If love is a game, it has to be the hardest game in the world. After all, how can anyone win a game where there are no rules?

CODY MEYERS

 
 
 
 
 
Tác giả: Guy de Maupassant
Dịch giả: Nhiều Dịch Giả
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 44
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 51
Cập nhật: 2020-10-24 12:43:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
hững tên tù binh
(Les prisonniers)
Trong rừng không một tiếng động ngoài tiếng tuyết lao xao rơi nhẹ trên cây. Từ buổi trưa một làn tuyết mịn rơi xuống, rắc lên cành cây một thứ bọt giá lạnh, phủ lên lá khô trên những bụi rậm một thứ mái bạc nhẹ, rải xuống các ngả đường một tấm thảm bát ngát, mịn màng và trắng xoá, và càng làm thêm dày đặc cái im lìm mênh mông của biển cây ở chốn này.
Trước cửa ngôi nhà kiểm lâm, một thiếu phụ, cánh tay để trần, đang từng nhát rìu bổ củi trên một hòn đá. Chị ta cao lớn, xương xương, khoẻ mạnh, đúng là một cô gái sơn dã, vợ con dân sơn tràng.
Một tiếng gọi từ trong nhà ra:
“Berthine ơi, hôm nay chỉ có hai mẹ con ở nhà, tối rồi, về đi thôi, nhỡ quân Phổ* và chó sói nó rình mò đấy.”
Prussiens: là người nước Phổ (Prusse), một nước trong đế quốc Đức xưa. Ở đây, gọi lính Phổ hay lính Đức cũng là một (ND).
Cô gái sơn tràng vừa đáp vừa bổ mạnh rìu để bửa một gốc cây, làm cho ngực cô dướn lên mỗi khi giơ tay lên cao.
“Xong rồi, mẹ ạ. Con về đây, con về đây, việc gì mà sợ, trời hãy còn sáng.”
Rồi chị ta khuân những bó củi cành và những củi súc vào chất dọc bên lò sưởi, ra hạ những mái hiên xuống, những mái hiên to lớn bằng lõi gỗ sồi; sau cùng, chị vào nhà cài những chiếc then nặng để đóng cửa ra vào lại.
Bà mẹ chị - một bà già nhăn nheo, có tuổi đâm ra nhút nhát - đang kéo sợi bên lò lửa. Bà nói:
“Bố mày đi vắng là tao chẳng yên tâm tí nào. Hai người đàn bà thì chẳng khoẻ được với ai.”
Người thiếu phụ trả lời:
“Ừ! Con thừa sức giết được một con sói hay một thằng lính Phổ.”
Và chị đưa mắt trỏ về phía khẩu súng lục to treo trên lò sưởi.
Chồng chị đã nhập ngũ từ lâu, khi quân Phổ xâm lược, và còn trơ lại hai người đàn bà ở với ông bố, lão gác rừng Nicolas Pichon, tức lão Sếu, lão ta khăng khăng không chịu rời ngôi nhà để vào trong thành phố ở.
Thành phố gần đấy là Rethel, nguyên là một cứ điểm nằm cheo leo trên một núi đá. Thị dân ở đấy rất yêu nước và quyết định kháng chiến chống quân xâm lược, đóng cửa thành lại cầm cự với cuộc bao vây của giặc theo truyền thống của thị trấn. Đã hai lần, dưới các đời vua Henri đệ tứ và Louis thứ 14, nhân dân Rethel đã nổi tiếng vì những cuộc chống giặc anh dũng. Lần này họ sẽ lại làm như thế, nếu không thì trời đất nào! Chẳng thà để cho giặc thiêu chết hết trong thành.
Thế là họ đi mua đại bác và súng trường, trang bị dân quân, thành lập những tiểu đoàn và đại đội, và suốt ngày họ luyện tập ở thao trường quân đội. Tất cả mọi người, thợ làm bánh, người bán thực phẩm, hàng thịt, công chứng viên, thầy cò, thợ mộc, hàng sách, cả dược sĩ nữa, thay phiên nhau tập trận, đều đặn, dưới sự chỉ huy của ông Lavigne, nguyên là hạ sĩ quan kỵ binh, nay bán hàng tạp hoá từ ngày lấy con gái ông cả Ravaudan, và được chia gia tài ngôi cửa hiệu của ông ta.
Lavigne lĩnh chức tư lệnh tham mưu của thị trấn, và, vì tất cả thanh niên trai tráng đều đi tòng quân, cho nên ông tập hợp tất cả những người còn lại thành đội ngũ cho họ luyện tập để chống giặc. Những người to béo đi ngoài phố bây giờ là cứ đi theo bước thể dục cho tiêu bớt mỡ và thở được dài hơi, những người yếu thì vác đồ nặng để rèn luyện bắp thịt.
Và người ta chờ quân Phổ đến. Nhưng không thấy bóng quân Phổ đâu cả. Tuy nhiên chúng ở không xa; vì đã hai lần quân do thám của chúng đã xuyên rừng đến tận ngôi nhà kiểm lâm của Pichon, tức lão Sếu.
Lão gác rừng, chạy thậm thụt như một con chồn, đã đến báo tin cho thành phố. Người ta đã nhắm súng đại bác sẵn sàng, nhưng quân giặc vẫn không ra mặt.
Ngôi nhà của lão Sếu dùng làm tiền đồn trong khu rừng Aveline. Lão ta cứ một tuần lễ hai lần đi mua lương thực và cung cấp cho dân thị trấn tin tức trong vùng.
Hôm đó lão đi để báo tin rằng một cánh quân nhỏ của bộ binh Đức đã dừng lại ở nhà lão cách đó một ngày, vào quãng hai giờ trưa, rồi lại đi ngay. Tên hạ sĩ quan chỉ huy nói tiếng Pháp.
Mỗi khi đi như vậy, lão thường đem theo hai con chó, hai con chó săn to, mõm sư tử, để đề phòng chó sói hồi bấy giờ bắt đầu về quấy dữ, và lão dặn lại hai người đàn bà ở nhà hễ tối đến là phải vào nhà chặn ngay các cửa ngõ cẩn thận.
Người đàn bà trẻ chẳng sợ hãi gì hết, nhưng bà lão già thì lúc nào cũng cứ run người lên và luôn mồm:
“Cơ sự này là rồi sẽ khổ, mày xem đấy, rồi sẽ khổ.”
Tối hôm đó, bà lão lại lo lắng hơn mọi ngày. Bà hỏi:
“Mày có biết mấy giờ bố về không?”
“Ồ! Chắc chắn là phải quá mười một giờ. Lần nào bố ăn tối ở nhà ông tư lệnh là cũng về muộn.”
Và chị ta đang bắc nồi lên bếp lửa để nấu xúp thì bỗng ngừng tay, lắng tai nghe một tiếng động lào xào lọt qua ống khói lò sưởi vào nhà.
Chị lẩm bẩm:
“Đó, có người đi trong rừng, đến bảy tám người là ít.”
Bà mẹ hoảng hốt vừa hãm guồng sợi lại vừa lắp bắp nói:
“Ối giời ơi! Thế này mà bố mày lại không ở nhà.”
Bà chưa nói hết thì có tiếng đập dữ dội rung chuyển cả cửa.
Hai người đàn bà không trả lời thì một tiếng nói cuống họng thét lên:
“Mợ cưựa da!”
Rồi, sau một lúc im lặng, vẫn tiếng nói đó gọi:
“Mợ cưựa da không phá bây dơ!”
Thế là Berthine đút vào túi váy khẩu súng lục trên lò sưởi, rồi áp tai vào cửa, chị hỏi:
“Ông là ai?”
Tiếng nói đáp:
“Tôi là tiệu đội hôm xơ đây.”
Người thiếu phụ hỏi lại:
“Ông muốn gì?”
“Tôi và tiệu đội bị lạc tròng rưng tự sáng đến giơ. Mợ da, không tôi phả cựa.”
Cô gái sơn dã không có cách nào khác; chị đành phải đẩy mạnh cái then cửa to tướng ra và, khi cánh cửa nặng vừa mở thì, trong ánh mập mờ của tuyết, chị thấy sáu người đàn ông, sáu tên lính Phổ, vẫn những tên bữa trước. Chị hỏi bằng một giọng rắn rỏi:
“Giờ này các ông còn đến đây làm gì?”
Tên hạ sĩ quan nhắc lại:
“Tôi bị lạc, đi lung tung dôi nhận ra nha nay. Tư sảng tôi không ăn uống gì cạ, cạ tiệu đội cụng thế…”
Berthine nói:
“Có điều là tối nay chỉ có mình tôi với mẹ ở nhà.”
Tên lính, người có vẻ tử tế, trả lời:
“Không sao đâu. Tôi không lam hại đâu, nhưng chi cho chúng tôi ăn, chúng tôi vưa đoi vưa mệt.”
Cô gái sơn dã đứng lùi lại, nói:
“Mời các ông vào.”
Bọn chúng vào, người lấm tấm đầy những tuyết, trên mũ phủ một thứ kem bọt, trông giống như những chiếc bánh làm bằng lòng trắng trứng trộn đường, và chúng có vẻ mệt mỏi, lả cả ra.
Người thiếu phụ chỉ vào những chiếc ghế gỗ dài ở hai bên chiếc bàn lớn, và nói:
“Các ông ngồi xuống đây, tôi đi nấu xúp cho. Trông các ông có vẻ mệt lử ra thật đấy.”
Rồi chị gài then cửa lại.
Chị lại đổ nước vào nồi, lại ném vào đó bơ và khoai tây, rồi tháo một miếng mỡ treo trên lò sưởi ra, chị thái lấy một nửa và cho vào nồi xúp.
Sáu tên lính đưa mắt nhìn theo từng cử chỉ của chị, với những con mắt háu đói. Chúng đã xếp súng, mũ vào một góc, và chúng ngồi chờ, ngoan ngoãn như những đứa trẻ ngồi trên ghế nhà trường.
Bà mẹ đã lại tiếp tục kéo sợi, mắt vẫn hốt hoảng len lén nhìn về phía những tên lính xâm lăng. Người ta không còn nghe thấy tiếng gì ngoài tiếng guồng sợi sè sè, tiếng lửa kêu lách tách, và tiếng nước sủi reo trong nồi.
Nhưng bỗng chốc một tiếng là lạ làm mọi người giật mình, cái gì như một hơi thở đục khàn thổi vào dưới cửa, một hơi thở thú vật, mạnh và phì phò.
Tên hạ sĩ quan Đức đã nhảy về phía để súng. Cô gái sơn dã giơ tay ngăn lại, và mỉm cười:
“Chó sói đấy mà. Chúng nó cũng như các anh thôi, chúng rình mò và đói bụng.”
Tên lính không tin muốn xem, và cánh cửa vừa mở thì hắn thoáng thấy hai con vật xám to dài bước chạy vùn vụt.
Hắn trở lại ngồi xuống lẩm bẩm:
“Tôi không ngờ đấy.”
Và hắn chờ cho xúp chín.
Chúng ăn ngốn ngấu, mồm rạch lên tận mang tai để ngốn cho thật nhiều, con mắt trợn tròn theo hàm nhai nhồm nhoàm, với những tiếng ừng ực như ống máng.
Hai người đàn bà, im thít, nhìn theo từng chuyển động mau lẹ của những bộ râu xồm đỏ; và những củ khoai tây dường như chui tọt vào những đám lông rậm di động ấy.
Rồi đến lúc chúng khát, cô gái sơn dã liền đi xuống hầm lấy rượu táo cho chúng. Chị ta ở dưới đó rất lâu; đó là một chiếc hầm nhỏ khum khum, trong thời kỳ cách mạng nghe đâu đã dùng để vừa làm nhà giam và làm nơi cất giấu. Muốn xuống đó phải đi theo một cầu thang cuốn hẹp, có nắp đậy ở phía cuối bếp.
Khi Berthine trở lên thì chị cười, cười một mình, vẻ thâm hiểm. Và chị đưa cho bọn Đức bình rượu.
Rồi chị cũng đi ăn xúp với mẹ ở đầu bếp đằng kia.
Những tên lính đã ăn xong, và cả sáu tên đều ngủ chung quanh chiếc bàn. Chốc chốc lại nghe tiếng trán nện đánh huỵch xuống bàn và một tên lính sực tỉnh, ngồi ngay người lại.
Berthine bảo tên hạ sĩ quan:
“Này các ông lại gần lửa mà ngủ, tội gì, có đủ chỗ cho cả sáu người. Còn tôi thì sẽ ngủ cùng với mẹ ở buồng tôi, trên kia.”
Và hai người đàn bà leo lên gác. Người ta nghe tiếng họ khoá cửa, đi lại một lát, rồi im hẳn.
Những tên lính Phổ ngả lưng trên sàn lát, chân để cạnh lửa, đầu gối lên những chiếc áo khoác quấn lại, và chẳng mấy lúc cả sáu đứa đều ngáy theo sáu điệu khác nhau, rít lớn hay khò khò, nhưng đều liên hồi và ầm ầm như sấm.
Chúng ngủ đã lâu lắm, rồi thì bỗng một tiếng súng nổ vang lên, to đến nỗi tưởng ai bắn vào tường nhà vậy. Bọn lính chồm dậy lập tức. Nhưng rồi hai tiếng nổ khác, và tiếp theo ba tiếng nữa.
Bỗng cửa trên gác mở tung ra, và cô gái sơn dã chạy xuống, đi chân không, mặc áo lót, váy ngắn, một cây đèn nến trong tay, vẻ hoảng hốt. Chị ta ấp úng:
“Quân Pháp đến đấy, họ ít ra là hai trăm người. Nếu họ thấy các ông ở đây thì họ đốt nhà đấy. Các ông mau xuống hầm, khẽ chứ. Nếu các ông làm ầm lên thì ta chết cả lũ đấy.”
Tên hạ sĩ quan cuống quýt, xì xào nói:
“Đệ tôi xuống, đệ tôi xuống. Theo lôồi nao?”
Người thiếu phụ hấp tấp nhắc cái nắp hầm hẹp và vuông lên, và sáu đứa biến mất theo chiếc cầu thang cuốn nhỏ, từng đứa một chui xuống hầm, giật lùi, chân dò từng bậc thang.
Nhưng khi chóp nhọn của chiếc mũ cuối cùng vừa biến mất thì Berthine hạ tấm ván sồi nặng xuống, dày như một bức tường, rắn như thép, đóng và mở bằng những bản lề và một ổ khoá nhà ngục; chị ta vặn dài hai vòng thìa khoá, rồi ngả ra cười, một cái cười lặng lẽ và khoái trá, lòng những muốn điên cuồng nhảy nhót trên đầu những tên tù binh của chị.
Bọn chúng yên lặng không một tiếng động, bị giam trong đó như trong một chiếc hộp kiên cố, một chiếc hộp bằng đá, không khí chỉ lọt vào bằng một lỗ cửa sổ có chấn song sắt.
Berthine liền đó lại đi dóm lửa, bắc nồi lên, và lại nấu xúp, miệng lẩm bẩm:
“Đêm nay bố sẽ mệt đây.”
Rồi chị ngồi chờ. Trong im lặng, duy có quả lắc vang âm của chiếc đồng hồ đưa đi đưa lại tiếng tích tắc đều đều.
Chốc chốc người thiếu phụ lại ngoắt nhìn lên mặt đồng hồ, một cái nhìn sốt ruột như muốn nói:
“Lâu quá.”
Nhưng chẳng bao lâu hình như có tiếng xì xào dưới chân chị. Những lời nói khẽ, không rõ, lọt tới chị qua trần xây của chiếc hầm. Những tên lính Phổ bắt đầu đoán ra mưu mẹo của chị, và tức khắc tên hạ sĩ quan leo cầu thang nhỏ lên đấm tay vào nắp hầm. Nó lại kêu lên:
“Mợ da.”
Chị đứng lên, bước lại gần và, nhại giọng hắn:
“Ông muổn di?”
“Mợ da.”
“Tôi không mợ.”
Tên lính nổi giận:
“Mợ da không ta phả cưựa.”
Chị ngả ra cười:
“Phá đi, chú mình, cứ phá đi, chú mình ạ.”
Và hắn bắt đầu lấy báng súng đập vào chiếc nắp hầm gỗ sồi, đậy trên đầu hắn. Nhưng cho có sơn pháo cũng chưa chắc đã phá nổi.
Cô gái sơn dã đã nghe tiếng hắn lại trèo xuống. Rồi từng tên lính một, lần lượt lên thử sức và tra xét chiếc nắp đậy. Nhưng ý chừng nhận thấy không làm gì được, chúng lại xuống cả dưới hầm và lại bắt đầu bàn bạc với nhau.
Người thiếu phụ để ý nghe, rồi chị đi mở cửa ra bên ngoài lắng tai nghe trong đêm tối.
Một tiếng sủa đằng xa vẳng lại. Chị liền huýt còi theo kiểu người đi săn và liền đó hai con chó to hiện ra trong bóng đêm, vừa chồm tới chị vừa nhảy vờn. Chị tóm lấy gáy chúng và giữ không cho chúng chạy. Rồi chị lấy hết hơi gọi:
“Bố hời!”
Một tiếng đáp lại, còn xa lắm:
“Berthine hời.”
Chị đợi vài giây rồi lại gọi:
“Bố hời.”
Tiếng đáp gần hơn:
“Berthine hời.”
Cô gái sơn dã nói:
“Bố đừng qua trước lỗ cửa hầm. Có quân Phổ trong hầm đấy.”
Và bỗng chốc bóng cao lớn của ông lão nổi lên phía bên trái, ngừng ở giữa hai thân cây. Lão lo lắng hỏi:
“Quân Phổ trong hầm à? Chúng làm gì đấy?”
Người thiếu phụ ngả ra cười:
“Những thằng hôm qua ấy mà. Chúng nó bị lạc trong rừng, con đã nhốt sống chúng nó trong hầm rồi.”
Và chị kể lại đầu đuôi câu chuyện, làm thế nào mà chị đã doạ được chúng bằng mấy phát súng lục và nhốt chúng vào hầm.
Ông lão vẫn lo ngại hỏi:
“Thế mày tính ta làm gì chúng trong đêm hôm nay?”
Chị đáp:
“Bố đi gọi ông Lavigne mang quân tới. Ông ấy bắt chúng làm tù binh. Chắc ông ấy bằng lòng lắm đấy.”
Và lão Pichon mỉm cười:
“Ừ đúng đấy, ông ấy sẽ bằng lòng.”
Chị con gái lại nói:
“Có xúp để phần bố đấy, bố ăn mau rồi lại đi đi.”
Lão gác rừng ngồi vào bàn, và bắt đầu ăn xúp sau khi đã để xuống đất hai đĩa đầy xúp cho chó.
Bọn Phổ nghe có người nói thì im bặt.
Mười lăm phút sau lão Sếu lại ra đi. Và Berthine, tay ôm đầu, ngồi đợi.
Bọn tù binh lại bắt đầu hoạt động. Bây giờ chúng kêu gọi, không ngớt đập báng súng điên cuồng vào chiếc nắp hầm không suy suyển.
Rồi chúng xoay ra bắn súng qua lỗ cửa sổ, ý chừng hy vọng đám quân Phổ nào đi qua vùng sẽ nghe thấy.
Cô gái sơn dã không nhúc nhích nữa; nhưng tất cả những tiếng đó làm cho chị bực dọc, cáu tiết. Chị nổi giận lên, chị muốn giết chết bọn chúng, những quân khốn kiếp, để chúng im đi.
Rồi, mỗi lúc một thêm sốt ruột, chị xoay ra nhìn đồng hồ, đếm từng phút.
Ông bố đi đã được một giờ rưỡi. Ông bây giờ đã đến thành phố. Chị tưởng như trông thấy ông. Ông lão kể lại chuyện cho ông Lavigne, ông này tái mặt đi vì xúc động và bấm chuông gọi con ở để lấy cho ông quân phục và khí giới. Chị dường như nghe thấy tiếng trống chạy khắp các phố. Những đầu người hoảng hốt nhô ra các cửa sổ. Những dân quân ra khỏi nhà, quần áo mặc dở, hồng hộc thở, tay cài thắt lưng, và họ đi bước đều đến nhà viên tư lệnh.
Rồi đám quân do lão Sếu dẫn đầu, chuyển đi, trong đêm tối, trong mưa tuyết, tiến về phía rừng.
Chị nhìn đồng hồ: “Một giờ nữa họ có thể tới đây.”
Chị sốt ruột sốt gan. Giờ phút như kéo dài ra vô tận. Chà lâu quá!
Cuối cùng, kim đồng hồ đã chỉ giờ mà chị đoán họ sẽ tới.
Và chị lại mở cửa ra để lắng nghe họ đến. Chị thoáng thấy một bóng người đi rón rén. Chị sợ hãi kêu lên. Thì ra là ông bố.
Ông lão nói:
“Họ phái bố về trước xem động tĩnh thế nào.”
“Không có chuyện gì cả.”
Thế là đến lượt lão, trong đêm hôm, huýt một hơi sáo rít lên và kéo dài. Và liền đó, người ta thấy một vật gì sẫm tối tiến đến, dưới những lùm cây, lừ lừ, đó là tiền quân gần mười người.
Lão Sếu luôn mồm nhắc:
“Đừng đi qua trước lỗ cửa hầm.”
Và những người đến trước chỉ cho người đến sau cái lỗ cửa đáng sợ.
Sau hết đại bộ phận đám quân đến, tất cả hai trăm người, mang theo mỗi người hai trăm viên đạn.
Ông Lavigne, cuống quýt, run lên, bố trí quân bao vây quanh khắp ngôi nhà, chỉ chừa ra một khoảng trống rộng trước lỗ cửa nhỏ đen ngòm, sát đất, qua đó không khí lọt vào hầm.
Rồi ông ta bước vào ngôi nhà, dò hỏi về lực lượng và thái độ quân giặc, bọn chúng đã im bặt đến nỗi người ta tưởng như chúng đã bay qua cửa hầm, biến tan đâu mất.
Ông Lavigne nện chân xuống nắp hầm và gọi:
“Ngài sĩ quan Phổ?”
Tên Đức không trả lời.
Viên tư lệnh lại gọi:
“Ngài sĩ quan Phổ?”
Vô ích. Trong hai mươi phút liền ông thúc tên sĩ quan câm lặng kia phải đầu hàng, nộp cả khí giới và quân trang quân dụng, vừa hứa bảo toàn tính mạng và danh dự quân nhân cho hắn và quân của hắn. Nhưng ông cũng chẳng nhận được dấu hiệu gì tỏ ra chúng nhận lời hay chống lại. Tình thế đâm ra khó khăn.
Những dân quân vừa nện gót giày xuống tuyết vừa lấy tay đập mạnh vào vai, theo kiểu những nước đánh xe ngựa khi họ muốn cho ấm người; và họ cứ nhìn vào cửa hầm mỗi lúc một thêm thèm muốn như trẻ con vượt qua trước lỗ cửa đó.
Cuối cùng, một người đánh liều, đó là gã Vò rượu, người rất nhanh nhẹn. Hắn lấy đà và chạy vượt qua như một con hươu. Việc mạo hiểm thành công. Bọn tù binh hình như chết cả rồi.
Một tiếng nói lớn:
“Không có ai cả.”
Và một người lính khác vượt qua khoảng trống trước cái lỗ nguy hiểm. Thế là thành một trò chơi. Từng phút, từng phút, một người lao qua, từ bên này sang bên kia, như trẻ con chơi trò cướp quân, và chân họ đập mạnh trên tuyết làm bắn toé lại sau. Người ta chất củi đốt những đống lửa to để sưởi, và bóng chuyển động của người dân quân sáng rực lên trên đường chạy từ bên phải sang bên trái.
Có người kêu lên:
“Đến lượt mày, Maloison.”
Maloison là một anh thợ làm bánh, người to béo, mà đồng đội ai cũng phải chết cười vì cái bụng của anh ta.
Anh chàng ngập ngừng. Mọi người chọc ghẹo hắn. Thế là hắn quả quyết đi ra, bước đi ngắn theo lối thể dục, đều đặn và ì ạch, làm rung rung cái bụng phệ.
Tất cả đám quân cười đến chảy nước mắt. Họ kêu để khuyến khích:
“Hoan hô, hoan hô Maloison!”
Anh ta vừa vượt chừng được hai phần ba chặng đường, thì một tia lửa dài, loé đỏ, từ lỗ cửa hầm phụt ra. Một tiếng nổ vang lên, và anh thợ làm bánh đồ sộ chúi mũi ngã vật xuống với một tiếng thét kinh hãi.
Không một ai chạy đến cứu hắn cả. Thế là người ta thấy hắn lổm ngổm bò, lê trên mặt tuyết vừa rên rỉ, và, khi ra khỏi quãng đường ghê gớm, hắn ngất đi.
Hắn bị một viên đạn trúng vào bắp đùi, sát phía trên.
Cơn ngạc nhiên và hoảng sợ ban đầu vừa qua thì một tiếng cười vang lên.
Nhưng viên tư lệnh Lavigne hiện ra ở ngưỡng cửa ngôi nhà kiểm lâm. Ông ta vừa quyết định kế hoạch tấn công. Ông ra lệnh bằng một giọng sang sảng:
“Bác phó kẽm Planchut và anh em thợ đâu?”
Ba người bước lại gần.
“Tháo ống máng nhà này xuống.”
Và trong khoảnh khắc người ta đã đem tới viên tư lệnh hai mươi thước máng.
Thế là ông ta sai đục một lỗ tròn nhỏ vào mép nắp hầm một cách hết sức thận trọng và khôn khéo, rồi vừa bố trí một ống dẫn nước từ máy bơm vào tới cửa hầm, ông vừa tuyên bố một cách khoái chí:
“Chúng ta sẽ mời các ngài Đức xơi nước.”
Một tiếng reo hoan hô nhiệt liệt vang lên, tiếp theo là những tiếng rú lên thích chí và những tiếng cười điên cuồng. Và viên tư lệnh tổ chức những tốp làm việc luân phiên nhau từng năm phút một. Rồi ông ra lệnh:
“Bơm đi, bơm.”
Chiếc vô-lăng bằng sắt vừa chuyển động thì một tiếng rỉ rỉ luồn theo dọc những ống máng và chẳng bao lâu nước đổ vào trong hầm, từng bậc thang xuống, với một tiếng reo như thác, một tiếng reo trong bể phun nước nuôi cá vàng.
Người ta chờ đợi.
Một tiếng đồng hồ qua, rồi hai tiếng, rồi ba tiếng.
Viên tư lệnh, lòng bồn chồn, đi lại trong gian nhà bếp, thỉnh thoảng lại áp tai xuống đất, vừa nghe ngóng đoán xem quân giặc làm gì, vừa tự hỏi chúng đã sắp hàng chưa.
Bọn giặc bấy giờ nhôn nhao lên. Người ta nghe thấy chúng chuyển những thùng rượu, nói xì xào, lội nước bì bõm.
Rồi, vào khoảng tám giờ sáng, một tiếng nói từ trong lỗ cửa hầm lọt ra:
“Tôi muốn nỏi vởi ngài sị quan Pháp.”
Lavigne qua cửa sổ trả lời vào, đầu không nhô ra quá:
“Các anh có chịu hàng không?”
“Tôi xin hàng.”
“Thế thì đưa súng ra bên ngoài.”
Và lập tức người ta thấy một khẩu súng thò qua lỗ cửa và rơi xuống tuyết, rồi hai khẩu, ba khẩu, tất cả khí giới. Và cũng tiếng nói lúc nãy tuyên bố:
“Thôi hệệt dôi. Các ông mao lên. Tôi chết đôối mất.”
Viên tư lệnh ra lệnh:
“Thôi.”
Chiếc vô-lăng máy bơm rơi xuống không động đậy.
Và, sau khi bố trí cho quân vào đầy nhà bếp, súng dựng bên chân đứng chờ, ông ta từ từ nâng cái nắp hầm gỗ sồi lên.
Bốn cái đầu thò ra, ướt đẫm, bốn cái đầu tóc dài, màu hung hung nhạt, và người ta thấy lần lượt chui lên cả sáu tên lính Đức, mình run cầm cập, ướt như chuột, kinh hoảng.
Chúng bị tóm và trói gô lại. Rồi, sợ bị đánh bất ngờ, người ta ra đi ngay, chia thành hai toán, một toán dẫn những tên tù binh, còn toán thứ hai thì cáng Maloison đi trên một chiếc đệm đặt lên mấy cây sào.
Họ chiến thắng trở về Rethel.
Ông Lavigne được tặng thưởng huân chương vì đã bắt sống được một đội quân tiền vệ Đức, và anh thợ làm bánh bụng phệ được huy chương nhà binh vì bị thương ngoài mặt trận…
Trọng Đức dịch
Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant - Guy de Maupassant Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant