Never lend books, for no one ever returns them; the only books I have in my library are books that other folks have lent me.

Anatole France

 
 
 
 
 
Tác giả: Orhan Pamuk
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Quang
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 46
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2494 / 47
Cập nhật: 2015-08-04 21:17:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6: Tình Yêu, Tôn Giáo Và Thi Ca
huyện buồn của Muhtar
Sau khi Ipek để ông ở lại trước trung tâm thương mại Ham Paşa và quay về khách sạn, Ka không lên cầu thang ngay để đến văn phòng tỉnh bộ đảng Phồn vinh, mà quanh quẩn giữa những người thất nghiệp, học sinh học nghề và người đi dạo trong hành lang tầng một. Hình ảnh ông hiệu trưởng đại học sư phạm giãy giụa trước khi chết vẫn hiển hiện trước mắt ông, ông bị cắn rứt và cảm thấy mình có tội. Ông nghĩ đến chuyện gọi điện cho phó giám đốc Sở cảnh sát mới tiếp chuyện ông sáng nay, báo Cộng hòa ở Istanbul hay một người quen nào đó, nhưng trong trung tâm thương mại nhan nhản các quán trà và hiệu cắt tóc này không tìm ra được một góc nào để gọi điện thoại cả.
Ông đi vào cửa hiệu có biển ngoài cửa đề "Hội những người yêu súc vật", ở đó có điện thoại, nhưng đang bị sử dụng. Bây giờ ông lại không chắc chắn có nên gọi điện thoại nữa hay thôi. Ông đi qua cánh cửa khép hờ ở cuối văn phòng hội và bước vào một phòng nhỏ trên tường treo toàn tranh về gà, giữa phòng là một đài chọi gà con con. Đứng trong phòng chọi gà này, Ka kinh hoàng ngộ ra là ông yêu Ipek và mối tình này sẽ chế ngự ông đến hết đời.
Sau này một trong những người yêu súc vật giàu có chuộng môn chọi gà nhớ rất rõ hôm ấy Ka vào văn phòng hội và lơ đãng ngồi xuống một hàng ghế khán giả vắng ngắt ra sao. Ở đó, Ka uống trà và đọc nội quy thi đấu viết bằng chữ to tướng trên tường:
- Gàđặtvàovõđàichỉđượcbếlênkhichủnhânchophép.
- Nếu một con gà bị ngã ra ba lần và không mổ bằng mỏ được nữa, nó sẽ được coi là thua tuyệt đối.
- Được ba phút để băng bó cựa bị gãy, một phút cho móng bị gãy.
- Nếu gà bị đối thủ đạp vào cổ trong khi chọi thì được nhấc lên để tiếp tục chọi.
- Khi mất điện được đợi mười lăm phút; nếu không có điện trở lại thì trận đấu bị hủy.
Rời Hội những người yêu súc vật, Ka nghĩ cách đưa Ipek đi cùng và trốn khỏi Kars. Văn phòng tỉnh bộ của đảng Phồn vinh ở cùng tầng, cách phòng luật sư Muzaffer Bey, cựu thị trưởng thuộc đảng Dân tộc, hai cửa (quán trà Bạn bè và hiệu Thợ may xanh nằm ở giữa). Trong phòng luật đã tắt đèn. Cuộc viếng thăm ở chỗ luật sư sáng nay như đã xa lắc xa lơ, khiến Ka rất bối rối khi bước vào văn phòng đảng bộ, không tin nổi mình đã bước vào chính hành lang này trước đó.
Lần cuối cùng Ka gặp Muhtar cách đây mười hai năm. Sau khi họ ôm hôn lên má nhau, Ka nhận thấy Muhtar bụng đã phệ, tóc điểm bạc và thưa đi. Nhưng ông đã đoán trước điều đó. Như thời sinh viên, Muhtar không có chút gì nổi bật cả. Giống ngày ấy, mồm ông luôn ngậm điếu thuốc.
"Người ta đã giết ông hiệu trưởng trường đại học sư phạm," Ka nói.
"Ông ấy hình như chưa chết, ít nhất thì trong radio vừa thông báo như vậy. Cậu biết tin ấy từ đâu ra?"
"Ông ta ngồi trong tiệm Đời Mới cùng chúng tôi, ở chỗ Ipek gọi điện cho cậu ấy," Ka trả lời và kể những gì ông vừa mục kích.
"Các cậu có gọi cảnh sát không?" Muhtar hỏi. "Hai người làm gì sau vụ ám sát?"
Ka nói Ipek về nhà, còn ông đi thẳng đến đây.
"Còn năm ngày nữa là bầu cử. Vì xu thế thắng cử của chúng tôi đã tương đối rõ nên nhà nước sẽ không bỏ qua dịp nào để đổ vấy cho chúng tôi chuyện gì. Chính sách tranh cử của đảng tôi trong toàn quốc là đứng về phía các phụ nữ trùm khăn. Lão khốn kiếp không cho các nữ sinh đến trường đại học sư phạm vừa bị bắn chết, vậy mà một nhân chứng có mặt tại hiện trường đến ngay văn phòng trung tâm của đảng chứ không thèm gọi cảnh sát."Ông chuyển giọng lịch sự: "Cậu gọi cho cảnh sát đi, và kể hết cho họ nghe!"
Ông đưa Ka ống nghe như một người chủ nhà tự hào mời khách. Ka cầm máy, còn Muhtar quay số điện vừa tìm trong danh bạ ra.
"Tôi đã biết phó giám đốc Sở cảnh sát Kasim Bey rồi," Ka nói.
"Làm sao biết?" Muhtar hỏi với vẻ hồ nghi ác cảm không giấu giếm.
"Việc đầu tiên mà nhà báo Serdar Bey sáng nay làm là dẫn tôi đến đó." Ka giải thích. Khi máy để nối với Kasim Bey, ông tả lại sự việc mà mình đã chứng kiến. Muhtar vội bước hai bước lập cập lại gần, cố ghé tai nghe cùng một cách vụng về mà lại thành ra thân mật quá đáng. Ka đưa ống nghe lại gần tai Muhtar hơn, giờ thì cả hai cảm thấy hơi thở của người kia phả vào mặt. Ka không rõ tại sao cần để Muhtar cùng nghe điện thoại, nhưng ông cảm thấy tốt hơn không nên hỏi. Ông miêu tả thêm hai lần nữa thủ phạm gầy gò mà ông không hề thấy mặt.
"Ông nên đến đây càng sớm càng tốt để chúng tôi lập biên bản lời khai," ông phó giám đốc cảnh sát nói giọng ân cần.
"Tôi đang ở chỗ đảng Phồn vinh," Ka nói, "tôi sẽ đến ngay."
Im lặng.
"Ông đợi một chút," phó giám đốc cảnh sát nói.
Ka và Muhtar nghe ông quay ống nghe đi và thì thào bàn bạc với ai đó.
"Xin lỗi ông, tôi vừa hỏi cảnh sát trực ban," ông ta nói tiếp."Tuyết vẫn không ngớt chút nào. Chúng tôi cử ngay một xe đến đón ông."
"May mà cậu nói là cậu đang ở đây." Muhtar nói sau khi Ka đặt máy xuống. "Vì đằng nào họ cũng biết rồi. Họ nghe lén mọi cuộc điện thoại. Cậu đừng hiểu sai tôi nói lúc nãy như định buộc tội cậu."
Mặt Ka nóng bừng lên, như ngày xưa ông nổi cáu với những người hăng hái tham gia chính trị chỉ nhìn ông như một gã tư sản từ Nişantaşi đến. Ở trường cấp ba ngày xưa họ chỉ rình rình sờ vào mông nhau và tố người khác là thằng lại cái để tránh cho bản thân bị ngờ. Những năm về sau việc này được thay thế bởi trò tố người khác nhất là khi người ấy làm chính trị, là chỉ điểm cho cảnh sát.
Ka đã xa lánh chính trị, vì ông sợ bị đẩy vào tình cảnh một kẻ cung cấp tin, ngồi trong xe cảnh sát chỉ vào nhà nào cần lục soát.
Và lúc này Ka lại là người phải cố gắng tìm cách xin lỗi và chối cãi, mặc dù Muhtar là ứng viên của một chính đảng Hồi giáo - một hành vi mà cách đây mười năm chính ông ta còn khinh bỉ.
Điện thoại đổ chuông, Muhtar nhấc máy với dáng điệu quan trọng hóa và hăng say mặc cả với một đại diện của Truyền hình biên giới Kars về giá cả mẩu quảng cáo cho cửa hàng đồ gia dụng của ông sẽ được phát buổi tối trong buổi truyền trực tiếp.
Khi ông đã cúp máy và hai người đang im lặng như những đứa trẻ hờn dỗi không biết nói gì thì trong trí tưởng tượng của Ka họ lần lượt đem ra nói hết với nhau tất cả những gì mười hai năm qua chưa nhắc đến. Trong hình dung của ông, thoạt tiên họ nói với nhau như thế này: "Cuộc đời thật nhọc nhằn, vì cả hai chúng ta nay đều sống trong một dạng lưu vong mà cũng chẳng thành đạt ghê gớm hay hạnh phúc cho lắm. Làm nhà thơ cũng chưa đủ... Vì thế bóng đen của chính trị vẫn còn đè nặng lên vai bọn mình." Ngay cả sau khi nói ra lời ấy thì trong tưởng tượng của ông, cả hai cũng không có đủ can đảm để nói thêm: "Khi hạnh phúc trong thi ca không đạt được thì chúng ta lẩn mình trong bóng đen của chính trị."
Ka chợt thấy khỉnh rẻ Muhtar thêm thút nữa.
Ông nghĩ rằng Muhtar lúc này đang hài lòng vì thấy sắp thắng cử, và chính ông cũng có một tí thỏa mãn từ chút hào quang thi sĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ - nói cho cùng thì ít còn hơn không. Nhưngcũng như cả hai không bao giờ thú nhận sự bằng lòng ít ỏi của mình trước mặt nhau, họ cũng không đả động đến đề tài thực sự quan trọng: nỗi thất vọng về cuộc đời. Nghĩa là điều tồi tệ nhất đã xảy ra; họ đã thấp nhận thất bại trong đời và quen dần với sự bất công tàn nhẫn của thế giới. Nghĩ đến chuyện cả hai đều cho rằng họ cần đến Ipek để thoát khỏi tình cảnh này. Ka giật mình.
"Nghe nói tối nay cậu trình bày bài thơ mới nhất ở Nhà hát nhân dân?" Muhtar nói, thoáng mỉm cười.
Ka nhìn đầy thù nghịch vào cặp mắt đẹp nâu nhạt thâm trầm, không hề tươi cười của người đàn ông từng làm chồngIpek.
"Ở Istanbul cậu có gặp Fahir không?"Muhtar hỏi, miệng cười tươi hơn.
Giờ thì Ka có thể đáp lại nụ cười ấy. Trong nụ cười của cả hai có gì đó dịu dàng và tôn trọng. Fahir cũng trạc tuổi họ và từ hai mươi năm nay là một đồ đệ không khoan nhượng của thơ ca cấp tiến phương Tây. Ông đã học ở trường Pháp Saint Joseph, mỗi năm một lần du lịch qua Paris bằng tiền của người bà lẩn thẩn nhưng giàu có, nghe nói ngày xưa là cung phi dưới thời Ottoman. chất đầy vali những tập thơ mua tại các hiệu sách ở Saint Germain, sau đó đăng tải bản dịch sang tiếng Thổ và những bài thơ tự sáng tác cũng như tác phẩm của các thi sĩ Thổ cấp tiến khác trong mấy tạp chí do chính mình chủ biên, loạt sách thơ của những nhà xuất bản do chính mình sáng lập, mà giờ đây đã gần vỡ nợ. Tuy vì thế mà được mọi người kính nể, nhưng những bài thơ khiên cưỡng mà Fahir sáng tác dưới ảnh hưởng của các thi sĩ do ông dịch ra một "thứ ngôn ngữ Thổ tinh khiết" đều không có hồn, dở và khó hiểu.
Ka nói, ở Istanbul ông không gặp Fahir.
"Đã có một thời tôi ước gì được Fahir đánh giá cao thơ mình," Muhtar nói. "Nhưng cậu ấy khinh tôi, và hạng người như tôi là kinh khủng, vì chúng tôi không theo thơ ca thuần túy mà bận bịu với văn hóa dân gian và 'vẻ đẹp địa phương'. Nhiều năm trôi qua, phe quân sự đảo chính, ai cũng có lần tù tội rồi thả ra, và tôi cũng bị xô đẩy theo dòng đời như trăm ngàn người khác. Những người mà tôi coi là thần tượng đã thay đổi; những người tôi muốn giành cảm tình đã biến mất, chẳng có gì mà tôi từng muốn đạt được trong cuộc sống và thi ca lại trở thành sự thật. Tôi thà quay về Kars còn hơn sống bất hạnhvất vưởng và thiếu tiền ở Istanbul.Tôi đã tiếp quản của bố tôi cái cửa hàng ngày xưa từng làm tôi xấu hổ. Những cái đó cũng không làm tôi hạnh phúc. Tôi khinh những người ở đây như Fahir coi rẻ thơ tôi, tôi nhăn mặt khi nhìn họ. Ở Kars, thành phố và con người có vẻ như không tồn tại thực sự. Ai cũng muốn chết hay biến đi. Nhưng đối với tôi không còn nơi nào để đi đến nữa. Có thể nói là tôi bị đày ra khỏi lịch sử, khỏi nền văn minh. Thế giới văn minh là cái gì xa xăm đến nỗi tôi không theo được. Và Thượng đế chẳng ban cho tôi lấy một đứa con để tôi tưởng tượng ra một ngày đẹp trời nó sẽ làm những gì tôi không hoàn tất được: Tây hóa, hiện đại và trưởng thành về nhân cách."
KarấtấntượngtrướccáchthứcMuhtartựnhạobángmìnhkèm với một nụ cười khẽ khàng mang hướng giác ngộ từ thâm tâm.
"Tối đến tôi nốc rượu và về nhà muộn để khỏi cãi cọ với Ipek xinh đẹp của tôi. Rồi một đêm ở Kars tất cả đều đóng băng, kể cả những con chim đang bay trên không. Lúc đó đã muộn, tôi là người cuối cùng rời quán Đất Xanh. Tôi đi bộ về phố Quân Đội; hồi đó tôi sống với Ipek ở đó. Quãng đường không quá mười phút nhưng ở Kars là một khoảng cách lớn. Tôi lạc lối trên quãng đường ngắn ấy, chắc vì uống nhiều Raki quá. Trên đường không một bóng người. Như trong mọi đêm đông, Kars trông như một thành phố bỏ hoang, những nhà tôi gõ cửa thì hoặc là nhà Armenia từ tám mươi năm nay không có ai ở, hoặc người trong nhà không chịu chui ra khỏi những lớp chăn dày ấm áp, như những con thú trốn vào giấc ngủ đông vậy.
Đột nhiên tôi thấy thích tình trạng hoang vắng và cô đơn này của thành phố. Rượu và cái lạnh làm cơn buồn ngủ ngọt ngào lan tỏa trong cơ thể tôi. Tôi quyết định im lặng rời bỏ cuộc đời này, đi thêm vài bước rồi dang chân dang tay trên vỉa hè đóng băng dưới một gốc cây, bắt đầu nằm đợi cái chết đến. Với cái lạnh này và đầu óc mờ mịt vì rượu thì chỉ cần vài phút là đủ chết cóng. Trong khi giấc ngủ lan tỏa khắp các huyết mạch thì trước mắt tôi hiện ra đứa con mà tôi chưa bao giờ có: một chàng trai trưởng thành, thắt cà vạt trông không giống các viên chức thắt cà vạt của chúng ta mà hệt như người Âu. Đúng lúc định nói với tôi câu gì thì nó cúi xuống hôn tay một ông già. Từ người ông ta tỏa ra ánh sáng về mọi hướng. Và một luồng sáng chiếu đúng vào mắt tôi khi đang nằm đó khiến tôi tỉnh ngủ. Tôi nhổm dậy vừa cắn rứt lương tâm vừa hy vọng, thấy ở gần đó một cánh cửa sáng mở ra, có người ra vào.
Tôi nghe theo tiếng nói đang xui khiến trong mình và nối bước họ. Họ chấp nhận tôi, đưa tôi vào một căn nhà sáng sủa, ấm áp. Ở đó không có những người bị cuộc đời làm thất vọng và trầm cảm như vẫn thấy đầy rẫy ở Kars, họ hạnh phúc. Và hơn nữa, là dân Kars và thậm chí tôi quen. Tôi hiểu ra rằng căn nhà này là bí thất của trưởng lão vĩ đại Saadettin Efendi người Kurd mà tôi đã nhiều lần nghe đồn. Những viên chức tôi quen kể là Người nhận lời mời của các đồ đệ ngày càng đông đảo mà rời xóm núi của mình xuống Kars, đưa những người cùng cực, nghèo khổ, thất nghiệp và bất hạnh ở Kars đến thờ cúng trong bí thất của mình. Nhưng hồi ấy tôi chẳng quan tâm, vì cảnh sát nhất định sẽ ngăn cản các hoạt động phản cộng hòa ấy. Lúc này thì tôi tràn trề nước mắt khi bước lên cầu thang đến với sư phụ. Những gì tôi vẫn thầm sợ từ nhiều năm và là biểu hiện của nhược tiểu và lạc hậu khi tôi còn là người vô thần, bây giờ diễn ra: tôi trở về với đạo Hồi. Thật ra tôi từng sợ lũ giáo sĩ phản động trong các tranh biếm họa với bộ râu dài và áo choàng, giờ đây tôi bật khóc khi tự nguyện leo lên bậc thang của họ. Sư phụ là một người tốt. Người hỏi tại sao tôi khóc.Tất nhiên tôi không thể nói là tôi khóc vì đã lạc vào đám giáo sĩ phản động và các đồ đệ của họ. Ngoài ra, tôi rất xấu hổ vì phả ra toàn hơi rượu. Tôi nói là bị mất chùm chìa khóa. Tôi nhớ lại đã thả rơi chùm chìa khóa ở chỗ nằm xuống chờ chết. Trong lúc các đồ đệ của Người còn xun xoe xung quanh và hăng hái vạch ra những ý nghĩa ẩn dụ của "chùm chìa khóa" thì Người đã xua họ ra phố để tìm chùm chìa khóa cho tôi. Khi chúng tôi còn lại một mình, Người nhìn tôi cười thân thiện. Tôi hiểu đó là ông già tốt bụng mà tôi thấy trong giấc mơ vừa rồi; và thấy lòng thanh thản.
Tôi bột phát hôn lên tay con người cao cả hiện ra trước tôi như một vị thánh. Người làm một việc khiến tôi ngạc nhiên:Người hôn lại tay tôi. Trong tôi tràn ngập cảm giác an lành mà từ nhiều năm nay tôi chưa hề biết đến. Tôi hiểu mình được phép nói với Người mọi điều và kể hết chuyện đời mình. Người sẽ chỉ cho tôi đường đến với Allah luôn tồn tại một cách vô thức trong thâm tâm tôi, ngay cả trong những năm theo chủ nghĩa vô thần.
Chỉ riêng linh cảm ấy đã làm tôi rất hạnh phúc rồi. Người ta tìm ra chùm chìa khóa của tôi. Đêm hôm ấy tôi về nhà và ngủ đẫy giấc. Sáng hôm sau tôi cảm thấy xấu hổ vì sự việc đêm qua. Tôi chỉ còn nhớ lờ mờ những gì xảy ra với mình, và thật ra tôi không muốn nhớ lại nữa. Tôi tự thề với mình sẽ không bao giờ đến bí thất đó lần nữa. Bối rối và lo sợ, tôi tự hỏi nếu gặp lại một đồ đệ mà tôi đã thấy mặt hôm đó ở bí thất thì sẽ ra sao. Tuy nhiên đôi chân vẫn tự đưa tôi đến đó trong một buổi tối từ quán Đất Xanh về, và tiếp diễn vào những tối tiếp theo mặc cho cảm giác tội lỗi dâng lên ban ngày. Sư phụ cho tôi ngồi ngay cạnh mình, nghe tôi thuật lại những vấn đề của mình và gieo tình yêu của Thượng đế vào tim tôi. Để ngụy trang việc mình tham gia vào hoạt động tôn giáo mà tôi giấu kỹ như một bí mật, suốt ngày tôi cầm tờ Cộng hòa theo người - tờ báo thế tục nhất mà tôi biết, than phiền về lũ Hồi giáo thính trị với tư tưởng phản cộng hòa nổi lên khắp nơi, và phàn nàn tại sao Hội tư tưởng Atatürk không hội họp gì cả.
Cuộc sống hai mặt ấy kéo dài cho đến một tối Ipek hỏi tôi: "Anh có người đàn bà khác không đấy?" Và tôi vừa khóc vừa thú nhận mọi chuyện. Cô ấy cũng khóc: "Anh đã theo Hồi giáo chính trị rồi à, anh sẽ bắt em đội khăn trùm đầu chứ?" Tôi thề là sẽ không bao giờ đòi hỏi cô làm thế. Tôi sợ cô nghĩ đây là hậu quả của việc kinh tế gia đình tụt dốc, nên kể cho cô yên tâm rằng cửa hàng rất phát đạt và lò sưởi điện Arçelik vẫn bán chạy mặc dù thành phố hay bị cắt điện. Thực tế, tôi vui sướng là từ nay được cầu nguyện đúng nghi thức ở nhà. Tôi kiếm một sách hướng dẫn cầu nguyện ở hiệu sách. Một cuộc đời mới mở ra trước mắt tôi.
Chẳng bao lâu sau khi tìm lại được chính mình, một đêm cảm hứng đột ngột dâng trào thúc đẩy tôi viết một bài thơ dài.Trong đó tôi kể về sự khủng hoảng, nỗi hổ thẹn của mình, tình yêu đối với Allah nảy nở trong tôi, về sự bình yên, về bước chân lên bậc thang thiêng liêng đến với sư phụ, về những nghĩa đen và nghĩa bóng của chùm chìa khóa. Bài thơ thật là hoàn hảo. Tôi cam đoan nó không chút nào thua kém thơ của những thi sĩ mới nhất và cấp tiến nhất mà Fahir đã dịch ra. Tôi đợi sáu tháng, nhưng không thấy nó được đăng trên tạp chí Mực Achilles do cậu ta làm chủ bút. Trong lúc chờ đợi tôi viết ba bài thơ nữa và gửi chúng đi cách nhau hai tháng. Tôi kiên nhẫn chờ một năm, nhưng lần này vẫn vô ích.
Trong giai đoạn ấy, cái làm tôi bất hạnh không phải chuyện vô sinh, cũng không phải Ipek không tuân theo các điều răn của đạo Hồi, và cũng chẳng vì những người bạn thế lực và cánh tả chê cười tôi. Đằng nào thì họ cũng không để ý đến tôi lắm, vì rất nhiều người phấn khích quay lại với đạo Hồi như tôi. Cái làm tôi bức xúc nhất là những bài thơ gửi đến Istanbul không được in ra.Đầu mỗi tháng, cùng số báo mới ra là tưởng như thời gian giẫm chân tại chỗ, lần nào tôi cũng tự trấn an rằng nhất định tháng này sẽ có một bài thơ được ra mắt. Tính chân lý của những gì tôi miêu tả trong thơ chỉ có thể đem ra so sánh với thơ phương Tây, và ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có Fahir cho in chúng, tôi nghĩ vậy.
Sự thờ ơ bất công của cậu ta và lòng căm hận dần dần tàn phá niềm vui mà đạo Hồi đem lại cho tôi. Trong khi cầu nguyện ở nhà nguyện là nơi tôi thường xuyên lui tới, tôi nghĩ đến Fahir và lại cảm thấy bất hạnh. Một buổi tối, tôi quyết định kể cho sư phụ nghe nỗi bức xúc của mình, nhưng Người không hiểu thế nào là một bài thơ hiện đại, sự im lặng của việc tách khổ hay câu thơ vắt dòng, ai là Mallarmé, Joubert và René Char.
Nó làm lay chuyển lòng tin của tôi đối với sư phụ. Mà đã từ lâu ông cũng chẳng làm gì khác, ngoài việc nhắc đi nhắc lại vài câu như kiểu 'Hãy giữ cho tim con trong sạch?' hoặc 'Với ý chí của Thượng đế, con sẽ nhờ vào tình yêu đối với Allah mà thoát khỏi áp lực này.' Tôi không muốn nói oan cho ông ta; ông không phải là một người tầm thường, chỉ là một người có tri thức tầm thường.
Con quỷ nửa duy lý nửa vị lợi còn sót lại trong tôi từ những năm tháng vô thần, nay bắt đầu trỗi dậy. Những người như tôi chỉ có thể thỏa chí tang bồng khi cùng với những người cùng hội cùng thuyền trong một danh đảng xả thân vì một sự nghiệp cao cả. Rồi tôi hiểu ra rằng tích cực hoạt động trong đảng đưa lại một cuộc sống tâm linh sâu hơn và có ý nghĩa hơn so với trong bí thất. Tôi gia nhập đảng này, một đảng có tiêu chí hàng đầu là tôn giáo và tâm linh. Kinh nghiệm từ những năm theo chủ nghĩa Marx là một lợi thế lớn cho tôi trong việc hoạt động chính trị."
"Lợi thế ra sao?" Ka hỏi.
Đèn tắt. Im lặng kéo dài.
"Mất điện rồi," giọng Muhtar đầy bí hiểm.
Không đáp lời ông ta, Ka ngồi im lìm trong bóng tối.
Tuyết Tuyết - Orhan Pamuk Tuyết