A good book has no ending.

R.D. Cumming

 
 
 
 
 
Tác giả: Guy de Maupassant
Dịch giả: Nhiều Dịch Giả
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 44
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 51
Cập nhật: 2020-10-24 12:43:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 33
ứa con bỏ rơi
(L’abandonné)
“Thực đấy, bà nó ạ, bà có điên mới đi dạo chơi ở thôn quê vào cái thời tiết này. Từ hai tháng nay, bà có những ý nghĩ thật kỳ lạ. Dù chẳng thích thú gì bà cũng cứ kéo tôi ra biển, vậy mà bốn mươi lăm năm trời nay, từ khi chúng ta lấy nhau đến giờ, bà chẳng hề bao giờ có ý muốn ngông cuồng như vậy. Bà tự ý chọn Fécamp, một thành phố buồn rứt và thế là bà bỗng sinh ra chứng muốn đi đây đi đó, bà thì xưa nay chẳng bao giờ chịu nhúc nhích, bà lại muốn đi dạo chơi ngoài đồng nội vào một ngày nóng bức nhất trong năm. Bà hãy bảo bác d’Apreval đi cùng, bác ấy lúc nào cũng sẵn sàng chiều ý bà. Còn tôi, tôi về ngủ trưa thôi.”
Bà de Cadour quay về phía người bạn cũ:
“Bác cùng đi với tôi chứ, bác d’Apreval?”
D’Apreval nghiêng mình mỉm cười, với một vẻ lịch sự kiểu cổ, đáp lại:
“Bác đi đâu, tôi cũng xin đi theo.”
“Đây thì đi mà chuốc lấy một trận say nắng,” ông de Cadour thốt lên. Và ông trở về khách sạn des Bains nằm nghỉ một hai tiếng đồng hồ.
Ông de Cadour đi rồi, người đàn bà tuổi tác và ông bạn già lên đường. Bà nói rất khẽ, vừa nói vừa siết chặt tay ông:
“Thế là được rồi! thế là được rồi!”
Ông lẩm bẩm:
“Bà điên đấy. Tôi quả quyết là bà điên đấy. Bà hãy nghĩ đến việc bà làm nguy hiểm như thế nào. Nếu con người ấy…”
Bà ta giật nẩy mình lên:
“Ồ! Henri, đừng gọi nó là ‘Con người ấy’…”
Ông xẵng giọng nói tiếp:
“Hừ! nếu con chúng ta ngờ vực điều gì, nếu nó nghi ngờ ta thì nó sẽ nắm được bà, nó sẽ nắm được chúng ta. Bốn mươi năm nay, bà không thăm nom nó cũng có sao đâu. Vậy mà hôm nay bà làm sao thế?”
Hai người đi dọc đường phố dài từ bờ biển chạy vào thành phố. Họ rẽ sang phải để leo lên dốc Étretat. Con đường trắng xoá chạy dài dưới ánh nắng chang chang, nóng bỏng.
Họ thong thả bước đi từng bước ngắn dưới trời nóng rát. Bà de Cadour luồn tay vào cánh tay ông bạn và nhìn thẳng về phía trước mắt đăm đăm, như có điều gì ám ảnh!
Bà hỏi:
“Thế ra ông cũng chẳng đến thăm nó lần nào cả ư?”
“Không, không bao giờ!”
“Sao lại có thể thế được?”
“Bà bạn yêu quý ạ, ta đừng trở lại câu chuyện tranh cãi muôn thuở ấy nữa. Tôi đã có vợ, có con cũng như bà đã có chồng, vậy thì chúng ta, tôi cũng như bà, chúng ta đều phải sợ dư luận.”
Bà ta không đáp, nghĩ miên man đến tuổi trẻ xa xăm, đến những sự việc đã qua, buồn rứt.
Người ta đã gả chồng cho bà, cũng như người ta gả chồng cho những cô gái khác. Bà chẳng hề biết đến người chồng bà sắp lấy, một nhà ngoại giao và sau này, bà đã sống cùng với chồng, cuộc sống của tất cả các bà thuộc giới thượng lưu.
Nhưng rồi một người trai trẻ, ông d’Apreval, đã có vợ cũng như bà đã có chồng, say mê bà và trong dịp ông de Cadour đi Ấn Độ công cán, vắng nhà lâu ngày, bà đã sa ngã.
Bà có thể cưỡng lại được không? từ chối được không? Liệu bà có đủ nghị lực, can đảm không ngã lòng khi chính bà cũng yêu ông ta? Không, thực sự không! Như thế thì vô tình quá! bà sẽ đau khổ biết chừng nào! Cuộc đời mới ác nghiệt và éo le làm sao! Liệu ta có thể tránh khỏi những nỗi bất hạnh của số phận, liệu ta có thể thoát được định mệnh không? Một người đàn bà, sống cô đơn, trơ trọi, không tình yêu, không con cái, liệu có thể lẩn tránh được mối tình say đắm sôi sục trong lòng như lẩn tránh ánh sáng mặt trời, để sống cho đến chết trong đêm tối được không?
Giờ đây, bà hồi tưởng lại mọi chi tiết mới rõ làm sao, từng cái hôn của ông, từng nụ cười, từng lúc ông dừng lại ở cửa ngắm nhìn bà trở về nhà. Những ngày hạnh phúc biết bao, những ngày đẹp đẽ độc nhất của bà mà sao chấm dứt nhanh quá thể!
Rồi bà thấy mình có mang! biết bao nỗi lo âu!
Ôi, chuyến đi xuống miền Nam đau khổ, chuyến đi dài đằng đẵng, cuộc sống ẩn náu trong ngôi nhà nhỏ bé cô quạnh ấy, trên bờ biển Địa Trung Hải, lọt sâu trong một mảnh vườn mà bà chẳng dám bước khỏi cửa!
Bà hồi tưởng lại mới rõ làm sao những ngày ròng rã nằm dài dưới một gốc cam, mắt ngước lên nhìn những quả đỏ ối, tròn trĩnh giữa đám lá xanh rờn. Bà những muốn đi ra bờ biển, nằm đây, gió biển mát rợi thổi tới lướt vượt bức tường, nằm đây, bà nghe thấy những đợt sóng ngắn vỗ trên bãi cát, bà mơ thấy khoảng bao la xanh thẫm, lấp loáng ánh nắng với những cánh buồm trắng và một ngọn núi ở phía chân trời! Nhưng bà chẳng dám qua khỏi ngưỡng cửa. Nếu người ta nhận ra bà, thân hình thay đổi như vậy, phô bày nỗi nhục bên trong cái bụng nặng trĩu!
Rồi những ngày chờ đợi, những ngày giày vò cuối cùng! những cơn hốt hoảng, những nỗi đau đớn vật vã! rồi cái đêm kinh khủng ấy! Biết bao khổ cực bà đã trải qua.
Cái đêm đó, cái đêm hôm ấy mới ghê gớm làm sao! Bà kêu rên gào thét! Bà như còn nhìn thấy bộ mặt tái nhợt của người yêu cứ mỗi phút lại hôn tay bà, diện mạo nhẵn nhụi của người thầy thuốc, cái mũ chụp trắng của người nữ hộ lý.
Và trong lòng bà mới kích động làm sao khi bà nghe thấy tiếng rên rỉ của đứa trẻ, cái tiếng oe oe, - cố gắng đầu tiên của tiếng nói con người!
Và ngày hôm sau! ngày hôm sau! ngày độc nhất trong đời, bà đã trông thấy và ôm hôn đứa con, vì từ đấy, chẳng bao giờ, bà còn trông thấy con mình nữa!
Và từ đấy cuộc đời trống rỗng dài đằng đẵng cứ phảng phất mãi mãi cái ý nghĩ về đứa con ấy! Con người nhỏ bé do bà sinh ra, chính con trai bà, bà không gặp lại nó nữa, dù chỉ một lần! Người ta đã cướp lấy nó, đem nó đi, giấu nó đi. Bà chỉ biết là nó được những người nông dân vùng Normandie nuôi nấng và bản thân nó cũng đã trở thành một nông dân, nó đã lấy vợ, cưới xin linh đình, và được bố đẻ cho nhiều của cải mà không hề biết tên bố.
Bốn mươi năm nay, biết bao lần bà đã muốn thăm nó, ôm hôn nó! Bà không thể hình dung được nó đã lớn! Bà vẫn còn nghĩ đến cái mầm mống con người mà bà đã ôm ấp một ngày trong tay và siết chặt nó trong lòng quặn đau.
Biết bao lần bà đã thốt ra với người yêu: “Em không chịu nổi nữa, em phải tới thăm nó, em đi đây.”
Lần nào ông ta cũng can ngăn bà, giữ bà lại. Bà sẽ không thể nào cầm lòng được, sẽ không thể nào tự chủ được, đứa con sẽ đoán ra, sẽ lợi dụng bà. Bà sẽ nguy mất.
“Con nó người thế nào nhỉ?” bà hỏi.
“Tôi không biết. Tôi cũng không gặp lại nó lần nào nữa.”
“Sao lại có thể thế được? Đẻ con ra rồi cũng chẳng hề biết tới nó. Sợ nó, ruồng bỏ nó như vứt bỏ một sự nhục nhã.”
Thực là ghê tởm.
Hai người mệt mỏi bước đi vì ánh nắng chang chang trên con đường dài, leo lên con đường dốc vô tận.
Bà nói tiếp:
“Phải chăng đấy là một sự trừng phạt? Tôi từ đó chẳng bao giờ sinh đẻ nữa. Không, tôi không thể cưỡng lại được ý muốn khao khát tới thăm nó, điều đó ám ảnh tôi đã bốn mươi năm nay rồi. Các ông là nam giới, các ông không thể hiểu được. Ông hãy nhớ rằng tôi đã đến lúc sắp từ giã cõi đời này rồi. Thế mà tôi không được gặp lại nó!… không được gặp lại nó, sao lại có thể thế được? Làm thế nào mà tôi chờ đợi lâu được thế nhỉ? Suốt đời tôi mới khổ cực chứ. Không một lần nào tôi thức giấc, không một lần nào ông rõ chưa, mà ý nghĩ đầu tiên của tôi là không nghĩ đến nó, đến con tôi. Con nó người như thế nào? Ôi, đối với nó, tôi cảm thấy mình có tội biết bao! Trong trường hợp ấy, liệu có phải lo sợ tai tiếng với thiên hạ không nhỉ? Lẽ ra tôi phải từ bỏ hết thảy để theo nó, nuôi nấng, thương yêu nó. Lẽ tất nhiên là có thể tôi sẽ sung sướng hơn. Tôi đã không dám làm thế. Tôi đã hèn nhát. Tôi đã đau khổ biết chừng nào! Ôi, những con người tội nghiệp bị bỏ rơi ấy, hẳn là chúng oán hận mẹ chúng lắm!”
Bà bỗng ngừng lại, nghẹn ngào nức nở. Thung lũng vắng ngắt và im ắng dưới ánh nắng nặng nề. Chỉ nghe thấy tiếng châu chấu kêu, khô khan và liên miên trong đám cỏ vàng úa và thưa thớt ở hai bên vệ đường.
Ông ta nói:
“Ngồi nghỉ một chút bà ạ.”
Bà để cho ông ta dẫn đến tận bên bờ hào, và ngồi phệt xuống, hai tay ôm lấy mặt. Mái tóc bạc, uốn thành vòng rủ xuống hai bên mặt, sổ ra và bà ngồi khóc, lòng đau như xé.
Ông ta đứng trước mặt bà, lo ngại, chẳng biết nói với bà điều gì, chỉ lẩm bẩm:
“Nào… hãy can đảm lên bà ạ.”
Bà lại đứng dậy:
“Được, tôi sẽ có đủ can đảm.”
Và vừa lau nước mắt, bà vừa tiếp tục đi, bước chân lập cập của người đàn bà đã luống tuổi.
Cách xa đó một chút, con đường luồn vào một lùm cây che lấp mấy ngôi nhà. Giờ đây, họ nghe thấy rõ tiếng búa lò rèn nện xuống đe vang vang và đều đều.
Và chẳng bao lâu họ nhìn thấy về bên phải, một chiếc xe đỗ trước một căn nhà thấp lè tè và dưới một lán để xe, hai người đang đóng móng cho hai con ngựa.
Ông d’Apreval bước lại gần, lên tiếng hỏi:
“Trại của Pierre Bénédict ở đâu thế bác?”
Một trong hai người đáp:
“Ông đi theo con đường bên trái, ngay sát cái quán cà-phê nhỏ, rồi cứ thế đi thẳng, ngôi nhà thứ ba sau ngôi nhà của Poret là chính đó đấy. Có một cây tùng con bên cạnh hàng rào. Không thể lầm lẫn được đâu.”
Họ rẽ về bên trái. Giờ đây, bà de Cadour bước đi thong thả, chân tay bủn rủn, tim đập dồn dập làm bà nghẹn thở.
Cứ mỗi bước bà lại lẩm bẩm như cầu kinh:
“Lạy Chúa tôi! ôi! lạy Chúa tôi!”
Vì một niềm xúc động ghê gớm thít chặt cổ họng bà, làm bà lảo đảo cả người như chân muốn gãy.
Ông d’Apreval, bồn chồn, mặt hơi tái, đột nhiên bảo bà:
“Nếu bà không thể tự chủ được hơn nữa, bà sẽ bị lộ ngay. Hãy cố gắng trấn tĩnh lại bà ạ.”
Bà ấp úng:
“Tôi có thể trấn tĩnh được không? Con tôi! Cứ nghĩ rằng tôi sẽ sắp được gặp con!”
Hai người bước đi trên một con đường nhỏ ở nông thôn lọt thỏm giữa sân các trại ấp, ẩn kín dưới hai hàng sến thẳng tắp trên các bờ hào.
Bỗng họ tới trước hàng rào gỗ dưới bóng một cây tùng con.
“Đây rồi,” ông d’Apreval nói.
Bà đứng sững lại và ngắm nhìn.
Cái sân trồng táo rộng, chạy dài tới ngôi nhà ở bé nhỏ, lợp rạ. Phía trước là tầu ngựa, kho lúa, chuồng bò, chuồng gà. Dưới một cái mái lợp đá đen là nơi chứa xe bò, xe ngựa. Bốn con bê gặm cỏ xanh rì dưới bóng cây. Những con gà lông đen lang thang khắp nơi trong vườn.
Không một tiếng động. Cửa ngôi nhà bỏ ngỏ. Nhưng không trông thấy một ai.
Họ bước vào. Một con chó đen từ một thùng gỗ tròn nhỏ nằm lăn dưới gốc một cây lê lớn bỗng xồ ra, sủa dữ dội.
Phía ngoài, sát ngay tường nhà là bốn tổ ong đặt trên ván, thẳng hàng dưới những mái rạ hình tròn.
Đứng trước ngôi nhà, ông d’Apreval gọi to:
“Có ai không đấy?”
Một em nhỏ xuất hiện; một em gái trạc mười tuổi, mặc sơ-mi và váy len, chân để trần lem luốc, vẻ rụt rè và nghi kỵ. Em đứng trong khung cửa như để canh giữ không cho ai vào nhà.
“Ông muốn gì?” Em hỏi.
“Bố em có nhà không?”
“Không.”
“Thế bố em đi đâu?”
“Chẳng biết.”
“Thế còn mẹ em?”
“Mẹ đi làm.”
“Thế mẹ em sắp về chứ?”
“Chẳng biết.”
Và đột nhiên, người đàn bà như sợ bị lôi đi khỏi nơi đó, thốt lên, giọng hấp tấp:
“Nếu không gặp được nó, tôi sẽ không rời khỏi đây.”
“Chúng ta sẽ đợi nó, bà ạ.”
Họ vừa quay lại thì thấy một người đàn bà nông dân đang đi về phía ngôi nhà, tay xách hai thùng sắt tây có vẻ nặng, ánh nắng mặt trời từng lúc chiếu vào đôi thùng một tia sáng chói loà và trắng xoá.
Người đàn bà đó thọt chân phải, và bộ ngực cuộn tròn trong chiếc áo màu nâu, đã bạc phếch qua nhiều cơn mưa gió, đỏ bẻm sau nhiều mùa nóng bức, trông có vẻ một người ở gái nghèo hèn, khốn khổ và bẩn thỉu.
“Mẹ cháu đấy,” em bé nói.
Khi về tới sát ngôi nhà, chị ta nhìn khách lạ với một vẻ khó chịu, nghi ngờ, rồi bước vào trong nhà tựa như không trông thấy khách.
Hình như chị đã có tuổi, mặt mũi hốc hác, vàng khè, khắc khổ, cái bộ mặt như tạc vào gỗ ở nông thôn.
Ông d’Apreval gọi:
“Này bác, chúng tôi vào đây xin bác bán cho hai cốc sữa.”
Chị vừa lầu bầu vừa ló ra trên ngưỡng cửa sau khi đã đặt thùng xuống:
“Tôi không có sữa bán đâu.”
“Chúng tôi khát lắm. Bà đây đã có tuổi và rất mệt. Liệu bác có cái gì cho chúng tôi uống được không?”
Người đàn bà nông dân nhìn họ, cái nhìn ngại ngùng, đa nghi.
Nhưng rồi chị cũng quyết định, trả lời:
“Thôi thì ông bà đã đến đây, tôi cũng bán sữa cho.”
Rồi chị biến mất hút vào trong nhà.
Đến lượt em bé đi ra, tay cầm hai chiếc ghế, em đặt ghế xuống gốc cây táo, người mẹ ra sau với hai bát sữa ngầu bọt, đưa bát tận tay khách.
Rồi chị ta đứng đó, trước mặt khách như muốn canh gác họ và đoán ý định của họ. Chị hỏi:
“Ông bà ở Fécamp?”
Ông d’Apreval đáp:
“Vâng, chúng tôi tới Fécamp nghỉ hè.” Rồi sau một lát im lặng ông nói tiếp:
“Hằng tuần, bác có thể bán gà giò cho chúng tôi được không?”
Người đàn bà nông dân lưỡng lự rồi đáp:
“Được thôi, nhưng mà ông muốn gà giò phải không?”
“Phải, gà giò.”
“Thế ông mua ở chợ bao nhiêu?”
Ông d’Apreval không biết giá chợ, quay về phía bà bạn hỏi:
“Thế bà vẫn mua gà giá bao nhiêu, loại gà giò ấy?”
Bà ta ấp úng, nước mắt giàn giụa:
“Bốn quan và bốn quan rưỡi.”
Người đàn bà chủ trại, ngạc nhiên liếc nhìn bà, rồi hỏi:
“Bà nhà ta ốm hay sao mà khóc thế?”
Ông d’Apreval không biết trả lời ra sao, lúng búng trong mồm:
“Không… không… nhưng bà… bà ấy đi đường mất chiếc đồng hồ, một chiếc đồng hồ rất đẹp và bà ấy rất rầu lòng. Nếu có ai nhặt được, bác báo cho chúng tôi biết nhé.”
Chị Bénédict chẳng nói chẳng rằng, cho là chuyện này có gì uẩn khúc bên trong.
Và bỗng nhiên chị thốt lên:
“Nhà tôi kia!”
Chỉ có mình bà de Cadour trông thấy vì bà đang quay mặt ra hàng rào.
Ông d’Apreval giật nẩy mình. Bà de Cadour cuống cuồng quay mình trên ghế, loạng choạng suýt ngã.
Một người đàn ông đứng cách đó mươi bước, cầm đầu dây thừng kéo một con bò cái, người cúi gập làm đôi, thở hổn hển.
Anh ta thốt lên, chẳng chú ý đến khách:
“Đồ chết tiệt! bò mới bê!”
Rồi anh ta bước qua, đi về phía chuồng bò và mất hút.
Mắt của người đàn bà bỗng ráo hoảnh và bà ngồi đó, hoảng hốt, im lặng, không nói, không nghĩ gì được: “Con bà, chính con bà đấy!”
Ông d’Apreval cũng bị xúc phạm vì ý nghĩ đó, dằn từng tiếng, giọng bối rối:
“Chính bác Bénédict đấy hở bác?”
Người đàn bà chủ trại, ngờ vực, hỏi:
“Ai bảo ông biết tên nhà tôi đấy?”
Ông d’Apreval đáp:
“Bác thợ rèn ở góc đường cái.”
Rồi mọi người nín thinh, mắt nhìn đăm đăm về phía cửa chuồng bò. Cái cửa trông tựa một lỗ hổng đen ngòm trong tường ngôi nhà. Chẳng trông thấy gì bên trong nhưng nghe thấy những tiếng động mơ hồ, những cử động, những tiếng chân đi êm trên rơm rải ra mặt đất.
Bénédict lại ló ra trên ngưỡng cửa, tay lau trán, và trở về ngôi nhà ở, chân bước dài, chậm chạp, hình như mỗi bước lại nâng bổng anh lên.
Anh lại đi qua đám khách như không chú ý đến họ và bảo vợ:
“Đi lấy cho tôi một vò rượu táo, tôi khát lắm.”
Rồi anh bước vào nhà. Người vợ đi về phía nhà kho để rượu, mặc khách thủ đô đứng đó.
Và bà de Cadour cuống cuồng, ấp úng:
“Thôi Henri, ta đi thôi.”
Ông d’Apreval khoác tay bà, nâng bà dậy và gắng hết sức giúp đỡ bà vì ông cảm thấy rõ bà chỉ muốn ngã, rồi ông dìu bà đi, sau khi đã quẳng xuống mặt ghế đồng tiền năm quan.
Hai người vừa bước ra khỏi rào, bà de Cadour oà lên khóc nức nở, toàn thân rung lên vì đau đớn, bà lẩm bẩm:
“Ôi, ôi! ông đã làm nó trở thành như thế đấy!…”
Ông d’Apreval tái mặt, xẵng giọng, đáp lại:
“Tôi đã làm hết sức mình. Ấp trại của nó đáng giá tám vạn quan. Đó là một món gia tài mà không phải con cái nhà trưởng giả nào cũng có được.”
Và họ chậm rãi bước đi trên đường về, không nói thêm một lời. Bà de Cadour thì cứ nức nở mãi. Những giọt nước mắt không ngừng trào ra và lăn trên má bà.
Sau cùng bà thôi khóc, họ đã về tới Fécamp.
Ông de Cadour đợi họ ăn bữa chiều. Vừa trông thấy hai người, ông ta phá ra cười và bô bô lên:
“Tốt lắm, bà vợ tôi đã chuốc được một trận say nắng. Tôi thật mãn nguyện. Quả thật, ít lâu nay, tôi cho là nhà tôi mất trí rồi!”
Cả ông d’Apreval lẫn bà de Cadour chẳng ai nói một lời, và khi người chồng vừa xua tay vừa hỏi:
“Thế nào, ít ra bác và nhà tôi đi chơi cũng thú vị chứ?”
Ông d’Apreval đáp:
“Thú vị lắm, bác ạ, rất thú vị.”
Trung Hiếu dịch
Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant - Guy de Maupassant Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant