỏng Tuyết Bỏng - Yury Bondarev Tuyết Bỏng