Nguồn gốc của thiên tài là nguồn gốc của nhiệt huyết.

Benjamin Disraeli

 
 
 
 
 
Tác giả: Orhan Pamuk
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Quang
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 46
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2494 / 47
Cập nhật: 2015-08-04 21:17:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 27: Can Đảm Lên, Con Gái Ơi, Cứu Trợ Từ Kars Đang Đến!
a vận động Turgut Bey tham gia bản tuyên bố
Ka ra khỏi nhà, đi qua sân tới khu thương mại mà không bị ai nhìn thấy. Ông vào cửa hàng bán tất, văn phòng phẩm và băng nhạc mà hôm qua đã nghe "Roberta" của Peppino di Capri vọng ra từ đó. Ông đưa thằng bé có nước da nhợt nhạt và khuôn mặt cau có đứng sau quầy những bức thư Necip viết cho Kadife, từng tờ một, để sao chụp lại Thế là bắt buộc phải mở các phong bì. Sau đó ông đút các bản chính vào những thiếc phong bì xám xịt rẻ tiền cùng loại, bắt thước nét chữ của Necipviết "Kadife Yildiz" lên trên.
Với hình ảnh Ipek trong tưởng tượng khiến ông sẵn sàng nói dối và đấu tranh cho hạnh phúc, Ka nhanh chân đi về khách sạn. Tuyết lại rơi những bông dày. Trên phố ông cảm thấy luồng dịch chuyển bất an như mọi buổi chiều muộn khác. Ở góc đường bị các đống tuyết dồn hẹp lại, nơi ngõ Lâu Đài cắt phố Halit Paşa, một chiếc xe chở than do con ngựa kiệt sức kéo đứng chắn ngang đường. Trên kính chắn gió cái xe tải đằng sau, đôi cần gạt nước khó khăn lắm mới giữ được tầm nhìn thoáng. Có gì buồn bã bảng lảng trong không khí như ông đã từng biết từ những buổi tối mùa đông nặng trĩu thời thơ ấu khi mọi người túm chặt túi nylon hối hả về nhà, về với niềm hạnh phúc cỏn con của họ.
Nhưng ông thấy trong mình một quyết tâm kiên định bắt đầu một cuộc đời mới. Ông lên phòng khách sạn, cất các bản sao thư của Necip xuống tận đáy túi du lịch. Rồi ông cởi áo choàng treo nó lên móc. Ông rửa tay một cách kỹ lưỡng hiếm thấy, đánh răng theo một hối thúc nào đó từ bản năng (bình thường chỉ làm vào buổi tối) và nhìn rất lâu ra cửa sổ vì ông cảm giác sắp có một bài thơ đến với mình, ông tận hưởng hơi ấm của lò sưởi dưới cửa sổ. Thay vì bài thơ, đến với tâm trí ông là hồi tưởng về mấy chuyện hồi nhỏ: "cái gã bẩn thỉu" đi theo hai mẹ con ông vào một buổi sáng mùa xuân khi họ ra phố Beyoğlu mua khuy áo... hình ảnh chiếc ta xi ở Nişantaşi chở bố mẹ ông ra sân bay đi châu Âu khuất sau góc phố... buổi khiêu vũ mà ông đã nhảy hàng giờ liền với một cô gái cao lớn tóc dài có cặp mắt màu lá mạ mà ông làm quen trước đó trong một buổi liên hoan ở đảo Hoàng tử Büyükada, để rồi mấy ngày sau đó quặn ruột gan vì nhớ nhung mà không biết làm cách nào gặp lại...Chẳng có gì kết nối tất cả những hồi tưởng ấy cả, và Ka hiểu rõ rằng cuộc đời không khác gì một chuỗi sự kiện vô nghĩa và tầm thường không liên quan gì với nhau, trừ cảm giác đang yêu và hạnh phúc.
Ông xuống tầng dưới. Ka gõ cánh cửa trắng căn hộ của ông chủ khách sạn với vẻ cả quyết của một người muốn đến thăm từ mấy năm rồi và bình tĩnh đến mức chính mình cũng phải ngạc nhiên. Bà giúp việc người Kurd chào ông ở cửa, và ông có cảm giác điệu bộ của bà ta nửa như thông đồng nửa như kính cẩn không khác gì trong truyện của Turgenev. Ông bước vào căn phòng, nơi mọi người ngồi với nhau hôm qua, và nhìn thấy Turgut Bey ngồi cạnh Ipek trên chiếc ghế đệm dài trước ti vi, lưng ghế quay ra cửa.
"Kadife, ra đây đi, bắt đầu rồi!" Turgut Bey nói.
Trong ánh sáng nhợt nhạt của tuyết từ bên ngoài hắt vào, căn phòng lớn trần cao của ngôi nhà kiểu Nga hiện ra trước mắt Ka như một chốn khác hẳn hôm qua.
Hai bố con nhận ra người bước vào phòng là Ka và họ lúng túng một thoáng tựa như một đôi trai gái bị người lạ quấy quả trong phút riêng tư. Đồng thời Ka cũng nhận ra mắt Ipek sáng lên khiến ông rất sung sướng. Ông ngồi xuống chiếc ghế bành, từ đó thấy cả hai bố con họ và máy vô tuyến ngạc nhiên nhận thấy Ipek còn xinh đẹp hơn trong hồi ức của mình. Nỗi lo sợ của ông vì đó tăng lên, nhưng lập tức ông thuyết phục mình tin là rốt cuộc họ sẽ có hạnh phúc bên nhau.
"Bốn giờ chiều nào tôi cũng ngồi đây cùng các con gái xem "Marianna", giọng Turgut Bey hơi ngượng nghịu, nhưng cũng tỏ ý là ông chẳng việc gì phải giải trình gì về chuyện đó với ai cả.
Marianna là một bộ phim tâm lý xã hội nhiều tập Mexico được một kênh truyền hình lớn của Istanbul phát năm ngày mỗi tuần và rất được yêu thích trên toàn nước Thổ. Cô gái Marianna, nhân vật chính của phim có cặp mắt to xanh lá cây, mảnh dẻ, cởi mở và tràn đầy sinh lực. Mặc dù da rất trắng, Marianna là một cô gái nghèo thuộc tầng lớp dưới. Mỗi khi cô phải đấu tranh với một hoàn cảnh khó khăn, nào bị đổ tội oan, không được đáp lại tình yêu hay bị hiểu nhầm tai hại, khán giả lại nhớ đến tuổi thơ nghèo khổ cô đơn và mồ côi của cô gái có khuôn mặt thánh thiện và mái tóc dài; lúc đó Turgut Bey ôm lấy các cô con gái của ông đang rúc vào lòng ông như hai con mèo trên ghế đệm, và hai cô gáilã chã nước mắt trong khi dựa đầu vào vai hay ngực bố. Turgut Bey xấu hổ vì đã mủi lòng đến nhường ấy vì bộ phim sướt mướt này, do đó ông luôn miệng nhấn mạnh sự nghèo đói của Marianna và Mexico, nói rằng cô gái ấy đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản theo cách của mình, thỉnh thoảng lại kêu lên, "Can đảm lên, con gái ơi, cứu trợ từ Kars đang đến!" Còn hai cô con gái lặng lẽ mỉm cười, mắt ướt nhòa.
Khi phim bắt đầu, khóe miệng Ka nhếch một nụ cười.
Nhưng gặp ánh mắt của Ipek thì Ka biết ngay rằng cô không hài lòng; ông nghiêm chỉnh mặt mày trở lại.
Ở đoạn quảng cáo đầu tiên, Ka khẩn trương và tự tin hướng cuộc chuyện trò đến bản tuyên bố chung. Ông nhanh chóng khơi được sự chú ý của Turgut Bey. Đặc biệt là Turgut Bey vui mừng khi được người ta coi trọng đến mức ấy. Ông ta hỏi ai là người có ý tưởng này, và vì sao người ta nghĩ đến ông.
Ka nói do nhận thức giác ngộ khi nói chuyện với các nhà báo dân chủ ở Đức mà ông đi đến quyết định này. Turgut Bey hỏi số lượng phát hành của Frankfurter Rundschau, và có phải Hans Hansen tự gọi mình là một người theo "tư tưởng nhân văn". Để chuẩn bị tinh thần cho ông, Ka miêu tả Lam là một người Hồi giáo chính trị nguy hiểm, song đã nhận ra tầm quan trọng của dân chủ. Nhưng người đối thoại với ông không bắt vào mạch ấy mà chỉ nói nghèo khổ khiến người ta tìm đến tôn giáo như một nơi trú ẩn, ông nhắc lại là tuy ông không tin tưởng nhưng vẫn coi trọng con đường của con gái và các bạn của nó. Cũng trên tinh thần đó, ông tôn trọng các thanh niên người Kurd theo chủ nghĩa dân tộc ở Kars - bất kể họ là ai - và cho biết nếu hôm nay còn trai tráng và sống ở Kars thì ông cũng sẽ là một người Kurd theo chủ nghĩa dân tộc. Ông xử sự như trong những phút phấn khích cổ xúy Marianna. "Nói công khai trước cả thiên hạ thì không được, nhưng quả tình tôi phản đối đảo chính quân sự."Ông xúc động nói. Ka vỗ về ông bằng cách cam đoan rằng bản tuyên bố này sẽ không xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ, nói thêm rằng để tránh nguy hiểm, cuộc gặp gỡ chỉ có thể thể diễn ra tại một căn phòng tồi tàn ở tầng trên của khách sạn Châu Á, người ta có thể đến đó mà không bị ai nhìn thấy, nếu ra khỏi cửa sau dãy cửa hàng và đi qua cửa sau nhà hàng bên cạnh ở phía bên kia sân.
"Phải cho thế giới biết là ở Thổ Nhĩ Kỳ có những người dân chủ chân chính," Turgut Bey nói. Vì phim sắp chiếu tiếp, ông vội nói thật nhanh ý kiến của mình. Ông nhìn đồng hồ trước khi Marianna xuất hiện trở lại trên màn hình: "Kadife đâu rồi nhỉ?"
Sau đó Ka im lặng cùng hai bố con xem bộ phim sến.
Trong một cảnh, Marianna và người yêu cùng đi lên một cầu thang, và khi chắc chắn là không có ai nhìn thấy, cô ôm anh.Họ không hôn nhau, nhưng điều họ làm còn khiến Ka ấn tượng hơn: họ ôm chặt nhau đến ngạt thở. Trong sự im lặng kéo dài, Ka ý thức được rằng tại giây phút đó cả thành phố Kars đều đang chăm chú theo dõi, các ông chồng và vợ họ vừa đi chợ về, từ nữ sinh đến các cụ hưu trí. Ông biết rằng không chỉ những đường phố buồn thảm của Kars mà cả Thổ Nhĩ Kỳ đang sạch bóng người vì bộ phim này. Và vì sự ngu ngốc của chính mình, vì sĩ diện tri thức của mình, vì hoạt động chính trị và thói vênh váo văn hóa của mình mà ông đã rơi vào một trạng thái sống mòn mỏi, đánh mất những cảm xúc như bộ phim này đang gợi ra trong ông. Ông tin chắc rằng cả Lam và Kadife sau khi ngủ với nhau cũng lui vào một góc và âu yếm ôm nhau xem Marianna.
Khi Marianna nói với người yêu: "Cả đời em chỉ đợi đến ngày hôm nay", Ka nghĩ bụng, chắc không phải tình cờ mà những lời ấy phản ánh gan ruột của chính mình. Ông cố nhìn vào mắt Ipek. Cô đang dựa đầu vào ngực bố, hướng cặp mắt to nhòa đi vì nhớ nhung và yêu đương tới màn hình, thả tâm hồn trôi theo những lạc thú và cảm tình mà bộ phim đánh thức dậy trong cô.
"Tuy vậy anh vẫn rất lo," chàng người tình điển trai mày râu nhẵn nhụi của Marianna nói. "Gia đình anh sẽ không cho phép chúng ta đến với nhau." "Chừng nào chúng trình yêu nhau thì chẳng có gì đáng phải sợ cả " Marianna lạc quan trả lời.
"Con gái ơi, chính thằng cha này là kẻ thù thực sự của con đấy." Turgut Bey chêm vào.
"Em mong anh yêu em mà không phải sợ hãi gì." Marianna nói.
Ka vẫn kiên tâm nhìn về hướng Ipek, và rốt cuộc đã bắt được ánh mắt cô một thoáng, song cô lập tức quay đi. Lúc đến đoạn quảng cáo, cô nói với bố: "Bố ơi, theo con thì đến khách sạn Châu Á sẽ nguy hiểm cho bố đấy."
"Con đừng lo," Turgut Bey nói.
"Nhiều năm nay bố vẫn nói là ở Kars rất nguy hiểm khi đi ra đường."
"Đúng vậy, nhưng nếu bố không ra chỗ hẹn thì đó phải là vì nguyên tắc, không phải vì sợ." Turgut Bey nói. Rồi ông quay sang Ka, "Vấn đề đặt ra ở đây: là một người cộng sản, một người ủng hộ thời mới, một người yêu nước thế tục và dân chủ, trước hết tôi nên gửi niềm tin vào sự khai sáng hay vào ý chí của nhân dân? Nếu tôi chủ yếu tin vào sự khai sáng và Tây hóa thì tôi phải ủng hộ cuộc đảo chính quân sự chống lại phe Hồi giáo chính trị.Ngược lại, khi ý chí của nhân dân nhất quyết phải chiếm ưu thế và tôi đã trở thành một người dân chủ không khoan nhượng thì tôi phải đi ký vào bản tuyên bố này. Ông nghĩ sao?"
"Ông hãy đứng về phía những kẻ bị áp bức, ông đi ký vào lời kêu gọi đi!" Ka nói.
"Chỉ bị áp bức thôi chưa đủ; người ta phải có chính nghĩa nữa. Nhiều kẻ bị áp bức té ra lại phi nghĩa một cách lố bịch.Chúng ta nên tin vào đâu, ông nói xem?"
"Anh ấy có tin vào cái gì đâu."Ipek nói.
"Ai cũng tin vào cái gì đó." Turgut Bey nói. "Xin ông hãy trình bày ý nghĩ của mình!"
Ka cố giải thích rằng Kars sẽ được dân chủ hơn nếu Turgut Bey ký tên vào bản tuyên bố. Ông rối trí và chợt có cảm giác rằng khả năng Ipek cùng ông tới Frankfurt không lớn, thêm nữa, ông sợ không thuyết phục nổi Turgut Bey rời khỏi khách sạn. Ông cảm thấy trong mình sự khoáng đạt ngất ngây khi nói ra những điều mà bản thân mình không tin. Trong lúc ông lải nhải những lời tán dương bản tuyên bố, nền dân chủ và quyền con người mà ai cũng thuộc lòng thì ông nhận thấy một tia sáng trong mắt Ipek, nó cho ông thấy rằng cô không tin lời ông chút nào. Nhưng đó không phải là ánh mắt quở trách hay mang tính răn dạy, mà ngược lại, nó mang màu sắc khiêu khích: em biết mà, anh nói ra những lời dối trá ấy vì anh muốn có em. Ka nhận ra rằng, sau tầm quan trọng của những cảm xúc từ bộ phim sướt mướt, ông đã phát hiện ra một thực tế đầy ý nghĩa nữa mà ông chưa bao giờ hiểu nổi: có một số phụ nữ thấy hấp dẫn nhất là những người đàn ông chẳng nghĩ đến gì khác ngoài tình yêu... Quá phấn khích bởi phát kiến mới mẻ ấy, ông diễn thuyết một tràng về nhân quyền, dân chủ và những đề tài tương tự.
Ông nói ra những câu về nhân quyền đã bị đám trí thức châu Âu, ngu độn đi bởi thiện chí cực đoan, biến thành một thứ vỏ suông, cũng như bị những kẻ a dua ở Thổ nhai đi nhai lại. Trong khi nói, ông nhìn qua Ipek tìm kiếm sự nôn nóng của mình phản chiếu lại trong mắt cô và hừng hực với ý nghĩ sắp được ngủ với cô.
"Ông nói đúng." Turgut Bey nói khi đoạn quảng cáo vừa hết. "Kadife đi đâu vậy nhỉ?"
Trong khi bộ phim tiếp diễn. Turgut Bey trở nên căng thẳng; ông muốn tới khách sạn Châu Á, đồng thời cũng sợ đến đó. Trong lúc mọi người xem tiếp Marianna, với vẻ tiếc nuối của một ông già đắm chìm trong tưởng tượng và hồi ức ông kể về những chuyện chính trị thời thanh niên, về nỗi sợ hãi bị vào tù, và trách nhiệm của con người. Ka nhận ra rằng một mặt Ipek oán trách ông đã làm Turgut Bey sợ hãi, mặt khác cô cảm phục ông đã thuyết phục được bố cô. Ông hoàn toàn không phiền lòng khi cô không nhìn ông, cũng chẳng bực mình khi cô ôm bố khi hết phim và nói: "Bố không nhất thiết phải đi. Bố đã chịu đựng vì người khác đủ rồi."
Ka thấy mặt Ipek tối lại, nhưng ông lại thấy trong đầu mình xuất hiện một bài thơ mới tươi vui. Ông lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh cửa vào bếp, nơi Zahide Hanim đã ngồi và nhỏ lệ khi xem Marianna, và ung dung chép bài thơ.
Ka viết xong bài thơ mà mãi sau này ông đặt nhan đề tương đối mỉa mai"Tôi sẽ có hạnh phúc", đúng lúc Kadife nhanh nhẹn tiến vào phòng, nhưng cô không nhìn thấy ông. Turgut Bey đứng dậy ôm hôn cô và hỏi đi đâu về mà tay lạnh vậy. Mấy giọt nước mắt trào ra từ mắt ông. Kadife nói, cô ở chỗ Hande. Cô ở đó quá lâu và do không muốn bỏ qua phim Marianna nên cô đã xem đến hết chương trình. "Thế cô bé của chúng ta ra sao?" Turgut Bey hỏi (ông ám chỉ Marianna) song thay vì đợi câu trả lời của Kadife ông chuyển ngay đề tài đang đè nặng lên hiện tại của ông, nhắc lại tóm tắt những gì vừa nghe Ka kể.
Kadife không chỉ xử sự như lần đầu tiên được nghe thấy chuyện này mà còn ra vẻ rất ngạc nhiên khi thấy Ka ở đây. "Rất hân hạnh được gặp ông," cô nói và bắt đầu trùm khăn lên tóc, song lại cứ để khăn hờ hững như thế mà ngồi xuống trước ti vi và đưa ra mấy lời khuyên cho bố. Vẻ ngạc nhiên của Kadife đáng tin đến nỗi Ka cho rằng cô ta cũng diễn trước mặt bố trong khi thuyết phục ông ta đến chỗ hẹn và ký vào bản tuyên bố. Vì Lam cũng muốn in bản tuyên bố ở nước ngoài nên mối nghi ngại ấy có thể có lý do, nhưng qua nỗi sợ hãi hiện ra trên mặt Ipek, Ka cảm thấy còn một lý do khác nữa. Con sẽ cùng bố đến khách sạn, bố ạ!" Kadife nói.
"Bố hoàn toàn không muốn con vì bố mà gặp rắc rối không cần thiết". Turgut Bey đáp với cử chỉ cao quý mà họ đã thấy trong bộ phim họ vừa cùng xem và các tiểu thuyết ngày xưa họ cùng đọc.
"Bố ạ, biết đâu sẽ nguy hiểm cho bố một cách không cần thiết nếu bố bập vào chuyện này."Ipek nói.
Ka cảm thấy trong khi chuyện trò với bố Ipek cũng muốn nói điều đó với mình, cô cũng nói nước đôi như mọi người trong phòng này, và cô nhấn mạnh ý nghĩa nước đôi ấy bằng cách lúc thì quay đi, lúc lại nhìn sang ông. Mãi về sau này ông sẽ ngộ ra rằng tất cả mọi người mà ông đã gặp ở Kars - ngoài Necip - đều nói nước đôi theo bản năng kiểu đó, để rồi ông tự hỏi liệu điều đó có liên quan đến sự nghèo đói, sợ hãi, cô quạnh hay đơn điệu của cuộc sống ở đấy. Ka thấy như có vẻ Ipek thách thức mình khi cô bảo "Bố ơi đừng đi!" và Kadife như đang kể về quan hệ của cô với Lam khi nói đến bản tuyên bố và sự đồng cảm giữa cô và bố.
Vậy là ông bắt tay vào cái mà sau này ông sẽ gọi là "Diễn từ nước đôi nhất trong đời tôi". Ông cảm nhận rõ rệt là mình sẽ không bao giờ ngủ được với Ipek nếu bây giờ không thuyết phục nổi Turgut Bey rời khỏi khách sạn. Ông cũng đọc được điều đó trong ánh mắt thách thức của Ipek và tin chắc rằng đây là cơ hội cuối cùng trong đời để tìm thấy hạnh phúc. Ông hiểu ngay ra khi bắt đầu nói, rằng những câu chữ và ý nghĩ cần thiết nhằm thuyết phục Turgut Bey cũng là câu chữ và ý nghĩ từng làm cuộc đời ông trở nên phiêu bạt. Điều đó đánh thức trong ông nguyện vọng trả thù cho những lý tưởng phái tả thời thanh niên mà bây giờ ông đang quên đi một cách vô thức. Nhưng giữa lúc nói về hành động vì lợi ích chung, về trách nhiệm đối với tầng lớp nghèo khổ của đất nước, phụng sự công cuộc khai hóa văn minh và thể hiện một tình đoàn kết lật đổ bạo tàn, dù bản thân hành động đó có vẻ vô cùng bé nhỏ, tất cả chỉ nhằm thuyết phục Turgut Bey ra khỏi khách sạn. Ông chợt thấy lời mình không hẳn hoàn toàn không chân thực. Ông nhớ đến sự hưng phấn phái tả của mình thời thanh xuân, đến quyết tâm không trở thành một tên tư sản Thổ Nhĩ Kỳ khốn kiếp như những người khác, đến khát vọng được sống giữa những sách vở và lý tưởng. Thế là ông nhắc lại trước Turgut Bey những xác tín của mình với tất cả nhiệt tình của tuổi hai mươi, hồi mẹ ông rất có lý khi muốn ngăn cản con trở thành thi sĩ. Đó chính là những xác tín đã làm bà buồn khổ, làm tan nát cả cuộc đời ông và rốt cuộc đẩy ông vào cuộc sống lưu vong trong một ổ chuột ở Frankfurt. Vừa nói ông vừa cảm thấy những câu chữ mãnh liệt kia chẳng qua là để nói với Ipek rằng: "Anh muốn ngủ với em một cách mãnh liệt như thế đấy." Ông tin rằng, những luận điệu phái tả lảm nhảm ấy từng phá hỏng cả cuộc đời mình, song cuối cùng thì cũng đem lại kết cục tử tế là nhờ vậy ông được ngủ với Ipek, vào đúng thời điểm mà ông chẳng còn tin vào chúng nữa, thay vào đó ông nhận ra rằng hạnh phúc lớn nhất trong đời là có một cô gái xinh đẹp thông minh trong vòng tay và ngồi làm thơ trong xó nhà.
Turgut Bey nói, ông sẽ đến chỗ hẹn ở khách sạn Châu Á "ngay lập tức". Ông lui vào phòng mình cùng Kadife để mặc quần áo và chuẩn bị đi. Ka lại gần Ipek đang ngồi ở chỗ ban nãy xem ti vi với bố. Cô vẫn ngồi đó, tựa như đang dựa vào bố. "Anh đợi em trên phòng," Ka thì thào.
"Anh có yêu em không?"Ipek hỏi.
"Yêu vô cùng!"
"Thật chứ?"
"Thật vô cùng!" Họ giữ yên lặng một hồi lâu. Ka dõi theo ánh mắt Ipek và ngó ra cửa sổ. Tuyết lại bắt đầu rơi. Cột đèn trước khách sạn đã bật sáng; và mặc dù ánh đèn chiếu vào những bông tuyết to tướng thì vẫn có cảm giác là nó thấy sáng vô ích, vì bóng tối vẫn chưa buông hẳn xuống.
"Anh lên phòng anh đi! Khi mọi người đi khỏi thì em lên."Ipek nói.
Tuyết Tuyết - Orhan Pamuk Tuyết