Trong mỗi khó khăn, thất bại, và cả những nỗi khổ tâm đều chứa đựng mầm mống của thành quả tốt đẹp hoặc hơn thế nữa.

Napoleon Hill

 
 
 
 
 
Tác giả: Guy de Maupassant
Dịch giả: Nhiều Dịch Giả
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 44
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 51
Cập nhật: 2020-10-24 12:43:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 42
iên Mỡ Bò
(Boule de suif)
Suốt mấy ngày liền từng mảng binh đoàn tan rã diễu qua thành phố. Họ không còn là quân đội nữa, mà là những bầy người ô hợp tán loạn. Người nào người nấy râu dài nhem nhuốc, quân phục rách nát, họ uể oải tiến bước, chẳng có cờ, cũng chẳng thành cơ ngũ gì hết. Tất cả đều như rã rời, kiệt sức, không còn suy nghĩ hoặc quyết định nổi điều gì nữa, chân đi chỉ là vì quen bước, và hễ cứ dừng lại là khuỵu ngay xuống vì mệt lử. Người ta thấy nhiều nhất là lính động viên, những con người vốn ưa bình an, sống yên ổn với lợi nhuận hàng năm, lưng còng xuống vì súng nặng, những chú vệ động* nhỏ lanh lợi, dễ hoảng sợ và cũng mau phấn khởi, sẵn sàng tấn công cũng như sẵn sàng chạy trốn; rồi, giữa đám người đó là vài cậu quần chẽn đỏ* tàn quân của một sư đoàn bị nghiền nát trong một trận lớn; những pháo thủ rầu rĩ đi cùng hàng với đám bộ binh tạp nham ấy; và, thỉnh thoảng lại thấy lấp lánh chiếc mũ sắt của một chú lính đầu rồng chân nặng, vất vả lắm mới theo được những anh lính bộ dáng đi nhẹ nhàng hơn.
Vệ động: tạm dịch chữ moblot, chữ tắt thân mật của chữ mobile (lưu động) hay garde mobile (vệ binh lưu động) của nước Pháp năm 1870.
Tức là bộ binh.
Rồi đến lượt các đoàn quân nghĩa dũng mang những tên oai hùng: “Quân Rửa thù Thất trận - Công dân Cảm tử - Quyết tử quân” diễu qua, trông như bọn kẻ cướp.
Cấp chỉ huy của họ, trước đây là những tay buôn dạ hoặc ngũ cốc, những anh bán mỡ bò hoặc xà phòng, chiến sĩ nhất thời được làm sĩ quan chỉ vì đồng tiền của họ hoặc vì bộ ria mép dài, trên mình đầy vũ khí, dạ mềm với lon quan; họ nói oang oang, bàn luận kế hoạch tác chiến và cho rằng chỉ có mình họ chống đỡ nước Pháp đang hấp hối trên hai vai anh hùng rơm của họ; song đôi khi họ lại sợ quân lính của chính mình, dân đầu trộm đuôi cướp, thường liều lĩnh bạt mạng, quen cướp phá và trác táng.
Người ta đồn quân Phổ sắp tiến vào thành Rouen.
Đoàn Dân vệ từ hai tháng nay mở những cuộc thám thính rất thận trọng vào các rừng lân cận, đôi khi bắn phải cả quân canh của chính mình, và chuẩn bị chiến đấu mỗi lần một chú thỏ con động đậy trong bụi rậm, thì nay ai nấy đã trở về nhà. Vũ khí, đồng phục, với tất cả mớ đồ lề giết người, mới đây còn làm cho những trụ cây số trên các đường quốc lộ quanh vùng ba dặm trông thấy cũng phát hoảng, bỗng chốc vụt biến đi đâu mất.
Sau hết, những người lính Pháp cuối cùng vượt qua sông Seine để về Pont-Audemer theo đường Saint-Sever và Bourg-Achard; và, sau tất cả mọi người, là vị tướng chỉ huy đi bộ, giữa hai viên sĩ quan hầu, vẻ tuyệt vọng, không còn thi thố được gì với đám tàn quân tan tác này nữa, vì chính hắn cũng bàng hoàng trong cảnh tan rã lớn của một dân tộc vốn quen chiến thắng và nay bị đại bại thảm khốc mặc dầu dân tộc đó vẫn có một truyền thống anh dũng truyền kỳ.
Rồi một bầu không khí vô cùng yên tĩnh, một sự đợi chờ kinh hoàng và lặng lẽ bay lượn trên thành phố. Nhiều anh tư sản bụng phệ, mà nghề buôn đã làm trở nên hèn đớn, lo lắng đợi những kẻ chiến thắng và run lên cầm cập vì sợ người ta coi những cái xiên thịt quay hoặc những con dao lớn làm bếp của họ là vũ khí.
Cuộc sống dường như ngừng lại, các cửa hiệu đóng kín mít, phố xá câm lặng. Thỉnh thoảng một người dân, sợ hãi vì sự im ắng đó, len lén vút đi men theo các bờ tường.
Nỗi khắc khoải lo âu của đợi chờ khiến người ta mong quân thù mau đến cho xong.
Quân đội Pháp rút đi hôm trước thì quá trưa hôm sau vài tên kỵ binh xung kích, không biết từ đâu chui ra, vụt qua phố rất nhanh. Rồi, sau đó một chút, một đám quân đông đặc từ trên đồi Nữ thánh Catherine tràn xuống trong khi hai đợt sóng xâm lăng khác xuất hiện trên các đường đi Darnetal và Boisguillaume. Tiền đội của ba binh đoàn, đúng vào cùng một lúc, liên lạc với nhau ở quảng trường toà thị sảnh; và từ khắp các phố lân cận, quân Đức đổ tới, đội ngũ diễu đi, bước nhịp đều, nện gót choang choang trên mặt đường đá tảng.
Những hiệu lệnh hô bằng một giọng lạ tai, ồm ồm, cất lên dọc theo các căn nhà dường như chết và vắng lặng, trong khi, ở sau cửa chớp đóng kín, những con mắt đang rình ngó những người chiến thắng ấy, chủ nhân ông của đô thị, của mọi tài sản và sinh mệnh, chiếu theo “Luật chiến tranh”. Trong các buồng tối âm u, dân thành phố đang hốt hoảng như khi có thiên tai, những biến động tàn khốc lớn của trái đất mà bất cứ sự khôn ngoan nào, sức mạnh nào đối phó lại cũng đều là vô ích. Vì cũng vẫn cái cảm giác ấy lại xuất hiện mỗi lần trật tự sự vật bị đảo lộn, an ninh không còn nữa, và tất cả những gì vốn được luật pháp của loài người hoặc quy luật thiên nhiên che chở thì nay đều bị phó mặc cho một sức tàn bạo vô ý thức và hung dữ. Trận động đất đè bẹp cả một dân tộc dưới những nhà cửa đổ sụp, con sông tràn bờ cuốn theo bao nông dân chết đuối cùng với xác bò và giầm xà bị đứt tung ra khỏi mái nhà, hoặc đoàn quân chiến thắng tàn sát những người dám tự vệ, bắt những người khác làm tù binh, ỷ vào thế lưỡi Gươm để cướp phá và cảm tạ một vị thượng đế nào đấy bằng tiếng đại bác, tất cả những cái đó đều là những tai ương khủng khiếp làm đảo lộn mọi tin tưởng vào Công lý Vĩnh cửu, tất cả lòng tin mà người ta vẫn dạy bảo xưa nay vào sự che chở của Trời và lý tính của con Người.
Song có những đơn vị nhỏ đến gõ cửa từng nhà, rồi biến vào bên trong. Đó là cảnh chiếm đóng sau cuộc xâm lăng. Bắt đầu từ giờ những kẻ bị thua có bổn phận phải tỏ ra niềm nở đối với kẻ thắng.
Một thời gian sau, khi nỗi khiếp sợ ban đầu đã qua, một cảnh yên tĩnh mới được thiết lập. Trong nhiều nhà, tên sĩ quan Phổ ăn cùng với gia đình. Cũng có khi hắn là người có giáo dục, và, vì lễ độ, hắn ái ngại cho nước Pháp, nói lên lòng chán ghét phải tham gia cuộc chiến tranh này. Người ta biết ơn hắn vì chút tỏ tình đó; vả chăng, có thể một ngày nào đấy người ta sẽ cần đến sự che chở của hắn. Nương nhẹ hắn biết đâu chẳng được bớt đi vài người phải nuôi ăn. Và tại sao lại làm phật ý một kẻ mình phải hoàn toàn tuỳ thuộc chứ? Làm như vậy chẳng phải là dũng cảm gì mà là liều lĩnh. - Và sự liều lĩnh chẳng còn là một khuyết điểm của thị dân Rouen, như thời thành phố của họ đã nổi danh trong những cuộc chiến đấu anh dũng chống ngoại xâm. - Sau hết người ta tự nhủ, và đây là lý do tối cao căn cứ vào tính lịch sử của người Pháp, rằng ở trong nhà thì rất được phép có lễ độ miễn là ra nơi công chúng đừng có tỏ vẻ thân tình với lính ngoại quốc. Ra ngoài thì không quen biết gì nhau nữa, nhưng ở nhà thì họ vui lòng trò chuyện, và tên Đức mỗi buổi tối lại ngồi rốn lâu hơn để sưởi ở lò sưởi chung.
Ngay thành phố cũng dần dần trở lại quang cảnh bình thường. Người Pháp còn ít bước chân ra ngoài, nhưng lính Phổ thì lúc nhúc trên các đường phố. Vả chăng bọn sĩ quan khinh kỵ áo lam ngạo nghễ kéo lê trên mặt đường những khí cụ lớn giết người, đối với các công dân thường hình như cũng không tỏ vẻ khinh bỉ gì quá lắm so với bọn sĩ quan bộ binh năm trước cũng uống rượu ở các quán cà phê ấy.
Tuy nhiên, vẫn có cái gì trong không khí, một cái gì tinh vi và mới lạ, một bầu không khí ngoại lai không chịu được, như một mùi gì lan rộng, cái mùi ngoại xâm. Nó tràn vào đầy các nhà và các quảng trường, thay đổi vị các món ăn, cho người ta có cảm giác như đi xa, xa lắm, đến xứ sở của những bộ lạc man rợ và nguy hiểm.
Những kẻ chiến thắng đòi hỏi tiền, rất nhiều tiền. Dân thành phố vẫn cứ trả, vả chăng họ cũng giàu. Song một anh lái buôn miền Normandie khi càng trở nên giàu có bao nhiêu thì mỗi hy sinh, mỗi tí chút của cải của họ chuyển sang tay kẻ khác lại càng làm họ cay đắng bấy nhiêu.
Nhưng dọc theo dòng sông, phía dưới thành phố hai ba dặm, về phía Croisset, Dieppedalle hoặc Biessart, các thuỷ thủ và những người đánh cá thường lôi từ đáy sông lên một vài xác bọn Đức trương phềnh trong bộ quân phục, bị giết bằng một nhát dao hay một miếng đá ác hiểm, đầu dập nát bằng một tảng đá, hoặc bị đẩy từ trên một chiếc cầu cao xuống nước. Bùn dưới sông vùi kín những cuộc trả thù bí mật, tàn bạo và chính đáng ấy, những hành động anh hùng không ai biết, những cuộc tấn công thầm lặng, nguy hiểm hơn những trận chiến đấu giữa thanh thiên bạch nhật và không có tiếng vang lừng lẫy của vinh quang.
Vì lòng căm thù kẻ Nước ngoài bao giờ cũng võ trang cho một vài người Quả cảm sẵn sàng chết vì một Lý tưởng.
Sau cùng, vì những kẻ xâm lăng, tuy bắt thành phố phải chịu cái kỷ luật hà khắc của chúng, nhưng chưa hề làm một việc gì giống những điều kinh khủng như tiếng đồn lừng lên là chúng đã phạm suốt dọc đường tiến quân chiến thắng, cho nên người ta cũng mạnh dạn dần, và sự cần buôn bán lại khiến các thương nhân phải băn khoăn suy tính. Một vài người có những quyền lợi lớn vướng mắc ở Le Havre do quân Pháp đóng, họ muốn thử tới cảng đó bằng cách đi đường bộ đến Dieppe, rồi từ đấy xuống tàu.
Người ta lợi dụng bọn sĩ quan Đức mà người ta đã làm quen, và xin được của viên tướng tổng tư lệnh một giấy thông hành.
Vậy là sau khi đặt thuê một cỗ xe lớn bốn ngựa cho cuộc hành trình ấy, với mười người ghi tên ở nhà chủ xe, họ quyết định ra đi vào một buổi sớm thứ ba, trước lúc trời sáng rõ, để tránh sự tụ tập đông người.
Gió rét ít lâu nay đã làm mặt đất rắn lại, và hôm thứ hai, vào khoảng ba giờ sáng, những đám mây đen lớn từ phương bắc đem tuyết đến, tuyết rơi không lúc nào ngớt suốt chập tối và suốt đêm.
Đến bốn giờ rưỡi sáng, các hành khách họp nhau trong sân Lữ quán Normandie để lên xe.
Họ đều còn ngái ngủ, và rét run cầm cập dưới lần chăn mềm. Trong đêm tối họ không trông thấy rõ nhau, và mớ quần áo rét nặng, mặc lồng mấy lớp, làm cho tất cả những thân hình kia chẳng khác gì những cha cố bụng phệ, mặc áo thầy tu dài thượt. Nhưng hai người đàn ông nhận ra nhau, một người thứ ba đến gần họ, và họ trò chuyện: “Tôi đem nhà tôi đi theo”, một người nói. “Tôi cũng thế.” “Tôi cũng vậy.” Người đầu tiên nói thêm: “Chúng tôi sẽ không trở về Rouen làm gì, và nếu quân Phổ đến gần Le Havre thì chúng ta sẽ sang Anh.” Tất cả đều có những ý định như nhau, vì tính chất họ giống nhau.
Tuy nhiên, chưa thấy người ta thắng xe. Thỉnh thoảng một chiếc đèn kính nhỏ do một bác mã phu xách, ló ra ngoài một khuôn cửa tối om để rồi lại biến ngay vào trong một cửa khác. Tiếng chân ngựa giậm xuống đất, nghe êm đi vì có lớp phân ổ lót chuồng, và ở cuối ngôi nhà có tiếng người nói với súc vật, vừa nói vừa rủa. Một tiếng nhạc ngựa nhè nhẹ báo hiệu người ta đang sửa soạn yên cương; không mấy chốc thứ tiếng nho nhỏ ấy rung lên rõ và rền, nhịp theo cử động con vật, đôi khi ngừng lại, rồi lại dội lên đột ngột, kèm theo là tiếng móng sắt ngựa nện xuống đất lộp cộp.
Cánh cửa bỗng nhiên đóng sập lại. Mọi tiếng động đều im bặt. Mấy người thị dân rét cóng không trò chuyện nữa: họ đứng yên, người cứng đờ.
Một màn bông tuyết trắng mịt mù óng ánh không ngừng trong khi rơi xuống đất, xoá các hình thù, rắc lên mọi vật một lớp bọt băng, và trong cái im lặng mênh mông của thành phố yên tĩnh, chìm đắm trong mùa đông, chỉ còn nghe thấy cái thứ tiếng lao xao mơ hồ và chơi vơi của tuyết rơi, không biết gọi là gì cho được, một cảm giác đúng hơn là một tiếng động, sự xáo trộn của những vật li ti nhẹ bỗng hình như tràn ngập không gian, bao phủ thế giới.
Người đàn ông lại ló ra với chiếc đèn kính, tay cầm dây thừng lôi một con ngựa buồn thỉu chẳng chịu cất bước. Bác ta đặt ngựa đứng sát cán xe, buộc các dây kéo, vòng đi vòng lại quanh xe hồi lâu để gò chắc yên cương, bác chỉ dùng được có một tay, tay kia còn xách đèn. Khi sắp sửa đi tìm con ngựa thứ hai, bác chợt nhận thấy đám hành khách đứng không nhúc nhích, người đã trắng xoá vì tuyết, bác liền bảo họ: “Tại sao các ông các bà không lên xe mà ngồi? ít ra cũng còn tránh được tuyết.”
Hẳn là họ đã không nghĩ tới điều đó, thế là họ hấp tấp lên xe. Ba người đàn ông cho vợ ngồi vào trong cùng, và bước lên sau; rồi những người khác, bóng dáng mờ mờ, không rõ hình thù, cũng lần lượt ngồi vào chỗ còn lại, chẳng nói với nhau một lời.
Sàn xe có rải rơm, chân họ thúc vào đó. Các bà ngồi ở trong cùng, vì có mang theo những lồng ấp nhỏ bằng đồng với một thứ than hoá học, liền đốt lên, và trong chốc lát họ thì thào kể ra những cái tiện lợi của lồng ấp, nhắc lại với nhau những điều họ đã biết từ lâu.
Sau cùng, xe đã thắng xong, với sáu chứ không phải bốn ngựa vì phải kéo nặng hơn: một tiếng nói bên ngoài hỏi: “Mọi người lên xe cả chưa?” Một tiếng nói bên trong đáp: “Lên cả rồi.” Thế là người ta lên đường.
Xe đi chầm chậm, thủng thỉnh bước một. Bánh xe lún xuống tuyết; thùng xe rền rĩ, kêu răng rắc; mấy con ngựa trượt chân, thở phì phò, hơi bốc trên mình, và chiếc roi to tướng của bác xà ích không ngừng quất đen đét tứ phía, xoắn vào rồi lại mở ra như một con rắn mỏng mình, và đột nhiên quất vào một cái mông béo mẫm, khiến nó lại căng lên vì gắng sức mạnh hơn.
Nhưng trời cứ sáng dần từ lúc nào không biết. Những bông tuyết nhẹ mà một du khách, vốn là dân Rouen chính cống, đã ví với một trận mưa bông, không còn rơi nữa. Một thứ ánh sáng bẩn, lọt qua những đám mây lớn, đen và nặng, làm cho màu trắng của đồng quê càng rực rỡ hẳn lên, đó đây xuất hiện một hàng cây to phủ đầy sương giá hoặc một túp nhà tranh, mái phủ kín tuyết trông như cái mũ chóp.
Trong xe, dưới ánh sáng ảm đạm của buổi bình minh ấy, mọi người tò mò nhìn nhau.
Ở tận trong cùng, chiếm những chỗ tốt nhất và đang ngủ gà ngủ gật trước mặt nhau, là hai vợ chồng Loiseau, nhà buôn rượu vang ở phố Cầu Lớn.
Nguyên là tài công cho một người chủ bị phá sản trong kinh doanh, Loiseau đã mua lại cửa hiệu của chủ và trở nên giàu có. Hắn bán rượu vang mạt hạng thật rẻ cho các cửa bài nhỏ ở thôn quê, và những người quen biết cùng bạn hữu hắn vẫn coi hắn là một gã bịp bợm quỷ quyệt, một anh chàng Normand chính cống, lắm mưu mô quỷ quyệt và vui tính.
Hắn lừng tiếng ăn cắp đến nỗi, một buổi tối kia, ở dinh quận trưởng, ông Tournel, tác giả những bài ngụ ngôn và ca vè, một người có đầu óc châm biếm sâu cay và tế nhị, một danh nhân của địa phương, thấy các bà có vẻ hơi buồn ngủ liền đề nghị với các bà chơi trò “Chim bay”*; chính hai tiếng đó cũng bay qua các phòng khách của ông quận trưởng, rồi truyền sang các phòng khách khác trong thành phố, làm cho toàn tỉnh cười bò ra suốt một tháng ròng.
“Loiseau vole”, lối chơi chữ không dịch được. Chữ Pháp viết Loiseau (tên người) đọc lên đồng âm với L’oiseau (con chim); và động từ vole, vừa có nghĩa là bay, vừa có nghĩa là ăn cắp. Vậy khi nói Loiseau vole người ta có thể hiểu là “chim bay” hay “Loiseau ăn cắp”. Trên đây, chúng tôi chỉ dịch theo nghĩa thứ nhất, để giữ ý nghĩa của động từ “bay”, được cố ý nhắc lại ngay ở câu dưới.
Ngoài ra Loiseau còn nổi tiếng vì những trò tinh nghịch đủ kiểu, những câu bông đùa hay hoặc dở của hắn, và hễ nói đến hắn là không ai không chém ngay tức khắc: “Cái thằng cha Loiseau ấy thật không chê được!”
Người hắn nhỏ bé, bụng hắn phưỡn ra tròn như quả bóng, bên trên là một bộ mặt đỏ tía giữa hai chòm râu má đã hoa râm.
Vợ hắn, to lớn, khoẻ mạnh, rắn rỏi, tiếng nói oang oang và ý định mau lẹ, là người cầm cân nảy mực trong cái cửa hiệu mà sự hoạt động vui vẻ của hắn thúc đẩy cho thêm náo nhiệt.
Ngồi bên cạnh họ, trịnh trọng hơn, thuộc một giai cấp cao hơn, là ông Carré-Lamadon, một người tai mặt, có địa vị lớn trong ngành kinh doanh bông, chủ ba nhà máy dệt, đệ tứ đẳng Bắc đầu bội tinh và có chân trong Hội đồng hàng quận. Suốt thời kỳ Đế chính, ông ta vẫn là thủ lĩnh của phái đối lập ôn hoà, chỉ cốt để được đền bù đắt giá hơn sau này khi ông ngả theo cái chính thể mà ông đã đấu tranh chống lại bằng những vũ khí lịch sự, theo lối nói của chính ông. Bà Carré-Lamadon, trẻ hơn chồng nhiều, vẫn còn là nguồn an ủi của những sĩ quan con nhà dòng dõi về đồn thú ở Rouen.
Bà ta ngồi đối diện với chồng, trông thật là bé bỏng, thật là kháu khỉnh, thật là xinh đẹp, co ro trong những bộ lông thú và chán ngán nhìn cái thùng xe tồi tàn, thảm hại.
Ngồi bên cạnh bà, vợ chồng bá tước Hubert de Bréville là những người mang một trong những dòng họ kỳ cựu nhất và quý phái nhất xứ Normandie. Vốn là nhà quý tộc già phong thể đường bệ, dáng người tự nhiên giống vua Henri đệ tứ, bá tước lại cố ăn mặc thật khéo léo để mình thêm giống nhà vua hơn, vì theo một truyền thuyết vẻ vang cho gia đình, nhà vua đã làm cho một phu nhân trong họ Bréville có mang, khiến đức phu quân vì thế mà được phong bá tước và làm tổng trấn một tỉnh.
Đồng nghiệp với ông Carré-Lamadon tại hội đồng hàng quận, bá tước Hubert đại diện cho phái bảo hoàng Orléans ở trong tỉnh. Chuyện ông kết hôn với con gái một chủ tàu nhỏ ở Nantes đến nay vẫn còn là điều khó hiểu. Song vì bá tước phu nhân có phong cách đại gia, biết tiếp khách giỏi hơn ai hết, lại có tiếng là đã được một hoàng tử của đức vua Louis-Philippe yêu dấu, cho nên tất cả giới quý tộc đều hoan nghênh bà, và phòng khách của bà vẫn là đứng đầu trong xứ, nơi độc nhất còn giữ vẻ hào hoa phong nhã cũ, và được lui tới đó không phải là chuyện dễ dàng.
Người ta đồn gia sản nhà Bréville, toàn là của chìm, lên tới năm mươi vạn quan lợi tức.
Sáu người ấy ngồi ở trong cùng họp thành giới xã hội có tiền của, thanh thản và thế lực, những người lương thiện đáng mặt, sùng đạo và sống có nguyên tắc.
Do một sự tình cờ kỳ lạ, tất cả các bà đều ngồi cùng một ghế; và bên cạnh bà bá tước còn có thêm hai bà phước ngồi lần những chuỗi tràng hạt dài, nhẩm đọc kinh Lạy cha và kinh Kính mừng. Một bà thì già, mặt rỗ nhằng rỗ nhịt vì bệnh đậu mùa, tựa như bị một loạt đạn ghém bắn thẳng vào ngay giữa mặt. Còn bà kia rất ẻo lả, mặt nom xinh xắn và ốm yếu với bộ ngực ho lao, bị vạc dần đi vì một lòng sùng tín mãnh liệt thường tạo nên những con người tử vì đạo và những con người được thần cảm.
Đối diện với hai bà phước có một người đàn ông và một người đàn bà khiến mọi người đều chú ý.
Người đàn ông rất nhiều người biết, là Cornudet dân chủ, nỗi kinh hoàng của tất cả những hạng người đứng đắn. Đã hai mươi năm nay y nhúng bộ râu đỏ kệch của y vào những cốc vại của mọi tiệm cà-phê dân chủ. Cùng với các anh em và bạn hữu, y đã phá tán một gia tài khá lớn thừa hưởng của ông bố, vốn là một nhà làm mứt kẹo, và y sốt ruột chờ đợi nền Cộng hoà để có được cái địa vị xứng đáng với biết bao khoản tiêu xài cách mạng như thế. Ngày mồng bốn tháng chín*, có lẽ do một trò đùa nghịch, y đã tưởng mình được bổ nhiệm quận trưởng; nhưng khi y muốn đến nhận chức thì các nhân viên chạy giấy, những người độc chiếm trụ sở lúc bấy giờ, không chịu thừa nhận y, thế là y bắt buộc phải rút lui. Vả lại, vốn là một anh chàng tốt bụng, hiền lành và hay giúp đỡ, y đã lo tổ chức chống lại quân thù với một lòng hăng hái không ai bì kịp. Y đã cho đào hố ở cánh đồng, ngả hết các cây non của những rừng lân cận, đặt cạm bẫy trên tất cả các nẻo đường, và, khi quân thù sắp kéo đến thì, hài lòng vì công cuộc chuẩn bị đó, y vội vã rút về thành phố. Bây giờ y nghĩ rằng đến Le Havre y sẽ giúp ích được nhiều hơn, vì ở đấy rồi đây hẳn là cần phải có những công sự phòng ngự mới.
Ngày 4-9-1870: Napoléon III bị truất ngôi do những thất bại của trận chiến tranh Pháp-Đức (1870-1871), và nền Cộng hoà được tuyên bố thành lập.
Người đàn bà, thuộc hạng người ta gọi là điếm đàng, nổi tiếng vì cái thân hình sớm đẫy đà khiến cô ta đã được đặt tên là Viên Mỡ Bò*. Người thấp nhỏ, chỗ nào cũng tròn trĩnh, núng nính những mỡ, với các ngón tay nần nẫn thắt lại ở các đốt trông tựa những chuỗi dồi ngắn, làn da bóng nhẫy và căng, một bộ ngực đồ sộ, lồ lộ dưới lần áo, cô ta tuy vậy trông vẫn còn ngon mắt và được theo đuổi nhiều, vẻ xuân sắc của cô thật đáng ưa nhìn. Mặt cô là một trái táo đỏ, một nụ thược dược sắp nở, và ở phía trên khuôn mặt ấy là một đôi mắt mở ra đen láy, tuyệt đẹp, ẩn dưới hai hàng mi dày rủ bóng, phía dưới, một khuôn miệng hẹp, có duyên, ướt át gợi tình, với hàm răng nhỏ xíu, trắng bóng.
Ngụ ý người mũm mĩm, béo tròn, núng nính. Vì không tìm được hình ảnh tương đương trong tiếng Việt, nên chúng tôi đành dịch sát nguyên vẹn.
Ngoài ra, người ta bảo cô còn có nhiều đức tính quý hoá vô cùng.
Mọi người vừa nhận ra cô thì lập tức có những lời thì thào lan ra trong đám mấy bà mệnh phụ, và những tiếng “đồ đĩ”, “xấu hổ chung” được xì xào quá to khiến cô phải ngẩng đầu lên. Cô ta bèn đưa mắt nhìn khắp lượt những người ngồi chung quanh, một cái nhìn khiêu khích và táo bạo đến nỗi mọi người tức khắc im thin thít, và ai nấy đều cúi mặt xuống, trừ có Loiseau là cứ dòm ngó cô, vẻ khoái trá.
Nhưng không bao lâu ba bà kia lại tiếp tục nói chuyện, sự có mặt của cô gái điếm làm cho ba bà bỗng chốc trở nên thân thiện, hầu như thành những bạn chí thiết. Dường như các bà thấy rằng cần phải đem cái phẩm cách đoan trang làm vợ của các bà ra kết lại với nhau thành một khối trước mặt kẻ bản thân vô liêm sỉ nọ; vì bao giờ tình yêu hợp pháp cũng lên mặt coi khinh bạn đồng nghiệp tự do của nó.
Ba người đàn ông cũng nhích lại gần nhau vì một bản năng bảo thủ trước mặt Cornudet; họ nói chuyện tiền bạc với một thứ giọng miệt thị người nghèo. Bá tước Hubert kể chuyện thiệt hại của ông do bọn Phổ gây ra, những mất mát vì gia súc bị đánh cắp và mùa màng thất thu, với cái vẻ vững vàng tự tin của một chúa đất lớn, giàu thiên ức vạn tải, mà những chuyện phá hại đó bất quá chỉ làm phiền ông đến một năm là cùng. Ông Carré-Lamadon, bị tổn thất nặng trong nghề dệt, đã cẩn thận gửi sáu trăm ngàn quan sang nước Anh, làm món tích cốc phòng cơ* để đối phó với bất cứ hoàn cảnh nào. Còn về phần Loiseau thì hắn đã khéo thu xếp bán hết mọi thứ rượu vang hạng thường còn lại trong hầm rượu cho Sở Quân nhu Pháp, thành thử Nhà nước mang nợ hắn một số tiền kếch xù mà hắn mẩm tính sẽ lĩnh được ở Le Havre.
Nguyên văn: một quả lê phòng khi khát.
Và cả ba người đưa nhanh mắt nhìn nhau thân thiện. Tuy xuất thân khác nhau, họ đều cảm thấy là anh em vì đồng tiền, cùng ở trong cái hội tam điểm lớn* những người có của, cứ thọc tay vào túi quần là vàng kêu lên xủng xoẻng.
Hội tam điểm: một hội kín.
Xe đi chậm đến nỗi mười giờ sáng vẫn chưa qua được bốn dặm đường. Các ông ba lần phải xuống xe đi bộ để vượt những quãng đường dốc. Mọi người bắt đầu lo ngại, vì đã dự tính sẽ ăn sáng ở Tôtes, mà bây giờ thì khó có hy vọng tới được đấy trước khi trời tối. Ai nấy đều đang nhòm ngó tìm một quán rượu bên đường thì bỗng chiếc xe đâm vào một đống tuyết, hai tiếng đồng hồ sau mới lôi được xe ra.
Cái đói mỗi lúc một tăng làm rối loạn tâm trí; mà chẳng thấy bóng dáng một hàng quán, một người bán rượu nào hiện ra hết, vì bọn Phổ đang tới gần với những đoàn quân Pháp đói lả kéo qua đã làm cho mọi ngành mọi nghề đều hoảng sợ.
Các ông chạy đi kiếm thức ăn ở các trại ấp bên đường, nhưng ngay đến bánh mì cũng chẳng tìm ra được. Người nông dân nghi kỵ đã cất giấu lương thực dự trữ, sợ bị cướp đoạt mất, vì đám quân lính chẳng có gì ăn thường cưỡng bức lấy bừa bất cứ cái gì họ tìm thấy.
Vào khoảng một giờ trưa, Loiseau tuyên bố rằng quả tình hắn thấy khá là đói. Mọi người cũng đều đói như hắn từ lâu, và nhu cầu ăn luôn luôn thúc bách đã giết chết cả mọi chuyện trò.
Thỉnh thoảng có ai đó ngáp vặt; một người khác hầu như bắt chước liền, và ai nấy cứ lần lượt, tuỳ theo tính nết, trình độ lịch sự và địa vị xã hội của mình, mà há hốc mồm ra một cách ầm ĩ hoặc khiêm tốn, bàn tay vội đưa lên che cái lỗ rộng toang hoác thở ra một làn hơi khói.
Viên Mỡ Bò đã nhiều lần cúi xuống, tựa hồ cô ta muốn tìm một cái gì dưới chân. Cô do dự một giây, nhìn những người ngồi bên, rồi lại an nhiên ngồi thẳng lên. Hết thảy các bộ mặt đều xanh nhợt và nhăn nhó. Loiseau quả quyết hắn sẵn sàng trả một ngàn quan một cái giăm-bông nhỏ. Vợ hắn có một cử chỉ như muốn cự lại, nhưng rồi mụ cũng ngồi yên. Cứ nghe nói đến tiền bị phung phí, là mụ ta thấy đau khổ, và ngay đến nói đùa về vấn đề ấy mụ ta cũng không hiểu nổi. Bá tước thì nói: “Sự thực thì tôi cũng thấy trong người khó chịu; làm thế nào mà tôi lại không nghĩ đến chuyện đem theo thức ăn nhỉ.” Ai cũng tự trách mình như thế.
Tuy nhiên, Cornudet có một bình đầy rượu rom; y đem ra mời; mọi người lạnh lùng từ chối. Chỉ có Loiseau nhấp vài giọt và, khi trao trả bình, hắn cảm ơn: “Dù sao cũng là tốt, nó làm cho ấm người lên, và đánh lừa cái đói.” Rượu vào hắn đâm ra vui tính, và hắn đề nghị làm như ở trên chiếc tàu nhỏ trong bài hát: là ăn thịt người hành khách béo nhất. Câu nói ấy gián tiếp ám chỉ Viên Mỡ Bò khiến những người có giáo dục thấy chối tai. Không ai đáp lại, chỉ riêng có Cornudet là mỉm cười. Hai bà phước lúc này đã ngừng lẩm bẩm lần tràng hạt, và ngồi yên, hai bàn tay thọc sâu vào ống tay áo rộng, cố tình cúi nhìn xuống, ý hẳn đang dâng lên trời nỗi đau khổ mà trời giáng xuống họ.
Sau cùng, đến ba giờ, xe đang đi giữa một cánh đồng mông mênh bất tận, chẳng thấy bóng một làng mạc nào trước mặt, Viên Mỡ Bò liền cúi ngay xuống, lôi ở gầm ghế ra một cái làn to, phủ một chiếc khăn ăn trắng.
Trước hết cô ta moi ở làn ra một chiếc đĩa sứ nhỏ, một cốc bạc xinh xắn, rồi đến một cái liễn sành rộng đựng hai con gà giò đã chặt sẵn từng miếng, ướp một lớp mỡ đông; người ta trông thấy ở trong làn còn nhiều thứ ngon lành khác gói ghém cẩn thận, nào ba-tê, nào quả tươi, nào kẹo bánh, những thức ăn chuẩn bị cho một cuộc hành trình ba ngày, để khỏi phải đụng đến món ăn các quán trọ. Giữa các gói thức ăn, thò ra bốn cái cổ chai. Cô ta cầm lấy một chiếc cánh gà và bắt đầu ăn nhỏ nhẻ với một chiếc bánh mì nhỏ, thứ bánh ở Normandie người ta vẫn gọi là bánh “Nhiếp chính”.
Mọi con mắt đều đổ dồn vào cô ta. Rồi mùi thơm toả lên, làm các cánh mũi nở rộng, nước miếng ứa ra đầy miệng mọi người và quai hàm co lại nhức nhối ở phía dưới tai. Lòng khinh bỉ của các bà đối với cô gái đĩ ấy trở nên dữ tợn, cơ hồ các bà muốn giết chết cô ta hay quẳng cô ra khỏi xe, ném xuống tuyết, cả cô ta lẫn chiếc cốc, cái làn và các thức ăn của cô.
Nhưng Loiseau hau háu nhìn cái liễn đựng thịt gà. Hắn nói: “Hay quá, bà đây đã khéo lo xa hơn chúng tôi. Ấy có những người bao giờ cũng biết lo liệu chu đáo mọi chuyện.” Cô ta ngẩng đầu lên nhìn hắn: “Thưa ông, ông vui lòng xơi một chút chăng? Từ sáng đến giờ mà nhịn đói kể cũng gay.” Hắn cúi đầu cảm ơn: “Quả tình, xin thú thực là tôi không dám từ chối, tôi không sao kham nổi nữa. Gặp thế nào hay thế ấy*, phải không, thưa bà?” Và nhìn quanh mọi người một lượt, hắn nói tiếp: “Trong những bước như thế này, mà gặp được người giúp đỡ mình thì thật là dễ chịu.” Sẵn có một tờ báo hắn liền trải ra để khỏi giây bẩn quần, rồi, với mũi con dao lúc nào cũng nằm trong túi, hắn xóc một chiếc đùi gà bóng nhẫy mỡ đông, lấy răng xé ra, rồi nhai, với một vẻ thoả mãn quá hiển nhiên, khiến trong xe nổi lên một tiếng thở dài thật não nuột.
Nguyên văn: “Ra trận thì phải theo lối ở ngoài trận.” Ý nói phải tùy cơ ứng biến, thích nghi với hoàn cảnh khó khăn.
Song Viên Mỡ Bò, với một giọng khiêm tốn và dịu dàng, mời hai bà phước cùng ăn lót dạ với cô. Cả hai bà nhận ngay lập tức và, không hề ngẩng mặt lên, bắt đầu ăn luôn rất nhanh sau khi ấp úng lẩm bẩm mấy lời cảm ơn. Cornudet cũng không từ chối lời mời của cô gái ngồi bên, và cùng với hai bà phước, họ trải rộng tờ báo lên đầu gối làm một thứ bàn ăn.
Mấy cái miệng hết há ra lại ngậm vào, nuốt, nhai, ngốn lấy ngốn để. Loiseau ngồi trong một góc hoạt động rất mạnh và thì thầm bảo vợ hãy nên bắt chước mình. Mụ cố cầm cự hồi lâu rồi, sau một cơn đau quặn ruột gan, mụ ta đành chịu thua. Thế là, Loiseau lựa lời thật ngọt ngào, lịch sự hỏi “bà bạn quý” có cho phép hắn mời bà Loiseau ăn tí chút được không. Cô ta nói: “Thưa ông, vâng, có chứ ạ!” với một nụ cười niềm nở, và chìa cái liễn ra.
Khi mở đến chai rượu vang đỏ đầu tiên thì mọi người lúng túng: chỉ có mỗi một chiếc cốc. Họ bèn chuyền tay cho nhau sau khi chùi miệng cốc. Riêng có Cornudet, ý hẳn để tỏ ra phong nhã lịch sự, nhấp môi ngay vào chỗ miệng cốc còn ướt vì môi cô gái ngồi cạnh.
Thế là, bị bao người đang ăn vây quanh, ngột ngạt vì mùi thức ăn xông lên, vợ chồng bá tước de Bréville và ông bà Carré-Lamadon phải chịu cái tội cực hình ghê gớm xưa nay vẫn được gọi là tội Tantale*. Bỗng chốc bà vợ trẻ của ông chủ nhà máy thốt lên một tiếng thở hắt khiến mọi người phải quay đầu lại, mặt bà ta trắng bệch chẳng khác gì tuyết bên ngoài; hai mắt bà nhắm lại, đầu gục xuống: bà ta ngất đi. Ông chồng hoảng hốt cầu cứu tất cả mọi người. Ai nấy đang hoang mang không biết làm thế nào thì bà phước có tuổi nhất đã nâng đầu người ốm lên, ghé miệng cốc của Viên Mỡ Bò vào môi bà Carré-Lamadon và đổ cho bà ta nuốt vài giọt rượu vang. Bà mệnh phụ xinh đẹp khẽ cựa mình, mở mắt ra, mỉm cười, và nói với một giọng lả đi như sắp chết là giờ bà ta đã thấy dễ chịu nhiều. Nhưng, để cho chuyện đó khỏi tái diễn, bà phước bắt buộc bà ta phải uống hết một cốc đầy rượu vang đỏ và nói thêm: “Đó chỉ là vì đói thôi, chẳng phải chuyện gì khác đâu.”
Trong thần thoại Hy Lạp, Tantale bị hành tội trói vào thân cây nặng trĩu quả, nhưng không với tới được, nước dâng lên gần miệng nhưng không uống được, trong khi y đói khát như cào cấu ruột gan.
Thế là Viên Mỡ Bò đỏ mặt và lúng túng, nhìn bốn vị hành khách còn nhịn đói, ấp úng nói: “Trời ơi, giá tôi dám đường đột mời mấy quý ông quý bà đó…” Cô ta im bặt sợ lỡ lời xúc phạm chăng. Loiseau lên tiếng: “Ôi chà, trong những lúc như lúc này mọi người đều là anh em cả và phải giúp đỡ lẫn nhau. Nào thôi, các bà, xin đừng khách khí: các bà nhận lời đi, chứ còn gì nữa! Chưa chắc chúng ta có tìm ra được nhà để ngủ đêm không. Xe chạy thế này thì trưa mai cũng chưa đến được Tôtes đâu.” Mọi người phân vân, không ai dám nhận cái trách nhiệm nói “vâng”. Nhưng ông bá tước giải quyết ngay vấn đề. Ông ta quay lại phía cô gái to béo còn đang ngỡ ngàng e sợ, và lấy cái vẻ đại gia quý tộc, nói với cô ta: “Thưa bà, chúng tôi xin nhận lời và chịu ơn bà.”
Chỉ có bước đầu là khó. Vượt qua sông Rubicon rồi*, người ta cứ việc tự do thả cửa. Cái làn được dốc ra hết. Nó còn đựng một súc ba-tê gan bọc mỡ, một cái chả chim*, một miếng lưỡi lợn sấy, mấy quả lê vùng Crassane, một tảng phó mát Pont-Lévêque, những bánh bỏ lò và một chén đầy dưa chuột và hành ngâm dấm vì Viên Mỡ Bò, cũng như mọi phụ nữ, rất thích rau dưa sống.
Con sông nhỏ ngăn cách nước Ý với xứ Gaule. Để bảo vệ thành La Mã, chống lại quân Gaule, Nguyên lão viện đã ra một quyết nghị nổi tiếng tuyên bố là phản quốc và nguyền rủa kẻ nào đem quân không kể nhiều ít, vượt qua sông đó. César coi khinh lệnh cấm ấy, vượt qua sông mà kêu lên “Số phận đã quyết định!” Người ta thường nhắc lại lời nói này mỗi khi quyết định một điều gì táo bạo và quan trọng, sau nhiều do dự; hoặc nói “vượt qua sông Rubicon” cũng là ngụ ý đó.
Nguyên văn: chả chim mauviette, tục danh của chim sơn ca béo nục.
Không thể cứ ăn thức ăn của cô mà không nói gì với cô. Thế là người ta trò chuyện, mới đầu còn dè dặt, rồi sau cởi mở hơn, vì thấy cô ta có thái độ rất đứng đắn. Hai bà de Bréville và Carré-Lamadon, vốn rất lịch thiệp, đã tỏ ra niềm nở tế nhị. Nhất là bà bá tước có cái vẻ hạ cố đáng yêu của các phu nhân đại quý tộc mà không một tiếp xúc nào có thể làm vấy bẩn, và bà đã tỏ ra dễ thương hết sức. Còn mụ Loiseau, tâm tính cục súc, thì vẫn lầm lì, nói ít mà ăn nhiều.
Tất nhiên mọi người nói chuyện về chiến tranh. Họ kể những hành động khủng khiếp của bọn Phổ, những hành vi dũng cảm của người Pháp; và tất cả bọn người đi trốn ấy đều tỏ lòng kính phục sự can đảm của người khác. Không mấy lúc người ta chuyển sang các câu chuyện riêng tư, và với một xúc động chân thành, với nhiệt tình trong lời nói mà đôi khi các có gái điếm thường có để diễn đạt những khích động tự nhiên của mình. Viên Mỡ Bò kể lại cô đã bỏ Rouen ra đi như thế nào: “Mới đầu tôi đã tưởng là tôi có thể ở lại được,” cô nói. “Nhà tôi đầy lương thực, và tôi muốn thà nuôi vài thằng lính còn hơn bỏ xứ sở mà đi chẳng biết nơi nào. Nhưng đến khi tôi trông thấy chúng, bon Phổ ấy, thì thực tôi không chịu nổi! Chúng làm tôi điên tiết, và suốt ngày tôi cứ khóc vì tủi hổ. Ồ! giả thử tôi là một người đàn ông, thì khỏi phải nói! Tôi đứng trong cửa sổ nhìn chúng, bọn lợn ỉ đội mũ chóp nhọn ấy, và cô ở nhà tôi cứ giữ chịt lấy tay tôi để ngăn không cho tôi quẳng đồ đạc vào đầu chúng. Rồi có những thằng vác mặt đến để ở nhà tôi, thế là tôi nhảy xổ ra bóp ngay cổ họng thằng đầu tiên. Bóp chết chúng cũng chẳng khó khăn gì hơn những thằng khác! Và nếu người ta không nắm tóc tôi lôi ra thì thằng ấy đã đi đời rồi. Sau đó tôi phải lẩn trốn. Cuối cùng, nắm được cơ hội, tôi đi liền, vì thế nên mới có mặt ở đây.”
Mọi người khen ngợi cô rất nhiều. Cô càng được những người bạn đường quý trọng thêm, họ đã không tỏ ra gan dạ được như thế; và trong khi nghe cô, Cornudet giữ nguyên nụ cười tán thành và đại độ của nhà truyền đạo, chẳng khác gì một linh mục nghe một người sùng tín ca ngợi Chúa, vì những nhà dân chủ râu dài vẫn giữ độc quyền về lòng yêu nước cùng như những người mặc áo thầy tu giữ độc quyền về tôn giáo vậy. Rồi đến lượt y nói với cái giọng thuyết giáo khoa trương học được ở những bản tuyên ngôn người ta vẫn dán hàng ngày trên tường, và y kết thúc bằng một thiên hùng biện trong đó y phết cho cái tên “Badinguet* chó má kia” một trận ra trò.
Badinguet: tên đặt cho Napoléon III (1803 - 1873), vua nước Pháp thời Đế chế thứ hai, từ 1852 - 1970.
Nhưng Viên Mỡ Bò liền nổi giận vì cô theo phái Bonaparte*. Mặt cô đỏ như gấc chín* và lắp bắp không ra lời vì phẫn nộ. “À phải! Cứ để bọn các ông vào địa vị ông ta, coi thử xem. Rồi hay hớm đáo để ra đấy, đúng thế! Chính các ông đã phản bội ông ta! Nếu để cái đám lêu lổng chơi bời như các ông cai trị thì người ta chỉ còn có việc bán sới nước Pháp mà đi thôi!” Cornudet không nao núng, vẫn giữ một nụ cười khinh khỉnh, bề trên; nhưng cảm thấy đôi bên sắp đến lúc nặng lời, ông bá tước vội xen vào và khó khăn lắm mới làm dịu được cô gái đang nổi khùng; ông tuyên bố một cách kẻ cả rằng tất cả mọi ý kiến thành thật đều đáng kính trọng. Song bà bá tước và bà chủ nhà máy, vốn mang sẵn trong tâm hồn lòng căm ghét mê muội của hạng người nề nếp đối với nền cộng hoà, và cái lòng quý mến tự nhiên của mọi phụ nữ đối với những chính phủ bề thế và chuyên chế, hai bà tuy không thích, nhưng đều cảm thấy gần gũi cô gái điếm đầy tự trọng nọ, sao mà có những cảm nghĩ giống các bà đến thế.
Phái Phục hưng Đế chế.
Nguyên văn: đỏ hơn một quả anh đào.
Cái làn đã rỗng tuếch. Mười miệng làm cho nó vơi cạn đi cũng chẳng khó khăn gì; người ta còn tiếc rẻ sao nó chẳng được to hơn nữa. Chuyện trò vẫn tiếp tục hồi lâu, nhưng cũng nhạt dần đi đôi chút sau khi mọi người đã ăn xong.
Đêm buông xuống, bóng tối dần dần thêm dày đặc, và cái lạnh càng thấy thấm thía hơn trong khi tiêu hoá, khiến Viên Mỡ Bò, mặc dù béo, cũng phải run lên. Bà de Bréville bèn mời cô dùng cái lồng ấp của mình, được thay than đã mấy lần từ sáng đến giờ, và cô nhận lời ngay, vì cô cảm thấy chân lạnh cứng. Các bà Carré-Lamadon và Loiseau thì đưa lồng ấp của mình cho hai bà phước.
Bác xà ích đã thắp đèn kính lên. Đèn soi sáng rực một làn hơi nước bốc lên trên bộ mông đẫm mồ hôi của đôi ngựa bên càng xe, và mặt tuyết hai bên đường hình như đang trải ra lần lần dưới ánh phản chiếu di động của ánh sáng đèn.
Chẳng còn nhìn rõ thấy gì trong xe nữa, nhưng đột nhiên có một cử động giữa Viên Mỡ Bò và Cornudet; và Loiseau, với con mắt soi mói vào bóng tối, hình như thấy anh chàng rậm râu né mạnh người đi, tựa hồ bị một quả thụi nên thân lặng lẽ tống vào người.
Những đốm lửa nhỏ hiện ra trên đường, phía trước mặt. Đó là Tôtes. Xe đã đi mười một giờ, cộng với hai giờ cho ngựa nghỉ bốn lần để ăn thóc, và lấy lại sức, thế là mười ba giờ. Xe đi vào thị trấn dừng lại trước Khách sạn Thương mại.
Cửa xe mở ra. Một tiếng động quen thuộc làm mọi hành khách giật mình: đó là những tiếng vỏ gươm chạm xuống đất. Lập tức có tiếng một tên Đức thét lên câu gì đó.
Mặc dù xe đã đứng yên, chẳng một ai bước xuống, như thể sợ ra khỏi xe là bị giết chết. Rồi người đánh xe xuất hiện, tay cầm chiếc đèn kính đột nhiên rọi chiếu vào đến tận cùng xe hai dãy mặt người hoảng hốt, mồm há hốc và mắt trợn trừng vì ngạc nhiên và sợ hãi.
Đứng bên bác xà ích, giữa ánh sáng, là một tên sĩ quan Đức, một gã thanh niên cao lớn, hết sức mảnh dẻ và tóc vàng, bộ quân phục bó chặt lấy người như một cô gái mặc áo nịt chẽn, trên đầu đội lệch chiếc mũ lưỡi trai phẳng và bóng láng, khiến y giống anh hầu bàn ở một khách sạn Anh Cát Lợi. Bộ ria quá khổ của y, với những sợi ria dài thẳng đuột, cứ thưa dần mãi ở hai bên và xe vút lại thành một sợi độc nhất màu vàng, quá nhỏ, thành thử không nhìn thấy rõ nó dài tới đâu là hết, dường như nó đè lên hai bên mép, và kéo sệch má, in lên đôi môi một nếp nhăn trễ xuống.
Y dùng tiếng Pháp vùng Alsace, giọng cứng nhắc mời các hành khách ra khỏi xe: “Quý ông, quý bà, các vị xuống xe đi chứ?”
Hai bà phước tuân lệnh đầu tiên với thái độ dễ bảo của các bà tu hành vốn quen chịu mọi sự phục tòng. Rồi đến ông bà bá tước, theo sau là vợ chồng ông chủ nhà máy, rồi đến Loiseau vừa đi vừa đẩy mụ vợ to béo đi trước. Vừa đặt chân xuống đất, hắn nói với tên sĩ quan: ”Xin chào ông” vì thận trọng nhiều hơn là vì lễ phép. Tên Đức, hỗn xược như những kẻ oai quyền hống hách, chỉ nhìn hắn mà không đáp.
Viên Mỡ Bò và Cornudet tuy ngồi gần cửa xe nhưng bước xuống sau cùng, nghiêm trang và kiêu kỳ trước mặt quân thù. Cô gái to béo tự kiềm chế và giữ bình tĩnh; nhà dân chủ thì đưa bàn tay bi đát và hơi run run lên mân mê bộ râu dài hung đỏ. Họ muốn giữ gìn phẩm cách, vì họ hiểu rằng trong những cuộc gặp gỡ như thế này mỗi người đều phần nào đại diện cho người mình; và, cùng chung một nỗi bất bình đối với thái độ quá mềm dẻo của các bạn đồng hành, cô ta chỉ cố tỏ ra kiêu hãnh hơn đám đàn bà lương thiện ngồi bên, còn anh chàng kia thì cảm thấy mình cần phải tiếp tục cái sứ mệnh phản kháng đã bắt đầu từ lúc đi phá hoại đường sá.
Mọi người vào cả nhà bếp rộng của quán trọ, và tên Đức sau khi bắt đưa trình giấy thông hành do viên tướng tổng tư lệnh ký và trong đó có ghi tên tuổi, nhận dạng và nghề nghiệp của mỗi hành khách, y ngắm nghía hồi lâu tất cả đám người này, so sánh từng người với những chỉ dẫn ghi trong giấy.
Rồi y đột ngột nói: “Được rồi”, và biến mất.
Mọi người thở ra nhẹ nhõm. Ai nấy đều còn đói và đặt ngay bữa ăn tối. Cần phải mất nửa giờ mới dọn ăn được; và, trong khi hai cô hầu bàn ra vẻ chăm lo việc ấy, mọi người đi thăm các phòng ngủ. Tất cả các phòng đều nằm dọc theo một hành lang dài, tận cùng là một cửa kính trên có ghi “con số biết nói”*.
Tức là phòng vệ sinh.
Sau cùng, khi mọi người sắp sửa ngồi vào bàn ăn thì chính chủ quán xuất hiện. Lão ta trước kia là một lái ngựa, người to béo, mắc bệnh hen, lúc nào cũng thở khò khè, giọng khản đặc, tiếng đờm suyễn rít trong cổ họng. Bố lão ta đã truyền lại cho lão cái tên Follenvie*.
Follenvie, đọc lên cũng như Folle envie, có nghĩa là: thèm muốn điên rồ.
Lão ta hỏi:
“Cô Élisabeth Rousset?”
Viên Mỡ Bò giật mình quay lại:
“Tôi đây.”
“Thưa cô, ngài sĩ quan Phổ muốn nói chuyện với cô ngay.”
“Với tôi?”
“Vâng, nếu cô đúng là Élisabeth Rousset.”
Cô ta bối rối, suy nghĩ một giây, rồi nói dứt khoát:
“Có thể là thế, nhưng tôi không đi.”
Chung quanh cô ta mọi người đều nhao cả lên, ai nấy đều bàn tán, đoán hiểu nguyên nhân của lệnh nọ. Ông bá tước lại gần:
“Thưa bà, như thế là bà sai trái đấy, vì bà mà từ chối thì có thể đem lại những trở ngại lớn, không những cho bà, mà còn cho tất cả các bạn đồng hành của bà nữa. Không bao giờ nên cưỡng lại những kẻ mạnh hơn ta. Lời yêu cầu đó chắc không có gì nguy hiểm đâu; ý hẳn chỉ vì quên một vài thủ tục nào đó thôi.”
Tất cả mọi người hùa theo ông bá tước, người ta van nài, người ta thúc giục, người ta quở trách cô, và cuối cùng người ta thuyết phục được cô, vì tất cả đều lo sợ những chuyện rắc rối có thể xảy ra vì một hành động liều lĩnh. Rút cục cô ta nói:
“Chỉ vì các ông, các bà mà tôi đi đấy thôi!”
Bà bá tước cầm lấy tay cô:
“Và vì thế chúng tôi xin cám ơn bà.”
Cô ta đi ra. Mọi người đợi cô để ngồi vào bàn ăn. Ai nấy đều lấy làm buồn bực đã không được gọi lên hỏi thay cho cô gái tợn tạo và nóng nảy ấy, và thầm chuẩn bị sẵn những lời khúm núm phòng trường hợp đến lượt mình bị gọi chăng.
Nhưng mười phút sau cô ta đã trở về, thở hổn hển, mặt đỏ gay, tức uất người. Cô lúng búng: “Ồ quân chó má! Quân chó má!”
Mọi người xúm lại hỏi chuyện, nhưng cô không nói gì hết, và sau ông bá tước cứ gặng mãi, cô trả lời một cách rất nghiêm trang: “Không, việc này không liên quan gì đến các ông, các bà, tôi không thể nào nói được.”
Thế là mọi người ngồi quây vào chung quanh một liễn xúp thơm nức mùi bắp cải. Mặc dầu có chuyện đáng lo nghĩ ấy, bữa ăn cũng vui vẻ. Rượu táo ngon, nên vợ chồng Loiseau và hai bà phước dùng rượu táo, để tiết kiệm. Những người khác gọi rượu vang. Cornudet thì đòi bia. Y có một lối đặc biệt mở nút chai, làm cho bia sủi bọt, nghiêng cốc nhìn, rồi nâng cốc lên soi qua đèn và thưởng thức kỹ màu sắc. Khi y uống, bộ râu rậm của y - nó vẫn giữ cái màu vẻ của món giải khát y ưa chuộng - dường như trìu mến rung lên, mắt y không ngừng theo dõi chiếc cốc vại đến thành lác trật, và trông y có vẻ như đang thực hiện cái chức năng duy nhất của đời y. Tưởng chừng như y đang xác lập trong đầu óc một sự kết hợp và hầu như một khối tương quan giữa hai thú say mê lớn choán hết cả cuộc đòi y: rượu bia Pale-Ale và cách mạng, và chắc chắn là y không thể nào thưởng thức thứ này mà không nghĩ đến thứ kia.
Vợ chồng lão Follenvie ngồi ăn ở mãi tận cuối bàn. Lão ta thở phì phò như một đầu máy xe lửa vỡ, ngực khò khè mạnh quá nên không thể nào vừa ăn vừa nói được, nhưng vợ lão không chịu im miệng lúc nào. Bà ta kể lể mọi cảm tưởng của mình khi bọn Phổ đến, nào chúng làm gì, nào chúng nói gì, bà ghét cay ghét đắng chúng trước hết vì chúng làm cho bà tốn của, và sau nữa là vì bà có hai con trai tại ngũ. Bà hay hỏi chuyện bà bá tước nhất, thích thú được chuyện trò với một vị phu nhân cao quý.
Rồi bà ta hạ thấp giọng để nói những chuyện tế nhị, và ông chồng thỉnh thoảng lại ngắt lời bà: “Im mồm đi thì hơn, bà Follenvie ạ.” Nhưng bà chẳng để ý gì đến lời chồng, và cứ nói tiếp:
“Vâng, thưa bà, cái quân ấy chỉ có ăn khoai tây và thịt lợn, và rồi lại thịt lợn và khoai tây. Và đừng có tưởng rằng chúng sạch sẽ gì đâu! Ồ, không! Nói vô phép bà chứ, chúng bậy bạ ra khắp mọi chỗ. Và giá bà trông thấy chúng tập tành hết giờ này sang giờ khác và hết ngày này sang ngày khác, chúng ra tất cả ngoài cánh đồng kia kìa: nào tiến lên, nào lùi xuống, nào quay đằng này, nào quay đằng nọ. Chẳng thà là chúng đi xới đất, giồng giọt, hoặc là chúng làm đường sá ở đất nước chúng! Nhưng không, thưa bà, cái bọn lính tráng ấy, thật chẳng được tích sự gì cho ai hết! Tội cho người dân đáng thương cứ phải nuôi chúng để chúng chỉ học độc có một trò giết chóc. Tôi chỉ là một mụ già vô học thật đấy, nhưng trông thấy cứ giậm chân đến nhọc thân xác bở hơi tai suốt từ sáng đến tối thì tôi tự bảo: Trong khi có những người phát minh bao nhiêu thứ để thành người hữu ích, sao lại có những kẻ tốn công tốn sức để đi gây tội hại thế? Quả thật, giết người, dù là người Phổ, hay người Anh, hay người Ba Lan, hay người Pháp đi nữa, chẳng phải là một chuyện gớm ghiếc hay sao? Nếu mình báo thù một kẻ nào đó đã hãm hại mình thì đó là việc xấu, vì mình bị kết tội, nhưng khi họ dùng súng ống giết con chúng ta như đi săn chim, săn thú thì lại là chuyện tốt, vì người ta chẳng ban thưởng huy chương cho kẻ nào giết được nhiều người nhất đó ư? Không, bà có thấy chăng, chẳng bao giờ tôi hiểu nổi điều đó!”
Cornudet lên tiếng:
“Chiến tranh là một sự dã man khi người ta đánh một người láng giềng đang sống yên lành, nhưng khi ta bảo vệ Tổ quốc thì đó là một bổn phận thiêng liêng.”
Bà già cúi đầu:
“Vâng, khi phải tự vệ thì đó là chuyện khác, nhưng các vua chúa gây ra chiến tranh để thoả ý thích của họ, sao người ta không giết chết họ đi có phải hơn không?”
Mắt Cornudet sáng lên:
“Hoan hô, nữ công dân!” Y nói.
Ông Carré-Lamadon suy nghĩ rất lung. Mặc dầu ông là kẻ cuồng nhiệt tôn sùng các tướng suý lừng lẫy chiến công, lương tri của bà con nông dân này làm ông nghĩ rằng ngần ấy cánh tay nhàn rỗi, vì vậy trở nên tốn kém, ngần ấy sức lực cứ để trong tình trạng không sản xuất, ví thử đem dùng cả vào những công trình công nghiệp lớn cần phải hàng thế kỷ mới hoàn thành thì sẽ làm cho một nước thịnh vượng biết chừng nào!
Nhưng Loiseau rời chỗ ngồi, đi lại nói chuyện thầm thì với chủ quán. Lão to béo phá ra cười, phát ho và khạc nhổ, cái bụng to tướng của lão cứ khoái trá rung lên vì những câu nói đùa của ông bạn ngồi bên, và lão đặt mua ngay của hắn sáu thùng nhỏ rượu vang đỏ cho vụ xuân, khi nào bọn Phổ cuốn xéo.
Ai nấy đều mỏi mệt rã rời cả nên bữa tối vừa xong, mọi người đi ngủ ngay. Nhưng Loiseau, vì đã để tâm quan sát mọi chuyện nên sau khi đưa vợ đi nằm, liền lúc thì áp tai, lúc thì dán mắt vào lỗ khoá để cố khám phá cho ra cái mà hắn gọi là: “Những bí mật của hành lang”.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau, hắn nghe có tiếng sột soạt vội liếc mắt thật nhanh và thấy Viên Mỡ Bò trông càng thêm mập mạp trong chiếc áo choàng Cachemire màu lam viền đăng ten trắng. Cô ta cầm một đĩa đèn nến và đi về phía “con số lớn”* ở cuối hành lang. Nhưng có một cánh cửa bên hé mở ra, và, vài phút sau khi cô ta trở lại thì Cornudet đã cởi bỏ áo ngoài, đi theo cô ta liền. Hai người thì thầm với nhau, rồi họ dừng lại. Hình như Viên Mỡ Bò kịch liệt chống cự không cho Cornudet vào phòng mình. Tiếc thay cho Loiseau không nghe rõ nhưng cuối cùng vì họ cất giọng lên, hắn ta cũng lõm bõm được vài câu Cornudet ra sức khẩn nài. Y nói:
Cũng có ý nghĩa như “con số biết nói”.
“Kìa, cô ngốc thật, chuyện đó có làm cô mất gì đâu cơ chứ?”
Cô ta có vẻ tức giận và trả lời:
“Không, anh ạ, có những lúc không thể làm được chuyện ấy, với lại, ở đây, làm thế sẽ là một điều sỉ nhục.”
Ý hẳn y không hiểu, nên y hỏi tại sao. Thế là cô ta nổi nóng, càng nói to hơn:
“Tại sao? Anh không hiểu tại sao à? Trong khi bọn Phổ ở ngay trong nhà, không biết chúng ở ngay phòng bên cạnh ư?”
Y im bặt. Cái liêm sỉ yêu nước của cô gái điếm không chịu để cho người ta ân ái bên quân thù chắc hẳn đã thức tỉnh cái phẩm cách đang suy nhược của y, nên sau khi chỉ ôm hôn cô ta thôi, y lại len lén bước nhẹ trở về phòng mình.
Loiseau, bị kích thích mạnh, rời bỏ lỗ khoá, nhảy cỡn lên trong buồng, rồi chụp mũ ngủ vào đầu, nhắc tấm chăn lên, bên dưới nằm sõng sượt bộ thân xác cứng đơ của vợ hắn, mà hắn vừa đánh thức dậy bằng một cái hôn vừa thầm thì hỏi: “Em có yêu anh không, em yêu quý?”
Thế rồi cả ngôi nhà trở nên yên lặng. Nhưng không may chắc bỗng nổi lên ở đâu đấy, về một phía nào không rõ, có thể là ở dưới hầm rượu mà cũng có thể là trên gác xép, một tiếng ngáy rất to, đơn điệu, đều đều, một thứ tiếng ầm ĩ và kéo dài, rung lên như nồi súp de đang tức hơi. Lão Follenvie ngủ.
Vì mọi người đã định tám giờ sáng hôm sau thì lên đường nên tất cả đều có mặt trong nhà bếp, song chiếc xe, tuyết phủ đầy mui và thành một cái mái, vẫn đứng trơ trọi giữa sân, chẳng thấy ngựa mà cũng chẳng thấy người đánh xe đâu cả. Đi tìm trong các chuồng ngựa, trong buồng cỏ, trong nhà xe cũng không thấy bác ta. Thế là cánh nam giới quyết đi lùng khắp trong vùng, và họ ra phố. Họ tới quảng trường, phía cuối quảng trường là nhà thờ và hai bên là những căn nhà thấp ở đấy thấy có những tên lính Phổ. Tên thứ nhất họ trông thấy đang gọt khoai. Xa quá tí nữa, tên thứ hai, đang cọ rửa cửa hiệu hớt tóc. Một tên khác, râu ria xồm xoàm lên tới mắt, thì ẵm một đứa trẻ đang khóc và đung đưa nó trên đầu gối cố làm cho nó nín, các bà nông dân to béo, mà chồng đều “ở quân đội đi đánh nhau”, ra hiệu chỉ cho những kẻ chiến thắng ngoan ngoãn của họ hiểu công việc phải làm: bổ củi, dầm bánh mì vào xúp, xay cà-phê, một tên trong bọn lại còn giặt cả quần áo cho bà chủ nhà nữa, một bà cụ già lão tàn tật.
Ông bá tước ngạc nhiên hỏi ông bõ ở nhà chung đi ra. Ông già ngoan đạo trả lời: “Ồ, những đứa này thì không ác; theo như người ta nói thì chúng không phải là quân Phổ. Chúng ở xa hơn kia, tôi không rõ là ở đâu, và chúng đều bỏ vợ con ở lại quê hương, cái trò chiến trận chúng chẳng thích thú gì đâu, thật đấy! Tôi chắc là ở bên ấy họ cũng khóc nhớ người đàn ông ra đi, và chiến tranh cũng sẽ gây cực khổ ra trò cho bên họ cũng như bên mình, ở đây, được cái hiện giờ mọi người cũng chưa đến nỗi khổ quá, vì chúng không làm điều gì ác hại, và chúng lao động cũng như ở nhà chúng vậy. Ông xem đấy, giữa những người nghèo khổ, cũng phải giúp đỡ nhau chứ… Chỉ có những ông lớn là đánh nhau thôi.”
Cornudet bất bình vì thấy có sự liên minh thân thiện giữa những kẻ thắng và kẻ bại, rút lui ngay, về ngồi trong nhà trọ. Loiseau nói một câu pha trò: “Chúng làm cho dân cư đông đúc lại đấy.” Ông Carré-Lamadon thì nói một câu trịnh trọng: “Chúng chuộc lỗi.” Nhưng vẫn không thấy bác xà ích đâu. Sau cùng mới tìm ra bác ta ở quán cà-phê trong làng, chén chú chén anh với người lính hầu của tên sĩ quan. Ông bá tước cự:
“Chúng tôi đã ra lệnh cho bác thắng xe để đi tám giờ kia mà?”
“À, phải rồi, nhưng sau đó tôi lại nhận được một lệnh khác.”
“Lệnh gì?”
“Là chẳng thắng xe thắng xiếc gì hết.”
“Ai ra lệnh ấy cho bác?”
“Ông tư lệnh Phổ, chứ còn ai!”
“Tại sao?”
“Nào tôi biết! Ông đi mà hỏi ông ấy. Người ta cấm tôi thắng xe thì tôi không thắng. Như vậy đấy.”
“Chính ông ta đã bảo bác thế à?”
“Không, thưa ông, đó là lão chủ quán truyền lại lệnh của ông ta cho tôi.”
“Bao giờ?”
“Đêm qua, lúc tôi sắp đi ngủ.”
Ba người quay về, rất lo lắng.
Họ yêu cầu gặp lão Follenvie, nhưng chị người ở đáp vì chứng hen, chẳng bao giờ lão ta dậy trước mười giờ. Lão lại còn cấm tiệt không được đánh thức lão dậy sớm, trừ phi cháy nhà.
Họ muốn gặp tên sĩ quan nhưng điều đó thì tuyệt đối không thể được, mặc dầu y ở ngay trong nhà trọ. Chỉ có một mình lão Follenvie là được phép nói chuyện với y về mọi việc dân sự. Thế là họ phải đợi. Các bà lại trở về phòng và làm những việc phù phiếm cho qua giờ.
Cornudet ngồi vào chỗ lò sưởi cao của nhà bếp, lửa cháy đỏ rực. Y đã gọi mang tới đấy một chiếc bàn con của quán rượu với một chai bia; và y rít tẩu thuốc, cái tẩu được các nhà dân chủ vì nể gần ngang với y tựa hồ nó phục vụ Cornudet là đã phục vụ Tổ quốc vậy. Chiếc tẩu rất đẹp, bằng đá bọt, cặn thuốc bám rất đều, cũng đen như răng chủ nó, nhưng mà thơm, uốn cong, bóng nhoáng, quen thuộc với bàn tay y, và bổ sung cho diện mạo y. Y ngồi yên lặng, mắt đăm đăm khi thì nhìn lửa, khi thì nhìn cái vành bọt bia trong chiếc cốc vại, và cứ mỗi lần uống xong, y lại lùa những ngón tay gầy guộc vào mớ tóc dài bóng nhẫy với một vẻ khoái trá, mũi hít hít bộ ria mép viền bọt bia.
Loiseau, lấy cớ là để cho khỏi cuồng cẳng, đi đến các nhà bán rượu lẻ trong vùng chào bán rượu vang. Bá tước và ông chủ nhà máy xoay ra nói chuyện chính trị. Họ dự đoán về tương lai nước Pháp. Một người tin tưởng ở dòng họ Orléans, người kia tin tưởng vào một vị cứu tinh vô danh, một vị anh hùng mãi đến lúc mọi sự đều tuyệt vọng mới xuất đầu lộ diện: một du Guesclin* một Jeanne d’Arc* không biết chừng? hay một Napoléon đệ nhất khác? Ồ! Giá thử hoàng thái tử không đến nỗi còn măng sữa như vậy! Cornudet nghe họ nói chuyện, mỉm cười ra vẻ con người hiểu biết vận mệnh chung sẽ ra sao. Tẩu thuốc của y toả khói thơm nực nhà bếp.
Du Guesclin (1320-1380): một tướng lĩnh Pháp, nổi tiếng đã đánh đuổi quân xâm lăng Anh.
Jeanne d’Arc (1412-1431): nữ anh hùng Pháp chống quân Anh ngoại xâm, sau bị chúng bắt và thiêu sống.
Khi mười giờ đã điểm, lão Follenvie xuất hiện. Mọi người vội vã hỏi lão, nhưng lão chỉ có thể nhắc đi nhắc lại hai ba lần, không sai một chữ, mấy lời như sau: “Ngài sĩ quan bảo tôi thế này: Ông Follenvie, ông sẽ cấm không cho xe của bọn hành khách ấy thắng ngựa sáng mai. Tôi không muốn họ ra đi mà không có lệnh của tôi, ông hiểu chứ? Thế là đủ.”
Mọi người liền muốn gặp tên sĩ quan. Bá tước gửi danh thiếp của ông lên cho y, trên đó ông Carré-Lamadon ghi thêm tên với tất cả mọi chức vị của mình. Tên Phổ cho người trả lời rằng y sẽ cho phép hai người được nói chuyện với y khi nào y ăn xong bữa sáng, nghĩa là vào khoảng một giờ.
Các bà lại ra mặt và mặc dầu lo sợ, ai nấy cũng ăn qua chút ít. Viên Mỡ Bò có vẻ ốm và hết sức bối rối.
Uống xong cà phê thì tên lính hầu đến tìm hai ông.
Loiseau nhập bọn với họ. Muốn cho cuộc vận động thêm phần trang trọng, họ cố lôi kéo Cornudet, nhưng y kiêu hãnh tuyên bố nhất định không bao giờ muốn có quan hệ gì với bọn Đức hết và y lại ngồi vào chỗ bên cạnh lò sưởi, gọi một chai bia khác.
Ba người lên gác và được đưa vào căn phòng đẹp nhất của nhà trọ. Tên sĩ quan tiếp họ ở đấy, nằm ngả người trên một chiếc ghế bành, chân gác lên lò sưởi, miệng ngậm tẩu thuốc dài bằng sứ, mình mặc một chiếc áo ngủ đỏ rực, chắc là xoáy trong nhà bỏ trống của một thị dân rởm nào đó. Y không đứng dậy, không chào họ, không nhìn họ. Y thể hiện một kiểu mẫu tuyệt vời về thói thô bạo đương nhiên của kẻ nhà binh đắc thắng.
Mãi một lúc lâu y mới nói:
“Các ông vuôốn gì?”
Ông bá tước lên tiếng:
“Thưa ngài, chúng tôi muốn lên đường.”
“Không.”
“Tôi xin mạn phép hỏi ngài có thể cho biết lý do vì sao được không ạ?”
“Bởi vì tôi không vuôốn.”
“Thưa ngài, tôi xin kính cẩn lưu ý ngài rằng đại tướng tổng tư lệnh của ngài đã cấp cho chúng tôi giấy thông hành đi Dieppe, và tôi nghĩ chúng tôi chưa hề làm điều gì đáng để ngài khe khắt.”
“Tôi không vuôốn… có thế thôi… Các ông có thể ti xuôống.”
Sau khi cùng cúi chào, cả ba người rút lui.
Buổi chiều thật thê thảm. Họ chẳng hiểu tại sao tên Đức lại có cái ý bất chợt ấy, và những ý nghĩ kỳ quặc làm rối loạn đầu óc họ. Mọi người ngồi cả trong bếp, bàn cãi mãi, tưởng tượng ra những chuyện vô lý. Có lẽ y muốn giữ họ làm con tin - nhưng nhằm mục đích gì? - hoặc đưa họ đi cầm tù? hay là đòi hỏi họ một số tiền chuộc lớn? Nghĩ như vậy họ đâm hoảng. Những người giàu có nhất là những người sợ hãi nhất, chưa chi đã thấy mình bắt buộc phải nộp những túi đầy vàng vào tay tên lính láo xược này để chuộc tính mạng. Họ cố moi óc tìm những câu nói dối tạm nghe được để che giấu của cải, làm ra bộ nghèo, rất nghèo. Loiseau tháo đồng hồ, giấu vào trong túi. Trời đổ tối, càng tăng thêm những nỗi lo sợ. Đèn thắp lên, và còn hai tiếng đồng hồ nữa mới đến bữa ăn, mụ Loiseau đề nghị chơi bài ba mươi mốt*. Đó là một cách giải trí. Mọi người nhận lời. Ngay cả Cornudet, sau khi dụi tẩu thuốc đi vì lịch sự, cũng tham dự.
Một loại bài lá, có 52 quân bài, mỗi quân có số điểm nhất định, ai được số điểm gần 31 nhất hay đúng 31 là được, quá 31 là thua.
Ông bá tước trang bài, rồi chia. Viên Mỡ Bò được ngay ba mươi mốt, và không mấy chốc thú chơi bài mê mải cũng làm cho nỗi lo sợ ám ảnh mọi tâm trí dịu bớt đi. Nhưng Cornudet nhận thấy vợ chồng nhà Loiseau thông đồng với nhau để chơi gian.
Lúc mọi người sắp ngồi vào ăn thì lão Follenvie lại xuất hiện, và hỏi bằng cái giọng khò khè đờm trong cổ: “Ngài sĩ quan Phổ cho hỏi xem cô Élisabeth Rousset đã thay đổi ý kiến chưa?”
Viên Mỡ Bò vẫn đứng đó, mặt tái nhợt rồi đột nhiên đỏ gay lên, cô tức uất đến nỗi nghẹn không nói được nữa. Sau cùng cô nổ ra: “Ông hãy bảo cái thằng chó chết, cái thằng thổ tả, cái thằng Phổ thối tha ấy, rằng không đời nào, không đời nào, không đời nào!”
Lão chủ quán béo phệ đi ra. Mọi người liền vây lấy Viên Mỡ Bò, hỏi han, nài nỉ cô nói rõ ra câu chuyện bí mật khi cô đi gặp tên Đức. Mới đầu cô còn cưỡng, nhưng không mấy chốc sự tức giận đã lôi kéo cô: “Nó muốn gì?… nó muốn gì à?… nó muốn ngủ với tôi!” Cô hét lên. Không ai thấy câu nói ấy là chối tai, vì mọi người đều phẫn nộ. Cornudet dằn mạnh chiếc cốc vại xuống bàn, làm chiếc cốc vỡ tan. Tiếng la ó nổi lên ầm ĩ, phỉ nhổ cái tên lính bỉ ổi ấy, thật là cả một luồng nộ khí, một sự đoàn kết chặt chẽ giữa mọi người để phản kháng, tựa hồ người ta đã yêu cầu mỗi người phải góp một phần vào sự hy sinh đòi hỏi ở cô gái. Bá tước ghê tởm nói rằng bọn ấy hành động như những kẻ dã man thời cổ. Đặc biệt các bà có một thái độ mạnh mẽ và trìu mến thông cảm với Viên Mỡ Bò. Hai bà phước, chỉ đến bữa ăn mới có mặt, thì cúi đầu xuống chẳng nói chẳng rằng.
Tuy nhiên, mọi người cũng ăn bữa tối, khi sự tức giận ban đầu đã dịu, nhưng ai nấy đều suy nghĩ, ít nói.
Các bà lui về phòng sớm, còn các ông, trong khi hút thuốc bày ra chơi bài các-tê và mời lão Follenvie cùng chơi, có ý muốn hỏi khéo lão xem có cách nào khắc phục được thái độ khăng khăng của tên sĩ quan không. Nhưng lão chỉ nghĩ đến bài, chẳng nghe gì hết, chẳng đáp gì hết, và lão không ngớt nhắc đi nhắc lại: “Để ý vào bài, các vị để ý vào bài.” Sự chăm chú của lão căng thẳng đến nỗi lão quên cả khạc nhổ, thành thử đôi khi vì thế trong ngực khò khè những nốt nhạc rất dài. Hai lá phổi của lão réo lên, phát ra đầy đủ giai điệu của chứng hen, từ những tiếng trầm và sâu đến những tiếng khàn khàn the thé của gà trống non học gáy.
Thậm chí khi vợ lão buồn ngủ rũ, đến tìm lão, lão cũng không chịu lên gác nữa. Thế là bà ta đi lên một mình, vì bà thiên về “buổi sớm”, bao giờ cũng dậy khi mặt trời mọc, còn đức ông chồng thì thiên về “buổi tối”, bao giờ cũng sẵn lòng thức thâu đêm với bạn hữu. Lão ta nói to bảo vợ: “Mình đặt hâm cốc trứng đường của tôi lên bếp nhé” và lại tiếp tục chơi bài. Khi thấy rõ chẳng thể nào moi được ở lão ta điều gì, mọi người bèn tuyên bố đã đến lúc giải tán, và ai nấy đi ngủ.
Sáng hôm sau, họ cũng lại dậy khá sớm với một hy vọng mơ hồ, một ý muốn đi mạnh hơn, một nỗi khiếp sợ phải kéo thêm một ngày đằng đẵng ở cái quán trọ nhỏ kinh khủng này.
Hỡi ôi! Ngựa vẫn ở trong chuồng, người đánh xe chẳng thấy mặt đâu. Vô công rồi nghề, họ đi vơ vẩn chung quanh xe.
Bữa ăn sáng thật buồn rười rượi, và ai nấy cơ hồ lạnh nhạt đối với Viên Mỡ Bò, vì ban đêm giúp cho đầu óc thêm sáng suốt đã thay đổi ý nghĩ của mỗi người đi chút ít. Bây giờ người ta hầu như bực tức với cô gái đĩ ấy, vì nỗi đã không chịu lên đi gặp thằng Phổ, để cho các bạn đồng hành sáng dậy được một sự ngạc nhiên thú vị. Còn gì đơn giản hơn nữa? Mà có ai biết chuyện ấy đâu cơ chứ? Để vớt vát sĩ diện, cô ta có thể cho nói với tên sĩ quan rằng cô động lòng thương hại tình cảnh khốn đốn của họ. Đối với cô ta cái đó có quan trọng gì mấy!
Nhưng chưa ai thổ lộ những ý nghĩ ấy ra vội.
Buổi chiều, ai nấy đều ngán ngẩm, ông bá tước bèn đề nghị một cuộc đi chơi trong làng. Người nào cũng mặc áo ấm cẩn thận, và cả cái đám người ấy ra đi, chỉ trừ có Cornudet, ưng ngồi bên lửa hơn, và cả hai bà phước, suốt ngày ở nhà thờ hay ở nhà cha xứ.
Cái rét, càng ngày càng buốt, đâm nhói dữ dội vào mũi, vào tai, chân tê buốt đến nỗi mỗi bước đi là một sự đau đớn, và khi cánh đồng quê hiện ra thì họ thấy nó thê lương quá đỗi dưới một màu trắng mênh mông vô tận, thành thử mọi người quay trở về ngay, tâm hồn giá lạnh, và lòng se lại.
Bốn người đàn bà đi trước, ba người đàn ông theo sau, cách nhau hơi xa chút ít.
Loiseau hiểu biết tình thế, đột nhiên lên tiếng hỏi, không biết “con đĩ” ấy liệu có còn bắt họ phải ở lại một nơi như thế này lâu nữa không. Ông bá tước, bao giờ cũng nhã nhặn, nói không thể nào bắt một người đàn bà phải chịu một sự hy sinh nặng nề như vậy, và cái đó phải do chính cô ta tự nguyện. Ông Carré-Lamadon nhận xét rằng nếu quân Pháp, như đang có tin đồn đại, quay lại phản công qua Dieppe thì hai bên chỉ có thể đụng nhau ở Tôtes thôi. Điều suy nghĩ ấy khiến hai ông kia lo lắng. “Hay ta đi bộ mà bỏ trốn”, Loiseau nói. Bá tước nhún vai: “Ông nghĩ thế được ư, dưới trời tuyết này? với các bà nhà à? Và rồi ta sẽ bị đuổi theo ngay, chỉ trong mười phút là sẽ bị bắt lại và bị lôi về cầm tù cho bọn lính tha hồ hành hạ.” Cái đó đúng; mọi người nín lặng.
Các bà thì nói chuyện ăn mặc, nhưng dường như có một sự gượng ép nào đấy chia rẽ họ.
Bỗng tên sĩ quan xuất hiện ở đầu phố. Trên mặt tuyết mênh mông đến tận chân trời, y in rõ cái thân hình cao lớn lưng ong, mặc quân phục, và đi dạng hai đầu gối theo kiểu đi đặc biệt của bọn nhà binh cố giữ cho khỏi vấy bẩn đôi ủng đánh xi rất kỹ.
Y nghiêng mình chào khi đi qua các bà, và ngạo nghễ nhìn đám đàn ông, được cái các ông cũng biết giữ phẩm cách không ngả mũ, tuy Loiseau thoáng có cử chỉ muốn bỏ mũ ra.
Viên Mỡ Bò đỏ mặt lên đến tận mang tai; còn ba bà có chồng thì cảm thấy nhục nhã quá phải chạm trán với tên lính ấy, trong lúc đang đi với cô gái đã bị y đối xử một cách sống sượng đến thế.
Thế là các bà nói chuyện về y, về điệu bộ và khuôn mặt y. Bà Carré-Lamadon vốn quen biết nhiều sĩ quan và nhận xét họ ra người sành sỏi, thấy y chẳng có gì là khó coi hết, bà còn lấy làm tiếc sao y lại không phải là người Pháp, y có thể là một tay khinh kỵ rất điển trai, mà tất cả các bà hẳn sẽ cứ là mê tít.
Về đến nhà rồi, họ chẳng còn biết làm gì nữa. Thậm chí nói những chuyện không đâu vào đâu mà cũng có những lời qua tiếng lại cay chua. Bữa ăn tối lặng lẽ kết thúc rất chóng, rồi ai nấy lên buồng đi nằm, hy vọng ngủ được để giết thì giờ.
Hôm sau ở trên gác xuống, mọi người đều mặt mày phờ phạc, trong lòng bực tức. Các bà hầu như chẳng buồn nói chuyện với Viên Mỡ Bò nữa.
Một tiếng chuông ngân lên. Đó là chuông báo lễ rửa tội. Cô gái béo mập có một đứa con gửi nuôi ở nhà nông dân tại Yvetot. Hàng năm cô chẳng đi thăm nó được một lần, và cũng chẳng nghĩ đến chuyện ấy bao giờ, nhưng ý nghĩ về đứa bé mà người ta sắp rửa tội chợt khiến cô chạnh lòng, và nhất định đi dự buổi lễ cho kỳ được.
Cô vừa đi xong, mọi người liền nhìn nhau, rồi ai nấy nhích ghế lại, vì họ đều cảm thấy rõ cuối cùng rồi cũng phải quyết định một cái gì. Loiseau nảy ra một ý kiến: hắn nghĩ nên đề nghị với tên sĩ quan chỉ giữ lại một mình Viên Mỡ Bò, còn cho các người khác đi.
Lão Follenvie lại đảm nhận việc uỷ thác ấy, nhưng chưa mấy chốc lão đã quay xuống ngay. Tên Đức, vốn biết rõ bản chất con người, đã tống lão ra cửa. Y nhất định giữ cả mọi người ở lại, chừng nào ý muốn của y chưa được thoả mãn.
Thế là tính khí hạ lưu của mụ Loiseau bùng nổ: “Chẳng lẽ chúng ta lại chết già ở đây sao. Nghề của cái con khốn nạn ấy là làm việc đó với tất cả mọi người, tôi thấy nó chẳng có quyền ưng người này, từ chối người khác. Tôi xin hỏi các vị, cái của ấy đã vơ váo bất cứ ai ở Rouen, cả đến những thằng đánh xe. Vâng, thưa bà, cả thằng đánh xe của toà quận trưởng. Tôi, tôi biết rõ lắm, hắn mua rượu vang ở nhà tôi mà. Ấy thế mà bây giờ cần đưa chúng ta ra khỏi bước lúng túng, thì cái con thổ tả ấy lại còn õng ẹo! Tôi, thì tôi thấy ông sĩ quan ấy xử sự rất đứng đắn. Có lẽ ông ta bị thiếu thốn đã lâu ngày, ở đây có ba chúng mình mà chắc chắn ông ta phải ưng hơn. Nhưng không, ông ta chỉ chọn cái con của chung cho thiên hạ. Ông ta tôn trọng đàn bà có chồng. Các bà thử nghĩ xem, ông ta là chúa tể. Ông ta chỉ cần nói: ‘Tôi muốn’ là có thể cho quân lính dùng võ lực mà bắt buộc chúng mình được lắm chứ.”
Hai bà kia khẽ rùng mình. Đôi mắt của bà Carré-Lamadon xinh đẹp sáng lên, và bà hơi tái mặt đi, tựa hồ như đã cảm thấy tên sĩ quan dùng võ lực cưỡng bức bà.
Phía các ông, đang bàn lẻ, ngồi cụm lại với nhau. Loiseau tức tối, những muốn trói gô cái “con khốn nạn ấy“ lại đem nộp cho kẻ thù. Song bá tước, dòng dõi ba đời sứ thần, và được trời phú cho cái dáng dấp con nhà ngoại giao, chủ trương nên khéo léo: “Phải làm cho cô ta quyết định”, ông nói.
Thế là mọi người mưu mô tính kế.
Các bà ngồi sát lại, giọng nói hạ thấp xuống, và việc bàn bạc trở thành bàn bạc chung, ai nấy đều đưa ra ý kiến của mình. Mà họ bàn bạc với những lời lẽ rất đứng đắn. Nhất là các bà đã khéo tìm được những cách nói tế nhị, những từ ngữ tinh vi duyên dáng, để nói những chuyện khó nói nhất. Một người lạ nghe chuyện chắc sẽ chẳng hiểu gì hết, vì lời lẽ được giữ gìn thận trọng hết sức. Song người đàn bà xã giao lịch thiệp nào thì cũng chỉ có một lớp e thẹn mỏng mảnh che đậy mặt ngoài, kỳ thực trong bụng các bà đều rất thích thú, họ nở nang mày mặt trong cái chuyện dâm đãng này, cảm thấy đây đúng là điều sở đắc, đem chuyện ái tình ra mân mê với cái khoái lạc của một anh đầu bếp tham ăn đang làm bữa ăn cho một kẻ khác.
Sự vui vẻ tự nhiên đã trở lại, vì họ thấy câu chuyện rút cục thực rất buồn cười. Bá tước tìm ra những câu đùa hơi bạo, nhưng nói khéo quá, khiến mọi người đều mỉm cười. Đến lượt Loiseau tuôn ra mấy câu chớt nhả sống sượng hơn, mà chẳng ai phật ý cả; cái ý nghĩ vợ hắn đã sỗ sàng nói ra đang choán cả đầu óc mọi người: “Nghề nghiệp của con đĩ ấy thế, thì tại sao nó lại từ chối thằng này, ưng thằng khác?” Bà Carré-Lamadon xinh đẹp hình như lại còn nghĩ rằng ở vào địa vị cô ta, bà sẽ từ chối một thằng cha khác, chứ thằng cha này thì chưa chắc.
Người ta chuẩn bị rất lâu cuộc phong toả, như đối với một pháo đài bị bao vây. Ai nấy đều nhận rõ vai trò mình sẽ đóng, những lý lẽ mình sẽ dựa vào, những mánh lới mình phải thực hiện. Người ta xếp đặt kế hoạch tấn công, những mưu mẹo phải dùng đến những sự bất ngờ của cuộc tập kích, để buộc cái thành trì sống kia phải tiếp nhận kẻ thù vào trong vị trí.
Cornudet, tuy nhiên, vẫn ngồi lánh ra một chỗ, hoàn toàn đứng ngoài việc này.
Tâm trí mọi người đều căng thẳng vì chăm chú, cho nên không ai nghe thấy tiếng chân Viên Mỡ Bò trở về. Nhưng bá tước khẽ “Suỵt” một tiếng, làm mọi người ngẩng nhìn lên. Cô ta đứng đó. Ai nấy bỗng im bặt, và thoạt đầu có phần lúng túng không biết nói gì với cô. Bà bá tước, vốn thành thạo hơn các người khác về những trò lá mặt lá trái ở phòng khách, hỏi cô: “Lễ rửa tội có vui không?”
Cô gái đẫy đà, còn đang xúc động, kể lại hết, nào là mặt mũi những người dự lễ, nào là thái độ của họ. và cả đến cảnh tượng nhà thờ nữa. Cô nói thêm: “Đôi khi cầu Chúa thật là dễ chịu.”
Tuy nhiên, cho đến bữa ăn sáng, các bà vẫn làm ra vẻ niềm nở với cô gái, để cho cô ta thêm tin và dễ nghe lời các bà khuyên bảo hơn.
Ngồi vào bàn ăn, người ta lân la gợi chuyện ngay. Mới đầu còn nói chuyện vơ vẩn đâu đâu về lòng tận tuỵ. Người ta nêu ra những gương thời cổ: Judith và Holopherne*, rồi tự nhiên vô cớ nhảy sang Lucrèce với Sextus*, Cléopâtre* cho tất cả tướng lĩnh ngủ ở giường mình và buộc họ phải chịu mọi sự phục tùng nô lệ. Rồi tiếp đến một câu chuyện bịa, đẻ ra trong trí tưởng tượng của mấy nhà triệu phú dốt nát ấy, rằng các nữ công dân La Mã đã đi sang Capoue ru ngủ Annibal* trong tay họ, và, cùng với ông ta, cả các tướng tá, các đội quân đánh thuê của ông ta nữa. Người ta nêu tên hết thảy những người đàn bà đã chặn đứng được những kẻ đi chinh phục, đã biến thân mình thành một bãi chiến trường, một phương tiện áp đảo, một vũ khí, đã dùng những vuốt ve anh hùng của mình mà thắng những con người ghê tởm hoặc bị căm ghét, và hy sinh trinh tiết cho sự phục thù và lòng tận tuỵ.
Judith: nữ anh hùng Do Thái, muốn cứu vớt thành Béthulie, đã quyến rũ tướng địch là Holopherne và chặt đầu y.
Lucrèce: mệnh phụ La Mã, bị Sextus Tarquin, con của Tarquin kiêu hùng (Tarquin le Superbe, vua La Mã cuối cùng) cưỡng hiếp, và sau đó đã tự vẫn. Việc này đã làm cho nền quân chủ bị sụp đổ và chế độ cộng hòa được thiết lập ở La Mã (510 trước CN). Người ta nhắc tới tên nàng Lucrèce mỗi khi nói về những phụ nữ cao khiết và đạo đức, thà chết chứ không chịu nhục.
Cléopâtre: hoàng hậu Ai Cập (chết năm 30 trước CN), nổi tiếng đẹp, đã lần lượt cám dỗ César và Antoine, danh tướng La Mã.
Annibal (247 - 183 trước CN): danh tướng thành Carthage, đã lập nhiều chiến công hiển hách, nhưng cũng có tiếng là đã để cho quân sĩ mềm yếu vì tửu sắc trong khi trú quân ở Capoue.
Người ta còn úp mở nói cả đến các bà quý tộc người Anh nọ đã tự làm cho mình nhiễm một bệnh lây ghê gớm để đem truyền sang cho Bonaparte, mà ông ta may mắn lạ kỳ lại tránh được, ngay trong giờ phút gặp gỡ nguy hại, chỉ vì đột nhiên đâm ra suy nhược.
Và, tất cả những câu chuyện ấy đã được kể lại một cách đứng đắn và có chừng mực, trong đó đôi khi bật lên một lời trầm trồ thán phục cố ý, cốt để kích thích sự ganh đua.
Rút cục, người ta có thể tưởng chừng như vai trò duy nhất của người đàn bà, trên cõi đời này, là cứ phải mãi mãi hy sinh thân mình, không ngừng chiều theo những sở thích thất thường của tụi võ biền.
Hai bà phước dường như không nghe thấy gì hết, chìm đắm vào những ý nghĩ sâu xa. Viên Mỡ Bò không nói năng chi cả.
Suốt cả buổi chiều, người ta để cho cô gái suy nghĩ. Nhưng đáng lẽ gọi cô là “bà”, như vẫn xưng hô cho đến lúc bấy giờ, người ta chỉ gọi là “cô” thôi, chẳng hiểu tại sao, như tuồng người ta muốn hạ cô xuống một bậc trong sự quý trọng vị nể mà cô đã leo lên được, muốn cho cô cảm thấy rõ hoàn cảnh nhục nhã của mình.
Vừa lúc món xúp được đem lên, lão Follenvie lại xuất hiện, nhắc lại cái câu hôm qua: “Ngài sĩ quan Phổ cho hỏi xem cô Élisabeth Rousset đã thay đổi ý kiến chưa.”
Viên Mỡ Bò xẵng giọng trả lời: “Thưa ông, không ạ.”
Nhưng đến bữa tối thì phe liên minh có yếu đi. Loiseau buột miệng nói ra mất ba câu lỡ làng. Ai nấy cố nặn óc tìm ra những tấm gương mới, nhưng chẳng tìm ra được gì hết, chợt bà bá tước, có lẽ cũng không rắp tâm trước, mà chỉ lờ mờ cảm thấy cần phải tỏ lòng tôn trọng Tôn giáo, hỏi bà phước nhiều tuổi nhất về những sự tích lớn trong đời các thánh. Thì ra nhiều thánh đã từng làm những việc có thể coi là tội nặng theo mắt ta nhìn nhận; song giáo hội xá miễn cho các đại tội ấy một cách dễ dàng khi việc làm để tỏ sáng danh Chúa hay vì lợi ích của người đồng loại. Thật là một lý lẽ rất mạnh, bà bá tước bèn lợi dụng liền. Ấy thế là, hoặc vì một sự thông đồng ngấm ngầm, một cách chiều đời kín đáo mà bất cứ ai khoác áo nhà tu cũng đều rất thạo, hoặc chỉ vì một sự ngu độn ngẫu nhiên hợp cảnh, một sự ngốc nghếch vô tình mà giúp sức vào, bà phước già kia đã đem lại cho cuộc âm mưu một chỗ dựa rất mạnh. Mọi người cứ tưởng bà ta nhút nhát, nhưng hoá ra bà ta lại rất mạnh dạn, lắm lời, quyết liệt. Bà ta chẳng phải hạng người bối rối vì những mò mẫm của nghi nghĩa thần học*; giáo lý của bà tựa như một thanh sắt cứng; lòng tin của bà chẳng hề bao giờ phân vân do dự; lương tri bà ta chẳng bao giờ có những băn khoăn đo đắn. Bà ta coi sự hy sinh của Abraham* là rất đơn giản, vì bà ta có thể tuân lệnh bề trên mà giết chết ngay cả cha lẫn mẹ; và, theo ý kiến bà, thì chẳng có gì có thể làm phật lòng Chúa một khi chủ tâm của mình là đáng khen. Bà bá tước, lợi dụng cái uy tín thiêng liêng của bà bạn đồng loã bất ngờ ấy, bèn gợi cho bà ta giải nghĩa dài dòng để khuyến thiện, cái định lý về đạo đức: “Dùng thủ đoạn gì cũng được, miễn là đạt mục đích.”
Phần thần học chuyên về những vấn đề khó giải quyết.
Abraham là cha của Isaac, và là thủy tổ của người Do Thái xưa. Theo Kinh Thánh Cơ đốc giáo, khi Isaac sắp bị cha hy sinh thì được một thiên thần cứu thoát.
Bà hỏi bà phước:
“Vậy ra, thưa bà, bà cho rằng Chúa chấp nhận tất cả mọi con đường, và tha thứ mọi việc làm nếu lý do hành động là trong sạch?”
“Thưa bà, điều đó còn nghi ngờ gì nữa? Một hành động tự nó là đáng trách thường trở thành đáng khen vì cái ý nghĩa đã thúc đẩy nó.”
Và hai người cứ nói chuyện tiếp như thế, cố tìm hiểu những ý muốn của Chúa, dự đoán những quyết định của Người, làm như Người quan tâm tới những việc thực ra chẳng liên quan đến Người một chút nào.
Tất cả những chuyện ấy đều được nói bóng gió, khôn khéo, kín đáo. Nhưng mỗi lời của bà thánh đội mũ cong vành lại phá vỡ thêm một mảng trong thái độ kháng cự công phẫn của cô gái điếm. Rồi câu chuyện đổi hướng đi chút ít, bà giáo đeo tràng hạt kể về những nhà tu của dòng bà, về bà nhất của mình, về bản thân bà ta và bà phước xinh xắn ngồi bên, bà phước quý hoá Saint-Nicéphore. Hai bà được mời đến Le Havre để vào bệnh viện chăm nom hàng trăm binh lính mắc bệnh đậu mùa. Các bà mô tả họ, những con người khốn khổ ấy, kể ra những chi tiết về bệnh trạng của họ. Ấy thế mà trong lúc các bà bị giữ lại ở dọc đường vì những ý thích bất chợt của tên Phổ nọ, biết bao nhiêu người Pháp có thể chết, mà đáng lẽ các bà cứu sống được cũng nên! Chăm nom binh sĩ là việc chuyên môn của bà; bà đã từng ở Crimée, ở Ý, ở Áo, và qua câu chuyện kể lại các chiến tích bà đã tham dự, bà bỗng tỏ ra là một nhà tu hành thuộc loại thổi kèn đánh trống, hình như sinh ra là để đi theo các trại quân, thu nhặt những người bị thương giữa những trận giao tranh ác liệt, và, giỏi hơn cả một cấp chỉ huy, chỉ dùng một lời nói cũng khuất phục được những tên lính thô bỉ vô kỷ luật; đúng là một bà phước Ran-tan-plan* mà bộ mặt rỗ nát, chi chít vô số những nốt lỗ chỗ, dường như là một hình ảnh những tàn phá của chiến tranh.
Tiếng phỏng theo tiếng trống trận. Ý nói: một bà phước của quân đội.
Bà nói xong, không ai nói gì thêm nữa, vì hiệu quả xem chừng tốt quá rồi.
Ăn xong, mọi người vội vã trở lên ngay phòng mình, để mãi sáng hôm sau khá muộn mới lại xuống.
Bữa ăn sáng yên ổn. Người ta để cho cái hạt gieo hôm qua có thì giờ nảy mầm và kết quả.
Bà bá tước đề nghị một cuộc đi chơi vào buổi chiều; thế là ông bá tước, như đã thoả thuận trước, khoác tay Viên Mỡ Bò và đi với cô ta, sau những người khác.
Ông nói với cô bằng cái giọng thân mật, cha con, hơi khinh khỉnh, mà những người thượng lưu vẫn dùng với bọn gái điếm, gọi cô bằng “con yêu quý”, đứng trên đỉnh cao địa vị xã hội và danh giá không chối cãi được của ông mà hạ cố đối xử với cô. Ông đi ngay vào vấn đề:
“Vậy là con ưng để cho chúng ta ở lại đây, cũng như con chịu cái nguy cơ hứng lấy mọi sự tàn bạo có thể xảy ra sau sự thất bại của bọn Phổ, còn hơn là bằng lòng ưng thuận, như bao lần con thường vẫn ưng thuận trong đời con ư?”
Viên Mỡ Bò không trả lời.
Ông thuyết phục cô bằng thái độ dịu dàng, bằng lý lẽ, bằng tình cảm. Ông biết giữ thể diện là “ông bá tước”, trong khi vẫn tỏ ra lịch sự với phụ nữ khi cần thiết, tán tụng khéo, tóm lại rất ân cần. Ông tán dương cái việc cô sẽ giúp đỡ họ, nói lên lòng biết ơn của mọi người; rồi đột nhiên ông vui vẻ, giọng rất thân tình: “Mà rồi, con ạ, hắn sẽ có thể tự phụ đã được nếm mùi một cô gái đẹp, mà ở bên nước hắn chẳng có nhiều lắm đâu.”
Viên Mỡ Bò không trả lời và đi lên nhập bọn với mọi người.
Về đến quán trọ, cô lên ngay phòng mình và không ló mặt ra nữa. Nỗi lo ngại lên tới cực độ. Cô ta sắp làm gì đây? Nếu cô cứ khăng khăng không chuyển thì rầy rà biết chừng nào!
Đến giờ bữa ăn tối, mọi người chờ đợi cô hoài chẳng thấy. Rồi lão Follenvie bước vào, báo tin cô Rousset khó ở và xin mời mọi người cứ việc ngồi vào bàn thôi. Ai nấy đều dỏng tai lên. Ông bá tước đến gần bác chủ quán, và hỏi rất nhỏ: “Ổn rồi chứ?” - “Vâng.” Vì lịch sự, ông không nói gì với các bạn đường của ông, mà chỉ khẽ gật đầu ra hiệu cho họ. Ai nấy thở dài nhẹ cả người, mặt mày rạng rỡ hẳn lên. Loiseau gào to: “Úi cha cha! Nhà này mà có sâm banh thì tôi xin khao ngay các vị một chầu”, và mụ Loiseau bỗng đâm lo khi thấy lão chủ quán trở lại với bốn chai rượu cầm tay. Ai nấy đột nhiên trở nên cởi mở và ồn ào; một niềm vui nhả nhớt tràn ngập lòng mọi người. Ông bá tước xem chừng nhận thấy bà Carré-Lamadon là có duyên, ông chủ nhà máy thì ca tụng bà bá tước. Chuyện trò thật rôm rả, khoái trá, lắm câu ý nhị.
Bỗng Loiseau, vẻ mặt lo lắng, và giơ hai tay lên, hét lớn: “Lặng im!” Mọi người im bặt, ngạc nhiên, hầu như đã phát hoảng. Thế là hắn vểnh tai lên, hai tay ra hiệu “suỵt”, nghếch mắt nhìn lên trần, nghe ngóng nữa, rồi lại nói với giọng bình thường: “Các vị hãy yên trí mọi sự đều ổn cả.”
Mọi người phân vân chưa hiểu, nhưng không mấy chốc ai nấy đã mỉm cười.
Mười lăm phút sau hắn diễn lại vẫn cái trò hề ấy, và tái diễn nó nhiều lần buổi tối hôm đó; và hắn giả vờ nói với một người nào ở gác trên, khuyên anh ta những lời khuyên hai nghĩa moi từ bộ óc nhân viên chào hàng của hắn ta. Thỉnh thoảng hắn làm bộ buồn rầu thở dài: “Tội nghiệp cô bé!” Hoặc hắn lẩm nhẩm trong mồm, vẻ hằn học: “Cái thằng Phổ khốn nạn!” Đôi khi, vào lúc không ai nghĩ tới hắn nữa, hắn kêu vang lên, tiếng oang oang, nhiều lần: “Thôi! Thôi!” và nói thêm, như tự nhủ: “Miễn là chúng ta gặp lại được cô bé; miễn là nó đừng vần cô nàng đến chết, cái thằng khốn nạn ấy!”
Mặc dầu những câu bông lơn ấy thật bỉ ổi, nó cũng khiến người ta thích thú và không làm phật ý ai hết, vì sự tức giận, cũng như mọi sự khác vậy, tuy thuộc ở môi trường, và chung quanh họ dần dần hình thành một bầu không khí chứa chất đầy những ý nghĩ dâm đãng.
Đến lúc ăn tráng miệng, ngay các bà cũng nói những câu bóng gió hóm hỉnh và kín đáo. Mắt ai nấy đều long lanh; mọi người đều đã nốc nhiều rượu. Ông bá tước, là người cả trong những lúc vui đùa cũng vẫn giữ được cái màu mè con người trang trọng, tìm ra một ý so sánh được mọi người rất tán thưởng về sự kết thúc những thời kỳ dài phải sống qua mùa đông ở Bắc Cực và niềm vui mừng của những kẻ bị đắm tàu trông thấy mở ra một con đường đi về phương Nam.
Loiseau được đà, nhổm dậy, cốc sâm banh trong tay: “Tôi xin uống mừng chúng ta được giải phóng!” Tất cả mọi người cùng đứng lên; ai nấy hoan hô hắn. Cả đến hai bà phước, bị các bà nọ chèo kéo, cũng bằng lòng nhấp môi vào cái thứ rượu ngầu bọt kia mà hai bà chưa từng nếm tới bao giờ. Hai bà nói là nó giống nước chanh hơi, nhưng tuy vậy cũng ngon hơn.
Loiseau tóm tắt tình hình.
“Tiếc rằng không có dương cầm, nếu có thì có thể đánh một điệu đối diện* chơi.”
Điệu vũ bốn người.
Cornudet chẳng nói một lời, chẳng có một cử chỉ gì hết; thậm chí y còn có vẻ mải mê vào những ý nghĩ rất trọng đại, và đôi khi cáu kỉnh dứt bộ râu rậm của y, tựa hồ muốn kéo nó dài thêm ra. Sau cùng, khoảng nửa đêm, lúc mọi người sắp giải tán, Loiseau đã chếnh choáng, bỗng vỗ vào bụng y mà bảo y, giọng ngọng líu: “Ông bạn tối nay chẳng vui vẻ tí nào; sao ông không nói gì cả thế, ông công dân?” Nhưng Cornudet bỗng ngửng phắt đầu lên, và, nhìn khắp lượt cả bọn, mắt long lanh và dữ tợn: “Tôi nói cho tất cả các người rõ là các người vừa làm một chuyện bỉ ổi!” Y đứng dậy, đi ra cửa, nhắc lại một lần nữa: “Một chuyện bỉ ổi!”, rồi biến mất.
Mới đầu, việc đó khiến mọi người cụt hứng. Loiseau sững sờ, đứng thộn ra đấy; nhưng rồi hắn vững tâm trở lại, và đột nhiên cười lăn lộn, nhắc đi nhắc lại: “Nó còn xanh quá, các bạn ạ, nó còn xanh quá.*” Thấy mọi người không hiểu, hắn bèn kể lại chuyện “Những bí mật của hành lang”. Thế là cả bọn lại vui nhộn hẳn lên. Các bà cười như nắc nẻ. Bá tước và ông Carré-Lamadon cười đến chảy nước mắt. Họ không thể nào tin được.
Ý muốn nhắc tới một câu trong chuyện ngụ ngôn con cáo và giàn nho của La Fontaine: cáo đang đói, đi qua một giàn nho chín mọng, rất thèm ăn, nhưng giàn nho cao không với tới được, bèn nói: “Nho xanh chẳng xứng miệng người phong lưu.”
“Thế nào! Ông chắc chứ? Hắn ta muốn…”
“Thì tôi bảo với các ông các bà là tôi trông thấy hắn ta mà.”
“Và cô ta đã từ chối…”
“Vì tên Phổ ở buồng bên cạnh.”
“Có lẽ nào?”
“Tôi xin thề với các ông các bà đúng như thế.”
Ông bá tước cười không thở được. Nhà kỹ nghệ đưa hai tay lên nén bụng. Loiseau nói tiếp:
“Cho nên, các vị ạ, tối nay hắn ta thấy là chuyện này chẳng thú vị gì, chẳng thú vị tí nào hết.”
Và cả ba lại cười lăn cười lộn, đến phát ốm, hết cả hơi, ho sặc sụa.
Chuyện đến đây thì họ phải giải tán. Nhưng mụ Loiseau, vốn bản chất hay dè bỉu, lúc đi ngủ, bảo chồng rằng cái “con mẹ ranh” oắt con Carré-Lamadon nọ suốt cả buổi tối chỉ cười gượng: “Mình ạ, bọn đàn bà, một khi đã mê tụi nhà binh thì dù là thằng Pháp, hay thằng Phổ, nói thật chứ, cũng cứ là được tuốt. Thực là thảm hại, lạy Chúa!”
Và suốt đêm, trong bóng tối của hành lang, cứ lao xao như có tiếng run rẩy, những tiếng động nhè nhẹ, chỉ thoáng nghe thấy, thoảng qua những những hơi thở, những bước chân không đi rón rén, những tiếng lắc rắc rất khẽ. Và chắc chắn là ai nấy đều ngủ rất muộn, vì những vệt sáng lọt ra ngoài rất lâu dưới các cửa buồng. Ấy rượu sâm-banh có những hiệu quả như vậy đấy; người ta bảo là nó làm cho khó ngủ.
Hôm sau, ánh nắng trong trẻo của mặt trời mùa đông làm mặt tuyết chói loà. Chiếc xe thuê, cuối cùng đã có ngựa thắng vào, chờ ở trước cửa, trong khi một đàn bồ câu trắng, cổ vươn ra trong bộ lông dày cộm, con mắt đỏ điểm một chấm đen ở giữa, đang trịnh trọng dạo chơi giữa chân sáu con ngựa, và tìm ăn trong những đống phân bốc khói ngựa đã vung vãi ra đấy.
Bác xà ích, trùm trên người một tấm da cừu, đang ngồi rít tẩu thuốc trên ghế xa, và tất cả hành khách hớn hở vội cho gói những thức ăn dành cho đoạn hành trình còn lại.
Người ta chỉ còn đợi có Viên Mỡ Bò. Cô ta xuất hiện.
Cô có vẻ hơi bối rối, xấu hổ, và bẽn lẽn đi về phía các bạn đường bỗng nhất loạt cùng ngoảnh mặt đi, tựa hồ như không trông thấy cô. Ông bá tước nghiêm trang khoác tay bà vợ, và đưa bà tránh xa sự đụng chạm nhơ nhớp đó.
Cô gái đẫy đà đứng lại, sửng sốt; cô lấy hết can đảm, cô lúng búng một cách khiêm tốn chào vợ ông chủ nhà máy một câu “Xin chào bà.” Bà kia chỉ khẽ gật đầu xấc xược chào lại, kèm theo một cái nhìn của đạo đức bị xúc phạm. Mọi người đều làm ra vẻ bận rộn và đứng lảng xa cô, tựa hồ cô đem theo bệnh truyền nhiễm trong váy cô vậy. Rồi họ chạy vội tới chiếc xe, để cô đi sau cùng, một mình, và cô lại lặng lẽ ngồi vào chỗ đã ngồi trong chặng đường thứ nhất.
Người ta dường như không nhìn thấy cô, không quen biết cô; nhưng mụ Loiseau, ngó cô từ đằng xa một cách tức giận, khẽ nói với chồng: “May mà tôi không ngồi bên cạnh nó.”
Chiếc xe nặng chuyển bánh, và cuộc hành trình lại bắt đầu.
Thoạt tiên không ai chuyện trò gì hết. Viên Mỡ Bò không dám ngẩng nhìn lên. Cô vừa căm phẫn đối với tất cả những người ngồi bên, lại vừa cảm thấy nhục nhã vì đã nhượng bộ, bị nhơ nhớp vì những cái hôn của tên Phổ nọ, mà họ đã giả nhân giả nghĩa đem quẳng cô vào tay nó.
Nhưng không bao lâu bà bá tước quay sang bà Carré-Lamadon, phá tan cái im lặng nặng nề đó.
“Có lẽ bà biết bà d’Étrelles đấy nhỉ?”
“Vâng, bà ấy là bạn thân của tôi.”
“Bà ấy mới duyên dáng chứ!”
“Tuyệt diệu! Đúng là một tư chất ưu tú, lại rất học thức, và nghệ sĩ đến tận đầu ngón tay; bà ấy hát nghe thật mê ly, và vẽ đến giỏi!”
Ông chủ nhà máy nói chuyện với ông bá tước, và giữa những tiếng cửa kính rung loảng xoảng, thỉnh thoảng tại nghe thấy lõm bõm một tiếng: “Tức phiếu kỳ hạn - tiền thưởng - trả dần.”
Loiseau vừa xoáy được cỗ bài cũ của quán trọ, đã nhờn mỡ sau năm năm cọ xát những mặt bàn không lau sạch, cùng vợ chơi một ván tay đôi.
Hai bà phước rút chuỗi tràng hạt dài đeo lòng thòng ở thắt lưng, cùng nhau làm dấu thánh giá, rồi môi họ đột nhiên mấp máy nhanh, mỗi lúc càng thêm vội vã, dồn dập những tiếng lầm rầm không rõ, như một cuộc chạy thi trong khi làm lễ kỳ đảo; thỉnh thoảng họ cúi xuống hôn một cây thánh bài, lại làm dấu, rồi lại lầm rầm liến thoắng và liên tục.
Cornudet ngồi đăm chiêu, không nhúc nhích.
Đi được ba tiếng đồng hồ, Loiseau thu cỗ bài lại: “Đến lúc đói rồi”, hắn nói.
Mụ vợ bèn với một cái gói buộc dây, lôi ra một miếng thịt bê nguội. Mụ cắt ra từng khoanh gọn ghẽ, mỏng và chắc nịch, rồi cả hai bắt đầu ăn.
“Hay là ta cùng ăn đi”, bà bá tước nói. Mọi người đồng ý, và bà mở gói thức ăn chuẩn bị cho hai gia đình. Đó là một thứ liễn dài, trên vung nặn một con thỏ rừng bằng sứ, để chỉ rõ rằng có một con thỏ rừng đã nghiền thịt nằm ở dưới, một món thịt nuôi bổ béo, có những đường mỡ trắng xuyên qua màu thịt thỏ rừng nâu, trộn lẫn với những thịt khác băm nhỏ biến. Một tảng phó-mát Gruyère* vuông vắn, gói trong một mảnh báo, trên mặt mịn màng còn in rõ mấy chữ “Việc vặt”.
Thị trấn Thụy Sĩ, nổi tiếng làm phó-mát ngon.
Hai bà phước giở ra một khoanh xúc-xích lớn sặc mùi tỏi; còn Cornudet, hai tay cùng một lúc thọc vào cái túi rộng của áo bành-tô, rút ra một bên bốn quả trứng luộc và bên kia một mẩu cùi bánh mì. Y bóc vỏ, ném vào rơm ở dưới chân và đưa cả quả trứng vào mồm mà ngoạm; những mảnh vụn màu vàng nhạt rơi lên bộ râu rậm của y, lốm đốm như những ngôi sao.
Viên Mỡ Bò, trong lúc vội vã hoảng hốt khi ngủ dậy, đã không nghĩ được chuyện gì hết; và cô nhìn tất cả mọi người kia điềm tĩnh ăn uống mà lộn ruột, uất ức đến ngạt thở. Một cơn giận sôi sục mới đầu khiến cô cau mặt, và cô mở miệng định hét vào mặt họ một thôi một hồi những lời chửi rủa đang dồn lên môi, nhưng cô không thể nào nói được, vì cơn tức nghẹn ứ cổ.
Không một ai ngó cô, nghĩ gì đến cô. Cô cảm thấy mình bị dìm trong sự khinh bỉ của những kẻ đểu cáng lương thiện này, chúng thoạt đầu đem cô ra hy sinh, rồi sau hắt hủi cô, coi như một vật bẩn thỉu và vô dụng. Cô nhớ tới chiếc làn to của cô đầy ắp những thứ ngon lành mà chúng đã ăn ngấu ăn nghiến, hai con gà bóng nhẫy mỡ đông, những miếng ba-tê, những quả lê, và bốn chai rượu vang đỏ của cô; rồi, cơn giận bỗng xẹp đi, như một sợi dây thừng căng quá hoá đứt, cô cảm thấy chỉ muốn khóc. Cô ráng hết sức nén mình, nuốt những tiếng nức nở, như con nít; song nước mắt cứ trào lên, lấp lánh trên mi, và không mấy chốc hai giọt lệ lớn đã rời khoé mắt, từ từ lăn trên gò má. Những giọt khác cứ thế tiếp theo, mau hơn, chảy ròng ròng như những giọt nước lọc qua một vách đá, và đều đều rơi xuống đường cong bầu bĩnh của ngực cô. Cô ngồi thẳng, mắt nhìn trân trân, mặt đờ đẫn và tái nhợt, hy vọng mọi người không trông thấy mình.
Nhưng bà bá tước nhìn thấy và ra hiệu mách chồng. Ông chồng nhún vai, như ý nói: “Làm thế nào được? Đâu phải lỗi tại tôi.” Mụ Loiseau thì lặng lẽ cười đắc thắng, và lẩm bẩm: “Cô ả khóc nỗi nhục của mình.”
Hai bà phước lại cầu kinh, sau khi gói mẩu xúc xích còn lại vào một tờ giấy.
Bấy giờ Cornudet, trong khi tiêu hoá mấy quả trứng, duỗi dài cẳng sang gầm ghế trước mặt, ngồi ưỡn ngả người ra, khoanh tay lại mỉm cười như một người vừa tìm được một trò đùa hay, và bắt đầu huýt sáo miệng khe khẽ bài Marseillaise*.
Bài hát của cách mạng Pháp năm 1789, bây giờ là quốc ca Pháp.
Tất cả các bộ mặt đều sa sầm lại. Bài hát bình dân chắc chắn chẳng được những người ngồi bên ưa thích nào. Họ đâm ra nóng nảy, bực dọc, và có vẻ chỉ chực gào lên như bầy chó nghe thấy tiếng phong cầm quay tay vậy.
Y thấy rõ như thế, và càng không chịu ngừng lại. Thỉnh thoảng y còn hát nho nhỏ lời bài ca:
Hỡi tình yêu Tổ quốc thiêng liêng,
Hãy dẫn dắt, nâng đỡ những cánh tay phục thù của chúng ta,
Hỡi Tự do, Tự do yêu quý,
Hãy chiến đấu cùng những người bảo vệ ngươi!
Xe chạy nhanh hơn, vì tuyết đã rắn lại; và suốt cho đến Dieppe, trong những giờ dài dặc ảm đạm của cuộc hành trình, qua những cái xóc trên đường gập ghềnh, trong bóng đêm đang toả xuống, rồi trong bóng tối đen của chiếc xe, y cứ tiếp tục, với một sự bướng bỉnh tai ác, tiếng huýt sáo báo thù và đơn điệu của y, bắt buộc các tâm trí mỏi mệt và tức tối đến cực điểm cứ phải theo dõi bài hát suốt từ đầu đến cuối, cứ phải nhớ lại từng lời ứng dụng vào mỗi nhịp.
Viên Mỡ Bò vẫn khóc; và đôi khi một tiếng nức nở, cô không nén nổi, bật lên trong bóng tối, giữa hai đoạn bài hát.
Hướng Minh dịch
Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant - Guy de Maupassant Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant