He fed his spirit with the bread of books.

Edwin Markham

 
 
 
 
 
Tác giả: Guy de Maupassant
Dịch giả: Nhiều Dịch Giả
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 44
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 51
Cập nhật: 2020-10-24 12:43:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 28
ạnh phúc
(Le bonheur)
Trước khi lên đèn là giờ uống trà. Ngôi biệt thự nằm chênh vênh trên bờ biển. Mặt trời vừa lặn còn để lại trên nền trời màu ửng hồng, lấm tấm những đám bụi vàng trên đường đi qua. Và Địa Trung Hải, mặt phẳng lì, không một gợn sóng, còn phản chiếu dưới ánh thái dương vừa tắt, giống như một tấm kim loại nhẵn nhụi và mênh mông.
Xa xa, phía bên phải, những rặng núi nhấp nhô in lên chân trời Tây ửng nhạt hình dáng đen thẫm của chúng.
Mọi người đang bàn tán về tình yêu. Họ tranh luận về đề tài muôn thuở này.
Họ lặp đi lặp lại những điều mà người ta đã thường nói từ lâu. Nỗi buồn man mác êm ả của buổi chiều tà làm câu chuyện khoan thai hơn, làm tâm hồn họ như chùn xuống; và tiếng “tình yêu” không ngừng được nhắc đến, khi bằng một giọng đàn ông ồn ào, khi bằng một giọng đàn bà nhỏ nhẹ, dường như nó tràn ngập cả gian phòng khách bé nhỏ, nó lượn lờ như thể loài chim, và lởn vởn như thể hồn ma.
Người ta có thể yêu nhau trong suốt một thời gian dài không?
“Được,” một vài người lên tiếng.
“Không,” một số khác phủ nhận.
Họ phân tích nhiều trường hợp, họ vạch ra những giới hạn, họ nêu ra nhiều dẫn chứng; và tất cả, đàn ông cũng như đàn bà, đều cảm thấy lũ lượt những kỷ niệm bỗng hiện về, khiến họ như nghẹn ngào, những kỷ niệm mà họ không thể nào kể ra cho ai nghe, nhưng nó cứ chực trào lên trên đôi môi. Họ dường như rất xúc động, và cứ bàn tán mãi về cái điều bình dị và tuyệt luân này, một sự hoà hợp trìu mến và huyền diệu giữa hai sinh vật, với một xúc cảm sâu xa và một nỗi quan tâm nồng nhiệt.
Bỗng có người kêu lên, đôi mắt vẫn nhìn đăm đăm về chốn xa xăm:
“Ồ! Nhìn kia! Đằng kia, cái gì thế?”
Trên mặt biển, tận nơi chân trời, một khối xám xịt khổng lồ và lờ mờ, bỗng hiện ra.
Các bà đứng lên và ngơ ngác nhìn vật kỳ lạ kia, mà họ chưa bao giờ gặp.
Ai đó nói:
“Đảo Corse đấy! Một năm ta có thể nhìn thấy nó độ hai ba lần, trong những điều kiện khí hậu đặc biệt; khi không khí hoàn toàn trong suốt không che khuất nó bởi màn hơi nước phủ lên những vật xa xăm.”
Họ nhận ra những đỉnh núi lờ mờ, và cho rằng thấy tuyết trên đỉnh. Mọi người ngạc nhiên, bối rối, gần như hoảng hốt trước sự xuất hiện đột ngột của một thế giới khác, trước cái bóng ma vừa thoát ra khỏi lòng đại dương này. Có thể những người vượt qua các đại dương bí ẩn như Colomb cũng đã gặp quang cảnh lạ lùng như thế này.
Khi ấy, một ông đã luống tuổi, từ nãy giờ vẫn im lặng, bỗng lên tiếng:
“Này, tôi biết trên hòn đảo vừa xuất hiện sừng sững trước mặt ta kia, như thể để trả lời những điều mà chúng ta bàn luận tự nãy giờ, và để nhắc tôi một kỷ niệm lạ thường, tôi biết một trường hợp đáng khâm phục về một mối tình bền bỉ, một mối tình hạnh phúc phi thường.”
Câu chuyện như sau:
*
Cách đây năm năm, tôi đi du ngoạn ở Corse. Đối với chúng ta, hòn đảo hoang dã này ít được biết đến và còn xa xôi hơn cả châu Mỹ, mặc dù đôi khi ta vẫn thấy nó từ bờ biển nước Pháp, như thể hôm nay đây.
Các vị hãy tưởng tượng một thế giới đang còn trong thời kỳ hỗn mang, một biển núi mênh mông, bị chia cắt bởi những con suối hẹp cuồn cuộn những thác ghềnh. Không một cánh đồng, nhưng có vô số những dãy núi đá và những giồng đất khổng lồ được bao phủ bởi những bưng biền hoặc những rừng dẻ và thông. Đó là một vùng đất sơ khai, chưa hề có bàn tay người khai phá, hoang vu, mặc dù thỉnh thoảng người ta cũng thấy vài ngôi làng, giống như những bãi đá tảng, nằm trên đỉnh núi. Không canh tác, không kỹ nghệ, không một công trình nghệ thuật nào. Ta không bao giờ gặp một mảnh gỗ được bào đẽo nào, một phiến đá có chạm khắc nào, ta không bao giờ biết đến những hồi ức ngây ngô hoặc tinh tế của tổ tiên về những nghĩa cử tốt đẹp. Đó cũng chính là điều đập vào mắt ta nhiều nhất ở cái xứ sở kỳ diệu và khắc nghiệt này; sự lạnh lùng muôn thuở đối với sự tìm kiếm những hình thức có sức hấp dẫn con người mà ta gọi là nghệ thuật.
Nước Ý, nơi mà mỗi một cung điện là một kiệt tác chứa đựng nhiều kiệt tác khác; nơi mà gỗ, đá, sắt, thép minh chứng tài nghệ của con người, nơi mà những vật dụng cổ xưa bé nhỏ trong các căn nhà cũ kỹ cũng có thể biểu hiện được sự quan tâm thiêng liêng đến cái đẹp; đối với tất cả chúng ta, đó là tổ quốc thiêng liêng mà mọi người yêu quý, bởi vì nó chứng minh và cho chúng ta thấy sự cố gắng, sự vĩ đại, sức mạnh và sự toàn thắng của sức sáng tạo của con người.
Và đối diện với nó, đảo Corse hoang dã vẫn giữ nguyên thinh như những ngày đầu. Con người sống ở đó trong các căn nhà thô kệch, họ dửng dưng với tất cả những gì không liên quan đến cuộc sống của họ, hoặc đến những mối hiềm khích giữa các dòng họ với nhau… Và họ cứ tồn tại cùng với những nhược điểm và những phẩm chất của những giống người hoang dã. Họ tàn bạo, thù địch, khát máu một cách vô ý thức, nhưng họ cũng hiếu khách, rộng lượng, tận tụy, ngây ngô. Họ sẵn sàng mở rộng cửa đón tiếp những khách qua đường, và sẽ đáp lại bất cứ một biểu hiện tình cảm nào bằng một tình bạn trung thành.
Thế là trong suốt một tháng, tôi lang thang ngang dọc qua hòn đảo kỳ diệu này, với cảm giác rằng mình đang ở tận cùng trời cuối đất, không có một nhà trọ, một quán ăn, một con đường nào cả. Ta phải dùng những con đường mòn của lừa thồ để đến những ngôi làng nằm cheo leo trên sườn núi, và chênh vênh trên những vực thẳm ngoằn ngoèo, từ đó, tối tối, ta có thể nghe tiếng thác đổ liên tục, âm ỉ và sâu lắng vọng lên. Ta gõ cửa một nhà nào đấy, xin chỗ nghỉ đêm và cái ăn qua ngày. Ta ngồi ăn ở chiếc bàn mộc mạc, và ngủ dưới mái nhà đơn sơ. Sáng hôm sau, ta siết tay chào tạm biệt chủ nhân khi ông ta dẫn ta đến tận ranh làng.
Một buổi tối nọ, sau mười giờ đi bộ, tôi gặp một căn chòi nhỏ, nằm đơn độc trong một thung lũng hẹp cách biển một dặm đường. Hai triền dốc núi là rừng rậm rạp, cùng với những tảng đá lở và những cây đại thụ, như thể hai bức tường thành u ám vây kín cái thung lũng buồn da diết này.
Xung quanh túp lều, vài luống nho, một khu vườn con con. Xa hơn một chút, vài cây dẻ cao to là nguồn lương thực, một kho báu của cái xứ nghèo xơ xác này.
Người ra đón tôi là một phụ nữ đã già, khắc khổ và đặc biệt sạch sẽ. Người đàn ông đang ngồi trên chiếc ghế rơm, đứng lên chào tôi, đoạn ngồi xuống, không nói một lời. Vợ ông ta nói với tôi:
“Xin ông thứ lỗi cho. Ông ấy bây giờ đã nghễnh ngãng nặng rồi. Tám mươi hai tuổi mà!”
Bà ta nói bằng một thứ tiếng Pháp chuẩn mực. Tôi ngạc nhiên hỏi bà:
“Bà không phải là người ở đây chứ?”
Bà trả lời:
“Không, chúng tôi là người đất liền. Nhưng chúng tôi sống ở đây đã năm mươi năm nay.”
Một cảm giác nao nao và sợ hãi xâm chiếm lòng tôi, khi nghĩ đến quãng thời gian năm mươi năm sống trong cái xó xỉnh tăm tối này, hoàn toàn cách biệt với nơi phồn hoa đô hội. Một con chó chăn gia súc già trở về, và mọi người bắt đầu bữa ăn tối với món xúp đặc duy nhất, mà họ nấu lẫn khoai tây, mỡ và bắp cải với nhau.
Khi bữa ăn tối ít ỏi chấm dứt, tôi đã ngồi trước cửa, lòng quặn thắt vì vẻ tĩnh mịch của quang cảnh nơi đây, và đau nhói, vì nỗi lo âu đôi khi xâm chiếm lòng người lữ khách trong những chiều ảm đạm, ở những nơi cô tịch. Dường như tất cả đều sắp kết liễu: sự sống và vũ trụ. Ta bỗng nhận ra nỗi khốn khổ ghê hồn của cuộc sống, sự cô quạnh của mọi người, cái hư vô của tất cả, và nỗi đơn độc của cõi lòng, luôn tự vỗ về và tự lừa dối bằng những mộng mơ, cho đến khi giã từ cuộc sống.
Bà già đến gần bên tôi, và bị ray rứt bởi tính tò mò luôn tiềm ẩn tận đáy lòng của những kẻ nhẫn nhục:
“Thế ông từ Pháp tới à?” Bà nói.
“Vâng, tôi đi du lịch.”
“Có lẽ ông là người Paris?”
“Không, tôi ở Nancy.”
Dường như một cơn xúc động lạ thường khuấy động lòng bà. Làm thế nào mà tôi có thể thấy, hoặc đúng hơn là cảm thấy, được điều ấy, tôi cũng không biết nữa.
Bà chậm rãi lập lại:
“Ông ở Nancy à?”
Người đàn ông xuất hiện ở cửa, lạnh lùng như những người điếc khác.
Bà nói tiếp:
“Không sao đâu, ông ấy không nghe đâu.”
Ngưng vài giây, bà nói tiếp:
“Vậy thì ông biết nhiều về dân Nancy không?”
“Biết chứ, gần như tất cả.”
“Còn gia đình ở Sainte-Allaize?”
“Vâng, tôi biết rõ. Họ là bạn của cha tôi.”
“Tên ông là gì?”
Tôi nói tên họ của tôi. Bà nhìn tôi đăm đăm rồi nói bằng giọng khe khẽ do những kỷ niệm xa xưa gợi lại:
“Vâng, vâng, tôi nhớ rõ. Còn dòng họ Brisemare, họ ra sao rồi?”
“Tất cả đều chết hết.”
“Chà! Còn dòng họ Sirmont, ông biết họ chứ?”
“Vâng, người cuối cùng hiện nay là Đại tướng.”
Lúc ấy, bà thốt lên, run run vì xúc động, vì bồn chồn, vì một thứ tình cảm lộn xộn, mãnh liệt và thiêng liêng, vì một nhu cầu được thổ lộ, được nói lên tất cả, được nói về những điều mà bà giữ kín tận đáy lòng cho đến lúc đó, và về những người mà khi nhắc đến tên của họ, thì tâm hồn bà điên đảo:
“Vâng, Henri de Sirmont, tôi biết ông ấy rõ. Ông là em ruột tôi.”
Tôi bỗng giương mắt nhìn bà, hoảng hốt vì ngạc nhiên. Và tôi chợt nhớ lại:
Ngày xưa, vụ ấy đã gây ra một xì-căng-đan ồn ào trong giới quý tộc xứ Lorraine. Một thiếu nữ trẻ đẹp và giàu có, cô Suzanne de Sirmont và một viên hạ sĩ quan khinh kỵ binh của lữ đoàn do cha cô chỉ huy cùng nhau bỏ trốn.
Đấy là một thanh niên đẹp trai, con một nông dân, nhưng rất thích hợp trong bộ lễ phục xanh, cậu ta đã quyến rũ con gái viên Đại tá mình… Có lẽ nàng đã gặp anh, đã để ý, đã yêu anh, khi thấy anh đi duyệt binh trong lữ đoàn. Nhưng làm thế nào nàng nói chuyện được với anh, làm thế nào họ có thể gặp nhau, và phải lòng nhau được? Làm thế nào nàng dám thổ lộ với chàng là nàng yêu chàng? Không bao giờ người đời biết được chuyện ấy.
Trước đó, mọi người không dự đoán được, linh cảm được gì cả. Một tối nọ, khi vừa xong buổi tập, chàng biến mất cùng với nàng. Mọi người đổ xô tìm họ, nhưng chẳng gặp. Từ đó, người ta không bao giờ nhận được tin họ, và xem như là nàng đã chết.
Còn tôi thì lại tìm thấy nàng ở trong thung lũng thảm hại này.
Và đến lượt tôi thốt lên:
“Vâng, tôi nhớ rõ lắm. Bà là tiểu thư Suzanne.”
Bà gật đầu. Những giọt nước mắt từ từ tuôn ra nơi khoé mắt. Lúc ấy, bà đưa mắt chỉ cho tôi lão già đang ngồi bất động trên ngưỡng cửa của túp lều tồi tàn, bà nói:
“Anh ấy đấy!”
Và tôi hiểu ngay rằng bà vẫn luôn yêu “anh ấy” và vẫn còn nhìn “anh ấy” bằng đôi mắt đắm đuối.
Tôi hỏi:
“Thế bấy lâu nay bà vẫn hạnh phúc chớ?”
Bà trả lời bằng một giọng nói xuất phát từ tận đáy lòng:
“Ồ! có chứ, rất hạnh phúc. Anh ấy đã đem lại hạnh phúc cho tôi. Tôi chả nuối tiếc chi cả.”
Tôi ngắm nghía bà, lòng buồn bã, kinh ngạc, thán phục bởi sức mạnh của tình yêu! Nàng con gái giàu sang này đã đi theo người đàn ông thôn dã này. Và bản thân nàng cũng trở thành thôn dã. Nàng đã tạo cho mình một cuộc đời không chút diễm lệ, xa hoa, quý phái; nàng đã chịu nép mình theo lối sống giản dị. Và nàng vẫn còn yêu chàng. Nàng trở thành một người đàn bà quê mùa, đầu đội mũ vải, mặc váy vải thô. Nàng ăn bằng đĩa đất nung, trên bàn gỗ, ngồi ghế rơm, dùng xúp bắp cải nấu lộn với khoai tây và mỡ. Nàng ngủ trên ổ rơm bên cạnh chàng.
Nàng không nghĩ đến gì khác, ngoài chàng! Nàng không nuối tiếc những ngọc ngà châu báu, những quần là áo lụa, những sang trọng đài các, những nệm ấm chăn êm sực nồng nước hoa. Nàng chỉ cần có chàng; nàng chả muốn gì hơn, miễn sao có chàng ở bên cạnh.
Khi còn xuân xanh mơn mởn, nàng đã chối bỏ cuộc đời và thế gian, và cả những người đã nuôi nấng nàng, đã thương yêu nàng. Nàng đã đơn độc cùng chàng đến chốn thung lũng hoang dã này. Và chàng là tất cả đối với nàng, tất cả những gì mà người đời luôn mong muốn, ước mơ, chờ đợi, hy vọng. Chàng đã vun đắp cả cuộc đời nàng tràn đầy hạnh phúc.
Nàng không thể nào tìm thấy một cuộc đời hạnh phúc hơn.
Và suốt đêm, nằm nghe tiếng thở ồm ồm của anh lính già ngủ trên tấm phản, bên cạnh người phụ nữ đã cùng anh đi đến tận trời cuối đất, tôi suy nghĩ về cuộc phiêu lưu kỳ lạ và đơn giản này, về hạnh phúc trọn vẹn này, một hiện tượng vô cùng hiếm hoi.
Và khi mặt trời lên, tôi ra đi, sau khi siết chặt tay giã từ đôi uyên ương già.
*
Người kể chuyện im tiếng. Một bà nói:
“Chẳng hề chi, bà ta có một lý tưởng quá dễ dãi, những nhu cầu quá sơ khai, và những đòi hỏi quá giản đơn. Đó chỉ là một mụ điên.”
Một bà khác chậm rãi nói:
“Nhưng mặc, bà ta có hạnh phúc.”
Và đằng kia, tận nơi chân trời, đảo Corse đắm chìm trong màn đêm, từ từ trở về biển cả, xoá mất bóng dáng hùng vĩ của nó xuất hiện khi nãy như để kể lại câu chuyện của một cặp tình nhân bình thường, đã từng ẩn náu bên bờ hoang đảo.
Trần Thanh Ái dịch
Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant - Guy de Maupassant Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant