I have learned not to worry about love;

But to honor its coming with all my heart.

Alice Walker

 
 
 
 
 
Tác giả: Jorge Luis Borges
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Duy Vo
Upload bìa: Duy Vo
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4111 / 140
Cập nhật: 2015-07-04 22:49:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
The Paris Review – Nghệ Thuật Hư Cấu Số 39
hỏng vấn do Ronald Christ thực hiện
Buổi phỏng vấn này thực hiện vào tháng Bảy năm 1966, trong buổi chuyện trò với Borges tại văn phòng của ông ở Biblioteca Nacional (Thư viện Quốc gia Argentina), nơi ông làm giám đốc. Căn phòng, làm nhớ lại một Buenos Aires xưa cũ, thực sự không phải là văn phòng gì cả, mà nó là một gian phòng rộng lớn, trang hoàng lộng lẫy với trần nhà cao, ngụ trong một thư viện vừa mới sửa sang lại. Treo trên tường là những tờ giấy chứng nhận và các trích dẫn văn chương – nhưng lại được treo quá cao khó mà đọc được, như thể không muốn ai nhìn thấy. Cũng có vài bản khắc acid của Piranesi, làm nhớ lại tàn tích như cơn mộng dữ của Piranesi trong truyện “Kẻ bất tử” của Borges. Phía trên lò sưởi là tấm chân dung lớn; khi tôi hỏi cô thư kí của Borges, cô Susana Quinteros, về bức chân dung ấy, thì cô đáp lại bằng cung cách rất phù hợp, dù là tiếng vang vọng vô tình, theo kiểu Borges đơn giản: “Không quan trọng gì đâu. Nó là bức tái chế lại một bức hoạ khác thôi.”
Ở góc chéo đối diện trong căn phòng là hai kệ sách lớn, có thể xoay vòng, và cô Quinteros cho biết chúng chứa những cuốn sách mà Borges thường xuyên tra cứu, tất cả đều được sắp xếp theo trật tự nhất định và không bao giờ thay đổi để Borges, vốn gần như mù loà, có thể tìm thấy chúng theo vị trí và kích cỡ cuốn sách. Chẳng hạn, mấy cuốn từ điển được sắp cạnh nhau, trong đó có cuốn Webster’s Encyclopedic Dictionary of the English Language đã cũ sờn, được đóng gáy chắc chắn và một cuốn từ điển Anglo-Saxon cũng sờn cũ y như thế. Những cuốn khác, từ mấy cuốn bằng Đức ngữ và Anh ngữ về thần học và triết học cho đến văn chương và lịch sử, trong số đó có cuốn Pelican Guide to English Literature hoàn chỉnh, cuốn Selected Writings của Francis Bacon ấn bản nhà Modern Library, cuốn Poetic Edda của Hollander, cuốn The Poems of Catullus, cuốn Geometry of Four Dimensions của Forsyth, vài cuốn trong bộ English Classics (Kinh điển Anh ngữ) của Harrap, cuốn The Conspiracy of Pontiac của Parkman, và ấn bản Beowulf của nhà Chambers. Cô Quinteros cho biết, gần đây Borges đang đọc cuốn The American Heritage Picture History of the Civil War, mà mới đêm trước thì ông đã mang cuốn The Life of Mahomet của Washington Iriving về nhà mình, và ở đó mẹ ông, nay đã chín mươi, đọc cuốn đó cho ông nghe.
Mỗi ngày, lúc chiều muộn, Borges tới thư viện, nơi đây ông đã có thói quen đọc mấy bức thư và mấy bài thơ cho cô Quinteros đánh máy rồi đọc lại cho ông. Theo chỉ dẫn sửa chữa của ông, cô làm ra hai ba hoặc có lúc tới bốn bản sao cho mỗi bài thơ trước khi Borges hài lòng. Cứ chiều chiều, cô đọc cho ông nghe, và ông cẩn trọng chữa lại phát âm tiếng Anh của cô. Thỉnh thoảng, lúc muốn suy nghĩ, Borges rời văn phòng và chậm rãi đi vòng quanh căn phòng lớn có mái vòm của thư viện, ở lối đi phía trên bàn đọc sách của độc giả bên dưới. Nhưng ông không phải lúc nào cũng nghiêm nghị, cô Quinteros nhấn mạnh, xác nhận cái mà người ta có thể mong đợi từ những tác phẩm của ông: “Bao giờ cũng có những câu nói đùa, những câu đùa có chút thực tế.”
Khi Borges bước vào thư viện, đội mũ beret và bộ vét vải flannel xám đen treo hững hờ trên đôi vai rủ xuống tới chân, thì mọi người ngừng nói chuyện trong một đỗi, ngưng lại vì lòng kính trọng, có lẽ phát xuất từ sự ngập ngừng với vẻ thấu cảm dành cho người đàn ông không hoàn toàn bị mù. Ông bước đi ngập ngừng, mang theo cây gậy dùng làm vật dò đường. Người ông thấp, với mái tóc có chút không tự nhiên ở kiểu nó dựng lên trên đầu ông. Nét mặt ông không theo hình dáng rõ ràng, bệt ra do tuổi già, một phần bị làn da nhợt nhạt xoá nhoà đi. Giọng nói ông cũng rất dứt khoát, gần như đều đều, có thể là do ánh mắt ông không tập trung được vào một chỗ, điều đó khiến giọng nói ông dường như phát xuất từ một kẻ khác đằng sau gương mặt ấy; cử chỉ và biểu hiện của ông trông lờ phờ – đặc điểm là mí mắt vô tình rủ xuống. Nhưng khi ông cười – và ông hay cười – thì nét mặt ông co rút lại thành một thứ thực sự giống như dấu chấm hỏi nhăn nhó; ông hay có cử chỉ dang rộng tay khua một vòng hoặc khoác tay gạt ra và đặt bàn tay lên bàn. Hầu hết các câu phát biểu của ông đều ở hình thức câu hỏi tu từ, nhưng khi đặt ra câu hỏi thực sự thì Borges lại thể hiện nét tò mò hiện ra ngay trên mặt, một nỗi rụt rè, gần như là vẻ hoài nghi đầy xúc cảm. Khi ông chọn cách nói, như kể chuyện cười, thì ông dùng giọng khô khốc, gây xúc động; câu trích ông lấy từ Oscar Wilde khiến ông có thể sánh với diễn viên thời vua Edward VII bên Anh quốc. Ngữ giọng của ông dễ dàng chối từ việc phân loại: cách chọn từ theo lối quốc tế hoá xuất hiện từ phông nền Tây-ban-nha, được giáo dục bởi cách nói Anh ngữ chuẩn xác và ảnh hưởng từ nền điện ảnh Mĩ. (Hẳn nhiên không người Anh nào từng phát âm chữ piano thành “pieano”, và không người Mĩ nào nói “a-nee-hilates” cho chữ annihilates.) Phẩm chất nổi trội trong cách nói rõ ràng lưu loát của ông là cách những từ ngữ của ông khi phát ra thì chúng nhẹ nhàng nhoà vào nhau, làm mất dần các hậu tố đến mức “couldn’t” hay “could” gần như đều giống nhau không phân biệt nổi. Lúc thì dùng chữ lóng và bình dân khi ông muốn thế, điển hình hơn cả là lối nói Anh ngữ đầy trịnh trọng và mang vẻ sách vở, dựa trên cách dùng tự nhiên những cụm từ như “that is to say” và “wherein”. Lúc nào câu chữ của ông cũng được liên kết với cụm “and then” theo kiểu dẫn chuyện hay từ “consequently” theo kiểu logic.
Nhưng trên hết, Borges là người rụt rè, thậm chí còn tự thu mình lại, ông tránh những phát biểu cá nhân đến hết mức có thể và gián tiếp trả lời những câu hỏi về bản thân bằng cách nói đến các nhà văn khác, dùng từ ngữ của mấy người đó và cả sách của họ nữa như là những biểu hiệu cho tư duy của chính ông.
Trong buổi phỏng vấn này, chúng tôi nỗ lực bảo toàn tính chất dân dã trong lời nói Anh ngữ của ông – một sự tương phản rõ nét đối với những bài viết của ông và là sự tiết lộ cho biết độ mật thiết của ông với một ngôn ngữ vốn có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành cách viết của ông.
Jorge Luis Borges
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông không phản đối việc tôi thu âm lại buổi nói chuyện này chứ?
JORGE LUIS BORGES
Không không. Anh cứ lắp đặt mấy thiết bị đó đi. Chúng gây cản trở đó, nhưng tôi sẽ cố gắng nói chuyện như thể chúng chẳng có ở kia. Giờ thì anh đến từ đâu nhỉ?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Từ New York.
BORGES
A, New York. Tôi từng ở đó rồi, và tôi thích chỗ đó lắm – tôi tự nhủ là “À, mình đã làm ra thứ này; đây là tác phẩm của tôi.”
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ý ông là những bức tường nơi mấy toà nhà cao tầng, và cái mê cung phố xá?
BORGES
Đúng đó. Tôi đã đi tản bộ vòng vòng mấy con đường – Fifth Avenue – và bị lạc, nhưng người dân chỗ đó lúc nào cũng tốt bụng. Tôi nhớ đã trả lời nhiều câu hỏi về tác phẩm của mình cho mấy người đàn ông cao cao có dáng vẻ rụt rè. Ở Texas họ bảo tôi nên e ngại thành phố New York, nhưng tôi thích nó. À mà anh sẵn sàng chưa?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vâng, máy đã chạy rồi.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Giờ thì trước khi ta bắt đầu, thì anh tính đặt loại câu hỏi gì?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Phần lớn là về tác phẩm của chính ông và nói về mấy nhà văn Anh ngữ mà ông có hứng thú.
BORGES
À, vậy ổn. Bởi nếu anh hỏi tôi mấy câu về những nhà văn đương thời trẻ tuổi, thì tôi e là mình chẳng biết gì về họ. Trong khoảng bảy năm qua tôi đang cố hết sức để có thể hiểu biết chút ít về Old English (tiếng Anh cổ) và Old Norse (tiếng Đức cổ). Hệ quả là, tôi cách biệt với Argentina và các nhà văn Argentina khá xa cả về thời gian lẫn không gian, không phải sao? Nhưng nếu phải nói với anh về Finnsbury Fragment hoặc mấy khúc bi thương hoặc Battle of Brunanburg….
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có muốn nói về chúng không?
BORGES
Không, không đặc biệt muốn lắm.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Điều gì khiến ông quyết định nghiên cứu tiếng Anglo-Saxon và Old Norse?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Tôi khởi sự từ chuyện vô cùng hứng thú với ẩn dụ. Và trong cuốn này, cuốn kia – tôi nghĩ trong cuốn History of English Literature của Andrew Lang – tôi có đọc về các thể kenning, các ẩn dụ của Old English, và theo kiểu cách phức tạp hơn nhiều trong thi ca Old Norse. Sau đó tôi bắt đầu hứng thú nghiên cứu Old English. Bây giờ, hay đúng hơn là đến hôm nay, sau nhiều năm nghiên cứu, tôi không còn hứng thú với các ẩn dụ nữa bởi tôi nghĩ rằng chúng phần nào làm cho chính các thi sĩ mỏi mòn xương cốt – ít nhất là đối với các thi sĩ dùng Old English.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Lặp lại chúng, ý ông là thế?
BORGES
Lặp lại chúng, dùng đi dùng lại các từ và cứ nói về hranrād, waelrād, hay “road of the whale” (con đường cá voi) thay vì “the sea” (biển cả) – kiểu như thế – và “the seawood”, “the stallion of the sea” (ngựa giống ở biển) thay vì “the ship” (con tàu). Do đó tôi cuối cùng quyết định nên ngưng sử dụng chúng, các ẩn dụ ấy; nhưng trong lúc đó, tôi đã bắt đầu học ngôn ngữ này, và đã phải lòng nó. Giờ tôi đã hình thành được một nhóm – khoảng sáu bảy sinh viên gì đó – và chúng tôi học gần như hàng ngày. Chúng tôi đi vào xem xét những đoạn nổi bật trong Beowulf, cuốn Finnsburg Fragment, và The Dream of the Road. Tuy thế chúng tôi cũng lao vào nghiên cứu văn xuôi của King Alfred. Giờ thì chúng tôi đã bắt đầu học Old Norse, có phần nào giống Old English. Ý tôi là từ vựng không quá thực sự khác biệt: Old English là một dạng lưng chừng nửa đường giữa Low German và tiếng Scandinavia.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Văn chương sử thi lúc nào cũng làm ông hứng thú rất nhiều, đúng không?
BORGES
Lúc nào cũng vậy, đúng đó. Chẳng hạn, có nhiều người đi coi phim rồi khóc này nọ. Chuyện đó lúc nào cũng diễn ra: Nó cũng diễn ra với tôi. Nhưng tôi chưa bao giờ khóc bởi mấy thứ ướt át, hay mấy trường đoạn thảm sầu. Nhưng, ví dụ như, khi tôi xem mấy phim gangster của Joseph von Sternberg, tôi nhớ là lúc có chỗ nào đó trông thật sử thi về mấy bộ phim đó – ý tôi là mấy tay cướp Chicago có cái chết dũng cảm – ờ đó, lúc ấy thì tôi cảm giác mình ngân ngấn nước mắt. Tôi cảm thơ mang chất sử thi nhiều hơn thơ trữ tình hoặc khúc ca bi thương. Tôi bao giờ cũng cảm thấy thế. Giờ có lẽ điều đó là do tôi xuất thân từ dòng dõi quân sự. Ông tôi, Đại tá Francisco Borges Lafinur, đã chiến đấu trong trận chiến biên giới với dân da đỏ, và ông chết trong một cuộc cách mạng; ông cố tôi, Đại tá Suárez, dẫn đầu cuộc đột kích của kị binh Peru tại một trong những trận đánh vĩ đại cuối cùng chống lại dân Tây-ban-nha; một ông cụ kị khác của tôi đã dẫn đầu toán quân tiên phong của quân đội San Martin – đại loại thế. Và tôi có, à, một trong những người bà cụ tổ nhà tôi là chị em với Rosas [1] – tôi đặc biệt không hãnh diện về mối quan hệ đó bởi tôi nghĩ Rosas là một loại người như Perón vào thời đó; nhưng dù vậy toàn bộ mấy điều đó đã liên kết tôi với nền lịch sử Argentina và với ý tưởng cho rằng đàn ông thì phải dũng cảm, phải không nào?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nhưng các nhân vật mà ông chọn làm anh hùng sử thi của mình – bọn gangster chẳng hạn – thì người ta lại không nghĩ đó thuộc dạng sử thi, phải không? Tuy thế dường như ông tìm được tính sử thi ở đó?
BORGES
Tôi nghĩ có lẽ có một loại sử thi cấp thấp ở mấy nhân vật – phải không nào?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ý ông là bởi vì ta rõ ràng không còn dùng được thể loại sử thi cũ kĩ nữa, nên ta phải suy xét đến loại nhân vật này cho các anh hùng của chúng ta?
BORGES
Tôi nghĩ về sử thi hay nói cho đúng là về văn chương sử thi – nếu ta loại trừ những nhà văn như T. E. Lawrence trong cuốn Seven Pillars of Wisdom hoặc một vài thi sĩ như Kipling, chẳng hạn như trong “Harp Song of the Dane Women” hay thậm chí trong truyện của ông – thì tôi nghĩ ngày nay, trong lúc giới văn sĩ dường như lờ đi nghĩa vụ sử thi của họ, thì sử thi lạ lùng thay vẫn được mấy bộ phim Western cứu vớt giữ đó cho ta.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Tôi nghe nói là ông từng xem phim West Side Story nhiều lần.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nhiều lần, đúng đó. Dĩ nhiên West Side Story không phải phim Western.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Đúng là không phải, nhưng với ông thì có phải nó có cùng những tính chất sử thi?
BORGES
Tôi nghĩ là có, đúng vậy. Trong suốt thế kỉ này, như tôi đã nói, thì trong tất cả mọi nơi chỉ có Hollywood cứu vớt truyền thống sử thi cho cả thế giới này. Khi tôi đến Paris, tôi cảm giác mình muốn gây sốc cho người ta, và khi họ hỏi tôi – họ biết tôi hứng thú với điện ảnh, hoặc đã từng hứng thú, bởi thị lực của tôi giờ yếu lắm rồi – và họ hỏi tôi, “Ông thích loại phim nào?” Rồi tôi đáp, “Nói thật thì thứ tôi thích nhất là dòng phim Western”. Tất cả họ đều là dân Pháp; họ đồng tình hoàn toàn với tôi. Họ bảo, “Dĩ nhiên chúng tôi cũng xem những phim như Hiroshima mon amour hoặc L’Anée dernière à Marienbad, xem do bổn phận thôi, nhưng khi chúng tôi muốn tiêu khiển bản thân, khi chúng tôi muốn bản thân tận hưởng, ờ, khi chúng tôi muốn mình thấy thật đã, thì chúng tôi sẽ xem phim Mĩ.”
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vậy thì chính nội dung, phần nội dung mang chất “văn học” trong phim, chứ không phải các khía cạnh kĩ thuật, mới là thứ làm ông hứng thú phải không?
BORGES
Tôi gần như chẳng biết gì về mảng kĩ thuật điện ảnh.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nếu tôi có thể thay đổi chủ đề cho tác phẩm hư cấu của chính ông, thì tôi muốn hỏi về chuyện ông có nói là mình từng rất e dè khoảng thời gian đầu viết truyện.
BORGES
Đúng vậy, tôi từng rất e dè bởi lúc tôi còn trẻ, tôi nghĩ bản thân là thi sĩ. Thế là tôi nghĩ, “Nếu mình viết truyện, thiên hạ sẽ biết mình là kẻ ngoài cuộc, rằng mình đang xâm phạm vào khu đất cấm.” Rồi tôi gặp tai nạn. Anh cũng thấy vết sẹo đó. Nếu anh chạm vào đầu tôi chỗ này đây, anh sẽ thấy. Cảm thấy mấy cái núi đồi chưa, mấy vết sưng ấy? Sau đó tôi ở trong bệnh viện nửa tháng trời. Tôi gặp ác mộng và không ngủ được – chứng mất ngủ đó mà. Sau đó họ bảo tôi rằng trước đó tôi rất có nguy cơ, à ờ, sắp chết đó mà, rằng thực sự tuyệt diệu khi ca phẫu thuật thành công. Tôi bắt đầu lo sợ về tình trạng nguyên vẹn của trí óc mình – tôi tự nhủ, “Có lẽ mình không thể viết lách được nữa rồi.” Sau đó cuộc đời tôi hẳn là sẽ kết thúc thật bởi vì văn chương rất quan trọng đối với tôi. Không phải vì tôi nghĩ mấy thứ tôi viết ra đặc biệt tốt gì, mà vì tôi biết mình chẳng thể nào sống sót mà không viết lách gì cả. Nếu không viết lách, ờ, thì tôi cảm thấy có gì đó hối tiếc, phải không nào? Rồi tôi nghĩ mình sẽ thử bắt tay viết báo hay bài thơ nào đó. Nhưng tôi lại nghĩ, “Mình đã viết hàng trăm bài báo và bài thơ rồi. Nếu giờ không thể viết thì mình sẽ biết ngay tức thì là tiêu rồi, mọi thứ đã chấm hết.” Do đó tôi nghĩ mình sẽ thử bắt tay viết thứ gì khác mà chưa từng làm: Nếu tôi không làm được thì chẳng có gì lạ hết bởi vì tại sao tôi viết truyện ngắn? Nó sẽ chuẩn bị tôi tiếp nhận đòn giáng cuối cùng không thể chống đỡ: đó là khi biết mình đã tới điểm giới hạn cuối cùng. Tôi viết một truyện, để tôi xem, tôi nghĩ nó có nhan đề “Hombre de la esquina rosada” [2], và người ta rất thích nó. Tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm. Nếu tôi không có cú đập đặc biệt kia vào đầu mình, thì có lẽ tôi sẽ không bao giờ viết truyện ngắn.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Và có lẽ ông cũng sẽ không bao giờ dịch thuật?
BORGES
Và không ai nghĩ đến chuyện dịch tôi. Do đó có thể nói trong cái rủi có cái may. Những câu chuyện đó, bằng cách này hay cách khác, đã có lối đi của mình: Chúng được dịch ra tiếng Pháp, tôi đoạt giải Prix Formentor, rồi dường như tôi lại được dịch sang nhiều thứ tiếng khác. Dịch giả đầu tiên là Ibarra. Ông ấy là bạn thân của tôi, và ông đã dịch nhiều truyện sang tiếng pháp. Tôi nghĩ ông ta đã hoàn thiện chúng rất nhiều, không phải sao?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ibarra là dịch giả đầu tiên, không phải Caillois sao?
BORGES
Ông ấy và Roger Caillois [3]. Ở tuổi già như trái chín cây, tôi bắt đầu phát hiện ra trên toàn thế giới có nhiều người thích tác phẩm của tôi. Chuyện này trông lạ quá: Nhiều bài viết của tôi được chuyển sang tiếng Anh, tiếng Thuỵ-điển, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Bồ-đào-nha, một vài tiếng Slavic, tiếng Đan-mạch. Và lúc nào chuyện này cũng xuất hiện làm tôi ngạc nhiên quá đỗi bởi tôi nhớ mình đã xuất bản cuốn sách – ắt là phải từ năm 1932, tôi nghĩ vậy [4] – và cuối năm đó tôi thấy không ít hơn ba mươi bảy quyển được bán!
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Đó là cuốn Universal History of Infamy?
BORGES
Không, không. History of Eternity chứ. Ban đầu tôi còn muốn tìm từng người mua để xin lỗi vì cuốn sách ấy và cũng để cảm ơn họ vì những gì họ đã làm. Có một lời giải thích cho chuyện đó. Nếu anh nghĩ đến ba mươi bảy người – những người này toàn có thực hết, ý tôi là mỗi người trong số họ đều có gương mặt của chính mình, có một gia đình, họ sống ở những con phố cụ thể của riêng mình. Tại sao, nếu anh bán, cho là hai mươi ngàn bản, thì nó lại giống như thể anh không bán gì cả vì hai mươi ngàn quá sức lớn – ý tôi là, quá lớn để trí tưởng tượng có thể nắm bắt được. Trong khi ba mươi bảy người – có lẽ ba mươi bảy cũng nhiều, có lẽ mười bảy thì tốt hơn hoặc thậm chí bảy thôi – nhưng tuy thế ba mươi bảy vẫn nằm trong phạm vi tưởng tượng của ta.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nói đến các con số, tôi chú ý trong truyện của ông thì các con số nhất định cứ tái diễn.
BORGES
Ồ đúng đó. Tôi mê tín ghê lắm. Tôi thấy xấu hổ vì vậy. Tôi tự nhủ rằng rốt cuộc, chuyện mê tín, tôi cho là, là một hình thức điên rồ nhè nhẹ, không phải sao?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Hay là hình thức tông giáo?
BORGES
À, tông giáo, nhưng… tôi cho là nếu ta đạt được một trăm năm mươi tuổi, thì ắt là ta sẽ khá điên, không phải sao? Bởi vì toàn bộ những triệu chứng nhỏ đó sẽ phát triển lên. Tuy thế, tôi thấy mẹ mình, đã chín mươi rồi, và bà ít mê tín hơn tôi nhiều. Giờ thì khi đọc sách, đến lần thứ mười, tôi cho là vậy, cuốn Johnson của Boswell, thì tôi thấy là ông ấy mê tín ngập tràn, và đồng thời, thấy rằng ông ta có nỗi sợ hãi vô cùng đối với chứng điên. Trong những kinh cầu nguyện ông tạo ra, một trong nhữn điều ông thỉnh cầu Thượng đế là ông không muốn là gã điên, do đó ông ta ắt là phải lo lắng về nó lắm.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Có phải ông nói rằng cùng một lí do – mê tín – mà khiến ông dùng những màu sắc giống nhau – đỏ, vàng, xanh lục – lặp đi lặp lại?
BORGES
Nhưng tôi có dùng màu xanh lục à?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Không thường như các màu khác. Nhưng ông thấy là tôi có làm một chuyện khá vặt vãnh. Tôi đã đếm số màu sắc trong…
BORGES
Không không. Đó gọi là estilística [văn phong]; ở đây nó cần được nghiên cứu. Không, tôi nghĩ anh sẽ tìm thấy màu vàng.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nhưng màu đỏ cũng vậy, thường xê dịch, phai dần thành màu hoa hồng.
BORGES
Thật ư? À, tôi chưa bao giờ biết điều đó.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nó cứ như thể thế giới ngày nay là mẩu tro của đám cháy ngày hôm qua – đó là một ẩn dụ mà ông dùng. Ông nói đến “Adam đỏ” chẳng hạn.
BORGES
À, từ Adam, tôi nghĩ, trong tiếng Hebrew nghĩa là “đất đỏ” (red earth). Ngoài ra nó phát âm cũng ổn, không phải sao? “Rojo Adán”.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vâng, đúng thế. Nhưng đó không phải thứ ông định phô bày ra chứ: sự suy đồi của thế gian bằng việc dùng màu sắc theo lối ẩn dụ?
BORGES
Tôi không định phô bày ra gì hết. [Cười lớn.] Tôi không có ý định gì cả.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Chỉ mô tả thôi sao?
BORGES
Tôi mô tả. Tôi viết. Giờ nhắc đến sắc vàng, có một lời giải thích vật lí cho điều đó. Khi tôi bắt đầu mất thị lực, màu sắc cuối cùng tôi thấy được, hay đúng hơn là sắc màu cuối cùng nổi bật lên, bởi vì tất nhiên giờ tôi biết áo khoác của anh không cùng màu với cái bàn này hoặc với mấy món đồ gỗ sau lưng anh – cái sắc màu cuối cùng nổi bật lên đó là màu vàng bởi vì đó là màu sáng rõ nhất trong số các màu. Đó là lí do tại sao các anh có Yellow Cab Company (Công ti taxi vàng) ở Hoa-kì. Ban đầu họ nghĩ đến sơn mấy chiếc xe màu đỏ tươi. Rồi ai đó phát hiện ra vào ban đêm hay lúc có sương mù thì màu vàng nổi bật sáng rõ hơn màu đỏ tươi. Thế là các anh có xe taxi vàng bởi vì bất kì ai cũng có thể nhận ra chúng. Giờ, lúc tôi bắt đầu mất thị lực, khi thế gian bắt đầu nhạt nhoà dần đi, thì có thời điểm mà mấy người bạn của tôi… à họ đùa cợt, chế giễu tôi bởi tôi lúc nào cũng đeo cà-vạt màu vàng. Rồi họ tưởng tôi thực sự thích màu vàng, mặc dù nó thực sự quá chói. Tôi nói, “Vâng, với mấy anh thôi, chứ không phải với tôi, bởi vì đó là sắc màu duy nhất tôi có thể thấy, gần như vậy!” Tôi sống trong cõi sống xám xịt, khá giống cõi sống của màn bạc. Nhưng sắc vàng nổi bật lên. Điều đó có thể giải thích chuyện này. Tôi nhớ một câu đùa của Oscar Wilde: bạn ông ấy có cà-vạt màu vàng, màu đỏ, và cứ thế, rồi Wilde nói, Ồ, anh bạn thân mến của tôi ơi, chỉ có gã điếc mới mang cà-vạt như thế!
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông ấy có lẽ nói về cái cà-vạt màu vàng mà tôi đeo hiện giờ.
BORGES
À, ừ. Tôi nhớ đã kể câu chuyện đó cho một quý bà mà bà này vuột mất nguyên cả ý. Bà ta nói, “Dĩ nhiên, chắc là vì bị điếc ông ta không thể nghe những gì người ta nói về cà-vạt của mình”. Câu đó có lẽ sẽ làm Oscar Wilde khoái chí lắm, không phải sao?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Tôi muốn nghe lời ông ấy đáp trả cho câu đó.
BORGES
Vâng, tất nhiên. Tôi chưa bao giờ nghe nói đến trường hợp nào mà bị hiểu lầm tuyệt đối hoàn hảo như vậy. Sự hoàn hảo của tình trạng ngu đần. Dĩ nhiên, nhận xét của Wilde là cách dịch hóm hỉnh của một ý tưởng; bằng tiếng Tây-ban-nha cũng như tiếng Anh các anh nói đến một “loud color” [sắc màu ồn ã]. “Loud color” là thành ngữ thông dụng, nhưng khi những thứ vốn được nói trong văn chương lúc nào cũng giống nhau. Cái quan trọng là cách chúng được nói ra. Chuyện tìm kiếm các ẩn dụ chẳng hạn: Hồi trẻ tôi luôn săn tìm các ẩn dụ mới. Rồi tôi phát hiện những ẩn dụ thực sự hay ho thì bao giờ cũng giống nhau. Ý tôi là các vị so sánh thời gian với con đường, cái chết với việc ngủ, cuộc sống với việc mơ, và những cái đó đều là những ẩn dụ tuyệt vời trong văn chương bởi chúng tương ứng với những điều căn cốt. Nếu bạn chế ra ẩn dụ, thì chúng phải có khả năng gây ngạc nhiên trong một tích-tắc, nhưng chúng lại không tạo ra chút cảm xúc sâu xa nào. Nếu bạn nghĩ đến cuộc đời như một giấc mơ, thì đó là một ý nghĩ, một ý nghĩ có thực, hoặc ít nhất thì đó là điều mà hầu hết người ta đều chắc chắn có, không phải sao? “Những điều thường là tư duy, lại không bao giờ được biểu lộ trơn tru.” Tôi nghĩ điều đó tốt hơn ý tưởng gây sốc cho người ta, hơn việc tìm ra những nối kết giữa những vật chưa từng được nối kết trước đây, bởi vì chẳng có nối kết thực sự nào cả, do vậy toàn thể sự vật là một loại sắp đặt thôi.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Sắp đặt chỉ từ ngữ thôi à?
BORGES
Chỉ từ ngữ thôi. Tôi thậm chí không gọi chúng là những ẩn dụ thực sự bởi vì trong một ẩn dụ thực sự thì cả hai phần nghĩa đều thực sự liên kết với nhau. Tôi phát hiện được một ngoại lệ – một loại ẩn dụ lạ lùng, mới mẻ, và đẹp tuyệt đến từ thi ca Old Norse. Ở thi ca Old English thì một trận đánh được nói đến như là “cuộc chơi của gươm kiếm” hay “cuộc chạm trán của những ngọn giáo”. Còn trong Old Norse, và tôi nghĩ cũng có ở thi ca Celtic nữa, trận đánh được gọi là một “mạng lưới của những gã đàn ông”. Cái đó lạ quá phải không nào? Bởi vì trong mạng lưới thì anh sẽ có một mẫu hình, một hành động đan dệt của những gã đàn ông, un tejido [một chuỗi]. Tôi cho là trong trận đánh thời trung cổ anh có một loại mạng lưới bởi vì có được gươmg giáo ở hai đầu chiến tuyến và cứ thế. Do vậy ở đó tôi nghĩ anh sẽ có một ẩn dụ mới; và dĩ nhiên cùng với một cú đụng chạm ác mộng về nó, phải không nào? Ý tưởng về mạng lưới làm từ những gã đàn ông bằng xương bằng thịt, làm từ những vật sống, và vẫn là một mạng lưới, vẫn là một mẫu hình. Thật là một ý tưởng lạ, phải không nào?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nhìn chung thì nó tương ứng với ẩn dụ mà George Eliot dùng trong Middlemarch, xã hội đó là một mạng lưới và người ta không thể gỡ một phần trong đó ra mà không chạm vào tất cả những phần khác.
BORGES
[Với niềm thích thú tột đỉnh] Ai nói cái đó vậy?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
George Eliot, trong Middlemarch.
BORGES
A, Middlemarch! Đúng rồi, dĩ nhiên! Ý anh là toàn thể vũ trụ được liên kết với nhau; mọi thứ liên kết nhau. À, đó là một trong những lí do khiến các triết gia Khắc-kỉ tin vào các điềm báo. Có một bài viết, một bài viết rất đáng lưu tâm của De Quincey, như tất thảy các bài khác của ông, bàn về chuyện mê tín thời hiện đại, và ở đó ông có đưa ra lí thuyết của phái Khắc-kỉ. Ý tưởng cho rằng bởi vì toàn thể vũ trụ là một vật sống, thế nên có mối thân thuộc giữa các sự vật trông có vẻ xa xôi cách trở. Chẳng hạn, nếu mười ba người ăn tối cùng nhau, một trong số họ chắc chắn qua đời nội trong năm đó. Không chỉ đơn thuần bởi vì Jesus Christ và Bữa tối cuối cùng, mà còn bởi vì toàn bộ mọi thứ đều ràng buộc với nhau. Ông ta nói – tôi tự hỏi làm thế nào mà hình thành ra được câu chữ ấy – rằng mọi thứ trên cõi nhân gian này là một chiếc li bí mật hay một tấm gương bí mật của vũ trụ.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông thường nói đến những người ảnh hưởng lên ông, như De Quincey…
BORGES
Từ De Quincey rất nhiều, đúng vậy, và Schopenhauer bên Đức ngữ nữa. Vâng, thực tế thì trong suốt thế chiến thứ nhất, tôi được Carlyle dẫn dắt – Carlyle: tôi không ưa ông này: tôi nghĩ ông ta đã chế ra Đức Quốc xã và mọi thứ khác, một trong những cha đẻ hay tổ tiên của những thứ kiểu vậy – à, tôi được Carlyle dẫn dắt trong chuyện học tiếng Đức, và tôi cố thử sức với cuốn “Phê phán lí tính thuần tuý” của Kant. Dĩ nhiên, tôi cũng bị sa lầy như bao người khác – như hầu hết những người Đức. Sau đó, tôi bảo, “À, cháu sẽ thử thi ca của họ vậy, bởi vì thi ca thì ngắn hơn do được làm ở thể thơ”. Tôi lấy một cuốn Lyrisches Intermezzo của Heine và một cuốn từ điển Anh-Đức, và cứ mỗi hai hay ba tháng trôi qua thì tôi phát hiện mình có thể xoay xở khá ngon lành mà không cần từ điển hỗ trợ.
Tôi nhớ cuốn tiểu thuyết Anh ngữ đầu tiên tôi đọc kĩ lưỡng là một cuốn tiểu thuyết Scotland với nhan đề The House with the Green Shutters.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ai viết cuốn đó thế?
BORGES
Một gã tên là Douglas. Rồi cuốn ấy bị gã khác đạo văn để viết nên cuốn Hatters Castle – Cronin – hai cuốn gần như cùng một cốt chuyện. Cuốn sách ấy được viết theo thổ ngữ Scotland – ý tôi là người ta thay vì nói money thì lại nói bawbees hoặc thay vì nói children thì lại nói bairns – đó là từ Old English và cũng là từ Norse – và họ nói nicht thay vì nói night: đó là tiếng Old English.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Và lúc đọc cuốn đó thì ông bao nhiêu tuổi?
BORGES
Chắc là khoảng – hồi ấy có nhiều thứ tôi chưa hiểu – hẳn là tôi khoảng mười hay mười một gì đó. Trước đó, dĩ nhiên tôi có đọc The Jungle Book, và tôi cũng đã đọc Treasure Island của Stevenson, một cuốn rất ổn. Nhưng cuốn tiểu thuyết thực sự đầu tiên là cuốn đó. Khi đọc nó, tôi muốn thành người Scotland, sau đó tôi hỏi bà tôi, và bà rất phẫn nộ về chuyện đó. Bà bảo, “Tạ ơn chúa là con không phải vậy!” Dĩ nhiên có lẽ bà sai. Bà đến từ Northumberland; họ ắt hẳn có chút dòng máu Scotland trong người. Có lẽ còn có cả dòng máu Đan-mạch từ hồi xa xưa.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Cùng với niềm thích thú dài hạn với Anh ngữ và tình yêu tuyệt vời của ông dành cho nó…
BORGES
Này nhé, tôi đang nói chuyện với một người Mĩ: Có một cuốn sách tôi phải đề cập tới – không có gì bất ngờ về nó hết – cuốn đó là Huckleberry Finn. Tôi cực kì ghét Tom Sawyer. Tôi nghĩ Tom Sawyer đã làm hư hết mấy chương cuối trong cuốn Huckleberry Finn. Toàn bộ mấy câu chuyện đùa ngớ ngẩn đó. Tất cả là những câu chuyện đùa cợt vô nghĩa; nhưng tôi cho rằng Mark Twain nghĩ bổn phận của ông là phải hài hước thậm chí khi ông không có tâm trạng. Bằng cách nào đó phải lồng vào mấy câu chuyện đùa. Theo những gì George Moore từng nói, người Anh luôn nghĩ: “Thà là chuyện đùa dở tệ còn hơn không có chuyện đùa nào.”
Tôi nghĩ Mark Twain là một trong những nhà văn thực sự vĩ đại, nhưng tôi nghĩ ông ấy hoàn toàn không ý thức đến sự thực đó. Nhưng có lẽ để viết nên cuốn sách thật sự tuyệt vời, bạn phải hoàn toàn không ý thức đến thực tế đó. Bạn phải è cổ ra vì tác phẩm và thay đổi mỗi tính từ sang một tính từ khác, nhưng có lẽ bạn có thể viết tốt hơn nếu bạn để lại sai sót. Tôi nhớ những điều Bernard Shaw từng nói, rằng khi nói về văn phong, một nhà văn sẽ có văn phong đa dạng ở mức niềm tin cho phép chứ không hơn. Shaw nghĩ ý tưởng về trò chơi văn phong là điều tương đối phi thực tế, hoàn toàn vô nghĩa. Chẳng hạn ông nghĩ đến Bunyan như một nhà văn vĩ đại bởi ông bị thuyết phục bởi những gì Bunyan nói ra. Nếu một nhà văn ngờ vực về những điều họ viết, thì họ khó lòng mong đợi người đọc tin nó. Dù vậy ở đất nước này, lại có khuynh hướng xem bất kì dạng viết nào – nhất là chuyện viết thơ – như một trờ chơi về văn phong. Tôi biết nhiều thi sĩ ở đây viết tốt lắm – cho ra mấy thứ ổn vô cùng – với lối hành văn thanh nhã và nhiều thứ khác – nhưng nếu anh nói chuyện với họ, thì thứ duy nhất họ bảo anh là mấy câu chuyện tục tĩu hoặc họ sẽ nói đến chính trị theo kiểu như bao người khác, thành thử thực sự thì lối viết của họ trở thành một loại lặt vặt nào đó thôi. Họ đã học cách viết như thể người ta học chơi cờ hoặc chơi bài bridge. Họ thực ra chẳng phải là thi sĩ hay nhà văn gì hết. Đó chỉ là mánh khoé họ học được, và họ học điều đó rất kĩ càng. Họ có cả toàn bộ mấy thứ vậy ở ngay mấy đầu ngón tay. Nhưng hầu hết họ – ngoại trừ bốn năm người, có thể nói vậy – dường như đều nghĩ đến cuộc đời như thể chẳng có gì thi vị hoặc bí ẩn gì hết. Họ cứ mặc nhiên cho mọi thứ là vậy. Họ biết rằng khi họ phải viết, thì, ừm, họ phải đột nhiên trở nên buồn rầu hoặc phải đột nhiên buông ra mấy lời mỉa mai.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Để có vẻ như nhà văn?
BORGES
Đúng đó, để có vẻ như nhà văn và để có được tâm trạng hợp hoàn cảnh, rồi viết ra. Sau đó, họ quay về nền chính trị hiện tại.
SUSANA QUINTEROS [bước vào]
Xin lỗi. Señor Campbell đang chờ ạ.
BORGES
À, xin hãy yêu cầu ông ấy chờ một chút nhé. À, có ông Campbell đang chờ đó mà; gia đình Campbell đang tới.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông viết truyện từ khi nào, mà ông có chỉnh sửa lại nhiều không?
BORGES
Ban đầu thì có. Rồi tôi thấy là khi người ta tới ngưỡng tuổi nào đó, họ đã tìm ra được giọng điệu thực sự cho mình. Ngày nay, tôi cố kiểm lại những gì mình viết sau nửa tháng hay khoảng đó, và dĩ nhiên có nhiều chỗ vấp váp và lặp từ cần tránh đi, những mánh khoé ưa thích nhất định mà ta không nên lạm dụng. Nhưng tôi nghĩ rằng những gì tôi viết ra ngày nay lúc nào cũng ở tầng mức nhất định và tôi không thể chỉnh cho nó tốt hơn nhiều được, cũng như tôi cũng chẳng thể làm nó hỏng bét đi nhiều được. Vậy là tôi cứ để nó đó, quên đi mọi thứ về nó, và nghĩ về chuyện tôi sắp làm lúc đó. Những thứ cuối cùng mà tôi viết nên là các milonga, những bài hát dân dã.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vâng, tôi có thấy một cuốn về chúng, một quyển sách đẹp tuyệt.
BORGES
Đúng vậy, Para las seis cuerdas [Dành cho đàn sáu dây], dĩ nhiên có ý là đàn guitar. Đàn guitar là một nhạc cụ phổ biến hồi tôi còn nhỏ. Rồi anh sẽ thấy người ta gảy đàn guitar, không thật điêu luyện, ở mỗi góc đường ở mỗi khu phố. Một số bài tango hay nhất được soạn ra bởi những người không có khả năng viết lẫn đọc chúng. Nhưng dĩ nhiên là họ chứa đựng âm nhạc trong tâm hồn mình, như Shakespeare có lẽ đã từng nói. Do vậy họ cất lên những bài hát ấy cho ai đó nghe: Chúng được chơi bằng piano, rồi được chấp bút viết ra, và được xuất bản cho những người biết chữ đọc. Tôi nhớ có gặp một người như vậy – Ernesto Poncio. Anh ấy viết bản “Don Juan”, một trong những bản tango hay nhất trước khi người đời làm hỏng nhạc tango bằng mớ bài hát Ý ở La Boca và nhiều thứ khác: Ý tôi là, thời điểm nhạc tango bắt nguồn từ dòng criolla. Có lần anh ta nói với tôi, “Tôi đã vào tù nhiều lần rồi Señor Borges ạ, nhưng bao giờ cũng là tội ngộ sát!” Ý muốn nói ở đây là anh ấy không phải một tên trộm hay một tay ma-cô.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Trong cuốn Antología Personal của ông…
BORGES
Này nhé, tôi muốn nói là cuốn sách ấy đầy lỗi in ấn. Thị lực tôi mờ rồi, và phần đọc bản in thử được giao cho người khác.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Tôi hiểu, nhưng đó chỉ là những sai sót lẻ tẻ đúng không?
BORGES
Đúng, tôi biết thế, nhưng chúng cứ chui vào, làm bận tâm người viết, chứ không phải độc giả. Độc giả sẽ chấp nhận bất kì thứ gì, phải không nào? Thậm chí cả những điều vô lí rõ ràng nhất.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nguyên tắc tuyển chọn của ông trong cuốn sách đó là gì?
BORGES
Nguyên tắc tuyển chọn của tôi đơn giản là tôi cảm thấy mớ đó tốt hơn những thứ tôi gạt bỏ ra. Dĩ nhiên, nếu tôi khôn khéo hơn, tôi sẽ khăng khăng gạt bỏ ra mấy câu chuyện đó, rồi sau khi tôi chết thì sẽ có người nhận ra những thứ bị gạt bỏ đi đó thực sự rất ổn. Đó hẳn là một chuyện khôn khéo có thể làm, phải không nào? Ý tôi là, để xuất bản toàn bộ mớ yếu kém đó, rồi cho người ta phát hiện tôi đã gạt bỏ đi những thứ ngon lành thực sự.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông rất thích những câu chuyện đùa phải không?
BORGES
Đúng, tôi rất thích, đúng vậy.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nhưng những người viết về mấy quyển sách của ông, đặc biệt tác phẩm hư cấu của ông…
BORGES
Không, không – họ viết quá ư nghiêm trọng đó mà.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Họ hiếm khi nhận ra có một vài quyển rất khôi hài.
BORGES
Chúng được viết với ý khôi hài mà. Bây giờ có một cuốn chuẩn bị ra mắt, có nhan đề Cronícas de Bustos Domecq, viết chung với Adolfo Bioy Casares. Cuốn sách đó nói về các kiến trúc sư, các thi sĩ, các tiểu thuyết gia, điêu khắc gia, và nhiều người nữa. Toàn bộ nhân vật đều hư cấu, và toàn bộ họ đều là dạng người hợp mốt, rất thời thượng; họ quá nghiêm xét bản thân mình; nhà văn cũng thế, nhưng họ không hẳn là những nhân vật giễu nhại bất kì ai đó. Chúng tôi chỉ đơn giản đi tới một điều nào đó có thể được thực hiện. Chẳng hạn, nhiều nhà văn ở đây bao tôi, “Chúng tôi muốn biết thông điệp của ông”. Anh thấy đó, chúng tôi có thông điệp gì đâu. Khi viết ra, tôi viết bởi vì cần phải làm một điều gì đó. Tôi không nghĩ một nhà văn cần can dự quá nhiều vào chính tác phẩm của mình. Họ nên để tác phẩm tự viết ra câu chuyện cho chính nó, phải không nào?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông vừa bảo là đừng bao giờ phán xét nhà văn bởi các ý tưởng của họ.
BORGES
Đúng đó, tôi không nghĩ ý tưởng là thứ quan trọng.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vậy thì, phán xét họ dựa vào cái gì?
BORGES
Họ nên được phán xét bởi niềm vui thích họ trao cho tác phẩm và bởi những cảm xúc ta có được. Về chuyện ý tưởng, rốt cuộc thì nó không phải là thứ quá quan trọng bất kể nhà văn có quan điểm chính trị nào bởi vì tác phẩm sẽ cứ tiếp diễn đến rốt ráo bất chấp các ý tưởng, như trong trường hợp tác phẩm Kim của Kipling. Giả định anh xem xét ý tưởng về đế chế người Anh – à, trong Kim tôi nghĩ các nhân vật mà người ta thật sự thích không phải người Anh, mà là nhiều nhân vật Ấn-độ, những người theo Islam. Tôi nghĩ họ là những người thú vị hơn. Và đó bởi vì ông ấy nghĩ họ – Không! Không! Không phải vì ông ta nghĩ họ thú vị hơn – mà vì ông ta cảm thấy họ thú vị hơn.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Còn về những ý tưởng siêu hình học thì sao?
BORGES
À, ờ, những ý tưởng siêu hình học, vâng. Người ta nên gộp chúng vào các câu chuyện dân gian hay đại loại thế.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Độc giả thường hay gọi truyện của ông là truyện ngụ ngôn. Ông thích cách mô tả như thế chứ?
BORGES
Không, không. Chúng được viết ra đâu nhằm trở thành truyện ngụ ngôn. Ý tôi nếu chúng là truyện ngụ ngôn… [ngưng một quãng dài] …tức là, nếu chúng là truyện ngụ ngôn, thì chúng tình cờ trở thành truyện ngụ ngôn, nhưng tôi chưa bao giờ có ý viết truyện ngụ ngôn.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Thế là không như truyện ngụ ngôn của Kafka?
BORGES
Ở trường hợp Kafka, ta hầu như chả biết gì. Ta chỉ biết rằng ông ấy rất bất mãn với tác phẩm của chính mình. Dĩ nhiên là lúc ông ta nói với người bạn Max Brod rằng ông muốn mấy bản thảo của mình phải được đem đốt sạch, giống Virgil từng làm, thì khi ấy tôi cho là ông dư biết bạn mình sẽ chả làm chuyện đó đâu. Nếu ai đó muốn tiêu huỷ đi tác phẩm của chính mình, thì họ phải ném nó vào lửa, và thế là xong. Khi ông ấy bảo với người bạn thân rằng, “Tôi muốn ông huỷ hết mớ bản thảo đó đi”, thì ông dư biết là bạn mình sẽ chả bao giờ làm vậy, và người bạn ấy cũng biết là ông biết thế và còn biết là ông biết người kia cũng biết là ông biết, vân vân và vân vân.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Tất cả mấy thứ đó rất giống kiểu James.
BORGES
Vâng, dĩ nhiên rồi. Tôi nghĩ rằng cả thế giới của Kafka sẽ được phát hiện theo một cách còn phức tạp hơn nhiều trong những truyện của Henry James. Tôi nghĩ cả hai người này đều tư duy thế giới như một cõi sống đồng thời vừa phức tạp vừa vô nghĩa.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vô nghĩa?
BORGES
Anh không nghĩ thế sao?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Không, thực sự tôi không nghĩ vậy. Trong trường hợp của James thì…
BORGES
Nhưng ở trường hợp của James, vâng. Trong trường hợp của James, vâng. Tôi không nghĩ là ông ta nghĩ thế giới có mục đích luân lí nào. Tôi nghĩ ông ấy không tin vào Thượng đế. Thực sự thì tôi nghĩ có một lá thư gửi cho anh ông ấy, nhà tâm lí học William James, trong đó ông ấy bảo rằng thế giới là một viện bảo tàng bằng kim cương, ta hãy nói đó là một bộ sưu tập các thứ kì dị, phải không nào? Tôi cho ý ông ta là thế. Giờ ở trường hợp Kafka, tôi nghĩ Kafka đang tìm kiếm thứ gì đó.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Cho một ý nghĩa nào đó?
BORGES
Cho ý nghĩa nào đó, đúng vậy; và không tìm được nó, có lẽ vậy. Nhưng tôi nghĩ cả hai người họ đều sống trong một dạng mê cung, phải không nào?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Tôi sẽ đồng ý chuyện đó. Chẳng hạn một cuốn sách như cuốn The Sacred Fount.
BORGES
Vâng, The Sacred Fount và nhiều truyện ngắn khác. Ví dụ, “The Abasement of the Northmores” (“Sự khuất nhục của nhà Northmore”), trong đó cả câu chuyện là một sự trả thù tuyệt đẹp, nhưng lại là cuộc trả thù mà độc giả không bao giờ biết là nó có xảy ra hay không. Người phụ nữ vô cùng chắc chắn rằng công việc của chồng cô, mà dường như chẳng ai biết hay quan tâm đến, tốt hơn rất nhiều so với công việc mà người bạn nổi tiếng của chồng cô ta có được. Nhưng có lẽ toàn bộ chuyện đó không có thực. Có lẽ tình yêu của cô dành cho anh ta đã dẫn dắt cô nàng. Ta không biết liệu những lá thư đó, khi được công bố, có thực sự dẫn đến chuyện gì không. Dĩ nhiên James cố gắng viết hai ba truyện cùng lúc. Đó là lí do tại sao ông không bao giờ đưa ra giải thích. Lời giải thích ắt sẽ làm câu chuyện trở nên nghèo nàn hơn. Ông bảo The Turn of the Screw chỉ là dạng mì ăn liền, đừng bận tâm về nó. Nhưng tôi không nghĩ điều đó là thật. Chẳng hạn, ông ta nói, À, nếu tôi đưa ra giải thích, rồi câu chuyện sẽ nghèo nàn hơn bởi những lời giải thích khác sẽ bị gạt bỏ. Tôi nghĩ ông ấy làm vậy là có chủ đích.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Tôi đồng ý; người ta không nên biết.
BORGES
Người ta không nên biết, mà có lẽ bản thân ông ấy cũng không biết!
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có muốn tác động tương tự thế đối với độc giả của ông không?
BORGES
Ồ vâng. Dĩ nhiên là tôi muốn. Nhưng tôi nghĩ truyện ngắn của Henry James vượt xa tiểu thuyết của ông. Những điều quan trọng trong truyện của Henry James là những tình huống được sáng tạo nên, chứ không phải các nhân vật. The Sacred Fount ắt sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn có thể phân biệt nhân vật này với nhân vật khác. Nhưng bạn phải lê lết khoảng ba trăm trang nhằm phát hiện ra tình nhân của quí cô này kia là ai, rồi cuối cùng bạn có thể đoán rằng chính anh chàng này chứ không phải anh chàng Tên-gì-gì-đó. Anh không thể tách bạch họ ra được; tất cả họ đều nói năng theo cùng một kiểu; không có nhân vật thực sự nào hết. Chỉ có người Mĩ dường như nổi bật lên. Nếu anh nghĩ đến Dickens, ờ, mặc dù các nhân vật dường như không nổi trội, nhưng họ vẫn quan trọng hơn nhiều so với cốt truyện.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông nói rằng truyện của chính ông có điểm nguồn nằm ở tình huống, chứ không phải nhân vật, đúng thế không?
BORGES
Nằm ở tình huống, quả đúng vậy. Ngoại trừ ý tưởng về tính can đảm, mà tôi rất thích. Tính can đảm, có lẽ thế, vì bản thân tôi không được can đảm cho lắm.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Phải chăng đó là lí do tại sao có nhiều dao, gươm và súng trong truyện của ông?
BORGES:
Ừ, có thể vậy. Ồ, nhưng có hai nguyên do: đầu tiên, là việc thấy được mấy thanh gươm ở nhà, có được là do ông tôi và ông cố tôi và mấy người nữa. Việc thấy được toàn bộ mấy thanh gươm đó. Rồi tôi được nuôi dạy ở Palermo; khi ấy toàn bộ nơi này là khu ổ chuột, và người ta bao giờ cũng nghĩ đến bản thân mình – tôi không nói rằng điều đó là sự thật nhưng nói rằng họ luôn nghĩ đến bản thân mình – như những người tốt đẹp hơn mấy kẻ sống ở phía bên kia thị trấn, như những người chiến đấu cừ hơn và đại loại thế. Dĩ nhiên, điều đó có lẽ là rác rưởi thôi. Tôi không nghĩ là họ đặc biệt can đảm vậy. Gọi một kẻ, hay nghĩ hắn, là tên hèn nhát – cùng lắm là điều đó; đó là cái thứ mà hắn ta không chịu được. Tôi thậm chí còn biết chuyện một người đàn ông đến từ phía nam thị trấn để gây sự với người nào đó vốn nổi danh là kẻ chơi dao ở phía bắc và bị giết vì cơn đau đớn của anh ta. Họ không có lí do thực sự để gây nhau: Họ chưa từng gặp nhau trước đó; không có vấn đề gì về tiền bạc hay đàn bà hay bất kì thứ gì đại loại thế. Tôi cho rằng đó là điều tương tự ở miền Tây nước Mĩ. Ở đây thì sự việc không được giải quyết bằng súng đạn, mà bằng dao.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Việc dùng dao đã đưa vụ việc trở lại về với dạng hành vi xưa cũ?
BORGES
Một dạng xưa cũ, đúng vậy. Hơn nữa đó còn là ý tưởng về sự dũng cảm mang tính cá nhân nhiều hơn. Bởi vì anh có thể là tay thiện xạ cừ và đặc biệt không can đảm. Nhưng nếu anh sắp sửa tham gia trận đánh cận chiến với người ta, và anh có dao… Tôi nhớ có lần tôi thấy một gã thách thức người khác đánh nhau với hắn, và người kia rút lui. Nhưng tôi nghĩ anh ta rút lui vì một mẹo lừa. Một tay thì già, ông ấy bảy mươi, tay kia là chàng trai trẻ và đầy sinh lực, anh ta ắt hẳn tầm hai mươi lăm đến ba mươi. Đoạn ông già, ông ấy xin anh thứ lỗi, ông ta quay trở lại với hai con dao găm, và có một con dài hơn con kia chừng một gang tay. Ông ấy bảo, “Đây, chọn vũ khí đi”. Do vậy ông ta cho người kia cơ hội chọn vũ khí dài hơn, và lợi thế hơn ông ta; nhưng đó cũng có nghĩa là ông ấy cảm thấy chắc chắn là bản thân có đủ khả năng giải quyết trở ngại đó. Người kia xin lỗi và rút lui, dĩ nhiên rồi. Tôi nhớ rằng một gã đàn ông dũng cảm, khi tôi còn là thanh niên ở mấy khu ổ chuột, ông ta bao giờ cũng mang theo một con dao găm ngắn, và nó được đặt ở đây. Như thế này (Borges chỉ vào nách ông), do đó có thể lấy nó ra bất thình lình, và cái từ của khu ổ chuột dành cho con dao – hay một trong những từ của khu ổ chuột – à, đó là từ el fierro, nhưng dĩ nhiên từ đó không có nghĩa gì đặc biệt. Nhưng một trong những cái tên, và nó đã bị thất truyền – thật tiếc – là el vaivén, việc “đi đi lại lại”. Ở từ đi đi lại lại (làm cử chỉ) bạn sẽ thế ánh sáng loé lên của con dao, ánh sáng bất ngờ.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nó giống bao súng của bọn cướp phải không?
BORGES
Chính xác, đúng rồi, giống bao súng – ở bên trái. Rồi người ta có thể lấy nó ra bất thình lình, và anh đạt được el vaivén. Nó được đánh vần như một từ và ai cũng biết nó có nghĩa con dao. El fierro là cái tên nghèo nàn vì gọi nó là miếng sắt hay miếng thép thì chẳng có nghĩa gì cả, trong khi el vaivén thì có.
SUSANA QUINTEROS (bước vào lần nữa)
Señor Campbell vẫn đang chờ.
BORGES
Vâng, vâng chúng tôi biết. Nhà Campbell đang tới!
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Hai nhà văn mà tôi muốn hỏi ông là Joyce và Eliot. Ông là một trong những độc giả đầu tiên của Joyce, và thậm chí ông còn dịch một phần tác phẩm Ulysses sang tiếng Tây-ban-nha phải không?
BORGES
Đúng thế, tôi e là mình đã đảm trách một bản dịch đầy lỗi của trang cuối tác phẩm Ulysses. Giờ thì nói về Eliot, đầu tiên tôi nghĩ ông ấy làm nhà phê bình tốt hơn là làm thi sĩ; giờ thì tôi nghĩ thỉnh thoảng ông ta cũng là thi sĩ tuyệt hảo đó chứ, nhưng với tư cách nhà phê bình tôi phát hiện rằng ông ta quá có khiếu để lúc nào cũng có thể vạch ra những khác biệt tinh hảo. Nếu anh lấy một nhà phê bình vĩ đại nào đó làm ví dụ, chẳng hạn Emerson hay Coleridge, anh sẽ cảm thấy ông ta đọc được nhà văn, và phê bình của ông xuất phát từ cảm nghiệm cá nhân của ông ấy đối với nhà văn, trong khi ở trường hợp Eliot anh sẽ luôn nghĩ – ít nhất là tôi luôn cảm thấy – rằng ông ta sẽ đồng ý với một giáo sư nào đó hay hơi bất đồng với giáo sư khác. Hệ quả là ông ta không sáng tạo. Ông ấy là người thông minh, người vạch ra những khác biệt tinh hảo, và tôi cho là ông ấy đúng; nhưng đồng thời, ta lấy một ví dụ có sẵn, sau khi đọc xong Coleridge bàn về Shakespeare, đặc biệt bàn về nhân vật Hamlet, một Hamlet mới được sáng tạo dành cho anh, hay sau khi đọc Emerson bàn về Montaigne hay bất kì ai có thể. Ở Eliot không có những hành động sáng tạo như vậy. Anh cảm thấy là ông ta đã đọc nhiều sách về chủ đề đó – mà ông ấy đồng ý hay không đồng ý – thỉnh thoảng đưa ra những nhận xét hơi cáu kỉnh, phải không nào?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vâng, rồi sau đó ông ta rút lại.
BORGES
Đúng, đúng, ông ấy rút lại sau đó. Dĩ nhiên ông ta rút lại sau đó những nhận xét bởi vì ban đầu ông ấy là cái mà ta có thể gọi “một thanh niên giận dữ”. Rốt cuộc, tôi cho rằng ông ta nghĩ đến bản thân như một tác giả kinh điển Anh ngữ, và khi đó ông phát hiện rằng mình phải lịch sự với mấy ông bạn kinh điển của mình thôi, để sau đó ông rút lại hầu hết mọi điều mình từng nói về Milton hay thậm chí những lời chống lại Shakespeare. Sau rốt,ông cảm thấy rằng bằng cách thức lí tưởng nào đó tất cả họ đều san sẻ cùng một nền học thuật.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Tác phẩm của Eliot, thơ ông ấy, có tác động nào đến cách viết của bản thân ông không?
BORGES
Không, tôi không nghĩ vậy.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Tôi sửng sốt bởi sự giống nhau quá rõ giữa The Waste Land và truyện “Kẻ bất tử” của ông.
BORGES
À, có thể có điều gì ở đó, nhưng trong vụ này tôi hoàn toàn không để ý đến nó bởi vì ông ta không phải một trong những thi sĩ tôi yêu thích. Tôi sẽ xếp hạng Yeats ở trên ông ta rất nhiều, nếu anh không phiền tôi nói thế, tôi nghĩ Frost là một thi sĩ ổn hơn Eliot. Ý tôi là, một thi sĩ ổn hơn. Nhưng tôi cho rằng Eliot là người thông minh hơn rất nhiều; tuy vậy, trí thông minh gần như chẳng có liên quan gì đến thi ca. Thi ca đâm chồi nảy lộc từ một thứ sâu xa hơn; nó nằm bên kia trí thông minh. Nó thậm chí không thể liên kết được với trí tuệ. Nó là một thứ tự thân; nó có bản tính tự thân. Không thể định nghĩa được. Tôi nhớ – dĩ nhiên hồi còn thanh niên – tôi thậm chí tức giận khi Eliot nói về Sandburg bằng kiểu khinh thường. Tôi nhớ ông ta nói rằng thể văn kinh điển thì tốt – tôi không trích dẫn lời ông ta mà chỉ trích ý – bởi nó cho phép ta đối phó với những nhà văn như ngài Carl Sandburg. Khi người ta gọi một thi sĩ là “ngài” [cười to] thì đó là từ thuộc về những cảm nghĩ ngạo mạn; nó có nghĩa ngài Gì-gì-đó đã tìm ra cách đi vào thi ca và không có quyền ở đó, một kẻ thực sự ngoài cuộc. Trong tiếng Tây-ban-nha nó còn tệ hơn bởi vì thỉnh thoảng khi ta nói đến một thi sĩ thì ta sẽ nói, “El Doctor So-and-so”. Khi ấy nó sẽ thủ tiêu ông ta, nó sẽ tẩy xoá ông ta.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vậy là ông thích Sandburg?
BORGES
Đúng, tôi thích ông ấy. Dĩ nhiên, tôi nghĩ Whitman quan trọng hơn Sandburg nhiều, nhưng khi anh đọc Whitman, thì anh nghĩ đến ông ta như một người của văn chương, có lẽ là một người của chữ nghĩa không-có-quá-nhiều-học-thức, người làm hết sức mình để viết bằng thứ tiếng địa phương, và là người dùng càng nhiều tiếng lóng càng tốt. Ở Sandburg, tiếng lóng dường như đến một cách tự nhiên. Giờ thì dĩ nhiên có hai Sandburg: Có một gã du côn; nhưng cũng có một Sandburg rất mực thanh nhã, đặc biệt khi ông ấy đề cập đến phong cảnh. Thỉnh thoảng khi ông ta mô tả sương mù, chẳng hạn thế, bạn sẽ được gợi đến một bức hoạ Trung-hoa. Trong khi ở những bài thơ khác của Sandburg bạn sẽ phần nào nghĩ về, ờ, bọn cướp, bọn lưu manh, loại người kiểu thế. Nhưng tôi cho rằng ông ta có thể là cả hai, và tôi nghĩ ông ấy cũng là người chân thành: khi ông cố hết sức để thành thi sĩ vùng Chicago và khi ông viết trong một tâm trạng tương đối khác. Một điều khác mà tôi thấy lạ lùng ở Sandburg là thế này, ở Whitman – nhưng dĩ nhiên Whitman là bậc cha anh của Sandburg – Whitman tràn đầy hi vọng, trong khi Sandburg viết như thể ông đang viết ở hai hay ba thế kỉ sắp tới. Khi ông viết về những lực lượng viễn chinh, hay khi ông viết về đế chế hay cuộc chiến hay các thứ khác, ông viết như thể toàn bộ mấy chuyện đó đã chết và đã qua rồi.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vậy là có yếu tố huyễn tưởng trong tác phẩm ông ấy – là điều dẫn tôi tới việc hỏi ông về cái huyễn tưởng. Ông dùng từ này rất nhiều trong tác phẩm của mình, và tôi nhớ ông gọi Green Mansions, ví dụ thế, là một tiểu thuyết huyễn tưởng.
BORGES
À, nó là vậy mà.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vậy thì ông định nghĩa huyễn tưởng như thế nào?
BORGES
Tôi tự hỏi anh có thể định nghĩa được nó không. Tôi nghĩ nó phần nào là tính ý hướng trong một nhà văn. Tôi nhớ đến một nhận xét vô cùng sâu sắc của Joseph Conrad – ông ấy là một trong những tác gia ưa thích của tôi – tôi nghĩ nó nằm trong lời nói đầu cho cuốn gì đó tựa như The Dark Line, nhưng không phải thế…
NGƯỜI PHỎNG VẤN
The Shadow Line?
BORGES
The Shadow Line. Ở lời nói đầu ông nói rằng một số người nghĩ rằng câu chuyện đó là một câu chuyện huyễn tưởng bởi vì hồn ma của vị thuyền trưởng đã làm con tàu đứng lại. Ông ấy viết – và điều đó làm tôi sửng sốt bởi vì bản thân tôi cũng viết truyện huyễn tưởng mà – rằng cố tình viết một câu chuyện huyễn tưởng không phải là việc cảm nhận rằng toàn thể vũ trụ là huyễn tưởng và bí ẩn; cũng không phải chuyện nó thiếu đi tính khả giác đối với một người ngồi xuống và viết thứ gì đó huyễn tưởng một cách cố ý. Conrad nghĩ rằng khi ta viết, thậm chí theo lối hiện thực, về thế giới này, ta sẽ viết một câu chuyện huyễn tưởng bởi vì bản thân thế giới này vốn mang tính huyễn tưởng, khôn lường và bí ẩn.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có cùng niềm tin này phải không?
BORGES
Đúng vậy. Tôi phát hiện là ông ấy đúng. Tôi có nói chuyện với Bioy Casares, ông này cũng có viết truyện huyễn tưởng – những truyện rất rất ổn – và ông ấy nói, “Tôi nghĩ Conrad đúng. Thực vậy, không ai biết được liệu thế giới này là hiện thực hay huyễn tưởng, tức là, liệu thế giới này là một quá trình tự nhiên hay nó là một loại giấc mơ, một giấc mơ mà chúng ta có thể hoặc không thể san sẻ cùng kẻ khác”.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông thường cộng tác với Bioy Casares phải không?
BORGES
Đúng vậy, tôi luôn cộng tác với ông ấy. Mỗi tối tôi tới nhà ông ấy dùng bữa, và sau bữa tối chúng tôi ngồi xuống và viết.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông mô tả phương pháp cộng tác của các ông được không?
BORGES
À, nó khá quái gở. Khi chúng tôi cùng nhau viết, khi chúng tôi cộng tác, chúng tôi tự gọi mình là “H. Bustos Domecq”. Bustos là cụ tổ nhà tôi, và Domecq là cụ tổ nhà ông ấy. Giờ, điều quái gở là khi chúng tôi viết, và khi chúng tôi viết ra những thứ gần như là khôi hài – cho dù câu chuyện bi thảm, chúng vẫn được kể theo lối khôi hài, hoặc chúng được kể như thể người kể chuyện gần như không hiểu ông ta đang nói gì – khi chúng tôi viết cùng nhau, những gì xuất hiện của tác phẩm, nếu chúng tôi thành công, và thỉnh thoảng thì có đó – tại sao không? sau rốt, tôi sẽ nói ở thể số nhiều, phải không nào? – khi tác phẩm của chúng tôi thành công, khi đó những gì hiện ra là một thứ gì đó tương đối khác so với mấy thứ của Bioy Casares và mấy thứ của tôi, thậm chí câu chuyện đùa cũng khác. Do đó chúng tôi đã sáng tạo nên một loại người thứ ba giữa hai chúng tôi; vì lẽ nào đó mà chúng tôi sinh ra một người thứ ba hoàn toàn khác với chúng tôi.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Một tác giả tưởng tượng?
BORGES
Đúng rồi, một tác giả tưởng tượng với những cái ông ấy thích, những cái ông ấy ghét, và một văn phong cá nhân với ý định chứa phong cách buồn cười; nhưng dù vậy, đó là văn phong của chính ông ấy, khác biệt hoàn toàn với loại văn phong tôi viết khi tôi cố gắng sáng tạo nên một nhân vật buồn cười. Tôi nghĩ đó là cách duy nhất của việc cộng tác. Nói chung, chúng tôi cùng nhau xem xét cốt chuyện trước khi đặt bút xuống trang giấy – đúng hơn là tôi nên nói về máy đánh chữ bởi ông ta có một cái máy đánh chữ. Trước khi chúng tôi bắt đầu viết, chúng tôi bàn luận cả câu chuyện; sau đó chúng tôi xem xét các chi tiết, thay đổi chúng, dĩ nhiên rồi: chúng tôi nghĩ đến một khởi đầu, và rồi chúng tôi nghĩ phần khởi đầu có thể là phần kết hoặc nó có thể gây ấn tượng hơn nếu ai đó không nói gì cả hoặc nói gì đó hoàn toàn nằm ngoài mục đích. Một khi câu chuyện được viết ra, nếu anh hỏi chúng tôi liệu tính từ này hoặc câu cụ thể này phát xuất từ Bioy hay từ tôi, thì chúng tôi chẳng thể nào biết được.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nó phát xuất từ người thứ ba.
BORGES
Đúng. Tôi nghĩ đó là cách duy nhất cho việc cộng tác bởi vì tôi đã thử cộng tác với những người khác. Đôi khi nó vận hành ổn thoả, nhưng đôi khi người ta cảm giác rằng người cộng tác là một dạng địch thủ. Hoặc, nếu không muốm nói – như trong trường hợp của Peyrou – chúng tôi bắt đầu cộng tác, nhưng ông ta rụt rè và là một dạng người rất nhã nhặn, rất lịch sự, và hệ quả là nếu ông ta nói bất kì thứ gì, và anh có bất kì phản đối nào, thì ông ấy sẽ cảm thấy tổn thương, và ông ấy sẽ rút lại ý kiến. Ông ta sẽ bảo, “Ồ vâng, tất nhiên, tất nhiên, vâng, tôi sai cả rồi. Đó là một lỗi ngớ ngẩn”. Hoặc nếu bạn đề xuất bất kì thứ gì, ông ấy sẽ bảo, “Ồ, ý đó thật tuyệt!” Giờ thì dạng sự việc kiểu đó không thể thực hiện được. Trong trường hợp tôi và Casares, chúng tôi không cảm giác như thể hai chúng tôi là địch thủ của nhau, hay thậm chí như thể chúng tôi là hai người đang chơi cờ. Không có trường hợp thắng thua gì hết. Những gì chúng tôi nghĩ đến là bản thân câu chuyện, là bản thân cái chất liệu.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Tôi xin lỗi, tôi không biết rõ nhà văn thứ nhì mà ông nêu tên.
BORGES
Peyrou. Ông ta khởi đầu bằng cách bắt chước Chesterton và viết truyện ngắn, truyện trinh thám, không phải thứ vô giá trị, và thậm chí còn tiêu biểu cho phong cách Chesterton. Nhưng giờ đây ông ấy đã có được một loạt tiểu thuyết với mục đích phô bày cho thấy đất nước này trông ra sao suốt thời của Perón và sau khi Perón cao chạy xa bay. Tôi không quan tâm nhiều lắm cho thể loại tác phẩm đó. Tôi hiểu rằng tiểu thuyết của ông ấy rất ổn; nhưng, tôi nên nói thế, là từ quan điểm lịch sử, thậm chí từ quan điểm báo chí. Khi ông ấy bắt đầu viết truyện theo phong cách Chesterton, và sau đó ông viết một số truyện rất ổn – một trong số chúng làm tôi khóc, nhưng dĩ nhiên, có lẽ nó làm tôi khóc bởi vì ông ấy nói đến khu phố tôi được nuôi dạy, Palermo, và nói đến bọn lưu manh ngày ấy – một cuốn sách có nhan đề La noche repetida, với những truyện rất, rất ổn về bọn tội phạm, bọn lưu manh, bọn ăn cướp, loại như thế. Và tất cả thứ đó từ hồi rất lâu, ta hãy nói thế, ờ, hồi đầu thế kỉ. Giờ thì ông ấy đã bắt đầu loại tiểu thuyết mới này trong đó ông ta muốn phô bày ra cho thấy đất nước này trông ra sao.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Sắc màu địa phương, hầu như vậy?
BORGES
Sắc màu địa phương và nền chính trị địa phương. Khi đó các nhân vật của ông ta rất thích thú, ờ, về chuyện đút lót, cướp bóc, làm ra tiền, và cứ thế. Khi mà tôi ít lưu tâm hơn đến những đề tài đó, có lẽ là lỗi ở tôi, không phải ở ông ta, nếu tôi thích những thứ ban đầu của ông ấy hơn. Nhưng tôi lúc nào cũng nghĩ đến ông ta như là một nhà văn xuất sắc, một nhà văn quan trọng, và là ông bạn già của tôi.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông nói rằng tác phẩm của chính ông đã chuyển từ biểu hiện ở thời kì ban đầu sang ám dụ ở thời kì sau.
BORGES
Vâng.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ý ông ám dụ là sao?
BORGES
Này nhé, ý tôi thế này: Khi tôi bắt đầu viết, tôi nghĩ mọi thứ nên được nhà văn định nghĩa. Chẳng hạn, nói “mặt trăng” bị cấm đoán hoàn toàn; người ta phải tìm ra một tính từ, một danh xưng cho mặt trăng. (Dĩ nhiên, tôi đang đơn giản hoá mọi sự. Tôi biết điều này bởi vì nhiều lần tôi đã viết ra “la luna”, nhưng đây là một dạng biểu tượng của những gì tôi đang làm.) Ờ, tôi từng nghĩ mọi thứ cần phải được định nghĩa và không nên dùng lối nói phổ biến. Tôi sẽ không bao giờ nói, “Người-này-người-kia đi vào và ngồi xuống,” bởi vì điều đó quá ư là đơn giản và quá ư dễ hiểu. Tôi từng nghĩ mình phải tìm ra cách ảo diệu nào đó để nói lên điều đó. Giờ thì tôi phát hiện rằng những thứ đó nhìn chung làm cho độc giả khó chịu. Nhưng tôi nghĩ toàn bộ gốc rễ của vấn đề nằm ở sự việc rằng lúc nhà văn còn trẻ anh ta sẽ cảm thấy phần nào đó điều mình sắp sửa nói khá là ngớ ngẩn hoặc hiển nhiên hoặc quá thường tình, thế là anh ta cố che đậy nó dưới lối văn vẻ kiểu baroque, dưới những từ ngữ lấy từ các nhà văn thế kỉ mười bảy; hoặc nếu không thì anh ta bắt đầu trở nên hiện đại, rồi anh ta làm ngược lại: Anh ta sẽ suốt ngày sáng chế ra các từ ngữ, hoặc ám chỉ đến các máy bay, tàu lửa, hoặc ám chỉ đến máy điện báo và điện thoại bởi vì anh ta đang cố hết sức mình để trở nên hiện đại. Rồi khi thời gian trôi đi, họ cảm thấy rằng những ý tưởng của mình, dù tốt dù xấu, phải được biểu lộ thẳng thừng ra, bởi vì nếu bạn có ý tưởng thì bạn phải cố gắng làm cho ý tưởng đó hay cảm giác đó hay tâm trạng đó đi vào trí óc độc giả. Nếu, đồng thời, bạn cố gắng trở thành, chẳng hạn, Sir Thomas Browne hoặc Ezra Pound, thì bạn không thể làm điều đó được. Do đó tôi nghĩ một nhà văn luôn khởi sự bằng cách trở nên quá phức tạp: Anh ta chơi nhiều trò cùng lúc. Anh ta muốn truyền tải một tâm trạng kì dị; đồng thời anh ta phải mang vẻ đương đại và nếu không đương đại thì anh ta sẽ là một kẻ phản động và một tay cổ điển. Nói về từ vựng, điều đầu tiên mà một nhà văn trẻ, ít nhất ở đất nước này, bắt đầu làm là chứng tỏ cho độc giả thấy mình sở hữu cả một cuốn từ điển, rằng anh ta biết tất những từ đồng nghĩa; do vậy chúng ta có, chẳng hạn, trên một dòng chữ, màu đỏ, rồi ta có màu đỏ tươi, rồi ta có những từ khác, gần như thế, cho cùng một màu: màu tía.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Thế là ông làm việc hướng đến một loại tản văn cổ điển?
BORGES
Đúng vậy, hiện tôi đang cố hết sức mình. Bất kì khi nào tôi tìm được một từ xa-xôi-hẻo-lánh, tức là, một từ có thể được dùng trong những tác phẩm kinh điển Tây-ban-nha hoặc một từ được dùng trong những khu ổ chuột ở Buenos Aires, ý tôi là một từ khác biệt với những từ còn lại, rồi tôi gạch bỏ nó, và tôi dùng một từ thông dụng. Tôi nhớ Stevenson viết rằng trên một trang giấy câu chữ rõ ràng thì tất thảy các từ ngữ nên trông cùng một kiểu. Nếu bạn viết ra một từ cục cằn hay một từ gây kinh ngạc hay một từ cổ xưa, thì qui luật đó bị phá vỡ; và điều quan trọng hơn hẳn là sự chú ý của độc giả sẽ bị từ đó làm cho xao nhãng. Ta cần đọc câu chữ đó thật mượt mà dẫu cho anh có đang viết siêu hình học hay triết học hay bất kì thứ gì.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Dr. Johnson đã từng nói điều tương tự thế.
BORGES
Vâng, ông ta hẳn là có nói vậy; trong bất kì trường hợp nào thì ông ấy hẳn đồng ý điều đó. Này nhé, tiếng Anh của bản thân ông ta khá là cồng kềnh, và điều đầu tiên anh cảm thấy là ông ta viết bằng thứ tiếng Anh cồng kềnh – rằng có quá sức nhiều từ ngữ Latin trong đó – nhưng nếu anh đọc lại những gì được viết ra, anh sẽ phát hiện đằng sau những cấu trúc phức tạp nơi cụm từ luôn có một ý nghĩa, nhìn chung thì đó là một ý nghĩa đáng lưu tâm và mới mẻ.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Một ý nghĩa cá nhân?
BORGES
Đúng vậy, một ý nghĩa cá nhân. Do đó cho dù ông ấy viết theo văn phong Latin, tôi nghĩ ông ta là cây bút Anh ngữ xuất sắc nhất. Tôi nghĩ đến ông ấy như là – đây là lời báng bổ, dĩ nhiên, nhưng tại sao không báng bổ trong khi chúng ta định làm vậy? – tôi nghĩ rằng Johnson là cây bút Anh ngữ xuất sắc hơn hẳn Shakespeare. Bởi vì nếu có một thứ điển hình của người Anh, thì đó là thói quen nói bớt nói giảm. Ờ, trong trường hợp Shakespeare thì không có lối nói bớt nói giảm nào. Ngược lại, ông ấy làm cho tình thế càng thêm bi thảm, như tôi nghĩ người Mĩ từng nói. Tôi nghĩ Johnson, người viết một dạng Anh ngữ theo kiểu Latin, và Wordsworth, người viết nhiều từ mang chất Saxon hơn, và còn có cây bút thứ ba mà tôi không thể nhớ tên – ờ – ta hãy nói Johnson, Wordsworth, và Kipling nữa, tôi nghĩa họ có chất Anh ngữ điển hình hơn cả Shakespeare. Tôi không biết tại sao, nhưng tôi lúc nào cũng nghĩ một thứ gì đó có chất Ý, thứ gì đó có chất Do-thái về Shakespeare, và có lẽ người Anh mến mộ ông ấy bởi vì chuyện đó, bởi vì khác họ.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Và là lí do người Pháp ghét ông ta trong chừng mực có thể; bởi vì ông ta quá sức khoa trương.
BORGES
Ông ấy đã rất khoa trương. Tôi nhớ mình có xem một bộ phim vài ngày trước – phim không hay lắm – có tựa đề Darling. Có vài đoạn thơ của Shakespeare được trích dẫn trong đó. Giờ thì những đoạn thơ đó lúc nào cũng hay hơn khi được trích lại bởi vì ông định nghĩa nước Anh, và ông gọi nó, chẳng hạn, là “vườn địa đàng khác, cõi bán thiên đàng… Hòn đá quí giá này được đặt trên biển bạc” và cứ thế, và kết cuộc thì ông nói một thứ như, “địa hạt này, nước Anh này”. Giờ khi đưa đoạn trích đó vào, độc giả sẽ ngưng tại đó, nhưng trong văn bản tôi nghĩ những đoạn thơ cứ tiếp diễn để cho toàn bộ ý tưởng bị mất đi. Cái ý thực sự hẳn là ý tưởng về một người cố gắng định nghĩa nước Anh, yêu cô nàng rất nhiều và kết cuộc phát hiện ra điều duy nhất anh ta có thể làm là nói thẳng ra “England” – như thể anh nói “America” vậy. Nhưng nếu anh ta nói “địa hạt này, vùng đất này, nước Anh này,” và rồi tiếp tục “cõi bán thiên đàng này” và cứ thể, thì toàn bộ ý bị mất đi bởi vì England nên là từ cuối cùng. Ờ, tôi cho rằng Shakespeare luôn viết hối hả, như nhà viết kịch đã nói với Ben Jonson, và thế đó. Bạn không có thời gian cảm nhận rằng đó hẳn sẽ là từ cuối cùng, từ England, kết lại và che kín toàn bộ những từ khác, kiểu như, “À, tôi đang cố gắng đạt được thứ gì đó bất khả.” Nhưng ông ta tiếp tục với nó, với những ẩn dụ và những lời khoa trương của mình, bởi vì ông ấy khoa trương. Thậm chí trong một đoạn nổi tiếng như những lời cuối của Hamlet, tôi nghĩ thế: “The rest is silence” (Chỉ còn lại sự tĩnh mịch). Có điều gì đó bộ tịch ở câu này; nó có ý gây ấn tượng. Tôi không nghĩ có người sẽ nói điều gì như vậy.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ở bối cảnh vở kịch, dòng ưa thích của tôi trong Hamlet xuất hiện ngay sau cảnh cầu nguyện của Claudius khi Hamlet tiến vào thâm cung của bà mẹ và nói: “Now, Mother, what’s the matter?” (Giờ, Mẹ, có chuyện chi thế?)
BORGES
“What’s the matter?” là cái đối lập với “The rest is silence”. Ít nhất là với tôi, “The rest is silence” có vẻ giả dối. Người ta cảm giác Shakespeare đang nghĩ, “À, giờ thì Hoàng tử Hamlet xứ Đan-mạch đang chết dần: Anh ta phải nói điều gì đó gây ấn tượng.” Thế là anh ta chêm vào câu nói “The rest is silence”. Giờ thì câu đó có thể ấn tượng, nhưng nó không đúng! Ông ấy lúc đó vẫn cứ làm việc cật lực công việc thi sĩ của mình và không nghĩ đến nhân vật thực sự, nghĩ đến Hamlet người Đan-mạch.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Khi ông làm việc, loại độc giả nào ông hình dung ra để viết dành cho họ, nếu ông có hình dung? Ai sẽ là độc giả lí tưởng của ông?
BORGES
Có lẽ một vài người bạn thân quen của tôi. Không phải bản thân tôi bởi vì tôi không bao giờ đọc lại những thứ mình viết. Tôi quá sức e sợ phải có cảm giác xấu hổ về những gì mình đã viết.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có kì vọng nhiều người đọc tác phẩm của ông sẽ nắm được những ám dụ và tham chiếu trong đó?
BORGES
Không. Hầu hết những ám dụ và tham chiếu đó được đưa vào đơn thuần như một dạng câu chuyện đùa riêng tư.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Một câu chuyện đùa riêng tư?
BORGES
Một câu chuyện đùa không san sẻ với người khác, ý tôi vậy, nếu họ san sẻ nó thì tốt quá; nhưng nếu không thì tôi cũng chẳng bận tâm làm chi.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vậy thì đó là cách tiếp cận đối lập cho ám dụ, chẳng hạn, xuất phát từ Eliot trong The Waste Land.
BORGES
Tôi nghĩ Eliot và Joyce đều muốn độc giả của mình đâm lúng túng và do đó sẽ cảm được ý nghĩa của những điều họ đã viết.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Dường như ông đọc sách phi hư cấu hoặc sách về sự kiện nhiều bằng, nếu không muốn nói là hơn, sách văn chương và thi ca. Có thật vậy không? Chẳng hạn, rõ ràng ông thích đọc bách khoa thư.
BORGES
À, đúng đó. Tôi rất thích. Tôi nhớ có lần mình thường tới đây đọc sách. Tôi khi đó còn rất trẻ, và tôi quá nhút nhát nên không thể yêu cầu một quyển. Rồi tôi khá là, tôi không nói nghèo, nhưng tôi cũng chẳng giàu có gì vào lúc đó – thế là tôi thường đến đây mỗi tối và lấy ra một quyển Encyclopaedia Britannica [Bách khoa thư Britannica], phiên bản cũ.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Phiên bản thứ mười một?
BORGES
Mười một hay mười hai bởi vì những phiên bản đó hơn hẳn mấy phiên bản mới. Chúng làm ra với ý để đọc. Giờ thì chúng đơn thuần là sách tham khảo. Trong khi ở phiên bản thứ mười một hay mười hai của Encyclopaedia Britannica, anh sẽ có những bài viết dài của Macaulay, của Coleridge; không, không phải của Coleridge, của…
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Của De Quincey?
BORGES
Vâng, của De Quincey, và nhiều người nữa. Thế là tôi thường lấy bất kì quyển nào trên kệ – không cần phải yêu cầu chúng: Chúng là sách tham khảo – và sau đó tôi mở quyển sách đến khi tìm được một bài làm tôi hứng thú nhất, chẳng hạn, viết về những người theo đạo Mormon hoặc về bất kì nhà văn đặc biệt nào. Tôi ngồi xuống và đọc nó bởi vì những bài viết đó thực sự là một chuyên khảo, thực sự là những cuốn sách hoặc những cuốn sách ngắn. Điều tương tự cũng xảy ra đối với những bộ bách khoa thư tiếng Đức – Brockhaus hoặc Meyers. Khi chúng tôi có bản mới, tôi nghĩ bản đó là cái họ gọi là The Baby Brockhaus, nhưng không phải. Người ta giải thích với tôi rằng bởi vì nhiều người sống trong những căn hộ nhỏ nên không có đủ chỗ chứa ba mươi quyển sách. Bách khoa thư đã chịu đựng quá nhiều; chúng đã bị dồn lại.
SUSANA QUINTEROS [chen vào]
Tôi xin lỗi. Está esperando el Señor Campbell. [Ông Campbell đang chờ ạ]
BORGES
À, vui lòng kêu ông ta chờ thêm chút nữa. Nhà Campbell đó cứ tới.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Tôi có thể hỏi thêm vài câu nữa không?
BORGES
Vâng, xin cứ hỏi, dĩ nhiên rồi.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Một số độc giả thấy truyện của ông giá lạnh, thiếu tình người, khá giống một số nhà văn Pháp mới nổi. Đó có phải ý định của ông?
BORGES
Không. (Buồn bã) Nếu chuyện đó xảy ra, đó đơn thuần là do sự vụng về. Bởi vì tôi đã cảm nhận chúng rất sâu sắc. Tôi đã cảm nhận chúng sâu sắc đến mức tôi đã kể chúng, ờ, bằng cách dùng nhiều biểu tượng kì lạ để người ta không thể phát hiện ra rằng chúng gần như chỉ mang tính tự truyện. Những câu chuyện đó là về bản thân tôi, về những trải nghiệm cá nhân tôi. Tôi cho rằng đó là tính rụt rè của người Anh, không phải sao?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vậy một cuốn giống tập sách nhỏ có nhan đề Everness hẳn sẽ là cuốn sách ổn dành cho những người đọc về tác phẩm của ông?
BORGES
Tôi nghĩ thế. Bên cạnh đó, quí bà viết nó là bạn thân của tôi. Tôi tìm thấy từ đó trong Roget’s Thesaurus. Sau đó tôi nghĩ từ này do Giám mục Wilkins sáng chế ra, người đã sáng chế một thứ ngôn ngữ nhân tạo.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có viết về điều đó.
BORGES
Đúng rồi, tôi đã viết về Wilkins. Nhưng ông ta cũng sáng chế một từ tuyệt diệu mà thật lạ lùng là chưa từng được các thi sĩ Anh ngữ dùng tới – một từ ghê hồn, thật sự, một từ rất tệ. Everness, dĩ nhiên, ổn hơn eternity, bởi vì eternity hiện giờ khá cũ mòn. Ever-r-ness thì ổn hơn hẳn từ Ewigkeit bên tiếng Đức, một từ tương tự. Nhưng ông ấy cũng tạo ra một từ đẹp, một từ mà tự thân nó là một bài thơ, tràn đầy sự vô vọng, buồn bã, và tuyệt vọng: từ neverness. Một từ đẹp đẽ, không phải sao? Ông ấy đã sáng chế ra nó, và tôi không biết lí do tại sao các thi sĩ để nó nằm lăn lóc đó mà không bao giờ dùng.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông đã dùng nó phải không?
BORGES
Không, không, chưa bao giờ. Tôi đã dùng everness, nhưng neverness rất đẹp. Có điều gì đó vô vọng về nó, không phải sao? Và không có từ nào có cùng nghĩa với nó trong bất kì ngôn ngữ nào khác, hoặc cả trong tiếng Anh. Anh có thể nói impossibility, nhưng rất vô vị đối với neverness: tiếng Saxon kết thúc bằng –ness. Neverness. Keats dùng nothingness: “Till love and fame to nothingness do sink”; nhưng nothingness, theo tôi nghĩ, yếu hơn neverness. Trong tiếng Tây-ban-nha anh sẽ có từ nadería – nhiều từ tương tự – nhưng không có từ nào như từ neverness. Do đó nếu anh là thi sĩ, anh nên dùng từ đó. Thật tiếc là từ đó lại bị thất lạc trong những trang giấy từ điển. Tôi không nghĩ nó đã từng được dùng đến. Có lẽ nó được nhà thần học nào đó dùng; có thể vậy. Tôi cho rằng Jonathan Edwards hẳn sẽ thích thú dạng từ đó hoặc Sir Thomas Browne, có lẽ, và Shakespeare, dĩ nhiên, vì ông ta rất yêu thích từ ngữ.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông phản ứng với tiếng Anh rất tốt, ông yêu nó rất nhiều, thế sao ông lại viết bằng tiếng Anh quá ít đến vậy?
BORGES
Tại sao à? Tại sao, tôi e sợ. Sợ hãi. Nhưng năm tới, có mấy bài giảng mà tôi sẽ đọc, tôi sẽ viết nó bằng tiếng Anh. Tôi đã viết thư cho Harvard rồi.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Sang năm ông sẽ tới Harvard à?
BORGES
Đúng vậy. Tôi sẽ có những bài giảng về thi ca. Và do tôi nghĩ thi ca thuộc dạng gần như bất khả chuyển dịch, và do tôi nghĩ văn chương Anh ngữ – và cái đó gồm luôn cả Mĩ – thuộc dạng phong phú nhất trên thế giới, nên tôi sẽ lấy hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả ví dụ, từ thi ca Anh ngữ. Dĩ nhiên, do tôi có sở thích riêng mình, tôi sẽ cố gắng làm việc ở những thể thơ viết bằng Old English (tiếng Anh cổ), nhưng đó cũng là tiếng Anh! Thực ra, theo một số sinh viên của tôi, nó còn Anh ngữ hơn cả Anh ngữ của Chaucer!
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Trở về tác phẩm của ông trong một lúc: Tôi thường tự nhủ làm sao mà ông khởi sự sắp xếp các tác phẩm vào những tuyển tập đó. Hiển nhiên nguyên tắc không phải theo niên đại. Nó có cùng chủ đề chăng?
BORGES
Không, không phải dạng niên đại; nhưng thỉnh thoảng tôi phát hiện ra rằng tôi đã viết lại cùng một truyện ngụ ngôn hay một truyện nào đó đến hai lần, hoặc hai câu chuyện khác nhau cùng mang một ý nghĩa, và thế là tôi cố gắng đặt chúng cạnh nhau. Đó là nguyên tắc duy nhất. Bởi vì, chẳng hạn như, một khi tôi tình cờ viết một bài thơ, thì đó là bài thơ không hay lắm, và sau đó viết lại nó nhiều năm sau. Sau khi bài thơ được viết ra, một số người bạn bảo tôi: “À, đây là bài thơ giống hệt cái ông đã xuất bản năm năm trước.” Và tôi nói, “À, vậy thì nó đó!” Nhưng tôi chẳng có một tí khái niệm nào về nó. Sau rốt, tôi nghĩ rằng một thi sĩ có lẽ có năm hay sáu bài thơ để viết và không hơn được con số đó. Anh ta bắt tay vào thử viết lại chúng từ nhiều góc độ khác nhau và có lẽ với nhiều cốt chuyện khác nhau và ở những độ tuổi khác nhau và những nhân vật khác nhau, nhưng những bài thơ đó về mặt căn bản và xét về nội tại thì chúng tương tự nhau.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông đã viết nhiều bài điểm sách và nhiều bài đăng tập san.
BORGES
À, tôi phải làm chuyện đó.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có phải chọn những quyển mà ông muốn điểm không?
BORGES
Có, nhìn chung là tôi có chọn.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Do đó sự lựa chọn này bộc lộ sở thích riêng ông?
BORGES
Ờ vâng, vâng. Chẳng hạn, khi có người bảo tôi viết bài điểm sách cho một quyển “Lịch sử văn chương” nào đó, tôi phát hiện nhiều lỗi ngớ ngẩn và cẩu thả, và do tôi rất cảm phục tác giả ở vai trò thi sĩ, nên tôi bảo, “Không, tôi không muốn viết về cuốn đó, bởi vì nếu tôi viết về nó tôi sẽ chống lại nó.” Tôi không thích công kích người ta, đặc biệt lúc này – lúc tôi còn trẻ, thì có, tôi rất thích chuyện đó, nhưng khi thời gian qua đi, ta thấy điều đó chẳng tốt gì. Khi người ta viết ủng hộ hay chống lại bất kì ai, thì điều đó khó lòng mà giúp ích hoặc làm tổn thương họ. Tôi nghĩ rằng người ta có thể được giúp, ờ, người đó có thể được chấp nhận hoặc bị hạ gục bằng bản văn của chính họ, chứ không phải bằng những điều người ta nói về họ, do đó cho dù anh khoe khoang rất nhiều và người ta bảo anh là thiên tài – ờ, anh sẽ bị phát hiện thôi.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có phương pháp đặc biệt nào để đặt tên cho các nhân vật?
BORGES
Tôi có hai phương pháp: Một là đưa vào tên của ông nội, ông ngoại, ông cố, cứ thế. Cho họ một dạng của, ờ, tôi sẽ không nói tính bất tử, nhưng đó là một phương pháp. Phương pháp kia là dùng những cái tên tự nhiên chợt hiện trong đầu tôi. Chẳng hạn, trong một truyện, một trong những nhân vật đến rồi đi có tên Yarmolinsky bởi vì cái tên này chợt hiện ra trong đầu – đó là một từ lạ, không phải sao? Rồi một nhân vật khác có tên Red Scharlach bởi vì Scharlach nghĩa là scarlet (màu tía) trong tiếng Đức, và hắn là kẻ sát nhân; hắn mang sắc đỏ theo hai lối; không phải sao? Red Scharlach: Red Scarlet.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Còn về công chúa với cái tên đẹp từng xuất hiện trong hai truyện của ông?
BORGES
Faucigny Lucinge? À, cô ấy là người bạn tuyệt vời của tôi. Đó là một quí cô Argentina. Cô ấy cưới một chàng hoàng tử Pháp, và do cái tên rất đẹp, như hầu hết các nhan đề tiếng Pháp, đặc biệt nếu anh cắt đi chữ Faucigny, như cô ấy đã làm. Cô ta gọi mình là La Princesse de Lucinge. Đó là một từ thật đẹp.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Còn về Tlön và Uqbar?
BORGES
Ờ, ừ, đó chỉ đơn thuần có ý tục tằn. Sou-q-b-a-r.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Không thể phát âm, trong chừng mực nào đó.
BORGES
Đúng vậy, gần như không thể phát âm, và rồi Tlön: t-l- là cách kết hợp khá lạ, không phải sao? Rồi ö. Chữ Latin Orbis Tertius – ta có thể nói từ đó dễ dàng, không phải sao? Có lẽ trong Tlön tôi nghĩ đến traum, từ tương đương với dream trong tiếng Anh. Nhưng rồi nó sẽ phải là Tröme, nhưng Tröme có thể làm độc giả nghĩ đến tàu lửa: t-l- là sự kết hợp kì dị hơn. Tôi nghĩ tôi đã chế ra một từ dành cho những đối tượng tưởng tượng được gọi là hrön. Tuy thế khi tôi bắt đầu học Old English, tôi phát hiện rằng hran là một trong những từ dành cho cá voi. Có hai từ, wael và hran, thế nà hranrād là “whale road” (con đường cá voi), tức là muốn nói “biển cả” trong thi ca Old English.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vậy cái từ do ông sáng chế để mô tả một đối tượng được trí tưởng tượng gây ra cho thực tại, từ đó đã được sáng chế ra rồi và thực tế nó là một hran?
BORGES
Đúng, đúng, nó đến với tôi. Tôi muốn nghĩ rằng nó đến từ tổ tiên của tôi từ mười thế kỉ trước – đó là một lời giải thích có thể được, không phải sao?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Có phải ông nói rằng trong truyện của mình thì ông đã cố gắng lai truyện ngắn với tiểu luận?
BORGES
Đúng vậy – nhưng tôi làm thế có chủ đích. Người đầu tiên chỉ ra điều đó cho tôi là Casares. Ông ấy nói rằng tôi đã viết nhiều truyện ngắn thực sự thuộc dạng lưng chừng giữa tiểu luận và truyện.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Có phải điều đó phần nào bù đắp cho sự rụt rè của ông về việc viết thể văn kể chuyện?
BORGES
Vâng, có lẽ vậy. Đúng vậy; bởi vì ngày nay, hoặc ít nhất là hôm nay, tôi bắt đầu viết loạt truyện về bọn du đãng ở Buenos Aires: Đó là những câu chuyện cởi mở. Không có gì thuộc về luận ở chúng hoặc thậm chí không có gì thi ca. Chúng luôn bị nói giảm nói bớt đi. Chúng được kể lại từ những người cũng là những kẻ du đãng, và bạn khó lòng có thể hiểu chúng. Chúng có thể là bi kịch, nhưng họ không cảm nhận được bi kịch. Họ đơn thuần chỉ kể chuyện, và tôi cho rằng độc giả bị khiến phải cảm giác rằng câu chuyện sẽ đi sâu hơn bản thân câu chuyện. Không có gì được nói đến về những tình cảm nơi các nhân vật – tôi lấy điều đó từ saga [một dạng văn xuôi] bằng Old Norse (tiếng Đức cổ) – ý tưởng rằng ta nên biết nhân vật bằng ngôn từ của họ và bằng việc làm của họ, nhưng ta không nên đi vào hộp sọ của họ và nói những điều họ đang nghĩ.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vậy là chúng thuộc dạng phi tâm lí học thay vì vô cảm?
BORGES
Đúng thế, nhưng có một dạng tâm lí ngầm ẩn đằng sau câu chuyện bởi vì, nếu không, nhân vật chỉ là những con búp-bê đơn thuần.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Còn về Cabala? Lần đầu tiên ông trở nên hứng thú với nó là lúc nào?
BORGES
Tôi nghĩ nó thông qua De Quincey, thông qua ý tưởng của ông ta cho rằng toàn bộ thế giới là tập hợp các biểu tượng, hoặc ý rằng mọi thứ đều mang ý nghĩa một thứ khác. Sau đó khi tôi sống ở Geneva, tôi có hai người bạn thân thiết, hai người bạn tuyệt vời – Maurice Abramowicz và Simon Jichlinski – tên họ cho anh biết dòng dõi xuất thân của họ: Họ là những người Do-thái ở Ba-lan. Tôi rất ngưỡng mộ Thuỵ-sĩ và bản thân đất nước đó, không đơn thuần về cảnh vật và các thị trấn; mà người Thuỵ-sĩ rất lạnh lùng; ta khó lòng có thể có một người bạn Thuỵ-sĩ bởi vì do họ phải sống nhờ vào người ngoại quốc, tôi cho rằng họ ghét người ngoại quốc. Điều đó cũng tương tự đối với những người Mexico. Họ chủ yếu sống nhờ vào người Mĩ, du khách Mĩ, và tôi không nghĩ có người thích trở thành chủ khách sạn cho dù không có gì đáng hổ thẹn về chuyện này cả. Nhưng nếu anh là chủ khách sạn, nếu anh phải tiếp đãi nhiều người đến từ nhiều nước khác, ờ, thì anh sẽ cảm thấy rằng họ khác với anh và về lâu về dài anh có thể ghét họ.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Có phải ông đã cố làm cho những truyện của bản thân mang chất Cabala?
BORGES
Vâng, thỉnh thoảng tôi có cố gắng.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Dùng những diễn giải mang chất Cabala truyền thống?
BORGES
Không. Tôi đọc một cuốn sách nhan đề Major Trends in Jewish Mysticism.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Cuốn của Scholem?
BORGES
Vâng, của Scholem và cuốn khác của Trachtenberg bàn về những điều mê tín Do-thái. Rồi tôi đọc toàn bộ sách của đạo Cabala tìm thấy được và toàn bộ những bài viết trong mấy cuốn bách khoa thư và cứ thế. Nhưng tôi không có chút chất Do-thái nào. Có lẽ tôi có tổ tiên Do-thái, nhưng không thể biết được. Tên mẹ tôi là Acevedo: Acevedo có thể là tên dành cho người Do-thái ở Bồ-đào-nha, nhưng cũng có thể không phải. Giờ nếu anh được gọi là Abraham, tôi nghĩ không hề có chút nghi ngờ gì về nó, nhưng khi người Do-thái lấy tên Ý, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, thì không nhất định xảy ra chuyện nếu bạn có một trong những cái tên đó thì bạn xuất thân từ dòng dõi Do-thái. Từ acevedo dĩ nhiên có nghĩa là một loại cây; từ này không đặc biệt phải là Do-thái, mặc dù nhiều người Do-thái mang tên Acevedo. Tôi không thể biết được. Tôi ước gì mình có tổ tiên người Do-thái nào đó.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông từng viết rằng mọi người hoặc theo Platon hoặc theo Aristoteles.
BORGES
Tôi có nói đâu. Coleridge nói đó chứ.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nhưng ông trích lại ông ấy.
BORGES
Đúng vậy, tôi trích lại ông ta.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Thế ông thuộc dạng nào?
BORGES
Tôi nghĩ mình theo Aristoteles, nhưng tôi mong muốn theo lối kia. Tôi nghĩ chính cái khuynh hướng Anh ngữ làm tôi nghĩ đến những điều và những người đặc thù là hiện thực thay vì những ý niệm tổng quát là hiện thực. Nhưng tôi e rằng giờ thì nhà Campbell đang tới.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Trước khi đi, ông có phiền nếu kí vào cuốn Labyrinths không?
BORGES
Tôi rất vui lòng. À vâng, tôi biết cuốn này. Có hình tôi – nhưng có phải thực sự tôi trông như vậy không? Tôi không thích bức hình đó. Tôi không quá u sầu phải không? Quá kiệt quệ phải không?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông không nghĩ nó trông có vẻ ưu tư?
BORGES
Có lẽ. Nhưng quá u tối? Quá nặng nề? Cái lông mày… ồ, ờ.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có thích tác phẩm mình ở phiên bản này không?
BORGES
Một bản dịch tốt, không phải sao? Ngoại trừ có quá nhiều chữ Latin trong đó. Chẳng hạn, nếu tôi viết, giả dụ như, habitación oscura (tôi sẽ không viết thế, dĩ nhiên, mà là cuarto oscuro, nhưng cứ giả dụ như tôi viết vậy), rồi có sự cám dỗ để dịch habitación bằng habitation, một từ có âm gần với từ gốc. Nhưng từ mà tôi muốn là room [căn phòng]: Nó rõ ràng hơn, đơn giản hơn, ổn hơn. Anh biết đó, tiếng Anh là ngôn ngữ đẹp, nhưng những ngôn ngữ cổ xưa hơn thì càng đẹp hơn: Chúng có những nguyên âm. Nguyên âm trong tiếng Anh hiện đại đã mất đi giá trị của mình, sắc thái của mình. Hi vọng của tôi dành cho tiếng Anh – dành cho ngôn ngữ tiếng Anh – là tiếng Mĩ. Người Mĩ nói năng rõ ràng. Giờ đây khi tôi đi xem phim, tôi không thể thấy nhiều thứ, nhưng ở phim Mĩ, tôi hiểu mọi từ. Ở phim Anh tôi không thể hiểu tốt như thế. Anh có từng phát hiện ra như vậy không?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Thỉnh thoảng, đặc biệt ở mấy phim hài. Diễn viên Anh dường như nói quá nhanh.
BORGES
Chính xác! Chính xác. Quá nhanh mà quá ít nhấn mạnh. Họ làm mờ đi các từ ngữ, các âm thanh. Một vết mờ vụt nhanh qua. Không, người Mĩ phải cứu lấy ngôn ngữ này; và, anh có biết là tôi nghĩ chuyện tương tự cũng đúng với tiếng Tây-ban-nha? Tôi thích cách nói ở Nam Mĩ hơn. Tôi luôn như vậy. Tôi cho rằng anh ở Mĩ không đọc Ring Lardner hay Bret Harte nhiều nữa đúng không?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Cũng có người đọc, nhưng hầu hết ở trường cấp hai.
BORGES
Còn về O. Henry?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Cũng hầu hết trong trường học.
BORGES
Và tôi cho rằng ở đó hầu hết là vì kĩ thuật, cái kết bất ngờ. Tôi không thích thủ thuật đó, anh có không? Ồ, về lí thuyết thì ổn cả thôi; còn thực tế là chuyện khác. Anh có thể đọc chúng chỉ một lần nếu chỉ có sự bất ngờ. Anh nhớ những gì Pope nói: “nghệ thuật chìm lắng” (the art of sinking). Bây giờ ở loại truyện trinh thám, chuyện đó khác. Bất ngờ cũng ở đó, nhưng còn có các nhân vật; quang cảnh hay phong cảnh để thoả mãn chúng ta. Nhưng giờ tôi nhớ rằng nhà Campbell đang tới, nhà Campbell đang tới. Họ được cho là một bộ tộc tàn bạo. Họ đâu rồi?
* Toàn bộ phần thời gian thêm vào ở trên đều chỉ đến ấn phẩm dịch xuất bản ở Mĩ.
[1] Rosas, Juan Manuel de (1793-1877), nhà độc tài quân sự người Argentina.
[2] Đây có lẽ do nhớ sai: Truyện đó là “Pierre Menard, autor del Quijote”, xuất bản trong tập truyện Sur, số 56 (tháng Năm, 1939). Borges thực tế đã viết hai truyện trước truyện này – “The Approach to Al-Mu’tasim” (1938), bài phê bình về một cuốn sách không tồn tại (tương tự truyện “Pierre Menard”), và “Hombre de la esquina rosada”, truyện ngắn đầu tiên của ông, xuất bản lần đầu trong tập A Universal History of Iniquity năm 1935. Giải Prix Formentor, được đề cập sau đó trong bài phỏng vấn này, là dành cho tập truyện Ficciones của Borges, trong đó không có truyện “Hombre de la esquina rosada”.
[3] Callois là nhà xuất bản.
[4] Đó là năm 1936.
Duy Đoàn chuyển ngữ
Tuyển Tập Tác Phẩm Tuyển Tập Tác Phẩm - Jorge Luis Borges Tuyển Tập Tác Phẩm