Vấn đề không phải ở chỗ bạn đang gặp khó khăn mà chính ở chỗ bạn xem khó khăn là một vấn đề.

Theodore Rubin

 
 
 
 
 
Tác giả: Jorge Luis Borges
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Duy Vo
Upload bìa: Duy Vo
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4111 / 140
Cập nhật: 2015-07-04 22:49:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Bức Tường Thành Và Sách
uy Đoàn dịch từ bản tiếng Anh của Eliot Weinberger
Một vài ngày trước, tôi đọc được rằng người đàn ông ra lệnh cho việc xây dựng Bức tường thành Trung-hoa dài gần như bất tận chính là vị Hoàng-đế đầu tiên, Thuỷ Hoàng-đế, cũng ông này ra chiếu chỉ đốt toàn bộ sách vở được viết trước thời của ông ta. Hai nhiệm vụ to lớn này – năm sáu trăm lí (league) [1] tường đá để ngăn chặn bọn rợ, và việc huỷ bỏ lịch sử, tức là quá khứ, một cách triệt để – là công việc của cùng một người, và, ở một ý nghĩa nào đó, thì đó là đặc tính của ông ta, và không thể cắt nghĩa được là chuyện đó đã thoả mãn tôi cùng lúc với việc làm tôi phiền muộn. Để tìm ra nguyên do cho cảm xúc đó chính là mục đích của bài viết này.
Về mặt lịch sử, chẳng có gì bí ẩn về hai phương thức này. Vào cùng thời những cuộc chiến tranh của Hannibal, Thuỷ Hoàng-đế, vị vua nhà Tần, đã chinh phục cả sáu vương quốc và đặt dấu chấm hết cho thể chế phong kiến; ông ta xây bức tường thành bởi vì tường chính là sự phòng vệ; ông ta đốt sách bởi vì các đối thủ của ông ta có thể viện dẫn sách vở để ca ngợi các tiên đế. Đốt sách và dựng thành là những công việc thường thấy của các ông hoàng; chuyện vô song duy nhất về Thuỷ Hoàng-đế là cái mức độ mà ông ta tiến hành. Ít nhất thì đó là ý kiến của các nhà nghiên cứu Trung-hoa, nhưng tôi tin rằng cả hai hành động kia là một cái gì đó còn hơn cả sự phóng đại và cường điệu của những tâm tính tầm thường. Xây rào quanh một khu đất trồng trái cây hoặc một khu vườn là điều bình thường, nhưng cả một vương quốc là một chuyện khác. Đó cũng không phải là vấn đề nhỏ khi bắt buộc cả một dân tộc có truyền thống thuộc hàng bậc nhất phải từ bỏ kí ức của dĩ vãng, cho dù là thần thoại hay có thực. Niêu đại của Trung-hoa đã được ba ngàn năm (và trong đó bao gồm các vị như Hoàng Đế và Trang tử và Khổng tử và Lão tử) khi Thuỷ Hoàng-đế ra lệnh rằng lịch sử sẽ bắt đầu từ thời ông ta.
Thuỷ Hoàng-đế đã trục xuất mẹ ông ta vì tội truỵ lạc; những người theo truyền thống thì nhìn nhận hành vi cứng rắn này là hành động bất hiếu.Có lẽ Thuỷ Hoàng-đế muốn xoá bỏ những cuốn sách chuẩn mực vì những cuốn sách đó công kích ông ta; Thuỷ Hoàng-đế có lẽ muốn bỏ đi toàn bộ quá khứ để bỏ đi một kí ức đơn lẻ: nỗi nhục nhã của mẹ ông ta. (Không khác mấy một vị vua nọ, ở Judea, người đã giết toàn bộ trẻ con chỉ đế giết một đứa trẻ.) Phỏng đoán này khá vững, nhưng điều đó không cho chúng ta biết gì về bức tường thành, một mặt khác của một huyền thoại. Thuỷ Hoàng-đế, theo như các nhà sử học, đã cấm tiệt việc nhắc đến cái chết, và tìm kiếm thuốc tiên giúp trường sinh bất tử và tự giam mình trong một cung điện bóng bẩy với số phòng tương đương với số ngày trong một năm; những sự kiện này gợi ý rằng bức tường trong không gian và ngọn lửa để đốt sách trong thời gian chính là những rào cản huyền ảo dùng để ngăn chặn cái chết. Tất cả mọi thứ đều muốn tiếp tục tồn tại trong thực thể của chính nó, Baruch Spinoza [3] viết như vậy; có lẽ vị hoàng đế và các thầy pháp của ông ta tin rằng sự bất tử là lẽ tự nhiên và cho rằng sự thối rữa không thể thâm nhập được vào một quả cầu đóng kín. Có lẽ hoàng đế muốn tái tạo lại quá trình khởi đầu của thời gian và tự gọi mình là Thuỷ (đầu tiên) để thực sự là người đầu tiên, và gọi mình là Hoàng-đế để một cách nào đó như là Hoàng Đế, vị vua huyền thoại đã sáng chế ra chữ viết và la bàn. Cũng chính Hoàng Đế là người, theo như cuốn Book of Rites, gán mọi sự vật bằng cái tên thực của chúng; tương tự vậy, Thuỷ Hoàng-đế đã nói một cách khoe khoang, mà những bản khắc chữ hiện vẫn còn tồn tại, rằng mọi vật dưới thời cai trị của ông ta đều có tên gọi phù hợp với chúng. Ông ta mơ mộng về việc thiết lập một vương triều bất tử; ra chiếu chỉ rằng những người kế vị ông ta sẽ được gọi là Nhị Hoàng-đế, Tam Hoàng-đế, Tứ Hoàng-đế, và cứ thế đến bất tận… Tôi đã nói về một dự định huyền ảo; điều đó cũng có thể được cho rằng việc xây bức tường thành và việc đốt sách vở không phải là những hành động xảy ra cùng một lúc. Do vậy (tuỳ vào thứ tự mà ta chọn) chúng ta sẽ có hình ảnh một vị vua bắt đầu bằng việc phá huỷ và rồi tự bảo quản chính mình; hoặc hình ảnh một vị vua vỡ mộng đã cho phá huỷ những gì mà ông ta từng bảo vệ. Cả hai điều phỏng đoán đó đều kịch tính; nhưng theo như tôi biết thì chúng thiếu đi những nền tảng lịch sử. Herbert Allen Giles [4] cho biết rằng bất kì ai giấu sách vở đều bị in thanh sắt nóng lên người và bị xử phải làm việc cho đến chết ở bức tường thành dài vô hạn kia. Điều này ủng hộ, hoặc cho phép có một diễn giải khác. Có lẽ bức tường thành là một ẩn dụ; có lẽ Thuỷ Hoàng-đế trừng phạt những ai tôn sùng quá khứ phải làm một việc to lớn như chính cái quá khứ, một việc ngu ngốc và vô dụng. Có lẽ bức tường thành là một thách thức và Thuỷ Hoàng-đế nghĩ rằng, “Loài người yêu quá khứ và chống lại tình yêu đó là điều mà ta cũng như những kẻ đao phủ của ta không thể làm, nhưng một ngày kia sẽ xuất hiện một người đàn ông cũng cảm thấy như ta, và ông ta sẽ phá huỷ bức tường thành của ta, như ta đã tiêu huỷ các sách vở, và ông ta sẽ xoá kí ức của ta và trở thành cái bóng, hình ảnh phản chiếu của ta và sẽ không biết được điều ấy.” Có lẽ Thuỷ Hoàng-đế rào vương quốc của ông ta lại bằng tường thành vì ông ta biết được rằng vương quốc này rất mỏng manh, và tiêu huỷ đi sách vở vì ông ta biết chúng là những cuốn sách thiêng liêng, nhưng cuốn sách dùng để dạy những gì mà toàn thể vũ trụ này chỉ bảo hoặc để dạy dỗ cái lương tâm của từng con người. Có lẽ việc đốt các thư viện sách vở và việc xây tường thành là hai hành động, bằng một cách bí ẩn nào đó, tự xoá bỏ lẫn nhau.
Một bức tường thành kiên định, ở thời điểm này và ở toàn bộ mọi thời điểm, chiếu cả một hệ thống hình bóng của nó lên những vùng đất mà tôi sẽ không bao giờ thấy được, nó chính là hình bóng của Caesar, người đã nói rằng những quốc gia đáng tôn kính nhất phải thiêu đốt đi cái quá khứ của chính mình; cái ý tưởng đó là cái làm chúng ta rời khá xa những phỏng đoán trong tầm cho phép. (Tính chất của nó có thể nằm trong sự tương phản giữa xây dựng và phá huỷ, trên một phương diện rộng.) Tổng quát hoá lại, chúng ta có thể suy ra được rằng tất cả các hình thức đều có tính chất ở ngay bên trong nó và không phải nằm bên trong một “nội dung” theo kiểu giả thiết. Điều đó xác nhận lí thuyết của Benedetto Croce [5]; vào năm 1877, Pater [6] đã cho rằng mọi hình thức nghệ thuật đều cố đạt được sự tuơng đồng với âm nhạc, vốn chỉ có hình thức chứ không còn gì khác. m nhạc, những trạng thái hạnh phúc, thần thoại, những gương mặt sẽ phai tàn đi theo thời gian, theo những buổi chạng vạng, và những nơi chốn cụ thể, tất cả muốn nói cho chúng ta nghe về một điều gì đó, hoặc đã nói cho chúng ta một điều gì đó mà chúng ta lẽ ra không nên đánh mất, hoặc chuẩn bị nói cho chúng ta biết về điều gì đó; điều sắp đến đó của một sự thiên khải mà vẫn chưa lộ ra có lẽ là một sự việc mang tính mĩ học.
[1950]
Dịch tại Sài-gòn.
Chú thích của người dịch:
[1] League: đơn vị đo lường, 1 league bằng khoảng 3 dặm hoặc 4 cây số.
[2] Hannibal (247 -183 BC): một vị tướng người Carthage (một thành phố cổ xưa, nằm ở vị trí hiện giờ là nước Tunisia), một trong những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại của thời cổ xưa, người đã thống lĩnh Carthage trong cuộc chiến chống lại Rome tại cuộc chiến Punic lần hai (218-201 BC)
[3] Baruch Spinoza (1632-1677): triết gia người Hà-lan gốc Do-thái.
[4] Herbert Allen Giles (1845-1935): học giả người Anh chuyên về ngôn ngữ và văn hoá Trung-hoa.
[5] Benedetto Croce (1866-1952): nhà sử học, nhà nhân văn và là nhà triết học nổi tiếng người Ý vào nửa đầu thế kỉ 20.
[6] Walter Pater (1839-1894): nhà phê bình, nhà tiểu luận và nhà nhân văn người Anh, là người công khai ủng hộ cho quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật” vốn là tuyên ngôn cốt yếu cho phong trào Chủ nghĩa Duy mĩ (Aestheticism) tại châu u vào cuối thế kỉ 19.
Tuyển Tập Tác Phẩm Tuyển Tập Tác Phẩm - Jorge Luis Borges Tuyển Tập Tác Phẩm