Những ai dám làm, sẽ thắng.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Guy de Maupassant
Dịch giả: Nhiều Dịch Giả
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 44
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 51
Cập nhật: 2020-10-24 12:43:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 31
uộc du lịch của chiếc khí cầu Horla
(Le voyage du Horla)
Sáng ngày 8 tháng bảy, tôi nhận được một bức điện nội dung như sau: “Đẹp trời, vẫn những điều tôi dự đoán trước. Biên giới Bỉ. Dụng cụ và nhân viên khởi hành vào 12 giờ trưa, ở trụ sở hội. Khởi sự hồi 3 giờ. Vậy tôi đợi anh ở nhà máy từ năm giờ. Jovis.”
Đúng năm giờ, tôi bước vào nhà máy sản xuất hơi Villette. Tưởng như đây là những di tích khổng lồ của một thành phố những thần khổng lồ một mắt. Những đường phố rộng lớn tối om chạy giữa những máy chế hơi nặng nề, sắp hàng cái nọ sau cái kia, coi tựa những hàng cột quái dị, cụt đầu, cao thấp không đều nhau và chắc chắn ngày xưa đã làm trụ chống đỡ một toà nhà bằng sắt kinh khủng nào đó.
Trong sân, chỗ cửa ra vào nhà máy, quả khí cầu nằm bẹp gí dưới đất như một chiếc bánh đa lớn bằng vải vàng, một mạng lưới phủ trên. Người ta gọi thế là bủa lưới, mà quả vậy, nom quả khí cầu lúc ấy chẳng khác gì một con cá khổng lồ mắc lưới và đã chết.
Hai ba trăm người nhìn nó, kẻ ngồi người đứng, hoặc xem xét cái giỏ treo, một cái thúng hình vuông xinh xắn, một cái thúng dùng đựng thịt người, bên sườn cho đeo một tấm gỗ đào hoa tâm, trên viết mấy chữ thếp vàng: Horla.
Thốt nhiên, người ta đổ xô lại, lúc này hơi đã bắt đầu được bơm vào quả cầu qua một ống dài bằng vải vàng đặt bò trên mặt đất. Chiếc ống vải phình lên, phập phồng như một con sâu to quá khổ. Nhưng một ý nghĩ khác, một hình ảnh khác đập vào mắt và đầu óc mọi người. Chính thiên nhiên nuôi dưỡng các sinh vật cho đến lúc chúng sinh nở cũng như vậy. Con vật lát nữa đây sẽ bay, lúc này bắt đầu ngóc dậy; những người giúp việc đại uý Jovis, cứ quả khí cầu Horla phồng lớn thêm được chừng nào, lại trải chiếc lưới phủ trên quả cầu rộng ra chừng nấy, sao cho sức ép được đều và phân bố đều khắp mặt quả cầu.
Việc làm này rất khó khăn và rất quan trọng; vì sức bền của thứ vải bông rất mỏng dùng để chế tạo quả cầu được tính theo bề mặt tiếp xúc giữa vỏ bằng vải ấy với tấm lưới có mắt rất mau, tấm lưới này sẽ đeo cái giỏ treo.
Mẫu quả khí cầu Horla do ông Mallet vẽ, lại chính tay ông ta chế tạo và trông coi việc chế tạo. Tất cả mọi công việc đều làm ở xưởng máy ông Jovis, do hội viên hoạt động của hội đảm nhiệm, không một tí gì đưa làm ở ngoài.
Xin nói thêm là trong quả khí cầu này cái gì cũng mới: từ chất sơn phết ngoài cho đến cái nắp hơi, hai bộ phận chủ yếu của ngành điều khiển khí cầu; chất sơn phải giữ cho vải không để khí than lọt thấm qua được, khác nào mạn sườn tàu thuỷ không được để ngấm nước. Loại sơn phết cũ chế tạo từ dầu gai, có hai điều bất tiện là nó sẽ lên men và đốt cháy vải khiến cho lượt vải bọc chỉ ít lâu sau sẽ bở, dễ rách như giấy.
Nhưng nắp hơi có cái nguy hiểm ở chỗ nó sẽ không khép lại được kín hoàn toàn khi đã mở nó ra, lớp sơn phết ngoài thường gọi là vỏ sơn, bị vỡ nát. Tuần trước, ông Lhoste bị rơi xuống giữa biển, giữa ban đêm, điều ấy chứng tỏ cách chế tạo cũ không hoàn hảo.
Có thể nói hai phát kiến của đại uý Jovis, nhất là vấn đề chất sơn, có một giá trị cực kỳ to lớn đối với ngành khí cầu.
Trong đám đông, người ta bàn tán về vấn đề đó và có những người, ngó bộ là những tay chuyên gia, nhất quyết khẳng định rằng thế nào bọn chúng tôi cũng sẽ rơi trước khi vượt khỏi tường thành. Người ta còn chê trách nhiều cái khác trong quả khí cầu loại mới này mà chúng tôi sắp cho bay thí nghiệm với xiết bao may mắn và thành công.
Quả khí cầu cứ từ từ phồng to dần lên mái. Có một vài lỗ rách nhỏ, gây ra trong lúc vận chuyển. Theo lệ thường, người ta lấy ít mảnh giấy báo, thấm nước rồi đắp lên chỗ vải rách. Cách vá víu này khiến mọi người đứng xem lo ngại và xúc động.
Trong lúc đại uý Jovis và đám nhân viên của ông bận hoàn thành nốt những chi tiết cuối cùng, hành khách chúng tôi ra ăn tại căng-tin của nhà máy theo tục lệ sẵn có.
Lúc chúng tôi trở ra thì quả khí cầu đang lắc lư, nom nó mới to và trong suốt làm sao, chẳng khác nào một trái quả khổng lồ bằng vàng, một quả lê quái dị vẫn còn được những tia nắng cuối cùng phủ lửa lên, rấm chín.
Giờ đây, người ta buộc chiếc giỏ treo vào, đem những phong vũ biểu đến, một cái còi để chúng tôi rúc lên trong đêm tối, có cả hai cái tù và, một ít thức ăn, mấy chiếc áo khoác, tất cả những dụng cụ nho nhỏ mà cái giỏ bay nọ có thể chứa được cùng với đám hành khách.
Gió thổi quả cầu về phía những chiếc máy chế hơi; mấy lần người ta phải kéo nó lại để tránh xảy ra tai nạn lúc xuất phát.
Thốt nhiên, đại uý Jovis gọi các hành khách lại.
Trước nhất, trung uý Mallet trèo lên cái lưới trời mắc giữa quả cầu và cái giỏ treo; ông sẽ thức suốt đêm ở đó để giám sát đường bay của quả cầu Horla trên không, như một sĩ quan đứng gác trên cầu chỉ huy chiếc tàu thuỷ, coi cho tàu chạy.
Sau, đến ông Étienne Beer, rồi ông Paul Bessand, ông Patrice Eyriès, rồi tôi.
Nhưng chở nặng thế thì quả khí cầu không thể đi được trót lọt quãng đường dài chúng tôi dự tính. Vì thế, ông Eyriès phải ở lại, trong lòng rất tiếc.
Ông Jovis đứng trên mạn giỏ treo, với những lời nói rất lịch sự, yêu cầu các bà các cô đứng ra xa một chút kẻo lúc quả cầu bay lên, trên ném cát xuống, cát sẽ rơi vào mũ của họ; rồi ông ra lệnh: “Buông cả ra!!”, tay cầm dao, ông cắt một nhát đứt phăng những dây buộc đeo, xung quanh chúng tôi, khối cát phụ giữ quả cầu ở dưới đất, quả cầu tự do bay lên.
Thoáng một giây, chúng tôi đã bốc lên cao, không cảm thấy gì hết, chúng tôi trôi bồng bềnh, vút lên, bay liệng. Bạn bè chúng tôi ở dưới la hét hoan hô, chúng tôi hầu như không nghe thấy tiếng họ nữa; chúng tôi chỉ nhìn thấy họ rất lờ mờ. Chúng tôi đã bay quá xa! quá cao! Sao! chúng tôi vừa từ giã những người ở dưới kia ư? Có thể thế được chăng? Dưới chân chúng tôi, thủ đô Paris trải ra như một mảng tối sẫm, xanh xanh, có đường phố ngang dọc chi chít, và từ đấy, từng chỗ từng chỗ vút lên những vòm mái tròn, những lầu cao, những tháp nhọn, rồi bốn xung quanh là cánh đồng bằng, mặt đất với những con đường dài dặc, mỏng manh và trắng xoá cắt ngang dọc, giữa những cánh đồng xanh, một màu xanh lục tươi hoặc sẫm, cùng những cánh rừng hầu như đen sì.
Dòng sông Seine như con rắn lớn nằm cuộn khúc, im lìm, không thấy đầu thấy đuôi; con sông từ đằng xa chảy đến, rồi chảy qua thủ đô Paris, chảy về phía xa kia, và cả một vùng coi như một cái lòng chảo mông mênh đồng cỏ, rừng cây và xa xa, một ngọn núi thấp hình cánh cung khép kín chân trời.
Mặt trời, mà giờ đây ở dưới đất không còn trông thấy, lại hiện ra trước mắt chúng tôi như thể nó lại mọc lại một lần nữa, và chính quả cầu của chúng tôi cũng rực sáng trong ánh nắng chói lọi; người từ dưới đất nhìn lên hẳn thấy nó như một vì sao. Ông Mallet chốc chốc lại thả vào không trung một tờ giấy cuốn thuốc lá và bình tĩnh nói: “Chúng ta đang bay lên, vẫn cứ đang bay lên”, còn đại uý Jovis, nét mặt hớn hở, xoa xoa tay, nhắc đi nhắc lại: “Thế nào? cái chất sơn ấy khá chứ? thế nào? cái chất sơn ấy?”
Thực thế, để biết rõ quả cầu bay lên hoặc tụt xuống, người ta chỉ có cách chốc chốc lại ném ra ngoài một tờ giấy cuốn thuốc lá. Tờ giấy thực ra lơ lửng một chỗ trong không khí, nhưng nếu thấy như nó rơi xuống vùn vụt tựa một hòn đá, tức là quả cầu bay lên; nếu trái lại thấy nó như bay lên trời là quả cầu đang tụt xuống. Hai chiếc phong vũ biểu chỉ độ cao khoảng năm trăm thước. Chúng tôi lòng đầy phấn khởi thán phục, đứng ngắm nhìn cái mảnh đất chúng tôi vừa rời khỏi; lúc này, chúng tôi không còn gì ràng buộc với nó nữa và nom nó như một tấm địa đồ tô màu, hoặc một bản đồ quá khổ của một tỉnh. Tuy vậy, tất cả những tiếng ồn ào từ dưới đưa lên, chúng tôi nghe rõ mồn một, rõ một cách kỳ lạ. Nhất là tiếng bánh xe lăn trên đường, tiếng roi quất, tiếng giục giã “đi! đi!” của bác đánh xe bò, tiếng xe lửa lăn bánh và kéo còi, tiếng cười của bầy trẻ đang chạy chơi đùa trên các bãi rộng. Mỗi lần bay qua một xóm làng, lại nghe thấy hết sức rõ tiếng trẻ em hò reo, át tất cả các tiếng khác và bay lên trời.
Có tiếng người gọi chúng tôi; tiếng đầu máy xe lửa kéo còi, chúng tôi đáp lại bằng còi hơi, tiếng còi rên rỉ than vãn, nho nhỏ dễ sợ, đúng là tiếng một con vật quái dị lang thang đi vòng quanh thế giới.
Đây đó, có ánh sáng hiện lên, đó là những đám lửa cô đơn trong các ấp trại, những chùm đèn hơi trong các thành phố. Sau một hồi lâu bay lừ lừ bên trên hồ Enghien bé nhỏ, chúng tôi bay về hướng tây bắc. Một con sông hiện ra; con sông Oise. Chúng tôi liền bàn cãi xem lúc này đang ở đâu. Cái thành phố lấp lánh xa xa kia phải chăng là Creil hay Pontoise? Nếu đây là Pontoise thì hình như phải trông thấy chỗ con sông Seine gặp con sông Oise; và cái đám lửa kia, cái đám lửa khổng lồ ở phía tay trái, phải chăng đấy là lò cao Montataire?
Thực ra, chúng tôi đang ở trên thành phố Creil. Cảnh tượng thực kỳ lạ; dưới đất đã là đêm tối, thế mà trên đây, lúc này đã quá mười giờ, chúng tôi vẫn còn trong ánh sáng. Lúc này chúng tôi nghe thấy những tiếng nho nhỏ ngoài cánh đồng, nhất là tiếng kêu nhịp đôi của những con cun cút, rồi tiếng mèo kêu, tiếng chó sủa. Hẳn lũ chó đã đánh hơi nhìn thấy quả khí cầu, và sủa lên báo động. Chúng tôi nghe thấy tiếng chúng vang khắp cánh đồng, sủa chúng tôi và rên rỉ như khi thấy mặt trăng. Mấy con bò cũng như thức dậy trong chuồng, vì có tiếng chúng rống; tất cả các con vật sợ hãi, hoảng hốt khi thấy con quái vật bay qua bầu trời.
Và có mùi hương từ dưới đất bay lên chỗ chúng tôi, thơm ngát mùi rơm rạ, hoa lá, mùi đất xanh và ẩm ướt, khiến không khí cũng thoảng mùi thơm, một làn không khí nhẹ lâng lâng, êm dịu quá, ngọt ngào quá, mà suốt đời tôi chưa bao giờ được hít thở sung sướng đến như vậy. Một niềm sảng khoái sâu xa, lạ lùng tràn ngập con người tôi, một niềm sảng khoái về cơ thể và tinh thần, tạo nên bởi cái cảm giác ung dung, nghỉ ngơi triệt để bởi lãng quên, thờ ơ với tất cả, bởi cái cảm giác mới mẻ khi bay trong không gian mà không hề cảm thấy những cái khiến cho sự chuyển động trở nên khó chịu, bay không tiếng động, không lúc lắc rung chuyển.
Lúc thì chúng tôi bay lên, lúc lại tụt xuống. Cứ mỗi phút, trung uý Mallet, lủng lẳng trong cái lưới mạng nhện của ông, lại bảo đại uý Jovis: “Chúng ta đang tụt xuống, anh ném thêm nửa nắm nữa.” Thế là viên đại uý đang nói nói cười cười với chúng tôi, túi cát kẹp giữa hai đầu gối, lại vốc một ít cát trong túi ném ra ngoài.
Không gì khó làm nhưng lại vui và lôi cuốn bằng việc lái khí cầu. Nó là một thứ đồ chơi khổng lồ của trẻ em, phóng túng và dễ bảo, vâng lời một cách nhạy bén lạ lùng, nhưng trước hết, nó cũng lệ thuộc vào gió mà chúng ta không điều khiển được.
Một nhúm cát, nửa tờ báo, vài giọt nước, mấy cái xương gà vừa ăn xong vứt ra ngoài cũng khiến cho quả khí cầu đột nhiên bay vọt lên.
Khi chúng tôi bay qua một dòng sông hay một khu rừng, hơi từ dưới thổi lên ẩm và lạnh khiến quả khí cầu tụt xuống đến hai trăm thước. Khi bay trên cánh đồng lúa mì chín, quả cầu giữ nguyên độ cao, lúc qua thành phố nó lại bổng lên.
Giờ đây, đất đang ngủ, hoặc nói cho đúng hơn, người dưới đất đang ngủ, vì chúng tôi tới đâu là bao giờ cũng có những con vật thức giấc báo hiệu. Thỉnh thoảng, tiếng một đoàn xe lửa lăn bánh, hoặc tiếng đầu máy kéo còi vọng đến tai chúng tôi. Bay qua những vùng có người ở chúng tôi rúc còi hơi khiến những người nông dân hoảng hốt trên giường ngủ, hẳn vừa run run vừa nghĩ bụng, phải chăng đây là thần phán quyết cuối cùng bay qua.
Nhưng một mùi khí khó chịu và liên tục sực vào mũi chúng tôi: hẳn chúng tôi vừa gặp một luồng khí nóng, khí cầu phồng lên để lọt mất ít máu không màu của nó qua ống thoát hơi, thường gọi là đoạn ruột thừa, ống này hễ khí bên trong thôi không giãn nở nữa là tự động khép lại.
Chúng tôi bay lên mãi. Đất dưới kia không dội lại tiếng tù và; chúng tôi đã lên cao quá sáu trăm thước. Trời tối, không nhìn được các máy đo lường, chỉ biết là giấy cuốn thuốc lá rơi xuống bên dưới như những con bướm chết; chúng tôi đang bay lên, bay lên mãi. Lúc này không còn nhìn thấy rõ đất bên dưới nữa; xen vào giữa đã có những đám sương mù nhẹ và trên đầu chúng tôi, lấp lánh hằng hà sa số các vì sao.
Nhưng, kìa, trước mặt chúng tôi một ánh sáng lờ mờ, một ánh sáng bạc lờ mờ khiến cho nền trời nhợt nhạt đi và, thốt nhiên, mặt trăng hiện ra bên rìa một đám mây, như thể từ những vực thẳm xa lạ của chân trời dưới kia bay lên. Mặt trăng như từ dưới thấp leo lên, còn chúng tôi đứng từ trên rất cao nhìn nó, khuỷu tay tựa vào bờ giỏ treo, như những khán giả tựa bao lơn. Từ trong những đám mây vây xung quanh, mặt trăng nhô ra, sáng như gương, tròn xoe, và từ từ leo cao lên nền trời.
Không còn thấy đất đâu nữa, mặt đất dưới kia đã chìm sâu trong đám biển hơi nước nhờ nhờ như sữa. Vậy là giờ đây chỉ còn có chúng tôi với mặt trăng ở giữa khoảng không gian bao la, và mặt trăng bồng bềnh trước mặt chúng tôi nom như một quả bóng; còn quả khí cầu sáng loáng thì trông như một mặt trăng lớn hơn mặt trăng thực, hay một thế giới lang thang giữa bầu trời, giữa các vì sao, trong cái khoảng mông mênh vô hạn. Chúng tôi không ai nói gì, không nghĩ ngợi gì nữa, chúng tôi không còn sống nữa; chúng tôi ì ra, bất động, một cách khoan khoái mà vượt ra không gian. Không khí đang mang chúng tôi đã biến chúng tôi thành những sinh vật giống nó, những sinh vật câm lặng, sung sướng và điên dại, say sưa bởi chuyến bay kỳ diệu này, linh hoạt lạ lùng, mặc dầu vẫn ngồi im không động đậy. Chúng tôi không còn cảm thấy thịt da, không cảm thấy xương cốt của mình đâu nữa, không còn cảm thấy tim mình đập, chúng tôi đã trở thành một cái gì khó tả, thành những con chim chẳng cần phải vỗ cánh mà vẫn bay.
Trong đầu óc chúng tôi không còn một chút hồi ức nào hết, mọi lo âu đã rời khỏi ý nghĩ chúng tôi, chúng tôi không còn tiếc gì, dự tính gì, hy vọng gì. Chúng tôi nhìn, chúng tôi suy nghĩ, chúng tôi tận hưởng hết cái thú vị của chuyến du lịch kỳ lạ này; chỉ có mặt trăng và chúng tôi trên bầu trời! Chúng tôi là một thế giới lang thang, một thế giới đang đi, cũng như các hành tinh chị em của chúng tôi vậy; và cái thế giới nhỏ bé đang đi đó mang năm người đã rời bỏ trái đất và hầu như đã quên hẳn nó. Chỗ chúng tôi lúc này sáng rõ như giữa ban ngày; chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên về cái ánh sáng chói lọi ấy, vì chúng tôi chỉ còn có chúng tôi và mấy đám mây bạc đang lềnh bềnh trôi bên dưới kia để nhìn mà thôi. Phong vũ biểu chỉ độ cao một nghìn hai trăm thước, rồi ngàn ba, rồi ngàn tư, ngàn rưởi; những tờ giấy cuốn thuốc lá cứ tung ra là rơi xuống xung quanh chúng tôi.
Đại uý Jovis cho biết là mặt trăng vẫn thường làm cho những quả khí cầu bốc lên như vậy và cuộc hành trình còn tiếp tục bay lên cao nữa.
Giờ đây, chúng tôi ở trên cao hai nghìn thước, chúng tôi còn lên tới hai nghìn ba trăm năm mươi thước; cuối cùng, quả khí cầu dừng lại.
Chúng tôi rúc còi, và ngạc nhiên thấy từ phía các vì sao không có tiếng đáp lại.
Lúc này, chúng tôi tụt xuống nhanh không ngờ. Ông Mallet luôn miệng kêu: “Ném cát, ném cát xuống!” Và những thức chúng tôi ném vội, cả cát lẫn đá, vào khoảng không, hắt trở lại mặt chúng tôi, như thể những thức đó bị ném từ dưới đất lên các vì sao, đang vun vút bắn lên, chúng tôi tụt xuống nhanh quá.
Và đây kia mặt đất!
Chúng tôi đang ở đâu? Chuyến bay vọt lên không này đã lâu tới hai tiếng đồng hồ. Lúc này đã quá nửa đêm và chúng tôi đang bay qua một vùng rộng khô ráo, cây cối trồng trọt đẹp đẽ, có nhiều đường sá, rất đông dân cư.
Đây là một thành phố, rồi lại một thành phố lớn ở phía bên phải, một thành phố khác bên trái, phía xa. Nhưng thốt nhiên, dưới mặt đất, một vùng ánh sáng chói lọi, huyền ảo, lóe lên, tắt đi, rồi lại hiện ra, tắt đi lần nữa. Jovis đang say sưa với không gian bao la, kêu lên: “Kìa, nhìn kìa, hãy nhìn hiện tượng ánh trăng trên mặt nước. Ban đêm không còn có gì đẹp hơn thế.”
Thực vậy, không gì có thể khiến ta hình dung ra được những cái như vậy, không gì có thể cho ta ý niệm về cái ánh sáng kỳ diệu của những vùng sáng chói ấy, không phải là lửa mà cũng không giống như những ánh phản quang, đột nhiên loé lên ở đây đó rồi lại tắt đi liền.
Trên các dòng suối quanh co, những đám sáng rực rỡ ấy hiện ra mỗi khi dòng nước uốn khúc, nhưng vì quả cầu bay nhanh như gió, nên đứng ở trên chỉ thoáng nhìn thấy mà thôi.
Giờ đây, chúng tôi đang bay khá gần mặt đất, ông bạn Beer kêu lên: “Nhìn kìa! có cái gì đang chạy vun vút xa xa kia trên cánh đồng? Con chó chăng?” Quả vậy, có một cái gì đang chạy lướt trên mặt đất, cực kỳ nhanh, và vật đó như vượt qua hố, qua đường, qua cây cối, dễ dàng quá, khiến chúng tôi không ai hiểu ra sao. Đại uý Jovis cười, nói: “Cái bóng quả khí cầu của chúng ta đấy. Chúng ta xuống gần mặt đất chừng nào thì nó lớn lên chừng ấy.”
Tôi nghe rõ có tiếng bễ lò rèn rất to ở xa xa, và vì suốt đêm chúng tôi không ngừng hướng đường bay về phía sau Bắc cực mà tôi vẫn thường ngắm nhìn để tìm phương trên chiếc thuyền buồm nhỏ của tôi ở Địa Trung Hải, chắc chắn là chúng tôi đang bay về phía nước Bỉ.
Chiếc còi và hai chiếc tù và của chúng tôi rúc liên tục. Có vài tiếng hét to đáp lại, tiếng hét của bác đánh xe bò đang đi dừng lại, tiếng hét của một anh say rượu ngất ngưởng về khuya. Chúng tôi hét to hỏi: “Đây là đâu?” Nhưng quả cầu bay nhanh quá khiến người ta hoảng sợ không kịp trả lời. Cái bóng đã to ra của quả cầu Horla, to bằng quả bóng của trẻ con, đang chạy trốn trước mặt chúng tôi, trên cánh đồng, trên những nẻo đường, trên cánh đồng lúa mì và trên những khu rừng nhỏ. Nó vun vút chạy trước chúng tôi đến nửa cây số; và lúc này, cúi đầu ra ngoài giỏ treo, tôi lắng nghe tiếng gió ào ào thổi trong cây cối, trên cánh đồng lúa.
Tôi bảo đại uý Jovis: “Chà, gió mạnh quá!”
Ông ta trả lời: “Không, hẳn đây là tiếng thác nước đổ.” Tin chắc mình nghe đúng đây là tiếng gió thổi vì tôi vẫn thường nghe tiếng gió thổi vào đám dây dợ trên thuyền, nên tôi cãi lại. Jovis liền lấy khuỷu tay hích ngầm tôi; ông ta sợ nói ra, hành khách của ông đang vui vẻ bình tĩnh sẽ hoảng sợ vì ông ta biết rõ là có một cơn dông đang đuổi theo chúng tôi. Cuối cùng, một người hiểu ý chúng tôi, đáp lại: “Hướng Bắc.”
Một người khác cũng nói vậy.
Và, thốt nhiên, đứng ngay trước mặt chúng tôi hiện ra một thành phố rất to, cứ xem bề rộng lớp khí than bốc lên cũng đủ hiểu. Có lẽ là thành phố Lille. Lúc chúng tôi bay lại gần, bên dưới thình lình hiện ra một đám lửa phun lên như phún thạch, khiến tôi tưởng mình bay đến một xứ hoang đường trong thần thoại, nơi sản xuất ra châu ngọc cho những người khổng lồ.
Hình như đấy là một lò gạch. Và kia, hai ba lò khác. Những chất bị nấu chảy đang sùng sục sôi, lấp lánh, toé ra những ánh xanh lam, đỏ, vàng, xanh lá mạ, những màu sắc lóng lánh của những hạt kim cương quái dị, của những viên hồng ngọc, bích ngọc, lam ngọc, những viên ngọc xanh, ngọc vàng.
Và gần ngay đấy, những cái bễ lò to lớn, thở phì phò chẳng khác gì tiếng gầm thét của con sư tử trong thần thoại; những ống khói cao toả vào gió những luồng lửa dài, và người ta nghe có tiếng kim loại lăn ầm ầm, tiếng kim loại kêu vang vang của những cái búa khổng lồ giáng xuống.
“Chúng ta đang ở đâu vậy?”
Một người chẳng hiểu đùa hay quá sợ, đáp lại:
“Trong quả khí cầu.”
“Chúng ta đang ở đâu đây?”
“Lille.”
Quả chúng tôi đã không lầm. Không thấy thành phố nữa và đây kia, Roubaix bên phải, rồi những cánh đồng trồng trọt tươi tốt, đều đặn, màu sắc khác nhau, tùy theo loại cây trồng và trong đêm tối, tất cả hình như đều một màu vàng, xám hoặc nâu. Nhưng mây đùn đen đặc phía sau chúng tôi, che lấp cả mặt trăng, trong lúc ấy, về phía đông, nền trời đang rạng ra, ngả sang màu lam nhạt với những ánh đỏ. Bình minh. Ánh bình minh toả rộng rất nhanh; giờ đây, chúng tôi đã nhìn thấy rõ cả từng chi tiết nhỏ trên mặt đất, những đoàn xe lửa, những dòng suối, đàn bò cái, đàn dê. Và tất cả những cái đó vụt qua bên dưới chúng tôi nhanh vô cùng; không kịp nhìn, vừa ngó thấy, những cánh đồng cỏ khác, những đồng ruộng khác, những đám nhà khác đã biến mất. Gà cất tiếng gáy, nhưng tiếng vịt át tất cả, tiếng kêu ầm ĩ, tưởng chừng trái đất đông đặc toàn những vịt là vịt.
Có những người nông dân dậy sớm vẫy tay, hét lên về phía chúng tôi: “Để cho rơi xuống đi.” Nhưng chúng tôi cứ bay mãi, bay mãi, không bay lên mà cũng không tụt xuống, tất cả đều tựa mình vào thành giỏ treo, cúi xuống, nhìn vũ trụ đang diễn ra bên dưới.
Jovis cho biết tên một thành phố khác, rất xa. Thành phố đó bay lại gần, những gác chuông cổ kính cao vút vượt lên tất cả, nhìn từ trên cao xuống, cảnh rất ngoạn mục. Chúng tôi bàn cãi. Phải chăng đây là Courtrai? Hay Gand?
Chúng tôi đã tới gần sát và thấy xung quanh thành phố toàn nước, sông đào chạy ngang dọc chi chít. Chẳng khác gì một thành phố Venise miền Bắc. Đúng lúc chúng tôi bay qua gác chuông, bay sát qua, khiến sợi dây neo, một sợi dây dài treo lủng lẳng bên dưới giỏ treo suýt nữa chạm vào nóc gác chuông, thì tiếng chuông xứ Flandre bắt đầu vang lên, điểm ba giờ. Tiếng chuông nhẹ nhàng mau lẹ, êm ái và trong vắt như đón chào chúng tôi, vút ra từ cái mái đá mỏng manh nọ mà chúng tôi đã bay lướt qua đi. Một lời chào đậm đà, một tiếng chào thân thiết của xứ Flandre gửi tới chúng tôi. Chúng tôi kéo còi đáp lại, tiếng còi kinh khủng vang lên khắp các phố.
Đây là Bruges; nhưng thành phố vừa khuất khỏi tầm mắt thì ông bạn Paul Bessand ngồi bên hỏi tôi: “Anh có thấy gì phía trước mặt bên phải không? Hình như một con sông thì phải.”
Quả thực trước mắt chúng tôi một đường sáng trải rộng ra xa dưới ánh bình minh. Đúng, coi có vẻ một con sông, một con sông rộng mông mênh, giữa dòng có những hòn đảo.
“Chuẩn bị xuống!” đại uý Jovis ra lệnh. Ông gọi ông Mallet, từ trước đến giờ vẫn ở trên lưới trời, bảo leo xuống giỏ treo; sau đó, mọi người thu dọn lại những phong vũ biểu cùng tất cả những vật cứng có thể đâm vào người và gây thương tật, khi quả cầu xô giật.
Ông Bessand kêu lên: “Ôi kìa, những cột buồm ở phía trái. Chúng ta tới biển rồi.”
Từ trước đến giờ sương mù che lấp mất biển. Lúc này, bên trái và trước mặt, đâu cũng là biển, còn bên phải là con sông Escaut chảy vào sông Meuse, cửa sông mở rộng ra tận biển, rộng hơn cả một cái hồ.
Phải hạ xuống trong một hai phút.
Dây kéo nắp hơi từ trước vẫn kính cẩn cất kín trong một cái túi vải trắng và đặt ở một chỗ ai cũng trông thấy để không ai được mó tới, lúc này được tháo ra, ông Mallet cầm lấy nó, còn đại uý Jovis tìm một chỗ thuận tiện ở đằng xa.
Sau lưng chúng tôi, sấm ầm ầm. Không một con chim nào bay theo cuộc bay điên cuồng của chúng tôi.
“Kéo!” Jovis hét lên.
Chúng tôi bay qua một con sông đào. Chiếc giỏ treo rùng rùng hai lần và chúc nghiêng xuống. Chiếc dây neo đã chạm vào đám cây to hai bên bờ.
Nhưng tốc độ bay của quả cầu vẫn còn mạnh khiến chiếc dây dài, giờ đây kéo lê như không hãm nó chậm lại được, và chúng tôi lao như một viên đạn vào một khu trang trại rộng lớn; gà, vịt, chim bồ câu hoảng sợ bay lên tung toé; bê, mèo, chó hốt hoảng chạy về phía ngôi nhà.
Chúng tôi còn vừa đúng một nửa túi cát. Jovis vứt xuống, chiếc Horla nhẹ nhàng bay vọt qua nóc nhà.
“Nắp hơi!” đại uý Jovis lại hét lên một lần nữa.
Ông Mallet đánh đu vào sợi dây thừng, và chúng tôi tụt xuống nhanh như tên bắn.
Soẹt, một nhát dao, sợi dây neo bị cắt đứt, chúng tôi kéo lê cái neo trong một cánh đồng củ cải rất rộng.
Kia những lùm cây to.
“Chú ý! Bám chặt lấy! Liệu hồn cái đầu!”
Chúng tôi vẫn còn bay ở trên; sau đó, một cái xóc mạnh làm chúng tôi xô vào nhau. Neo đã cắm được.
“Chú ý! Đứng cho vững! Lấy sức cổ tay mà chống người lên. Chúng ta sắp chạm đất rồi.”
Quả nhiên giỏ treo chạm đất. Rồi nó lại bay lên. Lại rơi xuống, nảy tung lên, và cuối cùng, đỗ xuống đất, trong lúc ấy quả cầu vật vã điên cuồng, vùng vằng như kẻ hấp hối.
Một đám nông dân chạy tới, nhưng không dám lại gần. Mãi lâu sau, họ mới dám quả quyết bước lại chỗ chúng tôi, vì quả cầu chưa xả thật hết hơi thì chúng tôi không sao đặt chân xuống đất được.
Sau đó, cùng với đám người lúc này hoảng sợ, có người ngạc nhiên nhảy lên, hoa chân hoa tay, như hoá dại, tất cả đám bò đang gặm cỏ trên cồn, đều kéo lại chỗ chúng tôi, vây quanh quả cầu làm thành một vòng tròn lạ lùng và tức cười, toàn những sừng, những con mắt trô trố và lỗ mũi phì phò.
Nhờ được những người nông dân Bỉ nhã nhặn và hiếu khách giúp đỡ, trong chốc lát, chúng tôi đã có thể gói ghém tất cả dụng cụ vật liệu lại, mang ra ga Heyst, đáp chuyến xe lửa tám giờ hai mươi phút về Paris.
Chúng tôi đỗ xuống hồi ba giờ mười lăm phút sáng, chỉ sớm được có vài giây đồng hồ trước trận mưa như trút nước và chớp giật loé mắt của cơn dông đuổi theo chúng tôi từ nãy.
Vậy là đại uý Jovis mà ông Paul Ginisty, bạn đồng nghiệp của tôi đã kể cho chúng tôi nghe từ lâu về lòng dũng cảm của ông ta, vì hai người đã cùng nhau cố ý rơi xuống giữa biển phía trước thị trấn Menton, nên chúng tôi đã có thể trong một đêm, đứng tận trên cao tít từng không, nhìn thấy mặt trời lặn, nhìn thấy trăng lên, ánh ban mai trở lại và được bay từ Paris đến cửa sông Escaut.
Nguyễn Văn Sỹ dịch
Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant - Guy de Maupassant Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant